Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

Chuyen La Co That Ve Mot Con Nguoi.html

Chuyen La Co That Ve Mot Con Nguoi.html


Thông tin ebook

Tên truyện: Chuyện Lạ Có Thật Về Một Con Người

Tác giả: Cao Hùng

Thể loại: Truyện ký

Nhà xuất bản: Lao Động

Ngày xuất bản: Tháng 08/2008

Số trang: 188

Kích thước: 13 * 19 cm

Trọng lượng: 200 gr

Số quyển / 1 bộ: 1

Hình thức bìa: Bìa mềm

Giá bìa: 32.000 VNĐ

———————————–

Nguồn: http://vnthuquan.net

Đánh máy: HanAn

Chuyển sang ebook (TVE): santseiya

Ngày hoàn thành: 23/11/2009

Nơi hoàn thành: Hà Nội

http://www.thuvien-ebook.com


Mục Lục

LỜI NHÀ XUẤT BẢN

LỜI GIỚI THIỆU

MỞ ĐẦU

Chương một – LÝ LỊCH TRÍCH NGANG – BƯỚC KHỞI ĐẦU NHỮNG SINH HOẠT THƯỜNG NGÀY

Chương hai – NHỮNG CÔNG NĂNG ĐẶC BIỆT CÁCH CHỮA BỆNH

Chương ba – KHẢ NĂNG BIẾT TRƯỚC SỰ VIỆC

Chương bốn – NHỮNG KHẢ NĂNG KHÁC

THAY LỜI KẾT

TÀI LIỆU THAM KHẢO


LỜI NHÀ XUẤT BẢN

Kể từ năm 1998, tác giả Cao Hùng – một sĩ quan cao cấp quân đội đã nghỉ hưu, một nhà nghiên cứu lịch sử có kinh nghiệm đã cùng một số trí thức Hà Nội, nhiều lần ra vào tỉnh R để nghiên cứu một hiện tượng đặc biệt: Đ. V. T – nhân vật của cuốn truyện ký này. Nhóm các nhà nghiên cứu đã ăn, ở, ngủ lại, để theo (hay nói đúng ra bị "hút hồn") bởi chính nhân vật cuốn truyện – một người bằng xương bằng thịt như mỗi chúng ta, nhưng lại có nhiều khả năng đặc dị. Chứng kiến những điều tai nghe, mắt thấy, tác giả muốn phản ảnh một cách khách quan, chân thật các hiện tượng lạ có thật để các nhà khoa học trong các lĩnh vực khác nhau suy nghĩ, nghiên cứu tìm câu trả lời.


Con người – tổng hòa các mối quan hệ xã hội – tiềm ẩn nhiều khả năng kỳ diệu ở nhiều góc độ khác nhau, chẳng hạn khả năng điều chỉnh sức khỏe bằng hai bàn tay, khả năng chẩn đoán bệnh không cần tiếp xúc người bệnh, khả năng tự chữa trị bệnh cho mình, khả năng dự báo trước một số hiện tượng, sự việc sẽ xảy ra trong tương lai gần, v.v…


Ngoài những thông tin chân xác về những điều kỳ diệu ở một con người Việt Nam bé nhỏ, là nhân vật trong tập sách này – mà tác giả đem đến – chúng ta vẫn cảm thấy trăn trở trước việc thờ ơ của các cơ quan chức năng – gần như chưa có một ai, một chương trình, một cơ quan nào đứng ra nghiên cứu để làm giàu kiến thức, làm giàu dữ liệu cho khoa học.


Cuốn sách chứa nhiều thông tin – dữ liệu quan trọng sẽ có ích cho công việc nghiên cứu con người nói riêng và sự sống nói chung – những lĩnh vực mà khoa học đã và đang khám phá. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hiện tượng, nhiều thuật ngữ y học mà tác giả mô tả hoặc ghi nhận chưa thật chính xác so với thuật ngữ chuyên môn, v. v. Bỏ qua những hạn chế này chúng ta vẫn có được một truyện ký hay, và có lẽ, truyện ký này cũng đã đạt một “kỷ lục” về thời gian trong lịch sử viết truyện ký ở ta khi tác giả đeo bám nhân vật tới 6 năm ròng.
Nhà xuất bản xin giới thiệu cùng bạn đọc cuốn truyện ký: Chuyện lạ có thật về một con người và xem nó như là một món quà nhằm đánh thức những khả năng tiềm ẩn trong mỗi bạn đọc. Chừng mực nào đó cũng là mong muốn hãy trân trọng và giúp đỡ những biệt tài ở giữa chúng ta.
 
Hà Nội, tháng 6 năm 2006
 
NHÀ XUẤT BẢN LAO ĐỘNG


LỜI GIỚI THIỆU

Đã nhiều năm nghiên cứu Năng lượng sinh học, Khoa học Sự sống, Tìm hài cốt thất lạc và những Khả năng kỳ diệu của Con người, chúng tôi đã thu thập được một kho dữ liệu và rất nhiều, rất nhiều hiện tượng mà quan điểm khoa học đương đại chưa thể giải thích được. Khi đọc tập Truyện ký “Chuyện lạ có thật về một con người" của Đại tá Cao Hùng, chúng tôi thật sự ngạc nhiên về việc làm cao quí của tác giả: Theo đuổi thu thập tài liệu, cùng ăn, cùng ở với nhân vật để cuối cùng viết lên được những điều tai nghe mắt thấy. Có thể có ai đó chưa đồng tình và không có tiếng nói chung trong vấn đề này, nhưng xuất phát từ quan điểm tôn trọng những dữ liệu có thật mà mai sau không thể nào phục hồi lại được, việc xuất bản những ấn phẩm như thế này là rất cần thiết. Những hình ảnh và những câu chuyện trình bày trong cuốn sách này là có thật. Bằng uy tín của một nhà khoa học, một sĩ quan quân đội, tác giả đã phản ánh một cách khách quan các hiện tượng về nhân vật của cuốn sách.


Tuy chúng tôi tiếp cận nhân vật trong cuốn sách này không nhiều vì quá cách xa (gần một ngàn cây số) và không có nhiều thời gian, nhưng chúng tôi vẫn ghi nhận được một vài khả năng kỳ lạ của anh: Vận công bẻ gãy dao, thìa nĩa…. mà bất cứ ai trong chúng ta đều không thể thực hiện, anh cũng đã khám bệnh cho một vài người trong nhóm nghiên cứu của chúng tôi (có kết luận của từng cá nhân và cả nhóm).


Được tiếp xúc với nhân vật, được đọc những vấn đề mà tác giả tâm huyết viết ra, chúng tôi có nhã ý đề nghị tiếp tục nghiên cứu thêm. Mặt khác muốn trân trọng giới thiệu với tất cả bạn đọc để mọi người tham khảo và ghi nhận nhiều khả năng kỳ diệu xuất hiện quanh chúng ta mà chưa giải thích được.


Nếu bỏ qua những hạn chế về lối kể lể và một vài thuật ngữ chưa chuẩn thì thì tập truyện ký này rất có giá trị về khoa học và mang đậm tính nhân văn. Tác giả đã làm được việc đáng quý, đó là tôn trọng những khả năng mà nhiều người không thể có, chấp nhận những hiện tượng như vậy vẫn là sức ỳ trong nhận thức của số đông, vẫn quen nếp cũ cái gì bình thường, cái gì không phiền hà thì ủng hộ còn cái gì có vẻ gai góc thi phủ nhận…


Xin mời bạn hãy đọc và cho lời bình!
 
PGS.TS NGUYỂN ĐÌNH PHƯ
Giám đốc trung tâm CBE


MỞ ĐẦU

Vào những thập niên giữa và cuối thế kỷ 20 và những năm đầu thế kỷ 21, qua sách báo và truyền thông, nhiều truyện lạ có thật trên khắp năm châu, bốn biển, cả ở Việt Nam đã được chúng ta biết đến. Chuyện lạ có thật là những chuyện diễn ra hiện hữu trên nhiều lĩnh vực mà khoa học hiện đại ngày nay dù đã và đang tiến như vũ bão cũng chưa thể giải thích, phân tích, làm sáng tỏ được.


Có thể đơn cử một số ví dụ điển hình về những chuyện lạ có thật trên thế giới.


Ở Mỹ có Barbara Ann Brennan vừa là nhà vật lý, vừa là nhà tâm linh đã dùng tri giác cao cấp kết hợp với trường năng lực vũ trụ, thao tác bằng bàn tay, cộng với ý niệm, chữa cho hàng ngàn người khỏi bệnh. Bà đã viết cuốn "Bàn tay ánh sáng” phổ biến phương pháp chữa bệnh độc đáo này cho cả thế giới.


Ở Liên Xô – nay là Cộng hòa liên bang Nga – có Djuna Đavitasvili đã dùng trường sinh học để chữa bệnh. Bà được nhân dân Nga và nhân dân các nước Cộng hòa SNG tôn trọng, ngưỡng mộ. Bà đã viết cuốn sách "Tôi nghe đôi tay mình". Theo bà chữa bệnh bằng trường sinh học là một phương pháp chữa bệnh kỳ diệu, dễ phổ cập, hiệu quả cao, có thể khắc phục những thiếu sót bất lực của những phương pháp khác, làm giàu cho kho tàng các biện pháp của nền y học hiện đại. Các nhà bác học ở Nga dùng thuật ngữ "Hiện tượng Djuna” đặt cho phương pháp chữa bệnh của bà.


Ở Bungari xuất hiện "Hiện tượng Vanga". Vanga là một nhà tiên tri đầy bí ẩn được cả thể giới ngưỡng mộ. Nhân dân nhiều nước châu Âu, châu Mỹ đều tìm đến bà. Bà bị mù cả hai mắt do một cơn lốc (vòi rồng) dữ dội cuốn lên không trung và quật bà xuống đất. Từ đó bà trở thành nhà tiên tri. Buổi đầu, khả năng tiên tri của bà bị phủ nhận vì cho là mê tín dị đoan. Tiến sĩ khoa học Gheseghi Lôđanốp bỏ công sức tiến hành một công trình nghiên cứu với 1.000 trường hợp đã thừa nhận tiên đoán của Vanga chính xác tới 80 phần trăm. Từ đó khả năng tiên tri của bà được nhân dân Bungari và nhiều nước trên thế giới hoan nghênh.


Hoặc như Ở Trung Quốc, nước bạn “núi liền núi, sông liền sông” với Việt Nam, trong một vài thập kỷ gần đây đã xuất hiện nhiều nhân vật có công năng đặc biệt kỳ lạ đến mức ủy ban Khoa học Nhà nước nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã chính thức phê chuẩn thành lập "Hội nhân thể học” (tháng 5-1987), nhằm tập trung nghiên cứu những công năng đặc biệt khác thường của con người, kết hợp với lý luận và thực hành của trung y và khí công một cách có hệ thống. Ngành khoa học mới mẻ, đầy sức hấp dẫn này chính là một ngành khoa học nghiên cứu các loại trạng thái công năng xuất hiện trong cơ thể người. Nhân thể học có nhiệm vụ bảo vệ những công năng đó, tạo điều kiện cho nó phát triển, nhằm phát huy tiềm lực của con người, phục vụ lợi ích quốc gia dân tộc trên nhiều mặt. Nhà nước Trung Hoa đã đặt Nhân thể học ngang tầm với các ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, khoa học quân sự, văn hóa, nghệ thuật, v.v. . .


Hiện tượng công năng đặc biệt hay chuyện lạ có thật ở Trung Quốc xuất hiện khá nhiều, ở đây xin dẫn chứng vài trường hợp.


Trước hết nói về chuyện lạ có thật của Nghiêm Tân. Nghiêm Tân vừa là khí công sư, là bác sĩ, là lương y đồng thời là một cao thủ võ lâm thành thạo “thập bát ban võ nghệ”, đã đạt tới đỉnh cao của các loại công năng. Nghiêm Tân theo thầy học Đạo từ lúc 4 tuổi. Năm nay (2004) ông vừa tròn 54 tuổi. Qua 50 năm theo học khí công, võ thuật, trung y, y học hiện đại… ông đã đạt tới đỉnh cao của một loại công năng có thể nói là siêu phàm trên nhiều phương diện. Chỉ nói riêng việc chữa bệnh ông đã lập được những kỳ tích mà con người khó có thế tưởng tượng nổi.


Một công nhân bị đau bụng dữ dội, rên la, giẫy giụa, nằm quằn quại trên mặt đất. Nghiêm Tân tình cờ đi qua, thấy vậy liền lấy một cốc nước, vận công vào và đưa cho người công nhân uống. Như một chuyện thần kỳ, sau khi uống hết cốc nước, người công nhân dứt hẳn cơn đau. Đối với Nghiêm Tân, dùng nước (nước năng lượng – nước tín tức) chữa khỏi bệnh là chuyện bình thường ngay với một nhánh cỏ xanh ven đường ông cũng có thể cứu sống một mạng người. Công lực của Nghiêm Tân còn có thể làm cho xương cốt bị gãy vụn trở lại lành lặn như nguyên (sách, báo ở Việt Nam đã nhiều lần giới thiệu về những khả năng thần kỳ của Nghiêm Tân). Với tài nghệ chữa bệnh, Nghiêm Tân được nhân dân Trung Quốc tôn xưng là “Thiên phủ Thần y", "Hoa Đà tái thế".


Một nhân vật khác có một công năng đặc biệt, một chuyện lạ có thật không thể tưởng tượng nổi là Trương Bảo Thắng. Hoàn toàn khác với Nghiêm Tân là Nghiêm Tân theo thầy tu học, rèn luyện từ nhỏ suốt mấy chục năm mới thành tài còn Trương Bảo Thẳng không theo học thầy nào mà công năng đặc biệt kỳ diệu của anh xuất phát tự bẩm sinh. Từ buổi đầu, khi những công năng đặc biệt ấy xuất hiện ngoài ý thức, anh cũng không biết mình có những tài năng đặc biệt ấy. Từng bước, từng bước một, qua thời gian nhiều năm tháng, anh mới khẳng định được mình không phải con người bình thường. Anh làm được nhiều điều kỳ diệu ngoài sức tưởng tượng của mọi người mà bản thân anh không hiểu vì sao mình làm được. Ớ đây chi đơn cử vài công năng đặc biệt của anh. Khi vận công định thần anh có thề nhìn thấy từng lớp, từng lớp lục phủ ngũ tạng, xương cốt từ ngoài vào trong của cơ thể người như một máy chụp cắt lớp hiện đại. Công năng thấu thị của anh kỳ diệu đến mức có thể nhìn thấy những động mạch, tĩnh mạch, cả những mạch máu nhỏ li ti, từng sợi dây thần kinh, đặc biệt nhất là anh nhìn thấy cả hệ thống kinh lạc đang vận hành trong cơ thể gồm 1 2 mạch kinh và 8 mạch kỳ kinh, điều mà máy móc của nền y học hiện đại ngày nay đang bất lực, chưa có cách gì nhìn thấy, đo, đếm được.


Anh còn nhiều khả năng đặc biệt khác như dùng mũi (khứu giác) đọc thư, đọc tài liệu dán kín trong phong bì, dùng ý niệm di chuyển đồ vật, lấy cả 30 viên thuốc đắng trong lọ được gắn xi, niêm phong cẩn thận ra mặt bàn mà dấu niêm phong vẫn còn nguyên hoặc lấy những xấp giấy bạc trong tủ sắt khóa kín rồi lại đặt vào chỗ cũ chỉ trong chốc lát.


Đặc biệt nhất là khả năng đi xuyên tường. Đưa anh vào trong một phòng khóa kỹ cửa ra vào, anh có thể đi xuyên tường ra ngoài bất cứ lúc nào. Có lần trắc nghiệm, anh không chỉ ra một mình mà còn vác theo một bao đường trắng cùng xuyên tường ra ngoài. Anh đã đi xuyên qua Vạn Lý trường thành trước sự chứng kiến của nhiều người. Giống như Nghiêm Tân, khả năng chữa bệnh của anh cũng thật thần kỳ.


Cuối năm 1983, Nguyên soái Diệp Kiếm Anh đang trong tình trạng ốm nặng thập tử nhất sinh. Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã mời Trương Bảo Thẳng đến cứu chữa cho Người. Anh đã nhiều lần dùng công năng đặc biệt qua hai bàn tay hút đờm từ phổi và phế quản ra ngoài tạo cho Nguyên soái thở dược, cứu sống Người.


Trên thế giới đã xuất hiện biết bao chuyện lạ rất khó tin nhưng đều là chuyện có thật, nhu chuyện nhớ lại kiếp trước của bé gái Santi Devi 9 tuổi ở New Delhi, Ấn Độ hay bé Triết Quốc Nga 2 tuổi ở thôn Đông Tháp tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Hai em này kể lại rất chi tiết về kiếp trước của mình, cả tên chồng, tên vợ, tên con.


Bé gái Santi Devi kiếp trước tên là Ludgi có chồng là Padrajanti ở tỉnh Multra, có 3 con gái. Khi sinh bé Dadri, con út thì Ludgi qua đời. Đặc biệt, bé gái Triết Quốc Nga kiếp trước là một người đàn ông ở thôn Mã Gia Thân cũng thuộc tỉnh Hà Bắc tên là Trương Phúc Đại có vợ và sinh được 2 con trai, con trai cả tên là Trương Cát Lâm. Ngày 29-11-1977 ông Đạt qua đời vào lúc 57 tuổi. Cả hai bé gái này đã cùng bố mẹ về quê cũ của kiếp trước gặp chồng, vợ, con và họ hàng. Biết bao chuyện cảm động đầy nước mắt đã diễn ra trong những ngày ấy. Mà như vậy là con người khi chết đi, linh hồn vẫn tồn tại và tái sinh vào kiếp sau ư! Chuyện khó tin nhưng là chuyện thật trăm phần trăm. Hai sự kiện trên, báo chí ở Pháp, Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam đều đã đưa tin. Tin hay không là tùy bạn.


Chuyện lạ thế giới, xin phép được dừng lại ở đây để đi vào các chuyện lạ ở Việt Nam ta.


* * *

Ở ấp Vạn Hạnh, xã Trung Mỹ Tây, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh có anh Lê Văn Ngang thường gọi là Tư Ngang bị đau dạ dày nặng. Hàng ngày những cơn đau dạ dày cứ hành hạ anh. Đọc báo biết ở nước ngoài người ta dùng điện để chữa bệnh. Do trình độ có hạn, anh nghĩ rằng cách chữa ấy là dùng dây điện dí trực tiếp vào chỗ đau của cơ thể. Nghĩ sao làm vậy, anh lấy một đầu dây nóng có điện 110 vôn dí thử vào vùng dạ dày đang đau. Điều kỳ diệu đã xảy ra. Anh không bị điện giật mà nhận được một cảm giác nhẹ nhàng, khoan khoái, dạ dày bớt đau. Thấy cách chữa có hiệu quả, anh phấn khởi tiếp tục dí điện để chữa. Sau nhiều lần như vậy, anh thấy trong người khỏe hẳn, bệnh đau dạ dày đã khỏi. Anh nghĩ mình ít học, không hiểu gì về khoa học, cứ mạnh dạn làm thử hóa ra điện lại chữa được bệnh. Thật ra đây là trường hợp ngẫu nhiên may mắn có một không hai ở nước ta và cả trên thế giới. Ở Trung Quốc, một vài người có công năng đặc biệt cầm cả dây nóng điện 220 vôn mà không bị giật, nhưng chưa có ai dùng điện theo kiểu này để chữa bệnh. Mong các bạn không nên thử.


Anh không dừng lại ở đó mà tiếp tục thử nghiệm chữa cho gia đình, biết đâu đây là một phương pháp chữa bệnh hiệu nghiệm mà từ trước đến nay chưa ai biết. Đứa con út của anh lúc đó 8 tuổi bị bệnh đái dầm và bị mụn cóc. Một tay cầm dây điện trần, một tay cầm cây ăng-ten gỡ từ chiếc đài bán dẫn dí vào những mụn cóc và vùng thắt lưng con. Sau vài lần như thế, mụn cóc không còn và bệnh đái dầm của con cũng khỏi.


Bà con xa gần được tin kéo đến nhờ anh chữa ngày càng đông. Anh không từ chối một ai, nhưng cũng thầm lo nhỡ ra có chuyện không hay! Anh chữa đủ thứ bệnh, người khỏi, người đỡ, không ai bị tai biến gì. Anh chữa từ thiện, không lấy tiền. Sau này được cơ quan y tế mời lên chữa thử nghiệm ở Bệnh viện đa khoa Hóc Môn, có bác sĩ giúp đỡ kiểm chứng. Anh đã chữa trên 200 bệnh nhân, có hồ sơ bệnh án và không có trường hợp nào có phản ứng phụ. Để tạo điều kiện cho anh có kiến thức về y học, bệnh viện cử anh đi học một khóa đào tạo lương y. Anh được học về y lý Đông y, các hệ kinh lạc, huyệt đạo cách bắt mạch. Sau đó anh còn được học về giải phẫu sinh lý cơ thể người, phương pháp xét nghiệm, đọc phim X.quang, siêu âm và anh được cấp chứng chỉ, được phép hành nghề chữa bệnh cho dân.


Sau này nghĩ lại anh mới giật mình, đúng là "điếc không sợ súng”, chưa hiểu gì về cơ thể người, về huyệt đạo mà cứ chữa đại, chỉ có tấm lòng mong mọi người khỏi bệnh. Anh được chính quyền địa phương và cơ quan y tế cho phép và tổ chức cho anh chữa bệnh tại nhà, có sự sắp xếp để bảo đảm an ninh trật tự. Bệnh nhân ở các tỉnh xa đến ngày càng đông. Hàng ngày anh cầm dây điện để “sạc” điện vào người. Cơ thể anh như một bình ác-quy chứa điện. Qua thực tiễn anh đã dần dần thu, phát, điều khiển được dòng điện bằng ý niệm. Anh có thể điều chỉnh cường độ dòng điện mạnh, yếu tương ứng với từng loại bệnh và sức chịu đựng của cơ thể từng bệnh nhân. Những bệnh thông thường, anh chỉ chữa một vài lần là khỏi. Riêng bệnh bại biệt và di chứng của tai biến mạch máu não nằm một chỗ, anh phải kiên trì chữa một vài tháng mới đỡ, bệnh nhân chống gậy đi lại được.


Khi viết về chuyện lạ chữa bệnh của anh Tư Ngang chúng tôi hết sức hoan nghênh chính quyền địa phương xã Trung Mỹ Tây, huyện Hóc Môn và cơ quan y tế địa phương. Trước một hiện tượng lạ chưa bao giờ có đã không trù dập, cấm đoán, cho là mê tín dị đoan mà nghiên cứu công nhận và tạo điều kiện cả về nâng cao trình độ, kiến thức y học Đông, Tây và tổ chức cho anh phát huy, phục vụ nhân dân. Nhiều nơi, không ít trường hợp ở nước ta khi có chuyện lạ xảy ra, chính quyền địa phương cùng công an, y tế chưa nghiên cứu đã trù dập, cấm đoán, cho là mê tín dị đoan. Thật ra, nhiều trường hợp là mê tín dị đoan thật, là lừa bịp cần cấm đoán. Do đó cần có sự nghiên cứu, tìm hiểu, phải dựa vào quần chúng nhân dân và chứng minh được hiệu quả thực tế để phân biệt thật giả, đúng sai. Trước hết, hãy vì lợi ích của nhân dân, tôn trọng pháp luật và nghiên cứu phát triển khoa học, ngay cả những chuyện lạ mà khoa học chưa lý giải được.


Lại một hiện tượng chữa bệnh lạ ở Quảng Nam. Anh Nguyễn Văn Minh ở thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn nguyên là chiến sĩ trinh sát trung đoàn 45 quân khu V, tùng chiến đấu trên chiến trường nước bạn, sau khi phục viên bị bệnh rối loạn tâm thần đã điều trị tại quân y viện nhưng không khỏi. Sau 2 năm bệnh tự nhiên khỏi và xuất hiện một khả năng “ngoại cảm” kỳ lạ. Anh “nhập vai” một thầy thuốc dùng cây lá chữa bệnh cho dân không lấy tiền. Cần nói thêm, trước đó. anh chưa có kiến thức gì về đông y, bắt mạch, chỉ định thuốc…


Phương pháp chẩn đoán bệnh của anh rất độc đáo. Người bệnh không phải khai bệnh, chỉ đưa tay cho anh bắt mạch. Trong giây lát, anh nói chính xác từng căn bệnh của bệnh nhân. Anh còn nói những người thân trong gia đình, ai đang mắc bệnh gì. Kỳ lạ nhất là anh có phương pháp “chụp phim" vùng bị bệnh nằm sâu trong cơ thể như y học hiện đại chụp Xquang hoặc siêu âm. Khi cần “chụp phim” anh lấy một tờ giấy trắng hoặc vàng không kẻ đặt lên vùng đau bệnh nhân, phun vào đó một ngụm rượn. Như vậy là chụp xong. Tờ giấy được lấy ra xem trực tiếp bằng mắt thường. Phần thương tổn nổi rõ trên tờ giấy như rỗ phổi, tim to, có u trong dạ dày hoặc xương bị gãy…


Khám xong, anh không phát thuốc tại chỗ mà kê đơn cho bệnh nhân về nhà tự bốc thuốc. Cho đơn ai anh đều dặn kỹ là phải tìm đủ các loại cây lá và liều lượng ghi trong đơn, không được thiếu, thừa, uống vào sẽ khỏi bệnh. Những vị thuốc này đều là cây, lá dễ tìm trong dân gian. Có bệnh nhân không thực hiện đúng, lần sau đến là anh nói ngay: “Thuốc ông (bà) uống thiếu vị A, vị X, bệnh không khỏi mà còn nặng thêm”.


Tiếng lành đồn xa, bệnh nhân đến xin anh chữa ngày càng đông. Hàng ngày có từ 50 đến 100 người xếp hàng chờ đến lượt. Trong số bệnh nhân ngồi chờ, anh biết ai bị bệnh nặng, ai bị bệnh truyền nhiễm, anh gọi lần lượt từng người lên khám, chữa trước. Điều kỳ lạ nữa là gặp trường hợp bệnh nặng, “người nhập vai" thứ nhất không chữa được, anh nói: “Bệnh này ta không chữa được, mời người giỏi hơn về chữa”. Thế là anh "nhập vai” ngay người khác. Cứ như vậy, có ngày gặp toàn bệnh hiểm nghèo, anh phải “nhập vai” tới 6 lần mà người cao nhất là người có khả năng xuất chúng, có thể chữa được bệnh nan y.


Sau 5 tháng, bệnh nhân được anh chữa khỏi rất nhiều. Ở đây chỉ xin nêu một số trường hợp người thật, việc thật điển hình.


Đại tá Huỳnh Tấn Sơn đã nghỉ hưu ở tổ 47 Hòa Thuận. Ông bị nhiều bệnh nặng như viêm sỏi túi mật, gan to nhiễm mỡ, sỏi thận, mỡ màng ngoài tim, cụp xương sống, thoát vị bẹn lại thêm đục thủy tinh thể, dù điều trị nhiều lần ở Viện quân y 17, Viện quân y 108. Viện 108 đã 2 lần mổ thận và đề nghị ông cắt bỏ túi mật, nhưng sức khỏe ông quá yếu chưa dám mổ. Lúc này ông chỉ còn 38 kg. Sau 15 ngày được anh Minh chữa trị, điều thần kỳ đã xảy ra. Ông hoàn toàn khỏi bệnh, sức khỏe được hồi phục. Mắt sáng ra, siêu âm lại thấy túi mật hết viêm, không còn sỏi… Hàng ngày ông chạy được 5 – 10 ki-lô-mét vào buổi sáng và đi xe đạp vài chục ki-lô-mét là chuyện bình thường. Thật rất khó tin nhưng là chuyện thật.


Chứng tai biến mạch máu não, nằm một chỗ được anh chữa khỏi tương đối nhiều như đại tá Phạm Hữu Thiện, nguyên Chính ủy Đoàn 333, đại tá Lê Chí Cẩm nguyên Phó viện trưởng Viện quân y 17. Bác sĩ Huỳnh Thanh nguyên Phó phòng quân y Quân khu V đau nhức trong xương, đi đứng không vững (nghi bị ung thư tủy), vợ anh là chị Nguyệt, Phó chủ nhiệm khoa tim mạch Bệnh viện C Đà Nẵng bị sa dây chằng và mỡ trong máu được anh Minh “chụp phim” và cho đơn thuốc. Sau một thời gian ngắn, vợ chồng anh đều khỏi bệnh. Anh Huỳnh Thanh nói: “Tôi là bác sĩ chuyên khoa cấp 2 mà không sao hiểu nổi hiện tượng kỳ lạ này!”. Thiếu tướng Nguyễn Nghĩa, Chủ nhiệm chính trị Quân khu V, bị ung thư vòm họng được Viện quân y 108 và Viện K Hà Nội chữa bằng xạ trị, hóa trị, khối u teo nhỏ lại nhưng mất luôn cả tuyến nước bọt, không còn cảm giác mùi vị. Anh Minh khám, “chụp phim” đưa cho mọi người xem thấy rõ còn khối u. Sau khi uống 6 tháng, tuyến nước bọt hoạt động trở lại, ông Nghĩa đã phân biệt được mùi vị, đau bớt nhức, người tỉnh táo hơn.


Nhiều người bị xơ gan cổ trướng, hẹp van tim… đều được anh Minh chữa khỏi. Nhưng điều đáng tiếc đã xảy ra. Các cơ quan chức năng ở địa phương đã ra lệnh cấm anh Minh không được chữa bệnh nữa vì cho đây là cách chữa bệnh mê tín dị đoan. Nhiều người đang uống thuốc dở dang đã òa khóc vì không được tiếp tục điều trị trong đó có nhiều cán bộ quân đội nghỉ hưu và cán bộ đương chức đang bị những căn bệnh hiểm nghèo.


Xin miễn bình luận về sự việc đáng tiếc này.


Một chuyện lạ khác ở thị trấn Phù Cát, tỉnh Bình Định. Đó là chuyện ông Huỳnh Lại, một lão nông đã ngủ một giấc suốt 18 năm – tính từ năm 1975 đến năm 1993 (lúc các báo phát hiện đến tận nơi đưa tin).


Theo lời anh Huỳnh Đạt con trai ông kể lại thì ông Lại cũng như những người già khác, sức khỏe suy yếu, lúc khỏe dậy chơi với con cháu, lúc mệt nằm nghỉ một cách bình thường. Nhưng 3 tháng trước ngày Bình Định hoàn toàn giải phóng, ông không dậy nữa mà nằm ngủ suốt ngày đêm, kéo dài 18 năm liền. Ông nằm trong tư thế thẳng đờ, bất động, mắt nhắm nghiền, da mặt vẫn giữ được vẻ hồng hào. Chòm râu thưa chưa điểm sợi bạc. Ngoài khuôn mặt thể hiện thần khí của một người còn sống, toàn thân ông cứng đờ. Hai bàn tay nắm chặt trong thể bắt ấn, quyết.


Qua những năm tháng dài dằng dặc ấy, ông Lại hoàn toàn không ăn gì ngoài việc hàng ngày uống mấy thìa nước dừa do người nhà bón theo các giờ tý, mão, ngọ, dậu. Thỉnh thoảng,. người nhà cũng cho ông uống nước cam vắt, ông uống trong trạng thái vô thức như một người bị hôn mê hoàn toàn.


Cứ như vậy, ông Huỳnh Lại đã qua một giấc ngủ 18 năm. Đây là một hiện tượng sinh lý khá đặc biệt. Nhiều người đặt câu hỏi phải chăng đây là một trạng thái bệnh lý hay một phương pháp thiền định đặc biệt mang màu sắc siêu hình?
Qua nhiều năm, câu trả lời vẫn đang bỏ ngỏ.


Trong lĩnh vực tìm mộ từ xa bằng khả năng đặc biệt của các nhà ngoại cảm, nhất là tìm mộ liệt sĩ thất lạc, chúng ta đã được nghe, được đọc nhiều trên báo chí. Nhà nước ta đã bắt đầu quan tâm đến nhu cầu bức xúc này vì tìm mộ liệt sĩ – những người đã hy sinh tính mạng của mình đề bảo vệ nhân dân, bảo vệ Tổ quốc – là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước.


Liên hiệp khoa học công nghệ tin học ứng dụng (UIA), Viện khoa học hình sự Bộ Công an, Trung tâm nghiên cứu bảo trợ văn hóa kỹ thuật truyền thống, cả ba cơ quan đều được trên giao nhiệm vụ theo dõi nghiên cứu chương trình tìm mộ liệt sĩ từ xa. Các nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên, Phan Bích Hằng, Đỗ Bá Hiệp, Nguyễn Thi Nguyện, Nguyễn Văn Nhã, Vũ Thị Nghĩa, Nguyễn Đức Phụng… trong nhiều năm đã tìm được hàng ngàn mộ liệt sĩ, được các cơ quan nghiên cứu khoa học và gia đình liệt sĩ công nhận.


Việc tìm mộ từ xa, đến nay các cơ quan khoa học Nhà nước ta tuy chưa lý giải được nhưng đều phải công nhận đó là sự thật hiển nhiên, không thể bác bỏ, đã dẫn đến thành công trong việc thực hiện một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước đối với liệt sĩ. Tuy vậy, qua báo chí chúng tôi được biết còn có người, có cơ quan đến nay vẫn phản bác tìm mộ liệt sĩ bằng ngoại cảm, cho là mê tín dị đoan, là lừa bịp. Chúng tôi xin phép nói một câu: "Nếu 'mê tín dị đoan' mà tìm được hàng ngàn mộ liệt sĩ vẫn tốt chứ sao!”.


Trong câu chuyện này chúng tôi không định viết việc tìm mộ của các nhà ngoại cảm mà chuyện tìm mộ này còn lạ lùng, kỳ tuyệt gấp bội vì chính vị liệt sĩ ấy báo cho gia đình và tự mình dẫn người thân đi bốc mộ, đưa hài cốt về quê.


Đó là trường hợp của liệt sĩ Nguyễn Văn Tự quê ở xã Thạch Đĩnh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Tự là con trưởng của một gia đình có 9 người con: 5 trai, 4 gái. Tự đi bộ đội từ đầu năm 1965. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng cho đến nhiều năm sau, bà Hạnh – mẹ của Tự và các em trong gia đình đợi chờ tin Tự đến vô vọng không biết còn sống hay đã hy sinh. Riêng mẹ Hạnh có linh cảm là con mình đã hy sinh rồi. Có một đêm, mẹ Hạnh nằm mơ thấy rõ ràng Tự về đi đôi giày vải và mặc bộ quần áo bộ đội cũ. Anh đứng nhìn mẹ rồi ra đi mà không nói lời nào. Cả nhà nóng ruột, cho người lên huyện đội hỏi. Sau đó không lâu thì nhận được giấy báo tử: Nguyễn Văn Tự hy sinh năm 1966 ở mặt trận phía Nam, chứ không nói rõ ngày tháng và hy sinh ở địa phương nào.


Thế rồi vào một đêm cuối năm 1994 , anh Nguyễn Văn Cử em trai Tự công tác ở thành phố Vinh trong giấc mơ thấy anh Tự hiện về nói: “Anh hy sinh ở đồi 405 Vĩnh Linh, các em vào đưa anh về quê!”. Câu chuyện báo mộng này được thuật lại cho anh em trong nhà nhưng chưa ai dám tin. Gần 30 năm rồi, rừng núi mênh mông biết đâu mà tìm. Nếu tìm được chỉ còn nắm đất đen thôi. Tuy vậy, với lòng thương nhớ anh da diết, ba anh em Cử, Thử, Phùng bàn nhau chuẩn bị lên đường theo lời anh mách bảo. Cháu Nguyễn Thị Hằng 12 tuổi, con gái anh Phùng, xin đi theo bố và hai bác, cuối cùng được các anh cho đi.


Đúng ngày 1 tháng 6 (âm lịch), ba anh em cùng cháu Hằng lên xe đi vào Vĩnh Linh, đến gặp Thị đội trình bày và hỏi đường đi đến đồi 405. Các đồng chí ở Thị đội rất nhiệt tình, đưa bản đồ ra chỉ vị trí của đồi 405. Theo tỷ lệ bản đồ từ Vĩnh Linh đến đồi 405 khoảng 70 ki-lô-mét. Rời Thị đội, nhóm tìm mộ dùng xe đạp đèo nhau vượt qua nhiều đoạn đường khó đi suốt một ngày. Trời sắp tối, không có ai để hỏi đường, anh em bàn nhau bẻ lá cây làm lán ở tạm, ngày mai đi tiếp. Bỗng nhiên cháu Hằng vừa chạy lên trước vừa nói với giọng khác lạ:


– Các chú mau đi theo anh, gần đến nơi rồi!


Cà ba anh em quá đỗi ngạc nhiên trước câu nói lạ lùng ấy. Hằng tiếp tục chạy. Anh Phùng bố cháu Hằng gọi với theo:


– Hằng ơi, đi chậm lại chờ bố và các bác theo với.


Cháu Hằng dừng lại nói:


– Các chú ơi, đến mộ rồi. Anh sẽ hướng dẫn các chú. Bốc xong rồi về luôn trong đêm nay.


Hằng đi trước dẫn ba anh em trèo lên một ngọn đồi cao thì dừng lại. Trước mặt hiện ra ba nấm mộ. Hằng chỉ vào nấm mộ giữa và nói:


– Đây là mộ của anh, các chú đào đi!


Ba người lấy cuốc, xẻng ra đào. Một lúc sau, Hằng nói:


– Các chú nhặt xương đi!


Nhặt được một ít xương, thấy chưa đủ, ba người định đào tiếp thì Hằng nói:


– Anh chết vì trúng bom, xương thịt tản mác hết chỉ có chừng đó thôi, đừng đào nữa, hết rồi, gói lại đi!


Thế là ba anh em cùng cháu Hằng mang gói hài cốt ra về. Dọc đường, cháu Hằng vẫn tiếp tục nói chuyện:


– Anh ở cái đồi này lâu lắm rồi. Rất nhớ mẹ, nhớ các em!


– Tại sao bác không về? (Lúc này các anh gọi Hằng là bác).


– Anh có về chơi mấy lần, có biết tình hình ở nhà, nhưng chưa về luôn được!


– Bây giờ bác còn nghiện rượu, nghiện thuốc lá nữa không?


– Thôi rồi, không nghiện gì nữa cả!


Bỗng Cử nói:


– Hồi đầu anh đóng quân ở Hương Phó (Hương Khê), em lên thăm sao anh đuổi em về!


– Vì bí mật quân sự, vả lại ngay trong đêm đó anh đã phải hành quân cùng đơn vị rồi em ạ!


– Bây giờ anh về sẽ ở đâu?


– Về Thạch Đỉnh quê hương, nhưng trước hết ở Vinh với chú Cử mấy ngày đã!


Phùng nói:


– Bác ơi, bác cứ nhập vào chúng em, đừng nhập vào cháu Hằng nữa, cháu còn nhỏ mà!


– Cháu Hằng khỏe gối. Anh bảo đảm cho cháu đi đến nơi về đến chốn, không việc gì đâu!


Đi một đoạn, cháu Hằng quay lại phía núi vẫy tay chào và nói: “Vĩnh biệt, vĩnh biệt nơi này” rồi bảo ba người ngồi nghỉ. Cả nhóm dừng lại nghỉ, bỗng cháu Hằng níu áo bố Phùng nói: “Hồi nãy đến giờ con ngủ bố ạ!”. Thế là mọi người hiểu linh hồn Tự đã ra khỏi cháu Hằng.


Trời gần sáng mọi người mới đến Quốc lộ I, chờ đón xe về thành phố Vinh và ở đấy 2 ngày. Sáng ngày 7 tháng 6 (âm lịch), hài cốt anh Nguyễn Văn Tự được đưa về nhà tại xã Thạch Đỉnh, để trên bàn trước bàn thờ gia đình.


Đại diện Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã, Hội đồng nhân dân, các đoàn thể và bà con Thạch Đỉnh được tin đến thăm viếng rất đông. Mọi người đang bàn việc tổ chức đưa hài cốt anh Tự ra nghĩa trang, bỗng cháu Hằng đứng dậy khóc và nói với một giọng khác lạ.


– Mời mẹ và các em lại ngồi cạnh đây, còn bà con xin ngồi tạm ở ngoài – Hằng khóc nói tiếp: – Đáng lẽ anh phải về lâu rồi nhưng vì hoàn cảnh, các em chưa đưa anh về được nên chưa bảo thôi – Nói xong Hằng cầm tay Phùng (là bố) vừa khóc vừa nói: – Lúc anh đi em mới 6 – 7 tuổi. Em níu áo anh và dặn về sẽ mua kẹo cho em, đến bây giờ anh mới về được!


Phùng nói:


– Thôi anh đừng khóc nữa! Anh về là cả nhà mừng lắm rồi! Bây giờ anh cho biết thờ anh ở đâu?


– Thờ ở nhà Cử. Còn chú Biểu đã có thờ anh, từ nay đừng thờ nữa, anh vẫn phù hộ cho chú.


– Anh mất vào ngày, tháng, năm nào nói để gia đình biết làm giỗ.


– Anh mất lúc 9 giờ sáng ngày 9 tháng 2 năm 1966 trên đồi 405 Vĩnh Linh.


Bỗng Hằng hỏi Minh Ở đâu. Minh là vợ Tự, đã có một con với Tự tên là Quý nhưng không nuôi được. Minh vẫn ở vậy chờ đợi anh. Minh năm ấy 55 tuổi. Minh tiến lại gần Hằng. Hằng hỏi:


– Anh viết cho Minh nhiều thư, em có nhận được không?


Minh nói trong nước mắt:


– Dạ có.


– Thế có thuộc bài thơ anh làm cho em vào dịp Tết năm 1965 không?


– Dạ lâu lắm rồi, thương nhớ anh, em không nhớ gì nữa.


Thế là Hằng cất cao giọng đọc luôn bài thơ:


Đêm giao thừa
Anh ngồi ăn bánh
Gửi lại tình thương
Giờ đây xa cách đôi đường
Chẳng có gì gửi lại cho em
Mặn mà tình nghĩa thân truyền
Đậm đà nét bút lời nguyền trăm năm.


Đọc xong Hằng khóc, Minh cũng khóc. Hằng nói tiếp:


– Nhà đốt cho tôi một bộ quần áo bộ đội và thằng Quý một bộ đồ trắng. Đúng 2 giờ chiều nay đưa tôi ra, đặt mộ tôi cạnh mộ con.


Nói xong, Hằng ngồi lặng một lúc rồi đứng dậy nói với bố mẹ:


– Con ngủ nhưng nghe nặng cái đầu lắm!


Đồng chí phóng viên báo Hà Tĩnh có mặt từ đầu đến cuối câu chuyện, hỏi cháu Hằng:


– Cháu có biết và nhớ những điều cháu nói không?


Cháu lắc đầu bảo cháu không biết gì cả.


Đây là toàn bộ diễn biến trong câu chuyện liệt sĩ Nguyễn Văn Tự nhập vào người nhà dẫn đi tìm mộ với bao nhiêu tình tiết ly kỳ rất khó tin, nhưng không tin cũng không được vì nó diễn ra trước đông người và là chuyện thật trăm phần trăm.


Nhân chuyện linh hồn liệt sĩ về dẫn người nhà đi tìm mộ, xin kể thêm ở phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội, hồn người chết đi gặp chồng, bố mẹ và các em. Sau đó sống lại và thuật lại câu chuyện.


Đó là cụ bà Nguyễn Thị Nghĩa, sinh năm 1931 trú quán tại phòng 307, nhà 118, phường Thanh Xuân Bắc. Bà có 3 người con là Khánh, Thoa, Tuyên đã trưởng thành. Năm 2002, bà Nghĩa bị ốm nặng, các con đưa bà vào điều trị tại Quân y viện 103 . Sau một thời gian điều tri, bà qua đời. Thi thể bà được đưa ra nhà xác chờ ngày khâm liệm, tổ chức lễ tang.
Chính tại căn nhà xác Quân y viện 103 đã diễn ra câu chuyện kỳ lạ này.


Sau lần chết sống lại, bà Nghĩa kể:


– Tôi đang đi lang thang vô định bỗng nhìn thấy trước mặt có một đoàn người mặc quần áo trắng có cờ xí kèn trống inh ỏi. Thấp thoáng trong đoàn người đó, tôi nhận ra ngay chồng tôi. Dáng người gầy, da nâu sậm, đầu hơi cúi về phía rước khi bước đi của ông ấy không thể lẫn với ai được! Cách đây hơn 30 năm, ông ấy chết bỏ lại tôi một nách 3 đứa con nhỏ. Không kể hết được nỗi gian truân, vất vả của một người mẹ nghèo hai bàn tay trắng nuôi 3 con mọn.
Bỗng nhiên có giọng nói ồm ồm của một người đàn ông cất lên: “Con ơi! Bố mẹ đi đón con đây!” làm tôi sửng sốt. Tôi mồ côi cả bố lẫn mẹ từ ngày còn rất bé. Trong bộ óc non nớt của mình, tôi chỉ còn nhớ độc một cảnh tượng vào một đêm tối trời, trên vùng đất trung du Phú Thọ, bố mẹ tôi bị bọn phản động lôi xềnh xệch đi rồi bắn chết trong tiếng khóc thét của chị em tôi. Cũng từ đó chị em tôi lưu lạc mỗi đứa một nơi. Nhiều lúc tôi cố hình dung lại khuôn mặt của bố mẹ nhưng đều bất lực chỉ hiện lên hình ảnh hai khuôn mặt bê bết bùn và máu.
Người đàn ông lớn tuổi vừa gọi tôi có nước da đen giòn, trán có nhiều nếp nhăn, chỉ vào người đàn bà bên cạnh có khuôn mặt bầu, đôi mắt hiền từ nói: “Đây là mẹ con, hai đứa mặc đồ bộ đội đi phía sau là em con đấy!" Tôi lưỡng lự nhìn ông bà, nhìn tất cả mọi người. Trừ chồng tôi còn tất cả đều lạ, nhưng những ánh mắt hiền từ thân thương của họ lấp lánh những tình cảm trìu mến, vui sướng khó tả.
Đoàn người đứng cá! ch tôi một con sông nhỏ, hẹp nhưng không có ai nhảy sang. Bố tôi đứng bên bờ đối diện chìa tay sang chỗ tôi. Tôi đang định nắm tay ông để nhảy sang bờ bên kia với mọi người bỗng nghe tiếng rao lanh lảnh: “Ai bánh chưng xôi nóng nào? Ai ăn bánh chưng xôi nóng nào ? ” .
Đúng là tiếng rao tôi từng nghe quen thuộc mỗi buổi sáng ở Quân y viện 103 khi tôi nằm điều trị. Bỗng nhiên, một cảm giác lạnh tràn ngập cơ thể tôi, lạnh đến run người làm tôi choàng tỉnh. Tôi càng hoảng hốt khi nhìn thấy bên cạnh là những tủ ướp xác người. Tôi ngã bổ xuống nền xi măng lạnh ngắt. Tôi lồm cồm bò dậy cố tránh xa những chiếc tủ đựng xác người. Tôi đẩy cánh cửa nhà xác, nhìn thấy các con tôi đang khóc gọi mẹ ơi mẹ hỡi sao mẹ bỏ lũ chúng con! Các con nhìn thấy tôi bỗng nín bặt, mắt trân trân, mồm há hốc. Chúng sụp xuống chân tôi nức nở. Thằng cả nhà tôi hét to: "Bác sĩ ơi, bác sĩ!”. Lập tức bác sĩ đưa băng ca đến và tôi lại được đưa về phòng cấp cứu, nơi tối hôm qua tôi đã chết. Khỏi phải nói các con tôi mừng như thế nào khi thấy mẹ sống lại.
Sau thời gian ngắn, tôi được xuất viện. Khi người đã hoàn toàn khỏe mạnh tôi lại tiếp tục đi bán bánh rán như trước. Tôi suy nghĩ mãi về cảnh tượng đi gặp chồng, bố mẹ và hai em. Không biết suy nghĩ có đúng không nhưng tôi cho rằng cái con sông nhỏ hẹp ấy chính là cái ranh giới ngăn cách giữa cõi trần và cõi âm.
Những suy nghĩ ấy thôi thúc tôi tìm về cội nguồn để tìm hiểu sự thật và gốc tích bố mẹ. Lang thang trên đất Phú Thọ mãi rồi tôi cũng tìm về được đất Sông Thao, nơi quê cha đất ! tổ, nơ! i bố mẹ tôi sinh ra và chết ở đó, cũng là nơi chôn rau cắt rốn của tôi. Vào nhà thờ tổ, nhìn lên bức ảnh thờ bố mẹ, tôi hết sức ngạc nhiên thấy người trong ảnh giống như in hai khuôn mặt bố và mẹ mà tôi đã gặp bên bờ con sông ngăn cách âm dương ấy. Có cả ảnh của hai em trai tôi mặc đồ bộ đội là liệt sĩ đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Như vậy, đối chiếu với thực tế, những điều tôi nhìn thấy khi chết là đúng sự thật trăm phần trăm. Tôi thấy mình thật diễm phúc vì đã có dịp đi gặp được bố mẹ, gặp chồng và em ở thế giới bên kia.


Chuyện của bà Nguyễn Thị Nghĩa ở Thanh Xuân Bắc trên thế giới không hiếm. Sách báo đã viết nhiều. Y học hiện đại gọi đó là hiện tượng chết lâm sàng. Tim, phổi ngùng hoạt động nhưng bộ não vẫn chưa chết hẳn. Do có trường hợp chết lâm sàng nên y học quy định khi có người chết phải đo điện tâm đồ và điện não đồ không thấy có sóng mà chỉ thấy có tín hiệu một đường thẳng là người đó đã chết thật và chờ thêm 30 phút hãy đưa ra nhà xác.


Còn chuyện linh hồn rời khỏi thể xác chu du vào thế giới bên kia gặp người thân tuy là chuyện có thật nhưng khoa học chưa lý giải được. Và trên thế giới này, trong cuộc sống này còn biết bao điều khoa học chưa lý giải được! Theo ý chúng tôi, không nên vội vàng phản bác cho là mê tín dị đoan. Gần đây trên thế giới nói nhiều đến một ngành khoa học mới – khoa học tâm linh. Tâm linh là khoa học vì nó có thật, nó hiện hữu. Khoa học tâm linh hoàn toàn khác với mê tín dị đoan. Mê tín dị đoan là lừa bịp, không có thật, không hiện hữu.


* * *

Chúng tôi đã kể với các bạn một số chuyện lạ có thật trên thế giới và ở ngay nước ta. Trong thế kỷ 21 này sẽ còn tiếp tục xuất hiện nhiều chuyện lạ nữa. Tại sao vậy? Vì theo triết lý phương Đông con người là một tiểu vũ trụ nằm trong đại vũ trụ bao la mênh mông và quyện chặt với đại vũ trụ.


Với đại vũ trụ ta, biết quả đất tự xoay một vòng là 24 giờ, xoay một vòng quanh mặt trời là một năm. Mặt trăng xoay quanh quả đất với chu kỳ là 29 ngày 12 giờ 44 phút. Chín hành tinh lớn của hệ mặt trời đều xoay quanh mặt trời với quỹ đạo và chu kỳ riêng. Mặt trời không đứng yên mà chuyển động xung quanh tâm của hệ Ngân hà. Hệ Ngân hà lại xoay quanh hệ lớn hơn là đám Thiên hà.


Với tiểu vũ trụ thì cơ thể người là sự tập hợp của hàng chục nghìn tỷ tế bào. Trong một tế bào của cơ thể người, điện tử xoay quanh nguyên tử. Trong một tế bào có nhiều nguyên tử thì số điện tử còn gấp mười mấy lần nguyên tử, thậm chí mấy chục lần. Các tế bào biệt hóa họp thành mô, các mô họp hành nội tạng, nội tạng họp thành các bộ máy trong cơ thể.


Từ đó, ta thấy sự vận động xoay chuyển nhiều dạng nhiều tầng của các thiên thể trong vũ trụ hoàn toàn thống nhất với sụ xoay chuyển nhiều dạng, nhiều tầng trong cơ thể người và, con người cũng là một vật thể xoay chuyển. Từ những quy luật vận động trên, rõ ràng cơ thể người là một tiểu vũ trụ. Giữa tiểu vũ trụ và đại vũ trụ luôn có mối liên hệ thông suốt, chặt chẽ với nhau. Luật chu kỳ vận hành của thiên thể phản ánh rõ nét trên cơ thể con người.


Con người nói theo duy vật biện chứng gồm vật chất – thể xác và ý thức, nói theo khoa học tâm linh gồm thể xác và linh hồn, cái tiểu vũ trụ ấy hàm chứa bao điều bí ẩn khó hiểu mà các ngành khoa học đương đại toán, lý, hóa, sinh, y… còn phải tiếp tục nghiên cứu, lần tìm. Đơn cử như bộ não người, theo các nhà khoa học nó gồm trên dưới 15 tỷ tế bào mà con người chỉ mới sử dụng khoảng trên dưới 8 phần trăm. Cái phần lớn lao còn lại hầu như vẫn “ngủ” yên. Những người có công năng đặc biệt, tài năng siêu phàm trên nhiều phương diện phải chăng là trong những điều kiện đặc biệt của tâm, sinh, lý, hóa… mà một phần trong cái khối lượng tế bào lớn lao “ngủ” yên đó đã được đánh thức, đã trỗi dậy và phát huy tác dựng? Tất nhiên có thể còn do những nguyên nhân tiềm ẩn bí hiểm khác trong những con người ấy cùng với sự tác động của biến đổi vũ trụ mà ta chưa biết được.


Chủ yếu ở đây, chúng tôi muốn kể với các bạn một nhân vật có nhiều khả năng đặc biệt trên nhiều phương diện ở ngay nước ta mà báo chí đã có lần nói đến. Hoan nghênh, ca ngợi cũng có mà phản bác, cho là lừa bịp, mê tín dị đoan cũng không ít. Vậy sự thật như thế nào?


Khởi đầu, vào đầu tháng 10 năm 1998, chúng tôi có dịp được đọc bài "Một người có khả năng chữa bệnh đặc biệt” in liên tiếp trên ba số liền của một tờ báo nói về một nhân vật có khả năng chữa bệnh kỳ lạ. Nhóm phóng viên tờ báo trên mang theo máy ghi hình, máy ghi âm, máy ảnh đến tận nơi mở cuộc điều tra, trực tiếp quan sát, chứng kiến khả năng chữa bệnh của người này. Nội dung bài báo là công nhận, hoan nghênh cách chữa bệnh đặc biệt của người này có thể chữa được nhiều bệnh, có bệnh khỏi, có bệnh đỡ. Người này chữa bệnh làm phúc không lấy tiền.


Cách đó không lâu, chúng tôi lại có dịp đọc bài báo của một số tờ báo khác viết về nhân vật này với nội dung hoàn toàn ngược lại, không thiếu những lời phản bác, lên án, chỉ trích gay gắt cho là lừa bịp, mê tín dị đoan.


Cùng một hiện tượng, một sự kiện, một nhân vật mà báo chí phản ánh ngược nhau đã là một chuyện lạ ít khi xảy ra. Với trí tò mò của một cán bộ nghỉ hưu, ưa nghiên cứu, tìm hiểu chuyện lạ, chúng tôi không quản đường xa đến tận nơi để tìm hiểu đâu là sự thật, chứ không thể có chuyện vô lý là người khen hết lời mà người phỉ báng cũng thậm tệ, vì chân lý chỉ có một.


Không chỉ lần đó mà suốt 6 năm qua (1998 – 2003), không chỉ mình tôi mà có 5 anh em nữa đều là trí thức các ngành, năm nào cũng đến nhiều lần, có lần 5 – 10 ngày, có lần hàng tháng trời để chứng kiến, nghiên cứu, tìm hiểu. Những nội dung viết sau đây là kết quả của những năm tháng đi sâu, đi sát, tìm hiểu về những khả năng đặc biệt kỳ lạ trên nhiều lĩnh vực của nhân vật này. Chúng tôi muốn phản ánh một cách chân thực, khách quan về con người này cả về tài năng đặc biệt và những điểm yếu, mặt yếu còn tồn tại, hay nói cách khác là những điều khác thường của một con người khác thường, vì đã là con người – tổng hòa của các mối quan hệ xã hội – bao giờ cũng có hai mặt ưu và khuyết, mạnh và yếu.


Sáu năm nghiên cứu, tìm hiểu – thời gian vừa đủ để có nhận thúc, đánh giá một cách khách quan – không dừng lại ở chỗ chỉ trực tiếp đối tượng mà chúng tôi mở rộng tìm hiểu đến những bà con thân thuộc, hàng xóm lãng giềng, đặc biệt là với đông đảo người bệnh xa gần và nhân dân quanh vùng, cố gắng phản ánh đúng sự thật như nó vốn có.


Chương một
LÝ LỊCH TRÍCH NGANG – BƯỚC KHỞI ĐẦU NHỮNG SINH HOẠT THƯỜNG NGÀY

Viết về nhân vật này, chúng tôi có suy nghĩ là có nên viết tên họ thật, địa chỉ thật không, vì trước đây khi bài báo đầu tiên được phát hành, hàng trăm người ở nhiều vùng trong nước mà đa số là những bệnh nhân nặng kéo đến gây nên cuộc náo loạn ở địa phương cả về an ninh, trật tự, ô nhiễm môi trường và nhiều vấn đề phức tạp khác buộc địa phương phải có biện pháp giải tỏa.


"Chuyện lạ có thật về một con người” viết mang tính chất nghiên cứu một sự thật khách quan không mang ý đồ tuyên truyền. Để tránh mọi sự cố có thể xảy ra do người đọc, người bệnh vì tò mò vô ý gây ra, chúng tôi không viết tên thật, địa chỉ thật. Bạn đọc hết sức thông cảm cho vấn đề này, không nên đi tìm nhân vật chính trong truyện, để khỏi gây khó khăn cho địa phương.


Nếu có dịp đọc tập sách nhỏ này mong các bạn đọc với tinh thần nghiên cứu một hiện tượng lạ có thật để suy ngẫm, phán xét. Tập sách này ra mắt bạn đọc chỉ có một mục đích cung cấp dữ liệu để các bạn nghiên cứu, ngoài ra không có mục đích nào khác.


Nhân vật chính trong câu chuyện tên khai sinh là Đ.V. T., gia đình và hàng xóm thường gọi là T., T. sinh ngày 8 tháng giêng năm Tân hợi (1971) trong một gia đình nông dân đông anh em. Bố là Đ.V.H. 61 tuổi mẹ là L.T.H. 60 tuổi (tính đến năm 2003) ở thôn X,. xã T., huyện K. tỉnh R. Theo mẹ T. kể bà có mang đến tháng thứ mười mới sinh. T. sinh ra lúc 10 giờ đêm, trong một cái bọc. Mẹ T. xé bọc cho T. ra thì T. không khóc mà lại nhoẻn miệng cười. Sau hơn một giờ mới cất tiếng khóc. Trường hợp này là bình thường, không có gì đặc biệt vì không hiếm những người mẹ sinh con trễ tháng, sinh trong bọc và cũng không hiếm những trường hợp sinh ra không khóc, bà mẹ phải phát vào mông mới khóc.

 
Được ba tuổi, bố mẹ T. làm giấy khoản nhờ ông ngoại nuôi. Ngôi nhà vợ chồng T. đang ở hiện nay vốn là nhà của ông ngoại để lại, thuộc thôn B., xã M., huyện S tỉnh H.. Ông ngoại làm sao nuôi được cháu nhỏ? Vấn đề là ông ngoại có năm người con gái, 4 người lấy chồng ở riêng còn bà N. ở lại vừa phụng dưỡng ông vừa trông nom, nuôi dưỡng T. từ ba tuổi cho đến lúc trưởng thành.


T. phát triển bình thường như những đứa trẻ khác trong làng. T. học đến lớp 9 thì thôi học, ở nhà lao động và buôn bán vặt giúp gia đình. Với những người ruột thịt trong gia đình, người T. yêu quý nhất là ông ngoại vì ông là người thay mặt bố mẹ T. cưu mang T. từ tuổi ấu thơ đến lúc nên người. Lúc ông ngoại qua đời khỏi phải nói T. đau thương đến mức nào!


Có một chi tiết hơi đặc biệt và cũng là chuyện lạ có thể viết ra đây. T. không xưng hô với bố mẹ là cha, mẹ mà chỉ gọi bằng thứ. Bố T. thứ năm nên T. gọi bằng Năm. Mẹ thì gọi bằng Bốn. Hỏi thì T. trả lời: Bố mẹ T. chỉ sinh thể xác T. phần còn lại (phần linh hồn) T. thuộc về một thế giới khác.


Việc T. lấy vợ, theo T. kể là để làm vui lòng gia đình chứ T. không thích người khác giới. T. chưa từng yêu hoặc có cảm tình với một phụ nữ nào, kể cả vợ. Tuy vậy, cái gì phải đến đã đến theo quy luật tự nhiên của tạo hóa. Vợ T. đã sinh cho T. 2 cháu gái cùng một lúc (đẻ sinh đôi). Hai cháu năm nay đã 6 tuổi, khỏe mạnh, đang học cấp 1, vợ T. 32 tuổi, làm ruộng, chăn nuôi và chạy chợ lúc nông nhàn.


Những chuyện lạ về nhân vật này bắt đầu từ năm 1996. Tù lúc thôi học, là một thanh niên khỏe mạnh ở nông thôn, gặp việc gì T. cũng làm. Ai nhờ việc gì T. cũng giúp như đào mương, đắp nền nhà, cuốc vườn.


Và vào một buổi sáng mùa thu năm ấy, T. dùng xe ba gác kéo đất đắp nền nhà cho một gia đình như đã từng làm cho một số gia đình khác. Kéo được mấy xe, đến xe tiếp theo, mới nửa đường, bỗng nhiên T. bỏ xe đất, chẳng nói chẳng rằng chạy thẳng một mạch về nhà tọa thiền trước bàn thờ gia tiên suốt 3 ngày, 3 đêm, không ăn, không ngủ. Người nhà hỏi gì cũng không nói. Ngồi kiết già (kiểu ngồi hoa sen) triền miên như một pho tượng gỗ.


Thấy chuyện lạ, cả nhà hốt hoảng chẳng hiểu đầu đuôi ra sao. Người thì bảo T. bị ma làm, người thì cho là T. mắc bệnh tâm thần. Mặc cho ai nói gì thì nói, T. vẫn yên lặng, tập trung tinh thần hướng về cõi vô định mênh mông. Cho đến khi ông H. bố T. lo lắng bảo người nhà đi thuê ô tô để đưa T. đi bệnh viện chứ kiểu nảy là nó bị đau nặng lắm rồi!


Nghe vậy, sau ba ngày đêm, lần đầu tiên T. mở miệng nói: “Năm dẹp cái chuyện thuê xe đưa tôi vào bệnh viện đi! Tôi không đau ốm gì đâu!”. ông H. nói: “Không đi bệnh viện cũng được nhưng con phải ăn uống gì chứ! Ba ngày rồi, ngồi mãi chịu sao nổi!”. Nói xong ông thúc người nhà dọn cơm cho T. ăn.


Cơm dọn xong, T. buộc phải ngồi vào mâm thì chuyện lạ lại xảy ra. Khi T. một tay bưng bát cơm, một tay cầm đũa định đưa bát cơm lên miệng, nửa chừng bỗng cả bát cơm và đũa đều rơi tung tóe xuống bàn. T. đứng dậy nói: “Trên bảo từ nay trở về sau không được ăn cơm mà chỉ ăn rau, hoa quả thôi!”. Cả nhà ai cũng trố mắt ngạc nhiên.


Từ sự khởi đầu lạ lùng đó cho đến ngày nay đã qua tám năm, T. chỉ ăn độc có rau, thỉnh thoảng có ăn hoa quả nhưng rất ít. Anh em chúng tôi đã chung sống với T. nhiều lần, nhiều ngày nhưng chưa bao giờ thấy T. ăn thứ gì khác. Các loại rau như rau muống, rau cải, rau đắng, rau diếp… luộc hoặc xào dầu T. đều ăn được. Cơm, bánh mỳ, bánh ngọt, kẹo các loại đều không ăn. Thấy T. luôn khỏe mạnh, cơ bắp nở nang rắn chắc như gỗ nhiều người không tin. Coi chừng anh ta có ăn lén về ban đêm. Chúng tôi bảo đảm điều đó tuyệt nhiên không có. Về ăn của anh chàng này có một điểm đặc biệt là rất thích ăn hoa vạn thọ sống mà hoa vạn thọ thì ở tỉnh H. rất nhiều. Người nhà kể lại, có lần hàng tháng liền, anh ta chỉ độc ăn hoa vạn thọ, ngoài ra không ăn rau quả gì khác.


Thấy nhiều năm rồi T. vẫn ăn như vậy, chúng tôi rất lo cho sức khỏe của T. Anh ta chỉ cười: “Anh em không phải lo chuyện đó! Anh em không biết chứ chỉ ăn rau mà hôm nào ăn hơi nhiều một chút là trong người thấy mệt lắm, không ăn người lại khỏe! Lúc nào luyện thành công thì rau cũng không ăn nữa mà chỉ sống bằng không khí”.


Về uống, T. chỉ uống nước dừa. Gần đây, không có dừa T. uống nước khoáng đóng chai hoặc uống một thứ nước do T. pha chế có chanh, một ít đường và bột thuốc bắc tự chế mà uống rất ít. Ngoài ra tuyệt nhiên không uống nước gì khác kể cả các loại nước ngọt, chè, cà phê. Nước dừa uống trong quả, rót ra cốc không uống. Nước khoáng đóng chai cũng vậy. Chai để nguyên niêm đưa cho anh ta, mở nắp rồi là không uống. Giữa mùa hè nóng bức đi đường với T., anh em hết ăn lại uống nhưng với T. đi cả ngày không uống cũng không ăn.


Đặc biệt vào những ngày 30, 1, 14, 15 âm lịch T. hoàn toàn nhịn ăn. Đặc biệt nữa là từ lần đầu rơi bát, đũa, T. không cầm đũa được nữa mà chỉ ăn bốc. Mỗi lần đi ra ngoài năm bữa nửa tháng, anh em muốn mời T. ăn phải sắm nồi xoong, bát riêng vì T. không ăn những thứ nấu đồ mặn của gia đình.


Về mặc, đối với T. cũng là một chuyện lạ. Mùa đông lạnh lẽo, anh ta chỉ mặc phong phanh một chiếc áo lót và áo khoác. Ngược lại mùa hè nóng bức, đi đâu T. mặc sáu lớp quần, áo căng cứng người. Anh ta không tắm như người thường mà mỗi lần muốn tắm, cởi quần áo ngoài, ngồi thiền vận công cho mồ hôi toát ra rồi lấy khăn lau. Như vậy là tắm xong. Tuy vậy, người T. vẫn sạch sẽ không hôi hám gì. Lâu lâu, T. có tắm bằng nước nhưng chỉ thi thoảng.


Về ngủ, gần như nhân vật này không ngủ hoặc có thể nói ngủ rất ít. Ban đêm, trong khi mọi người ngủ, T. ra ngoài trời tập luyện tháng này, sang tháng khác, thường xuyên như vậy. Tập luyện với ai, tập như thế nào không ai biết. Hỏi thì T. bảo tập với thầy, nhưng không được nói vì thiên cơ bất khả lộ. Một điều chắc chắn là T. không có thầy đời trần. 5 giờ sáng T. mới vào nhà, thiền định cho đến 12 giờ trưa.


Về quan hệ vợ chồng, từ ngày không ăn cơm đến nay, T. không còn sinh hoạt trong quan hệ với vợ mà chỉ coi vợ là người giúp việc, lo toan gia đình. Anh ta nói thẳng với vợ là từ nay T. không còn làm chồng được nữa, cô có thể tự do đi lấy chồng khác. Tuy rất buồn, khổ nhưng vợ T. nhất quyết ở lại với T. lo làm ăn, nuôi con khôn lớn.


T. là một người tương đối đẹp trai, thân thể tráng kiện lại có nhiều tài năng nên một số cô đem lòng thương trộm nhớ thầm nhưng chỉ là vô vọng, chỉ là một thứ tình yêu đơn phương. T. có biết nhưng không quan tâm. Nói với anh ta chuyện này, anh ta chỉ cười và nói. “Đó là chuyện của người ta. không phải chuyện của mình, chẳng có liên quan gì đến mình”.


Những sinh hoạt thường ngày của nhân vật này không giống sinh hoạt đời thường của con người. Có người đặt câu hỏi phải chăng anh chàng này lập dị để cho khác với mọi người. Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy không phải lập dị mà có thể do những nhu cầu đặc biệt nào đó của cơ thể, cả thế xác lẫn tinh thần, ý thức, nhằm phục vụ cho một mục đích mà T. đang theo đuổi.


Đã là con người thì từ những bậc quyền quý cao sang, đến người dân thường ai cũng có những ham muốn nhất định – đây chỉ nói những ham muốn chính đáng. Ăn uống phải đủ, phải ngon. Ngủ phải say phải ngon giấc. Tắm rửa thường xuyên cho thân thể sạch sẽ, khỏe mạnh. Mặc phải đẹp, mùa hè mặc mát, mùa đông mặc ấm. Sinh hoạt vợ chồng bình thường, bảo đảm quân bình âm dương, sảng khoái, không bệnh tật, v.v. Con người ai cũng có nhu cầu và ham muốn chính đáng đó trong sinh hoạt đời thường. Riêng với T. là không có, ăn uống như T. còn gì gọi là ngon. Ngủ như T. lấy đâu được đẫy giấc. Tắm rửa như T. làm sao thoải mái. Chuyện cai vợ, tiết dục làm mất quân bình âm dương, và vân vân.


Có thể nói T. không có những ham muốn đời trần.


Trong sinh hoạt đời thường, chúng tôi muốn nhấn mạnh một vấn đề là tiền. Tiền nói riêng, tiền của, vật chất nói chung. Từ thời thượng cổ đến thời hiện tại, tiền là phương tiện giao lưu phục vụ cuộc sống con người và trong mọi quan hệ xã hội. Có tiền là có tất cả. Chính con người đã sáng tạo ra đồng tiền và sử dụng nó để phục vụ cuộc sống cho từng cá nhân, gia đình, từng quốc gia, dân tộc và cả nhân loại. Ở đây chỉ nói đến đồng tiền chân chính không nói đến khía cạnh đồng tiền bất minh, bất chính. Lao động và làm đủ thứ nghề để kiếm ra tiền. Người có nhiều tiền muốn có nhiều tiền hơn. Người nghèo khổ không có tiền lo ngày lo đêm, lao động cật lực, chạy vạy để có tiền cho cuộc đời đỡ khổ. Xưa nay chỉ có người ham tiền, “càng nhiều càng ít" chứ chẳng có ai chê tiền, không cần đến tiền. Quy luật tự nhiên, quy luật xã hội đều như vậy. Nói cách khác tiền là cuộc sống.


Vậy mà có chuyện lạ là nhân vật chính trong câu chuyện này chẳng mấy quan đến tiền. Nói ra rất khó tin nhưng lại là chuyện có thật. Khi viết những dòng này, chúng tôi đã nghiên cứu thận trọng, theo dõi trong nhiều năm và có nhiều chứng minh thực tế.


Trước hết là chuyện chữa bệnh không lấy tiền. Ở đây chúng tôi chỉ nói đến góc độ tiền, chưa nói đến khả năng chữa bệnh. Suốt 8 năm qua, T. đã chữa cho hàng ngàn bệnh nhân chưa bao giờ lấy tiền của ai, kể cả những căn bệnh thập tư nhất sinh. Chữa ở bệnh viện hoặc các cơ sở y tế tư nhân Tây y, Đông y đều phải có tiền, tiền khám bệnh. tiền thuốc, mà nông dân nghèo lấy đâu ra tiền! Riêng chuyện chữa bệnh không lấy tiền đã thu hút nhiều bệnh nhân đến với T.


Chúng tôi chứng kiến nhiều trường hợp T. giúp người bệnh nặng thoát khỏi cái chết. Khỏi bệnh rồi, biết T. không nhận tiền, người bệnh và gia đình lúng túng không biết làm thế nào để đền ơn người chữa cho mình. Có thể nêu vài ví dụ điển hình.


Anh Bùi Thanh Tùng ở Kế Xuyên bị bệnh viêm khớp teo cơ, bệnh viện cho về chờ chết. T. chữa 19 ngày hoàn toàn khỏi bệnh. Vợ chồng bàn nhau thấy nhà T. quá nghèo, không có gì ngoài cái bàn và bộ phản gỗ, liền đi mua 1 chiếc ti-vi 21 in mang đến biếu. T. bảo: "Tôi không lấy tiền kể cả quà biếu vì đó cũng là tiền. Anh chị mang về, nếu không, về nhà đau lại, tôi không giúp nữa đâu!”. Nghe thế, vợ chồng sợ quá đành mang về nhưng vẫn chưa yên lòng. Thấy chỗ T. nằm kê bằng hai chiếc ghế băng, khổ quá, vợ chồng lại đi mua một chiếc giường xếp bằng bố, thừa lúc T. không có nhà đem đặt vào chỗ hai chiếc ghế băng. T. về, vợ chồng phải năn nỉ mãi T. mới chịu cho để lại có tính chất kỷ niệm.


Một trường hợp khác, một bệnh nhân nặng được chữa khỏi mang đến một chiếc xe máy mới, T. không nhận. Nói mãi, cuối cùng. T. xin chiếc chìa khóa xe nhận tượng trưng còn xe phải mang về. Và còn nhiều, nhiều nữa: Bệnh nhân đến phần nhiều chỉ mang hoa quả đặt trên bàn thờ gia tiên. Có người bảo T. không lấy tiền của ai nhưng bệnh nhân có đưa tiền cho vợ T.. Điểm này cần làm rõ. Thấy vợ T. phải nuôi hai con mà quá nghèo, thỉnh thoảng có bệnh nhân cho các cháu ít tiền hoặc quần áo. Lần nào T. cũng biết. Cho các cháu năm, mười ngàn T. cho qua nhưng nhiều hơn, T. bắt vợ phải trả lại. Có trường hợp một bệnh nhân đền ơn T. dưới dạng lén đưa tiền cho vợ. T. không nhìn thấy nhưng biết ngay bắt vợ phải lập tức mang trả lại và cấm vợ tuyệt đối không được làm thế.


Một số Việt kiều ở Mỹ, Ca-na-đa về nước thấy T. có nhiều tài năng nhưng quá nghèo gửi cho T. hàng nghìn đô la nhưng T. đều gửi trả lại. Anh em bảo cậu cứ nhận rồi giúp các quỹ từ thiện có hơn không! T. bảo làm vậy là mình có nhận tiền. Còn việc mình làm từ thiện hay không ai biết được. Tốt nhất là không nhận.


Trong người T. không lúc nào có tiền. Chúng tôi thỉnh thoảng lén kiểm tra chiếc ví chỉ thấy có giấy tờ chứ không có tiền. Khi cần mua xăng hay mua vé tàu, xe T. bảo vợ đưa, ngoài ra không tiêu việc gì khác.


Xin nói thêm T. có phải là người lừa bịp, mê tín dị đoan không? Gần T. lâu không bao giờ thấy T. thắp hương hoặc cứng bái. Ngày rằm, mồng một, ngày giỗ cũng vậy. Theo dõi tìm hiểu vẫn chưa phát hiện T. có tín ngưỡng gì rõ rệt. Thiên chúa, Tin lành không phải, ngay cả Phật giáo, Lão giáo, Cao Đài cũng không thấy có gì rõ rệt. Chưa bao giờ thấy T. tụng kinh. Điều thấy được là T. chống mê tín dị đoan, chống lừa bịp, nhất là các vị thầy cúng bói toán nói dựa lấy tiền. Còn T. có lừa bịp ai không có thể lấy thực tế trả lời. Chữa bệnh không lấy tiền thì lừa bịp sao được, và lừa bịp nhằm mục đích gì?


Nhân nói về sinh hoạt, kể thêm một vài chuyện lạ trong ngôi nhà của T.


Một lần ba anh em gồm tôi (người viết truyện), bác H. cán bộ công an nghi hưu, bác Q. cán bộ địa chất nghỉ hưu đến thăm chơi với T.. Tối hôm đó, như thường lệ T. ra ngoài tập luyện. Ba anh em ngủ ở nhà. Nhà chỉ có một chiếc phản để bác H., bác Q. ngủ, tôi trải chiếu nằm dưới đất ngay cửa ra vào. Trước khi ra ngoài T. dặn tôi: “Bố (tôi lớn tuổi nên T. thường gọi tôi bằng bố) vào giường xếp của tôi ngủ, đừng ngủ dưới đất”. Tôi nghĩ mình nằm chỗ tay này, khuya nó vào nó không có chỗ nằm nên tôi vẫn nằm dưới đất.


Độ một giờ sáng, tôi nằm im vẫn chưa ngủ được. Bỗng nhiên thấy ngay phía đầu nằm của mình có một người đang đứng. Thấy người nhưng không rõ mặt. Lúc đó cửa ra vào vẫn đóng. Tôi lặng lẽ chồm người dậy nhìn và suy nghĩ cửa đóng làm sao có ai vào nhà được. Tôi vẫn yên lặng theo dõi. Người đó đứng một lúc rồi đưa tay chỉ vào chiếc phản và chỗ đặt chiếc giường xếp của T. xong quay lưng bước ra trong khi cửa vẫn đóng. Thấy chuyện lạ, tôi vội vàng đến mở cửa hông, ra ngoài thì không thấy gì nữa. Đến kiểm tra chiếc cửa ra vào mà người đó vừa bước ra thì cửa vẫn đóng.


Tôi đánh thức bác H., bác Q. dậy kể lại câu chuyện vừa thấy, ai cũng ngạc nhiên. Gần sáng, T. đi luyện tập về tôi kể lại T. chỉ cười nói: “Ở đây, chuyện đó là bình thường!”. T. còn nói thêm: “Tại bố không vào giường xếp nằm như tôi dặn đấy!”.
Chuyện này tôi trực tiếp chứng kiến, không phải nằm mơ.


Một chuyện lạ khác là trước đó mấy tháng có mấy bà phụ nữ đến nhà T. chữa bệnh, nhà xa không về kịp xin ở lại. Nhà T. có một quy ước là chiếc phản nhà trên chỉ để nam giới ngủ. Phụ nữ nằm nhà dưới. Hôm đó, ở nhà dưới quá chật, một chị cỡ trung niên thấy phản nhà trên bỏ không liền lên nằm đỡ.


Ngủ đến nửa đêm, chị thấy có một người đàn ông đến bảo: “Chị xuống nhà dưới nằm, không được nằm ở đây!" Chị vâng vâng dạ dạ nhưng buồn ngủ quá nằm luôn trên phản ngủ tiếp lúc nào không biết. Độ 3 giờ sáng bỗng chị thấy một bầy độ bốn, năm con khỉ líu cha, líu chíu kéo đến khiêng chị ra hè ném chị đúng vào bậc tam cấp làm chị đau ê ẩm cả người và sây sát chân tay.


Vừa lúc T. đi tập luyện về thấy vậy hỏi: “Sao chị lại ra đây nằm?" Chị kể lại câu chuyện vừa xảy ra. T. lại cười: "Ấy là tại chị, có người nhắc rồi nhưng chị không nghe! Thôi rút kinh nghiệm vậy!”. Nói xong T. dìu chị xuống nhà.


Giải thích thế nào về những hiện tượng lạ này? Xin để các nhà khoa học nghiên cứu giúp!


Đó là toàn bộ sinh hoạt thường ngày của nhân vật. Hiếm thấy có ai sinh hoạt kiểu mô hình này! Trên thế giới cũng như trong nước đã xuất hiện nhiều người có công năng đặc biệt nhưng chưa thấy ai có những sinh hoạt kỳ lạ như đã kể. Phải chăng để có những công năng đặc biệt như T. phải có cách sinh hoạt tương ứng?


Chương hai
NHỮNG CÔNG NĂNG ĐẶC BIỆT CÁCH CHỮA BỆNH

Từ bước khởi đầu năm 1996, không ăn cơm nữa, T. thực hiện một cách nghiêm túc mọi sinh hoạt (như đã nói phần trên), đặc biệt là chuyên cần, kiên trì tập luyện theo một phương pháp riêng. Qua thời gian, những công năng đặc biệt bắt đầu nảy sinh. Trước hết là khả năng chữa bệnh bằng năng lượng, khả năng tiên tri, biết trước sự việc và nhiều khả năng kỳ lạ khác.


Tìm hiểu về đời tư của nhân vật này thì T. chưa từng được học một khóa huấn luyện Tây y nào mà mới chỉ tham dự một khóa huấn luyện Đông y ở địa phương. Nói về học thì T. chưa đủ trình độ và kiến thức y học để chữa bệnh. Những năm qua cả trong Nam lẫn ngoài Bắc nổi lên phong trào học năng lượng sinh học (nhân điện), khí công, yoga và nhiều môn phái dưỡng sinh, chữa bệnh khác nhưng T. không tham gia. Theo T. kể với các nhà báo, chữa bệnh được là nhờ T. hằng ngày thu năng lượng vũ trụ vào người theo một phương pháp riêng và dừng năng lượng đó chữa bệnh cho người nghèo.


Từng bước, từng bước, T. thực hiện khả năng chữa bệnh của mình. Trước hết chữa cho người thân trong gia đình. Thấy T. chữa có kết qua, bà con xa gần đến chữa bệnh ở nhà T. ngày càng đông.


Trước hiện tượng chữa bệnh kỳ lạ của T., đặc biệt là người đến mỗi lúc một nhiều, chính quyền và công an xã căn cứ vào T. không có bằng cấp chuyên môn và không có giấy phép hành nghề y tế nên lập biên bản và ra lệnh cấm T. không được chữa bệnh. Tuy vậy, do T. chữa bệnh không lấy tiền và thấy bệnh tật có thuyên giảm nên bà con cứ đến và xin chữa. T. nhiều lần nói với bà con: “Tôi rất thông cảm và quý mến bà con, bà con đau cũng như tôi đau, nhưng chính quyền không cho tôi chữa, bà con nên đến các cơ sở y tế Nhà nước, nếu không tôi bị vi phạm pháp luật”. Nói thế nào bà con vẫn không nghe; đặc biệt là trước tình trạng đau đớn của bệnh nhân nặng, T. buộc lòng phải chữa. Hiệu quả chữa bệnh ngày càng được khẳng định. Có bệnh khỏi, có bệnh thuyên giảm. Nếu việc chữa bệnh của T. không có hiệu quả thì tại sao nhân dân cứ ùn ùn kéo đến? Việc chữa có hiệu quả hay không nó diễn ra sờ sờ trong cơ thể từng cơn bệnh đâu phải chỉ nói mồm. Quần chúng nhân dân ta không đến nỗi khờ dại, u mê chữa không kết quả mà vẫn bỏ công bỏ việc, mất thời gian, tốn tiền tàu xe đi lại để cuối cùng bệnh tật vẫn đâu hoàn đấy.


Cần biết rõ một điều, cách đây hàng ngàn năm. Hoa Đà, ông tổ ngành y phương Đông có nói một câu: “Trên thế gian này, không có một phương pháp chữa bệnh thần diệu nào, không có một thầy chữa tài ba, siêu việt nào, không có một thứ thuốc thần dược nào có thể chữa một trăm người khỏi cả trăm”. Câu nói nổi tiếng này mãi mãi là chân lý vĩnh cửu suốt các thời đại. Nó hết sức đúng đắn ở chỗ cơ thể con người là một bộ máy hết sức tinh vi phức tạp và hoàn thiện về mặt cơ cấu khoa học, không ai giống ai cả trong hình thành phân tử tế bào và hệ thống ADN. Ngoài ra con người từ khi sinh ra cho đến lúc trưởng thành không ai giống ai cả về mã di truyền, điều kiện nuôi dưỡng, cách sống, nghề nghiệp, gia đình bố mẹ, anh chị em, vợ chồng con cái, môi trường sống, v.v. Có thể khái quát là nó khác cả về phần tiên thiên cũng như hậu thiên (Tiên thiên là phần thừa hưởng di truyền của bố mẹ, dòng họ từ trong bào thai. Hậu thiên là cuộc sống về mọi mặt từ khi lọt lòng đến lúc trưởng thành). Có thể đơn cử một sự khác biệt của những con người. Đó là dấu vân tay. Nước ta có 80 triệu người là 80 triệu người có vân tay khác nhau. Địa cầu này có 7 tỷ người là 7 tỷ người có vân tay khác nhau.


Từ những căn cứ khoa học và phân tích trên vận dụng vào việc chữa bệnh, cũng phương pháp chữa bệnh ấy, thầy ấy, thuốc ấy mà kết quả có người khỏi, người không khỏi, tỷ lệ thuyên giảm, từng căn bệnh, từng người bệnh cũng kẻ nhiều, người ít khác nhau. Ngay như nền y học hiện đại thế giới cũng với các ngành khoa học đồng bộ, liên quan đang tiến như vũ bão với nhiều phát minh, sáng tạo, nhiều loại thuốc mới đặc trị, nhiều máy móc chuyên khoa tinh vi, với những giáo sư, bác sĩ tài ba lỗi lạc mà nhiều trường hợp cũng đành bó tay trước những căn bệnh hiểm nghèo, trước những người bệnh thập tử nhất sinh. Ở nước ta cũng vậy, Đảng và Nhà nước ta với quan điểm lấy dân làm gốc, luôn chăm lo sức khỏe cho dân, với hàng chục viện nghiên cứu về y học, với hàng ngàn cơ sở chữa bệnh Tây y, Đông y với nhiều giáo sư, bác sĩ, lương y giỏi, nhiều kinh nghiệm, với nhiều phong trào bảo vệ sức khỏe như sức khỏe sinh sản, sức khỏe ban đầu, sức khỏe bà mẹ và trẻ em, sức khỏe người cao tuổi, sức khỏe cho dân vùng sâu vùng xa. v.v. mà đâu có thể chữa hết mọi bệnh cho dân. Không phải nền y học thế giới yếu kém, không phải nền y học Việt Nam thiếu cố gắng mà đó là quy luật, mà đã là quy luật thì không thể khác được.


Việc chữa bệnh của T. hay của bất cứ thầy chữa nào cũng đều nằm trong quy luật chung đó, có bệnh khỏi, bệnh đỡ, có bệnh không khỏi. Trên cơ sở quy luật khoa học đó nếu có vị thầy chữa nào nói bệnh nào chữa cũng khỏi thì lời nói đó chỉ là hoang tưởng.


Đứng về phía bệnh tật mà nói, bệnh nào cũng có quy luật phát sinh, phát triển của nó. Tính chất cơ thể con người khác nhau thì bệnh phát sinh, phát triển cũng khác nhau và tiếp thu liệu pháp điều trị, thuốc men cũng khác nhau, nó luôn tương ứng với cơ thể từng con người. Do vậy, hai người mắc phải căn bệnh giống nhau, cùng dùng một bài thuốc, do một thầy chữa điều trị mà kết quả vẫn khác nhau, người khỏi nhanh, người khỏi chậm, thậm chí có trường hợp lay lắt không khỏi. Chúng tôi không phải là bác sĩ, lương y nhưng qua nhiều năm nghiên cứu theo dõi có thể định ra bốn mức độ của bệnh: loại một, nhẹ, cơ thể tự điều chỉnh, không chữa cũng khỏi. Loại hai, có chữa mới khỏi, không chữa không khỏi. Loại ba, nặng, phải có thầy giỏi thuốc hay chữa mới khỏi. Loại bốn, bệnh nan y, khó chữa khỏi.


T. chữa được nhiều bệnh thông thường, có chữa được một số bệnh hiểm nghèo, đặc biệt là không có phản ứng phụ. T. chữa bệnh chủ yếu bằng công lực, bằng năng lượng (y năng lượng) và bấm huyệt, một số trường hợp cần thiết có dùng thêm thuốc Nam hoặc thuốc Bắc. Một vài người nói T. chữa bệnh bằng cách “chưởng” vào người bệnh. Nói vậy là không đúng, là không hiểu thế nào là chưởng. Chưởng là một thủ thuật trong võ thuật. Các môn võ thuật nói chung gồm quyền, cước chưởng, chỉ, v.v. Khi võ sĩ ra chưởng là nhằm đánh đối phương. Chưởng không dùng trong chữa bệnh. Trong chữa bệnh bằng năng lượng, người chữa dùng cách phát công hay nói theo khí công học là phải phóng ngoại khí vào một số điểm tương ứng với bệnh tật của người bệnh theo một phác đồ điều trị năng lượng.


Qua nhiều năm theo dõi, nghiên cứu, chúng tôi khẳng định T. sử dụng công lực và ý niệm có kết hợp với bấm huyệt để chữa bệnh. Công lực của T hàm chứa một sức mạnh kỳ lạ, có thể phát ra khí nóng, hoặc khí lạnh, có thể phát bằng hai bàn tay hoặc cả bằng mắt. T. có một nội khí độc đáo, có thể nói là độc nhất vô nhị. Trên thế giới cũng như trong nước chưa thấy ai làm được kể cả những khí công sư tài ba lỗi lạc. Đó là phát công làm cho người bệnh hôn mê – như y học hiện đại gây mê bệnh nhân trên bàn mổ trước khi tiến hành phẫu thuật để chữa. Khi chữa xong, T. chỉ đưa một ngón tay, thổi một hơi vào ngực là người bệnh tỉnh lại. Sau khi phát công cho người bệnh hôn mê, T. dám nói với tất cả mọi người ai làm cho người bệnh tỉnh lại được T. xin tôn người ấy làm sư phụ. Đã có nhiều nhà khí công làm thử, nhưng không ai làm cho người bệnh tỉnh lại được. Không phải bệnh nhân nào T. cùng áp dụng thủ pháp này mà chỉ áp dụng cho một số bệnh nhân nặng cần dùng những thao tác mạnh để tránh cho bệnh nhân khỏi đau, vì đã hôn mê rồi thì không còn cảm giác đau nữa. T. có thể gây mê ba, bốn người cùng một lúc. Nội khí của T. còn kỳ diệu ở chỗ có thể phát xa với khoảng cách 50 mét hoặc cách một bức tường dày 22 cm người bệnh vẫn hôn mê.


Một thủ pháp độc đáo và kỳ lạ khác là khi muốn gây mê người bệnh, T. không trực tiếp phát công mà dùng một tấm ảnh đặc biệt của chính T. đưa cho một người khác cầm và bảo người bệnh tập trung nhìn vào mặt T. trong tấm ảnh. Chỉ sau mấy phút, người bệnh ngã vật ra hôn mê, không biết gì nữa, giống nhu lúc T. trực tiếp phát công. Chữa xong, người cầm tấm ảnh quay lưng tấm ảnh về phía người bệnh, đưa tay thổi một hơi về phía người bệnh đang nằm, người bệnh lập tức tỉnh lại, ngồi dậy.


Một thủ pháp chữa bệnh khác là cho người bệnh uống nước năng lượng cao, làm tất cả bệnh nhân có mặt đều sửng sốt. T. lấy 3 ly nước nguội để trước mặt xong vận công vào hai bàn tay và lần lượt phát công vào 3 ly nước. Chỉ mấy phút sau, cả 3 ly nước đều bốc hơi. T. bảo 3 bệnh nhân đến bưng nước uống và dặn: "Nước nóng lắm đấy, uống từ từ, cẩn thận kẻo bỏng môi". Mới sờ tay vào ly nước, ai cũng bảo nóng quá. Công lực của T. là như vậy.


Còn khi chữa bệnh, có trường hợp T. nhảy và dậm chân lên hai ống chân người bệnh mà đã có lần được chứng kiến, một cán bộ cao cấp ngành vật lý cho rằng cách chữa nảy là cực kỳ nguy hiểm, phản khoa học, có thể làm gãy chân người bệnh và chắc chắn là phải vào bệnh viện bó bột. Tám năm nay chưa có người bệnh nào bị T. dẫm gãy chân phải bó bột. Vì sao? Vì qua theo dõi, nghiên cứu, chứng tôi thấy khi nhảy lên, T. dùng thuật khinh công, trọng lượng của T. 55 kg chỉ còn vài ki-lô-gam. Và T. chỉ dùng thủ thuật này với những căn bệnh cần thiết, không phải người bệnh nào cũng áp dụng.


* * *

Xin trở lại thời điểm tháng 10, 11 năm 1998. Trước những yêu cầu bức xúc của đông đảo bệnh nhân. T. cân nhắc giữa hai cái tội: tội vi phạm lệnh cấm chữa của chính quyền địa phương và tội hàng ngày nhìn người bệnh đau vật vã mà không chữa. Với tâm đức của một người có khả năng chữa bệnh, T. đành chấp nhận phạm tội vi phạm lệnh cấm. Xác định rồi, T. tiếp tục chữa bệnh cho dân. Và việc gì diễn ra tiếp theo thì chúng ta đã rõ. Thấy T. không chấp hành lệnh cấm, chính quyền địa phương lại đến lập biên bản và ra quyết định xử phạt hành chính 200.000 đồng.


Đặt biệt sau khi bài báo “Một người có khả năng chữa bệnh đặc biệt" được phát hành. Nhân dân các nơi trong cả nước ùn ùn kéo đến gây náo loạn ở địa phương (như đã nói ở phần trên). Trước tình hình đó, Sở Y tế tỉnh H. cùng Công an tỉnh, công an huyện thành lập đoàn kiểm tra khả năng chữa bệnh của T. bằng một cuộc trắc nghiệm tại trụ sở công an huyện. Nhưng T. đã từ chối thục hiện yêu cầu của đoàn kiểm tra mà thừa nhận không đảm bảo khả năng chữa bệnh của mình. Về việc này, chúng tôi qua tìm hiểu có biết vì sao T. không thực hiện những nội dung trắc nghiệm nhưng không tiện viết ra đây vì có nguyên nhân tế chị, chứ không phải T. không cỏ khả năng thực hiện.


Đối với đoàn kiểm tra của tỉnh nhu vậy là đã đủ để Sở Y tế tỉnh H. ra thông báo kết luận với nội dung như sau:


“l. Ông Đ.V.T. chưa được học tập qua bất kỳ một trường lớp đào tạo về công tác khám chữa bệnh. Chưa được một cơ quan y tế nào công nhận về khả năng chữa bệnh.


2. Mọi câu trả lời của ông T. đều cho rằng việc chữa bệnh của ông theo ý nguyện của bản thân mà chưa có khả năng chẩn đoán, điều trị, tiên lượng cũng như đánh giá kết quả điều trị cho người bệnh có hiệu quả hay không.


3. Việc chữa bệnh của ông T. trên bệnh nhân, đoàn kiểm tra đã kiểm chứng thấy không có cơ sở khoa học và không hiệu quả như một số thông tin báo chí đưa tin.


4. Buộc ông Đ.V.T. phải thực hiện nghiêm chỉnh quyết định về việc đình chỉ công tác chữa bệnh."


Một lần nữa T. bị cấm chữa bệnh, không phải ở cấp xã cấp huyện mà ở cấp tỉnh – cấp cao nhất ở địa phương. Chúng tôi không muốn đi sâu vào những chứng cứ trong việc điều tra của đoàn để dẫn tới kết luận là cách chữa bệnh của T. “Không có cơ sở khoa học và không có hiệu quả" (chứng tôi sẽ có nhiều dẫn chứng để chứng minh cho việc chữa bệnh có hiệu quả của T. Ở phần dưới của chương này). Nhưng một điều thông bảo nói đúng là tính bất hợp pháp của T., T. không có bằng cấp của ngành y – không phải bác sĩ, không phải lương y, chưa được một cơ quan y tế nào công nhận về khả năng chữa bệnh. Hơn nữa T. không có giấy phép hành nghề y của cơ quan chức năng.


Với những bằng chứng có tính pháp lý đó cộng với tình hình phức tạp nhiều mặt do bệnh chân kéo đến quá đông ở địa phương, việc cấm T. chữa bệnh là đúng đắn cả về mặt bảo đảm kỷ cương pháp luật và mặt xã hội. Đặt một giả thuyết không thể có là lúc đó T. không bị cấm chữa bệnh, số lượng đông đảo bệnh nhân cùng gia đình sẽ không chịu về. Cấm rồi, niêm yết quyết định cấm của Sở Y tế, cả một lá thư của T. dán ở cửa mà số ở lại còn quá đông. Phần của T. cũng có sức đâu mà chữa cho số lượng bệnh nhân đông đảo đó mà toàn là bệnh nặng. Đó là một phần của lý do T. không đáp ứng cuộc trắc nghiệm của đoàn kiểm tra. Đặt một giả thuyết nữa, hôm đó T. trắc nghiệm thành công thì Sở Y tế có ra lệnh cấm không? Chắc là vẫn phải cấm. Trước tình hình rối loạn đó không thể không cấm. Không cần biết T. chữa có kết quả hay không, không có bằng cấp, không có giấy cho phép chữa bệnh là đủ điều kiện cấm rồi.


Rõ ràng trước tình hình đó, T. phải lánh mặt là hợp lý, không phải chạy trốn mà để cho dân buộc phải ra về. Sau một thời gian, T. về nhà thì lần lượt người bệnh vẫn kéo đến xin chữa. T. buộc lòng phải giúp, lại tiếp tục vi phạm. Và từ đó đến nay, lần nào thấy có người đến nhà T. là chính quyền đến lập biên bản. Vào một buổi sáng, anh em chúng tôi hôm đó có 7 người lâu ngày đến thăm T. và gia đinh, không phải bệnh nhân đến xin chữa bệnh vẫn bị công an xã đến lập biên bản. Đó cũng là một chuyện lạ.


* * *

Xin nói về cách chữa bệnh của T. Mỗi lần chữa cho bệnh nhân nào, T. yêu cầu bệnh nhân không khai bệnh mà chỉ đưa tay cho T. Cầm tay một lúc T. có thể nói đúng các căn bệnh của bệnh nhân. Có trường hợp T. bắt mạch (thốn, quan, xích) như Đông y nhưng thông thường T. chỉ cầm rà lên rà xuống thế là xong. Xin kể vài trường hợp được tận mắt chứng kiến.


Anh Miền con trai lớn ông Nguyễn Minh Hoàng cán bộ công an nghỉ hưu, hôm đó hai bố con đến thăm T. T. bảo anh Miền đưa tay cho T. Chỉ vài phút sau T. nói: "Phía sau gáy anh có một mảnh lựu đạn nhỏ hình tam giác, hai cạnh sắc, cạnh thứ ba tù (không sắc), nhưng may nó không vào sâu trong não. Tôi (người viết) hỏi bác Hoàng, bác Hoàng nói đã đi Xquang, đúng y như vậy!


Trường hợp sau đây còn thần kỳ hơn. Một hôm tôi đang ngồi với T. ở ngoài vườn, bỗng có một ông già vóc người vạm vỡ đến xin gặp T. Không để ông già kịp nói, T. nói ngay: “Tôi biết ông đến gặp tôi về việc gì rồi, ông đưa tay đây!”. Ông già đưa tay cho T. cầm, dùng ngón cái rà lên rà xuống rồi nói: “Con trai lớn của ông bị bệnh ung thư hạch ở cổ, đã di căn xuống dạ dày, ông đến nhờ tôi xuống giúp cho con ông phải không?”.


Ông già nghe xong vội vàng chắp tay vái T. nói: “Hoàn toàn đúng như ông nói, bệnh viện không chữa được cho về chờ chết, ông cố giúp cháu sống được ngày nào hay ngày ấy!”.


Chuyện xảy ra trước mắt tôi, người thực, việc thực, quả là một cách chẩn đoán hy hữu, kỳ lạ hết chỗ nói. Cầm tay bố mà biết rõ con ở nhà đau thế nào và biết bố đến để nhờ chữa cho con. Lúc ông này đến, tôi nghĩ chắc ông này đến xin T. chữa bệnh! Tôi hỏi, ông nói: “Tôi tên là Trinh Minh Hiệu ở thôn 4, xã Tam Hải, huyện Núi Thành”. Ông nói với T.: “Ông cố giúp cháu, hiện nó nằm kêu la đau bụng quá, mấy ngày rồi cháu không ăn gì!”. T. nói: “Hiện nay tôi chưa đến được, ông đưa tay đây!”. Ông già đưa tay. T. cầm bàn tay ông, úp bàn tay của mình vào xoa đi xoa lại mấy vòng, xong bảo tôi vào nhà lấy cho T. quả quýt. Tôi đem quả quýt ra, T. vận công vào quả quýt và nhét vào túi ông già, dặn: “Ông đi thẳng về nhà, không được ghé đâu. đến nhà dùng bàn tay tôi đã xoa, xoa nhẹ nhiều vòng vào bụng anh ấy rồi bóc quả quýt cho anh ấy ăn, anh ấy sẽ bớt đau. Nếu anh ấy đòi ăn, ông bảo người nhà nấu cháo loãng cho ăn, không được ăn gì khác!”. Ông già vội vàng ra về. Ngày hôm sau ông lên. Lúc đó T. bận đi với anh em chúng tôi vào thị trấn N. Ông già cũng đi. Đến thị trấn. T. cùng anh em dừng lại vào một nhà quen. Một lúc thấy con dâu ông già đèo chồng là bệnh nhân bị ung thư đến. Tôi hỏi ông Hiệu, ông bảo: “Ông T. chưa xuống được nên tôi điện về bảo vợ nó đèo nó lên đón đường nhờ ông giúp”. T. bảo đưa bệnh nhân vào phòng trong và chỉ cho tôi cùng vợ bệnh nhân vào, ngoài ra không cho ai vào.


T. vận công, tập trung nhãn lực nhìn vào bụng bệnh nhân nói: “Trong dạ dày đầy bún, bốc mùi hôi thối! Tôi dặn chỉ cho ăn cháo loãng sao lại cho ăn bún để thối như thế này!”. T. gọi tôi cúi xuống ngửi, tôi thấy có mùi thối. T. lại gọi vợ bệnh nhân đến ngửi. Vợ nói: “Thưa ông, đúng là thối thật”. Vợ bệnh nhân kể lại: “Khi bố về xoa bụng và cho ăn quýt, anh hết đau và đòi ăn. Em đi nấu cháo như bố dặn nhưng chồng em bảo thèm bún lắm, đòi ăn bún cho bằng được. Vì thương chồng, buộc lòng em đi mua bún cho anh ăn mới ra nông nỗi này”.


T. vận công nghe rắc rắc rồi phát công vào bụng, vào cổ chữa cho bệnh nhân độ 15 phút. Xong T. bảo: "Xong rồi, cô đèo về, nhưng nhớ chỉ cho ăn cháo loãng thôi đấy!"


San lần đó, tôi về Hà Nội, không theo dõi được việc chạy chữa tiếp theo thế nào!


Một lần khác, tôi về thăm quê ở Quảng Ngãi, gặp ông Ba, Bí thư Đảng ủy phường Lê Hồng Phong, thị xã Quảng Ngãi muốn ra nhờ T. giúp. Tôi đưa ông đến nhà T. Gặp nhau, T. bảo đừng nói gì để T. coi cho! T. cầm tay ông Ba rà lên rà xuống nói: “Ông là người thích chơi thể thao có lần bị chấn thương phải vào bệnh viện cấp cứu. Hiện nay ông bị đau đầu kinh niên. Bệnh đau đầu của ông không phải ngày nào cũng đau mà đau theo chu kỳ. Khoảng 10 ngày đau một lần, cứ thế diễn đi diễn lại tháng này sang tháng khác, đúng không?”. Ông Ba nói: “Ông nói đúng quá, không sai một chi tiết nào, xin bái phục". T. bảo: “Ông không có điều kiện gặp tôi thường xuyên để chữa, tôi cho ông bài thuốc nam về tìm uống, bệnh sẽ đỡ". Nói xong, T. lấy giấy viết đơn thuốc đưa cho ông Ba.


Việc chẩn đoán của T. là như vậy!


* * *

Xin chuyển qua câu chuyện T. làm thuốc.


Anh Bốn Bôi quê ở xã Cẩm Kiến, thị xã Hội An, có con gái lớn bị đau cổ họng. Hàng ngày anh đi làm thợ hồ chưa đưa con lên T. được. Anh đến nhà trình bày với T. T. bảo: "Tôi cho tạm ít thuốc về cho cô ấy uống. Lúc nào rảnh đưa cô lên sau cũng được”. Nói xong, T. đem ra một túi thuốc bột màu vàng, lấy tờ giấy trắng đặt dưới, lấy cuộn giấy vệ sinh xé làm bốn khúc đặt chéo bốn góc, đổ thuốc vào, lần lượt gấp các góc giấy vệ sinh, xong gấp tiếp tờ giấy trắng lại thành một gói vuông vức. T. lấy bút viết lên tờ giấy trắng mà toàn là chữ Phạn. không ai đọc được. T. dặn anh Bốn Bôi: "Ông đem gói thuốc về đưa cho con ông bảo cứ theo hướng dẫn viết ở đây mà uống, ông không được mở ra!". Bốn Bôi thắc mắc chữ này làm sao con đọc được, nhưng không dám hỏi. Bốn Bôi về nhà đưa thuốc cho con và nói như T. dặn. Xong do bận việc phải đi làm ngoài Đà Nẵng, ba ngày sau mới về hỏi con: “Con uống thuốc ông cho thấy thế nào?" Cô con bảo: “Mỗi ngày ông dặn uống một viên mà thuốc nhiều lắm, con mới uống có ba viên".


Bốn Bôi trố mắt ngạc nhiên, tại sao là viên được, rõ ràng ông cho thuốc bột mà! Bốn Bôi bảo con gái lấy thuốc ra xem lại. Mở ra thấy đúng toàn thuốc viên. Mấy khúc giấy vệ sinh không thấy nữa mà nó biến thành từng mẩu nhỏ bọc từng viên thuốc một. Một việc lạ nữa là T. viết chữ Phạn làm sao đọc được liền hỏi con. Con bảo: “Ông viết chữ quốc ngữ nên con đọc được". Xem lại tờ giấy thì vẫn là chữ Phạn. Lần sau gặp tôi; Bốn Bôi kể lại và hỏi tôi. Tôi chịu không làm sao giải thích được.


T. còn nhiều cách làm thuốc rất lạ chứ không chỉ có vậy.


Một hôm hai bố con Phước và Lương từ Hà Nội đến thăm T. Phước là huynh đệ thân tình với T. Hai bố con Phước ở nhà T. hơn nữa tháng. Buổi tối hôm đó, T. bảo Phước: “Ông muốn coi tôi làm thuốc không?" Phước nói muốn! T. bảo Lương ra bờ rào bứt một số lá, lá gì cũng được, đem vào. Lương ra bờ rào bứt mỗi loại năm, ba lá đưa cho T. T đặt nắm lá vào lòng hai bàn tay vừa vò vừa nhảy nhót. Một lát. T. xòe bàn tay cho hai bố con xem thì nắm lá đã hóa thành 10 viên thuốc màu đen tròn như viên thuốc tể lớn hơn hạt ngô. T. bảo Phước có muốn nếm thử không! Phước gật đầu. T. bảo há mồm ra. T. búng một viên vào mồm Phước bảo nhai nuốt đi. Phước nhai nuốt thấy đúng là viên thuốc tể có mùi thuốc bắc. Chín viên còn lại T. cho vào mồm nhai nuốt hết và cười. T. hỏi hai bố con ông muốn xem nữa không. Phước gật đầu. T. bảo Phước: “Bây giờ đến lượt ông! Ông ra ngoài bốc cho tôi một nắm đất”. Phước ra bốc đất nhưng vùng này toàn cát, Phước hỏi cát có được không? T. trả lời, cát cũng được! Phước bốc nắm cát đem vào. T. lại cho vào lòng bàn tay, vừa xoa vừa nhảy nhót như lúc đầu, xong xòe tay ra. Mười viên thuốc màu vàng nhưng lần này là viên nén, dẹp đã nằm giữa bàn tay T. T. cười hỏi muốn nếm thử nữa không? Phước bảo có và một viên thuốc lại bay vào miệng Phước. Phước nhai. Điều lạ lừng là viên thuốc nhai rất mịn không hề thấy có tý cát nào mà hơi chua như vitamin C. Chín viên còn lại T. cho vào mồm nhai nuốt luôn.


Một lần khác, ông Xuân kỹ sư ở Hà Nội cũng là huynh đệ thân tín của T. vào chơi với T. hơn một tháng trời xem T. chữa bệnh. Theo Xuân kể lại có một bệnh nhân nữ đến xin T chữa bệnh. T. bảo bệnh nhân nằm trên phản rồi ra ngoài sân bứt một số lá vạn thọ vào bỏ trong một ly nước. T. bưng ly nước đưa ra ngoài cửa sổ. Sau đó lấy lá vạn thọ ra cho vào mồm nuốt đồng thời uống luôn cả ly nước. Một lát T. ợ cho số lá vạn thọ ra khỏi mồm đặt vào ngực và bụng phía trong áo bệnh nhân xong, T. một tay bưng chiếc ly đưa ra ngoài cửa sổ một tay lấy từ ngực bệnh nhân ra hai viên thuốc tròn màu nâu nhét vào mồm bệnh nhân bảo nhai nuốt. Xong T. đưa tay vào bụng bệnh nhân lấy ra viên thuốc thứ ba. Viên này không đưa cho bệnh nhân mà bảo ông Xuân: “Viên này cho ông!”. Ông Xuân cầm viên thuốc ngửi thấy thơm mùi thuốc bắc. Không thấy T. bảo nhai viên thuốc nên đem vào cất trong tủ. Lúc về Hà Nội, quên không lấy viên thuốc.


Tất cả những câu chuyện trên đều có thật trăm phần trăm. Anh em suy nghĩ mãi không thể nào giải thích được.


* * *

Việc T. chữa cai nghiện rượu, cai thuốc lá, ma túy xin kể vài mẩu được trực tiếp chứng kiến.


Hôm đó có tôi, bác Hoàng và một số anh em đang ở nhà T. Một ông khoảng 60 tuổi ở xã Tam Lãnh đến nói với T: “Thưa ông (tất cả những người đến chữa bệnh đều gọi T. bằng ông), tôi nghiện rượu đã hơn chục năm nay, muốn bỏ mà không sao bỏ được, nhờ ông giúp cho”. T. hỏi: "Mỗi ngày ông uống bao nhiêu?”. Ông già trả lời: Ít là một xị còn nói chung từ nửa lít đến một lít!". T. lại hỏi: "Ông dứt khoát chưa?". Ông bảo: "Dứt khoát rồi vì không có tiền và biết uống rượu là hại sức khỏe lắm". T. bảo: "Ông ngồi xuống đây!" T. nhờ tôi lại bàn lấy một ly nước sôi để nguội trong bình nhựa. Tôi rót đầy ly và đưa cho T., T. cầm ly nước, phát công vào ly đưa cho ông. già và dặn: "Ông gắng uống hết ly này thì bỏ được rượu!". Ông già thấy tôi rót nước sôi để nguội vào ly liền cầm uống. Uống được vài ngụm, khoảng một phần ba ly liền ngưng lại nói: "Ông cho uống thú rượu quá nặng, uống vào muốn đứt hơi. Tôi chưa uống loại nào nặng như rượu này!". T. bảo: "Ông phải uống hết, nếu say ngã, có anh em đỡ đừng sợ." Với quyết tâm từ bỏ rượu, ông cố gắng uống tiếp. Mặt ông đỏ phừng. Đến ngụm cuối cùng, ông ngã quẹo đầu trên ghế. Đúng là ông già say rượu thật. Độ 15 phút sau, ông tỉnh lại, T. bảo: "Ông bỏ rượu được rồi! Từ nay về sau, chỉ cần ngửi thấy mùi rượu là ông lảng tránh, đừng nói chuyện uống. Chiếc ly T. vẫn cầm trên tay. Tôi bảo T. đưa ly tôi cất cho. T. biết ngay nói: "Bố lại muốn kiểm tra nước hay rượu chứ gì!" T. đưa ly cho tôi. Trong ly! còn một ít nước, tôi đưa lên miệng nhắp thì vẫn là nước sôi để nguội mà ông già uống lại là rượu quá nặng, say ngã vật ra. Chuyện thật khó hiểu.


Mấy ngày sau ông già Tam Lách quay lại gặp T. cảm ơn rối rít nói: "Nhờ ông tôi bỏ hẳn được rượu rồi! Giờ có ai mời cũng không uống được!"


Một buổi tối T. rủ tôi ra Kế Xuyên thăm huynh đệ. Sau khi thăm vài nhà, T. và tôi đến nhà anh Ngộ khoảng 30 tuổi. Anh Ngộ nói với T.: "Em hút thuốc nhiều quá, biết có hại nhưng chưa bỏ được". T. hỏi: “Mỗi ngày anh hút bao nhiêu điếu?". Ngộ trả lời: "Mỗi ngày em hút trung bình 20 điếu, có ngày hút 30 điếu". “Được rồi. Anh lấy thuốc châm lửa đi". Ngộ móc gói thuốc Du Lịch trong túi ra, lấy một điếu châm lửa rồi đưa cho T. T. cầm điếu thuốc vuốt tới vuốt lui đưa cho Ngộ nói: "Anh muốn bỏ hẳn thuốc phải hút hết điếu thuốc này.Vấn đề là phải hút hết, khó mấy cũng phải hút hết. Nếu chỉ hút một nửa mà thôi thì chỉ bỏ được một nửa!”. Ngộ bắt đầu hút. Mới được mấy hơi, anh ta dừng lại nói: ‘Vẫn là thuốc Du lịch thường hút nhưng hôm nay sao nó quá gắt, hút vào đau ngực chịu không nổi”. T. bảo: "Tôi nói rồi mà, phải ráng hút hết điếu thuốc!”. Ngộ hút tiếp một hơi nữa, ho sặc sụa, ôm ngực kêu đau, không hút được nữa. T. cầm điếu thuốc cười nói: “Như vậy, anh chỉ bỏ được một nửa chứ không bỏ hẳn được! Đó là tại anh nhé!”. Tôi bảo T. đưa điếu thuốc cho tôi. T. đưa cho tôi cười: “Bố lại muốn thử rồi!”. Tôi hút hết nửa điếu thuốc còn lại thấy hoàn toàn bình thường, không ho cũng chẳng đau ngực.


Chữa cai nghiện ma túy, T. chữa cho nhiều người khỏi hẳn. Tôi chứng kiến được hai trường hợp: Cậu B và cậu H. là hai thanh niên ở Hà Nội. Hàng năm, T. có ra Hà Nội vài thuần. Nghe T. có tài chữa bệnh, gia đình có con nghiện đưa con đến nhờ chữa.


Hôm đó ở một quán cơm chay đường Thái Hà thuộc quận Đống Đa, con nghiện B. được T. chữa. Trước tiên, T. phát công cho B. hôn mê nằm trên giường không biết gì. T phát công vào đầu, ngực, bụng độ 15 phút là xong. Anh thầy chữa này rất vui tính. Anh ta cầm quả khế ngọt trên bàn cắt ra từng miếng bảo những người chung quanh: "B. mê man rồi, các anh thử cho anh ta ăn miếng khế xem anh ta có ăn được không?”. Một người ngồi sát bên cầm miếng khế nhét vào mồm B. Hai hàm răng B. cắn chặt không nhét khế vào được. T. nói: “Không cho ăn được phải không? Tôi sẽ cho B. ăn cho các vị xem!”.


T. cầm miếng khế đưa vào miệng B. thì B. ngậm lấy và nhai nuốt trong khi vẫn hôn mê. Tóm lại, người đã hôn mê rồi, T. điều khiển thế nào cũng được.


Cả B. và H. chữa ở Hà Nội được vài lần. Khi T. về, hai thanh niên này được gia đình đồng ý cho đi luôn với T. để được tiếp tục chữa. B. sau khi khỏi hoàn toàn đã lấy vợ và đã có 1 cháu. H. sau khi khỏi nghiện, tình nguyện đi theo thầy để học chữa bệnh.


* * *

Phần này xin dành tập trung nói về hiệu quả chữa bệnh của T.


Nhu phần trước đã phân tích, T. hoặc bất cứ thầy chữa nào cũng không thể chữa khỏi trăm phần trăm cả người bệch và loại bệnh vì đó là quy luật. T. chữa bệnh có hiệu quả nhất định. Chúng tôi chỉ là những người bình thường, không phải bà con họ hàng xa gần gì với T., chỉ có một mục đích là tìm hiểu sự thật đúng như nó vốn có. T. làm đúng, làm được, chúng tôi nói T. làm đúng, làm được. T. làm sai, làm dở, chứng tôi nói T. làm sai, làm dở một cách khách quan, vô tư. Sau đây là những kết quả chúng tôi chứng minh được:


Trở lại chuyện chữa bệnh đau cổ họng cho cô con gái của Bốn Bôi ở Cầu Kim, Hội An. Sau lần T. cho thuốc bột (mà bột đã hoá thành viên) uống đỡ chỉ được một thời gian. Độ một năm sau, cô này bệnh càng ngày càng nặng đến mức không nuốt được cơm mà chi bón cháo loãng. Trong cổ họng như có một cục u, ra cả máu mũi, máu mồm. Gia đình quá nghèo không có tiền đưa đi bệnh viện. Bốn Bôi phải nghỉ làm thợ hồ, đèo con lên gặp T. xin T. giúp.


Chở con đến nhà thì T. đi vắng. Lúc đó là 5 giờ chiều. Hai bố con chỉ còn biết ngồi than thở. Không gặp ông thì chắc là chỉ còn có chết. Bốn Bôi nói với con phải ráng chờ đến tối may ra ông về chứ bây giờ biết đi đâu trong lúc nhà không có tiền. May sao lúc chạng vạng tối thì T. về. Vẫn thấy mặt hai bố con Bốn Bôi T. nói ngay: “Tôi biết bố con ông đợi tôi mà đợi trong giờ phút hiểm nghèo của con ông nên tôi phải bỏ việc đang làm giở, chạy gấp về đây. Yên tâm đi, con ông không chết đâu! Tôi chữa ngay bây giờ!”.


T. bảo bệnh nhân nằm lên phản, vận công nhìn vào vùng cổ nói: “Cô này bị một cái u ở vòm họng đã bị vỡ, nhưng là u lành không phải u ác. May là ông đưa lên kịp nếu chậm vài ngày thì xin chịu”. Nói xong. T. tiếp tục vận công, phát phóng ngoại khí vào đầu, gáy, đặc biệt tập trung trên vùng cổ. Độ 20 phát. T. bảo xong rồi và dặn: “Bố con ông phải ở đây vài ba ngày, tôi chữa tiếp mới được, một lần chưa được đâu. Ăn uống không lo nhà tôi còn nhiều gạo, rau thì rất sẵn”.


Tối hôm đó, Bốn Bôi không ngủ, thức để theo dõi con. Hiệu quả trước mắt là hết ra máu ở mũi, ở mồm, đau có giảm, thở dễ chịu hơn. Sáng sớm hôm sau, đỡ con ra bể nước rửa mặt, cô con bỗng nổi ho và hộc lên một tiếng, cục u trong họng vọt ra dính toàn máu, mủ. Thật mừng hết chỗ nói, cả hai bố con đều rơi nước mắt. Lấy giấy cầm cục u vào đưa cho T. xem. T. bảo: “Tôi biết rồi, u lành mà! Nhưng chưa về được đâu, ở lại chữa tiếp vài lần nữa cho cổ họng bình thường trở lại mới hoàn toàn khỏe mạnh được!”. T. còn nói vui: “Về lấy chồng được rồi! Lúc nào cưới nhớ mời tôi nghen!”


Sau đó, bố con về và cô con gái hoàn toàn khỏe mạnh cho đến ngày nay, đã lấy chồng và có 2 cháu.


Nói tiếp việc T. chữa bệnh cho Bùi Thanh Tùng ở Kế Xuyên mà trong phần nói về tiền đã đề cập.


Bùi Thanh Tùng độ 35 tuổi sống khỏe mạnh, bình thường bỗng nhiên các khớp cả chi trên, chi dưới đều sưng đau, có khớp bị lở loét. Gia đình vội vàng đưa Tùng vào bệnh viện đa khoa Đà Nẵng để chữa trị. Bệnh viện qua khám nghiệm chẩn đoán Tùng bị bệnh viêm khớp teo cơ, một chứng bệnh hiếm gặp. Qua 3 tháng điều trị tốn khoảng 5 cây vàng mà bệnh càng ngày càng nặng. Các khớp bị lở loét đầy máu mủ. Các cơ bắp chân, bắp tay mất dần chỉ còn xương với da. Suốt ngày đêm Tùng nằm trên giường bệnh, không ngồi, đứng được, không ăn được. Vợ phải luôn túc trực bón cháo, sữa và phục dịch.


Cuối tháng thứ ba, bệnh viện tuyên bố hết khả năng chữa tri cho về sống được ngày nào hay ngày ấy. Đưa chồng về khỏi nói là vợ Tùng và cả gia đình đau thương như thế nào? Vợ Tùng là một người vợ hết mực yêu thương chồng. “Chẳng lẽ anh ra đi bỏ em và con bơ vơ trên đời này sao?”. Không biết làm gì hơn, vợ Từng thắp hương trên bàn thờ gia tiên khấn xin trời đất, thần linh và ông bà tổ tiên độ cho Tùng tai qua nạn khỏi.


Vì phải chăm sóc chồng mấy tháng trong bệnh viện nên vợ Tùng rất ít được ngủ, khấn xong vào giường nằm xuống là ngủ thiếp đi. Độ 12 giờ đêm, vợ Tùng nằm mơ thấy một ông già râu dài đầu tóc bạc phơ đến bên giường bảo: "Chồng con không chết đâu, không nên bi lụy, ta sẽ mách bảo để cứu chồng con. Ngay bây giờ sau khi ta nói, con dậy huy động người nhà thuê xe, làm cáng đưa ngay chồng con theo đường 1 vào hướng nam, qua khỏi cầu T. … cây số, dừng lại, khiêng chồng con theo đường luồng hướng tây một đoạn là tới. Người này sẽ chữa cho chồng con khỏi bệnh. Nhưng không được chậm trễ. Đưa đến chậm, người này cũng không cứu được. Nhớ kỹ điều đó”.


Vợ Tùng quá mừng lập tức nhanh chóng tổ chức đưa chồng đi theo đúng lời Thần dặn. Xe vào đến đầu đường luồng, Tùng được chuyển qua cáng. Vừa khiêng chồng, vợ Tùng năn nỉ số người ở dọc đường luồng xin cho lên trước vì bệnh quá nặng sợ không kịp. Thời điểm này, bệnh nhân từ các nơi đến nhà T. quá đông. Và cuối cùng, Tùng được khiêng đặt trước sân nhà T. Lúc này trời đã gần sáng. Trong nhà, T. đã biết sự việc, bảo mấy người đang đợi chữa ra ngoài và gọi ra sân bảo khiêng Tùng vào ngay, chậm không cứu kịp đâu!


Tùng vừa được đặt xương sàn nhà, T. không nói, không hỏi lập tức vận công khắp người kêu răng rắc, phát công từ đầu đến chân độ 15 phút. Tiếp theo là một đợt bấm huyệt cũng từ chân lên đầu. Trên người T. mồ hôi toát ra đầm đìa. T. thở phào nói: “Khỏi chết rồi, may mà đến kịp, nếu chậm độ một giờ thì vô phương cứu chữa! Nhưng chưa xong đâu, mới bước thứ nhất!”. T. bảo vợ Tùng: “Ngay bây giờ huynh đệ sẽ đèo cô đến một chỗ lấy về đây cho tôi một viên gạch cổ. Cô cứ ngồi lên xe, người lái xe biết chỗ”. Thế là vợ Tùng ngồi lên xe ra thị xã X. đi về phía tây độ 10 km. Xe dừng lại bên đống gạch cổ, vợ Tùng đã thấy T. đang ngồi chọn gạch, quá sức ngạc nhiên về sự có mặt của T. ở đây. T. cầm viên gạch đưa cho vợ Tùng bảo: “Phải về nhanh, lấy rơm đốt cho viên gạch đỏ lên rồi cho vào chậu nước xông cho Tùng”. Vợ Tùng ngồi lên xe và người lái xe chạy một mạch về nhà. Về đến sân lại đã thấy T. trong nhà hối thúc phải đi đốt gạch nhanh lên. Càng ngạc nhiên hơn nhưng lo đốt gạch chữa cho chồng, vợ Tùng không dám hỏi.


Tùng được xông toàn thân theo hướng dẫn của T. T. lại bảo: “Mới bước thứ hai. Còn một việc nữa. Đơn thuốc tôi đã viết sẵn, cô ra hiệu thuốc Bắc ngoài thị xã bảo họ hốt cho 10 thang. Mỗi thang 15 nghìn, cô có tiền trong túi không? Nếu không có xuống bảo vợ tôi đưa". Vợ Tùng nói: “Em có tiền đây rồi”. Thế là lại lên xe đi mua thuốc. Mang thuốc về, vợ Tùng nói: "Em kể lại chuyện chồng đau, nhờ ông chữa khỏi chết như thế nào cho ông hốt thuốc nghe, ông cảm động lấy vốn chỉ 10 nghìn một thang!" “Giờ cô sắc ngay một thang cho Tùng uống là hoàn toàn yên tâm”.


Sau khi Tùng uống thuốc, T. bảo: “Giờ thì ngồi được rồi! Ông ngồi lên tôi coi!" Tùng chống tay ngồi dậy. T. lại bảo: "Ông đứng lên!" Tùng theo lời đứng dậy. T. bảo: “Ông đi được đó, đừng sợ, cứ đi đi”. Tùng bước tới rồi bước lui. Cả vợ lẫn chồng đều rơi nước mắt. Vì cả tháng trời, Tùng có có nằm. Tất cả những người có mặt hôm đó đều ngạc nhiên trước cảnh chữa thần kỳ của T.


T.dặn tiếp: “Giờ cô cho tất cả số anh em đi theo về, chỉ cần mình cô ở lại với Tùng, tôi sẽ chữa cho chồng cô khỏi hẳn mới được về. Còn một việc nữa, cô ra ngoài quán mua 3 gói mỳ tôm đem về đây!”.


Mỳ tôm mua về, T. lấy hai chiếc bát bảo: “Cô làm một bát 2 gói, một bát một gói. Hai gói là cho chồng, một gói là cho cô. Chồng cô lâu rồi không ăn gì, đang thèm ăn đấy!”. Vợ Tùng nhất nhất chấp hành nhưng vẫn sợ nên e ngại. T. biết ngay nói: “Cô lại sợ chồng lâu không ăn mà ăn những hai gói chứ gì! Tôi bảo đảm, không việc gì đâu!”.


Ngồi nhìn chồng ăn liền hai gói mỳ ngon lành, vợ Tùng lại khóc vì quá mừng và xúc động. Ngày nào Tùng cũng được T. phát công và bấm huyệt. Đến ngày thứ 10 thì tất cả các khớp lở loét đều lành lặn. Sức khỏe hồi phục trông thấy, có da có thịt không còn tình trạng da bọc xương như lúc mới đưa đến. Hàng ngày T. hướng dẫn Tùng tập thể dục. Ngày thú 11 trở đi, T. bảo vợ Tùng đưa Từng đi từ nhà ra cầu rồi trở về. Đến ngày thứ 15, T. cho hai vợ chồng chạy lúp xúp cũng ra đến cầu rồi chạy về. Đến ngày thứ 19, T. cười bảo: “Ngày mai xuất viện được rồi đó!”.


Vậy là qua 19 ngày bằng nhiều phương pháp, T. đã chữa cho Tùng, một bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo trong tình trạng thập tử nhất sinh hoàn toàn khỏi bệnh trong khi bệnh viện bất lực cho về chờ chết. Ta suy nghĩ thế nào về hiệu quả chữa bệnh trong trường hợp này? Tôi là người chứng kiến và gặp vợ chồng Tùng nhiều lần để trao đổi về hiệu quả chữa bệnh thần kỳ của T. Chuyện tặng ti-vi đã nói ở phần trước, không nhắc lại. Vợ chồng Tùng còn một thắc mắc hỏi tôi, tôi không làm sao giải thích được. Đó là tại sao vợ Tùng khi đi lấy gạch đã thấy T. đang ngồi chọn gạch. Lúc về đến nhà lại thấy T. có mặt ở nhà. Vợ Tùng cả đi lẫn về đều ngồi trên xe máy chạy nhanh. Nếu T. đi tắt phải đi bộ làm sao nhanh được. Một hôm nằm với T. tôi đưa thắc mắc đó ra hỏi, T. chỉ cười và nói là các người đó đi đường thẳng còn tôi đi đường tắt có gì mà không hiểu? Tôi suy nghĩ mãi vẫn thấy giải đáp của T. không ổn chút nào, bên trong còn những vấn đề huyền bí không hiểu được mà T. không nói.


Ông Nguyễn Minh Hoàng cán bộ công an nghỉ hưu ở thị xã Quảng Ngãi là bạn thân của tôi. Ông bị sỏi thận lâu năm đã một lần tán sỏi bằng la-de và cũng đã mổ lấy sỏi ra. Nhưng chỉ một thời gian sỏi lại hình thành trở lại. Tôi đưa ông ra gặp T. nhờ T. giúp. Đi lại hàng năm trời, ông Hoàng trở thành huynh đệ thân thiết của T. nhưng T. vẫn chưa chữa cho ông lần nào (đây là điểm khác thường của T., sẽ tập trung nói ở phần sau). Một hôm ông Hoàng ra thăm T., T. bảo: “Ông lại đây tôi giúp. Tôi biết bệnh ông rồi!" . Thế là T. phát công độ 10 phút vào vùng thận. Tôi hỏi ông Hoàng: “Ông có cảm thấy gì không?". Ông Hoàng bảo: "Thấy bình thường, không có gì lạ". Nhưng sáng hôm sau khi ông về đến nhà thì chuyện lạ đã xảy ra. Ông đi tiểu thấy tức và 2 viên sỏi to bằng.hạt đậu xanh vọt ra. Trong ngày hôm đó, mỗi lần đi tiểu sỏi lại tiếp tục ra. Tất cả là 7 viên. Ông nhẹ hẳn người và từ đó đến nay không thấy đau tức ở vùng thận nữa. Chuyện lạ và cũng là thần kỳ ở chỗ chỉ mới chữa một lần mà có hiệu quả trông thấy.


Cô Lê Thị Lan con ông Lê Văn Tám ở thị xã Hội An bị bệnh bướu cổ lỗ tròng, Tây y gọi là bướu độc hoặc ba-giơ-đô. Bướu ở cổ cô Lan càng ngày càng to và hai tròng mắt lồi ra ngoài. Lan lên nhà xin T. giúp. T. chữa cho cô nhưng không được liên tục vì nhiều lúc phải đi các huyện để chữa cho những người không đến được. Tuy vậy sau khoảng một tháng cục bướu ở cổ nhỏ dần và hai tròng mắt cũng bớt lồi. Qua mấy tháng, bệnh ba-giơ-đô của Lan lùi dần. Vài ba năm nay Lan hoàn toàn khỏe mạnh. Căn bệnh quái ác không còn hành hạ Lan nữa. Cô tự nguyện tu tại gia, ở vậy không lấy chồng, và ăn chay trường từ đó đến nay. Thỉnh thoảng T. ra Hà Nội, cô xin đi theo nấu ăn cho thầy để ghi nhớ mãi công ơn người đã cứu cô khỏi căn bệnh mà cô cho là rất nguy hiểm và khó coi đối với giới nữ.


Một cách chữa bệnh kỳ lạ khác. Một hôm chúng tôi đang ngồi với T. trong nhà thì có hai bà vào lứa tuổi trên 50 từ ngoài sân đi vào. Vào đến cửa, hai bà định nói, T. bảo: “Biết rồi, không cần nói! Bây giờ tôi quăng trái quýt này xuống đất, bà nào chụp được quýt tôi chữa, bà nào không chụp được thì thôi!". Nói xong, T. lăn quả quýt trên mặt đất. Hai bà bò trên mặt đất ra sức chụp đến 15 phút, quả quýt lăn hết chỗ này sang chỗ khác không bà nào chụp được! Thì ra là T. dùng công lực điều khiển quả quýt chạy. T. hỏi: "Hai bà muốn chụp nữa không?”. Hai bà đều nói xin chụp tiếp vì nghĩ không chụp được sẽ không được chữa bệnh. Quả quýt tiếp tục lăn, 10 phút sau, không bà nào chụp được quả quả quýt. T. nói: “Đủ rồi! Tôi chữa cho cả hai bà xong rồi! Các bà xem lại cánh tay của mình đi!” . Hai bà lúc ấy mới ngớ người ra nhìn vào cánh tay của mình. Thì ra hai bà này đều bị cánh tay cán vá (cánh tay bị khuỳnh không thẳng ra được). Sau hai lần ra sức chụp cho được quả quýt cánh tay đã trở lại hoạt động như tay người bình thường. Hai bà xuýt xoa đưa tay co vào duỗi ra không thấy có trở ngại gì nữa vội sụp xuống cám ơn T. rối rít. Cả T. và chúng tôi cuối cùng không ai biết hai người này tên gì, ở đâu, vì sự việc diễn ra liên tiếp hấp dẫn mọi người, không ai nghĩ đến việc hỏi tên họ, địa chỉ. Riêng T. không mấy khi hỏi tên họ, địa chỉ người bệnh.
Chúng tôi hiểu T. đặt ra chuyện chụp quả quýt là để kích thích bệnh nhân phát huy sức lực của cánh tay tới mức ! tối đa để chữa dị tật ở cánh tay. Ngoài ra không rõ T. có tác động thêm gì nữa không, điều đó chỉ có T. biết. Riêng việc điều khiển quả quýt lăn và biết né tránh để hai bà không chụp được đã là một việc thần kỳ.


Trước sự việc đó chúng tôi chỉ biết kết luận: Đây là một cách chữa bệnh đầy sáng tạo và độc đáo.


* * *

Về chữa mắc xương chúng tôi biết có hai trường hợp. Trường hợp thứ nhất: Một anh ở thành phố Quy Nhơn tỉnh Bình Định (không rõ tên họ địa chỉ cụ thể) ăn cá ngừ bị mắc một khúc xương nằm sâu trong ống thực quản. Gia đình đã dùng các cách chữa mẹo không kết quả. Qua mấy ngày, chỗ mắc xương bị nhiễm trùng viêm tấy nặng gây khó khăn cho ăn uống. Đưa vào bệnh viện thành phố, các bác sĩ hết lòng cứu chữa, đưa xuống không được mà dùng dụng cụ y tế sắp ra cũng không được. Đã nghĩ đến dùng biện pháp phẫu thuật nhưng sợ nguy hiểm vì vết thương bị viêm tấy nên nên đành bất lực cho về nhà tìm phương pháp khác.


Lúc đó có người mách chỉ có ông T. ở khu vực Q. may ra có thể chữa được. Gia đình lập tức thuê xe hỏa tốc chạy đi mời bằng được T. vào. Cũng may lúc đó, T. ở nhà không đi đâu vì T. hay đi nơi này nơi khác. Mời được T. rồi, xe lại hỏa tốc chạy về.


Đến nơi, T. bắt tay vào chữa ngay. Một số bác sĩ ở bệnh viện được tin kéo đến chứng kiến. T. vận công lực đến đỉnh cao, toàn thân rung động, răng nghiến ken két, hai tròng mắt như muốn lồi ra ngoài, đưa toàn bộ nội khí ra hai bàn tay, từ bên ngoài lồng ngực tập trung đẩy từ dưới lên trên và hét lên một tiếng. Chiếc xương cá ngừ không chịu nổi áp lực lớn vọt lên miệng ra ngoài. Những người có mặt hôm đó, cả mấy bác sĩ ồ lên một tiếng tỏ lòng khâm phục, ca ngợi cách chữa thần kỳ của T.


Vấn đề còn lại là theo đơn bác sĩ người nhà đi mua thuốc kháng sinh về cho bệnh nhân uống để giải quyết chỗ bị viêm tấy.


Trường hợp thứ hai xảy ra ở thành phố Buôn Ma Thuột. Sau buổi liên hoan thịt thú rừng, một người bị mắc xương, cũng nằm sâu trong ống thực quản. Gia đình, bạn bè và các bác sĩ bệnh viện thành phố làm đủ mọi cách nhưng không lấy xương ra được. Giống như trường hợp ở Quy Nhơn có người mách phải đi mời thầy T.. Tôi viết theo cách gọi thông thường nhưng T. không bao giờ chịu người khác gọi thích bằng thầy. T. nói “Tôi có dám làm thầy đâu mà gọi bằng thầy!”.


Mời được T. lên, T. thao tác y như trường hợp ở Quy Nhơn. Mẩu xương vọt ra ngoài. Lần này cũng có các bác sĩ ở bệnh viện thành phố Buôn Ma Thuột tham dự. Cách chữa mắc xương của T. là như vậy, tin hay không tùy các bạn.


* * *

Đến đây chúng tôi xin trở lại bài báo đầu tiên với nhan đề "Một người có khả năng chữa bệnh đặc biệt"! Những điều tờ báo viết về hiệu quả chữa bệnh của T. là hoàn toàn đúng sự thật, không hề có chuyện dối trá, lừa bịp mang màu sắc mê tín dị đoan. Có thể tóm tắt lại sau đây:


– Chị Lê Thị Lệ 29 tuổi bị lao màng bụng và u đại tràng đã chữa ở bệnh viện ĐKĐN 4 tháng nhưng không khỏi.


– Anh Võ Nã 36 tuổi bị đau cột sống được bác sĩ Đ.X C. ở BVĐKTK chữa 15 ngày. Sau đó chữa tiếp ở phòng mạch của Đông y sĩ N.T.B 20 ngày nữa vẫn không khỏi.


– Cháu Lê Thị Hằng 16 tuổi bị bệnh đau đầu mãn tính sau đó chuyển sang hội chứng tâm thần đã chữa ở BVĐKĐN không khỏi.


– Chị Lê Thị Hồng Xuân 46 tuổi công tác ở Z176 Tổng cục Kỹ thuật Bộ Quốc phòng đã nghỉ hưu bị đau đầu kinh niên đã chữa ở BVXP và có đến một số giáo sư bác sĩ ở thành phố Hồ Chí Minh nhưng không bớt.


– Bà Đỗ Thị Năm 49 tuổi bị đau dạ dày đã vào thành phố Hồ Chí Minh chữa trị 3 tháng tại Trung tâm chẩn đoán y khoa HH vẫn chưa bớt.


– Anh Nguyễn Đăng Bảng 39 tuổi bị bệnh đường tiêu hóa đã điều trị ở BVĐKTK không khỏi.


– Và vân vân…


Tất cả những bệnh nhân đều được T. chữa một cách nghiêm túc, hết lòng và cả hết sức trước mặt nhóm phóng viên với nhiều công năng đặc biệt có ca-mê-ra ghi hình như phát công từ gần đến xa, phát nội khí nóng, lạnh bằng tay cả bằng mắt, phát công cách tường, cho hôn mê, cho tỉnh, v.v. Bài báo đã tường thuật từng chi tiết quá trình chữa trị của T., chúng tôi không nhắc lại. Chúng tôi chỉ khẳng định một điều là bài báo ấy viết đúng đắn, nghiêm túc, đúng sự thật, có băng ghi hình kiểm chứng. Hiện nay chúng tôi còn lưu giữ được băng ghi hình này. Sở dĩ chúng tôi có băng ghi hình là do một sự ngẫu nhiên. Trong dịp gặp một người bạn, biết anh có băng ghi hình này chúng tôi mượn đi in sang lại. Chúng tôi không hề quen biết và chưa có liên hệ nào với nhóm phóng viên tờ báo đó. Nói vậy là để chứng minh sự khách quan. Chúng tôi có nhận được một thông tin là bài báo đó do ủng hộ một hiện tượng mê tín dị đoan phản khoa học nên ông trưởng nhóm phóng viên bị thi hành kỷ luật “treo bút” 3 tháng, không biết có đúng không? Nếu đúng thì thật oan cho ông ấy.


Trở lại hiệu quả chữa trị đối với các bệnh nhân trên. Những bệnh nhân trên được T chữa trị có người 10 – 15 ngày, có người chữa 1 – 2 tháng. Có người khỏi như anh Võ Nã, cháu Lê Thị Hằng. Có người giảm được từ 70% đến 50% như chị Lê Thị Lệ, chị Lê Thị Hồng Xuân, bà Đỗ Thị Năm, anh Nguyễn Đăng Bảng. T. chữa hoàn toàn không lấy tiền mà hiệu quả được như vậy là quý trong khi những người này đã chữa ở các cơ sở y tế tốn nhiều tiền mà bệnh không khỏi. Tất nhiên ở bệnh viện cũng đã chữa khỏi, chữa thuyên giảm nhiều người bệnh, nhiều loại bệnh nhưng phải tốn tiền. Ngoài tiền khám bệnh, tiền thuốc theo quy định của Nhà nước, ở bệnh viện còn nhiều loại tiền tiêu cực khác mà người bệnh phải gánh chịu. Còn đến với T. thì không tốn tiền. Đó là cái lý do duy nhất tại sao T. bị cấm bao nhiêu lần mà người bệnh vẫn kéo đến đông. Xin nói lại một điều là T. không có khả năng chữa khỏi mọi người bệnh, mọi loại bệnh. Các bệnh viện từ địa phương đến Trung ương cũng vậy, vì đó là quy luật của tự nhiên. Đừng bao giờ thần thánh hóa người chữa, bất kể là ai.


* * *

Phần còn lại của chương này xin tập trung nói về chuyện chữa căn bệnh hiểm nghèo – bệnh ung thư.


Trước hết xin trích lời khẳng định của một bác sĩ nói với các nhà báo: “Trong y văn thể giới từ trước đến nay chưa từng công bố một trường hợp nào chữa trị được ung thư gan”. Trải qua các thời đại, bệnh ung thư các loại quả là bệnh nan y, một căn bệnh hiểm nghèo vào loại bậc nhất trên thế giới. Từ lời khẳng định trên. chúng tôi hiểu rằng với nền y học hiện đại trên thế giới, chưa có trường hợp ung thư gan nào được chữa khỏi.


Công bố trên chắc là đúng, vì qua theo dõi chúng tôi thấy y học hiện đại chỉ có thể làm chậm lại, ngăn chặn sự tiến triển của bệnh ung thư gan, chứ chưa có khả năng chữa khỏi hoàn toàn. Nếu bệnh mới ở thời kỳ tiền ung thu hoặc mới nhóm bệnh, được phát hiện sớm, y học hiện đại có khả năng chữa khỏi. Nhưng hầu hết bệnh nhân khi đến bệnh viện đã ở thời kỳ nặng nên bệnh viện cũng đành bất lực.


Đó là y học hiện đại còn các phương pháp khác như y dược học dân tộc, y học năng lượng, thuốc nam gia truyền có chữa được không, xin mời các bạn tham khảo phần chứng minh sau đây.


Qua báo chí trên thế giới và trong nước, chúng tôi thử tìm hiểu xem có nơi nào chữa được căn bệnh quái ác này chưa? Tiếp cận tư liệu, thông tin không nhiều, nhưng chúng tôi đã phát hiện thấy ở Trung Quốc và ngay ở nước ta một số nơi đã chữa được bệnh ưng thư, trong đó có ung thư gan.


Ở Trung Quốc có ông Vương Chấn Quốc đã để cả mấy chục tuổi xuân của mình vào việc nghiên cứu loại thuốc Trung y chống ung thư. Cuối cùng ông đã thành công. Ông phát minh ra loại thuốc mang tên "Thiên tiên dịch" và "Thiên niên nang" được nhân dân Trung Quốc và nhân dân thế giới công nhận.


Hai loại thuốc Thiên tiên dịchThiên tiên nang được Hiệp hội chống ung thu quốc tế công nhận là loại thuốc có giá trị chống ưng thu vào loại hàng đầu trên thế giới. Ông còn phát minh ra loại thuốc thứ ba có tên là "Thiên tiên dinh dưỡng“, phòng chữa ưng thư, chống lão suy và tăng cường thể lực. Với những thành tích phát minh trên, Vương Chấn Quốc trở thành nhà khoa học Trung Quốc đạt được nhiều giải thưởng, nhiều huân chương cao quý ở giải hạng cao nhất tại một Hội chợ phát minh Quốc tế. Ông được các chuyên gia chống ung thư hàng đầu của hơn 30 nước trên thế giới bầu làm Hội trưởng Hiệp hội chống ung thư quốc tế. Với khả năng chữa ung thư đạt hiệu quả cao, ông được Chủ tịch Giang Trạch Dân đến thăm những bốn lần, cũng là việc hiếm thấy. Thiên tiên nang, đặc biệt là Thiên tiên dịch của ông có tác dụng chữa trị hiệu quả các loại ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư ruột, ung thư phổi, ung thư gan, ung thư vú. Tỷ lệ chữa khỏi và kìm hãm bệnh đạt 80,2%. Hiện nay có hàng vạn bệnh nhân ung thư các loại ở hơn 50 quốc gia đã được chữa trị. Hàng chục ngàn bệnh nhân ung thư ở Nhật Bản đã được chữa trị có hiệu quả bằng loại thuốc trên.


Ngay ở Việt Nam ta cũng có mấy nơi chữa được bệnh ung thư bằng y dược học dân tộc.


Cháu Trần Thị Ngọc ở cây số 5, ấp 5 xã Sông Trâu, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, 19 tuổi đang học lớp 11 thì bị căn bệnh hiểm nghèo xơ gan cổ trướng. Chân tay, mặt mày cháu Ngọc bị sưng vù, bụng trướng lớn. Gia đình đưa cháu vào Bệnh viện Thống Nhất điều trị. Sau 20 ngày chữa chạy bệnh ngày càng nặng, không ăn được, thỉnh thoảng bị những cơn đau khủng khiếp. Bệnh viện cho về chờ chết
Bạn bè mách có thầy Bùi Quốc Mẫn ở nhà thuốc Mậu Phước Đường cu trú tại Trà Cổ, xã Bình Minh, huyện Thõng Nhất, tỉnh Đồng Nai – một đông y sĩ gia truyền có thể chữa được bệnh này. Lập tức gia định đưa cháu Ngọc đến gặp thầy Mẫn. Sau khi bắt mạch, chẩn đoán, thầy nói: “Bệnh cháu quá nặng, đã ở thời kỳ cuối", nhưng động viên gia đình còn nước còn tát. Thầy kê đơn, bốc thuốc dặn về nhà sắc một thang cho cháu uống ngay. “Thuốc rất đắng cố cho cháu uống hết!”.


Uống thang đầu tiên cháu đi ngoài nhiều lần, toàn chất nhầy nước đen hôi thối, bụng bớt đau, người nhẹ dần. Uống thang thứ hai, mặt, chân tay, bụng xẹp dần, không bị trướng nữa. Cháu đòi ăn và ăn khá, thấy ngon miệng. Hết thang thú bảy, cháu đi lại, chơi đùa với các em được. Khỏi phải nói bố mẹ cháu mừng như thế nào, nghĩ lại nếu để chậm vài ngày mới đến thầy Mẫn chắc không còn được thấy mặt con nữa. Liều chỉ định của thầy là 40 thang nhưng chỉ sau 20 thang, sức khỏe cháu Ngọc ngày càng hồi phục, cháu đã đến trường học trở lại. Cháu Ngọc thi đỗ đại học, học ở Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thủ Đức.


Một trường hợp khác, chị Lê Thị Bích Thu 38 tuổi cu trú tại 8G thôn Long Nguyên, xã Long Điền, huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vú bên trái nổi lên một cục như hòn bi. Vào Trung tâm ung bướu Gia Định, sau khi làm đủ các xét nghiệm, cả sinh thiết tế bào, kết luận chị bị ung thư vú.


Bệnh viện quyết định mổ cắt khối u và dùng phương pháp xạ trị để tiêu diệt tiếp tế bào ung thư. Được 3 tháng sức khỏe tốt, bệnh viện cho về. Được hơn một năm bị đau lại, chị Thu lại lên Trung tâm ung bướu Gia Định diều trị tiếp. Để ngăn chặn di căn, các bác sĩ quyết định mổ cắt bỏ buồng trứng. Cắt buồng trứng xong, thấy phổi có vấn đề, bệnh viện cho xét nghiệm lại toàn bộ, chụp phim cắt lớp hai lá phổi, và một tin sét đánh đến với chị Thu và gia đình: Ung thư đã di căn vào phổi, gây tràn dịch màng phổi. Bệnh viện lại cho xạ trị, rút nước ở phổi cùng với các loại thuốc đặc trị nhưng bệnh ngày càng nặng. Bệnh viện Ung Bướu cho về sống được ngày nào hay ngày ấy. Không biết làm gì hơn, chồng chị lại đưa chị vào bệnh viện An Bình. Sau 3 tuần điều trị không có tác dụng gì chị được xuất viện về nhà trong điều kiện thập tử nhất sinh. Không lẽ để chị chết, chồng chị lại đưa chị vào Bệnh viện Bà Ria. Vào đây các bác sĩ chỉ còn biết cho chị thở ôxy và truyền Moriamin với độ đạm cao. Người chị chỉ còn da bọc xương và thường xuyên đau đớn gần như không còn sức chịu đựng. Bệnh viện Bà Rịa cho chị về.


Chị biết mình không thoát khỏi cái chết nên đã viết di chúc để lại cho chồng trăn trối lời cuối cùng và hôn mê không còn biết gì nữa. Thân nhân, họ hàng đã dựng rạp, mua quan tài chuẩn bị làm đám tang.


Anh Tiến chồng chị đã có địa chỉ của thầy Mẫn Mậu Phước Đường trước đây hai tháng, nhưng anh không tin, vì các bệnh viện Nhà nước đầy đủ dụng cụ y tế, thuốc men, với những bác sĩ chuyên khoa ung thư tài ba còn bất lực thì một thầy thuốc đông y với những cây, lá, rễ, củ làm sao chữa được căn bệnh quái ác này. Nhưng giờ đây, trước cái chết từng giờ, từng phút của vợ, anh đành đến gặp thầy Mẫn với hy vọng mong manh cuối cùng của người chồng hết lòng thương yêu vợ. Anh trình bày với thầy Mẫn tất cả diễn biến bệnh tình của vợ và cách chữa trị của 3 bệnh viện. Thầy Mẫn lặng lẽ cắt cho anh 3 thang thuốc về uống thử, và chuyện lạ đã xảy ra.


Uống thang đầu, chị Thu hết hôn mê, thấy dễ chịu. Uống hết 3 thang chị nằm được, ngủ tốt hơn và đòi ăn. Trước đó chị chỉ ngồi dựa mới thở được, không ăn được. Cả nhà phải thốt lên đúng là thuốc thánh. Uống hết 20 thang, sức khỏe chị hồi phục, đi lại bình thường. Nhờ những cây, lá, rễ, củ và cái tâm của thầy Mẫn, chị Thu đã thoát khỏi lưỡi hái của tử thần, khỏe mạnh, đi làm việc trở lại.


Bạn suy nghĩ gì về hai trường hợp trên? Chúng tôi chỉ có suy nghĩ là đừng bao giờ coi thường Đông y nói chung và Đông y Việt Nam nói riêng. Bác Hồ chúng ta đã từng đề xướng và kêu gọi phải thực hiện Đông Tây y kết hợp đó sao! Tây y có cái mạnh của Tây y, Đông y có cái mạnh riêng của nó. Mỗi phương pháp đều có điểm mạnh và cả mặt hạn chế. Phải kết hợp, bổ sung cho nhau để đạt tới mục đích chữa được bệnh, cứu được người.


Việc dùng Đông y chữa các căn bệnh hiểm nghèo có hiệu quả không dừng lại ở đây. Ở tỉnh Hòa Bình có bà lương y Đinh Thị Phiễn người dân tộc Mường có bài thuốc gia truyền chủ vị là cây xạ đen kết hợp với một số cây, lá khác đã chữa được nhiều bệnh nhân ung thu có hiệu quả. Bài thuốc của bà Phiễn đã được Thiếu tướng, Giáo sư Tiến sĩ khoa học Lê Thế Trung, Phó chủ tịch Hội ưng thư Việt Nam khẳng định bằng nhiều nghiên cứu khoa học, kể cả sưu tầm các kết quả nghiên cứu của nước ngoài về cây xạ đen và họ hàng của nó trong tác dụng chữa trị và ngăn ngừa bệnh ung thư. Mặt khác Sở y tế tỉnh Hòa Bình cũng đã làm một việc rất hợp lòng dân, rất đáng hoan nghênh là bước đầu công bố kết quả nghiên cứu về bài thuốc chữa ung thư của bà Phiễn chứ không ngăn cấm, vùi dập như một vài nơi khác. Có thể nêu một số dẫn chứng hiệu quả chữa bệnh của lương y Phiễn.


Anh Tụ nguyên là lái máy bay ở Hà Nội, ông Bùi 70 tuổi ở Hải Dương, anh Nổi 40 tuổi ở Hà Tây khi đến với bà Phiễn đang ở trạng thái bệnh rất nặng. Sau khi uống thuốc đều đã vượt qua cửa tử, ăn ngủ tốt, các dấu hiệu của căn bệnh quái ác bị đẩy lùi.


Ông Đỗ Văn Tại ở Đội Bình, Ứng Hòa, Hà Tây bị ung thư môn vị đã được bệnh viện mổ vị tràng nhưng không khỏi. Ông cầu cứu đến bà Phiễn. Sau khi uống 60 thang, bệnh khỏi và hiện nay đã khỏe mạnh.


Ông Đỗ Công Đoạn ở Đông Xá, Bình Lục, Hà Nam bị ung thư phế quản trái đã điều trị Tây y nhưng không khỏi. Khối u lớn 6 x 4 cm. Sau 2 tháng uống thuốc bà Phiễn, đi kiểm tra X-quang, không còn khối u, chỉ phổi bị xơ hóa. Ông Đoàn hiện sinh hoạt bình thường..


Bệnh nhân ung thư Đặng Văn Được ở 11B Trần Quốc Toản, Trần Phú, Hải Dương. Tây y chẩn đoán ung thư dạ dày, đã mổ cắt dạ dày nhưng bị di căn lên phổi và có hạch ở vùng rốn phổi. Sau khi uống thuốc bà Phiễn một thời gian đi kiểm tra Tây y lại thì u và hạch vừng phổi đã biến mất.


Dẫn chứng kết quả còn nhiều nhưng chỉ xin đưa một trường hợp đặc biệt nữa.


Ông Đoàn Khu Tự ở 20/4 khu phố 7, phường Tân Biên, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Tháng 3 năm 2003, bỗng nhiên lưỡi ông bị hoại tử, thối rữa từng mảng, không nói được, không ăn uống được phải dùng bơm. Gia đình đưa ông vào Bệnh viện Pháp – Việt ở thành phố Hồ Chí Minh. Bệnh viện chẩn đoán ông bị ung thư lưỡi, vô phương cứu chữa. Cả Bệnh viện ung bướu Gia Định, Bệnh viện K Hà Nội cũng đành bất lực. Như vậy là các bệnh viện chuyên khoa cấp cao nhất không làm gì được trước căn bệnh hiểm nghèo. Ông về nhà đợi ngày sang thế giới bên kia.


May sao một người bạn đưa cho gia đình xem tờ báo Công an nhân dân có đăng tin về bài thuốc gia truyền chữa được ung thư các loại của bà Phiên. Thế là gia đình cấp tốc một lần nữa đưa ông ra Hà Nội. Một điều may mắn nữa là ông được gặp Giáo sư Lê Thế Trung và chính Giáo sư đã giới thiệu để lương y Đinh Thị Phiễn khám chữa cho ông. Cách chữa của bà Phiễn là dùng tinh bột xạ đen đắp trực tiếp vào vùng lưỡi bị hoại tử. Và chuyện thần kỳ đã xảy ra. Sau hơn một tháng chữa trị, các vết hoại tử ở lưỡi biến mất, ông Tự bắt đầu nói được, ăn uống bình thường trở lại. Sức khỏe hồi phục và căn bệnh quái ác bị đẩy lui hoàn toàn. Để chắc ăn, ông trở lại Bệnh viện Pháp – Việt làm các xét nghiệm kiểm ta. Các bác sĩ ở đây bị bất ngờ vì sau ba lần sinh thiết ở ba tầng cơ lưỡi của ông Tự đều không phát hiện được một tế bào ung thư nào!


Bà Phiễn có được học hành về y khoa lần nào đâu! Với chuyên khoa ung thư bà lại càng không biết. Chỉ với bài thuốc gia truyền tổ tiên để lại cùng một số gia giảm theo từng loại bệnh, người bệnh, bà đã chữa được căn bệnh ung thư một cách có hiệu quả.


Một thông tin gần đây nhất làm xôn xao nhân dân Cà Mau và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Đó là việc chữa bệnh bằng thuốc Nam của anh Hứa Thành Chương ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Hơn 3 năm nay anh đã chữa được nhiều bệnh thông thường, đặc biệt là chữa được bệnh ung thư cho nhiều người dân nghèo.


Bố anh là ông Hứa Thành Tâm bị bệnh xơ gan cổ trướng đã chữa ở nhiều bệnh viện, cả ở Trung tâm ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh nhưng không khỏi chỉ chờ ngày chết. Gia đình đã đi mua đất chuẩn bị đào huyệt. Anh Chương được cử đi Tiền Giang để báo cho bà con về lo tang lễ.


Đến Mỹ Tho, trong một quán nước, tình cờ anh gặp và làm quen với ông Ba Việt. Anh kể cho ông Ba Việt nghe về căn bệnh xơ gan cổ trướng của bố, quá trình chữa chạy và hiện đang chờ chết ở nhà. Nghe vậy ông Ba Việt kể là trước đây ông cũng bị xơ gan cổ trướng chữa chạy từ tỉnh tới Trung ương mất gần 28 lạng vàng mà không khỏi. Ông bán cả ruộng vườn và đã lập di chúc để lại.


Trong lúc không còn gì để hy vọng, ông được một người bạn ở U Minh cho uống mấy thang thuốc nam. Nhờ mấy thang thuốc đó ông vượt qua được cửa tử, bệnh xơ gan cổ trướng bị đẩy lùi, ông sống khỏe mạnh cho đến ngày nay.


Như người chết đuối vớ được cọc, anh Chương năn nỉ ông Ba Việt xin lại toa thuốc, hy vọng cứu sống bố, và điều kỳ lạ đã xảy ra. Sau khi cho bố uống 26 thang thuốc do tự mình thu hái, sao chế theo đúng toa ông Ba Việt cho, bố anh khỏe mạnh, trở lại bình thường như người chưa từng biết bệnh xơ gan cổ trướng. Năm nay ông đã 80 tuổi.


Anh Chương nghĩ: cái toa thuốc thần này đã cứu được hai bệnh nhân xơ gan cổ trướng trong tình trạng gần đất xa trời, tại sao mình không đem ra cứu giúp bà con nghèo khổ. Nhưng anh lại nghĩ: mình vốn là dân chài lưới, văn dốt vũ dát, không biết một tý gì về y học, ai tin mình chữa được bệnh. Kệ, cứ thử xem sao! Chính từ cái sự thử xem sao ấy, Hứa Thành Chương trở thành thầy thuốc nổi tiếng suốt dọc vùng sông nước Cà Mau, cả vùng sông Tiền, sông Hậu. Thấy uống thuốc thầy Chương có hiệu quả, thầy lại không lấy tiền, dân nghèo từ bốn phương kéo đến ngày càng đông.
Ban đầu anh chỉ dám hốt thuốc cho những người mắc bệnh thông thường. Anh lại thử hốt cho những phụ nữ bị viêm loét tử cung – một bệnh tương đối phổ biến đối với chị em vùng sông nước. Điều thần kỳ xảy ra là toa thuốc ấy cũng chữa được bệnh viêm loét tử cung. Bệnh nhân uống vào đều khỏi. Như vậy Hứa Thành Chương chẳng những chữa được bệnh thông thường mà anh đã chữa được các bệnh khó như xơ gan cổ trướng, viêm loét tử cung, ra máu trắng, thận ứ nước, cả viêm gan siêu vi B, C.


Người khỏi bệnh rất nhiều không kể hết được, chỉ xin đưa một dẫn chứng điển hình.


Chị Lê Thị Thùy Dung quê gốc ở Sông Đốc Cà Mau theo chồng sang định cư ở Úc. Bỗng nhiên chị bị ốm nặng phải vào bệnh viện. Các bác sĩ Úc sau khi làm xét nghiệm kết luận chị bị ung thư tử cung, khối u có kích thước 60 mm.


Đầu năm 2002, chị đã làm mọi thủ tục, đóng trước viện phí 10.000 USD chờ ngày nhập viện để mổ. Chưa biết được kết quả sau khi nhập viện thế nào, chị đưa chồng con về thăm quê để lỡ xảy ra điều chẳng lành sau này khỏi phải ân hận.


Về quê nhà ở thị trấn Sông Đốc, người nhà đưa chị sang anh Hứa Thành Chương khám và hốt thuốc uống thử. Uống được 10 thang, nhân đưa con lên thành phố Hồ Chí Minh thăm bạn bè, chị vào Bệnh viện Hòa Hảo kiểm tra bằng siêu âm. Chuyện lạ bắt đầu xảy ra. Khối u qua siêu âm chỉ còn 30 mm, nhỏ được một nửa. Về Sông Đốc uống tiếp 15 thang nữa chị nhớ chồng con phải trở về Úc.


Đến đây mới thật là thần kỳ. Vào bệnh viện Úc kiểm tra lần cuối, bệnh viện đã hoàn lại số tiền cho chị vì khối u không còn. Chị đã hoàn toàn khỏi bệnh. Vợ chồng chị quá đỗi vui mừng gọi điện thoại về Sông Đốc báo tin vui, hết lòng cám ơn thầy Chương, gửi biếu thầy một chai rượu quý và một tút thuốc lá.


Xin đưa một dần chứng nữa về chữa trị bệnh ung thư gan. Anh Trần Đương Sang ở thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định 72 tuổi bị đau vùng gan. Vào bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Ung Bướu thành phố Hồ Chí Minh, cả 2 bệnh viện sau khi khám nghiệm kiểm tra, làm sinh thiết đều thống nhất kết luận là anh Sang bị ưng thư gan. Bệnh viện Chợ Rẫy quyết định anh phải vào để tiến hành xạ trị, hóa trị. Gia đình không đủ tiền xin về tìm cách chữa khác.


Có người mách nên dùng mật gấu may có thể chữa được, ít ra là có thể kéo dài cuộc sống. Người nhà lên Buôn Ma Thuột tìm mua được một cái mật gấu cho anh uống. Liều lượng dùng theo hướng dẫn của một lương y. Sau khi dùng hết cái mật gấu, vùng gan không đau nữa. Anh đã vào viện kiểm tra lại, không còn dấu hiệu của bệnh ung thư gan. Đến nay, đã qua 5 năm, anh Sang hoàn toàn khỏe mạnh, thân thể tráng kiện. Tôi đã gặp anh vài lần, hỏi anh và viết lại câu chuyện này.


Để dừng lại phần dẫn chứng hơi nhiều này, chúng ta thấy gì? Riêng chúng tôi thấy: Trong khi y văn thế giới từ trước đến nay chưa từng công bố một trường hợp nào chữa trị được ưng thư gan thì ở Việt Nam ta có những công dân xuất thân là đông y sĩ, thậm chí là nông dân, bạn chài lưới với một vài bài thuốc gia truyền đơn giản đã chữa được các loại bệnh nan y, hiểm nghèo. Điều đó đúng là khó tin nhưng là chuyện có thật. Và, chuyện lạ có thật ở nước ta còn nhiều chưa phải đã hết.


Viết những câu chuyện này, chúng tôi muốn qua thực tế cuộc sống chứng minh một điều. Ở nước ta, dân tộc ta, thời nào cũng có những người tài, những người có khả năng đặc biệt trên nhiều phương diện. Vấn đề đặt ra là phải tìm hiểu, nghiên cứu, xác minh, khai thác, tạo điều kiện cho họ phát huy, phát triển, phục vụ lợi ích cho dân, cho nước, không nên vội quy chụp, trù dập. Tất nhiên phải phân biệt đâu là thật, là khoa học, đâu là giả, là lừa bịp, mê tín dị đoan.


Giờ xin trở lại câu chuyện T. chữa bệnh, đặc biệt là T. có chữa được bệnh ung thư không?


Trở lại năm 1998, T. có chữa hai trường hợp báo chí nói nhiều.


Trường hợp thứ nhất là anh Nguyễn Ngọc Trai ở tổ 19 phường An Mỹ, thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Anh bị đau vùng gan vào bệnh viện Tam Kỳ xin điều trị. Theo các bác sĩ nói với nhà báo: Qua siêu âm thấy gan to hơn bình thường, có biểu hiện sưng tấy. Từ kết quả siêu âm, các bác sĩ kết luận: Trai bị viêm gan cấp với bệnh lý viêm gan mãn, có khả năng ung thư gan nguyên phát. Đây mới là chẩn đoán ban đầu, để chắc chắn có phải ung thư gan thật không phải tiến hành thử Test, trong đó có xét nghiệm sinh hóa (alpha – photo protéin) và làm sinh thiết mẫu vật. Thế nhưng chưa kịp tiến hành thì Trai xin ra viện. Theo anh Trai kể: “Chữa ở bệnh viện tốn nhiều tiền mà tôi thì nghèo không biết có khỏi không, tôi đến thầy T., vấn đề quan trọng là chữa không tốn tiền nên tôi xin thầy chữa. Chữa được một tháng 4 ngày, thấy bệnh thuyên giảm rõ rệt”. Hiện nay qua 3 năm rồi anh vẫn khỏe mạnh, bình thường. Chúng tôi cứ cho là anh Trai bị viêm gan sưng tấy, nghi ung thư như bác sĩ đã nói chứ chưa khẳng định là ung thư mà T. chữa khỏi đã là quý.


Trường hợp thứ hai là bà Nguyễn Thị Vinh ở xã Tam Anh, huyện Núi Thành bị đau ở vú. Bà được một bác sĩ tên Từ, người cùng địa phương khám, chẩn đoán bà bị ung thu vú. Được T. chữa trong thời gian một tháng, bệnh đã khỏi. Bà chưa qua xét nghiệm và làm sinh thiết ở bệnh viện, do đó cũng chưa chắc là bà bị ung thu vú. Cứ cho bà bị u lành ở vú, T. chữa khỏi vẫn là tốt.


Việc T. chữa các loại bệnh ung thư, tuy hiện nay đã có một số tư liệu nhưng để thật chắc chắn, chúng tôi cần có thời gian ới gặp từng người bệnh theo dõi thật kỹ từng trường hợp, nhất là phải được y học hiện đại làm sinh thiết xét nghiệm, kiểm tra, xác minh. Do vậy phần này xin tạm dừng ở đây. Sau này có điều kiện tái bản, chúng tôi sẽ bổ sung. Mong các bạn thông cảm.


Chương ba
KHẢ NĂNG BIẾT TRƯỚC SỰ VIỆC

Với những khả năng đặc biệt, T. không chỉ chữa bệnh có hiệu quả mả còn nhiều khả năng kỳ lạ khác. Chương này dành nói về khả năng biết trước sự việc của T. dân gian gọi là tiên tri.


Chuyện đầu tiên. Hôm đó, ba anh em cùng T. có việc phải đi một tỉnh xa. Ra bến xe, anh em vào mua vé đi chuyến ô tô khách đầu tiên (trong đó dân gọi là “tài một"). Khi đến trước chiếc xe “tài một”. T. bảo vào phòng vé đổi lại đi chuyến sau (tài hai). Anh em thắc mắc bảo đi tài một cho sớm, sao lại đổi đi tài hai. T. đứng trước xe nói: “Xe này chạy khoảng 70 cây số thì bị tai nạn, không nên đi, chỉ vậy thôi!”.


Người lái xe và hành khách ngồi trên xe đều nghe T. nói. Người lái xe đứng lên chỉ vào mặt T. nói: “Ông có điên không đấy! Xe sắp chạy ông nói cái quái gì lạ thế! Không đi thì thôi, ai cần ông đi, cút đi cho khuất mắt”. Lái xe còn chửi T. những lời thậm tệ.


Anh em vào phòng vé đổi vé đi xe sau. Xe T. chạy khoảng 70 cây số nhìn thấy chiếc xe chạy trước nằm lật dưới ruộng. Hai người chết, một số người khác bị thương. Lái xe chính chết. Xe của T. phải dừng lại. T. cùng anh em cả hành khách đều xuống xe. Người lái phụ của chiếc xe bị lật vừa thấy T. liền sụp lạy nói: "Trời ơi! Ông biết trước xe ra đây bị tai nạn sao ông không ngăn lại đừng cho chạy để đến nông nỗi này!" T. nói: “Anh nghe rõ ràng nhé, tôi mới chỉ nói có thế mà bạn anh đã chửi tôi một trận thậm tệ, tôi làm sao ngăn được!"


Anh em đi cùng T. qua một phen hú vía. Nếu T. không bảo đi đổi vé, bây giờ không biết sẽ ra sao?


Chuyện có tai nạn giao thông trên đường các bạn đã biết. Công an đến làm biên bản, gọi xe cấp cứu đưa người bị thương đi bệnh viện, xử lý người chết, giải tỏa giao thông không kể làm gì.


Chuyện thứ hai. Hai vợ chồng người nông dân nghèo nọ muốn nuôi lợn mà không có tiền. Có người bày đem giấy sở hữu đất lên ngân hàng thế chấp sẽ vay được tiền. Mừng quá vì sẽ có tiền nuôi lợn, hai vợ chồng đem giấy tờ lên ngân hàng và vay được hai triệu đồng. Có tiền rồi, vợ chồng lo sửa sang chuồng trại, máng ăn, chuẩn bị thức ăn cho những con lọn sắp nuôi.


Trong khi chờ đến phiên chợ có bán nhiều lợn giống, vợ chồng đem gói tiền hai triệu dúi trong bồ thóc. Đến phiên chợ, hai vợ chồng dậy sớm ra bồ lúa lấy tiền đi mua lợn thì ôi thôi gói tiền đã không cánh mà bay. Cả vợ lẫn chồng như người mất hồn bỏ cả ăn uống. Như vậy là có trộm vào nhà mình lấy tiền, lấy gì mua lợn và làm sao có tiền trả ngân hàng. Cả ngày vợ chồng chỉ biết than ngắn thở dài. Bỗng nghĩ ra điều gì, bà vợ nói với chồng: “Tui nghe bà con nói ở xã bên có một ông tên T., ông này giỏi lắm, chuyện gì ông cũng biết. Vợ chồng mình sang đó nhờ ông thử xem may ra!”.


Hỏi được địa chỉ rồi, vợ chồng liền đến gặp T. Vừa bước vào nhà, T. cười nói ngay: “Ông bà bị mất tiền, đến nhờ tôi giúp phải không?”. Ông chồng thưa: “Dạ, ông tài quá chưa nói mà ông đã biết, ông cố giúp cho! Thưa ông, gay quá, đã nghèo lại gặp cái eo! Loại phi nghĩa này nếu trời không tru thì đất cũng diệt nó!”.


T. ngồi định thần một lúc rồi bảo: “Ông bà cứ bình tĩnh, tôi sẽ cố giúp thử được không? Nhưng hiện giờ thì chưa được vì kẻ lấy tiền của ông bà tiêu hết rồi!” T. lại định thần nhẩm tính trên đầu các ngón tay, nói tiếp: “Tôi ghét loại người trộm cắp này lắm! Tôi sẽ bắt nó trả lại tiền cho ông bà. Ông bà phải chịu khó đợi đến ngày X tháng tới. Đúng ngày tôi dặn, ông bà đến bồ lúa moi lên sẽ thấy lại túi tiền. Số tiền vẫn đủ như lúc mất nhưng loại tiền thì nhiều loại không giống như trước chỉ một loại!”.


Vợ chồng cám ơn T. rối rít rồi chào ra về. Dọc đường ông chồng bảo vợ: “Chẳng lẽ ông tài tới mức biết kẻ cắp đã tiêu hết tiền giờ ông bắt nó phải chạy cho ra tiền để trả lại chỗ cũ cho mình! Nếu đúng vậy ông này là Phật, là Tiên chứ không phải người thường”. Tin thì tin rồi nhưng thấy việc khó quá nên bán tín bán nghi.


Đúng ngày T. dặn, vợ chồng hồi hộp đến bồ lúa bới sâu xuống quả đụng gói tiền đã mất. Vợ chồng ngồi đếm, đúng hai triệu không mất đồng nào. Chỉ có điều khác là khi nhận ở ngân hàng về toàn giấy một trăm, nhưng giờ thì đủ loại, vừa một trăm, vừa năm chục, cả loại hai chục và một chục.


Không có nỗi mừng nào bằng, hai vợ chồng mua bánh trái lên tạ thầy. Gặp T., T. chỉ cười: “Thấy tiền rồi phải không? Có đủ không?" Ông chồng nói: “Dạ thưa ông, đủ không thiếu đồng nào, chỉ khác là nhiều loại tiền". T. lại nói: “Tiền lấy được nó tiêu xài hết, nó không ngờ bị bắt phải trả lại nên phải chạy đi vay kẻ ít, người nhiều cho đủ số. Tôi không nhận quà đâu, ông bà mang về!”.


Làm sao giải thích được chuyện này.


* * *

Một chuyện khác. Ở xã bên có vợ chồng một gia đình nông dân quá nghèo, chỉ biết làm ruộng, không có nghề phụ gì khác nên cuộc sông rất bần hàn, cơ cực. Lao động một nắng hai sương mà không đủ nuôi hai con ăn học, không có tiền đóng học phí cho con.


Một hôm cả hai vợ chồng đến gặp T. Kể nỗi khổ của gia đình cho T. nghe và nhờ ông có cách gì giúp cho để bớt khổ. Xin nói thêm, tôi đã đến vùng này nhiều lần. Tình trạng nghèo khổ trên không phải chỉ có gia đình này mà nhiều gia đình khác cũng trong tình trạng đó.


Tôi đến thăm T., nhưng ban đêm có lúc không ngủ nhà T. mà sang nhà hàng xóm ngủ để tránh công an thấy nhà T. đông người đến lập biên bản. Ở nhà hàng xóm nhiều lần, tôi như người thân của gia đình. Một hôm về quê tôi mang đến cho gia đình này một ki-lô lá long tu – loại lá bổ dưỡng. Tôi hướng dẫn gia đình cách làm rượu thuốc long tu. Chỉ cần một cân đường, một lít rượu là làm được. Vậy mà, khi trở lại hỏi làm rượu long tu xong chưa? Cả nhà nín thinh. Sau mới biết là cả nhà không làm gì có tiền để mua đường và rượu. Tình trạng chung là thóc làm ra chỉ đủ ăn với rau mắm qua ngày, không làm gì ra tiền. Muốn có tiền chỉ có cách bán thóc, mà bán thóc rồi lấy gì ăn. Có lúc cả nhà không có lấy năm nghìn đồng.


Trở lại đôi vợ chồng nông dân nghèo gặp T. Sau khi nghe vợ chồng than nghèo kể khổ, T. bảo: “Chỉ có cách phải cày sâu cuốc bẫm thôi! Ông bà cày cuốc cạn hịt làm sao hoa màu tốt được mà có tiền lo cho con. Nghe lời tôi mùa sắp tới phải cày cuốc thật sâu mới vượng lên được!”.


Vợ chồng về thực hiện như lời T. dặn, ra sức cày sâu cuốc bẫm. Đến mùa thu hoạch, thóc lúa hoa màu tăng tiến hơn trước. Đời sống có khá lên chút ít, nhưng chưa thể thay đổi cảnh sống nghèo khổ. Vợ chồng lại lên gặp T. nói lại kết quả thực hiện lời T. dặn. T. bảo: "Ông bà có thực hiện đúng lời tôi đâu mà bảo không kết quả. Tôi bảo cày sâu, cuốc sâu, phải sâu nữa mới có kết quả làm như gãi đất làm sao có kết quả tốt được!”.


Về nhà chồng bàn với vợ: “Bà nghe ông dặn kỹ rồi đó! Nhưng tôi vẫn thấy có cái gì khó hiểu. Mùa rồi mình đâu có gãi đất, cày cuốc sâu đấy chứ! Thôi lần này ta đào thật sâu xem sao!”. Thế là vợ chồng hì hục đào xới cả khoảnh vườn rộng. Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm. Lần này thì chuyện lạ đã xảy ra. Đào xới đến độ sâu nhất định ở một góc vườn, lấp loáng dưới ánh trăng thượng tuần, vợ chồng thấy hiện ra nhiều lá vàng, ông chồng thì thẩm bên tai vợ: “Bà ơi, trời cho rồi, trời cho rồi, đổi đời rồi!” Bà vợ cãi lại: "Không phải trời cho mà là ông T. cho!”. Vợ chồng thu gom lại tất cả được 21 lạng.


Lúc này vợ chồng mới thấm thía lời ông T.. Như vậy ông biết dưới mảnh vườn nhà mình có vàng nên ông bảo phải cày sâu, cuốc bẩm, đào chưa sâu, chưa tới ông bảo gãi đất. Như vậy không lo con thất học. Phải phấn đấu cho con vào đại học, chứng nó đều học khá cả.


Vợ chồng tìm nơi bí mật cất 11 lạng còn 10 lạng mang tới gặp T. vì nghĩ rằng được thế này tất cả đều nhờ ông mà gia đình ông cũng nghèo nên kính ông một nửa là thỏa đáng. Vợ chồng minh chi có công đào thôi! Ông không tận tình chỉ bảo làm sao mình có được! Lúc gặp T., đưa gói vàng ra trình bày, nói gì T. cũng không nghe, bắt phải mang về, còn nói: “Không phải giúp cho ông bà để tôi cũng được đâu đấy! Tôi không dùng thứ đó, nếu muốn lúc nào tôi chả có! Thôi, để giành lo cho gia đình, lo cho con ăn học!”.


Không thể nói gì hơn, vợ chồng hết lời cảm tạ T. ra về rất mừng nhưng vẫn chưa vui vì chưa đền đáp được công ơn của ông.


Trong xóm của T. ở có một ông lão khoảng 70 tuổi thân với T.. Hàng ngày ông thường sang nhà T. chơi, lúc nào thấy T. rảnh là mời T. đánh cờ. Một hôm, đánh cờ xong T. nói với ông già: “Tháng này là tháng rất xấu đối với ông, nhất là vào ngày N. Đúng ngày đó, từ sáng đến tối, ông không được ra khỏi nhà. Ông phải nhớ lời tôi dặn, nếu không ông bị chết đấy!”. Ông già vâng dạ cám ơn, lấy giấy ghi ngày T. dặn, sợ quên.


Đúng ngay N. ông già nhớ lời T., không dám đi đâu. Nhưng có một việc là sáng nào ông cũng tập thể dục. Tập xong ông chạy lúp xúp theo lề đường quốc lộ 1. Hôm đó cũng vậy, ông nghĩ mình có đi đâu mà sợ, chạy bên lề đường chắc không việc gì. Bỗng một chiếc xe tải chạy cùng chiều không hiểu thế nào đang chạy giữa đường lạng bánh vào lề đường tông ông già chết ngay tại chỗ. Ông được báo trước cái chết nhưng vẫn không tránh khỏi. Phải chăng đến ngày đó, số mệnh ông đã hết? Chúng tôi nghĩ nếu hôm đó ông không đi tập thể dục như mọi hôm, chỉ ở trong nhà thì ông có tránh được cái chết không?


Chịu, không trả lời được!


Nhân chuyện này kể luôn chuyện ông Sáu Nuôi.


Ông Sáu Nuôi ở thị xã Hội An là một huynh đệ có thể nói là thân tín nhất trong hàng huynh đệ của T. Thảng tuần không thấy ông Sáu Nuôi lên, thế nào T. cũng xuống thăm ông, không gặp không chịu được. Một tình cảm hơi đặc biệt. Ông Sáu Nuôi hơn T. những 30 tuổi.


Sáng hôm đó, ông Sáu Nuôi ngủ dậy, bỏ chân bước xuống đất, chân bị vướng ống quần làm ông ngã nhào, đầu gối dập xuống nền xi măng làm ông rất đau. Gia đình lo sợ náo loạn cả lên.


Lúc này T. đang ở nhà mình. Bỗng nhiên. T. nói với người nhà và anh em có mặt lúc đó: “Ông Sáu Nuôi vừa bị tai nạn, có thể gãy chân, tôi phải xuống ngay!”. Thế là T. mượn xe máy phóng thẳng đi Hội An. Đến nơi, T. vào xem chân ông Sáu Nuôi, vận công phát vào đau gối và bấm một số huyệt. T. nói: “Chân không sao, nhưng xương bánh chè bị vỡ đôi. Tôi chỉ giúp ông bớt đau thôi, phải nhanh chóng đưa ông đi bệnh viện".


Đến bệnh viện, sau khi làm X quang, các bác sĩ kết luận: Xương bánh chè bị vỡ đôi, phải làm phẫu thuật để ghép xương lại. Làm phẫu thuật xong T. xin đưa bệnh nhân về nhà. Bác sĩ dặn về cũng được nhưng vết ghép sau 1 tháng mới liền, phải bất động. Đến tháng thứ hai bắt đầu tập cử động đề đầu gối khỏi cứng. Sau đó, mới chống gậy tập đi dần. Đây là một thương tổn khó và phức tạp phải rất cẩn thận.


Về nhà T. ngày nào cũng xuống chữa cho ông. Chỉ sau một tháng, ông đã đi lại bình thường và khỏe mạnh.


Sau lần đó, T. biết ông Sáu Nuôi số đã hết. Anh em chỉ còn sống với nhau hơn một năm nữa thôi! Quả đúng như T. dự đoán. Một năm sau ông Sáu Nuôi bị tai biến mạch máu não và qua đời để lại mềm thương tiếc vô hạn cho T.


Riêng T., T. biết trước ngày tháng mình bị tai nạn ô tô rất nặng nhưng không chết. Lần đó có kỹ sư Xuân từ Hà Nội vào chơi với T. cả tháng trời. Hàng ngày T. đưa Xuân đi bằng xe máy nhiều nơi. Đến một hôm, vào buổi chiều gần tối, T. bảo Xuân chuẩn bị hoa quả đi thăm ông Sáu Nuôi. Lúc này ông Sáu Nuôi bị tai biến não nằm một chỗ. Xuân chuẩn bị các thứ xong định lên xe cùng T. tới Hội An thì T. bảo: “Hôm nay ông phải ở nhà, chỉ mình tôi đi thôi!” T. không nói lý do vì sao không để Xuân đi, Xuân thấy lạ đành ở nhà, không hỏi. Sau này Xuân mới biết là hôm đó T. bị tai nạn nên không cho mình đi.


Trên đường từ Hội An về, đến khoảng huyện Thăng Bình thì T. bị một chiếc xe tải cùng chiều chạy với tốc độ cao từ phía sau đâm vào xe T. làm T. văng xa hơn 10 mét đập đầu vào miệng cống trên quốc lộ 1 . Lúc này là 2 giờ sáng. Dân ở vùng đó phát hiện báo cho bệnh viện Thăng Bình. Bệnh viện đưa xe cấp cứu đến thấy tình trạng T. quá nặng. không dám để lại bệch viện huyện mà đưa thẳng ra Đà Nẵng.


Nhân đây kể thêm một số chi tiết lạ của T. Ở Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng để các bạn tham khảo.


Qua chẩn đoán ban đầu của bệnh viện. T. bị chấn thương sọ não với 3 vết thương, hai trước, một sau, mỗi vết dài 5 – 7 cm. Xương sống bị chấn thương nặng làm tê liệt toàn thân. 6 xương sườn bên trái bị gãy. Trạng thái lúc này của T. là toàn thân cứng đờ không cử động được nhưng vẫn tinh táo, nói chuyện bình thường, không hôn mê. Các bác sĩ bảo trường hợp này rất lạ ít khi gặp. Thông thường bị chấn thương nặng cả sọ não và xương sống thì chết ngay tại chỗ, nếu chưa chết cũng bị hôn mê sâu triền miền. Ngược lại T. vẫn nói chuyện với bác sĩ bình thường. Việc gãy sáu xương sườn, các bác sĩ quyết định mổ để lấy máu trong bụng ra. Nếu không lấy máu ở ổ bụng rất nguy hiểm đến tính mạng, nhưng T. yêu cầu không mổ mà chỉ yêu cầu bác sĩ mấy việc: Khâu giúp ba vết thương trên đầu và bó bột lồng ngực để giữ cho các xương sườn gãy trở lại bình thường.


Bệnh viện theo yêu cầu làm xong các việc đó, T. xin thanh toán viện phí và xin ra viện. Cả bệnh viện ngạc nhiên. Đây là trường hợp độc nhất vô nhị. Riêng việc thử máu, sau này hỏi lại mới biết là máu T. không có cách nào thử được .


Bệnh viện cho T. về nhưng chắc chắn một điều là về nhà T. sẽ chết, không thể chịu nổi trước những thương tổn quá nặng đến mức ấy.


Về nhà được 3 ngày, bệnh viện cử 2 bác sĩ vào theo dõi tình trạng của T., thấy T. không chết, chỉ nằm không cử động, T. vẫn ăn uống được, tất nhiên là phải có người chăm bón. Sau 15 ngày, T. bắt đầu cử động.


Sau 1 tháng T. đứng dậy, đi lại bình thường. Lần thứ hai, các bác sĩ ở bệnh viện Đà Nẵng vào thấy vậy quá sức ngạc nhiên. Các bác sĩ bảo phải sau 3 tháng mới được tháo bột. Vừa đúng một tháng, T. bảo người nhà tháo bột vì thấy khỏe mạnh bình thường rồi nhưng không ai dám tháo vì việc tháo bột phải do bác sĩ làm.


Một buổi chiều. T. gọi cô L. con dâu bà N., chị em bạn dì với T. giúp T. tháo bột. T. lấy dao đưa cho L nói: “Cô cắt ra cho tôi, tôi chịu trách nhiệm, không việc gì mà sợ!” L. buộc phải chấp hành, cắt tháo bột cho T.


Từ buổi tháo bột đó, T. hoàn toàn khỏe mạnh, bình thường như người chưa từng bị tai nạn suýt chết. Sau lần tai nạn khủng khiếp này, T. bảo còn bị một lần nữa không kém nguy hiểm, hai mắt bị mù, nhưng sau đó sáng lại và không chết.


Thời gian sẽ trả lời cho dự báo này!


* * *

Kể thêm vài chuyện vặt biết trước của nhân vật này.


Nhân một lần ra Hà Nội, T. đang ngồi với năm ba anh em huynh đệ ở nhà ông M. một người bạn. T. vừa cười vừa bảo ông H.: "Vợ ông có một căn hộ cho thuê. Hôm trước có một cô thợ may đến gặp vợ ông hỏi thuê nhà. Vợ ông ra giá tám trăm ngàn. Cô thợ may xin thuê với giá bảy trăm ngàn. Vợ ông cuối cùng chấp nhận và bảo cô thợ may phải đặt trên cọc để nếu ai trả hơn cũng dành cho cô. Cô thợ may hỏi đặt cọc bao nhiêu? Vợ ông nói hai trăm. Cô thợ may lục túi chỉ có một trăm. Vợ ông bảo cũng được và nhận một trăm tiền đặt cọc. Chuyện này ông không biết. Chiều nay ông về hỏi vợ, nói lại những điều tôi nói xem có đúng không? Nếu đúng ông bảo vợ ông xuất một trăm đặt cọc đó xuống đây chiêu đãi anh em. Nếu sai hoặc không đúng tôi xin chịu phạt lại một trăm chiêu đãi".
 
Chiều hôm đó, ông H. về gặp vợ nói lại những điều T. nói. Bà vợ trố mắt ngạc nhiên: “Chuyện này ngay ông cũng không biết, làm sao ông T. biết được?” Ông H. nói: “Bà chỉ trả lời ông T. nói đúng không thôi!” Bà vợ trả lời: "Hoàn toàn đúng!”.


Ông H. không bảo vợ đưa tiền vì đoán chắc bà sẽ không đưa nên lấy tiền túi xuống gặp T., T. chỉ cười: "Cà rửng với các ông cho vui thôi, chứ lấy tiền bà ấy làm gì!”.


Một chuyện khác. Một tuần trước khi đến gặp vợ ông H. hỏi thuê nhà, chính cô thợ may này đã đi xem một căn hộ khác. Xem xong cô về quán cơm chay trên đường Thái Hà gặp ông T. nhờ ông đi coi thử nhà này có hợp với cô không? Cô biết lúc này ông T. đang ở quán cơm chay với mẹ cô. Lúc này tôi (người viết) cũng đang có mặt tại đó. Cô thợ may vừa bước vào cửa, T. nói: "Tôi biết cô gặp tôi nhờ việc gì rồi! Cô đừng nói để tôi nói cho!”.


Một lát sau. T. nói: “Cô định nhờ tôi đi xem căn hộ cô vừa đi xem về, có nên thuê không chứ gì? Tôi không cần đi, ngồi đây tôi đã xem kỹ nó rồi!”. T. cười nói tiếp: "Căn hộ đó nằm ngay dưới chân một cái dốc hơi cao, nhà hai tầng, mặt bằng khoảng 30 mét vuông. Trước nhà phía bên phải có giàn giây leo rủ xuống lòng thòng. Có thể ở được nhưng không tốt lắm đối với hiệu may của cô. Nếu muốn thuê, cô phải làm các động tác tẩy uế! Tôi biết chỉ có vậy!” Cô thợ may quá đỗi ngạc nhiên, nghĩ làm sao ông biết tường tận như vậy! Cô trả lời: "Ông nói không sai một chi tiết nào!” Mẹ cô ngồi một bên nghe xuýt xoa thán phục.


Một hôm, tôi đang ngồi ở nhà T., có hai thanh niên, một nam, một nữ đến nhờ T. chữa bệnh. Bỗng T. nói luôn: "Này hai bạn không còn chỗ nào hôn nhau sao đi vào đường luồng trước nhà tôi ôm hôn nhau thắm thiết thế không sợ ai thấy người ta cười cho à!”. Cả đôi nam nữ đỏ mặt tía tai ngồi im không dám có lời nào.


Chữa bệnh xong lúc chàng và nàng ra về, tôi theo ra cổng hỏi riêng chàng thanh niên: “Ông nói có đúng không?" Chàng thanh niên vừa thẹn vừa nói: “Thưa ông, bọn cháu mới yêu nhau, thấy đường luồng vắng vẻ nên có làm việc ấy thật, ông thông cảm cho!”.


Một buổi sáng khác, vào lúc 11 giờ, một anh trung niên độ 40 tuổi là huynh đệ của T. đến rủ T. đánh cờ. T. cười cười bảo: “Này, ban đêm ông bận lắm hay sao, hay thiếu thì giờ mà 9 giờ sáng nay vợ chồng ông làm cái chuyện ấy giữa ban ngày, không sợ con cái nhìn thấy sao?" Ông bạn kia đỏ mặt phải thú thật: "Vợ mình nó biểu làm, không phải tại mình". T. lại bảo: “Chuyện đó ông với vợ ông biết làm sao tôi biết được! Nhớ đừng để con biết, nó biết thì phiền đấy!”.


Những chuyện vặt đó đối với T. là bình thường. Muốn biết điều gì, định thần là biết ngay.


* * *

Một câu chuyện nữa khá ly kỳ, rất khó tin mang nhiều tính huyền hoặc nhưng là chuyện có thật nên viết để các bạn rộng đường tham khảo.


Vào một buổi tối, khoảng 19 giờ, năm bảy anh em đang ngồi trong nhà với T.. bỗng nhiên T. hỏi: “Các ông đã bao giờ nhìn thấy một ngôi sao lạ trên bầu trời này chưa?”. Mọi người trả lời chưa nhìn thấy và cũng không biết có chuyện đó. T. nói: trước khi chỉ cho các ông xem, tôi nói qua về chuyện ngôi sao này. Đến tháng này thì sao lạ mới xuất hiện trên đầu chúng ta. Qua theo dõi ngôi sao nhiều lần, một số chiêm tinh gia nước ngoài phát hiện ở vùng này có một nhân vật lạ. Họ cử người đến gặp nhân vật đó và tìm mọi cách thuyết phục dụ dỗ. Nếu đi với họ sẽ được trọng vọng, sung sướng, không bị trù dập, không khổ như hiện nay. Nhân vật này nói thẳng với họ là không bao giờ rời khỏi quê cha đất tổ, nơi chôn rau cắt rốn của mình. Thấy không dụ dỗ được, họ dùng đủ mọi cách họ có được để thực hiện bằng được ý định trên. Chuyện đó nói sau, bây giờ các ông ra ngoài sân nhìn lên trời đi!”.


Thấy chuyện lạ, tất cả anh em có mặt đều ra sân. Nhìn lên chỉ thấy bầu trời đen kịt, đầy mây đang vần vũ, trần mây rất thấp. Ngoài ra không thấy gì khác. T. nói: “Các ông cứ yên tâm theo dõi, chốc lát rồi sẽ thấy”. Nói xong, anh em thấy T. đưa cả hai tay lên trời khoác đi, khoác lại. Độ năm phút, những đám mây đen tản ra để lộ một khoảng trời xanh thẳm với một ngôi sao sáng chói. T. nói: “Thấy rồi phải không. Thôi vào nhà đi, trời sắp mưa đấy!”. Anh em không ai chịu vào, đứng nhìn mãi ngôi sao cho đến khi những đám mây đen kéo trở lại che kín ngôi sao và cả khoảng trời.


Trở lại chuyện các chiêm tinh gia. Không dụ dỗ được T. theo họ, họ thuê người chờ lúc T. không có nhà giả làm người bệnh đến bí mật, yếm bùa trước cổng, chung quanh nhà. Mỗi lần có người đến đặt bùa, T. về đến cổng là biết ngay, moi lên đốt đi. Đã bốn lần như vậy. Đến lần thứ năm, cũng là lần cuối cùng thì sự việc diễn ra khác những lần trước. Diễn biến câu chuyện như sau:


Hôm đó T. đang trong nhà bỗng có một đoàn khách gồm năm người trong đó có ba người lạ mới đến lần đầu có một người làm phiên dịch. T. mời ngồi và câu chuyện bắt đầu.


Một vị đứng lên nói: “Chúng tôi ở xa, được biết ông là người có nhiều tài năng đức độ nên đến thăm sức khoẻ ông. Nếu ông đồng ý chúng ta ra ngoài vườn nói chuyện thoải mái hơn và xin phép ông cho vài người ở lại thắp hương trên bàn thờ gia tiên". T. đồng ý. Thế là T. ra vườn với ba vị khách. Ngoài vườn, dưới hàng cau có bóng cây râm mát, có sẵn ghế nhựa để anh em đến đánh cờ.


An tọa xong, vị khách tỏ lời ca ngợi, mến mộ việc T. chữa bệnh có hiệu quả mà không lấy tiền của ai và nhiều tài năng khác. Bỗng nhiên T. đứng lên nói với một thái độ nghiêm trang. “Các ông bảo đến thăm tôi với thiện chí và tấm lòng trân trọng, vậy các ông hãy vào nhà, tôi sẽ chứng minh thiện chí của các ông”. Nói xong, T. lặng lẽ đi vào nhà buộc các vị khách phải đi theo.


Vào nhà T. vọt lên bàn thờ cao lật chiếc lư hương lấy ra một gói nhỏ mở ra nói: “Đây, thiện chí của các ông đây! Tôi nói để các ông biết, từ lúc các ông vào đây tôi đã biết các ông từ đâu đến, đến đây định làm gì, không qua mặt tôi được đâu". Các vị khách im như thóc, mặt tái ngắt, không nói được lời nào. T. nói tiếp: “Tôi còn biết rõ lá bùa này các ông nhằm mục đích gì. Nhưng thôi lần này tôi cảnh cáo các ông, các ông về đi! Xe các ông để ngoài đường 1 , tôi biết rồi!”.


Trước khi ra về, các vị khách chỉ còn biết xin lỗi. Ra đường, lên xe, chạy tới cầu xe bị nổ lốp không đi được. Các vị hiểu nguyên nhân xe nổ lốp chứ lốp tốt làm sao nổ được! Để lái xe thay lốp, các vị quyết định kéo trở lại gặp T.


Gặp lại T., các vị hoàn toàn bị thuyết phục, thay đổi hẳn thái độ, thành khẩn xin lỗi thực sự. Một vị nói: “Chúng tôi tuy có biết, nhưng điều chứng tôi không ngờ là tài năng ông đã đạt đến độ cao siêu như vậy! Hết sức thành thật một lần nữa mong ông thứ lỗi cho”. T . đáp: "Tôi nói rồi, tôi không làm hại các ông đâu, chỉ cảnh cáo các ông thôi, nhớ đừng bao giờ coi thường người Việt Nam. Tôi chẳng là cái gì đâu! Đất nước này còn nhiều người tài hơn tôi nhiều! Được rồi, các ông về đi, xe thay lốp xong rồi đó!”.


Vậy là những vị “khách quý” ra về.


Viết những dòng này, chúng tôi càng thấy tự hào về dân tộc mình, đất nước mình. Quả là một dân tộc anh hùng, với những người con có nhiều tài năng trên nhiều mặt.


Chương bốn
NHỮNG KHẢ NĂNG KHÁC

Ngoài khả năng chữa bệnh cho dân, biết trước sự việc, T. còn nhiều khả năng kỳ lạ khác, không thể tin nổi, nhưng toàn là chuyện thật. Ở Trung Quốc, Viện nhân thể học gọi những người có khả năng đặc biệt là những người có “công năng đặc dị”. Khoa học hiện đại chưa giải thích được, nhưng công nhận là nó đang hiện hữu, không thuộc phạm trù mê tín dị đoan. Những khả năng đặc biệt khác của nhân vật này cũng lắm màu nhiều sắc.


Trước hết nói về Khánh Duy, một em bé có liên quan đến những khả năng của T.. Năm 2000, Khánh Duy đã một thời làm xôn xao dư luận trong giới khoa học nói chung, các nhà nghiên cứu tâm linh nói riêng. Chuyện Khánh Duy hơi dài, ở đây chỉ đóng khung trong những chuyện có liên quan đến nhân vật chính của tập truyện.


Khánh Duy năm nay (2003) vừa tròn 12 tuổi, đi học bình thường như những đứa trẻ khác. Năm 2000, Khánh Duy mới 9 tuổi. Vậy mà hàng năm cứ đến ngày Tết, cậu bé này có viết một bản bằng một thứ chữ lạ không ai đọc được nên không biết nội dung viết những gì.


Chuyện đó như sau.


Khánh Duy là con một chị quê ở tỉnh Phú Thọ, đã đỗ hai bằng đại học, đã từng ở Liên Xô (cũ), nhưng sau khi sinh con, chị bỏ việc cơ quan, đưa con về Hà Nội mở quán cơm chay sống qua ngày để nuôi con khôn lớn. Tôi quen chị do đến ăn cơm chay ở quán chị. Chị cho biết vào dịp Tết năm 2000, Khánh Duy có viết một bản chữ lạ. Tôi bảo chị đưa tôi xem thử. Chị bảo không được, con nó biết nó la chị. Không ngăn được tính tò mò, tôi bảo chị cho tôi xem rồi trả ngay, nó không biết đâu. Chị buộc phải lấy cho tôi xem. Tôi thấy một thứ chữ lạ quá, xưa nay chưa từng thấy bao giờ. Tôi năn nỉ chị cho tôi mượn nửa giờ thôi. Cuối cùng chị đồng ý. Tôi cầm ngay đi phô tô, chỉ 15 phút sau cầm về trả chị. Vậy mà khi đi học về Khánh Duy biết, nói với mẹ: “Mẹ lấy bản viết của con đưa cho ai con biết rồi. Con đã bảo mẹ không được đưa cho ai xem cơ mà!". Nói xong Khánh Duy đốt luôn tờ giấy.


Có bản viết rồi, tôi phô tô thêm mấy bản, đưa cho các nhà nghiên cứu nhưng không ai đọc được. Chẳng lẽ chịu thua sao? Tôi nghĩ đến T., thời gian này tôi đã quen T. ba năm rồi, biết T. có nhiều khả năng may ra T. có thể đọc được. Quyết như thế rồi, nhưng bận không vào T. được. Nhân có bác Quyên cán bộ địa chất nghỉ hưu về thăm quê cũng là huynh đệ của T.. Tôi nhờ Quyên đưa cho T. xem, nếu được dịch ra luôn, tôi sẽ vào sau. Sau đây là bản viết của Khánh Duy cùng với bản dịch ra chữ Phạn và bản dịch ra chữ quốc ngữ của T.


Bản dịch ra chữ quốc ngữ của T.


Linh ấn thư!


Chứng minh sở đắc cầu thiên địa!


Nhân Trần đang đau khổ lắm của kỳ này, khó ai mà hiểu được. Chỉ có các bậc thiên linh trả lời tất cả mọi sự việc hiển diện cho kỳ này. Ta nói để bày tỏ đến tất cả những gì mà còn thảm hại, bi kịch ở hành tinh. Các người hãy đề phòng thiên tai dồn dập cứ diễn tiếp. Người thì gây thảm hại cho nhau cũng không ít (…………….). Ta nói rằng chỉ có các vị thiên sứ về mới giúp được nhiều việc nguy kịch sẽ diễn biến sau này tại quả đất các người. Nói về nền tâm linh. Ai có thân có mạng, có duyên hãy cố gắng lên, đừng bỏ phí chút thời gian vàng ngọc tại kỳ này mà không hành trì. Sau này đến việc mà không giúp được việc gì cho nhân loại, cho chúng sanh thì cũng đừng hối tiếc Ta nói… …………………. Có một đám mây đen ùn kéo đến + ba tiếng nổ không vừa và trời nổi giông tố, có trận nóng tăng nhiệt độ kinh khủng làm sức chịu. đựng không nổi, và có ngọn gió lốc đi như tên bay, lúc đó làm rung chuyển cả bầu trời. Sẽ có một căn bệnh lạ xuất hiện, lúc này khoa học không tìm nguyên nhân được (không tìm thấy vi trùng). Căn bệnh này chi các bậc thiên linh mới giúp được thôi.


Ngày … … … … … … … …. sẽ có tác động. Đây lời ta nói đến tháng 7 – 8 các chư thiên về mượn thân, đầu thai giúp cho nhân loại nhiều việc hay (2000).


Phần ta cũng không xa, thời gian ta cũng sẽ giúp đất nước nhiều việc. Ta hẹn thư sau.


G.C.


“Tôi chỉ biết bấy nhiêu dịch lại do chữ thiên của Khánh Duy viết ra. Có câu “Thiên cơ bất khả lộ”. Tôi còn muốn đưa rộng thêm ý trong thư nhưng sợ lỗi ý trời đất. Tôi chỉ dịch ra phần cơ bản và tóm lại ý để ai xem tự mình rút ra kết luận theo hiểu biết mỗi người, trong thư cho nói khi nhận điển lực, không cho ghi, chép, người có ý, lộ lời sai ý”.


Trong bản dịch ra chữ quốc ngữ, T. không dám dịch toàn văn vì sợ lộ thiên cơ và đụng tới vấn đề chính trị, các nhà nghiên cứu, các bạn thông cảm.


Một tuần sau, tôi vào gặp T. thì T. đã dịch xong. T. còn muốn dịch ra bản chữ nho nhưng tôi bảo thôi, không cần đâu. Tôi kể lại cho T. nghe về chuyện lạ của cậu bé 9 tuổi Khánh Duy. Tôi định nói ngày sinh tháng đẻ của cậu bé này để T. xem có điều gì lạ không, mẹ Khánh Duy đã nói cho tôi biết. T. đưa tay bảo đừng nói để T. nói cho.


T. lấy tờ giấy viết tên Nguyễn Khánh Duy bằng chữ Phạn, ngồi thiền, đưa hai tay lên trời khua mấy vòng rồi chụp xuống tờ giấy. Làm hai lần như vậy, xong T. nói: “Cậu này sinh lúc 2 giờ chiều ngày 9 tháng 9 năm Nhâm Thân tức ngày 9 tháng 10 năm 1992″. Tôi lấy sổ tay ra đối chiếu thấy đúng y như vậy, thật kỳ lạ! T. còn nói về nguồn gốc Khánh Duy, tôi thấy không tiện viết ra đây vì nó ở lĩnh vực nghiên cứu khác. Tôi bảo khi nào T. ra Hà Nội, muốn gặp cậu bé này tôi sẽ đưa đến.


Khi hai nhân vật này gặp nhau ở Hà Nội, nói chuyện với nhau bằng thứ ngôn ngữ lạ, không ai hiểu được. Thời điểm này có đông anh em ngồi nghe. Về chuyện viết dịch và nói thứ ngôn ngữ lạ, một vài nhà nghiên cứu tâm linh cho rằng T. không làm được mà có người nhập vào hoặc điều khiển T. làm. Tôi chứng kiến một lần ở quán cơm chay, một vị tướng quân đội ta đã nghỉ hưu nói với T.: “Tôi nghe nói anh biết viết và nói nhiều loại ngôn ngữ, anh thử viết cho tôi xem được không?”. T. đồng ý lấy giấy bút viết ngay một trang nhỏ, viết rất nhanh. Vị tướng công nhận tài của T., xin tờ giấy làm kỷ niệm, cũng là để về nghiên cứu.


Một lần gặp riêng T., đề cập việc T. viết, nói loại ngôn ngữ đó một vài anh em cho là có người điều khiển. T. nổi khùng nói: “Toàn nói bậy! Tôi là tôi, ai điều khiển được tôi! Vị nào điều khiển, tôi tát cho vị ấy một tát tai! Tôi viết ngay cho ông coi xem có ai điều khiển tôi không”. Nói xong T. lấy giấy bút viết ngay một trang nhanh như điện rồi nói: “Ông thấy đấy, có ai điều khiển tôi không!”.


* * *

Xin chuyển sang khả năng kỳ lạ khác.


T. thường nói với tôi, T. muốn biết một điều – T. là ai? T. đã đi nhiều nơi gặp nhiều thầy nhưng chưa có thầy nào giải đáp được thắc mắc của T. – Lúc đó ở quê tôi xuất hiện một hiện tượng lạ. Một em gái học sinh phổ thông cơ sở được một ông già người dân tộc cho cái chén hạt mít – loại chén nhỏ không quai và một tờ bìa có 24 chữ cái, các số 1 đến 10, v.v… như tờ giấy người ta dùng cầu cơ. Ông già người dân tộc hướng dẫn khi cần xin gì úp chén vào giữa tờ bìa, đặt lên đó một ngón tay xong hỏi xin điều gì Thần Chén sẽ chạy lần lượt chỉ vào chữ hoặc số. Ráp lại thành câu Thần cho.


Hỏi hoặc xin điều gì, chén trả lời chính xác, từ tên, tuổi, vợ con và, v.v… Dân quanh vùng đến xem rất đông. Tôi nói với T. hiện tượng lạ ấy, nếu T. muốn, tôi sẽ đưa đến để hỏi việc T. thắc mắc. T. bằng lòng đi.


Đến nơi, sau khi làm các thủ tục, T. đặt tay hỏi: “Ông cho biết tôi tên gì?” Chiếc chén chạy chỉ chữ T… T. hỏi “Tôi bao nhiêu tuổi?” Chén chỉ số 3, số 0. Cứ như vậy, T. tiếp tục hỏi, Chén tiếp tục trả lời.


– Tôi có vợ chưa ? – Có.


– Có mấy con? – Hai.


– Hàng ngày tôi làm gì? – Chữa bệnh.


– Có lấy tiền không? – Không.


– Chữa bệnh không lấy tiền sao bị cấm – Vì ganh ghét.


– Bây giờ ông nói cho biết tôi là ai – Là con Phật.


– Tôi thế này làm sao con Phật được – Ông đầu thai.


T. nói với Chén: “Ông xem cho tôi rồi, nói chung là đúng. Bây giờ đến phiên tôi xem cho ông, ông đồng ý không? Nếu tôi nói về ông đúng, ta kết nghĩa làm anh em, nếu sai thì thôi, ông đồng ý như thế không?”


Chén trả lời – Đồng ý.


Dân trong vùng kéo đến xem rất đông lớp trong lớp ngoài. Lạ nhất là thấy người đi xem bói lại muốn bói cho ông thầy. Tất cả tin phăng phắc tập trung theo dõi câu chuyện lạ có một không hai.


T. đang ngồi bình thường bỗng rút chân lên thành thế ngồi kiết già – hoa sen trên hai thành ghế, hai tay chắp lại theo thế ấn Quán thế âm để trước bụng, mắt nhắm, bắt đầu nói:


– Ông là người dân tộc ở vùng cao, không phải người kinh ở đồng bằng, đúng không? – Đúng.


– Ông qua đời lúc 34 tuổi đúng không? – Đúng.


– Khi còn sống ở cõi trần cũng như lúc đã sang thế giới bên kia ông luôn tu hành nên đã thành công đắc đạo! – Đúng.


– Hiện nay ông không muốn ở trên núi cao mà thích ngao du xuống đồng bằng và vùng ven biển, đúng không? – Đúng.


– Bây giờ tôi sẽ nói một câu chuyện làm ông xúc động và chẳng bao giờ quên dược. Đó là, lúc trước ông có yêu một cô gái cùng dân tộc với ông. Hai người yêu nhau thắm thiết, không rời. Những buổi trăng lên, hai người đưa nhau vào rừng hát chung một bài hát ca ngợi tình yêu. Ông muốn nghe, tôi hát lại bài hát đó cho ông nghe!


Ông Chén đáp: – Rất muốn nghe!


T. cất tiếng hát bằng tiếng dân tộc nghe du dương, trầm bổng. Bà con chung quanh cũng như tôi nghe không hiểu nhưng cảm nhận được giai điệu tình cảm yêu thương tha thiết từ bài hát toát ra.


Hát xong, T. hỏi: “Ông nghe tôi hát bài hát đó có đúng là bài hai anh chị thường hát không?”


Chén đáp lại: – Hoàn toàn đúng, không có chỗ nào sai, tôi rất cảm động.


T. bảo: – Tôi với ông kết nghĩa huynh đệ nhé!


Chén đáp: – Xin tuân lệnh.


Câu chuyện đến đây kết thúc. Mọi người ra về, không ai không ngạc nhiên và xúc động trước một hiện tượng hết sức lạ lùng, kỳ tuyệt, chưa bao giờ xảy ra trong đời sống con người. Có một chi tiết cần nói thêm là sau buổi gặp giao duyên giữa hai người, kẻ âm, người dương đó, ông Thần Chén hết linh thiêng cầu xin không được nữa. Một vài người hiếu kỳ phán đoán có lẽ ông T. rủ ông Chén đi rồi!


Hôm ấy, tôi có mặt từ đầu đến cuối, trực tiếp chứng kiến,cố gắng tường thuật lại từng chi tiết, tin hay không là quyền của các bạn.


Nhân chuyện gặp ông Chén ở vùng núi Quảng Ngãi, xin kể tiếp câu chuyện nhân vật này gặp một bà cũng người dân tộc thuộc một dân tộc khác ở vùng núi cao Quảng Nam.


Câu chuyện này xảy ra đúng vào buổi sáng hôm tôi, bác Hoàng và 5 anh chị em nữa, trong đó có vợ ông Trưởng công an huyện Y. đến thăm T. bị công an xã đến lập biên bản (đã nói phần trước).


Lập biên bản xong, các ông công an xã ra về. T. mời vợ ông Trưởng công an huyện lên phản ngồi và hỏi: "Tôi nghe nói chị được một bà ở cõi vô vi mến, thỉnh thoảng nhập vào chị phán bảo nhiều chuyện hay lắm. Giờ chị mời bà ấy về cho tôi hỏi mấy việc được không? Chị trả lời: “Lúc nào bà về là về, em không biết gì hết. Bà nói gì em cũng không biết, làm sao em mời được?"


Chị này khoảng 35 tuổi, nước da trắng mịn, đẹp gái. T. nói tiếp: “Chị không mời được để tôi mời. Chị cứ ngồi yên thế!". Nói xong T. ngồi kiết già kiểu hoa sen, hai tay chắp lại theo ấn Quán thế âm. Khoảng 3 phút chị ợ lên mấy tiếng và chuyện lạ xảy ra.


Tôi ngồi gần bên chị nên trông rất rõ. Sau khi ợ mấy tiếng, nước da chị từ màu trắng chuyển sang nâu sậm như da người dân tộc. Vẫn nguyên là khuôn mặt của chị, nhưng nét duyên dáng, dễ nhìn của người con gái kinh trước đó không còn, thay vào là nét mặt người phụ nữ dân tộc kiên nghị, rắn rỏi. Tôi thấy chuyện đó đã là lạ, những diễn biến tiếp theo còn làm tôi và anh em có mặt hôm đó càng ngạc nhiên hơn.


Chị bắt đầu nói, không phải tiếng Kinh mà nói một hơi dài tiếng dân tộc. T. đáp lại đúng bằng thứ tiếng dân tộc đó. Hai bên trao đổi với nhau một hồi bằng tiếng dân tộc. Tôi chăm chú nghe, thấy không giống thứ tiếng bài hát dân tộc mà T. đã hát lúc gặp ông Chén. Độ 15 phút, T. nói tiếng Kinh với anh em: “Vừa rồi bà kể với tôi bà là người dân tộc trên vùng cao Quảng Nam. Nhờ tu hành đắc đạo nên được phong danh hiệu 'Cao sơn Thánh mẫu’. Trên phái bà xuống trần nhưng bà rất buồn vì không hoàn thành nhiệm vụ trên giao”.


T. vừa nói dứt, chị bật sang nói tiếng Kinh: “Ông nói rất đúng! Tôi nói thêm để các ông biết. Tôi đã đi nhiều nơi, thấy nhân dân ta chưa phân biệt được đâu là khoa học tâm linh chân chính, đâu là mê tín dị đoan. Những người có chức, có quyền, hiện tượng nào cũng cho là mê tín tuốt tuột. Do vậy tôi không làm được nhiệm vụ. Tôi buồn lắm!”.


Anh em ngồi nghe thấm thía như nuốt từng lời. Riêng tôi, tôi không hiểu biết nhiều về tâm linh nhưng thấy người này có trình độ khá vững, nói như một nhà khoa học.


Chị hỏi tiếp T. bằng tiếng Kinh: “Ông định hỏi gì tôi thì hỏi đi?” Từ đây hai bên dùng tiếng Kinh, không nói tiếng dân tộc nữa – có lẽ để cho mọi người cùng nghe.


T. nói: “Tôi chỉ hỏi bà hai câu thôi. Câu thứ nhất: Tôi có nên tiếp tục chữa bệnh không, chữa bệnh cho dân không lấy tiền của ai vẫn bị chính quyền cấm. Tôi ngán lắm muốn thôi cho rảnh có được không?".


Chị nói: "Ông không được thôi, nhiệm vụ đó quan trọng lắm, có lợi cho dân. Tuy ông có khó khăn, phiền phức, nhưng ông vẫn làm được nhiệm vụ, không giống như tôi".


T. hỏi tiếp câu thứ hai: “Chừng nào tôi thoát khỏi khó khăn, phiền phức đó!” Chị trả lời: “Chỉ vài năm nữa thôi, ông phải tiếp tục rèn luyện tâm đức, cứ chữa khỏi nhiều người, nhiều bệnh, ai cũng công nhận ông chữa đạt hiệu quả sẽ không còn khó khăn, phiền phức nữa! Tôi nhắc lại, ông không được thôi chữa bệnh đấy! Nếu ông không hỏi gì nữa, xin chào ông!


Nói xong chị ợ lên mấy tiếng. Gương mặt nâu sậm biến dần trả lại cho chị nước da trắng mịn nhu trước. Chị trở lại bình thường. Tôi hỏi chị: “Vừa rồi, chị có biết chị nói gì không?" Chị đáp: “Tôi vừa ngủ một giấc dài, có biết gì đâu, giờ thức dậy thấy đầu nặng lắm”.


Trong hai mẩu chuyện trên, tôi có suy nghĩ một điều: T. có học tiếng dân tộc hồi nào đâu mà khi vào cuộc anh ta nói thông thạo thứ tiếng của đối phương. Điều đó thật không hiểu nổi, không lý giải được. Nhờ các nhà nghiên cứu tìm đáp số giúp.


* * *

Phần này chuyển sang khả năng bài trừ những vong linh vì một nguyên nhân nào đó, gây hại cho một số người dân, nhân dân ta thường gọi là ma hoặc quỷ. Với những người chưa bao giờ tin người chết rồi vẫn còn linh hồn, nếu có đọc xin đừng cho là chuyện bịa vớ vẩn, gây mê hoặc lòng người, gieo rắc mê tín dị đoan. Chuyện rất khó tin nhưng được trực tiếp chứng kiến, tôi viết để các bạn tham khảo, nghiên cứu, suy ngẫm.


Đây là vấn đề cực kỳ phức tạp chưa thể có một kết luận thỏa đáng. Suốt các thời đại lịch sử vẫn tồn tại hai trường phái. Căn cứ vào diễn biến thực tế xảy ra trong đời sống con người, một trường phái cho rằng người chết nhưng linh hồn vẫn tồn tại (phần mở đầu chúng tôi đã đưa tóm tắt một số chuyện có thật về linh hồn). Trường phái thứ hai cho rằng tuyệt đối không thể có linh hồn. Thể xác tan rữa là chấm hết. Nhiều bài báo và cả một cuốn sách của tác giả nọ viện dẫn cả nền khoa học đương đại cùng với nhiều nhà khoa học các ngành vật lý học, sinh học, hóa học, v.v… cố gắng chứng minh cho quan điểm của mình là thế giới này, vũ trụ này chỉ có vật chất, không làm gì có linh hồn.


Chúng tôi không được học hành nhiều chỉ suy nghĩ một điều là khoa học lý, hóa, sinh… đương đại chưa thể chứng minh, giải thích được những hiện tượng thuộc phạm trù tâm linh. Chứng tôi thừa nhận là có thật những hiện tượng lạ được trực tiếp chứng kiến. Việc giải thích, viện dẫn bằng khoa học đương đại xin nhường phần các bậc cao minh. Chỉ xin nói thêm một điều là không nên nhầm lẫn giữa tâm linh và mê tín dị đoan. Tâm linh là khoa học, là hiện hữu, mê tín dị đoan là lừa bịp, giả dối. Cũng không dễ phân biệt hai vấn đề trên. Trước một hiện tượng lạ cần hết sức khách quan tìm hiểu, nghiên cứu không nên dùng quan điểm có sẵn, chủ quan của mình để phán xét, quy chụp.


Sau đây là những mẩu chuyện thật của nhân vật này.


Ở xã Kế Xuyên, huyện Thăng Bình, có một anh nông dân tên N, bỗng nhiên bị điên mà điên rất dữ dội. Anh lấy lửa đốt nhà, đập phá đồ đạc, đánh vợ, đánh con, gia đình phải dùng xích sắt xích anh vào cột nhà. Các thầy pháp có tiếng là cao tay, các nhà sư đã được gia đình mời đến nhưng đành bất lực.


Việc điên của anh N., sau khi khỏi bệnh anh kể với T. như sau:


Anh có một hồ sen lớn cách nhà khoảng 5 – 7 cây số. Đến mùa sen, anh làm một cái chòi, hàng ngày lên đó trông giữ sen. Mỗi lần lên hồ trông sen, anh thường gặp một phụ nữ non 30 tuổi, người dễ coi, vác cuốc đi tháo nước ruộng. Từ đó hai người quen nhau, có cảm tình và yêu nhau. Ngày nào gần như hai anh chị cũng gặp nhau trong chòi. Và lần nào cũng vậy, đến 12 giờ trưa chị xin phép về lo cơm nước. Thường ngày mỗi lần về từ trên chòi chị bước chân xuống bờ ruộng rồi theo bờ ruộng đi về. Nhưng buổi trưa hôm ấy, có lẽ quá say vì tình, quên không bước chân xuống bờ ruộng mà bước xuống phía hồ, rơi tõm xuống nước.


Anh N. sợ quá la lên: “Ma, tôi gặp ma, cứu tôi với bà con ơi!”. Anh tháo vội cái võng, chạy một mạch về nhà. Chị tháo nước ruộng từ dưới hồ vọt lên chạy theo gọi: “Anh ơi, dừng lại, em là người, không phải ma đâu!” Gọi gì anh N. vẫn không đứng lại. Về đến nhà trở thành người điên.


Trở lại việc gia đình mời T.. T. đến nhà bảo người nhà mở xích cho anh N. nhưng không ai dám mở xích. T. bảo: “Cứ mở cho anh ta, có tôi anh ta không làm gì đâu, tôi chịu trách nhiệm”. Mở xong. N. ngồi yên một chỗ không đập phá gì. T. lấy chiếc ghế, ngồi trước mặt N. bắt đầu hỏi:


– Nhà ngươi có biết ta là ai không?


– Dạ biết!


– Biết được là tốt! Thế xưng tên họ đi! Đầu đuôi câu chuyện ra sao?


– Dạ, thưa ông, bên cõi âm thường gọi con là con quỷ hai màu. Con tu luyện ở cái hồ sen này nhiều năm rồi. Tình cờ con gặp anh N.. Từ đó hai người quen nhau, qua thời gian chúng con yêu nhau thắm thiết. Trưa hôm đó, con đang say trong vòng tay tình cảm của anh ấy, lúc rời nhau, không còn biết gì nữa, con lỡ chân bước xuống hồ. Anh phát hiện con là ma, chạy về nhà rồi hóa điên.


– Được rồi ta nói cho biết, ngươi là con quỷ hai màu chú mười màu đối với ta vẫn không nghĩa lý gì.


– Dạ, con biết, gặp ông con xin khai thật, không dám giấu điều gì. Trong muôn nghìn kiếp trước, con với anh ấy đã có lần là vợ chồng, nay gặp lại con không thể bỏ anh ấy được, ông nghĩ tình thương cho.


– Điều nhà người nói là không thể được. Cõi trần là cõi trần cõi âm là cõi âm, âm dương cách biệt không thể nào yêu thương nhau được. Anh N. có gia đình, vợ con. Việc ngươi làm vừa rồi là phá nát gia đình, hạnh phúc người ta, rồi bắt người ta điên. Tội nhà ngươi to lắm! Biết không!


– Dạ, con biết rồi, cầu xin ông tha mạng cho.


– Ăn năn hối hận được là tốt. Ta sẽ tha cho nhà ngươi với một điều kiện là lập tức rời bỏ hồ sen, lên núi cao tìm một hang động thực sự tu hành, sám hối tội lỗi của mình, quên ngay mối tình vớ vẩn đó đi. Nếu không nghe, ta bóp chết ngay tại đây!


– Dạ, ông tha cho con. Con xin nghe lời ông!


– Thôi nhà người đi được rồi!


– Dạ, xin chào ông, con đi ngay bây giờ!


Nói xong câu ấy, anh N. rùng mình một cái, ngồi thẫn thờ một lát sau thì tỉnh hẳn, hết điên, trở lại bình thường.


Một trường hợp khác. Ở ngoại Ô thành phố Đà Nẵng, một gia đình có 4 người con, ba trai một gái, bỗng nhiên tất cả bốn anh chị em đều bị điên. Gia đình đã chạy chữa đủ cách nhưng không giải quyết được. Có người mách đi mời thầy T. may ra có thể chữa được.


Khi người nhà gặp T., trình bày với T. về trường hợp bốn người bị điên. T. bảo: “Tôi có thể giúp được, không khó lắm!”.


T. đến nhà gọi ba người con trai lại ôm cả ba người vào trong vòng tay của mình nói mấy câu: “Thôi nhé, không có điên khùng gì nhé! Ta bảo phải nghe đấy, không nghe không được với ta đâu!”. Thế là xong.


Người em gái điên dưới bếp được gọi lên. T. cũng cho vào vòng tay của mình nói như trước. Từ đó bốn anh chị em hết điên.


Qua hai lần chữa điên của T., chúng tôi thấy rõ đây không phải là bệnh điên thực thể. Qua nghiên cứu các bệnh nhân điên, chúng tôi phân thành hai loại: Loại điên thực thể và loại điên tạm gọi là phi thực thể. Điên thực thể có nguyên nhân từ bên trong cơ thể bệnh nhân, chủ yếu tập trung ở não bộ và hệ thần kinh trưng ương. Điên phi thực thể, nguyên nhân không phải từ bên trong mà là từ bên ngoài tác động vào. Riêng bản thân tôi đã trực tiếp chứng kiến 7 trường hợp điên phi thực thể với nhiều dạng khác nhau. Nền y học thế giới và nước ta có thể chữa được loại điên thực thể, nói có thể là muốn nói khó có thể chữa được trăm phần trăm. Loại điên phi thực thể theo chúng tôi, qua nghiên cứu, thấy y học hiện đại khó có thể chữa khỏi. Không có điều kiện thống kê, sơ bộ có thể định ra một tỷ lệ như sau. Loại thực thể chiếm từ 90 đến 95%. Loại phi thực thể chỉ chiếm từ 5 đến 10%. Qua nhiều năm theo dõi nghiên cứu chúng tôi thấy các bệnh thực thể và phi thực thể không dừng lại ở bệnh điên mà nó còn quán trong một số loại bệnh của con người.


Nhân kể chuyện vong, xin kể thêm vài chuyện lạ xưa nay chưa thấy ai dám làm.


Một hôm mấy anh em đi xe máy ra Đà Nẵng, đi đến cầu Câu Lâu, chiếc cầu dài nhất ở Quảng Nam, thì bị tắc đường. Ô tô bị dồn lại hàng mấy chục chiếc. T. nói ngay: “Tôi biết vì sao, để tôi lên giải quyết cho!”. T. đi chen lên tới giữa cầu thấy một chiếc xe tải nằm ngang ngăn đường, không có ai chết hoặc bị thương. T. lách qua phía trước chiếc xe tải đứng giữa cầu nói to: “Tôi biết chiếc xe ngăn đường là do các vị gây ra. Các vi ngự trên chiếc cầu này gây bao tai nạn cho dân lành. Các vị tưởng nhầm làm cho người ta chết, người ta thay thế mình để siêu thoát. Không có chuyện đó đâu! Muốn siêu thoát rủ nhau lên núi tìm hang động mà tu. Tôi tuyên bố không cho các vị ở đây nữa. Tôi phá bỏ chỗ ẩn náu của các vị đây!”.


Nói xong, T. tiến lên hai bên thành cầu nơi nào có các am thờ người tử nạn (do dân trong vùng dựng lên để hương khói cho vong linh người chết), anh ta đạp hết xuống sông, đồng thời đập vỡ tất cả các bát hương – một việc xưa nay không có thầy phép nào dám làm. Từ đó trên cầu Câu Lâu không thấy tai nạn xảy ra nữa.


Phía bắc thị trấn huyện Núi Thành có chiếc cầu trong một tuần xảy ra liên tiếp ba vụ tai nạn làm chết và bị thương hàng chục người. Anh em được tin đặt câu hỏi: "Tại sao ở một chỗ lại xảy ra nhiều tai nạn nhu vậy?" T. nói: “Tôi biết rõ nguyên nhân, tôi sẽ vào giúp để tai nạn không xảy ra ở đó nữa?” Chiều hôm sau T. vào đứng ngay chỗ xảy ra tai nạn nói giống như ở cầu Câu Lâu. Từ đó, xe qua lại bình thường không có vụ tai nạn nào nữa.


Thật là những chuyện lạ!


* * *

Tiếp theo là những chuyện lạ khác thể hiện khả năng kỳ lạ của nhân vật này.


Một hôm ông N.T.H, tiến sĩ nông nghiệp nhân chuyến về huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi thăm quê, ông mời T., bác Hoàng và tôi cùng đi. Về đến nhà, ông và người nhà ra nghĩa trang thắp hương trên mộ bà. T. và chúng tôi cùng đi. Thắp hương xong, T. nhìn ngôi mộ nói: “Bà này lúc chôn không có áo quan, đầu gối trên chiếc gối mây và cánh tay trái bị gãy!”. Người nhà ông H. nói: “Chúng tôi là những người chôn bà, đúng y như ông nói, làm sao ông biết được?”. T. đáp: "Tôi thấy mới dám nói chứ”. Cả người nhà và anh em đi theo vô cùng ngạc nhiên. Người này có khả năng nhìn xuyên qua đất.


Vợ T. dành dụm tiền mua được chiếc nhẫn, không dám đeo sợ T. la, đem cất một chỗ kín trong nhà. Một thời gian bỗng nhiên chiếc nhẫn không cánh mà bay. Vợ T. buồn lắm nhưng không dám nói. Vợ T. rất sợ T. vì T. hay đánh, mà mỗi lần đánh là bảo vợ đi lấy roi, bắt nằm đánh đủ 12 con giáp (12 roi). Tuy vậy, T. đã biết, gọi vợ lên bảo: “Tôi đã cấm cô không được mua vàng. Có ít tiền lo nuôi con. Tại sao cô lén tôi đi mua để bị mất. Tội cô không nghe lời đáng đánh nhưng tôi tha. Tôi biết ai lấy chiếc nhẫn và giấu ở đâu! Cô ra ngoài đường luồng đến cây dứa dại thứ ba bên phải tìm sẽ thấy.


Vợ T. không bị đánh và nghe chiếc nhẫn vẫn còn mừng quá chạy ra theo hướng dẫn, nhưng tìm mãi không thấy. Vợ T. ve nhà với bộ mặt ủ rũ. T. nói: “Không tìm thấy phải không? Đi ra đây với tôi”. T. đưa vợ ra đúng cây dứa thứ ba nói: “Cô bới chung quanh gốc sẽ thấy!”. Vợ T. lặng lẽ bởi đất tìm thấy chiếc nhẫn bị mất. Lúc trước vợ T. tìm không đúng gốc thứ ba.


Về đến nhà T. bảo: “Một lần nữa tôi cấm cô không được mua vàng. Để tiền làm vốn nuôi heo có tốt hơn không!”.


* * *

Còn vài chuyện vặt xin kể nốt.


T. là người vui tính hay đùa nghịch. Lúc này trong nhà có năm bảy anh chị em. T. dùng tay vạch một vòng tròn trên nền nhà rồi thách: “Tôi đố anh nào vào trong vòng tròn này mà bước ra ngoài được tôi xin bái phục!”.


Một anh bước vào vòng tròn rồi bước ra, bước đủ các phía không cách nào bước ra được. Một anh bên ngoài lấy tay đẩy anh trong vòng trốn ra ngoài, nhưng chỉ nửa người trên gục xuống còn hai chân vẫn ở trong vòng tròn T. cười: “Không ra được phải không? Bây giờ ra được đó!”. Nói xong, T. khoát tay một cái. Anh nọ bước ra ngoài bình thường.


T. lấy một quả quýt bóc lấy ra từng múi đưa cho một chị nói: “Múi này ngọt này!”. Lấy một múi khúa đưa cho một anh: “Múi này chua đấy". Lại một múi nữa đưa cho một chị: “Múi này đắng này”. Lại một múi nữa: “Múi này chua này!”. Cứ thế chia cho mọi người hết quả quýt. Ai cũng ngạc nhiên vì ăn múi quýt vào cảm nhận đúng như T. nói. Một quả quýt mà đủ vị ngọt, chua, đắng, v.v…


T. lấy một quả táo con đưa cho một chị bảo: “Quả táo này nhỏ nuốt được không cần nhai, chị nuốt vào, tôi biểu diễn cho chị coi, vui lắm!”. Chị nọ cầm quả táo nuốt vào bụng. T. ngồi cách chị khoảng 5 mét vận công lực dùng tay điều khiển quả táo chạy vòng tròn trong dạ dày làm chị chịu không nổi. T. cười: “Khó chịu phải không? Bây giờ tôi cho quả táo lên miệng đây?”. Nói xong T. lật bàn tay đẩy từ dưới lên, quả táo lên miệng thật. Chị cầm quả táo ra nói: “Chịu thua ông rồi!”.


Trỏ chơi bài của T. cũng thật lạ lùng. T. lấy bộ tú lơ khơ 32 lá ra đưa cho bác Hoàng xóc, xong đưa cho tôi xóc tiếp. Tôi xóc đi xóc lại nhiều lần đưa cho T. T. cầm bộ bài đưa ra sau lưng, rút một con lật ngửa đặt trên. Đó là con át cơ. T. lần lượt rút từng con đặt tiếp: Già cơ đến đầm cơ, bồi cơ, mười cơ, chín cơ, tám cơ, bảy cơ. T. rút tiếp đặt hàng thứ hai là rô, đúng tám con theo thứ tự như hàng trên. Hàng thứ ba là chuồn, hàng thú tư là bích, cũng theo thứ tự từ lớn đến nhỏ. Mọi người trố mắt ngạc nhiên. Một chị nói: “Ông nhìn thấy mới rút được thế!”. T. cười: “Tôi đưa ra sau lưng làm sao nhìn thấy được!”.


Nhân nói tú lơ khơ, một hôm có một ông người nước ngoài đến biểu diễn tú lơ khơ ở Văn Miếu nhân một dịp lễ hội. T. có mặt đứng xem ông biểu diễn. T. nói với tôi: “Xoàng quá thế mà cũng biểu diễn, để tôi vào chơi cho vui!”. Nói là làm, T. vào không kể lạ quen. T. biểu diễn cái trò như vừa kể và thách ông Tây nhiều trò kỳ lạ nữa. Ông Tây nói qua phiên dịch: “Ông quá tài tôi không sánh kịp, quả là Việt Nam có nhiều người tôi xin bái phục!”. Suốt buổi đó ông Tây nọ đi theo T. không chịu rời.


Chuyện đóng cửa, mở cửa ở nhà T. cũng mang tính khác thường. Đến nhà T. có lúc tôi ngủ lại nhà trong khi T. ra ngoài tập luyện. Ngủ trong nhà lúc nào tôi cũng chốt kỹ các cửa, người ngoài không thể vào được. Vậy mà khi đi tập luyện về, T. vào nhà cứ như không và vào bằng cách nào tôi không biết. Hỏi thì T. không nói. Tôi quyết rình xem T. vào nhà bằng cách nào khi các cửa đều được chốt kỹ.


Đêm đó, tôi không ngủ, thức chờ lúc T. về. Tôi phát hiện ra là từ bên ngoài cửa, T. dừng công lực trước tiên đẩy cho cái chốt rời cái ngoắc ra, sau đó dùng công lực đẫy cho cái chốt rơi xuống. Thế là xong. Cửa mở và anh ta vào.


Một lần khác T. và tôi đi Đà Nẵng. Tôi hỏi làm thế nào gài chốt cửa được vì nó ở bên trong. Chẳng lẽ để cửa trống ư! T. cười bảo: “Ông khỏi lo chuyện đó, để tôi chốt cửa cho!”. Nói xong, T. khép cửa lại, vận công, từ bên ngoài đẩy cái chốt vào lỗ rồi lật bàn tay đẩy ngang một cái, cái chốt bị lực đẩy quay ngay vào rãnh. Thế là cửa được cài an toàn.


Một lần khác, tôi cùng với T. đi Hội An vào ban đêm. Nói thêm là T. đi đâu, thường đi ban đêm, không mấy khi đi ban ngày. Trên đường về, lúc đó đã là 24 giờ. T. bảo ghé vào đây chữa cho ông này rồi hãy về. Ông này bị ung thư máu nặng, suốt ngày chỉ nằm. Đến nhà, đèn lửa tối om, cửa đứng kín mít. Tôi tưởng là T. sẽ gọi người nhà dậy bật đèn, mở cửa. Nhưng không, T. vận công mở chốt từ bên ngoài. Cửa mở, T. vào nhà bật đèn, vén màng chữa cho ông độ 15 phút, sau đó hai bác cháu mới lên xe về.


Chuyện mở, đóng cửa của T. là như vậy. Nói thêm một chuyện nữa là ngồi sau xe của T. đi ban đêm rất sợ. Các bạn biết ban đêm đi xe máy trên quốc lộ 1 luôn có hai luồng xe ôtô đi ngược chiều nhau với tốc độ cao. T. cho xe mình đi giữa hai luồng xe mà đi với tốc độ nhanh khoảng 60 kilômét giờ. Đêm đó, tôi phát hoảng vì luồng xe đi ngược chiều bật đèn pha chói không nhìn thấy gì. Tôi bảo: “Đi chậm lại chứ đi kiểu này kinh lắm, cho tôi xuống thôi!”. T. bảo: “Bố yên tâm, tôi không bị chói mắt như bố đâu!”. Về đến nhà, tôi mới biết mình còn sống. Từ đó, đi đêm, tôi không dám ngồi xe T. nữa.


THAY LỜI KẾT

Qua bốn phương, chúng ta thấy nhân vật này là một người đa tài, có nhiều khả năng đặc biệt vừa độc đáo vừa thần kỳ. Có thể nói nhân vật này còn nhiều khả năng kỳ diệu khác mà chúng tôi chưa được chứng kiến. Tất cả những chuyện trên là những chuyện chúng tôi được trực tiếp chứng kiến trong 6 năm qua (1998 – 2003), những câu chuyện có thật đến từng chi tiết không hề bịa đặt hoặc hư cấu. Chúng tôi bảo đảm điều đó và chịu trách nhiệm về những điều đã viết. Còn nội dung sự việc qua các câu chuyện, tin hay không là quyền của các bạn.


Tất cả những điều đã viết đã là điểm mạnh của T.. Có thể khái quát lại T. là người có tâm đức. Không kể giai đoạn thiếu thời, T. giành suốt những năm tháng của đời mình chỉ có mỗi một việc là giúp dân, giúp những kẻ nghèo khó, chủ yếu là bằng khả năng chữa bệnh và các khả năng khác khi có yêu cầu. Có thể nói T. vô tư đến mức không bao giờ nghĩ đến tiền và ham muốn của cải, vật chất, đặc biệt là trong cơ chế thị trường. T. chữa bệnh không lấy tiền và không nhận bất cứ thứ gì của bệnh nhân mang đến biếu. Không thiếu những lời ra, tiếng vào nhưng bảo đảm điều đó là sự thật, được hàng ngàn người bệnh chứng giám.


Con người của T. rất lạ, suốt tám năm qua tuy gặp nhiều khó khăn, ngăn cấm, nhưng chỉ chữa bệnh và giúp người. Ngoài ra có thể nói T. không làm một việc gì khác. Ruộng vườn, chăn nuôi, con cái, … tất tất đổ trên đôi vai gầy của vợ. Hàng ngày T. không làm việc gì có ích cho gia đình. Không quan tâm đến vợ đã đành, T. ít khi chăm nom con cái. Đó cũng là chuyện lạ về trách nhiệm của một người chủ gia đình, người chồng, người cha. Vợ không làm đúng những điều quy định của anh ta là bị đánh. Sau lần bác Hoàng và anh em họp phân tích đánh vợ là sai, là vi phạm pháp luật, không yêu thì phải thương phải quý, mọi gánh nặng gia đình đều do vợ lo toan, từ đó đến nay T. không đánh vợ nữa.


Theo chúng tôi, đó là điều khác thường của T. trong gia đình.


Một con người sống trong xã hội với bao nhiêu mối quan hệ phức tạp, trong một môi trường nhất định, luôn có mặt mạnh. mặt yếu, có ưu, khuyết. Bất kỳ ai, dù là một vĩ nhân, một nhà tu hành, một lãnh tụ cũng đều nằm trong quy luật chung đó. T. cũng vậy. Mặt mạnh của T. gần như đã giải trình gần hết trên các chương trước. T. là một con người thích sống tự do, không chịu ràng buộc vào bất cứ một khuôn phép nào, không quy luỵ cầu xin với bất cứ một ai về vấn đề gì. Trước tình trạng bị địa phương dùng quyền lực ngăn cấm không cho T. chữa bệnh, anh em thấy việc đó vừa đúng về mặt pháp lý vừa có phần chưa thỏa đáng về mặt dân sinh, thiếu một sự nghiên cứu đến nơi, đến chốn. T. chỉ một lòng giúp dân, giúp những người nghèo khổ, không lấy tiền, không lừa bịp ai, không mê tín và gieo rắc mê tín dị đoan. T. chữa bệnh bằng công lực huyệt đạo, không hề dùng bùa, phép. T. chữa bệnh có hiệu quả, tất nhiên chưa đạt được trăm phần trăm, chưa đạt được trăm người trăm khỏi, nhưng có ai chữa được trăm phần trăm, kể cả các bệnh viện Nhà nước!


Những điều đó các giới chức chính quyền nên suy nghĩ. Nói cho cùng, nếu T. có tội thì đó là T. không có bằng cấp về y tế và không có giấy cho phép chữa bệnh theo pháp luật quy định.


T. thường nói: “Tôi đâu có ngu si gì mà không biết lệnh cấm của chính quyền. Nhưng trước nỗi đau của bao người bệnh đến nhờ giúp, tôi làm sao làm ngơ trước những nỗi đau đó. Lương tâm con người buộc tôi phải chữa. Tôi không lấy tiền của ai, không lừa bịp ai, mà lừa bịp sao được, lừa bịp nhằm mục đích gì? Nếu chính quyền cho là tôi vi phạm pháp luật, cho tôi là người có tội có thể bắt bỏ tù, hoặc đem bắn cũng được!”.


Nhìn rộng ra cả nước, chứng tôi thấy một số người không có bằng cấp, không có giấy phép hành nghề nhưng nhờ có thuốc gia truyền chữa bệnh đạt hiệu quả nên chính quyền địa phương chẳng những cho họ chữa, còn tổ chức sắp xếp bảo đảm trật tự, an ninh chu đáo. Chính quyền của ta là chính quyền của dân, do dân, vì dân. Việc gì có lợi cho dân thì nên làm. Đảng và Nhà nước ta luôn luôn giáo dục, nhắc nhở chứng ta như vậy.


T. chỉ chữa bệnh giúp dân, ngay cả nuôi sống bản thân mình cũng không nghĩ đến. Đó là một điều quý giá, một con người đáng được nể trọng. Trong xã hội chúng ta ngày nay, hiếm có con người như vậy.


Từ những suy nghĩ đó, chúng tôi định đến gặp các cơ quan chức năng ở địa phương đề trình bày sự thật về T. với mong muốn các cơ quan chức năng địa phương biết rõ sự thật, tạo điều kiện cho T. phát huy tốt những khả năng của mình. T. biết được ý định này phản đối chúng tôi, bảo là ý định tốt nhưng không kết quả gì đâu. Chúng tôi đành thôi.


Tuy vậy, thấy việc nghĩa, việc đúng phải làm, chúng tôi về Hà Nội gặp Giáo sư Ngô Đạt Tam, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người trình bày, đặt vấn đề. Giáo sư rất hoan nghênh, cho văn phòng đánh ngay giấy mời, mời T. đến cơ quan để trao đổi những vấn đề khoa học mà cơ quan quan tâm.


Đem giấy mời về, tất cả anh em huynh đệ đều vui mừng. Riêng T. lạnh như tiền. T. bảo: “Tôi không đi, không muốn xin xỏ, quỵ lụy ai!”. Anh em bảo đây không phải chuyện quy luỵ, xin xỏ mà một cơ quan cấp Trung ương mời mình chứ mình có cầu xin gì đâu!


Khuyên bảo gì T. cũng không nghe.


Chưa chịu thôi, một thời gian sau, chúng tôi đến gặp Trung tướng Phạm Hồng Sơn, tạo điều kiện để ông gặp T.. Ông rất hoan nghênh và qua xem cuốn băng video, ông công nhận tài năng của T.. Ông nói: “Nếu T. đồng ý ông sẽ quan hệ với Bộ Quốc phòng hoặc Cục Quân y hay Bộ Tư lệnh Quân khu V để T. vào giúp lực lượng vũ trang". T. cũng không nghe.


Phải chăng đây là điểm khác thường của T. trong quan hệ xã hội.


Chúng tôi làm những điều trên với mong muốn đưa T. vào phục vụ trong một tổ chức để có điều kiện phát huy khả năng, phục vụ lợi ích cho dân, cho nước, ngoài ra không có mục đích nào khác. Cho đến ngày nay T. vẫn chữa bệnh không được pháp luật cho phép.


T. còn những điều lạ khác.


Trong chữa bệnh không phải gặp người bệnh nào T. cũng chữa. Có người đến năn nỉ, T. không chữa. Ngược lại chỉ mới gặp lần đầu hoặc gặp ngoài đường T. gọi vào chữa. Chúng tôi là những người đã nhiều năm học năng lượng sinh học, khí công học, bấm huyệt. v.v… nên có biết chữa bệnh. Vào nhà T., T. thường bảo anh em tham gia chữa bệnh. Một hôm người bệnh đến đông xếp thứ tự chờ T. chữa. Theo dõi thấy bốn người đến sớm nói gì T. cũng không chữa mà gọi những người sau lên chữa. Đến quá 12 giờ trưa, T. bảo nghỉ không chữa nữa. Thấy bốn người đến sớm không được chữa, tôi bảo: “Ông bà đi ăn trưa đi, chiều đến đây, ông không chữa tôi chữa cho!”.


Đến chiều, các ông bà này đến, tôi chữa giúp để họ còn về vì nhà xa. Chữa xong ra khoe với T. đang đánh cờ ngoài vườn. Tôi bị T. la một trận. T. bảo: “Tôi có bảo bố chữa những người ấy đâu! Đó là những người tham lam, buôn gian bán lận không chữa! Từ nay bố chỉ chữa những người tôi bảo, những người tôi không bảo bố đừng chữa!”.


Tôi thấy đây cũng là một chuyện lạ, vì nghĩ rằng với cái tâm, cái đức của một người có khả năng chữa bệnh, bất kể ai mình cũng nên chữa. Những người không tốt mình cũng phải chữa để qua đó giáo hóa người ta trở thành người tốt, người có ích cho xã hội. Ngay bản thân chúng tôi, những anh em huynh đệ thân tín của T. bị đau ốm nhờ chữa, T. cũng không chữa. T. bảo: “Các ông là những người biết chữa, tự chữa cho mình tốt hơn tôi! Một điều có thể các bạn chưa rõ: chữa cho người khác thì được, nhưng chữa cho mình rất khó, không có kết quả. Phải có công lực mạnh như T. mới tự chữa được. Nói thế nào T. cũng không chữa.


Ở Hà Nội, anh em quen biết một số bệnh nhân nặng đã chữa đủ các bệnh viện nhưng không khỏi. Mỗi lần T. ra Hà Nội anh em thấy T có khả năng có thể chữa được nói với T. cố gắng giúp. T. bảo: “Đất Thủ đô thiếu gì người tài, để các vị ấy chữa cho!”.


Ở Thanh Xuân Bắc có chị H. 35 tuổi, đỗ hai bằng đại học, biết ba ngoại ngữ làm phiên dịch cho Công ty dầu khí Vũng Tàu, 5 năm nay bị một loại bệnh phi thực thể (có thể nói rõ là bị một vong nam giới chiếm làm vợ) đã đi đủ các bệnh viện, các thầy pháp, các đền miếu vẫn không làm gì được, bỏ việc về nhà ở với mẹ. Thể xác, tinh thần lúc nào cũng giở say, giở tỉnh. Một lần vị vong ấy nhập vào chị H. nói trước mặt đông người, có tôi trực tiếp ngồi nghe: “Cô này là người đẹp nhất, là vợ yêu quý nhất của tôi, không bao giờ tôi rời xa cô ấy, ông bà đừng nói vô ích!”. Mẹ cô đã đưa cô H. đến một cơ sở nghiên cứu và thực hành ngoại cảm của Liên hiệp khoa học công nghệ tin học ứng dụng (UIA) nhưng cũng đành bất lực.
Lúc T. ra Hà Nội tôi kể lại chuyện đó. Tôi bảo: "Bệnh lạ này chỉ có T. chữa mới khỏi. Tôi tin chắc như vậy. Cô này đẹp người, đẹp nết, là một trí thức trẻ nhưng không lấy được chồng vì lý do trên!”. T. bảo: “Nghe ở Hà Nội mới xuất hiện một cửa linh thiêng lắm, lại được bảo trợ của một số cơ quan chúc năng, cứ để họ chữa!”. Vậy là T. từ chối.


Phong cách sinh hoạt của nhân vật này cũng có điểm khác thường. Đó là bất kể ở đâu, khi T. có mặt, anh em bạn hữu và những người hâm mộ kẻo đến là T. thao thao bất tuyệt đủ thứ chuyện, nói suốt buổi, lại còn biểu diễn các trò vặt vãnh. Và cứ lặp đi lặp lại như vậy nhiều lần, ảnh hưởng không ít đến sự nể trọng của những người hâm mộ nói riêng và quần chúng nói chung đối với nhân vật.

 
Viết những điểm khác thường ở đây là để khách quan nói lên một con người nhiều tài năng như T. vẫn tồn tại những mặt không đáng có, không nên có. Ngoài ra còn có mong muốn nếu T. được đọc tập truyện ký này có thể nhận ra một số mặt tồn tại của mình để từng bước khắc phục, dần dần trở thành một con người tương đối hoàn thiện giúp ích cho dân, cho nước.


Để kết thúc phần thay lời kết này cũng là kết thúc tập truyện ký, xin kể thêm một chuyện có thể có ích cho T. và các giới chức có trách nhiệm. Đó là một hôm kỹ sư Xuân cùng T. do ngẫu nhiên được gặp một nhà ngoại cảm tài ba ở Đà Nẵng. Nhà ngoại cảm này nói với T.: "Ông là một người nhiều tài năng, đã luyện đủ các môn nội công ngoại kích có thể nói đã đạt tới mức thượng thừa, nhưng tiếc là ông chưa phát huy hết những khả năng đó để phục vụ cho dân. cho nước. Những việc ông làm được còn ít lắm trong khi ông có nhiều tiềm lực. Tôi chỉ nói vậy, ông hãy tự suy nghĩ". Nghe Xuân kể lại chúng tôi thấy lời nói trên quả đúng với nhân vật chính của tập truyện. Tất nhiên mình T. chưa thể thực hiện được những điều đó mà cần có cách nhìn đúng, cách đánh giá đúng, tạo điều kiện cho T. phát huy tiềm lực của các giới chức có trách nhiệm.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Barbara Ann Brennan, Bàn tay ánh sáng, Nhà xuất bản Văn hoá – Thông tin.


[2] Djuna Davitasvili, Tôi nghe đôi tay mình, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật.


[3] Kraximira Xloiankova, Vanga hay những bí ẩn của nhà trên tri, Nhà xuất bản Văn hoá – Thông tin.


[4] Nguyễn Đình Phư, Nhân điện – Những phát hiện và ứng dụng, Nhà xuất bản Văn hoá – Thông tin.


[5] Nguyễn Đình Phư, Hướng dẫn ứng dụng Năng lượng Sinh học, Nhà xuất bản Văn hoá – Thông tin.


[6] Nguyễn Đình Phúc, Còn mãi một tình thương, Nhà xuất bản Hải Phòng.


[71 Trịnh Xuân Thuận, Hỗn độn và Hài hòa, Nhà Xuất bản Khoa học và Kỹ thuật.


[8] Trịnh Xuân Thuận, Giai điệu bí ẩn và Con người đã tạo ra Vũ trụ, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật.
 


Các báo – Tạp chí:
– Báo Tài hoa trẻ
– Tạp chí Thế giới mới
– Báo Thanh niên
– Tạp chí Thế giới trong ta
– Báo Công an thành phố Hồ Chí Mình
– Báo Lao động
– Báo An ninh Thủ đô
– Báo Công an nhân dân
– Báo Văn nghệ
– Báo Tiền phong chủ nhật
– Báo Phụ nữ Việt Nam cuối tuần


HẾT


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét