TÌM HIỂU
NGƯỜI NHẬT-BỔN
Để biết rõ những nhược-điểm của ta.
TRẦN-MINH-TIẾT
Mục lục:
NƯỚC NHẬT-BỔN SAU NGÀY CHIẾN-BẠI
Vài hàng về bản điện tử
Quyển “Tìm Hiểu Người Nhật Bổn” của cụ Trần Minh Tiết do nhà xuất bản Thông Tin Nam Việt phát hành năm 1954. Tác phẩm này được Thư Viện Đông Dương – Toyobunkou,
Trong tinh thần vô vị lợi, bản điện tử này được chia sẻ đến bạn đọc trong mục đích cùng xem lại cách nhìn của người đi trước về Nhật Bản.
Với bản điện tử này, cùng với cụ Trần Minh Tiết, chúng tôi xin kính gửi đến bạn đọc lời cụ Trần Minh Tiết đã ghi trong trang mở đầu của tác phẩm :
” KÌNH TRỌNG : đề tặng những ai thật tình muốn cho xứ sở càng ngày càng thêm hùng mạnh “
LỜI NÓI ĐẦU
Thuở nhỏ đi học đọc quyển Nhật-Bổn ba mươi năm duy-tân của ông Đào-Trinh-Nhất, tôi thấy trong người dân Nhật có nhiều cái hiếu-kỳ đáng kính. Mỗi lần hể có ai nói đến người Nhật là lòng tôi đầy cảm mến.
Tháng 8 năm 1945 lúc bị ủy-ban khởi-nghĩa cách-mạng huyện Cam-Lộ bắt giam với hai anh và em tôi về tội không được dân-chúng tín-nhiệm. Trong lao, giữa đêm khuya tịch-mịch, một người bạn đồng-lao cất tiếng ngâm mấy câu thơ tả chân người dân Nhật trích trong Ngục-Trung-Thư của cụ Phan-Sào-Nam (1), tự-nhiên tôi lại thấy lòng ngài-ngại : Người Nhật không phải chỉ đáng kính mà còn là đáng ngờ đáng sợ nữa.
(1) Cao bằng mạn tọa, Tiếu ngự hy-hy, Trường dạ thâm canh, Ma đao quát-quát. | (Ban ngày cùng bạn uống rượu cười cười, đêm đến mài dao đâm bạn nào đâu bạn có biết). |
Trong năm 1945 có nhiều biến-cố hệ-trọng đã đảo-lộn cả một góc trời Nhật thắng rồi Nhật bại. Nhiều tướng-lĩnh Nhật đã tự kết-liễu đời mình khi hay tin quân Nhật đầu hàng.
Ngồi trong lao, nghe báo-chí của chính-phủ dân-chủ cộng-hòa thuật lại vụ bại quân Nhật để cho quốc-quân Trung-Hoa giải-giáp tại Hà-nội, trong một buổi lễ long-trọng, chỉ vì một tiếng hô nghiêm-chỉnh của một viên chỉ-huy Nhật, quân Nhật đầy kỷ-luật răm-rắp đứng dậy để chờ đợi giải-giáp mà lính Trung-hoa tưởng có náo-động quăng súng ù chạy ; man-mác tôi nhớ lại té ra giữa những ngày tàn-tạ, trong con người dân Nhật cũng vẫn còn lại những cái gì gọi là oai-hùng của dĩ-vãng. Rồi tự-nhiên tôi lại thấy ái-ngại cho người anh-hùng lúc mạt-vận.
Lúc ra khỏi lao, việc quốc-quân Trung-hoa không còn là một vấn-đề nữa, tôi nghe thêm một câu chuyện gần như hoang-đường ở Nhật-quốc. Đại-tướng Mac. Arthur chiếm-đóng ở Nhật sợ e có xảy-ra những vụ xô-xát giữa người Nhật chiến-bại với người Huê-kỳ chiến-thắng, có ra lệnh cấm tuyệt người Nhật vô-cớ không được đứng gần người Huê-kỳ. Thì trong nước muôn người như một, hể có bóng một người Huê-kỳ lướt qua ở đâu, bất cứ ở vào một giai-cấp nào, là người dân Nhật đã lanh-lẹ đứng lùi lại chẳn-chòi đúng 5 thước tây ; đến đổi lúc hai người nói chuyện với nhau cũng vẫn thấy vẫn có cái khoảng năm thước tây không thay đổi. Người Huê-kỳ kinh hồn tưởng người Nhật sắp-sửa sinh-sự liền phải giữ thế-thủ và về nhà chuyển lời lên phàn-nàn với nhà cầm-quyền trong quân-đội Huê-kỳ. Nhưng ngày tháng chảy qua, không bao giờ thấy có một vụ xô-xát nào xảy ra. Người Huê-kỳ lại trở lại nghĩ rằng có lẽ người Nhật khinh-khi nên chế-nhạo họ như thế.
Riêng tôi, tôi chỉ nghĩ là vì người Nhật có tinh-thần quá trọng kỷ-luật và cũng chỉ có thế mà thôi
Tôi đã kính người Nhật ; tôi đã sợ người Nhật ; nhưng tôi cũng đã ghét và cũng đã thương người Nhật. Thì ra tinh-thần của người Nhật phức-tạp quá chừng. Tìm mà hiểu được họ cũng là một vấn-đề rất khó
Giữa một kinh-đô Đông-kinh trên tám triệu dân-số, la-liệt ta vẫn thấy còn và có lẽ sẽ còn mãi-mãi, những cái cúi đầu đến gẫy lưng cung-kính chào nhau, bệ-vệ và trang-nghiêm làm cho đời sống càng thêm ý-vị. Ở một xứ-sở mà mọi người đều phải tranh-đấu từng miếng ăn, miếng uống, đến cả những cái liếc mắt nụ cười, mới có thể sống được ; kế cận bên những tòa nhà đồ-sộ nguy-nga, ta vẫn thấy ung-dung còn những cái áo thụng đủng-đỉnh hiện thân rõ rệt của quá-khứ lẫn-lộn với hiện-tại và tương-lai ; khách lãng-du không sao không suy-nghĩ
Một nước Nhật thuần-phong mỹ-tục ; một nước Nhật sinh-sống đơn-giản, lễ-phép và cần-cù ; và một nước Nhật tự-kiêu tự-đại Nước Nhật ấy một lần đã chiến-thắng quân Nga ; nhiều năm đã chiến-thắng quân đồng-minh để rồi hôm nay phải chiến-bại trước quân đồng-minh (nhưng có lẽ chiến-bại để mà không phải chiến-bại mãi mãi) Cái nước Nhật ấy ngày nay đương miệt-mài tiến tới trên con đường kiến-quốc với những khả-năng tái-tạo phi-thường
Toàn-thể thế-giới đương ngóng cổ quay nhìn về phía gần 100 triệu người dân Nhật chiến-bại nhưng âm-thầm và nhẫn-nại, lẵng-lặng trong sự làm việc và đương tự hỏi, trong tương-lai, cái dân-tộc kết-tinh của hai nền văn-minh Âu-Á ấy sẽ chiếm được một địa-vị nào trên bản-đồ quốc-tế ?
Gần một thế-kỷ cả một tổ-kiến dân Nhật làm việc để mà tự tạo cho mình một địa-vị ưu-thắng. Hiện nay người dân Nhật cũng nhẫn-nại làm việc, nhưng lần này làm việc để mà gây thế quân-bình giữa bao nhiêu những lực-lượng đương sâu-xé nhau trên bản-đồ thế-giới.
Vì là cùng chung một giòng-giống da vàng như nhau, có thể có nhiều điều hay việc dỡ giống nhau ; vì nước Nhật may-mắn đã được cái vinh-hạnh là quốc-gia hùng-cường nhất có thể làm gương-mẫu trên nhiều địa-hạt ở Á-châu; vì những phương-tiện hiện-tại và vị-trí địa-dư tự-nhiên của nước Nhật sau này có thể giúp cho những quốc-gia nhược-tiểu ở Á-châu như Miến-điện, Mã-lai, Nam-dương Phi-Luật-Tân, Việt-nam, Ai-lao và Cao-miên v.v , nếu những quốc-gia này sớm biết kết-thân với nhau hợp thành một khối liên-minh ở Nam-Á, cùng nhau tiến bước, để liên-minh này có thể dung-hòa khả-năng và mực sống của mình với những đại cường-quốc khác ở Á-châu như Ấn-độ, Trung-hoa và Nhật-bổn, trong phạm-vi đất nước Á-châu, cho có sự hòa-hợp khắp nơi, để rồi liên-minh nói trên cùng với ba đại cường-quốc Á-châu nói trên, cùng nhau, với nhau, hợp thành một đại liên-minh châu-Á, có thể đường-hoàng một cách bình-đẳng đứng lên đương-đầu với những đại cường-quốc, quốc-tế khác như Anh, Nga, Mỹ, Pháp v.v thì lúc ấy chắc-chắn sẽ không còn có chế-độ thực-dân mà cũng không còn có chủ-trương cộng-sản nữa.
Con đường tương-lai ; chính-sách tương-lai của nước ta, chắc-chắn, muốn nên, không thể ra ngoài lề-lối ấy. Muốn cho quốc-gia chúng ta trở nên hùng-mạnh và có một địa-vị ưu-thắng trong khối liên-minh Đông-Á sau này, vì liên-minh này thế nào một ngày kia cũng phải có, thì chính-phủ ta và quốc-dân chúng ta phải sớm biết chọn lựa con đường của mình đi. Chọn lựa để mà học-hỏi và hiểu biết nhau, để rút ngắn thời-gian trên con đường hợp-tác và tiến-hóa Và dù muốn dù không, ngày mai đây dân-tộc chúng ta cũng phải có nhiều cơ-hội gần-gụi người Nhật-bổn cũng như với người Trung-hoa, người Ấn-độ v.v nhiều hơn nữa ; mối bang-giao giữa hai dân-tộc muốn có kết-quả tốt đẹp và đằm-thắm tất-nhiên cần phải được hướng-dẫn.
Vậy nên tập sách này mục-đích nghiên-cứu cho biết tâm-tính tinh-thần và khả-năng của người dân Nhật, hy-vọng sau này sẽ giúp ích cho chính-phủ và những nhà ngoại-giao ta ít nhiều trong những mối bang-giao chính-trị giữa hai quốc-gia Việt-nam và Nhật-bổn : "tìm biết để dễ đối-xử, để hiểu mình và sửa-chữa cho mình " Người Nhật-bổn văn-minh muộn mà tiến-hóa mau Vì sao người Việt-nam ta lại không có thể như người Nhật hoặc hơn người Nhật ?
Tôi hy vọng lần-lượt sẽ có thể cho xuất-bản nhiều tập sách nghiên-cứu một loại như tập sách này về người Trung-hoa, Ấn-độ và Thái-lan v.v Nghĩ như thế tôi chỉ có một nguyện-vọng là muốn rút ngắn thời-gian tiến-hóa của những quốc-gia tân-tiến và bồi-đắp cho con đường hợp-tác với những ai mình cần phải hoặc sẽ phải hợp-tác, để cho xứ-sở càng ngày càng thêm hùng-mạnh ; vì cần phải biết cả bạn lẫn kẻ thù mình mới có thể đứng vững được ; vì chính-trị phải lấy đó làm căn-bản và ngoại-giao không thể không dựa vào đường-lối của chính-trị
TRẦN-MINH-TIẾT
CHƯƠNG THỨ NHẤT
Tinh-thần đạo-lý và những đức-tính căn-bản của người Nhật
Phàm người ta sinh ra ở đời có tinh-thần là trọng và phẩm-cách là quý. Tất-cả những đạo-giáo Đông Tây tự-lai đều dạy chúng-sinh như thế. Trong mỗi một xã-hội có tổ-chức, sức-mạnh cũng đều do ở tinh-thần mà có. Không có tinh-thần hay tinh-thần bạc-nhược, thì thể-chất tự-nhiên phải kém sút. Tinh-thần điều-động mọi việc và chỉ-huy tất-cả. Tinh-thần phát-minh ra khoa-học và khoa-học với những phát-minh càng ngày càng mới mẻ có thể hoặc phụng-sự hoặc làm điêu-đứng nhân-loại.
Đứng về phương-diện cá-nhân của từng cá-nhân một, tinh-thần mẫn-khiết càng làm tỏ-rạng phẩm-vị của kẻ làm người. Đứng về phương-diện xã-hội trên địa-hạt quốc-gia, tinh-thần có cứng-rắn thể-chất mới được cường-tráng, mực sống mới được lên cao, và quốc-gia mới được hùng-mạnh. Tinh-thần mạnh tức là quốc-gia mạnh.
Dù theo một chủ-nghĩa này hay một chủ-nghĩa khác, dù là tư-bản hay cộng-sản, tinh-thần cũng vẫn là cái bộ máy duy-nhất chỉ-huy và sai-khiến mọi sự trong mực sống hằng ngày của con người. Phái duy-tâm khép chặt tinh-thần với đạo-lý. Phái duy-vật bài-xích đạo-lý nhưng mỗi lần cần được những kết-quả do tinh-thần mà có cũng không ngần ngại mà cổ võ dân-gian bằng những danh-từ của phái duy-tâm. Những danh-từ "thiếu tinh-thần" hoặc "tinh-thần cao" chẳng hạn, không thấy có hàng rào riêng biệt. Thì ra trí óc loài người, nếu không tinh-khôn xảo-quyệt bằng nhau, thì ít nhất cũng đã gặp-gỡ nhau trong những trạng-thái biết triệt-để khuếch-trương thời-cuộc để sử-dụng hoặc phản-bội đúng phải lúc cùng một vật hoặc một việc gì. Người ta tìm-tòi học-hỏi, người ta sáng-tạo để mà khuếch-trương ; nhưng bao nhiêu khả-năng và sở-trường chỉ có thể đưa giá-trị lại cho thể-chất khi nào thể-chất biết đứng ra khuếch-trương để phụng-sự và bồi bổ cho tinh-thần. Căn-bản đạo-lý vì vậy thiết-yếu cho tinh-thần cũng là ở chỗ đó. Trong lịch-sử cách-mạng và tiến-hóa của loài người, bất-cứ một nước nào, một giai-cấp nào, hoặc một địa-hạt nào, cuộc cách-mạng chỉ có thể thành-công và đứng vững khi nào những người đứng ra chủ động hoặc tranh-đấu cho cuộc cách-mạng biết chú-trọng và săn-sóc đến tinh-thần.
Người dân Nhật-bổn nhờ thủy-thổ, nhờ vị-trí địa-dư thuận lợi, do đất nước của họ mà có nhiều đức-tính tự-nhiên đã giúp cho họ chiếm được một địa-vị tương-xứng ít ai sánh kịp. Ngoài ra người ta cũng thường bảo người dân Nhật mạnh là nhờ ở nguồn-gốc Phật-giáo từ đời thượng-cổ đã ăn sâu vào trí óc của họ, hoặc do ở sự hấp-thụ nền văn-minh cổ-truyền của đất nước Trung-hoa mà có.
Song những bậc thông-thái dày công nghiên-cứu về những vấn-đề chủng-tộc thì cho rằng lực-lượng hùng-tráng của quốc-dân Nhật chỉ do ở hai lý-do chính sau này mà thôi :
- Thứ nhất là tinh-thần ái-quốc ;
- Và thứ nhì là lòng yêu đất, nước, tự-nhiên của họ, cả hai đều rất tự-nhiên và rất mãnh-liệt trong con người của họ.
Căn-bản đạo-lý chỉ là một nguyên-nhân thứ ba để làm cho hai lý-do nói trên càng thêm vững-chắc mà thôi.
Tinh-thần ái-quốc của người Nhật-bổn dựa theo cái thuyết : quân, sư, phụ của hầu hết những người Á-đông ; lấy vua làm trọng. Vua tức là quốc-gia ; vua tức là xứ-sở. Tôn-kính vua, phụng-sự quyền-hành của nhà vua tức là ái-quốc vậy. Nhận định như thế, khách ngoài cuộc có thể nghĩ rằng lòng yêu nước của người dân Nhật mù quáng. Song cả mấy nghìn năm lịch-sử của nước Nhật lưu lại có bao giờ thấy có ai khép tội một cách quá đáng một hành-động nào của một ông vua nào trong quá-khứ. Một ông vua Nhật-bổn có thể nói quả là một ông vua kiểu-mẫu đáng để cho quốc-dân sùng-bái. Lúc bước lên ngai vàng, nhà vua đã xứng đáng đảm-nhận lấy cái sứ-mạng cao-cả của một bậc vĩ-nhân sống chỉ biết vì dân và chết cũng vì dân. Không giống như nhiều ông vua khác ở nhiều quốc-gia quân-chủ khác, vua có nghĩa là bê-tha, vua có nghĩa là bù-nhìn, dâm-dục, đục-khoét công-quỹ của quốc-gia để cho quốc-dân phải lầm-than khốn-khổ ; vua Nhật-bổn từ ngày mới lập-quốc đến nay đã đem lại cho giống-nòi chỉ một ý-nghĩa vô cùng tốt-đẹp : Vua tức là lá cờ chung, vua tức là sức mạnh, vua tức là sự đoàn-kết ; vua tức là danh-dự của chủng-tộc và hạnh-phúc của quốc-dân.
Quốc-dân Nhật-bổn dù ở một thế-hệ nào hoặc một giai-cấp xã-hội nào nếu đã đặt để tất cả thể-thống giang-sơn vào trong tay của một bậc minh-quân thì thế-gian tất-nhiên cũng không thấy có gì phải lấy làm lạ. Do một sự giáo-dục gia-đình vô-cùng mực-thước tạo-lập thành một đấng làm vua cao cả, những thế-hệ hiền-vương nối tiếp nhau đã gây được trong những gia-đình Nhật một tình thương chân-thành, để tình thương chân-thành này trong khuôn-khổ từng gia-đình một truyền-thống lại cho nhau, bên phía vua cũng như bên phía quốc-dân, thành một di-sản tinh-thần bất-diệt cho đến ngày nay.
Lý do thứ nhì là lòng yêu đất, nước tự nhiên của họ. Vua Nhật-bổn như đã nói ở trên phần nhiều toàn là những người đức-tính hơn người. Trong nhiều giờ phút đen tối của lịch-sử, chỉ một hành-động, chỉ một tiếng nói của nhà vua cũng đã đủ để gây mực thăng-bằng và đưa nguồn hy-vọng lại cho quốc-gia. Để rồi do một lòng sùng-mộ vô-biên, người xưa đã đặt để lại biết bao nhiêu câu chuyện thần thoại ; ví vua như một vị khâm-sai của Thượng-đế lãnh sứ-mạng của Trời Đất xuống thế-gian trị-vì nơi đất nước của người dân Nhật ; làm cho những kẻ hậu sinh hân hoan ca tụng quê cha đất tổ là một nơi thánh-địa không thể không yêu không quý được Để rồi trong những buổi bình-minh tươi sáng hoặc giữa lúc chiều tà nắng vàng rực-rỡ, người dân Nhật thấm-nhuần đạo-lý, tinh-thần khoan-khoái và tâm-trí thảnh-thơi, trầm-ngâm và nghĩ-ngợi, luôn luôn đứng trước một phong cảnh núi non hùng-vĩ ; giang-sơn mấy vạn đảo xanh giữa chỉ một màu xanh biếc của trùng-dương, dưới chân là gò đá gồ-ghề, sóng vỗ vào bờ và giòng nước từ xa-vơi đưa lại ; cảnh vật thần-tiên và đẹp-đẽ không bao giờ thay đổi, mà tứ-thời nghìn hoa vẫn chen nhau đua nở ; càng làm cho người dân trong xứ càng thêm quả-quyết đất nước chính là nơi huyền-bí của một hạng người siêu-cao do một vị anh-quân Thiên-Tử lãnh-đạo. Họ lấy đó làm hãnh-diện nên từ thế-hệ này qua thế-hệ khác, họ luôn luôn gìn-giữ để cho được xứng đáng với cái nguồn-gốc thần-thoại nói trên. Quan-niệm thần-thánh nhân đó được in sâu vào �! �ầu óc của người dân Nhật, đến đổi đụng một cái là thần, đụng một cái là thánh. Thần-đạo (神道 ) lần hồi được trau-giồi bởi những thành-kiến như thế hồi bấy giờ đã trở-thành một tôn-giáo gần như là một tôn-giáo chính-thức do quốc-gia và chính-phủ chủ-trì.
Cập đến lúc xuyên qua sự đụng-chạm với hai quốc-gia láng-giềng Trung-hoa và Cao-ly, đạo Phật từ Ấn-độ Nhập-cảng vào có nhiều quan-điểm siêu-việt rất ăn nhịp với tâm-hồn của người dân Nhật nên cũng đã được thâu-nạp một cách rất dễ-dàng. Nhưng đạo Phật hoàn-toàn Phật-giáo (佛教 ) của lúc khởi-thủy không được phổ-cập hoàn-toàn. Dung-hòa với thuyết Thần-đạo, đạo Phật lại thấy khai-sinh thêm một giáo-thuyết mới khác nữa : Thuyết "niệm Trời-Đất Vạn-Vật" (禅 ) để rồi đến lúc thời-kỳ thế-lực những bậc thượng-tướng thịnh-hành ở Nhật quốc lại còn phát-sinh thêm một chủ-thuyết thứ tư mới mẻ khác gọi là thuyết vũ-sĩ hay là võ-sĩ-đạo. (武士道 )
Thần-đạo, đạo Phật, đạo niệm Trời-Đất vạn-Vật, và võ-sĩ-đạo ; thảy thảy đều được tôn-sùng một cách thiết-tha, và thảy thảy đã cùng nhau đem phần tinh-túy ra un-đúc và uốn-nắn thành một tinh-thần Nhật-bổn ngày nay. Một cuộc hợp-thuyết may-mắn như thế rất khó mà có thể tìm ở một nơi khác được. Người Nhật-bổn sống mạnh-mẽ trong tinh-thần đoàn-thể, trọng-nghĩa, hợp-quần và rất ít phân chia. Họ rất chú-trọng đến nền-tảng xã hội, thường hay vì xã-hội mà quên mình và vì nghĩa hợp-quần mà chối-từ những quyền-lợi cá-nhân mà họ cho là kém phần thanh-cao nếu những quyền-lợi này được đặt để lên trên những quyền-lợi của quốc-gia.
Từ cổ chí kim người Nhật-bổn luôn-luôn tỏ ra là một dân-tộc đặc-biệt. Từ cách ăn lối ở cho đến những cử-chỉ hằng ngày, trong con người của họ có nhiều mối tương-phản tượng-trưng một sức mạnh mãnh-liệt, một nền học-vấn thấu-đáo nhưng rất tự-nhiên, và một công-trình giáo-dục hoàn-toàn và thật rất tỉ-mỉ. Họ nhẹ-nhàng, nhỏ-thó nhưng không phải là nhu-nhược. Trong cái mềm-mại yểu-điệu của họ chúng ta thấy có ăn sâu vào một tính-khí hiên-ngang của con người hùng-dũng nhưng rất có giáo-dục. Họ cứng-rắn thành cường-bạo đến nỗi nhiều lần làm cho chúng ta phải khó chịu
Đời sống của họ đơn-sơ giản-dị nhưng họ cũng rất ưa thích lòe-loẹt phù-phiếm. Trong mọi tầng lớp nhân-dân, trong mọi giai cấp xã-hội, tất-cả tâm-tính và phẩm-cách của con người Nhật-bổn sàng-sàng đều giống nhau, không có sự chênh-lệch quá đáng mà cũng không có chỗ ủy-mị đáng chê.
Đứng về phương-diện quốc-gia, người dân Nhật thuộc về giòng-giống da vàng. Tuy hấp-thụ nền văn-minh của Trung-quốc nhưng thật ra tinh-thần không một mảy-may giống người Trung-quốc. Khoa-học chủng-tộc nghiệm rằng lúc mới khởi-thủy lập-quốc, người dân Nhật do từ hai xứ Mông-cổ và Mã-lai đi-cư đến. Bẩm khí giang-hồ mạo-hiểm, thích chinh-chiến, biết chịu cực và vô cùng nhẫn-nại. Đương sơ tâm-tình trái ngược nhau, nhưng với thời-gian qua, chung sống với nhau, những cái trái ngược dung-hòa với nhau kết thành một đặc tính riêng biệt mà người đời gọi là cá tính quốc-gia. Suốt mấy nghìn năm lịch-sử, tuy gần-gũi nhưng không bao giờ bị người Trung-hoa đồng-hóa. Lúc triều-đình Nhật-quốc mở cửa đón chào ánh sáng văn-minh của những quốc-gia Tây-phương, người Nhật lại cứ vẫn giữ được cái cá-tính Nhật-bổn : Học hỏi, biến-chế, kiến-tạo rất mau mà không bao giờ để cho tinh-thần phải bị lung lạc. Một đặc-điểm đáng khen trong người dân Nhật là không bao giờ họ bắt chước một cách mù-quáng.
Bao nhiêu những sản-phẩm tinh-thần và vật-chất của họ đều là sự kết-tinh của một nền học-thuật được trau-giồi và rất lý-luận, rất ăn nhịp với trào-lưu tiến-hóa của xã-hội mà cũng rất thích-hợp với những hoàn-cảnh sinh-sống của nhân-dân ở trong nước. Đứng về phương-diện khoa-học, họ lọc-lựa kỹ-càng và rất thấu-đáo ; đem cái hay của mình sẵn có cộng với cái hay của người để tạo thành một cái hay mới khác, không giống một cái hay nào đã qua mà cũng không bao giờ giống một cái hay gì khác sắp đến. Người Nhật-bổn không ích-kỷ và sống cho đoàn-thể ; cho nên dù ở trong những trường-hợp rủi may đến thế nào đi nữa cũng không bao giờ thấy họ đặt lợi-quyền cá-nhân lên trên quyền-lợi của đoàn-thể để làm những việc có thể tổn-thương đến tiền-đồ của tổ-quốc hoặc thể-thống của giang-sơn. Do đó mỗi một hành-động, mỗi một cử-chỉ hàng ngày của họ đều tự-nhiên được họ kiểm-điểm một cách chặt-chẽ. Lòng yêu tổ-quốc của họ vì thế đã hóa ra rất mãnh-liệt không khác gì lòng nhiệt-thành của một tín-đồ đối với một tôn-giáo ; đến nỗi vào khoảng những năm đầu thế-kỷ thứ tư sau Thiên-Chúa giáng-sinh, một đại thi-hào trong nước đã so sánh như sau : "Ở Nhật-quốc người lương-dân không cần phải đến chùa đình mới cầu nguyện vì khắp trong nước đâu đâu cũng là thánh-địa cả ; và cái tòa-thánh tối-cao chính là nơi thiên-đình của đức Thiên-tử !". Sức mạnh sau này của toàn-thể quốc-dân Nhật-bổn có lẽ là do ở cái ý-chí son-sắt của toàn dân biết hướng tất cả những hành-đ�! �ng của mình vào một mục-đích duy-nhất là tô điểm sơn-hà và giúp ích cho đất nước.
Cảnh vật bao-la, núi non hùng-vĩ, từ bắc chí nam, từ đông chí tây, cũng là một trong những lý do chính để bồi bổ cho tinh-thần của người dân Nhật. Đứng trước một cảnh trời êm đẹp, lòng người thường hay dịu lại, tâm-hồn khoan-khoái và tinh-thần thảnh-thơi. Do đó bao nhiêu những cái khác đều là phụ thuộc. Bởi vậy cho nên hơn ai hết, người Nhật rất có thể lăn mình trong đau khổ. Giữa những lúc giông-tố của cõi lòng họ thường hay tụng-niệm Trời-Đất, nghiến răng nhắm mắt mà chịu đựng, để âm-thầm với lộc trời hy-vọng một ngày mai tươi sáng hơn ; chớ không bao giờ thấy khóc than hoặc rên-rỉ là những cử-chỉ yếu-hèn mà họ cho là trái với cái thể-chất thiêng-liêng của nguồn-gốc thần-thoại mà họ đã gán cho quốc-gia của họ. Luân-thường đạo-lý trong khuôn-khổ giáo-huấn của những thế-hệ Nhật-bổn từ ngàn năm lưu lại có lẽ cũng chỉ có một điểm đó là đặc sắc hơn hết. Lịch-sử Nhật-quốc đã chứng-minh biết bao nhiêu câu chuyện cao-cả đẹp-đẻ mà nguồn-gốc là một tinh-thần mẫn-khiết do vạn-vật và giang-sơn chỉ-huy và điều-động. Tinh-thần là trọng, thể-chất là phụ-thuộc và phải do tinh-thần chi phối. Đấy là phương-châm và lẽ sống của người dân Nhật trải qua các thời-đại.
Lúc mới lập-quốc, như đã nói ở trên, tình thương đất nước tự nhiên đã khai sinh ra thuyết thần-đạo. Theo quốc-gia bảo-tàng-viện lưu lại nhiều vết tích, và nhiều tài-liệu sưu-tầm được trong quốc-gia đại thư-viện ở Đông-kinh thì thuyết thần-đạo không phải là tự-nhiên nhất đán mà có. Nguồn-gốc thuyết này mông-lung khó tả. Người ta thấy có đủ cả các hạng tập-tục dị-đoan của lúc khởi-thủy. Dân trong nước sùng-bái muôn loài vạn-vật. Họ thờ-phụng mặt trời là gốc-tích của mọi ánh-sáng trong vũ-trụ ; họ tôn-trọng những ngọn núi thần, những ngọn gió thần, những hỏa-diệm-sơn, những gò đá, thác nước, những cây cổ-thụ, những cảnh-vật hùng-vĩ v.v là những nơi mà họ cho là xứng-đáng để cho thánh-thần ngự xuống. Rồi tùy theo tập-quán của từng địa-phương một, họ đặt ra những lệ-luật dị-đoan nhưng rất thành-tâm để kỷ-niệm nguồn-gốc của những lệ-luật ấy. Cho đến đầu thề-kỷ thứ sáu sau Thiên-Chúa giáng-sinh, Thần-đạo vẫn còn là một tôn-giáo độc nhất trong quốc-gia được chính-phủ nhìn nhận, và nhà vua được xem như là một vị thánh-thần ngang hàng với những vị thánh-thần đã được quốc-dân sùng-bái.
Không giống như Phật-giáo, Thần-đạo không thấy có đặt ra lệ-luật hoặc hệ-thống tổ-chức tôn-giáo có qui củ. Tất cả giáo-lý của đạo chỉ nằm gỏn gọn trong một chữ độc nhất là "đức vâng lời". Người dưới vâng lời người trên, dân tuân-lệnh của nhà vua, và nhà vua lãnh mạng-lệnh của Trời-Đất. Khi khôn lớn, ngoài đức vâng lời, người Nhật-bổn còn chú trọng đến đức biết ơn. Con biết ơn cha mẹ tổ-tiên tức là đức hiếu-thảo ; người dân biết ơn xã-hội tức là lý-tưởng của đạo làm người ; quốc-dân biết ơn Thiên-triều Đại-vương tức là lòng yêu nước thiết-tha của người lương-dân Nhật ; vẫn còn truyền-thống rất mãnh-liệt cho đến ngày nay.
Lúc đạo Phật được công-khai nhập-tịch vào trong nước, Thần-đạo và đạo Phật dung-hòa với nhau một cách rất dễ-dàng và không bao giờ thấy xung-đột lẫn nhau. Nhưng vì tâm-khảm của người dân Nhật hay hướng về Trời-Đất nhiều hơn những phiền-phức của lễ-giáo hoàn-toàn lễ-giáo, cho nên Phật, Thần đều được công-nhiên tôn-phụng một cách đầy-đủ, không phân-biệt phương-pháp mà cũng không phân-biệt nguồn-gốc. Trong buổi giao-thời, đức-tin về tôn-giáo của người Nhật chịu ảnh-hưởng của cá-tính do những thế-hệ di-truyền lại nhiều hơn là thấu-hiểu để đi đến chỗ phải hy-sinh đối với những phép mầu-nhiệm của giáo-đạo. Lúc nào hoàn-cảnh thuận-tiện, đưa đến cơ-hội rõ-rệt để lòng "đạo" trong con người có đạo bị trực-tiếp thử-thách, thì người đóng vai thụ-động trong sự thử-thách này lại càng thụ-động thêm nữa để cung-kính cúi đầu lướt mình qua trước cổng thềm của đạo-lý mà không tìm mà hiểu để phải biết nhiều hơn nữa. Đạo đối với họ cũng còn có nghĩa là mầu-nhiệm, huyền-bí ; người đời không sao có thể thấu rõ được. Nếu có một vài chi tiết có thể thấu rõ thì chẳng qua cũng chỉ là ở trong ý-tưởng, chứ không sao có thể phát hiện ra bằng lời nói một cách cho thật đầy đủ. Đạo vì lẽ rất quá thanh-cao và thâm-thúy cho nên họ cũng chỉ muốn hiểu như thế và chỉ như thế mà thôi.
Năm 1919, trong một bài diễn-văn đọc tại Đại-học-Đường Pháp-quốc ở Ba-Lê, giáo-sư Masaharu Anezaki chuyên dạy khoa triết-lý tại Hoàng-gia Đại-học-Đường Đông-kinh, luận về thuyết của Phật-giáo có đoạn đã thuật lại rằng : "Xưa kia, theo một truyện cổ-tích truyền lại, Đức Phật-Thích-Ca có dạo đương lúc đàm-luận với các môn-đệ chỉ đưa tay ra ngắt một cành hoa mới nở, rồi mỉm cười mà không nói gì hơn nữa. Không có ai hiểu rõ ý-nghĩa của Đức Phật ra sao. Chỉ có Maha-Kacyapa học đạo uyên-thâm hiểu được ý Ngài, liền mỉm cười trả lời lại để chứng tỏ rằng lẽ đạo trong phạm-vi huyền-bí của vạn-vật và vũ-trụ chỉ có thể thông-cảm chớ không bao giờ giải-thích bằng lời nói được "
Một quan-niệm đạo-giáo như thế có quá đáng hay không ? Nhà đại văn-hào Paul Claudel của Pháp có lầm-lẫn chăng khi cao-hứng ông ta không ngâm thơ mà đã viết ra một câu văn tuyệt-tác như thế này : "Chân-lý chỉ có thể có một giá-trị tuyệt-đối trong những trường-hợp nó được thông-đạt đến những kẻ khác bằng sự im-lặng và giữa sự im-lặng ". Nhưng Phật-giáo theo quan-niệm trình-bày của giáo-sư Anezaki là đã đến lúc biến-thể thành đạo "niệm Trời Đất" rồi ; có thể gọi là đạo Phật-niệm chứ không còn hoàn-toàn là Phật-giáo của lúc khởi-thủy nữa. Đấy là trạng-thái tinh-thần chung cho tất-cả những người dân Nhật hồi bấy giờ. Nhận thấy một điều hay, họ còn muốn được hay hơn nữa. Sẵn theo thuyết Thần-đạo, lúc được tiếp xúc với Phật-giáo và thấy những cái hay ở trong Phật-giáo, nhưng cũng vẫn muốn giữ kỹ những cái gì không dỡ mà họ đã ấp yêu trìu mến trong lòng từ lúc nhỏ. Khả-năng tiến-thủ này giải-thích rành-mạch vì sao người dân Nhật là một dân-tộc tự-tin, tự-phụ, tự-kiêu, tự-đại, rất tân-tiến nhưng cũng rất bảo-thủ ; rất hăng-hái nhưng cũng rất trung-thành và vô-cùng thủy-chung ; và vì sao trong những năm giữa buổi giao-thời của hai đạo, số người Nhật hoàn-toàn Phật hoặc hoàn-toàn Thần thấy rất ít. Để diễn-tả lại tính-chất đạo-lý của quốc-dân Nhật lúc đó, giáo-sư Umachi Otabé chuyên dạy khoa sử-ký cũng ở Đại-học-Đường Hoàng-gia Đông-kinh có lần đã thành-thật nhìn nhận như thế này : "Vì là người dân Nhật, tôi không thể không hay biết đến ngu�! ��n-gốc của Thần-thuyết trong những buổi lễ long-trọng của đời tôi. Nhưng nếu chết đi thì tôi rất hy-vọng được chôn cất theo lễ-nghi của Phật-giáo. Đương còn sống, tôi luôn luôn khép chặt đời tôi vào lễ-giáo của Khổng-Tử và luật làm người của Đức-Chúa Giê-su " Xem như thế đủ rõ Thần-thuyết trong trường-hợp nào cũng vẫn thấy còn (dù muốn dù không, hữu ý hoặc vô-thức) và sẽ còn mãi mãi ; đứng đầu trong tất-cả những tính-chất căn-bản của con người Nhật-bổn. Tính-chất đằm-thắm ấy làm cho họ trở thành những người sâu-sắc, thanh-lịch, tỉnh-táo và rất đáng mến. Chủ-nghĩa xã-hội tự-nhiên trong con người của họ, tình thương đất nước mặn-nồng, tình yêu quê-hương xứ-sở với một đức-tin thần-thoại vô-cùng huyền-bí đã giúp cho người dân Nhật có một sức-mạnh phi-thường có thể hoàn-thành mỹ-mãn được bất-cứ một việc gì trên sức của những người không được may mắn luyện-tập và uốn-nắn như họ.
Năm 1902 trong thời-kỳ Nga Nhật chiến-tranh, con trai của một viên đại-tướng Nhật vừa mới cưới vợ xong, liền được lệnh gọi nhập-ngũ đóng vai Trung-úy để được gọi qua mặt-trận Trân-Châu-Cảng. Trong nước lòng dân nô nức. Lần đầu tiên trong lịch-sử, số-phận của nước Nhật bị thử-thách một cách vô cùng chật-vật. Người trai trẻ chưa ra đi lòng bịn-rịn và vô-cùng đau-đớn trước phút chia-ly. Đêm hôm ấy cũng là tối tân-hôn, nàng
Em ước mong vì em anh sẽ giữ xứng-đáng với thân-phụ em và không bao giờ cầm đến thanh bảo-kiếm mà không nghĩ rằng em là vị hôn-thê chung-thủy nghìn năm chỉ tưởng nhớ đến anh"
Trung-úy Kokugan rất cảm-động trước lời nói thiết-tha của vợ. Nhìn lại thanh bảo-kiếm thấy trong bảo-kiếm có một cái gì chứa đầy uy-danh của nhạc-phụ. Sung-sướng và cảm-động suốt đêm chàng không sao ngủ được. Tảng sáng mặt trời vừa hé mọc, bước qua buồng vợ để đáp lễ vợ, thì than ôi, vị hôn-thê mỹ-miều chiều hôm trước nay đã thành người thiên-cổ. Giữa bàn chỉ có một cái thư để lại :
Thưa Anh
Em được hân-hạnh anh thương đến thật là một cái vinh-dự trong đời em. Xuất giá tùng phu, nhập gia tùy tục, em chưa được hầu-hạ song-thân và anh ; nợ ấy thật không bao giờ em trả nỗi mà em đã vội lìa trần. Song chúng ta không may trùng-phùng gặp-gỡ trong một thế-hệ đau-thương và quốc-gia lâm-biến. Nếu em còn sống thì lòng anh bịn-rịn ra đi làm sao cho dứt được chữ tình, cho nên em tạm mượn cái dây áo là áo của anh tặng cho em, trộm phép kết-liễu đời em để anh được rảnh tay vẫy-vùng cho xứ-sở. Quý anh em hy-vọng ngày mai đây anh sẽ lập được nghiệp lớn cho giang-sơn.
Thương em anh nhớ lấy lời em và không bao giờ để cho thanh bảo-kiếm của thân phụ em phải tủi-nhục mỗi khi đang còn thuộc quyền sở-hữu của anh.
Bao nhiêu tình thương-mến em xin thành-kính cùng anh hẹn đến kiếp sau.
Em của anh
Ba năm sau trên lưng đồi núi Urakami mồ của
Gương nghĩa-hiệp, chí hy-sinh, người Nhật-bổn luôn luôn sẵn-sàng phô-diễn để cho thế-giới phải để tâm suy-niệm đến gốc-tích thần-thoại huyền-dịu của dân-tộc Phù-tang. Mỗi một lần làm một việc phi-thường, họ thấy trong lòng êm-dịu. Phải chăng đấy là sự thỏa-mãn của một tâm-hồn cao-quý đã nhận thấy được rằng mình đã làm tròn nghĩa-vụ ? Hay là tính-chất thiêng-liêng của một con người sống rất gần thần-thánh đương lưu-lạc mung-lung giữa hai khối âm dương không hiểu thế là đã đạt đến mực tột-cùng của phép huyền-bí hay chưa ?
Ngoài đức-tin về tôn-giáo mà họ cho là trên sức của loài người và loài người không có quyền tìm để mà thấu-hiểu những việc thâm-siêu cao-cả của đạo-giáo, người Nhật-bổn lại còn luôn-luôn tỏ ra là nông-nổi và rất cực-đoan. Cái gì trong con người của họ cũng có thể thái-quá ; một cái thái-quá có thể biến thành khốc-hại và đưa người khác đi đến chỗ hiểu lầm.
Cũng năm 1902 trong trận Nga-Nhật chiến-tranh nói trên, đội thủy-quân Nhật mới ra đời hùng-mạnh. Tinh-thần ái-quốc bồng-bột chớm nở khắp nơi.
Lệnh triều-đình đưa ra chiêu-mộ thêm nhiều thủy-thủ và lục-quân. Tàu nhổ neo. Muôn vạn người không may không được dịp cùng ra đi bèn nhảy xuống bể để quyết bơi theo cho kịp với con thuyền đương rời bến. Nhà cầm-quyền thấy vậy tưởng dân tình phẫn-nộ biểu-tình chống lại chính-sách chinh-chiến của chánh-phủ. Không ngờ khi hay được sự thật, đã hú-hồn cho nhân-tình với cảnh-vật. Trên 50 triệu quốc-dân nhiệt-thành và hăng-hái rồi đây sẽ còn đưa-đẩy giống-nòi đi đến chỗ cường-độ nào hơn nữa ?
Mấy chiến-thuyền này ra đi mang theo bên mình bốn câu "thất-sanh" (1) của xứ-sở, lúc chiến-thắng đi về không chỉ đem về có mấy nụ cười, mà còn ca hát vang-lừng uy-danh của quân Nhật trong khắp năm châu.
"Thất-sanh báo quốc | Sanh ra 7 thước ngang tàng |
" Nhất tử tâm kiên | Liều thân báo nước tỏ gan anh-hùng |
" Tái kỳ thành hiệu | Ra đi quyết chí thành-công |
"Hàm tiếu thượng thuyền | Dẫu mà có thác cũng vui tấm lòng |
Bốn câu thơ này người đi tiễn chân đã viết lên mạn tàu trước giờ tàu nhổ neo.
Người Nhật-bổn yêu quê-hương xứ-sở đến cực-điểm. Tình-thương này phát-sinh thêm một đức-tính mới khác tức là tấm lòng tự-tin tự-trọng của họ. Họ không chịu nhận họ phải thua kém một ai. Nếu thua kém thì họ cố tìm-tòi, học-hỏi, tập-luyện để cho được hơn kẻ khác. Gặp những trường hợp lỗi-lầm, họ tự-sát còn hơn là để cho người khác đụng chạm đến tấm lòng tự-ái của họ. Nếu chỉ cần phô-trương để được hơn người mà thôi thì họ cũng sẵn-sàng hy-sinh cả tính mạng để cho một lần sử-xanh ghi nhớ tình-thương nước mặn-nồng của họ.
Trái với đạo Phật ở chỗ mục-đích của đạo Phật là cố rèn luyện tu-thân tập tánh để một ngày kia khi hồn lìa khỏi xác sẽ được tiêu-diêu trên cõi Niết-bàn ; đạo Niệm Trời Đất hay nói cho đúng hơn là đạo Phật-niệm của người Nhật còn thanh-cao hơn nữa, là người theo đạo mỗi lần niệm, suốt đời niệm, cốt để cho linh-hồn luôn-luôn mẫn-khiết để un-đúc tính-tình cho được khoáng-đạt ; lúc sống ở thế-gian không cách xa thiên-tính của Trời-Đất đã đặt để trong người mình ; mà lúc chết rồi, cực-lạc trong cõi hư không, sẽ có đủ đức từ-bi bác-ái để gần-gụi mà phù-hộ cho những người có đức-tin ở trần-thế. Tôn-chỉ của đạo là đức thương người. Đạo-Niệm, nói cho đúng hơn, có thể xem như là một sự kết-hợp tự-nhiên giữa hai đạo Thần và Phật ; nhưng còn may-mắn hơn cả hai đạo nói trên là đã bảo-thủ được cái cá-tính của người Nhật-bổn lúc khởi-thủy, và theo kịp cả trào lưu tiến-hóa của những cái hay do những mầm-móng tốt ở ngoại-bang đưa lại. Tâm-trạng tôn-giáo tự-nhiên và dễ-dãi như thế kết-quả đã làm nảy-nở ra trong người Nhật-bổn một đặc-tính mà người ta thường gọi là rất bảo-thủ nhưng cũng rất tân-tiến. Trong đạo Niệm, giá-trị là ở chỗ người theo đạo phải cố gắng rất nhiều. Hy-sinh và chịu cực-khổ là hai đức-tính đã tạo-luyện ra cái tính-chất khác người của họ. Ý-chí của đạo là phải luôn-luôn hoạt-động, luôn-luôn tranh-đấu không ngừng, mà mỗi lần tranh-đấu là mỗi lần phải thắng-lợi. Ý-chí ấy lại tạo-dựng họ thành ra ! một hạng người đặc-sắc khác nữa : hạng người có tinh-thần thượng-võ ; biết tôn-trọng danh-dự của phái quân-nhân và gìn-giữ thể-thống của người chiến-sĩ trong những lúc quốc-gia lâm-biến. Lý-tưởng cao-siêu của họ do đó không còn là nơi thiên-đường cực-lạc của thánh Amida (1) nữa, mà chính là nơi mà những ai trọng danh-dự và oai-hùng của những thanh bảo-kiếm đã biết thoát-thân một cách khác thường hơn kẻ khác. Thời-kỳ những võ-sĩ và nghĩa-tử kiếm-hiệp bắt đầu thịnh-hành từ đấy.
Trong giai-đoạn này, tinh-thần của con người Nhật-bổn cũng thấy thấm-nhuần những tính-chất căn-bản của ba đạo Niệm, Thần và Phật-giáo ; lẫn-lộn dung-hòa với nhau, và mãnh-liệt tồn-tại với nhau như không hề có một sự gì biến-cách xảy đến. Tính-chất Niệm ăn sâu vào tâm-khảm của người dân Nhật và cùng với hai đạo Thần và Phật uốn-nắn tinh-thần của người Nhật thành một hạng người có nghĩa khí thanh-cao, có cốt-cách thanh-lịch, hòa-nhã nhưng rất có khí-phách. Họ trọng phận-sự, trọng danh-dự làm người và rất khinh-thường cái chết. Họ chịu kham-khổ một cách rất dễ-dàng và không bao giờ thấy hèn-nhát.
Được luyện-tập từ thuở bé đến lớn như thế, họ hiên-ngang trở thành cường-bạo. Trong cái tinh-túy nhiệm-mầu của Thần-đạo, người ta nhận thấy có cả cái từ-bi bác-ái của đạo Phật. Trong cái khuôn-khổ phối-hợp của cả Phật lẫn Thần, xuyên qua cái siêu đẳng tự-nhiên của con người sống hay niệm Trời-Đất và rất gần vũ-trụ, người ta lại đọc được cả cái thiên-tính hồn-nhiên và rất thực-tế của con người Nhật-bổn. Huấn-luyện để được một đặc-tính như thế người dân Nhật sống rất đơn-sơ giản-dị và không bao giờ chịu để cho những cái gì gọi là phù-hoa của nhục-dục ràng-buộc một cách quá đáng. Trạng-thái tinh-thần này rất thích-hợp với phái quân-nhân rất hiếu-kỳ ở trong nước, cho nên từ đó trở đi, từ thành-thị cho đến thôn-quê, đâu-đâu cũng nghe rang-rãng chỉ một phong-trào duy-nhất là toàn-dân phải biết tu-thân luyện-tính dưới sự lãnh-đạo khí-phách của những hạng người nghĩa-hiệp cứu-quốc, để cho quốc-gia ngày càng tiến tới. Thời-kỳ võ-sĩ-đạo thịnh-hành từ đấy mãi cho đến trên 300 năm về sau
Người ngoại-quốc rất phân-vân lúc thấy phong-trào đại Nhật-quốc trổi lên rất mãnh-liệt ; nhất là lúc đó chưa có một quốc-gia nào ở Âu-Mỹ có đủ thế-lực để kềm-chế sự phát-hóa của dân-tộc Phù-Tang. Trong một quyển sách luận về thuyết Võ-sĩ (2) dưới đầu đề "Võ-sĩ-đạo" giáo-sư Nitobé người Nhật đã giải-thích đạo Võ-sĩ như sau : "Đạo võ-sĩ là một bộ luật có ghi chép rõ ràng những phương-châm sinh-tồn và phát-hóa của những hạng người cao-quý có tinh-thần thượng-võ ở đất nước Phù-tang. Là tín-đồ của đạo, người theo đạo không thể không thực-hành đúng những phương-châm căn-bản do đạo dạy. Song bộ-luật của đạo không có một hình-thức nhứt-định. Phương-châm của đạo là những câu cách-ngôn thông-thường thường hay được truyền-tụng từ một thế-hệ này qua một thế-hệ khác, hoặc do sách vở của những nhà thông-thái và kiếm-hiệp có tên tuổi ở trong nước lưu lại Tên chính của đạo là do chữ "Buke" hay là "Bushi" tức là nghĩa-hiệp mà ra. Năm đức-tính chính của đạo là : sự ngay-thẳng tức là đức công-bình, tính can-đảm, đức nhân-từ, đức lễ-phép và đức biết-cách biết tự kiểm-soát lấy mình. Và giáo-sư Nitobé lại còn giải-định khúc-chiết từng tính một như sau đây :
Sự ngay-thẳng tức là đức công-bình : Làm cho mọi người có thể quyết-định về một việc gì một cách mau-mắn và thẳng-thắn ; hợp với lẽ phải và không trái với lương-tâm. Nếu cần phải chết để bảo-toàn thanh danh thì cũng sẵn-sàng và vui lòng mà chết. Lúc đứng trước một trường-hợp khó-khăn, phải biết lấy trí-khôn mà suy xét để đừng có trốn nhiệm-vụ của kẻ làm người.
Tính can-đảm : Con của người nghĩa-sĩ cần phải được tập-học cực-nhọc từ thuở bé, phải biết chịu lạnh, chịu đói, chịu khát, chịu cơ-hàn cực-khổ đủ mọi điều để lúc khôn lớn lúc xông-pha giữa cảnh đời cát bụi không còn phải bở-ngở như những người thiếu kinh-nghiệm. Một mình lúc thơ-ấu những trẻ thơ đã phải đảm-nhận nhiều sứ-mạng nặng-nề hoặc hoàn-thành nhiều cuộc hành-trình xa-ngái(?) ở những nơi xa-xăm núi non hẻo-lánh. Tập được tính can-đảm và đức bình-tỉnh để lúc gặp bước nguy-nan, trí-não vẫn sáng-suốt thì cuộc chiến-đấu mới có thể thắng-lợi về cả hai phương-diện tinh-thần và vật chất.
Đức nhân-từ : Một tín-đồ có tiếng tăm rất trung-thành của thuyết Võ-sĩ, ông Ogawa, có dạo đã viết ra một câu như thế này : "Khi người ta nói xấu mình hoặc vu-khống cho mình thì mình không nên kiếm cách mà trả thù người ấy. Đạo làm người khuyên ta nên suy-nghiệm kỹ-càng về sứ-mạng làm người của ta. Người ta nói xấu mình phải chăng là vì chúng ta đã không làm tròn nhiệm-vụ của ta ? Hãy kiềm-chế lấy mình để vứt-bỏ ra ngoài mình cái cá-tính muốn trả thù. Hạnh-phúc ở đời một phần lớn cũng là ở chỗ đã biết thoát-thân ra ngoài những lề-lối nhỏ hẹp và thiếu quân-tử của những hạng người thấp kém. Thương kính người khác cũng là một cách mình tự thương kính mình vậy.
Đức lễ-phép : Lâu nay người Nhật-bổn có tiếng là một dân-tộc rất lễ-phép. Nếu chỉ giữ-gìn cho lịch-sự để khỏi làm mất lòng một kẻ khác thì cái lịch-sự của mình cũng chưa có thể gọi là lễ-phép. Lễ-phép có nghĩa là cần phải làm cho người khác trở nên thật-tình hoan-hỉ trước những cử-chỉ lịch-sự của mình. Những cử-chỉ lịch-sự phải diễn-tả một cách ngay-ngắn đức từ-bi, và bác-ái cũng phải tự trong đáy lòng của mình mà ra. Bạn mình khóc thì mình không có thể vui cười. nếu như những người khác vui thì không có lý-do gì mà mình không vui theo Nói một cách tuyệt-đối đức lễ-phép tức là đức thương người vậy
Sự biết cách biết tự kiểm-soát lấy mình : Nếu đức lễ-phép có thể giúp cho mình tránh cho người khác những dịp không hay phải thấy cảnh mặt u sầu của mình, làm cho họ phải tạm mất hết tâm-tánh siêu-hoạt của những giờ phút mặc-niệm tự-nhiên, để cho xã-hội khỏi thiếu phần êm-đẹp, thì trái lại, tính biết tự kiểm-soát lấy mình càng làm cho mình có một tính-chất cường-tráng khác thường. Xã-hội đã vui-tươi mà đời sống càng thêm có ý-vị hơn nữa. Tính-tình này không mất vốn tốn tiền mà lại còn giúp cho mình có nhiều hào-hùng trong cuộc sống hiên-ngang và đầy nhiệt-độ của thời-đại. Những ai không tự-chủ được mình, để cho tư-trung dễ-dàng bộc-lộ ra nơi nét mặt thì không thể xem như là một hạng người kiệt-hiệt cường-tráng
Ở Nhật-bổn có nhiều viện tự-sát ( seppuku hay là kappuku hay là hara-kiri) là những nơi dành riêng cho những người có tội tự-sát tình để đền tội. Phép đền tội hara-kiri thông-thường là phải lấy dao tự mổ bụng mình trước mặt mọi người. Đền tội theo cách này thật là rùng-rợn, và lúc đển tội ắt phải có một sức can-đảm khác thường. Nhiều người ngoại-quốc rất lấy làm lạ vì sao người Nhật chọn bụng làm nơi hủy mình trong những lúc đền tội ; thì giáo-sư Nitobé không ngần-ngại mà trả lời lại rằng : vì chính bụng là nơi chồng-chất những điều hay việc dỡ trong mỗi một con người. Người Do-Thái, người La-Mã xưa kia cũng đều nhìn nhận sự-thật là như vậy. Dù là nhắm mắt tự-sát để hủy mình đi nữa, nếu không có những đức-tính vững-chắc của con người nghĩa-sĩ ở nước Nhật, thì cũng khó lòng mà có thể hoàn-thành được công-cuộc đền tội một cách cho thật xứng-đáng
Năm đức-tính nói trên cũng thuộc vào loại những đức-tính cụ-thể trong chương-trình luân-lý giáo-khoa của trẻ con Nhật-bổn hiện thời. Ngoài ra Võ-sĩ-đạo còn dạy môn-đệ chúng-sinh thêm những đức : vâng-lời, trung-tín và yêu chuộng công việc ăn làm của mình.
Do một sự phối-hợp vững-vàng và may-mắn của bốn đạo : Thần, Phật, Niệm và Võ-sĩ, tạo dựng họ có một cốt-cách riêng-biệt, người Nhật-bổn ngày nay rất lạc-quan trong các cuộc vật-lộn hằng ngày giữa xã-hội, rất tỉnh-táo trong những giờ phút ngửa-nghiêng ; và tứ-thời họ rất thảnh-thơi vui đùa với trăng gió nước non. Trong mỗi việc của họ làm, mỗi lời của họ nói ra, chúng ta thấy chứa-chan cả một tình thương nước thương nhà mặn-nồng và thấm-thía. Mùa xuân hoa anh-đào nở tươi sáng, họ vui đùa đưa nhau đi ngắm cành hoa tươi-đẹp giữa buổi sáng tinh-sương. Mùa hạ đến, họ lặng chờ người thiếu-nữ đi tỉa sen nơi hồ nước về. Mùa thu qua, họ thảnh-thơi vui sướng với cành hoa cúc nơi chậu sứ. Và lúc tiết đông sang lạnh-lẽo, ngoài trời mưa bụi gió bay, ngoài đường băng rơi giá phủ, người thiếu phụ lại cung-kính đứng đợi những con chim xạc-xài đập cánh bay về nơi tổ cũ và tự hỏi "xác trà này ta hãy vứt vào nơi nao ? Mưa tầm-tả và tuyết trắng phao vứt lên mặt tuyết sao nỡ cho đành ?"
Ấy vậy, trên lề-lối của đạo Phật, ba đạo : Niệm, Thần và Võ-sĩ gộp lại đã đưa đẩy tâm-hồn của người Nhật-bổn đi đến một nơi tinh-khiết cao-quý không có một dân-tộc nào sánh kịp.
Đấy cũng là một sức mạnh tiềm-tàng đã từng nung-nấu lòng của người Nhật trước ngày chiến-bại và hiện nay cũng đã giúp ích rất nhiều cho họ và chính-phủ của họ, trong sự chung-lưng đấu-cật để tái-tạo lại quê-hương xứ-sở.
………..
(1) Đức Phật Nhật-bổn.
(2) Ông Charles Jacop có dịch ra tiếng Pháp do nhà sách Payot ở Ba-Lê xuất-bản.
CHƯƠNG THỨ NHÌ
NỀN VĂN-HÓA Ở NHẬT-QUỐC TRẢI QUA CÁC THỜI-ĐẠI
Từ ngày tiếp-xúc với đạo Phật, người Nhật cũng bắt-đầu tiếp-xúc với nền văn-minh cổ-truyền của dân-tộc Trung-Hoa. Khi tiếng-tăm của hai vị Khổng-Mạnh lừng-lẫy khắp bốn phương, người Nhật lại còn siết chặt mối dây liên-lạc nhiều hơn nữa. Siết chặt dây liên-lạc không có nghĩa là đồng-hóa hay xích-hóa, nên với thời-gian qua, chỉ thấy người Nhật tiếp-xúc để mà học-hỏi và biến-chế, chứ không bao giờ thấy vụng-về và biếng-nhác để làm một người dân lệ-thuộc. Lúc dưới triều vua Minh-Trị Thiên -Hoàng (Mutsuhito) nước Nhật mở cửa để đón chào những mầm-mống tốt do những nước ở Tây-phương đưa lại, những khả-năng và sở-trường của người Nhật xuyên qua hai nền văn-minh Âu-Á đã phát-triển một cách vô-cùng mạnh-mẽ ; thế giới mới đặt-để rất nhiều hy-vọng vào tương-lai của đất nước Phù-tang ; nhưng những quốc-gia Âu-Mỹ lại ngấm-ngầm lo sợ
Trải qua bốn thời-kỳ trọng-đại cải-cách trong lịch-sử : Thời kỳ Nara (710-784), Héian, Kamakura, và Tokugawa, người Nhật đã biểu-dương một sức-mạnh tiềm-tàng mà khách bàng-quan dù có lạc-quan đến đâu cũng không sao tiên-đoán được cái giới-hạn của một sức phát-hóa không hề bị kiềm-chế. Trong mỗi một thời-đại, đắc-thể tinh-túy gõn-gọn chỉ nằm ở trong hai phạm-vi văn-hóa và mỹ-thuật. Mỹ-thuật là phần tiền-phong của văn-hóa nhưng trong nhiều trường-hợp, mỹ-thuật cũng là hậu-quả của văn-hóa. Mỹ-thuật và văn-hóa biểu-dương rành-mạch và một cách vô-cùng rõ-rệt tinh-thần của mỗi một người dân. Đến trong vấn-đề tôn-giáo, mỹ-thuật cũng đã in sâu dấu-vết của tinh-thần. Phật Amida của người Nhật chẳng hạn cũng đã thấy được uốn-nắn thành ra hai pho-tượng riêng-biệt mà hình-thức bề ngoài rất là trái-ngược nhau : Một pho xem vào người ta thông-cảm một đức từ-bi bác-ái, một tinh-thần thanh-khiết vô song ; một pho xem vào người ta thấy mặt mày rùng-rợn, khắc-khổ và vô-cùng cực-nhọc. Một bên chỉ dấu sự thanh-cao của vũ-trụ và gốc-tích thần-thoại của đất nước ; một bên chỉ dấu sự trần-ai khổ-hạnh của thế-gian, cố ý dạy loài người muốn sống cần phải tranh-đấu, cần phải chịu cực-nhọc. Phản-ảnh của mỹ-thuật xuyên qua hai pho tượng nói trên hiển-nhiên là hai tính-tình trái ngược và song song, song vẫn vô-cùng mãnh-liệt của con người Nhật-bổn và đất nước Nhật-bổn : Một nước Nhật, một con người Nhật, từ-bi bác-ái, mỹ-miều xinh-đẹp, dịu-dàng và đáng ! quý ; và một nước Nhật, một con người Nhật, chật-vật và hung-hăng, cực-khổ nhưng rất tự-tin, tự-kiêu và tự-đại, như đã nói ở chương thứ nhất.
Suốt bao thế-kỷ dài đăng-đẳng của quá-khứ, người Nhật chỉ biết có vợ có con, có giang-sơn tổ-quốc và những thuần-phong mỹ-tục của xứ-sở, chứ không bao giờ có ý muốn nhảy ra xông-pha ngoài kia biển cả để phải mang lấy cái hận không hay của những thời-kỳ chinh-chiến. Trong dĩ-vãng xa-xăm người Nhật thiếu-hụt đủ mọi bề : Không có vấn-đề chữ viết mà cũng không có một nền học-thuật riêng-biệt.
Năm 107 trước Thiên-Chúa Giáng-sinh, vua Tàu ra lịnh cho mang quân sang đánh lấy mấy tỉnh miền-Bắc Cao-ly. Cao-ly trở thành đất đô-hộ của người Tàu. Từ đó về sau, xuyên qua đất Cao-ly mỗi ngày mỗi thêm bành-trướng, thế-lực vua Tàu lan rộng đến nước Nhật. Lịch-sử không ghi-chép rõ-ràng những ngày tháng và năm nào hai quốc-gia Tàu-Nhựt đã gặp-gỡ nhau ; nhưng người ta có thể quả-quyết rằng vào khoảng cuối thế-kỷ thứ bốn sau Thiên-Chúa Giáng-Sinh, hai chính-phủ Nhật và Tàu thấy đã mật-thiết bang-giao với nhau rồi. Chính-phủ Nhật thấy cái hay của việc học bèn rước thầy Cao-ly hay chữ về nước mở-mang nền giáo-dục khắp dân-gian. Nhiều bậc văn-hào kiệt-hiệt được tuyển-lựa vào giúp việc triều-đình. Văn-nhân Cao-ly qua giúp việc cho chánh-phủ Nhật rất lấy làm hào-hứng được nhận thấy ở nơi đất nước nên thơ nhiều cảnh-vật núi-non hùng-vĩ. Ngoài giờ làm việc, lúc thì-giờ nhàn rỗi, họ cùng nhau hợp ca thi-phú, và cũng đã mất nhiều thì-giờ để ghi-chép lại thành sách những câu ca-dao ngạn-ngữ đã học-hỏi được ở nơi con người Nhật.
Hồi bấy-giờ những giới chính-quyền ở Nhật-quốc không biết đọc và viết chữ. Sách-vở, văn-kiện và sổ-sách ghi-chép đều đặt-để tất-cả vào trong tay của một hạng người có học nhưng không có quyền. Tuy thế nhưng cũng không bao-giờ thấy có một việc gì ngoa-ngạnh hoặc ngang-trái khác thường xảy ra giữa hai giới chính-trị và môn-thuộc. Những nhà bác-học rành giỏi nghiên-cứu về những vấn-đề tâm-lý và chủng-tộc cho đấy một phần là do ở tinh-thần trọng kỷ-luật tự-nhiên của người dân Nhật trong hàng môn-thuộc có học nhưng không bao giờ có ý muốn chủ-trương bạo-hành, và một phần là do ở những đức tính khác thường cũng ở trong con người Nhật, trong những hạng người có quyền tuy không có chữ nhưng cũng vẫn là những hạng người cốt-cách khác người.
Chữ Tàu được nhập-cảng vào đất Nhật mỗi ngày mỗi được phổ-cập mau chóng ; nhưng vì tiếng nói của người Tàu và thứ chữ Tàu không đủ để viết lại tất-cả quốc-âm của người Nhật nên người Nhật mới đặt ra một thứ chữ mới gọi là thứ chữ Kana gồm tất-cả có 50 chữ âm (trong quốc-âm của người Nhật). Quyển sách đầu tiên được viết bằng tiếng Kana (仮名 ) là quyển Ko-Jiki (古事記 ) (những chuyện cổ-tích) do quốc-sử quán của Thiên-triều ở Đông-kinh thừa lịnh nhà vua ghi chép lại. Sách này viết xong vào khoảng cuối năm 712 sau Thiên-Chúa Giáng-Sinh. Tám năm sau, năm 720, triều-đình Nhật lại hoàn-thành xong một quyển sách thứ nhì mới khác gọi là sách Nihongi (日本字 ) nhưng sách này lại viết toàn bằng tiếng Tàu.
Ngoài những thơ-phú toàn đượm màu sắc và cốt-cách của người Nhật, những loại văn xuôi hồi bấy-giờ đều thấy có phảng-phất ít nhiều ảnh-hưởng của Tàu. Nhưng vào khoảng cuối thế-kỷ thứ tám, một quyển sách thứ ba (quyển này hoàn-toàn Nhật-bổn) quyển Man-nyoshu (万葉集 ) (Tình muôn thuở) gồm toàn những loại thư tình (Tanka) (短歌 ) 31 âm-thanh, diễn-tả một cách đầy ý-vị cuộc đời tình-ái của người dân Nhật và chôn sâu để không bao giờ thấy sống lại những cái gì có thể là ảnh-hưởng của người Tàu. Thời-kỳ
Ngay từ thuở mới lập-quốc, người Nhật sống quây-quần, thường hay chia bè kết đảng phân-chia nhau một cách rất rõ-rệt. Tu-sĩ, quân-nhân, văn-nhân, thợ-thuyền, thương-gia, v.v thảy thảy đều có nơi sinh sống và gặp-gỡ nhau riêng-biệt. Sự kết-thân với chính-phủ Trung-hoa chưa được chính-phủ công-khai nhìn nhận. Những lúc xuyên qua những bậc văn-nhân Cao-ly được chiêu-mộ qua phò vua giúp nước ở kinh-đô Nhật, tiếp-xúc với những hình-thức căn-bản của cơ-cấu xã-hội ở Cao-ly và Trung-hoa. Người Nhật đổi hẳn ý-niệm xã-hội cũ-kỹ và bắt đầu sống rộng-rãi và quảng-hoạt trong tinh-thần xã-hội và lấy quốc-gia làm trọng.
Thượng tuần thế-kỷ thứ 6 sau Thiên-Chúa Giáng-Sinh, noi theo gương của Trung-quốc, chính-phủ Nhật lo cấp-tốc thiết-lập tại trong nước nhiều tổ-chức lập-pháp và tư-pháp rành-rẽ, cho ổn-định lại hệ-thống hành-chánh và cai-trị đường-hoàng, để tiện bề dắt-dìu và giáo-hóa quốc-dân. Ngoài hai môn thiên-văn địa-lý, chính-phủ lại rất chú-trọng đến những vấn-đề văn-hóa và mỹ-thuật. Trong lịch-sử mỹ-thuật của nước nhà, việc cho nhập-cảng đạo Phật vào khắp dân-gian (1) đã đánh dấu một giai-đoạn trọng-đại trong lịch-trình tiến-hóa của toàn-dân Nhật-bổn. Cùng với đạo Phật, nhiều thợ sơn, thợ mộc, thợ nề, thợ vẽ, nhiều kiến-trúc sư Trung-hoa thiện-nghệ đã được gọi qua đất nước Nhật-bổn để xây-cất nhiều kiểu đình chùa miếu-vũ. Năm 710,
Đến thời-kỳ tướng-quân Ashikaya toàn-thịnh ở Nhật thì nghệ-thuật điêu-khắc thấy cũng đã tinh-vi lên đến cực-độ. Nhưng vì dần-dà, theo buổi phong-kiến chỉ có quân-lực mới có thể bảo-vệ được quyền-lợi của các tướng-sĩ, cho nên người ta chỉ chú-trọng đến nghệ-thuật làm người quân-nhân mà lãng quên tất-cả những việc khác. Nghề điêu-khắc chạm-trổ cũng như nghề sơn vẽ hội-họa đều xuống dần từ đấy. Duy chỉ có nghề viết văn và thơ là thấy được phồn-thịnh hơn lúc nào hết. Có lẽ đấy là vì nhu-cầu của thời-cuộc vì lúc ấy mới phát-sinh ra nghệ-thuật viết chữ. Các mục văn-chương thi-phú, các sổ-sách văn-kiện của triều-đình đều được biên-chép lại rất rõ-ràng cho nên nền văn-hóa cổ-điển của Nhật nhờ đó mà cũng đã được lưu-truyền lại cho đến ngày nay. Thời-kỳ
Nhiều họa-sĩ tiếng-tăm như những ông Nobuzane, Yeshin và Kosé Kanaoka, v.v đã để lại nhiều tác-phẩm tuyệt-diệu mà hiện nay những ai đã được dịp đặt chân đến ngắm cảnh của đại kinh-thành Đông-kinh đi ngang qua tàng-cổ viện hoàng-gia cũng không sao không khỏi tấm-tắc khen-ngợi bao-nhiêu nét bút thần-tiên đã khéo lưu lại cho hậu-thế tất-cả những cái gì gọi là tinh-hoa của cả một thế-hệ vừa khuất đi trong dĩ vãng
Năm 794 kết-thúc thời-kỳ
Bao nhiêu những tiểu-thuyết nhật-ký giả-sử v.v hồi bấy giờ được biên chép bằng thứ chữ Kana (仮名). Chỉ có những sách giáo-khoa, những văn-kiện của chính-phủ và luật-lệ của triều-đình mới thấy còn viết bằng chữ Tàu.
Trong giai-đoạn này còn đáng chú ý nhất là tập "Tân-cổ thi-văn Tập-tuyển" (Kokinshu) (古今集 ) còn hay hơn tập Mannyoshu dưới thời-kỳ
Năm 1185 chúa Yoritomo thuộc dòng-dõi Minamoto dẹp yên được quân của chúa Taira là đối-thủ độc-nhất trong hội bấy-giờ, gây thêm thế-lực và thiên đô về
Năm 1192, vị trù-trì Eisai nhân cuộc viễn-du ở Trung-quốc về đề-xướng lên một giáo-thuyết mới khác, trong đó lẫn-lộn có cả văn-bản của đạo Phật và chủ-trương của thuyết Niệm theo tinh-thần chữ niệm trong nghĩa chữ niệm của người Nhật. Quốc-dân Nhật-bổn rất hâm-mộ giáo-thuyết mới này nhưng cũng không bỏ quên những căn-bản đạo-lý của những giáo thuyết cũ. Đạo Niệm hay nói cho đúng hơn là đạo Phật-Niệm theo danh-từ của trù-trì Eisai thịnh-hành nhất là sau ngày vở tuồng "NO" (能) 1 thiên ái-tình lịch-sử tiểu-thuyết ra đời và rất được hoan-nghinh. Những nhà tân-học hiện giờ thường hay so-sánh vở tuồng này với những thiên tình-sử trong những bộ tiểu-thuyết tiếng-tăm của những thời phồn-thịnh nhưng xa-xăm của một nước Hy-lạp bất-diệt. Bao-nhiêu tình-tứ, bao-nhiêu thơ-mộng, bao-nhiêu huyền-bí, bao-nhiêu thần-thoại, nhưng cũng bao-nhiêu mộc-mạc hoang-vu, bao-nhiêu sự ô-trọc của một đời người, của một thế-hệ, lẫn-lộn trong một cảnh sống đầy đau-thương phiền-não, đầy hy-sinh và cực-nhọc, tủi-nhục hoặc say-sưa ; nối tiếp sau bao-nhiêu vẻ đẹp nguy-nga và lộng-lẫy của một chuỗi ngày huy-hoàng và chói-lọi. Lòng người lừng-chừng và lờ-mờ, không ai hiểu được và cũng không có ai đo được ; trong đó điều thiện và điều ác đều được binh-vực kịch-kiệt ; binh-vực với một đức-tin vô-cùng mạnh-mẽ trước tòa-án dư-luận, trước tòa-án quốc-dân, cũng như trước tòa-án của lương-tâm hay là tòa-án tối-cao của Trời-Đất cao-cả. Vở tuồng NO ra đời diễn-tả một cách vô-cùng linh hoạt cảnh số! ng của hai phái thanh-niên nam nữ Nhật-bổn hồi bấy giờ. Người trong cảnh sống vui, buồn, sung-sướng hoặc đau-khổ đã đành, mà người đọc truyện hoặc đi xem diễn tuồng lạ thay cũng không kém phần xúc-động hào-hứng. Gần đây phim chớp-bóng RASHOMON (羅生門) của Nhật được đem qua chớp ở nước ta thật là hiện-thân của một quá-khứ vừa hùng-tráng, vừa bi-đát, vừa thanh-cao, vừa lịch-sự, của bao-nhiêu những thứ tình thâm-thúy : Chồng yêu vợ, vợ yêu chồng, thầy chùa mộ đạo, người dân yêu xứ-sở ; tất-cả trong phạm-vi nghĩa-liệt và khí-phách ; thậm chí đến người ăn mày là hạng cùng đinh trong xứ-sở cũng nghĩ phẩm-vị làm người là cao-quí. Ông thầy chùa trầm-mặc và từ-bi trước những cảnh đau-thương của lòng người trắc-ẩn, cũng khéo quên mình là bậc tu-sĩ để cố-gắng giải-họa để tìm mà hiểu những thảm cảnh đau-thương của loài người. Người vợ vì cường-lực bị hiếp-dâm trong thâm-tâm tuy rất đau-đớn nhưng vẫn còn cố-gắng tìm-tòi để tự hỏi phải chăng đấy là lỗi của mình hay là lỗi của chồng mình ? Kẻ cường-đạo đứng trước một kẻ yếu cô-thế không đang tay kết-liễu bằng lưỡi dao găm cuộc đời của địch thủ đã bị trói, mà còn cởi trói cho địch thủ được tự-do sánh gươm với mình để nếu toàn-thắng thì việc tự-do chinh-phục vợ của kẻ thù mới có thể là một việc làm chính-đáng v.v
Cả một thế-hệ oai-hùng có thể tóm-tắt trong bao-nhiêu gương nghĩa-khí nói trên và phim Rashomon (羅生門) đã diễn-tả tài-tình tinh-thần và khí-phách của người Nhật-bổn trong hai thời-buồi đế-chế Heian và tiền lịch-sử của thời-đại
Nhiều nhà triết-học Phật-giáo như
Một mối tình mung-lung rộng lớn chẳng lẻ chỉ được phút chốc lưu-luyến khi nước mới đun, trà mới chế
và khói hơi bốc lên để rồi trong nháy mắt biến tỏa đi ngay mà không còn lưu lại một chút gì nữa ?
Uống trà nó ý-vị là như thế cho nên bắt đầu từ thời-đại
Uống trà để mà tụng-niệm, uống trà để cho trí não thảnh-thơi mà xét mình, quên mình ; và uống trà để mà thông-cảm mật-thiết với Trời Đất vạn-vật nhiều hơn nữa. Đương-sơ là như thế. Dần-dà những phái quí-tộc ở trong nước đặt-để vào đấy rất nhiều lễ-nghi cho nên việc uống trà có nhiều khi cũng đã trở thành những cuộc lễ rất long-trọng, ghi dấu một đặc-điểm vô-cùng lịch-sự trong những mối giao-hảo hằng ngày, hoặc những giờ phút thanh-tao mặc-niệm trong đời sống của con người Nhật-bổn. Phái quân-nhân ở
Nhưng ngày mùng 5 tháng 7 năm 1333, giữa bao-nhiêu rực-rỡ và huy-hoàng, vị tướng-quân cuối cùng của Kamakura thuộc dòng-dõi họ Hojo không còn giữ được thế-lực nữa, để quân của nhà vua đến bao-vây kinh-thành, đã cùng với trên 800 môn-hạ cầm dao mổ bụng tự thoát-thân.
Những vị tướng-quân theo lịch-sử chứng minh, phần nhiều đều là những danh-nhân lỗi-lạc khác thường. Họ rất tài-ba lỗi-lạc. Họ rất chú-trọng đến những việc khuếch-trương và mở-mang rộng lớn xứ-sở. Họ lại để công khuyến-khích hai ngành văn-nghệ và mỹ-thuật. Bao-nhiêu những dinh-thự và chùa đình lớn-lao cũng đều là công-trình bất-diệt của họ cả. Nhưng trái lại họ rất tham-lam và cường-bạo cho nên lòng dân vẫn cứ bất-phục. Sau họ Hojo, dòng-dõi Ashikaga xuất-hiện từ năm 1336 (5) cũng là một trong những hàng tướng-quân thế-phiệt ở Nhật-quốc trong thời-đại
Chế-độ tướng-quân trực-trị quốc-dân thay vì nhà vua khởi đầu từ thế-kỷ thứ 9 cho đến đời vua Minh-Trị Thiên-Hoàng thì kết-liễu (6), cho đến ngày nay và không bao-giờ thấy còn chỗi dậy nữa. Đứng về phương-diện pháp-lý, họ không phải là những tay cường-bạo đoạt ngôi của nhà vua ; vì muốn trực-trị quốc-dân, họ cần phải được nhà vua tôn-phong. Quyền-hạn của họ không ra ngoài vòng lễ-giáo và pháp-luật. Chủ-trương hành-động bằng quyền-lực, tinh-thần của họ thấy vẫn thấm-nhuần những thuyết của Khổng-Mạnh, những đạo Thần-Niệm. Trong thời-kỳ phục-vụ, họ vẫn kiêng-nể những bậc tu-sĩ, hiền-triết, và những nhà kỹ-thuật tài ba. Trình-độ mỹ-thuật và văn-hóa trong nước nhờ đó mà ngày càng thêm tấn-phát ; nhất là dưới thời-kỳ của dòng-dõi tướng-quân Ashikaga. Từ chữ viết cho đến tiếng nói, đến các loại đờn ca xướng hát, hoặc những môn tỉa hoa khiêu-vũ v.v
nhất nhất người Nhật đều đặt-để tất-cả tâm-can vào để cho xứ-sở ngày càng thêm tốt-đẹp. Cao xa hơn cái thuyết trung-dung của đạo Phật, họ cố uốn-nắn để cho cả hồn lẫn xác vẫn được dịp-dàng tiến bước. Lấy tâm-lý để un-đúc lý-trí, họ cố tưởng-tượng để thành-công, cố so-sánh để mà đua-bơi và nhiều khi cũng cố đắn-đo để mà thắng-lợi. Những vở tuồng bi-đát nhưng hùng-tráng thuộc loại Kabuki (歌舞伎 ) rất đơn-giản và dễ hiễu hồi bấy-giờ cũng đã ảnh-hưởng đậm-đà đến tất-cả những tầng-lớp nhân-dân ở trong nước. Có công nhất v! ới tiền-đồ của xứ-sở là những bậc danh-tướng lỗi-lạc như : Nobunaga, Hideyoshi và Ieyasu, Tokugawa, mà tục gọi là thời-đại Muromachi (7) nữa. Những ngôi chùa nguy-nga và đồ-sộ ở
Từ năm 1603 đến năn 1863, dưới quyền tướng-thống của họ Tokugawa, nước Nhật bắt đầu bước vào thời-kỳ văn-minh của lịch-sử cận-đại. Chính-phủ lấy nền học-vấn Trung-hoa làm gốc-tích và đặt-để căn-bản xã-hội lên trên nền-tảng đạo-lý của Phật-giáo. Việc học được phổ-cập khắp dân-gian. Những tay kiếm-hiệp võ-sĩ còn được huấn-luyện thành những nhà văn học-lực uyên-thâm, văn-võ kiêm-toàn ; làm cho quan-niệm quân-nhân của người dân Nhật phát-triển mạnh-mẽ, và trên lập-trường quốc-tế, họ đã rút được phần sâu-xa ở bên văn đem qua bồi-bổ cho bên võ, nên đã trở thành những chiến-sĩ tinh-nhuệ mà trận chíến-tranh vừa rồi đã chứng-tỏ là thuộc vào bậc lỗi-lạc nhứt nhì thế-giới.
Nhiều vị cố-vấn chuyên-môn tuyển-lựa trong những bậc văn-hào môn-đệ của hai thuyết Khổng-Mạnh, được triệu-thỉnh từ Trung-quốc về, để góp sức cùng chính-phủ soạn ra những bộ luật đơn-giản nhưng thích-hợp với tâm-lý và trình-độ văn-hóa của người Nhật-bổn hồi bấy giờ. Người Nhật đã tỏ ra rất thực-tế trong việc tôn-sùng đạo-lý. Họ chú-trọng đến hai đức công-bình và bác-ái nên vì vậy mà rất gần-gụi với Khổng-giáo. Đạo làm con hiếu-thảo với cha mẹ, kính nhường anh em, biết ơn họ-hàng, quê-hương và xứ-sở ; đấy cũng là phần tinh-hoa trong yếu-lý của hai tôn-giáo Thần và Niệm, mà trải từ thế-kỷ này đến thế-kỷ khác họ vẫn cũng một lòng ngượng-mổ vô-biên. Sức-mạnh của họ, chính cũng là tự ở đấy mà ra.
Trong con người Nhật-bổn, như đã nói trên, có nhiều cái mâu-thuẩn rất kỳ lạ. Họ lễ-phép ỉu-dỉu, nhẹ-nhàng và nhỏ-thó, nhưng họ cũng rất ngang-tàng và cường-bạo. Xét về phương-diện hoàn-toàn tình-cảm, người Nhật-bổn rất thực-tế nhưng cũng rất thâm-thúy và lãng-mạn. Lịch-sử chủng-tộc học nói rằng người Nhật-bổn thuộc hai dòng-giống từ Mông-cổ và Mã-lai lúc xưa di-cư đến. Nhưng họ không muốn nhận-chân như thế ; họ chỉ muốn nói rằng Nhật-bổn là Nhật-bổn ngay từ ngày mới khởi-thủy lập-quốc. Bởi thế cho nên họ đã đặt ra nhiều câu hò chuyện hát đại-khái như câu : "Nào cam bao quả hái về, nằm chung một giỏ cũng là cam em ", để phân-bua cho cái nguồn-gốc thần-thoại của họ. Và họ thực-tế để mà nhìn-nhận rằng dù người ta có muốn xét đoán thế nào đi nữa, mỗi một lúc mà nước Nhật-bổn đã thành-hình, và một người dân đã mang danh là Nhật-bổn thì người ấy chỉ có thể là Nhật-bổn trong phạm-vi chức-phận quyền-hạn và nghĩa-vụ của một người công-dân Nhật-bổn mà thôi chứ không còn có thể khác hơn được nữa.
Nhưng họ cũng rất lãng-mạn. Hai thi-sĩ trứ-danh Basho và Busson (8) đã đặt ra nhiều câu vè, bài thơ (haikai) (俳諧) và đã diễn-tả tài-tình tinh-thần và tính-chất của con người Nhật-bổn. Họ tự ví họ như một đóa hoa anh-đào (Sakura), mùi thơm không ngạt-ngào lắm nhưng phảng-phất được rất xa. Hoa anh-đào chóng nở chóng tàn thì đời sống của con người Nhật-bổn cũng mong-manh như chiếc bóng bên tường. Trong cái lãng-mạn của họ có đượm nhiều ý tứ sầu-bi thống-thiết. Bởi thế cho nên con người của họ lúc nào cũng thấy luôn-luôn trầm-mặc, tự-nhiên và rất tỉnh-táo.
Dưới triều vua Minh-Trị Thiên-Hoàng nghĩa là lúc nước Nhật đã bắt-đầu tiếp-xúc với ngoại-bang, chánh-phủ và quốc-dân Nhật-bổn lại nô-nức học-hỏi để khỏi mang tiếng là một quốc-gia lạc-hậu. Hai ngành văn-võ đều được song-song mạnh-mẽ tiến-phát. Nhiều trường học và thư-viện được thiết-mở khắp nơi. Trong nước toàn-dân chăm-chú thực-hành, nghiên-cứu và phổ-dụng những khoa bách-nghệ là những môn rất thích-hợp với sở-trường thực-tế của trí-óc người Nhật-bổn. Phát-triển nhất là hai nghề sơn vẽ và hội-họa. Những họa-sĩ tên tuổi như Matabei, Haru-nobu, và
Ngoài nước, thanh-niên nam nữ, tuổi trẻ và hăng-hái, thảy-thảy đều một lòng thiết-tha yêu nước ; đều một chí-nguyện giống nhau, đưa nhau đi tìm những chân trời mới lạ ; tập học những cái hay việc giỏi ở nước người ; mong đem vun quén cho giàn cây chủng-tộc lúc trở về nước Chánh-phủ và quốc-dân đều một lòng tán-trợ những việc xuất dương tập học ; bởi thế cho nên không mấy chốc mà nước Nhật đã có đầy đủ những cán-bộ chuyên-môn biết khéo dìu-dắt con thuyền xứ-sở lướt qua những làn sóng đua-tranh của thế-giới văn-minh
Thuở ấy quốc-dân Nhật-bổn mới bắt-đầu học hỏi nền văn-minh của Tây-phương nên quan-niệm xã-hội phong-kiến cũ-kỹ cũng không còn tồn-tại nguyên-vẹn như lúc trước nữa. Bên cạnh giai-cấp hùng-tráng của những tay kiếm-hiệp võ-sĩ và giai-cấp của những văn-nhân quí-tộc, giới con buôn lao-động bấy lâu khuất-phục nay nhơn cơ hiên-ngang chỗi dậy đứng lên đóng một vai tuồng trọng-yếu và từ đấy siết chặt thế-lực kim-ngân với tiền-đồ của xứ-sở. Họ kết thành những đoàn-thể ; và mạnh nhất là những đoàn-thể công-thương ở
Mầm-mống, tính-tình dân-chủ của quốc-dân Nhật-bổn bắt đầu phát-khai từ đấy. Ngành hội-họa và sơn vẽ trong giai-đoạn này chịu ảnh-hưởng của thời-đại nhiều hơn lúc nào hết. Nhưng tranh vẽ không còn thâm-thúy như lúc xưa. Không như lúc xưa họa-sĩ Nhật đã đặt để tất-cả tâm-hồn, khí phách và ý chí của mình vào trong những khuôn vải mảnh giấy ; ngày nay những tác-phẩm của họa-sĩ cũng chỉ mang theo có những dấu vết của một tâm-hồn đã có phần biến-thể. Họ chú-trọng đến hình-thức và sắc màu nhiều hơn đến cảnh-vật và tâm-can. Họ trở lại tập-học ở những họa-sĩ Trung-hoa nhiều hơn nữa. Nhưng đấy chỉ là trong một khoảng thời-gian rất ngắn và sau này những họa-sĩ Sotan, Sesson, Motonobu và giáo-sư Sesshiu không còn thấy có môn-đệ xuất-sắc. Cho đến ngày nay, đặc-biệt nhất là những tác-phẩm của hai họa-sĩ Sotatsu (thế-kỷ thứ XII), và Horin (thế-kỷ thứ XIII). Vào khoảng cuối triều tướng-thống của dòng-dõi Tokugawa nhiều án-họa công-phu của những giáo-sư lỗi-lạc như : Masahobu, Kiyonaga, Toyokuni, Sunsho, Toru, Kiyonobu, Utataro, Hokusai, Hiroshigé v.v chú-trọng rất nhiều đến những cảnh-vật thiên-nhiên và những nơi lam-sơn hùng-vĩ của đất nước, một lần nữa lại làm nổi-bật hẳn nghệ-thuật hội-họa của toàn-quốc nước Nhật. Song dù thế nào đi nữa, trong xứ-sở thấy cũng bắt đầu có một luồng gió mới lạ. Bởi vậy cho nên giới trí-thức lo-âu ngày đêm đã gia-công rèn tập để cố công gây lại phong-trào văn-nghệ lành-mạnh thích-hợp với tinh-thần và ý-! chí của toàn-dân của những thời-đại mới sơ-khai.
Giáo-sư bác-ngữ và sử-ký Moturi (10) ở Mito là người đầu tiên đã đứng lên bắt-đầu từ Mito đề-xướng thuyết "cần-vương", hô-hào bảo-vệ quyền-bính của vương-triều và lấy hoàng-đế làm trung-tâm duy nhất tượng-trưng cho tất cả những tinh-thần ái-quốc chân-chính ở trong nước. Thuyết cần-vương Moturi rất được nhiệt-liệt hoan-nghinh. Chúa Mito ở
Sau khi thế-lực Tokugawa sập-đổ, nhà vua phục-hồi lại thanh-danh và quyền-bính. Y như và hơn lúc trước thời-đại Ashikaga nữa, từ đó đến nay toàn-dân đều thấm-nhuần đạo-lý mà nước Nhật đã trở-thành một nước vô-vùng hùng-mạnh.
Những thế-hệ mới sau này bắt đầu từ những năm đầu thế kỷ thứ 17 đã để tậm nghiên-khảo rất nhiều về nền văn-hóa cổ-điển. Ngoài ra họ còn học hỏi ở Tây-phương những văn-minh khoa-học và kỹ-thuật. Họ hấp-thụ và áp-họa mau lẹ và có kết-quả thiết-thực rất nhanh-chóng những môn đã học-hỏi được. Xuyên qua hải-cảng Nagasaki (11) là trung-tâm độc nhất được phép giao-thương với ngoại-quốc, xuyên qua những thương-gia người Hà-lan được phép cư-trú tại hải-đảo Deshima với những hàng-hóa đem qua mua bán, người Nhật đã phỏng-đoán được cách sinh-hoạt của những nước thái-tây hồi bấy giờ. Đến lúc thể theo lời yêu-cầu của chính-phủ Hoa-thịnh-đốn và trước sự bức-bách của thiếu-tá thủy-quân Perry người Huê-kỳ, người Nhật mở cửa rộng-rãi đón chào ngoại-bang để từ đấy siết-chặt mối dây liên-lạc với những quốc-gia Tây-phương, nền khoa-học tân-tiến không còn là 1 vật mới lạ nữa. Nhiều kỹ-thuật gia Nhật-bổn đã sành nghề trong khoảnh-khắc. Người Nhật học-hỏi kỹ-thuật lục-quân của người Anh, người Pháp và người Đức ; thủy-quân của người Hòa-lan và người Anh ; luật-lệ của người Trung-hoa, người Pháp và người Đức ; y-học và những khoa kỹ-thuật khoa-học khác của người Đức.
Đương sơ, lúc thấy người Nhật mỹ-mãn thành-công trong buổi sơ-khai, các nước Tây-phương đều cho đấy là một sự ngẫu-nhiên, chứ một quốc-gia mở-mang gấp rút không có thể tồn-tại được nếu không có căn-bản thời-gian và quá-khứ làm hậu-thuẩn. Nhưng những người Tây-phương đã lầm-lẫn rất nhiều trong quan-niệm thời-gian và quá-khứ (12) của quốc-dân Nhật-bổn. Họ không nhận-thức được rằng nước Nhật đã có một quá-trình may-mắn và vô-cùng thâm-thúy, đã từng hùng-mạnh trong thời-kỳ tiền lịch-sử, đã từng oanh-liệt từ đầu đến cuối trong kỷ-nguyên Tây-lịch hiện nay, đã từng rất kiệt-hiệt khí-phách với những đạo Thần, Phật, Niệm và Võ-sĩ ; và nhất là từ ngày đạo Niệm đã trở-thành tôn-giáo chính-thức của quốc-gia và chính-phủ thì lịch trình tiến-hóa của dân-tộc Nhật-bổn lại càng cách xa quan-niệm và luật sinh-tồn đối với họ của người Tây-phương nhiều hơn nữa.
Tháng hai năm 1889, nước Nhật bắt-đầu có hiến-pháp đường-hoàng. Sáu năm sau, năm 1895, trận chiến-tranh Trung-nhật đột-phát năm 1894 kết-liễu và phần thắng-lợi về bên phía quân Nhật. Mười năm sau đó nghĩa là năm 1905, một lần nữa quân Nhật đánh thắng thêm một trận rất lớn : Quân Nga thua nặng rút lui ra khỏi Trân-châu-cảng làm cho thanh-thế và uy-quyền của người Nhật từ đấy về sau ngày càng thêm lừng-lẫy. Những nước thái-tây mới mở mắt ra.
Nước Nhật hùng-mạnh chính là nhờ ở công-đức và ý-chí của toàn-dân của họ ; chứ câu chuyện ngẫu-nhiên chẳng qua chỉ là một ám-ảnh do bệnh kiêu-ngạo của người thái-tây cố tưởng-tượng ra mà thôi.
Sau khi đánh thắng quân Nga, nước Nhật công-nhiên đã tự đưa đẩy mình lên hàng những đại cường-quốc tên tuổi. Kích-thích bởi những kết-quả may-mắn mới thâu-hoạch được, người Nhật lại càng thêm hăng-hái. Nhưng càng hăng-hái bao-nhiêu, những phong-trào bài Âu bài Mỹ lại càng thấy chỗi-dậy bồng-bột và rất táo-bạo nhiều hơn nữa. Báo-chí (13) và truyền-thanh là những cơ-quan hành-động đắc-lực của họ
Năm 1931-1932, quân Nhật tấn-công có hiệu-quả vào xứ Mãn-châu. Thế-giới khủng-khiếp, nhưng những cường-quốc khác chưa được chuẩn-bị đường-hoàng nên không thấy phản-đối lại ngay.
Gần ngót một thế-kỷ chồng-chất cố-gắng, kết-quả năm 1945 đã đưa quốc-dân Nhật-bổn đi đến chỗ chiến-bại ; nhưng hậu-quả của mấy nghìn năm lịch-sử văn-hóa dồi-dào và tinh-thần đạo-lý thâm-sâu đã cứu sống cho trên 80 triệu dân của một quốc-gia chiến-bại ; để hôm nay trái với sức tưởng-tượng của loài người, tất-cả 80 triệu dân ấy với một tinh-thần bất khuất-phục cổ-truyền đã làm chuyển-động thâm-tâm của những ai đã nhờ ở sự giàu-có và đồ-sộ mà đã chiến-thắng được họ
(1) Giữa thế-kỷ thứ 6 sau Thiên-Chúa Giáng-sinh.
(2) Cho đến năm 1868 nghĩa là ngót 1000 năm chẳn.
(3) 1185-1570.
(4) "Cha no Yu"
(5) Đến năm 1570 thì hết.
(6) Mutsuhito, giữa thế-kỷ 19
(7) Tên của một khu phố ở
(8) Basho theo đạo Niệm và Busson theo đạo Phật.
(9)
(10) 1730(?)-1801.
(11) Những thương-gia Bồ-đào-nha, Trung-hoa, A-rập, Thổ-nhĩ-kỳ và Ý-đại-lợi thường cũng hay qua lại ở đấy.
(12) Về quan-niệm này tác-giả đã từng vạch rõ trong đoạn kết-luận quyển sách "Khảo-cứu và phê-bình năm chương-trình ngủ niên kế-hoạch để canh-tân nền kinh-tế của Nga-sô" hiện chưa xuất-bản và ở chương "La Colonisation francaise, un pas en arrière" trong quyển Alerte au Việt-nam hiện đương in.
(13) Hiện ở Đông-kinh có nhiều tờ nhật-báo phát-hành mỗi ngày mỗi tờ trên 3 triệu số. Như thế đủ rõ trình-độ trí-thức của người Nhật-bổn là ra thế nào.
CHƯƠNG THỨ BA
QUAN-NIỆM VỀ QUỐC-GIA VÀ CHỦNG-TỘC
CỦA NGƯỜI NHẬT-BỔN
Năm 1903 trong một quyển sách đầu đề là "Tư-tưởng Đông-phương", ông Okakura Kakuzo có định-nghĩa Á-châu như thế này :"Á-châu là một khối, và nhiệm-vụ của người Á-châu trong giai-đoạn này là phải bảo-vệ để phục-hồi lại địa-vị cũ của những tập-quán cổ-truyền đã làm cho chúng ta nổi-danh là những dân-tộc lịch-sự và thuần-túy nhất trên thế-giới ! Sự ngẫu-nhiên trong lịch-sử đã đưa-đẩy chúng ta tiếp-xúc chặt-chẽ với nền tân-học Tây-phương ; và chúng ta cũng đã học-hỏi rất nhiều ở Tây-phương. Nhưng chúng ta cũng phải biết nhìn-nhận rằng nếu chỉ văn-minh ở hào-giáng và đắm-đuối theo xa-hoa của một đời sống vật-chất mà không biết chú-trọng đến tinh-thần thì ấy thật là một cái họa lớn cho tiền-đồ của xứ-sở. Bí-quyết về tương-lai của chúng ta là ở trong lịch trình tiến-hóa của dân-tộc chúng ta. Tôi rất hoang-mang lo sợ nếu xứ-sở phải sống trong một cảnh âm-u buồn-thảm như thế. Phải biết xé tan bức màn thấp-kém của xác thịt. Phải làm thế nào để cho quốc-gia mạnh-mẽ đâm-chồi nảy-lộc để chúng ta được cái vinh-hạnh đứng trong hàng ngũ tiền-phong của thế-giới văn-minh ; vì sức-mạnh và phẩm-cách tương-lai của nhân-loại là phải do ở Á-châu mà có. Đi trên con đường tốt-đẹp của một quá-khứ thanh-cao, chúng ta phải biết sáng-suốt mà nhận-định rằng : Sức mạnh là phải tự ở ta mà có. Cái gì lòe-loẹt do bên ngoài đưa đến đều là những thứ khí-giới để trở lại giết lấy chính thân của chúng ta vậy".
Sau cuộc cách-mạng năm 1917 ở Trung-quốc, Tôn-Dật-Tiên thành-công nuôi hy-vọng canh-tân xứ-sở bằng những sức-mạnh tinh-thần của phẩm-cách và đạo-lý, nên năm 1927, lúc du-hành qua Đông-kinh để cố-công liên-kết ba quốc-gia Nga-sô, Trung-quốc và Nhật-bổn làm một khối hùng-mạnh ở Á-châu đã được vua Nhật-bổn nói rằng : "Nước Nhật-bổn hấp-thụ nền văn-hóa cổ-truyền của Trung-quốc thì không có lý do gì để hai quốc-gia của chúng ta sống rời-rạc nhau cả. Nga-sô cũng là một quốc-gia của Á-châu thì việc liên-kết cả ba làm một thật là một việc rất nên "
Quan-niệm thần-thoại và ý-nghĩ thoát-thân vì dân chúng đông-đúc và diện-tích thu hẹp luôn-luôn thúc-đẩy người Nhật-bổn có cái ý-nghĩ rất tự-nhiên là phải kiếm cách dựa vào những nước khác để mà sống. Do đó quan-niệm quốc-gia của họ tự-nhiên cũng vượt hẳn ra ngoài giới-hạn của một xã-hội hoàn-toàn Nhật-bổn. Họ lại có sẳn thành-kiến là vì làm dân của một nước từ trên Trời biệt xuống, họ không thể sống lệ-thuộc vào những quốc-gia khác được. Họ tự xét họ phải là dân-tộc dẫn đầu cho cả một khối. Sẳn có khối liên-minh nói trên do Tôn tiên-sanh đề-xướng, song vì nhận thấy rằng cả Trung-hoa lẫn Nga-sô đều bất-lực không thể lãnh-đạo cho khối ấy được, người Nhật liền mau lẹ biến khối liên-minh nói trên thành một khối vĩ-đại và đầy-đủ ý-nghĩa hơn nhiều gọi là khối Liên-minh Đại-Đông-Á ; nhiệt-liệt hô-hào và cổ-võ cho một thuyết mới đề-xướng : "đất Châu-Á của người Châu-Á".
Việc biến-thể khối liên-minh của Tôn-Dật-Tiên thành ra khối liên-minh Đại-Đông-Á của người Nhật-bồn một lần nữa trong những thời-kỳ cận-đại chứng-tỏ rằng người Nhật rất có biệt-tài học-hỏi để không phải mù-quáng bắt-chước ; những học-hỏi để biến-hóa ; để sản-xuất ra nhiều sản-phẩm mới lạ và tinh-vi hơn nữa.
Thuyết Á-châu của người Á-châu rất thích-hợp với sở-nguyện của nhiều quốc-gia ở Á-đông đương bị ngoại-bang trực-trị hoặc xen-lấn lợi-quyền chính-thức ra đời tại Đông-kinh (1). Hồi bấy giờ quân-đội Nhật-hoàng đã đánh đuổi được thế-lực Anh Pháp và Hòa-lan và chinh-phục rất nhiều lãnh-thổ ở miền nam Thái-bình-dương cho nên lòng dân lại càng thêm nô-nức ham muốn.
Trong một bản tuyên-ngôn chung đọc ngày mồng 6 tháng 11nnăm 1943 tại Đông-kinh, những quốc-gia hội-viên gồm có Nhật-quốc, Cao-ly, Đài-loan, Trung-quốc (2) Mãn-châu-loan, Mông-cổ, Thái-lan, những quốc-gia ở Đông-dương, Miến-điện, Phi-luật-tân, Nam-dương quần-đảo, Mã-lai và xứ Tân Guinée, đồng-thanh quyết-định đem hết tài-nguyên và năng-lực ra bồi-bổ cho khối Đại-Đông-Á càng ngày càng thêm thịnh-vượng. Những cuộc chiến-thắng vẻ-vang liên-tiếp của quân Nhật trước quân Trung-hoa và quân Nga trước ngày trận thế-giới đại-chiến lần thứ-nhứt đột-phát, và việc hội Vạn-quốc bất tán-thành yếu sách của chính-phủ Đông-kinh làm cho nước Nhật vùng-vằng rút tên ra khỏi hội Vạn-quốc chỉ làm cho những quốc-gia nhược-tiểu ở Á-châu thêm phần hy-vọng vào tương-lai của chủ-trương Đại-Đông-Á.
Năm 1929 toàn-thể nước Mỹ bị suy-sụp vì nạn kinh-tế khủng-hoảng ; năm 1931 đồng-bạc Anh-quốc bị sụt giá, hàng-hóa Nhật-bổn bắt đầu tràn-ngập cả những quốc-gia Ấn-độ, E-giếp, Ma-roc thuộc Pháp, Ý-đại-lợi và nhiều thuộc-quốc của Anh Pháp và Hòa-lan. Đồng "yen" Nhật càng ngày càng có giá rõ-rệt.
Đông-kinh và Nam-kinh bí-mật kết-giao với nhau ; bí-mật đến nỗi không có 1 ngoại-quốc nào có thể biết được nội-dung của những bản hiệp-ước đã ký-kết ; quân Nga bất-đắc-dĩ phải tự ý rút lui ra khỏi Nội-Mông để tránh xung-đột với quân Nhật ; chính-phủ Nhật tố-giác hiệp-ước đã ký-kết với Hoa-thịnh-đốn và bức-bách đến cực-điểm chánh-phủ Anh-hoàng trong hội-nghị hải-quân nhóm-họp tại Luân-đôn ; đều đã chứng-tỏ một cách rất rõ-rệt ý-chí muốn quật-cường của toàn-thể những nhược-quốc ở Đông-Á trong hy-vọng đường-hoàng chắc-chắn sẽ thành-công dưới sự lãnh-đạo mạnh-mẽ của chính-phủ Nhật-quốc (3).
Chủ-trương khối Đại-Đông-Á có ảnh-hưởng rất lớn ở Á-châu. Kể từ ngày hội-nghị Đại Á-châu thành hình ở Đông-kinh, cùng ngày 16 tháng 5 năm 1918, lúc Nhật-bổn và Trung-quốc ký-kết một hiệp-ước liên-minh quân-sự tại Đông-kinh để qua năm 1920 một chính-khách Trung-hoa có dịp viết lên một tờ nhật-báo ở Bắc-kinh : "Hiệu-lực của hội Vạn-quốc còn tùy thuộc ở ý-chí của những quốc-gia hội-viên. Nếu Trung-quốc và Nhật-bổn có thể mật-thiết hợp-tác với nhau, và Nhật-bổn võ-trang cho Trung-quốc thì chắc-chắn là cả hai quốc-gia sẽ có thể làm nên chuyện được. Không có lý do gì mà giòng-giống da vàng không thoát được cái nạn đô-hộ của dân da trắng Chúng ta cần phải hợp-tác để tái-chiến phục-thù v.v " ; và qua tháng 11 năm 1924 tại Kobé (Nhật) một lần nữa tổng-thống Tôn-Dật-Tiên lại nhắc-nhở "Nhật-bổn và Trung-quốc cần phải đi đôi với nhau để gây thanh-thế lại cho người Á-châu và đưa liên-minh đại-Á-châu của chúng ta lên hàng các cường-quốc trên thế-giới v.v ", bao-nhiêu chính-kiến hồi bấy giờ đều hướng và hy-vọng cả vào một thế-lực của đại Nhật-quốc cho nên người Nhật càng thêm chắc-chắn và quả-quyết trong vai tuồng lãnh-đạo của dân-tộc Phù-tang. Nhất là từ ngày 17 tháng 3 năm 1933 lúc vì tình thế bắt buộc Nhật-quân phải tuyên-chiến với Trung-quốc mà tổng-bộ quốc-dân-đảng ở miền tây Trung-quốc cùng với nhiều liên-đoàn công-thương Trung-hoa ở Thượng-hải cũng như nhiều thanh-niên thiếu-nữ sinh-viên du-học ở hải-ngoại về, có chân trong "ủy-ban chuẩn-bị khối Đại-Đông-Á", đều một lòng! kêu gọi tập-hợp toàn quốc ủng-hộ chính-phủ Nhật-quốc chứ đừng có chia-rẽ ; người Nhật lại càng hãnh-diện hân-hoan với sứ-mạng cao-cả mà họ cho là sẽ không xứng-đáng nếu không dám mạnh-dạn tiến bước. Tinh-thần quốc-gia quan-niệm chủng-tộc của họ do đó đã trở thành càng cuồng-nhiệt hơn nữa, đến có thể hy-sinh cả tính-mạng một cách rất vui-vẻ mà không quản công-lao, gia-đình, và sự-nghiệp. Những khả-năng tinh-thần của người Nhật vì thế mà đã uốn-nắn được người Nhật thành những người binh lành, tướng giỏi, cảm-tử, xung-phong, phong-thần, tự-tử v.v mà trong trận thế-giới đại-chiến vừa qua đã ghi chép biết bao nhiêu công-trạng oanh-liệt trong nhiều trận đánh cuồng-nhiệt mà có một độ đã làm khiếp-nhược muôn người như một muôn vạn quân-binh của cả Anh lẫn Mỹ.
Luôn-luôn hấp-dẫn bởi một quan-niệm thần-thoại, luôn luôn thôi-thúc bởi một ý-nguyện lãnh-đạo, và luôn luôn mơn trớn bởi một ước-vọng cao-xa của một khối Đại-Đông-Á mới thành hình, người Nhật đường hoàng đã đóng một vai tuồng trọng-yếu trên bản-đồ thế-lực quốc-tế. Hoàng-thân Cường-Để ở nước ta tiếp tay mưu toan cùng nhóm Văn-Thân khởi-nghĩa lật đổ quân Pháp, để hôm nay không may, sau khi Nhật bại, nắm xương tàn gởi lại bên Nhật-quốc, cách đây trên 30 năm cũng đã hăng-hái ra đi để cầu may cho xứ-sở. Cùng với biết bao chí-sĩ Việt-nam, trong đó có cả cụ Phan-Bội-Châu, phong-trào cách-mạng của ta hồi bấy giờ có lần đã đặt để cả tương-lai xứ-sở vào trong một sự vẫy-vùng của quân Nhật. Lãnh-tụ Chandra Bose Ấn-độ trong thời-kỳ chinh-chiến vừa qua kết-thân với phe Đông-kinh có lẽ cũng chỉ với một nguyện-vọng thiết-tha là rửa hận cho giang-sơn. Kết-quả hôm nay rõ-ràng là không đẹp ; nhưng lỗi đó tất nhiên là không phải ở thiện-chí của lòng người. Anh-linh của nhiều chí-sĩ chết bất-đắc-chí, lúc khuất mặt có lẽ vẫn còn ngoảnh lại ký-thác tiền-đồ của giang-sơn vào trong cái gương muôn-thuở muốn chỗi dậy để mà sống của toàn-dân nước Nhật, rất gan-dạ, và rất táo-bạo ; biết thế nào là quật-khởi để yên vui
Người Nhật đã dày công-phu tự huấn-luyện để đem hiến cho xứ-sở một tình thương nước mặn-nồng. Hôm nay chiến bại, hận giang-sơn không sao rửa sạch ; nhưng đứng trên lập-trường nhân loại, thế-giới đã phải nhìn nhận sự thắng-trận oai-vang của tinh-thần người Nhật-bổn. Gần ngót một ngàn triệu dân : Từ Trung-hoa, Ấn-độ, Phi-luật-tân, Nam-dương, Mã-lai cho đến Việt-nam, Ai-lao, Cao-miên và Miến-điện, thử hỏi nếu không có cái gương kích-thích của người Nhật-bổn thì trong hiện tại sao cho khỏi không còn ỳ-ạch dưới ách nô-lệ của bốn đế-quốc Anh, Mỹ, Pháp và Hòa-lan ?
……………………
(1) Tại Nhật-quốc, năm 1942, thủ-đô Đông-kinh có lần đã triệu-tập đại-hội Đại-Á-Châu.
(2) Thuộc chánh-phủ Nam-kinh.
(3) Ngày mồng 4 tháng 2 năm 1933, vì hội Vạn-quốc chối từ không chịu nhìn nhận những nguyên-tắc những chủng-tộc bình-đẳng.
NƯỚC NHẬT-BỔN SAU NGÀY CHIẾN-BẠI
Nhưng dù ảnh-hưởng của người Nhật ăn sâu vào tâm-khảm của những dân-tộc ở Á-châu đến đâu đi nữa, hôm nay nước Nhật cũng đã là một quốc-gia chiến-bại, đứng trên lập-trường quốc-tế không còn đủ sức-mạnh để gây sóng-gió trước những ai mà những giòng-giống da vàng đều cho là kẻ thù của xứ-sở. Nước Nhật đã sụp-đổ song kết-quả của sự quân Nhật chiến-bại nói cho đúng ra nếu có khốc-hại thì chỉ có khốc-hại cho riêng một mình Nhật-quốc mà thôi, còn bao-nhiêu những quốc-gia khác ở Á-châu từ lớn đến nhỏ đều đã thừa-hưởng được một di-sản tinh-thần vĩ-đại mà từ mấy nghìn năm lịch-sử tạo-hóa đã đem vun-quén trước tiên ở trong lòng của con người Nhật-bổn. Phong-trào dành độc-lập ở những quốc-gia nhược-tiểu chẳng qua chỉ là hậu-quả may-mắn nhưng chưa hoàn-toàn của tinh-thần quật-khởi mà do nó chính-phủ Đông-kinh đã đứng ra lãnh-đạo mà thôi. Cuộc cách-mạng thành-công ở Trung-quốc và trận giặc nguội càng ngày càng bành-trướng giữa hai khối Nga và Mỹ xét lại cho kỹ thì cũng chỉ là một hình-thức mới lạ của một chiến-thuật tự vệ tân-tiến của một kẻ trong quá-khứ rất yếu, nhưng hôm nay đã mạnh, và còn mạnh hơn nữa, trước một kẻ hùng-mạnh khác cũng còn muốn hùng-mạnh thêm lên để không bao giờ phải có một đối thủ đáng phải gờm ; và có lẽ cũng chỉ có thế mà thôi. Hậu-quả này tất-nhiên là do ở lực-lượng tinh-thần mà có.
Và dù muốn dù không, những ai trong dĩ-vãng hoặc trong hiện-tại đã hoặc đương mang phải cái bệnh cừu non biển nhỏ, đứng trước những làn khói của súng đạn vừa mới bốc lên cũng không sao không khỏi giật-mình hú-hồn cho hai chữ công-bằng và bình-đẳng, để lại không hú-hồn cho nền an-ninh và trật-tự của thế-giới
Hai nền luân-lý Âu-Á tự-lai đều luôn-luôn dạy rằng cần phải lấy tinh-thần mà bồi-bổ cho thể-chất, và nếu thể-chất được mạnh thì cũng phải lo mà chú-trọng đến tinh-thần. Tinh-thần trước đã, và tinh-thần trên hết mọi việc ; vì tinh-thần hấp-dẫn và điều-khiển tất-cả thế-giới. Trong việc huấn-luyện tinh-thần, nhiệm-vụ hướng-dẫn cho quốc-gia có một nền văn-hóa lành-mạnh và càng ngày càng thêm mạnh là một phận-sự rất thiêng-liêng đối với những ai chủ-trương lấy tổ-quốc làm trọng và phẩm-vị cốt-cách làm người làm cao-quý.
Nhân-loại xa-hoa càng ngày càng cách xa đạo-lý ; nhưng trong những lúc hữu-sự nếu cố tìm để tẩy trừ cho tuyệt-nọc một mối họa gì khó xử thì loài người tự-nhiên lại trở lại để tìm con đường ánh-sáng ở trong vòng đạo-lý. Do đó mà trong năm 1945, ngày quân Nhật chiến-bại, mang quân qua chiếm đóng Nhật-quốc, việc làm trước tiên của đại-tướng Mac Arthur là cấm tuyệt không cho quốc-dân Nhật-bổn tôn-sùng đạo Niệm như là một tôn-giáo chính-thức của quốc-gia nữa. Nhật-hoàng Hirohito từ tháng 8 năm đó đến mãi rất lâu về sau không bao-giờ được bộ tư-lệnh quân đồng-minh cho phép đặt chân đến khấn niệm Trời Đất trong đền-thờ Hoàng-gia của điện Ise ở
Đại-diện cho phe dân-chủ tự-do của một thế-giới văn-minh, trải qua nhiều thế-hệ hiển-hách luôn-luôn tự-hào là rất tôn-trọng quyền tự-do tín-ngưỡng của kẻ khác, bắt đầu từ ngày hôm ấy trở đi, nhân-danh là vị đại-lý toàn-quyền của trên 56 nước chiến-thắng, tổng tư-lệnh Mac Arthur một lần trong lịch-sử đã vượt khỏi quyền-hạn văn-minh làm người dân của một quốc-gia dân-chủ tân-tiến. Bao cửa đền-thờ đều khép chặt, nhưng những vị tu-sĩ gương-mẫu của đạo Niệm muôn thuở không bao giờ thấy vì đấy mà phải mang hận như những người đã phải lỗi đạo vì thời cuộc Xưa kia nước Nhật đương còn mọi rợ ; toàn-thể Á-châu không phải là một lực-lượng đáng kể ; những quốc-gia tư-bản Tây-phương tiến-hóa sớm hơn tha hồ đô-hộ và đục-khoét. Cai-trị được Á-châu, họ không thấy có gì khó-khăn hơn ngoài việc phải giải-quyết một vài vấn-đề kinh-tế lặt-vặt. Đến khi nước Nhật toàn-thịnh gây ảnh-hưởng khắp châu-Á, chủ-trương Đại Đông-Á ra đời hô-hào thâu hồi đất Á-châu lại trong tay người Á-châu, những "Mẫu-quốc từ tây-phương đến mới thấy hoang-mang và ngài-ngại. Nền đô-hộ rất có thể bị lung-lay. Cai trị thuộc-dân không còn chỉ phải giải-quyết một vài vấn-đề kinh-tế lặt vặt nữa, mà bao mối trở ngại khó-khăn trên những địa-hạt chính-trị, quân-sự và ngoại-giao lại thấy rang-rảng chỗi-dậy tua-tủa đòi quyền được quyết-định chu-tất. Nhưng khói lửa bốc lên làm càng thêm gay-cấn mọi khoản. Đối với những cường-quốc tên tuổi lâu nay quen thó! i đàn anh, cái tội đất bằng cả gan dám quậy lên thành sóng lộn, ngoài Đức, Ý ra, không thể trách cứ vào ai hơn là 4 đảo Phù-tang xanh biếc. Năm 1945, lúc bể cả đã trở lại thành ruộng dâu bằng-phẳng, mối căm-hờn của kẻ chiến-thắng tưởng chừng muốn xé năm xé bảy cái anh chàng gan dạ tý-hon kia đi mới phải. Nhưng thế-giới điêu-linh cần phải được bồi-bổ lại. Bao nhiêu nhược-quốc đương đứng lên đòi quyền độc-lập. Nga-sô đương gây-cấn khắp nơi. Làm sao cho có bạn-bè để đề-phòng một cơn giống-tố khác nếu không biết sớm nhân-cơ tùy-liệu áp-dụng đúng theo chính-sách của hai đạo Khổng, Mạnh "phú-quý bất năng dâm" ? Huống nữa, trong con người Nhật-bổn lại có một sức-mạnh tiềm-tàng làm sao không cần đến ; cho nên ngoài một vài biện-pháp quân-sự, chính-phủ Mỹ để y cho nước Nhật-bổn tồn-tại trong thể chế lập-hiến ; tha cho Nhật khỏi phải bồi-thường chiến-tranh ; lần lượt tái võ-trang cho Nhật để phòng ngày đem ra chinh-chiến với quân Nga (sau một thời-gian dài hoặc ngắn đã được cấp bằng dân-chủ) ; song chỉ cấm tuyệt có một việc là nước Nhật không được phép nhìn nhận đạo Niệm là một tôn-giáo quốc-gia, và do đó Nhật-hoàng không được phép đặt chân vào đền-thờ Hoàng-tộc tại điện Ise ở Kyoto nữa
Song người Nhật đã nhận chân rõ-rệt vì sao tuy chiến-bại mà vẫn còn được biệt-đãi ? Ngẫu-nhiên tất-nhiên không phải là ngẫu-nhiên. Hoàn-cảnh cũng không phải là hoàn-toàn nhờ ở hoàn-cảnh. Chỉ có tình-thế gây nên. Tình của người Mỹ tự thương người Mỹ và thế do thế-lực tinh-thần luôn-luôn hùng-mạnh của người Nhật gây nên. Người Nhật lạ thay lúc đã chiến-bại vẫn còn tin-tưởng ở mình và luôn-luôn hy-vọng vào tiền-đồ của xứ-sở.
Năm 1300 một lần Trung-hoa đã hăng-hái kéo binh sang công-hãm kinh-thành Nhật-quốc và 50 năm sau quân Mông-cổ tiếp theo cũng ồ ạt đổ-bộ lên đất nước Phù-tang ; nhưng Thánh-địa vẫn lại hoàn Thánh-địa và giặc ngoại-xâm không bao giờ thấy còn trở lại nữa. Hai bộ ngoại-giao và quốc-phòng Mỹ rất tán-thành chính-sách của đại-tướng Mac Arthur.
Tuy-nhiên với thời gian qua, bao-nhiêu những hình-thức cũ dần-dà đã thấy trở lại. Những đảng-phái chính-trị tạm-thời phải biến-thể cho sát với cuộc diện nước nhà, hăng-hái đã thấy trở lại, miệt-mài âm-thầm hành-động trong cơn giông-tố của giang-sơn
Nhiều nhân-viên cao-cấp của chính-phủ chiến-bại cũ đường-hoàng đứng ra tổ-chức lại đảng lập-hiến bảo-hoàng xưa thành một đảng "Xã-hội cấp-tiến" mới. Người Mỹ không lạ gì những hình-thức biến-thể tạm-thời nói trên. Song bởi quá tin-tưởng vào thế-lực kim-ngân của xứ-sở của họ, bởi quá tin-tưởng vào sức hấp-dẫn của một quan-niệm dân-chủ mà họ cho là thật-tình dân-chủ, họ làm bộ như không quan-tâm đến, vì để chế-ngự lại, họ đã tạo-dựng ra ở Đông-kinh một loạt trên 400 nghị-sĩ quốc-hội lọc-lựa rồi. Song tinh-thần của người Nhật-bổn như tôi đã nói ở chương trên, thật vô-cùng phức-tạp. Một người Tây-phương đến làm sao mà tường hiểu cho nổi. Sau bảy năm qua, nhóm nghị-sĩ nói trên khi không đã làm được nên chuyện. Không hoạt-động đắc-lực nỗi, họ cũng không thèm đóng vai thụ-động. Một lập-trường hờ-hững đến tuyệt-đích để giúp may cho những chánh-khách lỗi-lạc trong những giờ phút nghiêm-trọng của lịch-sử. Hôm nay Nhật-bổn đã lần lần tiến bước và đứng trên lập-trường chánh-trị, nước Nhật đã bán công-khai (nhưng cũng rất công-nhiên) đứng ra làm dây liên-lạc giữa hai quốc-gia Trung-cộng và Mỹ-quốc, để chuẩn-bị một ngày mai ngộ-nghĩnh hơn hiện giờ
Mọi người đều còn nhớ rõ lý do vì sao có cuộc đại hội-nghị kinh-tế giữa những quốc-gia Thái-bình-dương nhóm họp ngày 28 tháng 8 năm 1952 tại Hoa-thịnh-đốn trong đó có cả Anh, Pháp và Mỹ (lẽ cố-nhiên người dẫn đầu là Mỹ) ; và sau đó nước Nhật đã được phép chở những gì qua bán cho chính-phủ Bắc-kinh không nói chi gần đây, một nữ nghị-sĩ Nhật-bổn, tuy là lấy tư-cách cá-nhân nhưng cũng đã công-khai dẫn đầu một phái-đoàn kinh-tế cũng qua Bắc-kinh để đàm-đạo những cái gì cho xứ-sở ?
Sau khi Nhật-quốc cùng với phe Đồng-minh ký-kết bản hưu-chiến không điều-kiện (1), trên ba phần tư nhà máy kỹ-nghệ nặng và hóa-học của Nhật bị đóng cửa hoặc tiêu-hủy, và nhiều công-ty hợp-bổn lớn lao không được phép hoạt-động nữa.
Ngày mồng một tháng giêng năm 1946, để vừa được lòng kẻ chiến-thắng, vừa không làm lung-lạc tinh-thần của quốc-dân, vua Nhật-bổn tuyên cáo cùng xứ-sở những ý-chí mới mẻ của nhà vua và tuyên-bố sẽ khai-sinh ra một bản hiến-pháp tân-tiến hơn, cho được thích-hợp với quyền-lợi của quốc-dân và sát với những nhu-cầu của thời-cuộc. Ngày mồng 3 tháng 11 năm 1946, bản hiến-pháp mới nói trên đã được quốc-hội thông qua ra đời. Trong bản hiến-pháp nhà vua tỏ ra rất chú-trọng đến lợi quyền của những giới cần-lao vô-sản và những tổ-chức nghiệp-đoàn (2). Và ngày tháng chảy trôi, trong nước không bao giờ thấy có một sự gì biến-đổi khác thường xảy ra.
Toàn dân im lặng cần-cù và nhẫn-nại để đi tìm con đường tái-tạo và mạnh-dạn tiến bước trên nền-tảng tự-do và dân-chủ ; nhưng tự-do dân-chủ theo hợp-thuyết của hai quan-niệm Âu-Á có nghĩa là tôn-trọng phẩm-vị làm người cùng hạn-quyền của mỗi một người công-dân, và biết hành-động trong phạm-vi danh-dự và đạo-lý của một xã-hội có tổ-chức ; chứ không phải dân-chủ là phải mù-quáng thể theo sở-nguyện ít lý-luận và phần nhiều là rất thiếu ý-thức của nhiều người hợp lại mà những danh-từ chính-trị hiện giờ thường hay gọi một cách lờ mờ là đại chúng. Thế rồi rang-rảng trong những trang báo, thế-giới nhiệt-liệt hoan-nghinh đất nước Phù-tang vựng-tu mau lẹ vì hàng-hóa Nhật-quốc một lần nữa, mặc cho hai dân-tộc Anh Mỹ hoang-mang, lại bắt đầu rang-rảng nối gót nhau tải liền đi khắp năm châu. Những công-ty hợp-bổn lớn lao như : Mitsui, Mitsubushi(?), Yasuda, Sumitomo, thậm chí đến hãng Dainan Koosi mà mọi người đều biết là của sở hiến-binh Nhật trong thời-kỳ chinh-chiến, nay đã đường hoàng công-khai tổ-chức hoạt-động lại như cũ. Hoàng-đế Hirohito tự-tiện không cần hỏi đến phép của bộ Tư-lệnh Đồng-minh, khăn áo chỉnh-tề lại trở lại ung-dung khấn-niệm trong điện Ise. Chính-phủ Yoshida hiện-hữu chập-chờn nhường ghế lại cho phái quân-nhân cũ. Đảng cộng-sản tuy quá khích song cũng không vượt quá quyền-lợi của quốc-gia. Cựu thủ-tướng Tojo được cất nhắc lên hàng vĩ-nhân anh-hùng của dân-tộc. Toàn dân đòi hỏi phóng-thích cho những sĩ quan chiến-phạm hiện đang bị cấm-cố tại m�! ��t hải-đảo ở Phi-luật-tân.
Chính-phủ Eisenhower cần gấp rút tái võ-trang lại cho quân Nhật ; chính-phủ Nhật không từ chối, song còn bắt buộc điều-kiện này điều-kiện kia. Một đội không-quân hùng-mạnh gồm ngót 600 chiếc phi-cơ phản động-lực Nhật đã sẵn-sàng trên giấy mực ; song người Nhật chưa chịu dễ-dàng cùng chung một số-phận với Hiệp-chúng-quốc Huê-kỳ.
Trong lúc đó, trên những thứ hàng xuất-cảng, nhãn-hiệu không còn đề là Made in Japan occuped mà chỉ để gỏn-gọn có 3 chữ Made in Japan, đơn-giản ngụ đầy ý-nghĩa, không khác gì trong những thời-buổi oanh-liệt của hồi năm xưa.
Sau trận thế-giới đại-chiến lần thứ nhất, nước Đức phải để mất ngót trên 20 năm mới phục-hồi được vận-mạng. Ngày hôm nay, sau một khoảng thời-gian không quá 7 năm, nước Nhật đã làm cho cả thế-giới hoang-mang. Xét lại ba phương-diện : Chính-trị, quân-sự và ngoại-giao, chính-phủ Mỹ do tổng-thống Truman lãnh-đạo đã lầm-lẫn rất lớn (3) trong những lúc ký-kết hiệp-ước đình-chiến không điều-kiện với quân Nhật. Việc để cho Nga-sô bất chiến tự-nhiên thành lại được quyền chiếm-đóng những hải-đảo Kouriles lại càng là một lỗi-lầm lớn hơn nữa. Cùng với Kouriles, Vladivostock, Sakhaline, Kamtchaka, bắc Cao-ly v.v Nga-sô đã xây-đắp một hàng rào pháo-đài kiên-cố để phong-tỏa tất-cả những lực-lượng Mỹ-quân ở Nhật-quốc, và từ đấy bành-trướng thế-lực để dễ-dàng ăn qua bên kia bờ của bể Thái-bình-dương. Trong hiện tại, nước Mỹ đã tỉnh-ngộ ; song mọi việc tuồng như đã muộn đi rồi. Nhưng càng muộn lại càng may cho một số lớn những quốc-gia nhược-tiểu hoặc bán đô-hộ ở Á-đông mà trong số đó cố-nhiên là có cả quốc-gia Nhật-bổn nữa.
Tạo hóa đã vạch định thế nào là vinh-quang cho những quốc-gia có thiện-chí và ở đâu là phần thưởng dành riêng cho những thế-hệ sẵn-sàng đi theo con đường của đạo-lý.
Người ta bảo Trung-quốc là Cộng-sản, tương-lai của Á-châu mờ ám và đất nước của chúng ta sẽ bị tiêu-mòn dưới gót giày vô-thần của thuyết Cộng-sản vô tổ-quốc. Tôi không phải là một nhà tiên-tri và cũng không có đủ tài-năng lỗi-lạc về chính-trị để tiên-đoán không lầm những việc sắp xảy đến. Tôi chỉ xin nhắc lại sau đây một câu chuyện giữa ông Trần Canh, tôi, một chính khách hiện đương đầy dẫy thế-lực trong chính-phủ Thái-lan, và một nhà ngoại-giao ngoại-quốc cao-cấp ở Vọng-các, trước ngày lãnh-tụ Mao-Trạch-Đông << bị in trắng >> chấp chính ở Trung-quốc.
<< bị in trắng >>
(1) Diên-An là thủ đô của Cộng-đản Trung-hoa trước ngày cách-mạng thành-công.
<< bị in trắng >>
Hiện giờ ông ta là một trong 4 vị cố-vấn của chính-phủ Bắc-kinh.
<< bị in trắng >>
(( bị chú của ERCT : khung bị in trắng có lẽ do kiểm duyệt thời bấy giờ ))
Nhưng vì vận-mệnh của Trung-quốc trong giai-đoạn này có liên-can đến Nhật-quốc và có thể ảnh-hưởng rất nhiều đến tương-lai của nhiều quốc-gia ở Á-châu sau này, tôi lại xin viết ra đây một ý nghĩ mà tôi cho là dù thời-thế có đổi-thay đến thế nào đi nữa cũng sẽ không có thể khác hơn được. Cuộc chiến-bại của Nhật-quân năm 1945 chỉ là cuộc chiến-bại của một phái quân-nhân hiếu-thắng. Hậu quả của cuộc chiến-bại này chỉ là một giai-đoạn nghỉ-ngơi để cho một quốc-gia đã hùng-mạnh càng thêm hùng-mạnh hơn nữa. Bao nhiêu những quốc-gia khác ở Á-châu đương còn cố tiến cho kịp ; và cái giai-đoạn nghỉ-ngơi này cũng là một cái trạm dừng chân để đợi chờ một sự gặp-gỡ mới-mẻ khác giữa những quốc-gia ở Á-châu trên một lập-trường nhân-đạo và tân-tiến hơn nữa. Và lúc nào những lực-lượng thực-dân không còn tồn-tại nữa thì chế-độ Cộng-sản vô-thần ở Á-châu tự-nhiên sẽ rụng dần để không bao giờ ghi lại một vết-tích gì thêm ở trên toàn-thể lãnh-thổ của những quốc-gia ở Á-châu. Và do tinh-thần đạo-lý chuốt lọc trong lò đau thương của mấy năm trời chinh-chiến vừa qua, nước Nhật trở lại hùng-mạnh cùng với toàn-thể Á-châu đương chỗi dậy sẽ tự mình mạnh-dạn chuẩn hướng thế-lực mình lại để mưu cầu hòa-bình và hạnh-phúc. Đạo-lý giúp sức cho thế-lực và thế-lực bổ-sung cho đạo-lý để đạo-lý sẽ mãi mãi giữ thế quân-bình cho thế-giới, và hướng-dẫn cho những khả-năng của các dân-tộc để không bao giờ còn có chiến-tranh, không bao giờ còn lại chế-độ thực-d! ân và cũng không còn có chủ-trương cộng-sản nữa.
Tương lai của thế-giới và hạnh-phúc của loài người từ nay trở đi dù có xảy ra hay không xảy ra một trận đại-chiến lần thứ ba, cũng sẽ phải do từ Châu-Á của chúng ta mà nên. Đã đến lúc Á-châu chúng ta phải chỗi-dậy, đóng một vai-tuồng trọng-yếu trong lịch-sử văn-minh của nhân-loại. Nhật-quốc cũng như Trung-hoa, cũng như quốc-gia chúng ta, thảy thảy chúng ta không thể không nghe tiếng còi báo-động của giang-sơn. Một khối Liên-Minh Đông Nam-Á dung-hòa thế-lực trong một khối liên-hiệp Á-châu giữa bản-đồ năm châu (4) ; đấy chính là căn-bản thiết-yếu để đưa đẩy tương-lai nhân-loại đi đến một thế quân-bình và may-mắn hơn xưa. Đấy cũng là một nhiệm-vụ của Nhật-quốc, đấy cũng là một nhiệm-vụ của Việt-nam và mục-đích chung cho tất-cả những quốc-gia dân-chủ biết yêu-chuộng tự do và hòa-bình. Và dù muốn dù không chúng ta cũng còn phải học-hỏi rất nhiều hơn nữa nơi con người và quốc-gia Nhật-bổn.
HẾT
(1) Trên chiếc chiến-hạm
(2) Lịch-sử nghiệp-đoàn đã thấy xuất-hiện ở Nhật-quốc ngay từ năm 1897 : Lãnh-tụ là ông San Katayama du-học ở Mỹ-quốc về ; nhưng liền bị chánh-phủ cấm tuyệt. Đến năm 1912 và qua năm 1918 lúc cuộc cách-mạng xô-viết ở Nga-sô thành-công thì lại thấy xuất-hiện lại. Năm 1931 chính-phủ Nhật-bổn đề-nghị với quốc-hội cho phép thành-lập nhiều tổ-chức nghiệp-đoàn theo thể-thức nghiệp-đoàn của các nước Tây-phương. Nghiệp-đoàn ở Nhật có tánh cách hoàn-toàn xã-hội : Xu-hướng chính-trị thiên về phái quốc-gia. Ở Nhật hiện có hai tổ-chức nghiệp-đoàn rất lớn : 1/ Liên-hiệp những nghiệp-đoàn quốc-gia ; trong quốc-gia, trong quốc-hội ủng-hộ nhóm xã-hội dân-chủ ; và 2/ Liên-hiệp những nghiệp-đoàn thống-nhất làm một. Đã thu hút được tất-cả bốn triệu lao-công.
Thủy-tổ nghiệp-đoàn ở Nhật là ông San Katayama nói trên. Ông Katayama sinh năm 1859 ; con nhà điền-địa. Du-học ở Mỹ-quốc, năm 1897 về nước thành-lập một phong-trào xã-hội và hô-hào hưởng-ứng những tổ-chức nghiệp-đoàn. Bị trục-xuất ra khỏi nước vì đã đứng ra dẫn đầu nhiều vụ đình-công. Ông Katayama trở lại Mỹ-quốc và thành-lập ra đảng Cộng-sản đầu tiên của Nhật. Năm 1921 ông đã du-hành qua Mạc-tư-khoa, đảng Cộng-sản Nhật-quốc bắt đầu được thành-lập từ lúc đó ; nhưng trái với ở những nước khác, những đảng-viên Nhựt-cộng gồm toàn những nhà trí-thức chứ không thấy hấp-dẫn được nhiều phái thợ-thuyền và lao-công.
(3) Lầm-lẫn đây chỉ có ý nói là lầm-lẫn đối với lợi quyền của Hiệp-chúng-quốc Huê-kỳ mà thôi chứ không có ý nói một cách tổng-quát chung cho tất-cả những quốc-gia khác như đã giải-thích.
(4) Xem ở trang 3
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét