Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

Ba Vu Bi An.html

Ba Vu Bi An.html


Thông tin ebook

Tên truyện: Ba Vụ Bí Ẩn

Tác giả: Alfred Hitchcock

Dịch giả: Đài Lan

Thể loại: Trinh thám

Nhà xuất bản: Trẻ

Tủ sách: Tuổi Hồng

Năm xuất bản: 1997

Tái bản: 1999

Số trang: 137

Số quyển / 1 bộ: 1

Hình thức bìa: Bìa mềm

———————————–

Nguồn: http://vnthuquan.net

Đánh máy: HanAn

Chuyển sang ebook (TVE): santseiya

Ngày hoàn thành: 23/11/2009

Nơi hoàn thành: Hà Nội

http://www.thuvien-ebook.com


Mục Lục

MỞ ĐẦU

BÍ ẨN 5 VỤ TRỘM

I.

II.

III.

IV.

V.

VI.

VII.

KẾT LUẬN

VỤ BÍ ẨN 7 CÁI ĐỒNG HỒ

1.

2.

3.

4.

5.

6.

7.

KẾT LUẬN

VỤ BÍ ẨN NGƯỜI ĐÀN ÔNG BỐC HƠI

1.

2.

3.

4.

5.

6.

KẾT LUẬN


MỞ ĐẦU

Xin chào.


Alfred Hitchcock chúc mừng bạn đã đến văn phòng tìm kiếm, điều tra và theo dõi của ông và hôm nay ông xin ra mắt một phát minh hết sức đặc biệt.


Đó là một quyển sách đầy nỗi lo sợ và bí ẩn, nhưng dưới dạng "tự làm lấy" hay "tự xoay xở tìm ra" - ít nhất đối với những bạn thích đánh giá khả năng thám tử của chính mình bằng những mẫu chỉ dẫn.


Còn những bạn thích rượt đuổi theo dấu vết tên trộm và la lớn "Uẩy!" "Uẩy!", thì các bạn hãy để tôi làm. Các bạn cứ chạy tùy thích. Các chỉ dẫn, để tôi lo. Tôi sẽ theo sau các bạn này lượm lặt và sắp xếp lại theo thứ tự, khi tôi tự cho phép mình can thiệp vào trong câu chuyện.


Vài lời cuối. Một số bạn ủng hộ tôi nhiệt tình nhất đã nghĩ ra một trò chơi. Cả gia đình tập hợp lại và mỗi thành viên lần lượt đọc lớn tiếng một trang sách này. Ngay khi có ai nghĩ mình đã tìm thấy một chỉ dẫn, thính giả đó la lên một tiếng và ghi được một điểm. Việc đọc sách tạm ngưng và cả gia đình thảo luận xem đó có phải là một chỉ dẫn thật sự không, và chỉ dẫn có nghĩa gì.


Đây là một cách thức rất hay để chơi tập thể. Nhưng dù các bạn có chơi thử hay không, tôi xin các bạn đừng phạm quy tắc nghiêm ngặt nhất của những người yêu thích vụ bí ẩn: khi bạn đã đọc xong một câu chuyện, bạn không được tiết lộ bí mật cho ai hết.


Bạn đã bỏ công đọc một câu chuyện từ đầu đến đuôi phải không? Vậy thì bạn bè của bạn cứ việc làm như thế.
 
Alfred Hitchcock.


BÍ ẨN 5 VỤ TRỘM


I.

ALFRED HITCHCOCK: Xin phép cho tôi phát biểu một lát.
Tôi nghĩ chắc là các bạn yêu thích xiếc chứ? Khi tôi còn bé – phải, dù các bạn có thấy lạ, tôi cũng đã từng là một cậu bé, mọi cậu bé lứa tuổi tôi đều mơ vào rạp xiếc làm việc hoặc trở thành thám tử giống như Sherlock Holmes. Tôi đã không quyết định được nên chọn con đường nào và các bạn đã biết tôi trở thành gì rồi. Thôi, ta hay bỏ qua chuyện này. Còn các bạn, các bạn có thể thực hiện cả hai ước mơ này, mà không rời khỏi chiếc ghế bành của mình. Các bạn chỉ việc cảnh giác để tìm ra các chỉ dẫn, trong khi Jerry Mason điều tra về Bí Ẩn 5 Vụ Trộm.


II.

Vừa mới rời con đường lớn, Jerry cảm nhận thấy ngay là có điều gì đó không ổn tại rạp xiếc Clanton, nơi cậu đang đi đến.


Cậu tiến đến gần mấy chiếc xe lán và túp lều từ phía sau và có thể nhận rằng không có gì thay đổi từ khi cậu vào thành phố để gởi bức thư bảo đảm cho chú Frank cách đây hơn một tiếng.


Tuy nhiên, Jerry cảm thấy có một cái gì đó không bình thường.


Jerry cao gầy, có mái tóc vàng rối bù. Niềm say mê của cậu la làm rõ những tình huống rối rắm… Jerry đứng lại xem xét gánh xiếc nhỏ thật kỹ.


Tuốt ở phía cuối; có cái lều to, màu mè sặc sỡ, nơi hằng ngày diễn ra xuất sáng và xuất tối các tiết mục. Một lá cờ đuôi nheo mang dòng chữ XIẾC CLANTON đang bay phất phới trên đỉnh cột trung tâm. Jerry cảm thấy tự hào mỗi khi nhìn thấy cờ. Đây là lần đầu tiên cha mẹ cho phép Jerry theo gánh xiếc đi một vòng biểu diễn ở các tỉnh và thành phố. Đây cũng là năm đầu tiên chú Frank của Jerry sở hữu gánh xiếc; chú đã bỏ toàn bộ số tiền dành dụm được mua lại gánh xiếc của ông Claypole Clanton, chủ cũ.


Trong gánh xiếc không bao giờ thiếu việc làm, và nhiệm vụ của Jerry là giúp việc cho tất cả những ai cần. Đặc biệt, Jerry giúp chú mình làm kế toán và thậm chí cậu được phép xuất hiện trên sàn diễn cùng nhóm hề.


Bây giờ, sau một mùa hè cùng gánh xiếc, Jerry tự cho mình là dân xiếc thực thụ và rất muốn được đối xử như vậy, vì bạn bè vẫn coi Jerry là lính mới.


Jerry quan sát gánh xiếc thật tỉ mỉ. Bên cạnh lều con để biểu diễn, có lều ngoài màu xanh trắng, rồi đến lều cho thú, màu đỏ hoàn toàn. Sau đó là lều bếp và lều phòng ngủ. Cuối cùng là xe tải và xe lán, để chở cả thế giới nhỏ cách biệt của gánh xiếc Clanton từ thành phố này đi thành phố khác.


Tất nhiên, đó chỉ là gánh xiếc nhỏ xíu, nhưng với Jerry, nó là gánh xiếc giỏi nhất Hoa Kỳ.


Jerry tiếp tục bước tới từ từ, vẫn lo lắng suy nghĩ. Jerry không phát hiện được điều gì bất thường hết, nhưng cảm giác lo lắng vẫn còn đó.


Đột nhiên, Jerry hiểu ra.


Đó là bầu không khí im lặng.


Vào giờ này, một buổi sáng tháng tám đẹp trời, đáng lẽ gánh xiếc phải thật ồn ào. Phải có tiếng búa gõ vào cọc lều, tiếng sư tử gầm, tiếng voi ré, tiếng nói chuyện xì xào, đáng lẽ phải có khoảng một chục tiếng ồn đặc trưng vang lên từ khắp mọi phía, chuẩn bị cho buổi diễn chiều nay.


Thay vào đó, lại là bầu im lặng. Hay gần như vậy.


Tất nhiên là có nghe vài tiếng động, nhưng ít quá!…


Và sự im lặng không trọn vẹn này như có một cái gì đó đe dọa. Căng thẳng. Gần như dễ sợ.


Khi đến gần xe lán đầu tiên, Jerry thấy có khá đông người đứng ở ngoài và tất cả đều đang nhìn về cùng một hướng, nhìn túp lều lớn hay có thể là nhìn xe lán của chú Frank đậu bên cạnh.


Ông Fissel đang đứng cạnh xe mình và có vẻ lo âu. Ông Fissel là nghệ sĩ nhào lộn. Trên áp phích giới thiệu tên ông: Fissel, người thắt nút thòng lọng. Đúng lúc này, ông đang đứng trên hai tay, hai cẳng để phía sau, nên hai bàn chân thòng qua vai ông và lủng lẳng hai bên cằm ông. Ông có ba mươi tuổi nghề và luôn luyện tập để giữ thể hình dẻo dai.


– Chú Fissel ơi – Jerry lo lắng hỏi – có chuyện gì vậy hả chú? Có điều bất hạnh xảy ra à?


Ông Fissel lắc đầu ra hiệu không biết gì hết. Rồi ông từ từ kéo tứ chi ra, đứng bình thường trở lại.


Jerry bước nhanh hơn.


Phía bên kia đường là xe tải của Anderson, cao bồi chuyên ném dây thòng lọng. Anh đang luyện tập bằng cách nhắm một cái cột, ở khá xa. Jerry ngạc nhiên thấy anh chàng cao bồi ném dây trật đích và kéo dây về mà không nhận thấy anh đã thất bại. Anh cao bồi cũng không rời khỏi xe lán giám đốc. Jerry nhớ lại là có nghe nói vợ anh Anderson đang nằm bệnh viện và anh phải gởi toàn bộ số tiền lương cho vợ.


Sau xe anh chàng cao bồi, là xe lán của Imo và Jimo, hai nghệ sĩ tung hứng người Nhật, luôn im lặng, luôn nghiêm trang, đang cầm mấy quả chùy, lo lắng đến nỗi quên tung hứng.


Đối diện là Ahmed và Abdullah, nghệ sĩ nhào lộn người Ai Cập, đang chuẩn bị tiết mục. Abdullah đứng dạng chân ra. Anh để cân bằng trên đầu một thanh bằng nhôm, dài hai mét, dày mười centimét, có nút cao su bịt ở hai đầu. Ở đỉnh thanh, lộn ngược đầu. Ahmed đang lắc lư. Jerry đang tiến đến gần thì Ahmed mất thăng bằng, rơi xuống. Anh nhảy lộn nhào trên không và rơi xuống trên hai chân. Thanh nhôm rơi xuống đất, phát ra một tiếng đục, gần trúng chân Ahmed.


Khi bị vụng về như thế, bình thường người đàn ông nhỏ da nâu đã chửi thề bằng một ngôn ngữ khàn nhiều âm gió – có thể là tiếng Ả Rập, nhưng không phải tiếng Ả Rập văn học. Hôm nay, anh không nói tiếng nào. Anh chỉ lượm thanh nhôm lên, cầm thật chặt bằng một tay, rồi quay mắt về lều trung tâm, cũng như mọi người khác.


Trước xe lán kế tiếp – có kích cỡ khác thường – có hai người đang đứng: người khổng lồ Grossomodo – cao 2,47 mét, số giày 54 – và sĩ quan Microbe – cao 1,14 mét, cân nặng 20,5 ký. Grossomodo có khuôn mặt dài thòn, nét mặt như luôn thắc mắc một điều gì đó. Microbe đeo kim cương ở mười ngón tay và ăn mặc thanh tao như một người mẫu. Những người hay nói xấu trong gánh xiếc bảo ông cứ mắc nợ như chúa chổm, vì mua quá nhiều quần áo và trang sức. Thật vậy, ông không bao giờ mặc một bộ quá hai tháng.


Chưa bao giờ thấy ông sĩ quan xuất hiện trước công chúng mà không có cây gậy nhỏ bằng gỗ đánh bóng, tay cầm cong lại, mà ông dùng để kêu gọi sự chú ý của mọi người bằng cách móc gậy vào cánh tay người ta. Đúng lúc này, ông đang dùng cách đó đeo vào cùi chỏ của Grossomodo.


– Đồ cái thùng phuy! Ông sĩ quan mắng Grossomodo bằng cái giọng the thé – Mày có chịu kéo ta lên không! Ta không thấy gì hết!


– Có gì đâu mà thấy – Grossomodo vừa càu nhàu vừa chắp hai bàn tay lại để cho ông sĩ quan để chân trèo lên.


Microbe ngồi trên vai Grossomodo như trên cái chòi. Và giữ thăng bằng bằng cách níu vào mái tóc bạn.


– Có chuyện gì vậy! Jerry hỏi. Tai nạn hả?


Grossomodo lắc đầu, làm ông sĩ quan xém ngã.


– Mày có chịu đứng yên không? Microbe hét lên. Bộ muốn giết tao hả?


Hai người luôn cãi nhau, nhưng luôn đi chung và cảm thấy buồn khi vắng mặt một người.


– Đó là Jerry – người khổng lồ nói.


– Tao biết là Jerry chứ. Tao cũng có mắt mà! Người lùn vừa đáp vừa nhìn Jerry từ đầu đến chân. Ông luôn thích thú khi được nhìn mọi người từ trên cao.


– Chúng tôi có thể nghe tiếng ai đó la – ông giải thích với Jerry. Nhưng khi chúng tôi ra, thì hết rồi.


– Tôi dám cá là lại có vụ trộm nữa – Grossomodo càu nhàu. Nếu đúng vậy, tôi sẽ xin nghỉ việc, hiểu chưa?


– Phải chờ tao kiếm ra cây gậy đã – ông sĩ quan lùn nói. Cây gậy đẹp nhất của ta, cây gậy may mắn của ta! Còn mày nữa, người ta phải trả lại đôi giày cho mày, đôi giày đẹp của mày.


– Tôi sẽ xin nghỉ việc – người khổng lồ lặp lại. Mặc kệ cây gậy và đôi giày.


Jerry đi tiếp. Nếu Microbe và Grossomodo thật sự quyết định rời bỏ gánh xiếc, thì đó là sẽ là tin xấu cho chú Frank! Khán giả rất yêu thích hai người này.


Jerry định chạy cho nhanh, thì nghe có ai gọi tên mình. Cậu quay lại và thấy một bà già mỉm cười, mặt mày nhăn nheo và ánh mắt long lanh, đang đứng phía sau Jerry, bị xe tải che khuất một phần. Đó là Fortunata, bà coi bói, mặt bộ váy bôhêmiêng màu mè sặc sỡ. Bà cầm con két Mr. Coco trên tay. Nó nghiêng đầu sang một bên và con mắt tròn xoe của nó nhìn chằm chằm vào Jerry.


– Phiền phức, phiền nhiễu! Két đột ngột la lên.


– Mày im đi – Fortunata trả lời với con két – Mày chỉ là chim. Nhưng về phiền phức, thì tao sẽ không ngạc nhiên, nếu chúng ta lại gặp phiền phức. Có điều bất hạnh xảy ra với bà Winifred.


– Bà dạy rắn hả? Bà ấy bị bệnh à? Jerry hỏi.


– Phiền phức, phiền nhiễu! Két lập lại.


– Nếu bị bệnh, bà ấy sẽ không la to thế đâu – Fortunata nghiêm mặt lại nói. Bà Winifred rất giận dữ. Hiện chắc bà đang ở chỗ chú của cậu đấy. Hình như người ta lại ăn cắp một cái gì đó nữa.


– Nữa à! Hy vọng là không – Jerry kêu. Để cháu đến xem có giúp gì được chú Frank không?


Jerry chạy đến xe lán của chú. Dọc đường, Jerry đi ngang qua sáu anh em bay Ferdinand, và chàng Espadon u sầu; một nhóm, thay vì biểu diễn tiết mục nhào lộn, người kia, thay vì nuốt kiếm, đều nhìn chiếc xe lán ở phía đầu. Jerry hổn hển lao đến đó.


Frank Mason đang ngồi phía sau bàn làm việc. Gương mặt sạm đi vì nắng gió của chú đang hết sức nghiêm trang. Bà Winifred ngồi đối mặt với chú, bà là một người phụ nữ thấp nhỏ và tròn trịa được mệnh danh là Nữ hoàng Rắn. Trên áp phích, người ta thấy bà cùng với tất cả các loài bò sát của rừng rậm, nhưng ngoài đời bà là một phụ nữ đôn hậu thích đan áo cho bạn bè. Đúng là hiện giờ, có con rắn đang quấn quanh tay trái của bà như chiếc vòng đeo tay khổng lồ và đang vuốt má bà bằng cái đầu hình tam giác của nó.


– Jerry ơi! Bà Winifred kêu. Cháu có thấy nó không? Cháu có thấy con Belle cưng bé bỏng của dì đâu không?


– Belle à? Jerry nói lại.


Jerry cố nhớ xem người nào mang tên này.


– Phải, con Belle bé bỏng xinh xắn của dì. Trắng tinh, có đốm đen, bạn thân nhất của dì, bạn yêu quí nhất của dì. Người ta đã lấy mất của dì! Người ta bắt cóc nó mất.


Bà Winifred luôn nói về rắn của bà như về những con người thật.


– Ăn cắp à! Jerry vừa nói vừa thả mình ngồi xuống ghế. Dì có chắc không?


– Chú cũng đang hỏi bà Winifred như thế – Chú Frank lầm bầm.


Chú cúi người về phía trước.


– Chị Winifred à, chị cũng biết là rắn có thể chui qua mọt khe hở nhỏ xíu. Có thể Belle…


– Không, không! Không thể nào được! Bà Winifred la lên. Chỉ có một cửa sổ có lưới rất chắc chắn. Có kẻ đã cắt lưới để lấy cắp Belle. Mời anh ra xem tận mắt.


Frank Mason và Jerry đứng dậy.


– Đó là điều hay nhất cần làm – chú của Jerry nói. Chị Winifred à, chị hãy ngồi lại đây và bình tĩnh lại. Chúng tôi sẽ tìm ra Belle, nếu sức người làm được.


Bỏ lại bà dạy rắn ngồi trong xe lán văn phòng, hai chú cháu đi ra ngã sau, không để ý đến những cặp mắt dán về mình.


– Jerry ơi – ông Mason vừa nghiêm trang nói vừa bước về một chiếc xe lán màu xanh ôliu có ghi tên BÀ WINIFRED bằng chữ to. Tình hình trở nên gay go lắm. Phải chăng trong ta có kẻ điên? Cách đây năm ngày, người ta lấy cắp đôi giày đẹp nhất của Grossomodo; đêm sau, là cây gậy may mắn của sĩ quan. Đêm sau nữa, thì dây thòng lọng tốt nhất của Anderson biến mất. Hôm qua, Espadon không tìm ra được một cây kiếm. Còn hôm nay, thì một con rắn xổng chuồng. Chú không thấy có gì lôgic trong những chuyện này hết.
Jerry không trả lời. Cậu không hiểu ai có thể lấy cắp một lô đồ vật không giá trị thực như vậy. Jerry nhớ đến một vụ trộm khác, mà chú Frank không nói đến. Một viên kim cương, có tên là Ngọn Lửa Xanh đã bị đánh cắp ở viện bảo tàng Millerton, cách đây năm ngày, đúng khi gánh xiếc Clanton đang biểu diễn. Và Ngọn Lửa Xanh trị giá gần 100000 đô-la…


Không chú ý đến phần trước xe lán bà Winifred, được bố trí thành căn hộ khá tiện nghi, chú Frank đi đến phần sau, nới có thể vào bằng hai cánh cửa, một bằng kim loại, một bằng lưới nhỏ. Phía sau cánh cửa thứ hai, có bảy tám cái chuồng bằng thủy tinh trong đó những con rắn màu sắc khác nhau cuộn tròn lại. Một con trăn ngẩng đầu lên.


– Bà Winifred nói đúng – chú Frank nhận xét. Belle không thể nào chạy trốn được. Bà Winifred luôn nhốt mấy bạn nhỏ này rất kỹ. Nhưng cháu nhìn lưới của cửa sổ thông gió kìa: nó bị cắt.


Cửa sổ độc nhất rất nhỏ – cạnh dài bốn mươi centimet – và nằm tuốt ở cuối xe lán, dưới mái. Tấm lưới bị cắt dọc theo mép.


– Ta hãy ra nhìn từ phía bên ngoài – ông Mason nói.


Hai chú cháu bước ra khỏi xe lán và nhận thấy cửa sổ nằm rõ ràng phía trên đầu ông Mason.


– Cháu hãy leo vào nhìn vào thử – ông Mason ra lệnh và chuẩn bị giúp Jerry trèo lên.


Đúng lúc đó, Jerry la lên:


– Chú nhìn kìa!


Tại đó, dưới đất, ngay phía dưới cửa sổ, có vết chân trên cát. Đó là một dấu chân to tướng, dài và rộng gần gấp đôi một dấu chân bình thường.


– Grossomodo – chú Frank nói khẽ. Ông ấy đã đến đây tối hôm qua.


– Trừ phi… Jerry ngập ngừng. Để cháu tìm thêm dấu vết nữa.


Với sự giúp đỡ của chú, Jerry trèo lên cửa sổ. Tấm lưới bị cắt ở các cạnh và phần dưới, để có thể bị đẩy vào bên trong. Jerry thò đầu và vai vào bên trong xe lán. Ở phía dưới, ngoài tầm tay của Jerry là mấy chuồng rắn. Một chuồng trống rỗng. Ngoài ra, tất cả có vẻ ổn.


Jerry rút đầu ra, trượt xuống đất.


– Grossomodo không thể nào để cho vai lọt qua cửa sổ này nổi – Jerry nhận xét. Mà Grossodomo rất sợ rắn.


– Còn Microbe? Ông ấy có thể lọt qua và cúi vào bên trong.


– Nhưng tay ông ấy sẽ ngắn quá. Ông ấy không với tới Belle nổi.


– Cậy gậy! Ông Mason kêu lên. Ông ấy luôn dùng gậy móc kéo người ta lại. Có thể ông ấy móc Belle ngay giữa thân, rồi kéo lên. Có thể người khổng lồ và người lùn làm việc chung.


– Nhưng chú Frank ơi – Jerry phản đối – người ta đã lấy cắp đôi giày của Grossomodo và cây gậy của Microbe mà! Kẻ khác đã có thể dùng những vật này để làm lạc hướng nghi ngờ của ta!


Ông Mason im lặng cắn môi. Những vụ trộm vô lý ấy đã tạo nên bầu không khí nghi ngờ lo lắng đè nặng lên thế giới nhỏ bé của gánh xiếc Clanton.


– Có thế cháu nói đúng – Chú Frank thừa nhận- Nhưng có thể, Grossomodo và Microbe nói láo là bị lấy cắp đồ.


– Thế còn dây thòng lọng của Anderson? Còn cây kiếm của Espadon?


– Microbe có thể lẻn vào cái xe để trộm những vật này. Chú dám chắc cây kiếm có công dụng cắt tấm lưới cửa sổ. Còn thòng lọng có thể dùng để cột cái rương hay cái thùng để giấu con Belle.


– Nhưng để làm gì? Jerry hỏi, vì cậu không muốn Grossomodo và sĩ quan là thủ phạm.


– Chú không biết. Có thể để làm cho thám tử điều tra về vụ trộm viên kim cương Millerton bị rối trí. Ta sẽ biết lý do khi tìm ra con rắn. Chú sẽ cho lục soát toàn bộ gánh xiếc, từng centimét một. Và chú sẽ đặc biệt chú ý đến xe lán của sĩ quan và người khổng lồ.


– Chú Frank ơi, chú đừng để họ biết là chú đang nghi ngờ họ – Jerry khuyên. Grossomodo đang đòi nghỉ việc, ông ấy chán nản lắm rồi.


– Tất cả chúng ta đều chán nản – ông Mason vừa đáp vừa bước về văn phòng. Nếu không tìm ra Belle, thì sẽ có rất nhiều vụ đào ngũ. Có thể chúng ta sẽ không còn đủ người để diễn. Nếu vậy, chú sẽ phải tạm biệt số tiền đã đầu tư vào gánh xiếc này.


Trong xe lán, hai chú cháu gặp lại bà Winifred đang tỉ tê điều gì đó với con rắn quấn quanh ở tay trái của bà. Bà ngước mắt lên, tràn trề hy vọng.


– Ông đã tìm ra Belle chưa?


– Chưa – ông Mason nói – Nó dài bao nhiêu?


– 77 centimét từ đầu đến chân, nếu có thế nói là nó có đầu có chân – bà Winifred trả lời. Đường kính 9 centimét, tính tình rắn rất dễ thương. Tất nhiên là giờ nó đã già, và tôi không thể dùng trong tiết mục của tôi nữa, nhưng tôi vẫn còn thương nó lắm.


– Chúng tôi sẽ lục tung gánh xiếc để tìm cho ra nó – ông Maon tuyên bố. Chị về xe chuẩn bị diễn đi.


– Tôi đi tắm cho Hercule, con trăn của tôi – bà Winifred đáp. Sau đó, tôi sẽ nấu trứng cho các con cưng của tôi.


Bà bước ra. Ông Mason thở dài.


– Jerry à, cháu đi gọi chú thám tử Parker dùm chú nhé? Ta sẽ gọi Jack Farrell và hai người đáng tin cậy khác để lục soát tất cả những cái rương, những cái vali, những cái thùng, nơi người ta có thể giấu Belle.


– Cháu đi ngay đây, chú Frank. Cháu có thể giúp lục soát được không ạ?


– Không được, cháu à. Chú sẽ cần cháu giúp ở quầy thu ngân. Cháu kiếm gì ăn trước khi quay lại nhé.


Jerry bước ra khỏi xe lán. Mặt trời chiếu sáng và không khí trong gánh xiếc đã thay đổi một lần nữa. Bây giờ tiếng ồn không thiếu vắng, nhưng lại để lộ sự căng thẳng của các nghệ sĩ. Mọi người bàn tán xôn xao về ý nghĩa vụ trộm mới này. Dân du mục rất tin dị đoan: Jerry biết rõ rằng người ta bắt đầu xì xào gánh xiếc Clanton bị xui xẻo. Ông Mason sẽ thật sự bị sạt nghiệp. Khi đó Jerry quyết định làm sáng tỏ vụ bí ẩn. Cậu chưa biết sẽ tiến hành như thế nào, nhưng tin là sẽ thành công.


III.

ALFRED HITCHCOCK: Hừm! Hừm! Không nên đọc qua vai người khác. Nhưng các bạn à, tôi tự hỏi không hiểu các bạn có dám thử làm sáng tỏ vụ này trước Jerry không? Dĩ nhiên là nếu các bạn đã đoán ra được đầu đuôi câu chuyện thì tôi sẽ thật là ngốc. Mặt khác, cái buổi truyền hình – vụ bí ẩn mà tôi đã thực hiện trên truyền hình cho tôi thấy là nên đề phòng trí tưởng tượng của thanh thiếu niên… Nhưng mà thôi, nếu cho là các bạn chưa sẵn sáng xỏ còng số tám vào tay các thủ phạm thật, thì các bạn nên hết sức chú ý đến điều sắp xảy ra. Và các bạn cũng có thể đọc lại phần trên đây. Đã có hai chỉ dẫn rồi, khá kỳ lạ…


IV.

Jerry tìm thấy ông Parker trong lều bếp. Thám tử của hãng bảo hiểm đi theo gánh xiếc khắp mọi nơi, từ khi viên kim cương Ngọn Lửa Xanh biến mất ở Millerton tuần rồi.


Parker là một người đàn ông gầy và trọc đầu. Ông tự xưng là nhà báo đang làm phóng sự về cuộc sống của dân làm xiếc.


– Này cậu bé ơi – ông kêu ngay khi thấy Jerry. Tôi có lời đề nghị với cậu. Chắc cậu đã nghe mọi người bàn tán. Có thể cậu đã nghi ngờ về kẻ lấy cắp viên Ngọn Lửa Xanh ở viện bảo tàng Millerton. Còn tôi – ông thở dài nói thêm – tôi không nói chuyện nổi với các bạn của cậu. Chắc họ đã đoán ra tôi là ai. Nếu cậu giúp tôi tìm thủ phạm, tôi đồng ý chia số tiền thưởng với cậu. Năm ngàn đô-la, cậu thấy sao?


Nếu là thám tử giỏi, Parer đã nhận ra rằng phần lớn nghệ sĩ gánh xiếc Clanton coi Jerry như lính mới, chứ không hề coi cậu như đồng nghiệp. Jerry chỉ chiếm được lòng tin của họ, khi nào sống với họ đủ lâu để trở thành người cũ hoặc bằng cách thực hiện một chiến công nào đó chứng tỏ với họ rằng cậu là người nhà. Phần mình, nếu đúng là một nghệ sĩ xiếc đã lấy cắp viên Ngọn Lửa Xanh thì Jerry muốn tìm ra kẻ trộm, để làm trong sạch uy tín cua những người còn lại.


– Tại sao chú tin chắc rằng thủ phạm là một nghệ sĩ vậy? Jerry hỏi.


– Điều đó hiển nhiên. Nghe này, ở Millerton, bãi đất của gánh xiếc nằm cách viện bảo tàng có năm trăm mét. Thứ bảy tuần rồi, trong khi toàn gánh xiếc dựng lều thì có kẻ đã leo lên một cửa sổ tầng hai, bằng dây tầm xuân phủ trên tường. Kẻ đó đã đập vỡ tủ kính trưng bày viên Ngọn Lửa Xanh. Viên kim cương được gắn trong mảnh che ngực Ấn Độ bằng vàng và trong tủ kính còn có những vật mĩ nghệ phương đông khác nữa. Nhưng kẻ trộm chỉ lấy có mình mảnh che ngực, bởi vì viên kim cương là vật có giá duy nhất mà hắn có thể hi vọng bán lại được. Điều đó chứng tỏ là việc làm của một kẻ chuyên môn: một tên trộm nghiệp dư đã cho đầy vào túi rồi.


– Kết quả chính chú và cảnh sát vội vàng kết luận rằng thủ phạm là một nghệ sĩ của chúng tôi – Jerry đáp. Cảnh sát đến và lục soát tất cả chúng tôi. Cảnh sát làm lộn phèo cả gánh xiếc. Chúng tôi đã buộc phải hủy bỏ xuất diễn sáng, chú Frank bị mất nhiều tiền và tất cả chúng tôi đều tức giận.


– Ngoại trừ một kẻ rất hoảng sợ – Parker nói – Đúng là có kẻ đã cạy viên đá quý khỏi miếng che ngực, vì cảnh sát đã tìm thấy miệng che ngực không có viên kim cương trong bụi cây phía sau lều xiếc. Dĩ nhiên là một viên kim cương dễ giấu hơn một tấm che ngực to lớn bằng vàng. Nếu tôi vẫn còn đây, đó là vì cảnh sát chưa tìm ra viên kim cương, và tôi tin chắc nó đâu đây thôi!


– Cháu e rằng chú nghĩ đúng – Jerry miễn cưỡng thừa nhận – Cháu sẽ giúp chú nếu chú…


– Cậu tử tế quá – Parker nói.


– Chú chờ cháu nói hết đã. Cháu sẽ giúp chú tìm viên kim cương, nếu chú giúp gánh xiếc tìm Belle.


– Belle hả? Belle là ai.


– Một con rắn của bà Winifred.


– Một con rắn à? Này, tôi không muốn bị một con vật bẩn thỉu của gánh xiếc này cắn đâu nhé.


– Thưa chú Parker, không có con rắn nào của gánh xiếc là rắn độc hết. Có kẻ đã ăn cắp Belle, cũng như ăn cắp đôi giầy của người khổng lồ, cây gậy của người lùn, dây thòng lọng của cao bồi và cây kiếm của nghệ sĩ nuốt kiếm.


– Một tên thích đùa đang giải trí! Parker đáp. Những chuyện đó không liên quan đến tôi. Tôi là thám tử làm việc cho người. Chứ không làm cho rắn.


– Chú Parker ơi, chú nghe này. Chú của cháu sẽ cho lục soát gánh xiếc để tìm Belle. Chú Frank muốn chú giúp. Việc này cho phép chú tìm viên kim cương của chú một lần nữa. Vì nghề chú là thám tử, có thể chú sẽ để ý đến những chỗ giấu mà người của chú Frank bỏ qua.


– Nếu vậy – Parker gãi cầm phân vân – Cậu có thể mô tả con vật bị thất lạc cho tôi nghe không?


- Dài 77 centimét, đường kính 9 centimét, trắng đốm đen, tính tình dễ thương – Jerry trả lời. Một con rắn già lẩm cẩm…


– Hừm! Parker kêu lên rồi nhìn quanh mình.


– Trộm rắn! Chưa bao giờ thấy. Có thể giấu một con rắn chỗ nào? Hay giấy trong bánh xe sơ cua, hay trong ống nước?


– Đúng hơn là trong một cái hộp, một cái thùng, một cái rương, một cái giỏ – Jerry đáp. Dù sao, chú Frank yêu cầu chú lục soát tất cả. Tốt hơn là chú đi xem ngay.


Thám tử tuân lệnh và Jerry buồn bã ăn trưa.


Đầu bếp, một cựu lực sĩ đang rầu rĩ bình luận tình hình.


– Bây giờ, ăn cắp cả rắn nữa. Nghe nói sẽ có lục soát…


– Phải thử tìm Belle chứ – Jerry nói.


– Dù sao, sẽ không tìm thấy trong mấy cây nước đá của tôi – đầu bếp càu nhàu. Ở Millerton, thanh tra bắt đập hết mấy cây nước đá của tôi ra. Rồi có kẻ đã lấy rổ trứng luộc của tôi. Jerry à, tôi đã từng thấy nhiều gánh xiếc bị sạt nghiệp vì những chuyện nhỏ hơn chuyện này nhiều.


V.

Jerry quay trở về xe lán – văn phòng. Jerry quá tập trung suy nghĩ đến nỗi không hề chú ý đến sự náo nhiệt xung quanh mình, cho đến lúc có ai chạm vào cùi chỏ cậu.


– Jerry ơi!


– Ủa Fortunata!


Người chặn cậu bé lại chính là bà bôhêmiêng với Mr. Coco vẫn đậu trên tay.


– Phiền phức, phiền nhiễu! Con két la lên.


– Không cần mày nói cũng biết rồi – Fortunata nói. Jerry, đi theo ta. Mr. Coco sẽ bói cho cháu.


Bên trong túp lều nhỏ của Fortưnata, có một cái bàn gỗ, trên đó có sáu cái lồng. Trong mỗi cái lồng, có một cái hộp đựng một chồng giấy gấp cẩn thận.


– Phải đưa đồng tiền cho Mr. Coco – Fortunata mỉm cười nói. Bói miễn phí không có giá trị.


Jerry tìm đồng tiền trong túi. Con két cầm tiền trong mỏ, rồi vứt vào cái chén xanh. Rồi nó đi theo một cái lan can dẫn lên sáu cái lồng. Nó định chui vào lồng chính giữa, thì Fortunata huýt sáo. Ngay lập tức, con két chạy vào cái lồng cuối cùng, chọn một mẩu giấy, rồi mang trở ra cho Jerry. Jerry tò mò đọc được dòng chữ sau đây: "Muốn thành công, hãy nghĩ thẳng". 


– Một lời tiên đoán dễ chịu chứ hả? Fortunata hỏi, cặp mắt đen sáng rỡ.


– Có lẽ là một lời khuyên rất hay – Jerry do dự trả lời. Nhưng cháu e rằng trong tình hình hiện nay, thì lời khuyên đó không giúp ích gì được cho cháu.


– Mr. Coco luôn đưa ra những lời khuyên rất hữu ích. Cháu hãy suy nghĩ nghiêm túc, Jerry à.
 


ALFRED HITCHCOCK: Xin các bạn thứ lỗi cho sự can thiệp của tôi. Tôi đề nghị các bạn dừng năm phút để suy nghĩ. Một cái gì đó mách bảo cho tôi rằng Mr. Coco và Fortunata đang cố gắng chuyển đến Jerry một bí mật nào đó. Tất nhiên, nhưng bí mật gì?…


Ta hãy trở về với câu chuyện.


VI.

Xe lán – văn phòng trống không. Jerry ngồi phịch xuống ghế bành của chú Frank, vớ tờ giấy trắng và cây viết để sắp xếp lại thứ tự suy nghĩ của mình, như cậu thường thích làm. Một hồi sau, Jerry đọc lại những gì cậu vừa mới viết thành giấy trắng mực đen.
 
VẬT BỊ LẤY CẮP
1. Một viên kim cương trị giá cao
2. Một đôi giày của người khổng lồ.
3. Một cây gậy của người lùn
4. Một sợi dây thòng lọng
5. Một cây kiếm
6. Một con rắn
 
Câu Hỏi
Có phải cùng một người đã lấy cắp những đồ vật này không? Nếu đúng, thì tại sao? Có mối liên quan gì giữa viên kim cương và những thứ còn lại? Có thể chỉ có một mối liên quan giữa một số đồ vật với nhau, nhưng không có với những thứ còn lại?
 
Sau khi suy nghĩ, Jerry ghi thêm:
 
Dường như một giỏ trứng cũng bị lấy cắp.
 
Như vậy làm cho sự việc rối rắm thêm nữa. Có thể trứng chỉ do một người đang đói bụng lấy trộm. Jerry sắp chịu thua, thì chú Frank bước vào. Trông chú khá rầu rĩ.


– Không tìm ra con rắn – chú Frank nói. Chúng tôi nhìn khắp nơi. Tên Parker là một thằng ngốc. Hắn đòi khám các bánh xe sơ cua, trống thùng của dàn nhạc và mấy cái chậu để voi đứng biểu diễn. Hắn xém bị anh đầu bếp nện cho một trận khi thọc mũi vào bột và đường cát.


Ông Mason cười. Nhưng rồi ông nghiêm trang nói tiếp.


– Jerry, chú không biết ta sẽ phải làm gì đây. Mọi người căng thẳng quá… Nhưng thôi, ta phải chuẩn bị cho xuất diễn sáng nay đã.


Đúng lúc đó, có tiếng gõ cửa. Jack Farell, một người cao lớn tóc hung, bước vào. Trên khuôn mặt dễ mến của anh, có một nét vẻ lạ lùng.


– Xong, tìm ra rồi – anh nói.


– Ai? Belle hả? Ông Mason hỏi.


– Không, không phải Belle. Mấy thứ kia, giày, gậy và những đồ còn lại.


– Ở đâu?


– Tất cả bị chôn sau lều-nhà bếp. Mời ông ra xem.


Trong khi đó, khán giả đến đông dần. Người ta mua kẹo bánh, nghe nhạc, tham quan khu chuồng thú.


Ông Mason và Jerry đi theo Farrel đến lều-nhà bếp. Một nhóm người đang nhìn chằm chằm xuống một tấm vải trái dưới đất. Farrell dở tấm vải lên, làm lộ một cái hố, trong đó có một cái thùng hẹp, đen thui, giống một cái quan tài thu nhỏ. Nắp quan tài bị cây kiếm của nghệ sĩ nuốt kiếm đâm thủng.


– Trời! Ông Mason kêu.


Farrell kéo thùng lên, rút kiếm ra, mở nắp…


Jerry nhón chân lên đến nhìn cho rõ và rợn xương sống.


Trong quan tài nhỏ, có đôi giày của Grossomodo bị xé rách nát thành từng mảnh. Phía trên là những khúc gậy của viên sĩ quan. Bên cạnh là dây thòng lọng, trong nút thòng lọng là cổ của một con búp bê bằng vải. Trên cánh tay con búp bê có vẽ thô sơ hình con rắn, nên rõ ràng ý nói đó là bà Winifred.


Dường như kẻ đã chôn những đồ vật này muốn ám hại đến chính chủ nhân của chúng.


– Hãy giấu cái này đi! Frank Mason tái mặt ra lệnh. Không được nói cho ai biết hết.


Farrell dùng tấm vải gói thùng lại.


– Trễ quá rồi – anh càu nhàu – người ta đã nhìn thấy chúng ta đào kho tàng lên, và giờ này, chắc cả gánh xiếc đã hay tin rồi.


– Vậy thì mọi người hãy quay về làm việc. Anh Farrell ơi, ta đi, cần phải bàn luận về tình hình. Jerry, cháu đi chuẩn bị cho xuất diễn sáng nay đi.


– Vâng, thưa chú Frank – Jerry đáp.


Jerry chỉ nghĩ đến phần chứa kỳ lạ của cái thùng. Cậu rất muốn được nói chuyện với chú một chút. Không ai để ý rằng, trong số tất cả những thứ đã bị lấy cắp, chỉ còn thiếu mỗi một mình Belle. Có kẻ đã chôn phần còn lại sao cho người ta phát hiện được. Còn con rắn thì không. Tại sao? Có phải kẻ trộm muốn cái thùng đen và phần chứa bên trong được tìm thấy? Jerry nghĩ là có. Vì mục đích gì? Kết quả đạt được chỉ có thể làm tăng thêm không khí bất bình của mọi người.


Có phải có kẻ muốn làm cho gánh xiếc sạt nghiệp? Hay đó chính là câu trả lời.


Jerry vừa suy nghĩ vừa đi đến lều của nhóm hề. Tom Click, hề trưởng, người được trả lương cao nhất gánh xiếc, đang hóa trang. Anh cũng ra vẻ bề trên với Jerry, nhưng thân thiện hơn.


– Cậu đến trễ – anh nói.


– Vâng, thưa chú Click – Jerry đáp.


Jerry xỏ một bộ đồ hề, trắng đỏ, rồi bắt đầu hóa trang. Cậu thoa màu đỏ lên mũi, vẽ hai vòng màu trắng quanh mắt, tô môi đỏ và dày, viền trắng.


– Năm tới cháu làm hề nữa được không chú Click? Jerry hỏi.


– Hừm! Anh Click vừa nói vừa đội lên đầu bộ tóc giả có giấu pháo bên trong – Có năm tới hay không?


Anh giấu một con vịt sống vào túi áo.


– Người ta nói chuyện toàn là về cái quan tài. Nhiều người nghĩ rằng gánh xiếc bị ếm bùa và chuẩn bị bỏ đi. Grossomodo, Microbe, bà Winlfred, Anderson


Jerry im lặng hóa trang cho xong. Jerry chạy ra cùng với đám hề để tham gia diễu hành trước khán giả. Trong suốt một tiếng, Jerry không còn thời gian suy nghĩ nữa, cậu lộn nghiêng mình và làm đủ trò khác nữa.


Khi kết thúc tiết mục, nhóm hề rút lui để sẵn sàng giúp bạn đồng nghiệp nếu cần. Thật vậy, theo truyền thống ở xiếc Clanton, nếu có một sự cố nào đó xảy ra trong một tiết mục, nhóm hề phải ra cứu giúp ngay bằng cách thu hút sự chú ý của khán giả về phía mình.


Ngày hôm đó, tất cả đều trục trặc. Chính thú vật cũng bị căng thẳng lây. Con voi già Mom, dẫn đầu đàn, không chịu nhảy và những con voi còn lại bắt chước theo. Sư tử đánh lộn nhau: phải ngăn chúng ra.


Imo và Jimo, nghệ sĩ tung hứng Nhật, ném cho nhau những cây đuốc cháy – họ có thể nhắm mắt diễn tiết mục này, nhưng mất bình tĩnh và Imo bị phỏng nặng.


Jerry chạy ra lộn nghiêng mình trên sàn diễn để hai anh có thể rút lui. Ahmed và Abdullah chạy ra, những trò nhào lộn của hai anh làm cho khán giả kinh ngạc… Nhưng, do chịu sự căng thẳng chung, hai anh không thành công trong phần diễn đặc biệt nhất, khi Ahmed đứng lộn đầu ngược trên thanh nhôm mà Abdullah đội trên đầu. Ahmed chưa vào vị trí, thì anh đã bị mất thăng bằng và té xuống đất, trụ nhôm rơi vào người anh gây một tiếng đục.


Jerry tự nhủ cái té này làm cho cậu nhớ đến một cái gì đó… rồi cùng với đám hề, Jerry chạy ra, cố làm cho khán giả quên đi sự cố.


Hai anh người Ai Cập vừa chửi nhau vừa bước vào. Tom Click ra diễn một màn kịch câm, một mình anh đóng vai hai người đô vật: anh diễn tài đến nỗi khán giả tưởng gần như thấy được đối thủ vô hình của anh…


Lưới được giăng cho anh em bay Ferdinand, sáu anh em chấn chỉnh lại tình thế bằng cách thực hiện thành công tiết mục nhào lộn trên không. Đột nhiên, Signor Ferdinand bắt trượt vợ anh. Cô đang nhào lộn hai vòng về phía sau và bị rơi xuống lưới.


Lưới buộc không chặt và sút ra dưới trọng lượng của cô. Đám đông hoảng sợ la lên. Ngay lập tức, Signora Ferdinand đứng dậy để chứng tỏ mình không bị thương và đám hề lại chạy ào ra để nghi binh.


Anh em Ferdinand bực bội và tức giận bước ra khỏi sàn diễn-.


– Sang năm họ sẽ không quay lại nữa đâu! Tom Click nói khẽ cho Jerry, trong khi Jerry giả vờ tát anh.


Mấy viên pháo giấu trong bộ tóc giả nổ lách tách. Tom nói tiếp:


– Không ổn rồi cậu à. Tôi mới nghe nói là anh cao bồi bỏ đi rồi. Grossomodo và Microbe cũng định chuồn, nhưng bị chú của cậu giữ lại, ông ấy định cho bắt giữ hai người.


Jerry thực hiện cú lộn nghiêng mình một cách máy móc. Grossomodo và Microbe không liên quan gì đến vụ này, Jerry tin chắc như vậy. Tất cả những sự kiện vừa mới xảy ra mang dấu ấn của mọt đầu óc xảo trá, tài tình, ngoắt ngoéo như một con rắn…


Ngoắt ngoéo như một con rắn! Nhưng đâu phải lúc nào rắn cũng ngoắt ngoéo…


Đột nhiên tất cả những ý nghĩ đang luẩn quẩn trong đầu Jerry rơi vào đúng chỗ, y như những mảnh trò chơi ghép hình.


Bây giờ, Jerry đã hiểu rõ ý nghĩa của:


Một quan tài thu nhỏ,


Một đôi giầy và một cây gậy bị lấy cắp,


Một con rắn mất tích,


Một người khổng lồ và một người lùn bị căng thẳng khó chịu và đòi nghỉ việc ngay.


Một giỏ trứng luộc bay mất,


Lời tiên đoán của Mr. Coco,


Và một tiếng đục mà Jerry đã nghe được hai lần trong ngày hôm nay.


Tất cả đều có ý nghĩa. Nhưng phải hành động trước khi quá trễ.


Jerry nhảy phốc trở về chính giữa sàn diễn, nơi Tom Click đang giả bộ ngạc nhiên trước pháo hoa bay ra khỏi mái tóc anh.


– Em có chuyện khẩn cần làm – Jerry nói nhỏ với hề trưởng.


Không chờ trả lời, Jerry lộn nghiêng mình đến lối ra dành cho nghệ sĩ.


Khi ra đến ngoài, Jerry đứng thẳng dậy, chạy ngay đến khu đậu xe.


Khu đất gần như trống không, nhưng có tiếng la lối từ xe lán của Grossomodo và Microbe. Người lùn và người khổng lồ đang đứng ở ngoài chửi rủa một ai đó bên trong.


Jerry không dừng lại.


Phía bên kia đường, Jerry thấy gia đình Ferdinand buồn bã chuẩn bị ra đi. Xe của nghệ sĩ cao bồi đã biên mất.


Nhưng chiếc xe lán màu xanh, sáng bóng, mà Jerry quan tâm vẫn chưa nhúc nhích.


Tuy nhiên, có hai người đã ngồi sẵn trong cabin chiếc xe kéo xe lán, và người lái mới vừa rồ máy xe. Jerry đi vòng qua xe lán nên hai người đàn ông không thể nhìn thấy cậu nữa. Có cửa sau. Mong sao cửa không khóa!


Jerry xoay tay cầm, cửa mở ra. Xe lán bắt đầu chạy khi Jerry leo vào trong và tiến hành lục lạo đống đồ đạc cất phía sau. Jerry nhìn thấy cái cậu tìm và cầm lấy. Vật đó nặng và mang rất bất tiện. Jerry dùng hai cánh tay để nắm lấy nó, nhảy ra ngoài, và chạy trở ngược lại. Cậu hy vọng sẽ không bị hai người đàn ông thấy.


Nhưng chúng đã nhìn thấy Jerry.


Xe dừng lại.


Cửa mở ra.


Hai người đàn ông rượt theo Jerry. Chúng giận dữ kêu la lớn tiếng, nhưng Jerry không dừng lại. Cậu vẫn ôm vật nặng và chạy hết sức mình.


Grossomodo và viên sĩ quan Microbe vẫn còn đứng trước xe lán và giận dữ cãi lộn với một ai đó.


Jerry chạy về phía hai người, trong khi hai gã đàn ông đuổi theo bắt kịp dần Jerry.


– Grossomodo ơi! Jerry tập trung hơi thở còn lại để kêu. Cứu với…


Jerry sắp đến xin sự che chở trước sự ngạc nhiên của người khổng lồ, thì bị một kẻ rượt đuổi gí xuống đất. Jerry ngã. Vật cậu đang cầm bay ra xa khỏi cậu, đầu cậu đập phải một cái gì đó cứng và cậu ngất đi.


VII.

ALFRED HITCHCOCK: Đây là cơ hội rất hay để tôi xuất hiện. Trong khi chờ Jerry tỉnh lại, các bạn hãy nói cho tôi biết các bạn đã giải được bí ẩn 5 vụ trộm chưa. Tôi rất sợ nghe các bạn trả lời có và, nói thật với các bạn, tôi không thích những bạn trẻ tỏ ra khôn khéo hơn tôi lắm. Còn những bạn nào vẫn còn đang kiên nhẫn tìm kiếm suy nghĩ, thì tôi khuyên các bạn này hãy suy gẫm về điều sau đây. Chỉ có một lý do duy nhất để lấy cắp Belle. Có hai lý do để lấy cắp đôi giầy, cây gậy, dây thòng lọng và cây kiếm. Một con rắn không phải lúc nào cũng ngoắt ngoéo. Nhớ đừng quên tiếng đục… Đủ rồi. Tôi đã nói quá nhiều… Nếu các bạn nóng lòng thì tiến lên. Từ đây đến khúc cuối, tôi hứa là sẽ không xuất hiện nữa.


KẾT LUẬN

Jerry mở mắt ra, thấy chú Frank đang giúp cậu ngồi dậy. Farrell đứng bên cạnh. Jerry chớp mắt. Cậu thấy đau đầu. Xa hơn một chút, Grossomodo đang giữ chặt hai gã đàn ông rượt theo Jerry.


– Jerry, cháu cảm thấy thế nào? Ông Mason hỏi.


– Dạ không sao – Jerry vừa xoa đầu vừa nói – trừ khối u này.


– Vậy thì cháu có thể giải thích một chút cho mọi người nghe – ông Mason nghiêm trang nói. Hai ông này nói cháu lấy cắp dụng cụ của họ và nói là cũng chính cháu lấy cắp đôi giày của Grossomodo, gậy của sĩ quan và những thứ còn lại. Chẳng lẽ cháu thật sự làm những trò vở vẩn này mà không nghĩ đến hậu quả sao?


– Dạ không phải thưa chú Frank – Jerry trịnh trọng nói. Cháu đã lấy cái này – cậu chỉ dụng cụ mà Jack Farrell đang cầm – và cháu bắt buộc phải làm thế. Cháu nghĩ cháu đã hiểu được tất cả những gì đã xảy ra.


– Vậy cháu hãy giải thích nhanh lên đi – ông Mason nói dịu dàng hơn một chút.


– Cháu sẽ bắt đầu từ đầu – Jerry đề nghị. Thật ra, tất cả rất đơn giản.


– Đơn giản à? Frank Mason kêu. Để xem. Ta hãy vào xe lán nói chuyện. Grossomodo ơi, anh hãy mang hai người này lại đây.


Hai gã đàn ông phản đối và giãy dụa, nhưng Grossomodo cầm mỗi tên bằng một tay và ép chúng bước vào xe lán. Jerry, chú Frank, Parker và viên sĩ quan bước theo. Hai gã đàn ông im lặng, vẻ mặt tuyệt vọng.


– Chuyện bắt đầu cách đây năm ngày, tại Millerton – Jerry nói – vào hôm viên kim cương Ngọn Lửa Xanh biến mất.


– Tôi biết mà! Parker la lên. Nhưng ông Mason ra hiệu cho thám tử phải im lặng.


– Gánh xiếc nằm trên một khu đất gần viện bảo tàng – Jerry nói tiếp. Có kẻ đã leo lên tầng hai bằng cách bám vào dây thường xuân. Rõ ràng là vụ trộm do một hay nhiều kẻ trộm có kinh nghiệp thực hiện…


– Đúng như tôi đã nói! Parker ngắt lời.

 
– Cảnh sát Millerton đã nghi ngờ dân xiếc ngay, có thể chỉ vì chúng ta không phải là người trong vùng, và bắt lục soát lều và xe lán của chúng ta. Vụ lục soát này làm cho kẻ trộm hoảng sợ. Hắn buộc phải giấu ngay viên kim cương ở một chỗ mà không một cảnh sát nào nghĩ đến. Tất nhiên là không thế giấu trong xe lán của hắn, bởi vì nếu bị tìm thấy, thì sẽ lộ. Thế là hắn cạy viên kim cương ra, vứt miếng vàng và giấu viên kim cương.


– Ở đâu? Farrell hỏi.


– Cháu sắp nói đến – Jerry trả lời. Nhưng để cháu nói về các vụ trộm kia trước. Vào cái đêm sau khi viên kim cương Ngọn Lửa Xanh biến mất, đôi giày của Grossomodo bị lấy cắp, khiến chú ấy rất buồn phiền.


– Tất nhiên! Người khổng lồ càu nhàu. Đôi giày đẹp nhất của tôi. Tôi trả hết một trăm đô-la cho thợ đóng giày.


– Đêm hôm sau – Jerry nói tiếp – chú sĩ quan không tìm ra cây gậy nữa.


– Cây gậy may mắn của ta! Microbe ré lên. Cây gậy chưa hề rời xa ta từ khi ta là nghệ sĩ! Nó còn quý giá hơn tiền bạc. Nếu tìm ra tên vô lại làm gẫy cây gậy ta sẽ bẻ cổ hắn!


Ông giận dữ xiết chặt nắm tay, trông rất buồn cười nhưng không ai mỉm cười nổi.


– Rồi người ta lấy cắp cây kiếm của Espadon và dây thòng lọng tốt nhất của Anderson – Jerry nói tiếp. Thật là vô lý.


– Hoàn toàn không – Parker nói. Kẻ trộm dùng những vật này để bắt cóc Belle.


– Đâu phải – Jerry đáp – Nếu có dùng, là sau khi lấy cắp con rắn. Kẻ trộm có lý do chính đáng hơn để ăn cắp đủ thứ đồ vật tinh tinh như thế này. Trước tiên, hắn muốn gây khó chịu cho mọi người. Chính vì vậy mà hắn đã chôn tất cả trong một cái quan tài thu nhỏ. Để làm cho mọi người tin rằng có kẻ muốn ếm bùa gánh xiếc.


Jerry nhìn những gương mặt thắc mắc xung quanh cậu.


– Bởi vì ngay từ đầu, kẻ trộm đã muốn ăn cắp Belle, con rắn của bà Winifred – Jerry nói tiếp. Đúng hơn cháu phải nói những kẻ trộm, vì dĩ nhiên là muốn lấy cắp Belle cần phải có đến hai người, một giúp người kia trèo lên. Nhưng ngoài ra, sau khi bắt cóc được Belle, chúng phải có dịp rời khỏi gánh xiếc mà không gây nghi ngờ. Bằng cách lấy cắp đôi giày và những thứ khác, chúng tạo nên không khí căng thẳng đến nỗi một số người tự ý bỏ đi: điều này cho phép chính chúng cũng ra đi mà không sợ bị nghi ngờ. Mặt khác, không ai có thể đoán ra rằng chỉ có Belle là quan trọng. Mọi người đã nghĩ như bọn trộm muốn chúng ta nghĩ, tức là Belle thuộc một loạt đồ vật không có mối liên quan lôgíc. Đó là nguyên nhân thứ nhì.


– Khoan đã! Frank Mason la lên. Ý cháu nó là có một mối liên quan giữa vụ trộm kim cương và vụ trộm con Belle hả?


Jerry gật đầu ra hiệu là "đúng" một cách kịch liệt đến nỗi cục u bắt đầu nhức trở lại.


– Cháu tin chắc – Jerry nói. Nhất là từ khi cháu biết qua chú đầu bếp rằng một giỏ trứng luộc đã biến mất cùng ngày với viên kim cương.


Farrell trợn mắt kinh ngạc.


– Chờ một chút! Dường như tôi hiểu rồi – Farrell kêu. Chị Winifred cho rắn ăn trứng, mọi người đều thấy chị lăn mấy quả trứng: khi đó rắn tưởng là vật sống nên chúng nuốt lấy trứng.


Mọi người gật đầu, nhưng không hiểu. Farrell nói tiếp:


– Ta hãy nghĩ đến kẻ lấy cắp một viên kim cương. Hắn biết là sắp bị lục khám. Hắn phải giấu kim cương ở một nơi mà không ai tìm, nhưng phải là nơi mà sau này hắn sẽ lấy lại được. Hắn thấy xe lán nhốt Belle không có ai canh giữ. Hắn nghĩ đến mấy con rắn. Hắn lợi dụng sự hỗn loạn trong gánh xiếc để ăn cắp trứng luộc…


Farrell nhìn Jerry:

 
– Cậu kể cho hết đi, bởi vì chính cậu đã hiểu ra đầu đuôi manh mối này.


– Cháu nghĩ – Jerry nói tiếp – rằng bọn trộm đã khoét một cái lỗ trong quả trứng luộc và nhét viên kim cương vào đó. Rồi chúng cho Belle ăn quả trứng, chúng chọn đúng Belle vì nó có kích thước phù hợp với chỗ giấu mà chúng đang nghĩ đến.


– Chưa bao giờ nghe đến một chuyện như thế này – Frank Mason nói. Giấu kim cương trong một con rắn. Nhưng lý luận của cháu có vẻ hợp lý.


– Tất nhiên – Farrell nói. Sau này, chúng phải ăn cắp con rắn mà không gây nghi ngờ gì cả. Thế là chúng lấy trộm những đồ vật khác để làm cho mọi người rối trí. Bây giờ, Jerry à, cậu chỉ còn việc nói cho mọi người biết xem Belle được giấu ở đâu.


Jerry cầm lên tay thanh nhôm mà Ahmed và Abdullah, nghệ sĩ nhào lộn Ai Cập, dùng trong tiết mục biểu diễn.


– Thanh này dài hai mét và dày mười centimét – Jerry nói. Belle dài 77 centimét và có đường kính 9 centimét. Các chú có thấy thanh nhôm này quá nặng và thiếu cân bằng không? Tiếng động mà thanh gây ra khi rơi xuống đất, và thông điệp của Mr.Co co đã làm cháu nghĩ đúng hướng. Vậy nếu cháu không lầm, ta sẽ tìm thấy….


Jerry cực nhọc tháo nút cao su và nâng thanh lên. Khi đó mọi người thấy con rắn mất tích trượt từ từ ra khói cái ống và rơi bất động xuống đất.


Ahmed và Abdullah phóng ra cửa. Nhưng Grossomodo hoàn toàn không có ý định để chúng bước ra và nhanh chóng vô hiệu hóa chúng.


Mason lượm con rắn lên.


– Tội nghiệp Belle! Ông kêu. Nó chết mất. Chắc là ngạt thở. Nhưng dù sao nó sống thêm cũng không bao lâu nữa. Ta sẽ tặng bà Winifred một con rắn khác. Và ta sẽ không khó khăn gì để kiểm tra giả thiết của cháu, Jerry à.


– Nếu cậu bé này không lầm – Parker trịnh trọng nói, tôi dự định cho cậu một phần số tiền thưởng mà tôi nhận được vì đã tìm ra viên kim cương. Cậu sẽ nhận được mười phần trăm.


– Anh giỡn mặt chúng tôi à? Farrell la lên. Chính Jerry đã giải ra vụ bí ẩn. Nếu có phần thưởng, thì toàn bộ số tiền phải thuộc về cậu bé.


Farrell quay sang Jerry, chìa bàn tay to lớn của anh cho cậu bé.


– Để giúp cháu học hành cho xong – Farrell nói. Trong khi chờ, chúc mừng cậu. Cậu không phải là lính mới nữa, mà là đồng nghiệp của ta. Nay, cậu là thành viên gánh xiếc Clanton!


Faren xiết chặt tay Jerry và Jerry không mong phần thưởng nào đẹp hơn.


ALFRED HITCHCOCK: tôi thích nói lời cuối cùng. Vì vậy mà trước khi xếp bí ẩn 5 vụ trộm vào hồ sồ vụ án đã giải quyết, tôi sẽ cho các bạn biết rằng Jerry đã đoán đúng: mổ xác cho thấy đúng là hệ tiêu hóa của con Belle đáng thương có chứa viên kim cương bị mất. Các bạn biết không, rắn tiêu hóa rất lâu…


Người ta phát hiện rằng, thật ra, Ahmed và Abdullal là hai tên trộm chuyện nghiệp hoạt động trên toàn Châu Âu. Vào mùa hè, chúng đóng vai nghệ sĩ nhào lộn Ai Cập trong các gánh xiếc, để tạo nên vỏ bề ngoài, còn mùa đông, chúng hành nghề thật.


Nếu các bạn hỏi tôi tại sao chúng không lấy lại viên kim cương ngay sau khi bắt được Belle, thì tôi sẽ trả lời rằng, có lẽ, chúng không muốn người ta phát hiện Belle có vết xẻ ngay bao tử, vì như thế sẽ bị lộ hoàn toàn mánh khóe. Chúng buộc phải mang Belle rời khỏi gánh xiếc mà không gây nghi ngờ gì.


Còn cái tiếng đục. Thật ra Jerry đã thấy Ahmed và Abdullah diễn trật hai lần. Lúc đầu, Jerry nghĩ là do căng thẳng, nhưng mỗi lần Jerry đều có cảm giác là lạ. Đột nhiên, sau cú thất bại thứ nhì, Jerry nhận thấy rằng, khi rơi, thanh nhôm có tiếng đục thay vì tiếng rung kim loại bình thường! Vậy là bên trong có cái gì mềm làm cho âm thanh bị át đi. À! Phải, Fortunata, Mr. Coco và lời tiên đoán. Jerry không bao giờ biết được bà bôhêmiêng có thật sự biết nhiều hơn là bà chịu nói hay không. Jerry nghi rằng có thể bà đã hiểu toàn bộ câu chuyện, nhưng truyền thống dân tộc bà không cho phép bà tố cáo ai hết. Vì vậy mà bà đã dùng đường vòng vèo để hướng Jerry nghĩ đúng hướng. Bởi vì, khi các bạn nghĩ đến con rắn cuộn tròn trong cái rương, cái vali hay cái thúng to, thì bạn không nghĩ rằng rắn có thể nằm dài và giấu trong cái ống rỗng.
Bây giờ đủ rồi. Nếu các bạn đồng ý, ta hãy chuyển qua vụ tiếp theo.


VỤ BÍ ẨN 7 CÁI ĐỒNG HỒ


1.

ALFRED HITCHCOCK: Các bạn có biết không? Thời gian có tính chất dây thun.


Có khi các bạn thấy thời gian bò với vận tốc một con ốc sên đi đến phòng khám nha sĩ.


Có khi thời gian phóng như vệ tinh trên quỹ đạo. Cũng có khi thời gian bước thụt lùi.


Chẳng hạn như dưới đây…


Các bạn thám tử ơi, hãy chuẩn bị ghi nhận các chỉ dẫn!


Ta sẽ cùng nhau giải: "Vụ bí ẩn 7 cái đồng hồ"


2.

Sáu giờ rưỡi tối.


Anh Peter Perkins, nhà báo chuyên về các câu đố, trò đố viết bằng mật ước và các trò chơi trí óc của tờ Ngôi Sao Chủ Nhật, đang đi đến nhà ông thợ đồng hồ Fritz Sandoz. Fritz, một ông già người nhỏ bé gốc Thụy Sĩ biết sửa chữa tài tình như có phép thần các loại đồng hồ. Peter và ông là bạn từ nhiều năm nay.


Nhà báo bước trên lối đi dẫn đến nhà ông thợ đồng hồ và đẩy cửa sau.


Anh không gõ cửa, bởi vì Fritz bị điếc. Ông còn bị câm nữa, do bị tai nạn lúc còn trẻ. Nhưng ông trang bị cửa vào nhà bằng một ổ khóa đặc biệt. Cửa mở ra, nếu xoay tay cầm ba lần sang bên phải, bốn lần sang bên trái, rồi hai lần bên phải. Peter biết cách mở. Anh bước vào một căn phòng tối tăm và kêu to:


– Fritz ơi? Fritz?…


Một giọng nói hét lên, sát bên tai Peter:


– Tóm được mày rồi!


Hai bàn tay to tướng chụp lấy Perkins và lôi kéo qua phòng sau cửa tiệm có đèn sáng trưng.


– Tôi đã bắt được kẻ sát nhân – một giọng trầm nói. Hắn trở lại hiện trường.


Peter Perkins chớp mắt.


Trước mặt anh là thanh tra Grull, thuộc sở cảnh sát địa phương. Xa hơn một chút, có hai người đang cúi xuống một vật nằm dưới đất, ngay dưới chân một chiếc đồng hồ tường nhà quê lớn, thuộc bộ sưu tập của Fritz Sandoz.


Peter Perkins rùng mình hoảng sợ nhận ra cái mà hai người đang xem xét không phải là một đồ vật, mà là xác của ông bạn già, ông thợ sửa đồng hồ tài giỏi Fritz.


Ánh mắt của Peter hướng trở về khuôn mặt dữ tợn của thanh tra Grull, đang nhìn anh dò xét.


– Thả anh ta ra đi Snider – Grull ra lệnh – đây là Peter Perkins, người làm câu đố. Một kẻ quấy rối công cộng, nhưng không phải là kẻ sát nhân.


– Nhưng hắn vào nhà bằng cửa sau – viên cảnh sát đang bắt giữ Perkins phản đối. Mà anh đã nói là tôi phải bắt cho được tên sát nhân, chắc chắn hắn sẽ trở lại hiện trường…


– Đủ rồi – Grull nói sỗ sàng. Mày chạy đi giúp mấy đứa kia một tay. Còn anh, Perkins – thanh tra nhìn nhà báo bằng ánh mắt sắc như thép – tại sao anh lẻn vào đây như một tên trộm?


– Tôi không hề lẻn vào đây như tên trộm – anh nhà báo nghiêm trang đáp. Tôi đến thăm ông bạn Fritz. Chúng tôi định cùng nghĩ ra những câu đố.


– Nghĩ ra câu đố à? Grull nhíu mày vặn lại.


– Phải. Fritz giỏi lắm. Cũng giống như tôi, Fritz là thành viên Hội Quốc Gia những Người Yêu Thích Câu Đố.


– Tốt – Grull nói. Nhưng trong trường hợp này vấn đề không phải là những câu đố. Vấn đề là có vụ ám sát. Và lần này, anh không được thọc mũi vào. Hiểu chưa?


Ý Grull nói đến những vụ án trước đây, khi ông đã nhận được vài gợi ý từ phía Perkins. Vài gợi ý đó đã tỏ ra đúng đắn một cách xuất sắc, khiến Grull càng khó chịu.


– Ai giết chết ông ta? Peter hỏi. Ai đã giết Fritz?


Peter Perins cố ngăn không cho giọng nói run, nhưng không thành công lắm.


– Tôi có mặt ở đây để tìm hiểu – Grull đáp. Chuyện xảy ra tối hôm qua. Lúc đó Sandoz ở đây, đang lên dây đồng hồ. Vậy chắc lúc đó là mười hai giờ khuya, giờ mà ông thường làm việc này.


Peter gật đầu:


– Đúng.


– Có kẻ vào nhà, tôi nghĩ là nhờ có chìa khóa, bởi vì không có dấu vết cạy cửa. Fritz bị điếc, nên không nghe gì. Tên sát nhân lẻn phía sau ông và đập vào đầu ông. Đó là những gì chúng tôi biết. Chúng tôi sẽ dựa trên điều này để tìm ra thủ phạm.


– Chắc chắn phải là một ai đó biết ông ta – Peter nói. Ai đó biết rằng Fritz không tin tưởng ngân hàng và cất giữ toàn bộ số tiền trong ngăn kéo mật của cái bàn làm việc. Ông ta không có kẻ thù vậy chắc chắn ông ta bị giết vì tiền?


– Suy luận hay! Chúng tôi đã nghĩ ra trước anh – Grull lầm bầm. Mà các ngăn kéo bàn làm việc đều bị cạy. Nhưng anh hãy nhớ rằng chúng tôi không hề cần đến sự giúp đỡ của những tên nghiệp dư tào lao loại như anh! Anh hãy về nhà và… Không, anh hãy vào phòng làm việc ngồi, phòng trường hợp tôi cần đặt câu hỏi với anh. Anh không được đụng cái gì hết.


Về những câu hỏi, thì chính Perkins cũng muốn đặt ra. Nhưng anh biết tính Grull, nên anh im lặng bước qua xưởng nhỏ phía sau cửa tiệm.


Đó là một căn phòng nhỏ xíu chất đầy đồng hồ. Trong đó còn có cái ghế đẩu, ghế bành và bàn làm việc dùng làm bàn thợ, mà các ngăn kéo, đúng như Grull đã nói, đã bị cạy. Còn chính cửa hiệu, nơi Fritz bán đồng hồ, nằm phía trước nhà, ở cuối một hành lang.


Peter Perkins đặt mũ lên bàn làm việc, rồi ngồi vào ghế bành sao cho có thể nhìn thấy tất cả những gì xảy ra ở phòng sau cửa tiệm: ở đó có bộ sưu tập khổng lồ những đồng hồ cổ mà Fritz đã kiên nhẫn tập hợp lại.


Cảm giác đầu tiên của Perkins là vừa kinh ngạc vừa đau đớn. Cảm giác thứ nhì là đòi hỏi công lý: thủ phạm phải đền tội. Grull đã tỏ ra không thân thiện, nhưng dù sao ông vẫn là một người cảnh sát có lương tâm, tuy rất ghét những kẻ nghiệp dư. Nếu Perkins có những gợi ý nghiêm túc, Grull sẽ nghe theo.


Trước hết phải tìm các chỉ dẫn trong xưởng Peter đang ngồi. Tên sát nhân đã ở đây vài phút để cạy các ngăn kéo chứa tiền, số tiền mà Peter đã nhiều lần năn nỉ Fritz mang ra ngân hàng cất gởi.


Peter ngồi yên tiến hành xem xét toàn bộ gian phòng. Anh nhìn thật kỹ những cái kệ có đồng hồ đã sửa xong. Anh nhìn chi tiết tấm bảng lỏm chỏm những cái móc treo đồng hồ đủ loại. Anh nhìn bàn thợ của ông Fritz tội nghiệp. Các dụng cụ đặt trên đó. Có cả một chiếc đồng hồ điện mà ông thợ đồng hồ đang sửa. Mà ông Fritz là người rất cẩn thận. Ông luôn luôn cất đồ đạc đi khi làm việc xong. Rõ ràng là ông bị bất ngờ trong khi đang làm việc.


Ánh mắt của Peter dịch chuyển xa hơn một chút, nhưng cảm giác về một cái gì đó lạ lạ khiến ánh mắt quay trở về đồng hồ. Không hiểu chiếc đồng hồ này có gì kỳ cục nhỉ? Không có gì, tuy nhiên…


Đột nhiên, Peter hiểu ra.


Đồng hồ chạy ngược!


Mắt dán vào hai cái kim đang chạy ngược thời gian trong khi quay lui. Peter Perkins cảm thấy rùng rợn. Chuyện đó… chuyện đó trái với tự nhiên! Một chiếc đồng hồ chạy ngược trong cửa hàng của ông Fritz Sandoz, người đã dốc toàn bộ công sức để làm cho đồng hồ chạy đúng!


Hiện tượng quá lạ lùng đến nỗi Peter Perkins cảm thấy nhất định phải có một cái gì đó.


Phải, nhưng cái gì?
 


ALFRED HITCHCOCK: Câu hỏi chí lý. Tôi có thể nói nhỏ với các bạn, cái đồng hồ chạy ngược này có một ý nghĩa rất quan trọng. Có thể các bạn đã suy ra được tất cả những gì có thể suy luận ra được từ một cái đồng hồ chạy về ngày hôm qua chứ không chạy về ngày mai?


Các bạn hãy cố gắng suy nghĩ.


3.

Peter Perkins nhìn theo kim phút. Rồi anh rút ra khỏi túi quyển sổ và cây viết – anh nguệch ngoạc hai bức hình nhỏ, rồi ghi chú thích dưới mỗi cái:


Giá chính xác lúc quan sát.


Giờ của đồng hồ chạy lui.


Rồi anh đứng dậy, bước lại gần bàn thợ. Anh cúi xuống để nhìn đồng hồ cho rõ. Đồng hồ rất cổ, có thể là một trong những đồng hồ điện đầu tiên được chế tạo. Nhãn mang tên bà Murphy, cho biết rất nhiều điều. Bà Murphy là hàng xóm của ông Fritz và thường mang cho ông nước súp hoặc những món khác do bà tự nấu. Vì bà, Fritz có thể chấp nhận sửa một cái đồng hồ điện: nếu là bất cứ ai khác, ông đã không làm, vì ông rất ghét đồng hồ điện, ông chỉ thích những chiếc đồng hồ cơ học cũ kỹ thân thuộc, đầy lò xo và khớp răng.


Bên cạnh đồng hồ có cái tournevis. Có thể tưởng như chính Fritz vừa mới đặt tournevis ở đó. Peter tin chắc rằng ông Fritz đang chỉnh chính cái đồng hồ này, lúc ông bị gián đoạn. Đột nhiên, ông ngước mắt lên và nhìn thấy kẻ đột nhập vào nhà ông, có thể tay hắn đang cầm súng. Ông cho khởi động máy đồng hồ. Nhưng cho chạy ngược. Tại sao? Vì bị bất ngờ à? Hay ông cố ý? Fritz biết quá rành về đồng hồ, ông biết tất cả những gì có thể làm với đồng hồ, ông…


– Perkins!


Nhà báo giật mình. Thanh tra Grull gầm hét vào tai anh:


– Perkins, tôi đã bảo anh không được đụng cái gì hết!…


– Tôi có đụng gì đâu – Peter đáp. Nhưng ông nhìn thử này: ông có thấy cái đồng hồ này đang chạy ngược không?


Grull liếc nhìn cái đồng hồ đang chạy bậy.


– Thì sao? Ông nói. Nó bị hư và Fritz đang sửa. Anh bước sang phòng bên kia chờ. Các chuyên gia lấy vân tay sẽ vào đây làm việc.


Peter không bàn cãi. Anh quay trở lại phòng sau cửa tiệm rộng lớn, chứa bộ sưu tập của Sandoz, hay, như chính ông thợ đồng hồ gọi, "gia đình" của ông. Anh nhà báo ngồi trong một góc để không làm phiền ai hết.


Căn phòng đang náo động. Nhóm kỹ thuật viên đã đến. Một thợ chụp hình đang chụp vài tấm hình căn phòng và ông Fritz tội nghiệp nằm bên chân chiếc đồng hồ nhà quê cao lớn, nơi ông bị bắn. Người ta lấy tấm drap phủ thi thể ông thợ đồng hồ lại và mang ông đi. Các chuyên gia lấy vân tay đang loay hoay. Peter tin chắc họ sẽ không tìm thấy gì. Thanh tra Grull đang ra lệnh. Những thanh tra khác và viên cảnh sát mặc đồng phục đi ra đi vào. Ít nhất, họ cũng chịu khó.


Peter đang chìm đắm trong suy nghĩ, thì một cái đồng hồ gõ, vang lên trong trẻo. Peter chờ đợi nghe tiếng của những đồng hồ còn lại. Fritz chỉnh các đồng hồ chính xác đến nỗi tất cả gõ cùng lúc.


Nhưng chuyện lạ, chúng không gõ. Peter tìm cái đồng hồ vừa mới nghe, thì đột nhiên, anh nín thở…


Nhiều cái trong số các đồng hồ tuyệt đẹp của Fritz Sandoz không chỉ đúng giờ. Hơn nữa, chúng không chỉ cùng một giờ sai!


Thật không thể tin. Không thể tin, như cái đồng hồ chạy lui. Peter đột ngột cảm thấy xúc động. Có phải những cái đồng hồ chạy sai lại đồng thời báo cho biết một điều khác nữa không? Giờ sai của chúng có tạo thành một bức thông điệp không?


Càng say sưa với giả thiết của mình, Peter nhìn đồng hồ kỹ hơn. Trong phòng có đủ loại. Những cái đối diện với Peter đều là những đồng hồ cổ và cao. Đồng hồ ở cuối hàng được Fritz đặt tên là "ông Thời Gian" vì kích thước và niên tuổi của nó. Ông thợ đồng hồ đang nằm chính bên chân đồng hồ này lúc Peter bước vào phòng.


Ba đồng hồ đầu tiên trong hàng chỉ đúng giờ.


Sau đó đến các đồng hồ chạy sai. Rồi lại đến hai đồng hồ chạy đúng.


Một lần nữa, Peter rút quyển sổ và cây viết ra vẽ nhanh như sau:



4.

Anh nhà báo nhìn hình vẽ của mình thật lâu, rồi cất vào túi. Các đồng hồ chạy sai muốn nói một cái gì đó, nhưng cái gì? Anh không biết.


Anh ngã lưng ra ghế, tập trung suy nghĩ. Lúc vẽ, anh nhận thấy rằng tất cả các đồng hồ trong phòng đều đứng, ngoại trừ mười hai cái đồng hồ nhà quê. Điều này có nghĩa rằng ông Fritz Sandoz đã không kịp lên dây cho chúng tối hôm qua.


Perkins thử tưởng tượng lại các sự việc như đã xảy ra.


Fritz đóng cửa lúc sáu giờ, như thường lệ. Ông chuẩn bị bữa ăn tối nhẹ rồi, lúc gần bảy giờ, ông vào xưởng, dự định ở đó làm việc đến mười hai giờ khuya, trừ khi có bạn bè, như Peter Perkins, đến chơi.


Sắp mười hai giờ khuya, Fritz bắt đầu lên dây thiều đồng hồ, ông đến chân "ông Thời Gian" và ngã xuống do bị tên sát nhân lẻn vào cửa hàng bắn. Nói cách khác, Fritz bị giết lúc mười hai giờ khuya.


Thật ra, Peter Perkins không tin là sự việc đã xảy ra như vậy.


Anh tin chắc rằng Fritz còn đang làm việc trong xưởng, thì kẻ lạ đã bước vào bất ngờ. Có lẽ tên trộm có súng. Hắn đã dọa Fritz. Fritz đã cho đồng hồ điện chạy lui. Rồi kẻ lạ đã buộc ông lên dây một số đồng hồ, để cho cảnh sát tin rằng vụ ám sát đã xảy ra lúc mười hai giờ đêm. Fritz, quen người đàn ông đó và biết tính mạng mình đang bị đe dọa, đã cố tình dịch chuyển kim một vài đồng hồ trong khi lên dây thiều. Ông đã nỗ lực tuyệt vọng để làm việc này, để lại bức thông điệp mà ai đó có thể đọc ra. Sau đó, kẻ trộm bắn chết ông, cướp tiền trong phòng làm việc và đi ra cửa sau mà không bị ai thấy. Không có nghi ngờ gì: kẻ sát nhân đã tìm ra một chứng cớ ngoại phạm rất tốt cho lúc mười hai giờ đêm, nhưng nếu giả thiết này đúng, thì làm sao có thể tìm ra giờ thật khi ông Fritz tội nghiệp bị giết chết?
 


ALFRED HITCHCOCK: Tôi xin có một gợi ý nhỏ với các bạn. Nếu giả thuyết của Peter đúng – mà thú thật, tôi rất tin tưởng giả thuyết này – đồng hồ điện đã bắt đầu chạy ngược ít lâu trước vụ ám sát. Nhưng các bạn có biết đọc giờ đúng trên một cái đồng hồ chạy ngược không? Nói chính xác hơn, làm cách nào các bạn xác định được giờ khi mà đồng hồ bắt đầu chạy lui?


5.

Sau khi suy nghĩ chín chắn, Peter Perkins có được ý niệm khá rõ ràng về chiến thuật của kẻ sát nhân, hắn để lại chỉ dẫn giả để đánh lừa những người điều tra. Bây giờ, phải thuyết phục thanh tra Grull…


Nhưng thanh tra Grull không hề muốn nghe giả thiết nghiệp dư. Vài giờ sau, khi sự náo nhiệt ban đầu của cuộc điều tra hơi lắng xuống, thanh tra bước ra khỏi xưởng và ngã xuống ghế bành bên cạnh Perkins.


– Chúng tôi sẽ tìm kẻ sát nhân – thanh tra rầu rĩ nói. Sự việc đã xảy ra gần như sau…


– Thanh tra à…- Peter bắt đầu nói.


– Perkins, đừng có ngắt lời tôi – Grull gầm lên – anh có hiểu rằng anh là kẻ tình nghi số một của chúng tôi không?


– Tôi hả? Anh nhà báo phẫn nộ phản đối.


– Phải, chính anh. Nhưng vì tôi không thể nào nghĩ rằng anh giết người, nên tôi đi hướng khác. Nhưng cũng còn phải chờ đã! Kẻ trộm là người quen thuộc với Fritz, biết thói quen của ông và biết về số tiền này. Hắn thường xuyên đến đây, nên mới lấy được dấu vết ổ khóa và làm được chìa khóa vào cửa. Tôi không thích chút nào, nhưng rõ ràng là kẻ sát nhân sống và làm việc gần đây.


– Tôi cũng nghĩ như ông – Peter nói.


– Tốt. Mà Fritz đã bị giết hôm qua, lúc mười hai giờ đêm. Chúng ta biết điều này bởi vì ông Fritz đang lên dây…


– Thưa ông thanh tra – Peter lập lại – tôi định nói…


– Tôi đã bảo không được ngắt lời tôi! Grull hét lên. Fritz bị giết lúc mười hai giờ đêm hôm qua. Sáng nay, bà Murphy để ý thấy ông không mở cửa hàng. Bà tưởng ông bệnh và mang súp qua cho ông tối nay. Khi không thấy ông ra mở cửa, bà gọi điện thoại cho chúng tôi. Nhờ vậy mà chúng tôi đã phát hiện vụ ám sát. Người của tôi làm việc rất nhanh. Tôi lần được danh sách năm người sống trong khu nhà này, quen với ông Fritz đã lâu và bị kẹt tiền. Tôi tin chắc rằng một trong họ là thủ phạm.


Grull đưa cho Perkins một danh sách viết bằng bút chì, mà Perkins nhanh chóng học thuộc lòng.


Các tên sau đây được ghi:


Jack Harrison, thợ sơn.
Thomas Fentriss, bán nữ trang.
Bin Lawden, bán thực phẩm khô.
Joseph Finchly, thợ hớt tóc.
Bob Rogers, thợ làm khóa.


– Theo tôi – Grull nói tiếp – có thể là Rogers. Tháng vừa tôi anh ta có làm khóa mới và có thể giữ chìa khóa. Hoặc Lawden, bán thực phẩm khô, đến đây giao hàng nhiều lần trong tuần. Nhưng những người kia cũng thường đến đây và rất có thể lấy dấu ổ khóa. Harrison đã sơn lại cửa hàng cách đây ba tháng. Finchly hớt tóc cho Fritz, nên hai người có cơ hội trò chuyện với nhau. Fentriss giao lại cho Fritz những món đồ quá khó sửa đối với ông. Bất cứ một ai trong năm người này đều có thể đã giết Fritz Sandoz.


– Nhưng đều là bạn bè đối với ông Fritz – Peter nhận xét.


– Khi đụng đến vấn đề tiền bạc, thì vĩnh biệt tình bạn! Grull nói. Cả năm đều cần tiền, vì nhiều lý do khác nhau. Tôi sẽ đích thân hỏi cung từng người và kẻ nào không có chứng cớ ngoại phạm, thì đó sẽ là thủ phạm của ta.


– Anh Grull, anh nghe này – Perkins thử nói thêm một lần nữa. Anh có thấy rằng kẻ sát nhân…


– Perkins à, anh hãy lo nghĩ đến mấy câu đố của anh và để các vụ án cho chuyên gia lo – Grull khuyên. Bây giờ anh đi về nhà đi.


Perkins lấy nón và ra về, đầu óc lo nghĩ. Phải chi Grull chịu nghe anh! Nhưng mà không: giải thích cho thanh tra rằng kẻ sát nhân muốn làm cho cảnh sát tưởng rằng vụ ám sát xảy ra lúc mười hai giờ đêm, trong khi thật ra đã xảy ra trước hơn nhiều, là chuyện vô ích. Grull chỉ càu nhàu một cách khinh bỉ nếu nghe Peter nói về đồng hồ chạy ngược và đồng hồ chạy bậy. Phải chi Peter đọc ra bức thông điệp… Rất tiếc! Peter không thể nào đọc nổi. Chưa thể.


Peter trở về căn hộ nhỏ và, trước khi ngủ, bỏ ra một giờ để nghiên cứu mấy hình vẽ mang về. Không nghĩ ra gì.


Peter ngủ không ngon vì đầu óc vẫn lo nghĩ. Anh rất tài giỏi trong chuyện đoán câu đố, nhưng câu đố này thì chịu…


Câu đố này liên quan đến một tên sát nhân thật, nên khác hẳn…
 


ALFRED HITCHCOCK: Hừm! Hừm! Không hiểu các bạn có nắm được chỉ dẫn rất quan trọng nằm trong những trang vừa mới đọc. Có thể các bạn bỏ qua? A ha! Chắc là các bạn phải từ chức thám tử quá.


Thôi, các bạn đừng buồn, Peter Perkins không để ý gì hết.


6.

Ngày hôm sau, trong văn phòng nhà báo nhỏ, Peter Perkins tỏ ra rất lơ đễnh. Anh chỉ đọc lướt qua các câu đố và truyện cười do độc giả gởi đến để được đăng báo. Đến mười hai giờ trưa anh gọi điện thoại cho Grull.


– Xin lỗi thanh tra, tôi định hỏi thăm xem ông có biết được gì thêm qua năm kẻ bị tình nghi không?


– Không – Grull bực bội trả lời. Tất cả đều có chứng cớ ngoại phạm lúc mười hai giờ khuya. Thậm chí từ lúc mười giờ nữa kìa. Tôi không làm lộ tẩy được tên nào hết.


– Thật ra – Peter bắt đầu nói – anh biết không, tôi nghĩ rằng…


– Perkins, tôi đang bận! Grull đáp rồi cúp máy.


Peter cũng gác máy, lòng nặng trĩu. Phải chi anh có thể bàn về vụ này với một ai đó! Một người khác, cũng say mê câu đố, sẽ cho anh biết ý kiến theo cách nhìn mới… Còn chính anh, Peter Perkins, anh cảm thấy quá gần gũi với vụ này, có liên quan quá trực tiếp.


Peter lơ đãng mở một bức thư ra đọc.


Bức thư chứa một câu đố theo cách viết mật mã, khá hay. Và kí tên là Daniel Grull junior.


Peter giật mình.


Daniel Grull junior! Chắc chắn là con trai của thanh tra Grull. Và lại là một người thích câu đố!


Anh nhà báo ghi địa chỉ lại, chụp lấy cái nón và chạy ra khỏi văn phòng. Một chiếc taxi chở anh đến nhà thanh tra trong vòng mười phút.


Trong khu vườn nhỏ trước nhà, một cậu thiếu niên dong dỏng cao và khỏe mạnh đang quét lá khô.


Peter bước nhanh trên lối đi.


– Có phải Daniel Grull đó không? Peter hỏi.


– Xin chào chú Perkins – cậu bé trả lời. Hình chú trong báo rất giống: chú thấy không, cháu đã nhận ra chú. Chú nhận được câu đố bằng mật mã của cháu chưa ạ?


– Nhận rồi, và chú định cho đăng – Peter nói. Nhưng chú đến gặp cháu vì một lý do quan trọng hơn nhiều.


Peter kể nhanh cho Daniel nghe câu chuyện Fritz Sandoz và các đồng hồ chạy bậy.


– Cháu thấy không – Peter kết thúc – chú tin chắc rằng ông ấy đã cố để lại một bức thông điệp bằng cách dịch chuyển đồng hồ.


Cậu bé gật đầu.


– Cháu xem thử hình vẽ này – Perkins nói. Chắc chắn có một mật mã nào đó. Fritz rất giỏi mật mã và có lẽ ông nghĩ rằng chú cũng có thể đọc ra mật mã này. Nhưng quá ít số để có thể giải ra. Có thể cháu sẽ để ý được một chi tiết nào đó mà chú đã bỏ qua…


Cậu bé nhíu mày.


– Chắc chắn là mật mã – cậu bé nói nhỏ.


Hết sức chăm chú, cậu bé ngồi xuống thềm cửa và Peter cũng ngồi xuống theo. Cả hai cùng xem xét hình vẽ các đồng hồ bí ẩn. Cuối cùng Daniel ngước mắt lên.


– Chú biết không – cậu bé nói – mấy cây kim này làm cháu nghĩ đến tín hiệu cột. Có lẽ đó là một ý nghĩ kỳ cục, nhưng…


– Hoàn toàn không! Peter nắm cánh tay cậu bé kêu lên. Dĩ nhiên là tín hiệu cột! Thời trẻ, Fritz từng là quân nhân ở Thụy Sĩ, thuộc quân đoàn quân chủng thông tin liên lạc. Tín hiệu cột, chắc chắn ông biết cái này! Nhưng chú, thì chú không biết. Chú chỉ học mật mã thôi. 


– Thưa chú Perkins, chắc là cháu lầm rồi – Daniel Grull trả lời. Cháu là hướng đạo viên, cháu biết tín hiệu cột và vị trí mấy cây kim này không có nghĩa gì cho cháu cả. Tình cờ vài chữ và vài hình không phải là chữ nữa.


– Dĩ nhiên rồi, Daniel ơi! Mắt Peter Perkins sáng rỡ vì xúc động. Kim đồng hồ không còn chỉ đúng giờ mà ông Fritz sắp chúng. Kim đã chạy tới. Để đọc được bức thông điệp của ông Fritz, ta phải biết được kim được chỉnh lúc nào và ta phải tính lại vị trí bình thường của kim.


– Vậy thì không thể nào làm nổi – cậu bé thở dài. Ông Sandoz có sáng kiến hay, nhưng ông không nghĩ rằng bức thông điệp của ông sẽ rất khó đọc.


– Có chứ, Daniel ơi, ông ta có nghĩ đến! Perkins la lên. Vì vậy mà ông đã cho đồng hồ điện chạy ngược. Cháu hãy nói cho chú biết đối với cháu, một đồng hồ bị đứng chỉ cái gì?


– Ồ! Dễ thôi, chú Perkins à. Cứ hai mươi bốn giờ, nó chỉ đúng giờ hai lần.


– Còn một đồng hồ chạy ngược, với độ chính xác và đều đặn hoàn hảo, nhưng luôn luôn đi về quá khứ, thì đối với cháu nó chỉ cái gì?


– Cháu không biết – Daniel mở mắt to ra nói. Có đồng hồ chạy ngược à?


– Có những đồng hồ điện thật cổ xưa. Máy của chúng quá thô sơ, nên ta có thể cho nó quay theo chiều này hay chiều kia gì cũng được. Bây giờ, cháu hãy xem cái này.


Peter cho cậu bé xem hình vẽ đầu tiên của anh tối hôm đó.



– Vậy là lúc đồng hồ ngược chỉ 2g10, thì thật ra là 6g40.


– Và nếu đúng hồ ngược chỉ giờ đúng khi nó bắt đầu quay ngược – Peter nói thêm – thì cứ mỗi phút trôi qua có thêm hai phút cách biệt nữa giờ mà đồng hồ chỉ vào giờ đúng.


– Hừm! Phải! Cậu bé vừa đồng tình vừa suy nghĩ, nhưng hai đồng hồ tiến đến một điểm, nơi chúng sẽ trùng nhau, và tương ứng với giờ đúng, và nơi các đồng hồ sẽ đi qua hai lần cứ mỗi hai mươi bốn giờ nếu ta tính hai phút cho một.


– Nói cách khác, nếu ta tiếp tục cho kim đồng chạy ngược chạy lui và kim của đồng hồ đúng chạy tới, thì điểm nơi hai đồng hồ chỉ cùng một giờ sẽ tương ứng với lúc đồng hồ ngược bắt đầu chạy, hay nói cách khác nữa, là giờ gần đúng khi mà Fritz bị ám sát.


Peter hét lên.


– Không, chờ một phút.


– Có cái gì không khớp hả chú Perkins? Daniel hỏi.


– Ta nhầm rồi – Perkins rên rỉ. Vì một đồng hồ đi tới và một đồng hồ đi lui, thì kim sẽ chỉ cùng một giờ mỗi sáu giờ, tức là bốn lần trong một ngày. Hai lần sẽ tương ứng với vị trí kim như lúc đồng hồ ngược bắt đầu chạy: hai lần kia sẽ có khoảng cách nhau sáu tiếng.


– Vậy ta sẽ không bao giờ tìm ra – Daniel thở dài.


Peter Perkins suy nghĩ thật lâu, nét mặt căng thẳng. Rồi nét mặt anh từ từ thư giãn ra:


– Dường như chú tìm ra rồi – Peter Perkins nói. Tất cả những người bị tình nghi đều có chứng cớ ngoại phạm sau mười giờ tối và chúng ta biết chắc rằng vụ án chỉ có thể được thực hiện sau sáu giờ tối, bởi vì đó là lúc Fritz đóng cửa hàng. Có nghĩa là vụ án nằm trong khoảng sáu giờ và mười giờ. Nhất trí không?


– Dạ, nhất trí, thưa chú Perkins.


– Vậy ta thử tính khi nào thì đến lúc kim của cả hai đồng hồ cùng chỉ một giờ – dĩ nhiên là với điều kiện rằng kim vẫn còn quay. Nếu đó là một giờ nằm giữa sáu và mười, ta sẽ biết rằng đó chính là giờ mà ta muốn tìm ra. Nếu đó là một giờ giữa mười và sáu, ta sẽ xê xích đi sáu tiếng và trở về lúc đầu.


– Dạ đúng – Daniel nói sau một hồi suy nghĩ. Phải tính kỹ, rồi mới hiểu nổi, nhưng hình như cháu hiểu ra rồi. Sẽ dễ hiểu hơn, nếu ta có hai đồng hồ và làm cho kim quay thật. Chú có đồng ý lấy hai đồng hồ chú và cháu đang đeo không? Ta có thể chỉnh theo giờ trên hình vẽ của chú trước và cho kim đồng hồ chú quay đúng chiều, còn kim đồng hồ của cháu quay ngược chiều, cho đến khi…


– Có thể làm vậy, Peter ngắt lời. Nhưng sẽ nhanh hơn nếu tính nhẩm. Đồng hồ ngược chạy lui từ lúc 2g10. Đồng hồ đúng chạy tới từ lúc 6g40. Sai số giữa hai cái là… để chú tính nào… năm giờ ba mươi phút. Tức ba trăm ba mươi phút. Hai đồng hồ sẽ gặp nhau – nghĩa là sẽ chỉ cùng một giờ – trong vòng ít hơn hai lần số phút đó. Ba trăm ba mươi chia hai bằng một trăm sáu mươi lăm, tức hai giờ bốn mươi lăm phút. Ta hãy cộng thêm hai giờ bốn mươi lăm phút vào 6g40 và ta sẽ được… khoan đã… ta sẽ được 9g25. Hoặc ta hãy trừ hai giờ bốn mươi lăm của 12g10 và ta sẽ được… chú không lầm chứ?… Phải, ta cũng được 9g25. Nói cách khác, hai đồng hồ sẽ chỉ cùng một giờ lúc 9g25, là một lúc hoàn toàn lọt vào cái khoảng mà ta đã xác định giữa 6 và 10. Suy ra…


– Suy ra – cậu bé la lên – ông Sandoz đã cho đồng hồ chạy lui vào lúc 9g25, vào tối ông bị giết!


– Đúng. Giờ đó, hai đồng hồ như sau:



– Bây giờ – Peter Perkins nói tiếp – ta đã biết Fritz dịch chuyển kim đồng hồ lúc mấy giờ rồi. Giả sử năm phút trôi qua giữa lúc đó và lúc tên sát nhân xuất hiện. Vậy lúc Fritz bắt đầu lên dây thiều các đồng hồ và viết thông điệp bằng kim, thì lúc đó phải là chín giờ rưỡi.


– Và khi chú nhìn thấy và vẽ lại, thì lúc đó 6g45 – Daniel nói tiếp. Thấy rõ trên hình thứ nhì của chú. Hiệu số giữa 9g30 và 6g45 là hai giờ bốn mươi lăm. Ta chỉ việc cộng thêm hai giờ bốn mươi lăm phút vào số giờ của mỗi đồng hồ và ta sẽ có các vị trí mà ông Fritz chỉ ít lâu trước khi chết.


– Ta chỉ mất chừng hai giây là có ngay…


Hai người mất nhiều thời gian hơn thế. Nhưng, một hồi sau, hai chú cháu có được một hình vẽ mới:



Dưới mỗi đồng hồ, Perkins vẽ thêm một thằng người nhỏ làm tín hiệu, đúng như vị trí kim đồng hồ.


– Đây? Có ý nghĩa gì không?


– Còn phải hỏi, chú Perkins ơi! Bằng tín hiệu cột, có nghĩa là…


Dưới mỗi hình người, Daniel viết một chữ cái bằng viết chì.
Anh nhà báo tròn mắt và nuốt nước bọt khó khăn.


– Daniel à – Peter nói – cháu vừa mới viết tên của một kẻ bị tình nghi thuộc danh sách của ba cháu. Cháu đã giải được vụ bí ẩn. Nhưng bây giờ, chú và cháu còn phải cùng nhau thuyết phục ba của cháu rằng chúng ta nghĩ đúng và rằng ba cháu phải áp dụng một cách thức không được chính thống lắm để buộc kẻ sát nhân nhận tội. Bởi vì, cháu biết không, ta sẽ có thể làm cho tòa án chấp nhận bức thông điệp kỳ diệu của ông Fritz tội nghiệp là một lời chứng có giá trị pháp lý.


7.

ALFRED HITCHCOCK: xin các bạn đừng giận. Không, chúng tôi không quên các bạn. Nếu chúng tôi quên viết tên của kẻ sát nhân ra, đó là để các bạn có thể hưởng thụ được sự thích thú tìm ra thủ phạm bằng cách thức của riêng các bạn. Tôi biết rằng vấn đề các đồng hồ hơi khó hiểu. Phần tôi, phải qua giải thích bốn lần, tôi mới hiểu ra.


A! các bạn nói các bạn không biết tín hiệu cột. Thật đáng tiếc là một phương diện quan trọng trong học hành của các bạn đã bị bỏ qua như thế này.


Vẫn còn một chỉ dẫn mà Peter Perkins chưa thấy và chỉ dẫn này không đòi hỏi phải có kiến thức gì đặc biệt trong việc sử dụng tín hiệu cột. Nếu các bạn muốn luyện tập điều tra, các bạn hãy đọc câu chuyện này lại từ đầu.


Hoặc, nếu các bạn thích những gì dễ dàng, các bạn hãy đọc phần tiếp theo: các bạn sẽ biết đoạn kết của vở kịch rắc rối này.


KẾT LUẬN

Tối hôm đó, một cuộc họp kỳ lạ diễn ra trong phòng sau cửa tiệm của Fritz Sandoz. Có khoảng nửa chục viên cảnh sát đi theo thanh tra Grull. Năm người bị tình nghi có mặt ở đó: Jack Harison, Bill Lawden, Joseph Finchly, Bob Rogers và Thomas Fentriss. Ở vị trí sau, có cậu bé Daniel Grull, hết sức kích động. Và cuối cùng là Peter Perkins.


Nhưng không thể nào nhận ra Peter được nữa. Anh mặc chiếc áo dài trắng, đội một cái khăn quấn đầu to tướng và có bộ râu giả, tất cả trông y như thật: anh đã thuê ở chỗ một cửa hàng chuyên cung cấp y phục sân khấu.


Chính Peter Perkins đã có sáng kiến về cuộc họp này. Trước tiên, Daniel đã thuyết phục được cha chú ý đến những tính toán của hai chú cháu. Sau đó, chính Peter Perkins đã giải thích cho thanh tra rằng mặc dù biết được tên kẻ sát nhân, nhưng không có chứng cớ nào hết. Sau khi tranh luận một hồi lâu, Grull đã đồng ý.


Peter mặc đồ hóa trang đứng ở đầu một cái bàn nhỏ. Nhóm người bị tình nghi ngồi đối diện anh, thành hình nửa vòng tròn. Cảnh sát canh giữ cửa ra.


– Tất cả hãy nghe đây – Grull nói bằng một giọng kiêu kỳ. Tất cả các anh đã tự nguyện giúp chúng tôi tìm ra kẻ giết hại ông Fritz Sandoz, bởi vì cả năm anh đều là bạn của ông Fritz. Hoàng tử Ali đây – thanh tra chỉ anh nhà báo hóa trang – là người bạn của ông Fritz. Đêm qua, hoàng tử đã nhận được bức thông điệp từ ông Fritz. Thông điệp nói rằng các đồng hồ mà ông đã lên dây trước khi bị giết sẽ cho ta biết tên của kẻ sát nhân. Nhưng khi chúng tôi đến đây, các đồng hồ đều bị đứng.


Thật vậy, không còn tiếng tíc tắc nào hết. Cảnh sát đã không lên giây cho các đồng hồ của ông Fritz.


– Do vậy – thanh tra Grull nói tiếp. Tối nay, hoàng tử Ali sẽ cố gắng bắt liên lạc lại với ông Fritz Sandoz để biết tên kẻ sát nhân.


Cả nhóm người bị tình nghi rục rịch, để lộ một sự căng thẳng nào đó, nhưng không ai phản đối. Peter biết rằng kẻ sát nhân đang nhớ lại hắn đã thấy Sandoz thay đổi vị trí kim đồng hồ. Đúng lúc này, có lẽ phạm nhân thầm run rẩy, tự hỏi không hiểu động tác của ông Fritz có ý nghĩa gì.


– Bây giờ – Grull nói – ta sẽ tắt đèn và để cho hoàng tử Ali hành động.


Peter nhắm mắt lại, nhưng đang tập trung. Đột nhiên, đèn tắt hết và phòng tối đen như hũ nút. Suốt một phút lâu dài, Peter Perkins không nói gì. Rồi một giọng ồ ồ vang lên:


– Fritz Sandoz, ông có ở đây không? Hồn ông về tới chưa?
Chỉ nghe tiếng thở khàn khàn  của những người trong phòng. Một người căng thẳng ho.


– Fritz Sandoz – Peter nói tiếp – Lúc còn sống, ông bị câm. Nếu ông vẫn không nói được, chúng tôi sẽ không ngạc nhiên. Ông hãy tìm cách cho chúng tôi biết về sự hiện diện của ông. Ông có mặt ở đây với chúng tôi không?


Chậm chậm, hết sức chậm chạp, trên đầu mọi người, chứ C-Ó xuất hiện trên trời bằng ánh đèn xanh yếu ớt.


Có tiếng thở hổn hển lo sợ. Chữ biến mất.


– Kẻ giết ông có mặt ở đây không? Peter hỏi.


Một lần nữa, chữ C-Ó hiện lên trên không, xanh xanh và phát quang.


Có kẻ cố nén một tiếng kêu nhỏ.


– Có phải ông bị giết lúc mười hai giờ khuya, cách đây hai ngày không?


Lần này, chữ K-H-Ô-N-G hiện lên trong bóng tối.


– Có phải ông bị giết lúc chín giờ rưỡi không?


– C…Ó…


– Ông đã để lại cho chúng tôi bức thông điệp có tên kẻ sát nhân, bằng cách thay đổi vị trí kim đồng hồ, khi hắn ép buột ông lên giây đồng hồ, đúng không?


– C-Ó.


Một trong nhưng người có mặt ở đó thở hơi nhanh và hơi mạnh quá…


– Các đồng hồ đều bị đứng. Ông hãy cho chúng tôi biết tên hắn, bằng một cách khác.


Suốt một hồi không có gì xảy ra…


Rồi trên mặt kính của một đồng hồ nhà quê, hiện lên màu xanh phát quang của chữ cái F. Tiếp theo là chữ I, chữ N, chữ C, chữ H, chữ L và chữ Y.


Tên đầy đủ sáng lên trong bóng tối:


F-I-N-C-H-L-Y.


– Không! Một giọng nói hét lên. Không phải tôi.


Rồi có tiếng bước chân gấp, tiếng la.


– Bật đèn lên! Grull hét lớn.


Đèn sáng lên và mọi người nhìn thấy Finchly, thợ hớt tóc, đang vật lộn với viên cảnh sát canh giữ cửa vào.


– Ông ta định tố giác tôi – Finchly khóc lóc. Ông ta biết tôi tổ chức chơi cờ bạc ở phòng sau cửa tiệm tôi và sắp tố cáo tôi.


– Được rồi, được rồi – Grull nói. Dẫn hắn về đồn.


Màn thông linh nhỏ này chấm dứt. Vài giờ sau, thanh tra hãnh diện vỗ vai con trai và mỉm cười với Peter.


– Daniel sẽ theo học khóa tội phạm học – thanh tra nói. Nhưng Peter ơi, làm thế nào anh nghĩ ra cách viết chữ trên vải, cho người của tôi căng lên, và nhờ Daniel chiếu sáng vào bằng cái đèn cực tím?


– Dễ thôi – Peter trả lời. Đó là cách người ta thường làm cho những “chuyến tàu lửa ma" ở hội chợ. Sơn phát quang chiếu sáng bằng đèn cực tím, trông khá dễ sợ. Mà tôi đến cắt tóc chỗ Finchly mấy chục lần rồi, và tôi biết hắn mê tín dị đoan đến mức nào. Ông có biết là hắn luôn mang cái chân thỏ theo mình và không bao giờ mở cửa hiệu vào ngày thứ sáu mười ba không? Nên tôi biết rằng hắn sẽ không chịu nổi màn dàn cảnh nhỏ của chúng ta: với tội giết người đang đè nặng lương tâm.


– Anh đã nghĩ đúng – Grull kêu. Peter à, khi nào anh có giả thiết gì, anh hãy trình bày cho tôi. Tôi sẽ nghe anh. Phải, tôi sẽ lắng nghe anh!


Rồi ông vỗ vào lưng anh nhà báo thân thiện, khiến mũ quấn đầu “hoàng tử Ali" rớt xuống đất.


Nhưng Peter hiểu rằng đó là một lời khen.


ALFRED HITCHCOCK: Lần sau mà các bạn có gặp con ma, các bạn đừng thèm chú ý đến nó. Có lẽ đó chỉ là một chút sơn phát quang bị lãng quên trên không…


Nếu các bạn vẫn còn nghi ngờ cách viết bức thông điệp tài tình của Fritz Sandoz, các bạn hãy tìm vài cái đồng hồ – nếu được, thì đừng chọn những cái đồng hồ quý của bố mẹ – và làm theo suy luận của Perer Perkins và Daniel Grull bằng cách quay kim. Tôi nghĩ các bạn sẽ nhận thấy là mọi thứ đúng y như hai người đã làm. Nếu bạn phát hiện một chỗ sai nào đó, thì đó sẽ là lỗi của người sửa bản in thử…


À! Các bạn muốn ta bàn về cái chỉ dẫn mà Peter không thấy. Thật à, các bạn muốn thế sao?… Chuyện đơn giản đến nổi không biết tôi có nên… Thôi, trước sau gì cũng phải nói ra.


Các bạn hãy quay lui và thử để ý rằng bảy cái đồng hồ, chính xác là bảy cái, đã được dùng để mã hóa bức thông điệp. Mà chỉ một kẻ tình nghi duy nhất có tên gồm bảy chữ. Do đó, không có chuyện gì dễ hơn là tìm ra Finchly – các bạn có đồng ý không?


Tất nhiên là cứ bạn đã có thể không cần suy nghĩ về những cái đồng hồ chạy sai. Nếu vậy, còn tựa đề của câu chuyện này… Đó, các bạn hiểu ra rồi chứ? Chỉ dẫn chính nằm ngay đó, ngay dưới mắt các bạn, ngay từ đầu.


Nhưng người ta không bao giờ để ý đến điều hiển nhiên, đúng không?


Ta hãy chuyển qua câu chuyện kế tiếp.


VỤ BÍ ẨN NGƯỜI ĐÀN ÔNG BỐC HƠI


1.

ALFRED HITCHCOCK: Tôi hết sức kính trọng các tác giả viết truyện trinh thám. Dù sao, cũng nhờ họ mà tôi thực hiện được mấy cuốn phim. Tuy vậy, tôi không cảm thấy dễ chịu với họ. Họ có đầu óc tưởng tượng hoạt động quá dữ và hơi rùng rợn. Nhưng khi một tác giả tiểu thuyết trinh thám bị dính vào một trong những trò phát minh của chính mình, thì, như các bạn sẽ thấy, có những chuyện kỳ lạ xảy ra.


Đúng là không thiếu gì chỉ dẫn. Nhưng liệu các bạn có thu thập các chỉ dẫn kịp thời để giải: "Vụ bí ẩn người đàn ông bốc hơi"?
 
 
Từ lúc biết đọc, Jeff Landrun say mê truyện trinh thám, bất cứ loại truyện gì. Ít nhất, cậu cũng tưởng vậy.


Nay, cậu được làm quen với mót thể loại mà cậu hoàn toàn không thích: loại truyện mà chính cậu là một trong các nhân vật.


Hay đúng hơn, là một trong các nạn nhân…


Jeff tuyệt vọng gặm sợi dây trói tay người cùng số phận với mình. Jeff đang khiếp sợ, nhưng không chịu thú nhận điều này.


Cậu bé gặm sợi gai cũng được mười phút rồi, hy vọng tháo được nút cột, và cảm thấy nút đang lỏng dần.


– Nhanh lên, Jeff!


Đó chỉ là tiếng thì thầm, bởi vì không được để cho gã đàn ông đang canh bên ngoài nghe thấy.


– Ta không còn nhiều thời gian.


Jeff không trả lời. Mở miệng là mất đi một giây. Jeff hơi tròn trịa, nhưng không chậm chạp: nỗ lực hăng hái như một chú chó săn, cậu tiếp tục gặm sợi dây, mặc dù môi và lưỡi bị trầy do cà vào dây gai thô. Dây bị ướt đẫm nước miếng đã trở nên đỡ nhám và đỡ trơn hơn. Jeff tức giận cắn răng nanh vào đây.


Và cậu cảm thấy dây lỏng ra.


– Giỏi quá! Giọng kia nói. Cố thêm một chút nữa.


Jeff kéo. Nút dây đang tháo ra.


Nhưng trước khi cậu bé kịp làm nhiều hơn, tên cai ngục bước vào. Hắn bước thẳng đến chỗ Jeff và người kia dang nằm dưới đất, ngay chân tủ sách. Hắn cúi xuống hai người…-


Jeff cảm thấy tim như muốn ngừng đập. Bây giờ, câu chuyện hoang đường mà Jeff bị dính vào sắp đến hồi kết thúc…


2.

Câu chuyện đã bắt đầu nơi lẽ đương nhiên nó phải bắt đầu: tại đại hội các Nhà văn trinh thám Mỹ.


Tổ chức này tập hợp phần lớn các nhà văn trinh thám Mỹ.
Suốt nhiều năm, Jeff đọc truyện trinh thám mà không hề bận tâm suy nghĩ xem những người viết truyện trinh thám có mặt mũi ra sao. Nếu có nghĩ đến họ, Jeff tưởng tượng họ như những nhân vật kỳ quặc sống trong những ngôi nhà hẻo lánh, đeo kính dày cộm, suốt ngày ngồi trước cái máy đánh chữ và thỉnh thoảng rời khỏi ghế để qua tủ sách tham khảo một quyển sách cũ kỹ nào đó về chất độc hiếm có.


Nên Jeff hết sức ngạc nhiên khi biết rằng chính thầy dạy văn của cậu, ông Howard Matthews, lại viết truyện ngắn trinh thám.


Thầy Matthews có mái tóc vàng, cặp mắt nâu tinh nghịch không hề cần đến loại mắt kính nào. Xưa kia, ở trường, thầy từng vô địch môn nhảy cao. Vợ thầy là một phụ nữ trẻ trung xinh đẹp và thầy có ba cô con gái nghịch ngợm. Trong lớp thầy hay kể chuyện vui.


Ngay khi biết rằng một số truyện từng làm cho mình có cảm giác đặc biệt rùng rợn hơn bất cứ truyện nào khác, được người ký với bút danh "Zébédée Mohr", thật ra lại do thầy Matthews sáng tác, Jeff quyết định rằng chính cậu cũng có thế viết truyện.


Jeff bắt tay vào việc ngay và phát hiện công việc này khó khăn hơn cậu nghĩ. Nhưng do tính kiên trì, sau một tháng, Jeff cũng hoàn thành một thứ gần giống truyện ngắn. Mặc dù cậu cảm thấy tác phẩm mình chưa hoàn chỉnh lắm, Jeff vẫn đưa cho thầy văn xem và kết quả cuối cùng là thầy Matthews mời Jeff đi theo thầy đến New York dự đại hội các nhà văn trinh thám Mỹ.


Thế là Jeff lên đường, khá hồi hộp.


Jeff rất ngạc nhiên khi thấy rằng một tổ chức nhà văn trinh thám cũng giống như bất cứ tổ chức nào khác. Có người cao, người nhỏ, người mập, cả người có râu. Tất cả đều có vẻ tử tế. Tuy nhiên khi nghe vài cuộc hội thoại giữa họ, trong đó họ bàn về những phương pháp giết người mới và thủ tiêu xác chết – ta muốn chạy đi bán cảnh sát ngay.


Cái thích thú nhất đối với Jeff là gặp mặt những nhà văn mà từ trước chỉ nghe tên. Erle Stanley Gardner – người cha của nhân vật Perry Mason lừng danh – hóa ra là một luật sư, cao to vạm vỡ. Ông kể cho Jeff rằng thời còn trẻ ông đã chứng minh được sự vô tội của một thân chủ người Hoa. Ông đã dành được lòng tin của toàn bộ cộng đồng Hoa và từ đó có kinh nghiệm mà sau này ông dùng để viết truyện.


Ellery Queen, cũng một nhà văn nổi tiếng, hóa ra là tên hai người viết chung. Jeff quên đi tên thật của họ và thầm đặt một ông là Mr. Ellery, ông kia là Mr. Queen.


Còn Merlini vĩ đại, không hề tên Merlini và là người viết sách về ảo thuật, vẫn là một nhà ảo thuật thật, bởi vì khi bắt tay Jeff, tay ông nắm lại trong tay Jeff! Merlini vĩ đại nghiêm túc nhận xét rằng Jeff bắt tay mạnh quá và yêu cầu Jeff trả lại bàn ta giả cho ông. Rồi ông rút ra khỏi túi một chiếc khăn tay, biến thành quả trứng và bắn ra hàng mét ruban màu.


Đúng lúc đó, người ta thông báo rằng ở phòng bên cạnh, một chuyên gia cảnh sát New York sẽ thuyết trình về cách nhận dạng mẫu máu. Jeff nghĩ rằng chủ đề này có thể hấp dẫn, nhưng thầy Matthews kéo tay lôi Jeff đến cầu thang dẫn xuống nhà hàng Pháp rất ngon ở tầng trệt.


– Thầy viết truyện phiêu lưu trinh thám Jeff à – thầy Matthews giải thích – và thầy không cần những thông tin kỹ thuật đến mức đó. Mặt khác, thầy nghĩ em sẽ thích gặp ông Harley Newcomb. Ông ta đang uống cà phê dưới đó.


– Harley Newcomb à!


Jeff thường nghe ba nhắc đến cái tên này! Ông Landrun cũng là một độc giả hâm mộ ông Newcomb.


– Đó là tác giả viết chuyện luôn luôn xảy ra trong một căn phòng đóng kín, phải không thầy?


– Phòng khóa, hoặc niêm phong. Hoặc trong những chỗ khác, mà dường như không thể nào thực hiện tội ác được. Newcomb là nhà văn xuất sắc. Ông ta chỉ thích một thứ trên đời: Viết. Thậm chí rất khó mời ông đến dự đại hội như thế này hoặc làm cho ông gặp gỡ bạn bè. Em nhìn kìa: ông ta đang ngồi đằng kia. Vẫn đang viết!


Cuối phòng, Jeff nhìn thấy một người đàn ông nhỏ bé tóc bạc trắng dài thòn, ngồi trong góc và đang viết nguệch ngoạc trong quyển sổ.


– Ủa, đó là người thuê nhà của chú Tom Higgins mà! Jeff thốt lên.


– Đúng. Ông ta gần như là hàng xóm của ta ở Laketown. Nhưng ông không gặp gỡ ai hết, vì ông không muốn người ta biết chính ông là Harley Newcomb danh tiếng. Ông sợ bị quấy rầy trong công việc viết sách.


Lúc hai thầy trò đến gần, Harley Newcomb ngước mắt lên và nhìn hai người qua cặp kính gọng vàng kiểu xưa.


– Ủa! Chào Howardt! Ông nói. Hình như trên kia, tôi có nhìn thấy anh rồi.


– Đúng, anh Harley à – thầy Matthews vừa nói vừa giới thiệu Jeff. Anh vẫn viết đấy hả? Thầy hỏi thêm – và chỉ quyển sổ.


– Tất nhiên, tất nhiên rồi! Nhà văn kêu. Cả hai ngồi xuống đi. Đã đến lúc tôi phải dừng. Tôi mắc cái tật xấu là đi đâu cũng viết.


Ông vỗ vỗ quyển số và cúi ra phía trước.


– Quyển thứ năm mươi của tôi! Ông hãnh diện nói. Hơn nữa là quyển bí ẩn nhất mà tôi chưa bao giờ viết.


– Xét chất lượng những quyển trước, thì chắc là hay lắm, anh Harley à!


– Tình huống thế này – người đàn ông nhỏ nói, mắt sáng long lanh sau cặp kính. Nhân vật chính ở một mình trong biệt thự. Biệt thự bằng đá; tường nhà rất dày; nền đất bằng xi-măng. Không có ống khói. Nhân vật chính gọi điện thoại cho một người bạn để báo rằng mình đang thực hiện những cuộc thí nghiệm phù thủy. Trong quyển sách cổ xưa, anh đã tìm được một phương pháp phù phép để làm cho người ta biến mất. Đột nhiên, anh ta la lên "Cứu với, cứu với! Tôi bị thu nhỏ…". Điện đàm bị cắt đứt.


Nhà văn cười khúc khích nhìn Jeff.


– Rồi sao? Ông hỏi. Cháu nghĩ anh ta bị gì?


– Thưa bác, cháu không biết – Jeff trả lời. Chủ đề khá dễ sợ. Trừ phi đó là trò đùa?…


– Trò đùa! Harley Newcomb giật mình phản đối. Truyện của bác luôn luôn nghiêm túc. Sau đó, là thế này. Người bạn đến biệt thự cùng với cảnh sát. Cửa nhà bị khóa từ bên trong. Có những tấm ván bị đóng đinh trên tất cả các cửa sổ, đóng đinh từ bên trong. Người ta dùng rìu đập phá cửa và thấy cửa cũng bị bịt kín bằng những tấm ván đóng đinh. Toàn bộ ngôi biệt thự đã được đóng kín mít từ bên trong: một con chuột cũng không thể ra được. Không có cửa sập, không có cửa mật. Nhưng người đàn ông đã biến mất hoàn toàn. Ông ta đã bốc hơi từ một căn phòng mà không thể ra được!


– Trời? Jeff chưng hửng kêu. Bác Newcomb ơi, bác lấy đâu ra những ý như thế này?


– Khắp nơi – nhà văn vừa đáp vừa cất sổ vào túi áo. Ý này, bác lấy được từ một cuộc nói chuyện với một người quen. Đó là cách đây… Chờ một chút… Hôm nay là ngày hai mươi mốt, hôm đó là mùng một: vậy bác viết được ba tuần rồi. Chắc là sẽ viết xong cuối tháng.


Ông vội vàng đứng dậy.


– Tôi phải về – ông nói. Tôi vừa mới có ý mới. Chắc là tôi sẽ viết suốt đêm. Tháng tới, mời anh Matthews đến thăm tôi, cùng anh bạn trẻ này nữa.


Nói xong, người đàn ông tóc bạc bỏ đi thật nhanh.


– Ta cũng phải về thôi Jeff ơi – Thầy giáo nói. Ta phải đi xe đến hai tiếng lận.


Trên đường đi về, Jeff nói liên tục về những gì đã nghe và thấy được tối hôm đó. Hấp dẫn quá!


– Thầy Matthews ơi – Jeff hỏi – thầy nghĩ em có viết nổi một truyện sẽ được đăng không ạ?


– Tất nhiên là được, Jeff à, nếu em chịu khó bỏ ra nhiều năm để học nghề. Nhiều nhà văn bắt đầu viết sớm lắm. Robert Bloch, mà em đã thấy, tác giả quyển "Loạn tâm thần", bắt đầu nghề viết lúc mười bảy tuổi. Rồi dĩ nhiên là em biết chuyện "Frankenstein".


– Em biết. Chuyện hay quá! Em có xem phim trên truyền hình.


– Dù rất khó tin, nhưng câu chuyện do một thiếu nữ mười chín tuổi viết. Vậy em thấy đó, em cũng có cơ hội.


Suốt phần đường còn lại, Jeff tự hỏi xem mình có thật sự có thiên hướng viết truyện trinh thám hay chỉ có thiên hướng làm một đọc giả thôi. Cũng may cho cậu, Jeff không biết cậu sắp trải qua một cuộc phiêu lưu bí ẩn, hoang đường hơn tất cả những chuyện đã đọc.


3.

Tuần tiếp theo sau đại hội, Jeff không có thời gian đọc sách. Ngoài học hành, Jeff còn lo việc bán buôn hằng năm của Hội Thể Thao. Cuộc bán buôn này, dùng để gây quỹ cho Hội, luôn luôn diễn ra ngoài thành phố, trong một kho thóc. Hàng ngàn người đến đó để mua bất cứ một cái gì, từ cái tủ lạnh cũ cho đến đôi giày trẻ con. Nhưng cần phải nhắc mọi người chuẩn bị đồ cho, rồi sau đó ghé lấy, tất cả phải làm trước mấy tuần lễ.


Jeff đã thăm dò xong khu vực được giao. Người ta hứa sẽ cho quần áo, sách, dụng cụ cũ, đài radio, bàn ghế hư, hai tủ lạnh và thậm chí ba bó rơm. Các tài xế xe tải sẽ lo chở những món đồ nặng nhất, nhưng thầy Matthews có hứa với Jeff là ngày thứ bảy thầy sẽ lái xe đến giúp chở những thứ còn lại.


Phía sau xe và cốp xe được chất thùng carton chứa quần áo, giày dép đủ số chân và đủ hình dáng, vật dụng và sách vở. Rồi hai thầy trò lên đường đi đến nông trang của Tony Higgins. Tony sở hữu kho thóc rộng và trống duy nhất gần thành phố, nên cuộc bán buôn luôn diễn ra tại nhà ông.


Lúc xe rẽ vào con dường dẫn lên kho thóc, Jeff nhớ đến nhà văn được giới thiệu. Harley Newcomb, sống trong ngôi nhà nhỏ do Tonny xây.


– Không hiểu ông Newcomb viết xong quyển sách chưa? Jeff nói.


– Có lẽ xong rồi – thầy Matthews trả lời. Ông đã nói cuối tháng sẽ viết xong và hôm nay là ngày ba mươi rồi. Ông có mời chúng ta ghé thăm. Ta có thể sang nhà ông khi dỡ hàng khỏi xe xong, nếu ông viết xong quyển sách, thì chắc có nhiều chuyện hay để kể lắm. Ông ta từng quen với Conan Doyle, "cha đẻ" của Sherlock Holmes.


Sau khi chạy vòng qua bụi cây, xe dừng lại trong sân nông trang nơi Tony Higgins sống với vợ. Sân đầy bụi; nhà cửa như sắp sập đổ. Hai con dê cột ở góc kêu be be khi thấy khách đến. Còn chủ nông trang, một người đàn ông vạm vỡ, ngoài tứ tuần, mặc bộ áo liền quần cũ sờn và có mái tóc không biết đến thợ hớt tóc từ lâu, ngước mắt lên, ra hiệu chào.


Tony Higgins đang cưa một phiến gỗ, mà dường như ông sẽ dùng để nâng mái một nhà chái, che chiếc xe tải thời tiền sử của ông. Hiện tại, góc mái đang tựa trên một khúc gỗ quá ngắn, còn chính khúc gỗ tựa trên cái kích chiếc xe tải, mà cái kích không đạt được đủ chiều cao cần thiết nếu không có cái đế gồm vài viên gạch.


Nếu suy nghĩ kỹ, tất cả cho thấy nguyên nhân tại sao kho thóc của ông Higgins luôn trống rỗng và sẵn sàng cho cuộc bán buôn hàng năm của hội. Thật vậy, Tony không thích cực nhọc. Nên từ lâu ông không còn chăm lo đất đai nghiêm túc nữa. Do đó, ông không có gì để cất vào kho thóc cả.


– Chào – ông nói và từ từ đứng thẳng người dậy. Hôm nay trời đẹp…


– Rất đẹp – thầy Matthews thừa nhận. Jeff và tôi chất hàng vào kho thóc được không?


– Cứ tự nhiên – Tony đáp. Nếu không có việc quan trọng cần làm, tôi đã giúp hai người rồi.


Thầy Matthews nháy mắt với Jeff.


– Tụi này thấy rồi, anh Tony à!


Thầy giáo và Jeff bắt đầu khiêng thùng carton vào kho thóc, trong đó vẫn còn mùi rơm và mùi bụi bậm. Những người đi gom góp đồ đã ghé qua trước hai thầy trò rồi, nên trong kho đã có một núi đồ đạc linh tinh sẽ phải chọn lọc lại để chuẩn bị cho cuộc buôn bán.


– Năm nay, Tony sẽ lãi to! Thầy Matthews cười nhận xét.


Thay vì trả tiền thuê kho thóc cho ông Higgins, Hội Thể Thao bỏ lại cho ông tất cả những gì không bán được. Luôn còn lại một số quần áo cũ, dụng cụ, đài radio cũ, đôi khi cái máy giặt còn sửa được, giường, bàn ghế, v.v.


– Không hiểu ông Tony làm gì với đồng đồ phế thải còn lại – Jeff vừa nói vừa đi lấy cái thùng khác trong xe. Thầy có nghĩ chú ấy bán lại được không?


– Tất nhiên – thầy Matthews nói. Tony thích ngồi một chỗ sửa một cái máy cũ hơn là làm ruộng. Vợ ông ta vá quần áo cũ và họ cũng bán lại được. Có lúc họ may mắn và trúng mánh! Đôi khi có người cho quần áo đẹp, cũ xưa. Không ai chịu mua. Khi đó, Tony cất bỏ trên tầng nóc. Mà mọi giám đốc đoàn kịch nói đều biết rằng, nếu cần tìm y phục, thì có nhiều cơ may tìm thấy ở đây. Tony đòi một giá cũng khá. Những khoản thu nhập nhỏ nhỏ này giúp ông sống. Ông ta coi vậy chứ không ngờ, nhưng hàng xóm đều biết ông đánh hơi được một đồng đô-la cách xa hai kilômét!


Khi chất đồ xuống xe xong, ông Higgins vẫy tay tạm biệt hai thầy trò.


– Nếu không bận tôi đã giúp một tay rồi – ông nói.


– Chúng tôi sẽ còn trở lại! Thầy Matthews vừa nói vừa rồ máy xe. Còn bây giờ – thầy quay sang nói với Jeff – ta hãy vòng qua bụi cây này ghé thăm ông Harley Newcomb.


Theo đường bộ, ngôi biệt thự nhỏ nằm cách xa bốn trăm mét. Nhà nằm cách biệt, có cây cối xung quanh; cách ly trong rừng như vậy bảo đảm sự cô độc cần thiết cho nhà văn.


– Thầy Matthews ơi – Jeff kêu, khi xe chạy trên lối đi – thầy xem kìa! Thùng thơ ông ấy đầy tràn!


– Hừm! Đúng.


Hai thầy trò xuống xe và thầy giáo quay lại nhìn thùng thư đầy nhóc báo và tạp chí đến nỗi nắp thùng hé mở.


– Sữa nữa! Ông ấy cũng không lấy – Jeff nhận xét.


Thầy Matthews thấy ba chai sữa đầy đặt trước cửa.


– Có lẽ ông ấy đi vắng – thầy giáo nói. Ta cứ đến gõ cửa thử.


Thầy bước trên đường mòn rải sỏi dẫn đến cửa vào ngôi nhà, là một kiến trúc nhỏ bằng đá kiên cố. Thầy gõ cửa.


Không có trả lời. Thầy gõ thêm lần nữa.


– Jeff ơi, em thử nhìn qua cứa sổ xem sao! Thầy nói.


Jeff tiến lại gần một cửa sổ và cố nhìn vào bên trong. Jeff kêu lên ngạc nhiên, khiến thầy Matthews chạy đến.


– Có ai đã đóng đinh những tấm ván trên cửa sổ, từ bên trong, mỗi tấm ván cách nhau khoảng hai centimét. Khi nhìn qua khe hở, chỉ thấy có bóng tối và không có dấu hiệu gì của ông Newcomb hết.


Thầy Matthews và Jeff đi vòng qua nhà, nhà chỉ có một tầng trệt. Tất cả các cửa sổ đều bị bít kín từ bên trong. Cửa chính và cửa sau đều bị khóa.


– Jeff – thầy Matthews ra lệnh – em chạy đi tìm ông Tony Higgins đi! Em dặn ông ta lấy chìa khóa và cái rìu theo. Có thể ta sẽ phải phá cửa. Thầy sợ có chuyện xảy ra.


Thầy giáo chưa nói xong, Jeff đã chạy rồi. Cậu chạy qua cái gara. Xe của ông Newcomb đang đậu trong đó, vậy là nhà văn chưa đi khỏi đây.


Jeff lần theo đường mòn. Cậu băng qua khu rừng nhỏ, bước dọc theo cái hồ, vượt qua con suối nhỏ rồi chạy vào sân sau nông trang của Tony. Bầy gà kêu cục tác bỏ chạy.


– Chú Higgins ơi! Jeff la lên. Nhanh lên! Nhanh lên! Ông Newcomb biến mất rồi.


Tony Higgins đứng thẳng người dậy, nhanh nhẹn đáng kinh ngạc.


– Biến mất? Không trả tiền nhà à? Ông ta không có quyền làm thế.


– Chú có thể lấy chìa khóa và rìu theo được không? Xin chú đi nhanh ạ.


Ông chủ nông trang cũng hoảng sợ lây, cầm vội cây rìu và đi ngay.


– Tôi có chìa khóa trong xâu rồi – ông ta vừa nói vừa khoe một xâu chìa khóa vĩ đại, đủ mọi hình dáng và đủ mọi kích thước. Tên viết lách bị gì vậy?


– Chúng tôi không biết. Toàn bộ ngôi nhà bị đóng ván kín mít từ bên trong.


Cả hai cùng chạy – thật ra ông chủ nông trại chạy không được nhanh lắm – đến ngôi biệt thự nhỏ.


Thầy Matthews đang cố nhìn qua một cửa sổ.


– Vẫn không thấy ông ấy – thầy thông báo. Tony à, anh hãy cố mở cửa ra.


– Khỏi cần nói, tôi sẽ làm ngay – ông Higgins nói. Trong hợp đồng có ghi là không được bỏ đi mà không trả tiền thuê nhà trước.


Ông lục trong xâu chìa khóa to tướng và cuối cùng tìm ra một chìa khóa đút vào ổ khóa cửa. Ông kéo tay cầm thật mạnh, nhưng cửa không mở ra.


– Không bình thường! Ông chủ nông trại càu nhàu. Cửa không nhúc nhích. Xem này: có đinh lòi ra.


Ông chỉ mấy mũi đinh. Đến lượt Jeff nhìn thấy mũi đinh nhọn hoắt lòi ra khỏi cánh cửa.


– Có lẽ ông ấy đóng đinh cả cánh cửa – Jeff giả thiết.


– Nói cách khác, phải đập phá cửa – thầy Matthews nói.


– Ê! Khoan đã! Higgins phản đối. Cửa tốn nhiều tiền lắm.


– Ta phải vào chứ. Có chuyện xảy ra với Harley Newcomb. Rõ ràng thế. Tony à, anh gặp ông ta lần cuối cùng là lúc nào?


– Lần cuối cùng hả?


Ông chủ nông trang gãi cằm và nhíu mày cố gắng nhớ lại.


– Chắc là tháng rồi… Cách đây khoảng sáu tuần. Ông ấy điện thoại báo rằng ống nước bị rò rỉ. Vì ông không thích bị quấy rầy, nên tôi không bao giờ ghé ông nếu ông không gọi điện yêu cầu.


– Sáu tuần à? Còn chúng tôi đã gặp ông ấy ở thành phố, cách đây mười ngày. Dường như ông ấy không lấy thư, lấy sữa từ một tuần lễ rồi.


– Khoan đã… Ba chai sữa. Ông ấy uống hai ngày một chai. Vậy là sáu ngày. Đúng, gần một tuần, ông Matthews à.


– Vậy là dường như có chuyện xảy ra với ông, ba ngày sau khi ông về. Có thể ông ấy ở bên trong, bị bệnh hay là… Dù sao cũng phải vào. Tony, anh hãy đập một ô kính cửa sổ. nếu không muốn đập phá cửa.


– Thôi được. Một tấm kính vẫn rẻ hơn một cánh cửa. Ông Higgins nói.


Ông bước lại gần cửa sổ đầu tiên và dùng cán rìu đập vỡ một ô kính. Rồi ông nện vào mấy tấm ván gỗ dày nằm ở phía sau. Sau khoảng một chục cú đập, ván bắt đầu vỡ.


– Ván đóng chặt quá – ông nhận xét giữa hai lần đập. Nhưng sắp nứt rồi. Có một đầu đã sút đinh. Bây giờ, nếu đẩy, là có thể vào được bên trong. Mời ông Matthews vào trước.


– Được – thầy giáo nói – anh hãy đẩy mấy tấm ván ra.


Trong khi ông chủ nông trang đẩy mấy tấm ván và giữ chúng, thầy Matthews chui vào bên trong. Rồi thầy kéo mấy tấm ván về phía mình, để cho lỗ hở rộng ra, sao cho Jeff và Tony cũng có thể vào được.


Bên trong tối om, bởi vì tất cả các cửa sổ đều có ván gỗ đóng đinh kín mít. Jeff chớp mắt để làm quen với bóng tối. Thầy Matthews gọi thật lớn:


– Harley!… Ôi! Harley ơi!


Không có tiếng trả lời.


– Ta hãy bật đèn lên cho sáng! Thầy giáo đề nghị.


Thầy bấm công tắc đèn. Không có gì xảy ra cả. Vẫn tối om. Nhưng do mắt quen rồi, Jeff nhìn thấy một bộ sưu tập mặt nạ quỷ quái Châu Phi treo trên tường. Giống như có những con quỷ giận dữ nhìn Jeff. Toàn bộ một bức tường phủ đầy sách. Chính giữa của một kệ trống không có ba đầu lâu người, một lớn, một trung bình và một nhỏ đang mỉm cười trên đó một cách rùng rợn.


– Tôi không thích chuyện này tí nào – Tony Higgins hạ giọng nói. Thật đấy, tôi không thích tí nào.


– Đi! Có thể ông ấy ở trong phòng ngủ – Thầy Matthews nói.
Thầy bước vào phòng. Ngoài nhà bếp nhỏ và nhà tắm, không còn căn phòng nào khác. Tony Higgins bước theo. Jeff nhìn thấy hai cây đèn cầy và bật quẹt lửa trên bàn. Jeff châm hai đèn cầy và đưa lên cao để nhìn cho rõ.


Ngọn lửa chập chờn làm cho những hình bóng kỳ lạ chạy trên tường nhà. Phía trên hai cây lao đặt chéo nhau, các mặt nạ trên tường như đang nhăn nhó cười.


Vẫn cầm hai đèn cầy cao, Jeff đến gần một cái bàn viết lớn, trên đó có máy đánh chữ. Gần máy là một quyển sách to đang mở. Rõ ràng đó là một quyển xuất bản rất xưa, và nội dung bằng tiếng la-tinh. Jeff không hiểu tiếng la-tinh, nhưng đọc được những gì đánh máy trên tờ giấy nằm trong máy đánh chữ.


Vỏn vẹn chỉ có một dòng như sau:


"Cứu với! Cứu với! Tôi bị thu nhỏ… "


Chỉ có thế thôi. Nhưng làm Jeff nổi da gà.


– Thầy Matthews ơi! Jeff kêu bằng một giọng yếu ớt.


Thầy giáo và Tony Higgins bước ra khỏi phòng ngủ.


– Không có ai hết – thầy Matthews nói – và các cửa sổ đều bị đóng đinh giống mấy chỗ kia.


– Tôi nghĩ – ông chủ nông trang nói – rằng chắc chắn kẻ đóng đinh mấy tấm ván này trên cửa sổ và cửa vẫn còn bên trong. Thậm chí con mèo cũng không ra được.


– Nhưng Harley Newcomb đã ra rồi! Thầy giáo nói lại. Jeff, cám ơn em chiếu sáng cho chúng ta. Nhưng sao em xanh quá vậy…


– Có có bức thông điệp trên máy – Jeff nói cà lăm. Và… và quyển sách nữa. Sách cổ bằng tiếng la tinh…


Thầy Matthews đọc mấy từ đánh máy, rồi xem quyển sách.


– Phải, đây là tiếng la-tinh – thầy nói. Quyển sách này ít nhất cũng bốn trăm năm tuổi. Thầy không hiểu hết mọi từ, nhưng sách nói về… nói về phép, về công thức thần bí làm cho người biến mất.


Jeff nuốt nước miếng khó khăn. Đúng như Jeff sợ.


– Thầy sẽ gọi cảnh sát – Thầy Matthews nói.


Thầy bước đến máy điện thoại, cầm ống nghe lên rồi quay số. Thầy chờ một chút rồi nhìn dây điện.


Dây bị cắt.


– Có kẻ đã cắt dây điện thoại và tháo cầu chì! Thầy Matthews buồn rầu nhận xét.


Đột nhiên, thầy nhìn xuống đất, phía sau cái ghế nơi đáng lẽ nhà văn đang ngồi đánh máy, Jeff cũng nhìn theo. Dưới đất có một vết to màu đó hình thù không đều đặn.


– Máu… – Jeff hổn hển nói.


– Không phải – thầy Matthews nói. Mực đó. Chai bị đổ đây này. Mực khô rồi, chứng tỏ chuyện này xảy ra cách đây mấy ngày, có lẽ là một tuần. Nhưng em hãy nhìn ở đây vết đế giày… Như thể ông Harley đứng dậy khỏi ghế, rồi bỏ chạy.


– Vết khác đây nữa này – Tony nói sau khi lấy đèn cầy của Jeff và cúi xuống đất xa cách đó hai mét. Thêm một vết khác nữa. Và một vết nữa. Thêm hai vết nữa. Tất cả có sáu vết. Ông Matthews, ông hãy nhìn thử và nói tôi có bị ảo giác không.


Jeff và thầy Matthews cũng cúi xuống nhìn những vết màu đỏ, do một người đã giẫm vào mực đỏ ướt để lại.


Đột nhiên, Jeff cảm thấy tóc như dựng đứng trên đầu…


Vết chân đầu tiên là của một người bình thường. Vết thứ nhì không có gót chân: chỉ phần trước đế giày in dưới đất, như thể người đó đang chạy. Nhưng nó đã nhỏ hơn so với vết thứ nhất.


Còn những dấu chân còn lại, thì giảm dần, dấu chân dường như của em bé.


– Ông ta chạy trốn! Tony Higgins nói, giọng đã trở nên trầm và khàn. Ông ta chạy về phòng trốn và càng nhỏ dần trong khi chạy. Và sau đó… ông đã biến mất. Bốc hơi!


Ba người nhìn nhau và Jeff phải hết sức cố gắng để giọng nói không bị run.


– Thầy Matthews ơi – Jeff nói. Thầy còn nhớ câu chuyện mà ông Newcomb đã kể ở đại hội không? Có một người bị nhốt trong nhà và bị biến mất trong khi làm ảo thuật. Câu chuyện… câu chuyện đã thành sự thật!
 
 
ALFRED HITCHCOCK: Tôi có làm phiền các bạn không? Tôi nghĩ mình phải báo cho các bạn biết rằng một chỉ dẫn có ý nghĩa về vụ bí ẩn Người đàn ông bốc hơi đã được cung cấp cho các bạn. Đúng là những chỉ dẫn tinh tế thật. Nếu các bạn không hề biết làm cách nào một người có thể ra khỏi một căn nhà đóng từ bên trong hay về một công thức làm phép cổ xưa có thể làm cho một người nhỏ dần cho đến khi biến mất hẳn, thì các bạn đừng nản lòng! Cảnh sát cũng không tài giỏi gì hơn các bạn.


Đúng là cảnh sát hiếm khi có cơ hội điều tra về loại bí ẩn như thế này.


4.

Thầy Matthews ra nông trang để gọi điện thoại cho cảnh sát, trong khi Tony và Jeff ở lại canh gác trước ngôi nhà trống không. Không ai muốn ở lại bên trong. Tony lầm bầm vài câu về sự vô lương thiện của ông Newcomb, biến mất không chịu trả tiền nhà, nhưng cũng không nỡ thật sự nổi giận. Nhiều lần, ông đi vòng vòng nhìn chằm chằm ngôi nhà và lắc đầu như thể sẽ tìm ra được một cánh cửa mà trước đây chưa bao giờ thấy. Jeff đi theo ông, nhưng nhìn cũng vô ích. Ngôi nhà vẫn y như xưa: bằng đá kiên cố, có mái che, và không hề có dấu vết cậy cửa.


Chẳng bao lâu, thầy Matthews quay về cùng xe cảnh sát. Ngay khi hiểu ra vấn đề, cảnh sát gọi về đồn bằng điện đài trên xe và ít lâu sau, năm chiếc xe cảnh sát chạy đến cùng lúc và cảnh sát mặc quân phục xâm chiếm ngôi nhà.


Cảnh sát tháo những tấm ván mà Tony đã làm tróc đinh, nhưng để y nguyên phần còn lại để chụp hình và xem xét thỏa thích. Thế là Jeff có dịp theo dõi một cuộc điều tra của cảnh sát thật cho đến tối.


Cảnh sát gõ tường bằng búa, để tìm cửa mật, kéo các tấm ván phủ cửa sổ, bò trên mái nhà để kiểm tra xem gạch ngói có bị xê dịch hay không.


Cánh sát biết được rằng các tấm ván bị đóng đinh trên cửa vào và cửa số xuất xứ từ ván nằm phía sau gara mà Tony chưa xây xong. Đinh cũng được lấy từ một cái hộp bỏ gần đống ván. Búa cũng được lượm tại đó: Tony bỏ đó phòng trường hợp có ngày ông lại muốn làm gara cho xong. Vậy là bất kỳ một ai cũng có thể sử dụng dụng cụ và vật tư đó. Phía này cũng không có dấu vết gì.


Cuộc điều tra vẫn không tiến triển. Rõ ràng là không ai có thể ra khỏi một ngôi nhà đã trở nên kín mít, kể cả một con mèo. Nhưng Harley Newcomb đã biến mất. Cảnh sát rất mong tìm ra một cánh cửa mật hay một cửa sập trên mái nhà, nhưng không có. Tony Higgins liên tục kêu rên:


– Tôi đã nói với các anh là không có cửa mật hay cái gì như thế. Tôi biết mà, vì chính tôi đã tự tay xây dựng cái nhà này, cùng với Gioe Caruso, công nhân của tôi, cách đây năm sáu năm. Tường thì bằng đá tốt, vữa ximăng tốt, nền đất bằng bê tông tốt, mái nhà tốt chưa bao giờ bị dột. Và ngay khi nhà xây xong, là ông Newcomb đến ở cho đến nay. Tôi chưa bao giờ bị rắc rối với ông ta. Chưa lần nào. Vậy mà bây giờ ông ta bốc hơi mất, mà không chịu trả tiền nhà! Đáng nhẽ phải cấm mấy trò phù phép ảo thuật.


Cảnh sát không hài lòng với giải thích này, nhưng không tài nào tìm ra dấu vết nào của Harley Newcomb. Nếu nhà văn lừng danh không bốc hơi mất, như Higgins khẳng định, thì sự mất tích của ông ấy càng bí ẩn thêm…


Cuối cùng cánh sát thừa nhận rằng Harley Newcomb đã cố tình biến mất, để tự quảng cáo cho mình, nhưng không ai tin. Nhất là thầy Matthews.


– Họ nói bậy, Jeff à – thầy tuyên bố khi đưa cậu bé về nhà. Harley rất ghét quảng cáo. Ông cố gắng tránh quảng cáo phô trương.


– Vậy thầy nghĩ rằng… công thức ma thuật đã thật sự có tác dụng à?


– Chắc chắn là không có chuyện đó đâu! Thầy giáo trả lời bằng một giọng không tự tin lắm. Nói thật, thầy cũng không biết nghĩ sao nữa. Chúng ta biết được rất nhiều nếu có ý nào về cách ông ấy đã ra khỏi được ngôi nhà hay về cách mà thi thể của ông – thầy không thích nói về ông Newcomb tội nghiệp thế này chút nào – đã được mang ra.


– Thầy nghĩ…


– Thầy không biết. Thầy hy vọng là không. Nhưng có thể. Dù sao, thầy biết chắc một điều, người chịu trách nhiệm về chuyện này không phải Harley mà là một kẻ khác. Tuy nhiên, theo thầy biết ông ấy không hề có kẻ thù.


– Có thể ông ấy thử ứng dụng cái ý mà ông đã nói – Jeff giả thiết. Ông ấy muốn kiểm tra cho chắc là làm được và ông ấy bị thương.


– Nếu vậy, chúng ta đã tìm thấy một dấu vết gì đó, một chỉ dẫn nào đó rồi. Thầy cảm thấy chóng mặt quá. Ta hãy về ngủ, qua một đêm đầu óc sẽ sáng suốt hơn. Em biết là cảnh sát không tìm ra được quyển tiểu thuyết mà ông ấy đang viết. Cảnh sát có gọi về New York, và nhà xuất bản nói là chưa nhận được gì. Em có hiểu như vạy nghĩa là thế nào không?


– Dạ… dạ không – Jeff trả lời. Dường như em không hiểu.


– Có nghĩa là bản thảo đã bị đánh cắp. Mà đánh cắp bản thảo truyện trinh thám chưa viết xong có thể giúp ích dược gì?


– Dạ phải, em không thấy có lợi gì.


– Thầy cũng không thấy. Trừ phi bản thảo đó có chứa bí mật về sự mất tích của Harley Newcomb… Tới nhà em rồi đó Jeff. Ngày mai, thứ hai, thầy sẽ gặp lại em ở trường. Có thể cảnh sát sẽ phát hiện điều gì đó.


5.

Nhưng đến thứ hai, cảnh sát cũng chưa tìm ra gì. Harley Newcomb vẫn chưa xuất hiện lại. Cảnh sát khăng khăng giữ nguyên giả thiết cũ: nhà văn muốn tự quảng cáo. Thái độ của giới báo chí khác hẳn. Báo chí New York cũng như báo chí địa phương đăng phóng sự và hình ảnh gán một vẻ phù thủy cho toàn bộ chuyện này. Các dòng tít lớn đầy ẩn ý:
 
PHẢI CHĂNG MỘT NHÀ VĂN LỚN ĐÃ BIẾN MẤT?
 
KHI SỐNG LẠI TÌNH TIẾT TIỂU THUYẾT CỦA MÌNH. MỘT NHÀ VĂN BIẾN MẤT KHỎI MỘT NGỒI NHÀ ĐÓNG KÍN MÍT
 
MỘT NHÀ VĂN BỊ THU NHỎ 100 PHẦN 100 NHỜ MỘT CÔNG THỨC PHÙ THỦY CỔ XƯA
 
Quyển sách cổ về phép phù thuỷ bằng tiếng La-tinh, ba cái đầu lâu trên kệ, các mặt nạ và cây lao, tất cả đều rất ăn ảnh. Những bản tường thuật của báo chí tha hồ nói bóng nói gió về những sự việc lạ lùng và quỷ quái xảy ra trong ngôi nhà.
Báo đăng hình mấy dấu chân nhỏ dần, hình bức thông diệp đánh máy thậm chí hình Jeff, thầy Matthews và Tony Higgins.


Jeff kể đi kể lại cuộc phiêu lưu của mình cho bạn bè.


Ai cũng tò mò, nên rất nhiều người dân thành thị Laketown và thậm chí dân New York kéo đến xem ngôi nhà. Cảnh sát buộc phải phái một cảnh sát để điều khiển giao thông và một cảnh sát khác canh gác trước nhà và ngăn cản những kẻ hiếu kỳ lấy đồ đạc đi làm lưu niệm.


Ông Higgins tiến hành tuần tra với cây súng săn:


– Nếu ông ta không trở về trả tiền nhà cho tôi – ông tuyên bố – thì tất cả những gì nằm trong nhà sẽ thuộc về tôi. Không ai được lấy gì đi hết. Kể cả một cái đinh.


Ba ngày sau, báo chí chuyển sang nói chuyện khác. Còn cánh sát, không tìm ra được gì, một lần nữa lại núp sau giả thiết quảng cáo ban đầu. Nhưng người ta vẫn đến tham quan "ngôi nhà bí ẩn" như được gọi bây giờ.


Tony Higgins, luôn lanh lợi khi có cơ hội kiếm chút tiền, nhờ một người em họ giúp đặt cái bảng to viết như sau:
 
GIÁ MỘT ĐÔ-LA
QUÝ KHÁCH HÃY THAM QUAN
NGÔI NHÀ BÍ ẨN
CÓ TIẾNG KÊU CỨU
DẤU CHÂN ĐỎ
VỤ BÍ ẨN THẾ KỶ
CHỈ MỘT ĐÔ-LA!
 
Ngoài ra, ông Higgins làm thêm một cầu thang nhỏ để khách có thể leo lên dễ dàng lên cái lỗ nhỏ trong cửa sổ. Phần còn lại được giữ y nguyên. Người anh họ canh gác bên trong, để ngăn chặn các vụ trộm; còn chính ông Higgins thì đứng gác bên ngoài và thu một đô-la mỗi kẻ hiếu kỳ.


Đến cuối tuần, hàng xóm ước tính có lẽ ông Higgins kiếm được ít nhất hai trăm đô-la và lắc đầu khâm phục trước sự lanh lợi của ông.


Dần dần, sự kích động của công chúng lắng giảm, nhưng Jeff, dù có bận bịu đến mấy, vẫn liên tục nghĩ đến sự bốc hơi kỳ lạ của ông Newcomb. Dù sao Jeff cũng có tham gia một phần vào việc phát hiện sự mất tích, tại sao cậu không thử giải vụ bí ẩn được đặt ra?


Jeff nhớ đến một chỉ dẫn. Một chỉ dẫn mà cậu đã quên mất, mà cảnh sát chưa biết.


Ngày hôm đó, sau khi tan trường, Jeff lấy xe đạp đến gặp viên trung úy cảnh sát đang điều tra vụ án này.


– Ông Newcomb – Jeff giải thích – có nói chuyện với thầy Matthews và chính cháu về quyển sách mới mà ông đang viết và có nói rõ đã lấy được ý từ một cuộc nói chuyện với một người quen. Thậm chí ông Newcomb đã cho biết ngày nói chuyện là mùng một.


– Chú thấy không – Jeff nói tiếp – Nếu chú tìm ra người đã cung cấp cho ông Newcomb ý để viết truyện, thì có thể sẽ biết được cách ông Newcomb biến mất khỏi ngôi nhà.


Trung úy mỉm cười độ lượng.


– Cám ơn cháu có ý muốn giúp cảnh sát các chú – ông nói. Nhưng cháu hãy nghe rõ đây. Cách ông Newcomb biến mất giống y như cách nhân vật chính trong sách sẽ biến mất. Đúng không? 


– Dạ phải – Jeff gật đầu.


– Vậy thì rõ ràng đây là một kế hoạch nhằm thu hút sự chú ý của công chúng đến quyển sách sắp xuất bản. Một trò quảng cáo, chỉ có vậy thôi.


– Nhưng quyển sách cũng biến mất – Jeff nói thêm. Sách không có trong nhà và nhà xuất bản chưa nhận được.


– Bởi vì ông Newcomb, đang ở một nơi nào đó, vẫn tiếp tục viết cho xong – Trung úy cảnh sát trả lời. Cháu sẽ thấy. Một ngày nào đó, khi sách được in, ông Newcomb sẽ tái xuất hiện đế gặt lấy thành quả mưu mẹo quảng cáo. Người ta cứ hay bày trò này trò kia để được lên báo, phiền lắm.


Jeff ra về, buồn rầu nhưng chưa tin. Jeff đi gặp thầy Matthews, thầy đang sửa bài, và cậu trình bày suy nghĩ của mình.


– Em nghĩ hay lắm, Jeff à – Thầy giáo khen. Thầy quên mất điểm này. Nhưng vì ta biết chính xác ngày nói chuyện, và vì ta biết rằng Harley Newcomb hầu như không bao giờ đi đâu hết, trừ ngày mùng một hằng tháng, ngày mà ông ra phố để mua sắm, thì chính em có thể tìm ra được người nào đã gợi cho ông ấy viết sách và ý đó là gì. Nếu biết được bằng cách nào ông ta ra được ngôi nhà, thì như giải được toàn bộ vụ bí ẩn. Em có thể đi hỏi đây đó một cách tự nhiên, mà không gây chú ý.


– Nhiều người nghĩ rằng ông Newcomb đã thật sự bốc hơi mất, rằng ông ấy đã bị thu nhỏ một trăm phần trăm – Jeff nói. Vì dấu chân.


– Thầy biết, nhưng phần thầy, thầy vẫn không tin mấy trò phù thuỷ. Chúc em may thắn nhé. Nếu biết được gì, nhớ cho thầy biết.


Jeff lấy xe đạp chạy về hướng thành phố. Ai có thể nhớ được một cuộc nói chuyện diễn ra cách đây gần sáu tuần?


Jeff đến gặp ông Martino là người bán thực phẩm khô, người thường xuyên cấp hàng cho ông Newcomb. Ông Martino là một người Ý vui tính. Ông lắng nghe những câu hỏi của Jeff.


– Chú và ông ấy có nói chuyện không hả? Ông Martino hỏi lại. Có, có chứ, chú và ông ấy đã nói chuyện. Ông ấy nói ông đang vội lắm, ông muốn về nhà viết, ông có ý mới. Giật gân. Bây giờ, cháu có hiểu rõ được gì không Jeff?


– Lúc đó là mấy giờ ạ? Jeff vội vàng hỏi.


Rõ ràng là ông Newcomb đã có ý trong đầu trước khi đến cửa hàng thực phẩm khô.


– Sau khi ăn trưa. Khoảng ba giờ, ba giờ rưỡi. Khó nói.


– Cám ơn chú nhiều! Jeff nói, rồi chạy đi tiếp.


Sau đó, Jeff ra bưu điện, nơi ông già Rogers, ốm và trọc đầu, mất khá nhiều thời gian mới hiểu được câu hỏi của Jeff.


– Hừm! Cuối cùng ông già gãi tai nói. Bác đã thấy ông nhà văn lần cuối cùng là lần nào nhỉ? Xem nào, xem nào… Dường như ông nhà văn có gửi thư bảo đảm… Để bác xem sổ.


Jeff chờ, tim đập thình thịch, trong khi ông Rogers lật sổ sách.


– Đây, đây rồi. Mùng một tháng vừa qua. Lúc một giờ ba mươi.


– Ông nhà văn có nói với bác về những gì ông ấy đang viết hay đại loại như vậy không ạ?


Ông già bưu điện lắc đầu, khiến cặp kính gọng vàng tuột xuống khỏi mũi.


– Ông ấy vội lắm. Ông ấy muốn gửi thư này thật nhanh. Người nhận là một nhà sách ở New York, chuyên về mấy loại sách cũ gì đó.


– Cháu cảm ơn bác! Jeff nói và hấp tấp tiếp tục cuộc điều tra.
Nếu không lầm, thì chính ngày hôm đó, ông Newcomb đã đặt mua quyển sách trò phủ thủy mà người ta tìm thấy trên bàn ông. Nói cách khác, ông ấy đã nắm được cái ý viết và đang tập hợp các yếu tố để khai thác ý đó. Vậy là ông đã nói chuyện với ai đó sớm hơn trong buổi sáng. Nhưng với ai?


Jeff ghé qua nhà sách, nhà thuốc, công ty điện thoại, nơi ông Newcomb đi thanh toán các hóa đơn. Khắp nơi đều trả lời với Jeff rằng ông Newcomb rất vội. Ông ấy khuyên ông bán sách lấy sách của ông ngay khi được xuất bản: sách sẽ hay hơn những quyển trước. Ông bán sách gặp ông Newcomb lúc mười một giờ sáng.


Jeff không biết đi gặp ai nữa. Cậu đã đến tất cả những người mà ông Newcomb thường gặp. Có thể nhà văn đã gặp ai đó ngoài đường? Một người không thể nào tìm lại được?


Jeff nản lòng đi về nhà. Cha mẹ Jeff đi ăn cơm khách. Jeff ăn tối một mình, làm bài, rồi đi ngủ sớm.


Nằm trong bóng tối, hai tay chắp sau ót, Jeff vẫn suy nghĩ. Ông Newcomb đã nói chuyện với ai ngày hôm đó, khi mà ý nghĩ tuyệt hay đã nảy ra trong đầu ông? Ông có thể gặp người nào trong thành phố nữa?


Đột nhiên, Jeff ngồi bật dậy.


– Tất nhiên? Jeff la lên. Hiển nhiên quá. Chắc chắn là ông ấy.
Không suy nghĩ thêm, Jeff vội vàng mặc quần áo. Còn một hai tiếng nữa, cha mẹ Jeff mới về tới nhà. Jeff xé một trang sổ tay ra, viết nguệch ngoạc:


Con buộc phải ra ngoài nhưng con sẽ về sớm. Ba mẹ đừng lo. Con hôn ba mẹ.


Jeff đặt miệng giấy trên giường, bước ra khỏi phòng đóng cửa lại, không nghĩ rằng khi thấy cửa phòng đóng, cha mẹ cậu sẽ tưởng cậu đã ngủ và sẽ không đọc được lời nhắn của con.


Jeff lấy xe đạp, bật đèn pha, đạp thật nhanh về hướng nhà thầy Matthews, nhà thầy ở ngoài thành phố.


Khi đi ngược trên lối đi dẫn đến biệt thự, Jeff thấy đèn phòng khách vẫn còn sáng. Thầy đang ngồi ở bàn, bận chữa bài kiểm tra luận văn hằng tháng. Có lẽ cô Matthews và ba đứa bé đã ngủ rồi. Jeff gõ nhẹ vào ô kính cửa sổ. Thầy Matthews lại gần cửa sổ, nhận ra khách và mời Jeff vào nhà.


– Thầy Matthews ơi – Jeff hổn hển nói – em nghĩ là em biết được ông Newcomb đã nói chuyện với ai ngày hôm đó và lấy được ý viết sách.


– À! Thầy Matthews kêu. Chiều nay em đã hỏi ra được gì hả?


– Không được gì hết, nhưng em đã suy luận. Thưa thầy Matthews, em cần hỏi ông Tony Higgins một câu hỏi. Thầy đi với em bây giờ được không ạ?


– Bây giờ à? Trễ lắm rồi.


– Dạ phải, nhưng nếu em nghĩ đúng, thì ta sẽ nắm được chỉ dẫn còn thiếu! Em sẽ không ngủ được nêu không biết là em đúng hay sai.


– Thầy hiểu – Thầy Matthews mỉm cười nói và mặc áo vào. Nếu vậy thì không còn gì phải do dự; ta hãy đến gặp Tony, và em sẽ hỏi câu hỏi của em. Nhưng em đừng mong ông ta nhớ được một chuyện đã xảy ra cách đây hơn một tháng.


Hai thầy trò lên xe ôtô đi đến nông trang của Tony Higgins. Thầy giáo rất muốn hỏi xem ý của Jeff là gì nhưng cậu bé quá xúc động và quá muốn dành bất ngờ cho thầy, nên thầy Matthews không đặt câu hỏi trực tiếp. Thầy chỉ hỏi:


– Em nghĩ có người đã đến gặp Harley Newcomb ngày hôm đó và nhờ Tony chỉ đường đi à?


– Không hẳn vậy – Jeff đáp.


Jeff rất muốn tiết lộ cho thầy biết suy nghĩ của cậu nhưng cũng muốn làm cho thầy bất ngờ. Nên cậu im lặng. 


Khi đến gần nông trang, hai thầy trò nhìn thấy đèn sáng phía bên biệt thự nhỏ của nhà văn.


– Thầy Matthews ơi! Jeff la lên. Có ai trong nhà, vào giờ này!


– Đúng. Thầy giáo nói và rẽ xe vào lối đi. Chắc là Tony. Chắc là ông ấy đang biến đổi biệt thự thành viện bảo tàng, để cho khách tham quan suốt mùa hè. Ông ấy sẽ kiếm được khá nhiều…


Thầy Matthews dừng xe lại. Hai thầy trò xuống xe. Jeff cố nén sự nôn nóng. Qua cửa sổ, hai thầy trò nhìn thấy Tony Higgins, vẫn mặc bộ áo liền quần, đang đi qua đi lại trong nhà.


– Tony ơi! Thầy Matthews gọi. Vào nhà được không?


Ông chủ nông trang ra cửa sổ, nhìn ra ngoài, chớp mắt để nhìn cho rõ.


– Một đô-la một người! Ông thông báo. Đàn ông, đàn bà, trẻ con, giá như nhau… Ô! Ông Matthews đó hả? Thầy và Jeff. Thôi, được. Các người có quyền vào miễn phí.


– Ông tử tế quá.


Thầy chui qua cửa sổ, Jeff đi theo.


– Sao, sáng kiến của anh thế nào, hả Tony? Thầy Matthews hỏi. Nghe nói khách du lịch đến đông lắm.


– Cũng khá, cũng khá lắm. Nhưng phải coi chừng họ, không cho họ lấy cái gì đi hết. Mệt lắm.


Jeff tò mò nhìn xung quanh. Rất ít thay đổi so với ngày mà vụ bí ẩn được phát hiện, Tony chỉ đặt mấy tấm kính bảo vệ các dấu chân đó và giăng dây dọc theo tủ sách và xung quanh dấu chân, để không cho khách đến gần. Ngoài ra, ông cũng thay đổi vị trí các đầu lâu người, xưa kia nằm trên kệ. Nay có một đầu lâu bên cạnh máy đánh chữ, một đầu khác trên quyển từ điển dày của ông Newcomb, còn đầu thứ ba vẫn ở chỗ cũ. Cuối cùng, ông Higgins treo thêm một hai mặt nạ đặc biệt quỷ quái.


– Tôi có bố trí lại một chút – Tony nói khi thấy hai khách nhìn xung quanh. Để cho hay hơn. Tôi muốn cho khách du lịch thấy đáng đồng tiền bát gạo.


– Thế lỡ ông Newcomb trở về thì sao? Thầy Matthews hỏi.


– Ông ta sẽ không trở về – ông chủ nông trang nói không do dự. Ý tôi nói là nếu muốn về, ông ta đã về rồi. Tôi sẽ nói cho anh biết chuyện gì xảy ra: công thức làm phép bị hỏng, và giờ này ông nhà văn đã bốc hơi mất tiêu rồi.


– Hy vọng là không phải vậy – thầy giáo trả lời. Nhưng Jeff muốn hỏi anh cái này. Em hỏi đi, Jeff. Em cần biết gì, thì cứ hỏi chú Tony này.


Jeff phân vân một lúc. Đột nhiên, Jeff cảm thấy một mình muốn tìm ra lời giải vụ bí ẩn thật là ngốc nghếch quá. Nhưng câu hỏi sắp bật ra khỏi miệng và Jeff không nén lại được.


– Thưa chú Higgins, chú đã nói chuyện với ông Newcomb hôm mùng một tháng rồi, phải không ạ?


Thầy giáo tiếp lời ngay:


– Tất nhiên là Tony! Anh đã nói là nhiều tuần rồi không gặp ông Newcomb, nhưng ngày hôm đó, anh đã nói chuyện với ông ấy. Anh là chủ nhà, không thể nào anh quên thu tháng tiền nhà!


– Và khi nói chuyện với ông ấy, chú đã cho ông ấy một cái ý để viết sách mới – Jeff nói thêm. Chỉ có chú là có thể làm chuyện này, vì khi đến thành phố, ông ấy đang chuẩn bị viết sách rồi.


Khuôn mặt rám nắng của Tony sậm lại và giận dữ. Mắt ông sáng lên và miệng ông gồng lên. 


– Có chứ. Tôi đã cho ông ta một ý nghĩ. Buổi sáng tôi đến để nhận tờ ngân phiếu. Ông ta đi vòng vòng trong nhà cứ như một thú bị nhốt. Ông ta nói: "Tôi phải viết một cuốn sách, mà không có ý". Ông ta cần một cách thức độc đáo để ra khỏi một căn phòng bị khóa. "Tôi sẽ trả năm trăm đô-la cho một cái ý", ông ta nói với tôi thế.


Khi nói chuyện, mặt ông chủ nông trang đỏ dần lên và mắt ông thật dữ dằn. Hai bàn tay to rộng mở ra nắm lại. Jeff nghe nói là có khi Tony Higgins rất nóng, nhưng đây là lần đầu tiên, Jeff thấy ông ta như thế.


– Thế là anh đã cho ông ta một ý hay à? Thầy Matthews điềm tĩnh nói, như để xoa dịu ông chủ nông trang.


– Khỏi phải hỏi, dĩ nhiên là tôi cho ông ta một ý! Một ý hết sức độc đáo. Đúng, thưa anh. Một ý thượng hạng. Ông ta nói là ông ta suy nghĩ, nhưng chắc có ai dùng rồi. Vì nghề ông ta phải biết mấy chuyện này, nên tôi bỏ qua. Rồi cuối tháng, tôi ghé qua để hỏi ông ta nghĩ sao về cái ý của tôi, thì tôi thấy ông ta đang đánh máy. Tôi liếc qua thử, thì thấy ông đang khai thác ý của tôi! Khai thác triệt để. Tôi đòi năm trăm đô-la và ông ta trả lời cái ý đó chỉ đáng có năm chục thôi.


– Thế rồi anh làm gì, hả Tony? Thầy Matthews hỏi nhẹ nhàng hơn nữa, trong khi Jeff lo sợ thấy cơn giận đang tăng của ông chủ nông trại.


– Tôi đòi năm trăm! Tony gầm lên. Ông ta trả lời là vô lý. Thế là tôi cho ông ta thấy có vô lý hay không.


– Sao? Thầy giáo hỏi, cố làm cho ông chủ nông trại bớt giận.


– Thì tôi cũng sẽ cho các người thấy! ông Higgins hét lên.


Trước khi thầy Matthews chưa kịp né, nắm đấm của Tony đánh trúng cằm thầy, khiến thầy ngã lăn xuống đất.


Nhanh lên, cần tiếp viện. Jeff phóng ra cửa sổ, nhưng Tony nắm dây nịt cậu bé, quăng cậu xuống đất.


Cậu bé ngất đi trong vài phút.


6.

ALFRED HITCHCOCK: Giỏi lắm, Jeff ơi! Dù sao Jeff cũng thật đáng khen, vì đã nghĩ ra rằng người mà ta thường gặp mùng một hàng tháng là chủ nhà ta đang ở.


Thế còn các bạn. Các bạn biết tính hà tiện của Tony Higgins, các bạn có nghĩ rằng hắn ta không thể nào bỏ qua mùng một mà không đi đòi tiền sao?


Nếu các bạn đã nghĩ ra, thì chắc các bạn đã đi khá xa rồi. Chắc là các bạn đã biết bí mật biệt thự đóng kín mít, bí mật người đàn ông bốc hơi và dấu chân đỏ. Chúng tôi đã cấp cho các bạn quá nhiều chỉ dẫn rồi mà…


Tuy nhiên có thể các bạn vẫn còn đang nghĩ sai.


Có một điểm rõ ràng: đáng lẽ Jeff phải tiết lộ những suy luận cho thầy Matthews trước, vì dường như tên Tony âm mưu một cái gì đó khá dễ sợ cho Jeff và thầy giáo…


Các bạn hãy đọc tiếp, rồi các bạn sẽ biết. Đồng thời các bạn có thể kiểm tra xem suy luận của các bạn có chính xác hay không.


KẾT LUẬN

Jeff, vẫn còn ngơ ngác, mở mắt ra. Phải mất vài giây Jeff mới hiểu ra mình đang ở đâu và chuyện gì đã xảy ra. Rồi cậu thử ngồi dậy, nhưng bị té ngã và kêu "Ái!". Đầu Jeff đau nhức. Cổ tay cổ chân cũng đau. Đầu đau, do bị đụng lúc té; cổ tay đau, vì bị cột ra sau lưng; cổ chân đau vì bị cột một sợi dây thô.


Jeff đang nằm dưới đất, ngay bên cạnh kệ sách. Thầy Matthews nằm bên cạnh, cũng bị trói.


– Jeff ơi, em có bị thương không? Thầy lo lắng hỏi.


– Em không sao. Chính Tony Higgins đã trói thầy và em như thế này à?


– Trói chặt như hai khúc giò – Thầy Matthews đáp. Hắn trói, rồi ra đi, bảo là sẽ quay lại.


– Thầy, thầy nghĩ hắn sẽ làm gì ta? Jeff hỏi, cố tỏ ra dũng cảm.


– Thầy không thích dự đoán thử. Nếu hắn là người đàng hoàng, thầy có thể thử nói chuyện. Nhưng hắn không đàng hoàng tí nào. Em có thấy hắn tức giận như thế nào lúc kể rằng ông Newcomb không chịu đưa tiền cho hắn.


– Dạ em thấy – Jeff nói.


– Thầy sẽ thử. Nhưng thầy nghĩ hắn sẽ không chịu nghe. Jeff ơi, thầy đã cố gắng hết sức để làm cho nút cột dây tay thầy lỏng ra một chút. Nếu thầy quay lưng lại, em có thể cố làm tiếp bằng răng.


– Em sẽ cố, thưa thầy.


Thầy giáo lăn qua bên hông và Jeff vặn vẹo mình cho đến khi nhìn thấy được ngay trước mặt hai tay bị trói của thầy Matthews. Tony đã thắt một cái nút thật chặt và Jeff lo sợ kế hoạch sẽ không thành công, nhưng đó không phải là lý do để mất thời gian. Jeff nắm một khúc dây giữa hai hàm răng, rồi bắt đầu gặm, giống như con chó con đùa giỡn với chiếc dép.


Răng Jeff rất trơn: sợi dây làm trầy môi cậu. Jeff làm thử một lần nữa. Lần này, Jeff có thế hơn. Jeff tuyệt vọng đang kéo khúc dây, thì tiếng chân bước nặng nề vang lên bên ngoài.


– Higgins quay về!


Tuy nhiên, hắn không vào. Hắn đẩy xe cút kít. Nghe tiếng sỏi kêu dưới bánh xe. Tony dừng lại. Có tiếng kim loại, sau đó là tiếng gõ đục, trên gỗ. Rồi một hồi sau là tiếng lách cách bất ngờ: tiếng kích xe.


– Hắn làm gì vậy? Jeff thì thầm.


Hai tù nhân đang nằm đối mặt với tường và không thể thấy gì qua cửa sổ mở.


– Thầy không biết, Jeff à. Em cứ cắn tiếp đi. Có thể ta sẽ đủ thời gian để kịp tự giải thoát.


Jeff quyết liệt làm tiếp công việc gặm dây. Phía bên ngoài, tiếng lách cách vẫn vang lên, chậm chạp và đều đặn. Cái kích đang lên. Rồi có tiếng động mới: tiếng phiến gỗ kêu rít kèm theo như tiếng lách cách.


Chuyện gì đang xảy ra? Jeff hoàn toàn không biết được. Jeff vẫn đang nhai dây. Năm phút trôi qua, rồi mười phút nữa. Cuối cùng, Jeff cảm thấy dây lỏng được một chút.


– Nhanh lên Jeff ơi! thầy giáo thì thầm. Chắc không còn bao nhiêu thời gian đâu.


Tiếng lách cách và kêu rít đã chấm dứt. Tony Higgins đang bước đi phía bên ngoài.


Môi và lưỡi Jeff bị rát phồng. Nhưng bây giờ, dây ướt không còn trơn và dễ cắn hơn. Jeff kiên quyết cắn vào nút dây rồi kéo mạnh. Jeff cảm thấy đầu dây đang ra.


– Tốt lành! Thầy Matthews khuyến khích. Cố thêm một tí nữa thôi…


Jeff cắn dây lần cuối, nút sút hẳn ra. Đúng lúc đó, Higgins nhảy xuống nặng nề từ cửa sổ, và bước đến chỗ hai tù nhân.


Thầy Matthews vội vàng lăn trên lưng để giấu hai bàn tay gần như đã được tự do.


Jeff cũng làm theo. Ông chủ nông trang đáng sợ cúi xuống hai thầy trò:


– Hai người thế nào rồi. Tôi sẽ chăm lo cho hai người…


Jeff hầu như không nghe gì, ánh nhìn Jeff đang dán vào một trong bốn gốc của căn phòng, đang ở độ cao mà đáng lẽ nóc nhà phải dựa trên tường. Do căn phòng không có trần nhà, nên thấy rõ sườn mái và Jeff kinh ngạc thấy mái nhà đã được nâng lên khoảng ba mươi centimét. Thấy rõ một khe hở rộng giữa bờ mái và bờ tường nhà.


Thầy Matthews cũng nhận thấy và bắt đầu nói chuyện ngay để câu giờ:


– Vậy ra đây là bí mật của anh? Thầy kêu. Tony ơi, anh khôn lắm. Không có cửa mật. Chỉ có mái nhà mà ta nâng lên một chút, đủ cho một người có thể chui qua khe hở, sau khi đóng đinh mấy ván gỗ trên cửa và cửa sổ từ bên trong. Rồi hạ mái nhà xuống, thế là tất cả có vẻ bình thường. Đáng lẽ chúng tôi phải nghĩ ra được. Tất nhiên là mái nhà luôn luôn có vẻ như được gắn chắc trên căn nhà mà nó che phủ, nhưng có khi nó nằm cố định nhờ chính trọng lượng của nó…


Mưu mẹo của thầy thành công một lúc.


Tony Higgins cười khẩy.


– Chính xác – hắn nói. Gioe, công nhân của tôi, đã làm toàn bộ phần bê tông. Gioe là thợ hồ giỏi. Còn tôi làm phần sườn. Khi làm đến cái góc này, thì tôi bị thiếu đinh. Lên thành phố kiếm đinh khác thì mệt quá. Nên tôi để nguyên như thế này. Tôi nghĩ cái kích xe tải sẽ nâng các phiến gỗ lên dễ dàng, và tôi đã nghĩ đúng. Đó là ý mà tôi cung cấp cho ông Newcomb. Vậy mà ông ta dám nói là ý vô lý!


Một lần nữa, nét mặt hắn sậm xuống vì tức giận.


– Nhưng bây giờ, ông ta không còn nói thế nữa. Tôi đã lừa được mọi người, kể cả cảnh sát.


– Anh đã đánh lừa tất cả chúng tôi – thầy Matthews thừa nhận. Nhưng còn mấy dấu chân nhỏ dần? Anh làm cách nào?


– Dễ. Tôi có đủ loại giày dép, đủ kích cỡ, còn lại từ mấy cuộc bán. Tôi nhúng vào mực đỏ và in dấu chân. Và tôi đánh máy bức thông điệp. Báo chí kể bao nhiêu thứ về người đàn ông bốc hơi!


Hắn phá lên cười.


– Cả đời tôi chưa bao giờ thấy trò nào vui như thế. Mọi người đến, nặn óc tìm lời giải…


– Một lời giải hết sức đơn giản – thầy giáo thừa nhận. Nhưng anh định làm gì Harley Newcomb?


– Ông ta vẫn còn trên tầng nóc nhà tôi, tôi luôn khóa kỹ, vì trong đó có mấy bộ quần áo tôi cất giữ. Cuốn sách có ý truyện ăn cắp của tôi cũng trong đó với ông ta. Tôi chờ thử xem có ai đoán ra rằng chính tôi đóng đinh tất cả, chui ra qua khe hở dưới mái và hạ mái nhà lại chỗ cũ? Do không ai đoán ra nên giờ tôi có thể thực hiện kế hoạch!


Hắn nói câu cuối cùng này bằng một giọng lạnh lùng, đầy đe dọa đến nỗi Jeff rùng mình.


– Anh nghe tôi này, Tony – thầy Matthews nói. Hiện anh chưa làm tổn hại gì nghiêm trọng ông Newcomb và chúng tôi. Anh hãy thả chúng tôi ra, anh hãy thả ông Newcomb ra. và anh sẽ không bị tội gì nhiều.


– Thả các người ra à? Higgins chưng hửng hỏi lại. Các người đã biết bí mật của tôi và sẽ làm hỏng mọi việc của tôi hết à? Bộ tưởng tôi điên hả?


– Tony à, anh hãy suy nghĩ trước khi…


– Tôi suy nghĩ xong rồi – ông chủ nông trang gầm hét lên. Lúc đầu, tôi chỉ định giấu ông Newcomb một thời gian để ông ta thấy giá trị của cái ý tôi cung cấp cho ông ta và dạy cho ông ta một bài học là không được lừa người khác. Nhưng rồi mấy người hiếu kỳ bắt đầu đến tham quan ngôi nhà bí ẩn và tôi hiểu là không thả được ông Newcomb. Nghĩ xem. Không đầy một tuần, tôi đã kiếm được bốn trăm đô-la. Chẳng lẽ làm hỏng vụ kinh doanh này sao!


– Tony, anh nghe này…


Ông chủ nông trang bắt thầy Matthews im lặng bằng cách hét thật lớn:

 
– Chính anh phải nghe tôi! Newcomb không có quyền làm cạn mỏ vàng của tôi. Cả hai người cũng vậy. Không được, ông thầy giáo ơi. Trái lại, các người sẽ tiếp tế cho nó. Khi người ta lại tìm thấy ngôi nhà bị đóng kín mít một lần nữa, khi người ta dùng rìu phá cửa để vào, khi người ta phát hiện cả hai người bên trong, thì đó thật sự là vụ bí ẩn lớn nhất thế kỷ. Anh có dám cá là tôi sẽ kiếm được một trăm đô-la một ngày không? Một tuần, được khoảng một ngàn.


– Ý anh nói sao khi nói "khi người ta phát hiện cả hai"? Thầy Matthews hỏi.


Jeff cũng muốn đặt câu hỏi như thế và cảm thấy miệng khô đi và rùng mình dọc theo sống lưng, khi thấy Tony chìa ra hai sợi dây có nút thòng lọng ở đầu.


– Ý tôi nói là người ta sẽ phát hiện hai người treo cổ ở mấy cái xà trên đầu kia – Tony trả lời. Cũng không thể nào biết được hai người vào nhà bằng cách nào, ai đã treo cổ các người và làm thế nào thế nào thủ phạm chui ra khỏi nhà. Đúng là một mỏ vàng cho suốt phần đời còn lại của tôi! Cả nếu như tôi muốn, cũng không thể nào thả các người đi bây giờ: sẽ mất quá nhiều tiền. Thôi, nói chuyện đủ rồi. Đến phiên ông thầy giáo trước nhé.


Hắn cúi xuống thầy Matthews, Jeff nhắm mắt lại để không thấy điều sẽ xảy ra tiếp theo đó.


Jeff thật là sai lầm, bởi vì do nhắm mắt, cậu không thấy thầy giáo, đang nằm trên đất, đột ngột kéo hai đầu gối về phía ngực rồi đá hai chân ra phía trước thật mạnh, mà không hề bị dây trói chân cản trở.


Tony Higgins nhận cú đá kinh khủng này thẳng vào ngực. Jeff mở mắt ra kịp thời để thấy ông chủ nông trang bị bắn về phía sau, đầu đập vào tường và ngã xuống đất, ngất xỉu.


Thầy Matthews ngồi dậy. Trong khi nói chuyện với Tony, thầy đã làm xong được công việc của Jeff. Thầy rút con dao xếp ra khỏi túi, cắt dây trói chân và chạy ra cột tay chân tên Higgins lại bằng hai nút dây thòng lọng mà hắn đã cẩn thận chuẩn bị.


Một lát sau, Jeff cũng được tự do. Cậu chóng mặt vì nỗi khiếp sợ vừa qua.


– Trời ơi! Jeff nói khi hoàn hồn. Vậy là Higgins định treo…


– Đúng – thầy Matthews vừa nói vừa xoa hai cổ tay cho máu tuần hoàn trở lại. Nếu kế hoạch hắn thành công, thầy dám chắc hắn sẽ cho làm hình nộm giống hai chúng ta và hắn sẽ treo thay vào chỗ ta để làm cho khách du lịch rùng mình trong suốt những năm sắp tới. Thầy nghĩ là không một ai giải nổi vụ bí ẩn. Mưu mẹo hắn đơn giản, nhưng thật là quỷ quyệt.


– Chỉ vì muốn có một ngôi nhà bí ẩn! Để có tiền mà khỏi phải lao động.


– Thầy nghĩ Tony không bình thường khi đụng đến tiền bạc. Kiếm được nhiều tiền quá dễ dàng làm hắn mất trí. Cũng may là hắn cúi xuống chỗ thầy như lúc nãy, bởi vì nếu không, thầy sẽ không đánh thắng nổi hắn. Thầy đặc biệt có sức mạnh ở đùi và bắp chân và hắn đã cho thầy cơ hội dùng cơ bắp.


Tony Higgins dần dần tỉnh lại. Hắn hít thở và vẫn còn run. Thầy Matthews cảnh giác theo dõi hắn.


– Jeff à, thầy biết em chưa có bằng lái, nhưng em đã biết lái xe. Lần này, thầy cho phép em lấy xe thầy chạy xuống thành phố. Em hãy yêu cầu ba em gọi điện thoại cho cảnh sát. Thầy sẽ ở lại giữ Tony. Ba em có thể chở em trở về đây và hai cha con giải thoát cho ông Newcomb đang ở trên tầng mái nhà Higgins. Chắc là ông ấy sẽ rất vui khi gặp em.


– Dạ em đi ngay, thưa thầy! Jeff vừa nói vừa leo qua cửa sổ.
Khi chui ra ngoài, Jeff quyết định cậu sẽ không bao giờ viết truyện trinh thám; cậu chỉ đọc thôi. Jeff cho rằng các nhà văn phải chịu quá nhiều mạo hiểm.


ALFRED HITCHCOCK: Tony Higgins hiện được Nhà nước nuôi ăn ở miễn phí, khiến hắn thích thú. Nhất là từ khi người ta giải thích với hắn về những khoản thuế hắn phải đóng, nếu có thu nhập một ngàn đô-la một tuần, điều này khiến hắn suy nghĩ rất nhiều.


Harley Newcomb đã đi Anh Quốc. Ở đó, mái nhà được giữ cố định trên các tầng nhà có niên tuổi mấy thế kỷ. Các bạn biết không, ông Newcomb không tin tưởng những ngôi nhà hiện đại nữa.


Còn phần các bạn, các bạn hãy ghi nhận rằng trong vụ án này, chúng tôi đã chơi rất đẹp.


Chúng tôi đã cho các bạn biết Tony yêu thích tiền đến mức nào về chúng tôi đã nói rõ rằng chính hắn là chủ của ngôi nhà Harley Newcomb đang ở. Nên các bạn có thể dễ dàng quy ra rằng hắn nói láo khi cho biết ngày mà hắn đã gặp ông Newcomb lần cuối.


Chúng tôi có đề cập đến những đôi giày nhiều số chân khác nhau mà Tony Higgins có và thậm chí chúng tôi đã chỉ cho các bạn xem cái kích nâng một mái nhà nữa. Nếu bạn đã suy ra được rằng Tony là người mà ông Newcomb đã nói chuyện hôm mùng một, thì các bạn có thể làm trợ lý bất đắc dĩ cho cảnh sát. Nếu các bạn đã từ đó kết luận hắn là tác giả vụ mất tích, thì các bạn sẽ được đề cử là trợ lý sĩ quan cảnh sát. Nếu các bạn giải được luôn vụ bí ẩn các dấu chân nhỏ dần, thì các bạn có thể là cảnh sát điều tra bậc khá. Trong trường hợp các bạn đã khám phá bí mật mái nhà và cái kích, thì các bạn hãy tự phong mình là cảnh sát trưởng ngay. Trái lại, nếu các bạn đã bỏ qua những điểm này… Hả? Các bạn nói sao? Chính cảnh sát cũng không để ý đến à? Tôi biết. Thật là đáng trách.


Lúc kết thúc vụ bí ẩn Người đàn ông bốc hơi này, tôi nghi nhiều bạn sẽ khá thất vọng vì thật ra phép phù thủy không đóng vai trò nào hết. Đó là một bài học tốt cho các bạn này. Các bạn hãy nhớ rằng không có trò phù thủy nào hết và những trò ảo thuật đáng kinh ngạc nhất luôn luôn được giải thích bằng một cách hết sức đơn giản.


Bây giờ, tôi phải chào tạm biệt các bạn. Mong các bạn đã thích thú với chuyến dạo chơi ngắn vào xử sở bí ẩn và lo sợ. Ngoài ra, tôi hy vọng các bạn sẽ nghiêm túc khi giữ kín lơi giải của ba vụ bí ẩn này. Như đã nói trong lời mở đầu: Các bạn đã bỏ công đọc sách của tôi, bạn bè của các bạn chỉ việc làm theo.


HẾT


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét