Thông tin ebook
Tên truyện : Biệt Danh Xương Rồng
Tác giả : Nguyễn Thu Phương
Thể loại : Văn học trong nước
Nhà xuất bản : Kim Đồng
Tủ sách : Tuổi Mới Lớn
Ngày xuất bản : Quý I/2006
Số trang : 128
Kích thước : 11,3 x 17,6 cm
Trọng lượng : 110 g
Số quyển / 1 bộ : 1
Hình thức bìa : Bìa mềm
Giá bìa : 6.000 VNĐ
———————————-
Nguồn : http://www.nxbkimdong.com.vn
Chuyển sang ebook (TVE) : santseiya
Ngày hoàn thành : 25/07/2008
Nơi hoàn thành : Hà Nội
Mục Lục
Nỗi buồn có tên
Năm đó tôi mười bảy tuổi. Cái tuổi thường buồn những nỗi buồn không tên, rất vu vơ, ngờ nghệch và vớ vẩn. Buồn vì nắng, vì mưa, vì gió, vì mây… Buồn theo kiểu mà một nhà thơ đã "bắt mạch" rất hay: "Hôm nay trời nhẹ lên cao, tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn". Nhưng trong tình huống này thì khác, nỗi buồn của tôi tượng hình tượng dạng, buồn có tuổi có tên hẳn hòi: buồn – vì – thi – rớt. Chính xác và cụ thể hơn: sau khi xong lớp 12, tôi rớt ạch khỏi cuộc thi tuyển sinh thường niên vào trường Đại học Kinh tế, rớt không còn đường để cứu vãn.
Còn nhớ những năm cuối thập niên 80 đó, mỗi thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông chỉ được đăng ký thi vào một trường Đại học duy nhất, và nếu không đậu được hệ A chính thức thì chỉ còn hệ B đóng tiền (điểm thi cũng phải suýt soát, chỉ được thiếu tối đa 1,5 điểm), và hệ C là… dự bị. Trong khi tôi lại thiếu tới 2,5 điểm so với mức chuẩn, nên coi như đành "bó tay". Bởi vậy nên tôi buồn, một trận buồn kéo dài qua cả tháng kể từ khi nhận được tờ giấy báo tin "sét đánh" gửi về tận nhà (mặc dù trước đó "sét" đã "đánh" một lần rồi – lúc tôi đi xem bảng báo kết quả thi dán nơi sân trường Kinh tế, có tên tôi in kèm số báo danh, số điểm từng môn và một chữ "R" ở cột sau cuối, nhưng ngay cả trong lần hai tôi vẫn còn bàng hoàng, chưa muốn tin vào sự thật đau lòng đó).
Hẳn là đọc tới đây bạn sẽ thấy thoáng chút ngạc nhiên, và bạn tự hỏi, "Ủa sao kỳ vậy, chẳng lẽ "đằng ấy" thi sớm một năm?". Rằng – thì – là bạn đã đúng, tôi trở thành "sinh viên" lớp một từ khi mới được năm tuổi. Thuở tôi còn nhỏ xíu, ba mẹ tôi đã vô cùng hãnh diện. Bất cứ gặp ai, hai người cũng hớn hở khoe rằng có đứa con thần đồng. "Nó mới ba tuổi thôi mà đã biết đọc chữ vanh vách" (sự thật đúng là tôi có khả năng ấy: những bảng hiệu to trên đường hay những tựa báo, chuyện "đọc chữ vanh vách" đối với tôi chỉ là chuyện nhỏ). Bởi vậy ba tôi đã quyết định sửa khai sinh để xin cho tôi đi học sớm. "Danh chánh ngôn thuận" thì sáu, nhưng tuổi thật tôi chỉ mới vừa lên năm. Nói nào ngay, hồi cấp một, cấp hai tôi học rất giỏi, cũng đáng làm mát mặt mẹ cha. Dần lớn lên, tới tận lớp chín tôi vẫn còn học giỏi. Năm nào tôi cũng được chọn vào lớp tuyển. Mấy lần đi thi học sinh chuyên toán, chuyên văn cấp Quận, rồi cấp thành phố. Dựa trên đà đó, ba mẹ tôi đinh ninh việc vô Đại học của tôi chỉ còn là chuyện của thời gian. Đến hạn thì đi thi, và đến thi thì phải đậu. Chuyện trong gang tấc! Chẳng ai nghĩ một thí sinh có nền tảng học tập "cứng cựa" và một bảng thành tích đáng nể như tôi lại có thể thi rớt. Mà là rớt đau thương, thê thảm, tan nát.
Phải "moi móc" lại chuyện ngày xửa ngày xưa kể cho bạn nghe, cũng chỉ vì mong bạn hiểu rằng tôi đã khổ tâm đến mức nào. Nếu người khác buồn vì thi rớt một phần thì tôi đã phải buồn hơn gấp mấy. Cái chính là do tôi đã làm ba mẹ quá thất vọng, đặc biệt là mẹ – người đã gởi gắm vào tôi giấc mơ ngọt ngào nhất của thời hoa niên mà mẹ đã không thể nào thực hiện. Thời của mẹ – mọi thứ đều thiếu thốn, cực khổ, khó khăn, vất vả trăm bề, chẳng được như tôi bây giờ, nên mẹ đành phải "ra đời" đi làm sớm, không thể học tiếp lên cao sau khi tốt nghiệp xong phổ thông. Chính vì vậy mẹ đã vô cùng mong mỏi tôi thi đậu vào Đại học Kinh tế, để "đeo" cho bằng được một ngành học nào đó có liên quan tới công việc "làm ăn, kinh doanh". Mẹ muốn cho đời tôi sẽ được sung sướng, an nhàn, thảnh thơi, giàu có… Không day dứt, lao tâm khổ tứ vì cơm áo, gạo tiền, mắm muối như đời mẹ.
Tôi vẫn còn nhớ như in trong hồ sơ đăng ký dự thi, phần nguyện vọng ngành học tôi đã đánh dấu "X" chọn ngay "Kinh tế Vật tư", dù cũng không hiểu mấy về công việc này. Bạn bè tôi, hùa theo câu "văn vần" thời thượng – lúc đó đang lan truyền khắp các cửa miệng về mốt chọn ngành học – đã thi nhau "nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa". Chỉ có những đứa rất "thực tế" trong định hướng – tương tự như tôi – mới thẳng đường theo "Kinh tế" mà đi.
Bây giờ ngồi nhớ lại, kể cho bạn nghe thì tôi đã bình tĩnh lắm. Chứ dạo ấy, sự thật là tôi chỉ còn muốn chết! Vốn là một cô bé đa cảm, đa sầu, hay mơ mộng, ưa mê đọc những trang tiểu thuyết diễm tình đẫm lệ, khi buồn đến tan nát cả cõi lòng, buồn tới không gì có thể buồn hơn, tôi chỉ còn cách lặng thầm mơ cho mình một cú… tự tử – sao cho day dứt và ngọt ngào nhất. Chết đi trong chiếc áo đầm vải mềm và trắng như tuyết chẳng hạn, với thân xác phủ đầy hồng hoa – thứ hoa hồng vàng lạnh lùng kiêu sa tôi vô cùng yêu. Đó là kiểu chết đẹp tuyệt vời mà các nhân vật nữ thơ dại và trẻ trung thường chọn mỗi khi có sự gì bất đắc ý, hoặc bất đắc chí (ấy là tôi đọc được từ những cuốn sách). Cũng không hiểu họ mua ở đâu thứ thuốc độc êm dịu để uống vô xong, thác xuống tuyền đài rồi mà nét mặt và thân thể vẫn còn xinh đẹp và tươi nguyên, giống y như đang nằm ngủ. Thậm chí đôi môi hồng son vẫn còn hé nở một nụ cười ngất ngây. Tẩn mẩn trộm nghĩ, lẽ ra "tử nhân" phải co giật đùng đùng, quơ quào và sùi bọt mép tứa ra hai bên cằm, trông kinh khủng và ghê gớm lắm – chứ không thể ngọt ngào và tươi tắn giống như trong sách tả vậy được. Nhưng thôi, văn học chấp nhận mọi sự tưởng tượng, và không thể cấm nhà văn không được hư cấu.
Lẽ thường, không cô gái mười bảy tuổi nào muốn từ bỏ cõi đời trong một hình dung còng queo vật vã, vừa xấu xí lại vừa ám ảnh, và tôi cũng không ngoại lệ khỏi "nguyên tắc" đó. Chưa nói, tôi lại rất nhát đòn và sợ đau. Làm sao để chết không đau? Nhảy từ trên lầu cao? Lao đầu vào xe? Dùng thòng lọng? Hay châm mồi lửa tự thiêu? Chỉ nghe thôi đã thấy dễ sợ.
Vậy rồi có một hôm, tôi đạp xe lọc cọc ra cầu An Lộc, quyết định chọn giải pháp nhảy xuống sông để chấm dứt tất cả muộn phiền sầu não (tôi không biết bơi). Trước cái ngày mà tôi đưa ra quyết định tày đình bi thảm đó, một trận rầy la khá "trời long đất lở" của mẹ đã diễn ra "thông tầm" – kéo suốt từ chiều tới tối. Mẹ dành cho tôi kha khá những lời thậm tệ, nặng nề – đủ để bất cứ cô gái đa cảm, đa sầu và hay khóc nào cũng có thể đau, tức và buồn đến tự cắn lưỡi mình mà "ra đi" cho nhẹ cõi lòng tan nát. Tôi biết mẹ rất giận, và biết tính mẹ hay nổi nóng những khi bực bội quá mức, rồi hễ nóng thì sẵn sàng tuôn ra vô vàn lời chỉ toàn nồng cay, đắng chát (đó không phải là chuyện quá mới, và tôi đã từng chịu trận rất nhiều lần – cho đủ mọi lý do). Nhưng lần này thì "quá tải", trận rầy la đã kéo thần kinh tôi căng lên tới mức đỉnh điểm, tôi đã không thể chịu đựng nổi khi mẹ gọi tôi là "đồ con hoang đáng chết"! Đồng ý với mẹ rằng tôi sai, tôi làm ba mẹ buồn, tôi là nỗi thất vọng lớn lao, là tấm gương đen xì để em trai tôi nhìn vô cười chê, là đồ khốn kiếp văn dốt võ nát, thi đâu hỏng đó, vân vân và vân vân… Nhưng tôi không phải "con hoang". Tuyệt đối không. Cho dù giận đến đâu thì mẹ cũng không có quyền sỉ mắng tôi bằng cách "vu oan", tuyên bố về tôi không đúng. Thi rớt thì tôi vẫn là con của ba mẹ chứ!
Vậy là tôi đã quyết định xong sau một đêm thức trắng, khóc âm thầm tới nỗi mắt đỏ mọng lên và sưng hum húp. Ngay sáng hôm sau, lúc tám giờ hai mươi tư, khi ba mẹ đều đã đi làm vắng, tôi lẳng lặng khóa cửa, dắt xe đạp ra khỏi nhà, bảng lảng bơ lơ đạp xe tới cầu An Lộc.
*
Cầu An Lộc ở cách nhà tôi khoảng hai mươi bảy phút đạp xe. Đó là cây cầu bê-tông cỡ vừa bắc ngang một nhánh của sông Sài Gòn, nối giữa quận Gò Vấp và Hóc Môn (bây giờ là quận 12). Thời ấy, mỗi buổi chiều, rất nhiều đôi nam thanh nữ tú thích chở nhau lên cầu rồi dừng xe, tấp vô hai bên lề để đứng hóng mát, ngắm hoàng hôn đổ bóng chiều tà. Còn bọn nhóc choai choai thì khoái leo lên thành cầu làm bằng xi-măng, hai tay giang rộng, miệng khoái chí cười vang, sau đó cắm đầu nhảy ùm xuống sông. Chúng quẫy nước đùng đùng – nhóm này thì tắm, nhóm kia bơi đua, nhóm khác vung vẩy chân tay, tạt sóng lên cao thành những cơn mưa, những "vòi rồng" nổi ngọn, những đám mây cầu vồng đủ màu lung linh, lấp lánh. Sinh ra ở đây nên chúng bơi lội như rái, chưa bao giờ biết sợ "ông Hà Bá", hay "ông thần sông"…
Nhưng đó là chuyện của những buổi tà dương, mỗi khi mặt trời xế bóng. Còn ban ngày – như thời gian của tôi lúc này – thì cầu chỉ có người và xe đi ngang qua hối hả, chẳng có ai bận tâm dừng lại. Tôi đứng trên cầu nhìn xuống mặt sông, thấy nắng vàng ngọt như mật trải trên những mớ lục bình ù lì trôi chậm rãi, sông chảy xuôi lăn tăn vảy cá, dòng nước mịn màng tựa một khối rau câu khổng lồ, mềm và mát, không ngừng chuyển động. Phía xa cao, mặt trời chói chang nhòa thành khối lửa vàng cam, trời trong xanh và mây đục như cháo đặc đổ thành từng vũng. Hai bên bờ, dừa nước, dừa cạn và những lùm bụi gì đó không rõ tên xanh um, mướt mát. Có thể trong đôi mắt của một kẻ đang day dứt buồn, tất cả sự việc đều kém tươi đi hơn thực tế rất nhiều. Vậy mà tôi không thể không thốt lên rằng cảnh vật sáng nay sao đẹp quá. Không u ám, âu sầu và nặng trĩu như nội dung của bức "thư tuyệt mạng" mà tôi đã để lại trên bàn xa-lông ở nhà trước khi dắt xe đạp ra đi.
Thư viết: "Ba mẹ kính yêu. Con cảm thấy chán chường, tối tăm, mệt mỏi và tràn đầy tuyệt vọng. Đến nỗi không còn thiết tha muốn biết sau tuổi mười bảy tươi hồng của con sẽ còn tiếp những niềm vui, nỗi khổ đau, điều hạnh phúc và sự sung sướng nào…… Gánh nặng mà con đã gây ra cho bản thân, cho ba mẹ và cho gia đình, giờ đây con cảm nhận đã không còn mang vác nổi. Vì vậy con mới phải chọn lấy một giải pháp rất "tiêu cực" là tìm đến với "sự chấm dứt". Kính mong ba mẹ sẽ tha thứ và thông cảm cho con. Đứa con sai lầm và yếu đuối. Mi".
Bây giờ tôi đứng đây, hít căng lồng ngực thứ không khí nồng nàn, mê đắm và cảm xúc đầy tràn của con người quá ư nhỏ bé trước một dòng sông. Kế hoạch của tôi cũng đơn giản thôi, chỉ sau đó vài phút, tôi sẽ leo lên thành cầu, cũng dang rộng đôi tay, cũng mở rộng miệng toe toét cười và cũng cắm đầu nhảy ùm xuống – giống y như lũ trẻ choai choai vẫn hay thường làm. Chỉ khác là tôi không biết bơi. Tôi rất sợ các "ông thần sông", hay "ông Hà Bá". Tôi cũng sẽ vung vẩy chân tay, tạt sóng lên cao thành những cơn mưa, những "vòi rồng", những đám mây cầu vồng đủ màu lung linh, lấp lánh. Nhưng là cách vung vẩy và tạt, và quẫy, và chơi vơi của một người đang bị đuối sức. Rồi nước sẽ bao bọc lấy tôi, sẽ ùa vào miệng, vào mắt, vào mũi tôi, sẽ kéo tôi chìm xuống, ôm siết tôi vào lòng. Chẳng biết rồi tôi sẽ nằm yên tại đáy sông nơi đó hay bỗng trôi dạt đi về phương trời nào xa lắc. Rồi ba mẹ có tìm ra được xác tôi không? Rồi… Mà thôi, một khi người ta mới mười bảy tuổi, người ta chẳng nên nghĩ quá nhiều, quá xa, cho dù là nghĩ về chuyện "tương lai", chuyện "hậu sự" ở ngay sau cái chết của mình.
Chẳng có ai đi ngang qua cầu bận tâm nhìn đến một con nhỏ đang chán đời là tôi. Thảng hoặc nếu có, thì khoảng vài giây ít ỏi của một cái cau mày hay liếc mắt bàng quan không đủ để lôi kéo người ta thắng xe lại, hỏi han tôi dù chỉ là một tí chút. Nhưng dù có được ai hỏi thì tôi đây cũng không thiết. Tôi đâu phải muốn ra đây để mong cầu một sự chú ý, một lời can gián, năn nỉ ỉ ôi, một thái độ ân cần phân tích thiệt hơn của ai đó không quen – tôi không "dọa chết" mà là muốn chết thật. Tốt nhất xin đừng có ai làm phiền. Vào giây phút gần như là cuối cùng, tôi bỗng quay lại, nhìn âu yếm chiếc xe đạp thân yêu – đã gắn bó với tôi suốt ba năm trung học phổ thông, buồn vui có đủ. Nó đang dựng hiền lành ở gần đó, vì chân chống hơi choãi nên tôi đã cho tựa nhẹ vào lan can của cầu.
Chiếc xe đạp "đầm" khá cũ, là tài sản được mẹ "chuyển giao" lúc tôi được tuyển thẳng vào cấp ba theo qui chế xét tuyển ưu tiên. Vì khá cũ nên nó lắm tật, nhiều bệnh: nào hay dễ "tuột con chó", hay sút sên, hay "cắn" lai quần, hay cạ cạc-te, nào hay lủng yên để thấm nước mưa làm tôi ướt quần mỗi khi ngồi lên, hay bể ruột vì cứ thích cán đinh, hay lỏng tay lái… Nhưng bù lại, nó có ưu điểm là vừa tầm vóc tôi, đạp nhẹ, chạy êm và nhanh. Dù ưu hay khuyết gì nó cũng đã giúp cho tôi đi đi về về ngày hai bận, trong suốt chín tháng nhân ba năm – xấp xỉ bằng tám trăm mười ngày vừa qua. Nó không có lỗi gì trong chuyện chở tôi đi thi Đại học bị rớt, càng chẳng có lỗi gì vì đã nhiệt tình chở tôi tới đây tự tử… Bây giờ, nếu tôi nhảy xuống sông, chiếc xe sẽ buộc phải ở lại, và chờ ở đó cho tới khi có một kẻ trộm ơ hờ bỗng phát hiện ra, dắt đi. Kẻ trộm nào đó không dưng vớ được vận may, "trúng số" nguyên chiếc xe đạp dựng sẵn trên lề cầu mà không cần biết của ai(?). Vậy nhưng, đâu chỉ là chuyện "của đau con xót", mà còn là những kỷ niệm với một món đồ đã từng gắn bó cùng tôi qua rất nhiều năm tháng.
Ùa về tràn ngập cả tâm trí tôi là ký ức của thuở lên bảy, lên tám, khi tôi mới lần đầu tập đạp xe. Lúc đó, do nhỏ con, chân còn ngắn không thể thượng lên yên nên tôi đã chọn cách ngồi gá nghiêng trên sườn. Nhưng sườn xe quá thấp khiến chân tôi lại thành ra dư, đạp xe khuỳnh khoàng đầu gối giống như mấy con khỉ đang làm xiếc với dáng ngồi thậm tệ xấu, nhưng tôi mặc kệ. Cũng chẳng cần bận tâm, vì bọn trẻ con ở xóm đứa nào cũng y một kiểu như thế!
Lớn hơn một chút, khi đã leo ngồi được trên yên, dù chân tôi vẫn hổng phải đạp theo lối nhắp nhắp hai pê-đan, mông thì ẹo ẹo, tha hồ lắc lia, nhưng tự tôi vẫn thấy vô cùng hãnh diện (ôi chao, ngỡ như mình đang lớn hẳn ra). Chính trong một lần nhắp nhắp, lắc lắc và ẹo ẹo, lơ là không thèm nhìn ra phía trước đúng theo "mô-đen của người lớn" đó, tôi đã lao thẳng chiếc xe vô một đống gỗ. Tất nhiên là té, té quay cu lơ. Đau, đau thấu trời thấu đất. Kỷ niệm in hình thành hàng đống vết sẹo ngắn dài, lớn nhỏ, nông sâu đủ cỡ – ở nơi đôi cùi chỏ của cả hai tay, và trên hai đầu gối – chính là kết quả tạo hình từ những vết thương chỉ chịu lành hẳn miệng và lên da non sau suốt một quá trình dài tới hơn hai tháng. Rất may chiếc xe chỉ bị xây xát nhẹ, và ba đã "khuyến mãi" thêm cho tôi một trận đòn ê ẩm cả mông ngay buổi chiều đi làm về vừa được biết tin – dành cho cái tội "liều lĩnh" khi dám làm một việc quá sức (ba lập luận: "bây giờ chỉ là té vô đống gỗ, lỡ không may con húc phải một đống… gì to lớn và nham nhúa hơn, thì có ai biết đâu mà đỡ!"). Lúc đó, tôi đã cố cắn răng chịu đựng cùng lúc nhiều thứ đau, lòng tự nhủ nếu ba thương mình kiểu này thì thà đừng thương có lẽ khỏe hơn. Tôi đã chỉ ước ao sao cho chân mau chóng dài ra, để mỗi khi leo lên xe sẽ tha hồ đạp thẳng tưng, không còn phải "nhắp nhứ" nữa. Ôi, giấc mơ tuổi thơ tội nghiệp.
Mà thôi, phải quay trở lại "hiện trường" nơi cây cầu, để tôi kể tiếp câu chuyện của tôi cho bạn. Phân tích tâm lý thấy dài dòng, bất tận, chứ còn trong thực tế, mọi sự diễn ra cũng chỉ mất đâu khoảng hai, ba phút. Bây giờ tôi đang đứng lặng im bên chiếc xe, với bao suy nghĩ trong lòng ngổn ngang. Lẽ ra tôi phải thông minh hơn, để xe ở nhà và đi bộ tới đây. Có như vậy trước khi qua đời, tôi mới không thể gây ra thêm một lỗi lầm nghiêm trọng. Nay thì sự đã lỡ, tôi thấy phân vân quá, không biết nên cư xử sao cho đúng. Vậy là, với tinh thần trách nhiệm và ý thức cao – kiên quyết giữ gìn tài sản chung cho gia đình, tôi đành tạm gác "bước hai" trong kế hoạch tự tử của mình để đạp xe về.
Trên đường, tiếp tục miên man suy nghĩ đủ thứ trong đầu, dù chẳng còn là đứa trẻ chân không đủ dài để cứ phải nhắp nhứ mãi vẫn không đạp tới pê-đan, nhưng đúng là tôi đã không hề mảy may bận tâm tới những gì đang xảy ra ngay trước mắt (đồng nghĩa: "xảy ra trên đường"). Bởi thế cho nên, chỉ mất không đầy tám phút kể từ sau khi tôi đổ dốc (cầu), một chiếc xe hơi cũ rích đã lao thẳng vào tôi. Hay chính xác và cụ thể hơn, tôi đã lao đầu thẳng vô chiếc xe hơi cũ mèm và chạy nhanh như tên bắn đó. Cảm xúc của lần đụng độ này cũng không khác nhiều so với cái lần ở tuổi ngắn chân – khi tôi táo tợn "so tài" cùng đống gỗ. Cũng "hoa cà hoa cải" nở bung lên choáng váng, sau khi tung mình bay bổng trên không, và đau thấu tim gan, đau đến nỗi không thể nào phân biệt rõ đã bị chấn thương nghiêm trọng ở đâu. Tôi đã rơi như một trái mít rụng, rồi lăn đùng luôn ra đất – ở ngay bên cạnh chiếc xe đạp thân yêu (cũng nát tan thân xác chẳng kém gì tôi) và ngất lịm đi.
Nói thật với bạn, chi tiết "chiếc xe hơi cũ rích" mà tôi đã liệt kê ra ở trên – thật ra là do sau này, khi đã tỉnh hẳn lại tôi được nghe kể lại. Từ lời của mẹ, và mẹ thì cũng được nghe từ lời của những người dân hai bên đường được (hay bị?) chứng kiến tai nạn của tôi lúc đó. Một bà mập xởi lởi và hay chuyện đã miêu tả lại:
- Con nhỏ lao băng băng, tông thẳng vô ngay đầu, phía bên phải của một chiếc xe hơi cũ rích. Chắc nó bị bệnh mộng du? (mẹ tôi đã gật "sái cổ" ở ngay chỗ này) Chiếc xe hơi sau đó hốt hoảng bỏ chạy. Còn mọi người vì căng thẳng quá nên cũng không kịp liếc nhìn và nhớ tới biển số xe…
Cũng còn may, mọi người sau cơn kinh hồn hoảng vía đã bừng tỉnh nhớ phải làm ơn làm phước đưa giùm ngay tôi vô bệnh viện để cấp cứu. Tại phòng cấp cứu của Trung tâm Y tế Quận, nhờ vào cái phù hiệu thêu trên ngực áo (lúc đó tôi mặc áo sơ-mi trắng đi học – thời của tôi, nữ sinh cấp ba chưa phải mặc áo dài trắng như bây giờ), người ta đã tìm tới tận trường cấp ba N.T.T để báo tin cho cô V. chủ nhiệm lớp 12A7 của tôi biết, và cô điếng người, mau mắn báo ngay lại cho gia đình của học trò.
Khi ba chở mẹ vô được tới phòng cấp cứu để hỏi han thì tôi đã qua cơn nguy kịch. Bác sĩ cho hay tôi chỉ bị xây xát, bầm dập chủ yếu ở các phần mềm, và bị choáng, sốc phản vệ do va đập mạnh. Ba mẹ đã giấu ông bác sĩ tận tâm, giấu cô V. – cô giáo chủ nhiệm của tôi, đồng thời giấu rất nhiều người khác về lá "thư tuyệt mạng" mà tôi đã để lại ở nhà, trên bàn xa-lông – trước khi đi ra đường. Cả ba lẫn mẹ đều đinh ninh tôi đã chọn "phương án" tự tử là lao thẳng đầu vô xe hơi. Mệt và vẫn còn đau, nên tôi cũng chẳng cần thanh minh. Khác về tình huống, nhưng trong bản chất thì mục đích của tôi cũng có gì khác đâu. Rõ ràng là tôi đã muốn chấm dứt cho xong cuộc đời của mình.
Chưa biết nên buồn hay nên vui sau cú tự tử không thành công, chỉ biết là tôi vẫn còn phải sống tiếp. Sống để hiểu, sau tuổi mười bảy tươi hồng có cả thất vọng đớn đau – lẫn với đôi mầm hy vọng le lói, sẽ còn những niềm vui, nỗi khổ đau, điều hạnh phúc và sự sung sướng nào?
Chỉ một điều mà tôi dám tin chắc: từ nay, cho dù giận tới đâu thì mẹ cũng sẽ không bao giờ "dám" gọi tôi nặng nề là "đồ con hoang đáng chết" nữa!
Nào ai biết được chữ ngờ
Kinh nghiệm cá nhân của tôi đúc kết được qua suốt mười bảy năm: tiếp theo một nỗi buồn sẽ là một niềm vui. Cũng chưa biết niềm vui gì, chỉ thấy sau khi xuất viện về nhà, ba mẹ rõ ràng đã cư xử với tôi vô cùng gượng nhẹ.
Cả ba lẫn mẹ đều tránh rầy la, không nói nặng, cũng không dằn hắt, nhắc nhở, chẳng hề nói tới nói lui về chuyện đã qua, kể cả cái việc tày đình tôi đã dám lao đầu vô xe hơi "tự tử vì thi rớt". Ngay cả thằng em trai ngỗ ngược, thích châm chọc và xiên xỏ tôi cũng tỏ ra rất dễ thương, rất chi ư một vừa hai phải. Nó rất ân cần và nhỏ nhẹ chăm sóc bà chị gái thân yêu – chính là tôi – giống như chăm sóc một vật thể làm bằng pha-lê mỏng manh dễ vỡ. Nỗi buồn trong tôi bỗng như nhẹ gần nửa gánh. Tôi lại thấy rằng mình đáng sống. Phải sống, để tập trung ôn luyện, thi lại năm sau cho tốt. Nhưng trước hết, phải bình tĩnh hơn, định hướng rõ ràng xem có thật là tôi chỉ thích chuyên sâu ngành Vật tư của trường Đại học Kinh tế? Hay tôi chỉ muốn thi vô để chiều ý mẹ? Câu hỏi này – hóa ra muốn trả lời cho êm cũng không đơn giản. Dường như tôi đã không tự hiểu hết bản thân, và chưa lượng cho thấu đáo những khả năng của mình.
Một tháng "hậu của hậu – thi – rớt" đã trôi qua trong lưỡng lự êm đềm, trong chăm sóc dịu dàng của mẹ, ba, của đứa em trai, tôi vẫn tiếp tục dùng dằng, ấp úng, chưa thể đưa ra quyết định sau cùng. Cho tới một buổi tối, vào lúc cả gia đình tôi đang quây quần xem chương trình "bông hoa nhỏ" với bộ phim hoạt hình nổi tiếng của Liên xô Hãy đợi đấy (có thỏ và chó sói – na ná như Mèo Tom và Chuột Jerry của Hãng phim Waltz Disney). Ngay lúc bộ phim vừa hết, nhạc hiệu chương trình thời sự nổi lên thì ba tôi bỗng điều chỉnh âm thanh ti-vi cho nhỏ xuống, nháy mắt ra hiệu với thằng em tôi (thằng này hiểu ý ba vội vui sướng gật, chuồn nhanh ra cửa đi chơi). Ba nhìn thẳng tôi, đĩnh đạc mở lời:
- Mi à, đây là câu chuyện có liên quan tới một người, vốn là em bà con cô cậu ruột với ba. Trước đây, vợ chồng chú ấy sống ở miệt Châu Đốc, An Giang…
Tôi nhanh nhảu đáp ngay:
- Dạ, con biết. Chú Sáu Hưng.
Ba tôi gật, "Đúng". Và hỏi tiếp:
- Vậy con còn nhớ bé Lan, đứa con gái duy nhứt của hai vợ chồng chú ấy không?
Ối trời! Chẳng lẽ ba cố tình quên tôi đã không chỉ một lần cặp kè thân thiết với con nhỏ như hình với bóng, đã từng "ăn cùng mâm, ngủ cùng chiếu", từng xem chung chỉ một cuốn sách với nó (đó là cuốn Bông hồng vàng của Pau-tốp-xki mà cả Lan lẫn tôi đều rất thích)… Còn nhớ những lần Lan theo ba má lên nhà tôi chơi, chẳng cần chứng minh thì mọi người vẫn thấy hai chị em tôi đã "quấn chặt lấy nhau như sam", rất – rất tâm đầu ý hợp ra sao.
*
Rồi một lần khác, vào dịp nghỉ hè, tôi đã theo chú Sáu về tận Châu Đốc. Ở lại trong ngôi nhà bè tiện nghi nổi – trên – mặt – nước của gia đình chú suốt ba ngày dài, "lênh đênh" đúng nghĩa. Tôi đã cùng với Lan bằm rau muống, trộn cám, vò viên thức ăn để nguội, phơi ráo, rồi hăm hở mở nắp bè thả xuống cho cá ăn. Nằm trên sàn gỗ, tôi im nghe sóng vỗ mạn bè ì oạp, hưởng lấy làn gió sông trong lành, mát rượi, nghe Lan rù rì kể chuyện bằng một giọng êm ả, yêu thương. Cá tra, cá lóc, nhiều nhất là cá ba-sa… mỗi con một tánh ý riêng. Lan đã "thuộc nằm lòng" hết cả bọn chúng qua suốt một thời gian dài cùng ba má chăm sóc, dưỡng nuôi – thường từ chín tới mười hai tháng.