Thông tin ebook
Tên truyện : Ánh Sáng Dưới Lòng Sông
Tác giả : Phương Trinh
Thể loại : Văn học trong nước
Nhà xuất bản : Kim Đồng
Tủ sách : Tuổi Mới Lớn
Ngày xuất bản : Quý II/2005
Số trang : 128
Kích thước : 11,3 x 17,6 cm
Trọng lượng : 110 g
Số quyển / 1 bộ : 1
Hình thức bìa : Bìa mềm
Giá bìa : 6.000 VNĐ
———————————-
Nguồn : http://www.nxbkimdong.com.vn
Chuyển sang ebook (TVE) : santseiya
Ngày hoàn thành : 29/07/2008
Nơi hoàn thành : Hà Nội
Mục Lục
Tôi gọi đó là nước mắt, nhưng…
Mây bay ngang rồi bay qua
Ông với nó thân nhau như cha con. Ông bán báo trước bưu điện và nó giữ xe cho người ta gửi thư hoặc gọi điện thoại. Không hiểu nó thích ông vì lý do gì. Còn ông thích nó vì nó ngộ. Chưa từng thấy thằng giữ xe nào thật thà như nó, thật thà quá thành ra ngộ. Ông hơn nó ở chỗ nhiều tuổi, nó hơn ông ở chỗ còn lúng túng khi nói xạo. Cả hai bù trừ cho nhau. Hễ rỗi rãi thì hai cha con lại chụm đầu rủ rỉ tâm tình. Có một lần cái "tâm tình"của nó hơi khang khác.
- Con nhỏ áo trắng gởi thư ba ngày liên tiếp, ông biết tại sao không?
- Chuyện đó làm sao tao biết, mà con nhỏ đó là con nhỏ nào?
Nghe thằng con trai tả một hồi, ông cũng nhớ ra. Đó là cô bé ốm ốm, đeo kiếng cận. Cô bé thường đi gởi thư. Nhưng nhiều người cũng đi gửi thư vậy. Bưu điện người ra kẻ vào, có cô xinh như hoa hậu. Cô bé này không phải là hoa hậu. Vậy mà nó chú ý. Một sự chú ý hơi khác thường, đối với một thằng giữ xe. Chú ý đến nỗi con nhỏ vô trong rồi mà mắt nó vẫn mò theo. Nó thấy con nhỏ lấy thư ra, che che sợ ai nhìn, đọc đi đọc lại, kiểm tra tới lui rồi mới chịu dán lại, bỏ vô thùng. Cẩn thận quá mức. Cái người nhận thư làm sao biết được tất cả sự nâng niu đó. Bên ngoài có thùng thư nhưng con nhỏ vẫn vô tận trong (mà vô tận trong thì phải gởi xe), chắc nó sợ thư bị thất lạc. Cái người nhận thư làm sao biết được tất cả sự lo lắng đó.
Cô bé gởi thư đến ngày thứ tư liên tiếp. Hai "cha con" sinh tật như đàn bà: "Có chuyện gì?". Vẫn như mọi lần, cô bé lại đưa cái thẻ xe và đưa thêm năm trăm đồng. Cái thẻ thì thằng giữ xe nhận còn năm trăm thì không, lật đật chạy tuốt luốt như thằng ăn cắp. Con nhỏ cầm năm trăm đồng nhìn theo, rồi đi. Nó thiệt tình: "Con nhỏ gởi xe bốn ngày, vậy là mất hai ngàn, tốn tiền quá!". Tốn tiền quá! Nó nói làm như hai ngàn đó chui vô túi ai chớ không phải túi nó. Ông già tâm lý:
- Mày thích nó hả?
Nó cười ngỏn ngoẻn:
- Con nhỏ dễ thương hen? Hình như nó nhìn tui rồi cười với tui phải hông?
Ông già chưng hửng. Con nhỏ có cười hay không thì chỉ có con nhỏ với cái khẩu trang biết chứ làm sao ông biết. Nhưng nhìn vào đôi mắt đựng hết ánh nắng buổi sáng của "thằng con trai", ông cảm giác như chữ "không" hoặc "không biết" nhòn nhọn. Ủa, cái con người cứng còng, đen đúa, xộc xệch như nó mà cũng biết đến sự lay nhẹ của tình cảm sao? Ông thấy mình có trách nhiệm nương nhẹ cái chờ đợi, hy vọng trong đôi mắt đó, có trách nhiệm vun vén cho cái tình cảm năm trăm đồng của "thằng con trai". "Ờ, tao thấy nó cười cái khẩu trang của nó rung rung ". Lòng ông chộn rộn vì những tia sáng lao xao trong mắt nó. Nó huýt sáo, nói chuyện ồn ào hơn, hưng phấn hơn. Chỉ vì một nụ cười có thể có mà cũng có thể không, đằng sau cái khẩu trang. Mà có thì sao? Một nụ cười rất thoáng qua. Ông kéo dài thêm niềm hạnh phúc, bây giờ không chỉ là của nó, mà còn là của ông: "Con nhỏ gởi thư liên tục bốn ngày thì có thể đang tìm bạn bốn phương, mà phải tìm đến bốn phương thì có nghĩa là chưa có bạn. Khà khà ". Giọng cười của ông cứ như lời đốc thúc: "Vậy mày làm bạn với nó đi!". Thằng giữ xe muốn gởi thư cho con nhỏ. "Mày ghi gì ở trỏng?". Nó tằng hắng, vuốt vuốt tóc, vuốt vuốt áo rồi đọc một hơi: "Lưng chừng mùa thu đến – Lưng chừng lá vàng rơi – Lưng chừng em và tôi – Tình yêu hay tình bạn?" Ông cười rũ cả người, còn nó cũng vừa cười vừa thở. Tác giả mà nghe nó đọc, chắc hết dám làm thơ. Mà cũng may, bài chỉ có bốn câu, chứ cỡ tám hay mười sáu câu thì không biết nó ra ! sao…
Nhưng cuối cùng, nó không gởi thư mà mua sách. Không ngờ nó chuyển quá lẹ từ "mối tình" năm trăm đồng sang "mối tình" mấy chục ngàn. Ông là dân buôn bán, cái gì cũng quy ra tiền, riết thành quen. Thằng giữ xe có lần ấn vào suy nghĩ của ông một câu hỏi:
- Tại sao con nhỏ áo trắng đeo kiếng?
- À tại vì tại vì nó ham đọc sách, nó là "con mọt sách".
Kết quả của câu trả lời đó là hai quyển sách mới cáu. Như vậy là quá sang, sang không chịu nổi, đối với một thằng giữ xe. Ông tiếc hùi hụi: "Sao lúc đó không nói con nhỏ là mọt… báo, thế nào nó cũng mua báo cho mình!". Thằng giữ xe ưu tiên chọn hai quyển sách này vì nó nhỏ và mỏng, nhỏ và mỏng thì chắc ít tiền. Ông mượn nó một quyển. Tự nhiên ngừng lại thiệt lâu trước câu: "Mây bay ngang rồi bay qua". Không biết những đám mây ấy có giống tuổi trẻ của ông không? Bay ngang rồi bay qua Còn nó thì mò mẫm đọc, những con chữ đối với nó vốn là người quen, nhưng đi xa, lâu quá rồi không gặp lại, giờ trở thành là lạ, bỡ ngỡ. Những con người, cuộc sống mà nó gặp trong sách còn lạ hơn nữa, lạ vì khác nó quá, những con người mới lớn, với cuộc sống "mới lớn". Nhưng mà nó thấy hay hay, thích thích. Hình như họ rất đẹp và sạch sẽ? Nó rụt rè hỏi ông: "Tụi nó mới lớn hông?". Không hiểu thật ra ý nó muốn hỏi cái gì, nhưng ông đáp: "Mày khác, tụi nó khác. Nhưng tụi nó mới lớn thì mày cũng mới lớn vậy!". Ông thấy lòng xon xót. Tuổi mới lớn của nó không phải là sân trường với những tán cây mà tưởng như nằm ngủ dưới gốc cây sẽ có được những giấc mơ mát lành. Tuổi mới lớn của nó không có những cái hộc bàn để chơi trò kết bạn mà là xó chợ đầu đường với nắng chói mưa giăng. Tuổi mới lớn của những đứa như nó không phải là những suy nghĩ trong veo, hiền lành mà thường là những suy nghĩ khốn khổ và khốn nạn. Cái khốn nạn làm cho cái khốn khổ cũng trở nên đáng ghét. Chắc gì nó đã hiểu ý ông nh! ưng mà nó cười, rồi mơ màng nhớ về cái thời nó còn được mặc áo trắng và đeo khăn quàng đỏ. Nó bồn chồn chờ con nhỏ áo trắng. Ông già cũng nhớ cô bé nhưng mà nhớ khác với nó. Ông nhớ cái mắt kiếng dày cộm của cô bé mà nghĩ đến "thằng con trai" ông đọc chữ như bị hóc xương. Ông nhớ cái cô bé trắng tinh, sạch sẽ và nghĩ đến cái áo không hẳn trắng, không hẳn vàng, không hẳn nâu và có phần bẩn thỉu của nó. Ông căn dặn mình nếu nó lại hỏi rằng con nhỏ có cười với nó không, dứt khoát ông sẽ trả lời là không. Thậm chí ông còn định nói con nhỏ có thể gởi thư cho một "người thân đặc biệt", gởi liên tục và đọc đi đọc lại thì có thể như vậy lắm chứ.
Cô bé lại gởi thư sau nhiều ngày không gởi. Không hiểu cái người nhận thư có mừng bằng "thằng con trai của ông" khi nhìn thấy con nhỏ cầm thư chạy vô bưu điện không? Lúc về, con nhỏ dúi cả cái thẻ xe và năm trăm đồng vào tay nó. Nó không muốn lấy nhưng không dám đẩy lại. Con nhỏ đứng chưa tới vai nó, vậy mà nó sợ. Thấy quyển sách tinh tươm nằm trong lòng bàn tay thô tháp, cô bé lại ngước mắt nhìn. Cái nhìn làm nó lúng túng. Cô bé vừa khuất, nó đã thẽ thọt như đòi quà:
- Hình như con nhỏ cười với tui phải hông?
- Ờ phải Tao thấy cái khẩu trang của nó rung rung
Những chữ "không" hoặc "không biết" vẫn như có gai, có thể sẽ làm ông đau khi nói. Cái đôi mắt mở to với hàng lông mi giương lên chờ đợi đó rất cần được gượng nhẹ, ông không nỡ lòng. Ông thấy mình như một người mẹ quá chiều con. Mấy chục ngàn cho một nụ cười có thể có mà cũng có thể không, đằng sau cái khẩu trang. Mấy chục ngàn chắt chiu từ những giọt mồ hôi và sự tằn tiện. Ông cảm giác như nó tọp người đi. Trong các câu chuyện mà ông đã đọc, những cô gái thường xuất hiện để gieo vào lòng những chàng trai bao nhiêu là cảm xúc, rồi bất ngờ biến mất, vì nhiều lý do. Vái trời, ông cũng gặp một sự bất ngờ như vậy. Rồi tất cả sẽ như đám mây, bay ngang rồi bay qua
Sự bất ngờ ấy vậy mà thành sự thật. Không thấy con nhỏ áo trắng đến bưu điện nữa. Ông trời nghe lời khấn của ông? Những tiếng huýt sáo của thằng giữ xe không ra âm điệu gì, những bước chân rảo nát cả khoảng trống nhỏ hẹp giữa hàng chục chiếc xe bày ngang dọc. Ngày nào ông cũng chờ. Cái bóng áo trắng nào thoáng qua cũng hút lấy ánh mắt ông.
Ngày qua ngày qua
"Thằng con trai" của ông trở lại với những câu chuyện phố xá ồn ào và những tiếng huýt sáo líu lo, dồn dập. Còn ông thì lại nhớ chiếc áo của cô bé mỗi lần nhìn cái áo dơ bẩn của nó. Cô bé không đẹp, cái áo cũng không đẹp. Nhưng nó trắng sao là trắng! Sạch sao là sạch! Đối với thằng con ông, nó như một áng mây. Ông se lòng, cái se lòng rất đàn bà. Lắm lúc ông nghĩ sao không để dòng đời bình lặng trôi, nhẹ nhàng trôi, cứ day dứt làm gì? Những đám mây bay ngang rồi bay qua. Thôi thì những chuyện như vầy đã "bay ngang", xin cũng "bay qua" giùm một cái…
7-8-2002
Điều Nam Cao không viết
- Tổ mình đóng "Chí Phèo" đi!
- Thôi, khó lắm! Phải nói giọng Bắc nữa!
- Thì khó mới được điểm cao.
- Đóng "Chí Phèo" đi! Tao thích truyện đó nhất!
- Im lặng! Im lặng!
Tổ trưởng đập đập tay xuống bàn, cố nói lớn cho át tiếng tranh cãi của các tổ viên:
- Tổ mình có bạn Nụ, đóng Thị Nở là hợp nhất. Không chọn truyện này thì uổng quá!
Đám con trai bật cười, vỗ tay rần rần hưởng ứng. Tiếng mấy bạn gái nhấm nhẳng: "Tổ trưởng ăn nói gì mà kỳ cục!"
- Im lặng! Bây giờ mình biểu quyết. Ai không chịu chọn truyện "Chí Phèo" để đóng kịch?
Một, hai, ba Chà, cũng khá nhiều cánh tay giơ lên, nhiều hơn số người phản đối ban đầu, chắc tại câu nói của tổ trưởng.
- Vậy còn ai đồng ý?
Bằng nhau! Số người tán thành vừa khít với số người phản đối, dĩ nhiên là tính cả cánh tay hăng hái của tổ trưởng. Quái lạ! Sĩ số tổ là mười lăm, sao lại tổ trưởng vò đầu, vò một hồi thì tìm ra một người không hề có ý kiến từ nãy đến giờ: Nụ. Tổ trưởng cười khì khì, đôi mắt hấp háy sau tròng kính trắng:
- Còn bạn Nụ?
Nụ thôi nhìn vào những ngón tay ngắn cũn đan vào nhau mà ngước lên ngó tổ trưởng:
- Cho Nụ đóng vai Thị Nở.
Cả tổ quay sang nhìn Nụ. Tổ trưởng cũng ngẩn người. Nhưng chỉ được một tí thôi, tổ trưởng lại oang oang:
- Vậy được rồi, tổ mình đỡ khâu hóa trang!
*
Sau tiếng chân "lạch bạch" phía cầu thang, một cái đầu bờm xờm với cặp kính trắng ngó lên. Cả tổ nhao nhao:
- Tìm được không tổ trưởng?
Người mới xuất hiện vuốt những ngấn nước đầm đìa trên gương mặt đã chuyển sang màu gấc chín của mình, đặt xuống đất một bọc đồ, lôi từ trong đó ra những tấm áo vàng, hồng, xanh Có tiếng chặc lưỡi:
- Chán tổ trưởng quá, làm như mình diễn "Em đi chùa Hương" không bằng!
Lại ai đó thở dài thất vọng. Nhưng vừa lúc đó, cái tay giấu đằng sau từ nãy giờ chìa ra. Có đủ! Áo nâu và váy của Thị Nở, áo đen thì chắc dành cho Chí Phèo và cả áo dài cho vai Bá Kiến.
- Trang phục như vầy là ngon quá rồi!
- Ở đâu ra, tổ trưởng?
Cái gương mặt đỏ gay hất lên trông đến là kiêu:
- Thì từ miệng, từ tay, từ chân, đặc biệt là từ cái đầu thằng này ra chứ đâu! Thôi, thử đồ đi!
"Chí Phèo" mặc vừa. "Cụ Bá Kiến" tức là tổ trưởng ấy mà – cũng mặc vừa. Chỉ có "Thị Nở" Chiếc áo cứ thít chặt lấy thân hình đồ sộ, chật quá.
- Sao tổ trưởng không chọn cái áo nào lớn hơn một chút?
Đấy là một câu phê bình. Nhưng câu nói không bật lên từ đôi môi đang thừ ra của "Thị Nở". Đáp lại, không hiểu sao tổ trưởng lại cười ngặt nghẽo:
- Trời ơi trời, bà Nụ mập vừa thôi. Đúng là gấu ấu á á
Lời tổ trưởng bị ngắt giữa chừng vì một cái đập vào vai. Cái đập ấy cũng không phát ra từ đôi tay to bè của Thị Nở. Nụ chỉ cúi đầu, ngượng nghịu cười.
- Có khó chịu lắm không? – Giọng tổ trưởng hơi khàn, có lẽ vì cười quá nhiều.
Đôi mắt lộ tưởng như chỉ được lắp hờ, được gắn tạm vào hốc mắt chớp chớp. Nụ khẽ lắc đầu.
Tất cả chuẩn bị cho Thị Nở đến gặp Chí Phèo sau khi bị bà cô mắng cho một trận. Thể theo yêu cầu của số đông "khán giả viên", các "diễn viên" mặc luôn trang phục để đóng cho có cảm hứng. Giọng người dẫn truyện đều đều "Cái mũi đỏ của thị dị xuống rồi bạnh ra. Thị hả hê lắm lắm. Thị ngoay ngoáy cái mông đít ra về[1]. Nụ bẹt cái mũi của mình xuống, đôi môi hơi dẩu lên, nhương nhướng mắt nhìn "Chí Phèo" rồi xoay người, "ngoay ngoáy" cái mông đít. Làm thế nào nhỉ? Khó quá, cái áo cứ nịt lấy người.
- Nụ, làm vầy nè Nụ!
Tổ trưởng chống ngược một tay lên hông, tay còn lại phe phẩy, phần thân trên hơi khom xuống, rướn về phía trước, phần dưới lại nhô ra, lắc qua lắc lại. Tiếng cười rộ lên, lẫn cả những lời đề nghị:
- Làm giống vậy đi Nụ! Làm vậy đi!
Nụ ngượng ngùng đứng im. Bạn bè lại thúc giục. Người dẫn truyện hắng giọng, đọc lại đoạn ban nãy. Và Nụ vặn ngược bàn tay đặt lên hông. Tổ trưởng vừa ha hả, vừa lăn ra nền nhà. Những tiếng cười cố nén trong cổ họng không cách gì kiềm nổi nữa, vọt cả ra. Một trận cười nghiêng ngả. Nụ đứng im như tượng, đầu cúi sát. "Chí Phèo" bật dậy, hét lớn:
- Thôi, không đóng nữa!
"Không đóng nữa", chẳng phải có mình "Chí Phèo" mà một số "diễn viên" khác cũng từng lên tiếng vì "khó quá" (trong số này không có Nụ). Nhưng cuối cùng, nhờ tài thuyết phục của tổ trưởng, vở kịch cũng hoàn tất. Sau buổi biểu diễn trước lớp, cả đội kịch lại phải tiếp tục tập dượt vì cô đã nói: "Mấy em tập lại cho kỹ hơn, để đại diện cho lớp biểu diễn trước trường". Cả tổ đều lo lắng. Nhưng đứa nào cũng khoái. Đứa lo nhất là tổ trưởng mà đứa khoái nhất cũng là tổ trưởng. Chẳng mấy chốc, cái ngày đầy hồi hộp và thú vị ấy đã tới. Tổ trưởng trong chiếc áo dài của "cụ Bá", tay xách thùng nước đá, đến từng người trong tổ, giục:
- Uống đi, uống cho khỏe!
Hễ có đứa hỏi: "Sao tổ trưởng không uống, tổ trưởng đóng cũng mệt vậy?" thì hắn ta lại cười hì hì và lăng xăng đi kiếm đứa khác. Nhưng bây giờ thì tổ trưởng không xách thùng chạy tới chạy lui nữa, cũng không phải đang diễn mà nhìn chăm chăm lên sân khấu. Khán giả phía dưới xôn xao:
- Nhỏ "Thị Nở" xấu thiệt mày!
- Xấu mới đóng "Thị Nở" chứ! Mà công nhận, nó đóng hay.
- Hay gì! Vô duyên!
- Phải đóng vô duyên vậy mới được.
"Thị chống tay vào háng, vênh vênh cái mặt và dớn cái môi vĩ đại lên… ". Tất cả cặp mắt đều đổ dồn về phía Nụ. Xen giữa những tiếng vỗ tay tán thưởng là lời bình phẩm trong lúc đang cao hứng:
- Con nhỏ nhìn gớm quá!
- Mất nết ghê!
Thầy cô phải đứng lên nhắc nhở "thị ngoay ngoáy cái mông đít ra về". Khi "Thị Nở" vừa quay mặt ra, khán giả đã sửng sốt. Một giọt nước ứa ra từ cặp mắt đỏ ngầu. "Thị Nở" đưa tay chùi nhanh. Cả hội trường lặng ngắt. "Chí Phèo" chạy theo: "Nụ Nụ ".
Trong lúc tất bật chuẩn bị cho cảnh cuối cùng, tổ trưởng vẫn tìm cách gặp "Thị Nở" để cằn nhằn: "Sao bà khóc? Nam Cao có viết vậy đâu!" rồi quay sang "Chí Phèo": "Tự nhiên kêu toáng lên gì vậy? Lớp mình mà không đoạt giải là tại mày!". Đó là tại tổ trưởng lo xa. Vở diễn vẫn đoạt giải, mà là giải nhất nữa kia. Hôm biết tin, tổ trưởng ôm chầm lấy "Chí Phèo" vừa cười vừa nói: "Nhờ mày!". Mỗi lần có ai đó bảo: "Công tổ trưởng lớn nhất", anh chàng đeo kiếng cận lại gãi đầu gãi tai. Cả tổ ai cũng vui, trừ Nụ. Sau buổi biểu diễn ở trường, đi đâu Nụ cũng nghe và cảm thấy người ta xì xầm về mình.
- Tổ trưởng!
- Gì vậy "Chí Phèo"
- Mày là thằng khốn nạn!
"Bốp!". Tổ trưởng choáng váng, khi không lại bị đấm muốn vỡ mặt, bèn vung tay đáp lại. "Bốp!". "Chí Phèo"vừa ôm ngực vừa nói như hét:
- Thị Nở của Nam Cao thì ngớ ngẩn, không hề biết mặc cảm, không hề biết tủi thân. Còn Nụ thì khác, Nụ thì khác. Mày có hiểu không? Hiểu không?
Lại "Bốp!". Lần này thì không có tiếng "Bốp" đáp trả. Mặt tổ trưởng nghệt ra, ngượng nghịu nói:
- Chí Phèo đánh Bá Kiến vì Thị Nở hả? Nam Cao có viết vậy đâu?
- Mày im đi! Nụ Mày không thích người ta thì thôi, cũng phải biết trân trọng Nụ đóng kịch là vì Nụ Mày có hiểu không? Hiểu không?
Sau chữ "Hiểu không" lần này, không có một tiếng "Bốp" nào nữa. "Chí Phèo" ngó lơ sang chỗ khác, dường như "Chí" sợ "cụ Bá" chỉ cần nhìn vào ánh mắt mình là thấu hết cả ruột gan. Nhưng tổ trưởng không nhìn bạn. Nó nhớ lại, có lần nó hỏi Nụ mặc áo chật có khó chịu lắm không. Lần đó, Nụ đã nhìn nó và chớp mắt. Chao ơi, cái nhìn của Nụ
Thị Nở của Nam Cao thì khác và Nụ thì khác. Thế mà nó không nhận ra
Tôi gọi đó là nước mắt, nhưng…
Lần đầu tiên tôi gặp nó là lúc đang ngồi ăn trong quán cơm bụi. Đang định đưa muỗng cơm vô miệng thì hai cẳng tay cứng queo, khô đét với một xấp vé số chìa thẳng vô mặt tôi. "Mua giùm con một tờ đi chú!". Mua cái đầu nó á! Mua giùm nó rồi ai trả tiền cơm giùm tôi? Mời ai không mời, lại nhè cái thằng sinh viên kiết xác! Trời đánh còn tránh bữa ăn, vậy mà hai cái "que củi" của nó dám chặn xấp vé số ngang niềm hạnh phúc ẩm thực của tôi. Nổi quạu, tôi không thèm ngước lên, nạt: "Đi lẹ đi!".
Lần thứ hai. Đó là khi tôi đang ngồi đọc lại một truyện ngắn của mình. Tôi mở toang cửa sổ để gió ùa vào. Như vậy mới có thể làm cảm xúc của tôi thêm trào dâng chớ! Đọc xong, tôi thấy sao mà mình viết hay quá(!) và thẫn thờ buông tờ giấy xuống mặt bàn để mặc tâm hồn tiệm cận với những ý nghĩa cao siêu. Nhưng dòng tư tưởng đó ngay lập tức phải tắc lại như hôm nọ tôi phải dừng sững giữa đường vì kẹt xe. Trời ạ! Một cơn gió vô tình đã thổi "tác phẩm" của tôi bay vèo xuống đất. Đang hoảng hồn, tôi phải tiếp tục hoảng hồn khi nhìn thấy một mái đầu xác xơ như nhúm cỏ héo trong kỳ đại hạn, đang lúi húi nhặt tờ giấy bằng trời ơi, bằng đôi tay "que củi"! Nó cầm tác phẩm của tôi vội vã chạy vụt đi. Tôi ú ớ: "Ê! Ê " nhưng con nhỏ "Ê" đã biến mất rồi. Tôi tiếc cho đời mất một tác phẩm hay!
Lần thứ ba tôi gặp nó. Lần này thì không tình cờ, không vô tình như dạo trước. Tôi quyết tâm tìm cho ra mái đầu cỏ úa của nó. Hừ! Nó dám lấy "tác phẩm" của tôi. Sự kiên nhẫn sục sạo của đôi mắt tôi cuối cùng đã có kết quả. Mái đầu xơ xác thấp thoáng sau sạp tạp hóa. Tôi gọi lớn "Ê!". Cái đầu quay lại. Đôi mắt trợn tròn nhìn tôi như nhìn một tướng cướp. Rồi cả mái tóc lẫn đôi mắt, thoắt một cái, biến đâu mất tiêu. Tôi động lòng trắc ẩn. Tối, đặt lưng xuống giường, ánh mắt đó vướng vào giấc ngủ tôi. Lần đầu tiên có người sợ mình!
Lần thứ tư tôi gặp nó. À không, phải nói là nó gặp tôi mới đúng. Để coi, cánh tay que củi, mái dầu cỏ khô, đôi mắt kinh hoàng. Bây giờ tôi mới được biết trọn vẹn gương mặt nó. Má ơi! Xấu quá! Cái mũi bành ra, dị xuống, như một cục bột con nít nặn rồi ịn lên gương mặt cheo chắt của nó vậy. Người ta có duyên ngầm, nó có sống mũi ngầm (bởi nhìn vô, hầu như chẳng thấy sống mũi của nó đâu). Còn cái miệng thì ghê ghê bởi cặp môi dày mà ngoen ngoét. Nó đem trả "tác phẩm" một cách lúng túng, rụt rè và tiếc nuối. Tối đó, tôi mơ toàn ác mộng.
Nhưng khi tỉnh dậy, nhất là lúc nhìn lại tờ giấy của mình, thấy nó cực kỳ phẳng phiu, tôi chạnh lòng. Hẳn nó đã nâng niu, giữ gìn tác phẩm của mình dữ lắm, mặc dù là nâng bằng đôi tay cứng còng. Chao ôi! Sinh ra tôi là cha mẹ, hiểu tôi chỉ có nó! (bởi vì tất cả bài viết tôi gởi đi đều không có báo nào chịu đăng). Tôi bắt đầu nghĩ đến vẻ đẹp tâm hồn nó và đi tìm độc giả đáng yêu đó:
- E em!
Nó quay lại, đôi mắt tròn tròn nhìn tôi như nhìn một thiên sứ (là tôi nghĩ thế!). Cái chữ "Ê" và cái chữ "Em" đâu chỉ khác nhau một dấu mũ và một chữ "m". Nở một nụ cười thân thiện, tôi mở lời với tất cả sự giản dị, khiêm tốn dù biết nó đang ngưỡng mộ mình (cũng là tôi nghĩ thế!).
- Em đọc truyện tôi viết, thấy sao?
Nó ngước mắt nhìn tôi và lắc đầu. Lắc đầu? Tôi chết đứng như Từ Hải lúc mắc mưu Hồ Tôn Hiến. Mèn đéc ơi! Ngay cả một đứa như nó mà cũng chê văn tôi thì tôi còn lý do gì mà hy vọng vào cái "tài năng" của mình nữa chứ? Cơn choáng váng dịu xuống dần dần nhưng hãy còn âm ỉ đau. Chẳng lẽ lại ngồi ngây ra trước mắt nó? Tôi nói bằng giọng kẻ khác theo kiểu người sáng tác chân chính luôn biết lắng nghe để hoàn thiện mình:
- Em thấy nó không hay ở chỗ nào?
- Dạ ở chỗ con không biết chữ!
- À!
Tôi gần như muốn nhảy cẫng lên như hồi nhỏ được má hứa dẫn đi chơi. Mặc dù biết reo lên trước nỗi buồn của người khác là không đúng, nhưng tôi mừng quá, không dằn được! Thì ra nó không có ý chê văn tôi dở. Niềm hy vọng trong tôi được khôi phục hầu như hoàn toàn. Trong niềm hưng phấn đó, tôi ân cần như một nhà hảo tâm thứ thiệt:
- Em có muốn học chữ không?
Con mắt thổ lộ của nó lại tràn đầy vẻ biết ơn. Tôi thấy mình mắc cỡ.
- Chú giỏi quá! Tờ giấy chú đặc chữ là chữ. Chú biết nhiều chữ quá ha!
Tôi dỗ dành, tưởng nó là đứa em gái của mình:
- Rồi em cũng sẽ biết nhiều chữ giống như tôi vậy!
Như bất cứ hàng lông mi dài và cong vút nào, hàng lông mi của em cũng biết chớp. Tôi lấy tờ giấy ra, hí hoáy. Tôi bảo "a", em đọc "a". Tôi bảo "bờ", em đọc "bờ". Từ đó đến nay, tôi viết cả trăm chữ, người ta chê không biết trốn đâu cho thoát. Vậy mà bây giờ, tôi viết một chữ, em rối rít khen một chữ. Nhưng tôi không khoái. Chỉ thấy trong lòng có gì đó dào lên, hình như cảm giác ấy từa tựa lúc tôi bị mất tiền.
Em không còn gọi tôi bằng chú, mà gọi bằng "anh". Cái tiếng "anh" líu ríu làm tôi nghĩ đến những bước chân của cô bé sáu tuổi lần đầu đi học. Cả tiếng "ê" cũng biến mất trên đầu lưỡi tôi. Tôi gọi em là "em". Hai đứa thân nhau cứ như là từ hồi còn cởi trần lông nhông tắm mưa. Thậm chí, tôi biểu em:
- Sau này, có mời mua vé số thì em mời trước hoặc sau khi người ta ăn nghe! Đang bữa ăn mà thấy xấp vé số chặn trước mặt, kể như nuốt nhằm cục xương. Ăn hết vô, mất hứng!
- Bộ ăn mà cũng phải có hứng nữa hả? Ngộ quá ha. Lúc ăn, em chỉ thấy đói thôi à!
Tôi còn bộc bạch với em cái bí mật mà tôi đã thề "sống để dạ chết mang theo". Bữa đó, tức là hơn ba tháng sau khi gởi một truyện ngắn mình rất ưng ý đến một tòa soạn, tối, tôi nằm ôm gối khóc hu hu. Tôi biết như vậy là người ta không thích văn mình. Đó là chưa kể thằng bạn có lần lượm được bản nháp của tôi đã phê bình một chập, mà chủ yếu là "phê" chứ "bình" cái nỗi gì. Lại nữa, nó vang vang giữa lớp Quê! Quê không chịu nổi! Tôi thấy mình bất lực, bất tài quá, không còn biết làm gì, tôi khóc! Nhưng rơi nước mắt mãi mà chẳng có ông Bụt nào hỏi: "Tại sao con khóc?" và cũng nhận ra mình là con trai. Tôi giận mình "nhi nữ thường tình" quá. Đó là lý do tôi đào sâu chôn chặt cái ngày "trọng đại" ấy, cái sự-kiện-khóc ấy vào tận gan ruột mình. Hôm nay, tôi kể lại cho em, tự nhiên như hồi nhỏ cứ ấm ức là thổ lộ ngay với má. Em nghe xong, hỏi:
- Mắt anh có sưng không?
Tôi trả lời tối quá, tôi không thấy. Tôi hỏi em ước mơ sau này làm cái gì. Em cười toe toét:
- Em ước được đi bán báo!
Bán báo? Được đi bán báo? Lần đầu tiên tôi nghe một chữ được lạ lùng như vậy. Tôi thiếu điều muốn nhảy nhổm như có ai liệng vô người mình cục than nóng đỏ.
- Sao em ước vậy?
Em nói là vì báo có nhiều chữ, nhiều hình, mà hình nào cũng đẹp! Em bán báo sang hơn bán vé số nhiều. Nhưng báo khó bán hơn vé số. Chẳng hiểu nghe ai nói mà em bảo rằng người ta thích mua ở mấy sạp báo hơn của mấy người bán dạo. Hồi nhỏ tôi muốn làm bác sĩ, bây giờ tôi mơ thành nhà văn. Còn em, em ao ước được làm người bán báo. Chao ôi, cái ước mơ của em!
Em ngồi nhẩm tính số tiền lời trong tương lai rồi hỏi:
- Anh nghĩ coi sau này em có mở sạp được không?
Tôi không trả lời, chỉ biểu em bán tôi tờ vé số. Trưa đó, tôi không ghé quán cơm mà ở nhà ăn mì gói.
*
Đùng một cái, em không chịu học. Tôi bảo chữ "e", em mím môi không đọc. Tôi hỏi: "Em sao vậy?". Em chỉ đưa tay quệt những ngấn nước tươm ra trên trán, lắc đầu. Hỏi hoài hổng được, tôi im. Im nhưng mà lo. Vào lớp, mặt tôi dàu dàu. Mấy thằng bạn bá vai bá cổ:
- Cảm thương nàng hả mày?
- Nàng nào?
- Thì nàng thi sĩ lớp mình chứ nàng nào!
Tôi giật mình như đang ngủ mê, mà có ai đánh thức. Sao tụi nó biết chuyện tôi "tình thương mến thương" nàng thi sĩ nổi tiếng nhất khoa? Đọc thơ cô bạn, tôi thấy một tâm hồn hiền lành lắm, trong trẻo lắm và cũng nhân hậu lắm. Nhưng bạn ấy không "tình thương mến thương" tôi và đó lại là một bí mật khác. Thế mà nay thằng bạn nói trúng phóc. Tôi đáp vội để tìm cách chối biến.
- Nói bậy đi! Nàng của tao là em bán vé số xóm này á!
Tụi bạn cười tóa lên. Tôi không giận mấy đứa đó. Chỉ tội nghiệp em. Bộ bán vé số thì em không phải là con gái sao? Rồi tôi giận mình. Bởi "nàng" của tôi đâu phải là em.
Tôi biết lý do tại sao em buồn rồi. Đó là nhờ cô bán cơm kể lại. Cũng như mọi lần nghe kêu: "Vé số!", em te te chạy lại với một nụ cười tươi tắn. Người đó mua một tờ và chìa năm chục ngàn. Con bé mười lăm tuổi khờ khạo, vừa lên thành phố kiếm sống ấy lật đật rút bọc tiền ra để thối. Vèo! Cả bọc tiền em dành dụm và xấp vé số biến mất trên tay em. Người đó nổ máy và vọt đi. Khói xe xộc vào mặt em mù mịt. Em lặng người đi mất mấy giây rồi mới kêu: "Cướp! Cướp!". Cái xe mất hút tự bao giờ. Nắng soi vào những giọt nhọc nhằn trên trán em, long lanh.
Cả xóm nghèo, có người nhìn em chặc lưỡi: "Tội nghiệp!" rồi cho em ít tiền. Có người lẳng lặng đưa cho em tờ giấy bạc. Có người quát toáng: "Đồ ngu!" rồi đặt vào tay em vài tờ đo đỏ, hình như còn ấm mồ hôi. Nhưng vẫn không sao bằng được số tiền mà em đã mất. Cái xóm vốn nghèo! Như vậy là em không đưa được tiền cho má để nuôi mấy đứa nhóc ở nhà, mà không biết chừng cũng chẳng thể về thăm quê
Em trúng số! Cả cái xóm nghèo tíu tít. "Cái con này xui vậy mà hên!". Hôm đó, em chạy tót qua nhà trọ, đập cửa ầm ầm. Tôi vừa ló đầu ra, em đã run rẩy chìa tờ vé số "Trúng Trúng rồi!". Em và tôi nhảy tưng tưng. Lúc này, trái tim có rớt xuống đất, chắc cũng không có đứa nào biết! Chao ôi! Những con số! Những con số diệu kỳ! Em nói chuyến này em sẽ đãi cả xóm. Tôi nuốt nước miếng cái ực. Em lại nói em sẽ mua quà cho má và mấy đứa nhóc nhà em. Tôi hỏi: "Còn quà anh đâu?". Em còn hớn hở:
- Em sẽ về quê, mà có thể là về luôn, bán ở dưới luôn. Có vốn rồi, cái gì cũng đỡ hơn trước.
- Em hỏi tôi: "Anh thấy vậy được không?". Tôi định trả lời "Được" nhưng lại chỉ gật đầu. Tự dưng, lòng châng lâng. Em về quê luôn sao?
- Em còn thích học chữ nữa không?
- Dạ thích! Có tiền rồi, em đi học ở trường lớp đàng hoàng.
Tôi biết, cái kiểu dạy của tôi không đàng hoàng cho lắm. Tôi chỉ là một thằng sinh viên với sức học theo đuôi chúng bạn. Một người tử tế sẽ hết lòng mừng cho em. Còn tôi, tôi không phải là người tử tế, nên chỉ mừng phân nửa. Cũng may, em níu tay tôi, tình cảm: "Nhớ tiễn em nha!".
Và tôi nhớ.
Đứng giữa sân ga lạnh lẽo trong cái áo phong phanh, tôi thấy em với chiếc áo thun trắng mịn, tóc em chảy tới vai. Tôi chìa tay ra bắt tay em và bỗng dưng tôi tự cười mình.
Chia tay, em nhìn tôi, mỉm cười, gương mặt em bừng lên rạng rỡ. Giữ nụ cười này mãi mãi nha em!
Tôi buông thõng cây viết xuống. Bà tiên nào sẽ xuất hiện vì "cô bé Lọ Lem" của tôi.
- Anh ơi!
Tiếng em gọi vồn vã quá. Có khi nào những điều tôi tưởng sẽ trở thành sự thật? Ý nghĩ ấy làm tôi hơi cuống. Mà tại sao lại cuống? Tôi đâu có biết! Vừa mở cửa ra, tôi đã thấy ngay nụ cười tươi rói của em.
- Bữa nay em bán được. Mình học tiếp nha!
*
Tối hôm đó, tôi làm thơ. Buổi trưa sau, tôi trịnh trọng đọc cho em nghe (là bởi tôi làm thơ về em mà). Trong "tác phẩm" của mình, tôi ví những giọt mồ hôi là nước mắt của tuổi thơ em. Tôi gọi đó là nước mắt vì tuổi thơ em có vị mặn của nhọc nhằn, có vị cay của gia đình mà đĩa thường biến thành "đĩa bay" trong những trận cãi vã. Cuối cùng thì đĩa không bay nữa mà cha của em "bay" đi nơi khác, nơi mà mẹ em không biết, em và mấy đứa nhóc cũng không biết. Mười lăm tuổi, chiếc áo dài trắng tinh xa vời với cả ước mơ em! Em nghe xong, ngạc nhiên:
- Làm sao mồ hôi lại có thể thành ra nước mắt được?
Rồi chúng tôi cùng cười. Em vừa đấm đấm đôi chân đã rục rã, vừa tíu tít kể tôi nghe đủ thứ chuyện và giọng cười em vỡ nắng. Em nói:
- Bây giờ em chưa về quê được, mai mốt nhất định em sẽ về. Em gọi điện kêu mẹ đừng buồn rồi.
Tôi lấy tờ giấy ra đưa cho em. Tôi đọc "a", em viết "a". Tôi đọc "bờ", em viết "bờ". Bàn tay em cặm cụi gò từng nét. Nắng chan vào mắt em, soi vào những giọt mồ hôi long lanh, long lanh
7-9-2002
Chạm vào bao la
Nữ mở cửa bước ra sân. Nền xi măng mát lạnh dưới chân nhỏ. Cái lạnh quyện lấy người dịu dàng như một vòng ôm. Nhỏ chạm tay vào vòm lá xanh, vòm lá nảy ra một âm thanh trong ngần. A! Một chú chim non đang hót! Tiếng hót thả lưng chừng trên những cành cây. Lá giang mình đỡ lấy, cứ như nhờ vậy, lá sẽ xanh hơn. Tiếng hót thanh trong làm Nữ tưởng tượng đến cảnh một nàng công chúa đang nhẹ tay buông viên ngọc bích khiến nó rơi trên từng bậc thềm đá hoa cương. Ủa, hoa nở từ bao giờ vậy? Những cánh hoa đo đỏ, nhỏ xíu, mòng mọng như đôi môi đứa bé lúc sắp hôn lên đôi gò má mẹ, hay lúc sắp ngập vào dòng sữa khiết trong. À, gió nghe hoa rủ nên lướt đến đấy mà. Gió lướt trên những sợi dây âm thanh đang được chim giăng ra, lướt trên những nền xanh của búp lá trong vườn, lướt trên cái mịn màng, hồng nõn của hoa và xoắn vào mùi hương. Mùi hương! Mùi hương đang tan loãng ra, làm duyên cho không gian, không biết có phải tại gió ta đưa đẩy không mà những làn mây lớt phớt điểm trên trời. Nữ ngước nhìn trên cao, mắt Nữ lướt đến đâu, trời mở rộng ra đến đấy, rồi trời vượt ra ngoài tầm mắt của nhỏ, chảy dài, ngút ngát, vô cùng. Trời gọi nắng đổ màu vàng óng ả của mình xuống khu vườn nhỏ. Những áng mây cũng trở nên óng ánh. Nắng viền những đường ánh sáng quanh từng búp lá non, từng cánh hoa xòe mở.
Có đôi mắt ai đó đang dõi theo mình, cái nhìn thật lạ lùng, Nữ chợt thấy hốt hoảng, chạy đến núp sau vòm cây, thập thò nhìn qua kẽ lá. Ánh mắt nhà bên lúng túng quay đi. Những chiếc lá xanh cọ nhẹ vào ngực Nữ. Dường như có tiếng gọi đằng sau lớp áo, có một hơi thở khác phập phồng sau làn vải, có một điều kỳ diệu sau tấm áo Nữ đang khoác trên người. Có lẽ từ tối hôm qua ngực Nữ cứ trương cứng lên. Nữ thấy đau, lại tưng tức nữa. Có một cái gì đó đang được giữ trong lồng ngực Nữ. Phải nói "có lẽ" vì cảm giác đau âm ỉ đó xuất hiện chính xác là từ bao giờ, Nữ cũng không biết nữa. Nhưng Nữ cảm nhận được nó. Nữ không dám thở mạnh, cũng không dám đi nhanh. Nữ nơm nớp lo sợ điều kỳ diệu đang giấu trong người sẽ rơi theo từng bước đi gấp gáp, và cả sợ đau nữa. Hồi tối, nghe thằng cháu khóc trên võng, Nữ chạy nháo nhào đến bồng nó. Ngực Nữ lúc đó đau lắm, nó như một vết thương, không chịu được những cử động mạnh. Có lúc Nữ lo sợ những cái nút nhỏ nhoi sẽ đứt bung ra mất và làn áo kia sẽ không che chở được mình. Cái gì, cái gì đang xảy ra trong người mình vậy? Cái gì, cái gì dường như thiêng liêng lắm? Nữ rón rén bước trở vào nhà qua khung cửa mở.
*
Nữ khép chặt cửa lại, nghiêng đầu nhìn mình trong gương. Một đôi mắt ngơ ngác trong gương đang thẹn thùng nhìn Nữ. Một cơn gió thoảng bên rèm cửa sổ làm chiếc màn kêu loạt soạt. Nữ khép luôn cả cửa sổ, thầm thì:
- Gió ra ngoài đi, không vào được đâu, đợi một chút nhé!
Nữ trở lại đứng trước gương, ngay ngắn, chỉnh tề cứ như một con chiên đang dọn mình trước giờ hiến tế. Toàn thân Nữ nhè nhẹ run, tựa cái thoáng gợn lăn tăn của mặt hồ phẳng lặng. Tiếng nói trong lồng ngực lại cất lên giục giã. Nữ đưa tay mở cái nút trên cùng. Cái phần dưới cổ Nữ hơi vun lên. Những ngón tay của Nữ trở nên vụng về, luống cuống. Tim Nữ đập rộn ràng. Trái tim nhỏ bé dường như đang ngả nghiêng trong những đợt sóng cảm xúc dậy lòng. "Nút ơi, mở ra đi". Những cái nút bắt đầu rời ra, cái thứ hai rồi cái thứ ba. A! Một khối trắng ngần như ngọc lộ ra sau lớp vải tím. Nữ sững sờ đứng trước một kho báu. Đẹp quá! Đây là lần đầu tiên, Nữ được nhìn "châu báu" của mình kỹ như thế. Mới ngày nào, nó còn nhu nhú thập thò. Hôm nay, trái non đang vào độ mọng chín. Nhìn hai khối ngực, Nữ thấy nó vẹn toàn nhất cho hai chữ Tròn Đầy. Nữ nghĩ đến mẹ, từ bầu ngực Người, anh em Nữ đã lớn lên. Đứa nào cũng ngập môi mình trong dòng sữa ấm nồng, đùng đục trắng. Nữ nghĩ đến anh Hai. Anh Hai cao hơn mẹ cả một cái đầu, bắp tay anh cuồn cuộn, dường như có một dòng sinh lực rào rạt chảy suốt người anh. Nhưng cho dù anh có cao lớn đến đâu, anh cũng lớn lên từ bầu ngực mẹ, dòng sinh lực của anh được khơi đi từ dòng sữa của Người. Nữ lại nhớ đến chị dâu và những lúc chị đặt con vào lồng ngực, cho nó được hưởng đến tận cùng cái hạnh phúc của trẻ thơ. Rồi đây, thằng cháu nhỏ cũng sẽ lớn lên. Cả thế giới lớn lên từ bầu ngực của những người phụ nữ nhỏ bé. Ơ hay! Từ hai cái cuống! nâu nâu hồng hồng trên hai quả mọng, hai dòng nước trắng đục tứa tràn ra. Hương thơm nồng mùi lúa, mùi đất tỏa ra theo dòng chảy. Nữ chạm tay vào dòng chảy, thấy màu trắng vương lấp lánh cả tay Nữ. Dòng sữa này ở đâu ra nhỉ? Ở đâu ra? Nữ dụi mắt mấy cái. Đâu rồi, đâu mất rồi, dòng sữa tinh khiết ấy. Nó đã chảy ngược vào trong lúc nào nhỉ? Hai khối ngọc vẫn hiện ra, nuột nà không có dấu hiệu gì chứng tỏ từng có hai dòng nước tươm ra. Chẳng biết gió len vào phòng từ lúc nào mà thổi màu hoa lên đôi gò má Nữ, khiến nó đỏ lựng lên. Cảm xúc choáng ngợp đến nỗi Nữ thấy mình nghẹt thở. Lòng mỏng tanh như cánh chuồn giữa trời nổi gió, Nữ chạm tay vào bầu ngực mình, rùng mình như chạm vào bao la. Một nỗi xúc động tỏa khắp người Nữ. Dường như có một mầm sữa đang được gieo trong lồng ngực và phải chăng nó cũng chính là cái mầm phụ nữ? Bây giờ thì Nữ hiểu những ánh mắt đầy tự hào của các bạn, các chị rồi. Ngày mai, Nữ sẽ trả lời những ánh mắt ấy bằng cái nhìn kiêu hãnh. Kiêu hãnh bởi điều diệu kỳ trong chính người mình. Từ nay Nữ sẽ phải nâng niu mình hơn bởi mình đang mang trên người dòng sinh lực. Dòng sinh lực rồi sẽ đến lúc tuôn ra. Nữ cài lại từng nút áo, thấy lòng bình yên như chú chim đang xếp cánh trên tổ ấm, sau khi đã băng qua bao trời rộng sông dài. Có tiếng đứa cháu ti tỉ khóc. Nữ cúi xuống bế nó lên. Thằng bé ngã đầu trên khối bông căng mềm trên ngực Nữ và giấc ngủ đứt đoạn của nó được nối lại. Hình như mình cao hơn trước thì phải? Mình lớn hơn trước thì phải? Mầm sữa đã mở chìa khóa tâm hồn Nữ. Lòng N�! �� giờ ! đây như một cánh cửa cửa khép hờ, những cảm xúc không cần gọi cửa, chỉ đẩy khẽ khàng là hoàn toàn có thể bước vào trong. Đứa cháu đang mê mệt ngủ. Nữ cũng nhẹ nhàng đặt tay che trên đầu cháu rồi bước ra vườn. Từng bước đi của Nữ cũng cẩn trọng. Nữ nâng niu giấc ngủ của nó trong từng cử động rất khẽ. Cái mầm sữa làm mềm đi, làm từ tốn từng hành động bởi một rung động sâu xa, cái rung động khởi đầu cho tình mẫu tử sau này. Nữ nhắc chim:
- Suỵt, chim ơi, khẽ thôi cho cháu chị ngủ nhé!
Chim nghiêng đầu như muốn hỏi:
- Sao hôm nay giọng chị Nữ nghe lạ thế?
- Bí mật đấy, chị sẽ không nói đâu!
Chim ngoan ngoãn, chỉ khẽ lích chích kêu trong những tàng cây. Gió khua lá xào xạc. Nữ phải vội lên tiếng:
- Gió ơi, em bước nhẹ thôi, đừng đạp trên lá, lại đây thổi mát cho thằng nhóc này với!
- Nữ gọi gió bằng em á?
- Ừ, chị Nữ lớn rồi mà!
Gió bướng bỉnh thì thào với lá: "Nữ có gì bí mật lắm". Nhưng hoa thì lại biết, lại hiểu. Hoa chìa từng cánh mềm ra:
- Chị Nữ ơi, chị hái em đi, em không muốn héo rồi rụng mà chưa kịp tặng chị vào cái ngày đặc biệt như vầy.
Thế là Nữ đỡ lấy Hoa ra khỏi cành, cài lên tóc. Ánh mắt nhà bên lại dõi sang. Nữ tủm tỉm cười, dịu dàng hỏi:
- Sao ấy cứ nhìn người ta mãi vậy?
11-2-2003
Bóng mát
Cô nhỏ bước trên con đường đất. Gió thổi bồng mái tóc, gió mơn man bờ vai, gió cọ cọ sống mũi. Gió như những bàn tay êm mát đang vuốt ve khắp người cô nhỏ. Cơn gió dường như đã thổi nỗi buồn tản mát đi ít nhiều. Cây đa đây rồi! Vòm lá của nó vẫn xanh từ thuở đó đến bây giờ,trong khi làn da cô nhỏ đã không còn đen nhẻm. Mày bao nhiêu tuổi rồi đa? Mày có nhớ tao không? Nếu có thì reo lên một tiếng đi nào! Gió lướt trong vòm cây làm cội đa ngân lên một tiếng động thanh trong. Kỳ lạ thiệt, nghe vui tai như tiếng nước vỗ vậy. Nếu tưởng tượng thêm một chút nữa, cô nhỏ sẽ nghĩ đến tiếng suối chảy từ xa đang vọng lại không chừng, hoặc sẽ cho là Thôi, cô nhỏ không nghĩ ngợi nữa mà mường lại ngày còn thơ dại, mình hay trốn ngủ ra ngồi dưới gốc đa, để rồi thiếp đi lúc nào chẳng biết. Thân đa cứ như được tạc bằng đá, cô nhỏ cảm nhận được làn da sần sùi, già nua của nó bằng làn da mềm mại của tay mình. Những rễ đa như đường gân trên tay người già, những đường gân giúp đa bám đất, đời đời bám đất. Rễ đa thì khô đanh cằn cỗi, cũng không biết làm cách nào mà lá biếc vẫn nẩy đầy cây. Đứng dưới gốc đa, một cảm giác thanh sạch, mát mẻ phả vào cô nhỏ. Nhưng cô nhỏ phải đi thôi, tạm biệt mày nhé, gốc đa! Cô cất bước, mỗi bước chân vẫn mang theo bóng lá mát dịu rung rinh.
Căn nhà của ngoại đây rồi! Tự dưng lòng cô nhỏ run run. Thì ra con người ta không chỉ một lần chập chững. Những lúc như thế này, người ta lại chừng như mới đi những bước đầu tiên. Nỗi xúc động như một hạt giống thần kỳ được vun trồng tưới nước cứ ngày một vươn cao, tỏa bóng trong lòng. Cánh cửa chỉ khép hờ. Cô nhỏ khẽ khàng đẩy ra. Một tiếng kêu nghe rin rít vang lên làm cô khẽ giật mình. Không gian ắng lặng quá. Dường như mọi âm thanh được vứt hết ra ngoài. Nhỏ bước hẳn vào trong. Ồ! Mát quá! Cứ như nhỏ được ngâm mình trong nước suối vậy. Nhỏ cúi xuống, cởi giày ra. Đi chân đất trên nền gạch mát lạnh, nhỏ bước cóng róng. Cái lạnh tê tê làm buôn buốt những đầu ngón chân. Ấy vậy mà nhỏ lại ước được nằm lăn ra sân, áp làn da trần vào đất, để rồi thấy mình chợt gần mình hơn. Hơi sương giá buốt ướp lấy người nhỏ, nhưng vì cái giá buốt rất hiền nên nhỏ thấy thích mà không thấy sợ. Đó là cái giá buốt rất trong, rất sạch, thanh khiết như giọt sương mai. Gốc mận đây rồi! Dưới gốc cây có vài quả mận đỏ tươi. Nhỏ cầm một trái trên tay mà miệng đã thấy ngòn ngọt, chan chát vị mận. Nhỏ cắn vào trái mận, răng ngập trong chất nước tươi mát. Cùng lúc, một âm thanh giòn rụm vang lên bên tai nhỏ. Dường như cái lạnh trong veo đã lọc lại những nỗi buồn trong nhỏ. Lòng nhỏ sạch băng. Nhỏ bước vào nhà trong. Cảnh vật dường như háo hức đón bàn chân nhỏ, lại vừa như hờn dỗi nên giả vờ dửng dưng. Cảm giác đó lan đến trong lòng, khi nhỏ thấy vừa quen vừa lạ với ngôi nhà mà ngày xưa, bàn chân! mình đã in dấu. Nhỏ định lên tiếng gọi bà nhưng những bàn ghế, những thớ gỗ im lìm, trang nghiêm ngăn nhỏ lại. Một cái gì đó ấm áp, thiêng liêng tỏa ran trong lồng ngực. Nhỏ ngồi im trên phản, lắng nghe hơi thở của mình. Nhỏ đưa tay vuốt vuốt tóc, những sợi tóc còn vương cái lạnh ngoài sân. Cả vải áo cũng trở nên mát như lụa. Két…! Một tiếng động dịu dàng vang lên:
- Con về rồi hả nhỏ?
Giọng nói ấm và trong làm căn phòng mất đi vẻ vắng lặng. Cảm giác ấm áp rạo rực khắp người. Bên ngưỡng cửa, bà cầm rổ rau xanh mơn mởn, tóc búi cao, miệng móm mém cười. Bà mở hẳn cửa và luồng ánh sáng từ bên ngoài rọi thẳng vào phòng. Cô nhỏ đứng khuất trong bóng tối nhìn ra chỗ bà đứng, thấy bà chợt đẹp rạng ngời. Tiếng chân bà khua lẹp xẹp trên nền gạch. Bà đặt rổ rau xuống bàn, đưa tay xoa đầu cô nhỏ. Bàn tay bà gầy guộc nhưng cảm giác như tất cả những mênh mông đều được thu vào bàn tay ấy. Bà âu yếm hỏi:
- Có chuyện buồn, lại về với ngoại phải không?
Bà dắt nhỏ ra sân. Khi đi cạnh bà, nhỏ cảm thấy vai mình nhỉnh hơn vai bà một tẹo. Vậy mà lúc ngồi dưới bóng râm của cây mận, nhỏ nhớ lại vòm lá đa và chợt thấy bóng bà tỏa mát trong mình. Bà hỏi đủ thứ chuyện, hỏi đi hỏi lại về gia đình, nhất là về mẹ. Đối với ngoại, mẹ hình như vẫn chưa phải là người lớn. Ngoại nói: "Mẹ con hồi đó có chuyện gì không vừa ý là lại dụi vào lòng ngoại". Nhỏ mông lung nghĩ về nỗi buồn của mình, nỗi buồn đã xui chân nhỏ về đây.
Ngày hôm qua, người ba ướt rượt mồ hôi, mặt còn in vết nắng, mới bước vào nhà ba đã gọi:
- Nhỏ ơi!
- Ba kêu con gì ba? – Nhỏ ló đầu ra từ cửa sổ phòng mình.
- Ba gọi sao không dạ? Ba chau mặt.
Sao khi không ba lại la mình? Nhỏ thấy tức tối, nhưng ráng biểu mình dằn nén, nếu không, ba lại cho là hỗn. Rồi nhỏ hỏi lại ba, giọng đang giận, dẫu có cố vẫn chẳng nhẹ nhàng được:
- Ba kêu gì con?
- Con với cái! Cha mẹ kêu không biết dạ! Càng lớn càng hư đốn!
Nỗi uất ức từ đâu không biết đổ ập xuống người nhỏ. Nếu nhỏ không cắn chặt môi thì nước mắt đã rớt xuống rồi. Tại sao ba với nhỏ lại xích mích cùng nhau chỉ vì một tiếng "dạ" nhỏ nhoi đến thế? Đến bữa ăn, mẹ gọi:
- Nhỏ ơi, ăn cơm!
- Mẹ ơi, con không đói! – Nhỏ nói vọng xuống.
Ba đứng lưng chừng lầu:
- Ăn cơm đi con.
Nghe giọng ba, nỗi uất ức của nhỏ tan đi đến hơn phân nửa nhưng cái tự ái thì vẫn cứ căng đầy. Nhỏ lí nhí:
- Thôi con không đói.
- Không đói thì nhịn luôn đi!
Tiếng chân ba giậm mạnh trên cầu thang, trái tim nhỏ như đang hứng lấy âm thanh đó. Nhỏ thấy người rã rời. Mẹ lên phòng, ôn tồn bảo nhỏ:
- Ba cho con cả cuộc đời, chẳng lẽ chỉ vì một chữ "dạ" mà con không thể nói vì ba sao?
- Nhưng tiếng "dạ" chỉ là hình thức thôi, đâu phải khi con không "dạ" thì con không thương ba đâu? Con lớn rồi, con không thích cái gì là bề ngoài, là hình thức. Trong lòng con thương ba thiệt mà…
- Ừ, con lớn rồi, muốn làm gì thì làm. Mẹ nói con không nghe, mẹ cũng chẳng muốn nói nữa.
Vậy đó, bây giờ lại thêm mẹ giận nhỏ. Nhỏ chỉ muốn ba mẹ hiểu rằng nhỏ đã lớn và tôn trọng những suy nghĩ cá tính của nhỏ. Nhỏ thấy mình không còn là đứa bé để mặc người ta uốn nắn ra sao. Bây giờ thì những giận hờn vỗ cánh bay đi đâu đó. Nhỏ sợ ba mẹ sẽ tìm mình, sẽ lo lắng cho mình. Một thoáng tần ngần trôi qua, nhỏ cầm lấy điện thoại:
- Alô
- Alô – Tim nhỏ nhè nhẹ rung khi nghe giọng ba.
- Con hả?
- Dạ!
Tiếng "dạ" nhẹ tênh buông ra từ môi nhỏ. Nhỏ cảm nhận niềm vui của ba qua giọng nói luống cuống. Một tiếng "dạ" nhỏ nhoi có thể làm cho ba hạnh phúc đến vậy thì chẳng có lý do gì để nhỏ ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân mình. Nhỏ thấy mình như chợt lớn lên. Ngày mai, nhỏ sẽ về với ba mẹ.
*
Trăng đổ ánh sáng lung linh trên vòm cây mận làm những chiếc lá nhấp nhánh như ướt nước. Nhỏ và ngoại cùng ngồi, lắng nghe mùi hương ngai ngái thanh khiết, nhẹ hẫng của từng bông mận trắng. Gió lướt thướt thoảng qua như những bước chân dịu dàng của cô thôn nữ. Lòng nhỏ bình lặng, tựa hồ vừa được rửa khỏi những bụi bặm bằng một dòng nước tinh khiết. Nhỏ chợt nghĩ cuộc đời của ngoại cũng như những thân cây xòe bóng mát, giản dị, thanh thản, và bao dung. Ngày mai, nhỏ trở về với ba mẹ, mảnh sân này chỉ còn mình ngoại ngắm trăng.
2-2003
Tuyến lũ
Ánh lửa nhỏ nhoi đầu tiên đã được thắp lên trong sự vây bủa của bóng tối, từ bàn tay kiên nhẫn của một người nào đó. Trong ánh lửa, mờ mờ hiện ra những gương mặt trẻ thơ đầy vẻ háo hức bên những chiếc đèn lồng vàng, đỏ Bốn bề không biết cơ man nào là nước. Cứ mỗi đợt nước cuộn lên thúc vào mạn ghe làm nó chòng chành là tiếng trẻ con lại nháo cả lên. Người đứng trên cầu, người ngồi trong ghe, người cười, người nói làm vang động cả một vùng ngập nước. Một thằng bé thè lưỡi liếm nhẹ trên mặt bánh trung thu vừa được phát. Con bé khác lại gọi gầm:
- Chú công an, mồi lửa cho con với!
Sau nó, vài đứa nữa cũng lên tiếng. Một chị nhắc nhở:
- Các em ngồi xuống, từ từ đã chứ!
Trong không gian ẩm ướt và đầy gió, những bàn tay người lớn, những bàn tay trẻ con cùng chụm lại, che chắp từng ngọn nến lung linh. Lửa đã được truyền đi từ những bàn tay ấy. Ánh sáng loang dần ra làm lấp lánh, ngời lên những gương mặt, nụ cười
Đó là đêm vui Trung thu giữa những ngày một đợt lũ mới lại kéo về.
Nước lũ không với tới màu vàng của bông hoa điên điển. Cho dù nước có dâng cao đến đâu, hoa cũng không nỡ bỏ người. Màu vàng của hoa vẫn lung linh giữa màu đục ngầu của nước, xám xịt của trời. Chợt gió thốc tới, hất tung những bông điên điển mà Bình vừa hái. Những cánh hoa xoay tít trong không gian rồi lả tả rơi xuống, vàng cả một vùng nước. Chiếc xuồng nhỏ của Bình chao đảo. Nó cố chèo về nhà. Sấm nổ rung trời. Những lằn nước đỏ cứ như chực chém xuống đầu Bình. Một bàn tay nhỏ xíu huơ huơ trên mặt nước. Bình lặng người. Những cuộn nước trông như những con rắn khổng lồ đang chực chờ nuốt chửng lấy nó. Bàn tay trẻ con lại càng khoắng rối rít. Bình nhảy ào xuống nước. Nó xốc thằng bé, đặt vội lên xuồng. Còn một đứa nữa! Ngụp sâu xuống nước, Bình vươn người túm tay cô bé lên. Nhưng một sức mạnh kéo trì hai đứa xuống. Nước như những cánh tay lực lưỡng đang siết chặt lấy Bình. Nó có cảm giác mình đang bị trói cứng vào khối nước cuồn cuộn này. Nó lả người đi, buông tay, cô bé chìm xuống. Bình hốt hoảng. Lần này nó ôm ngang người cô bé. Hai chân Bình đạp trong nước cứ như cố đạp một kẻ nào đó đang rình chụp chân mình. Nó quẫy mạnh chân hơn nữa. Đầu Bình đã ngoi lên khỏi mặt nước. Chiếc xuồng trôi xa quá. Nó quạt mạnh cánh tay bơi theo, nước giận dữ dội vào ngực. Bầu trời màu chì trên cao dường như đang dần dần hạ xuống. Bàn tay Bình bấu chặt thành xuồng. Cánh tay lỏng khỏng cố gồng lên, đặt con bé vào đấy. Dường như đó là nỗ lực cuối cùng của nó. Bình buông tay ra. Trước khi c�! �� người nó ngụp trong nước, Bình còn lờ mờ nhận ra những ánh mắt thơ ngây đang kinh hãi nhìn mình. Nước réo như tiếng cười hể hả. Nó ngửa mặt lên thở, nước sặc sụa trong mũi, trong miệng. Trống rỗng mọi ý nghĩ. Trong cái giây phút ấy, một cánh hoa điên điển vàng mơ bập bềnh trong cánh mũi nó. Bông điên điển mẹ bảo nó hái về, bông điên điển cài trên tóc Hậu
Đột nhiên Bình vùng dậy.
- Anh Hai ơi, anh chết chưa vậy anh Hai?
Âm thanh đầu tiên lọt vào tai Bình giữa lúc đầu óc nó còn ong ong là cái giọng mếu máo của thằng Tí. Bình he hé mắt. Thằng Tí chồm tới, quàng tay qua cổ Bình và nằm bẹp luôn trên ngực anh. Cái thằng! Cứ làm như hai anh em xa nhau mấy năm trời mới gặp lại, cứ làm như nó là đứa em thương anh nhất trên đời, cứ làm như hai anh em nó là một cặp thân thiết, chưa từng biết đánh nhau là gì, cứ làm như Đến đó thì Bình không thể nghĩ gì thêm nữa vì thằng Tí đã khóc nức nở trên ngực nó. Những giọt nước mắt thấm vào da Bình nong nóng
- Ngồi dậy coi! Đè nữa anh Hai chết bây giờ!
Thằng nhỏ bật dậy, lùi vội ra xa, mặt tai tái. Bình thấy ân hận vì đã dọa em. Nó nhổm dậy, kéo thằng Tí vào lòng hỏi:
- Má đâu?
Thằng Tí chưa kịp trả lời thì đã có tiếng chân vội vã của má. Cái gác lửng khe khẽ run, tiếng những thanh tre rít lên nho nhỏ.
- Tỉnh rồi hả con?
Má ngồi xổm xuống nhìn nó. Chẳng nói thêm gì. Không ôm ấp tình cảm, cũng không có những giọt nước mắt hôi hổi như thằng Tí, má chỉ lặng người nhìn nó.
- Má, con không sao!
Mãi má nó mới nói được: "Ừ". Cũng chẳng biết má "ừ" chuyện gì nhưng trông có vẻ yên lòng hơn. Vừa bước xuống xuồng, như sực nhớ, má nói vọng lại: "Bình, đi đứng cẩn thận nghe!" rồi má chèo xuồng đi mất. Bình cứ nhìn theo cái áo đen của má nhấp nhô trên biển nước.
- Mấy chú nói anh Hai là anh hùng.
- Vậy hả? – Bình đáp trong khi nó còn nghĩ miên man về má.
Thằng Tí giật giật tay nó:
- Anh Hai không được chết nghe? Tí không cho anh Hai chết đâu!
Ghê thật! Xưa nay chỉ toàn Bình hăm he thằng Tí không được làm cái này, không được làm cái nọ. Vậy mà bây giờ thằng nhỏ dám "cấm" mình, mà lại cấm chết mới hay chớ! Bình bóp nhè nhẹ vào cánh tay em. Nó xót xa nhận ra thằng nhỏ ốm đi nhiều quá. Rồi đột nhiên Tí đưa tay rờ rờ lên mặt Bình. Hình như đó là cách thể hiện tình thương của trẻ con, cũng như cái xoa đầu của người lớn đối với chúng vậy. Chợt trong đầu Bình hiện ra hình ảnh một bàn tay nhỏ xíu huơ huơ trên mặt nước mênh mông. Nó vụt hỏi:
- Tí, hai đứa nhỏ
- Tụi nó hổng sao! Nhờ mấy chú dân phòng đó, mấy chú đưa anh về đây nè.
Bình thở phào. Thằng Tí vẫn làm ra vẻ ta đây biết rõ chuyện lắm, hít cái mũi "rột" tiếp:
- Hổng có mấy chú dân phòng, hổng chừng anh Hai cũng "tiêu" giống
Thấy Tí im bặt, Bình sinh nghi hỏi dồn:
- Giống ai? Tí, giống ai?
- Dạ giống chị Hậu!
Bình bàng hoàng. Nó chồm tới chụp lấy hai vai thằng em.
Trong khi thằng Tí lắp bắp kể lại mọi chuyện, trong đầu Bình hiện lên gương mặt Hậu với nụ cười lúng liếng, mái tóc Hậu dài, cài thêm một cánh hoa điên điển. Hôm qua, chỉ mới hôm qua thôi, Hậu còn chèo xuồng cùng nó, còn bụm tay làm loa: "Bình ơi, mai gặp lại!". Cặp mắt Bình nhòe đi. Nó cảm thấy căm giận, tức tối. Mà biết giận ai, tức ai bây giờ? Mai gặp lại! Mai gặp lại! Bao giờ mới đến được cái ngày mai ấy? Hậu ơi!
Phái đoàn cứu trợ từ thành phố Hồ Chí Minh xuống, ghé vào từng nhà. Bình trông thấy có những bác tóc đã đổi màu, cả những anh, những chị lớn hơn nó chừng vài tuổi. Bình thấy cả những bắp chân nổi gân, những đôi môi tái xám. Kỳ lạ thật, không hiểu sao khi những bàn tay giá lạnh nắm lấy nhau, lại cảm thấy ấm áp vô cùng. Bình lắng nghe cả những lời chào hỏi, động viên, đâu đó đã loáng thoáng tiếng cười. Đã có thuốc men, đã có gạo thay cho cháo húp lõng bõng cầm chừng. Má ơi, Tí ơi, Hậu ơi, lũ đã rút dần rồi đó! Hình như có nụ cười của Hậu thấp thoáng trong màu hoa điên điển, vàng ánh lên trong nắng Những ngọn dừa xanh đã nhô khỏi mặt nước rồi đó, Hậu có thấy không?
10-10-2001
Vỡ…
Lĩnh nằm lăn lăn trở trở trong mùng. Cha mẹ ơi, cặp giò mỏi quá, muốn liệng đại cho rồi! Tại hồi chiều Lĩnh giỡn với thằng Út Bờm dữ quá mà. Bờm cũng lớn rồi, cũng mười tuổi rồi đó chứ. Vậy mà hai anh em lại rượt nhau chạy vòng vòng khắp nhà, y hệt con nít luôn. Đúng ra là tại Lĩnh. Tại Lĩnh rượt, nó mới chạy. Lĩnh muốn làm cho em vui. Thằng Bờm lớn rồi. Nó cũng phải biết suy nghĩ, phải biết buồn hay ít nhất là phải biết nhớ chứ. Làm cho nó cười được bữa nào, Lĩnh mừng bữa đó. Đối với thằng Bờm thì còn dễ, chứ khiến con Hạnh cười lại mới khó bằng trời. Lĩnh nhái tiếng chọc nó, nó nghiêm mặt la Lĩnh, làm như chị Hai rầy em không bằng. Lĩnh với thằng Bờm đuổi nhau xà quần ngay chỗ nó đứng. Nó ngước lên nhìn Lĩnh, cười. Trời ơi, nếu như Lĩnh không phải là một thằng anh mà là một đứa chị, chắc Lĩnh sẽ rớt nước mắt nhìn cái nhếch miệng méo xẹo của nó. Lĩnh giả bộ té để thằng Bờm leo lên người mình, con Hạnh bật cười. Lĩnh mừng quýnh liếc nhìn, hình như nó cười thiệt tình. Và thế là Lĩnh té thêm một lần nữa. Hổng biết nó có vui thiệt không, hay là Nhưng mẹ Lĩnh thì biết chắc. Cái miệng mẹ nói oang oang mà cái bụng mẹ đau. Mẹ chỉ giả vờ thôi, Lĩnh biết. Ba mẹ hay gạt Lĩnh lắm. Hồi đó, mẹ nói hễ nuốt hột thì nó sẽ mọc thành cây trong bụng. Vậy là mỗi lần lỡ nuốt hột Lĩnh lại rờ rờ bụng thử coi "cái cây" đã lớn được bao nhiêu. Có lần, lâu lắm rồi, Lĩnh làm cái gì đó, không nhớ nữa, nhưng ba giận. Ba nói: "Tao đá mày lăn hai vòng bây giờ!". Rồi không biết có phải tại! nhìn cái mặt Lĩnh thấy ghét quá không mà ba chuyển từ lời nói sang hành động, tống luôn cho Lĩnh một cú. Lĩnh vừa lồm cồm ngồi dậy đã khóc toáng lên. Chắc ba hối hận nên lại gần vuốt đầu Lĩnh. Lĩnh cả gan dám gạt tay ba ra:
- Ba nói xạo!
Ba trợn mắt:
- Tao xạo hồi nào?
Lĩnh gân cổ lên:
- Ba đá con lăn ba vòng mà nói là hai vòng!
Thế là ba ôm Lĩnh cười ngất. Đó là chuyện lúc nhỏ. Bây giờ Lĩnh lớn rồi. Ba mẹ vẫn muốn gạt. Ba mẹ rủ nhau đóng kịch trước mặt Lĩnh. Ba mẹ muốn tụi Lĩnh nghĩ rằng gia đình mình hạnh phúc lắm, êm đềm lắm. Trong suy nghĩ của ba mẹ thì Lĩnh vẫn là một thằng con nít, Lĩnh chưa tròn mười bảy tuổi, Lĩnh còn phải đi học, Lĩnh thì chẳng hiểu gì hết, chẳng biết gì hết. Nhưng mà Lĩnh biết. Vì biết nên khi chuyện này xảy ra, trong cái buồn, Lĩnh còn mừng nữa. Lĩnh đóng kịch với em mới có mấy bữa mà đã đừ người. Ba mẹ phải đóng kịch gần chục năm trời, mệt hơn là cái chắc. Lĩnh thấy thương ba mẹ nhiều hơn là giận. Lĩnh không dám đòi hỏi ba mẹ phải tiếp tục hy sinh vì anh em Lĩnh nữa. Ba mẹ cần phải có hạnh phúc của riêng mình. Mà theo Lĩnh, niềm vui giả tạo cũng đâu còn là niềm vui nữa. Ai cũng có nỗi buồn, những điều không như ý. Có nên tìm cách che đậy, tránh né không? Có nên phủ lên một vật đã rạn nứt bằng một tấm vải hoa khiến mọi người tin rằng bên trong thế nào cũng là một vật quý giá? Để rồi nếu có một cơn gió nào đó thổi qua làm tấm vải đẹp đẽ kia rơi xuống, cái vật ấy sẽ lộ ra với những vết toác rộng hơn, không cách gì sửa được. Vậy thì che đậy để làm gì? Trốn tránh để làm gì? Ừ, ai cũng có những nỗi buồn, những điều không như ý. Vấn đề là nỗi buồn và bản thân mình, bên nào sẽ làm chủ?
Lĩnh nhớ ba. Mới có mấy ngày mà sao nhớ dữ. Hồi đó, Lĩnh hay ghen tị với con Hạnh rằng ba thương nó hơn thương Lĩnh. Bây giờ nghĩ lại, Lĩnh thấy thương ba mình nhất. Chỉ có cái tên Lĩnh. Trần Hồng Lĩnh, mà mẹ kể ba phải sửa tới sửa lui riết. Đêm nọ, Lĩnh đang mơ mơ màng màng thì có ai đó giở mùng chui vô. Ba đó. Mà sao lạ, Lĩnh có mở mắt ra đâu mà vẫn biết chắc là ba, dù ba chun vô êm ru. Rồi ba vuốt tóc Lĩnh, ba sờ sờ nắn nắn khắp người Lĩnh hệt mẹ nắn bột làm bánh. Hình như ba có dòm vô mặt Lĩnh nữa. Lúc đó, Lĩnh thấy kỳ kỳ, thấy tức cười quá mà phải ráng nín. Ba làm in trong… phim. Nhưng mà Lĩnh cũng thấy thích lắm. Ba thương mới sờ nắn mình chớ bộ. Vậy là Lĩnh nhắm mắt giả đò ngủ. Chứ nếu Lĩnh thức, thế nào ba cũng ngại. Mà ba không ngại, Lĩnh cũng phải nói: "Thôi, ba làm gì kỳ vậy!" dù trong bụng có thích đến cỡ nào đi chăng nữa. Ba nắm tay Lĩnh, bóp bóp rồi cứ cầm tay Lĩnh hoài mà hổng bỏ ra. Có lần, Lĩnh nằm nghe ba mẹ kể với nhau về chuyện anh em Lĩnh hồi nhỏ. Trong đó, Lĩnh là đứa xấu nết ngủ nhất. Khuya khuya, ba mẹ phải giật mình mấy lần vì bị bàn tay bé xíu của Lĩnh chặn ngang cổ. Ngày tháng qua đi, bàn tay của Lĩnh cứ nặng dần Không biết lúc cầm tay Lĩnh, ba có nhớ đến chuyện đó không. Đêm ấy, ba trở ra lúc nào Lĩnh đâu có biết. Lĩnh ngủ mất tiêu. Sáng ra, Lĩnh không thấy ba nữa. Và không thấy cho đến tận bây giờ…
- Thằng Lĩnh sổ mũi hả con?
- Dạ không À mà có! Con nghẹt mũi, kê gối cao lên là hết liền.
Mẹ không nói gì thêm. Lĩnh hoảng hốt đưa tay lên mặt. Nước ở đâu ra mà ướt nhẹp. Cũng may, cũng may mẹ không bật đèn lên mà nhìn vô mặt Lĩnh. Nếu không, thế nào tối nay gối mẹ cũng ướt đầm khi biết thằng con trai lớn của mình nằm khóc trong đêm.
Lĩnh lóng ngóng trước cửa nhà ba. Tức là cái nhà này khác cái nhà mẹ con Lĩnh ở. Lĩnh nghe tiếng ba cười. Trước tới giờ, Lĩnh chưa từng nghe ba cười vui đến vậy, kể cả lúc ba mừng nhất là lúc nghe những tin tốt đẹp về chuyện học hành của anh em Lĩnh. Lĩnh ngập ngừng đưa tay nhấn chuông. Nghe tiếng chân ba lịch bịch từ nhà chạy ra, Lĩnh thấy tim mình nhảy tưng bừng trong lồng ngực. "Cách!". Cánh cửa bật mở. Gương mặt của ba tự nhiên xịu xuống. Ba bối rối, ấp úng:
- Lĩnh Lĩnh
Những lúc Lĩnh có lỗi phải đứng trước mặt ba, cũng không lúng túng bằng ba lúc này.
- Vô nhà nghe con!
Ba kêu Lĩnh vô nhà mà nghe sao giống như nài nỉ, có khác gì lời một người dưới nói với người trên. Ba sợ Lĩnh giận ba. Nhưng Lĩnh thương ba lắm. Thương ba quá thành thử không giận ba nổi. Lĩnh bước vô trong thì thấy ngay một thằng bé kháu khỉnh, khệ nệ ôm chiếc xe đồ chơi. Nó cỡ bốn năm tuổi là cùng, nhỏ hơn thằng út Bờm nhiều, vậy mà Lĩnh vẫn thấy nó lớn, lớn quá Ba hốt hoảng quát toáng lên: "Cái thằng kia, đi ra sau nhà! Đứng xớ rớ tao đập chết!". Thằng nhỏ sợ mất vía chạy tuốt. Lĩnh biết nó bị rầy oan nhưng không bênh nó một lời, đứng im re. Miệng Lĩnh có bị dán chặt đâu mà không sao mở ra được. Những nếp nhăn trên gương mặt ba cùng xô lại, trễ xuống. Trông ba già đi nhiều quá. Biết nói gì với ba bây giờ? Chẳng lẽ lại kể chuyện thằng Bờm, con Hạnh nhớ ba? Không chừng ba sẽ buồn hơn vì cảm thấy mình có lỗi, chứ đâu vui được bao nhiêu. Thôi thì Lĩnh sẽ kể cho ba nghe về chuyện học hành của mình, chuyện bạn bè, kể ráo trọi những gì xảy ra ở lớp như đứa trẻ con. Một thằng con trai giả vờ vô tư ít bị nghi ngờ hơn một đứa con gái, bởi con trai luôn bị xem là vô tâm vô tính. Lúc trước, mỗi lần ba mẹ nói Lĩnh là "con nít", "còn nhỏ, biết gì.."; Lĩnh cãi liền. Bây giờ thì Lĩnh muốn ba nghĩ mình còn bé dại, còn chưa biết suy nghĩ nhiều, chưa biết buồn nhiều. Lĩnh muốn ba nhẹ lòng, thanh thản hơn. Tan vỡ, điều đó đâu có ai thích, khi không còn có thể níu kéo nữa. Những mảnh vụn từ cái ly pha lê vỡ, một có thể quẳng đi, hai có thể vất vả tinh chế lại. Chọn cách nào, đó mới là quan trọng. Ba ơi, đừng ! lỡ tay làm bể cái ly mình đang có nữa nha ba! Vật đã tinh chế lại, liệu có đẹp bằng cái ban đầu? Ba ráng vui vẻ mà sống cuộc sống của mình; vì con, ba đừng buồn, đừng day dứt nữa nghe ba!
11-11-2001
Lỗi lầm
Bữa cơm của hai mẹ con lúc nào cũng rộn rã tiếng cười. Nhưng hôm nay thì khác. Mãi cô Thoa mới có thể cất tiếng:
- Đức, quyển sách mở ra là do con vô tình, đúng không?
- Mẹ! Mẹ cứ làm theo nguyên tắc của mẹ, cứ hạ bậc hạnh kiểm, cứ đề nghị loại con ra khỏi đội tuyển học sinh giỏi của trường. Nhưng mẹ không có quyền hỏi con câu đó! Mẹ nghĩ con là một đứa gian dối sao?
Đức bỏ chén cơm, đứng dậy. Cô Thoa gọi giật:
- Đức!
Nó đứng lại.
- Mẹ xin lỗi con.
Không đáp lại lấy một lời, nó đi thẳng. Đức ngã vật người xuống giường, uể oải nhắm mắt lại. Những hình ảnh ban chiều lướt qua trong đầu Đức. Nguyên vô tình đẩy vào cặp nó, quyển sách mở toang ló ra khỏi hộc bàn trước sự ngỡ ngàng của tất cả. Mẹ sững sờ:
- Đức con
- Con không có Mẹ, con không làm chuyện đó!
Đức nhớ rất rõ mình đã nói như thế. Và nhớ cả cái cách mẹ thông báo với lớp hình phạt dành cho nó. Lạnh lùng! Quá mức lạnh lùng!
- Thưa cô, em không quay cóp.
- Vậy thì tại sao quyển sách của em lại mở ra và đặt trong hộc bàn, đúng ngay bài cô cho?
- Thưa cô Mẹ, con không làm!
- Em đã có lỗi mà lại còn không biết nhận lỗi!
Đức lặng người. Sao mẹ có thể đối xử với nó như thế được. Nguyên bênh nó. Mẹ hỏi:
- Em lấy gì chứng minh cho bạn?
Nguyên không trả lời được và đành đứng như trời trồng cạnh Đức.
Tại sao mọi chuyện lại xảy ra như vậy? Mình đã cất sách vào cặp rồi mà. Nếu có quên thì chỉ là quên không đóng cặp lại. Tức quá, tại sao quyển sách lại ở bên ngoài? Tại sao? Hay là mình quên thật? Thôi đúng rồi. Đúng là mình lơ đễnh rồi. Đáng đời cái tật hay quên của mình. Nhưng còn mẹ Giọng nói của mẹ thì cứng cỏi nhưng cử chỉ thật sự lúng túng. Mẹ là giáo viên nổi tiếng nghiêm khắc nhất trường. Thế mà mình, thằng con trai của mẹ, lại vi phạm nguyên tắc do chính mẹ đặt ra, nguyên tắc mà mẹ đã căn dặn cả lớp rằng sẽ không tha thứ cho bất cứ một trường hợp nào, dù là vô tình đi chăng nữa. Những suy nghĩ vây lấy Đức làm nó mệt mỏi và ngủ thiếp đi lúc nào không biết.
Cô Thoa khe khẽ đẩy cửa bước vào và ngồi bên cạnh con, rất sẽ sàng. Bao năm qua, Đức luôn là niềm kiêu hãnh thầm kín trong cô, một niềm kiêu hãnh mà cô đã cố dồn nén xuống tận sâu thẳm lòng mình. Cho dù hôm nay Đức phải nhận hình phạt rất nặng, cô vẫn tự hào về nó, tự hào về câu nói: "Mẹ cứ làm theo nguyên tắc của mẹ, con chấp nhận, chấp nhận hết. Nhưng mẹ không có quyền được nghi ngờ lòng trung thực của con" cho dù đấy có thể là một câu nói hỗn. Phải, không ai có quyền nghi ngờ lòng trung thực của con, kể cả mẹ, mẹ cũng không có quyền. Đức ơi, thầy cô tin con, bạn bè tin con, lẽ dĩ nhiên là mẹ cũng tin con. Nhưng mẹ không thể ôm lấy con mà nói thật lòng mình rằng mẹ thương con, rằng mẹ biết con oan ức. Bởi vì đối với con, mẹ không chỉ là một người mẹ mà còn phải đóng vai trò một người cha. Hơn nữa, là một giáo viên, mẹ không thể nói hai lời. Con trai! Mọi chuyện rồi sẽ qua. Những được mất trong cuộc đời này thật ra không quan trọng, điều cốt yếu là phải sống làm sao để không hổ thẹn với chính mình.
Thầy Minh ngồi thừ người bên trang giáo án. Tiếc cho một học sinh xuất sắc thì nhiều mà thương cho một đứa học trò ngoan lại càng nhiều hơn. Thiệt là tình ngay lý gian! Cùng là giáo viên, thầy thấu hiểu nỗi khổ của cô Thoa. Nếu biết trước thế này, thầy đã không thuyết phục cô Thoa làm chủ nhiệm. Việc Đức bị loại khỏi đội tuyển học sinh giỏi cũng đồng nghĩa với việc Nguyên có cơ hội đại diện trường đi thi. Vậy mà thầy vẫn không vui được. Điều lạ là không hiểu sao Nguyên lại tỏ ra hết lòng vì Đức. Mọi người không lạ vì nghĩ hai đứa là bạn thân. Nhưng thầy, một người cha, hơn ai hết thầy hiểu con mình. Nguyên đã ngấm ngầm ghen ghét kể từ khi nó không đậu vào đội tuyển học sinh giỏi còn Đức lại là niềm hy vọng số một của trường. Khoan đã! Có một điều gì đó Thử nhớ lại xem Nguyên đẩy vào cặp Đức. Đức phủ nhận rằng mình quên cất sách. Hai đứa ngồi cạnh nhau, cái hộc bàn không có vách ngăn đôi Lẽ nào thằng Nguyên Lòng thầy cộm lên một nỗi đau tưởng như có thể cầm nắm sờ mó được.
Người thầy giáo già lập cập bước tới, lay vai con:
- Dậy, Nguyên!
- Gì vậy ba?
Nguyên dụi dụi mắt nhưng thầy cảm thấy hình như con mình không trải qua một giấc ngủ.
- Tại sao quyển sách của Đức lại mở ra đúng ngay bài kiểm tra?
- Sao ba lại hỏi con?
- Bởi vì con biết rõ điều đó!
- Ba nói gì kỳ vậy?
- Ba cũng mong là ba nói sai. Nguyên, con có làm điều gì có lỗi với Đức không?
- Ba nghĩ con hại Đức?
Thầy Minh mở to đôi mắt nhìn con, cái đôi mắt hoặc sẽ lấp lánh vui mừng hoặc sẽ tối sầm đau đớn.
- Con ganh với Đức nhưng con không tồi tệ đến nỗi hại bạn. Ba tin con không?
Thầy Minh rũ người ra sau khi đã căng thẳng quá mức. Đôi mắt của người thầy giáo già nheo nheo như cố ngăn những giọt nước mắt.
- Con là con của ba, làm sao ba không tin con cho được. Nguyên ơi, nếu như con thật sự làm điều đó thì ba sẽ không thể chịu nổi. Có biết không Nguyên?
- Thôi, khuya rồi. Ba ngủ đi.
Thầy Minh vỗ vai Nguyên rồi bước ra khỏi phòng. Có cái gì đó vẫn vít trĩu lòng thầy. Nguyên úp mặt vào gối. Rồi, vậy đó! Vậy là mình đã lừa cả ba! Mình đã lừa tất cả các bạn, cả Đức, cả cô Thoa và bây giờ là ba. Tồi tệ! Tồi tệ hết chỗ nói! Trong khi Đức đi phát đề cho các bạn, chính Nguyên đã rút quyển sách trong cặp mà Đức quên chưa đóng. Nó liếc nhanh thấy cô Thoa không chú ý về phía mình, các bạn thì lo đọc đề. Nó bắt đầu lật sách, đút nhanh vào hộc bàn. Để rồi sau đó là một cú đẩy Vậy mà cô Thoa đã nói gì với mình? "Cô cám ơn con!". Cám ơn? Cám ơn cái thằng đã hại con cô ra nông nỗi này? Đức ơi, tao đã vận động cả lớp gởi đơn xin cho mày nhưng thật sự thì tao không dám nói. Tao sợ cho ba và sợ cho cả mình. Chắc chắn ba tao không thể chịu nổi cú sốc này. Sự ghen tị làm tao mờ mắt rồi, tao không lường trước được hậu quả. Và cũng không ngờ cô Thoa lại nghiêm khắc và nguyên tắc đến vậy. Đức ơi, tao ganh với mày. Mày được tất cả còn tao thì không. Tao muốn hạ danh dự của mày. Và chỉ có vậy thôi. Tao không muốn mày phải nhận hình phạt của cô Thoa, không muốn mày phải rời đội tuyển học sinh giỏi của trường. Đối với ba, tao là niềm tin. Nhưng thật ra, tao chỉ là một thằng đốn mạt!
- Đức!
- Ủa Nguyên! Nè, đem mấy quyển sách của tao về mà học, sắp thi rồi!
- Mày đi thi chứ không phải tao!
- Dẹp mày đi!
- Đức!!!
- ?
- Tao chính là đứa đã mở sách mày ra.
- Mày mượn coi, quên không cất vào giùm tao sao không nói sớm? Đồ hèn! Sao mày lại im lặng suốt từ đó đến nay? Sao
- Tao không quên. Mà tao cố ý. Quyển sách mở ra và cả cú đẩy tay. Tao cố ý hại mày.
- !
- Mày yên tâm. Tao sẽ đi gặp cô Thoa, gặp ba tao.
- Không đi gặp ai hết! Mình phải tiếp tục im lặng.
- Mày điên hả Đức?
- Tao nói nghiêm chỉnh.
- Thôi cái giọng quân tử của mày đi! Mày có biết cao thượng với tao cũng chính là xúc phạm tao không? Tao có lỗi, tao chấp nhận hậu quả từ việc làm của mình. Tha thứ cho tao là coi thường tao!
- Tao không quân tử, không cao thượng gì hết. Có thể có người tha thứ cho kẻ đã hại mình, nhưng người đó không phải là tao. Tao còn lòng tự trọng, tao rất muốn khẳng định với mọi người là tao không gian dối. Nhưng còn thầy Minh? Thầy rất tốt với tao. Mày nghĩ lại đi, thầy có chịu nổi chuyện này không? Mày thừa biết sức khỏe của thầy mà!
- Nhưng làm sao tao có thể yên lòng khi mày
- Nguyên, mày phải cố mà chịu đựng cảm giác bị coi thường, cố mà chịu đựng cảm giác bị day dứt. Tao làm như vậy không phải vì mày, mà là vì thầy. Nguyên nghe tao, thầy hoàn toàn không có lỗi, nhưng thầy sẽ là người đau khổ nhất trong chuyện này
Đức còn nói nhiều nữa nhưng Nguyên chẳng nghe thấy gì. Đầu óc nó váng vất như người quá chén. Cứ theo lời Đức thì hoàn toàn có thể che giấu tội lỗi của mình một cách hết sức chính đáng, thậm chí đó còn là một sự hy sinh! Trước mắt Nguyên, gương mặt cô Thoa hiện lên với vẻ xót xa, gương mặt ba đậm nét ưu tư và khắc khổ, gương mặt thằng bạn thân mang đầy sự chịu đựng và chút ít khinh khi trong đuôi mắt. Chao ôi! Những gương mặt thân yêu ấy, nếu tiếp tục im lặng, nó sẽ chẳng bao giờ còn dám nhìn thẳng nữa!
Rồi bất chợt Nguyên tự hỏi, khi ấy, gương mặt mình sẽ ra sao?
21-1-2002
Tất cả cửa sổ đều mở
Nhỏ tóc dài mở tung cửa sổ đến nỗi hai cánh va "rầm" vào vách, rồi chồm ra ngắm nghía các bệ trống đầy hoa. Gió thổi hắt qua không mát mà còn làm rát cả da. Trời nóng khủng khiếp. Cứ như bên dưới mặt đất có một lò lửa mà ai đó đã chất củi quá tay. "Hú… u ". "Cửa sổ đầy hoa" hướng về phía có tiếng động kỳ lạ. Thằng nhỏ đang vắt vẻo trên thành cửa sổ một cánh vừa "hú" vừa vẫy tay với nó. "Cửa sổ đầy hoa" thích thú, rối rít vẫy tay lại.
Hôm đó, nó nhẩm tính chỉ có cửa kính nhiều khe và cửa sổ màu vàng nhũ là không mở.
Bên thành khung cửa sổ đầy hoa, nhỏ tóc dài và thằng nhóc đứng cạnh nhau. "Cửa sổ một cánh" nảy ra ý định gọi "cửa sổ nhiều khe" và nó khẳng định: "Em biết anh đó!". “Cửa sổ đầy hoa” nhắc rằng cửa kính đóng rồi thì chắc người bên trong chẳng nghe gì. Vậy mà “cửa sổ một cánh” vẫn nằng nặc rủ nó cùng hú. Chiều lòng thằng nhóc, nó làm theo. Thế là "hú u ", "hú u " một hồi, chợt “cửa sổ đầy hoa” im bặt vì phát hiện ra có tiếng hú lạ hoắc xen vào. À, những khe cửa kính đã bật lên. Một thằng con trai đang hú đáp lời. “Cửa sổ đầy hoa” lẩm nhẩm: "Chỉ còn cửa sổ vàng nhũ, cửa sổ đối diện là không mở!"
Bên thành cửa sổ đầy hoa, nhỏ tóc dài, thằng nhóc và tên con trai đứng cạnh nhau. Đã hơn một tuần kể từ ngày “cửa sổ đầy hoa” chân ướt chân ráo đến đây, nó chỉ thấy mỗi một người đàn ông với mái tóc hai màu vào ra căn nhà đối diện, một căn nhà rộng lớn. Nó được biết ông là một nhà khoa học nổi tiếng. Nhưng chẳng hiểu vì sao cửa sổ vàng nhũ vẫn không mở. Nghe “cửa sổ đầy hoa” hỏi, “cửa sổ nhiều khe” ngạc nhiên: "Bộ thiệt vậy hả?". “Cửa sổ một cánh” ngẩn người một hồi rồi reo lên: "Đúng rồi! Cửa sổ đó không bao giờ mở". "Sao vậy?". Thằng nhỏ đáp một cách đầy tự tin như nó đã từng sống trong nhà ấy vậy:
- Tại vì đó là phòng của con ma À không, chị… ma.
- Ma!?
“Cửa sổ đầy hoa” liếc sang “cửa sổ nhiều khe” như chờ một lời phủ định, nhưng tên con trai chỉ khẽ nhún vai tỏ vẻ chẳng quan tâm đến điều đó. Trong khi ấy, “cửa sổ một cánh” càng ra sức thuyết phục:
- Em có nói xạo đâu! Chị không tin, chiều nay ra bờ sông với em, em cho chị gặp ma!
- Ma ở bờ sông hả?
- Không phải, ma ở cái phòng có cửa sổ màu vàng như đất ướt kìa! Ma đi ra bờ sông để gặp ma bờ sông. Mà cũng có khi hai con ma là một nữa không chừng.
“Cửa sổ một cánh” giải thích thêm là khoảng mười ngày, "chị ma" lại ra bờ sông một lần. Sợ “cửa sổ đầy hoa” không tin, nó hỏi “cửa sổ nhiều khe”: "Đúng không anh?", nhưng nó chỉ nhận được câu trả lời: "Có ở không đâu mà để ý?". Nghe thằng nhỏ nói lung tung quá, “cửa sổ đầy hoa” hổng hiểu gì hết trọi. Nhưng lời rủ rê: "Chiều nay ra bờ sông với em, em cho chị gặp ma" thì hấp dẫn vô cùng.
Khúc sông vắng vẻ nằm bơ vơ giữa xóm nhỏ đìu hiu. Gió thổi từ mặt nước lên mát rượi. Đang khoan khoái, “cửa sổ đầy hoa” chợt rùng mình vì cái lạnh buôn buốt bất ngờ len đến. “Cửa sổ một cánh” giật giật tay nó: "Chị ma đến đó!". Nó nhìn theo hướng thằng nhỏ chỉ. Một cô gái với nước da xanh trong xanh bóng như màu đá cẩm thạch. Đôi mắt hệt hai mảnh kính mỏng được lắp vào hai khe hở. Có cảm giác cả hốc mắt và tròng mắt cùng nằm trên một mặt phẳng. Cô gái ngồi trên chiếc xe lăn, phủ trùm lên đôi chân là một tấm vải dày và rũ xuống đất. “Cửa sổ đầy hoa” nghiêm mặt nhìn “cửa sổ một cánh” như muốn bảo rằng thằng nhỏ không được trêu chọc, không được gọi cô ấy là ma. “Cửa sổ không mở” đẩy những vòng xe đi ngang chỗ ba đứa đứng. “Cửa sổ đầy hoa” thấy như máu trong người đang đông lại, cái lạnh làm tê cứng những đầu ngón tay, đóng băng môi ý nghĩ, đầu óc dại đi. Phải đến khi “cửa sổ không mở” khuất thật xa, cả ba mới hoàn hồn. Ánh mắt “cửa sổ một cánh” ngụ ý phân trần: " Chính vì vậy mà em mới ". “Cửa sổ đầy hoa” run rẩy nhìn “cửa sổ nhiều khe”. Trong trường hợp này, cái nhìn ấy tương ứng với một câu hỏi. “Cửa sổ nhiều khe” hỏi ngược lại một câu chẳng ăn nhập gì.
- Hẻm mình hẹp không?
- Hẹp! – “Cửa sổ đầy hoa” ngơ ngác trả lời.
Khoảng cách giữa hai dãy nhà đối diện cũng hẹp như khoảng cách giữa hai con mắt trên gương mặt một người đang nhăn mày nhíu trán
Tạm quên thắc mắc của mình, “cửa sổ đầy hoa” buột miệng:
- So sánh ngộ quá!
Và mắt trái dù muốn cũng không thể hiểu hết mắt phải! – “Cửa sổ nhiều khe” kết thúc câu nói của mình bằng một nụ cười nửa miệng.
Té ra nãy giờ “cửa sổ nhiều khe” biểu mình đừng "nhiều chuyện" nữa. Vậy mà mình còn ngây thơ khen hắn. "Xỏ" ngọt thiệt! Con trai gì mà miệng lưỡi gớm! Thấy tình hình căng thẳng quá, “cửa sổ nhiều khe” chuyển hướng, định chọc ghẹo cho vui:
- Cái mặt lớn vậy mà còn sợ ma!
Phần vì cơn giận chưa nguôi, phần vì “cửa sổ nhiều khe” không có năng khiếu làm người ta "hạ nhiệt", vì thế mà:
- Tui mà sợ ma hả? Tối nay dám ra bờ sông kiếm ma với tui không?
*
Bóng tối đậm đặc luôn làm người ta rờn rợn. Ánh trăng len lén hắt chút ánh sáng nhờn nhợn trên những bụi cây.
- Có sợ không? Sợ thì về đi, ở đây một hồi hổng xỉu vì hoảng cũng xỉu vì trúng gió à!
- Kệ tui. Ở đây một mình tui còn thích hơn! – “Cửa sổ đầy hoa” đáp cứng.
Nó khoái chí nghĩ rằng đôi tay đang đút vào túi quần của “cửa sổ nhiều khe” đang run lên đến tận đốt xương trong cùng. Khi hai đứa đi sát mé sông, “cửa sổ đầy hoa” nảy ra ý định rất ác là nhát ma anh chàng đạo mạo đi bên cạnh. Nó giảm nhịp bước và để mình tụt lại phía sau. Rồi, thời cơ thuận lợi đã đến. Nó vụt thét to lên bằng giọng kinh hoàng, chạy ào đến, va vào người “cửa sổ nhiều khe”. Anh chàng giật nảy mình, chới với "Tõm!". “Cửa sổ đầy hoa” ôm bụng cười sặc sụa khi nhìn “cửa sổ nhiều khe” sợ đến nỗi té xuống sông. Cười một hồi mà không thấy “cửa sổ nhiều khe” ngoi lên bờ, “cửa sổ đầy hoa” xanh mặt. Nỗi lo lắng đến trước cả sự ân hận, nó nhảy xuống dòng nước đen ngòm mà không kịp nhớ rằng mình chả hề biết bơi. Nước ngập ngụa khắp mặt làm “cửa sổ đầy hoa” không thể nào thở được. Cảm giác ấy tương tự khi ngồi băng cuối trên chuyến xe buýt băng qua con đường dài ngoằng, lồi lõm: choáng váng và ngầy ngật. Một vật thể băng giá, nhơn nhớt chạm vào người nó. Nếu có hai nỗi kinh hoàng cùng xảy đến, nỗi kinh hoàng nào dữ dội hơn sẽ làm người ta quên đi cái còn lại. “Cửa sổ đầy hoa” không nhớ rằng mình đang chìm dần xuống đáy sông. Nó cố vùng vẫy để thoát khỏi sự siết chặt của vật thể lạnh tanh, quái dị đó; không để ý rằng mình đang được nâng khỏi mặt nước. Hình như có một bàn tay đặt nó lên bờ. Như vậy có nghĩa là nó đã thoát hiểm. Còn “cửa sổ nhiều khe” thì sao? Nó vùng d�! ��y. Đây rồi! “Cửa sổ nhiều khe” đang nằm cạnh nó, mặt tái nhợt đi. Ai đã cứu cả hai thế này? Nó nhìn quanh và không dám tin vào mắt mình. Rõ ràng là gương mặt của “cửa sổ không mở” nhưng còn "đôi chân". "Đôi chân" được giấu sau tấm choàng lúc chiều, đó chỉ là một khối xanh đen bóng lưỡng, lầy nhầy, dài từ thắt lưng trở xuống, túm lại ở phía cuối như vương miện cài ngược. Đó là một chiếc đuôi cá! “Cửa sổ không mở” cất tiếng:
- Không phải dị tật bẩm sinh đâu. Tôi không phải là người như bạn! Đưa bạn của bạn về đi và hãy trở lại đây với tôi, tôi cần bạn lúc này.
“Cửa sổ đầy hoa” cúi xuống xốc “cửa sổ nhiều khe” dậy, lảo đảo đi như trong cơn mê. “Cửa sổ nhiều khe” tỉnh lại khi gần về đến nhà nhưng ngay cả nỗi vui mừng mà “cửa sổ đầy hoa” cũng không hề cảm thấy. Nó băn khoăn tự hỏi mãi mình một câu: "Có nên trở lại bờ sông để gặp “cửa sổ không mở” không?". Nếu không chắc chắn “cửa sổ không mở” sẽ chờ nó và sẽ thất vọng, sẽ giận nó lắm dù nó chẳng hứa. "Hãy trở lại đây với tôi, tôi cần bạn lúc này". Và nó bước đi. Không rõ cái gì thúc giục nó, chỉ biết rằng sự tò mò chỉ là nguyên nhân thứ yếu.
- Bạn cần gì ở tôi?
- Tôi muốn trò chuyện và cám ơn bạn.
- Cám ơn?
- Có phải bạn là người luôn hướng về phía phòng tôi?
- Xin lỗi Cửa sổ phòng ấy không bao giờ mở
- Tôi thèm được mở cánh cửa ấy nhưng không thể. Đó là căn phòng không bình thường Nhưng rồi nó sẽ bình thường trở lại, ngay sau khi tôi ra đi.
- Bạn đi đâu?
- Về nơi mà lẽ ra tôi đang sống. Một nơi không hề biết nghi ngờ, ghen ghét và đối phó lẫn nhau. Cũng không biết tin tưởng, yêu thương và hy sinh cho nhau; không có một cánh cửa nào để mở, để ao ước được mở. Đó là một thế giới khác hẳn cuộc đời này, một thế giới vô vị, không hạnh phúc. Làm gì có hạnh phúc nếu chưa từng biết đến khổ đau?
“Cửa sổ không mở” cám ơn “cửa sổ đầy hoa” đã quan tâm đến mình rồi lao xuống dòng sông. Cho đến bây giờ, “cửa sổ đầy hoa” vẫn thầm cảm tạ ánh trăng đã giúp nó thấy cái quẫy đuôi tạm biệt của "nàng tiên cá". Nếu tất cả con sông đều ra biển, thì sau khi ra biển, "nàng tiên cá" sẽ về đâu?
“Cửa sổ đầy hoa” đâm ra giận nhà khoa học. Nó linh cảm nhà khoa học là người có lỗi trong nỗi buồn của "nàng tiên cá". Nhưng rồi cảm giác ấy không còn khi nó nhìn thấy nhà khoa học đứng bên khung cửa sổ mở toang, đôi mắt già nua như tối sẫm lại. Sẽ chẳng có gì để nói khi tất cả cửa sổ đều đã mở
Bên thành “cửa sổ đầy hoa”, nhỏ tóc dài, thằng nhóc và tên con trai đứng cạnh nhau. Cả “cửa sổ nhiều khe” và “Cửa sổ một cánh” đều tranh nhau hỏi:
- “Cửa sổ không mở” đâu rồi?
“Cửa sổ đầy hoa” tư lự trả lời:
- Mắt trái dẫu không muốn cũng không hiểu hết mắt phải.
“Cửa sổ một cánh” đoán:
- Chắc chị ma đi đầu thai rồi. Mai mốt chị ma thế nào cũng trở về đây.
- Không phải! “cửa sổ không mở” đi chữa đôi chân và sẽ đàng hoàng quay lại, không phải trên xe lăn, không phải che đậy đôi chân của mình bằng một tấm vải dày. Ngày ấy chắc không xa lắm đâu! – “Cửa sổ nhiều khe” ra vẻ hiểu biết.
“Cửa sổ đầy hoa” không tham gia vào câu chuyện của hai “cửa sổ" còn lại. Nó tự hỏi: ở phương trời xa xôi nào đó, nàng tiên cá có biết rằng khung cửa sổ của mình đã không còn khép nữa?
14-3-2002
Ti vi nhiều kênh
Nhà Vũ có sáu thành viên: ba, mẹ, chị Vân, Vũ, nhóc Vy và cái ti vi. Mấy hôm sau bữa đem ti vi về, ba rinh thêm cái ăng ten để "bắt nhiều đài coi cho đã!". Mẹ lo lắng: "Rồi tụi nó lo coi không, hổng lo học thì sao?" Ba cười hề hề: "Kệ, giải trí lành mạnh mà bà!". Từ ngày có ti vi, không khí trong nhà nhiều khi căng thẳng như đang xảy ra chiến sự.
Ví dụ một:
Trong khi chị Vân ngồi rơm rớm nước mắt trước những mối tình Hàn Quốc trắc trở, thì Vũ:
- Coi ba cái phim này nhảm nhí! Bật qua phim Việt
- Mày ngon quá ha! Bây lớn mà dám chê nhảm nhí! Nhảm nhí mà đài truyền hình dám phát? Tình yêu trong sáng cảm động vậy hổng coi! Chiến tranh qua lâu rồi, cứ coi phim chiến tranh hoài, máu me không! Bây giờ là thời buổi gì rồi?
- Ờ, thì chiến tranh qua lâu rồi. Nhưng không có quá khứ thì đâu có hiện tại, đâu có yên bình cho chị ngồi đây sướt mướt chuyện người dưng!
- Ê, mỗi người một sở thích hổng được xúc phạm tao nghe mậy! Mà tao hỏi mày vậy chứ trời sinh ra mặt người là hướng về phía trước hay ngoái lại đằng sau?
Vũ không trả lời trả vốn gì hết, tự nhiên thấy giận run người…
Ví dụ hai:
- Ba cho con coi hoạt hình đi!
- Hết chương trình thời sự, ba cho con coi liền!
- Hổng được, lúc đó hoạt hình cũng hết luôn rồi!
- Lộn xộn quá! Đi chỗ khác chơi, để ba coi. Tao nói mà dám cãi hả?
Mẹ chặc lưỡi:
- Vậy mà ông nói mua ti vi để con giải trí lành mạnh!
Cho đến một hôm.
- Anh Vũ, chỗ gởi thư ở đâu vậy?
- Vy gởi thư cho ai?
- Bí mật!
- Bí mật thì hổng nói chỗ gởi thư.
- Anh không nói là Vy khóc đó!
Vũ hốt hoảng dỗ dành:
- Ê đừng khóc, đừng khóc! Nhưng mà chỗ gởi thư xa lắm, Vy không đi được đâu. Anh gởi giùm cho, đưa đây!
- Anh không được coi thư của Vy! Anh hứa đi!
Sau khi nghe Vũ thề thốt, Vy mới chịu đưa thư cho anh. Vũ cầm thư, chạy biến ra sau nhà. Con nhóc này, tí xíu mà bày đặt viết thư! Để coi, nó viết thư cho ai "Kính gởi Đài truyền hình…". Trời đất! Ngon quá ta! Dám gởi đài truyền hình nữa ta! Mà đài truyền hình nào? Không biết nó viết gì trong đó.
"… Các cô chú đài truyền hình ơi, nhà con lúc này cứ cãi nhau về cái ti vi hoài. Chị con khóc, con cũng khóc nữa. Nhà bạn con cũng vậy. Hay là các cô chú tắt bớt kênh đi, mỗi ngày mở một kênh thôi. Bữa nay kênh của ba, ngày mai kênh của mẹ, rồi của anh con, của chị con, kênh của con nữa. Chứ một ngày nhiều kênh quá, nhà con lại giận nhau. Khi nào tắt kênh xong mấy cô chú báo cho con biết với. Con cám ơn nhiều!"
- Vũ! Đọc cái gì vậy?
- Thư của bạn gái mày hả? Tao đi méc
- Làm gì có!
- Hổng tin. Đưa đây đọc mới tin.
- Tò mò! Nè, đọc đi!
Chị Vân chụp lấy lá thư cứ như sợ Vũ sẽ đổi ý. Ủa, mà thư của nhóc Vy viết có mấy dòng mà sao chị đọc lâu thiệt là lâu?
Vậy là bé Vy được coi chương trình thiếu nhi. Lá thư Vy viết được chuyển lại thành lời với ba mẹ một cách bí mật và qua giọng nói rất ư là tha thiết của chị Vân. Trong khi bé Vy dán mắt vào những hình ảnh sinh động trên màn hình thì ba dỏng tai nghe ti vi hàng xóm. Chương trình thiếu nhi vừa hết, mẹ lật đật chuyển sang kênh thời sự. Dù ba chẳng coi được bao nhiêu nhưng ba mẹ nhìn nhau cười. Hòa thuận hết biết! Chị Vân với Vũ thì phải oản tù xì với nhau để chọn kênh. Ai thua thì đành phải đợi lần sau. Tất cả vì đứa em thân yêu! Vậy là không còn cãi nhau. Chưa có gia đình nào êm ấm như gia đình Vũ lúc này! Nhưng chưa được một tuần thì:
- Chị ăn gian!
- Xui thì chịu đi, cứ đổ thừa.
- Gì mà bốn ngày liên tiếp toàn là chị được coi.
- Tại chị hên!
- Thôi dẹp! Bữa nay không oản tù xì nữa. Tới phiên em coi!
- Vậy sao được
Sự "chịu đựng hy sinh" của ba cũng chỉ khá hơn Vũ được một, hai ngày.
- Bé Vy, bữa nay cho ba coi nha con!
- Dạ! Hết hoạt hình con cho ba coi liền!
- Hết hoạt hình thì tin tức còn có bao nhiêu đâu. Mấy bữa nay con coi hoài, giờ đến lượt ba!
- Hu hu mẹ ơi!
Đến khổ với cái ti vi nhiều kênh! Nhiều lần mẹ bàn: "Dẹp cái ăng ten cho rồi!". Nhưng chỉ còn bốn đài, vẫn vậy. Hết nhường nhịn, rồi lại cãi nhau, rồi lại nhường nhịn, cứ thế Bé Vy lớn dần nên không còn lá thư nào gởi đài truyền hình nữa.
Chị Vân đi lấy chồng.
Nhà chỉ còn năm thành viên (tính luôn cái ti vi). Hôm nọ, Vũ bật lên, ngay lúc chiếu phim Hàn Quốc. Ba, mẹ, bé Vy tụ lại, nhìn chăm chăm lên màn hình. Vũ cũng vậy. Cả nhà coi cho đến hết phim. Không hiểu sao, phim người ta diễn hài mà mẹ lại len lén chùi nước mắt. Ba nằm gác tay lên trán:
- Không biết chừng nào con Vân nó mới về.
Bữa đó, Vy phải nhắc ba giờ coi thời sự, mà nhắc đến mấy lần ba mới nghe.
Chị Vân về thăm nhà. Mẹ cứ chạy tới chạy lui lấy hết cái này đến cái kia cho chị ăn, thiếu điều muốn dọn hết bếp. Ba lại ngồi im nhìn con gái rượu, cười hề hề sau mỗi câu chuyện chị kể. Bé Vy mon men lại gần:
- Có ai giành ti vi với chị không?
Chị Vân cứ ngó quanh hỏi: "Vũ đâu?". Nhưng mà Vũ ra sau nhà ngồi một mình. Vũ cũng muốn hỏi chị là tại sao lúc này chị ốm hơn dạo trước nhưng ngại miệng quá!
- Vũ! Sáng giờ mới thấy mặt!
- Chị Vân! Có coi không? Kênh bảy đang chiếu phim Hàn Quốc hay lắm!
- Hồi đó, chị với Vũ toàn giành ti vi. Bây giờ chị muốn giành ti vi với mấy đứa cũng không được. Chị nhớ nhà quá!
Chị Vân quay mặt đi, con mắt đỏ đỏ. Cuộc sống gia đình chị ra sao, có hạnh phúc không mà sao mắt chị đỏ? Ti vi có nhiều kênh, đời người cũng lúc vầy, lúc khác. Tình cảm cũng vậy, cũng "kênh" này "kênh" nọ, phải không chị? Vũ không biết làm sao đành phải an ủi chị một câu:
- Thôi, chuyện qua rồi, nhắc chi? Mà chị thấy ông trời sinh ra mặt con người là hướng về phía trước hay ngoái lại đằng sau?
8-2-2002
Nến cháy
- Trước đây anh Mỹ có làm gì khác không?
- Kỹ sư!
- Anh Mỹ học đến… lớp mấy?
- Lớp… chín! Sao Thùy cười? Tui nói thiệt chứ bộ! Thùy cầm ký đường này về đi. Khỏi trả tiền.
- Vậy sao được!
- Thùy chê tui không có tiền hả?
- Dạ không phải
- Không thì cầm về đi.
- Sao anh tốt với Thùy vậy?
- Tại từ hồi chuyển về đây, Thùy kêu tui bằng "anh". Tụi nó toàn kêu tui là "khùng", là "xăng pha nhớt", pha pha pha cái đầu tụi nó á! Thôi trưa rồi, cho Thùy về đi học đó! Mai ghé nữa nha!
*
"Reng ". Tiếng chuông vang lên giục chân Thùy chạy ra sân. Vừa mở cửa, Thùy đã reo lên:
- Ủa, anh Mỹ! Vô nhà đi anh!
- Thôi, má Thùy không thích tui Anh ngừng lại một chút, ho sặc sụa rồi mới tiếp Chậc, lâu quá không gặp Thùy Cho tui nói chuyện chút thôi! Sao Thùy biết tui bị đuổi học từ hồi lớp bốn mà không chửi tui xạo?
- Tại hồi đó anh Mỹ còn ham chơi, còn không muốn học. Hồi nhỏ, nhiều người như vậy lắm. Hay bây giờ anh Mỹ đi học bổ túc đi!
- Người ta cho tui học không? – Mỹ lại húng hắng ho.
- Cho chứ sao không! À, anh Mỹ đợi chút.
Thùy biến vào trong nhà và chạy vụt trở ra với một món quà. Thùy cắm xuống đất một ngọn nến nhỏ. Hai đứa cùng chụm tay chắn gió, che chở cho ánh sáng nhỏ nhoi giữa con hẻm tối. Một quầng vàng ánh ánh hiện ra như một bông hoa lửa.
Anh Mỹ không có ngày sinh nhật. Thùy lấy đại bữa nay làm sinh nhật cho anh.
- Anh có còn nhớ đã từng nói với Thùy điều ước của mình không?
- Nhớ chứ! Tui ước có một cái áo trắng thiệt trắng, sang thiệt sang, hổng có vàng khè như mấy cái áo dì ba cho tui đâu. Tui bận nó vô, tui đi làm kỹ sư. Lúc đó chắc má Thùy sẽ không còn nói tui là thằng bụi đời trôi sông lạc chợ nữa
- Quà của anh nè! Mở ra đi!
Đôi mắt Mỹ rực lên, có lẽ vì ánh sáng của ngọn nến hắt vào, tay anh luống cuống mở lớp giấy hoa một cách vụng về:
- Trời ơi, cái áo! Cái áo mới tinh trắng bóc luôn nè! Vải mát lạnh à! Bộ của tui thiệt hả?
Mỹ cầm chiếc áo trên tay, như cầm mơ ước của mình trên tay, như đang nâng niu tấm lòng của người bạn gái.
- Thùy tặng anh đó! Mà anh Mỹ nè, sao anh ho hoài mà không chịu đi khám bệnh?
Nỗi xúc động làm Mỹ chẳng nghe được câu hỏi của Thùy. Anh mỉm cười ngượng nghịu:
- Sao Thùy tốt với tui quá vậy? Tui cứ tưởng Thùy không thích tui
Có tiếng mẹ Thùy gọi. Thùy quay đi vội vã:
- Thôi anh Mỹ về đi, Thùy vô nhà nha!
Cô vội vã đến nỗi không kịp nghe câu nói cuối cùng của Mỹ:
- Thùy ơi, còn cây đèn cầy này, Thùy cho tui luôn nghe!
Nghe tiếng ho của Mỹ từ xa, dì Ba ra mở cửa:
- Tổ cha cái thằng trời đánh thánh vật, bệnh hoạn không lo, đi đâu ban hôm ban khuya?
- Đi đâu thây kệ tui!
- Mai đi khám đi! Mày khám, tao cho tiền, còn phải năn nỉ nữa hả? Mệt quá! Biết vậy hồi đó tao bỏ luôn ở "kinh tế mới" cho rữa xác ra!
*
Mây đen của đêm tối dâng tràn khắp không gian. Mưa đổ rào rào trên mái nhà. Những giọt nước bé xíu làm cái lạnh ban đêm thêm cóng buốt. Sấm chớp vạch trên bầu trời những vết rạn sáng lóe. Mỹ giật mình thức giấc. Lạnh quá, anh định thu người lại trong tấm mền. Nhưng rồi như nhớ ra điều gì đó, anh đem chiếc mền của mình ra đắp thêm cho dì Ba, miệng lẩm bẩm: "Tội nghiệp". Không biết trong đầu anh đang nghĩ gì. Chớp lại lóe sáng và sấm rền vang, làm hiện rõ dáng nằm co ro của anh và che lấp cả tiếng ho.
Cái nắng ban trưa làm mồ hôi chảy nhẫy nhượi trên gương mặt dì Ba:
- Mỹ, sao khám về nằm ườn đây? Để tao bán một mình từ sáng đến giờ. Mày sao vậy? Sao mặt xanh lè vậy?
- Bác sĩ nói tui sắp chết rồi! Tui bị cái cục bướu gì đó, nằm ngay cổ, mà di căn xuống gan. Ổng nói hết chữa rồi.
- Sao hổng chữa được? Bệnh gì mà chữa hổng được? Mổ đi, lấy cục bướu ra, hết liền! Để tao cho tiền.
- Không mổ được!
- ?!
- Thôi, bà đi ra đi!
Còn lại một mình, Mỹ giở món quà ra, cái áo trắng mới run run trong tay anh. Thùy ơi! Anh không muốn chết! Sao bác sĩ lại nói với anh điều đó? Ông ấy là người xấu. Chỉ có Thùy tốt với anh. Chưa từng có ai tốt như Thùy. Anh muốn sống, muốn đi học bổ túc, rồi còn làm kỹ sư
Cây nến nhỏ Thùy tặng hôm nào được cắm trên bàn theo ý Mỹ. Nó đang đốt cạn mình để thắp sáng, cháy dần đến giọt cuối cùng. Mỹ nói bằng cái giọng nghèn nghẹn như bị chặn lại:
- Dì Ba, hổng có ruột rà gì mà dì ẵm tui từ rừng về thành phố. Tui không cha không mẹ nhưng mà tui có dì. Thùy ơi, tui bận áo Thùy tặng nè, Thùy thấy có đẹp không?
Mỹ gượng ngồi dậy khiến dì Ba và Thùy vội vàng đỡ lấy. Mỹ mở to mắt ra như cố thu vào thủy tinh thể của mình những dáng hình quen thuộc. Phút chốc, đôi mắt anh rực lên, lấp lánh. Ánh sáng vàng đượm của ngọn nến soi rõ ba bàn tay đang nắm chặt lấy nhau.
- Lỡ tui có bề gì, Thùy với dì Ba đừng buồn, đừng khóc nhiều nghen
3-2-2002
Có một cục đá giữa đường
Lớp phó bị khùng! Cái tin này được mấy chục đứa con gái trong lớp râm ran. Đầu tiên, một đứa thậm thì: "Chính mắt tao thấy nhỏ lớp phó băng qua đường, cúi xuống lượm cục đá, cười cười. Trời ơi, nó dám đứng giữa đường, lúc xe cộ phóng qua phóng lại vùn vụt chỉ vì một cục đá!". Câu chuyện đến tai lớp trưởng là như vầy: "Nhỏ lớp phó chạy ào ào ra giữa đường, làm mấy xe khác phải thắng lại, đứng xếp hàng giống y tụi mình xếp hàng vô lớp! Nó chụp cục đá ngay lúc chú kia chạy ngang, chú đó nói: "Khùng hả?". Con mắt nó dẹt ra mà cái mặt ngây ngây kỳ lắm!". Lớp trưởng ngồi im ru, mắt ngoan ngoãn dòm vô tập, làm như những lời của nhỏ bạn muốn nhảy vô tai thì nhảy mà trượt ra ngoài thì cứ trượt. Nhưng thật ra, lớp trưởng nuốt từng lời chữ một. Lớp trưởng và lớp phó luôn là "đối thủ" của nhau, "đối thủ" về mọi phương diện: điểm số, tình cảm thầy cô bạn bè dành cho và cả nhan sắc! Câu chuyện vừa nghe làm lớp trưởng nghĩ hôm nay là một ngày màu hồng. Nhưng có người lại nghĩ hôm nay màu xám. Ai vậy? Lớp phó chứ ai! Không hiểu sao, tên của lớp phó cứ bị xầm xầm xì xì. Những cái nhìn len lén làm lớp phó cứ quay qua nhỏ bạn ngồi cạnh hỏi mặt mình có dính mực không. Ngay cả đôi mắt của cô bạn ấy cũng nhóng nhánh sáng những tia rất lạ. Hừ, có chuyện quái quỷ gì đây. Lớp phó quyết tâm tìm cho ra ngọn nguồn. Nhưng không cần phải quyết tâm lắm, lớp phó cũng biết. Câu chuyện "ly kỳ" ấy đã chạy từ miệng đứa này sang miệng đứa kia, từ tai đứa này sang tai lớp ph! ó. Lớp phó chới với khi hay tin: Mình "chạm mạch"!
- Tụi nó "chạm mạch" thì có! Chuyện có gì đâu mà đi nói lớp phó bất bình thường. Bữa đó, đang đạp xe về thì lớp phó thấy một cục đá bự tổ chảng ở giữa đường, cái cạnh lại nhọn nhọn. Ai chạy đến khúc đó cũng phải lách qua. Đường đã chật, mọi người lo né cục đá nên lại càng chật hơn. Mà biết đâu có người không để ý, cứ nhè cục đá mà phóng xe thì sao? Cũng dám gặp tai nạn lắm chứ! Lớp phó băng qua đường, lượm cục đá định quăng vô sọt. Vài ánh mắt nhìn nó lạ lẫm. Một chú cưỡi chiếc xe chạy vèo qua, còn ngoảnh lại hét: "Khùng hả? Lớp phó điếng hồn. Chỉ một tẹo nữa nó đã phải nhìn thấy người ta khóc vì mình mà mình thì không còn có thể dỗ được. Chiếc xe cách lớp phó chỉ mấy xen-ti-mét. Mấy xen-ti-mét và cả sinh mạng! May phước! Cái lúc lượm cục đá, nó có nghĩ trước nghĩ sau, tính tới tính lui gì đâu. Cái cạnh quá nhọn của cục đá biểu nó làm đó chứ. Nói chung là chỉ có bấy nhiêu. Vậy mà tụi nó cứ thẽ thọt với nhau về lớp phó. Có tức không chứ? Tự an ủi mình coi bộ chưa "đã". Lớp phó tìm cách kiếm đồng minh. A! Có rồi! Thằng em! Nhưng phải hỏi nó làm sao đây?
- Ê, cho chị hỏi cái này, chị định – Lớp phó ấm ớ – định viết một cái truyện. Kể thử em nghe ha! Nó là vầy: có một con nhỏ
Tấm bình phong "viết một cái chuyện" làm lớp phó nói năng trơn tru hơn. Nó kể liền một mạch về việc lượm cục đá của mình. Đang kể thì nó bị thằng nhỏ cắt lời cái rụp:
- Khoan đã! Em thấy nó hơi gượng, làm gì có chuyện đó.
- Hả?… – Lớp phó lớ ngớ.
Thằng em hoảng hồn, thấy như vừa "xúc phạm" chị mình một cách ghê gớm nên ấp a ấp úng:
- Em nói là nói vậy thôi chứ có biết gì đâu! Sao không hỏi ai lại đi hỏi em!
Lớp phó cất giọng hệt người lần đầu tập nói:
- Thiệt ra thì con nhỏ đó là bạn chị!
- Xạo đi! – Thằng em gạt phắt theo cái cách người ta rụt nhoáng tay lại khi vừa chạm phải lửa. Nhưng rồi như mọi đứa em ngoan ngoãn khác, nó gãi đầu. Bạn chị ngộ thiệt ha!
Lớp phó thấy bợt bạt cả người. Cái việc mà nó làm chỉ là một việc bình thường, bình thường lắm mà! Sao tất cả mọi người đều cảm thấy khác thường? Sao tất cả đều trêu chọc nó? Đấy có phải là việc làm xấu đâu? Lớp phó uể oải lấy bài ra học nhưng những tiếng rì rầm to nhỏ, những ánh mắt của bạn bè. Những câu nói của thằng em cứ quấn quýt, vướng vít mãi. Khói ở đâu mà giăng trước mắt, những con chữ chỉ còn là những vạch tim tím loằng ngoằng, có khi bị lấp luôn vào cái màn mờ mịt ấy. Đầu nó nhức như vừa bị va thật mạnh. Nhức! Nhức quá! Chết không, có khi nào mình bị thật? Đúng rồi! Tất cả đều thấy cục đá, nhưng chỉ có mình bê nó lên. Mình khác thường? Nhưng đâu là nguyên nhân. Hay là tại mình học nhiều quá? Nó đã từng nghe kể về những người vì học nhiều mà đâm ra mất trí. Lớp phó sợ hãi gấp tập lại. Mà không gấp lại cũng chẳng thể học được lúc này. Đầu óc nó vẫn nhùng nhằng những ý nghĩ và không thôi tấy buốt.
Lần đầu tiên lớp phó không thuộc bài. Không chỉ là mấy chục đứa con gái nữa mà gần năm mươi cặp mắt và cái miệng của cả lớp đều mở to hết cỡ. Nhỏ bạn ngồi cạnh lo lắng: "Bữa nay bạn này sao vậy?". Những tờ giấy be bé bay đến bàn lớp phó như chim về tổ, có cả một nét chữ rất vụng về của con trai: "Bệnh hả?". Lớp phó thấy mình bệnh thật.
Buổi sáng choàng đến trong cái bừng mắt ngỡ ngàng của lớp phó. Những vòng xe cuống cả lên. Trễ giờ chứ chẳng chơi. Lớp phó cắm đầu cắm cổ đạp, những ý nghĩ linh tinh dắt lớp phó đi đi Nó ngẩn ngơ khi phát hiện ra trường đã ở sau lưng mình một quãng khá xa. Bây giờ quay lại thì chắc cũng gần hết tiết một. Trước đây bạn bè nhìn nó bằng ánh mắt nửa chế giễu, nửa tò mò, bây giờ cái nửa chế giễu kia chuyển qua thành thương hại. Nó sợ lắm, chẳng dám về lớp đâu. Bánh xe cứ thế, lơ đãng đo xem đường phố bao dài. Mặt trời đã hong khô những cơn gió ướt. Không có cơn gió nào còn đủ lạnh nhưng lớp phó vẫn run mạnh. "Lần đầu tiên mình bỏ học".
Tiếng nhấn chuông dồn dập kéo lớp phó ra khỏi giường.
- Lớp trưởng ?
Nắng vàng đọng hồng trên đôi gò má của lớp trưởng, đôi gò má pha lại màu cho nắng.
- Sao hồi sáng bà nghỉ học?
- Thích thì nghỉ! – Lớp phó đáp bằng cái giọng nhòe nhoẹt.
- Ờ, thích thì nghỉ ở nhà luôn đi, đừng có đến trường nữa. Học hành như bà mắc công ảnh hưởng đến cả lớp. Mà có nghỉ luôn, có chuyển trường khác hay tới lớp lại thì cũng ráng mà lo ăn ngủ. Bà xanh lắm rồi đó. Có biết không, lớp phó?
Cuối cùng thì lớp trưởng tiếp tục phải hậm hực, vì lớp phó vẫn thích đóng vai trò "đối thủ" của nó. Câu chuyện về cục đá thỉnh thoảng được nhắc lại như một "cổ tích lớp mình". Lớp phó lại chúi đầu vào những bài học mới, những kỳ thi sắp tới. Thời gian có thể đẩy tất cả về phía sau, cũng có thể đẩy tất cả về phía trước. Hai dòng ngược nhau ấy cứ thế mà thao thiết chảy. Lớp phó đạp xe giữa phố. Những sợi tóc vướng chiều và lòng giang ra đỡ gió. Á! Cục đá! Trời, sao những cục đá cứ thích ùa nhau mà chui vào mắt lớp phó vậy nè? Những chiếc xe nặng nhọc lách mình qua. Lớp phó bẻ tay lái, tránh khỏi cục đá và đạp thẳng. Tự dưng giật bắn người như vừa có tiếng gọi lớn và sát ngay bên. Lớp phó chợt thấy mình đau tựa vừa bị vấp. Hình như có một cục đá cồm cộm giữa lòng.
"Cục đá" ấy bao to?
26-8-2002
Gió gợn cao nguyên
Cao nguyên vắng lặng đang rầm rập những bước chân, xôn xao tiếng gọi nhau í ới. Tiến đi đầu và nổi bật trong đoàn người toàn những gương mặt trẻ măng bởi cái vẻ rắn rỏi của anh. Trong khi tất cả những bước chân bắt đầu nặng nề thì Tiến vẫn đi thoăn thoắt. Con người đen nhẻm với đôi mắt tưởng như không hề biết chớp ấy thỉnh thoảng ngó lại đằng sau xem bạn bè có cần giúp đỡ gì không. "Sang đâu rồi?". Anh hỏi. Vẻ lo lắng hiếm hoi thoáng hiện lên trên gương mặt lúc nào cũng điềm tĩnh. Sang học sớm hơn mọi người, lại sinh vào cuối năm, kể như thua đứt bạn cùng lớp đến hai tuổi. Sang là đứa em của cả lớp, là đứa em luôn khiến Tiến phải bận lòng. Tiến bước vùn vụt trở lại đoạn đường anh vừa đi qua. "Sang ơi! Sang ". Tiến khựng lại. Sang đã ở ngay trước mặt anh. Chiếc nón tai bèo của Sang tuột xuống phía sau ót, những sợi tóc mai lất pha lất phất, xoắn xuýt lấy nhau, gương mặt hồng lên trong nắng và những giọt mồ hôi đọng tròn trên chóp mũi. Sang đang mím môi nắm lấy quai đeo của cái ba lô, hì hục kéo. Tiến phì cười:
- Sang kéo trâu đi cày ở đâu đó?
Khệ nệ ôm cái ba lô, Sang đeo nó lên lưng.
- Sang mệt hả?
- Anh mệt thì có!
Sang càu nhàu làm Tiến phải đấu dịu:
- Ừ, thì Sang khỏe. Nhưng mà mau lên chứ, Sang chậm quá!
Tiến ngước nhìn theo hướng tay Sang. Một hàng người trong màu áo xanh giống hệt anh em Sang đang tiến đến. Những chiếc mũ tai bèo nhấp nhô. Những chiếc áo xanh, những chiếc mũ tai bèo, những nụ cười như làm bừng sáng cả cao nguyên. Sang cởi chiếc nón của mình ra, vẫy vẫy. Anh Tiến trêu khi trông rõ người đi đầu là một bạn gái:
- Thấy con gái là cứ vẫy rối rít! Người ta lại gần rồi kìa, vẫy nữa đi!
- Cái anh này! Sang vẫy tất cả chứ có vẫy một mình chị ấy đâu
Lời Sang nghẽn lại nửa chừng vì hé ra dưới ống quần xắn cao của người bạn gái là đôi bắp chân chắc lẳn, khỏe khoắn, trắng ngần.
- Sang à, không được cầm nó trên tay như vậy. Nón là để đội. Nào, đội lên đầu! Mau!
Anh Tiến đúng là chẳng hiểu gì hết. Trước lúc đi, Sang đã nói với mẹ rằng: "Lần này đi làm chiến sĩ, khi về, con sẽ đem cho mẹ coi!". Sang muốn để đầu trần vì sợ: nếu về nhà gặp mẹ mà không đen thì xấu hổ lắm. Sang "phang" ngay:
- Anh Tiến sợ nắng thì cứ đội, Sang không đội!
Rồi không để cho anh kịp cau có, Sang khẽ nhón chân lên nói nhỏ vào tai anh (vì Sang chỉ đứng tới vai anh thôi):
- Anh Tiến ơi, bao giờ mình mới được gặp đồng bào hả anh?
Câu hỏi ngộ nghĩnh và gương mặt làm ra vẻ quan trọng làm Tiến thấy buồn cười, quên rằng mình đang giận:
- Sang cứ đi nhanh thì sẽ được gặp đồng bào!
Nhưng chỉ được một đoạn, Sang lại hỏi:
- Anh Tiến nè, sao không ai hát vậy anh?
Tiến nhăn mặt lầm bầm: "Đi còn không muốn nổi mà cứ đòi hát!". Vậy mà Sang hát thật. Tiếng hát bị ngắt ra vì những nhịp thở dập dồn: "Hừng đông đã hửng sáng, núi non xanh… nghìn trùng xa, Tổ Quốc bao la hiền hòa ". Hai anh em đã nhập trở lại đoàn người phía trước. Mọi người vây lấy Sang tíu tít hỏi:
- Sang "công chúa" ơi, em bỏ gì trong ba lô mà nhiều quá vậy?
- Em có sợ dơ không, "baby"?
- Về sống với đồng bào mình, cực em còn không sợ, nói gì là dơ!
Tất cả cười rộ lên làm Sang tức anh ách: "Có gì mà cười?". Chợt có tiếng người gọi:
- Út cưng à không, "đồng chí" Sang nhìn kìa, "đồng bào" đang đứng kìa!
- Đâu? Đâu? Đồng bào đâu? Sang hớn hở đưa mắt theo hướng chỉ.
Ối chao ơi! Sao cô gái cao nguyên lại để mình trần thế này? Đôi vú non thanh lồ lộ cả ra làm Sang hoảng hốt quay mặt đi, thấy nhồn nhột khắp người, cứ như có cái gì đang cọ vào da thịt. Cảm giác nong nóng tê tê rần rật chạy khắp người. Các chị rúc vào nhau mà cười khúc khích. Các anh cố xoay người Sang lại:
- "Đồng chí" Sang sao vậy? Thấy "đồng bào" sao lại quay đi?
Tiến chỉ đứng yên và cười ha hả:
- Khi nãy Sang nôn gặp lắm mà? Sang ơi, "chiến sĩ" mà xa lánh đồng bào là bị phê bình đấy nhé!
Cao nguyên những ngày này dường như không ngủ. Tiếng đọc bài ê a, tiếng loa tuyên truyền, tiếng đàn, tiếng hát, tiếng trêu đùa, mắng mỏ nhau ồn ã cho đến tận khuya. Sang được làm ca sĩ – hát – trật – nhịp, làm thầy giáo, làm "cán bộ" tuyên truyền. Sang còn xin được làm người thợ, buộc đôi tay lóng ngóng của mình bắc cho được cây cầu qua suối. Sang muốn đổ mồ hôi để hiểu thêm về vị mặn. Nơi đây thiếu thốn, cực nhọc lắm. Nhưng Sang đã hứa là sẽ chịu đựng nổi. Bạn bè, ba mẹ, thậm chí là thầy cô từng tâm sự rằng sống bao nhiêu lại nản bấy nhiêu, con người dường như ngày càng trở nên giả dối. Sang yêu cuộc sống này biết bao nhiêu. Đôi mắt còn ngơ ngác của Sang nhìn thấy cái gì cũng đẹp, gặp khó khăn nào cũng như mình còn có thể vượt qua. Lòng Sang khao khát được đi đến tận cùng cuộc sống, ao ước mình có thể bắt được nhịp đập của cuộc đời. Nhưng khoảng cách giữa những điều Sang muốn làm và đã làm hãy còn xa, xa lắm
Tranh thủ lúc không có việc gì làm, lén các anh chị, Sang vào rừng một mình. Những lọng xanh xòe bung ra tạo thành một mái che màu biếc. Những thân cổ thụ sạm nâu rắn chắc như được tạc bằng đá vút lên giữa bạt ngàn trời mây. Lít chít những tiếng chim rất trong và rất lạ loáng thoáng lướt trên đầu Sang. Rừng thăm thẳm sâu. Càng đi càng cảm thấy đang lạc vào hang động với xung quanh là vách cây, vách lá. Lòng chuếnh choáng, ngờm ngợp cảm xúc, Sang bụm tay làm loa: "Đất nước ơi !". Tiếng gọi cất lên từ lồng ngực, ngân vang giữa bốn bề thâm u. Cả khu rừng già cỗi chợt rùng mình, rung động. Cây lá xôn xao, nghiêng ngả vào nhau, rào rào đáp lại lời Sang. Hình như có muôn tiếng "Đất nước ơi…" đang dội trở lại. Trăm ngàn bàn tay bé nhỏ náo nức vẫy hết mình. Trăm ngàn cánh bướm con con màu biếc phấp phới trên cành. Rừng rạo rực trở giấc. Gương mặt Sang ngời lên, rạng rỡ như có ánh sáng rọi vào. Sao mà Sang giống một cô gái vừa được người yêu đón nhận lời tỏ tình nồng nàn mà run rẩy. "Đất nước ơi!". Sang nhỏ nhẻ lặp lại một lần nữa như nâng niu từng chữ một. Rút những tờ giấy giấu trong áo ra, Sang tựa lưng vào thân cây và viết. Nơi đây không có bàn, không có ghế và ánh sáng chỉ lờ mờ. Nhưng thật hạnh phúc khi nghĩ mình đang viết giữa mọi người và đang viết trong lòng đất nước (cứ làm như viết ở nhà thì ngoài lòng đất nước vậy!). Sang nghĩ đến anh Tiến. Nếu anh biết Sang hét toáng lên "Đất nước ơi!" và chui vào rừng hý hoáy viết như thế này, thế nào anh cũng cười Sang trẻ con và bảo: "Chẳng ai hành đ! ộng như Sang hết!". Khi hành quân, anh cũng không hát như Sang. Nhưng đôi bàn tay khéo léo của anh đã lặng lẽ vun trồng bao niềm vui cho người khác. Đôi bắp chân thon thả, trắng trẻo Sang vô tình bắt gặp, đôi bắp chân làm sáng bước hành quân, rồi cũng lấm bụi đường. Vậy mà Sang thấy lòng mình càng xúc động hơn Bất chợt, thân hình gầy guộc với khuôn ngực để trần của cô gái cao nguyên hiện lên trong trí Sang! Đó là cơ thể người con gái dậy thì lần đầu tiên Sang được thấy. Chỉ thoáng qua thôi mà cứ ám ảnh mãi. Sao chị ấy tiều tụy thế? Khoảng cách giữa thành phố và cao nguyên đâu chỉ đo bằng cây số. Người miền núi lam lũ đến đau lòng. Họ dường như chỉ biết đến núi rừng, đến miếng ăn và nhọc nhằn trĩu nặng Từng ấy cuộc đời lao nhọc một cách hồn nhiên mỗi năm một lần biết đến miền xuôi, đến cái chữ và khấp khởi những niềm vui. Tiếng cồng, tiếng chiêng biết vui niềm vui mới mẻ. Cuộc sống cao nguyên sẽ ra sao khi những bước chân tình nguyện quay gót trở về? Phải chăng tất cả mọi nỗ lực của các anh chị, của Sang chỉ đủ sức làm nên một cơn gió nhẹ khiến mặt nước phẳng lặng se sẽ gợn lăn tăn?
- Sang ơ ơi!
Đúng là giọng anh Tiến rồi! Sang lắng tai nghe. Có cả tiếng gọi của những anh chị khác. Ai cũng đi tìm Sang. Sang đã làm mọi người lo lắng. Sang có phải là con nít đâu, các anh chị tìm chi cho cực! Sang đang nghĩ mình nên xin lỗi mọi người ra sao. Còn đoạn cuối chưa viết xong, nhưng Sang đành ngừng lại, cuộn những tờ giấy giấu vào trong áo. Sang thấy như những nhân vật đang áp mặt vào ngực mình. Người Sang ran lên một cảm giác ấm áp. Ngày mai, Sang sẽ lại lên lớp, sẽ cắt tóc cho các em, sẽ xin được tắm rửa cho các em nữa. Trong tất cả những bàn tay nhiệt tình hăng hái, có đôi tay vụng về của Sang, không từ chối bất cứ việc gì, dù chỉ để làm nên một cơn gió thoảng. Còn đoạn cuối, có lẽ lâu lắm Sang mới có thể hoàn thành. Sang đang sợ anh Tiến giận. Không cho Sang phụ anh bắc cầu qua suối nữa. Nó chẳng để ý rằng từng giọt mồ hôi của mình đã thấm vào những trang viết. Chân Sang rảo nhanh về phía bìa rừng. Bầu trời xanh trong hé ra trước mặt Sang với nuột nà những vệt mây mỏng manh trôi lãng đãng. Dường như có ai vừa thổi khói lên trời. Lá động khẽ nghe tưởng nụ cười ý nhị. Phải chăng gió đen len lỏi, lẩn khuất trong những tàn cây, hết vòm này đến vòm khác và cặm cụi trèo lên những nền lá trơn trượt?
27-5-2002
Đứng dựa vào nhau
Chị đứng cách nó một khoảng, rụt rè lên tiếng:
- Vô ăn cơm đi em!
Nó vẫn chúi đầu vào tập, không ngước lên. Nó sợ phải nhìn thấy chị với đôi vai mảnh dẻ, luôn có vẻ co rút lại. Đó là đôi vai của người quen chịu đựng. Cả ánh mắt của chị cũng vậy, cũng như chăm chú vào một cái gì đó rất xa xôi, không hề ở trước mặt. Nhưng nó biết cái điều tưởng chừng vời vợi ấy ở ngay trong lòng chị, bắt nguồn từ mẹ và nó.
Chị nhích lại một tí, lặp lại câu nói ban đầu, vẫn bằng giọng dịu nhẹ. Nó trừng mắt lên khiến chị không dám đến gần hơn nữa. Rồi chị cúi đầu trở vô trong. Dáng người hiền lành đến cam chịu, nhẫn nhục. Tại sao chị lại tốt với nó đến thế? Nó hoàn toàn không muốn nhận những lời nói, những cử chỉ quan tâm của chị và của má. Bởi mọi người cho rằng má và chị nhân hậu, rộng lượng bao nhiêu thì họ lại càng chê trách mẹ bấy nhiêu. Nó biết má với chị cũng khổ y hệt mẹ và nó. Chỉ có điều, trong khi má có thể nhận được những ánh mắt đầy chia sẻ, cảm thông với mẹ lại là cái nhìn đầy khinh khi, ghẻ lạnh. Người ta khinh lây cả nó, mà nó có làm gì đâu, có biết gì đâu. Ngay cả con mèo hình như cũng ghét nó, thỉnh thoảng lại cào lén nó một phát rồi phóng mất. Mẹ đã sai, nó không chối điều đó. Nhưng mẹ đã phải trả giá cho sai lầm của mình bằng cả cuộc đời bất hạnh. Như vậy đã đáng được bao dung chưa?
- Con!
Hết chị lại đến ba. Nó ngẩng lên khi nghe tiếng gọi. Ở cạnh ba, nó không có cảm giác mặc cảm tội lỗi như đối với chị.
- Lạ chỗ, tối con có ngủ được không?
-
- Má . – Ba hạ giọng thật thấp, đưa mắt lấm lét nhìn quanh rồi mới dám nói – Má… có làm gì con không, có đánh con không?
Ngày trước, mỗi khi đi làm về, ba cũng từng ôm lấy nó, vừa cười vừa hỏi: "Con gái, mẹ có đánh con không?". Lúc đó, cả ánh mắt ba, gương mặt ba đâu có giống bây giờ. Nó vẫn nín thinh. Ba thở dài, cái thở dài nằng nặng, rười rượi buồn. Chắc ba quá hiểu bản tính ngang bướng của nó. Không nói gì thêm, ba dắt xe ra cửa.
Ba đóng kệ thờ cao quá, mỗi lần muốn đốt nhang cho mẹ, nó phải chồng hai cái ghế con lên cao. Nó đưa tay phủi những hạt bụi li ti bám trên "ngôi nhà mi-ni" của mẹ, "cái nhà" hình chữ nhật, bằng sành, vừa chật hẹp vừa kín mít. Nhưng dù sao thì chắc mẹ cũng đỡ buồn vì được nằm kế bà ngoại chị. Ở giữa bàn thờ, tấm hình bà được đặt trang trọng. Ủa, lạ quá! Hình của mẹ đâu? Ba đã để ảnh của mẹ ở góc trong cùng, cả má cũng đồng ý mà. Nó nhớ má có nói: "Nghĩa tử là nghĩa tận, thôi thì
". Vậy mà bây giờ lại chẳng thấy đâu. À, không phải! Hình của mẹ chưa mất, chỉ bị lật úp vào trong thôi. Sao thế nhỉ? "Ái da!". Nó vừa đưa tay xoay tấm hình lại thì con mèo đã trèo lên, cào vào chân nó. Rồi cũng như mọi khi, con mèo chạy vụt đi. Nó rút cái chân đau lên theo phản xạ, thế là mất thăng bằng.
- Tại sao con lại làm như vậy?
Hàng mi của ba giương lên, cái đốm sáng trong mắt ba rừng rực, hai mí dưới giật giật liền mấy cái. Con mèo nhảy loi choi cạnh chân ba. Nó thậm chí còn đưa tay khều vào người ba, có lúc lại khịt khịt mũi, kêu "ngoao ngoao" như muốn kể lại sự thật. Má la ba:
- Thôi mà anh. Chắc nó không cố ý. Ăn đi rồi tính gì tính.
Má nói xong thì lua[2] thêm một đũa cơm. Ba bấu chặt những ngón tay vào hai vai nó, lắc mạnh:
- Tại sao con lại làm như vậy? Tại sao con lại làm khổ ba?
Những đường gân trên cổ ba nổi cộm lên. Tiếng ba quát làm má giật mình, buông đũa: "Đừng anh ". Nó không trả lời, đưa tay vuốt ve bộ lông óng mượt của con mèo. Con vật chẳng để ý gì đến điều đó, chắc là đang bận "gừ", "gào" vì ông chủ chẳng chịu nghe mình. Ba vụt đứng lên, giật phắt cây roi treo trên vách. Má bật dậy, ú ớ gọi chị rồi sực nhớ ra không có chị ở nhà. Đôi bàn tay mảnh khảnh của má cố níu ba đến nổi cả gân xanh, vẫn không làm sao ngăn cơn thịnh nộ
- Em có đau không?
-
- Em khóc đi! Khóc đi em!
-
- Chị biết em không muốn khóc trước mặt ai. Chị cũng khác gì em đâu. Chị không muốn làm bận lòng ba má, không muốn mình trở nên quá đáng thương trong mắt mọi người. Chị chỉ dám khóc thầm, khóc lén, khóc một mình. Nhưng lòng chị luôn mong rằng, dù chỉ một lần duy nhất, được rơi nước mắt bên cạnh một người nào đó và được người ấy an ủi. Bây giờ chị ở đây với em, em khóc đi. Rồi sẽ nhẹ lòng hơn. Đừng như vậy nữa, chị sợ lắm!
Câu cuối cùng vừa thốt ra, chị đã ôm chầm lấy nó, gục đầu trên vai nó. Và chị khóc. Khóc thành tiếng. Những tiếng khóc làm nó không còn nghe chị nói gì. Trên sân, hình ảnh của nó và chị là một vệt đen, nhòa lẫn trong nhau. Nó nâng mặt chị lên như thể chị là em của nó và nhìn thấy những giọt nước mắt thi nhau rơi vào cái miệng đang méo xệch vì mếu.
- Chị nín đi. Chị đã khóc thầm suốt mười mấy năm trời, sao bữa nay khóc lớn dữ vậy?
Nó đưa những ngón tay lên và nhận ra đó là lần đầu tiên nó chùi nước mắt, mà không phải cho mình…
28-2-2002
Chuyện của Bờm
Phú ông khoan thai gõ gõ chiếc gậy trên nền gạch và ung dung bước. Tiếng mấy chú gà mổ thóc tong tóc nghe cũng vui vui. Nhưng phú ông không để ý đến điều đó mà ngước lên bầu trời cao rộng. Chà chà, trời xanh màu ngọc, một thứ ngọc không tì vết, trong vắt. Mặt trời mới nhô lên, trông như khối vàng đúc. Ánh nắng làm màu xanh của những phiến lá non óng nuột lên, hệt những dát đá quý mỏng tanh. Buổi sáng thật là rực rỡ. Kìa, hình như phú ông đang làm thơ? Phải! Phải lắm! Cái dáng điệu đủng đỉnh, cái cặp mắt mơ màng, cái miệng lẩm nha lẩm nhẩm, đầu gật gật gù gù thế kia thì đúng là dáng thi sĩ. Suỵt! Suỵt! Để nghe thơ người xem! "Tô vàng Tô vàng ". À, bài thơ về một báu vật nào đó. Đích thị là thơ vịnh vật rồi!
- Dạ chào ông ạ!
Tiếng chào cắt ngang dòng suy nghĩ làm phú ông chau mày. Thằng Bờm đang hì hà hì hục, lau lau chùi chùi. Ông là ông thương nó lắm. Nó vốn mồ côi. Ông nuôi cơm, cho nó chỗ đỡ lưng khi tối trời, chỉ dám nhờ vài việc vặt. Mà thằng nhỏ cũng lanh lẹ, chỉ mỗi tội láu lỉnh. Mà thôi trẻ con đứa nào chả thế. À, thằng Bờm đâu còn trẻ con nữa, nó cũng lớn bộn rồi chứ. Nhờ một tay ông nuôi dưỡng. Nghĩ đến đó, ông ngước nhìn nó bằng một đôi mắt rất đỗi xúc động. Thằng Bờm đã xong việc rồi, bữa nay nó thức từ sớm nên giờ có vẻ rảnh rang, học đòi ông ngắm trời ngắm đất. Nó mà nhìn trời chắc nghĩ đến mớ rau xanh. Nhìn "khối vàng" của ông thành con gà rán bóng nhẫy. Tội nghiệp, tâm hồn nó hạn hẹp quá! Nhìn đâu cũng chỉ toàn những điều tủn mủn. Thằng Bờm coi bộ rỗi hơi, phú ông không quen mắt, ông từ tốn nói:
- Bờm, quạt ông, con!
Thằng Bờm làm theo với kiểu chẳng đặng đừng. Bữa nay mát, gió trời thổi đủ rồi, làm gì mà phải quạt? Cũng chính vì vậy mà thằng Bờm phành phạch một hồi thì phú ông bắt đầu se se. Ông trìu mến gắt:
- Khe khẽ chứ con!
Thằng Bờm nhìn gương mặt vốn có vẻ đôn hậu của ông mà cười toác miệng:
- Ông không cảm thấy quạt thế này mới sướng à? Con đang khoan khoái lắm ông ạ. Mồ hôi chảy ròng ròng, thật là thích quá!
- Mồ hôi chảy thích lắm hả?
- Vâng ạ!
- Mày bịp ông!
- Sao lại bịp? Ông đã bao giờ để mồ hôi chảy ướt đẫm thế này chưa?
Phú ông cố nhớ lại và chân thành đáp:
- Chưa!
- Thế thì tiếc quá! Ông có muốn thử không?
- Thử thế nào?
- Ông cứ đứng đây, quạt con cho đến khi mồ hôi tuôn ra thì sẽ biết thế nào là dễ chịu. Có phải từ nãy đến giờ ông ngồi yên mà vẫn chẳng thấy khỏe khoắn không?
- Ừ, đúng là thế thật!
Trong khi đó, thằng Bờm có vẻ đang sung sướng lắm, cái mồm nó huyên thuyên còn tay chân thì hoạt bát. Phú ông giành lấy quạt và phồng mang phồng má quạt lấy quạt để. Mồ hôi lấm tấm trên trán, phú ông thở phì phì, tay mỏi nhừ, mặt bắt đầu nong nóng. Còn thằng Bờm vừa ngồi vừa cười khúc khích. A! Thế ra nó lừa ông! Cái thằng oắt con! Phú ông ném quạt cái phạch xuống đất, giận dữ bảo Ất nện cho Bờm mấy gậy. Bờm giật nảy mình sau mỗi đợt cây gậy nâng cao rồi hạ xuống. Nó ngoái đầu nhìn Ất với vẻ mặt đau khổ, thầm thì: "Anh đánh thật hả anh Ất?". Ất chột dạ, chùn tay. Này, chớ tưởng phú ông sẽ thét bảo Ất đánh tiếp nhé. Phú ông phải cho Bờm nếm đòn chẳng qua chỉ vì "thương cho roi cho vọt" ấy mà! Bây giờ thì phú ông độ lượng:
- Thôi, tha cho nó!
Anh Ất mừng húm (chắc sợ đánh Bờm đau sẽ bị nó trả thù?), còn Bờm thì sướng rơn, lồm cồm bò dậy, hai tay xoa lấy xoa để chỗ đau. Cái gương mặt loắt choắt của nó tai tái, những sợi tóc mai con con mướt mồ hôi nằm ệp trên vầng trán nhô ra rất chi là gàn dở. Bờm đưa tay quẹt mũi.
- Bờm! Bờm ơi!
Bờm bừng mắt dậy vì một tiếng gọi thiết tha.
- Ông gọi gì con ạ?
- Là ông thương con! Ông muốn cho con đi xem cái tô vàng làng mình mới đúc dâng vua!
- Thế sao không để sáng ạ? Bờm dụi dụi mắt, nó vẫn còn say ngủ lắm.
- Để sáng thì có mà à à Để sáng thì chỉ có ông được xem chứ đời nào con được phép trông thấy. Là ông thương con!
Nhớ đến tấm lòng bao dung ban sáng của ông, Bờm phải nghe lời. Thế nhưng, Thật đến phiên gác đình canh báu vật, dứt khoát chẳng cho ai vào.
Làm thế nào bây giờ? Bờm nằm khoèo nhướng nhướng mắt ra điệu suy nghĩ, mặc cho phú ông ngồi cạnh, hết sức sốt ruột. Một lát sau, nó ngồi phắt dậy, cười khì. Hai cái đầu một già một trẻ, một chủ một tớ cùng chụm lại mới thật thân thiết làm sao! À, trong một khung cảnh cảm động như thế này mà không tả ánh trăng thì vô duyên tệ. Ánh trăng đêm nay sắc lạnh mà quạnh quẽ, yếu ớt, rụt rè không sáng nổi mà cũng chẳng muốn tối.
Thật đang ngủ gà ngủ gật thì giật mình bởi những tiếng chân "lịch bịch" nặng nề càng ngày càng rõ. Té ra là thằng Bờm đang vác cái bao gì đó.
- Đi đâu đó, thằng ôn?
Bờm quẳng chiếc bao đánh đụi xuống đất. "Ối chao!". Thật kinh ngạc nhìn chiếc bao biết nói. Nhưng ngay lập tức đã thấy Bờm ôm lấy bàn chân vừa nhảy lò cò vừa nhăn nhó.
- Tiếng "ối chao" là của chú mày à? – Thật quát.
- Ối ối! Chân Bờm đau thì Bờm kêu chứ chân anh có đau đâu mà cũng giành kêu với Bờm!
- Thôi được rồi, thằng nhãi! Kêu um lên, làng xóm chẳng ngủ được thì mày phải đòn đấy.
Bờm vờ sợ hãi, im thin thít. Được nước, Thật hỏi:
- Mày trộm đồ phú ông, định đi trốn đấy hử?
- Ối giời! Bờm được lệnh phú ông đem chiếc chăn bông này đặt vào đình để tặng vua nốt!
- Khó tin! Tặng gì mà phải đợi tối om thế này?
- Là bởi phú ông nhà Bờm không thích khoe khoang, muốn lẳng lặng tặng vua mà không cần ai biết í mà!
Thật gãi đầu:
- Khó nghĩ quá
- Dĩ nhiên là khó nghĩ rồi, anh thì làm gì hiểu xa hiểu rộng! Bờm nhăn mặt chun mũi.
Thật ức:
- Chăn bông? Chỉ nghe mày nói! Mở bao ra xem thử!
- Chết không, anh Thật! – Bờm làm ra vẻ hốt hoảng khiến Thật cũng thất sắc – Anh nói khẽ thôi, người làng nghe được thì khốn thân. Quà dâng vua, ngài chưa xem mà anh đã xem là phạm thượng. Này, Bờm bảo cho mà biết, tội chém chứ chẳng chơi! Đấy, cái tô vàng đấy, quà dâng vua, phải đem giấu vào đình, là vàng cả làng góp lại mà mình cũng có được ngắm nghía sờ mó thỏa chí đâu!
Thật nghe Bờm nói vẫn còn mơ hồ lắm. Nhưng những chữ "chết", "chém", "tội" thì hắn hiểu rõ và cũng kinh kinh. Bờm lại nói cứng:
- Chẳng tin thì anh cứ lấy gậy chọc vào thử, chăn bông mềm mại lắm anh ạ!
Đến nước này, Thật mười phần đã tin Bờm hết chín nhưng cũng lấy gậy chọc thử để biết chăn bông biếu vua nó ra làm sao. Ái chà, mềm mại thật! Lại dày chắc nữa chứ! Cái chăn bông này mà ngả lưng thì êm ái phải biết! Chợt, Thật như sực nhớ:
- Chăn bông gì mà bỏ vừa vào bao thế này?
- Là chăn bông dâng vua chứ chăn bông gì! Anh đã bao giờ vào đến cái long sàng của vua chưa mà bắt chẹt cái chăn bông của vua?
Thật ú ớ nhưng trong dạ vẫn nghi ngờ. Bờm lại làm ra vẻ giận lắm:
- Này, anh muốn nhìn, Bờm cho anh nhìn! Nhưng nếu chưa kịp thấy mà đầu đã rơi xuống đất thì đừng có mà oán Bờm!
Vừa nói Bờm vừa cặm cụi mở bao ra làm Thật xanh mặt:
- Thôi, thôi, Bờm cứ vác vào đình giùm tôi đi. Chăn bông gì mà chỉ nhìn đã mất mạng. Khiếp!
Bờm định vờ vịt với anh Thật một tí nữa nhưng thấy anh ta có vẻ run lên chẳng còn lòng dạ nào. Nó khệ nệ vác bao vào tuốt trong đình. Bờm vừa đặt bao xuống, cái bao đã cục cựa. Úi! Phú ông từ trong bao chui ra. Chết chưa! Khi nãy Bờm dám để tay Thật chọc vào người phú ông, thậm chí nó còn quẳng luôn phú ông xuống đất. Than ôi! Còn gì là tấm thân đáng kính của người! Bờm chết nhé! Phen này thì toi nhé! Á, mà không! Cái thằng nhóc xấc láo này phước lắm, phú ông của chúng ta vốn nổi tiếng nhân từ mà. Nó biết thế nên mới kêu lên những tiếng rất giả dối:
- Ối trời, ông có sao không ạ? Ông khó thở lắm ạ?
- Ườm ườm Ông chẳng sao Ườm
Đấy! Đã bảo mà! Ông tha thứ ngay cho nó! Đã thế lại còn bảo:
- Này, con xem đi, cái tô vàng thật là tinh xảo!
Bờm liếc nhìn cái tô rồi đảo mắt về phía tên Thật ngây ngô vẫn đứng phía ngoài. Hình như nó chẳng hứng thú gì cả. Trong khi đó, phú ông lại trầm ngâm:
- Bờm ạ, tiếc thật, chiếc tô tinh xảo này sẽ về tay vua, chúng ta chẳng còn dịp ngắm nghía nữa. Hay là chúng ta mượn chiếc tô này về, vẽ lại kiểu, để đúc một cái giống hệt như thế này?
- Thôi ông ạ, con không dám đâu!
- Thì tội lỗi con ông đã tha tất, ông chỉ nhờ có mỗi việc này!
Bờm ngẩn người, nó nhớ lại rằng mình mẩy nó vẫn còn ê ẩm. Bờm chặc lưỡi nghĩ thầm: "Có ra sao thì mình cũng còn cái lưỡi". Vừa ngáp ngắn ngáp dài, nó vừa ậm ừ. Phú ông ôm lấy chiếc tô chui vào bao, cất giọng dịu dàng:
- Chúng ta mượn một chút, Bờm nhá!
Vác cả phú ông lẫn cái tô vàng trên lưng, tấm thân tong teo của Bờm xiên xiên vẹo vẹo. Ra đến cổng, nó bị Thật chặn lại:
- Bảo tặng chăn bông sao lại vác về? Hay là
- Khi nãy anh chọc gậy làm hỏng tấm chăn rồi. Bờm phải mang về may lại. Giữ bí mật đấy, không thì toi cả đám! Bờm đáp với gương mặt dàu dàu và đôi mắt đã ríu cả lại.
Thật nghe qua đã bủn rủn, không còn có ý ngăn cản nữa.
Về đến nhà, Bờm mệt đừ. Nó há miệng ra thở như con cá đang thoi thóp trên cạn. Bao nhiêu hơi sức đổ hết ở dọc đường rồi chắc! Nó nằm ngây người, hình như không ngủ, nhưng đầu óc mụ đi, mắt díp lại. Phú ông thì tỉnh lắm. Ông ôm cái tô về phòng, nghĩ ngợi, mặt đăm chiêu cái vẻ của người nhiều lo toan. Rồi xách cái tô chạy lăng xăng khắp phòng, ý muốn tìm một chỗ kín đáo để báu vật này tránh khỏi những đôi mắt phàm tục. Đoạn, ông lặng lẽ ra vườn. Đang đêm, tự tay ông đào một cái hố thật sâu, xong đâu đấy, ông cho cái tô vào và có vẻ hài lòng lắm. Chợt, ông thấy có ánh lửa bập bùng và tiếng người lao xao bên ngoài. Ông chỉnh lại áo quần, chắp đôi tay lẩy bẩy phía sau lưng, điềm tĩnh bước ra. Ồ! Lính của quan! Lính của quan đã sục đến tận nhà ông. Ông điếng hồn khi nghe tiếng những tên lính quát hỏi: "Cái tô vàng đâu?". Nhưng tiếng quát thứ hai làm ông phần nào lấy lại bình tĩnh: "Thằng Bờm đâu?". Một cái nhếch mép đầy ẩn ý thoáng hiện lại trong đầu làm ông thêm vững tâm. Ông ôn tồn:
- Các ông đừng nóng! Đừng quát! Em nó còn ngủ ạ!
Ông dẫn bọn lính vào tận nơi Bờm ngủ. Chúng xách cổ Bờm lên làm nó sực tỉnh la oai oái. Phú ông kêu lên những tiếng rất thảm thương:
- Ấy, ấy, các chú nương tay cho em nó nhờ!
Rồi thì họ lôi xềnh xệch Bờm đi. Tất cả những âm thanh ồn ào ấy làm mọi người đều thức giấc, một người nhìn theo đám lính với đôi mày nhíu lại.
Buổi sáng trong vắt như màu thanh xuân của mắt cô thôn nữ. Những dé nắng vàng ruộm đượm nồng mùi lúa chín. Mấy con chim nhảy tưng bừng trên cành hót gì mà như muốn líu lưỡi! Hình như chúng cũng đang truyền cho nhau cái chuyện đang râm ran sau những lũy tre làng yên ả. Sân đình nhốn nháo những người là người. Các cụ, các ngài, các ông quần là áo lượt, gương mặt phảng phất những nét trầm mặc, bàn tán nháo cả lên về một điều gì đó. Giọng người nào người nấy cũng hùng hồn. Quan ngồi cao nhất, gương mặt quan ưu tư một cách nghiêm trang nhất:
- Phú hộ, thằng Bờm là đầy tớ của ông hả? – Quan cẩn thận hỏi cho thật công minh.
- Dạ bẩm quan, nó xin em cho ở nhờ, kiếm ăn chứ có đầy tớ gì đâu ạ!
Phú hộ nhũn nhặn trả lời như chàng thư sinh đứng trước mặt thầy đồ.
Quan nghiêm khắc quát:
- Thế có biết nó trộm cái tô vàng làng dâng vua không?
- Trộm tô vàng dâng vua á? Chết con rồi Bờm ơi, sao lại thế?
Bờm giãy nảy:
- Sao lại nói Bờm ăn cắp? Muốn định tội ai phải có tang chứng chứ! Bờm rõ ràng có giữ cái tô quý ấy đâu!
Quan thét gọi Thật át cả tiếng Bờm lải nhải. Thật quỳ giữa sân đình, mặt mày bầm xanh bầm tím, thoạt nhìn cứ tưởng Thật vẽ mặt đóng hề! Ngay sau khi nghe Thật mếu máo kể lại chuyện tối qua: rằng sau khi Bờm đi khỏi thì cái tô cũng biến mất, quan vội hét ầm:
- Này thằng Bờm kia, chẳng có chăn bông gì sất mà láo! Vào đình chỉ có nước trộm cắp!
Bờm vừa mở miệng kêu oan thì lập tức những ngọn roi quật tới tấp vào người nó. Nó lăn bên này trúng đòn, lăn bên kia cũng không thoát. Đôi mắt đau thương của phú ông đảo qua đảo lại. Cạnh bên, Ất nài nỉ: "Ông ơi, ông cứu thằng Bờm với! Bờm này, mày lạy ông đi, ông xin cho!". Nhưng roi vừa ngừng, Bờm đã bật dậy nói rất rành rọt:
- Dạ bẩm quan, con là thân tôi tớ, con đâu có gan to đến thế, nếu không có chủ sai bảo thì
Quan quay ngoắt về phía phú hộ. Đôi mắt ngài ánh lên vẻ nghi hoặc thật nghiêm nghị. Phú hộ chỉ điềm nhiên ngồi đó, không cử động gì. Ồ không! Những ngón tay! Những ngón tay thò qua lớp gấm Ban đầu chúng co lại thành hình tròn, rồi sau đó rụt tất cả lại, chỉ chừa lại hai ngón một lớn một bé, cuối cùng chỉ còn một ngón. Phú ông nhúc nha nhúc nhích cái ngón tay ấy, trông vui tợn. Màn biểu diễn thú vị, âm thầm, kỳ lạ kết thúc. Để mà chiêm ngưỡng được à! Chỉ có đôi mắt tinh tường quen nhìn kỹ nhìn sâu mới bắt được những cử chỉ ấy. Khóe miệng quan khẽ nhấp nhỉnh. Ngài quay sang Bờm nạt nộ:
- Cái thằng oắt kia! Ai còn lạ gì những trò tinh quái của mày, có việc gì mà mày chẳng dám làm!
Bờm cố hết sức tự cứu mình:
- Dạ bẩm quan, bây giờ quan đánh chết con, cái tô vẫn mất, lấy gì dâng vua. Quan cho con ba ngày, con sẽ tìm ra cả tô vàng lẫn thủ phạm. Nếu chẳng tìm ra, quan xử tội con cũng đâu có muộn!
Ất mừng quýnh. Bờm nói có lý lắm. Ba ngày ư? Hơi ít! Nhưng Ất tin vào cái đầu lém lỉnh của Bờm. Quan đập bàn ầm ầm, hối hả cất giọng đầy oai phong:
- Mày lại định tìm cách trốn chứ gì? Tin về chiếc tô vàng đã truyền đến tai vua, thủ phạm là mày, tìm chi nữa? Còn cái tô ở đâu thì đi mà tâu với hoàng thượng! Sẽ có người giải ngay mày lên kinh!
Ất gần như sụp người xuống, hốt hoảng: "Bờm ơi, thế thì cầu quan một ngày thôi, mày van ngài đi!". Nhưng cái thằng ngổ ngáo ấy tịt không nói một lời nào. Đôi mắt Bờm hỗng đi như vừa vỡ ra điều gì đó. Bên dưới, người có đôi lông mày nhíu lại cũng có mặt đứng lẫn trong mọi người, nhưng im lặng giữa những tiếng xôn xao đôi môi mím chặt. Bên trên, cả một sân đình to lớn với bao nhiêu là thân hình bệ vệ, béo núc những thịt lại dậy lên những tiếng trao đổi. Thật đông đúc và ồn ào. Chỉ độc mình Bờm quỳ ở giữa cái sân ấy, dáng nó vẫn còn chưa nứt hết vẻ trẻ con, nhưng gương mặt bây giờ lại không ra đường nét gì, lại bất động, trắng bệch. Trông nó tựa bức tượng do một người thợ tồi nặn ra khi đang ngủ gật! Thật đứng nép một bên, không dám nhìn nó. Cái bóng của Thật đổ lặng trên sân đình tiều tụy và xệch xạc.
Lại một buổi sáng đến hiền lành từ những làn gió quê vi vút. Những đứa trẻ con dắt từng con trâu kềnh càng bằng những bàn tay bé tẻo, thả tuổi thơ lên lưng chừng trời trong câu hát đồng dao. Xung quanh chúng là màu xanh yên bình thanh thản, trên đầu là màu trời xanh ngơ ngác. Cuộc đời cứ thế lặng lờ trôi.
Thằng Bờm ranh ma bị giải lên kinh nhưng mấy tên lính chẳng hiểu vì sao lại giải sai đường. Khi bị xử tội, họ cứ một mực kêu oan, mặt ai cũng ngỡ ngàng đến thảng thốt. Còn thằng Bờm, nghe nói lúc nó lửng thửng bước giữa hai hàng người áp giải, gương mặt nó rắn cộc, nghênh ngang. Nó ngước nhìn màn sương sớm lung linh, lẻ loi giữa trời đất và mong manh, run rẩy, có đó rồi không đó. Phú ông quắn quít đãi hẳn một bữa tiệc chia buồn rất rộn rịp. Ông là ông thương nó lắm. Người ta kể rằng đêm đêm Thật lại lẳng lặng thở dài. Quái lạ! Xưa nay hắn vốn là kẻ ruột để ngoài da Ai cũng thắc mắc: "Thằng Bờm bây giờ ra sao?". Về phần Ất, anh chỉ hỏi đi hỏi lại một câu rất là ngớ ngẩn: "Lúc bị giải đi, Bờm đã kịp ăn gì chưa?". Cái đôi mắt của người có cặp lông mày nhíu lại rực lên những tia sáng sắc sảo, lạ lùng, bên dưới một vầng trán rộng
9-7-2002
Đập đi, tim ơi!
- Con tôi làm sao? Để tôi vào với nó!
- Anh bình tĩnh lại đi, anh không thể vào phòng cấp cứu lúc này.
- Nhưng tôi là bác sĩ! Người đàn ông nói như van lơn.
- Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức.
Cánh cửa phòng cấp cứu đóng sập lại. Người đàn ông gần như quỵ hẳn. Những ca như thế này ông đã có thể nói với thân nhân người bệnh rằng y học vô phương cứu chữa. Nhưng ngày hôm nay, bệnh nhân đang nằm thoi thóp kia là núm ruột, là máu thịt, là cơ thể, là trọn vẹn cuộc đời ông. Kinh nghiệm của một người bác sĩ dạn dày làm tâm trí người cha như hẫng hụt chới với giữa vực thẳm sâu hun hút. Con ơi, con mới chào đời đã xinh đẹp như một thiên thần. Con mang cuộc sống trong ánh mắt, mang ánh sáng trong nụ cười. Cườm tay, cườm chân no tròn của con như những chồi non biếc ngời vươn lên mạnh mẽ. Con chính là hạnh phúc, là sự viên mãn, tròn đầy. Con càng lớn càng đẹp đẽ, cơ thể con càng cường tráng. Nhưng thay vì là niềm kiêu hãnh của ba, con dần trở thành sự xấu hổ. Ba không thể chịu đựng được khi bản thân là một bác sĩ danh tiếng còn con trai duy nhất của mình lại luôn là học sinh cá biệt. Con ngang ngược với bạn bè, thầy cô và đau đớn lắm, con ngang ngược với cả cha mình. Ngày còn bé, khi chỉ bập bẹ được mỗi tiếng "ba", con cứ líu lo suốt cả ngày. Vậy mà ba vẫn thấy mình nghẹt thở vì sung sướng. Nhưng khi lớn lên, đôi môi con có thể nói được tất cả các tiếng, chỉ trừ tiếng "ba" là con không gọi. Thay vào đó là tiếng "ông", tiếng "tôi" xa lạ, đè nặng lòng ba. Đã có lúc ba nghĩ rằng chẳng thà con chết đi còn hơn sống mà hư đốn như thế này. Để rồi giờ đây, con nằm bất động, sự sống chết tưởng chừng có thể thay đổi trong chỉ một chớp mi. Con trai ơi, con đừng bỏ ba! Bàn ăn nhà mình có hai cái ghế, ! không còn con, ba biết ngồi làm sao cho hết trống?
Bảo dụi mắt nhìn lại cái cơ thể bất động, biến dạng đang nằm giữa bao bàn tay chăm sóc của những vị bác sĩ, y tá. Tại sao mình đã đứng đây mà lại có mình nằm đó? Mình mình chết thật ư? Não! Não ơi!
- Não đây
Bảo thở phào. Não còn trả lời được thì chắc mình chưa chết. Mà sao giọng não yếu thế?
- Não bị thương à?
- Các Động Mạch kiệt sức, gần như không thể chuyển Máu từ Tim lên Não. Não đang thiếu Máu trầm trọng
- Thế thì phải làm sao?
- Các Tĩnh Mạch đang ráng sức đưa Máu về Tim đây. Tĩnh Mạch sẽ cố hết sức để góp phần giúp Động Mạch hoạt động tốt trở lại.
Lời trấn an của Tĩnh Mạch làm Bảo yên tâm phần nào. Nhưng nó bực tức rằng tại sao Tĩnh Mạch vẫn còn sức trong khi Động Mạch thì lại đuối. Hai quá trình nhận và chuyển Máu phải xảy ra song song, đồng thời chứ! Bảo chưa từng nghĩ sẽ có chuyện cái này tăng cường còn cái kia lại giảm hoạt động. Chợt nó nghe tiếng những Hồng Cầu, Bạch Cầu, Tiểu Cầu trò chuyện:
- Hồng Cầu ơi, bạn có vất vả lắm không?
- Các bạn cũng vậy thôi, phải không Bạch Cầu, Tiểu Cầu? Nhưng sự mệt nhọc của chúng ta có thấm vào đâu so với Tĩnh Mạch đang làm việc gấp hai, gấp ba bình thường. Mau lên các bạn ơi, hãy đổ về tâm thất phải của Tim. Màu đỏ ở Động Mạch đang chờ chúng ta, các cơ quan khác đang chờ chúng ta.
Ồ! Thật là kỳ lạ! Cả đội ngũ bác sĩ tí hon ở ngay trong cơ thể Bảo đang tận tình giúp đỡ nó. Thì ra chúng không hề hoạt động giống những cỗ máy lạnh lùng, vô tri vô giác như trước đây Bảo từng nghĩ. Chúng cũng có những suy nghĩ, những tình cảm riêng.
- Bảo ơi
- Bạn nào vừa lên tiếng đó?
- Biểu bì đây! Bảo có thấy những lớp da phồng rộp và xây xát kia không? Trong khi chúng tôi cực nhọc tạo ra những tế bào sống thì Bảo lại tự hủy hoại cơ thể của chính mình. Sao Bảo không biết quý cái hình hài đẹp đẽ này? Bảo ơi, chúng tôi với Bảo là một kia mà!
- Biểu Bì Biểu Bì đau lắm phải không?
- Đau! Nhưng không đau bằng người đàn ông ngoài kia. Bảo hãy nhìn ông ta đi!
- Ba? Sao ba lại già mau đến thế?
- Bảo không biết Bảo chính là tuổi trẻ của người ư?
Bảo biến qua lớp cửa chắn và lặng lẽ nhìn người cha của mình. Ba ơi, cái vẻ đĩnh đạc đạo mạo thường ngày đâu rồi? Cái gương mặt sắc lạnh khiến mọi người vị nể đâu rồi? Ngồi trước mặt Bảo bây giờ chỉ là một người đàn ông tiều tụy và đáng thương. Ba buồn vì lý do gì hả ba? Buồn vì bất lực trước tình trạng ngặt nghèo của bệnh nhân trong khi mình là một bác sĩ tài ba ư? Có lẽ vậy! Không thành công được ca này, phải chăng ba e tiếng tăm mình bị ảnh hưởng? Suốt bao năm qua, ba luôn coi trọng danh vọng và sĩ diện hơn con. Ba luôn muốn con phải đuổi kịp cái hào quang chói lọi mà ba sở hữu. Con thương ba. Con đã cố làm ba hài lòng. Nhưng con không làm nổi. Con là học sinh tiên tiến, thầy cô khen con. Nhưng ba mắng con vì ba muốn con phải đạt xuất sắc. Sức học của con không thể vào được lớp chuyên, ba "giúp" con một chỗ ngồi trong lớp bằng con đường ngoài thi cử. Con không cần sự giúp đỡ đó! Lòng tự trọng của con không đáng để ba quan tâm sao? Khi con chập chững những bước đầu tiên, ba luôn kề bên khuyến khích. Nhưng trong lần tập đi thứ hai này, những bước chân con vẫn còn chưa vững, ba lại bỏ mặc con. Con không hiểu biết được như ba, con chẳng biết đi làm sao cho đúng. Những khi con va vấp, ba không hề nâng con dậy. Ba hầm hét bảo con phải tự đứng lên. Rồi chán nản thất vọng về con khi con không làm được. Ngày xưa, ba chẳng bao giờ rụt tay lại khi con ngã Cha con mình trở thành người dưng từ đó. Con không còn bé bỏng, con không cho phép ai xem mình là thằng nhóc. Tuy nhiên ba đã đưa cho con chiếc áo người lớn mới lạ và! to lớn quá sớm. Con không cần ba mặc giùm nhưng mong những lời chỉ dẫn, ba có biết không? Con giận ba. Con ghét ba. Con lao vào những cuộc vui chơi. Khi chiếc xe con đang phóng hết tốc lực mong giành phần thắng về mình, trước mắt con ánh sáng đèn xe sáng lóe. Con không điều khiển xe được nữa và trời đất tồi sầm. Nhưng con biết thẳm sâu trong lòng mình, con vẫn cần ba lắm. Bao năm qua, ba đã sống lẻ loi. Là vì ai, nếu không phải vì đứa con này? Bàn tay ba đã bồng bế con, tiếng hò khàn đục của ba đã từng ru con bên cánh võng.
Chợt, giọng nói run rẩy của ba làm Bảo chú ý: "Bảo ơi, hư đến đâu con vẫn là con của ba! Còn cái gì trên đời này quan trọng hơn con nữa? Ba xin con đừng chết!". Bảo lặng đi. Bảo ngây ra, sững sờ. Ba vừa nói gì nhỉ? Ba cần con đến vậy sao? Ba thương con đến vậy sao? Trời ơi, thế mà suốt ngần ấy năm con nào hay nào biết! Ba ơi, sao từ trước đến nay ba lại không nói với con những lời này? Con đã hiểu lầm ba mất rồi! Bảo biết chính sự nông nổi của mình đã làm khổ ba. Nó cất tiếng gọi: "Ba ơi!". Ba vẫn lặng yên. "Ba ơi!". Bảo gọi lần nữa. Ba vẫn không nghe thấy. Tiếng gọi này từ lâu rồi ba đã đợi, vậy mà đến khi Bảo mở lời, ba lại chẳng thể nghe. Nó đưa tay chùi những giọt nước mắt đặc quánh rơi trên mặt ba nhưng Bảo không tài nào làm được. Cái khoảng cách mong manh giữa bàn tay Bảo và gương mặt ba sao mà nghiệt ngã quá. Não ơi! Tim ơi! Máu ơi! Các Động Mạch, Tĩnh Mạch ơi! Bảo muốn sống! Nếu Bảo chết, ba Bảo sẽ ra sao?
Cánh cửa phòng cấp cứu hé mở. Ba bật dậy, níu lấy người đồng nghiệp:
- Con tôi sao rồi? Nó sao rồi?
- Chúng tôi đã cố gắng hết sức
- Tôi cóc cần biết các anh có cố gắng hay không! Trả lời đi, con tôi làm sao? Ba lắc mạnh vai vị bác sĩ.
Người đồng nghiệp lặng im trước sự phẫn nộ vô lý của ba, bởi ông biết đây là người cha mất con.
- Bác sĩ – Giọng người y tá cuống cả lên – Tim đập lại rồi! Những nhịp đập hoàn toàn khác trước!
- Thật ư?
Tất cả mọi người lao trở vào trong. Những vạch nhỏ gợn lên trên máy. Bao tấm lòng cùng một niềm tin vào sức sống kỳ diệu của con người. Bảo tha thiết nhìn khối hồng nóng bỏng trong lồng ngực trái:
- Đập đi, đập đi Tim ơi!
13-5-2002
Cây kim
Se sẽ kéo ghế. Len lén giở sổ. Cặm cụi. Hí hoáy. Nó đang viết truyện! Nếu có ai ghé mắt qua cửa sổ mà hỏi: "Sáng tác hả?". Nó sẽ giật thót mình: "Đâu có!", như người ta thường đây đẩy chối tội. Chứ nói ra làm gì? Nó thấy mắc cỡ làm sao ấy!
"Ngồi trên giường, mắt ba dường như không còn thấy gì ngoài những hình ảnh vui nhộn trên ti vi. Cạnh bên, mẹ chăm chú mạng lại cái áo cho ba, hai cái trước đã xong, đây là cái cuối cùng. Thỉnh thoảng, mẹ mới ngước lên màn hình khi nghe ba cười thiệt giòn. Ba kéo gối và hưng phấn buông người nằm xuống, bộ phim hài vẫn quấn lấy ánh mắt ba.
- Anh à! Coi chừng
- Oái!
Ba vọt người lên như có ai đang cố hết sức lôi bật ba dậy.
- Cái quái gì vậy nè?
Bàn tay ba xoa rối rít lên gáy. Mẹ buông cả áo lẫn kim chỉ:
- Trời ơi, cây kim em vừa cài vô gối Có sao không anh?
Cơn đau nhói đột ngột làm sự tức giận bung tràn trong từng lời nói:
- Sao trăng gì! Bà làm ăn vậy coi được không? Kim mà đi cắm vô gối! Đàn bà gì mà
- Đàn bà làm sao? Nói đi! Đàn bà làm sao? Mắt mũi ông đâu sao không nhìn? Mà tưởng gì, cây kim có chút xíu, xời, đàn ông…!
Trong khi cái chữ "đàn ông" được mẹ day ra thì ba thấy người nóng bừng, tưởng đang ngồi trên Hỏa Diệm Sơn. Từ chuyện cây kim, ba mẹ nói sang chuyện cái ly, cái chén, cái ghế, cái bàn, cái ti vi
- Một chục cái chén kiểu giờ chỉ còn năm, sáu cái. Là tại ai? Tại ai? Người ta ăn xong rồi rửa, ông ăn xong rồi đập!
- Vậy chứ ai coi ti vi xong lúc nào cũng quên rút điện, mở quạt rồi bỏ đi để mặc cho nó chạy vù? Ai?
-
Trời, hổng dè tất cả đồ vật đều nghiễm nhiên trở thành nhân chứng cho cái tính cẩu thả "không thể chịu nổi" của một trong hai hoặc cả hai người. Sao trước giờ không nghe ba mẹ nói vậy? Nhưng điều không ngờ được là cây kim bé tẹo lại có thể dẫn đến một vật to đùng là cái nhà! Đó là khi giọng ba rắn lại: "Ở trong cái nhà này, riết rồi không sao chịu được!". Cuối cùng thì từ cái ly, cái chén, cái ti vi đến cái nhà đều chạy tất tần tật lên một tờ giấy! Chiếc áo của ba, chiếc áo mà mẹ đang vá giữa chừng, nằm chỏng chơ trên nền gạch lạnh.
Nó bấm "tách" một cái, ngòi viết thụt vào trong, lòng dập dềnh trôi vào những suy nghĩ. Biết kết thúc câu chuyện này thế nào đây? Hay cho nhân vật đứa con, một cô bé, nhặt lại chiếc áo của ba mình và lặng lẽ khâu tiếp những đường chỉ, giữa bao tiếng cười ồn ã trên ti vi? "Người ta vẫn diễn hài, nhưng ba không còn cười được, một cái nhếch mép gượng gạo còn không thể nữa là. Cái bóng mảnh khảnh của nó đổ lặng lẽ giữa hai cái bóng lớn đang thẫn thờ chảy song song. Cây kim cứ tìm tay nó chọc vào bởi đôi tay đang run bần bật. Hai người lớn đứng lên và lại gần nó, ba cái bóng từ từ đan vào nhau rồi nhập nhòa làm một". Chậc, không ổn! Gạch đi hai câu cuối vậy. Hơi tiếc nhưng để thì kỳ. Đọc lại thử coi. Cái kết thúc này vẫn có vẻ gượng, có vẻ xếp đặt làm sao ấy! Những dòng chữ níu nhau lướt chậm qua đầu nó: "Mẹ đứng dậy bỏ ra ngoài, đôi mắt vằn lên những tia màu đỏ. Ba nhặt chiếc áo của mình, thấy từng đường khâu của mẹ và bỗng dưng nhớ lại đã không biết bao lần mẹ mạng áo cho ba. Trong khi ba đăm đăm lên ti vi dõi theo những câu chuyện tức cười thì mẹ chăm chăm vào chiếc áo với từng mũi chỉ đường kim. Sờ lên những đường chỉ còn rất mới, ba giật mình như vừa chạm phải hơi ấm một bàn tay ". Một ý nghĩ khác vụt qua. Hừm! Ý tứ ơi là ý tứ! Lúc thì vắt óc mãi cũng chẳng ra, lúc thì cứ đến ào ào! "Mẹ đứng dậy bỏ ra ngoài, đôi mắt vằn lên những tia màu đỏ. Ba nhặt lại chiếc áo của mình, vô tình, bàn tay ba chạm vào vết rách". Ừ, một vết rách trên áo và một vết rách nghĩa tình. Th! ì ra là cây kim không chỉ để vá lành chỗ toạc, mà còn có thể làm nên vết rách Ba cái kết thúc, biết chọn cái nào? Cái cuối cùng có vẻ hợp lý hơn cả? Nhưng lại không chứa hết ý mình. Tiếc! Nó thở dài đánh sượt. Đầu óc váng vất và "biểu tình" dữ dội. Nó thấy chóng mặt như một người sợ độ cao lại đang đứng chót vót trên đỉnh mà nhìn xuống chân núi. Nghỉ một chút vậy. Nó bước ra ngoài, cửa phòng ba mẹ he hé mở Chớp mắt, chớp mắt, chớp mắt cái nữa! Trên giường, ba đang vừa coi ti vi vừa thích thú vỗ chân đôm đốp, mẹ cần mẫn đâm kim lên xuống trên mặt vải, hổng biết có phải đang bóp kích lại cho vừa người ba không. Theo thói quen, mẹ cài cây kim vừa hết chỉ vào gối. Bình thường, nó chẳng cảm thấy gì. Nhưng nó đang viết một câu chuyện có cảnh giống y như vầy, một câu chuyện chẳng lấy gì làm vui vẻ. Khi không, một nỗi lo lắng ngày càng phồng to hơn, giăng lấy mọi suy nghĩ. Những cảnh vật không còn vào được mắt, nó hầu như chẳng nhìn thấy gì. Ba cái kết thúc, cái nào sẽ dành cho mình, cho gia đình mình? Hay cuộc sống sẽ tự kết thúc khác đi? Nó lắc mạnh đầu, cứ như đang cố làm những ý nghĩ đáng sợ ấy rơi ngay xuống đất. Hối hả, nó tưởng tượng để tự trấn an. Ba sẽ kéo chiếc gối và buông người nằm xuống:
- Anh à! Coi chừng
- Oái! Cái gì vậy nè? Bàn tay ba xoa rối rít lên gáy.
- Cây kim em vừa cài vô gối Có sao không anh?
Ba sờ tay lên gối:
- À! Cây kim! Cây kim của em nè!
- Đưa gáy đây em coi, trời ơi, chỉ tại em
- Nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ đó! Cây kim có chút xíu mà!
Ừ, cây kim có chút xíu mà! Chiều dài chỉ bốn xen-ti-mét và bề ngang chưa tới một mi-li thì làm sao có thể khiến một gia đình mười mấy năm gắn bó phải tan nát được? Câu chuyện mà nó tưởng tượng chỉ là một câu chuyện vô lý, không có thật đâu, không thật chút nào đâu. Nó sẽ xếp câu chuyện ấy lại ngay và không bao giờ viết tiếp.
- Bà nè!
Hình như giọng ba nằng nặng. Những con chữ vừa ghi ngọ nguậy trong lòng và bàn tay tê tê. Chính bàn tay này đã viết nên
- Mắt mũi bà lúc này sao vậy? Xỏ chỉ mà cũng hổng xỏ được. Đưa đây, tui làm cho!
1-9-2002
Ánh sáng dưới lòng sông
Có một hang động dưới đáy sông? Thằng Tỏ bán tín bán nghi khi nghe tin đó. Bởi đâu phải hang động bình thường, mà là hang động bằng đá ngũ sắc. Lạ chưa! Thằng Tỏ ốm loèo khoèo như cọng cỏ khô, cái yếu ớt, bệnh hoạn đối với Tỏ là cái bóng của chính nó, chẳng làm sao dứt ra được. Vậy là mặc cho con Ngát con Dao vùng vẫy giữa sông, hú gọi: "Tỏ ơi, Tỏ à!", nó chỉ dám đứng trên bờ mà tưởng tượng cảnh mình ngập người trong dòng nước mát. Thật ra, cũng có lần thằng Tỏ biến điều mơ ước của nó thành sự thật. Đó là khi nó bị khích quá, bèn nhảy ào xuống sông. Tụi con Ngát, con Dao chưa kịp vỗ tay mừng thì đã thấy thằng Tỏ lóp ngóp đưa tay vẫy, còn thân người đang bị nước kéo tuột xuống. Hoảng quá, hai đứa bơi lại, vác thằng Tỏ lên bờ. Nhưng ước mơ được tung tăng giữa dòng nước mát vẫn cứ nằm trong lòng Tỏ, cơn sóng làm nó suýt chìm không thể cuốn đi mong mỏi ấy. Buồn biết bao nhiêu là thằng con trai vùng sông nước, mà lại chẳng biết bơi. Chỉ có điều Tỏ nhát, nó sợ cái cảm giác chới với và ngột ngạt khi rơi vào vòng vây của nước, nên rốt cuộc là người luôn ngồi trên bờ. Chưa lặn xuống đáy sông bao giờ, thành thử nghe nói có một cái hang ngũ sắc dưới lòng sông, nó không tin, khổ nỗi chẳng có cách gì cãi lại. Mà khi thông báo tin ấy cho nó, vẻ mặt nhỏ Ngát lại hết sức chân thành.
Bữa đó, nó đang ngồi học bài dưới ngọn đèn dầu tù mù thì có tiếng gọi cửa. Xách cái đèn ra tuốt ngoài, nó thấy gương mặt đầy kinh ngạc và ướt nước của Ngát hiện ra trong ánh sáng vàng lung linh. Vốn tính nhát gan, suýt chút nữa Tỏ đã làm rơi cái đèn:
- Bà làm sao vậy Ngát?
Ngát tót vô nhà ngồi, tay xoay xoay từng lọn tóc ướt rượt, đôi mắt vẫn còn chưa tan hết vẻ ngạc nhiên:
- Tui vừa dưới sông lên. Đẹp lắm, lạ lắm Tỏ à! Bữa nào, tui dắt Tỏ đi coi!
- Mà cái gì đẹp mới được chứ?
- Cái hang ánh sáng.
- Ở đâu?
- Dưới đáy sông.
Thằng Tỏ tròn mắt nhìn Ngát. Ngát xích lại gần bạn một chút: "Tui với nhỏ Dao thi lặn. Con Dao lặn sâu quá, nó khích tui. Vậy là tui nín thở để mình chìm luôn dưới nước. Công nhận con sông này sâu thiệt. Tui đang ngộp thở thì giật bắn người luôn. Một cái hang bằng đá ngũ sắc lấp lánh giữa dòng sông, cứ y như cung điện vậy. Tui bơi vô thử, thấy bên trong rộng lắm
- Ngát xí gạt tui!
- Ai ở không mà gạt Tỏ chi cho mệt. Thấy cái hang đẹp quá, định rủ Tỏ đi coi, Tỏ không tin thì thôi! – Ngát giận dỗi.
- Nhưng mà Dao biết cái hang đó không? – Tỏ hơi trớ qua chuyện khác để làm lành.
- Không! Chỉ mới mình Ngát biết. Ngát trồi lên mặt nước, chờ con Dao thiệt lâu mà hổng thấy nó đâu. Lội trở xuống sông, cũng không gặp. Ngát lên bờ thì thấy dấu chân, chắc nó lạnh quá về trước rồi… – Đột ngột, Bảo hạ giọng – Suỵt, Tỏ nè, cái hang ánh sáng là bí mật của tụi mình. Chỉ có Ngát, Tỏ, Dao là biết thôi đó nghe!
Nói rồi, Ngát lẹ làng chạy vụt đi, miệng liến thoắng tạm biệt bạn. Thằng Tỏ ôm cái đèn, nghĩ ngợi lung tung. Một cái hang lấp lánh dưới đáy sông á? Sao trước giờ không ai phát hiện ra? Được rồi, mai tìm nhỏ Dao, vạch mặt Ngát cho coi, đồ ba xạo!
Nhưng Tỏ chưa kịp tìm Dao thì sáng hôm sau, nhỏ đã đứng trước cửa nhà nó. Sương còn chưa tan hết, cái màn trắng mờ như khói, bồng bềnh giữa không gian. Dao mặt mày rầu rĩ:
- Tỏ ơi, qua nhà Ngát với tui nha!
- Đi thì đi, mà sao Dao buồn vậy?
Rồi Dao kể chuyện hai đứa thi lặn. Lúc lên bờ, Dao hổng thấy Ngát đâu. Hơi buốt của đêm làm môi Dao lạnh ngắt như tạc bằng đá, những đầu ngón tay bắt đầu dúm lại. Cảm giác rờn rợn trước bóng tối khiến Dao hoảng quá, co giò phóng một mạch về nhà. Nhưng suốt đêm hôm đó, nó có ngủ được đâu, lo cho Ngát quá mà. Đành rằng Ngát bơi cừ, đành rằng sông đêm qua rất lặng, nhưng Dao vẫn không sao bình tâm được. Khi tia nắng đầu tiên còn chưa hửng, nỗi lo lắng đã giục chân Dao đến đây. Dĩ nhiên là Tỏ trấn an cô bạn của mình, hai đứa dắt nhau qua nhà Ngát. Vừa trông thấy bạn, Dao đã mừng rỡ chạy đến nắm tay Ngát, mừng làm như lâu lắm rồi hai người mới gặp lại nhau. Ngát kể cho nhỏ nghe về cái khám phá "vĩ đại" của mình. Dao cãi ngay:
- Cái mốc xì! Chỉ có Tỏ mới tin Ngát thôi!
- Được rồi, mấy người không tin phải hông
Ngát chưa dứt lời, Dao đã chẹn ngang:
- Ừ, không tin! Trăm nghe không bằng một thấy!
- Cho Dao một trăm cái thấy luôn cũng được. Đi liền với Ngát nè?
Dòng sông buổi sáng đượm mình trong cái ngọt dịu của nắng ban mai. Những tia ấm vàng nhuộm màu cho nước. Không biết sông đang chở nắng hay chính nắng trời đã tan chảy thành một dòng ánh sáng, mênh mang chảy giữa quê nghèo, nơi bàn chân trẻ con cũng trở nên nứt nẻ. Trong khi Ngát và Dao nhảy ùm xuống nước, Tỏ ngồi trên bờ vốc một nhúm cát trong lòng bàn tay. Những chấm cát mịn nhuyễn bao lâu rồi đỡ bước chân người? Nó, Ngát, Dao đã bao lần chạy nhong nhong trên cát để khi về nhà, cát còn vương mãi bàn chân? Khoảnh khắc thời gian nào đang được lưu giữ trong từng chấm cát nhỏ bé này? "Tỏ ơi! Tỏ ơ!". Hai người quạt tay, ngửa mặt khỏi nước. Những giọt trong suốt bắn tung lên không gian, rơi vào vòng tay nâng của nắng và rực rỡ như những vì sao lạc giữa ban ngày. Hai người bạn vừa lên bờ vừa rù rì vào tai nhau điều gì đó làm Tỏ càng thắc mắc. Dao tíu tít:
- Có cái hang ánh sáng thiệt đó Tỏ! Đẹp quá trời luôn.
- Bộ Bộ có thiệt hả? – Tỏ ngơ ngác.
- Không có! Không có cái hang nào hết!
Nó ngoảnh mặt sang chỗ khác. Tỏ năn nỉ mãi, Ngát cứ làm như không nghe. Chỉ có Dao là rủ rỉ:
- Cái hang sáng trưng à, ánh sáng rọi vô mặt, mát lắm. Sờ tay lên đá, vân đá chiếu cả lên tay mình, cứ y hệt vẽ hoa.
Tỏ nắm tay Dao:
- Cho Tỏ xuống dưới coi với!
- Nhưng Tỏ đâu có biết bơi
- Thì tập!
Ba đứa (có cả Ngát nữa, Ngát chỉ hờn Tỏ tí ti thôi, chứ không giận lâu) cùng ngâm mình trong nước:
- Tỏ ơi, quạt tay mình như vầy nè!
- Đừng sợ, đập chân mạnh lên, không sao đâu!
- Ngộp thở quá!
- Ngộp thở thì ngóc đầu lên, cứ chúi mặt xuống nước làm gì?
- Nhưng mà ngóc đầu làm sao? Oái! Ngát, Ngát ơi!
Tiếng cười trôi trên sông. Những e dè trôi trên sông. Tỏ quẫy mình. Kiểu này là bò trong nước chứ đâu có phải bơi. Dao nhắc:
- Tỏ ơi, lên bờ đi, môi Tỏ tím rồi kìa!
- Cho Tỏ lặn với, Tỏ muốn coi cái hang.
Ngát đã trèo lên bờ, giục: "Tỏ ơi, Dao ơi, lên đi!". Cùng Dao bì bõm lên bờ, Tỏ cằn nhằn: "Sao không đi coi cái hang?". Hai người bạn gái nhìn nhau, tủm tỉm mỉm cười. Ngát nói: "Ngày mai, mình sẽ tập lặn, Tỏ há!". Còn muốn coi cái hang thì Tỏ với Dao nhắm mắt lại đi!". Tỏ thấy ai cũng khép mắt nên bắt chước. Giọng Dao nhỏ nhẹ:
- Tỏ thấy gì chưa?
- Nhắm mắt thì làm sao thấy?
- Dao thấy cái hang bồng bềnh giữa sông. Trong hang có nhiều cuội đá đủ sắc màu. Cái hang sáng quá, làm cả lòng sông tối rực lên
Bây giờ thì Tỏ hiểu rồi, hiểu những người bạn của mình rồi. Tỏ nhận ra khi khép mắt, trước mắt nó không phải là màu đen như nó từng tưởng, phải mở mắt ra mới thấy sắc màu, dù là màu đen đi chăng nữa. Ban đầu, Tỏ không nhìn thấy gì, nhưng sau đó Tỏ thấy rồi! Cái hang! Cái hang lung linh đang cho nó trú vào. Kỳ lạ thật, dường như có hai con mắt khác đang mở ra. Nó thấy mình nằm giữa lòng hang, thiếp ngủ êm đềm. Hình như mỗi người đều đang trôi trên một dòng chảy, một dòng chảy không trở lại bao giờ? Trên dòng chảy ấy, có một cái hang ánh sáng cho người ta yên bình trú lại, trước khi tiếp tục trôi đi, một cái hang mà không phải tất cả mọi người đều có thể nhận ra
25-11-2002
P.T
– Hết –
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét