Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

Bup Be Lo Lem.html

Nguyễn Thị Việt Nga

Búp Bê Lọ Lem

Thông tin ebook

Tên truyện : Búp Bê Lọ Lem

Tác giả : Nguyễn Thị Việt Nga

Thể loại : Văn học trong nước

Nhà xuất bản : Kim Đồng

Tủ sách : Tuổi Mới Lớn

———————————-

Nguồn : http://www.nxbkimdong.com.vn

Chuyển sang ebook (TVE) : santseiya

Ngày hoàn thành : 28/07/2008

Nơi hoàn thành : Hà Nội

http://www.thuvien-ebook.com

*

* *

Bố về quê, dẫn lên một con bé đen nhẻm, gầy vêu, tay chân lòng khòng. Đi học về, thấy con bé ngồi xổm nhặt rau dưới bếp, Thư tròn mắt nhìn mẹ dò hỏi, còn con bé ngẩng lên, lí nhí:

- Cháu chào dì!

Mẹ mau mắn giới thiệu:

- Thư, đây là cháu Suốt, con chị Sến, cùng tuổi với con đấy. Dì cháu làm quen với nhau đi! Còn ở với nhau dài mà!

Mắt Thư lại tròn thêm chút nữa. Cô nhìn đứa cháu bằng tuổi mình như nhìn một sinh vật lạ. Sao mẹ bảo "Còn ở với nhau dài!". Dễ thường… Mà có khi đúng, từ hôm bác Lan giúp việc lên Hà Nội với chị Thủy vì chị mới sinh, nhà cứ rối tung lên vì không có người cơm nước, giặt giũ. Mẹ ráo riết nhờ tìm người mà chưa được. Tối nào cũng thấy mẹ vừa rửa bát vừa rên rẩm, vừa tống quần áo vào máy giặt vừa cằn nhằn. Thư giúp mẹ được 2 hôm, đập vỡ tới 2 chiếc bát và một đĩa con cá đẹp ơi là đẹp. Mẹ xót của, không khiến con gái nữa, kệ cho bố bảo: "Mười sáu tuổi rồi không biết rửa bát, nấu cơm thì mai sau ma rước". Thư cười nhăn cả mũi: "Con không sợ ế chồng, con chỉ sợ thi trượt đại học thôi". Tưởng bố đứng ngoài lề chuyện tìm người giúp việc vì chẳng thấy bố tham gia vào những càu nhàu của mẹ, ai ngờ bố lại "lập chiến công" mang được cô cháu gái họ xa lên. Lúc lên nhà, mẹ cười mãn nguyện:

- Con bé cũng nhanh nhẹn, sạch sẽ. Thôi, thế là ổn. Ban đầu hơi lóng ngóng nhưng sau sẽ quen việc.

Thư hỏi cho có chuyện:

- Bằng tuổi con sao nó cao thế nhỉ? Họ hàng thế nào mà con lại được làm dì thế?

Mẹ nhăn trán một chút rồi dẫn giải:

- Mẹ nó, tức chị Sến ấy, là con gái bác Thoan, bác Thoan là vợ bác Phong, mà bác Phong là con trai thứ hai, hay thứ ba gì đấy của vợ hai ông Cả Trục. Ông Cả Trục là anh em con chú con bác với ông nội nhà mình. Như thế là…

Thư phì cười:

- Khiếp, lê thê như thế thì con biết sao được. Nói gọn lại: Nó là cháu con. Tự dưng có đứa cháu to đùng thế, kể cũng hay!

"Sự kiện" cái Suốt xuất hiện trong nhà thoạt đầu không khiến Thư để tâm lắm. Trước nó, đã có bác Lan giúp việc ở đây tới mấy năm. Bác vừa chu đáo, gọn ghẽ, lại sạch sẽ, được lòng cả nhà. Có bác, ai cũng nhàn. Đến lúc chị Thủy sinh con, anh Quân đâm bổ về, nhăn nhó, gãi đầu gãi tai, nói mãi, nói mãi, mẹ đành để bác lên giúp chị. Những ngày bác Lan mới đi, cả nhà như có bão, mọi thứ cứ nháo nhào. Mẹ nấu cơm, tìm hết hơi không thấy lọ muối. Rõ ràng nhà mình, mà mỗi lúc cần thứ gì, mẹ hỏi bố, bố hỏi Thư, Thư lắc đầu vì chẳng biết hỏi ai. Sau đó, cô có “sáng kiến” là gọi điện lên nhà chị Thủy, hỏi bác Lan. Tiền điện thoại tháng ấy tăng đột biến. Bây giờ có cái Suốt thế chân bác Lan, chắc mẹ là người vui nhất. Cái Suốt rụt rè, nói ít, cười cũng ít, mắt cứ hay nhìn lảng xuống đất mỗi khi ai hỏi chuyện. Nhìn nó mất tự nhiên một cách khổ sở như thế, Thư cũng chẳng muốn hỏi han gì thêm. Những thông tin cần thiết về nó thì đã rõ: 17 tuổi, học hết lớp 9 là bỏ, nhà nghèo, có 1 em trai đang học lớp 6, bố bị bệnh tâm thần, mẹ cấy những 8 sào ruộng… Thư chỉ có một băn khoăn nhỏ: Chẳng biết đến lúc nào cái Suốt mới thạo việc nhà và chu đáo với mình như bác Lan.

Sáng hôm sau tới trường, ra khỏi nhà để xe, trông thấy cô bạn thân Phương sún đang te te xách cặp đi từ cổng trường vào, Thư vẫy tay rối rít. Phương sún vừa chạy tới, Thư khoe luôn:

- Này, tin nóng đây, nhà tao đã có Ôsin mới rồi. Thoát cảnh nấu cơm trưa khốn khổ.

Phương sún trề môi:

- Đúng là tiểu thư, nấu cơm cũng gào lên. Mày ở một mình chắc chết đói.

Thư không để ý đến lời châm chọc của con bạn, hí hửng khoe tiếp:

- Nó ngộ lắm mày ạ!

Phương sún ngạc nhiên:

- Ai cơ?

- Thì con bé đấy! Bố tao mang nó từ quê ra. Bằng tuổi tụi mình, nhưng bỏ học rồi, mà phải gọi tao là dì hẳn hoi.

Phương sún hỏi ngay câu trứ danh của nó:

- Có xinh không?

Thư nhăn mũi:

- Có phải hoa hậu đâu mà mày hỏi xinh không. Ờ, nhưng mà có lẽ nó cao gần bằng hoa hậu đấy. Tên buồn cười lắm mày ạ, con gái lại tên là Suốt, nghe chẳng có nghĩa gì…

Phương sún không mặn mà với đề tài cháu Suốt giúp việc của Thư mà ngoằng ngay sang chuyện hai đĩa nhạc Trịnh Công Sơn của nó vừa mất tích một cách bí ẩn. Nó nghĩ ông anh trai thó trộm để cho bạn gái mượn. Đến cửa lớp, vẫn thấy Phương sún lải nhải, kêu ca, Thư định bảo Phương “tắt đài” đi, nhưng bất ngờ cô nàng quay sang hẹn:

- Chủ nhật này tao qua rủ mày đi học Anh, xem mặt nó, xem có xinh không nhé. Suýt nữa Thư phì cười bảo “Xinh hơn mày nhiều”, nhưng Phương sún đã quay sang gây sự với Tuấn kều về tội “Sao ông giẫm vào chân tôi” nên thôi. Trống vào lớp, tất cả ào ào về chỗ ngồi. Nhìn Tùng hươu lêu đêu đi qua mặt mình, Thư lại bật cười vì ý nghĩ ngộ nghĩnh vừa xuất hiện: “Hắn đi với cháu Suốt của mình thì đẹp đôi phải biết”.

Điều đầu tiên Thư cảm thấy khó chịu về cái Suốt là việc bố hì hục kê chiếc giường mét hai ở phòng xép dưới tầng 1 lên phòng Thư. Đi dự sinh nhật cái Lan lớp 11B bên cạnh về, đang hớn hở vì Tuấn Phong – Lớp trưởng lớp 11B hôm nay có vẻ ga lăng tệ, đưa cô về tận cổng, còn lịch sự “chúc ngủ ngon”, vào đến cửa phòng, Thư sững ngay lại vì bố đang xoa tay ngắm nghía chiếc giường ghẻ, đã được kê song song với giường mình. Thấy con gái nhíu mày, bố giải thích luôn, trước khi Thư kịp bật ra câu hỏi:

- Từ nay, cái Suốt sẽ ngủ trên này với con.

Thư giậm chân bực bội:

- Sao lại thế, bố?

Bố dỗ dành:

- Hai dì cháu trên này càng vui chứ sao!

- Nhưng mà con không cần vui.

Thư đã gần như hét lên. Cô nhìn quanh, nhưng không thấy cái Suốt đâu. Sao tự dưng nó lại đòi lên phòng mình ở? Vô lý thế! Trước đây, bác Lan vẫn ở dưới phòng xép. Tại sao nó không ở đấy? Con bé nhìn có vẻ hiền lành mà gớm thật. Bố nghĩ thế nào lại đi đồng ý với đòi hỏi quá đáng của nó. Thư cầu "viện binh" từ mẹ, cô gào, vừa nhõng nhẽo, vừa hờn dỗi, lại vừa cáu kỉnh:

- Mẹ ơi! Mẹ.

Mẹ từ phòng bên xuất hiện và ngay lập tức hiểu mọi chuyện:

- Cái Suốt sợ ma nên không dám ngủ một mình ở dưới. Mấy đêm rồi con bé ấy lục sà lục sục. Ai lại đi ngủ mà điện không dám tắt, nằm một lát lại bật dậy, ngơ ngác nhìn quanh, nên mẹ bảo nó lên đây với con…

- Nhưng mà con không thích nó ở trên này!

- Không được – Mẹ quyết định thẳng thắn – Suốt sẽ ngủ trên này với con. Nó chẳng làm phiền con đâu. Bao giờ quen nhà, không sợ nữa, mẹ lại bảo nó dọn xuống dưới tầng.

Mẹ ra, bố cũng ra nốt. Thư tức điên lên. Có vẻ bố mẹ đã ngả về phía con bé ấy, nên bênh nó chằm chặp, còn mình thì bị “ra rìa”. Mà con bé đó là gì cơ chứ? Một đứa giúp việc! Dẫu có họ hàng, có là cháu đi chăng nữa thì cũng không đáng để nâng niu như thế. Hừ! Sợ ma. Sợ ma cái gì, con gái nhà quê, lại 16, 17 tuổi rồi, sao lại sợ ma? Có mà thích ở phòng này thì có. Phòng mình đẹp, lại đầy đủ tiện nghi, hơn hẳn cái phòng xép chật chội dưới kia… Tự dưng, Thư thấy ghét con bé quá! Ghét cay ghét đắng! Chưa gì đã ngọng ngạnh. Bố cứ bảo nhà nó nghèo lắm, khổ lắm, nó chăm chỉ lắm, biết điều lắm… Thế mà mới lên đây có mấy ngày đã đòi hỏi nọ kia… Thư tức lây sang cả mẹ. Tại sao mẹ phải chiều nó thế? Đành rằng nó làm hết việc nhà để mẹ rảnh rang với cửa hàng, nhưng không phải vì thế mà nó muốn gì cũng được. Đúng lúc Thư ứa nước mắt vì bực bội và cả tủi thân thì cái Suốt lò dò dẫn xác lên. Chắc nhìn mặt, biết Thư đang cáu nên nó len lét, nói như hụt hơi:

- Dì ơi…cháu…

Thư ngoắt mặt vào tường nín thinh. Con bé lầm lũi đi ra. Lại là mẹ xuất hiện ngay cửa phòng.

- Suốt vào tìm chỗ mắc màn mà đi ngủ đi. Dì Thư học khuya lắm, cháu cứ ngủ trước.

Cái Suốt “vâng” lí nhí. Mẹ vẫn cứ đứng ở cửa phòng như giám sát viên. Đến tận lúc con cháu quý hóa mắc xong màn, trèo lên giường rồi, Thư vẫn xị mặt ngồi nguyên ở mép giường, không buồn nhúc nhích. Thêm chiếc giường nữa, căn phòng chật chội và lộn xộn hẳn. Tự nhiên Thư thấy mọi vật trong phòng đều trở nên nhếch nhác, xấu xí vì cái giường cà khổ ấy. Đây là cái giường ngày xưa bà nội vẫn nằm. Chuyển ra thành phố với con cháu, bà cứ nằng nặc đòi mang theo nó, vì bà bảo đây là cái giường do chính tay ông nội đóng bằng gỗ cây xoan cụ nội trồng đầu cổng. Bà mất, lại đến lượt bố quyết liệt giữ cái giường kỷ niệm ấy. Giờ thì nó lù lù giữa căn phòng rất điệu của Thư. Nhìn mà tức mắt. Cái Suốt biết Thư đang bực nên lặng lẽ nằm không nhúc nhích. Thư mở vở, mắt vẫn liếc sang chỗ nó liên tục. Chỉ cần nó gây ra một tiếng động, dù nhỏ thôi là sẵn sàng bị mắng ngay. Nhưng nó cứ ngay đơ như khúc gỗ. Ngồi một lát, Thư đâm chán, chẳng có hứng thú học hành hay quan sát nó nữa. Tắt điện, lên giường nằm rồi mà nỗi ấm ức với bố mẹ chưa nguôi. Nghe tiếng cái Suốt thở đều đều ở giường bên cạnh, tự nhiên Thư ước sáng mai ngủ dậy sẽ chẳng thấy nó nữa. Đang đâu lại phải ở chung phòng với một cô cháu quý hóa bằng tuổi mình mà ngơ ngơ như bò đội nón…

“Chiến tranh lạnh” giữa Thư và cái Suốt kéo dài ba ngày. Thư không nói với nó bất cứ câu gì. Có lúc, hỏi Thư đến mấy câu, không được trả lời, cái Suốt cụp mắt xuống, len lén đi ra chỗ khác. Đến ngày thứ ba thì nó khóc với mẹ ở dưới bếp:

- Bà ơi, cháu lại xuống dưới tầng 1 ở thôi, cháu không ở cùng dì Thư đâu.

Mẹ không biết vụ “chiến tranh lạnh”, nên hỏi vô tư:

- Thế hết sợ ma rồi à? Bà đã nói làm gì có ma mà mày cứ thần hồn nát thần tính.

Cái Suốt lí nhí:

- Không… cháu vẫn hãi ma. Cơ mà, ở với dì Thư, dì ấy chẳng nói gì, cháu còn hãi hơn…

Thư nghe lỏm được mẩu đối thoại ấy lại phì cười. Thì ra con bé xếp mình vào dạng ghê gớm hơn cả ma. Chưa để cho mẹ kịp phản ứng gì, cô nói chõ từ cầu thang xuống:

- Mày cứ ở đấy cũng được, miễn đừng làm mọi thứ lung tung lên.

Cũng từ hôm ấy, Thư nói chuyện với cái Suốt nhiều hơn. Động cái gì nó cũng hỏi, hỏi đến lắm. Thư trả lời mỏi mồm. Bao giờ cũng thế, câu kết luận của nó cho tất cả mọi chuyện là “tài nhỉ”. “Dì ơi, cái giông giống ti vi này là máy vi tính à, để làm gì cơ? Làm được nhiều việc thế cơ à? Tài nhỉ?”, “Nhóm bếp ga không cần dùng bật lửa, tài nhỉ dì Thư nhỉ?”. Lắm lúc Thư phải gắt lên: “Mày hỏi in ít thôi, lúc nào cũng tài với chả giỏi”, làm cái Suốt cụt hứng, lại im re. Mẹ bỏ ra bao nhiêu thời gian hướng dẫn nó làm việc nhà, mà vẫn chưa đâu vào đâu. Con bé không biết sử dụng các loại thiết bị hiện đại như máy giặt, lò vi sóng… lại không tiếp thu nhanh nên quá trình “đào tạo” thật lâu. Có hôm, vứt hết áo quần bẩn vào máy giặt rồi, nó rón rén lên phòng, thì thầm với Thư: “Dì ơi chết cháu rồi nó đang quay, cháu mở nắp, thế là nó khựng lại ngay. Bây giờ làm thế nào? Cháu hãi lắm!”. Thư luôn cáu kỉnh mỗi khi phải dạy nó sử dụng một loại thiết bị nào đó. Có hôm cô gắt: “Sao mày tối dạ thế!”. Tưởng cái Suốt tự ái, ai ngờ nó gật đầu nhẹ tênh: “Cháu ngu lắm dì ạ!”. Hai dì cháu cùng tuổi mà cái Suốt cứ như đứa vừa lạc từ hành tinh khác đến. Biết là Thư chưa có cảm tình gì với mình, nên nó cũng không dám lân la chuyện trò nhiều.

Bất bình về chuyện phải san sẻ một góc “giang sơn” cho cái Suốt, Thư ra lớp than thở với Phương sún. Phương sún cũng bực lây. Nó nhăn mũi:

- Khiếp, sao phải ở với nó? Nhà mày thiếu gì chỗ…

Thư lụng bụng:

 - Nhưng mà nó sợ ma, không dám ngủ một mình dưới tầng một.

Phương sún phì cười:

- Sợ ma? Con cháu mày hay thật đấy.

Nhưng rồi ngẫm nghĩ thế nào, nó lại thôi không cười nữa, mặt đầy vẻ quan trọng:

- Tao nghĩ là không phải thế đâu. Nó thích ở phòng mày thì có! Mày phải cảnh giác đấy! Bố mẹ mày cũng dễ tính nhỉ?

Phương sún nói thật trúng tâm trạng Thư. Nỗi ấm ức làm Thư sầm mặt. Phương lại động viên:

- Nhưng nó có họ với nhà mày cơ mà, chẳng dám làm gì đâu!

"Làm gì là làm gì?”. Thư định hỏi Phương câu ấy xong lại thôi. Từ hôm có cái Suốt, đề tài “xêmina” mỗi sáng của Thư và Phương chỉ xoay quanh nó, hôm nào cũng có chuyện để cười. Nào là cái Suốt nấu canh mặn, khi Thư kêu, thì nó chống chế bằng vẻ mặt rất thật thà: “Hình như muối này mặn. Ở quê cháu, cháu cho có mỗi tí mà cũng mặn”. Nào là cái Suốt lấy nhầm chai nước tẩy rửa nhà vệ sinh để gội đầu, bị dị ứng, gãi rách cả da đầu. Nó bảo “thấy thơm thơm, cháu cứ tưởng dầu gội đầu”. Chiếc bàn chải cọ toa lét lại được nó mang lên phòng Thư để ngay ngắn trước gương. Thư gào lên: “Mày đem cái của nợ này lên đây làm gì?” thì con bé tròn mắt ngạc nhiên: “Cháu cứ tưởng nó là cái lược?”… Hôm nào nghe xong chuyện cái Suốt, Phương sún cũng cười chảy nước mắt. Rồi nó quyết định: "Tao phải đến nhà mày để xem nó mới được!".

Chiều hôm ấy được nghỉ học Anh văn vì cô giáo ốm, Phương sún hăm hở đạp xe đến nhà Thư. Nghe chuông cửa, biết Phương đã tới, Thư vẫn ngồi lì trên phòng, gọi cái Suốt ra mở cửa. Cái Suốt đang lau nhà, vứt vội cây chổi mút, chùi tay vào quần rồi tất tả chạy ra. Thấy Phương hỏi: “Thư có nhà không hả ấy?”, nó lễ phép: “Dì Thư ở trên gác ấy, dì cứ lên đi”. Được cái Suốt gọi là dì, Phương sún vừa sung sướng vừa buồn cười, nhảy hai bậc cầu thang một. Thấy Thư đang ngồi chờ, Phương sún nháy mắt, chỉ xuống dưới nhà: “Đấy hả?”, Thư gật đầu. Phương sún tò mò, bảo: “Mày gọi nó lên đây đi” làm như cái Suốt là một thứ đồ chơi không bằng. Đang tự nhiên gọi, đời nào nó lên. Con bé nhát như cáy, nhà có khách, Thư bảo nó mang nước ra, nó cũng ngần ngại, đùn đẩy: “Cháu ngại lắm, dì mang hộ cháu với”. Thư mắng, thì nó bộc bạch: “Cháu cứ đứng trước người lạ là tim đập thình thịch… sợ sợ là”. Phương sún giục thêm hai lần nữa, Thư gọi: “Suốt ơi! Lên đây dọn phòng cho dì trước, lau nhà dưới ấy sau”. Cái Suốt le te chạy lên ngay: “Phòng dì cháu vừa mới dọn thôi”. Phương sún tặc lưỡi: “Dọn rồi thì vào đây chơi!”. “Cháu ấy ạ?” con bé trố mắt ngạc nhiên, Phương sún bật cười: “Ấy đừng gọi là dì, nghe già lắm. Tớ bằng tuổi ấy". Cái Suốt cười ngượng nghịu: “Nhưng mà… dì là bạn dì Thư cháu”. Thư “hạ lệnh”: “Gọi là chị thôi cũng được, chị Phương, nhớ chưa?”.

Mặc cho Phương sún rủ rê, cái Suốt không dám vào ngồi chơi. Nó bảo: “Em còn phải lau nhà”, rồi chạy xuống tầng một. Có thế thôi mà mặt mũi cũng đỏ tưng bừng. Phương sún nằm dài xuống giường, cười tủm tỉm một mình rồi ngoảnh sang: “Lẽ ra tao cứ để nó gọi là dì cho khoái”. Thư bĩu môi: “Còn lâu. Nó có họ hàng gì với mày đâu”, “Trông nó ngộ nhỉ” – Phương nhận xét, “người cao lòng khòng, nhìn chỉ toàn thấy chân với tay. Ở nhà một mình có nó nói chuyện, chắc cũng đỡ buồn”. Thư bĩu môi: “Mày cứ làm như nó là bạn tâm giao của tao không bằng”.

Quẩn quanh một lát bên phòng Thư, thấy cái Suốt đang lục cục dọn bên phòng bố mẹ, Phương sún lại tót sang. Vài phút sau, Thư sang theo nghĩ bụng: “Con Phương dở hơi này bám theo nó làm gì không biết”. Cái Suốt đang chổng mông lau nhà bằng chiếc khăn bông cũ to tướng, còn Phương sún đứng lù lù bên cạnh. Chúng nó chuyện trò cứ như đã thân quen từ lâu lắm:

- Thế nhà Suốt chỉ có hai chị em thôi à? Tớ cứ nghĩ ở quê thì phải đông anh chị em. Các bác tớ, nhà nào cũng có đến bốn, năm anh chị…

- Nhẽ ra nhà em cũng có ba chị em. Nhưng một đứa mất rồi. Đứa ấy sát em, là con gái. Nó ngã xuống ao…

Giọng Phương sún thảng thốt:

- Thế à? Khổ thân nó thế! Sao Suốt không học tiếp lên cấp 3, lại bỏ dở giữa chừng?

- Em học dốt lắm. Với lại nhà em nghèo, chẳng có tiền mà đi học tiếp. Hồi ôn thi tốt nghiệp, phải nộp nhiều tiền, em đi móc cua suốt, ngày nào cũng bán cua, thế mà vẫn phải xin thêm tiền của mẹ, mẹ em lại phải bán thóc. Cơ mà cua ở nhà quê rẻ lắm, chẳng đắt như ở đây đâu. Hôm nọ em thấy bà mua những 5 nghìn mà được có vài con cua ngoe. Năm nghìn ở quê em ấy à, mua được cả giỏ cua đầy ắp.

Thấy Phương sún cứ hếch mũi nghe con cháu ba hoa, Thư đâm bực. Nó đến đây chơi với mình hay với cái Suốt thế? Mà giọng điệu của nó hỏi han con bé mới ghét làm sao, cứ như bạn bè từ lâu rồi:

- Thế bỏ học giữa chừng, Suốt có tiếc không?

Cái Suốt chép miệng nhẹ tênh:

- Chả tiếc. Em ở quê, học lắm làm gì, cũng chỉ đi cấy, đi cày thôi. Học thế, tốn tiền, tốn gạo của bố mẹ ra. Như các chị, học xong đi làm cán bộ thì mới bõ.

Phương sún phì cười:

- Đằng ấy nói cứ như bà cụ ấy!

Thư đứng ở cửa phòng giậm chân, giọng ra dáng bà chủ nhỏ:

- Suốt! Xong chưa? Có mỗi cái phòng bé tí mà lau lâu thế. Còn cầu thang, còn nhà tắm nữa…

Cái Suốt biết ý, không nói gì, mắt cụp xuống, mải miết lau. Phương sún lách qua người Thư để sang phòng bên kia. Thư quay đi, còn cố tình càu nhàu cho Suốt nghe thấy: “Chân tay nguều ngoào mà làm chậm như rùa. Mọi lần, bác Lan làm loáng cái là xong”. “Giành giật” được Phương sún về phòng, Thư lôi ra đĩa nhạc trẻ, nhưng Phương sún lắc đầu:

- Thôi, chơi tí rồi tao về. Hôm nay phải đi chợ, nấu cơm.

Thư dỗi:

- Mày chỉ đến để “xem” cái Suốt thôi chứ gì?

Không ngờ Phương sún cười toe, gật đầu:

- Đúng thế! Tại mày “quảng cáo” ghê quá!

Thư liếc ra cửa thật nhanh, rồi nháy mắt:

- Thấy nó có xinh như tưởng tượng của mày không?

Phương bất chợt hạ giọng, gần như thì thầm, nét mặt lại có vẻ ưu tư thật lạ:

- Tao thấy… nó cũng hay hay. Nhà nó khổ nhỉ…

Thư dài môi, định bảo: “Khổ gì mà khổ" để chặn họng không cho Phương sún tiếp tục câu chuyện về đề tài cái Suốt, nhưng lại chợt nghĩ: Mình cũng chưa hiểu biết gì lắm về gia đình con bé. Bố mẹ nói sơ sơ nhưng mình chẳng để tâm. Từ hôm cái Suốt chuyển lên ở chung phòng, Thư ghét, không hỏi han gì. Hôm nay, Phương sún lại khai thác được khá nhiều về gia đình nó… Tự nhiên Thư thấy tức tức, mà chẳng rõ mình tức gì. Tán gẫu được vài câu, Phương sún ra về, đến cửa còn ngoái vào bảo: “Suốt ơi, về nhé”. Thư làu nhàu: “Không phải chào nó. Tao đây sao mày không chào?”. Phương chun mũi: “Thì chào. Bai bai. Mai gặp lại”. Phương sún phóng xe khỏi, Thư quay vào, trút nỗi bực không tên lên cái Suốt: “Sao mày lau xong lâu rồi mà nhà vẫn còn ướt thế. Đi chân trần thì ngã vỡ đầu ra đấy”. Con bé lại cụp mắt xuống, lí nhí: “Cháu sẽ lấy giẻ khô lau lại”. Thư thấy rất rõ nó nhìn theo Phương sún một cách luyến lưu, nuối tiếc.

Thì ra, cái Suốt không phải đứa lầm lì, ít nói như Thư tưởng. Mấy hôm đầu lạ nhà, lạ người nên nó ra vào khép nép, dạ thưa lí nhí. Đến lúc quen, nhất là được bố và mẹ Thư chiều chuộng, mồm mép nó cũng như tép nhảy. Ngay hôm Phương sún đến chơi, lúc ăn tối, nó vừa xới cơm cho cả nhà, vừa láu táu:

- Dì Thư ơi, cái chị Phương bạn dì chiều nay vui tính nhỉ. Chị ấy cứ…

Thư cau mặt, giọng hơi gắt:

- Vui gì mà vui. Xới cho tao ít thôi, đừng có lèn đầy chặt bát như kiểu xới cơm ở nhà mày. Ăn từ đầu bữa đến cuối bữa không vơi đi được.

Mẹ không để ý đến sự khó chịu của Thư, lại quay sang bảo cái Suốt:

- Chiều nay cái Phương đến đây à? Lâu lắm không nhìn thấy nó. Nó bằng tuổi cháu thôi, chị em gì?

Thư vẫn hấm hức:

- Mới đầu, nó còn gọi Phương sún là dì cơ…

Cả bố cả mẹ đều cười. Được đà, cái Suốt lại nhanh nhảu:

- Sao dì lại gọi chị ấy là Phương sún?

Lần này, Thư không kìm nỗi bực bội nữa:

- Chuyện ấy không liên quan gì đến mày!

Cái Suốt chưng hửng, lặng lẽ ăn cơm. Mẹ nhìn bố nhìn sang Thư rồi nghiêm giọng:

- Sao con lại cáu kỉnh vô lý thế? Cháu nó không biết thì hỏi… Chị em dì cháu bằng tuổi nhau, chơi với nhau cho vui…

Bố hùa theo:

- Có gì cháu chưa biết, thì con bảo thêm chứ. Làm dì cơ mà, ai lại dỗi hờn như trẻ con thế.

Thư đỏ mặt, cũng cắm cúi ăn, không đáp. Hết bát cơm, cô buông đũa, chạy thật nhanh lên phòng, đổ ập xuống giường, cố nuốt cục tức đang chặn ngang cổ họng. Chẳng hiểu sao bố mẹ cứ bênh cái Suốt chằm chặp cứ như nó là nhân vật quan trọng lắm. Thực ra thì nó là ai? Là một đứa giúp việc ranh con, chân tay hậu đậu, làm ăn vụng về, đoảng vị. Tính về phương diện họ hàng thì cũng xa lơ xa lắc, ngôi thứ lại thấp tè. Thế mà với bố mẹ, nó lại được lòng. Nó ăn đổ làm vỡ, Thư lườm nguýt, mẹ bao biện: “Cháu nó chưa quen những việc thế này, ở nhà chỉ phải cấy, gặt chứ có biết bếp ga với máy xay sinh tố là gì đâu”. Bố thì xuýt xoa những lúc không có nó: “Gia cảnh nhà nó khổ lắm. Con bé cũng tốt nết, bảo xa nhà thì nhớ lắm, nhưng vẫn cố đi giúp ông bà, lại có thêm tiền đỡ đần bố mẹ". Có lúc, bố còn mang nó ra để so sánh với Thư: “Bằng tuổi con, thế mà nó ở nhà phải làm đủ việc. Nhà nó cấy tám sào ruộng, chỉ toàn 2 mẹ con chài chãi làm đêm làm ngày. Đâu như con, nấu có bữa cơm cũng lười”. Đúng là từ ngày có cái Suốt xuất hiện ở nhà này, Thư toàn bị bực mình bởi nó. Thư thấy tiếc bác Lan, rồi lại thấy bực chị Thủy, anh Quân, tức lây sang cả thằng cu Tít nhà anh chị. Đang đâu thì mẹ cho bác Lan lên nhà chị Thủy. Anh Quân cứ hứa lấy hứa để: “Cho chúng con “mượn” bác Lan ít hôm, đến khi nào tìm được người giúp chúng con sẽ đưa bác ấy về trả bố mẹ”. Mượn mõ kiểu ấy có mà mất hút luôn. Chắc bố mẹ cũng tính chuyện để bác Lan ở luôn trên ấy nên mới lôi! cái Suốt từ quê ra đây. Đã mấy lần Thư xui mẹ mang cái Suốt lên nhà chị Thủy, đòi bác Lan về, nhưng mẹ bảo “Không được, cái Suốt không thể chăm trẻ con khéo bằng bác Lan. Bác ấy từng nuôi con, nuôi cháu nên có kinh nghiệm”. Rồi mẹ còn bảo cái Suốt ở đây càng vui chứ sao, hai dì cháu bằng tuổi nhau, chơi với nhau thì tốt quá. Thư ghét nhất ý nghĩ ấy của mẹ. Sao lại phải chơi với nó? Mình thiếu gì bạn. Mẹ thì chỉ ưu ái nó không đâu… Cục tức trong họng Thư không nhỏ đi mà càng ngày càng lớn… Chẳng hiểu sao đến Phương sún cũng có vẻ thân thiện với nó. Vừa mới gặp Phương sún lần đầu mà nó cứ tớn mãi lên, một điều chị Phương, hai điều chị Phương, làm như bạn mình cũng là bạn nó không bằng. Ghét thế! Nó phải biết nó là ai chứ! Được rồi, mình sẽ liên tục nhắc nhở cho nó nhớ… Cứ hậm hực nghĩ ngợi một mình, Thư tức chảy cả nước mắt. Thấy tiếng bước chân đi lên cô vội vàng đưa tay quệt mắt, nghĩ nhanh: Nếu là cái Suốt, chắc chắn nó sẽ bị ăn mắng. Nhưng không phải. Bố hiện ra trước cửa, tay cầm đôi tất mới, một trắng, một xanh lơ:

- Cô Hạnh phòng bố đi Trung Quốc về mua tặng. Bố mang về cho con một đôi, cái Suốt một đôi. Con thích màu nào?

Lại cái Suốt, cái Suốt. Lúc nào cũng cái Suốt. Sao cứ đánh đồng cái Suốt với mình. Thư vùi mặt vào gối:

- Con không lấy. Con nhiều tất lắm! Bố cho nó cả đi.

Bố tưởng thật:

- Thế à?

Bố đã toan quay ra, Thư ngồi bật dậy:

- Bố! Con không cho nó. Của con cả hai đôi!

Hiểu ra tình hình, bố bật cười:

- Con tị với nó làm gì cơ chứ! Bố cho, nó bảo để dì Thư chọn trước, đôi nào đẹp thì dì ấy đi, còn đôi nào xấu cháu mới dám lấy, cháu chỉ cần đôi xấu thôi…

Cục tức trong Thư dịu đi một chút. Nhưng chỉ một chút thôi.

Cái Suốt đã rửa bát xong, đang xem ti vi cùng mẹ ở tầng dưới. Giọng nó cứ bô bô: “Cháu chỉ thích xem phim Hàn Quốc với lại phim Việt Nam thôi bà ạ”. Nghe nó nói, nó cười, Thư lại thấy tức. Cô ngang ngạnh:

- Không, con cứ lấy cả hai đôi tất!

Bố đành nhượng bộ:

- Thôi được! Con cất đi.

Bố ra, Thư đắc thắng nhìn hai đôi tất nằm trên bàn, nghĩ thầm: “Có thế chứ! Nhất định mình không cho nó”. Cô cố tình không cất đi, lát nữa cái Suốt lên, mon men hỏi gì về tất là sẽ bị mắng ngay. Nhưng dự định của Thư không thành. Con bé xem phim xong, về phòng, rón rén mắc màn. Thư đang học bài ngoảnh ra, thấy nó ngáp dài, chẳng chú ý gì đến đôi tất. Cô phải gợi:

- Cất cho dì hai đôi tất vào tủ quần áo đi!

Con bé “Vâng” ngoan ngoãn. Đến lúc nó chui vào màn nằm im rồi, Thư vẫn băn khoăn: Sao nó không thắc mắc gì về chuyện hai đôi tất trong khi bố đã bảo cho nó một đôi? Tự dưng Thư lại thấy ngường ngượng. Hình như mình hơi nhỏ nhen thì phải? Một đống tất ở trong tủ kia, thiếu thốn gì mà lại phải tranh với nó? Nhưng cô tìm được ngay lý lẽ để bào chữa cho mình: Giá bố mang về cho mình, mình không thích dùng mà cho lại nó thì đi một nhẽ, đằng này bố lại coi hai đứa như nhau, ai mà chẳng tức. Chẳng biết cái Suốt có nghĩ ngợi gì không, nhưng chỉ vài phút sau đã thấy nó ngủ biến, nhịp thở đều đều, đều đều…

*

Phương sún thấy Thư ôm cặp bước vào lớp, vội vã cười toe:

- Có chuyện hay cực kỳ đây!

Quang quác bàn dưới đang hứng chí gõ bàn bằng thước kẻ, mồm ư ử một bài hát gì đó bèn dừng ngay lại, hóng lên:

- Chuyện gì thế? Hôm nay được nghỉ tiết nào à?

Phương sún quay ngoắt lại lườm Quang quác:

- Còn khuya! Suốt ngày tơ tưởng nghỉ với chả nghỉ. Thế mà cũng đòi làm tổ trưởng.

Quang quác trề môi:

- Không được nghỉ mà là “chuyện hay” à?

Phương sún lườm Quang quác lần nữa rồi kéo tay Thư chạy ra hành lang, thì thầm vẻ quan trọng:

- Thằng Hiếu “trư” lớp mình “có vấn đề”.

Mắt Thư sáng lên:

- Thế à? Với ai thế?

Mắt Phương sún liếc thật nhanh ra xung quanh. Yên trí không có ai đừng gần nghe trộm, nó vẫn thì thào thật khẽ:

- Cấm hở cho đứa nào biết đấy nhé. Nàng Vân Lâm Đại Ngọc mày ạ.

Suýt nữa thì miệng Thư ngoác ra tận mang tai, nhưng vội kìm lại được. Trời ạ, Hiếu “trư” lại đi tơ tưởng Vân Lâm Đại Ngọc. Một kẻ béo quay, lúc nào cũng ì ạch, sở hữu tâm hồn thực dụng nhất trái đất lại “kết” được với tiểu thư Vân điệu chảy nước, tâm hồn luôn treo ngược cành cây. Thế này thì thú vị quá đi mất. Trong lớp, chắc chẳng đứa nào ngờ Hiếu “trư” thích Vân. Tụi nó toàn gán ghép hắn với Bích bộp, bí thư Đoàn, có trọng lượng tương đối cân xứng. Lĩnh hội xong tin mật, Thư toan vào lớp để hí hứng quan sát cả Hiếu và Vân thì chợt nhớ ra:

- Này, nhưng chính xác không đấy? Ai bảo mày?

Phương sún cười đắc chí, trông hàm răng của nó càng thấy ghét:

- Tao bắt được thư thằng Hiếu viết…

Chỉ thiếu điều Thư nhảy cẫng lên. Cô rối rít:

- Thế cơ à? Đâu, tao xem với!

Phương sún bấm Thư:

- Mày đừng cuống lên, nó nghi đấy. Từ hôm qua đến nay nó biết mất thư, đang để ý dò xét tao. Cho chết, thư tình yêu mà lại kẹp trong vở, mang ra lớp. Tao mượn vở Văn của nó về nhà xem câu hỏi, và thế là…

- Thế là mày ăn trộm chứ gì?

- Còn lâu, tao chỉ… ừ, mà cứ cho là thế đi. Mày mà tỏ vẻ đạo đức là tao không cho xem nữa…

Biết Phương sún bắt đầu dỗi, Thư lại dỗ dành:

- Không phải thế. Tao đùa. Vào lấy thư đi.

Phương sún lắc đầu:

- Tao để ở nhà. Mang ra lớp, nhỡ nó biết thì sao? Chiều nay tao mang đến nhà mày nhé.

Thư gật đầu:

- Nhớ đấy. Hai rưỡi chiều nay, đừng muộn quá.

Trống vào lớp, Phương sún nhanh chân tót vào trước. Thư đi sau, thấy Hiếu trư ở đâu sầm sập chạy về, Liên sếu lớp trưởng bị xô suýt ngã, gắt gỏng: “Làm cái gì mà chạy như ma đuổi thế? Đã to chật cả hành lang, lại còn chạy rống lên”. Hiếu trư ngoảnh lại, cười: “Xin lỗi sếp nhé”. Thư cũng bật cười, nghĩ đến bức thư tình của Hiếu trư viết cho Vân Lâm Đại Ngọc đang rơi vào tay Phương sún. Nhìn ục ịch thế kia mà tình cảm sướt mướt gớm. Sao chẳng thấy hai đứa có biểu hiện gì khác lạ nhỉ? Ngang qua mặt Vân, Hiếu trư không liếc lấy một giây. Thế là sao? Chẳng lẽ Phương sún bịa?

Cả tiết Toán đầu tiên, Thư cứ mãi nghĩ đến lá thư của Hiếu trư vì Vân Lâm Đại Ngọc ngồi ngay trước mặt cô. Vừa nghĩ, Thư vừa quan sát Vân. Tiết này cô giáo cho làm bài luyện tập, cả lớp cắm mặt vào giấy nháp. Tí tí Vân Lâm Đại Ngọc lại đưa tay vuốt tóc, đến những ngón tay cũng ẻo lả không chịu được, ngón dài, móng dài, gầy gầy, trắng xanh. Tóc Vân dài qua gấu áo, túm bằng dải ruy băng xanh kết nơ rất điệu. Cái cách Vân mở sách, cầm bút cũng nhẹ nhàng không thể bắt chước nổi. Người thế kia, Hiếu trư chỉ thụi cho một quả là đi đời… Nghĩ đến đấy, Thư bật cười thành tiếng. May cô giáo đi ra ngoài cửa, ngó xuống sân trường nên không biết. Long cận ngồi cạnh làu bàu: ” Cười gì? Đang tìm không ra đáp số đây. Sao bà làm rơi thước của tôi?“. Thấy cô giáo quay vào, Thư hối hả lấy bút và giấy nháp.

Buổi chiều, y hẹn đúng hai rưỡi Phương sún bấm chuông inh ỏi. Thư lao từ trên gác xuống, tay vẫn cầm điều khiển ti vi. Vừa dong xe, Phương sún hỏi ngay:

- Cháu Suốt của mày đâu?

Thư xịu mặt:

- Mày đến chơi với tao hay với nó hả?

Phương sún cười hì hì:

- Khiếp chưa? Mai sau mày lấy chồng thì sẽ ghen phải biết. Thấy bà dì thân chinh mở cổng, thì phải hỏi thăm cô cháu có nhà hay không chứ? Nó đi vắng thật à?.

Thư nhìn Phương sún xách theo một túi gì như quần áo, vải vóc, miệng lụng bụng:

- Đi chợ rồi. Suốt từ một rưỡi cơ. La cà lắm thế, hay lạc đường cũng nên. Mày có cái gì đấy?

Phương sún hào hứng:

- Quần áo cũ đấy. Toàn những bộ tao không thích nữa, nhưng vẫn còn tốt chán, lại mốt nữa chứ…

Thư vẫn chưa hiểu:

- Thế mày mang đi đâu? Bán chắc?

Phương sún vứt bịch túi quần áo xuống ghế sa lông, hối hả giũ ra từng thứ một:

- Bán cái gì? Tao cho cái Suốt. Nó…

Như chạm phải điện, đang định đi vào trong lấy cho Phương sún cốc nước, Thư quay ngoắt ra:

- Sao lại cho nó? Sao mày lại phải mang quần áo cho nó? Nó xin mày à?

Chắc vẻ mặt Thư lúc ấy “kinh khủng” lắm, nên Phương sún nghệt ra nhìn đến chục giây rồi mới cười cười:

- Không, nó có xin xỏ gì đâu. Có điều, mấy lần tao đến, thấy nó… Mà thôi, quần áo cũ của tao, cho nó mặc cũng tốt chứ sao.

Thư có cảm giác hai má mình nóng ran rồi đỏ lựng lên. Cô nhìn Phương sún như nhìn một vật thể lạ. Chẳng hiểu sao tự nhiên Phương sún lại quan tâm đến cái Suốt thế? Con bé đáng ghét ấy chỉ toàn mang đến cho mình những nỗi bực dọc. Từ khi có nó, mình lại đâm cáu kỉnh. Hết bố mẹ, giờ lại đến Phương sún quan tâm, yêu quý nó một cách thái quá. Phương sún cũng tồ quá cơ, muốn cho nó quần áo cũ sao không bảo với mình trước một câu? Nó cứ làm như nhà mình để cho cái Suốt rách rưới, không có quần áo mà mặc không bằng. Quần áo cũ thì mình đầy. Mải tức tối, Thư quên biến chuyện hôm trước mẹ bảo cô cho cái Suốt mấy bộ quần áo không mặc nữa, để nó mặc ở nhà, cô đã ngúng nguẩy không chịu. “Nó mà được mặc quần áo của mình cơ á? Còn lâu”. Mẹ mua cho cái Suốt quần áo mới, nhưng nó tiếc rẻ, không mặc, bảo: “Ở nhà mặc quần áo mới làm gì cho nó phí”. Bố mẹ cười mãi vì cái tính tiết kiệm thái quá của nó, còn Thư thì ngấm nguýt: “Đúng là đồ hâm”. Không ngờ thấy cái Suốt cứ chung thủy mãi với mấy bộ đồ cũ rích tha từ quê ra, Phương sún lại động lòng hào hiệp. Tự dưng Thư thấy ghét lây cả Phương sún. Cái Suốt như thế nào thì mắc mớ gì đến nó. Quần quần với chả áo áo. Nó thích cái Suốt thì đón về nhà đi, cho khuất mắt mình… Tức lên, nghĩ thế, nhưng thấy Phương sún cười toe, bảo: “Thôi, cứ vứt đây, nó mặc được cái gì thì mặc. Bây gi! ờ tao với mày lên “nghiên cứu “thư tình của Hiếu trư” thì Thư lại thấy cơn giận phừng phừng dịu lại, chắc do sự hấp dẫn của lá thư bí mật. Cô lôi Phương sún ton tót lên phòng.

- Đưa đây xem nào. Tao tò mò quá. Ai ngờ được Hiếu trư lại rung rinh trước Vân Lâm Đại Ngọc.

Giằng lá thư từ tay Phương sún, Thư vội vã mở, mắt dán vào những con chữ to cộ của Hiếu trư, vẫn không quên bình luận: “Khiếp, người nào chữ nấy”, rồi lẩm bẩm đọc: “Tuy cùng lớp đã hai năm, nhưng mình với Vân vẫn chưa mấy thân thiết. Tuy chưa mấy thân thiết, nhưng trong mắt mình, Vân là một bạn gái rất đáng yêu…“. Thư cười tít mắt: “Hiếu trư khôn phết, nhưng thư từ gì mà lủng củng thế, toàn “tuy” với “nhưng” chẳng khác bài tập Tiếng Việt của cô Hải tí nào. Vân Lâm Đại Ngọc mà nhận được lá thư này, chắc phải cảm động phát khóc. Mày có định trả thư cho Hiếu trư không, Phương?

Phương sún ngẩn mặt:

- Trả bằng cách nào?

- Thiếu gì cách. Mày thừa lúc nó ra chơi, kẹp đại vào một cuốn sách gì đó của nó, thế là xong.

Phương sún vẫn ngần ngại:

- Như thế nó biết mất!

- Biết, nhưng không dám chắc. Mà thằng Hiếu ruột để ngoài ra, chẳng nhớ đâu. Mày phải trả, để nó còn gửi cho cái Vân chứ!

Phương sún gật đầu, chơi loanh quanh thêm một lát rồi về. Vẫn chưa thấy cái Suốt đâu. Ngang qua phòng khách, Thư nhăn mũi chỉ vào bọc quần áo cũ của Phương sún bảo: Mày mang về đi, không phải cho nó đâu. Nó thiếu gì quần áo, nhưng tiết kiệm không mặc đấy! Tự dưng Phương sún nói như vừa dỗi lại vừa như gắt:

- Mang về là thế nào? Tao cho nó chứ cho mày đâu mà bắt tao mang về?

Câu gắt ấy khiến Thư ngấm ngầm giận Phương sún mất hai ngày. Giận mà chỉ lì xì vẻ mặt chứ không nói ra, vì biết nói thế nào? Ngay lúc hậm hực kể với mẹ về chuyện Phương sún mang quần áo cũ cho cái Suốt, Thư cũng bị mẹ “phán” luôn: “Thế thì tốt chứ sao? Ai lại như con, quần áo bỏ đi thì đầy, mà bảo cho cháu nó vài bộ cũng cứ khư khư giữ". Nhân tiện, mẹ mắng luôn cái tội Thư lấy chiếc áo phông màu xanh da trời làm giẻ lau tủ búp bê, dù cái áo đó còn khá mới. Mẹ còn bảo: “Con được chiều quen rồi nên có lúc ích kỷ và đỏng đảnh. Thế là không tốt đâu”. Ghét nhất là từ lúc nhận được bọc quần áo cũ, cái Suốt cứ xí xa xí xớn, hết ướm cái áo này, lại thử cái áo kia, nhún nhảy trước gương, rồi chẳng để ý đến vẻ mặt khó chịu của Thư, nó cứ hồn nhiên ríu rít:

- Cháu mặc cái áo này cũng được, dì Thư nhỉ? Cháu ưng màu hồng lắm. Quần thì hơi ngắn, cơ mà chẳng sao…

Nó tiến, nó lùi, nó nghiêng ngó rồi tự cười với mình trong gương. Thư bĩu môi, nghĩ thầm: “Cứ cuống cả lên như con mẹ dại. Có mấy cái quần áo cũ mà cứ làm như là… chúa lắm. Bất ngờ cái Suốt quay lại, mặt vẫn ngời lên vui sướng:

- Dì Thư ơi, chị Phương bạn của dì tốt nhỉ? Chị ấy vui tính thật đấy, chị ấy…

Thư làu bàu:

- Tốt cái gì mà tốt!

Nhưng cái Suốt không để ý đến lời Thư. Suốt mấy ngày, cứ mở miệng ra là bắt đầu điệp khúc “Chị Phương, chị Phương”. Chứng kiến nỗi sung sướng của con bé trước món quà quần áo cũ của Phương sún, thốt nhiên Thư lại đâm ân hận vì mình đã không cho nó bộ nào theo gợi ý của mẹ, để bây giờ Phương sún “ghi điểm” với nó một cách dễ dàng. Nỗi hậm hực với cái Suốt cứ âm ỉ, âm ỉ, chưa có cớ để bùng lên. Thư “soi” nó nhiều hơn trong mọi việc. Nhưng dạo này, cái Suốt đã tiến bộ rất nhiều, nấu nướng “lên tay” hơn, hợp khẩu vị mọi người hơn, nhà cửa gọn gàng sạch sẽ… Có mỗi tội mồm miệng bô bô, nói như ở chỗ không người là nó chưa sửa được, bị Thư lườm nguýt: “Cứ toang toác cái mồm, điếc cả tai”, nó lại toét miệng, nhận lỗi: “Cháu xin lỗi, ở quê cháu cứ quen nói to thế!”. Thư để ý dạo này con bé cũng kiểu cách ra phết, một điều “xin lỗi” hai điều “xin rút kinh nghiệm”, khác hẳn cải vẻ lơ ngơ lầm lì hôm nó mới ra. Mẹ cứ khen “Con bé trông thế mà sáng dạ, tiến bộ nhanh”. Bố hùa theo” “Nó cũng lễ phép, nhanh nhẹn” chỉ có Thư là hậm hực chẳng nói gì. Từ khi có cái Suốt, cô cứ có cảm giác mình phải chia sẻ với nó mọi thứ, cả vật chất lẫn tinh thần. Hồi bác Lan ở đây, mọi chuyện tốt đẹp và êm ả biết bao nhiêu. Thư chưa bao giờ phải giận dỗi bác điều gì.

*

Chiều chủ nhật rỗi rãi, Thư gọi cái Suốt lên phòng, ra lệnh:

- Hôm nay, mày dọn tủ búp bê cho dì.

Mắt con bé sáng lên mừng rỡ:

- Dọn tủ búp bê á? Vâng. Nhưng mà dọn thế nào?

Chưa kịp để Thư “giảng giải” hết rằng phải nhẹ nhàng mang búp bê ra như thế nào, lau chùi, sắp xếp tủ ra sao, cái Suốt đã xăm xăm mở tủ, rồi ngây người ngắm nghía. Thư thích chơi búp bê từ nhỏ, và cũng sưu tầm được kha khá các cô nàng búp bê xinh xắn, nhưng phải đến khi dì Mỹ Vân từ Đức về thăm quê, Thư mới vòi được đống gia tài búp bê quý giá này. Dì bảo bên ấy dì có cả tủ hàng chục con búp bê, một số bạn bè tặng, một số thấy hay hay thì mua… nhưng giờ chẳng thích nữa. Thư mừng rú lên, bắt dì hứa đến hai ba bận rằng sang bên đó sẽ gửi về trọn vẹn bộ sưu tập búp bê cho mình. Hôm nhận được những con búp bê ấy, Thư đã thao thức suốt đêm vì sung sướng, chốc chốc lại dậy bật điện để ngắm nghía. Nhưng từ ngày vào học cấp III, cô ít hẳn thời gian dành cho búp bê ngộ nghĩnh vì còn bận học. Học chính khóa, học thêm liên miên. Bố mẹ “giao chỉ tiêu" phải đỗ Đại học ngay từ năm đầu như chị Thủy, làm Thư lo lo. Bố mẹ không nghĩ rằng thi cử càng ngày càng khó…

Cái Suốt thận trọng nâng từng con búp bê đặt xuống giường. Nó thì thào với vẻ ngạc nhiên, sung sướng chưa từng có:

- Úi giời ơi, đẹp thế nhỉ?

Thư bật cười, có chút kiêu hãnh trỗi dậy:

- Ngày nào mày chả ngắm, sao bây giờ cứ rên rỉ đẹp với chả đẹp.

Mắt cái Suốt vẫn không rời những con búp bê lộng lẫy, kiêu kì:

- Mọi ngày dì để trong tủ, cháu có được sờ vào đâu. Mới lại cháu cũng chả dám nhìn lâu…

Nhìn cách cái Suốt nâng niu ngắm nghía búp bê, Thư nghĩ, có khi nó thích chơi búp bê hơn cả mình. Ngứa miệng, Thư hỏi cho có chuyện:

- Mày cũng thích búp bê lắm phải không?

Cái Suốt hớn hở:

- Vâng, cháu thích lắm, từ hồi còn bé tí cơ, nhưng làm gì có mà chơi. Ngày xưa, cháu đi mẫu giáo, cô giáo làm những con búp bê bé tí bằng len với lại vải vụn, thế mà con gái chúng cháu cứ tranh nhau chơi. Cháu vẫn nhớ, cái Lan nhà ở xóm cháu có bố làm trên tỉnh. Một lần nó được bố mua cho con búp bê nhựa màu hồng, nó nhất định không cho đứa nào mượn. Đứa nào muốn sờ vào búp bê một tí, phải cho nó một củ khoai luộc thật to, thật bở…

Nói đến đây, cái Suốt lỡ tay gạt một con búp bê đổ xuống đất, liếc sang, thấy Thư cười tủm tỉm, nó yên tâm nhặt lên một cách thận trọng rồi tiếp tục kể lể:

- Cháu thích búp bê nhưng không muốn cho nó khoai luộc nên chẳng được chơi chung. Cháu toàn về lấy gối trên giường, buộc khăn vào giả vờ làm búp bê. Hôm nào mẹ cháu bắt được là y như rằng hôm ấy ăn đòn vì cái tội dám cắp gối ra tận sân, tận vườn chơi lê la cho bẩn. Tận bây giờ, mỗi lần đi chợ huyện, nhìn những con búp bê người ta bán trong tủ kính, cháu vẫn còn thèm. Dì Thư này…

Tự nhiên cái Suốt lại ngập ngừng, làm Thư đâm chú ý:

- Cái gì cơ?

- Cháu nghĩ… cháu nghĩ… – Mặt con bé tự dưng đỏ lên, thẹn thùng – Bao giờ lấy chồng có con, con gái ấy, cháu sẽ mua cho nó một con búp bê thật đẹp. Thật đấy! Cháu sẽ mua. Nghèo thế nào cháu cũng cố để dành tiền mua cho kỳ được…

Thư hỏi:

- Để làm gì? Mày hâm à, nếu nghèo thì để tiền mà mua gạo chứ sao lại mua búp bê?

Cái Suốt thở dài hệt bà cụ:

- Cho con cháu nó đỡ thèm. Cháu nói thật đấy dì ạ. Mà cháu phải dặn nó là hễ bạn nào muốn chơi chung, thì phải cho chơi, không được đuổi bạn về…

Nhìn sang, Thư thấy nét mặt cái Suốt vừa đanh lại, vừa ưu tư, già đi đến hàng chục tuổi. Hóa ra con bé này cũng thích búp bê. Đứa con gái nào mà chẳng thích chơi búp bê, nhưng thích đến mức day dứt và ám ảnh như nó thì thật lạ. Ngồi thần mặt thêm một lát nữa, cái Suốt nhớ ra nhiệm vụ, lại hối hả xếp búp bê lên giường để lau chùi tủ. Thư vừa giở được cuốn bài tập Toán ra thì con bé reo toáng như bắt được vàng:

- A, dì Thư ơi, dì Thư!

Thư nhăn mũi ngẩng lên, cái Suốt hân hoan giơ cao con búp bê bằng len vụn ngộ nghĩnh nhưng rất cũ nó vừa móc được tận dưới đáy tủ lên:

- Dì cũng có búp bê len à? Giống y như con búp bê của cái Bưởi bạn cháu.

Tưởng gì… Con bé vẫn giữ cái tật hơi tí thì cuống lên như cháy nhà. Thư lại cúi xuống trang vở, nhưng cái Suốt chưa “tha”, nó cứ giơ con búp bê xấu xí lên ngang mặt ngắm nghía và kể lể:

- Dì biết không, cháu chơi với cái Bưởi từ hồi bé tí. Thân lắm cơ. Nhà nó cũng nghèo y như nhà cháu. Nó cũng là chị cả. Bố nó lại chết từ lâu rồi. Một lần, nó được chị con nhà bác nó cho con búp bê bằng len, y như thế này dì ạ… Nó với cháu chơi chung mãi, tận khi hỏng… Cháu đi lên đây, nhớ nhất là nó dì ạ…

Thư không rời mắt khỏi sách, gắt khẽ:

- Thôi được rồi, để im cho tao học.

Cái Suốt im bặt. Liếc sang, thấy nó trịnh trọng đặt búp bê len lên giường, cạnh con búp bê tóc vàng xù đẹp nhất, Thư bảo:

- Thôi, vứt con búp bê len đi.

Cái Suốt trố mắt:

- Vứt đi á? Dì ơi, sao lại vứt đi?

Thư phẩy tay:

- Làm gì con búp bê xấu xí ấy. Nó có từ lâu lắm rồi…

Đúng là bao nhiêu lần Thư định cho búp bê len “về hưu”, vì để trong tủ nó có vẻ lạc lõng đến thảm hại. Cái Suốt vội vã đề nghị:

- Thế thì dì cho cháu nhé!

Thư “ừ” nhẹ tênh, lại chúi mũi vào sách. Cái Suốt có vẻ hoan hỉ nên vừa làm vừa hát khe khẽ. Đến lúc Thư giải xong bài tập, nhìn sang đã thấy nó lau dọn gọn ghẽ tủ búp bê, còn riêng búp bê len xấu xí được nó cẩn thận đặt lên gối. Thư bảo:

- Nó tên là búp bê Lọ Lem đấy.

Cái Suốt tròn mắt:

- Búp bê mà cũng có tên hả dì?

Thư bật cười:

 - Chứ sao! Mà nhìn nó có vẻ cũng giống giống mày đấy, chân tay lòng khòng…

Cái Suốt không để ý đến lời trêu chọc của Thư. Nó áp con búp bê Lọ lem lên má hít hà như thể trong tay nó bây giờ là báu vật chứ không phải là những mảnh len vụn cũ rích tự bao giờ.

*

Nấn ná mãi, Phương sún vẫn chưa trả Hiếu trư lá thư viết cho Vân Lâm Đại Ngọc. Thư giục, nó chỉ bảo: “Tao chẳng làm cách nào trả được, chỉ sợ lộ. Thôi kệ, chắc nó phải viết lá khác chứ”. Từ hôm đó, hai đứa ra sức quan sát Hiếu trư và Vân. Phải công nhận là Hiếu trư tảng lờ thật giỏi. Trước mặt mọi người, hắn chẳng mảy may biểu lộ một chút tình ý gì khác với Vân Lâm Đại Ngọc. Cả lớp 11A không biết Hiếu thích Vân, trừ Phương sún và Thư. Chẳng bù cho Hải toán, thích Thảo My nên cứ rối rít suốt ngày. Thảo My hơi ho một chút đã thì thụt mua kẹo bạc hà nhét vào ngăn bàn nàng. Vụ ấy đổ bể vì Giang còi phát hiện ra. Thế là thay vì Thảo My được ăn kẹo, một nửa số kẹo bạc hà tội nghiệp ấy đã phải chui vào cái mồm luôn ngoác ra của Giang còi, nửa kia bị cả lũ tổ 2 tranh cướp nhau náo loạn cả giờ ra chơi. Có lần, lớp tổ chức đi tham quan, Hải toán vẹo người xách ba lô cho Thảo My tung tăng đi tay không. Trong lớp, mắt Hải toán chỉ có 2 điểm nhìn là bảng đen và Thảo My. Cứ rời bảng là hắn nhìn Thảo My, thôi nhìn Thảo My là nhìn lên bảng. Gán ghép, trêu chọc mãi cả lớp cũng chán, mặc nhiên công nhận “chúng nó là của nhau”. Thậm chí nếu được hỏi “Lão Hải nhà mày hôm nay làm sao mà nghỉ học?“, Thảo My cũng vui vẻ trả lời “Hình như là cảm lạnh”. Thế mà đến vụ Hiếu trư với Vân Lâm Đại Ngọc lại không ai biết, vì cả hai đều kín đáo quá. Mấy lần Thư ngứa! mồm định thì thầm với Hằng ngồi cạnh, nhưng Phương sún cứ dặn đi dặn lại: “Cấm hở cho đứa nào, không thì thằng Hiếu đập chết tao”. Theo dõi mãi, chẳng thấy Hiếu trư và Vân Lâm Đại Ngọc có “động tĩnh” gì, Thư đâm nản, bảo Phương sún: “Hay là Hiếu trư nghĩ lại rồi, không thích cái Vân nữa? Kiểu người như nó thì thích làm sao được sự dịu dàng quá đáng của cái Vân”. Phương sún gật gù: “Có khi thế. Thằng này lập trường không ổn định tí nào cả". Hai đứa đã định dừng theo dõi diễn biến tình cảm của Hiếu và Vân, thì bất ngờ một hôm vào giờ thể dục Vân đau chân, còn Thư đau bụng, được miễn ra sân tập mà ở lại trông lớp, Vân rụt rè bảo: “Thư này, tớ… tớ… có chuyện muốn nói với cậu”. Đoán ra chuyện có liên quan đến Hiếu trư, Thư sốt sắng:

- Chuyện gì thế? Cậu cứ nói đi.

Vân Lâm Đại Ngọc loay hoay mở cặp sách, mang ra một mảnh giấy gấp tư:

- Cậu đọc đi. Cậu là bí thư Chi đoàn, nên tớ nói riêng với cậu…

Đúng như dự đoán của Thư, đó là bức thư do Hiếu trư “sáng tác”. Soi từ đầu chí cuối chẳng có chữ yêu, chữ nhớ nào, nhưng tình ý thì rõ lắm: “Với Hiếu, một ngày không gặp Vân là Hiếu không thể yên”. Giời ạ! cũng “Văn hoa Sài Gòn” ra phết. Mà có ngày nào là chúng nó không gặp nhau? Đi học đủ 7 ngày trong một tuần, cả chính khóa lẫn học thêm, còn khao khát nhìn với chả gặp làm gì? Thư suýt bật cười vì ý nghĩ ấy, nhưng thấy Vân Lâm Đại Ngọc nhìn mình chăm chú quá lại thôi. Đọc xong Thư, cô gấp lại trả Vân:

- Thế… cậu đưa cho tớ làm gì?

Vân rụt tay lại, không cầm thư:

- Thì cậu là bí thư Chi đoàn. Tớ nghĩ báo cáo Bí thư thì đúng hơn là báo cáo lớp trưởng!

Báo cáo? Vân Lâm Đại Ngọc dùng từ hay thật. Giá như đứa nào “có vấn đề” cũng báo cáo Bí thư thì tốt quá. Nhưng Thư lại ngẩn ngơ hỏi:

- Được rồi, nhưng cậu báo cáo tớ để làm gì? Tớ phải đưa vấn đề này ra Chi đoàn à?

Vân xua tay rối rít:

- Không, tớ không nghĩ thế! Ai lại đưa ra Chi đoàn… Có điều, tớ muốn… Mà thôi, cậu biết thế thôi.

Thư thăm dò:

- Hay tớ báo cáo cô giáo chủ nhiệm giúp cậu nhé? Hiếu trư vớ vẩn thật.

Vân lại giãy lên:

- Không, cô mắng chết.

- Thế thì thôi… Mà cậu viết thư trả lời đi. Cậu có thích hắn không?

Mặt Vân đỏ bừng:

- Cậu đừng nói thế! Tớ chẳng thích những chuyện linh tinh ấy đâu.

Thư vẫn tiếp tục tra:

- Sao lại linh tinh? Tớ nghĩ 17 tuổi là bắt đầu yêu được rồi. Cậu không xem phim “Tiếng chim hót trọng bụi mận gai” à? Mecghi cũng yêu từ lúc 17 tuổi đấy.

Vân Lâm Đại Ngọc làu bàu:

- Nhưng tớ không phải Mecghi. Tớ cũng chưa tròn 17 tuổi.

- Thế thì cậu bảo Hiếu chờ cậu vài tháng nữa…

Vân lại lắc đầu quầy quậy:

- Tớ không đùa đâu. Tớ nghĩ là cán bộ lớp các cậu phải góp ý cho cậu Hiếu…

Thư cố gắng nén cười trước đề nghị của Vân Lâm Đại Ngọc:

- Góp ý thế nào được? Hiếu trư có vi phạm kỷ luật đâu mà góp ý? Theo tớ, nếu cậu ghét hắn thì cứ lờ đi, coi như không nhận được thư. Mãi rồi hắn ta cũng phải chán thôi…

Khuyên xong Vân, Thư lững thững bỏ ra hành lang ngắm nghía cả lớp đang tập bài thể dục nhịp điệu mà thầy Tuấn khổ công “truyền bá” từ hơn tháng nay dưới sân trường. Nghe chừng “phi vụ tình cảm” giữa Hiếu trư và Vân Lâm Đại Ngọc không có gì thú vị. Hiếu trư thích nhầm đối tượng rồi. Nhìn Vân Lâm Đại Ngọc cò lả thế mà lại có trái tim bê tông ra phết. Thư bật cười khi thấy dáng ục ịch của Hiếu trư đang vất vả giơ tay, giơ chân giữa sân trường. Phương sún nhìn lên, vẫy vẫy tay, thầy Tuấn cũng nhìn lên nốt. Thư vội vã thụt vào phía trong cửa lớp học, đụng ngay Tuấn Phong lớp bên đang vội vã đi từ cầu thang lên, tay ôm quả địa cầu to tướng, chắc đi lấy dưới phòng đồ dùng giúp cô giáo. Tự nhiên Thư thấy mất cả bình tĩnh, lại có cảm giác má mình nóng ran lên, dù Tuấn Phong chỉ cười và gật đầu thay lời chào. Lạ thế, lần nào gặp Tuấn Phong cô cũng có cảm giác hồi hộp này. Phương sún biết, nên thỉnh thoảng vẫn trêu.

Trống ra chơi vừa điểm, Thư lại thấy Tuấn Phong ngay cửa lớp mình, tay cầm quả cầu lông gà, nháy mắt rủ Hải và Long xuống sân. Phương sún vừa thở hổn hển sau trận “tra tấn” bằng thể dục nhịp điệu của thầy Tuấn vừa nháy mắt rất láu cá với Thư:

- Kìa, “thần tượng” xuất hiện!

Thư ngó lơ ra cửa sổ, hơi ngường ngượng vì con bạn nhìn thấu ruột gan mình. Tuấn Phong đi khỏi một lúc rồi mà cô vẫn thấy mình còn bồi hồi đến lạ.

*

Càng ngày, Phương sún càng có vẻ thân với cái Suốt. Điều này làm Thư bực, nhưng chẳng biết nói sao. Chẳng lẽ lại bảo thẳng với Phương sún là đừng chơi, đừng quan tâm đến nó nữa? Như thế thì nhỏ nhen quá, vì chẳng gì cái Suốt cũng là người nhà mình. Thư nghĩ mãi, quan sát mãi, vẫn chẳng thấy cái Suốt có điểm gì đáng yêu và đáng thân. Vóc dáng thì quê mùa, tính tình thì hâm hấp, lại có lúc vô duyên kinh khủng, cười nói cứ bô bô. Giá tất cả mọi người bình thường trong đối xử với nó, chắc Thư sẽ không ghét nó đến vậy. Đằng này, ai cũng có vẻ bênh vực và ưu ái nó hơn bình thường. Bố cứ thường xuyên lấy nó làm gương cho Thư (lạ thế chứ!): “Con thấy đấy, cũng bằng tuổi con mà có được học hành gì đâu, phải đi làm kiếm sống, gửi tiền về quê giúp mẹ nuôi em ăn học. Còn con thì chỉ có việc học thôi, lắm lúc còn chưa tự giác”. Thư đã rút ra kết luận rằng từ ngày có cái Suốt, mình bị mắng nhiều hơn. Hơi tí mẹ lại mang nó ra so sánh. Bây giờ, đến Phương sún cũng thân thiết, quý mến nó. Cứ thò mặt đến đây là cô nàng cà kê trò chuyện với cái Suốt rõ lâu. Có lần Thư dỗi ra mặt, bảo: “Mày cần gì tao nữa, mày có bạn Suốt của mày rồi, đến đây để chơi, để thăm nó chứ đếm xỉa gì đến tao”, Phương sún lại cười toe, không cãi câu nào, làm Thư càng tức. Đã thế, thỉnh thoảng lại thấy mẹ cầm điện thoại, gọi ầm lên: “Suốt ơi, có điện thoại này. Hìn! h như cái Phương gọi”. Lần thứ nhất như thế, Thư lại nghĩ mẹ nhầm, chắc Phương sún gọi cho mình, mẹ nghe thế nào thành gọi cho cái Suốt. Nhưng cái Suốt đã rất đàng hoàng cầm máy, cười hi hí đến phát ghét: “Chị Phương à? Chị ăn cơm chưa?". Ngay hôm sau ra lớp, Thư đã phải tra hỏi Phương sún ngay: “Có việc gì mà mày phải điện cho cái Suốt thế?“. Cô nàng hồn nhiên bảo: “Chẳng có việc gì cả. Hôm trước nó kể với tao rằng: Em thích nghe điện thoại lắm. Ở quê, chưa bao giờ em được nghe. Nếu không ra ở với nhà dì Thư, chắc đến chết em cũng chẳng biết điện thoại là gì. Tao buồn cười quá, nên bảo nó rằng: Thế thì thỉnh thoảng chị gọi cho mày, được chưa? Nó thích mê tơi…". Chuyện chỉ có thế mà Thư tức mãi. Có lần, cô cảnh báo Phương sún: “Tao thấy hình như mày lây một ít hâm hấp của cái Suốt hay sao ấy?“. Phương sún lại bênh nó ngay: “Thật ra, nó cũng chẳng hấp lắm đâu chỉ thật thà đến ngộ nghĩnh thôi”.

Thư mè nheo với mẹ: “Con chỉ thích bác Lan thôi. Mẹ đem cái Suốt lên nhà chị Thủy đi, đòi bác Lan về đây cho con. Đầu tiên mẹ không nghe, vẫn giữ nguyên ý kiến: “Không được, bác Lan mới biết chăm sóc trẻ, vì bác ấy có kinh nghiệm, chứ cái Suốt còn trẻ con, biết gì. Nó lóng ngóng thế, bế thằng cu sao được, rồi cho ăn uống nữa chứ…". Đến khi Thư hỏi dò cái Suốt: “Mày có biết bế trẻ con không?” thì con bé hớn hở gật đầu, kể rất tự hào: “Cháu bế “siêu” lắm. Ở xóm cháu, không đứa trẻ con nào là không qua tay cháu bế. Cái Tí con nhà chị Hạnh, cái Phượng con nhà chị Song, thằng Tiến con nhà anh Vũ… Từ lúc bé tí cháu đã phải bế em rồi cơ mà. Tính cháu lại thích trẻ con, bao nhiêu lần bị mẹ cháu mắng cho té tát vì việc nhà thì nhác, việc chú bác lại siêng. Mẹ bảo đi nấu cơm thì ngại, nhưng bế con giúp hàng xóm thì nhanh lắm". Nếu Thư không ngắt lời thì chẳng biết nó còn tràng giang đại hải những gì nữa. Con bé có cái tật nói lắm. Hỏi một câu, nhưng nó trả lời thì phải cả tiếng đồng hồ, có lần bố đùa: "Cháu mắc bệnh “con tằm nó ăn lá dâu” rồi đấy”. Cái Suốt lại âu lo: “Thế là bệnh gì hở ông? Có chữa được không? Cháu sợ bị bệnh lắm”, làm cả nhà ra cười. Nghe cái Suốt “thuyết minh” về khả năng trông trẻ con, mẹ có vẻ yên tâm. Chắc thấy Thư cứ hục hặc với nó, mẹ cũng không muốn để nó ở lại đây lâu. Nhưng mẹ vừa mới ướm hỏi: “Hay là c! háu lên Hà Nội bế thằng cu cho dì Thủy một thời gian…” con bé đã giãy nảy như đỉa phải vôi: “Thôi, thôi cháu chả đi đâu bà ạ. Cháu chỉ ở đây với ông bà thôi. Nếu ông bà không cần cháu nữa, thì cháu về quê”. Mẹ lại vội vàng dỗ dành: “Không lên Hà Nội thì thôi, cứ ở đây giúp ông bà”. “Kế hoạch” đổi cái Suốt lấy bác Lan không thành, Thư lại quay sang dỗi mẹ, bảo tại mẹ chiều nó quá, cứ đòi gì được nấy nên nó được thể làm cao. Mẹ chép miệng: “Sao con cứ nghĩ xấu cho con bé thế?. Kể cũng tội cho nó. Nó bảo ở đây thỉnh thoảng cái Phương đến chơi, còn khuây khỏa, đỡ nhớ nhà, nhớ quê, chứ lên Hà Nội chẳng có ai…“. Nghe thế, Thư tức đến phát khóc. Đã đi giúp việc như nó, lại còn đòi có bạn có bè đàn đúm vui vẻ. Mà Phương sún thấy chưa, được xếp vào hàng ngũ là bạn của nó thì vinh dự nhỉ? Đã vậy, khi Thư ấm ức kể lại chuyện này, thì Phương sún lại cười hi hí vẻ khoái chí lắm rồi bảo: “Hóa ra tao có vai trò quan trọng ra phết đấy chứ”. Nhìn vẻ vô tư của Phương sún, Thư thấy đúng là từ ngày thân với Phương sún đến giờ, chưa khi nào cô ghét Phương đến thế, rồi lại có cảm giác mình bị cái Suốt giành giật mất Phương sún.

Thật không ngờ con búp bê len xấu xí thư cho cái Suốt cũng lại gây nên “tội lỗi”. Thoạt đầu, Thư thấy khoai khoái khi nhìn cái Suốt ôm ấp, nựng nịu con búp bê Lọ Lem như nựng nịu một em bé thật sự. Đặt cạnh những công chúa búp bê lộng lẫy trong tủ của Thư, búp bê len chỉ như một con quạ xơ xác ở giữa bầy công đỏm dáng, đẹp đẽ, thế mà búp bê len cũng là niềm mơ ước của cái Suốt. Mỗi lần vào phòng, nhìn búp bê Lọ Lem nằm chỏng chơ ở chiếc giường cổ lỗ sĩ của cái Suốt bên này, rồi lại nhìn búp bê tóc vàng nằm bên giường Đôrêmon của mình bên kia, Thư lại có cảm giác hài lòng bởi sự đối lập ấy thể hiện thật rõ mối quan hệ chủ – tớ giữa mình và cái Suốt, cho dù bố mẹ có suốt ngày nhắc nhở. “Nó là cháu, là họ hàng, lên giúp đỡ nhà mình những lúc khó khăn, neo người như thế này là quý lắm”. Bố mẹ thì lúc nào cũng “quý lắm, quý lắm”, làm như Thư không biết rằng mỗi tháng mẹ phải trả cho nó ba trăm ngàn đồng tiền công. Nếu là họ hàng giúp nhau, là “quý lắm”, thì tại sao phải trả tiền? Cái Suốt cứ kể nhà nó ở quê nghèo khổ lắm, chẳng mấy khi trông thấy đồng tiền, làm quần quật suốt ngày ngoài đồng cũng chỉ đủ ăn. Vậy thì việc nó lên đây giúp việc nhà để lấy tiền gửi về quê cho bố mẹ đâu phải là giúp đỡ gì, nói thật chính xác là đi làm kiếm sống thì có. Thế mà bố mẹ lại cứ luôn luôn nghĩ rằng cái Suốt đang giúp mình. Có lần Thư bảo: “Con chưa thấy nhà ai chiều c! huộng người giúp việc như nhà mình đâu” thì mẹ mắng ngay: “Con không được nói thế, cái Suốt với nhà mình là chỗ họ hàng gần”. Gần gũi gì mà mãi Thư cũng chẳng thuộc mối quan hệ giữa mình và nó xuất xứ, diễn biến thế nào.

Phương sún đến chơi thấy cái Suốt ngồi nghịch búp bê len, lại ngứa mồm hỏi han, thế là bài ca “em thích búp bê lắm” của nó tiếp tục ngân lên. Giá cái Suốt chỉ kể về sở thích thì không sao, đằng này lại còn “trữ tình" ngoại đề rằng: Hôm trước dì Thư bảo vứt con búp bê này đi, em tiếc quá nên xin dì ấy. Em cứ nhìn đến nó là lại nhớ cái Bưởi". Mặt Phương sún bần thần quá thể. Thư cáu, quát cái Suốt: “Tao đã bảo vứt đi, mày còn tiếc rẻ giữ lại làm gì cho nó bẩn nhà”. Cái Suốt ôm con búp bê chặt hơn như sợ Thư sẽ giằng lấy mà quẳng đi. Thư ra ngoài, Phương sún lập tức bịa ra một câu chuyện cổ tích về búp bê Lọ Lem cho cái Suốt nghe. Lúc Thư vào, đã thấy con bé cười tít mắt: “Em cũng thích đọc truyện cổ tích lắm cơ, nhưng chẳng có mà đọc. Truyện cổ tích nào cũng hay, chị Phương nhỉ?". Phương sún sốt sắng hứa, hôm sau sẽ mang cho cái Suốt mượn vài cuốn cổ tích. Nó sung sướng, nhảy cẫng lên, bảo: “Chị phải nhớ đấy nhé. Những lúc em ở nhà một mình buồn lắm, xem ti vi mãi cũng chán”. Lúc cái Suốt không có ở đấy, Thư bảo Phương: “Tao thấy con bé này cứ chập mạch làm sao ấy. Bố nó bị thần kinh, không khéo nó cũng thế. Mày chơi với nó lắm vào, có khi lại… lây”. Phương sún trả lời bằng một câu cũ mèm: “Nó thật thà đến ngộ nghĩnh chứ chẳng hâm hấp đâu”.

Giữ lời hứa, Phương sún mang truyện đến cho cái Suốt mượn thật và điều bất ngờ hơn cả là nó cho cái Suốt cả con gấu bông to đùng trắng muốt, bảo: “Chị không có búp bê, nhưng nhiều gấu bông lắm, cho Suốt một con, đi ngủ ôm ấm lắm”. Con bé há hốc mồm, sững sờ nhìn chú gấu bông đẹp đẽ. Thư cũng há hốc mồm không tin là Phương sún hào phóng thế với cái Suốt. Nhưng Phương sún nói thật chứ chẳng đùa chút nào. Lúc cô nàng về rồi, cái Suốt vẫn ngây thộn mặt trước món quà quý giá mà có lẽ trong mơ nó cũng không dám ước. Thư thấy phát ghen với nó. Chẳng biết nó có bùa ngải gì mà khiến cho Phương sún “mê” như điếu đổ.

Từ hôm đó, mỗi lần bước vào phòng, thấy con gấu bông trắng ngự trên giường cái Suốt, Thư lại thấy tức tức mắt.

*

Mấy ngày liền, thấy Hiếu trư buồn ra mặt, Phương sún thì thào với Thư: “Thất tình đấy! Vân Lâm Đại Ngọc lạnh nhạt mà”. Thư kể chuyện Vân nộp thư tình của Hiếu, còn kiến nghị cán bộ Đoàn phải có ý kiến này nọ, Phương sún ôm bụng cười. Cười chán, đột nhiên nó nghiêm mặt bảo: “Hôm qua Tuấn Phong hỏi dò tao về mày”. Mặt Thư đỏ lên: “Nói dối!“. Phương sún nguẩy người: “Không tin thì thôi, không kể nữa” làm Thư lại cuống lên ninh nọt: “Thì tin. Hơi tí là dỗi. Thế… thế… hỏi gì?”. Phương lại tươi cười ngay nét mặt, cười rất láu cá: " Hỏi đủ thứ. Hắn cứ bảo: Thư học văn giỏi nhỉ, thấy cô Hằng suốt ngày lấy bài văn của Thư sang lớp ấy đọc mẫu. Lại còn đoán già đoán non rằng chắc là Thư sẽ thi Sư phạm Văn, nhìn người như thế dễ hợp với nghề giáo viên". Đang thao thao, Phương sún lại im tịt, nhìn chăm chăm vào mặt Thư, rồi buông một câu nghe tức anh ách: “Mũi to bằng quả bưởi rồi kìa”, rồi chạy biến. Thư hậm hụi nhìn theo Phương sún, nhưng lại thấy lòng xốn xang lạ. Có đúng là Tuấn Phong hỏi Phương sún về mình không nhỉ? Tuấn Phong học cùng lớp với Phương sún từ hồi cấp I. Hai đứa không thân nhưng cũng có nhiều chuyện để nói với nhau. Còn Thư, thực sự cảm thấy nể phục Tuấn Phong từ năm học lớp 10, lúc cậu ta ẵm về một giải nhất học sinh giỏi toán toàn tỉnh, một giải Nhì cờ vua trẻ toàn tỉnh. Tháng nào tên Tuấn Phong cũng có! trong bảng vàng tuyên dương của trường. Cứ gì Thư, đến 99% tụi con gái khối 11 đều nhìn Tuấn Phong bằng con mắt ngưỡng mộ. Tuấn Phong lại hào hoa, chơi ghi ta rất hay. Lần họp cán bộ lớp, cán bộ Đoàn toàn trường nào cậu ta cũng trổ tài. Có một dạo, Thư đã thấy hẫng cả người khi Tuấn Phong có vẻ thân với Thùy Liên, lớp trưởng lớp 11C. Phương sún rất nhạy bén trong việc “nắm bắt thời sự” cũng như đọc tâm trạng của Thư. Nó ngay lập tức “điều tra” và hân hoan mang kết quả về: “Chẳng có gì đâu. Chúng nó đang ấp ủ dự định thành lập câu lạc bộ thể thao ấy mà”. Phải nói, Phương sún là đứa bạn thân rất tuyệt vời. Biết Thư mến Tuấn Phong, nó “cổ vũ” liền. Câu quen thuộc của cô nàng là: “Người như Tuấn Phong, ai mà chẳng thích”. Thư vặn lại: “Mày có thích không? “ là nó cười hì hì: “Không… Tao nhường mày”.

Hết một giờ ra chơi vẩn vơ nghĩ đến Tuấn Phong, trống vào lớp vừa điểm thì thầy Văn, Bí thư Đoàn trường ngó vào lớp, nhắc “Xong tiết cuối, lớp trưởng với bí thư xuống văn phòng họp để chuẩn bị cho ngày 26 tháng 3 nhé”. Thư vừa tươi tỉnh “Vâng” thì Phương sún đã nhoài xuống, thì thào vào tai cô: “Hay nhé, lại có cơ hội để gặp nhau”. Đúng là đồ ma xó – Thư ngường ngượng nghĩ thầm, nhưng mắt lại vờ ngó lên bảng, cho dù cô giáo chưa vào lớp, bảng đen còn trống trơn. Đến lúc cả lớp đứng lên chào cô, Phương sún còn cố tình quay xuống, cười: “Đây sẽ là tiết học dài nhất trần đời”. Hiếu trư nghe lỏm, chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra sao, hấp tấp hỏi: “Sao lại thế?“. Phương sún vẫn cười tinh quái: “Liên quan gì đến ông đâu. Ba thu dồn lại bốn lăm phút…“. Nếu cô giáo không gõ thước lên bảng, chẳng biết Phương sún còn lảm nhảm đến bao giờ.

Hết tiết bốn, Thư với lớp trưởng xuống họp, Phương sún lại thì thào: “Nhớ chọn chỗ ngồi cạnh đấy”. Thư gắt khẽ: “Không đùa nữa”, vì thấy Hiếu trư đã lại hếch lên nghe lỏm. Lời Phương sún thế mà ứng nghiệm. Tuấn Phong xuống sau cùng, đàng hoàng tiến đến cạnh chỗ Thư, còn cười tươi và hỏi rất lịch sự: “Đã ai ngồi đây chưa Thư?“. Thư lắc đầu, lại thấy hồi hộp khó tả. Thầy Văn bắt đầu nói về kế hoạch 26 tháng 3 thì Tuấn Phong cũng hạ giọng bảo Thư: “Cậu viết văn hay thế! Hôm qua cô Hằng đọc bài của cậu làm mẫu cho lớp tớ nghe. Cô cho 9 điểm đấy”. Thầy Văn nhắc: “Các em trật tự nào”, Tuấn Phong im, tay chống lên má, nghe ngóng ra vẻ chăm chú lắm. Đến lúc thầy quay lên viết vài dòng trên bảng, Tuấn Phong lại ngoảnh sang thì thào: “Hôm nào, cậu cho tớ mượn vở tập làm văn của cậu để tham khảo nhé. Tớ học Văn chật vật quá. Thi khối D mà kém văn thì chết”. Thư thấy lâng lâng như thể sắp mọc cánh bay lên đến nơi. Tuấn Phong thấy Thư gật đầu, bèn “cám ơn cậu”, rồi vội vã mở sổ ghi ghi chép chép chăm chú. Từ lúc đó, cậu ta chẳng ngoảnh sang chỗ Thư lần nào nữa, chỉ thấy hết ghi chép lại hăng hái phát biểu về cắm trại với thi thể thao. Thư cũng mở sổ, nhưng chỉ được vài chữ, đầu óc toàn nghĩ tận đâu đâu…

*

Cả trường sôi lên vì ngày 26 tháng 3 sắp tới. Để kỷ niệm sinh nhật Đoàn TNCSHCM, năm nay Đoàn trường mạnh dạn tổ chức thi cắm trại, nấu ăn, văn nghệ và thể thao, thay vì chỉ thi văn nghệ và mít tinh kỷ niệm như mọi năm. Thoạt đầu các thầy cô chủ nhiệm la oai oái vì có quá nhiều nội dung hoạt động, sợ học sinh không tham gia xuể, nhất là khối 12 đang tơi bời vì ôn thi. Nhưng học sinh thì phấn khởi vô cùng, bởi mấy khi có dịp tưng bừng thế, tha hồ trổ tài, tha hồ hò hét. Những nội dung thi thố ấy lại được kéo dài trong 2 ngày thứ 7 và Chủ nhật. Từ xưa đến nay, chưa bao giờ trường cho học sinh cắm trại qua đêm, lần này thầy Văn bí thư phải trổ hết tài thuyết phục Ban giám hiệu, rồi còn phải chạy long lên để lo liệu mọi thứ, để thuê người bảo vệ… Cuối cùng, tất cả mọi đề nghị của BCH Đoàn trường đều được BGH “phê chuẩn”. Lúc thầy Văn nắn nót viết thông báo lên bảng tin nhà trường thì các lớp đã reo hò như vỡ chợ. Thư vừa lò dò từ dưới cầu thang lên đến cửa lớp đã bị tụi Hiếu trư, Quang quác, Hùng xoăn quây lấy nhao nhao:

- Bí thư ơi, phải thành lập các đội tuyển đi thi để còn luyện tập chứ.

- Phải nhanh nhanh lên đấy. Lớp 11B đã xong rồi.

- Chỉ còn gần hai tuần nữa thôi…

Thư gạt Quang quác sang bên, định vào lớp, nhưng hắn cứ sấn lại.

- Tớ nói thật đấy, nhanh lên..

Quang quác là lớp phó phụ trách Văn – Thể – Mỹ nên hắn sốt sắng là phải. Nhưng làm sao cứ phải sôi lên sùng sục thế. Thầy Văn còn chưa viết xong bảng thông báo. Từ giờ đến 26 tháng 3 còn những 2 tuần, nghĩa là nửa tháng nữa kia mà. Lại thêm mấy tên nữa trong lớp nhào ra, Thư vội vã xua tay:

- Rồi… rồi, sẽ họp ngay cuối buổi hôm nay.

Quang quác vẫn rên lên điệp khúc cũ:

- Lớp 11B nó xong rồi đấy!

Thư trợn mắt:

- Xong cái gì? Thầy Văn vẫn đang viết thông báo kia kìa, ông đừng có mà…

Quang quác nắm tay Thư, lôi xềnh xệch sang cửa lớp 11B bên cạnh:

- Không tin thì bà sang đây mà hỏi, học tập kinh nghiệm luôn thể. Lớp trưởng với Bí thư lớp nó đã phân công đâu ra đấy. Tuấn Phong ơi, Mai ơi…

Ngó nghiêng không thấy Tuấn Phong và Mai trong lớp, Quang quác mới chịu thả tay Thư. Giá như lần khác, Quang quác lên giọng dạy dỗ thế này thể nào cũng bị Thư “ca” lại, nhưng hôm nay hắn lại lấy Tuấn Phong ra làm gương, nên Thư im tịt. Quang quác cắm đầu chạy về phía cuối hành lang để làm gì đó, Thư mon men vào ngồi cạnh Bích Thủy lớp 11B dò hỏi:

- Lớp cậu đã phân công xong vụ 26 tháng 3 rồi à?

Thủy cười tít mắt:

- Xong rồi! Vui phết, nhỉ? Những hai ngày cắm trại. Các “sếp” của tớ biết lo xa, nói như các cụ là “Cầm đèn chạy trước ô tô”. Chưa gì tụi nó đã nhộn nhạo lên…

Thư ngơ ngác:

- Nhưng Thầy văn vừa mới thông báo. “Sếp” cậu làm thế nào mà nhanh thế?

Thủy lại cười toe:

- Thì hỏi sếp đây này.

Thư ngoảnh lại, đã thấy Tuấn Phong đứng đó. Tự nhiên cô thấy mình luống cuống, cứ như bị bắt quả tang đang làm việc gì không hay. Tuấn Phong hỏi rất thật thà:

- Có việc gì đấy Thư?

Thư đành hỏi thật:

- Tụi lớp tớ cứ sôi lên về chuyện 26 tháng 3. Chúng nó bảo lớp cậu đã phân công, sắp xếp đâu vào đấy rồi…

Tuấn Phong gật đầu:

- Đúng đấy. Hôm đi họp Đoàn về, dù chưa được trường quyết, tớ cũng cứ triển khai, phân công đâu ra đấy, một đội thể thao, một đội Văn nghệ, ai phụ trách cái gì…

- Nhưng nếu…

- Nếu trường không quyết thì thôi, có sao đâu. Tụi tớ toàn “đi trước thời đại” thôi.

Thủy lại hùa vào:

- Thế mới là sếp “nhất quả đất” chứ!

Giá không có tiếng trống vào lớp tàn nhẫn vang lên ngay lúc ấy, thì Thư còn hỏi được Tuấn Phong nhiều điều cho vụ 26 tháng 3. Thực ra, bao nhiêu năm làm cán bộ lớp rồi, Thư không lóng ngóng gì những hoạt động thế này, nhưng trong hàng ngũ cán bộ lớp của trường, Tuấn Phong luôn ở vị trí “number one”, các anh chị lớp 12 cũng phải nể bởi sự nhanh nhẹn, tháo vát, đa tài lại rất khéo “thu phục nhân tâm” của cậu ấy. 11B luôn đầu trong bảng thi đua của trưởng cũng bởi có Tuấn Phong. Lớp 11A của Thư chưa khi nào vượt lên được 11B.

Vừa len được vào chỗ ngồi, Thư đã thấy Phương sún quay xuống nhăn nhở:

- Vừa nhìn thấy đứng tâm sự với nhau rồi.

Hiếu trư lại hếch mũi lên nghe lỏm. Thư chợt thấy Phương sún vô duyên tệ. Cô làu bàu:

- Tâm sự cái gì, tao hỏi về vụ 26 tháng 3.

Cô giáo vào, Phương sún im tịt quay lên, không quên ném cho Thư cái nhìn tinh quái như muốn bảo: “Đấy chỉ là cái cớ”. Góc phía Quang quác, Hải cẩu còn rì rầm về nỗi “lũ con gái lớp mình mà đi thi nấu ăn thì chỉ có mà vét đĩa thôi". Lớp trưởng lườm sang hắng giọng hai lần tụi nó mới chịu ngoan ngoãn yên lặng. Cô giáo mở sổ điểm, tưởng kiểm tra bài cũ, ngờ đâu cô hỏi:

- Lớp này chuẩn bị 26 tháng 3 đến đầu rồi? Hình như năm nay Đoàn trường tổ chức hoành tráng lắm?

Thế là ngay lập tức cả lớp ào lên, mỗi đứa một câu. Tự dưng Thư lại cảm thấy lo lo. Cái chức Bí thư Chi đoàn đang đè nặng trên vai. Hình như các lớp đều chuẩn bị hết cả rồi, chỉ có mình là chủ quan, vẫn bình chân như vại để đợi quyết định chính thức của nhà trường. Hai tuần nữa… Vừa mới lúc nãy Thư thấy cái mốc thời gian ấy còn dài lắm, mà giờ đây đã hoảng vì nhìn thấy nó lù lù trước mặt rồi.

*

Hóa ra nỗi lo lắng của Thư không thừa. Chỉ vì ngày 26 tháng 3 sắp tới mà qua ba cuộc họp, lớp vẫn năm người mười ý, chẳng đâu ra đâu. Riêng việc cử ba đội tuyển đi thi nấu ăn, thể thao và văn nghệ cũng đã ầm ĩ đến phát rồ cả người. Lũ con trai ngang như cua lại hay trêu chọc, còn con gái thì ý kiến, lập trường thay đổi xoành xoạch. Ban đầu, cả lớp nhất trí cử năm nàng vào đội nấu ăn gồm: Lan Anh, Minh loa, Hương điệu, Hạnh A và Vân Lâm Đại Ngọc. “Đề bài” của trường là nấu một mâm cơm cho năm người ăn với số tiền hai trăm nghìn đồng. Mâm cơm ấy phải nấu thế nào, gồm những món gì… là đề tài tranh cãi nát cả mấy cuộc họp. Đang chưa đâu vào đâu, Hiếu trư lại nhăn nhở: “Năm cô nương này nấu ăn, phải mua cả thuốc Cloxit hoặc Becberin tra vào món ăn nhé!“. Chỉ thế thôi mà Vân Lâm Đại Ngọc dỗi, đùng đùng xin ra khỏi tổ nấu ăn, dỗ dành thế nào cũng không được, cứ một mực: “Tớ vụng lắm, tớ chẳng biết nấu nướng gì đâu”. Lan Anh cáu kỉnh, bảo: “Không biết nấu thì nhặt rau, rửa sau cũng được” nhưng Vân Lâm Đại Ngọc vẫn lắc đầu quầy quậy. Hiếu trư biết lỗi nên im tịt, mãi sau mới len đến gần chỗ Vân, ấp úng: “Tớ… chỉ đùa thôi mà”. Vân Lâm Đại Ngọc ngó lơ ra cửa sổ, ra cái điều không thèm để ý. Nhận thấy nguy cơ mất đoàn kết nội bộ, Thư lên bục giảng, gõ thước vào bảng cành cạch để dẹp trật tự thì Phương sún nháy mắt ra hiệu đi xuống rồi thì thào: “Một mình m�! �y “chiến đấu” thì chết. Tao có cách rồi”. Mặc kệ cả lớp đang nhốn nháo, Phương sún lôi Thư sang lớp 11B, vẫy tay gọi Tuấn Phong. Thư ngạc nhiên: “Mày làm cái gì thế?“, nó tỉnh bơ: “Tìm Khổng Minh cho mày chứ còn làm gì”. Tuấn Phong ra, hỏi: “Có việc gì thế hả hai cô nương?“. Phương sún vờ lấy vẻ mặt đau khổ: “Lớp tớ đang ầm ĩ quá thể về những trò thi thố 26 tháng 3. Cứ mỗi đứa một ý, chẳng thống nhất gì cả. Cậu làm thế nào mà êm thế, bảo chúng tớ với”. Mặt Tuấn Phong tươi tỉnh hẳn lên: “Có gì đâu, một mình Bí thư lo thì mệt là phải. Thế này nhé, về lớp cậu cứ chia việc ra. Lớp phó Văn thể thì chịu trách nhiệm đội thể thao, lớp phó học tập chịu trách nhiệm đội nấu ăn, hơi trái một tí, nhưng không sao, cán bộ lớp thì phải làm. Lớp trưởng chịu trách nhiệm đội cắm trại, phó bí thư chịu trách nhiệm đội văn nghệ. Bí thư theo dõi chung. Cứ thế mà làm. Lớp trưởng, lớp phó, bí thư có thể huy động thêm các tổ trưởng giúp sức”. Thư reo lên: “Ừ, thế mà không nghĩ ra, cứ để ầm ĩ mãi”. Phương sún không để cho Thư nói thêm câu nào, lại kéo tay chạy sầm sập về lớp. Đến cửa, nó dừng lại bảo: “Bây giờ tao mới biết thế nào ánh mắt hình trái tim“. Thư hỏi lại: “Là thế nào?“. Nó ngoác miệng cười, hở đủ mấy chục cái răng sún thảm sún hại: “Là cái cách mày nhìn Tuấn Phong ấy!“.

“Phương pháp” của Tuấn Phong được Thư áp dụng triệt để đã đem lại không khí hòa bình cho lớp. Hết cảnh chí chóe, tranh cãi om sòm, nhưng hình như Vân Lâm Đại Ngọc vẫn chưa hết giận Hiếu trư. Phương sún lại thì thào: “Nàng Vân cũng đỏng đảnh quá cơ. Không thích Hiếu trư thì tại sao phải giận. Tụi cái Lan Anh, Minh, Hạnh có tức giận gì đâu…“. Cuối cùng, tổ nấu ăn được bổ sung thêm Mai mèo, Vân Lâm Đại Ngọc vào tổ văn nghệ. Phương sún lườm nguýt Hiếu trư: “Từ giờ thì giữ mồm giữ miệng nhé. Chuẩn bị tiền mua hoa lên tặng là vừa”. Thư phải cấu Phương sún cho nó im, chỉ sợ Hiếu trư biết được cả Thư lẫn Phương đều đã rõ “phi vụ tình cảm” của hắn với Vân.

Từ hôm ấy, Thư cứ xoay như chong chóng, ngoài những buổi đi học là những buổi lẽo đẽo theo sát các tổ, thúc hối việc chuẩn bị và tập luyện. Không khí trong trường khác hẳn, cứ rộn ràng, náo nức suốt ngày. Tận tối mịt mà các lớp vẫn sáng đèn, bên này hò hát, bên kia oang oang bàn bạc. Thư cứ tấp tểnh, hết ở Sân vận động xem tụi con trai đá cầu, đánh cầu lông, bóng bàn, lại nhào vào lớp nghe lũ con gái hát hò, rồi chạy đến nhà Bích bộp kiểm tra việc chuẩn bị vật liệu cắm trại. Rách việc nhất vẫn là tổ nấu ăn. Các nàng cứ nhùng nhằng bàn cãi xem nấu cái gì, nấu như thế nào. Hàng chục quyển sách nấu ăn Âu á, dày có, mỏng có, mới có, cũ có được huy động chất đống ở bàn học của Mai mèo, mà vẫn chưa đâu ra đâu. Cuối cùng Phương sún lại thông minh đột xuất, bảo: “Tớ sẽ kiếm gia sư cho các cậu”. Cả nhao nhao hỏi ở đâu. Phương sún tiết lộ có bà bác họ trước làm cửa hàng trưởng cửa hàng nấu ăn, giờ chuyên nấu cỗ thuê cho các đám cưới, đám ma, hội nghị. Tất cả rú lên sung sướng như bắt được vàng, nằng nặc giục Phương sún đưa đến nhà bà bác ngay lập tức. Thư thở phào nhẹ nhõm, phân công luôn: “Thôi, Phương chuyển từ đội cắm trại sang đội nấu ăn đi, cùng phó bí thư theo sát mấy “mụ” này".

Từ hôm bận bịu việc 26 tháng 3 của lớp, Thư chẳng có thời gian để ý đến cái Suốt, hay nói đúng ra là chẳng có thời gian mà xét nét nó nên mối quan hệ giữa hai đứa có vẻ êm đẹp hơn. Thư cứ tất bật, về đến nhà chỉ kịp ăn cơm, rồi lại đi. Buổi tối, lúc cô ngồi học thì cái Suốt xem ti vi ở dưới nhà. Thỉnh thoảng lại nghe tiếng nó cười hoặc bình luận rất to. Cái con bé đến lạ, xem phim mà cứ oang oang cãi nhau với ti vi. Có hôm Thư để ý, thấy nó vừa dán mắt vào màn hình, vừa gào lên: “Đừng! Đừng có mà tin nó. Nó nói điêu đấy. Ô kìa, đã bảo mà…“. Cả nhà sửa mãi mà nó chưa bỏ được cái tật ấy, thành thử phải ngồi xem ti vi cùng nó là một cực hình đối với Thư. Mà cũng lạ, con bé mê ti vi như điếu đổ. Cứ hở ra chút thời gian rỗi nào là nó ôm bảng điều khiển, ngồi như bị đóng đinh trước màn hình. Mỗi lần xem ti vi, nó lại “ca” điệp khúc: “Ti vi ở đây sướng thế, bao nhiêu chương trình hay, lúc nào cũng có phim. Ở quê cháu, ti vi chán lắm vì không có truyền hình cáp”. Thế nhưng tối hôm nay, cái Suốt chịu “thoát ly” ti vi. Trong lúc Thư chúi mũi vào sách thì nó quanh quẩn trên phòng, hết gấp quần áo lại dọn dẹp linh tinh. Ban đầu Thư không để ý, nhưng sau thấy cái Suốt cứ lục sục mãi thì ngẩng lên, hỏi cho có chuyện:

- Hôm nay ti vi không có phim gì à?

Cái Suốt không trả lời mà lại đắn đo:

- Dì ơi… dì…

Thư gấp sách quay sang:

- Sao cơ?

Con bé gãi đầu, gãi tai:

- Cháu muốn hỏi dì…

Thư sốt ruột:

- Thì hỏi đi, nhanh lên tao còn học. Một đống bài tập Lý kia kìa…

- Dì ơi, sao dạo này cháu chẳng thấy chị Phương đến chơi? Hồi trước, tuần nào chị ấy cũng đến.

Ra là chuyện đó! Đúng là đợt này Phương sún không đến thật, vì cả lớp đang lao vào “chiến dịch” tập luyện và chuẩn bị. Đến Thư cũng đi miết suốt ngày. Thư lại quay vào bàn học, trả lời quấy quá:

- Ừ, nó bận. Dạo này lắm việc.

Tưởng thế là xong, nhưng cái Suốt vẫn băn khoăn:

- Bận, hay là chị ấy giận cháu hả dì?

Suýt nữa thì Thư phì cười. Chẳng hiểu sao cái Suốt lại tự nghĩ ra cái nguyên nhân trời ơi ấy. Nó cứ làm như nó có vai trò quan trọng lắm với Phương sún mà Phương sún phải tốn hơi giận dỗi. Nghĩ thế nhưng Thư không nói ra mà chỉ hỏi:

- Sao mày lại nghĩ là Phương sún giận mày?

Cái Suốt ấp úng:

- Bởi vì… bởi vì cháu thấy chị ấy không đến, cũng không gọi điện… Cháu cứ nhơ nhớ chị ấy.

Lại còn thế nữa. Hóa ra ngày nào nó cũng ngóng điện thoại của Phương sún, làm như bạn chí cốt từ lâu lắm. Đến giờ thì Thư gắt:

- Mày đừng có lẩm cẩm nữa. Đang bao nhiêu việc phải làm, ai rỗi hơi mà đến chơi với mày.

Bị mắng, cái Suốt ngồi im. Một lát sau nó cắp theo con búp bê Lọ Lem đi xuống cầu thang, chắc lại xem ti vi.

Hôm sau, vừa gặp Phương sún, Thư đã nhanh nhảu kể về nỗi nhớ nhung và băn khoăn của cái Suốt, lại dài giọng bình luận thêm: “Lâu lâu không thấy mày đến “vấn an” hay gọi điện hỏi thăm sức khỏe nên nó nghĩ thế”. Ngờ đâu Phương sún à lên: “Ừ, tao quên mất lời hứa gọi điện với nó. Thôi, trưa nay về gọi luôn”. Thư lại thấy tức tức: “Bao nhiêu việc mày không lo, lại cứ đi lo chuyện vớ vẩn. Kệ nó”. Phương sún nhún vai: “Tao vẫn đang lo việc lớp đấy chứ. Tính đến chiều qua, nhóm nấu ăn đã nấu thử đến bữa thứ 6. Chất lượng thì tốt nhưng tốn kém khủng khiếp. Sáng kiến của Mai mèo là mỗi hôm thực hành ở nhà một đứa, dĩ nhiên là do phụ huynh nhà ấy chi tiền chợ. Mai đến lượt nhà tao rồi. Mày đến nếm nhé". Thư quên phắt chuyện cái Suốt, hào hứng: “Được rồi, tao sẽ đến, không phải chỉ nếm mà còn cho điểm”.

Chiều hôm sau, lúc Thư chuẩn bị đến nhà Phương sún để “giám sát” nhóm nấu ăn thực hiện nhiệm vụ thì Phương sún gọi điện. Nó “hạ lệnh” rất gọn gàng: “Mày rủ cái Suốt đi cùng nhé!“. Thư ngạc nhiên: “Sao lại thế?. Liên quan gì mà cho nó cùng đi?”, “Thì cứ rủ nó đến cho vui. Tao đã hứa với nó là sẽ có hôm đưa nó về nhà chơi”. Phương sún đúng là điên rồ. Thư giậm chân bình bịch: “Không được, nó còn phải nấu cơm”. Thật xui xẻo là hôm ấy mẹ về sớm, nghe được Thư cự Phương qua điện thoại, nên gặng hỏi có chuyện gì. Thư kể, thế là mẹ bảo: “Để mẹ nấu cơm, con và Suốt cứ đi. Nếu về muộn, có dì có cháu càng đỡ sợ chứ sao”. Mẹ cứ làm như cái Suốt là vệ sĩ riêng của Thư không bằng. Chưa để Thư đồng ý, mẹ đã hướng lên gác gọi cái Suốt xuống, bảo: “Cháu có đi cùng dì Thư đến nhà chị Phương không? Nó vừa điện thoại mời”. Con bé cuống lên mừng rỡ, không để ý đến vẻ mặt lầm lầm khó chịu của Thư: “Thế hở bà? Bà cho cháu đi nhá! Chị ấy gọi điện hở bà? Đúng rồi. Hôm nọ chị ấy bảo khi nào rỗi thì sẽ đưa cháu đến nhà chơi. Nhà chị Phương có xa không hả bà?“. Chẳng đếm xỉa gì đến Thư, nó tót đi thay quần áo. Thư dằn dỗi bảo mẹ: “Con không đi nữa đâu!“. Mẹ nghiêm giọng: “Con đừng có trẻ con như thế”. Thư chợt nhận ra từ ngày có cái Suốt mẹ! đâm khó tính với mình. Cái Suốt xí xớn chạy ra từ nhà tắm, mặt hơn hớn như nông dân được mùa: “Dì ơi! Cháu mặc bộ quần áo này có được không?“. Thư soi nó kỹ lưỡng từ đầu đến chân. Quần âu màu tím than, áo sơ mi kẻ xanh bên trong, áo khoác màu ngà bên ngoài. Bộ này mẹ mua cho nó từ mấy tháng trước, nhưng nó chưa mặc lần nào. Thấy Thư chưa “phán” gì, con bé sốt ruột, hỏi lại luôn: “Cháu mặc bộ này cũng được, dì nhỉ?“. Thư dài giọng: “Đẹp, như công chúa luôn”. Không để ý đến giọng điệu châm chọc của Thư, cái Suốt cười khanh khách: “Dì cứ trêu cháu. Cháu chỉ như búp bê Lọ Lem của dì thôi. À dì ơi, chị Phương cứ gọi cháu là búp bê Lọ Lem. Cháu rất thích cái tên ấy. Cái Bưởi bạn cháu…“. Thư ngán ngẩm dong xe ra, những hào hứng ban đầu tự nhiên bay biến sạch. Cả Phương sún, cả mẹ đều buồn cười quá cơ, tự nhiên lại bắt mình cắp theo cái con bé cao nghều và vô duyên này. Có nó ở chung phòng đã chán, giờ đi chơi lại phải mang nó theo. Có khi mai kia mẹ lại hạ lệnh đi học cũng phải dắt nó theo cũng nên.

Suốt dọc đường, Thư không hé răng nói câu nào vì tức. Cái Suốt ngồi sau xe cứ luôn miệng, mà lại bô bô rõ to. Hết khen “Úi giời ơi, cái nhà năm tầng kia đẹp thế dì nhỉ? Sao người ta lấy đâu ra lắm tiền để xây nhà to thế”, lại rên rỉ: “Dì ơi, dì nhìn kia, sao người ta bán lắm dưa hấu thế. Một nhà đầy dưa hấu như thế thì bán đến bao giờ cho hết, nó thối ra cho thì phí của”, “Khiếp! Sao cái hiệu may kia người ta không mặc quần áo cho cái thằng người bằng nhựa”. Mới đầu Thư còn làm thinh, nhưng sau thấy mức độ “phát thanh” của cái Suốt vượt quá ngưỡng cho phép, cô phải dừng hẳn xe, bảo: “Mày nói vừa vừa thôi. Cứ oang oác giữa phố thế, người ta tưởng cả tao lẫn mày đều điên đấy”. Nói đến “điên”, cái Suốt bưng miệng, im bặt. Từ đấy nó không bình luận bất cứ câu nào nữa.

Đến cửa nhà Phương sún đã thấy xe đạp của lũ Mai mèo dựng ngổn ngang và tiếng chúng nó chí chóe bên trong. Thư xuống xe, định dong vào thì cái Suốt níu lại. Nét mặt nó lộ rõ vẻ căng thẳng: “Dì ơi, cháu bảo này, sao đông người thế?“. Thư mắng: “Sao với giăng cái gì, vào đi”. Cái Suốt vẫn cố kéo xe lại: “Không… cháu cứ tưởng có mỗi mình dì với lại chị Phương, chứ nhiều bạn dì như thế thì cháu sợ lắm. Cháu đứng ngoài này thôi”. Đến là bực mình cho con bé này. Lúc ở nhà không muốn cho nó đi, thì nó theo bằng được. Tới đây rồi lại dở trò đòi đứng ở ngoài. Thư lại phải vừa dỗ dành vừa gắt: “Chúng nó có ăn thịt mày đâu mà sợ. Vào đây”. Cái Suốt đành te te theo Thư. Phương sún ra, trông thấy hai dì cháu, chẳng đếm xỉa gì đến Thư, mà lại túm tay cái Suốt rối rít: “Vào đây, vào đây. Hôm nay được biết nhà chị rồi nhé”. Tụi Mai mèo đang quát nhau nheo nhéo trong bếp. Rổ, rá, dao, thớt bầy đầy sàn nhà. Thư mặc kệ Phương sún đang say sưa làm “hướng dẫn viên” cho cái Suốt đi tham quan nhà, xông vào bếp để “kiểm tra”. Mai mèo thở dài: “Mỗi ngày phải ăn một bữa cơm tự đạo diễn. Sáu bảy ngày liền rồi, ớn quá”. Lan Anh bưng miệng: “Từ giờ, cứ nhìn thấy sườn xào chua ngọt là tao sợ”. Hạnh A dúi cho Thư mảnh giấy: “Thực đơn đấy, bí thư nghiên cứu đi. Mâm cơm đảm bảo đ! ủ calo, đủ bốn nhóm thực phẩm. Thế này mà không đoạt giải thì…“. Thư liếc mảnh giấy nhôm nhoam như chuột gặm mà Hạnh A gọi là thực đơn, cười: “Thì sao?”, “Thì tớ vĩnh viễn chia tay với cái mà người đời vẫn thường gọi là nội trợ, cho rảnh thân”. Mấy đứa nghe tiếng Phương sún đang thao thao với cái Suốt ở trên nhà, hỏi: “Mày tha theo đứa nào trông buồn cười thế hả Thư?“. Thư nhún vai: “Bạn thân của Phương sún đấy”. Lan Anh tưởng thật, hấp tấp nuốt một miếng gì đó đang nếm dở trong miệng, lúng búng: “Thế à? Ở đâu ra?“. Minh “loa” phì cười: “Mày tin nó làm gì. Cháu gọi bí thư bằng dì đấy. Cháu nhưng kiêm người giúp việc, Thư nhỉ? Tao thấy Phương sún kể thế”. Cũng chẳng đứa nào thắc mắc rằng Thư mang theo cái Suốt để làm gì. Một lát sau nó xuống, rất bẽn lẽn chào “các chị”, nhưng rồi lại nhanh nhảu nhặt rau, rửa rau và dọn dẹp căn bếp ngổn ngang bởi bàn tay các “đầu bếp vàng” bày ra.

Mâm cơm bày ra, bố mẹ và em trai Phương sún cứ nghi ngút khen những “nàng Tấm” thời hiện đại nấu ăn khéo. Thế nhưng cả 6 nàng trong tổ nấu ăn chống đũa thở dài: “Một tuần nay chúng cháu toàn ăn những món này thôi. Ớn quá”. Thư động viên: “Thì hôm nay là buổi tập dượt cuối cùng rồi. Cố lên”. Chuyện trong bữa cơm chỉ xoay quanh đề tài 26 tháng 3 nên cái Suốt ngồi im và ăn uống rất rụt rè. Thư lo lắng bảo Phương sún: “Chết cơ, tụi lớp mình chẳng biết cắm trại gì cả. Đọc nát bét cuốn “cẩm nang đoàn đội” mà dựng thử lần nào là liêu xiêu lần ấy”. Phương sún trợn mắt: “Thế thì làm thế nào? Mày đi tập huấn cán bộ Đoàn bao nhiêu lần rồi mà vẫn không cắm trại được à?“. Thư lắc đầu: “Về lý thuyết tao nắm rất chắc, nhưng bắt tay vào làm thì lại chẳng thành. Trường mình đã khi nào cắm trại đâu. Những lần đi cắm trại ở phường, tao toàn làm chân loong toong thôi”. Tụi Lan Anh, Hạnh A, Hương điệu bàn kế đi thuê lều trại có khung dựng sẵn, vừa đẹp, vừa đỡ tốn thời gian, nhưng Thư bảo: ” Không được, thế thì phạm quy mất, BCH Đoàn trường không chấp nhận đâu”. Bất ngờ cái Suốt lên tiếng: “Cắm trại thì khó gì hả dì? Năm nào cháu chẳng đi cắm trại ở xã”. Thư vội vã hỏi: “Thế mày có biết dựng trại không?“. Con bé gật đầu dứt khoát: “Biết, đội cháu năm nào cũng được giải nhất cắm trại”. Phương sún reo lên: “Thế thì Suốt! giúp nhé”. Thư cũng thấy nhẹ cả người. Có thế mà không nghĩ ra để hỏi nó từ trước. Mấy ngày hôm này cô và lớp trưởng lo sốt vó vì vụ dựng trại. Ra sân vận động dựng thử, cả đội toàn cãi nhau. Đã có lúc Thư nghĩ hay là cầu cứu đến Tuấn Phong, nhưng rồi lại phải gạt ngay ý nghĩ đó đi. Không phải cô ngại mà chỉ sợ Tuấn Phong coi thường. Cậu ta sẽ nghĩ: “Thế mà cũng đòi là bí thư Chi đoàn với chả học sinh giỏi Văn, có mỗi việc hướng dẫn mọi người dựng trại cũng không xong”. Cầu cứu đến cô giáo chủ nhiệm thì cô bảo: “Cô chịu thôi. Hàng chục năm nay có cắm trại đâu mà biết. Em là bí thư, cứ đôn đốc các bạn”. Đúng là mấy ngày hôm nay Thư nóng ruột quá cho chuyện dựng trại. Thế mà cô để ý, vẫn thấy Tuấn Phong và Mai bí thư 11B thảnh thơi như thường, không phải tất bật ngược xuôi như tụi cán bộ lớp 11A bên này. Lớp trưởng 11A của Thư còn cử hẳn một “bộ phận do thám” để đi dò la tin tức xem tình hình tập tành, chuẩn bị của các lớp đến đâu, còn “đối phó” và cố gắng. Chúng nó nắm vanh vách lớp này tập những tiết mục văn nghệ gì, lớp kia chuẩn bị nấu ăn ra sao, nhưng riêng với 11B thì cả tổ do thám mù tịt. Lớp ấy cứ “bình chân như vại”. Hiếu trư vò đầu bứt tai bảo: “Chẳng biết chúng nó có địa điểm tập tành ở đâu mà bí mật thế. Hỏi dò mãi mà không ra. Tụi 11B khôn kinh khủng”. Đúng là khôn thật, bởi từ xưa tới nay 11A chưa bao giờ thắn! g 11B tro! ng bất cứ cuộc thi nào, mà chỉ đuổi theo được đến sát nút. “Mục tiêu” của 11A luôn là phải vượt được 11B. Tụi 11B cũng biết điều ấy nên càng cố gắng giữ vững vị trí. Có lần giữa 2 lớp suýt xảy ra “chiến tranh”. Đó là do một “thảo dân” của 11B nói khích 11A: “Ngồi mãi ở vị trí thứ 2 mà không thấy đau mông à 11A ơi”. Lớp 11A sôi lên sùng sục. Cũng may ngay sau đó lớp trưởng Tuấn Phong đã đích thân dong kẻ tội đồ kia sang để xin lỗi 11A, mọi chuyện lại trở nên êm thấm và Tuấn Phong lại ghi thêm được rất nhiều điểm trong mắt bọn con gái. Bọn con trai thích chiến tranh thì càu nhàu: “Thằng ấy nhát chết thế. Chưa gì đã sợ cuống”. Thư biết thừa “đực rựa” lớp mình luôn ghen tị với Tuấn Phong. Hồi học kỳ I, cái Hằng la sát nghĩ ra trò bình chọn “Người đàn ông trong năm”, bắt chước một tờ báo gì đó bên Mỹ. Kết quả thật bất ngờ, đến 90% tụi con gái trong lớp bình bầu Tuấn Phong. Số 10% ngớ ngẩn còn lại toàn bình bầu những nhân vật “đáng kính” như bố, ông nội, thầy giáo với anh trai. Số này phạm quy, vì Hằng la sát đưa ra tiêu chí phải là những boy trong trường. Hằng la sát còn gào lên một câu thê thảm: “Hỡi những đấng mày râu đau khổ của 11A, các người nghĩ gì khi ngự trị trong trái tim các công chúa vương quốc này lại là quốc vương của 11B bên cạnh?“. Tụi con trai hoặc nhếch mép cười nhạt, hoặc phẩy tay cho rằng đó là trò vớ vẩn của tụi vịt giời lắm điều, nh! ưng tron! g thâm tâm tên nào cũng thấy “cay”. Quang quác có lần bảo Tuấn Phong: “Lũ thị Nở lớp tôi đang phát rồ vì ông đấy”. Tuấn Phong lại chỉ cười, hỏi: “Thế à?“.

Lần này thì Thư chính thức thấy cái Suốt trở thành cứu tinh của mình trong vụ cắm trại. Nó cao hứng, nói vanh vách về các loại trại, nào trại mùa hè, mùa đông, trại chữ A, chữ B gì gì đó. Nó còn bảo “Chỉ cần cháu với bốn người nữa, thì hai mươi phút có thể dựng trại ngon lành. Thi cắm trại là phải thi cả thời gian dựng trại nhanh nữa”. Ngay hôm sau, cái Suốt đã theo Thư ra sân vận động để thực hành. Nói cho công bằng thì đúng là nó giỏi cái món cắm trại thật. Nó đo đạc, sắp sẵn dây dợ, cọc, gậy rồi hướng dẫn tụi tổ cắm trại lớp Thư. Khung trại được dựng lên, vững chãi, phẳng phiu chứ không xô lệch, nghiêng dúm như những hôm trước. Cái Suốt còn đích thân kiểm tra mọi vật liệu, góp ý từng tí một rằng thiếu, rằng thừa cái gì. Nó còn bảo cổng trại làm như thế thì rất xấu, nếu sửa lại theo kiểu “Chúng cháu vẫn cắm ở quê” sẽ đẹp hơn. Riêng chuyện cắm trại, Thư nhất nhất nghe theo lời nó. Lớp trưởng nói thầm với Thư: “Bà kiếm đâu ra cô cháu này đấy? May quá đi mất”. Thư được thể vênh mặt tự hào: “Cứ trông chờ vào các ông thì có mà dựng lều vịt cũng chẳng xong”. Cuối cùng, cái Suốt xung phong đảm nhận toàn bộ phần hoa giấy, xúc xích trang trí trại. Tụi tổ cắm trại nhảy cẫng lên vì sung sướng.

Thư với cái Suốt xích lại gần nhau hơn trong việc chuẩn bị cho buổi cắm trại. Thay vì việc ngồi dán mắt vào ti vi, tối nào cái Suốt cũng tỉ mẩn gấp, cắt hoa giấy và dán xúc xích trang trí. Vừa làm nó vừa miên man kể chuyện cắm trại ở quê. Nào là cháu thích mùa hè lắm, hè nào cháu cũng được đi tập thiếu niên, vui ơi là vui dì ạ. Nhưng năm nay thì cháu quá tuổi rồi. Cơ mà cũng chẳng về được, vì còn phải ở trên này. Nào là đội cháu năm nào cũng giải nhất cắm trại. Xã cháu có nhiều năm được đi thi tận trên huyện cơ. Những ngày tập thiếu niên để chuẩn bị cho cắm trại, cứ ăn cơm tối xong là tụi cháu ra sân đình. Trống cứ khua thùng thùng đến tận 10 giờ đêm. Bao nhiêu là người lớn ra xem. Cháu chẳng bao giờ được vào đội múa, dù cháu thích múa lắm. Thư phì cười: “ Tay chân nguều ngoào như mày mà vào múa thì khác gì ngoáy cám lợn”. Cái Suốt cười theo: “Thật đấy. Sao cháu cứ cao mãi thế này. Năm ngoái cháu đo được 1 mét 58, năm nay đã lại lên 1 mét 63 rồi. Cháu chán lắm cơ. Cháu chỉ thích cao khoảng 1 mét 40 thôi”. Thư lại phải cười: “Đồ dở hơi, cao 1 mét bốn mươi để xin vào rạp xiếc làm hề à? Bây giờ khối người muốn cao cũng chẳng được. Có cao mới làm hoa hậu, làm người mẫu được chứ”. Cái Suốt tư lự: “Cháu thì hoa hậu với người mẫu cái nỗi gì. Nhưng thực ra thì cao cũng có cái lợi, là lội ruộng cấy gặt hay gánh gồng gì cũng dễ. Lùn như con bạn thân của cháu ấy, khổ lắm cơ. Đi gánh lúa, quang cứ quệt xuống bờ ruộng”. “Đấy, cao có lợi như thế, sao mày còn ước lùn làm gì?“. Cái Suốt im lặng một lát, rồi mới khẽ khàng: “Dì Thư này, tụi con trai ở làng cháu ấy mà, chẳng có đứa nào cao bằng cháu đâu”. Phải ngẩn ra một lát Thư mới hiểu cái Suốt muốn nói gì. Hóa ra cô nàng lo lắng cho chiều cao quá khổ sẽ khó lấy chồng… Nhìn vẻ mặt đau khổ của cái Suốt, Thư cố gắng lắm mới không bật cười lần nữa. Cô đùa: “Bạn dì có nhiều đứa cao kều lắm, thằng Tùng hươu còn lêu đêu gấp mấy lần mày cơ. Hay để dì “làm mối” nó cho mày?“. Cái Suốt đỏ mặt lên, chối bai bải: “Thôi, thôi, dì ơi”.

Hai ngày cắm trại đúng là hai ngày hội tưng bừng với học sinh toàn trường, Thư bắt thăm vị trí cắm trại, run rủi thế nào lại được khoảng đất sát với 11B. Phương sún hi hí cười: “Thấy chưa, hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”. Hôm nay thì Thư không hơi sức đâu mà để ý đến những lời trêu chọc của nó bởi còn cả núi công việc cần phải lo, phải làm. Cái Suốt được “trưng dụng” từ sáng sớm để thay Thư làm “tổng chỉ huy” tổ cắm trại. Thấy hai dì cháu tất bật, mẹ lại đâm vui nên dậy rõ sớm để nấu mì phục vụ. Cái Suốt cứ khép na khép nép ngồi ôm đống cọc tre, dây thừng và vải căng lều trại. Lũ con trai lớp Thư thấy thế lại càng trêu chọc. Hiếu trư gào lên: “Thư ơi, cho tớ làm cháu cậu đi”. Thư lườm: “Không có Vân Lâm Đại Ngọc ở đây nên mạnh mồm thế”. Nói xong mới biết mình lỡ lời, bởi Hiếu trư trố mắt nhìn Thư như dò hỏi xem tại sao Thư biết hắn “có vấn đề” với Vân. Quang quác sấn lại, nhăn nhở: “Còn lâu mới đến lượt Hiếu trư nhé! Dì Thư ơi, dì Thư”. Lũ con gái ré lên cười. Cứ nhộn nhạo, ầm ĩ. Cái Suốt cắm mặt nhìn xuống đất, không nói năng gì, má đỏ dậy. Phương sún ở đâu hớt hải chạy về, mắng sa sả: “Cứ đứng đấy mà cười, tí vào việc lại lóng nga lóng ngóng. Suốt ơi, không việc gì phải sợ cái tụi dài lưng tốn vải ấy cả”. Thư để ý sang 11B, thấy Tuấn Phong chạy đi chạy lại như con thoi, lúc chỗ này, lúc chỗ khác, thỉnh thoảng lại th! ì thầm bàn bạc gì đó với Mai bí thư. Thực ra ban đầu, thấy Mai hay ôm sổ đi sóng đôi với Tuấn Phong xuống văn phòng họp, Thư cũng đã buồn buồn. Ngay từ hồi lớp 10, tụi con gái lớp Thư cũng xì xào: “Hình như Tuấn Phong với cái Mai thích nhau, đi đâu là đi cả đôi”. Nhưng Phương sún lại rót vào tai Thư những lời “có cánh”: “Không phải đâu. Vì công việc ấy mà. Chẳng có một miligam tình cảm riêng tư nào cả, tao “khảo sát” rồi”. Từ đó, Thư lại thấy quen với cảnh Mai luôn sát cánh bên “người đàn ông trong năm”… Đến lúc phát lệnh bắt đầu cắm trại, các lớp càng nhốn nháo tợn. Tụi con trai 11A không trêu chọc gì nữa, cái Suốt linh hoạt hẳn lên. Nó thoăn thoắt thao tác, luôn miệng “chỉ đạo” mọi người. Thư lùi ra vòng ngoài, vừa quan sát lớp mình, vừa để mắt sang 11B bên cạnh. Hình như Tuấn Phong cũng thế. Tụi bên ấy hò hét rất ghê. Vừa đóng cọc, căng dây, chúng nó vừa hát “Hò kéo pháo” rồi cười tóa lên. Đến khi khung trại dựng xong, Tuấn Phong vẫy Thư ra, hỏi khẽ: “Bên ấy lấy đâu ra nhân viên mới toanh thế?“. Thư liếc về phía cái Suốt đang nghiêng đầu ngắm nghía độ phẳng của mái trại, bảo: “Bí mật quốc gia”. Tuấn Phong dọa: “Nếu thuê người làm trại là phạm quy đấy nhé”. Phương sún te te chạy đến một cách rất vô duyên, nhưng lại cứu Thư ra khỏi một bàn thua trông thấy: “Còn lâu nhá! Tôi đọc kỹ quy chế chấm rồi, chẳng có điều khoản nào như thế cả.! M�! � chúng tôi có thuê đâu”. Thư vớt vát theo: “Đứa cháu họ tớ ở quê ra, cứ đòi đi xem cắm trại, nên theo”. Tuấn Phong cười xòa: “Tớ đùa thôi. Nhưng công nhận bên ấy dựng trại nhanh”.

Xong trại, cái Suốt nằng nặc đòi về. Thư bảo thế nào nó cũng không chịu ở lại, vì “Cháu ngại lắm, bạn dì cứ trêu. Cháu chẳng ra chỗ đông người lạ thế này bao giờ”. Thư cũng nhận ra rằng cho nó về là hơn, nhưng cô còn bao nhiêu việc không thể làm tài xế được. Phương sún chạy đâu mất tiêu, chắc vào trường cổ vũ bọn nấu ăn. Thấy Hiếu trư cứ đi ra đi vào, Thư ngoắc tay: “Tôi nhờ ông một việc, à quên, dì Thư nhờ cháu Hiếu”. Hắn hí hửng: “Việc gì thế, thưa… bà dì vợ”. Thư cười tủm tỉm: “Thì… đưa vợ ông về giúp tôi. Suốt ơi! bảo”. Hiếu trư nhảy cỡn lên: “Thôi thôi… tôi xin bà”. Liếc thêm cái nữa, Thư thấy Vân Lâm Đại Ngọc đang lù lù đi tới. Thảo nào hắn ta chối bai bải là phải. Lúc Quang quác xung phong làm “vệ sĩ” thì cái Suốt lại giãy lên: “Thôi thôi, dì ơi cháu về với dì cơ”. Thư đã cáu, nhưng không gắt nó như ở nhà. Điều đình mãi, cuối cùng Liên “trời ơi” áp tải cái Suốt về. Được một lúc, Phương sún từ đâu chạy tới, hỏi cái Suốt đâu rồi, rồi giậm chân bình bịch: “Sao không bảo nó ở lại liên hoan với lớp mình?” làm như cái Suốt là nguyên thủ quốc gia, có mặt ở đây là vinh dự cho cả lớp, cả trường. Thư nói giọng hơi dỗi: “Sao mày không về mà giữ nó”.

Hết buổi sáng, hai nội dung thi là cắm trại và nấu ăn đã xong. Kết quả được công bố ngay lập tức và thật tuyệt vời lớp 11A của Thư giải nhì cắm trại, giải ba nấu ăn. Lớp 11B giải ba cắm trại, giải ba nấu ăn. “Vượt mặt” được 11B, 11A hò reo vỡ trời. Tụi con gái 11B mặt ỉu xìu. Nhìn mãi chẳng thấy Tuấn Phong đâu, Thư đâm cáu lớp mình ăn mừng chiến thắng ồn ào quá. Nhưng cô càng xua tay bảo: “Gào bé thôi” thì tụi nó càng hét ầm lên “11A muôn năm”, “11A vô địch”. Vô địch cái nỗi gì khi chỉ về nhì. Giải nhất cắm trại thuộc về 12C. Công nhận trại của họ ra trại, đẹp long lanh. Phương châm của khối 12 là: “Không còn dịp nào để xả láng nữa”, nên họ dốc toàn bộ tâm lực và rất nhiều tiền bạc cho cuộc này. Thua khối 12 nhưng chiến thắng 11B, thế là 11A quá vinh quang rồi. Người đến thăm trại của 11A ngày càng đông.

Hai ngày cắm trại mệt tơi bời và vui ngất trời rồi cũng hết. Tổng kết, lớp 11A của Thư thu thêm được một giải Ba văn nghệ và hai giải khuyến khích đá cầu với cầu lông, tổng điểm đứng thứ 5, vẫn sau 11B một quãng xa vì họ đứng thứ 2. Cô giáo chủ nhiệm hoan hỉ, lớp hoan hỉ, còn Thư thì vẫn thấy không thoải mái lắm. Phương sún đoán trúng phóc tâm trạng cô: “Này, thua trời một vạn, không bằng thua bạn 11B một li có phải không?“. Thư lắc đầu: “Chỉ vớ vẩn. Thứ 5 trên 28 lớp là quá được rồi”.

Phương sún vẫn cười ranh mãnh, ra cái điều “Đừng có giấu, ta biết tỏng rồi”. Người không vui thứ hai khi biết tin trại 11A chỉ đứng giải Nhì là cái Suốt. Nó thở dài: “Ô thế à dì? Tài thật! Cháu lại cứ nghĩ là phải được giải nhất cơ đấy, vì cháu xem cả dãy ấy, có trại nào đẹp bằng trại của lớp dì đâu”. Thư mắng “Mày thì lúc nào cũng “tài thật”, “tài thật”. Tài cái gì mà tài, kém người ta mà là tài à?“. Chừng như ý thức được rằng cái trại ấy không được giải nhất là do mình một phần, nó im bặt. Nhưng chỉ một lát sau lại bô bô: “Các bạn dì vui tính nhỉ. Cái anh gì béo béo ấy, cứ nói luôn mồm, toàn trêu cháu làm cháu ngượng ngượng là…”

*

Đang ôn thi học kỳ tơi bời khói lửa thì Phương sún nảy ra một ý tưởng quái dị: “Tao với mày về nhà cái Suốt chơi đi!“. Thư ngẩn mặt, sau đó nhìn Phương sún không chớp mắt, như thể Phương sún vừa mọc thêm hai cái sừng giữa trán. “Cái gì? về nhà nó để làm gì?”. Đúng là mấy ngày nay, Thư có nghe cái Suốt nói đến chuyện xin về quê hai hôm, nhưng không để ý. Giờ Phương sún rủ rê, cô thấy vừa ngạc nhiên, vừa tức cười. Giữa lúc nước sôi lửa bỏng thế này, nó rủ đi chơi ở nơi nào đẹp đẽ, thú vị lắm cũng còn không dám; nữa là đi về quê, chơi nhà cái Suốt. Thấy Thư cứ nghệt ra, Phương sún lại vỗ vào vai cô đánh “bộp”:

- Sao mày lại ngơ ngác thế? Mấy hôm nữa về quê cái Suốt chơi đi! Đấy cũng là quê mày cơ mà.

Lần này thì Thư biết mình không nghe nhầm và Phương sún cũng không đùa. Ngay lập tức cô phản ứng ý tưởng quái dị ấy của Phương sún một cách gay gắt:

- Mày điên à? Về quê nó để làm gì? Mày hết chỗ chơi rồi chắc?

Mặt Phương sún vẫn nhơn nhơn:

- Tao không điên. Cái Suốt rủ tao. Nó bảo: Chị rủ dì Thư hộ em với, em chẳng dám rủ đâu, vì sợ dì ấy mắng cho.

Thư nhếch mép cười:

- Nó biết điều đấy!

Phương sún sốt ruột, giậm chân:

- Mày có đi không?

Thư lại nhếch mép lần nữa:

- Tao không dở hơi. Đang ôn thi khốn khổ, mày lại bày đặt về quê nó…

hật không ngờ Phương sún lại quả quyết:

- Thế thì tao đi một mình vậy. Kể ra có mày thì vui hơn.

Câu ấy của Phương sún khiến Thư tức nghẹn họng. Hóa ra với Phương sún, cái Suốt vẫn là quan trọng nhất. Nhưng không tìm được lý do để cáu hoặc giận Phương, Thư đành lặng im. Chẳng hiểu cái Suốt dụ dỗ thế nào mà khéo thế.

Tối học bài xong, Thư cắm cúi chép tư liệu vào sổ tích lũy văn học. Lẽ ra cô cũng chẳng nắn nót cẩn thận thế đâu, nhưng Tuấn Phong ngỏ ý mượn, bảo để tự bồi dưỡng cho môn Văn khá lên, chứ học kỳ vừa rồi cố mãi cũng mới được 7 điểm tổng kết, sợ sang năm thi Đại học bị nốc ao môn này. Thư đã vui vẻ giúp Tuấn Phong tìm tài liệu, vui vẻ cho Tuấn Phong mượn những bài làm văn điểm cao của mình và giờ đây là hì hụi chép thêm vào sổ tay Văn học. Phương sún biết chuyện, cứ lè lưỡi trêu là “Định giúp đỡ nhau thành đôi bạn cùng tiến hay sao?“. Mới chép được nửa trang, thấy cái Suốt ôm một ôm quần áo vào giường, lục sục gấp, Thư nhớ ngay ra chuyện về quê Phương sún nói với mình lúc sáng. Cô quẳng bút, hỏi luôn:

- Mấy hôm nữa về quê à Suốt?

Con bé ngừng việc, nhìn sang có vẻ thăm dò:

- Vâng ạ!

- Về mấy ngày?

- Hai ngày dì ạ, thứ 7 với chủ nhật. Dì ơi…

- Sao?

- Dạ… không ạ.

Thư vớ lấy bút, định viết tiếp, nghĩ sao lại quay ra:

- Mày rủ Phương sún về quê cùng à?

Cái Suốt có vẻ bối rối, nhưng rồi nó cũng gật đầu:

- Vâng. Chị Phương cũng bảo muốn về quê để chơi.

Thư trề môi:

- Chơi bời gì.

Cái Suốt lại vội vàng thanh minh:

- Cháu lên đây, nhớ nhà lắm, nhưng cháu cố chịu. Đợt này, con bạn thân của cháu chuẩn bị đi làm xa, cháu phải về chơi với nó, không thì chẳng biết đến bao giờ mới gặp nhau.

Thư ngán ngẩm đứng lên vươn vai rồi bước ra ngoài ban công. Nghe có vẻ cải lương gớm. Bạn bè thân thiết thế kia ư? Cứ tưởng có hiếu với bố mẹ, nhớ bố mẹ thì xin về thăm một hai hôm, ai ngờ lại có hiếu với bạn. Phương sún đúng là đồ ngốc, nó rủ một câu mà te te theo luôn. Dạo nọ, thấy cái Suốt xin giấy, mượn bút, bảo viết thư cho bạn ở quê, lại còn hỏi “địa chỉ nhà dì là như thế nào để bạn cháu gửi thư”, Thư đã dễ dãi “đáp ứng” đầy đủ. Từ đó, thỉnh thoảng nó lại nhảy cẫng lên sung sướng mỗi khi bác đưa thư dừng trước cửa. Kết quả của việc thư từ ấy là thế này đây, nó thì xin về quê chơi với bạn, tiễn bạn đi làm xa, còn Phương sún lại tình nguyện biến thành cái đuôi của nó.

Mẹ nghe Thư kể về chuyện Phương sún điên rồ muốn về quê cái Suốt chơi, lại còn rủ cả mình, thì hỏi ngay:

- Thế con có đi không?

Khi thấy Thư lắc đầu quầy quậy, mẹ còn tỏ vẻ ngạc nhiên:

- Sao con không đi cùng Phương?

Mẹ cứ làm như đi du lịch ở đâu thú vị lắm không bằng. Thư tấm tức: "Về quê thì báu ngọc gì. Tự nhiên lại… Mà sao mẹ với Phương sún bênh nó thế không biết". Mẹ bảo:

- Con như thế là không công bằng. Tại từ đầu con ác cảm với Suốt, nên cảm thấy vậy thôi. Mẹ nghĩ con về quê chơi một hai ngày cũng được, đến cả nhà bác Hiền, bác Luật nữa. Biết đâu về đấy, con hiểu thêm cái Suốt.

Thư định nói “Con không cần phải hiểu nó”, nhưng sợ mẹ mắng lại thôi.

Hôm sau đến lớp, Thư quyết định hỏi thẳng Phương sún:

- Vì sao mày thích về quê cùng cái Suốt? Tóm lại, vì sao mày có vẻ thân thiết với nó thế?

Phương sún nói luôn:

- Vì nó là cháu mày!

Thư cau mặt:

- Tao không đùa đâu.

- Đùa gì? Tao nói thật đấy. Tao với mày thân nhau, nó là cháu mày, thì tao quý nó là điều dễ hiểu.

Thư nhìn xuống đất chứ không nhìn Phương sún mặt lì xì (giá lúc ấy có Tuấn Phong đi qua thì cũng chẳng tươi lên được): “Không phải thế”. Im lặng một lát. Rồi Phương sún không cười nữa, nói nghiêm trang:

- Ban đầu, tao nghe mày kể, rồi đến gặp, cũng chỉ thấy nó ngô ngố, ngồ ngộ thế thôi. Nhưng nói chuyện với nó nhiều, thấy cũng hay hay. Cái Suốt sống tình cảm lắm, tao nói thật đấy. Nó kể chuyện bố mẹ, kể chuyện ở quê mà thấy thương quá. Quê tao toàn ở thành phố, tao với mày từ nhỏ cũng chỉ sống ở thành phố, nên chẳng biết những chuyện như thế. Tao chưa bao giờ tưởng tượng ra nhà nó lại nghèo thế, một tháng chỉ dám dùng có hai nghìn tiền điện, bằng một gói xôi ăn sáng của chúng mình. Nó kể nhiều lắm…

Thư sốt ruột ngắt lời:

- Nhỡ nó bịa thì sao?

- Thì tao về quê với nó sẽ rõ.

À, ra thế, Phương sún đi để kiểm tra những chuyện mà cái Suốt vẫn thao thao kể hàng giờ. Chỉ có Phương sún chịu khó ngồi nghe, chứ như Thư thì đừng hòng. Cái Suốt hay bị mắng “nói lắm quá, là vì thế”. Chừng như đoán được ý nghĩ của Thư nên Phương sún nói ngay:

- Tao muốn về nhà cái Suốt chơi thật mà, không phải chỉ vì tò mò xem nó kể đúng hay sai đâu.

Thư thất vọng quá. Phương sún cứ như là đá tảng, chẳng lay chuyển được chút nào. Thôi được, Phương sún thích tỏ lòng thân thiết với cái Suốt thì cứ về quê, về nó mà chơi. Hai ngày ấy Thư sẽ ngồi nhà ôn tập cho thi học kỳ. Hai môn tiếng Anh và Toán nghe chừng “xương” nhất, cần đầu tư nhiều thời gian. Thế mà hôm qua Tuấn Phong bảo sợ nhất môn Văn, lại còn ước: “Từ giờ đến hết năm học lớp 12, nếu được 1 điểm chín kiểm tra Văn là tớ sung sướng và mãn nguyện lắm”. Hình như bọn con trai, đứa nào cũng ngại học Văn.

Nhưng khi Phương sún và cái Suốt ríu rít điện thoại cho nhau hẹn hò chuyện về quê, tự nhiên Thư nghĩ lại. Cái cảm giác dường như mình sắp mất Phương sún, dường như cái Suốt sắp sửa “độc chiếm” Phương sún làm cho Thư quyết định phải đi cùng tụi nó. Nhưng đã từ chối quyết liệt với Phương sún rồi, giờ phải nói thế nào…? Càng nghĩ, Thư lại càng thấy tức, cũng chẳng rõ tức cái Suốt, tức Phương sún hay là điều gì khác nữa. Cái Suốt về thăm nhà, đấy là chuyện rất bình thường, Phương sún về theo để chơi, cũng chẳng có gì đặc biệt, thế mà tại sao Thư cứ thấy chuyện này nghiêm trọng lắm? Có lúc cô lại lẩn thẩn nghĩ hay là Phương sún chán chơi với mình rồi, chán thân mình rồi. Đến khi gặp, thấy Phương sún vẫn cười toe, thao thao đủ thứ chuyện trên trời dưới bể rồi lại ngoằng về Tuấn Phong, Thư thấy mình toàn tự tưởng tượng ra mọi chuyện.

Theo dự định, sáng thứ 7 Phương sún sẽ đến nhà Thư rồi cùng cái Suốt ra bến xe về quê. Đây về đó chỉ có hơn 30 km đường trải nhựa rất dễ đi. Hôm đó toàn trường nghỉ học để cho khối 12 thi học sinh giỏi. Tối thứ 6, lúc mẹ dặn dò cái Suốt “Có mấy đồng tiền, đi xe phải cẩn thận không thì kẻ trộm móc mất. Về nhà đưa ngay cho mẹ, bảo là bà thanh toán tiền năm tháng giúp ông bà trên này. Chiều mai nhớ ra sớm” thì Thư đi đi lại lại vẻ nôn nóng. Cô chỉ muốn mẹ mau ra khỏi phòng để còn “đàm luận” với cái Suốt việc mình cũng sẽ đi. Cuối cùng mẹ cũng nói xong. Thư thấy hơi ngường ngượng, nhưng vẫn hỏi: “Mai về quê, mày rủ Phương sún đi được mà không rủ tao à Suốt?”. Con bé trố mắt: “Chị Phương bảo là dì không đi”. Lúc này thì Thư đã có lý do để gắt: “Chị Phương! Chị Phương! Lúc nào cũng chị Phương! Cái gì cũng đổ cho chị Phương. Quê mày hay quê cái Phương mà để nó mời?”. Nói thế, Thư quên biến rằng đó cũng là quê mình. Mắt cái Suốt vụt sáng lên: “Cháu xin lỗi dì. Thế dì đi cùng cháu với chị Phương nhé. Có cả dì mới vui”. Con bé cũng biết nịnh. Chỉ chờ Thư gật đầu là nó nhảy quớ lên, sung sướng: “Úi giời ơi, thế thì thích quá. Dì với chị Phương về, mẹ cháu phải mừng lắm đấy. Cháu sẽ dẫn dì với chị Phương đến nhà cái Bưởi…”. Nói chưa hết câu, cái Suốt bỗng hối hả chạy xuống cầu thang. Chỉ vài giây sau Thư đã thấy nó oang oác khoe: “Dì Thư bảo về quê với cháu ông bà ạ. Thế là mai cả ba người cùng đi…”. Thư th! ấy rất vô lý là mình cũng lại có cảm giác vui vui, nhẹ cả lòng. Nếu mai chỉ cái Suốt với Phương sún đi, chẳng biết mình phải ấm ức đến tận bao giờ.

Chuyến về quê cùng cái Suốt không ngờ lại sóng gió. Ba đứa vừa tay xách nách mang khệ nệ vào đến ngõ nhà nó đã thấy người nhốn nháo và tiếng kêu khóc dậy lên. Thư với Phương sún chưa kịp hiểu chuyện gì thì mặt cái Suốt tái nhợt đi. Nó đánh rơi cả túi, quên cả Thư và Phương đang đi cùng, lao vội vã vào nhà. Thư lếch thếch theo. Một cảnh tượng hãi hùng bày ra trước mắt. Nền nhà loang lổ những vết máu, một con dao to bản dính máu nằm chỏng chơ. Góc nhà, một người đàn ông cởi trần, mặt mũi ngơ ngác, bẩn thỉu đang bị năm, sáu người đàn ông ghì chặt. Bên cạnh có sợi dây thừng thật to. Vài người đàn bà vừa sụt sùi, vừa xúm xít quanh. Cái Suốt khóc òa: “Bố ơi! Bố ơi!”. Giờ thì Thư đã biết người đàn ông đang sắp bị trói kia là bố cái Suốt. “Bố mày lên cơn, cầm dao chém mẹ mày gần cụt đầu rồi kia kìa. Đã thần kinh lại còn uống rượu”. Thư rủn chân tay, nhìn lại con dao dính máu, thấy Phương sún đứng cạnh mặt cũng tái nhợt, môi run run như sắp khóc. Cái Suốt thất thanh: “Mẹ cháu đâu rồi hở bác Son?”. “Mẹ mày được đưa lên bệnh viện huyện rồi, chảy nhiều máu lắm, cụt cả hai đốt tay. Phải đưa bố mày đi bệnh viện thần kinh thôi, để ở nhà thế này có ngày chết oan vì ông ấy”. Thế rồi tất cả nháo nhào, chẳng ai để ý đến sự có mặt của Thư và Phương sún. Một người hớt hải lấy xe đạp chở cái Suốt lên bệnh viện huyện. Hàng xóm kéo đến nhà nó mỗi lúc một đông. “Hai cháu là thế nào với cái Suốt đấy? “, cuối cùng thì cũng có người hỏi đến Phương và T! hư. Phương sún chẳng trả lời mà túm ngay lấy hỏi chuyện “vụ án” vừa rồi, trong lúc mấy người đàn ông đang vất vả đè ngửa bố cái Suốt ra để đổ thuốc ngủ vào miệng ông ta. “Đúng rồi, cho chú ấy ngủ đi mà còn đưa vào viện”, một người đàn bà giọng the thé cổ vũ. Bà già vừa hỏi Thư chép miệng: “Rõ khổ. Nó điên, biết gì đâu. Năm lần bảy lượt đi viện lại trốn về. Sáng nay nốc rượu bên đám hiếu đằng kia, bị tụi nó trêu, lên cơn, về vác dao chém vợ. May mọi người xông vào kịp. Đúng là hú vía. Mà cũng chẳng biết sống chết ra sao. Nhà đã nghèo xác nghèo xơ, lại thêm cái đận này nữa…". Tự nhiên, Thư thấy chóng cả mặt. Những vết máu loang trên nền nhà đã được ai đó lấy tro bếp rắc lên nhưng chưa kịp dọn đi. Phương sún thì thào bên tai: “Tao với mày tìm cách lên bệnh viện huyện đi, xem mẹ nó có sao không”. Hai đứa thất thểu ra đầu làng nhưng kiếm mãi chẳng được chiếc xe ôm nào. Trong lúc rối trí, Thư không nghĩ ra rằng chỉ cần băng qua cánh đồng là về đến làng mình. Nhà bác Hiền, bác Luật thiếu gì xe đạp, thiếu gì người đưa hai đứa đi. Rốt cuộc, Thư và Phương sún mệt mỏi lê chân ra đường nhựa, vẫy ô tô trở lại nhà. Bố mẹ nghe thủng chuyện, lại vội vã lấy xe máy bổ nhào về quê.

Cái Suốt ở quê đúng hai tuần. Đó là hai tuần mẹ nó nằm bệnh viện. Việc nhà lại rối tung lên. Thư thi học kỳ bơ phờ, thế mà cứ hở ra chút thời gian nào là Phương sún rủ: “Về thăm mẹ cái Suốt đi”. Thư ừ, nhưng chẳng lần nào hai đứa đi được vì bận quá. Học và thi liên miên. Bố mẹ về thăm nhà cái Suốt, lên cứ xót xa: “Khổ thân con bé, bố thì ở bệnh viện thần kinh, mẹ nằm bệnh viện đa khoa. Đến chết thôi! Thằng bé em nó mới tí tuổi đầu đã phải lợn gà, cám bã một mình”. Thư cũng thấy cay cay mắt. Vắng cái Suốt, mẹ lại tất bật với việc nhà. Đi học về, nhìn thấy búp bê Lọ Lem và con gấu bông trắng nằm chỏng chơ trên chiếc giường xấu xí, Thư thấy phòng trông trống. Buổi tối, vắng tiếng bình luận phim oang oang của cái Suốt, hình như nhà cũng buồn buồn hơn. Lúc nó lên, bố mẹ mừng ra mặt. Con bé gầy xơ xác, chân tay thêm nguều ngoào. Thư hỏi “mẹ mày khỏi chưa?”, nó lại ôm mặt khóc rưng rức: “Mẹ cháu ra viện rồi, nhưng còn yếu lắm”. Bố bảo: “Sao không ở nhà đỡ đần mẹ ít hôm nữa?” nó càng khóc to: “Cháu cũng định thế, nhưng mẹ cháu cứ bắt đi. Mẹ cháu bảo lên giúp ông bà, chứ ở nhà còn người nọ người kia chạy qua chạy lại đỡ đần”. Mẹ quyết định: “Ở trên này bận thật, nhưng mọi người cố gắng được. Bà cho nghỉ thêm hai tuần nữa về mà giúp mẹ". Cái Suốt tần ngần rồi ấp úng: “Mẹ cháu bảo… mẹ cháu bảo không được nghỉ, phải lên giúp ông bà… mới có tiền lo thuốc thang cho bố cháu. Với lại… cầm tiền của ông bà ! thì cũng phải nghĩ”. Hôm ấy, khuya lắm rồi mà cái Suốt chưa đi ngủ, cứ ngồi bần thần ở một góc giường. Thư mắc màn, tắt điện nhưng cũng không ngủ được. Lát sau, cô lại vùng dậy định đọc sách thì thấy cái Suốt đang khóc lặng lẽ, nước mắt đầm đìa. Thư chưa kịp nói gì, nó đã nghẹn ngào: “Dì ơi! Bệnh viện thần kinh có ở gần đây không? Cháu muốn lúc nào đến thăm bố cháu”. Thư thấy lòng chùng xuống, xót xa. Cô nhớ lại cảnh bố cái Suốt cởi trần, bị trói bằng dây thừng, bị đè ngửa ra nền nhà để đổ thuốc ngủ vào miệng, nhớ đến con dao phay to vấy máu… Lần đầu tiên cô dịu dàng đến thế với cái Suốt: “Cũng gần. Thôi ngủ đi, mai tính sau. Giờ ngồi đấy sụt sùi thì ích gì.”

*

Thư nghỉ hè hôm trước, hôm sau đã thấy bác trưởng khu đến nhà: “Thế nào cháu gái, năm nay lại tham gia công tác hè với khu, với phường nhé”. Thư đưa mắt nhìn mẹ cầu cứu. Mọi năm hè đến, Thư thường tham gia phụ trách thiếu nhi của khu sinh hoạt hè, nhưng năm nay, lịch học thêm đã kín đặc từ đầu hè. “Chiến dịch” ôn thi Đại học của lớp đã sôi động từ bây giờ. Thư thi khối C, bò toài ra với Văn, Sử, Địa. Phương sún chọn khối D vì vốn Anh văn của nó rất khá. Tuấn Phong cũng thi cùng khối với Phương, lại còn chọn cùng trường Đại học An ninh. Thư bảo Phương sún: “Con gái mà học An ninh, tao thấy nó cứ thế nào ấy”. Phương sún nghênh mặt: “Thế nào là thế nào?”, “Là… chẳng nữ tính chút gì. Mày cứ thử tưởng tượng phải khoác bộ đồng phục An ninh, mũ mão đàng hoàng, rồi tập võ, tập bắn súng, lăn lê bò toài… Eo ơi, mấy ngày mà thành đàn ông”. Phương sún vẫn khăng khăng giữ vững lập trường “Đàn ông là thế nào? Con gái học An ninh mới oách chứ. Với lại tao thi trường ấy để…”, thấy Phương sún lửng lơ, nhìn mình cười tinh quái, Thư bộp chộp hỏi ngay: “Để làm gì?”. Phương sún lại nhăn nhở: “Để canh giữ bạn Tuấn Phong cho mày”, rồi chạy biến. Lời Phương sún tự nhiên khiến Thư buồn nôn nao. Đúng là chỉ một năm học nữa thôi hai đứa được bên nhau. Cả Tuấn Phong cũng vậy… Ra trường rồi, không biết sẽ thế nào. Liệu mười năm sau gặp lại, Tuấn Phong có ngỡ ngàng nhìn Thư mà hỏi: “Cậu là ai? “, như một cảnh trong bộ phim chi! ếu trên Tivi tối qua không nhỉ? Nếu mọi chuyện diễn ra như thế thì thật đáng buồn.

Thấy Thư ngần ngừ chưa trả lời bác trưởng khu, mẹ giục:

- Con xem có tham gia được không thì bảo bác.

Thư lắc đầu:

- Năm nay cháu bận lắm bác ạ. Lịch học ôn thi kín đặc cả tuần, cháu chẳng làm phụ trách được đâu.

Bác trưởng khu rút mùi xoa trong túi áo ra lau mồ hôi trên trán rồi tặc lưỡi:

- Gay thật. Mọi năm cháu vẫn làm, quen việc rồi. Mà tụi trẻ con cũng tín nhiệm cháu. Thế ra đã sắp thi Đại học rồi đấy?

Mọi chuyện chắc sẽ dừng ở đấy nếu như cái Suốt không láu táu bưng ấm trà mới pha ra. Nghe lỏm được một phần câu chuyện, nó tự tiện xen vào:

- Thế ở đây cũng sinh hoạt hè hở bác? ở quê, cháu thích đi tập thiếu niên lắm. Nếu mà ở quê, hè này cháu cũng đi.

Bác trưởng khu nói luôn:

- Cháu sinh hoạt hè với các em ở đây cũng được chứ sao. Có biết làm phụ trách không?

Chưa hiểu đầu cua tai nheo gì mà cái Suốt dám “có ạ” rất dõng dạc làm bác trưởng khu mừng như bắt được vàng:

- Thế mà bác không biết trước. Vậy cháu tham gia nhé. Cháu cùng với các anh chị trong Chi đoàn làm phụ trách cho bác.

Không chỉ Thư mà cả mẹ cũng bất ngờ bởi cái Suốt nhận việc một cách nhẹ tênh như thế. Bác trưởng khu về rồi, Thư càu nhàu:

- Mày biết gì mà nhận lời. Phụ trách tụi trẻ con ấy chẳng đơn giản đâu. Mọi năm tao cũng phải rát cổ vì chúng nó.

Ai dè cái Suốt vẫn hồn nhiên:

- Cháu thích lắm. Cháu làm được đấy. Ở quê cháu cũng…

Thư gắt:

- Ở quê, mày lúc nào cũng ở quê. Đây có phải quê nhà mày đâu mà tưởng tượng mọi chuyện dễ dàng thế! Thôi, đi nấu cơm đi.

Cái Suốt hớn hở đi vào, Thư quay sang mẹ:

- Sao mẹ lại đồng ý? Hay gì trò “vác tù và hàng tổng". Nó giúp việc nhà mình, lại tớn lên hoạt động hè với chả hoạt động hiếc. Lại còn không thèm hỏi mẹ một câu, chưa gì đã vâng ạ, đã cháu làm được mà…

Mẹ bật cười:

- Nó còn tồ lắm, trách làm gì. Nếu con không thích thì không tham gia. Cháu nó thích thì kệ nó.

Thế là Thư lại hậm hụi chịu thua.

Từ hôm cái Suốt tham gia sinh hoạt hè với tụi thiếu nhi của khu, nó như biến thành con người khác, hoạt bát và tươi tắn hơn rất nhiều. Sáng nào nó cũng dậy thật sớm, quáng quàng đánh răng rửa mặt rồi chạy ra sân vận động của phường. Nó khoe được anh Quân bí thư Chi đoàn khu khen là “biết việc”, được tụi trẻ con quý mến. Công việc của nó là hướng dẫn trẻ tập thể dục buổi sáng, sau đó cùng ngồi chầu hẫu nghe các anh chị Đoàn viên hôm thì kể chuyện, hôm thì hướng dẫn chơi trò chơi… Tóm lại, là đủ trò. Bữa ăn nào nó cũng hào hứng kể, dù mọi người nghe rất thờ ơ. Thậm chí Thư còn chẳng thèm để ý. Thế nhưng một hôm bất ngờ cái Suốt hỏi: “Dì ơi, dì có biết anh Tuấn Phong không?“. Thư trố mắt nhìn nó: “Tuấn Phong nào?“. Cái Suốt vẫn bô bô: “Anh ấy bảo là học cùng trường với dì. Lớp dì ở ngay cạnh lớp anh ấy”. “Thế… thế làm sao mày biết Tuấn Phong?“. “Thì anh ấy phụ trách thiếu nhi bên khu 5, hôm nào cháu cũng gặp anh ấy ngoài sân vận động”. Lúc này Thư mới đờ mặt ra. Đúng rồi, nhà Tuấn Phong ở khu 5, mình ở khu 4 cùng phường Quang Trung với nhau. Sao mọi năm mình làm phụ trách bọn trẻ con lại chẳng thấy mặt mũi Tuấn Phong đâu. Năm nay tự nhiên cậu ta lại tham gia công tác hè của khu. Học hành bận rộn thế mà Tuấn Phong còn nhí nhố với bọn trẻ con thì lạ thật. Vẫn biết Tuấn Phong luôn hăng hái trong các hoạt động phong trào n! hưng “tin sốt dẻo” của cái Suốt vẫn khiến Thư bất ngờ. Đã thế con bé còn kể rang rang: “Anh ấy hiền, dì nhỉ? Con trai mà hiền cứ như con gái ấy. Anh ấy bảo dì học giỏi văn lắm…“. Bất ngờ, Thư hỏi cái Suốt một câu mà nói xong rồi mới kịp nhận ra mình vô lý.: “Ở sân vận động động như thế, bảy tám khu đều tập trung ở đó để sinh hoạt hè, sao mày không biết người khác mà lại biết Tuấn Phong? “. Cái Suốt ngơ ngác: “Cháu chẳng biết! Cháu đang cho tụi nó tập thể dục, anh ấy đi ngang qua, bảo: “Động tác phải dứt khoát hơn đi. Sao tập thể dục mà lại như múa thế kia“. Thế là quen nhau dì ạ”. Hai từ “quen nhau” của cái Suốt làm Thư tức anh ách, nhưng ngay lập tức lại nguôi, lại hân hoan bởi: “Dì ơi! Hôm nào anh Tuấn Phong cũng hỏi thăm về dì. Anh ấy bảo chắc dì ôn thi được nhiều lắm rồi. Anh ấy còn khen chữ dì rất đẹp nữa”. Câu chuyện của cái Suốt khiến Thư đâm hối hận vì đã từ chối tham gia sinh hoạt hè với trẻ trong khu. Cái Suốt không hề biết Tuấn Phong có vị thế nào trong Thư nên cứ hết chuyện tụi trẻ lại ngoằng sang “anh Tuấn Phong” làm bố mẹ cũng phải chú ý, hỏi han cặn kẽ. Nó hồn nhiên: “Anh ấy là bạn dì Thư mà”. Thư vừa muốn cái Suốt kể nhiều chuyện về Tuấn Phong lại vừa tức khi hơi tí nó lại nhắc đến Tuấn Phong. Thành ra mỗi buổi nó đi sinh hoạt về, Thư lại hong hóng chờ nghe chuyện. Một hôm, cái Suốt ôm về mấy quyển truyện, bảo: “Anh Tuấn Phong! cho chá! u mượn”, thì Thư nổi cáu thật sự. Chính cô cũng không ngờ mình lại có thể quát cái Suốt to đến thế: “Thời gian đã không có, hết sinh hoạt hè lại đến đọc truyện. Mang trả ngay. Mày không định làm việc gì nữa à? “. Trước cơn thịnh nộ bất ngờ của Thư, cái Suốt vẫn còn cãi được: “Cháu chỉ đọc buổi tối thôi, lúc làm xong tất cả mọi việc”. Thế là Thư chẳng còn có lý do gì mà mơ màng, bực bội nó nữa. Chẳng lẽ lại nói thẳng ra rằng cô không muốn cái Suốt gặp gỡ, chơi bời, trò chuyện gì với Tuấn Phong. Tuấn Phong cũng như Phương sún, tại sao cứ phải quý mến, phải liên quan đến cái Suốt làm gì? Càng nghĩ Thư càng thấy nghẹn họng. Có vẻ như cái Suốt đang dần “chiếm” được những người mình quý mến, thân thiết. Tại sao lại như thế được? Nó một con bé nhà quê, học vừa hết lớp 9, vụng về, đoảng vị, cao lêu đêu như cái sào, tóm lại chẳng có gì “đáng giá”, mà hết Phương sún lại đến Tuấn Phong quan tâm. Thật vô lý hết mức.

Thư không biết làm cách nào để bắt cái Suốt bỏ sinh hoạt hè với thiếu nhi, bèn “giở bài” mè nheo với mẹ. Mẹ bảo: “Kệ cháu nó, ảnh hưởng gì đâu. Nó thích thế…“. Càu nhàu với bố, bố lại mắng: “Mọi năm con làm có sao. Năm nay cái Suốt hộ con, con thắc mắc nỗi gì”. Biết là không thể thay đổi được tình thế, Thư ngấm ngầm ấm ức một mình. Những buổi đi học thêm, cô không gặp Tuấn Phong bao giờ, vậy mà ngày nào cái Suốt cũng mang chuyện “anh Tuấn Phong” về kể. Phương sún học thêm lệch buổi với Thư nên hai đứa ít gặp nhau. Cũng chẳng thấy cái Suốt nhắc nhở đến chị Phương nhiều như ngày trước nữa, nó đã chuyển “mục tiêu quan tâm” sang Tuấn Phong và tụi trẻ con trong khu.

Cái Suốt tự nhiên lăn ra ốm. Nó sốt cao, nằm bẹp trên giường. Bố cuống lên, mẹ cũng cuống lên. “Lạ thật, con bé khỏe thế cơ mà”, nghe mẹ lẩm bẩm, Thư bảo: “Nó có phải là thánh đâu hả mẹ. Là người thì ốm đau là chuyện bình thường”. Nhưng điều bất bình thường ở chỗ, cái Suốt cứ khóc thầm. Nó quay mặt vào bên trong, nước mắt lã chã. Thư hỏi, bố hỏi, mẹ hỏi, mãi mà nó cứ lắc đầu. Bố mẹ đã phát hoảng, thì thào với nhau đủ mọi tai họa, mọi nguy cơ trên đời có thể đến với nó để lo âu, rầu rĩ… Thư gắt như mắm tôm: “Có gì thì mày phải nói ra chứ! Mày muốn cả nhà phát điên lên hay sao?“, con bé mới chìa ra một phong thư. Hóa ra là lá thư nó nhận được hôm trước, bảo của cái Bưởi, con bạn thân ở quê, giờ đi làm xa tận Miền Nam. Thư mở ra đọc luôn, thấy chữ xiêu vẹo, nhòe nhoẹt. Đọc đến đâu lạnh người đến đấy. Cái Bưởi kể nó bị người ta lừa, dụ dỗ rằng đi làm công nhân may mặc, ngờ đâu bị đẩy vào một nhà hàng, thực chất là nhà chứa. Nó còn bảo đã bị đánh đập rất nhiều lần, chẳng làm cách nào thoát ra hay báo tin về quê được. May có chị ở cùng, bị bỏng nặng, chủ thải hồi, được về quê, nó mới vội vã viết vài dòng thư nhờ gửi. Cái Bưởi viết thêm rằng chỉ biết nơi mình đang bị đày đọa là “Miền Nam“, vì nghe người ta nói giọng khác lắm, chứ chẳng rõ cụ thể ở chốn nào. Cứ thế này chắc nó chết mất, làm sao sống được mà nghĩ đến chuyện gặp nhau. Bà chủ, ông chủ hăm dọa rằng nếu muốn ra khỏi chốn ấy, phải nộp đủ số tiền mà họ đã bỏ ra “mua” nó. Số tiền lớn thế, biết lấy đâu ra… Thấy Thư đọc xong lá thư cứ đứng lặng đi, cái Suốt sụt sùi: “Nhà nó cũng nghèo như nhà cháu. Nó tốt với cháu lắm, hai đứa chơi thân từ hồi bé tí”. Bố mẹ biết chuyện, an ủi mãi cái Suốt mới nguôi nguôi. Thư hỏi: “Thật ra là mày ốm vì lá thư của cái Bưởi à?“. Nó lắc đầu: “Tại cháu đi nắng không đội mũ nón thôi. Nhưng cháu thương nó lắm. Khổ thân nó”. Nói đến đấy, mắt cái Suốt lại ầng ậng nước. Con bé mân mê búp bê Lọ Lem, ngậm ngùi: “Cháu chưa kịp kể cho nó nghe về con búp bê này. Nếu biết, chắc nó thích lắm. Ngày xưa, nó với cháu chơi chung con búp bê len giống hệt thế này mãi. Cháu cũng chưa kể cho nó nghe truyện cổ tích về búp bê Lọ Lem mà chị Phương…“. Thư cắt ngang “Phương sún nói bịa đấy, làm gì có chuyện cổ tích về búp bê Lọ Lem mà mày cũng tin”. Chẳng biết cái Suốt nghĩ gì nhưng Thư thấy nó tư lự lắm.

Hôm sau, rồi hôm sau nữa, cái Suốt vẫn buồn rười rượi. Cả Thư và mẹ đều có cảm giác nó muốn nói chuyện gì nhưng đang đắn đo suy tính. Đã mấy lần cái Suốt “Bà ơi…” rồi “dì ơi…” xong lại im bặt, nhìn lảng đi nơi khác. Mẹ Thư gặng, thì nó lắc đầu: “Không ạ, chẳng có chuyện gì đâu bà ạ!“. Mẹ băn khoăn bảo Thư: “Hình như cái Suốt muốn đề nghị một điều gì đó. Hay là nó ngại con, vì con khó tính nhất nhà”. Thư lại hơi hơi tự ái: “Con mà khó tính à? Những lúc con mắng nó là tại nó cả chứ. Hồi bác Lan ở đây con có khó tính đâu. Nếu nó ngại con thì mẹ gọi riêng nó vào phòng hỏi xem. Rách việc quá, có gì thì nói, lại còn loanh quanh phát mệt". Thư tưởng nói quấy quả cho qua chuyện thế thôi, không ngờ mẹ nói chuyện riêng với cái Suốt thật. Chiều hôm ấy Thư đi học nên không biết, tận tối ăn cơm xong, lúc cái Suốt đang ngồi như bị đóng đinh trước màn hình ti vi để xem bộ phim Hàn Quốc đang đến hồi sụt sùi nhất thì mẹ sang phòng Thư, buồn buồn: “Mẹ nói chuyện với cái Suốt rồi. Nó bảo định hỏi xin tiền công mấy tháng mà ngại quá, chỉ sợ bị mắng”. Thư ngừng viết, ngoảnh ra chăm chú: “Nó có bảo mẹ cần lấy tiền làm gì không?”. Mẹ gật đầu khe khẽ: “Có, nó cứ hỏi: “Phải bao nhiêu tiền thì mới đủ trả cho người ta để đưa cái Bưởi về nhà hở bà?”. Thư trố mắt ngạc nhiên: “Nó định lấy tiền để cho cái Bưởi à? Làm sao tìm được mà Bưởi với Bòng cơ chứ! “. Mẹ ngậm ngùi: “Nghe cái Su! ốt kể, rồi đọc thư cái Bưởi, thấy khổ con bé quá. Mới mười mấy tuổi đầu đã xô dạt. Nhà nghèo phải đi kiếm ăn, lơ ngơ lại bị lừa”.

Không kìm được nỗi tò mò lúc cái Suốt xem phim xong, lò dò vào phòng, còn đang tặc lưỡi tiếc rẻ: “Phim hay thế mà còn mỗi tập ngày mai thôi, phí quá”, Thư “phỏng vấn” luôn: “Suốt ơi, mày định lên đường vào Nam tìm bạn thân à? “. Nó ngơ ngác: “Bạn nào cơ hả dì? “. “Bạn Bưởi của mày chứ còn bạn nào. Mày có biết nó ở chỗ nào không?". Cái Suốt xịu mặt, lắc đầu: “Không, cháu làm sao biết được. Chính nó cũng viết trong thư rằng nó chẳng biết bị đưa đến đâu vì toàn ở trong nhà, không được ra ngoài”. Thư nhún vai: “Sao mày bảo lấy tiền để nộp cho người ta, chuộc nó về? “. Cái Suốt ngồi xuống giường cứ thở dài liên tiếp, rồi tự nhiên lại thút thít khóc: “Cháu cũng chẳng biết làm thế nào nữa. Mấy hôm nữa có khi cháu xin bà cho cháu về quê, để đến hỏi mẹ nó xem”. “Hỏi gì? Sao mày ngố thế, mày làm gì có tiền mà giúp nó. Bố mẹ mày còn cần tiền bằng mấy cái Bưởi”. Bất ngờ, cái Suốt ngẩng lên, mắt vẫn chan chứa nước, nhưng giọng thì rất quyết tâm “Cháu không thể để mặc kệ cái Bưởi được, dì ạ. Kiểu gì thì chúng cháu cũng không thể bỏ nhau… Chắc mẹ cháu cũng đồng ý cho cháu giúp nó thôi”. Thư không “bình luận” gì thêm, nhưng nghĩ thầm “Cải lương gớm. Bạn bè tốt với nhau thế nhỉ”. Lúc cái Suốt ngồi nghịch búp bê Lọ Lem, tự nhiên Thư lại liên tưởng linh tinh: “Nếu như bây giờ Phương sún gặp nạn, cần sự xả thân giúp đỡ của bạn bè, thì mình có dám “hy sinh” như cái Suốt không nhỉ? ”! ; nghĩ xong, Thư lại giận mình lẩm cẩm. Đang đâu lại đi so sánh mình với nó.

Hai giờ chiều, Thư vừa ngủ dậy thì nghe tiếng Phương sún gọi léo nhéo dưới nhà. Cái Suốt vừa nhỏm dậy thì Thư phẩy tay: “Để dì xuống mở cửa cho”. Cửa vừa mở, Thư lùi lại một bước, vừa ngạc nhiên, vừa vui mừng, bối rối. Tuấn Phong đang dắt xe, đứng cạnh Phương sún. Phương sún cười toe toét: “Sao lại nghệt mặt ra thế?”. Thư hối hả kéo rộng cánh cửa xếp nặng trịch: “Vào nhà đi, Phong, Phương”. Tuấn Phong có vẻ gầy và đen hơn hồi trong năm học. Vừa bước chân vào nhà, cậu ta đã hỏi ngay: “Thư ơi, bệnh nhân đâu rồi?”. Thư ngơ ngác: “Bệnh nhân gì?”. Phương sún láu táu: “Sao bảo cái Suốt ốm?”. À, giờ thì Thư đã hiểu ra. Cùng với việc “hiểu ra” đó, Thư còn kịp nhận thấy trong giỏ xe của Tuấn Phong có vài hộp sữa tươi. Tự nhiên cô thấy nóng bừng hai bên má, và giọng nói cũng bị lạc đi, run run: “Hai người đến thăm cái Suốt hả?”. Phương sún “ừ” vô tư, còn Tuấn Phong dài dòng hơn: “Mấy hôm rồi không thấy Suốt ra sinh hoạt với tụi trẻ trong khu. Mình hỏi thăm thì biết là Suốt ốm”. Chẳng chờ Thư nói thêm gì, Phương sún kéo tay Tuấn Phong, ton tót lên cầu thang. Thư đứng giữa nhà một lúc mới lấy lại bình tĩnh, nước mắt cứ chực ứa ra. Tuấn Phong thậm chí còn chẳng hỏi han mình lấy một câu. Chưa bao giờ cậu ta quan tâm tới mình kiểu như quan tâm đến cái Suốt như bây giờ. Nó có là nhân vật vĩ đại đâu mà sao mọi người cứ cuống lên vì nó thế. Tuấn Phong cũng vậy mới đáng ngạc nhiên làm sao…

Thư định không lên phòng, kệ cho Tuấn Phong và Phương sún “bày tỏ lòng tử tế” với cái Suốt, nhưng rồi nhấp nhổm không yên. Một ý nghĩ vụt nhanh trong đầu: “Lỡ Tuấn Phong lại đánh giá mình là người bất lịch sự, chẳng gì cậu ấy cũng đến nhà chơi”. Đi được nửa cầu thang, nghe tiếng cái Suốt cười, Thư lưỡng lự mất vài giây, máu nóng dần lên mặt. Giọng Tuấn Phong ôn tồn: “Suốt cố gắng nghỉ ngơi cho nhanh khỏe”. Phương sún đế theo: “Chỉ được ốm nốt hôm nay thôi đấy!”. Thư vào, Tuấn Phong nhảy luôn sang chuyện “Học môn văn cô Hằng thích lắm, từ ngày mượn sổ sách của Thư, mình tiến bộ lên bao nhiêu”. Rồi cậu ta ngắm nghía kỹ lưỡng giá sách trên tường với sự thán phục: “Thư nhiều sách thật đấy. Chẳng bù cho mình, quay đi quay lại chỉ có vài quyển sách giáo khoa”. Tuấn Phong rút xem mấy cuốn tham khảo môn Văn, Thư được dịp “thuyết minh” tận tình, lát sau quay ra, đã thấy cái Suốt thì thào với Phương sún (trong lúc Phương sún nghịch búp bê Lọ Lem): “Dì Thư bảo là chị bịa ra truyện cổ tích búp bê Lọ Lem chứ làm gì có! “. Nếu không có Tuấn Phong ở đây, thể nào cái Suốt cũng bị ăn mắng. Thư vờ không nghe thấy gì, rút tiếp cuốn sách nữa để giới thiệu với Tuấn Phong, ai ngờ Phương sún toang toác: “Bịa đâu mà bịa, thật một trăm phần trăm. Chị kể cuối cùng búp bê Lọ Lem được một chàng hoàng tử đến xin cầu hôn. Hôm nay, chẳng có chàng hoàng tử đến thăm em là gì?". Nói xong, Phương sún hất hàm về phía Tuấn Phong cười tinh quái. Cái Suốt giãy lê! n: "Không! Chị cứ trêu em!”. Tuấn Phong buông sách, cười theo: “Mình mà được làm hoàng tử à?”. Biết Phương sún chỉ đùa, nhưng Thư vẫn có cái cảm giác bực bội và tự nhiên thấy cái Suốt vô duyên, đáng ghét hơn bao giờ hết. Thế là từ lúc ấy, Thư trở lên lầm lì. Lúc Tuấn Phong về, mang theo hai cuốn sách mượn của Thư ra đến cửa còn quay lại bảo:”Cám ơn Thư nhiều lắm. Sang năm, tớ thi Đại học môn Văn được từ 7 điểm trở lên thì sẽ hậu tạ lớn đấy”. Thư lại thấy mình nhẹ nhõm và tươi tỉnh lên.

Mọi chuyện sẽ không có gì nghiêm trọng nữa nếu như tất cả chỉ dừng tại đây. Đằng này, bài ca “anh Tuấn Phong” của cái Suốt cứ lặp đi lặp lại hàng ngày. Một hôm, sau lúc đi sinh hoạt với tụi trẻ con về, nó hớn hở đưa ra một con búp bê bằng sứ, chỉ nhỉnh hơn đầu ngón tay cái, nhưng xinh ơi là xinh, bảo: “Anh Tuấn Phong tặng cháu đấy. Anh ấy bảo là lớn rồi còn thích chơi búp bê như trẻ con. Cháu kể rằng cả dì cũng thích búp bê, dì còn có một tủ búp bê đầy, toàn búp bê đẹp ơi là đẹp. Anh ấy bảo thế thì cả hai dì cháu đều là trẻ con”. Nhìn vẻ hí hửng của cái Suốt khi nâng niu, ngắm nghía búp bê sứ, Thư buồn buồn. Tuấn Phong lạ thật! Tại sao cậu ta lại đi quan tâm tới cái Suốt nhiều như vậy. Từ khi có cái Suốt, Thư thấy cuộc sống của mình bị đảo lộn thật nhiều, phiền toái thật nhiều. Thế mà bố mẹ lại chẳng nhận ra điều ấy, nên cứ bênh nó chằm chặp.

Chiến tranh lạnh lần thứ hai giữa Thư và cái Suốt lại bắt đầu, có vẻ nghiêm trọng hơn lần trước, bởi nguyên do phức tạp hơn chuyện bố cho cái Suốt lên ở chung phòng với Thư. Cái phức tạp ấy xoay quanh Tuấn Phong và Phương sún, hay nói chính xác hơn là Thư cảm thấy ghen tị với cô cháu họ của mình bởi sự ưu ái của mọi người giành cho nó. “Chiến tranh lạnh” bắt đầu bằng việc Thư không nói gì với cái Suốt. Con bé cứ hỏi, cứ kể chuyện chán chê mà Thư không thèm nhếch mép, mặt lạnh như băng. Thư còn không khiến nó làm bất cứ việc gì giúp mình nữa. Cô tự dọn phòng, tự gấp quần áo, tự sắp xếp lại bàn học. Lần nào cũng vậy, cứ Thư đang dọn thì cái Suốt lại xông vào, đề nghị: “Dì ơi, để đấy cháu làm”. Thư lạnh lùng “Thôi, không cần”. Đến ngày thứ hai như thế thì mẹ gọi Thư sang phòng (chắc con bé ton hót mọi điều với mẹ), hỏi: “Mấy hôm nay con làm sao thế? “. Thư lầm lì: “Con không sao! “. “Thế tại sao con lại có thái độ ấy với cái Suốt? Nhà chỉ một dì một cháu, nó không biết, hay có lỗi gì thì con phải bảo, cho nó sửa, chứ cứ dỗi hờn thế thì giải quyết được chuyện gì?". Thư không cãi, cũng chẳng nói gì thêm, mẹ yên tâm thả cho con gái về. Vừa vào phòng, cái Suốt lại mon men: “Dì ơi, hôm nay cháu đi chợ, mua được cân hến nấu canh ngon ơi là ngon”. Thư lãnh đạm vào bàn mở sách, làm như cái Suốt đang nói với con gấu bông chứ không phải mình. Con bé lại còn tịt và hình như cũng len lén thở dài.

“Chiến tranh lạnh” đến ngày thứ 6 thì cái Suốt đầu hàng. Cả nhà đang ăn cơm, nó bỗng buông bát, mắt rơm rớm: “Cháu muốn nói với ông bà, với dì Thư một chuyện”. Mặc, Thư vẫn cứ ăn như không nghe thấy, bố và mẹ thì dừng hẳn lại. Mẹ sốt sắng: “Có chuyện gì thế cháu? “. “Cháu… cháu muốn xin ông bà với dì Thư cho cháu về quê. Cháu không ở trên này được nữa”. Mẹ nhìn ngay sang Thư để đánh giá tình hình, nhưng vẫn dịu dàng: “Sao lại thế? Có chuyện gì cháu chưa hài lòng à? Hay là…”. Con bé vội vã lắc đầu quầy quậy: “Không đâu ạ! Chỉ tại cháu thấy một mình mẹ cháu làm bảy sào ruộng thì vất vả quá. Cháu về quê giúp mẹ cháu thôi”. Mẹ lại hỏi: “Chứ không phải vì chuyện cái Bưởi bạn cháu à?”. Cái Suốt lí nhí: “Cũng vì cả chuyện ấy nữa”. Bố bảo: “Thôi, cả nhà cứ ăn cơm đi. Chuyện này nói sau”. Bữa cơm trở lên tẻ nhạt. Thư bỏ đũa trước tiên, lên phòng mở nhạc nghe. Mẹ theo lên liền: “Thư! Có phải giữa con và cái Suốt có chuyện gì không? “. Thư lắc đầu: “Không ạ!”. Mẹ vẫn không tin: “Thế tại sao con lại có thái độ lạ lùng vậy? Cháu nó hỏi không nói, gọi không thưa. Như thế ai mà chịu được, con phải sửa ngay tính nết ấy đi”. Thư vẫn khăng khăng: “Con… chẳng làm sao cả. Con chẳng làm gì nó cả”. Cái Suốt lù lù hiện ra ở cửa phòng, mắt đỏ hoe hoe: “Bà ơi, không có chuyện gì đâu ạ. Không phải tại dì Thư đâu. Bà đừng mắng dì ấy. Tại cháu không ở đây được nữa thôi. Dì Thư tố! t với cháu lắm!”. Thư thấy bất ngờ khi nghe cái Suốt nói vậy. Mấy ngày nay cô cứ đinh ninh nó đã “ton hót” với mẹ mọi chuyện. Mẹ không ra ngay mà buồn bã ngồi xuống mép giường: “Thật chẳng hiểu dì cháu nhà mày ra sao cả”. Cái Suốt cúi mặt, lí nhí: “Cháu xin lỗi vì không ở đây giúp ông bà được nữa”. Mẹ lại thở dài: “Ừ, cháu không muốn thì bà cũng không ép được. Mai thứ 5, đợi đến chủ nhật ông đưa về, còn nói chuyện đầu đuôi với mẹ cháu đã”.

Cái Suốt tỉ mỉ sắp xếp đồ đạc để chuẩn bị về quê. Chiếc giường xấu xí nó vẫn nằm lại được mang xuống tầng dưới, căn phòng lại rộng và thoáng như cũ mà Thư cứ thấy trống trống thế nào. Con bé rụt rè hỏi: “Dì cho cháu mang con búp bê Lọ Lem này về quê nhé”. Thư “ừ” dửng dưng, nhưng trong lòng có một cảm xúc rất lạ cồn lên. Cô đã cố tình gây sức ép để cái Suốt phải bỏ về, bây giờ nó sắp về, lại thấy có gì như hối hận, buồn buồn. Nó mang mấy cuốn truyện cổ tích, đặt ngay ngắn lên bàn Thư: “Hai quyển này của chị Phương, còn hai quyển này của anh Tuấn Phong, dì trả giúp cháu với!”. Thư hỏi: “Mày không gặp Tuấn Phong và Phương sún để chào chúng nó à?”, Con bé lắc đầu quay đi: “Không ạ! Dì chào anh chị ấy giúp cháu với”. Vẻ lặng lẽ cam chịu của cái Suốt cứ khiến Thư không yên. Bố, mẹ cũng buồn buồn trước sự kiện cái Suốt đòi về quê chẳng ai nói thêm điều gì, nhất là mẹ. Thư đã tưởng mẹ phải rên rỉ thật nhiều vì chuyện rồi đây không có người giúp việc mẹ sẽ vất vả bận bịu hơn, cửa hàng chẳng biết giao phó cho ai, nhưng hóa ra nhầm. Mẹ không đả động gì đến chuyện cái Suốt nữa, dù Thư cứ nơm nớp nghĩ mẹ sẽ trách, sẽ mắng vì tội “đối xử không ra gì” với nó. Không khí trong nhà trầm lắng, làm Thư bứt rứt không yên. Cái Suốt bảo: “Dì Thư ơi, trong thời gian ở đây, cháu có làm gì không nên không phải, thì dì cho cháu xin lỗi. Cháu biết là mình vụng lắm, nhiều lúc làm dì bực”. Không hiểu ai móc miệng cho mà nó lại nói năng �! �âu ra đấy thế. Thư ngường ngượng, như thể bị bắt quả tang đang làm gì không hay. Cô đã mong cho cái Suốt biến về quê càng nhanh càng tốt, thế mà giờ đây nó sắp về, lại có cảm giác mình bất nhân và ích kỷ. Ừ mà suy cho cùng, nó đã làm gì nên tội? Nó chẳng làm gì cả. Mình muốn nó chỉ là búp bê Lọ Lem thôi, không được mọi người quan tâm, yêu quý như mình. Mình muốn nó chỉ là người giúp việc, không được ngang hàng với mình trong mọi chuyện… Càng nghĩ, càng thấy rối. Thư hỏi thẳng cái Suốt: “Dì muốn mày nói thật, mày có giận dì không? “. Con bé mở to mắt nhìn Thư ngạc nhiên: “Sao dì lại hỏi thế? Cháu làm sao lại đi giận dì được. Cháu chỉ lo dì giận cháu thôi”. “Thế thì…” Thư định nói tiếp nhưng rồi ngừng lại. Cái Suốt không hỏi gì thêm, cứ tần ngần ngồi nghịch búp bê len.

Sáng hôm sau cái Suốt về quê cùng bố Thư, thì chiều hôm ấy ma xui quỷ khiến thế nào thì Phương sún lại đạp xe tới. Vừa đến cửa nó đã toe toe:

- Thư ơi! Có chuyện hay cực kỳ đây này. Hối lộ cái gì tao kể cho mà nghe.

Bố mẹ đi vắng hết, Thư kéo Phương sún ngồi xuống ghế ở ngay phòng khách:

- Chuyện gì? Chuyện Vân Lâm Đại Ngọc bây giờ lại đổi thái độ với Hiếu Trư chứ gì? Tao biết thừa. Dạo này Hiếu trư học hành chăm chỉ hẳn, lại còn bớt mồm, bớt miệng đi bao nhiêu. Ngoắc tay rồi, nàng quyết đỗ Đại học Ngoại thương, chàng quyết chí vào Xây dựng. Động viên nhau học ác lắm.

Phương sún toe toét miệng cười:

- Sai bét. Chuyện ấy cũ rồi, chuyện mới tinh cơ.

Thư tò mò:

- Thế à? Kể nhanh nhanh lên!

- Thì kể! Hôm qua đi học Anh cô giáo ốm, được nghỉ, tao có dịp “buôn dưa lê” với Tuấn Phong. Hắn khen mày nắc nỏm, học văn giỏi ư, viết văn hay ư… Tóm lại, hay nhất là câu này: “Thư viết văn hay thế, chắc chắn phải là con người rất nhân hậu”. Sướng chưa? Có vẻ hắn “mết” cái gọi là nhân hậu lắm đấy, cứ bảo đi bảo lại là “Thư nhân hậu lắm, đọc văn cậu ấy tớ cảm thấy thế”. Khao tao cái gì ngay.

Lời Phương sún làm Thư vừa bất ngờ, vui mừng lại vừa hẫng hụt như thể trót đánh mất vật gì quý lắm. Nhân hậu ư? Tuấn Phong nghĩ thế thật ư? Trong mắt Tuấn Phong mình là người nhân hậu… Trong mắt Tuấn Phong mình là người đáng mến đến thế. Vậy mà mình đã từng khó chịu, từng nghĩ về cậu ấy không hay khi cậu ấy tỏ vẻ thân thiết với cái Suốt… Phương sún lại hớn hở, nhưng hạ giọng thì thào:

- Còn nữa, tao mất toi hai tiếng đồng hô đi lùng mua sách, rồi đi ăn kem với Tuấn Phong, mới moi được thông tin quý giá này: Tuấn Phong tiết lộ là quý mến mày nên phải bắt đầu từ cái Suốt. Thư trố mắt:

- Nghĩa là sao?

- Dốt thế! Đến nhà Thư gặp Thư đấy là “quý dì lụy cháu", hiểu chưa hả gà mơ? Mày có cô cháu quý hóa thật, cứ một điều ca ngợi dì Thư cháu tuyệt vời thế này, hai điều ca ngợi dì Thư cháu giỏi giang thế kia. Trách gì Tuấn Phong chẳng “ngất ngây con gà tây”. Thế cái Suốt đâu?

Mặc kệ Phương sún xăm xăm đi vào tìm cái Suốt, Thư cứ ngồi ngẩn mặt. Đến lúc thấy Phương sún ré lên: “Sao lại về quê? Về quê có việc gì?“, Thư mới chạy vào:

 

- Không, Suốt chỉ về quê chơi vài ngày thôi, rồi lại lên.

Đến lượt cái Suốt ngơ ngác, còn Phương sún hỉ hả:

- Có thế chứ, lại đi nói dối là về luôn, làm chị ngạc nhiên quá. Nhưng sao lại khênh giường xuống đây?

Thư lúng túng, chưa biết nói thế nào thì cái Suốt đỡ lời luôn:

- Em quen nhà, không sợ ma nữa rồi, chuyển xuống đây cho rộng. Ở trên ấy dì Thư còn học ôn thi. Em cứ lục sục dì ấy lại khó tập trung.

Nghe cái Suốt nói vậy, Thư thấy nhẹ người. Phương sún không biết có cuộc chiến tranh lạnh xảy ra hơn tuần nay nên rất vô tư trò chuyện. Nét mặt cái Suốt cũng giãn ra, nhẹ nhõm hơn. Thư nghĩ giờ Phương sún về, mình sẽ nói chuyện với cái Suốt, bảo nó đừng giận nữa. Từ trước tới nay, mình toàn lo mọi người chỉ yêu quý nó, mà bỏ quên mình. Thật ngốc quá. Bố, mẹ, Phương sún với anh Tuấn Phong đâu nghĩ thế! Cả cái Suốt nữa, nó cũng yêu quý mình nên mới đòi về quê khi thấy mình lầm lì không vui cả tuần. Nhất định khi mình nói, cái Suốt sẽ bỏ qua, sẽ không đòi về quê nữa…

Hải Dương 22-3-2005

N.T.V.N

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét