THƠ TỨ TUYỆT CỦA MỘT SỐ NHÀ THƠ TRUNG QUỐC
Theo"Cổ Thi Tác Dịch" (Thái Bá Tân)
Tạo ebook : trongtk (TVE)
Mục lục :
Thơ tặng Thôi Hưng Tông lúc chia tay
Bên ngựa, đọc tiễn chú chín họ
Khúc hát về những người trẻ tuổi
Tặng quan Trung Thư họ Tử bài ca
Cùng với viên ngoại Lư Tượng thăm nhà trong rừng của xử sĩ Thôi
Ở huyện Hàm Đan đêm nhớ người thân
Suy nghĩ về các kỹ nữ của ông Trương Bộ Dịch đã mất
Ngày mười lăm tháng giêng, ở Trường An
Bày tỏ nỗi lòng thay cho ông lão hàng xóm
Bên bàn tiệc ngày Trùng dương, vịnh cúc trắng
Ở Trường Giang xa xôi, chợt muốn về quê
Tìm chủ nhân đầm Cúc Hoa, không gặp
Đến thăm Viên Thập Nhị, không gặp
Nghe sáo trên sông, tiễn quan thị ngự họ Lục
Tiết hàn thực, gửi em ở Kinh Sư
Đêm thu, gửi Viên ngoại Khâu Nhị Thập Nhị
Thơ đề trên cây liễu bên cầu sông Phần, quận Bình Dương
Tháng chín hành quân, nhớ vườn cũ ở Trường An
Từ đài phong Mục Túc gửi về nhà
Từ cửa Ngọc Quan, gửi cho quan chủ bạ ở Trường An
VƯƠNG DUY
Tác giả
Vương Duy (701-761) người Hà Đông (nay là Vĩnh Tế, Sơn Tây), tên chữ là Ma Cật, xuất thân trong một gia đình quan lại lớn, đỗ tiến sĩ năm Khai Nguyên thứ 9 (721), từng làm Hữu tập di, Thượng thư hữu thừa… Cuối đời theo Phật, được người đời tôn là Phật Thi; còn là một họa sĩ thủy mặc rất nổi tiếng. Tác phẩm: “Vương Ma Cật tập”.
Khúc hát Vị Thành
Vị Thành mưa bụi trắng như mây.
Chớm xuân, quán rượu nụ đầy cây.
Ra khỏi Dương Quan là đất lạ.
Nào thêm chén nữa lúc chia tay!
Trại Mộc Lan
Núi thu vét nhặt chút hương ngày,
Líu ríu chim rừng đuổi nhạn bay.
Mờ mờ ảo ảo màu cây cối,
Hoàng hôn sương núi đã rơi đầy
Vùng đất thấp Liên Hoa
Hái sen thường về muộn,
Vì bãi cát ven sông.
Nhẹ khua chèo để nước,
Không ướt cánh sen hồng.
Lộc Trại
Rừng vắng không thấy người,
Nhưng nghe rõ tiếng cười.
Nắng chiều va vào núi,
Lên rêu xanh đang rơi.
Núi Hoa Tử
Chim cứ chao lượn mãi,
Núi nhấp nhô ngả màu.
Đường viền dãy Hoa Tử
Nhìn bỗng buồn hồi lâu.
Lũng Tân Di
Hoa phù dung nở chóp cây xanh,
Một vùng đỏ rực bốn xung quanh.
Bên khe, nhà nhỏ người đi vắng,
Hoa bông mới nở, bông lìa cành,
Vũng Loan Gia
Mưa thu, từ kẽ đá
Chảy thành những dòng nông.
Con cò sợ, sà xuống,
Lại vội vút lên không.
Tiệp Dư họ Ban (bài một)
Thật lạ lùng, cửa đóng,
Tiệp Dư không đón vua.
Mọi người trong vườn uyển
Đang vui vẻ cười đùa.
Tiệp Dư họ Ban (bài hai)
Điện vắng người, cửa sổ
Lập loe đom đóm bay.
Đêm thu ngồi tựa trướng,
Đèn mờ ảo, lắt lay.
Tiệp Dư họ Ban (bài ba)
Ân vua ngày một ít,
Trong cung cỏ úa vàng.
Não lòng nghe sáo ngọc –
Xe vua đang đi ngang.
Thơ tặng Thôi Hưng Tông lúc chia tay
Giờ chia tay, dừng ngựa,
Trời lạnh, giữa hoàng hôn.
Phía trước phong cảnh đẹp,
Nhưng một mình vẫn buồn.
Từ núi, gửi các em gái
Ở đây nhiều đạo hữu,
Đọc kinh, thiền suốt ngày.
Từ thành xa đứng ngắm
Chắc chỉ toan thấy mây.
Bên ngựa, đọc tiễn chú chín họ
Thôi đi Nam Sơn(1)
Chia tay góc thành cổ,
Hẹn có ngày gặp nhau.
Đi đi, hoa đang đẹp,
Đừng đợi lúc phai màu.
Chân dung Thôi Hưng Tông
Vẽ chú lúc còn trẻ,
Nay chú già, râu dài.
Nhưng giờ người quen chú
Biết chú xưa đẹp trai.
Lại làm thơ khuyên Bùi Địch
Biết khó mà thoát tục,
Xa cuộc sống ồn ào,
Nhưng cứ chống gậy gỗ
Đi về hướng Nguồn Đào!
Thơ vặt
Xuân, lại nghe chim hót.
Cành mai lại nở hoa.
Buồn buồn nhìn nhánh cỏ,
E nó leo vào nhà.
Lời than thở trong cung
Trăng lạnh, mùi hoa như thấm sương,
Tiếng đàn réo rắt cung Chiêu Dương.
Như giọt đồng hồ ai thêm nước.
Để kéo dài thêm giọt chán chường.
Tặng Vi Mục
Cùng nặng lòng mây núi,
Không chịu về Đông Sơn.
Chắc đường đi tới đấy
Giờ cỏ mọc nhiều hơn.
Ghi lại
Mưa phùn, gác mờ tối,
Không mở cửa vì lười.
Nhìn đám rêu chợt thấy
Nó muốn bám áo người.
Tiễn biệt
Chiều, tiễn nhau trong núi,
Về đóng liếp tranh dày.
Sang năm cỏ lại mọc,
Liệu khách còn tới đây?
Gửi chồng ở xa (bài một)
Chồng hão danh lính thú,
Vợ nhan sắc phai dần.
Trang điểm xong lặng lẽ
Khóc, ngắm cành hoa xuân.
Gửi chồng ở xa (bài hai)
Đầy sương mù hôm ấy
Chàng và thiếp chia tay.
Giờ đứng nhìn chỉ thấy
Phía chàng trời đầy mây.
Gửi chồng ở xa (bài ba)
Trắng và mềm như lụa,
Trăng rất sáng đêm nay.
Để soi lòng của thiếp
Trăng sáng đến rạng ngày.
Thú điền viên (bài một)
Hái hoa súng về, gió nổi.
Chống gậy ven thôn chiều tà.
Cây Hạnh có người đánh cá.
Bên suối Đào Hoa có nhà.
Thú điền viên (bài hai)
Hè mà thông như vẫn lạnh.
Xuân về cỏ mọc xanh non.
Trẻ hồn nhiên, không danh lợi.
Trâu thuộc đường tự về thôn.
Thú điền viên (bài bốn)
Hoa đào đỏ ngậm mưa đêm,
Liễu xanh mầm non mới nhú.
Hoa rụng chưa quét ngoài thềm,
Chim hót, khách lười vẫn ngủ.
Thú điền viên (bài năm)
Uống rượu cùng nhau bên suối,
Ôm đàn ngồi tựa gốc thông.
Sáng bẻ bông quỳ phía bắc,
Đêm nằm trong hang phía đông.
Khúc hát về những người trẻ tuổi
Tân Phong rượu quý sẵn, hàng ngày
Khách trẻ Hàm Dương vẫn tới đây.
Gặp nhau cảm nhau mà nâng chén,
Ngựa buộc bên lầu dưới gốc cây.
Than tóc bạc
Ngày nào trai trẻ, giờ răng mom,
Tóc đen nay đã trắng trên đầu.
Kiếp người bao chuyện buồn như vậy,
Không mong vào chùa thì vào đâu?
Tiết hàn thực trên sông Tị
Bên thành Quảng Vũ buổi cuối xuân,
Khách Mấn lên đường, lệ ướt khăn.
Chim hót, hoa rơi, cây liễu nhỏ
Nhìn khách sang sông, bóng khuất dần…
Khúc đêm thu
Giọt nước đồng hồ tí tách rơi.
Trăng khuya mờ ảo phía chân trời.
Thu đến, áo chàng chưa kịp gửi,
Xin đừng rơi sớm vậy, sương ơi.
Tặng quan Trung Thư họ Tử bài ca
“Trông núi Chung Nam”.
Chiều, từ Tử Vi xuống.
Đời oan trái nhiều bề.
Dừng ngựa bên song thụ,
Mải ngắm cảnh, quên về.
Lời tiễn xuân
Người già thêm từng ngày,
Xuân đi rồi lại đến.
Tiếc gì cánh hoa bay,
Sẵn rượu, cứ nâng chén
Thơ đề chơi trên phiến đá
Chiếc bàn đá nhỏ dưới lùm cây,
Bên suối, long lanh chén rượu đầy.
Nếu quả gió xuân vô tri giác,
Sao xua hoa rụng đến nơi này?
Thơ vặt
Bác vừa từ quê ra,
Chắc biết rõ chuyện nhà.
Thế bụi mai bên giếng
Dạo này vẫn nhiều hoa?
Quán Trúc Lý
Hết đàn rồi lại hát,
Một mình giữa rừng cây.
Chỉ trăng và gió mát,
Chẳng bị ai quấy rầy.
Khe chim kêu
Người nhàn, hoa quế nở,
Lặng im rừng đêm hè.
Trăng mọc làm chim sợ,
Giật mình, kêu dưới khe.
Khúc đêm thu
Vừa mới chớm thu lạnh đã se,
Chưa thay áo mỏng mặc mùa hè.
Nghe mãi đàn đêm rồi cũng chán,
Nhưng ngại phòng không, chưa muốn về.
Tiễn biệt
Tiễn người Nam Phố, lệ như mưa.
Khi đến Đông Châu xin hãy thưa,
Nhắn giúp: Bạn bè ngày một ít,
Khác thời còn ở Lạc Dương xưa.
Cùng với viên ngoại Lư Tượng thăm nhà trong rừng của xử sĩ Thôi
Hưng Tông
Cây xanh, bóng rợp mát nơi nơi,
Rêu bụi không dây, có một người
Ngồi dưới gốc thông, đầu tóc xõa
Mắt trắng nhìn quanh nhận xét đời.
Tức phu nhân
Đâu vì được yêu mến
Mà quên mất tình xưa.
Khóc, ngắm hoa, lời nghẹn
Không nói gì với vua.
BẠCH CƯ DỊ
Tác giả
Bạch Cư Dị (772-846) tự Lạc Thiên, cuối đời gọi là Hương Sơn cư sĩ, người Thái Nguyên (Sơn Tây); đỗ tiến sĩ năm Trinh Nguyên thứ 16 (800), gặp thăng trầm nhiều trong nghiệp làm quan. Thơ ông gồm hai mảng lớn là phúng dụ và trữ tình thiên nhiên. Ông đã sáng lập trường phái đề cao tính hiện thực trong thơ, người sau gọi là “Nguyên Bạch thi phái”; hiện còn lưu lại được “Bạch Thị Trường Khánh tập” gần 3000 bài.
Trên ao
Có cô bé bơi thuyền
Trộm hái vài bông sen.
Vụng về không biết giấu,
Để bèo dạt hai bên.
Suối Bạch Vân
Nơi trời yên tĩnh, nước lăn tăn,
Từ núi Thiên Bình, suối Bạch Vân
Sao đổ xuống đây, thành thác chảy,
Cho sóng thêm to ở cõi trần?
Ở huyện Hàm Đan đêm nhớ người thân
Hàm Đan, đông chí, trước đèn hoa
Chỉ một mình ta với bóng ta.
Ở quê có lẽ còn chưa ngủ,
Mọi người đang nhắc kẻ đi xa.
Trực Tỉnh Trung Thư
Ty Luân gác đỏ, ánh dương tà,
Trên lầu chuông điểm giọt ngân nga.
Gấp sách một mình ngồi, không bạn –
Tử vi người với tử vi hoa.
Hoa hạnh ở thôn Triệu
Thôn Triệu hoa hồng nở tháng Ba,
Ta đã nhiều lần tới ngắm hoa.
Bảy mươi ba tuổi, nay lần cuối.
Có lẽ sang năm đã quá già.
Lời nàng Chiêu Quân
Hán sứ lúc về xin hãy thưa:
Sẵn sàng chuẩn bị chuộc ta chưa?
Nhan sắc của ta, vua có hỏi,
Đừng nói bây giờ ta khác xưa!
Tự khuyên mình
Đi thi năm ấy, dẫu nghèo hèn.
Áo dài đổi rượu đãi người quen,
Một đấu mười nghìn còn dám uống.
Nay có lương quan chẳng tiếc tiền!
Chim vẹt đỏ
An Nam cống nạp vẹt lông hồng,
Biết nói như người – chuyện tây đông,
Văn chương, luân lý đều am hiểu…
Giỏi thế làm sao thoát khỏi lồng?
Hoa chẳng phải hoa
Hoa chẳng phải hoa, sương chẳng sương,
Hình như ngày đã rạng ngoài đường.
Đêm xuân giấc ngủ như mây mỏng,
Hết tụ rồi tan, chẳng vấn vương.
Lời cung nữ
Không ngủ năm canh, lệ thâm đầy,
Tiếng đàn đã tắt, gió mành bay.
Nhan sắc chưa phai mà ghẻ lạnh
Tựa gối ngồi nghiêng tới rạng ngày.
Hỏi Lưu Thập Cửu
Có vò rượu mới cất,
Lại sẵn bếp than hồng.
Tuyết đang rơi, trời lạnh,
Có làm một chén không?
Bên ao
Tây ao dựng nhà nhỏ,
Đông ao trồng khóm cây
Để đón trăng và gió.
Ai đoán hiểu điều này?
Nghỉ trọ dưới núi
Trọ một mình dưới núi,
Đi dưới ánh trăng tà.
Tiếng chày giã cối đá
Vang dọc suối xa xa.
Có bạn đến thăm ban đêm
Chiếu ngoài thềm, gió mát,
Chén rượu ngời ánh trăng.
Một mình đã thấy thích,
Có bạn, còn gì bằng?
Mưa đêm
Dế kêu rồi im lặng,
Đèn hết sáng lại mờ.
Rì rào trên lá chuối -
Biết là trời đang mưa.
Tiếng dế đêm thu
Trời tối, ngoài cửa sổ
Dế rền rĩ không nguôi
Làm càng thêm nhớ vợ.
Mưa thu, buồn tê người.
Đêm cô đơn đầu thu
Cây khô soi giếng lạnh,
Tiếng chày vang trong sương.
Ngủ ngoài hiên, chợt tỉnh,
Thấy trăng sáng nửa giường.
Đêm đông nghe tiếng dế
Tiếng dế đêm đông nghe thật lạ -
Đang vui cũng thấy buồn không đâu.
Ta đã già rồi, nghe chả sợ,
Người trẻ đừng nghe, khéo bạc đầu.
Suy nghĩ về các kỹ nữ của ông Trương Bộ Dịch đã mất
Cần người múa hát, mở hầu bao
Ông bỏ tiền mua gái má đào,
Rồi dạy đủ trò… ông kiệt sức,
Chết chẳng mang theo được a nào.
Ngày mười lăm tháng giêng, ở Trường An
Kinh thành năm mới, cảnh vui tươi.
Ốm phải ở nhà, chẳng dạo chơi.
Trăng rằm tháng giêng, đêm trời mát,
Nhưng vạn người vui, buồn một người.
Ở sông Khúc, nhớ Nguyên Cửu.
Buồn vì vắng bạn, chẳng chơi xuân,
Ba phần vui giảm mất hai phần.
Sáng nay đã thế trong vườn hạnh
Gặp toàn người lạ, vắng người thân.
Bày tỏ nỗi lòng thay cho ông lão hàng xóm
Con người mong muốn chẳng bền lâu –
Ngày trước bây giờ khác xa nhau.
Trước mong chóng già thành thông thái,
Giờ tiếc thời gian nhuộm trắng đầu.
Bên bàn tiệc ngày Trùng dương, vịnh cúc trắng
Trong vườn tất cả hoa đều đỏ,
Một bông lại trắng, chẳng hài hoà.
Sáng nay cũng vậy, bên bàn tiệc
Moi người đều trẻ, chỉ ta già.
Bài hát ở hậu cung
Khăn lụa suốt đêm lệ thấm đầy,
Tiếng đàn vọng lại tận lầu tây.
Nhan sắc chưa phai, vua đã chán,
Nghiêng tựa lò hương đến rạng ngày.
Bài hát hái sen
Lá sen lay động, nước chao chao,
Thuyền rẽ hoa sen cứ lướt vào.
Gặp chàng muốn nói mà cúi thẹn,
Để chiếc trâm vàng rơi xuống ao.
Bài hát thương xuân
Bên thềm, hoa đậm nhạt trên cây,
Bên cửa chim oanh hót suốt ngày.
Rèm rũ, mà son nhòe thấm lệ,
Thương tiếc cho xuân, xuân chẳng hay.
VƯƠNG BỘT
Tác giả
Vương Bột (650-676), tự Tử An, người Hàng Châu nay thuộc tỉnh Sơn Tây, cháu họ của Vương Tích. Ông được tôn vinh là một trong “Sơ Đường tứ kiệt”, tài cao mà danh phận thấp.
Ở Trường Giang xa xôi, chợt muốn về quê
Cái buồn nhiều ít đã nguôi ngoa,
Nhưng vẫn bâng khuâng nỗi nhớ nhà.
Chưa kể chiều nay trời nổi gió,
Lại thêm lá rụng núi xa xa.
Gác Đằng vương
Mây trên đầm nước, sóng lăn tăn,
Đổi thay xuân hạ đã bao lần.
Trong gác con vua nay chẳng thấy,
Lặng lẽ Trường Giang trôi trước sân
Tháng chín ở đất Thục
Vọng Hương, trùng cửu phút chia ly.
Chiếu lạ, quê người tiễn khách đi.
Đất dữ Nam Trung, người đã chán,
Từ xa chim nhạn đến làm gì?
MẠNH HẠO NHIÊN
Tác giả
Mạnh Hạo Nhiên (689 – 740), tự Hạo Nhiên, người Tương Duy, nay thuộc tỉnh Hồ Bắc; một trong những nhà thơ lớn đời Đường; thơ thiên về trữ tình, hiện còn 260 bài, đa số là thơ ngũ ngôn.
Đêm ngủ bên sông Kiến Đức
Thuyền cập bến buồn, khói bay,
Đồng rộng, trời sà sát cây.
Khách buồn, buồn thêm, trời tối,
Trăng gần người, ngang tầm tay.
Tìm chủ nhân đầm Cúc Hoa, không gặp
Đến được đầm hoa Cúc
Thì ngày đã xế tà.
Chủ nhân còn trong núi,
Chỉ có mấy chú gà.
Sớm xuân ngủ say, quên cả dậy
Ngủ say, quên cả dậy,
Sáng, chim hót khắp đồng.
Đêm qua mưa gió vậy,
Hoa rụng có nhiều không?
Đến thăm Viên Thập Nhị, không gặp
Đến Lạc Dương tìm bác,
Bác đã xuôi Giang Tây.
Ở đó mai nở sớm,
Có đẹp bằng ở đây?
Tiễn Chu Đại vào Tần
Tiễn người đi Ngũ Lăng,
Không ngại ngần, trao tặng
Bảo kiếm giá nghìn vàng
Cùng tấm lòng ngay thẳng.
LÝ THƯƠNG ẨN
Tác giả
Lý Thương Ẩn (813 – 858), tự Nghĩa Sơn, hiệu là Ngọc Khê Sinh, người Hoài Chân, nay là Tầm Dương, tỉnh Hà Nam, một trong những nhà thơ lớn của đời đường, nổi danh từ 17 tuổi, đỗ tiến sĩ năm Khai Thành thứ 2 (837), thơ trang nhã, chân thành, có tính chống lễ giáo phong kiến. Tác phẩm: “Lý Nghĩa Sơn thi tập”.
Đi chơi ở đồng Lạc Du
Chiều, bâng quơ bỗng buồn,
Thắng xe ra đồng dạo.
Nắng vào lúc hoàng hôn
Thật đẹp và kỳ ảo.
Dậy sớm
Sáng, vén rèm dậy sớm,
Trời mát, gió hây hây.
Hoa nở, chim oanh hót…
Ai được hưởng xuân này.
Chân trời
Ngày xuân, chân trời xa,
Lại giữa lúc chiều tà.
Oanh kêu như rớm lệ,
Làm ướt những cánh hoa.
Đêm mưa gửi về bắc
Bạn hỏi ngày về, chưa hẹn được.
Ba Sơn đêm mưa ao ngập nước.
Bao giờ đốt đuốc ngồi bên cầu,
Ta kể chuyện ma Ba Sơn sau.
Say dưới hoa
Tìm hướng, không ngờ say ráng sa,
Ngủ dưới gốc cây với nắng tà.
Tỉnh dậy, khách về khuya đốt đuốc,
Tơi tả trong vườn những xác hoa.
Khúc ngâm đất Sở
Lầu ở ly cung trên núi xanh.
Sông chiều uốn khúc chảy xung quanh.
Hoàng hôn trời Sở, mưa sùi sụt,
Cảnh kia Tống Ngọc vui sao đành?
Giữa quan Lang Trung Lệnh Hồ
Xa Sở, xa Tần đã mấy đông,
Gửi một bức thư, lệ mấy dòng.
Khách cũ vườn Lương chưa kịp hỏi,
Mưa nhiều bệnh cũ nặng hơn không?
ĐỖ MỤC
Tác giả
Đỗ Mục (803 – 852), tự Mục Chi, người Kinh Triệu, nay là Tây An, Thiểm Tây, cháu tể tướng Đỗ Hựu, đỗ tiến sĩ năm Đại Hòa thứ 2 (828) đời Đường Văn Tông, từng giữ nhiều chức quan khác nhau. Thơ ông tao nhã, trữ tình, gần sánh kịp Đỗ Phủ, nên người đời sau thường gọi ông là “Tiểu Đỗ”.
Tiết thanh minh
Mưa bụi thanh minh suốt tháng Ba,
Cảnh buồn não ruột khách đường xa.
Nhờ trẻ chỉ giùm đâu quán rượu?
Đáp: Tận kia kìa, xóm Hạnh Hoa.
Đi đường núi
Con đường lên núi đá chênh vênh,
Lưng chừng mây núi mái nhà tranh.
Yêu cảnh thiên nhiên, dừng xe ngắm,
Hơn hoa, lá đỏ rực trên cành.
Trên đường tới Thu Phổ
Cuối thu, mưa núi chảy từng dòng,
Heo hắt, gió khe cỏ phập phồng.
Này nhạn, mới từ Hà Sa đến,
Vừa rồi có ghé Đỗ Lăng không?
Tặng nhau lúc chia tay
Đa tình mà lại tựa vô tình,
Trước chàng muốn nói, vẫn làm thinh.
Cám cảnh thay người, cây nến nhỏ
Ngắn dài lệ chảy đến bình minh.
Vườn Kim Cốc
Danh vọng tan nhanh với bụi đời,
Nước cứ vô tình, cỏ cứ tươi.
Não ruột chim kêu, chiều gió lạnh,
Như người nhảy lầu, cánh hoa rơi
Ba năm cách biệt
Đằng đẵng ba năm, người một nơi,
Nhớ nhau mỗi bận ngước lên trời.
Đã ba mươi sáu lần trăng khuyết,
Trăng khuyết lại đầy, lòng vẫn vơi.
Tức cảnh ở núi Nga Hồ
Bạt ngàn dưới núi lúa và kê,
Chuồng gà, chuồng lợn có cây che.
Chiều tối lễ xong, ai quá chén
Cũng có người thân dìu đỡ về.
Lời oán cung nữ
Giám quan mở cửa, lệnh cho mời,
Theo lệ chầu vua như mọi người.
Đâu phải ân riêng nơi gác tía.
Ngoài vườn trăng sáng, cánh hoa rơi.
Cảnh xuân ở Giang Nam
Hoa nở oanh kêu mấy dặm đường,
Xóm chài ven núi khói chiều vương.
Bốn trăm tám chục chùa Vũ Đế,
Mấy chùa còn lại chìm trong sương?
Đêm thất tịch
Ánh trăng lành lạnh bám bình phong,
Quạt lụa xua xua muỗi khỏi phòng.
Ngửa mặt nhìn lên sao Chức nữ,
Trời mát và mềm như nước trong.
Tự an ủi
Chẳng nên phiền muộn lúc về già
Tiếc thời trai trẻ đã trôi qua.
Hoa nở hết thì, hoa có rụng
Cũng vì muốn quả sẽ thay hoa.
Trung thu
Sương chiều, khói lạnh trốn vào mây,
Ngân Hà, mờ bụi trăng trên cây.
Có trăng hãy ngắm, vì năm tới
Ai chắc rằng trăng đẹp thế này?
Đỗ thuyền ở bến Tần Hoài
Nước lạnh, sương giăng, nguyệt xế tà,
Quán rượu bến Tần chợt ghé qua.
Trong quán không hay hờn mất nước,
Suốt ngày hát mãi “Hậu Đình hoa”
NHẠC PHI
Tác giả
Nhạc Phi (1103-1141), tự Bằng Cử, người huyện Thang Âm, là vị anh hùng dân tộc thời Nam Tống và là vị tưỡng có tài.
Đình Thúy Vị ở Trì Châu
Chiến trận quanh năm được buổi này,
Lên đình Thúy Vị ngắm trời mây.
Sơn thủy hữu tình nhìn chửa chán,
Ngựa đã dục về, trăng sau cây.
VI ỨNG VẬT
Tác giả
Vi Ứng Vật (736 - 830), người Kinh Triệu, Tràng An, nay là thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, từng làm Thứ sử Tô Châu nên cũng gọi là Vi Tô Châu, phong cách thơ gần với lối sơn thuỷ của Vương Duy.
Nghe sáo trên sông, tiễn quan thị ngự họ Lục
Nâng chén này tiễn bác,
Văng vẳng sáo trên sông,
Buồn, rồi đêm nằm ngủ
Tiếng sáo vọng tới phòng.
Lạch Tây ở Trừ Châu
Âm thầm cỏ mọc sát bờ sông,
Oanh vàng ríu rít giữa cành phong.
Sắp tối, triều xuân, đò vắng chủ,
Tự ý quay ngang, đứng giữa dòng.
Tiết hàn thực, gửi em ở Kinh Sư
Cấm lửa, trời mưa, phòng lạnh tanh,
Lắng nghe chim yến hót trên cành.
Nhớ em, uống rượu, nhìn hoa nở.
Đỗ Lăng hàn thực cỏ xanh xanh
Trả lời Lý Cán
Vừa đọc Kinh Dịch xong,
Rỗi, ngắm chim trên sông.
Nghe Sở nhiều hào kiệt,
Người nào chơi với ông?
Đêm thu, gửi Viên ngoại Khâu Nhị Thập Nhị
Đêm thu, dạo một mình,
Ngâm thơ thường nhớ anh.
Trái thông rơi trên núi,
Ai nỡ ngủ cho đành?
SẦM THAN
Tác giả
Sầm Than (Không rõ năm sinh năm mất), người Nam Dương
(nay là huyện Đặng, tỉnh Hà Nam), đỗ tiến sĩ năm Thiên Bảo thứ
3 (774), từng làm Giám chầu thứ sử. Tác phẩm: Sầm Than tập.
Cảnh xuân, nhà trên núi
Vườn Lương cánh quạ giữa chiều tà,
Xơ xác buồn tênh mấy nóc nhà.
Trong sân không biết người đi hết,
Háo hức xuân về, cây trổ hoa.
Thơ đề trên cây liễu bên cầu sông Phần, quận Bình Dương
Ngày xưa ta đã sống nơi này,
Nhiều năm lưu lạc lại về đây.
Không nhận ra ta, nhìn lạ lẫm,
Cây liễu sông Phần thật đến hay.
Bên bờ sông Vị, nhớ Tần Xuyên
Sông Vị chảy về đông,
Bao giờ tới châu Ung,
Xin gửi về quê cũ
Nước mắt lạnh đôi dòng.
Giấc mơ xuân
Đêm xuân gió lạnh thổi qua giường,
Nhớ người gặp gỡ giữa sông Tương.
Người đẹp trong mơ về chốc lát,
Nghìn dặm Giang Nam vẫn vấn vương.
Tiễn bạn về kinh đô
Một mình một ngựa hướng về tây,
Vung roi, người ngựa phóng như bay.
Tháng Chín Giao Hà đưa tiễn bạn,
Đề thơ trong tuyết, lệ rơi đầy.
Tháng chín hành quân, nhớ vườn cũ ở Trường An
Xóm nhỏ Đăng Cao, định đến đây,
Chẳng ai có rượu uống kỳ say.
Chợt thương khóm cúc vườn quê cũ.
Giá chi nó nở chiến trường này.
Từ đài phong Mục Túc gửi về nhà
Bên đài Mục Túc đón mùa xuân,
Hồ Lư sông dữ, lệ đầy khăn.
Quê cũ vợ buồn… Nơi chiến trận
Tướng sĩ buồn hơn đến vạn lần.
Giữa sa mạc, cảm tác
Xa nhà, rong ruổi ngựa về tây,
Hai lần trăng khuyết lại trăng đầy.
Không lửa, không người, sa mạc rộng,
Biết ngủ nơi nào qua đêm nay?
Từ cửa Ngọc Quan, gửi cho quan chủ bạ ở Trường An
Muôn dặm Trường An ở phía đông,
Sao chẳng thương nhau viết mấy dòng.
Ngoảnh mặt về tây, buồn, đã thế
Mai lại hết năm, cảnh não lòng.
VƯƠNG TÍCH
Tác giả
Vương Tích (585-644), tự Võ Công, người Long Môn nay thuộc tỉnh Sơn Tây. Từng làm quan một thời gian rồi về quê ở ẩn, vui thú điền viên. Tác phẩm: “Vương Võ Công tập”.
Sau khi say
Nguyễn Tịch ít khi tỉnh,
Đào Tiềm lắm lúc say.
Trăm năm như nháy mắt,
Vui, cứ hát suốt ngày
Qua quán rượu
Chẳng cần suy lợi hại,
Cứ uống tràn cung mây.
Tại sao ta phải tỉnh
Khi mọi người đều say?
TRẦN TỬ NGANG
Tác giả
Trần Tử Ngang (656-689), tên chữ Bá Ngọc, người Tần Châu, Xạ Hồng (nay là Tứ Xuyên), xuất thân hào phú, từng làm Hữu thập di, sau bỏ quan về làng, bị tên quan địa phương vu khống bỏ ngục, phẫn uất mà chết. Tác phẩm: “Trần Tử Ngang thi tập”.
Trên đường đi U Châu
Chẳng thấy người đi trước,
Không thấy người đi sau.
Ngẫm đất trời vô tận,
Sao cầm lòng không đau…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét