Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

QDGDTHAM-TAP1-3

Tòa án nhân dân tối cao

Quyết định giám đốc thẩm
của hội đồng Thẩm phán
Tòa án nhân dân tối cao

Đặc san của Tạp chí Tòa án nhân dân

ê

quyển I

(Các Quyết định Giám đốc thẩm về Dân sự; Kinh doanh, thương mại; Lao động năm 2003 – 2004)

Nội - 2004


MỤC LỤC

Quyết định số 31/2003/HĐTP-DS ngày 04-11-2003 Về vụ án đòi tài sản gắn liền quyền sử dụng đất 11

Quyết định số 32/2003/HĐTP-DS ngày 04-11-2003 Về vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán nhà ở 15

Quyết định số 33/2003/HĐTP-DS ngày 05-11-2003 Về vụ án tranh chấp hợp đồng xây dựng 21

Quyết định số 34/2003/HĐTP-DS ngày 23-12-2003 Về vụ án hôn nhân và gia đình 26

Quyết định số 35/2003/HĐTP-DS ngày 23-12-2003 Về vụ án Tranh chấp hợp đồng mua bán nhà 32

Quyết định số 36/2003/HĐTP-DS ngày 24-12-2003  Về vụ án tranh chấp quyền sở hữu nhà 37

Quyết định số 37/2003/HĐTP-DS ngày 24-12-2003 Về việc đòi bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm 41

Quyết định số 38/2003/HĐTP-DS ngày 25-12-2003 về Vụ án Xin huỷ hợp đồng mua bán nhà và đòi nhà cho thuê 44

Quyết định số 01/2004/HĐTP-DS ngày 25-02-2004 Về vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán nhà đất 50

Quyết định số 02/2004/HĐTP-DS ngày 25-02-2004 Về vụ án tranh chấp nhà, đất 53

Quyết định số 03/2004/HĐTP-DS ngày 25-02-2004   Về vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán nhà 56

Quyết định số 04/2004/HĐTP-DS ngày 25-02-2004  Về vụ án đòi nợ 61

Quyết định số 05/2004/HĐTP-DS ngày 25-03-2004 Về vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán 63

Quyết định số 06/2004/HĐTP-DS ngày 25-03-2004 về Vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán nhà đất 70


Quyết định số 31/2003/HĐTP-DS ngày 04-11-2003
Về vụ án đòi tài sản
gắn liền quyền sử dụng đất


Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao

…………………

Tại phiên toà ngày 04-11-2003 xét xử giám đốc thẩm vụ án dân sự về đòi tài sản gắn liền quyền sử dụng đất giữa:

Nguyên đơn: Bà Huỳnh Thị Sang, sinh năm 1916, uỷ quyền cho ông Nguyễn Qưới Phước, sinh năm 1939; trú tại số nhà 249 đường Hoàng Văn Thụ phường 1, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh.

Bị đơn: Bà Lê Thị Hà, sinh năm 1936; trú tại ấp Cẩm Tân, xã Xuân Tân, huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Phạm Bạch Yến, sinh năm 1940; trú tại số 1202 Pecosway Sunny Wale-CA 34089, Hoa Kỳ (con gái bà Sang).

2. Ông Phạm Kim Quang, sinh năm 1942; trú tại số 27 Ter rue Jean Ribault (76200) Dieppe, Pháp (con trai bà Sang).

3. Bà Phạm Thị Như Mai, sinh năm 1947; trú tại số 9A Venue Eugene pittard/1206 Grene, Thuỵ Sỹ (con gái bà Sang).

Bà Yến, ông Quang, bà Mai uỷ quyền cho bà Huỳnh Thị Sang.

4. Ông Nguyễn Thế Tài, sinh năm 1946;

5. Chị Huỳnh Thị Kim Cương, sinh năm 1959 (con bà Hà);

6. Anh Huỳnh Hùng Dũng, (con bà Hà);

7. Anh Huỳnh Kim Bình, sinh năm 1971 (con bà Hà);

8. Anh Bùi Thú Nghị, sinh năm 1960;

9. Anh Trần Ngọc Đức, sinh năm 1974;

l0. Anh Nguyễn Tấn Hà, sinh năm 1972;

1l. ông Nguyễn Văn Cho, sinh năm 1931 ;

Đều trú tại ấp Cẩm Tân, xã Xuân Tân, huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai

NHậN THấY:

Lô đất A 17 có diện tích 16,87 mẫu tại ấp Cẩm Tân, xã Xuân Tân, huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai là của bà Huỳnh Thị Sang mua của ông Phan Minh Chiểu, ông Hoa Văn Mùi, ông Bùi Khắc Chiến và bà Võ Thị My ngày 02-10-1957.

Sau khi mua đất, bà Huỳnh Thị Sang đã trồng cây cao su, cây cà phê, cây sầu riêng và cây chôm chôm. Năm 1975, bà Huỳnh Thị Sang đã hiến cho Nhà nước 10 mẫu đất đã trồng cây cao su (thực tế chỉ có 8 mẫu cây cao su còn 2 mẫu đất phía sau ông Toàn trồng dưa hấu – B117). Diện tích đất còn lại (6, 87 mẫu) do sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh, không có điều kiện quản lý, chăm sóc nên bà Huỳnh Thị Sang đã giao cho vợ chồng ông Huỳnh Kim Toàn, bà Lê Thị Hà quản lý, chăm sóc thu hoa lợi, sau khi trừ các khoản chi phí, sản phẩm còn lại nộp cho bà Huỳnh Thị Sang.

Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông Huỳnh Kim Toàn xin bà Huỳnh Thị Sang cho một ít đất để các con ông có đất sản xuất và làm nhà ở. Ngày 01-01-1981 , bà Sang ký giấy cho ông Toàn ”6 sào” đất để cất nhà và trồng trọt (BL 12).

Từ năm 1981 đến năm 1983, ông Toàn và bà Hà đã chia đất cho 8 người con, mỗi người 5 sào. Sau khi ông Toàn chết năm 1987, bà Hà và các con đã tự ý bán đất cho nhiều người và từ năm 1994 bà Hà không nộp hoa lợi cho bà Sang nữa. Hiện nay bà Hà chỉ quản lý 28.203m2.

Ngày 15-03-1995, bà Huỳnh Thị Sang khởi kiện yêu cầu bà Hà và những người mua đất của bà Hà và con bà Hà trả vườn cây gắn liền quyền sử dụng đất cho bà Sang. Ngày 16 và ngày 22-12-2000, ngày 02-01-2001 bà Sang có đơn rút yêu cầu khởi kiện đối với những người mua đất, chỉ giữ yêu cầu khởi kiện đối với bà Hà. Bà Sang yêu cầu bà Hà trả vườn cây ăn trái, có diện tích 28.103m2 (đã trừ 100m2 bà Sang cho ông Nguyễn Thế Tài).

Trong các lời khai của bà Lê Thị Hà ngày 10-10-1995, ngày 02-08- 1996, ngày 24-06-1996, bà Hà thừa nhận vợ chồng bà làm công cho bà Sang từ năm 1965, nhưng tại lời khai của bà Lê Thị Hà ngày 14 và ngày 20-12-2000, tại phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm bà Hà khai nguồn gốc đất do chồng bà và bà Sang cùng hùn vốn mua chung, bà Sang chỉ có 5 sào.

Tại Quyết định số 08 ngày 10-01-2000 Toà án nhân dân huyện Long Khánh chuyển hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân tỉnh Đồng Nai giải quyết, do các con bà Sang đang định cư ở nước ngoài.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 21/DSST ngày 21-05-2001, Toà án nhân dân tỉnh Đồng Nai quyết định:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Huỳnh Thị Sang đối với bà Lê Thị Hà về việc đòi quyền sở hữu vườn cây ăn trái.

Buộc bà Lê Thị Hà phải có trách nhiệm thanh toán cho bà Huỳnh Thị Sang giá trị đất và giá trị cây trên diện tích 22. 103m2 đất là 290.462.000 đồng (trong đó giá trị cây là 69.432.000 đồng, giá trị đất là 221.030.000 đồng). Bà Lê Thị Hà được sở hữu vườn cây ăn trái và được quản lý, sử dụng diện tích đất 22.103m2 ( thửa số 519 tờ bản đồ số 13) toạ lạc tại ấp Cẩm Tân, xã Xuân Tân, huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.

Tiếp tục kê biên diện tích đất 28.103m2 (theo quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 11 ngày 4-7-1996 của Toà án nhân dân huyện Long  Khánh) trên đất có cây ăn trái (số lượng như định giá ngày 11-12-2000) để đảm bảo thi hành án.

Ghi nhận sự tự nguyện của bà Huỳnh Thị Sang cho ông Nguyễn Thế Tài được quyền sử dụng diện tích đất có căn nhà ông Tài toạ lạc là 100m2 (ngang 8m dài 12,5m) nằm trong thửa số 519 bà Hà đang quản lý.

Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của bà Huỳnh Thị Sang về việc Kiện đòi đất vườn bị chiếm đoạt.

Huỷ một phần quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 11 ngày 04-07- 1996 của Toà án nhân dân huyện Long Khánh đối với các diện tích đất gồm: Huỳnh Thị Kim Loan 2.587m2 thửa 596; Trần Thị Thơm 4.800m2 thửa 887; Võ Thành Hưng 3.202 m2 thửa 594; Lê Thị Tuyết 2.229m2 thửa số 595; Trần Ngọc Mỹ 7.485m2 thửa số 412; Đậu Khắc Châu 5.771m2 thửa 417; Huỳnh Thị Chơi 3.452m2 thửa số 593; Trần Thị Phụng 3.141m2 thửa 522; Nguyễn Khắc Suốt 240m2 thửa 591; Vũ Hồng Bàn 6.976m2 thửa số 523; Hoàng Văn Hội (mua của Lê Văn Tấn) 2.822m2 thửa số 416 và 216m2 thửa 415; Nguyễn Kim Châu mua của Nguyễn Văn Minh 4.002m2 thửa 415; Đậu Khắc Sinh 2.650m2 thửa 414. Những người đang quản lý các diện tích đất trên có trách nhiệm liên hệ với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để kê khai đăng ký quyền sử dụng đất.

Bà Lê Thị Hà phải nộp 2.000.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Hoàn trả cho bà Huỳnh Thị Sang 200.000 đồng dự phí án phí”.

 Ngày 23-05-2001, bà Lê Thị Hà kháng cáo yêu cầu  định giá lại cây trồng, trên đất có nhiều người ở, Toà án tách ra giải quyết riêng là thiệt thòi quyền lợi cho bà.

Ngày 24-05-2001, bà Huỳnh Thị Sang kháng cáo; ngày 28-03-2002 bà Sang có đơn bổ sung kháng cáo yêu cầu bà Hà phải thanh toán giá trị 28.103m2 đất theo Quyết định số 2963/QĐ-UBT ngày 16-08-2001 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, giá trị cây trồng trên đất theo biên bản kiểm kê định giá ngày 10-07-1996 của Toà án nhân dân huyện Long Khánh, không đồng ý cho bà Hà 6 sào đất trong diện tích 28.103m2.

Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 227/DSPT ngày 05-09-2002, Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Huỳnh Thị Sang đối với bà Lê Thị Hà về việc tranh chấp quyền sở hữu vườn cây ăn trái, bác toàn bộ yêu cầu kháng cáo của bà Lê Thị Hà. Sửa một phần Bản án dân sự sơ thẩm số 21/ DSST ngày 21-05-2001 của Toà án nhân dân tỉnh Đồng Nai.

Buộc bà Lê Thị Hà phải có trách nhiệm thanh toán cho bà Huỳnh Thị Sang giá trị đất và giá trị cây trên diện tích 28.103m2 đất là 950.987.900 đồng (trong đó giá trị cây là 408.600.000 đồng, giá trị đất là 542.387.900 đồng). Bà Lê Thị Hà được sở hữu vườn cây ăn trái và được quản lý, sử dụng diện tích đất 28.103m2 (thửa số 519, tờ bản đồ số 13) toạ lạc tại ấp Cẩm Tân, xã Xuân Tân, huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.

Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không có kháng nghị có hiệu lực pháp luật.

Bà Lê Thị Hà phải nộp 50.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm, được trừ tạm ứng án phí kháng cáo đã nộp. Bà Huỳnh Thị Sang không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm, hoàn lại cho bà Huỳnh Thị Sang tiền tạm ứng án phí kháng cáo đã nộp,

Sau khi xét xử phúc thẩm, bà Lê Thị Hà có đơn khiếu nại vẫn cho rằng vợ chồng bà cùng với bà Huỳnh Thị Sang mua đất và trồng cây. Toà án cấp phúc thẩm chưa điều tra tuổi thọ của từng loại cây để phân loại cây nào do gia đình bà trồng, buộc bà thanh toán cho bà Sang giá trị đất và cây trồng với số tiền 950.987.500 đồng là quá oan ức.

Tại Quyết định kháng nghị số 37/KN-VKSTC-V5 ngày 29-04-2003, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao huỷ Bản án dân sự sơ thẩm số 21/DSST ngày 21-05-2001 của Toà án nhân dân tỉnh Đồng Nai, Bản án dân sự phúc thẩm số 227/DSPT ngày 05-09-2002 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh, giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân tỉnh Đồng Nai để điều tra, xác minh xét xử sơ thẩm lại vụ án.

XéT THấY:

Theo đơn khởi kiện và một số lời khai ban đầu, bà Huỳnh Thị Sang yêu cầu bà Lê Thị Hà và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trả vườn cây ăn trái gắn liền quyền sử dụng đất cho bà Huỳnh Thị Sang, nhưng đến ngày 22-12-2000 bà Huỳnh Thị Sang rút yêu cầu khởi kiện đối với những ông bà sau: bà Huỳnh Thị Kim Loan, bà Trần Thị Thơm, ông Võ Thành Hưng, bà Lê Thị Tuyết, ông Trần Ngọc Mỹ, ông Đậu Khắc Châu, bà Huỳnh Thị Chơi, bà Trần Thị Phụng, ông Nguyễn Khắc Suốt, ông Vũ Hồng Bàn, ông Hoàng Văn Hội, ông Nguyễn Kim Châu, ông Đậu Khắc Sinh nên Toà án cấp sơ thẩm đã đình chỉ giải quyết, đồng thời ghi rõ những người quản lý các diện tích đất trên có trách nhiệm liên hệ với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để kê khai đăng ký quyền sử dụng đất. Đối với phần diện tích 100m2 trên có căn nhà ông Tài sử dụng, bà Sang đã cho ông Tài và Bản án dân sự sơ thẩm số 21/DSST ngày 21-05-2001 Toà án nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ghi nhận sự tự nguyện đó. Sau khi xử sơ thẩm, các đương sự không kháng cáo, Viện Kiểm sát không kháng nghị nên các phần này đã có hiệu lực pháp luật.

Đối với vườn cây ăn trái có diện tích 28.103m2 đất thuộc thửa 519, tờ bản đồ số 13 tại ấp Cẩm Tân, xã Xuân Tân, huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai (là một phần trong tổng số diện tích 6,87 mẫu) bà Huỳnh Thị Sang vẫn giữ yêu cầu khởi kiện đề nghị Toà án buộc bà Hà phải trả cho bà Sang diện tích đất nêu trên. Xét thấy diện tích đất trên là do bà Sang mua. Sau khi mua đất, bà Huỳnh Thị Sang đã trồng cây cà phê, cây chôm chôm, cây sầu riêng. Năm 1975, bà Huỳnh Thị Sang giao cho vợ chồng ông Huỳnh Kim Toàn và bà Lê Thị Hà quản lý chăm sóc vườn cây, sản phẩm thu được hàng năm sau khi trừ chi phí đầu tư cho sản xuất, còn lại nộp cho bà Sang. Bà Lê Thị Hà cho rằng ông Huỳnh Kim Toàn cùng hùn vốn mua chung diện tích đất nêu trên với bà Huỳnh Thị Sang, nhưng bà Lê Thị Hà không có chứng cứ để chứng minh. Trong khi đó, lời khai của bà Lê Thị Hà ngày 10-01-1995, ngày 02-08-1996 và ngày 24-06-1996 bà Lê Thị Hà thừa nhận vợ chồng bà Lê Thị Hà làm công cho bà Huỳnh Thị Sang từ năm 1965, năm 1975 bà Huỳnh Thị Sang giao cho vợ chồng bà Lê Thị Hà, quản lý, chăm sóc vườn cây. Tuy nhiên, từ sau ngày miền Nam giải phóng đến nay, diện tích vườn nói trên có đưa vào Tập đoàn sản xuất, Hợp tác xã hay bị Nhà nước trưng thu, trưng dụng, trưng mua hay không? chưa được điều tra làm rõ. Nếu có căn cứ diện tích đất vườn nói trên thuộc về bà Sang thì cũng phải làm rõ công sức của bà Hà trong việc bồi bổ đất đến đâu, xác định rõ giá trị phần đất thổ cư và phần đất nông nghiệp. Mặt khác, căn cứ vào giấy ”cho đất cất nhà”, ngày 01-01-1981 thì bà Huỳnh Thị Sang cho gia đình bà Lê Thị Hà diện tích đất khoảng 6 sào có hình tam giác, hai bên đầu sông, chạy dọc theo đường đi… Theo bản đồ phân sổ đất địa bộ số 17 lập ngày 26-04-1957 thì lô đất của bà Huỳnh Thị Sang ngoài phần trồng cây cao su phía trong đã giao cho Nhà nước quản lý, còn phía ngoài có hai cạnh giáp Quốc lộ 1 tạo thành góc nhọn. Theo sơ đồ hiện trạng khu đất do Phòng Địa chính huyện Long Khánh lập năm 1996, thì hình thể khu đất đã thay đổi do Nhà nước đã thu hồi đất làm đường Quốc lộ 1 chạy cắt qua 2 cạnh nói trên.Vậy vị trí đất do Nhà nước thu hồi để mở đường trên lô đất của bà Huỳnh Thị Sang có phải là vị trí mảnh đất hình tam giác được nêu trong giấy cho đất ngày 01-01-1981 hay không? Trong trường hợp vị trí 6 sào đất nói trên không phải ở vị trí đất do Nhà nước thu hồi thì diện tích đất này ở vị trí nào? Ai đang quản lý, sử dụng? đồng thời, cần làm rõ sự chênh lệch số cây giữa biên bản định giá ngày 10-07-1996 và biên bản định giá ngày 11-12-2000 là do gia đình bà Lê Thị Hà đốn chặt hay còn lý do nào khác? .

Vì lẽ trên, căn cứ khoản 4 Điều 77 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự,

QUyếT ĐịNH:

Huỷ một phần Bản án dân sự phúc thẩm số 227/DSPT ngày 05-09-2002 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh, một phần Bản án dân sự sơ thẩm số 21/DSST ngày 21-05-2001 của Toà án nhân dân tỉnh Đồng Nai đã xử về vụ án đòi 28.103m2 đất vườn cây có nguyên đơn là bà Huỳnh Thị Sang và bị đơn là bà Lê Thị Hà và phần án phí có liên quan đến phần này. Giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân tỉnh Đồng Nai xét xử sơ thẩm theo đúng quy định của pháp luật.


Lý do các Bản án sơ thẩm, phúc thẩm bị huỷ một phần :

 Điều tra chưa rõ ràng về diện tích đất vườn của nguyên đơn.


Quyết định số 32/2003/HĐTP-DS ngày 04-11-2003
Về vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán nhà ở


Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao

………………

Tại phiên toà ngày 04-11-2003 xét xử giám đốc thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán nhà ở giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Nguyễn Văn Phong, 51 tuổi; trú tại xóm 9, xã Lĩnh Nam, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội,

Uỷ quyền cho vợ là bà Nguyễn Thị Đào tham gia tố tụng;

- Bị đơn: 1. Ông Dương Văn Quang, 51 tuổi

               2. Ông Dương Văn Sâm, 41 tuổi;

Cùng trú tại thôn Tân Khai, xã Vĩnh Tuy, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Vương Thị Chất, 37 tuổi;

2. Bà Lê Thị Minh, 46 tuổi;

3. Ông Dương Văn Chiến, 54 tuổi;

4. Bà Dương Thị Khởi, 59 tuổi;

5. Bà Dương Thị Hà (tức Lành), 63 tuổi;

Cùng trú tại thôn Tân Khai, xã Vĩnh Tuy, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.

Nhận thấy:

Vợ chồng cụ Dương Văn Đạo và Dương Thị Mùi sinh được 5 người con là  các ông bà Dương Thị Lành (Hà), Dương Thị Khởi, Dương Văn Chiến, Dương Văn Quang và Dương Văn Sâm. Sinh thời, vợ chồng cụ Đạo tạo lập được 3 khối tài sản và đã giao cho 3 người con trai quản lý sử dụng: Ông Quang sử dụng ngôi nhà cấp 4 trên diện tích hơn 500m2 đất, ông Chiến sử dụng ngôi nhà ngói 5 gian trên diện tích hơn 500m2 đất, ông Sâm sử dụng ngôi nhà mái bằng trên diện tích hơn 300m2 đất.

Năm 1990 cụ Đạo chết không để lại di chúc và cụ Đạo, cụ Mùi cũng chưa làm văn bản tách chia nhà đất cho các con. Cụ Mùi có hộ khẩu và sống chung cùng vợ chồng ông Quang.

Ngày 13-05-1991, ông Dương Văn Sâm ký hợp đồng bán cho ông Nguyễn Văn Phong ngôi nhà cấp 4 trên diện tích 237,9m2 đất (9,15 x 26m) với giá 6.000.000 đồng, nhưng giá mua bán thực tế là 41.500.000 đồng tương đương với 5.000 USD. Diện tích nhà đất đem bán là một phần nhà đất cụ Mùi và vợ chồng ông Quang đang ở. Hợp đồng mua bán có chữ ký làm chứng của cụ Mùi, ông Quang, ông Nguyễn Văn Mạnh và được Uỷ ban nhân dân xã Vĩnh Tuy xác nhận cùng ngày lập hợp đồng mua bán nhà đất. Ngày 14-05-1991 ông Phong đã giao đủ cho vợ chồng ông Sâm số tiền 5.000 USD. Sau khi vợ chồng ông Sâm nhận tiền đã giao ngay cho ông Phong theo ý kiến của cụ Mùi. Ông Quang, cụ Mùi đã giao nhà và đất cho ông Phong. Sau đó, vợ chồng ông Quang hỏi mượn lại nhà đất đã bán cho ông Phong để sử dụng nhờ làm chỗ đậu xe ô tô và vật liệu xây dựng. Tháng 04-1993 ông Phong đã kê khai đăng ký quyền sử dụng đất và đã được Hội đồng đăng ký ruộng đất xã Vĩnh Tuy xác nhận. Năm 2000 vợ chồng ông Quang đã tự ý tháo dỡ nhà đã bán cho ông Phong để dọn sang ở tại đây. Ông Phong có đơn gửi Uỷ ban nhân dân đề nghị giải quyết. Uỷ ban nhân dân xã Vĩnh Tuy đã lập biên bản đình chỉ việc xây dựng của ông Quang và hoà giải việc ông Phong đòi ông Quang trả nhà đất nhưng không thành.

Ông Nguyễn Văn Phong khởi kiện yêu cầu vợ chồng ông Quang phải có trách nhiệm giao trả nhà đất mượn của ông mà ông đã mua.

Theo lời khai của ông Dương Văn Quang thì nhà đất ông bán cho ông Phong là của cha mẹ tạm giao cho ông được sử dụng. Do hoàn cảnh ông có 2 vợ nên mẹ ông là cụ Mùi, đã bàn với ông và ông Sâm bán một phần đất ông đang sử dụng để cho ông tiền mua nhà đất khác cho vợ hai của ông. Ngày 13-05-1991 mẹ ông là cụ Mùi, ông và ông Sâm đã ký giấy bán 1 căn nhà cấp 4 trên diện tích 237,9m2 đất cho ông Phong. Giấy mua bán do vợ chồng ông Sâm đứng tên bán, số tiền 5.000 USD do ông nhận và sử dụng. Ông đã giao nhà đất cho ông Phong. Do hoàn cảnh, ông có mượn nhà của ông Phong để ở, ông có thiện chí trả nhà cho ông Phong nhưng vì vợ ông không đồng ý việc bán nhà nên ông nhận thấy việc ông bán nhà là sai, ông Quang yêu cầu huỷ bỏ hợp đồng và xin trả lại tiền và thanh toán thêm cho ông Phong 50.000.000 đồng.

Tại Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm lần 2, ông Quang lại khai là do ông vay của ông Trương Anh Văn 5.000 USD nên ông phải nhờ ông Sâm viết giấy bán hộ nhà đất cho ông Văn nhưng ghi tên ông Phong, việc bán nhà đất chỉ có ông và ông Sâm biết, mẹ và các anh chị em ông không biết. Nay ông thấy đây là tài sản thừa kế của bố mẹ để lại chưa chia, nên ông xin huỷ việc mua bán nhà đất với ông Phong.

Theo lời khai của vợ chồng ông Dương Văn Sâm, Vương Thị Chất thì năm 1991 ông Quang có nhờ vợ chồng ông đứng tên giấy bán nhà đất của ông Quang cho ông Phong, khi bán nhà đất có sự đồng ý của cụ Mùi và do cụ Mùi quyết định việc bán đất cũng như việc cho ai tiền sử dụng. Khi ông Phong trả tiền thì vợ chồng ông nhận và đưa ngay cho ông Quang có sự chứng kiến của cụ Mùi. Do mẹ ông không biết chữ nên chữ ký của cụ Mùi trong giấy bán nhà đất là ông Quang ký.

Tại Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm lần 2 thì ông Sâm lại cho rằng ông không biết việc mua bán nhà đất giữa ông Quang và ông Phong như thế nào, nhưng ông Quang có đem giấy sang nhà ông, nhờ vợ chồng ông ký thì vợ chồng ông ký. Cụ Mùi không biết việc mua bán cũng như chứng kiến việc mua bán. Chữ ký tên cụ Mùi trong giấy mua bán là bà Chất vợ ông ký.

Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Dương Văn Chiến, bà Dương Thị Hà (Lành), bà Dương Thị Khởi cho rằng nhà đất của cha mẹ tạo lập, khi cụ Mùi, ông Quang, ông Sâm bán nhà đất của ông, bà không rõ sau này các ông bà có biết nhưng không dám hỏi sợ mất lòng anh em, vì lúc này mẹ là cụ Mùi còn rất minh mẫn và có quyền quyết định tất cả. Việc mua bán này cả làng ai cũng biết. Các ông bà không có yêu cầu gì và xin không tham gia việc kiện.

Tại Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm lần 2, ông Chiến, bà Hà, bà Khởi lại cho rằng các ông bà không biết gì về việc ông Quang, ông Sâm bán nhà đất. Lúc này cụ Mùi đã bị lẫn, không biết gì. Đây là di sản thừa kế của anh chị em nên đề nghị huỷ hợp đồng mua bán nhà đất giữa ông Quang, ông Sâm với ông Phong để các ông bà chia thừa kế.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 37/DSST ngày 27-12-2000, Toà án nhân dân huyện Thanh Trì đã quyết định:

- Chấp nhận yêu cầu đòi quyền sử dụng, sở hữu nhà đất của ông Nguyễn Văn Phong.

- Xác nhận giấy biên nhận bán nhà đất được xác lập giữa ông Nguyễn Văn Phong với cụ Dương Thị Mùi, ông Dương Văn Quang, ông Dương Văn Sâm, bà Vương Thị Chất ghi ngày 13-05-1991 có hiệu lực pháp luật.

- Buộc ông Dương Văn Quang và bà Lê Thị Minh phải ra khỏi nhà, đất đang ở hiện nay và mang theo toàn bộ đồ dùng sinh hoạt của mình.

- Giao ông Nguyễn Văn Phong sở hữu, sử dụng một ngôi nhà cấp 4 diện tích 45,5m2 có nhà tạm trước và sau ngôi nhà, 1 bức tường xây gạch ba banh và công trình phụ.

Mốc giới nhà đất được tính như sau:

Chiều rộng mặt đường Vĩnh Tuy, Lĩnh Nam (nằm trên địa phận thôn Tân Khai) là 9,15m, chiều dài kéo hết chiều dài thửa đất có cạnh giáp ngõ nhà ông Mạnh (tường có gạch ba banh) là 26m; cạnh còn lại giáp phần nhà đất của ông Quang, bà Minh. Tổng diện tích đất là 237m2 nằm trong thửa đất số 112, tờ bản đồ số 03, diện tích 552m2 mang tên ông Dương Văn Quang ở đội 5 Tân Khai, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Hà Nội.

- Buộc ông Nguyễn Văn Phong phải thanh toán cho ông Quang, bà Minh 1/2 công sức bỏ ra tu sửa vào nhà đất là 8.347.000đ.

- Buộc ông Nguyễn Văn Phong và ông Dương Văn Quang phải làm thủ tục chuyển nhượng quyền sở hữu nhà đất theo đúng quy định của pháp luật.

- Bác toàn bộ các yêu cầu khác của tất cả các bên đương sự.

- Về án phí: Ông Phong phải chịu 400.000đ án phí dân sự bồi thường (đã nộp tại biên lai thu số 0486 ngày 15-08-2000) hoàn trả ông Phong 100.000 đồng; ông Quang và bà Minh liên đới chịu 11.520.000 đồng án phí theo giá ngạch để sung công quỹ Nhà nước đối với yêu cầu không được chấp nhận.

Ngày 28-12-2000 bà Minh và ông Quang có đơn kháng cáo xin huỷ hợp đồng mua bán nhà đất và xin trả lại 5.000 USD cho ông Phong.

Tại Kháng nghị số 01/QĐDS ngày 10-01-2001, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thanh Trì đã kháng nghị bản án dân sự sơ thẩm nêu trên.

Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 41/DSPT ngày 19-03-2001 Toà án nhân dân thành phố Hà Nội quyết định sửa án sơ thẩm, xử như sau:

- Hợp đồng mua bán nhà đất tại đội 5 Tân Khai, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Hà Nội được lập ngày 13-05-1991 giữa bên bán ông Dương Văn Sâm và bên mua ông Nguyễn Văn Phong là vô hiệu.

- Buộc ông Nguyễn Văn Phong phải trả lại cho ông Dương Văn Quang và bà Lê Thị Minh 237,9m2, trên có nhà cấp 4, diện tích 45m2, có 1 bức tường xây gạch ba banh và công trình phụ, phần đất này sát đất nhà ông Mạnh có chiều rộng 9,15m, chiều dài hết đất 26m tại thôn Tân Khai, xã Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Hà Nội, để ông Quang và bà Minh quản lý sử dụng như cũ.

- Ghi nhận việc tự giải quyết nhà, đất thừa kế giữa các ông, bà Dương Văn Chiến, Dương Văn Sâm, Dương Thị Khởi, Dương Thị Hà (tức Lành) và Dương Văn Quang được hưởng thừa kế của cụ Dương Văn Đạo và cụ Dương Thị Mùi.

Buộc ông Dương Văn Quang và bà Lê Thị Minh phải hoàn trả ông Nguyễn Văn Phong 5.000USD.

- án phí dân sự sơ thẩm ông Phong phải nộp 3.625.000đ, được trừ 500.000 đồng dự phí đã nộp tại biên lai số 000456 ngày 15-08-2000, còn phải nộp 3.125.000 đồng. Ông Quang, bà Minh không phải chịu án phí phúc thẩm.

Kể từ ngày đương sự có đơn xin thi hành án, nếu không nộp thì hàng tháng phải chịu lãi chậm trả do Ngân hàng Nhà nước quy định, tương ứng với thời gian thi hành án. Lãi hàng tháng chậm trả được quy đổi từ 5.000 USD ra tiền Việt Nam để tính theo mức lãi chậm trả ghi trên.

Sau khi xét xử phúc thẩm, ông Phong có đơn khiếu nại đề nghị công nhận việc mua bán nhà trên thực tế, cho phép gia đình ông hoàn tất thủ tục mua bán nhà.

Tại Quyết định số 124/KN-DS ngày 29-06-2001 Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã kháng nghị Bản án dân sự phúc thẩm nêu trên theo hướng giữ nguyên quyết định của Bản án dân sự sơ thẩm.

Tại Quyết định giám đốc thẩm số 292/GĐT- DS ngày 21-11-2001, Toà án nhân dân tối cao đã huỷ Bản án dân sự sơ thẩm số 37/DSST ngày 27-12-2000 của Toà án nhân dân huyện Thanh Trì và Bản án dân sự phúc thẩm số 41/DSPT ngày 19-03-2001 của Toà án nhân dân  thành phố Hà Nội. Giao hồ sơ vụ án về Toà án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử theo thủ tục sơ thẩm để đưa ông Chiến, bà Khởi, bà Hà vào tham gia tố tụng và xác định ông Sâm tham gia tố tụng với tư cách là bị đơn.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 18/DSST ngày 21-05-2002, Toà án nhân dân  thành phố Hà Nội đã quyết định:

- Xác định hợp đồng mua bán nhà đất tại đội 5 Tân Khai, xã Vĩnh Tuy, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội được lập ngày 13-05-1991 giữa bên bán ông Dương Văn Sâm và bên mua ông Nguyễn Văn Phong vô hiệu.

- Buộc ông Nguyễn Văn Phong phải trả lại cho ông Dương Văn Quang 237,9m2 đất trên có nhà cấp 4, có chiều rộng 9,15m và chiều dài hết đất 26m tại thôn Tân Khai, xã Vĩnh Tuy, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội để ông Quang quản lý, sử dụng.

- Buộc ông Quang phải thanh toán hoàn trả ông Phong số tiền đã nhận 5.000 USD quy ra bằng 76.000.000đ và số tiền phải bồi thường thiệt hại cho ông Phong là 378.325.000đ. Cộng hai khoản ông Quang phải thanh toán cho ông Phong số tiền 454.325.000đ.

Về án phí:

+ Ông Phong phải chịu 14.410.000đ án phí dân sự sơ thẩm. Đã nộp 500.000đ tiền tạm ứng án phí tại biên lai số 000456 ngày 15-08-2000, còn phải nộp tiếp 13.910.000đ.

+ Ông Quang phải chịu 8.345.000đ án phí dân sự sơ thẩm và được hoàn lại 50.000 đ tiền dự phí kháng cáo đã nộp tại biên lai số 000445 ngày 28-12-2000.

Ngoài ra, Toà án còn quyết định bên chậm thi hành án phải chịu lãi theo lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định và tuyên quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 27-05-2002, ông Nguyễn Văn Phong có đơn kháng cáo không đồng ý với quyết định của Bản án dân sự sơ thẩm.

Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 179/DSPT ngày 14-10-2002 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội, đã quyết định:

- Bác kháng cáo của ông Nguyễn Văn Phong.

Giữ nguyên Bản án sơ thẩm như sau:

1. Xác định hợp đồng mua bán nhà đất tại Đội 5, thôn Tân Khai, xã Vĩnh Tuy, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội được lập ngày 13-05-1991 giữa bên bán- ông Dương Văn Sâm và bên mua- ông Nguyễn Văn Phong là vô hiệu.

- Buộc ông Nguyễn Văn Phong phải trả lại ông Dương Văn Quang một nhà cấp bốn trên thửa đất có diện tích 237,9m2 (chiều rộng 9,15m ´ chiều dài hết đất 26m) tại thôn Tân Khai, xã Vĩnh Tuy, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.

- Buộc ông Dương Văn Quang phải hoàn trả ông Nguyễn Văn Phong số tiền 5.000 USD quy ra tiền Ngân hàng Việt Nam là 76.000.000đ và phải bồi thường thiệt hại cho ông Phong là 378.325.000đ. Cộng hai khoản, ông Quang phải thanh toán trả cho ông Phong tổng số tiền là 454.325.000đ.

2. Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật.

- Ông Phong phải nộp 50.000đ án phí phúc thẩm dân sự.

Ông Quang, ông Sâm và những người có quyền lợi liên quan không phải chịu án phí phúc thẩm dân sự.

Ông Nguyễn Văn Phong có đơn khiếu nại bản án dân sự phúc thẩm nêu trên.

Tại Quyết định số 41/KN- KSTC ngày 07-05-2003 Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã kháng nghị Bản án dân sự phúc thẩm trên, nhận định:

Tài sản chung của cụ Đạo, cụ Mùi gồm khoảng 1.300m2 đất, trên đất có nhà cấp 4. Khi còn sống, cụ Đạo, cụ Mùi tạm giao cho các con sử dụng. Sau khi cụ Đạo chết, cụ Mùi cùng vợ chồng ông Quang quản lý, sử dụng khoảng 500m2 đất có nhà cấp 4 là tài sản của vợ chồng cụ Đạo, cụ Mùi. Việc mua bán nhà đất giữa ông Quang với ông Phong do ông Sâm đứng tên trên giấy tờ trong việc mua bán, nhận tiền cũng như ra Uỷ ban nhân dân xã Vĩnh Tuy đều có sự chứng kiến của cụ Mùi, khi đó cụ Mùi hoàn toàn khoẻ mạnh và minh mẫn. Khi ông Phong thanh toán tiền, cụ Mùi là người quyết định cho ông Quang toàn bộ số tiền bán nhà để mua nhà ở khác cho vợ hai của ông Quang. Điều đó được thể hiện tại các lời khai của ông Quang, ông Sâm, bà Chất do Toà án nhân dân huyện Thanh Trì lập (Biên bản ghi lời khai các ngày 10-10-2000; Biên bản ngày 03-11-2000; Biên bản ngày 21-11-2000…).

Tại Biên bản ghi lời khai ngày 01-12-2000, ông Nguyễn Thế Mạnh là người làm chứng trong việc mua bán nhà đất giữa ông Phong và ông Quang xác nhận: "Tôi là hàng xóm ở gần và còn là người trong họ, khi bán nhà đất cho anh Phong tôi sang làm chứng, tôi tận mắt chứng kiến và ký vào văn bản bán nhà đất của anh Quang (ghi tên anh Sâm) thời gian này bà Mùi đang ở với anh Quang và chứng kiến rõ việc mua bán nhà đất này. Đây là tài sản của ông Đạo, bà Mùi". Ông Nguyễn Văn Kha, nguyên là Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tuy thời kỳ đó đã ký giấy xác nhận việc mua bán, có lời khai tại biên bản ngày 25-10-2000 như sau: "Tôi là người trong họ với anh Quang, anh Sâm, tài sản mua bán giữa anh Quang, anh Phong do anh Sâm đứng tên trong giấy là tài sản của ông Đạo, bà Mùi tạo dựng được, chưa có văn bản giấy tờ cho các con. Chính vì vậy khi bà Mùi, anh Quang, anh Sâm và chị Chất đến gặp tôi có cả người mua là anh Phong thì tôi mới ký giấy xác nhận mua bán và đóng dấu. Việc mua bán này là gia đình đứng lên bán mà bà Mùi là người quyết định".

Như vậy, việc mua bán trên thể hiện đầy đủ ý chí của cụ Mùi, ông Quang, ông Sâm, tài sản mua bán là tài sản của cụ Mùi, cụ Đạo. Khi cụ Đạo chết, cụ Mùi được toàn quyền định đoạt 1/2 tài sản của vợ chồng. Việc cụ Mùi thể hiện ý chí đồng ý cho ông Quang, ông Sâm bán 237,9m2 đất có nhà cấp 4 cho ông Phong không vượt quá phần tài sản thuộc quyền định đoạt của cụ, không ảnh hưởng đến các thừa kế khác của cụ Đạo.

Việc giao dịch mua bán nhà đất trên có xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã Vĩnh Tuy, hai bên mua bán đã nhận đủ tiền và giao nhà, giao dịch được xác lập trước ngày 01-07-1991 phải được điều chỉnh theo quy định của Nghị quyết số 58 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Vì vậy, Bản án sơ thẩm số 37 ngày 27-12-2000 của Toà án nhân dân huyện Thanh Trì buộc gia đình ông Quang phải giao lại nhà đất cho ông Phong và hai bên phải hoàn tất thủ tục mua bán theo quy định của pháp luật là có cơ sở.

Bản án phúc thẩm số 179 ngày 14-10-2002 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội xử huỷ hợp đồng mua bán nhà đất giữa ông Sâm với ông Phong vì vô hiệu, buộc ông Quang phải thanh toán lại tiền và bồi thường thiệt hại cho ông Phong (tính 1/2 lỗi) là chưa đảm bảo quyền lợi cho ông Phong.

Mặt khác, biên bản định giá tài sản đang tranh chấp là ngày 31-10-2000, nhưng khi xét xử sơ, phúc thẩm (lần 2) là năm 2002, Toà án không tiến hành định giá lại tài sản mà vẫn áp dụng biên bản định giá của năm 2000 để giải quyết việc bồi thường là không đúng với hướng dẫn tại Công văn số 92 ngày 21-07-2000 của Toà án nhân dân tối cao.

Đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm, công nhận hợp đồng mua bán nhà đất giữa cụ Mùi, ông Quang, ông Sâm với ông Phong.

Xét thấy:

Tuy hợp đồng mua bán ngôi nhà cấp 4 trên diện tích 237,9m2 đất (9,15 ´ 26m) tại thôn Tân Khai, xã Vĩnh Tuy, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội lập ngày 13-05-1991 giữa bên bán là ông Dương Văn Sâm, bên mua là ông Nguyễn Văn Phong, nhưng trong hợp đồng có chữ ký làm chứng của cụ Mùi, ông Quang, bà Chất (vợ ông Sâm) và ông Nguyễn Văn Mạnh. Diện tích nhà đất ông Sâm bán cho ông Phong là một phần nhà đất do cụ Mùi và vợ chồng ông Quang đang sử dụng. Hợp đồng đã được Uỷ ban nhân dân xã Vĩnh Tuy xác nhận cùng ngày lập hợp đồng mua bán nhà đất. Theo các lời khai của ông Quang, ông Sâm, bà Chất, và những người làm chứng thì có căn cứ xác định cụ Mùi, ông Quang và ông Sâm bán nhà đất này cho ông Phong. Việc bán nhà đất là do cụ Mùi quyết định, tiền bán nhà đất cụ Mùi cho ông Quang sử dụng để giải quyết khó khăn cho ông Quang, ông Sâm đứng tên trong hợp đồng mua bán chỉ là hình thức. Các bên mua bán đã thực hiện quyền và nghĩa vụ, bên mua đã trả đủ tiền, bên bán đã giao nhà đất và nhận tiền. Tháng 04-1993 ông Phong đã kê khai đăng ký quyền sử dụng đất và đã được Hội đồng đăng ký ruộng đất xã Vĩnh Tuy xác nhận.

Tuy nhiên, do nhà, đất mà ông Sâm bán cho ông Phong là một phần tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng cụ Đạo, cụ Mùi. Cụ Đạo chết năm 1990 không để lại di chúc, nên tài sản này là một phần di sản thừa kế của cụ Đạo chưa chia. Theo các lời khai của bà Dương Thị Hà (tức Lành), Dương Thị Khởi và ông Dương Văn Chiến thì tại thời điểm cụ Mùi cùng ông Quang, ông Sâm bán nhà, đất các ông bà này có biết, nhưng vì lý do tình cảm gia đình nên các ông bà này không có ý kiến gì. Việc không có ý kiến của các ông, bà này chưa có cơ sở để xác định các ông, bà này đồng ý hay không đồng ý với việc mua bán.

Vì vậy, xét thấy cần phải huỷ Bản án dân sự phúc thẩm số 179/DSPT ngày 14-10-1992 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội để xét xử phúc thẩm lại theo hướng tại thời điểm cụ Mùi, ông Quang và ông Sâm bán nhà, đất cho ông Phong thì bà Dương Thị Hà (tức Lành), Dương Thị Khởi và ông Dương Văn Chiến đồng ý hay không đồng ý với việc cụ Mùi, ông Quang và ông Sâm bán nhà, đất cho ông Phong. Nếu có cơ sở xác định những người này đồng ý với việc mua bán, nhưng do khó khăn khách quan nên không thể hiện bằng văn bản thì công nhận hợp đồng, nếu không đồng ý thì tuyên bố hợp đồng mua bán nhà, đất bị vô hiệu và giải quyết hậu quả của hợp đồng mua bán nhà đất vô hiệu theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP ngày 16-04-2003 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao về việc "Hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong việc giải quyết một số tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình". Định giá lại nhà, đất và xác định lỗi làm cho hợp đồng mua bán nhà, đất bị vô hiệu chủ yếu là do bên bán.

Bởi các lẽ trên và căn cứ vào khoản 4 Điều 77 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự,

Quyết định:

Huỷ Bản án dân sự phúc thẩm số 179/DSPT ngày 14-10-2002 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội đối với vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán nhà, đất giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Phong với bị đơn là ông Dương Văn Quang và ông Dương Văn Sâm; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Dương Thị Hà (tức Lành), Dương Thị Khởi, ông Dương Văn Chiến, bà Vương Thị Chất và bà Lê Thị Minh.

Giao hồ sơ vụ án cho Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội xét xử lại phúc thẩm theo đúng quy định của pháp luật.


Lý do huỷ Bản án phúc thẩm:

Chưa có cơ sở xác định những người thừa kế khác đồng ý bán nhà, đất.


Quyết định số 33/2003/HĐTP-DS ngày 05-11-2003
Về vụ án tranh chấp hợp đồng xây dựng


Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao 

……………..

Tại phiên toà ngày 05-11-2003 xét xử giám đốc thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng xây dựng giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Bà Mạc Thị Vinh Phú; trú tại số 3 Trần Khắc Chân, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

- Bị đơn: Công ty Xây dựng và trang trí nội thất X59, có trụ sở tại số 9 Đinh Tiên Hoàng, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, do ông Trần Ngọc Đức đại diện theo uỷ quyền.

Nhận thấy:

Ngày 24-08-1995 bà Mạc Thị Vinh Phú và Công ty Xây dựng và trang trí nội thất X 59 thuộc Bộ Quốc Phòng (gọi tắt là Công ty X59) ký kết hợp đồng xây dựng số 64 với nội dung:

- Bà Mạc Thị Vinh Phú (là bên A) khoán gọn cho Công ty X59 (là bên B) thi công xây dựng căn nhà gồm phòng làm việc và phòng ở, toạ lạc tại số 3 Trần Khắc Chân, quận 1 theo đúng thiết kế do bên B lập được bên  A duyệt.

- Thời gian thực hiện: Khởi công ngày 29-08-1995 hoàn thành ngày 30-04-1996.

- Giá trị hợp đồng: Đơn giá xây dựng là 1.600.000 đồng/m2, diện tích xây dựng là 1.285,75m2, giá trị hợp đồng là 2.057.136.000 đồng.

- Phương thức thanh toán: Thanh toán tiền đồng Việt Nam theo tiến độ thi công được quy định trong hợp đồng.

- Nếu bên A thay đổi thiết kế đã duyệt phải báo trước cho bên B ít nhất 10 ngày. Phần khối lượng phát sinh tăng (giảm) do thay đổi thiết kế sẽ được cộng thêm (trừ bớt) vào giá trị quyết toán công trình. Diện tích xây dựng nếu có phát sinh tăng hoặc giảm theo thiết kế sẽ được quyết toán theo thực tế.

Sau khi ký kết hợp đồng, bên B đã tiến hành thi công và bên A đã ứng nhiều đợt cho bên B số tiền tổng cộng là 924.589.000 đồng.

Ngày 12-07-1996 bà Phú có văn bản cho rằng Công ty X59 thi công không đảm bảo chất lượng, nên yêu cầu Công ty X59 đình chỉ thi công và tiến hành thanh lý hợp đồng, giữ nguyên hiện trạng công trình để cơ quan chức năng thẩm định chất lượng, khối lượng công trình. Ngày 14-08-1996 Công ty X59 có văn bản đồng ý với đề nghị của bà Phú về việc thanh lý hợp đồng đã ký và mời Công ty Kiểm định xây dựng giám định giá trị công trình thực tế đã thi công. Do hai bên không thống nhất được giá trị công trình mà Công ty X59 đã thi công, nên xẩy ra tranh chấp.

Theo kết quả kiểm định số 165/KĐ/TB- KĐ ngày 05-11-1996 của Công ty Kiểm định xây dựng Sài Gòn thuộc Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh thì giá trị khối lượng công trình đã thi công là 1.120.000.000 đồng, khấu trừ phần công trình không đạt chất lượng là 136.149.000 đồng, còn lại 983.851.000 đồng.

Theo kết quả kiểm định số 43/TVKĐ ngày 26-02-1997 của Chi nhánh Công ty Tư vấn công nghệ thiết bị và Kiểm định xây dựng thì giá trị công trình đã thi công là: 1.272.207.096 đồng.

Theo kết quả kiểm định số 58/TT ngày 01-08-1998 của Trung tâm Khoa học công nghệ và kỹ thuật xây dựng thuộc Công ty Tư vấn xây dựng tổng hợp Bộ Xây dựng thì giá trị công trình đã thi công là 1.577.180.000 đồng.

Bà Mạc Thị Vinh Phú cho rằng Công ty X59 thi công không đảm bảo chất lượng, khối lượng và thời gian. Việc sửa đổi thiết kế là do lỗi của Công ty X59 vì bà Phú đã giao toàn bộ thiết kế cho Công ty X59 thì Công ty X59 phải chịu trách nhiệm về pháp lý đối với thiết kế. Bà Phú yêu cầu căn cứ vào kết quả kiểm định công trình của Công ty Kiểm định xây dựng Sài Gòn đã xác định giá trị công trình mà Công ty X59 đã thi công là 1.120.000.000 đồng, sau khi đối trừ các khoản gồm:

- Tiền bà Phú đã ứng trước cho Công ty X59 là 924.020.000 đồng.

- Yêu cầu Công ty X59 bồi thường 760.469.000 đồng gồm các khoản:

+ Thiệt hại do công trình kém chất lượng là 136.000.000 đồng.

+ Phạt vi phạm do trễ hạn hợp đồng là: 74.400.000 đồng.

+ Phạt do công trình kém chất lượng là: 16.320.000 đồng.

+ Lãi suất phát sinh từ ngày 19-07-1996 đến khi xét xử là: 533.749.000 đồng.

Tổng cộng là: 1.684.489.000 đồng.

Như vậy, Công ty X59 còn phải bồi thường cho bà Phú 564.489.000 đồng.

Theo lời khai của ông Trần Ngọc Đức, đại diện cho Công ty X59 thì Công ty X59 không vi phạm hợp đồng, việc kéo dài thời gian thi công là do bà Phú không thực hiện nghĩa vụ ký hợp đồng thiết kế, thay đổi thiết kế liên tục làm tăng khối lượng công trình, không thanh toán tiền thi công theo đúng tiến độ. Công ty X59 yêu cầu bà Phú Thanh toán các khoản gồm:

- Tiền thi công còn thiếu là: 657.000.000 đồng.

- Tiền thay đổi kích thước trục móng sau khi đã thi công xong là 20.000.000 đồng.

- Tiền công đập phá sửa chữa và làm mới cho các hộ dân có tranh chấp là: 10.000.000 đồng.

- Thanh toán vật liệu giá cao là: 15.000.000đồng.

- Tiền lãng phí nhân công là: 20.000.000 đồng.

- Tiền tháo dỡ dàn giáo, thi công sơn nước tường bao là 25.000.000 đồng.

- Chi phí bảo vệ công trường là: 28.728.000 đồng.

- Chi phí cán bộ theo dõi công trường là: 13.500.000 đồng.

- Chi phí thẩm định là: 60.000.000 đồng.

- Chi phí kiểm định của Bộ xây dựng là: 10.000.000 đồng.

- Chi phí giải quyết tranh chấp là: 20.000.000 đồng.

- Phạt vi phạm hợp đồng là 100.000.000 đồng.

- Lãi suất phát sinh là: 535.392.909 đồng.

Tổng cộng là: 1.514.620.909 đồng.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 76/DSST ngày 30-09-1998, Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

1- Chấp nhận một phần yêu cầu của bà Mạc Thị Vinh Phú về việc xử lý lại toàn bộ bề mặt cột bê tông cốt thép lầu 4 và sàn lầu 5 bằng cách dùng phụ gia để trám đầy các mặt rỗ của bề mặt bê tông, tuân thủ nghiêm các thao tác và chỉ định kỹ thuật của từng loại phụ gia. Do quan hệ của hai bên không thể tiếp tục hợp tác trong xây dựng, nên bà Phú được quyền thuê một cơ quan có chức năng xây dựng khác để thực hiện việc xử lý lại như trên và Công ty X59 phải hoàn trả số tiền mà bà Phú phải thanh toán cho Công ty xây dựng này theo chứng từ hoá đơn hợp lệ. Đồng thời, Công ty X59 phải trả phạt vi phạm về chất lượng cho bà Phú là 10% trên số tiền phải trả cho việc xử lý.

Bác yêu cầu của bà Phú đòi Công ty X59 bồi thường số tiền là 760.469.000 đồng.

2- Chấp nhận một phần yêu cầu của Công ty X59 là buộc bà Phú phải thanh toán cho Công ty X59 số tiền thi công chưa trả đủ là 653.160.000 đồng. Bác các yêu cầu còn lại của Công ty X59 đòi bà Phú bồi thường số tiền 861.600.909 đồng.

3- Công ty X59 phải chịu chi phí thẩm định khối lượng do Trung tâm Khoa học công nghệ kỹ thuật xây dựng thẩm định là 60.000.000 đồng.

4- Các bên đương sự có trách nhiệm giữ nguyên hiện trạng công trình số 3 Trần Khắc Chân để đảm bảo thi hành án.

5- án phí dân sự sơ thẩm:

- Bà Mạc Thị Vinh Phú phải nộp là 23.209.380 đồng, bà Phú đã nộp tạm ứng 5.000.000 đồng theo biên lai số 000359 ngày 25-03-1997, nay phải nộp thêm 18.209.380 đồng.

- Công ty X59 phải nộp 25.232.018 đồng, đã nộp tạm ứng theo biên lai số 002669 ngày 21-09-1998, nay Công ty X59 phải nộp thêm 10.974.518 đồng.

Ngày 10-10-1998, Công ty X59 có đơn kháng cáo đề nghị chấp nhận các yêu cầu phản tố của Công ty X59 và yêu cầu được tính lãi khoản tiền bà Phú còn nợ đến ngày xét xử sơ thẩm theo mức lãi xuất quá hạn của Ngân hàng Nhà nước quy định.

Ngày 14-10-1998 bà Mạc Thị Vinh Phú có đơn kháng cáo đề nghị chấp nhận các yêu cầu đòi bồi thường của bà Phú đối với Công ty X59.

Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 09/DSPT ngày 21-01-2000, Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định: Sửa một phần Bản án sơ thẩm như sau:

1- Buộc Công ty X59 phải trả bà Mạc Thị Vinh Phú số tiền xử lý bề mặt bê tông cốt thép còn lại của lầu 4 và sàn lầu 5 và tiền phạt 10% là 14.976.000 đồng.

2- Buộc bà Phú phải thanh toán cho Công ty X59 số tiền thi công là 652.591.000 đồng.

3- Tiền chi phí thẩm định cho Trung tâm Khoa học công nghệ và kỹ thuật xây dựng 60.000.000 đồng, mỗi bên chịu 1/2 là 30.000.000 đồng.

4- Huỷ bỏ toàn bộ biện pháp kê biên nhà số 3 Trần Khắc Chân.

5- Các quyết định về án phí dân sự sơ thẩm được giữ nguyên. Mỗi bên nguyên đơn, bị đơn phải nộp 50.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm.

Sau khi xét xử phúc thẩm, bà Mạc Thị Vinh Phú có đơn khiếu nại.

Tại Kháng nghị số 06/KN-DS ngày 14-01-2003, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã kháng nghị Bản án dân sự phúc thẩm nêu trên. Đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ phần quyết định về giá trị công trình của Bản án dân sự sơ thẩm số 76/DSST ngày 30-09-1998 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Bản án dân sự phúc thẩm số 09/DSPT ngày 21-01-2000 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh; giao hồ sơ vụ án về Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm.

Xét thấy:

Kết quả kiểm định số 165KĐ/TB- KĐ ngày 05-11-1996 của Công ty Kiểm định xây dựng Sài Gòn xác định giá trị công trình mà Công ty X59 đã thi công là 1.120.000.000đồng. Tuy nhiên, kết quả kiểm định của Công ty Kiểm định xây dựng Sài Gòn do bà Phú ký kết hợp đồng kiểm định không có sự tham gia của Công ty X59 và chỉ giám định khối lượng công trình mà không giám định chất lượng công trình, nên không đảm bảo căn cứ pháp lý.

Kết quả kiểm định số 43/TVKĐ ngày 26-02-1997 của Chi nhánh Công ty Tư vấn công nghệ thiết bị và kiểm định xây dựng là theo yêu cầu của Công ty X59, không có sự tham gia của bà Phú. Mặt khác, tại biên bản ngày 28-10-1997 ông Nguyễn Văn Tôn, đại diện Chi nhánh Công ty Tư vấn công nghệ thiết bị và kiểm định xây dựng có lời khai và kết quả kiểm định của chi nhánh Công ty Tư vấn công nghệ thiết bị và Kiểm định xây dựng dựa trên số liệu do Công ty X59 cung cấp, nên không chính xác và không đảm bảo khách quan. Vì vậy, không thể căn cứ vào kết quả kiểm định này để thanh toán.

Kết quả kiểm định số 58/TT ngày 01-08-1998 của Trung tâm Khoa học công nghệ và Kỹ thuật xây dựng xác định giá trị của công trình Công ty X59 đã thi công là 1.577.180.000 đồng.

Xét thấy, Trung tâm Khoa học công nghệ và kỹ thuật xây dựng là cơ quan được Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh trưng cầu giám định. Kết quả kiểm định của Trung tâm Khoa học công nghệ và Kỹ thuật xây dựng được xác định trên cơ sở: Hợp đồng xây dựng ký kết ngày 24-08-1995, thể hiện sự thoả thuận tự nguyện của hai bên, thiết kế ban đầu, thực tế thi công và nhật ký công trình kết hợp với đo vẽ thực tế hiện trạng công trình. Nên kết quả kiểm định của Trung tâm Khoa học công nghệ và Kỹ thuật xây dựng đảm bảo tính pháp lý và quyền lợi của các đương sự. Do đó, Toà án cấp phúc thẩm căn cứ vào kết quả kiểm định này làm cơ sở để xác định giá trị công trình mà Công ty X59 đã thi công bằng 1.577.180.000 đồng là có căn cứ. Sau khi khấu trừ 924.589.000 đồng bà Phú đã ứng cho Công ty X59, nên số tiền bà Phú phải thanh toán cho Công ty X59 là: 1.577.180.000 đồng- 924.589.000 đồng = 652.591.000 đồng. Vì vậy, Toà án cấp phúc thẩm đã buộc bà Phú phải thanh toán cho Công ty X59  số tiền thi công là 652.591.000 đồng, đồng thời buộc Công ty X59 phải trả bà Mạc Thị Vinh Phú số tiền xử lý bề mặt bê tông cốt thép của lầu 4 và sàn lầu 5 và tiền phạt 10% bằng 14.976.000 đồng là có căn cứ. Bản Kháng nghị cho rằng kết quả kiểm định số 58/TT ngày 01-08-1998 nêu trên là không chính xác, nhưng cũng không đưa ra được kết luận nào khác của cơ quan có thẩm quyền xác định quan điểm của bản Kháng nghị là đúng.

Tuy vậy, phần yêu cầu của bà Phú không được chấp nhận là 760.469.000 đồng- 14.976.000 đồng = 745.493.000 đồng. Phần yêu cầu của Công ty X59 không được chấp nhận là 1.514.620.909 đồng- 652.591.000 đồng = 862.029.909 đồng, nhưng Toà án cấp phúc thẩm vẫn giữ nguyên án phí dân sự sơ thẩm là không chính xác. Do đó, cần phải tính lại như sau:

- Bà Phú phải nộp: 18.000.000 đồng + (245.493.000 đồng x 2%) = 22.909.860 đồng, bà Phú đã nộp tạm ứng 5.000.000 đồng theo biên lai số 000359 ngày 25-03-1997, nay phải nộp thêm 17.909.860 đồng.

- Công ty X59 phải nộp: 18.000.000 đồng + (362.029.909 đồng x 2%) = 25.240.598 đồng, đã nộp tạm ứng 14.257.500 đồng theo biên lai số 002669 ngày 21-09-1998, nay Công ty X59 phải nộp thêm 10.983.098 đồng.

Mặt khác, Toà án cấp phúc thẩm quyết định sửa một phần Bản án sơ thẩm: Buộc Công ty X59 phải trả bà Mạc Thị Vinh Phú số tiền xử lý bề mặt bê tông cốt thép còn lại của lầu 4 và sàn lầu 5 và tiền phạt 10% là 14.976.000 đồng, nhưng lại vẫn buộc các đương sự phải chịu án phí dân sự phúc thẩm là có thiếu sót. Do đó, cần phải sửa Bản án dân sự phúc thẩm về phần án phí phúc thẩm cho chính xác.

Bởi các lẽ trên và căn cứ vào khoản 3 Điều 77 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự,

Quyết định:

Sửa Bản án dân sự phúc thẩm số 09/DSPT ngày 21-01-2000 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đối với vụ án dân sự về tranh chấp hợp đồng xây dựng giữa nguyên đơn là bà Mạc Thị Vinh Phú với bị đơn là Công ty xây dựng và trang trí nội thất X59 như sau:

1- Buộc Công ty X59 phải trả bà Mạc Thị Vinh Phú số tiền xử lý bề mặt bê tông cốt thép còn lại của lầu 4 và sàn lầu 5 và tiền phạt 10% là 14.976.000đồng.

Bác yêu cầu của bà Phú đòi Công ty X59 bồi thường số tiền là 475.493.000 đồng.

2- Buộc bà Phú phải thanh toán cho Công ty X59 số tiền thi công là 652.591.000 đồng.

Bác yêu cầu của Công ty X59 đòi bà Phú bồi thường số tiền 862.029.909 đồng.

3- Tiền chi phí thẩm định cho Trung tâm Khoa học công nghệ và kỹ thuật xây dựng 60.000.000 đồng, mỗi bên chịu 1/2 là 30.000.000 đồng.

4- Huỷ bỏ toàn bộ biện pháp kê biên nhà số 3 Trần Khắc Chân.

5- án phí dân sự sơ thẩm:

- Bà Mạc Thị Vinh Phú phải nộp 22.909.860 đồng, bà Phú đã nộp tạm ứng 5.000.000 đồng theo biên lai số 000359 ngày 25-03-1997, nay phải nộp thêm 17.909.860 đồng.

- Công ty X59 phải nộp 25.240.598 đồng, đã nộp tạm ứng 14.257.500 đồng theo biên lai số 002669 ngày 21-09-1998, Công ty X59 phải nộp thêm 10.983.098 đồng.

6- Bà Mạc Thị Vinh Phú và Công ty X59 không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.


Căn cứ bác Kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, lý do sửa Bản án phúc thẩm:

Bản kháng nghị nêu kết quả giám định do Toà án trưng cầu là không chính xác, nhưng không đưa ra được kết luận xác định quan điểm của bản Kháng nghị là đúng.

Bản án phúc thẩm xác định lại giá trị thanh toán giữa hai bên, nhưng vẫn giữ nguyên mức án phí dân sự sơ thẩm là không chính xác.


Quyết định số 34/2003/HĐTP-DS ngày 23-12-2003
Về vụ án hôn nhân và gia đình


Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao

………………..

Tại phiên toà ngày 23-12-2003, xét xử giám đốc thẩm vụ án hôn nhân – gia đình giữa các đương sự:

Nguyên đơn: bà Võ Thị Hoàng Anh, sinh 1968

Địa chỉ: số 299 Lý Tự Trọng, phường Bến Thành, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

Tạm trú tại 30/14 Calmete, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

Bị đơn: ông Trần Văn Mười, sinh 1959

Địa chỉ: số 1830 Deerfiel Cir, Corona, CA 91720- USA

Tạm trú tại 299 Lý Tự Trọng, phường Bến Thành, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

1. Ngân hàng Thương mại cổ phần á Châu

Địa chỉ: Số 442 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.

2. Ông Nguyễn Văn Tu

Địa chỉ: Số 408 Phạm Văn Hai, phường 5, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh

3. Bà Trần Thị Minh Tuyết

Địa chỉ: số 30/14 Calmete, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

4. Bà Võ Trần Diễm Thy

Địa chỉ: số 30/14 Calmete, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

NHậN THấY:

Ông Mười là người Mỹ gốc Việt, đăng ký kết hôn với bà Hoàng Anh ngày 27-08-1996 tại Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

Vợ chồng ông Mười, bà Anh mâu thuẫn và ly thân từ khoảng tháng 10-2001. Bà Anh xin ly hôn. Ông Mười xin đoàn tụ để cùng nuôi dạy con chung.

Vợ chồng có 2 con chung:

- Trần Anh Phương, sinh ngày 29-11-1995.

- Trần Phương Phương, sinh ngày 18-10-1999.

Cả hai người đều có nguyện vọng nuôi con, không yêu cầu bên kia cấp dưỡng.

Về tài sản:

- Vợ chồng thống nhất xác định:

+ Có 2 xe ô tô và 2 xe máy, tự thoả thuận mỗi người 1 ô tô, 1 xe máy, hai bên không phải thanh toán chênh lệch.

+ Số hàng xe máy còn tồn của Công ty Phúc Anh do vợ chồng tạo lập là 224 xe gắn máy trị giá 919.378.000 đồng và 10.812USD.

+ Vợ chồng còn nợ tổng cộng là 151.940 USD (Nợ: Ngân hàng á Châu 900.000.000 đồng; nợ ông Tu 61.000 USD; nợ bà Tuyết 15 lượng vàng).

Những tài sản còn có tranh chấp gồm:

Theo bà Anh:

+ Căn nhà số 299 Lý Tự Trọng, quận 1 là tài sản chung của vợ chồng tạo lập, yêu cầu chia đôi.

Theo ông Mười:

+ Căn nhà số 299 Lý Tự Trọng, quận 1 là tài sản riêng của ông mua trước hôn nhân rất lâu. Khi đó, ông là Việt kiều nên nhờ bà Anh đứng tên làm thủ tục mua căn nhà trên vào năm 1993. Khi đó bà Anh có viết 1 hợp đồng vay nợ 110.000.000 đồng, đúng bằng số tiền kê khai trong giấy nộp thuế trước bạ và thế chấp chính căn nhà số 299 Lý Tự Trọng với ông Mười. Ông Mười yêu cầu xác định căn nhà này là tài sản riêng của ông.

+ Bà Anh còn quản lý 108.000 USD là số vốn còn dư được thể hiện ở sổ sách, ông yêu cầu chia đôi.

+ Số vốn lưu động do ký qũy khi thành lập công ty là 1.000.000.000 đồng, yêu cầu bà Anh hoàn lại cho ông.

Ngày 17-12-2001, ông Mười và bà Anh (BL số 141 – 142) mỗi người viết 1 tờ thoả thuận:

* Bà Anh đồng ý giao cho ông Mười toàn bộ số xe máy còn tồn và ông Mười phải trả khoản nợ 151 .940USD. Ông Mười thanh toán lại cho bà 4.500USD.

* Ông Mười ký tờ thoả thuận đồng ý nhận số hàng tồn, có trách nhiệm trả nợ nhưng với điều kiện bà Anh phải có trách nhiệm hoàn lại cho ông tiền vốn, tiền tồn quỹ và không tranh chấp căn nhà là tài sản riêng của ông.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm 440/HNST ngày 02-04-2002, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh  đã quyết định:

1. Về quan hệ vợ chồng: Bà Võ Thị Hoàng Anh được ly hôn ông Trần Văn Mười

2. Về con chung:

- Bà Hoàng Anh được tiếp tục trực tiếp nuôi hai con chung:

Trần Anh Phương, sinh ngày 29-11-1995

Trần Phương phương, sinh ngày 18-10-1999.

Vấn đề cấp dưỡng nuôi con, bà Hoàng Anh không yêu cầu, nên không xét.

- Ông Mười có quyền và nghĩa vụ thăm nom, chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục con chung.

- Vì lợi ích mọi mặt của con, khi cần thiết có thể thay đổi việc cấp dưỡng nuôi con hoặc người trực tiếp nuôi con.

3. Về tài sản:

a) Công nhận sự thoả thuận của bà Hoàng Anh và ông Mười đối với các tài sản sau:

- 4 chiếc xe:

+ Ông Mười nhận chiếc xe hơi hiệu Hon da Accord, biển số 52M-7279 và chiếc xe Dream II, biển số 50M-7622: Cả hai chiếc xe này ông Mười đang quản lý.

+ Bà Hoàng Anh nhận chiếc xe tải hiệu KIA, biển số 54M-7540 hiện ông Mười đang quản lý và chiếc xe Spacy, biển số 51 T5- 1999 hiện bà Anh đang quản lý.

- Đối với số hàng tồn + nợ phải thu và nợ phải trả:

- Ông Mười nhận toàn bộ số hàng tồn là 224 xe gắn máy các loại + 919.378.000 đồng + 10.812 USD. Đồng thời, ông có trách nhiệm trả nợ tổng cộng là 151.940 USD trong đó có cả số nợ của Ngân hàng Thương mại cổ phần á Châu, nợ của ông Tu và nợ của bà Tuyết, theo bảng tổng kết ngày 28-07-2001.

- Ông Mười có trách nhiệm hoàn lại cho bà Hoàng Anh 68.404.500đồng (tương đương 4.500USD) tiền chênh lệch về tài sản.

- Bà Hoàng Anh có trách nhiệm xuất hoá đơn tất cả số lượng xe gắn máy mà Công ty TNHH Phúc Anh đã nhập, tính đến ngày 01-04-2002 cho ông Mười.

b) Đối với các tài sản không thống nhất:

- Căn nhà số 299 Lý Tự Trọng, phường Bến Thành, quận 1, thành phố Hồ  Chí Minh: Bà Hoàng Anh được nhận căn nhà này và có trách nhiệm hoàn lại cho ông Mười 1/2 giá trị nhà theo giá của thời điểm thi hành án.

- Bác yêu cầu của ông Mười về việc đòi bà Hoàng Anh số tiền 54.000 USD

c) Đối với số nợ của Ngân hàng Thương mại cổ phần á Châu:

Ông Mười có trách nhiệm trả Ngân hàng Thương mại cổ phần á Châu số tiền vốn: 450.000.000 đồng và tiền lãi tính đến ngày 20-05-2002 với mức lãi 0,9%/tháng. Quá thời hạn đó mà chưa thanh toán thì ông Mười phải trả tiền lãi cho Ngân hàng theo mức lãi suất nợ quá hạn  1,35%/tháng từ ngày 21-05 2002 cho đến khi thi hành án xong.

- Kể từ khi án có hiệu lực pháp luật, nếu ông Mười không trả nợ cho Ngân hàng Thương mại cổ phần á Châu, thì bà Hoàng Anh có nghĩa vụ trả nợ thay toàn bộ số vốn và lãi, sau đó được trừ lại vào 1/2 giá trị nhà mà ông Mười được nhận.

- Ngân hàng Thương mại cổ phần á Châu có trách nhiệm trả lại giấy tờ nhà thế chấp cho bà Hoàng Anh khi Ngân hàng nhận đủ tiền vốn và lãi.

d) Ông Mười có trách nhiệm trả cho bà Trần Thị Minh Tuyết 15 lượng vàng SJC và trả cho ông Nguyễn Văn Tu 494.032.500 đồng (tương đương 32.000UDS) ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật.

4. Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 12/ADKCTT-DS ngày 04-03-2002 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh được giải toả khi ông Mười thi hành xong phần ông phải thi hành trong quyết định của Bản án này.

5. Về án phí dân sự sơ thẩm:

Bà Hoàng Anh phải chịu: 29.289.600 đồng;

Ông Mười phải chịu: 29.289.600 đồng và 18.626.000 đồng. Cộng chung 47.915.600 đồng.

Hoàn lại cho bà Hoàng Anh 50.000 đồng án phí sơ thẩm tạm nộp theo biên lai thu số 024679 ngày 17-05-2001 của Phòng thi hành án, thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 15-04-2002 ông Mười kháng cáo có nội dung:

- Xin đoàn tụ, xin nuôi con.

- Xin xem lại toàn bộ phần tài sản.

Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 34/HNPT ngày 18-09-2002 Toà Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

Bác kháng cáo của ông Trần Văn Mười, giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 440/HNST ngày 02-04-2002 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

1. Về quan hệ vợ chồng: Bà Võ Hoàng Anh được ly hôn ông Trần Văn Mười.

2. Về con chung:

Bà Võ Hoàng Anh được trực tiếp nuôi hai người con chung:

- Trần Anh Phương, sinh ngày 29-11-1995

- Trần Phương Phương, sinh ngày 18-10-1999.

Vấn đề cấp dưỡng nuôi con, bà Anh không yêu cầu, nên không xét.

Ông Mười có quyền và nghĩa vụ thăm nom, chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục con chung.

Vì lợi ích mọi mặt của con, khi cần thiết có thể thay đổi cấp dưỡng nuôi con hoặc người trực tiếp nuôi con.

3. Về tài sản:

Căn nhà số 299 Lý Tự Trọng, phường Bến Thành, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh: Bà Võ Thị Hoàng Anh được nhận căn nhà này và có trách nhiệm hoàn lại cho ông Trần Văn Mười 1/2 giá trị nhà theo giá tại thời điểm thi hành án.

Bác yêu cầu của ông Mười về việc đòi bà Anh trả số tiền 54.000 USD trong số vốn chung của hai người là 108.000 USD.

4. Các phần quyết định khác của bản án sơ thẩm, không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật (kể cả án phí).

5. Ông Mười phải nộp 50.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm (được khấu trừ tiền tạm ứng án phí kháng cáo đã nộp).

Ông Mười khiếu nại:

- Về căn nhà số 299 Lý Tự Trọng là tài sản riêng của ông có trước hôn nhân. Nay Toà án đã giao cho bà Anh là gây thiệt hại cho ông, căn nhà này là trụ sở kinh doanh mà ông đã được Uỷ ban nhân dân thành phố cấp phép kinh doanh.

- Về khoản tiền mặt 108.000 USD là khoản tiền tồn quỹ bà Anh đã mang đi, yêu cầu chia 1/2.

- Khoản vốn cố định khi thành lập Công ty là 1 tỷ đồng chưa được giải quyết.

- Khoản nợ 900 triệu của ngân hàng, khi bà Anh bỏ đi, ông đã một mình lo trả được hơn 500 triệu, nay lại buộc ông trả nốt 450 triệu là vô lý và bất công.

- Về bản thoả thuận ngày 17-12-2001, ông chỉ đồng ý nhận hàng và nhận nợ với điều kiện bà Anh không tranh chấp nhà và phải trả tiền vốn, quỹ mà bà Anh quản lý. Nay bà Anh quản lý toàn bộ hoá đơn thuế, không xuất hoá đơn nên ông không bán được số xe máy tồn, gây thiệt hại lớn và khoản chi phí của các cửa hàng phát sinh ông phải chịu.

Tại Quyết định số 23/KNDS ngày 29-04-2003, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã kháng nghị phần chia tài sản của Bản án phúc thẩm nêu trên.

Tại Kết luận số 97/KL-VKSTC-V5 ngày 06-10-2003 Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao; đề nghị huỷ phần chia tài sản của Bản án phúc thẩm để xét xử phúc thẩm lại.

XéT THấY:

1. Về căn nhà số 299 Lý Tự Trọng:

Ông Trần Văn Mười khai ông đã mua căn nhà số 299 Lý Tự Trọng với giá 416 lượng vàng của ông Lim Fang bằng số tiền bán căn nhà 125 Lý Tự Trọng của ông trước đây cho bà Như Tuyết được 360 lượng vàng cùng số tiền ông được chia khi ly hôn với người vợ trước. Do vào thời điểm này Nhà nước không cho người nước ngoài mua nhà, nên có sự giới thiệu của ông Nguyễn Văn Tu, ông đã nhờ bà Hoàng Anh đứng tên hộ khi mua nhà. Lúc này ông và bà Hoàng Anh chưa kết hôn.

Lời khai của ông Mười phù hợp với lời khai của ông Lim Fang (người bán nhà) và lời khai của ông Nguyễn Văn Tu (là bạn của bà Hoàng Anh và ông Mười, đồng thời là em rể của bà Hoàng Anh). Ông Lim Fang khai: ông là chủ căn nhà số 299 Lý Tự Trọng, nhưng do ông là Việt kiều nên giấy tờ sở hữu nhà vẫn mang tên chủ cũ là bà Giang Cẩm Hương. Ông Mười là người đến xem nhà, sau khi 2 bên thoả thuận xong giá bán thì ông Mười mới dẫn bà Hoàng Anh đến đứng tên. Ông Mười là người trực tiếp giao vàng cho ông, nhưng mỗi lần đến đều có bà Hoàng Anh đi cùng. Khi ông giao căn nhà cho ông Mười, ông Mười còn thiếu 90 lượng vàng, sau khoảng 1 tháng ông Mười mới trả nốt số còn lại (Lời khai ngày 16-10-2001, BL số 204).

Ông Nguyễn Văn Tu khai: Lúc đầu ông Mười mua căn nhà gần cửa Bắc chợ Bến Thành, sau khi ông Mười quen bà Hoàng Anh, hai người đã bàn nhau bán nhà đó được khoảng gần 400 lượng vàng rồi mua căn nhà số 299 Lý Tự Trọng. Khi đó hai người đã sống chung nhưng chưa làm đám cưới. Mọi giấy tờ giao dịch đều do bà Hoàng Anh thực hiện (Lời khai ngày 19-11-2001, BL số 206). Tại phiên toà sơ thẩm ngày  29-03-2002, ông Tu xác nhận ông có giới thiệu để bà Hoàng Anh đứng tên dùm căn nhà cho ông Mười.

Trong khi đó, lời khai của bà Hoàng Anh về căn nhà 299 Lý Tự Trọng có nhiều điểm mâu thuẫn. Tại Biên bản ghi lời khai ngày 25-06-2001, bà Hoàng Anh khai: Căn nhà số 299 Lý Tự Trọng có trước khi kết hôn nhưng vì tình nghĩa vợ chồng chung sống nên bà chấp nhận là tài sản chung. Tại đơn tường trình Ngày 28-06-2001, bà Hoàng Anh cho rằng: ông Mười cũng muốn ly dị, chẳng qua là sợ phải chia căn nhà và tài sản. Tại Biên bản đối chất ngày 30-08-2001 và tại phiên toà sơ thẩm ngày 29-03-2002, bà Hoàng Anh khai: căn nhà số 299 Lý Tự Trọng là tài sản chung và xác nhận việc bán nhà số 125 Lý Tự Trọng rồi mới mua nhà số 299 Lý Tự Trọng nhưng số tiền không còn nguyên mà ông Mười còn phải bồi thường cho 1 cô khác. Tại phiên toà phúc thẩm ngày 18-09-2002, bà Hoàng Anh khai: căn nhà số 299 Lý Tự Trọng là do bà mua nhưng bà không nhớ giá cả bao nhiêu, bà không chứng minh được việc bà mua căn nhà bằng nguồn tiền nào. Tóm lại, tuy bà Hoàng Anh là người đứng tên chủ quyền nhà số 299 Lý Tự Trọng, nhưng bà thừa nhận căn nhà là tài sản chung, đồng thời bà không chứng minh được nguồn tiền của bà bỏ ra để mua căn nhà này.

Với các căn cứ trên, có cơ sở kết luận căn nhà số 299 Lý Tự Trọng là tài sản chung của ông Mười và bà Hoàng Anh và ông Mười có công sức đóng góp nhiều hơn. Nhưng khi phân chia khối tài sản là căn nhà trên, Toà án cấp sơ thẩm, phúc thẩm đã chia cho mỗi bên được hưởng 1/2 trị giá căn nhà mà không xem xét, đánh giá đúng về nguồn gốc tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên là không thoả đáng, không đảm bảo quyền lợi về tài sản cho đương sự.

Về việc chia hiện vật: Ông Mười là người nước ngoài nên muốn được giao sở hữu nhà phải chứng minh là ông có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp ông Mười chứng minh được việc ông có đủ điều kiện để sở hữu căn nhà số 299 Lý Tự Trọng thì việc quyết định giao hiện vật (là căn nhà) cho bên nào sở hữu phải dựa trên công sức đóng góp, nhu cầu sử dụng thực tế của mỗi bên.

2. Về số tiền tồn quỹ 108.539 USD.

Ông Mười đã khai và xuất trình chứng cứ là sổ ghi chép của bà Hoàng Anh thì từ khi bắt đầu kinh doanh (tháng 06-1994) vốn ban đầu là 58.000USD, đến Tháng 12-1998 sau khi đã trừ các khoản chi phí, số vốn là 184. 182USD. Đến Tháng 12-2000 số vốn còn 121.035USD. Tiếp theo đến tháng 04-2001 số vốn còn 108.539USD. Sổ ghi chép này do bà Hoàng Anh quản lý và ghi chép liên tục. Như vậy, nghĩa vụ chứng minh, giải trình về số tiền vốn tồn quỹ này hiện đang ở đâu, có còn hay không, phải thuộc về phía bà Hoàng Anh. Toà án cấp sơ thẩm, phúc thẩm lại cho rằng nghĩa vụ chứng minh là của ông Mười nên đã bác yêu cầu của ông Mười là không đúng.

3. Về án phí. Do phải xem xét, giải quyết lại phần tài sản trong vụ án nên cũng phải tính toán, điều chỉnh lại về án phí liên quan cho phù hợp.

Bởi các lẽ trên và căn cứ vào khoản 4 Điều 77 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự,

QUYếT ĐịNH:

Huỷ mục 3 về phần tài sản và án phí liên quan đến phần tài sản này trong quyết định của Bản án dân sự phúc thẩm số 34/HNPT ngày 18-09-2002 của Toà Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đối với vụ án hôn nhân gia đình giữa nguyên đơn là bà Võ Thị Hoàng Anh với bị đơn là ông Trần Văn Mười.

Giao hồ sơ vụ án cho Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh giải quyết lại theo trình tự phúc thẩm theo đúng quy định của pháp luật.


Lý do huỷ một phần Bản án phúc thẩm:

Khi chia tài sản, Toà án không xem xét, đánh giá đúng nguồn gốc tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên là không bảo đảm quyền lợi của đương sự.

     Về số tiền tồn quỹ, Toà án bác yêu cầu của bị đơn vì cho rằng nghĩa vụ chứng minh thuộc về bị đơn là không đúng.


Quyết định số 35/2003/HĐTP-DS ngày 23-12-2003
Về vụ án Tranh chấp hợp đồng mua bán nhà


Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao  

………………..

Tại phiên toà ngày 23-12-2003 xét xử giám đốc thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán nhà, có các đương sự:

Nguyên đơn:

- Ông Đoàn Văn Bản, sinh năm 1955

- Bà Trần Thị Thanh Vân, sinh năm 1957, (uỷ quyền cho ông Đoàn Văn Bản)

Cùng thường trú tại nhà số 106 Cao Thắng, phường 4, quận 3 thành phố Hồ Chí Minh.

Bị đơn: - Ông Lê Mỹ Hảo, sinh năm 1952

              – Bà Nguyễn Thị Tiến, sinh năm 1958

Cùng thường trú tại số 255/21B Nơ Trang Long, phường 13, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh.

Nhận thấy:

Căn nhà số 48 Lê Công Kiều, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1 thành phố Hồ Chí Minh thuộc sở hữu của ông Đoàn Văn Bản và vợ là bà Trần Thị Thanh Vân.

Ngày 14-05-1999, ông Bản, bà Vân bán nhà trên cho ông Lê Mỹ Hảo và bà Nguyễn Thị Tiến với giá 220 lượng vàng SJC. Ông Hảo, bà Tiến đã giao cho ông Bản, bà Vân 180 lượng vàng SJC và hai bên đã giao nhận nhà.

- Ông Bản, bà Vân cho rằng:

Khi ký hợp đồng mua bán nhà, thì căn nhà đang trong tình trạng bị phong toả bởi Cơ quan điều tra hình sự khu vực Trung ương – Bộ Quốc phòng, nên hai bên thống nhất đến ngày 30-06-2000 căn nhà vẫn còn bị phong toả, sang tên mua bán không được thì sẽ thanh lý hợp đồng và trả lại vàng cho bên mua. Đến ngày 01-07-2000, căn nhà vẫn bị kê biên, ông bà trả lại tiền đã nhận cho ông Hảo, bà Tiến nhưng họ không nhận, nên yêu cầu huỷ hợp đồng mua bán nhà, trả lại cho ông Hảo, bà Tiến 180 lượng vàng SJC và trả tiền sửa chữa nhà (12 lượng vàng SJC) cho vợ chồng ông Hảo.

- Ông Hảo, bà Tiến cho rằng:

Ông bà bị ông Bản, bà Vân lừa vì khi mua căn nhà ông bà không biết nhà đó đang bị kê biên. Ông Bản, bà Vân giữ toàn bộ giấy tờ nhà hợp lệ (bản chính). Khi thoả thuận mua bán, ông Bản, bà Vân có làm đơn xác nhận tình trạng nhà để chuyển quyền sở hữu. Đơn này được Uỷ ban nhân dân phường Nguyễn Thái Bình, quận 1 xác nhận căn nhà đó thuộc sở hữu của ông Bản, bà Vân và hiện không tranh chấp. Với những giấy tờ hợp pháp trên, nên ông Hảo, bà Tiến mới giao tiền và nhận nhà.

Việc giữ lại 40 lượng vàng là chỉ để đôn đốc ông Bản, bà Vân sớm hoàn tất thủ tục chuyển quyền sở hữu theo quy định của pháp luật.

Khi ra công chứng làm thủ tục mua bán nhà, thì mới biết nhà đó bị kê biên. Ông Bản, bà Vân đặt chúng tôi (Hảo, Tiến) vào tình trạng đã rồi. Họ còn hứa là sẽ giải toả được kê biên đó nên mới có sự thoả thuận gia hạn tiếp theo vào ngày 20-02-2000. Thực tế ông Bản, bà Vân không yêu cầu giải toả kê biên để hoàn tất thủ tục mua bán nhà cho chúng tôi, mà lại đi kiện yêu cầu huỷ bỏ hợp đồng và trả lại số tiền đã nhận của chúng tôi là không đúng, gây thiệt hại quyền lợi hợp pháp cho chúng tôi (Hảo, Tiến). Do đó, ông Hảo, bà Tiến yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng. Nếu phải huỷ bỏ hợp đồng thì phía ông Bản, bà Vân là người hoàn toàn có lỗi nên phải bồi thường toàn bộ thiệt hại.

Trong quá trình ở, ông Hảo, bà Tiến có sửa chữa một số phần, cụ thể: Lát lại nền nhà tầng trệt, làm lại trần nhà, sửa lại hệ thống cửa, hệ thống vệ sinh, tô trét lại tường, sơn nước toàn bộ nhà,. . . trị giá 12 lượng vàng SJC.

Nếu phải huỷ bỏ hợp đồng, ông Hảo, bà Tiến yêu cầu ông Bản, bà Vân hoàn lại 12 lượng vàng SJC giá trị sửa chữa.

Tại Bản án sơ thẩm số 71/ DSST ngày 20-09-2001, Toà án nhân dân  quận 1 đã quyết định:

+ Chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.

+ Huỷ tờ hợp đồng mua bán căn nhà số 48 Lê Công Kiều, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh ngày 14-05-1999 giữa ông Đoàn Văn Bản, bà Trần Thị Thanh Vân với ông Lê Mỹ Hảo, bà Nguyễn Thị Tiến.

+ Phía ông Hảo, bà Tiến có trách nhiệm trả lại căn nhà số 48 Lê Công Kiều, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh (nguyên hiện trạng) cho vợ chồng ông Đoàn Văn Bản và bà Trần Thị Thanh Vân cùng giấy tờ chủ quyền căn nhà trên (bản chính), gồm: chủ quyền nhà (hợp đồng mua bán+ bản vẽ+ hoá đơn tiền thuế và bộ hồ sơ nhà của chủ cũ gồm những giấy tờ trên trong hạn 02 tháng (hai tháng), hạn chót ngày 20-11-2001 dứt điểm.

+ Ông Bản, bà Vân có trách nhiệm trả lại cho vợ chồng ông Lê Mỹ Hảo và bà Nguyễn Thị Tiến số vàng tổng cộng là 192 (một trăm chín mươi hai) lượng vàng SJC. Việc thi hành giao nhà + vàng + giấy tờ nhà cùng lúc, hạn chót là ngày 20-11-2001.

+ Các đương sự thi hành án dưới sự giám sát của Đội Thi hành án quận 1.

+ án phí dân sự sơ thẩm ông Bản, bà Vân nộp 12.964.000 đồng, ông Hảo, bà Tiến nộp 12.964.000 đồng. Hoàn tiền tạm ứng án phí cho ông Đoàn Văn Bản là 50.000 đồng theo biên lai số 015002 ngày 13-10-2000.

- Ngày 24-09-2001 ông Lê Mỹ Hảo, bà Nguyễn Thị Tiến kháng cáo: Không đồng ý với quyết định của Bản án sơ thẩm.

Tại Bản án phúc thẩm số 432/DSPT ngày 29-03-2002, Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

Sửa một phần Bản án sơ thẩm, xử:

1. Huỷ hợp đồng mua bán nhà số 48 Lê Công Kiều, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh ngày 14-05-1999 giữa ông Đoàn Văn Bản, bà Trần Thị Thanh Vân với ông Lê Mỹ Hảo, bà Nguyễn Thị Tiến.

2. Ông Hảo, bà Tiến có trách nhiệm giao trả căn nhà số 48 Lê Công Kiều, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh cho ông Bản, bà Vân cùng các giấy tờ nhà bản chính, gồm:

+ Hợp đồng số 11081/HĐ-MBN ngày 15- 11-1995.

+ Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà số 109/HGN-Q1 ngày 30-07-1987 (lầu 1).

+ Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà số 107/HGN-Q1 ngày 30-07-1987 (trệt).

+ Tờ khai trước bạ ngày 26-01-1991 do Hà Văn Lư ký tên.

+ Tờ khai trước bạ ngày 26-01-1991 do Phạm Thái Thuỵ ký tên.

+ Tờ khai trước bạ ngày 23-11-1995 do ông Đoàn Văn Bản ký tên.

+ Bản vẽ căn nhà số 48 Lê Công Kiều, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

+ 05 tờ hoá đơn đóng trước bạ và lệ phí.

3. Ông Bản, bà Vân có trách nhiệm giao lại cho ông Hảo, bà Tiến 419,5 lượng vàng SJC.

4. Việc giao nhận nhà, giấy tờ nhà và vàng được thực hiện ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật.

5. Kể từ ngày ông Hảo, bà Tiến có đơn xin thi hành án, nếu ông Bản, bà Vân vẫn chưa thi hành số vàng tại Điều 3 nói trên thì hàng tháng còn phải trả lãi theo mức lãi suất do Ngân hàng Nhà nước quy định tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

6. án phí dân sự sơ thẩm: 19.265.300 đồng ông Bản, bà Vân phải chịu. Hoàn trả cho ông Bản 50.000 đồng án phí sơ thẩm tạm nộp theo biên lai số 015002 ngày 13-10-2000 của Đội Thi hành án quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

+ án phí dân sự phúc thẩm: Các đương sự không phải chịu.

Hoàn lại cho ông Hảo, bà Tiến 50.000 đồng án phí phúc thẩm tạm nộp theo biên lai thu số 046711 ngày 25-09-2001 của Đội Thi hành án quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

Sau khi xét xử phúc thẩm, vợ chồng ông Bản và vợ chồng ông Hảo đều có đơn khiếu nại.

Tại Quyết định số 179/KNDS ngày 21-11-2002, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã kháng nghị Bản án phúc thẩm nêu trên theo hướng công nhận hợp đồng mua bán nhà giữa ông Bản, bà Vân với ông Hảo, bà Tiến; bên mua phải thanh toán số tiền còn lại cho bên bán theo qui định của pháp luật.

Tại Kết luận số 13/KL-VKSTC-KSXXDS ngày 27-01-2003, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao xử hủy Bản án dân sự phúc thẩm nêu trên, giao hồ sơ cho Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm lại theo hướng nêu trên của kháng nghị.

Tại Quyết định giám đốc thẩm số 33 ngày 27-02-2003, Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao đã quyết định:

Sửa Bản án phúc thẩm:

1. Hủy hợp đồng mua bán nhà số 48 Lê Công Kiều, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh ngày 14-05-1999 giữa vợ chồng ông Đoàn Văn Bản, bà Trần Thị Thanh Vân với vợ chồng ông Lê Mỹ Hảo, bà Nguyễn Thị Tiến.

2. Ông Hảo, bà Tiến có trách nhiệm giao căn nhà số 48 Lê Công Kiều, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh cho ông Bản, bà Vân cùng các giấy tờ nhà bản chính, gồm:

+ Hợp đồng số 11081/HĐ-MBN ngày 15-11-1995.

+ Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà số 109/HQN-Q1 ngày 30-07-1987 (lầu 1).

+ Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà số 107/HGN- Q1 ngày 30-07-1987 (trệt).

+ Tờ khai trước bạ ngày 26-01-1991 do Hà Văn Lư ký tên.

+ Tờ khai trước bạ ngày 26-01-1991 do Phạm Thái Thuỵ ký tên.

+ Tờ khai trước bạ ngày 23-11-1995 do ông Đoàn Văn Bản ký tên.

+ Bản vẽ căn nhà số 48 Lê Công Kiều

+ 05 tờ hoá đơn đóng trước bạ và lệ phí.

3. Ông Bản, bà Vân có trách nhiệm giao cho ông Hảo, bà Tiến:

- 180 lượng vàng SJC là số vàng đã nhận.

- 113,75 lượng vàng SJC là thiệt hại.

- 12,05 lượng vàng SJC là giá trị sửa chữa.

Tổng cộng vợ chồng ông Bản, bà Vân phải trả cho vợ chồng ông Hảo, bà Tiến 3 khoản là 305,8 lượng vàng SJC.

- Hai bên tiến hành giao nhận căn nhà cùng các giấy tờ liên quan đến căn nhà số 48 Lê Công Kiều cùng lúc với việc giao nhận vàng.

4. Ông Bản, bà Vân phải nộp 29.002.990 đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Sau khi có Quyết định giám đốc thẩm nêu trên, vợ chồng ông Hảo có đơn khiếu nại.

Tại Quyết định số 110/KN-VKSTC-V5 ngày 10-10-2003, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã kháng nghị Bản án giám đốc thẩm nêu trên với nhận định:

Việc mua bán nhà giữa vợ chồng ông Bản với vợ chồng ông Hảo là tự nguyện, bên mua đã trả cho bên bán số tiền là 180 lạng vàng/220 lạng vàng bằng 81,81% giá trị căn nhà, bên bán đã giao nhà cùng toàn bộ giấy tờ nhà cho bên mua. Việc hai bên mua và bán nhà không hoàn tất được thủ tục mua bán là do yếu tố khách quan mang lại, bị hạn chế bởi Công văn số 24/TW ngày 04-09-1998 của Cơ quan Điều tra hình sự khu vực Trung ương. Tuy nhiên, Công văn này không phải là một văn bản tố tụng để phong toả nhà số 48 Lê Công Kiều. Do vậy, không có giá trị pháp lý buộc các bên phải tuân theo và chấp hành. Vả lại, ngày 31-07-2002 Phòng Điều tra hình sự khu vực Trung ương thuộc Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng có Công văn số 19/CV- P6 gửi Phòng Công chứng nhà nước đề nghị làm thủ tục cho hai bên mua bán nhà số 48 Lê Công Kiều thực chất không có cản trở và cũng không còn cản trở, nhưng bên bán nhà từ chối việc thực hiện hợp đồng mua bán nhà là có lỗi. Lẽ ra, Toà án cần buộc các bên phải tiếp tục hoàn tất thủ tục mua bán nhà trong một thời gian nhất định, quá thời hạn đó mà không thực hiện thì mới tuyên bố hợp đồng mua bán nhà giữa vợ chồng ông Bản với vợ chồng ông Hảo bị vô hiệu và bên có lỗi sẽ phải bồi thường thiệt hại mới đúng. Việc Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao xử huỷ hợp đồng mua bán nhà số 48 Lê Công Kiều, buộc vợ chồng ông Hảo có trách nhiệm giao trả nhà số 48 Lê Công Kiều và các giấy tờ có liên quan cho vợ chồng ông Bản; vợ chồng ông Bản trả lại cho vợ chồng ông Hảo số vàng đã nhận là 180 lạng vàng SJC, 113,75 lạng vàng thiệt hại và ! 12,05 lạng vàng sửa chữa nhà là chưa thoả đáng, không đảm bảo quyền lợi của vợ chồng ông Hảo.

Đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xử huỷ Bản án giám đốc thẩm số 33 ngày 27-02-2003 của Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao, giao hồ sơ cho Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm lại theo hướng nêu trên.

XéT THấY:

Ngày 14-05-1999, ông Đoàn Văn Bản và vợ là bà Trần Thị Thanh Vân ký hợp đồng bán cho ông Lê Mỹ Hảo và vợ là bà Nguyễn Thị Tiến căn nhà số 48 Lê Công Kiều, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh với giá 220 lượng vàng SJC. Việc mua, bán nhà là hoàn toàn tự nguyện, bên mua đã trả cho bên bán tổng cộng là 180 lượng vàng (trong đó có 150 lượng là số tiền vay trước đây và tiền lãi chuyển sang thành tiền trong hợp đồng mua bán nhà). Bên bán đã giao nhà và toàn bộ giấy tờ nhà cho bên mua.

Trước khi mua bán căn nhà này, Uỷ ban nhân dân phường Nguyễn Thái Bình, quận 1 đã xác nhận nhà số 48 Lê Công Kiều "hiện không có tranh chấp". Việc hai bên chưa hoàn tất thủ tục mua, bán nhà đất là do yếu tố khách quan mang lại, cụ thể là bị hạn chế bởi Công văn số 24/TW – ngày 04-09-1998 của Phòng Điều tra hình sự thuộc Cục Điều tra hình sự Bộ quốc phòng. Toà án các cấp khi xét xử vụ án đã căn cứ vào Công văn nêu trên để xác định hợp đồng mua bán là vô hiệu và huỷ hợp đồng mua bán nhà, đất này là không đúng bởi vì nội dung Công văn nêu trên chỉ có tính chất đề nghị tạm dừng việc làm thủ tục mua bán nhà, chứ không có tính chất phong toả, không ràng buộc về mặt pháp lý. Thực tế ngày 31-07-2002, tại Công văn số 19/CV-P6 Phòng Điều tra hình sự khu vực Trung ương thuộc Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đề nghị Phòng Công chứng làm thủ tục cho hai bên được mua bán. Do đó, cần huỷ Quyết định giám đốc thẩm, Bản án phúc thẩm nêu trên, giải quyết lại vụ án theo thủ tục phúc thẩm để buộc hai bên mua bán thực hiện đúng qui định của Điều 139 Bộ luật Dân sự và hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP ngày 16-04-2003 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, bên nào có lỗi thì phải bồi thường thiệt hại cho bên kia theo đúng qui định của pháp luật.

Bởi các lẽ trên và căn cứ vào khoản 4 Điều 77 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự,

Quyết định:

Huỷ Quyết định giám đốc thẩm số 33 ngày 27-02-2003 của Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao và Bản án phúc thẩm dân sự số 432/PTDS ngày 29-03-2002 của Toà án nhân dân  thành phố Hồ Chí Minh về vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán nhà giữa ông Đoàn Văn Bản, bà Trần Thị Thanh Vân và ông Lê Mỹ Hảo, bà Nguyễn Thị Tiến.

Giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử lại phúc thẩm theo đúng quy định của pháp luật.


Lý do huỷ Quyết định giám đốc thẩm của Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao và Bản án phúc thẩm:

Công văn của Phòng Điều tra hình sự thuộc Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng chỉ đề nghị tạm dừng việc làm thủ tục mua bán nhà, nhưng Toà án căn cứ theo Công văn này huỷ hợp đồng mua bán nhà là không đúng.


Quyết định số 36/2003/HĐTP-DS ngày 24-12-2003
Về vụ án tranh chấp quyền sở hữu nhà


Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao

…………………

Tại phiên toà ngày 24-12-2003, xét xử giám đốc thẩm vụ án dân sự về tranh chấp quyền sở hữu nhà giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Anh Trần Thuỷ Dinh, sinh năm 1971, trú tại số 42 Tân Khai, phường 4, quận 11, thành phố Hồ Chí Minh;

Bị đơn: Bà Tăng Tô Muối, sinh năm 1944, trú tại số 40 Tân Khai, phường 4, quận 11, thành phố Hồ Chí Minh;

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

l- Chị Lưu Hồng Hạnh, sinh năm 1976 (vợ anh Dinh);

2- Bà Lữ Ngọc Anh, sinh năm 1951 (mẹ anh Dinh);

3- Ông Trần An Thạch, sinh năm 1947 (cha anh Dinh).

Bà Anh và ông Thạch uỷ quyền cho anh Dinh.

NHậN THấY:

Anh Dinh khai: Năm 1992, mẹ của anh (bà Lữ Ngọc Anh) cho anh tiền mua căn nhà số 42 Tân Khai, phường 4, quận 11, thành phố Hồ Chí Minh. Cùng năm 1992, bà Muối được mua hoá giá căn nhà số 40 Tân Khai (cùng dãy phố) đang ở thuê của Nhà nước. Do bà Muối không có tiền mua nhà, nhưng là chị kết nghĩa với mẹ anh và sống độc thân, nên mẹ anh đã giao cho bà Muối 15 lượng vàng để bà Muối mua hoá giá và đứng tên giùm, mẹ anh thoả thuận cho bà Muối tiếp tục ở suốt đời.

Năm 1993, mẹ anh cho anh căn nhà số 40 Tân Khai và cho 1,3 tỷ đồng để xây dựng lại cả hai căn nhà (số 40 và số 42 Tân Khai). Sau khi xây xong, vợ chồng anh Dinh cùng bà Muối sử dụng chung. Nay thấy bà Muối có biểu hiện chiếm đoạt nhà số 40 Tân Khai, anh Dinh yêu cầu Toà án xác định nhà số 40 Tân Khai thuộc sở hữu của anh và anh sẽ cho bà Muối 40 lượng vàng để bà tìm chỗ ở khác.

Tại phiên toà sơ thẩm, anh Dinh rút yêu cầu tranh chấp quyền sở hữu nhà số 40 Tân Khai và chỉ yêu cầu bà Muối hoàn trả tiền xây dựng là 453.607.000 đồng.

Bà Muối cho rằng: Năm 1992, bà mua hoá giá nhà số 40 Tân Khai với giá 36.100.000 đồng. Năm 1993, bà hùn vốn với bà Anh (mẹ anh Dinh) để xây cất lại cùng nhà số 42 Tân Khai với dự định sẽ mở cơ sở làm ăn chung. Bà uỷ quyền cho bà Anh lo việc xây cất và đã đưa cho bà Anh 28.000USD và 20 lượng vàng. Nay bà yêu cầu ngăn đôi nhà để phần ai người đó sở hữu riêng, bà yêu cầu phía anh Dinh chịu 1/2 chi phí xây tường ngăn.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 64/DSST ngày 14-09-1998, Toà án nhân dân  quận 11 đã quyết định:

1- Ghi nhận việc anh Trần Thuỷ Dinh rút lại yêu cầu tranh chấp sở hữu căn nhà số 40 Tân Khai phường 4, quận 11;

- Chấp nhận yêu cầu của anh Trần Thuỷ Dinh về việc đòi tiền xây cất căn nhà số 40 Tân Khai, phường 4, quận 11;

2- Công nhận sở hữu căn nhà số 40 Tân Khai, phường 4, quận 11 là của bà Tăng Tô Muối.

- Công nhận toàn bộ phần xây cất căn nhà số 40 số 42 Tân Khai, phường 4, quận 11 là của anh Trần Thuỷ Dinh và chị Lưu Hồng Hạnh.

- Bà Tăng Tô Muối được quyền xây tường ngăn đôi căn nhà số 40 số 42 Tân Khai, phường 4, quận 11. Phần anh Dinh sở hữu sử dụng căn nhà số 42 Tân Khai, phường 4, quận 11. Phần bà Muối sở hữu sử dụng căn nhà số 40 Tân Khai, phường 4, quận 11 với điều kiện bà Muối phải hoàn trả số tiền xây dựng nhà số 40 Tân Khai, phường 4, quận 11 là 453.607.000 đồng cho anh Trần Thuỷ Dinh và chị Lưu Hồng Hạnh. Việc ngăn đôi nhà và thanh toán tiền được thực hiện cùng một lúc ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật.

3- án phí dân sự sơ thẩm 22.680.350 đồng bà Muối chịu, nộp tại Đội Thi hành án quận 11.

Ngày 24-09-1998, bà Muối kháng cáo yêu cầu anh Dinh cùng phải chịu chi phí xây tường ngăn và không đồng ý trả tiền xây dựng cho anh Dinh.

Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 171/DSPT ngày 10-04-1999, Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

- Chấp nhận anh Trần Thuỷ Dinh rút lại yêu cầu tranh chấp sở hữu căn nhà số 40 Tân Khai, phường 4, quận 11, thành phố Hồ Chí Minh;

Bác yêu cầu của anh Trần Thuỷ Dinh về việc đòi tiền xây cất căn nhà số 40 Tân Khai, phường 4, quận 11, thành phố Hồ Chí Minh;

- Công nhận sở hữu căn nhà số 40 Tân Khai, phường 4, quận 11 là của bà Tăng Tô Muối.

- Bà Muối được quyền xây tường ngăn đôi căn nhà số 40 số 42 Tân Khai, phường 4, quận 11. Anh Dinh sở hữu phần nhà số 42, bà Muối sở hữu phần nhà số 40; chi phí xây tường ngăn đôi bà Muối chịu 1/2, anh Dinh chịu 1/2 .

- án phí dân sự sơ thẩm anh Dinh và chị Hạnh phải chịu 16.590.000 đồng.

Anh Dinh và chị Hạnh khiếu nại bản án phúc thẩm trên.

Tại Kháng nghị số 48/KN-DS ngày 23-05-2000, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Toà án nhân dân tối cao xử huỷ Bản án phúc thẩm trên, giao hồ sơ vụ kiện về xử lại phúc thẩm theo hướng Toà án cấp sơ thẩm đã xét xử.

Tại Quyết định giám đốc thẩm số 152 ngày 27-06-2000, Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao đã quyết định:

- Ghi nhận việc anh Trần Thuỷ Dinh rút yêu cầu tranh chấp sở hữu căn nhà số 40 Tân Khai. Chấp nhận yêu cầu đòi tiền xây cất căn nhà số 40 Tân Khai của anh Trần Thuỷ Dinh và chị Lưu Hồng Hạnh.

- Công nhận bà Tăng Tô Muối là chủ sở hữu căn nhà số 40 Tân Khai.

- Bà Tăng Tô Muối phải trả anh Trần Thuỷ Dinh và chị Lưu Hồng Hạnh tiền xây dựng căn nhà số 40 Tân Khai là 453.607.000đồng. Kể từ ngày anh Dinh và chị Hạnh có đơn yêu cầu thi hành án, bà Muối phải chịu thêm tiền lãi nợ quá hạn theo mức quy định của Ngân hàng Nhà nước.

- Bà Muối được quyền xây tường ngăn theo trục tường chung giữa căn nhà số 40 Tân Khai và số 42 Tân Khai. Bức tường ngăn này thuộc sở hữu chung của chủ sở hữu căn nhà số 40 Tân Khai và chủ sở hữu căn nhà số 42 Tân Khai (anh Dinh và chị Hạnh) và mỗi bên phải chịu 1/2 chi phí xây ngăn. Việc xây ngăn được tiến hành sau khi bà Muối đã thanh toán xong tiền xây cất căn nhà số 40 Tân Khai cho anh Dinh và chị Hạnh. Anh Dinh và chị Hạnh không được ngăn cản bà Muối khi cần kết hợp với tường chung để làm cầu thang căn nhà số 40 Tân Khai.

- Bà Muối phải nộp án phí sơ thẩm 22.680.350 đồng. Hoàn các khoản tạm ứng án phí cho các đương sự.

Bà Muối khiếu nại Quyết định giám đốc thẩm trên.

Tại Quyết định kháng nghị số 43/KNDS ngày 18-06-2003, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xử huỷ Quyết định giám đốc thẩm trên, giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân  thành phố Hồ Chí Minh điều tra, xét xử sơ thẩm lại theo thủ tục chung.

Tại Kết luận số 96/KL-VKSTC-V5 ngày 06-10-2003, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xử huỷ Bán án dân sự sơ thẩm số 64/DSST ngày 14-09-1998 của Toà án nhân dân quận 11, Bản án dân sự phúc thẩm số 171 /DSPT ngày 10-04-1999 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Quyết định giám đốc thẩm số 152 ngày 27-06-2000 của Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao. Giao hồ sơ vụ án nói trên cho Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử lại từ giai đoạn sơ thẩm.

Xét thấy:

Căn nhà số 40 Tân Khai, phường 4, quận 11, thành phố Hồ Chí Minh do bà Tăng Tô Muối được mua hoá giá của Công ty quản lý và phát triển nhà quận 11 và đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở ngày 01-02-1992. Căn nhà số 42 Tân Khai do anh Trần Thuỷ Dinh mua của ông Châu Trân, ngày 09-04-1993 anh Dinh đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu. Ngày 20-04-1993 bà Muối được cấp giấy phép xây dựng lại căn nhà số 40 Tân Khai theo thiết kế 1 tầng trệt, 1 lửng, 2 lầu. Ngày 27-04-1993, anh Dinh cũng được cấp giấy phép xây dựng lại căn nhà số 42 Tân Khai theo thiết kế tương tự căn nhà số 40 Tân Khai. Sau khi có Giấy phép xây dựng, anh Dinh đã phá dỡ 2 nhà nêu trên và xây dựng nhà mới; cấu trúc về số tầng thì giữ nguyên như Giấy phép, nhưng cách bố trí phòng và cầu thang có thay đổi, từ 2 cầu thang nay chỉ còn 1 cầu thang bên nhà, đất số 42 Tân Khai. Xây xong, bà Muối và vợ chồng anh Dinh,  chị Hạnh sử dụng chung 2 căn nhà nêu trên. Ngày 16-06-1998 anh Dinh khởi kiện cho rằng căn nhà số 40 Tân Khai thuộc sở hữu của mình nhưng không đưa ra được chứng cứ gì xác thực để chứng minh. Do đó, tại phiên toà sơ thẩm, phúc thẩm anh Dinh đã phải rút yêu cầu tranh chấp quyền sở hữu căn nhà số 40 Tân Khai và chỉ yêu cầu bà Muối trả cho anh tiền xây dựng lại căn nhà số 40 Tân Khai theo bảng chiết tính ngày 03-08-1998 của Công ty Kinh doanh nhà quận 11, thành phố Hồ Chí Minh là 453.607.000 đồng.

Bà Muối không thừa nhận lời khai của anh Dinh, bà Anh và khẳng định không chỉ nhà thuộc sở hữu của bà mà tiền xây dựng bà cũng đã đóng góp đủ. Khi xây dựng, do bà là người Hoa, không biết chữ, nên mọi giao dịch, tiền thợ xây nhà giao cho bà Anh đứng ra lo; sau đó thì giao cho anh Dinh và chồng bà Anh. Ông Huỳnh Ba (thầu xây dựng) khai: Năm 1993 ông được cha con anh Dinh kêu tới nhận lãnh thầu xây cất lại căn nhà số 40 số 42 Tân Khai, tiền công do anh Dinh trực tiếp trả, nguyên vật liệu anh Dinh đi mua. Anh Dinh khai anh trực tiếp lo vật liệu, thuê người thi công, mua vật tư xây dựng nhà. Lời khai của anh Dinh và ông Ba phù hợp với lời khai của bà Muối.

Về tiền xây dựng lại căn nhà số 40 Tân Khai: Bà Muối khai nguồn tiền xây dựng lại căn nhà số 40 Tân Khai là do bà dành dụm được, do bà Thuận (chị ruột) ở Mỹ và chị Uyên (con nuôi) ở Canada gửi về. Chị Uyên cũng có lời khai đã nhiều lần gửi tiền nhờ bạn bè và người thân về nước mang cho bà Muối tổng cộng là 40.000 USD để xây dựng lại căn nhà số 40 Tân Khai. Bà Muối khai đã 3 lần đưa tiền cho bà Anh tổng cộng là 20 lượng vàng và 28.000 USD, khi giao nhận không làm giấy tờ vì quan hệ giữa 2 người là chị em kết nghĩa, khi đưa có 2 nhân chứng là ông Ngũ Toàn và ông Đỗ Tam Tử biết. Ông Tử khai bà Muối có gửi ông giữ giùm 20 lượng vàng và 10.000 USD, khi bà Muối giao tiền cho bà Anh có yêu cầu ông đưa để bà Muối trả cho bà Anh. Hai nhân chứng đều khai bà Muối đã 3 lần giao tiền cho bà Anh vào buổi chiều, tuy nhiên đưa cụ thể bao nhiêu thì các ông không biết.

Anh Dinh và bà Anh đều thừa nhận bà Anh và bà Muối là chị em kết nghĩa rất thân tình với nhau, nhưng lại không thừa nhận bà Muối đưa tiền để xây dựng lại nhà. Tuy nhiên, sau khi được bà Anh uỷ quyền, ngày 30-11-1998 anh Dinh lại khai: năm 1993 do sự thoả thuận của má tôi (Lữ Ngọc Anh) và bà Tăng Tô Muối để xây dựng lại 2 căn nhà số 40 số 42 Tân Khai. Ngoài ra, bà Muối còn xuất trình 8 biên lai tiền phạt về chiếm lòng lề đường để đổ cát, vật liệu xây dựng lại 2 căn nhà, tổng là 1.876.000 đồng. Anh Dinh thừa nhận số tiền nộp phạt là của bà Muối. Sau khi xây xong, bà Muối cùng vợ chồng anh Dinh sử dụng chung. Do đó, cần buộc bà Anh, anh Dinh đưa ra những chứng cứ chứng minh là toàn bộ số tiền xây dựng là do mình bỏ ra và các chứng cứ bác bỏ chứng cứ của bà Muối; đồng thời cho bà Anh đối chất với bà Muối và các nhân chứng, yêu cầu bà Anh chứng minh nguồn tiền bà đưa vào xây dựng và yêu cầu bà Muối làm rõ thêm việc bà đưa tiền cho bà Anh, từ đó mới có cơ sở kết luận chính xác tiền xây dựng lại căn nhà số 40 Tân Khai do ai bỏ ra. Nếu phía nguyên đơn không đưa ra được chứng cứ gì chứng minh cho yêu cầu của mình và không bác bỏ được chứng cứ của bị đơn thì không thể chấp nhận được yêu cầu của nguyên đơn.

Về tiền xây ngăn giữa 2 nhà cần hoà giải giữa hai bên, nếu thoả thuận được thì xây tường ngăn chung, nếu không thoả thuận được thì mỗi bên tự xây dựng tường ngăn trên phía đất của mình; việc Quyết định giám đốc thẩm xác định xây tường ngăn chung trong khi không có thoả thuận của hai bên là không hợp lý.

Vì lẽ trên, căn cứ vào khoản 4 Điều 77 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự,

Quyết định:

Huỷ Quyết định giám đốc thẩm số 152 ngày 27-06-2000 của Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao, Bản án dân sự phúc thẩm số 171/DSPT ngày 10-04-1999 của Toà án nhân dân  thành phố Hồ Chí Minh và Bản án dân sự sơ thẩm số 64/DSST ngày 14-09-1998 của Toà án nhân dân  quận 11 về vụ án tranh chấp quyền sở hữu nhà giữa nguyên đơn là anh Trần Thuỷ Dinh với bị đơn là bà Tăng Tô Muối. Giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh điều tra, xét xử lại từ sơ thẩm theo đúng quy định của pháp luật.


Lý do huỷ Quyết định giám đốc thẩm của Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao và Bản án phúc thẩm:

Toà án đã chưa có căn cứ chính xác để kết luận nguồn tiền xây dựng lại căn nhà số 40 Tân Khai do ai bỏ ra.

Toà án quyết định một bên có quyền xây tường ngăn chung là không hợp lý.


Quyết định số 37/2003/HĐTP-DS ngày 24-12-2003
Về việc đòi bồi thường thiệt hại do danh dự,
nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm


Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao

…………………..

Tại phiên toà ngày 24-12-2003 xét xử giám đốc thẩm vụ án đòi bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Hải Nam, sinh năm 1952; trú tại nhà số 68/11 Lê Hồng Phong, phường Phước Hải, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà;

Bị đơn: Ông Phạm Văn Chi – Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hoà.

NHậN THấY:

Ngày 20-09-2000, bà Nguyễn Thị Hải Nam có đơn kiện đòi ông Phạm Văn Chi- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hoà phải bồi thường thiệt hại theo Điều 615 Bộ luật Dân sự, vì nội dung Công văn số 3332/UB ngày 24-12-1999 do ông Chi thay mặt Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hoà ký đã làm thương tổn đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ chồng bà Nam.

Tại Quyết định đình chỉ vụ kiện số 50 ngày 29-03-2001, Toà án nhân dân thành phố Nha Trang đã nhận định: Việc này không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án. Căn cứ vào khoản 5 Điều 36, khoản 4 Điều 46 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự quyết định: Đình chỉ vụ kiện "Đòi bồi thường danh dự, nhân phẩm, uy tín" giữa bà Nguyễn Thị Hải Nam và ông Phạm Văn Chi – Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hoà. Hoàn trả cho bà Nam 50.000 đồng tiền đóng tạm ứng án phí.

Ngày 02-04-2001 bà Nam có đơn kháng cáo Quyết định sơ thẩm nêu trên.

Tại Quyết định dân sự phúc thẩm số 07/QĐ-PT ngày 12-09-2001, Toà án nhân dân tỉnh Khánh Hoà đã nhận định: đơn khởi kiện của bà Nam thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án. Do đó, đã quyết định: Huỷ Quyết định đình chỉ vụ kiện số 50 ngày 29-03-2001 của Toà án nhân dân thành phố Nha Trang; giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân thành phố Nha Trang để thụ lý, điều tra, xét xử lại theo thủ tục chung.

Ngày 08-10-2001 Toà án nhân dân tỉnh Khánh Hoà có Quyết định số 05/QĐ-DS về việc lấy hồ sơ vụ án nêu trên để Toà án nhân dân tỉnh Khánh Hoà giải quyết theo trình tự sơ thẩm.

Tại Quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án dân sự số 07/QĐĐC-ST ngày 12-10-2001, Toà án nhân dân tỉnh Khánh Hoà đã nhận định: sự việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án và quyết định: Đình chỉ việc giải quyết vụ án dân sự nêu trên. Hoàn trả cho bà Nam 50.000 đồng tiền tạm ứng án phí.

Tại Quyết định số 07 KN-PTDS ngày 19-10-2001, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hoà đã: Kháng nghị Quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án dân sự số 07/QĐĐC-ST ngày 12-10-2001 của Toà án nhân dân tỉnh Khánh Hoà. Yêu cầu Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng đưa vụ án ra xét xử theo trình tự phúc thẩm với hướng huỷ Quyết định số 07 nêu trên của Toà án nhân dân tỉnh Khánh Hoà, giao hồ sơ vụ án về Toà án nhân dân tỉnh Khánh Hoà để thụ lý, điều tra, xét xử lại theo trình tự sơ thẩm.

Ngày 22-10-2001 bà Nam có đơn kháng cáo Quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án dân sự số 07/QĐĐC-ST ngày 12-10-2001 của Toà án nhân dân tỉnh Khánh Hoà.

Ngày 29-10-2001 Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hoà có Công văn kiến nghị số 2381/QĐ đề nghị: Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, chỉ đạo rút Quyết định kháng nghị số 07/KN- PTDS ngày 19-10-2001 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hoà.

Tại Quyết định số 01/RKN-PTDS ngày 02-11-2001, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hoà đã rút Quyết định kháng nghị số 07/KN-PTDS ngày 19-10-2001 của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hoà.

Tại Quyết định dân sự phúc thẩm số 57/QĐPT ngày 04-12-2002, Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng đã căn cứ vào khoản 1 Điều 10, Điều 70 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự Quyết định:

- Hủy Quyết định đình chỉ vụ kiện số 07/QĐĐC-ST ngày 12-10-2001 của Toà án nhân dân tỉnh Khánh Hoà về việc đòi bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín  bị xâm phạm giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Hải Nam với bị đơn là ông Phạm Văn Chi – Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hoà.

- Giao toàn bộ hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân tỉnh Khánh Hoà để thụ lý, điều tra, xét xử lại theo thủ tục chung.

Sau khi có Quyết định phúc thẩm nêu trên, ngày 26-03-2003 bà Nguyễn Thị Hải Nam gửi đơn khiếu nại đến Chánh án Toà án nhân dân tối cao đề nghị kiểm tra việc giải quyết vụ án sớm để có quyết định xử lý theo quy định của pháp luật.

Tại Kháng nghị số 34/DS-TK ngày 05-06-2003, Chánh án Toà án nhân dân tối cao nhận định: Công văn số 3332/UB ngày 24-12-1999 có thời gian và nội dung liên quan đến vụ kiện hành chính mà bà Nam đang kiện đã được xử sơ thẩm (án số 05/HCST ngày 12-09-2000 của Toà án nhân dân tỉnh Khánh Hoà), chưa có hiệu lực pháp luật, nhưng bà Nam đã tách ra để khởi kiện bằng một vụ án dân sự khác. Mặt khác, việc ông Chi ký Công văn nêu trên là thực hiện công vụ do Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hoà giao nên ông Chi không có động cơ và mục đích cá nhân, việc bà Nam kiện đòi ông Chi bồi thường là không đúng đối tượng. Hơn nữa, nội dung Công văn số 3332/UB chủ yếu để tạm dừng việc cưỡng chế hành chính, nên không gây thiệt hại cho gia đình bà Nam và khi khởi kiện bà Nam cũng không cung cấp được tài liệu để chứng minh việc ông Chi đã gây thiệt hại cho gia đình bà. Vì vậy, không có căn cứ thụ lý vụ án dân sự, cần huỷ Quyết định phúc thẩm nêu trên và đình chỉ việc giải quyết vụ án.

Tại Kết luận số 92/KL-VKSTC-V5, ngày 24-09-2003, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao không nhất trí với kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.

XéT THấY:

Theo yêu cầu khẩn thiết của bà Nguyễn Thị Hải Nam nên ngày 24-12-1999 ông Phạm Văn Chi đã thay mặt Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hoà ban hành Công văn số 3332/UB để tạm dừng việc cưỡng chế hành chính thu hồi nhà đất của gia đình bà Nam theo Quyết định số 568/QĐ-UB ngày 22-02-1999 và Quyết định số 4402/QĐ-UB ngày 26-11-1999 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hoà. Như vậy, việc ông Chi ký Công văn số 3332/UB nêu trên không có động cơ, mục đích cá nhân và cũng không là nguyên nhân trực tiếp gây thiệt hại cho gia đình bà Nam. Vì vậy, bà Nam kiện đòi ông Chi bồi thường thiệt hại là không đúng đối tượng và không có căn cứ giải quyết bằng vụ án dân sự. Do đó, Toà án cấp sơ thẩm đã đình chỉ việc giải quyết vụ án là có căn cứ, đúng pháp luật.

Bởi các lẽ trên; căn cứ và khoản 4 Điều 46 và khoản 5 Điều 77 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự,

Quyết định:

Huỷ Quyết định dân sự phúc thẩm số 57/QĐPT ngày 04-12-2002 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng.

Giữ nguyên Quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án dân sự số 07/QĐ ĐC- ST ngày 12-10-2001 của Toà án nhân dân tỉnh Khánh Hoà về việc "đòi bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm" giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Hải Nam và bị đơn là ông Phạm Văn Chi – Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hoà.


Lý do huỷ Quyết định phúc thẩm:

Toà án cấp sơ thẩm quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án vì sự việc không thuộc thẩm quyền của Toà án là đúng pháp luật.


Quyết định số 38/2003/HĐTP-DS ngày 25-12-2003
về Vụ án Xin huỷ hợp đồng
mua bán nhà và đòi nhà cho thuê


Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao

 …………………       

Tại phiên toà ngày 25-12-2003 xét xử giám đốc thẩm vụ án dân sự có các đương sự:

Nguyên đơn: 1. Bà Dương Thị Sắc, sinh 1931; trú tại số 81C Hai Bà Trưng Hà Nội.

2. Bà Dương Thị Hợi, sinh 1935; trú tại số 90 Nguyễn Khuyến, Hà Nội;

3. Ông Dương Văn Kiên, sinh 1938; trú tại số 15 tổ 31B Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội;

4. Chị Nguyễn Thị Loan, anh Nguyễn Xuân Mai, anh Nguyễn Xuân Phương, chị Nguyễn Thị Hoà, chị Nguyễn Thị Hợp, chị Nguyễn Thị Thu Huyền, anh Nguyễn Xuân Vượng; đều trú tại số l09 tổ 16, phường Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội; cùng uỷ quyền cho anh Nguyễn Xuân Vượng đại diện.

Bị đơn: Bà Nguyễn Thị Đức trú tại nhà số 83 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội

Uỷ quyền cho con trai là anh Đỗ An Sơn và chị Vũ Thị Lan đại diện (cùng địa chỉ với bà Đức).

Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Anh Nguyễn Minh Châu, sinh năm 1949

2. Chị Nguyễn Thị ánh, sinh năm 1950

Đều trú tại: Số 7 ngõ 123 phố Khương Thượng, Đống Đa, Hà Nội và cùng uỷ quyền cho bà Dương Thị Sắc.

3. Anh Đỗ An Sơn, sinh năm 1954; trú tại nhà số 83 Đội Cấn, Ba Bình, Hà Nội

4. Anh Đỗ An Hải, sinh năm 1957

5. Anh Đỗ Mạnh Hà, sinh năm 1959

Đều có hộ khẩu tại nhà số 83 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội

NHậN THấY:

Theo lời trình bày của các nguyên đơn do ông Kiên đại diện thì ngôi nhà gạch 1 tầng tại nhà số 83 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội nằm trên thửa đất có diện tích 65m2 thuộc quyền sở hữu của mẹ ông là cụ Trần Thị Kiềm và 04 người con là:

1. Bà Dương Thị Chính,

2. Bà Dương Thị Sắc,

3. Bà Dương Thị Hợi,

4. Ông Dương Văn Kiên.

Năm 1959 gia đình ông cho Tổ hợp tác "Tự Cứu" thuê, năm 1963 Tổ hợp tác trả lại nhà. Gia đình ông cho gia đình ông Đỗ Văn Chúc, bà Nguyễn Thị Đức thuê, hàng tháng các con để cụ Kiềm trực tiếp thu tiền nhà và sử dụng số tiền đó để chi tiêu sinh hoạt hàng tháng. Sau khi cụ Kiềm chết (cuối năm 1992), chị em ông (Kiên) đến gặp ông Chúc đặt vấn đề lấy lại nhà thì được ông Chúc cho biết là cụ Kiềm đã bán căn nhà đó cho gia đình ông Chúc và cho xem tờ văn tự bán nhà có ghi tên cụ Kiềm là người bán, nhưng không có người làm chứng, không có dấu xác nhận của cơ quan nhà đất hoặc chính quyền địa phương. Chị em ông rất sửng sốt, nghi ngờ vì chưa bao giờ được cụ Kiềm thông báo hoặc bàn bạc gì về việc bán nhà. Hơn nữa ngôi nhà này là đồng sở hữu của mẹ và 4 người con, nếu có việc mua bán thì các con cũng đều phải được biết và tham gia. Ông Kiên và các nguyên đơn khai rằng từ trước đến nay cụ Kiềm cho thuê nhà lấy tiền dưỡng già. Vì vậy, sau khi cụ Kiềm qua đời thì chị em ông mới đặt vấn đề đòi lại nhà. Nay nếu đúng có việc cụ Kiềm đã bán nhà thì việc mua bán là bất hợp pháp, gây thiệt hại đến quyền lợi của chị em ông. Các nguyên đơn yêu cầu Toà án hủy bỏ hợp đồng mua bán nhà, buộc gia đình bà Đức phải trả lại 4/5 căn nhà.

Theo bà Đức trình bày thì năm 1963 vợ chồng bà (chồng là ông Đỗ Văn Chúc) có thuê ngôi nhà 83 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội của cụ Trần Thị Kiềm giá thuê 6 đồng/tháng. Tháng 01-1969 cụ Kiềm bán đứt cả ngôi nhà 83 Đội Cấn nói trên cho gia đình bà với giá 1.200 đồng. Văn tự mua bán nhà được lập ngày 04-01-1969 giữa bên bán là bà Trần Thị Kiềm bên mua là Đỗ Văn Chúc và vợ là Nguyễn Thị Đức.

Từ năm 1969 gia đình bà đã nhiều lần tu bổ, sửa chữa cải tạo nhà và xây thêm diện tích mà con cháu cụ Kiềm ở xung quanh không phản đối. Hai gia đình vẫn quan hệ bình thường. Năm 1994 (sau khi cụ Kiềm chết), chị em ông Kiên đã kiện gia đình bà để đòi nhà "cho thuê". Gia đình bà không chấp nhận yêu cầu của các nguyên đơn, vì nhà này vợ chồng bà đã mua từ năm 1969. Gia đình bà đã ở ổn định từ đó đến nay kê khai nhà đất, đóng thuế thổ trạch đầy đủ hàng năm, nhưng chưa làm thủ tục sang tên sở hữu chủ. Các nguyên đơn khởi kiện, nhưng không có bất kỳ giấy tờ gốc nào về ngôi nhà nêu trên để chứng tỏ họ là chủ sở hữu nhà đó. Bà Đức yêu cầu Toà án bác yêu cầu của các nguyên đơn và cho bà làm thủ tục chuyển quyền sở hữu nhà.

Tại Bản án sơ thẩm số 03/DSST ngày 11-01-2002 Tòa án nhân dân quận Ba Đình đã quyết định:

Xác nhận ngôi nhà số 83 phố Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội nằm trên thửa đất số 100 tờ bản đồ số 1 khu Ngọc Hà có diện tích 67,18m2 là thuộc quyền sở hữu của:

- Trần Thị Kiềm

- Dương Văn Kiên

- Dương Thị Chính

- Dương Thị Sắc

- Dương Thị Hợi.

Có tổng giá trị là 1.085.405.167 đồng (Một tỷ, không trăm tám năm triệu, bốn trăm linh năm nghìn, một trăm sáu bẩy đồng “trong đó có 72.684.167 đồng tiền xây dựng cải tạo của gia đình bà Đức”).

- Chấp nhận yêu cầu của bà Dương Thị Sắc, ông Dương Văn Kiên, bà Dương Thị Hợi và anh Nguyễn Xuân Vượng về việc đòi nhà cho thuê và xin huỷ hợp đồng mua bán nhà trái pháp luật giữa cụ Trần Thị Kiềm với ông Đỗ Văn Chúc và bà Nguyễn Thị Đức.

- Tuyên bố hợp đồng mua bán nhà 83 Đội Cấn ngày 04-01-1969 giữa cụ Trần Thị Kiềm với ông Đỗ Văn Chúc và bà Nguyễn Thị Đức là vô hiệu một phần.

- Hủy bỏ một phần hợp đồng mua bán nhà 83 Đội Cấn ngày 04-01-1969 giữa cụ Kiềm với ông Chúc và bà Đức.

- Ông Dương Văn Kiên, bà Dương Thị Sắc, bà Dương Thị Hợi và các thừa kế của bà Dương Thị Chính (do anh Nguyễn Xuân Vượng thay mặt) được sở hữu và sử dụng 3/5 ngôi nhà 83 Đội Cấn (phần giáp số nhà 85) có (165m ´ 17,9m) + (2,92m ´ 4,45m) = 40,26m2.

Có trị giá là: 651.243.099 đồng (Sáu trăm năm mươi mốt triệu, hai trăm bốn ba ngàn, không trăm chín chín đồng) và phải thanh toán trả gia đình bà Đức 43.610.499 đồng tiền cải tạo xây dựng nhà.

- Bà Nguyễn Thị Đức được sở hữu, sử dụng 2/5 ngôi nhà 83 Đội Cấn (phần giáp số nhà 81) có diện tích là: 1,5m x 17,9m = 26,85m2.

Có trị giá là: 434.162.066 đồng (Bốn trăm ba mươi tư triệu, một trăm sáu hai ngàn, không trăm sáu sáu đồng).

Trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật gia đình bà Đức, anh Sơn, anh Hải và các thành viên khác trong gia đình phải bàn giao trả lại diện tích 40,26m2 nhà 83 Đội Cấn cho ông Kiên, bà Sắc, bà Hợi, anh Vượng và được nhận 43.610.499 đồng tiền xây dựng cải tạo nhà do phía nguyên đơn thanh toán.

Phí tổn ngăn nhà hai bên cùng phải chịu.

Bác các yêu cầu khác của hai bên đương sự.

Sau khi xét xử sơ thẩm ngày 18-01-2002 ông Kiên, bà Sắc và các thừa kế của bà Chính có đơn kháng cáo; ngày 14-01-2002 bà Đức có đơn kháng cáo:

Tại Bản án phúc thẩm số 87/DSPT ngày 23-05-2002 Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định:

- Về hình thức: Chấp nhận đơn kháng cáo hợp lệ của các nguyên đơn ông Kiên, bà Sắc, bà Hợi, anh Vượng đại diện các thừa kế của bà Chính và đơn kháng cáo hợp lệ của bà Đức.

- Về nội dung: Sửa Bản án sơ thẩm số 03/DSST ngày 11-01-2002 của Tòa án nhân dân quận Ba Đình và xử như sau:

1. Xác nhận nhà, đất tại 83 phố Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội có diện tích 65,09m2, có tổng giá trị = 1.624.622.997 đồng (trong đó phần xây dựng cải tạo mới của gia đình bà Đức là 57.441.995 đồng, kể cả phần mái tôn mới sửa 12.760.000 đồng là 72.684.167 đồng, thuộc đồng sở hữu của 5 người là: Cụ Trần Thị Kiềm, ông Dương Văn Kiên, bà Dương Thị Sắc, bà Dương Thị Hợi, bà Dương Thị Chính.

2. Xác nhận cụ Kiềm được sở hữu 1/5 nhà đất tại 83 Đội Cấn có diện tích 13,018m2, có giá trị là 313.436.200đồng, 4 đồng sở hữu khác (bà Sắc, bà Hợi, ông Kiên, bà Chính) được sở hữu 4/5 nhà đất 83 Đội Cấn, có diện tích 52,072m2, có giá trị l.253.744.800 đồng. Bà Chính chết năm 1998, phần sở hữu của bà Chính do các thừa kế của bà Chính được hưởng.

3. Xác định hợp đồng mua bán nhà 83 Đội Cấn ngày 04-01-1969 giữa cụ Kiềm và ông Chúc, bà Đức là vô hiệu.

4. Xác nhận cụ Kiềm chết năm 1992, tài sản thuộc sở hữu của cụ Kiềm ngoài 1/5 nhà đất tại 83 Đội Cấn = 13,018m2, có giá trị là 313.436.200 đồng, không còn tài sản nào khác.

5. Xác định 1/5 nhà đất tại 83 Đội Cấn thuộc sở hữu của cụ Kiềm được thanh toán cho bị đơn do hợp đồng vô hiệu.

6. Ghi nhận sự tự nguyện của các nguyên đơn (ông Kiên, bà Sắc, bà Hợi và các thừa kế của bà Chính do anh Vượng đại diện) đồng ý cho gia đình bà Đức sở hữu thêm 1/5 nhà 83 Đội Cấn có diện tích 13,018m2, có giá trị 313.436.200 đồng.

7. Bị đơn được thanh toán hợp đồng vô hiệu+ được sở hữu thêm 2/5 nhà 83 Đội Cấn là 26,036m2 = 626.872.400 đồng.

8. Ghi nhận sự tự nguyện của các nguyên đơn không yêu cầu bị đơn thanh toán giá trị nhà đất được sở hữu thêm 13,018m2, có giá trị là 313.436.200 đồng, sau khi đã trừ phần nguyên đơn phải thanh toán giá trị xây dựng sửa chữa cho bị đơn là 22.644.829 đồng tại 3/5 diện tích nhà nguyên đơn được sở hữu.

9. Phần hiện vật:

Các diện tích được phân chia tính cả tường và diện tích được chia tầng 1 được đóng thẳng lên tầng 2, cụ thể như sau:

a) Nguyên đơn: Được sở hữu phần diện tích = 3/5 ngôi nhà 83 Đội Cấn giáp nhà 85 Đội Cấn phía tay trái đứng từ đường nhìn vào, có các diện tích sau:

- Diện tích phòng 1 mặt phố (2 tầng):

+ Có chiều rộng giáp hè phố kéo từ tường ngăn với nhà 85 Đội Cấn về phía tay phải là 1,7m.

+ Chiều rộng phía trong giáp với diện tích sân là 1,5m, chiều dài căn phòng 10,4m, diện tích :  x 10,4m = 16,64m2 (giá trị sử dụng đất 399.360.000 đồng, giá trị xây dựng16.303.839 đồng = 415.663.839 đồng.

+ Diện tích sân giáp với diện tích 1 được chia:

Rộng 1,43m x sân 4m = 5,72m2 (giá trị sử dụng đất là 137.280.000 đồng, giá trị xây dựng 371.800 đồng = 137.651.800 đồng).

+ Tiếp theo diện tích 2 (2 tầng):

Rộng 1,44m x 3,48m = 5,01m2 (giá trị sử dụng đất 120.240.000 đồng, giá trị xây dựng 5.779.826 đồng = 126.019.826 đồng).

+ Diện tích toàn bộ bếp còn lại phía trong 1 tầng lợp tôn là: 2,75m x 4,22m = 11,6m2, (giá trị sử dụng đất là 278.400.000 đồng, giá trị xây dựng là 2.990.800 đồng = 281.390.800 đồng).

+ Diện tích ban công tầng 2 là 1,7m x 0,85m = 1,445m2 (giá trị xây dựng là 427.500 đồng).

Tổng diện tích nguyên đơn được sở hữu là 38,97m2 (có giá trị sử dụng đất là 935.260.000 đồng, có giá trị xây dựng là 25.837.765 đồng = 961.153.765 đồng (phần sửa chữa làm thêm của gia đình bà Đức là 22.644.829 đồng, chưa kể phần mái tôn mới sửa, còn lại phần xây dựng nguyên thuỷ là 3.228.936 đồng gồm tường 2.825.733 đồng, móng 403.203 đồng).

b) Phần diện tích bị đơn được sở hữu và sử dụng phía tay phải giáp nhà 81 Đội Cấn từ phố nhìn vào gồm các diện tích sau:

+ Diện tích 1 mặt phố (2 tầng) là: ´ 10,4m = 15,652m2 (giá trị sử dụng đất 375.648.000 đồng, giá trị sử dụng xây dựng 15.335.798 đồng= 390.983.798 đồng).

+ Diện tích sân: 1,4 x 4m = 5,6m2 (giá trị sử dụng đất là 134.400.000 đồng, giá trị xây dựng 364. 000 đồng = 134.764.000 đồng).

+ Diện tích 2 (2 tầng) là: 1,4m x 3,48m = 4,872m2 (giá trị sử dụng đất 116.928.000 đồng, giá trị xây dựng 5.618.314 đồng = 122.546.314 đồng).

+ Khu phụ, WC, cầu thang do bị đơn tự làm được sở hữu là 6.074.128 đồng (bao gồm cả thiết bị khu phụ).

+ Diện tích ban công tầng 2 = 427.500 đồng. Bà Đức được sở hữu tổng diện tích là 26,036m2, giá trị sử dụng đất 626.976.000 đồng, giá trị xây dựng 36.589.232 đồng = 663.565.232 đồng. Trong đó giá trị xây dựng nguyên thuỷ 1.792.130 đồng (gồm có tường 10 là 1.412.867 đồng, móng cũ 379.263 đồng) phần còn lại xây dựng mới của bà Đức là 34.797.263 đồng (chưa kể phần mái tôn mới sửa năm 2001).

c) Nguyên đơn tự làm cầu thang lên tầng 2 trong phần diện tích nhà, đất được sở hữu và sử dụng.

d) Bị đơn được tự mở lối đi ra sân và cầu thang tại tầng 1 trong phần diện tích được sở hữu và sử dụng.

e) Bức tường xây ngăn của mỗi bên nằm trên phần diện tích đất được chia sử dụng.

10. Chấp nhận yêu cầu đòi nhà của nguyên đơn: Buộc gia đình bà Đức gồm những người có tên trong hộ khẩu và ăn ở thường xuyên tại 83 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội, phải trả lại toàn bộ diện tích thuộc sở hữu của 4 đồng nguyên đơn (bà Sắc, bà Hợi, ông Kiên và các thừa kế của bà Chính do anh Vượng đại diện) và dọn về phần diện tích 2/5 nhà 83 Đội Cấn mà gia đình bà Đức được sở hữu và sử dụng.

11. Bác các yêu cầu khác của các đương sự.

Sau khi xét xử phúc thẩm bà Đức có đơn khiếu nại.

Tại Quyết định số 173/KNDS ngày 11-11-2002, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã kháng nghị Bản án phúc thẩm nêu trên; đề nghị Toà Dân sự Tòa án nhân dân tối cao xử bác yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn do không đủ căn cứ pháp lý.

Tại Quyết định giám đốc thẩm số 49/GĐT-DS ngày 24-03-2003, Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao đã quyết định:

Sửa Bản án phúc thẩm số 87/PTDS ngày 23-05-2002 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội như sau:

- Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn xin huỷ hợp đồng mua bán nhà và đòi nhà cho thuê đối với gia đình bà Nguyễn Thị Đức.

- Xác định nhà đất số 83 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội có diện tích 65,09m2 thuộc quyền sở hữu của cụ Trần Thị Kiềm.

- Công nhận hợp đồng mua bán nhà số 83 Đội Cấn lập ngày 04-01-1969 giữa cụ Trần Thị Kiềm và vợ chồng ông Đỗ Văn Chúc, bà Nguyễn Thị Đức có hiệu lực.

- Bà Nguyễn Thị Đức hoàn tất thủ tục theo quy định để được công nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất.

Ngoài ra, Quyết định giám đốc thẩm còn quyết định về án phí.

Sau khi xét xử giám đốc thẩm, ông Kiên, bà Sắc, bà Hợi và anh Vượng có đơn khiếu nại Quyết định giám đốc thẩm nêu trên.

Tại Quyết định kháng nghị số 105/KN-VKSTC-V5 ngày 06-10-2003 đối với Quyết định giám đốc thẩm nêu trên, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm; sửa Quyết định giám đốc thẩm số 49/GĐT-DS ngày 24-03-2003 của Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao và xử giữ nguyên bản án phúc thẩm số 87/DSPT ngày 23-05-2002 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội.

XéT THấY:

Tại Quyết định giám đốc thẩm số 49/GĐT-DS ngày 24-03-2003 đã xác định nhà 83 Đội Cấn là tài sản riêng của cụ Kiềm vì cụ Kiềm mua năm 1944 là chưa đủ căn cứ. Bởi lẽ, căn cứ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án như bản tài liệu bằng Tiếng Pháp (đã được dịch ra tiếng Việt có tiêu đề "Chủ sở hữu kế tục") liên quan đến nhà 83 Đội Cấn- Ba Đình- Hà Nội; Tờ khai đăng ký nhà và đất do ông Dương Văn Kiên đứng tên kê khai ngày 10-08-1959; Công văn 3290/ĐC-NĐ-CS ngày 27-08-1999 của Sở Địa chính nhà đất Hà nội thì có cơ sở để xác định nhà đất tại 83 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội thuộc quyền sở hữu của cụ Trần Thị Kiềm và bốn người con gồm: ông Dương Văn Kiên, bà Dương Thị Sắc, bà Dương Thị Hợi, bà Dương Thị Chính.Tuy nhiên, các tài liệu này (trừ Công văn 3290/ĐC-NĐ-CS ngày 27-08-1999 của Sở Địa chính nhà đất Hà Nội) đều là bản photocopy và không có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc xác nhận của người tiến hành tố tụng. Hơn nữa, trong quá trình giải quyết vụ án Toà án các cấp cũng đã có nhiều công văn gửi Sở Địa chính nhà đất Hà nội đề nghị làm sáng tỏ một số vấn đề liên quan đến nhà, đất tại 83 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội, nhưng không được cung cấp đầy đủ. Mặt khác, Thẩm phán không trực tiếp xem xét các tài liệu có tại Sở Địa chính nhà đất Hà Nội nên những vấn đề nêu trong công văn của các cấp Toà án chưa được làm sáng tỏ.

Vì vậy cần điều tra làm rõ tính xác thực của các tài liệu nêu trên, cụ thể phải trực tiếp xem xét và sao chụp toàn bộ các tài liệu mà Sở Địa chính nhà đất Hà Nội đang lưu giữ có liên quan đến nhà, đất tại 83 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội; cần phải xác minh tại Sở Địa chính nhà đất về những thông tin do Sở Địa chính nhà đất cung cấp còn chưa rõ và mâu thuẫn. Đồng thời xem xét các chứng cứ, tài liệu do các đương sự xuất trình trong quá trình giải quyết vụ án. Từ đó mới có cơ sở xác định chính xác nhà, đất tại 83 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội thuộc sở hữu riêng của cụ Kiềm hay của cụ Kiềm và các nguyên đơn. Trên cơ sở đó quyết định công nhận hay không công nhận hợp đồng mua bán nhà lập ngày 04-01-1969 giữa cụ Kiềm và vợ chồng bà Nguyễn Thị Đức.

Bởi các lẽ trên và căn cứ vào khoản 4 Điều 77 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự.

Quyết định:

Huỷ Quyết định giám đốc thẩm số 49/GĐT-DS ngày 24-03-2003 của Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao; Bản án phúc thẩm số 87/PTDS ngày 23-05-2002 của Toà án nhân dân  thành phố Hà Nội; Bản án sơ thẩm số 03/DSST ngày 11-01-2002 của Toà án nhân dân  quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

Giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân  thành phố Hà Nội điều tra, xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.


Lý do huỷ Quyết định giám đốc thẩm của Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao và các Bản án sơ thẩm, phúc thẩm:

Chưa có cơ sở xác định chính xác nhà, đất tại số 83 Đội Cấn thuộc sở hữu riêng của cụ Kiềm hay của cụ Kiềm và các nguyên đơn. Do đó, chưa thể công nhận hợp đồng mua bán nhà giữa cụ Kiềm và vợ chồng bà Nguyễn Thị Đức.


Quyết định số 01/2004/HĐTP-DS ngày 25-02-2004
Về vụ án tranh chấp hợp đồng
mua bán nhà đất

 
Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao

…………………..

Tại phiên toà ngày 25-02-2004 xét xử giám đốc thẩm vụ án dân sự về tranh chấp hợp đồng mua bán nhà, đất giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Anh Dương Văn Vân

Bị đơn : Ông Dương Văn Tường

Cùng trú tại thôn Đông, xã Phụng Thương, huyện Phúc Thọ, Tỉnh Hà Tây

 Nhận THấY:

Vợ chồng cụ Dương Văn Hảo (chết năm 1990) và cụ Trần Thị Tảo (chết năm 1987) có 4 con chung là Dương Thị Phát, Dương Văn Tường, Dương Văn Minh, Dương Văn Vĩnh.

Sinh thời các cụ tạo lập được 04 thửa đất. Khi còn sống các cụ đã chia đất cho 3 con trai các thửa sau:

- Ông Tường thửa số 426 có diện tích 566m2

- Ông Minh thửa số 657 có diện tích 476m2

- Ông Vĩnh thửa số 656 có diện tích 366m2

Ngoài ra, còn có một thửa ao, tại bản đồ năm 1967 chia làm 2 thửa, thửa số 470 có diện tích 570m2 do cụ Hảo đứng tên, Thửa số 471 có diện tích 620m2 do ông Tường đứng tên. Nhưng có ghi bà Phát 144m2 trong thửa 471. Năm 1978 bà Phát ly hôn chồng về ở trong căn nhà tranh ở góc ao cùng bố mẹ và được bố mẹ cho thêm 72m2 đất nữa. Năm 1991 thửa số 471 được tách làm hai là thửa số 592 có diện tích 409m2 do ông Tường đứng tên, thửa số 593 có diện tích 214m2 do bà Phát đứng tên. Năm 1994 – 1996 có sự điều chỉnh đổi số thửa và xác định lại diện tích thì thửa số 592 đổi thành thửa số 660 ghi diện tích là 445m2 đứng tên ông Tường, thửa 593 đổi thành 659 ghi diện tích là 196m2 đứng tên bà Phát.

Sau khi bố mẹ chết, năm 1990 do nhà cũ dột nát bà Phát đã làm lại nhà (nhà 2 gian) và đã quản lý, sử dụng diện tích đất (thửa số 659) cho đến khi chết.

Tháng 12-1998 bà Phát ốm phải đi bệnh viện, vì không có tiền trả nợ nên bà Phát đã gọi anh em, nội tộc đến để xin phép được bán nhà đất. Ngày 28-01-1999 bà Phát làm giấy nhượng cho anh Dương Văn Vân là con trai ông Dương Văn Minh 120m2 đất có 1 gian nhà. Ngày 03-02-1999 bà Phát lập di chúc có nội dung ngoài phần nhà đất đã nhượng cho anh Vân, phần còn lại 4 thước đất cho ông Dương Văn Minh là em trai thừa hưởng. Nhưng ông Tường không đồng ý với lý do nhà và đất là của ông cho bà Phát ở nhờ.

Tại Bản án sơ thẩm dân sự số 12/DSST ngày 27-08-1999 Toà án nhân dân huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây quyết định:

- Bà Dương Thị Phát có quyền sử dụng 199,7m2 đất ở thửa số 593 và có quyền sở hữu 2 gian nhà xây lợp ngói có trên diện tích đất trên.

- Anh Dương Văn Vân có quyền sử dụng 120m2 đất và sở hữu 01 gian nhà đã mua của bà Dương Thị Phát trị giá 17.600.000đ. (có sơ đồ kèm theo)

- Bác yêu cầu đòi sở hữu nhà đất trên của ông Dương Văn Tường.

Ngày 28-08-1999 ông Dương Văn Tường có đơn kháng cáo.

Tại Bản án phúc thẩm dân sự số 15/DSPT ngày 26-01-2000 Toà án nhân dân tỉnh Hà Tây quyết định:

Bác yêu cầu của Anh Dương Văn Vân đòi sở hữu 1 gian nhà trên 120m2 đất trong thửa số 471.

Sau khi xét xử phúc thẩm Anh Dương Văn Vân có đơn khiếu nại với nội dung: Thửa đất tranh chấp là của bà Dương Thị Phát, nhà 1à do bà Phát tự làm và đã ở suốt đời trên đất đó. Vì hiểu biết pháp luật có hạn nên trong giấy chuyển nhượng chỉ ghi chuyển nhượng đất, không ghi nhà. Đề nghị Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xem xét lại.

Tại Quyết định số 84/KSXXDS ngày 27-12-2001, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án phúc thẩm nêu trên .

Tại Quyết định giám đốc thẩm số 17/GĐT-DS ngày 25-01-2002 Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao quyết định:

Huỷ Bản án dân sự phúc thẩm số 15/DSPT ngày 26-01-2000 của Toà án nhân dân tỉnh Hà Tây, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 12/DSST ngày 27-08-1999 của Toà án nhân dân huyện Phúc Thọ xử việc tranh chấp hợp đồng mua bán nhà đất giữa nguyên đơn là anh Dương Văn Vân và bị đơn 1à ông Dương Văn Tường.

Sau khi có Quyết định giám đốc thẩm, Phòng thi hành án tỉnh Hà Tây có Công văn số 267/THA ngày 22-10-2002 đề nghị Chánh án Toà án nhân dân tối cao xem xét lại Quyết định giám đốc thẩm nêu trên với lý do: Sau khi có Bản án phúc thẩm dân sự số 15/DSPT ngày 26-01-2000 của Toà án nhân dân tỉnh Hà Tây thì Đội Thi hành án huyện Phúc Thọ đã thi hành án giao cho ông Tường quản lý nhà đất như bản án đã tuyên. Ông Tường đã phá 2 gian nhà cũ và xây lại nhà mới, nhưng khi xử giám đốc thẩm Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao không xem xét đến việc tài sản trên đất tranh chấp đã thay đổi. Đề nghị lãnh đạo Toà án nhân dân tối cao xem xét, xử lý tài sản phát sinh khác với bản án sơ thẩm đã tuyên.

Tại Quyết định số 68/KNDS ngày 15-10-2003 Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã kháng nghị Quyết định giám đốc thẩm số 17/GĐT-DS ngày 25-01-2002 của Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao, với nhận định:

Nhà đất tranh chấp là của bà Phát nên bà Phát có quyền định đoạt. Toà án cấp sơ thẩm và giám đốc thẩm của Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao đã xử chấp nhận cho anh Dương Văn Vân được sở hữu, sử dụng nhà đất tranh chấp là đúng. Nhưng do cơ quan thi hành án địa phương đã thi hành xong bản án của cấp phúc thẩm, ông Tường đã phá nhà cũ của bà Phát, làm nhà khác trên đất tranh chấp. Việc làm phát sinh tài sản này có trước khi xử giám đốc thẩm, nhưng Quyết định giám đốc thẩm nói trên không xem xét giải quyết là thiếu sót. Bởi vậy cần phải kháng nghị Quyết định giám đốc thẩm nêu trên để định giá phần tài sản mới phát sinh và giải quyết đồng thời trong vụ án.

Tại Kết luận số 03/KL-VKSTC-V5 ngày 14-01-2004 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhất chí với Quyết định Kháng nghị trên của Chánh án.

XéT THấY:

Nguồn gốc diện tích đất tranh chấp là của vợ chồng cụ Dương Văn Hảo, Trần Thị Tảo. Theo bản đồ năm 1967 thì phần đất tranh chấp nằm trong diện tích 620m2 thuộc thửa đất số 471 do ông Dương Văn Tường đứng tên, nhưng có ghi tên bà Dương Thị Phát 144m2. Năm 1978 bà Dương Thị Phát ly hôn chồng về ở trong căn nhà tranh ở góc ao cùng bố mẹ và được bố mẹ cho thêm 72m2 đất. Sau khi bố mẹ chết, năm 1990 do nhà cũ dột nát, bà Dương Thị Phát đã làm lại nhà (nhà 2 gian) và đã ở trong căn nhà này, sử dụng quản lý 199,7m2 đất từ đó cho  đến khi chết.

Ngày 28-01-1999 bà Dương Thị Phát ký văn tự nhượng đất thổ cư cho anh Dương Văn Vân với diện tích 120m2 (có vẽ sơ đồ, chỉ giới tứ cận). Ngày 03-02-1999 Bà Dương Thị Phát ký và điểm chỉ ”di chúc cho người thừa kế đất thổ cư” trong giấy này bà Phát một lần nữa nhắc lại việc bà quyết định nhượng cho anh Dương Văn Vân 120m2 đất để lấy một số tiền trả nợ và điều trị bệnh, phần đất còn lại cho ông Dương Văn Minh.

Tại Bản án phúc thẩm dân sự số 15/DSPT ngày 26-01-2000 Toà án nhân dân tỉnh Hà Tây xử bác yêu cầu của anh Dương Văn Vân với lý do hợp đồng chuyển nhượng đất giữa bà Dương Thị Phát với anh Dương Văn Vân chỉ ghi diện tích đất, không ghi trên đất có nhà, trong khi diện tích đất tranh chấp chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng, thủ tục chuyển nhượng chưa hoàn tất là chưa đúng. Bản án phúc thẩm trên không xem xét đến bản chất tranh chấp của vụ án là cần phải xác định, đánh giá nhà đất tranh chấp là của ai, nên dẫn đến việc xét xử thiếu chính xác.

Căn cứ các tài liệu có trong hồ sơ, năm 1967 thửa số 471 do ông Dương Văn Tường đứng tên và có ghi bà Phát 144m2 cùng nằm trong thửa này, nhưng quá trình sử dụng đất, năm 1991 thửa đất số 471 được chia thành 2 thửa trong đó bà Phát đứng tên độc lập thửa số 593 có diện tích 214m2, đến năm 1994 -1996 thửa số 593 đổi thành thửa số 659 do bà Phát đứng tên với diện tích 196m2. Thực tế bà Phát đã ở và quản lý diện tích đất tranh chấp liên tục từ năm 1978 đến khi chết (ngày 22-02-1999). Các nhân chứng là anh, em, họ nội tộc của ông Dương Văn Tường, bà Dương Thị Phát xác nhận nhà đất tranh chấp là của bà Dương Thị Phát. Tuy nhiên, về số đo các thửa trong các thời kỳ khác nhau, diện tích, số thửa có nhiều biến đổi, chưa thật sự thống nhất về diện tích và hiện nay ông Dương Văn Tường đang tranh chấp diện tích đất này. Do đó, cần phải kiểm tra lại thật kỹ sổ sách, giấy tờ và xem xét trên thực địa làm rõ diện tích nhà đất tranh chấp có đúng của bà Dương Thị Phát hay không. Nếu đúng nhà đất là của bà Phát thì bà có quyền định đoạt. Mặt khác, sau khi có bản án phúc thẩm, ông Dương Văn Tường đã phá nhà cũ làm lại nhà mới, vì vậy cần phải xác minh và  giải quyết trong cùng vụ án phần xây dựng mới này, có như vậy mới đảm bảo quyền lợi của các đương sự.

Bởi lẽ trên, căn cứ vào khoản 4 Điều 77 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự,

QUyếT ĐịNH:

Huỷ Quyết định giám đốc thẩm dân sự số 17/GĐT-DS ngày 25-1-2002 của Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao, Bản án phúc thẩm dân sự số 15 /DSPT ngày 26-01-2000 của Toà án nhân dân tỉnh Hà Tây và Bản án dân sự sơ thẩm số 12/DSST ngày 27-08-1999 của Toà án nhân dân huyện Phúc Thọ tỉnh Hà Tây đã xét xử việc tranh chấp nhà đất giữa anh Dương Văn Vân và ông Dương Văn Tường.

Giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây điều tra, xét xử lại từ sơ thẩm theo đúng qui định của pháp luật.


Lý do huỷ Quyết định giám đốc thẩm của Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao và các Bản án sơ thẩm, phúc thẩm:

Cần xác định rõ vị trí và diện tích nhà đất đang tranh chấp và xác minh giá trị phần tài sản mới phát sinh để giải quyết trong cùng một vụ án.


Quyết định số 02/2004/HĐTP-DS ngày 25-02-2004
Về vụ án tranh chấp nhà, đất


Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao

…………………

Tại phiên toà ngày 25-02-2004 xét xử giám đốc thẩm vụ án dân sự về tranh chấp hợp đồng tặng cho, di chúc nhà đất giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Ông Dương Văn Minh

Bị đơn: Ông Dương Văn Tường

Cùng trú tại thôn Đông, xã Phụng Thương, huyện Phúc Thọ, Tỉnh Hà Tây

NHậN THấY:

Vợ chồng cụ Dương Văn Hảo (chết năm 1990) và cụ Trần Thị Tảo (chết năm 1987) có 4 con chung là Dương Thị Phát, Dương Văn Tường, Dương Văn Minh, Dương Văn Vĩnh.

 Sinh thời các cụ tạo lập được 04 thửa đất. Khi còn sống các cụ đã chia đất cho 3 con trai các thửa sau:

- Ông Tường thửa số 426 có diện tích 566m 2,

- ông Minh thửa số 657 có diện tích 476m 2,

- Ông Vĩnh thửa số 656 có diện tích 366m 2,

Ngoài ra, còn có một thửa ao, tại bản đồ năm 1967 chia làm 2 thửa, thửa số 470 có diện tích 570m2 do cụ Hảo đứng tên, Thửa số 471 có diện tích 620m2 do ông Tường đứng tên. Nhưng có ghi bà Phát 144m2 trong thửa 471. Năm 1978 bà Phát ly hôn chồng về ở trong căn nhà tranh ở góc ao cùng bố mẹ và được bố mẹ cho thêm 72m2 đất nữa. Năm 1991 thửa số 471 được tách làm hai là thửa số 592 có diện tích 409m2 do ông Tường đứng tên, thửa số 593 có diện tích 214m2 do bà Phát đứng tên. Năm 1994 – 1996 có sự điều chỉnh đổi số thửa và xác định lại diện tích số thửa số 592 đổi thành thửa số 660 ghi diện tích là 445m2 đứng tên ông Tường, thửa 593 đổi thành thửa 659 ghi diện tích là 196m2 đứng tên bà Phát.

Sau khi bố mẹ chết, năm 1990 do nhà cũ dột nát bà Phát đã làm lại nhà (nhà 2 gian) và đã quản lý, sử dụng diện tích đất (thửa số 659) cho đến khi chết.

Tháng 12-1998 bà Phát ốm phải đi bệnh viện, vì không có tiền trả nợ nên bà Phát đã gọi anh em, nội tộc đến để xin phép được bán nhà đất. Ngày 28-01-1999 bà Phát làm giấy nhượng cho anh Dương Văn Vân là con trai ông Dương Văn Minh 120m2 đất có 1 gian nhà. Ngày 03-02-1999 bà Phát lập di chúc có nội dung ngoài phần nhà đất đã nhượng cho anh Vân, phần còn lại 4 thước đất cho ông Dương Văn Minh là em trai thừa hưởng. Nhưng ông Tường không đồng ý với lý do nhà và đất là của ông cho bà Phát ở nhờ.

Tại Bản án sơ thẩm dân sự số 11/DSST ngày 27-08-1999 Toà án nhân dân huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây quyết định:

- Bà Dương Thị Phát có quyền sử dụng 199,7m2 đất ở thửa số 593 và có quyền sở hữu 2 gian nhà xây lợp ngói có trên diện tích đất trên.

- Ông Dương Văn Minh có quyền hưởng tài sản bà Phát để lại theo di chúc, cụ thể được quyền sử dụng 79,7m2 đất ở tại thửa 593 và được sở hữu 1 gian nhà trên đất (có sơ đồ kèm theo).

- Bác yêu cầu đòi sở hữu nhà đất trên của ông Dương Văn Tường.

Ngày 28-08-1999 ông Dương Văn Tường có đơn kháng cáo.

Tại Bản án phúc thẩm dân sự số 14/DSPT ngày 26-01-2000 Toà án nhân dân tỉnh Hà Tây quyết định:

Bác yêu cầu của ông Dương Văn Minh đòi sở hữu 1 gian nhà trên 79,7m2 đất trong thửa số 471 tờ bản đồ số 4B tại thôn Đông, xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ tỉnh Hà Tây.

Sau khi xét sử phúc thẩm bà Đặng Thị Lý (vợ ông Dương Văn Minh) có đơn khiếu nại với nội dung: Thửa đất tranh chấp là của bà Dương Thị Phát, nhà là do bà Phát tự làm và đã ở đến khi chết. Vì hiểu biết pháp luật có hạn nên trong di chúc chỉ ghi cho đất không ghi nhà. Đề nghị Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xem xét lại.

Tại Quyết định số 85/KN-KSXXDS ngày 27-12-2001, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án phúc thẩm nêu trên.

Tại Quyết định giám đốc thẩm số 18/GĐT-DS ngày 25-01-2002 của Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao quyết định:

Huỷ Bản án dân sự phúc thẩm số 14/DSPT ngày 26-01-2000 Toà án nhân dân tỉnh Hà Tây, giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 11 ngày 27-08-1999 của Toà án nhân dân huyện Phúc Thọ xử việc chia nhà đất thừa kế giữa nguyên đơn là ông Dương Văn Minh và bị đơn là ông Dương Văn Tường.

Sau khi có Quyết định giám đốc thẩm, Phòng Thi hành án tỉnh Hà Tây có Công văn số 267/THA ngày 22-10-2002 đề nghị Chánh án Toà án nhân dân tối cao xem xét lại Quyết định giám đốc thẩm nêu trên với lý do: Sau khi có Bản án phúc thẩm dân sự số 14 ngày 26-01-2000 của Toà án nhân dân tỉnh Hà Tây thì Đội Thi hành án huyện Phúc Thọ đã thi hành án giao cho ông Tường quản lý nhà đất như án đã tuyên. Ông Tường đã phá 2 gian nhà cũ và xây lại nhà mới , nhưng khi xử giám đốc thẩm Toà Dân sự Toà án tối cao không xem xét đến việc tài sản trên đất tranh chấp đã thay đổi. Đề nghị lãnh đạo Toà án nhân dân tối cao xem xét, xử lý tài sản phát sinh khác với bản án sơ thẩm đã tuyên.

Tại Quyết định số 69/KNDS ngày 15-10-2003 Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã kháng nghị Quyết định giám đốc thẩm số 18/GĐT-DS ngày 25-01-2002 của Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao, với nhận định:

Nhà đất tranh chấp là của bà Phát nên bà Phát có quyền định đoạt. Toà án cấp sơ thẩm và giám đốc thẩm của Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao xử chấp nhận cho ông Minh được sở hữu, sử dụng nhà đất tranh chấp là đúng. Nhưng do cơ quan thi hành án địa phương đã thi hành xong bản án của cấp phúc thẩm, ông Tường đã phá nhà cũ của bà Phát, làm nhà khác trên đất tranh chấp. Việc làm phát sinh tài sản này có trước khi xử giám đốc thẩm, nhưng Quyết định giám đốc thẩm nói trên không xem xét giải quyết là thiếu sót. Bởi vậy cần phải kháng nghị Quyết định giám đốc thẩm nêu trên để định giá phần tài sản mới phát sinh và giải quyết đồng thời trong vụ án.

Tại Kết luận số 02/KL-VKSTC-V5 ngày 14-01-2004 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với Quyết định Kháng nghị trên của Chánh án.

XéT THấY:

Nguồn gốc diện tích đất tranh chấp là của vợ chồng cụ Dương Văn Hảo, Trần Thị Tảo. Theo bản đồ năm 1967 thì phần đất tranh chấp nằm trong 620m2 thuộc thửa đất số 471 do ông Dương Văn Tường đứng tên, nhưng có ghi tên bà Dương Thị Phát 144m2. Năm 1978 bà Dương Thị Phát ly hôn chồng về ở trong căn nhà tranh ở góc ao cùng bố mẹ và được bố mẹ cho thêm 72m2 đất. sau khi bố mẹ chết, năm 1990 do nhà cũ dột nát, bà Dương Thị Phát đã làm lại nhà (nhà 2 gian) và đã ở trong căn nhà này, sử dụng quản lý 199,7m2 đất từ đó cho đến khi chết.

Ngày 28-01-1999 bà Dương Thị Phát ký văn tự nhượng đất thổ cư cho anh Dương Văn Vân với diện tích 120m2 . Ngày 03-02-1999 Bà Dương Thị Phát ký và điểm chỉ “di chúc cho người thừa kế đất thổ cư”, trong giấy này sau khi nhắc lại việc bà Phát bán cho anh Dương Văn Vân 120m2 đất để lấy một số tiền trả nợ và điều trị bệnh, thì bà Phát đã khẳng định phần đất còn lại cho ông Dương Văn Minh được thừa hưởng.

Tại Bản án phúc thẩm dân sự số 14/DSPT ngày 26-01-2000 Toà án nhân dân tỉnh Hà Tây xử bác yêu cầu của ông Dương Văn Minh với lý do giấy di chúc của bà Dương Thị Phát cho ông Dương Văn Minh không ghi nhà, mà chỉ ghi diện tích đất, từ đó cho rằng việc tranh chấp không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án là không đúng. Toà án cấp phúc thẩm chỉ xem xét về mặt hình thức và tố tụng, mà không xem xét đến bản chất của sự việc là cần phải xác định, đánh giá nhà đất tranh chấp là của ai . Do đó, dẫn đến việc giải quyết thiếu cơ sở.

Căn cứ các tài liệu có trong hồ sơ, năm 1967 thửa số 471 do ông Dương Văn Tường đứng tên và có ghi bà Phát 144m2 cùng nằm trong thửa này, nhưng quá trình sử dụng đất, năm 1991 thửa đất số 471 được chia thành 2 thửa trong đó bà Phát đứng tên thửa số 593 có diện tích 214m2, đến năm 1994 – 1996 thửa số 593 đổi thành thửa số 659 do bà Phát đứng tên với diện tích 196m2. Thực tế bà Phát đã ở và quản lý diện tích đất tranh chấp liên tục từ năm 1978 đến khi chết (ngày 22-02-1999). Các nhân chứng là anh, em, họ nội tộc của ông Dương Văn Tường, bà Dương Thị Phát xác nhận nhà đất tranh chấp là của bà Dương Thị Phát. Tuy nhiên, về số đo các thửa trong các thời kỳ khác nhau, diện tích, số thửa có nhiều biến đổi, chưa thật sự thống nhất về diện tích và hiện nay ông Dương Văn Tường đang tranh chấp diện tích đất này. Do đó cần phải kiểm tra lại thật kỹ sổ sách, giấy tờ và xem xét trên thực địa làm rõ diện tích nhà đất tranh chấp có đúng của bà Dương Thị Phát hay không. Nếu đúng nhà đất tranh chấp là của bà Phát thì bà có quyền định đoạt. Mặt khác, sau khi có Bản án phúc thẩm, ông Dương Văn Tường đã phá nhà cũ làm lại nhà mới, vì vậy cần phải xác minh và giải quyết trong cùng vụ án, phần xây dựng mới này, có như vậy mới đảm bảo quyền lợi của các đương sự.

Bởi lẽ trên, căn cứ vào khoản 4 Điều 77 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự,

Quyết định :

Huỷ Quyết định giám đốc thẩm dân sự số 18/GĐT-DS ngày 25-01-2002 của Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao, Bản án phúc thẩm dân sự số 14/DSPT ngày 26-01-2000 của Toà án nhân dân tỉnh Hà Tây và Bản án dân sự sơ thẩm số 11/DSST ngày 27-08-1999 của Toà án nhân dân huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây xét xử việc tranh chấp nhà, đất giữa ông Dương Văn Minh và ông Dương Văn Tường.

Giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây điều tra, xét xử lại từ sơ thẩm theo đúng qui định của pháp luật.


Lý do huỷ Quyết định giám đốc thẩm của Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao và các Bản án sơ thẩm, phúc thẩm:

Cần xác định rõ vị trí và diện tích nhà đất đang tranh chấp và xác minh giá trị phần tài sản mới phát sinh để giải quyết trong cùng một vụ án.


  Quyết định số 03/2004/HĐTP-DS ngày 25-02-2004
  Về vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán nhà


hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao

…………………..

Tại phiên toà ngày 25-02-2004 xét xử giám đốc thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán nhà giữa các đương sự:

Nguyên đơn:

1.Ông Neil A11an Mathews, sinh năm 1948, quốc tịch Australia;trú tại số 81/5 Đồ Chiểu, phường 3, thành phố Vũng Tàu; uỷ quyền cho ông Mai Hữu Thung;trú tại số 40/25 Trần Quang Diệu, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh;

2. Bà Nguyên Thị Mỹ, sinh năm 1962;trú tại số 81/5 Đồ Chiểu, phường 5, thành phố Vũng Tàu.

Bị đơn:

Bà Lê Thị Ngọc Bích, sinh năm 1960, trú tại số 534C Lê Văn Sĩ, phường 14, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ông Lê Đình Cúc, sinh năm 1921 ;

2. Bà Đàm Thị Ngọc Khanh, sinh năm 1933;

(Cùng địa chỉ với bị đơn).

NHậN THấY:

Nguồn gốc căn nhà số M6 cư xá Nguyễn Đình Chiểu, phường 4, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh thuộc quyền sở hữu của ông Lê Gián và vợ là bà Nguyễn Thị Chánh. Ngày 08-07-1998, vợ chồng ông Gián bán căn nhà trên cho ông Neil và bà Mỹ, với giá 117 lượng vàng, nhưng giấy tờ mua bán nhà do bà Mỹ đứng tên (vì ông Neil là người nước ngoài và bà Mỹ đang chuẩn bị kết hôn với ông Neil). Hợp đồng mua bán có xác nhận của Phòng Công chứng nhà nước số 1 thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 04-01-1999 ông Neil đăng ký kết hôn với bà Mỹ và cùng nhau về ở căn nhà này.

Ngày 21-10-1999 bà Mỹ có vay của Ngân hàng Nam á số tiền là 260.000.000 đồng, thời hạn 6 tháng, bà Mỹ đã thế chấp căn nhà M6 cư xá Nguyễn  Đình Chiểu mà không có sự đồng ý của ông Neil. Để có tiền trả nợ, ngày 26-05-2000 bà Mỹ đã lập hợp đồng bán căn nhà số M6 cư xá Nguyễn Đình Chiểu cho bà Bích, giá 500.000.000 đồng, bà Mỹ đã nhận tiền cọc là 265.000.000 đồng, hai bên thoả thuận trong thời hạn 30 ngày sẽ tiến hành thủ tục mua bán nhà theo qui định, nếu bà Mỹ không bán nhà cho bà Bích thì phải bồi thường thiệt hại gấp đôi số tiền đặt cọc.

Ngày 28-05-2000, bà Mỹ xin giấy xác nhận độc thân, có xác nhận của Uỷ ban nhân dân phường 4, quận Phú Nhuận. Ngày 30-05-2000 bà Mỹ ký hợp đồng uỷ quyền cho bà Bích được: Quản lý, sử dụng, sửa chữa, xây dựng, cho thuê hoặc bán căn nhà M6 cư xá Nguyễn Đình Chiểu. Hợp đồng uỷ quyền có xác nhận của Phòng công chứng số 1 , thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, cùng ngày 30-05-2000, bà Mỹ và bà Bích ký giấy cam kết có nội dung: ”Hai bên thoả thuận mua bán nhà giá 500.000.000 đồng. Bà Mỹ đã nhận đủ số tiền bà Bích giao ngày 30-05-2000.

- Từ ngày 30-05-2000 đến ngày 30-08-2000: Bà Bích đồng ý cho bà Mỹ bán nhà và hoàn trả lại cho bà Bích số tiền 500.000.000 đồng, cộng với 25.000.000 đồng (tiền lời 3 tháng). Tổng cộng là 525.000.000 đồng.

- Từ ngày 31-08-2000 về sau này. Hai bên thoả thuận thực hiện nghiêm túc theo hợp đồng uỷ quyền số 41414 do phòng công chứng số 1 lập vào ngày 30-05-2000, bà Mỹ cam kết không khiếu nại trước pháp luật về bà Bích dù bất cứ hình thức nào, lý do nào.

- Từ ngày 31-08-2000 trở về sau bà Bích được toàn quyền bán nhà căn nhà M6 cư xá Nguyễn Đình Chiểu, phường 4, quận Phú Nhuận không cần hỏi ý kiến bà Mỹ”. Trong giấy uỷ quyền này bà Mỹ ghi đã nhận đủ 500.000.000đồng.

Ngày 31-07-2000 bà Mỹ ký giấy vay tiền của bà Bích tổng số 3 đợt, số tiền là 800.000.000 đồng (trong đó ngày 30-05-2000 là 500.000.000 đồng, ngày 31-07-2000 hai đợt là 300.000.000 đồng), hẹn đến ngày 30-08-2000 sẽ hoàn trả.

Ngày 31-08-2000 bà Mỹ và ông Neil có đơn khởi kiện yêu cầu huỷ hợp đồng mua bán nhà giữa bà Mỹ với bà Bích và xem xét việc vay nợ giữa bà Mỹ và bà Bích, đồng thời ngăn chặn việc bà Bích bán nhà. Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã thụ lý vụ án ngày 02-10-2000. Đồng thời, cùng ngày 02-10-2000 bà Bích sử dụng giấy uỷ quyền lập ngày 30-05-2000, ký hợp đồng bán căn nhà số M6 cư xá Nguyễn Đình Chiểu cho ông Lê Đình Cúc và bà Đàm Thị Ngọc Khanh (là bố mẹ đẻ của bà Bích), hợp đồng có xác nhận của Phòng công chứng số 1 thành phố Hồ Chí Minh, ông Cúc, bà Khanh đã nộp thuế trước bạ. Ngày 05-10-2000 Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh có Công văn số 479 yêu cầu Sở Địa chính thành phố Hồ Chí Minh tạm dừng việc đăng bộ mua bán căn nhà M6 cư xá Nguyễn Đình Chiểu.

Bà Bích, ông Cúc và bà Khanh yêu cầu công nhận hợp đồng mua bán nhà giữa vợ chồng ông Cúc với bà Mỹ. Đồng thời bà Bích còn yêu cầu bà Mỹ phải trả lại 300.000.000 đồng và lãi xuất theo quy định của pháp luật.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 2025/DSST ngày 15-12-2000 Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định:

1. Huỷ hợp đồng uỷ quyền ngày 30-05-2000 giữa bà Nguyễn Thị Mỹ và bà Lê Ngọc Bích về việc bà Bích được quyền thay mặt bà Mỹ quản lý, sử dụng, sửa chữa, xây dựng, cho thuê hoặc bán căn nhà M6 cư xá Nguyễn Đình Chiểu, phường 4, quận Phú Nhuận;

2. Huỷ hợp đồng mua bán nhà ở số M6 cư xá Nguyễn Đình Chiểu, phường 4, quận Phú Nhuận giữa bà Nguyễn Thị Mỹ- do bà Lê Ngọc Bích đại diện theo hợp đồng uỷ quyền ngày 30-05-2000, với ông Lê Đình Cúc và bà Đàm Thị Ngọc Khanh;

3. Công nhận căn nhà M6 cư xá Nguyễn Đình Chiểu, phường 4, quận Phú Nhuận là tài sản chung của ông Neil Allan Mathews và bà Nguyễn Thị Mỹ do bà Mỹ đứng tên giấy tờ;

4. Duy trì Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 66/KBC-DS ngày 27-11-2000 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Khi phát mại nhà M6 cư xá Nguyễn Đình Chiểu, phường 4, quận Phú Nhuận, ông Neil- do ông Nguỵ Cao Thắng đại diện được nhận 1/2 giá trị nhà, sau khi trừ chi phí phát mại, phần 1/2 giá trị còn lại được thi hành trả nợ cho bà Lê Ngọc Bích, bồi thường thiệt hại cho bà Bích, ông Lê Đình Cúc và bà Đàm Thị Ngọc Khanh; trừ chi phí phát mãi nhà, án phí;

5. Bà Nguyễn Thị Mỹ phải trả cho bà Lê Ngọc Bích 500.000.000 đồng (năm trăm triệu đồng chẵn) và 300.000.000 đồng cộng lãi của 300.000.000đồng Là 10.125.000 đồng; cộng chung 810.125.000 đồng (tám trăm mười triệu một trăm hai mươi lăm ngàn đồng chẵn);

Bà Nguyễn Thị Mỹ phả trả cho bà Bích số tiền đã đóng thuế, Lệ phí… trong việc mua bán nhà là 3.596.000 đồng, trả cho bà Khanh và ông Cúc số tiền đóng thuế, phí, lệ phí trong việc mua bán nhà là 2.530.000 đồng.

Về án phí dân sự sơ thẩm: Bà Nguyễn Thị Mỹ phải chịu 24.325.000 đồng.

Ngày 18- 12-2000, bà Bích kháng cáo cho rằng Toà án cấp sơ thẩm huỷ hợp đồng uỷ quyền và huỷ hợp đồng mua bán nhà là không đúng.

Ngày 21-12-2000, ông Cúc và bà Bích kháng cáo yêu cầu bà Mỹ phải giao nhà vì đã hoàn tất thủ tục mua bán.

Ngày 22-12-2000 ông Neil kháng cáo nêu rằng ngôi nhà là của riêng ông, nên không đồng ý phát mại căn nhà. Nếu phải phát mại ông đề nghị được mua lại phần giá trị tài sản của vợ ông.

Ngày 25- 12- 2000 bà Mỹ kháng cáo nêu rằng thực chất bà chỉ vay bà Bích 337.000.000 đồng, sau đó bà Bích tính lãi chồng gốc thành 800.000.000 đồng, vì tin tưởng bà Bích nên bà đã ký khống các giấy tờ do bà Bích đưa.

Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 117/DSPT ngày 29-05-2002 Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định: Sửa Bản án sơ thẩm, xử:

1/ Huỷ hợp đồng uỷ quyền ngày 30-05-2000 giữa bà Nguyễn Thị Mỹ và bà Lê Ngọc Bích về việc bà Bích được quyền thay mặt bà Nguyễn Thị Mỹ quản lý, sử dụng, sửa chữa, xây dựng, cho thuê hoặc bán căn nhà M6 cư xá Nguyễn Đình Chiểu, phường 4, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh;

2/ Huỷ hợp đồng mua bán nhà ở số M6 cư xá Nguyễn Đình Chiểu, phường 4, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh giữa bà Nguyễn Thị Mỹ do bà Lê Ngọc Bích đại diện theo hợp đồng uỷ quyền ngày 30-05-2000 với ông Lê Đình Cúc và bà Đàm Thị Ngọc Khanh;

3/ Công nhận giá trị căn nhà M6 cư xá Nguyễn Đình Chiểu, phường 4, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh là tài sản chung của ông Neil Allan Mathews và bà Nguyễn Thị Mỹ khi mua là 117 lượng vàng SJC;

4/ Buộc bà Nguyễn Thị Mỹ phải trả cho bà Lê Ngọc Bích 500.000.000đồng tiền mua bán căn nhà M6 cư xá Nguyễn Đình Chiếu;

5/ Duy trì Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 66/KBC-DS ngày 27-11-2000 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Phát mãi căn nhà M6 cư xá Nguyễn Đình Chiểu, phường 4, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh. Ông Neil Allan Mathews được nhận giá trị 58,5 lượng vàng SJC bằng tiền đồng ngân hàng Việt Nam vào thời điểm phát mãi do ngân hàng nhà nước Việt Nam qui định. Trị giá còn lại của căn nhà M6 cư xá Nguyễn Đình Chiểu, phường 4, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh được trả cho bà Lê Ngọc Bích (trong đó có khoản tiền 500.000.000 đồng tiền mua nhà và toàn bộ tiền chênh lệch giá nhà giữa giá trị căn nhà vào thời điểm phát mãi với 500.000.000 đồng sau khi chi trả giá trị 58,5 lượng vàng SJC cho ông Neil A11an Mathews).

Bà Nguyễn Thị Mỹ phải chịu toàn bộ chi phí phát mãi.

Bà Nguyễn Thị Mỹ có trách nhiệm trả cho bà Lê Ngọc Bích 58,5 lượng vàng SJC vào thời điểm thi hành án bằng tiền đồng ngân hàng Việt Nam do Ngân hàng nhà nước Việt Nam qui định.

6/ Bà Nguyễn Thị Mỹ phải trả cho bà Lê Ngọc Bích 300.000.000 đồng tiền vay nợ và 10. 125.000 đồng lãi phát sinh.

7/ Bà Lê Ngọc Bích, ông Lê Đình Cúc, bà Đàm Thị Ngọc Khanh được quyền làm đơn đề nghị nêu rõ lý do (có ý kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu) kèm theo chứng từ nộp tiền lệ phí trước bạ (bản chính) gửi cho cơ quan thuế đã tính thu lệ phí trước bạ để được hoàn trả lại số tiền lệ phí trước bạ đã thu nộp.

8/ Bà Nguyễn Thị Mỹ phải chịu 24.325.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm được trừ 5.500.000 đồng đã nộp theo biên lai số 023249 ngày 11-09-2000 của phòng thi hành án.

Hoàn lại 6.000.000 đồng án phí dân sự cho bà Lê ngọc Bích theo biên lai số 023644 ngày 17-11-2000 của Phòng thi hành án thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Neil Allan Mathews, bà Nguyễn Thị Mỹ, bà Lê Ngọc Bích, ông Lê Đình Cúc, bà Đàm Thị Ngọc Khanh không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Sau khi xét xử phúc thẩm, ông Neil và bà Mỹ có nhiều đơn khiếu nại, nêu rằng căn nhà M6 cư xá Nguyễn Đình Chiểu là của riêng ông Neil, thực tế bà Bích đã cho bà Mỹ vay nặng lãi, sau đó dùng một số phần tử xã hội đen buộc bà Mỹ ký giấy vay nợ và giấy bán nhà.

Tại Quyết định kháng nghị số 135/VKSTC-V5 ngày 09 tháng 12 năm 2003 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhận định: có đủ cơ sở để xác định căn nhà M6 cư xá Nguyễn Đình Chiểu là tài sản chung của vợ chồng ông Neil Allan Mathews và bà Mỹ. Việc bà Mỹ tự ý ký hợp đồng uỷ quyền ngày 30-05-2000 cho bà Bích bán nhà mà không được sự đồng ý của ông Neil Allan Mathews là không đúng pháp luật. Nên hợp đồng mua bán nhà giữa bà Bích (đại diện cho bà Mỹ) với vợ chồng ông Cúc, bà Khanh là hợp đồng vô hiệu. Toà án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm đã xử huỷ hợp đồng uỷ quyền ngày 30-05-2000 giữa bà Mỹ với bà Bích, hợp đồng mua bán nhà M6 cư xá Nguyễn Đình Chiểu giữa bà Mỹ (do bà Bích đại diện) với ông Cúc, bà Khanh là đúng. Nhưng Toà án 2 cấp chưa tiến hành định giá nhà, chưa xác định lỗi của các bên đương sự trong việc tham gia hợp đồng vô hiệu đã quyết định ông Neil Allan Mathews chỉ được nhận 58,5 lượng vàng khi phát mãi nhà. Trị giá còn lại của căn nhà M6 trả cho bà Bích (trong đó có khoản tiền 500.000.000đ tiền mua nhà và toàn bộ tiền chênh lệch giá nhà giữa giá trị căn nhà vào thời điểm phát mãi với 500.000.000đ sau khi chi trả cho ông Neil Allan Mathews). Bà Mỹ còn phải trả cho bà Bích giá trị 58,5 lượng vàng là chưa đủ cơ sở.

Mặt khác, tại giấy vay tiền ngày 31-07-2000 (BL 87) thể hiện bà Mỹ vay của bà Bích 500.000.000 đồng, các giấy vay tiền khác giữa bà Mỹ với bà Bích (BL 85; 88) chỉ là bản pho to, không có xác nhận sao y bản chính. Trong khi bà Mỹ trước sau đều có lời khai bà Bích cho bà vay tiền với lãi suất cao, sau đó lấy nhà trừ nợ, hợp đồng uỷ quyền giữa bà với bà Bích chỉ là hình thức. Về việc này Toà án các cấp chưa xác minh, làm rõ số tiền bà Mỹ nhận của bà Bích là tiền vay nợ hay tiền mua nhà mà đã quyết định buộc bà Mỹ trả bà Bích 500.000.000 đồng tiền mua bán nhà; toàn bộ tiền chênh lệch giá nhà và 58,5 lượng vàng SJC là chưa có căn cứ vững chắc. Trong trường hợp này, nếu có căn cứ xác định quan hệ giữa bà Mỹ với bà Bích là quan hệ mua bán nhà M6 cư xá Nguyễn Đình Chiểu thì phải định giá nhà đất để xác định thiệt hại từ đó xác định lỗi của các bên đương sự để buộc các bên có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

Nếu là tiền bà Mỹ vay của bà Bích thì phải giải quyết theo qui định của pháp luật về quan hệ vay nợ.

Về tố tụng: Toà án cấp sơ thẩm thụ 1ý và xét xử vụ kiện ”tranh chấp nhà” giữa vợ chồng bà Mỹ (nguyên đơn) với bà Bích (bị đơn). Nhưng khi giải quyết vụ kiện Toà án các cấp vừa giải quyết quan hệ tranh chấp nhà giữa vợ chồng bà Mỹ với bà Bích. Đồng thời, Toà án lại giải quyết quan hệ vay nợ giữa bà Mỹ với bà Bích trong cùng vụ án là vi phạm Điều 34 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự.

Đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tố cao xử huỷ bản án sơ thẩm và phúc thẩm; giao hồ sơ cho Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử lại sơ thẩm theo hướng phân tích trên.

XéT THấY:

Mặc dù bà Mỹ là người đứng tên trong hợp đồng mua bán nhà, nhưng cả bà Mỹ và ông Neil đều khai thống nhất tiền mua nhà do ông Neil bỏ ra. Điều này phù hợp với lời khai của ông Gián, bà Chánh (người bán nhà) xác nhận ông Neil là người trả tiền, để bà Mỹ đứng tên. Sau khi mua nhà ông Neil và bà Mỹ đã kết hôn và ở tại căn nhà này. Do đó, có cơ sở xác định căn nhà số M6 cư xá Nguyễn Đình Chiểu, phường 4, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh thuộc tài sản chung của ông Neil và bà Mỹ.

Việc bà Mỹ tự ý bán căn nhà số M6 cư xá Nguyễn Đình Chiểu, phường 4, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh cho bà Bích và sau đó lại lập giấy uỷ quyền cho bà Bích thay mặt bà Mỹ” quản lý, sử dựng, sửa chữa, xây dựng, cho thuê hoặc bán nhà” và ngày 02-10-2000 bà Bích đã sử dụng giấy uỷ quyền của bà Mỹ ngày 30-05-2000, bán căn nhà số M6 cư xá Nguyễn Đình Chiểu, phường 4, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh cho ông Cúc, bà Khanh là chưa đúng pháp luật. Do vậy, tất cả các hợp đồng nói trên đều vô hiệu. Do đó Toà án các cấp đã huỷ các hợp đồng mua bán nêu trên là đúng. Tuy nhiên, khi giải quyết hậu quả của hợp đồng mua bán nhà vô hiệu, Toà án các cấp chưa điều tra làm rõ khi ký hợp đồng mua bán nhà bà Bích có biết đây là tài sản chung của vợ chồng bà Mỹ hay không để xác định lỗi của mỗi bên, đồng thời Toà án các cấp không tiến hành định giá nhà, nên chưa xác định thiệt hại xảy ra. Mặt khác, việc phát mại thuộc khâu thi hành án, Toà án các cấp chưa làm rõ giữa bà Mỹ và ông Neil có yêu cầu chia tài sản chung của hai vợ chồng hay không?, nhưng lại phát mãi căn nhà và quyết định ông Neil chỉ được nhận 58,5 lượng vàng khi phát mãi và trị giá còn lại của căn nhà M6 cư xá Nguyễn Đình Chiểu, phường 4, quận Phú Nhuận thành phố Hồ Chí Minh trả cho bà Bích (trong đó có khoản tiền 500.000.000đ tiền mua nhà và toàn bộ tiền chênh lệch giá nhà giữa giá trị căn nhà vào thời điểm phát mãi với 500.000.000đ sau khi chi trả cho ông Neil Allan Mathews), bà Mỹ còn phải trả cho bà Bích giá trị 58,5 lượng vàng là không đúng.

Về khoản tiền hai bên đã giao cho nhau: theo bà Bích thì bà giao cho bà Mỹ 800.000.000 đồng (trong đó có 500.000.000đ triệu tiền mua nhà và cho vay thêm 300.000.000 đồng). Còn bà Mỹ thừa nhận có ký vào các giấy vay nợ, tổng cộng 800.000.000 đồng, nhưng cho rằng thực chất bà chỉ vay 337.000.000 đồng, còn 400.000.000 đồng là tiền lãi xuất cao, nhưng Toà án các cấp chưa điều tra xác minh có việc bà Bích cho bà Mỹ vay tiền lãi xuất cao hay không, mà đã căn cứ vào giấy vay tiền ngày 31-07-2000 và giấy cam kết để xác định bà Bích đã giao cho bà Mỹ 800.000.000 đồng, trong đó 500.000.000 đồng tiền mua bán nhà và 300.000.000 đồng vay nợ là chưa xem xét vụ án một cách toàn diện. Do vậy, cần phải điều tra, xác minh về vấn đề này như kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC.

Bởi các lẽ trên và căn cứ vào khoản 4 Điều 77 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự;

Quyết định:

1. Huỷ Bản án dân sự phúc thẩm số 117/DSPT ngày 29-05-2002 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và Bản án dân sự sơ thẩm số 2025 ngày 15-12-2000 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã xét xử vụ tranh chấp hợp đồng mua bán nhà giữa ông Neil Allan Mathews và bà Nguyễn Thị Mỹ với bà Lê Thị Ngọc Bích.

2. Giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh điều tra, xét xử sơ thẩm theo đúng qui định của pháp luật.


Lý do huỷ các Bản án sơ thẩm, phúc thẩm:

Khi giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu, các Toà án đã không xác định mức độ lỗi của các bên. Chưa làm rõ việc có yêu cầu chia tài sản chung không mà đã quyết định việc chia tài sản. Chưa xác minh có việc cho vay với lãi xuất cao hay không dẫn đến giải quyết việc vay nợ chưa toàn diện.


Quyết định số 04/2004/HĐTP-DS ngày 25-02-2004
Về vụ án đòi nợ


Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao

……………………

Tại phiên toà ngày 25-02-2004 xét xử giám đốc thẩm vụ án đòi nợ giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Chị Nguyên Thị Toại; trú tại: Thôn Xuân Mỹ, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

- Bị đơn: Chị Lý Thị Mai; trú tại: Thôn Bả Canh, xã Đập Đá, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định.

NHậN THấY:

Tháng 04 năm 1996 chị Toại cho chị Mai vay 70.000.000 đồng, lãi 3%/tháng. Chị Mai đã trả lãi cho chị Toại đến tháng 3 năm 1998 thì ngừng. Nay chị Toại yêu cầu chị Mai phải trả 70.000.000 đồng cùng lãi suất quá hạn theo qui định.

Theo chị Mai thì số tiền 70.000.000 đồng chị vay của chị Toại có nguồn gốc từ 4 chân huê, chị Toại hốt cho chị vay lại từ tháng 4 năm 1996 với lãi suất là 3%/tháng, chị đã trả lãi đến tháng 3 năm 1998 với tổng số tiền là  100.800.000đồng. Nay chị cho rằng chị đã trả đủ cho chị Mai nên không còn nợ nữa.

Tại Bản án sơ thẩm số 08/DSST ngày 26-07-2000 của Toà án nhân dân tỉnh Bình Định đã quyết định: Buộc chị Mai phải trả cho chị Toại 70.000.000 đồng tiền gốc và 20.236.995 đồng tiền lãi.

Ngày 28-07-2000 chị Mai có đơn kháng cáo không đồng ý với bản án sơ thẩm.

Tại Bản án phúc thẩm số 59/2000/PTDS ngày 21-12-2000 Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng đã quyết định: Y án sơ thẩm.

Ngày 20-04-2001 chị Mai có đơn khiếu nại với nội dung: Toà án cấp phúc thẩm xét xử vắng mặt chị là không đúng vì khi nhận được giấy triệu tập chị đều có đơn xin vắng mặt với lý do chính đáng;

Số tiền 70.000.000 đồng là khoản nợ của 4 chân huê, khi vỡ huê chị Toại buộc chị phải viết giấy, nay chị đã trả hết nợ gốc. Mặt khác, nếu theo nhận định của án sơ thẩm thì ít nhất chị cũng trả được 30.500.000 đồng;

- Tính lãi không theo qui định của Bộ luật Dân sự và Thông tư liên tịch số 01 của Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính.

Tại Quyết định số 51/KNDS ngày 07-08-2003, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án phúc thẩm nêu trên với nhận định: Về số tiền 70.000.000 đồng: Hai bên thống nhất chị Mai đã trả lãi cho chị Toại 3%/tháng (2.100.000 đồng/tháng) từ tháng 04-1996 đến tháng 03- 1998, từ tháng 04-1998 thì chị Mai ngưng không trả lãi. Toà án cấp sơ thẩm, phúc thẩm đã quyết định buộc chị Mai phải trả cho chị Toại số tiền gốc 70.000.000 đồng và số tiền lãi được tính theo từng thời điểm từ tháng 04- 1998 đến tháng 07-2000, nhưng theo qui định tại Điều 313 và Điều 471 của Bộ luật Dân sự và theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19-06-1997 của Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư Pháp, Bộ Tài chính hướng dẫn việc xét xử và thi hành án về tài sản thì đối với các hợp đồng vay tài sản giao kết từ ngày 01-07-1996 trở đi thì việc tính lãi phải tuân theo các qui định của Bộ luật Dân sự, số tiền 1ãi đã trả cũng phải được giải quyết lại, nếu mức lãi suất mà các bên thoả thuận cao hơn mức 1ãi suất được qui định tại khoản 1 Điều 473 Bộ luật Dân sự. Vì vậy, các cấp Toà án tính lãi suất theo từng thời điểm và không tính lại số tiền lãi mà chị Mai đã trả cho chị Toại cao hơn qui định từ tháng 07-1996 đến tháng 03-1998 là chưa chính xác.

Tại  Kết luận số 11/VKSTC-V5 ngày 26-11-2003, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với Kháng nghị và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân tối cao huỷ các Bản án sơ thẩm, phúc thẩm; giao hồ sơ cho Toà án nhân dân tỉnh Bình Định xét xử sơ thẩm theo thủ tục chung.

XéT THấY:

Tháng 04-1996 chị Mai nợ chị Toại 70.000.000 đồng. Đến tháng 09-1998 thì chị Mai có xác nhận (trong sổ của chị Toại;):

Mai vay chị Bảy (Toại) 70.000.000 (năm 1996- 1997)

Hụi còn lại                     21.500.000 đồng

 Mai trả                             30.500.000 đồng

Còn                                   61.000.000 đồng

Về số tiền 70.000.000 đồng: chị Mai cho rằng đó 1à số tiền do chơi huê mà có, nhưng chị Mai không có chứng cứ để chứng minh. Vì vậy, các cấp Toà án xác định chị Mai nợ chị Toại 70.000.000 1à có căn cứ.

Về lãi suất: Hai bên thống nhất chị Mai đã trả lãi cho chị Toại 3%/tháng (2.100.000 đồng/tháng) từ tháng 04-1996 đến tháng 03-1998. Như vậy, theo qui định của Bộ luật Dân sự và Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19-06-1997 của Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư Pháp, Bộ Tài chính hướng dẫn việc xét xử và thi hành án về tài sản thì: ”Đối với các hợp đồng vay tài sản giao kết trước ngày 01-07-1996 thì chỉ tính số tiền lãi chưa trả theo qui định của Bộ luật Dân sự; đối với các khoản tiền lãi đã trả thì không phải giải quyết lại. Đối với các hợp đồng vay tài sản giao kết từ ngày 01-07-1996 trở đi thì việc tính lãi phải tuân theo các qui định của Bộ luật Dân sự, số tiền lãi đã trả cũng phải được giải quyết lại, nếu mức lãi suất mà các bên thoả thuận cao hơn mức lãi suất được qui định tại khoản 1 Điều 473 Bộ luật Dân sự. Trong vụ án này, số tiền lãi chị Mai đã trả cho chị Toại từ tháng 04-1996 đến hết tháng 06-1996 tuy có cao hơn qui định nhưng cũng không phải giải quyết lại mà chỉ giải quyết lại số tiền 1ãi chị Mai đã trả cho chị Toại trong thời gian từ tháng 07-1996 đến tháng 03-1998. Kể từ khi hết hạn phải trả mà chị Mai vẫn còn nợ thì ngoài việc phải trả số tiền gốc, cần buộc chị Mai phải trả khoản tiền lãi theo qui định tại khoản 5 Điều 471 Bộ luật Dân sự. Vì vậy, việc Toà án cấp phúc thẩm tính lãi theo lãi suất từng thời điểm và không tính lại số tiền lãi mà chị Mai đã trả cho chị Toại cao hơn qui định từ tháng 07-1996 đến tháng 03-1998 là chưa chính xác.

Ngoài ra, tại giấy xác nhận nợ còn thể hiện chị Mai đã trả cho chị Toại 30.500.000 đồng. Theo chị Toại thì số tiền 30.500.000 đồng chị chưa yêu cầu giải quyết vì đây là số tiền do huê hụi mà có và là khoản chấp nhận cho chị Mai thanh toán trước, chị Mai phải đóng cho chị 2.000.000 đồng 1 tháng (từ tháng 09 năm 1998) nhưng chị Mai không thực hiện. Tuy nhiên, theo chị Mai thì chị đã trả hết cho chị Toại cả gốc và lãi, hoặc nếu theo nhận định của bản án sơ thẩm thì ít nhất chị cũng đã trả được cho chị Toại 30.500.000 đồng. Như vậy, số tiền này có phải là tiền hụi hay tiền chị Toại chấp nhận cho chị Mai thanh toán trước hay là tiền chị Mai đã trả cho chị Toại cũng chưa được các cấp Toà án điều tra làm rõ.

Bởi các lẽ trên và căn cứ vào khoản 4 Điều 77 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự;

QUYếT Định:

Huỷ Bản án dân sự phúc thẩm số 59/DSPT ngày 21-12-2000 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng. Giao hồ sơ vụ án cho Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm lại theo đúng qui định của pháp luật.


Lý do huỷ Bản án phúc thẩm:

Toà án cấp phúc thẩm đã tính lãi suất không chính xác. Về khoản tiền hai bên đã thanh toán cho nhau, Toà án chưa làm rõ đó là tiền hụi hay tiền thanh toán trước.


Quyết định số 05/2004/HĐTP-DS ngày 25-03-2004
Về vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán


Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao

…………………..

Tại phiên toà ngày 25-03-2004 xét xử giám đốc thẩm vụ án  tranh chấp hợp đồng mua bán phân urê giữa các đương sự:

-Nguyên đơn: Xí nghiệp chế biến gỗ Phước Long.

Địa chỉ: số 37/5B Trần Xuân Soạn, phường Tân Kiểng, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh, có ông Lê Chia Vi là Giám đốc đại điện.

- Bị đơn: Xí Nghiệp tư doanh Quốc Cường.

Địa chỉ: số 79/22b  Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh, có bà Nguyễn Thị Như Loan là giám đốc đại diện.

NHậN THấy

Xí nghiệp tư doanh Quốc Cường (viết tắt là Xí nghiệp Quốc Cường) do bà Nguyễn Thị Như Loan làm giám đốc đại diện và Xí nghiệp chế biến gỗ Phước Long (viết tắt là Xí nghiệp Phước Long) do ông Lê Chia Vi làm giám đốc đại diện đã ký 02 hợp đồng mua bán phân urê.

- Nội dung của hợp đồng số 01/PL-QC ngày 06-06-2001 là:

Điều 1: Xí nghiệp Quốc Cường bán cho Xí nghiệp Phước Long 2.200 tấn phân urê sản xuất và đóng bao tại Indonesia

Điều 2: Quy cách theo tiêu chuẩn hàng nhập khẩu; Bên Xí nghiệp Phước Long xem xét chất lượng hàng tại kho trước khi đặt cọc tiền mua cho Xí nghiệp  Quốc Cường,  không chịu trách nhiệm về chất lượng.

Điều 3: Địa điểm giao nhận hàng tại kho Tân Quy – Quận 7, thành phố Hồ Chí Minh; Bên Xí nghiệp Phước Long chịu chi phí bốc hàng và các khoản phí lưu kho.

Điều 4: Phương thức thanh toán: Tổng trị giá 2.200 tấn ´ 2.251.500đ/tấn =4.953.300.000 đ (bao gồm cả thuế GTGT); thanh toán bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản, ngay sau khi ký hợp đồng xí nghiệp Phước Long ký quỹ cho Xí nghiệp Quốc Cường l0% trị giá hợp đồng (990.660.000 đồng), số tiền ký quỹ này được tính vào lô hàng sau cùng, thanh toán đến đâu nhận hàng đến đó. Lãi suất Xí nghiệp Phước Long phải trả cho Xí nghiệp Quốc Cường được tính từ ngày bên Xí nghiệp Phước Long đặt cọc 20% cho đến khi hết lô hàng (mức lãi suất 0,7%/tháng). Thời gian thực hiện nhận lô hàng không quá 45 ngày, nếu quá thời hạn trên mà Xí nghiệp Phước Long không nhận hết hàng thì Xí nghiệp Quốc Cường có quyền bán lô hàng còn lại. Số tiền tổn thất về giá, các phí lãi vay, lưu kho bãi bên Xí nghiệp Quốc Cường sẽ trừ vào tiền đặt cọc của Xí nghiệp Phước Long.

Điều 5: Cam kết chung: hai bên cam kết thực hiện các điều khoản ghi trong hợp đồng, nếu có khó khăn trở ngại thì cùng nhau bàn bạc giải quyết trên tinh thần hợp tác hoặc ký bổ sung phụ kiện hợp đồng, bên nào làm sai bên đó bồi thường thiệt hại cho bên kia. Ngoài ra các bên không được đơn phương huỷ bỏ hợp đồng. Mọi thay đổi bổ sung phải được hai bên thống nhất bằng văn bản mới có giá trị thực hiện.Trường hợp có tranh chấp xảy ra nếu không giải quyết bằng thương lượng, sẽ đưa ra Toà kinh tế Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh giải quyết. Hợp đồng có giá trị từ ngày ký đến khi thanh lý xong.

Thực hiện hợp đồng này Xí nghiệp Phước Long đã ký quĩ 20% trị giá hợp đồng bằng 990.660.000đ. Ngày 27-10-2001 Xí nghiệp Phước Long nhận số lượng phân urê tương đương số tiền 335.248.350 đồng.

- Nội dung của hợp đồng số 02/PL-QC ngày 15-06-2001 là: Số lượng 2.453 tấn 903 kg phân urê Indonesia sản xuất và đóng bao tại Việt Nam. Tổng trị giá 2.453 tấn 903kg x 1.870.000 đồng/tấn =. 4.588.798.610 đồng, Xí nghiệp Phước Long ký quỹ 10% trị giá hợp đồng; Tất cả các thoả thuận khác trong hợp đồng này cũng giống như ở hợp đồng trên.

Thực hiện hợp đồng này Xí nghiệp Phước Long đã ký quỹ 10% trị giá hợp đồng bằng 453.972.055 đồng. Từ ngày 27-06-2001 đến 23-08-2001 Xí nghiệp Phước Long có nộp tiền 2.337.500.000 đồng để nhận 1.250 tấn phân urê và ngày 27-10-2001 Xí nghiệp Phước Long nhận 206 tấn 903 kg tương đương số tiền 386.908.610 đồng.

Hết thời hạn 45 ngày (đối với hợp đồng số 01/PL-QC ngày 06-06-2001 là ngày 21-07-2001 và hợp đồng số 02/PL-QC ngày 15-06-2001 là ngày 30-07-2001) hai bên có công vãn trao đổi qua lại cho nhau như sau:

- Ngày 04-08-2001, Xí nghiệp Quốc Cường có công văn với nội dung: Căn cứ vào tinh thần nội dung của hai hợp đồng trên (cụ thể Điều 4) Xí nghiệp Phước Long đã vi phạm về thời gian thực hiện lô hàng. Để đảm bảo tình hình tài chính, quay vòng vốn nên Xí nghiệp Quốc Cường quyết định bán lô hàng mà Xí nghiệp Phước Long chưa thực hiện nhận hàng, cụ thể sẽ bán 100 tấn phân urê với giá 2.000đ/kg của hợp đồng số 01/PL-QC, 200 tấn phân urê với giá l.900đ/kg của hợp đồng số 02/PL-QC.

Cùng ngày, Xí nghiệp Phước Long có công văn trả lời là: Do tình hình nước lũ đang lên hàng tiêu thụ chậm, do đó Xí nghiệp Phước Long không kịp thực hiện đúng thời gian của hợp đồng số 01/PL-QC ngày 06-06-2001 và hợp đồng số 02/PL-QC ngày 15-06-2001. Để đảm bảo tình hình tài chính vòng quay vốn của Xí nghiệp Quốc Cường, Xí nghiệp Phước Long đồng ý theo tinh thần công văn ngày 04-08-2001. Với số lượng hàng còn lại đề nghị cho phép kéo dài thời gian thực hiện thêm 2 tháng nữa, mọi thiệt hại Xí nghiệp Phước Long cam kết đền bù thoả đáng cho Xí nghiệp Quốc Cường.

- Công văn số 62/CVQC ngày 07-08-2001, Xí nghiệp Quốc Cường có thông báo chỉ đồng ý cho Xí nghiệp Phước Long được gia hạn 50% trong tổng số lượng 4.653 tấn 903 kg phân urê trong thời hạn 30 ngày tính từ ngày 45 (ngày hết hạn hợp đồng) cụ thể như sau:

Hợp đồng số 01/PL-QC ngày 06-06-2001, ngày được gia hạn 21-07-2001 đến ngày           19-08-2001, số lượng được gia hạn 1.100 tấn = 2.476.650.000đ.

Hợp đồng số 02/PL-QC ngày 15-06-2001, ngày được gia hạn 30-07-2001 đến ngày  28-08-2001, số lượng được gia hạn 1.226 tấn 951,5 kg = 2.294.399.305đ. Xí nghiệp Quốc Cường không thể gia hạn thêm một thời gian nào nữa nếu đến hết thời gian trên, xí nghiệp Phước Long không nộp tiền để nhận hết số lượng phân còn lại thì Xí nghiệp Quốc Cường sẽ bán hàng và thanh lý. Ghi chú: Số lượng phân urê mà Xí nghiệp Phước Long đã nhận trong 50% chưa hết, do đó chúng tôi đã bán số lượng còn lại trong 50% này. Giá bán và ngày bán chúng tôi sẽ thông báo đến Xí nghiệp Phước Long bằng chứng từ số lượng cụ thể rõ ràng. Đơn giá của phân urê đóng bao tại Việt Nam chúng tôi đã bán 1.900đ/kg (cả thuế VAT). Mong Xí nghiệp Phước Long cố gắng nộp tiền và nhận hàng trong thời gian sớm nhất.

- Công văn số 08/08 ngày 09-08-2001 của Xí nghiệp Phước Long gửi Xí nghiệp Quốc Cường: Do tình hình nước lũ đang lên cao hàng tiêu thụ chậm, do đó Xí nghiệp Phước Long không kịp thực hiện đúng thời gian của hai hợp đồng. Đồng ý theo công văn ngày 04-08-2001 của Xí nghiệp Quốc Cường và đề nghị gia hạn thêm ” tháng nữa, mọi thiệt hại Xí nghiệp Phước Long cam kết đền bù thoả đáng và chấp nhận chịu lãi quá hạn”.

- Công văn số 19/08/PLCV ngày 17-08-2001 Xí nghiệp Phước Long gửi tiếp  cho Xí nghiệp Quốc Cường là chỉ chấp nhận cho Xí nghiệp Quốc Cường bán: 100 tấn phân urê sản xuất đóng bao tại Indonesia với giá 2000đ/kg và 200 tấn phân urê sản suất và đóng bao tại Việt Nam. Do tình hình vụ mua chưa đến, sức mua chậm chính Xí nghiệp Phước Long là người bị thiệt hại như: Phải tồn đọng vốn, tiền ký quỹ, số tiền này chỉ được trừ vào lô hàng sau cùng, phải đóng lãi Ngân hàng, phải đóng tiền thuê kho, sức mua yếu, Xí nghiệp Phước Long bị thiệt- Xí nghiệp Quốc Cường được hưởng lãi. Thời gian xin gia hạn là 2 tháng cho hai hợp đồng, tự nguyện bị phạt lãi suất 150%.

Cùng ngày, Xí nghiệp Quốc Cường có Công văn số 66/CVQC: Không thể đáp ứng đề nghị gia hạn của Xí nghiệp Phước Long, vì nguồn vốn này chúng tôi phải đi vay phải trả cho Ngân hàng đúng hạn. Xí nghiệp Quốc Cường rất tiếc là không thể thoả thuận được gì ngoài tinh thần Công văn số 62 ngày 07-08-2001 và thông báo lần cuối là thời gian gia hạn cho hai hợp đồng cũng gần hết hạn, nếu Xí nghiệp Phước Long không nộp tiền để nhận hàng, bắt buộc Xí nghiệp Quốc Cường phải bán số lượng còn lại để thu hồi vốn trả nợ vay cho Ngân hàng. Về giá có thông báo cho Xí nghiệp Phước Long căn cứ trên hoá đơn bán hàng của Xí nghiệp Quốc Cường, Xí nghiệp Quốc Cường không thể chờ sự đồng ý của Xí nghiệp Phước Long, Xí nghiệp Quốc Cường đang thực hiện đúng theo Điều 4 của hai hợp đồng.

- Công văn số 20/8CVPL ngày 18-08-2001 Xí nghiệp Phước Long gửi Xí nghiệp Quốc Cường với nội dung: Mặc dù 02 hợp đồng mua bán phân bón đã hết hạn, Xí nghiệp Phước Long có xin gia  hạn và được Xí nghiệp Quốc Cường chấp thuận gia hạn và đến hôm nay vẫn đang thực hiện. Xí nghiệp Phước Long xin nhắc nhở để thực hiện hợp đồng kinh tế nếu không giải quyết bằng con đường thương lượng có tình có lý, bình đẳng thì chính Toà án thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan có đủ thẩm quyền phán quyết chúng ta phải chấp hành, chứ chúng ta không có quyền đơn phương huỷ hợp đồng kinh tế mà hai bên đã ký kết (theo Điều 5), Xí nghiệp Phước Long vẫn bảo lưu ý kiến ở 3 công văn mà Xí nghiệp Phước Long đã gửi cho Xí nghiệp Quốc Cường.

- Công văn số 72/CVQC ngày 27-08-2001 Xí nghiệp Quốc Cường gửi Xí nghiệp Phước Long: Căn cứ Điều 4 của hợp đồng số 01/PL-QC ngày 06-06-2001. Căn cứ Công văn số 62 ngày 07-08-2001 của Xí nghiệp Quốc Cường về thoả thuận gia hạn thêm 30 ngày với số lượng phân urê trong hợp đồng số 01/PL-QC. Nay thời gian gia hạn đã hết từ ngày 19-08-2001 với số lượng phân urê còn lại là 1.100 tấn, vì tồn kho quá lâu nên đã bị vón cục, giảm giá trị thương mại, cho nên Xí nghiệp Quốc Cường chỉ giao dịch bán được với giá 1.970đ/kg. Xí nghiệp Quốc Cường thông báo để Xí nghiệp Phước Long biết để có cách giải quyết theo đúng tinh thần đã ký kết trong hợp đồng. Đến hết ngày 28-08-2001 Xí nghiệp Phước Long không có cách giải quyết thì buộc lòng Xí nghiệp Quốc Cường phải bán số lượng phân còn lại để thu hồi vốn, mọi chi phí phát sinh liên quan đến số lựơng hàng này Xí nghiệp Quốc Cường sẽ thực hiện đúng như Điều 4 của hợp đồng số 01/PL-QC ngày 06-06-2001.

- Công văn số 21/8 ngày 27-08-2001 Xí nghiệp Phước Long gửi Xí nghiệp Quốc Cường: Căn cứ hợp đồng số 01/PL-QC ngày 06-06-2001, trước mắt Xí nghiệp Phước Long vẫn bảo lưu ý kiến trong Công văn số 20/08 ngày 18-08-2001. Xí nghiệp Phước Long rất ngạc nhiên, bằng Công văn số 72 ngày 27-08-2001 Xí nghiệp Quốc Cường đại diện quyết định đơn phương huỷ bỏ hợp đồng. Bằng công văn này kính báo điện Xí nghiệp Quốc Cường đã vi phạm Điều 5 của hợp đồng buộc lòng Xí nghiệp Phước Long phát đơn kiện yêu cầu Toà kinh tế Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh giải quyết.

- Công văn số 73/CVQC ngày 28-08-2001 Xí nghiệp Quốc Cường gửi Xí nghiệp Phước Long: Xí nghiệp Quốc Cường tuân thủ thực hiện những cam kết trong hợp đồng số 01/PL-QC ngày 06-06-2001, vì quá thời hạn đã cam kết nên chúng tôi mới thông báo đến Xí nghiệp Phước Long chủ động có hướng giải quyết, nhưng từ đó đến nay Xí nghiệp Phước Long vẫn không thực hiện mà chỉ đòi gia hạn thêm hai tháng, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến kinh doanh của chúng tôi, vì vậy chúng tôi chỉ chấp nhận gia hạn thêm 01 tháng với 50% số lượng hàng trong hợp đồng, ngoài ra vì để đảm bảo kế hoạch kinh doanh buộc lòng chúng tôi phải thực hiện thu hồi vốn khi mà Xí nghiệp Phước Long đã cố tình không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng. Như vậy, chúng tôi vẫn đang thực hiện theo nội dung hợp đồng này, hoàn toàn khác với ý kiến của Xí nghiệp Phước Long cho rằng Xí nghiệp Quốc Cường đơn phương huỷ bỏ hợp đồng. Để giảm bớt thiệt hại cho cả hai bên, một lần nữa mong Xí nghiệp Phước Long sớm nhận hàng và thanh toán cho Xí nghiệp Quốc Cường, nếu đến 12 giờ ngày 29-08-2001 Xí nghiệp Phước Long không nhận số hàng còn lại thì buộc lòng  Xí nghiệp Quốc Cường phải thực hiện theo nội dung của Công văn số 72 ngày 27-08-2001.

- Công văn số 22/8CVPL ngày 28-08-2001 Xí nghiệp Phước Long gửi Xí nghiệp Quốc Cường. Về việc thực hiện hợp đồng số 01/PL-QC ngày 06-06-2001, Xí nghiệp Phước Long thông báo Xí nghiệp Quốc Cường đã vi phạm Điều 5 của hợp đồng mà hai bên đã ký kết, Xí nghiệp Phước Long vẫn bảo lưu ý kiến Công văn số 21/8 ngày 27-08-2001 , Xí nghiệp Phước Long buộc lòng phải phát đơn kiện yêu cầu Toà kinh tế Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh giải quyết.

Ngày 05-09-2001 Xí nghiệp Phước Long đã ký 2 hóa đơn nhận hàng: Hoá đơn 148 tấn 900 kg – HĐ 01, hoá đơn 206 tấn 903 kg -HĐ 02, thực tế đến ngày 26+27-10-2001 Xí nghiệp Phước Long mới nhận hàng để trừ vào tiền ký quỹ theo biên bản thanh lý ngày 04-09-2001 do Xí nghiệp Quốc Cường lập.

Tại đơn khởi kiện ngày 10-09-2001 : Xí nghiệp Phước Long căn cứ theo Điều 5 của 2 hợp đồng cho rằng Xí nghiệp Quốc Cường đã gây thiệt hại lớn cho Xí nghiệp Phước Long, nên yêu cầu Xí nghiệp Quốc Cường trả lại tiền ký quỹ và bồi thường thiệt hại do không giao hàng tương ứng với số tiền ký quỹ là 2.167.113. 150 đồng yêu cầu trả ngay khi án có hiệu lực pháp luật.

Ông Nguyễn Duy Cân đại diện cho Xí nghiệp Quốc Cường trình bày: Xí nghiệp Quốc Cường không còn nợ gì Xí nghiệp Phước Long, vì theo Điều 4 của 2 hợp đồng thì Xí nghiệp Phước Long có lỗi không nhận hàng đúng thời hạn, nên thiệt hại hoàn toàn thuộc về Xí nghiệp Phước Long, Xí nghiệp Quốc Cường đã nhiều lần làm công văn yêu cầu, Xí nghiệp Phước Long phải chuyển tiền và nhận hàng nhưng Xí nghiệp Phước Long nại ra những lý do không chính đáng, số hàng Xí nghiệp Quốc Cường bán ra thị trường hoàn toàn ngoài thời gian mà Xí nghiệp Quốc Cường đã ra hạn cho Xí nghiệp Phước Long. Số tiền Xí nghiệp Phước Long ký quỹ cho Xí nghiệp Quốc Cường đã trừ vào các khoản như: Tiền chênh lệch giá bán hàng, các loại phí, số lượng hàng mà Xí nghiệp Phước Long đã nhận theo biên bản thanh lý hai hợp đồng do Xí nghiệp Quốc Cường lập ngày 04-09-2001, nên Xí nghiệp Quốc Cường không còn nợ gì Xí nghiệp Phước Long.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 1573/DSST ngày 10-09-2002, Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định:

Chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn.

1 -Buộc XNTD Quốc Cường do bà Nguyễn Thị Như Loan là Giám đốc đại diện có trách nhiệm bồi thường thiệt hại hai hợp đồng mua bán phân Urê cho Xí nghiệp chế biến gỗ Phước Long do ông Lê Chia Vi là Giám đốc đại diện số tiền 1587.928.893 đồng ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật.

Kể từ ngày XNCB gỗ Phước Long có đơn xin thi hành án, nếu DNTD Quốc Cường chưa thanh toán số tiền trên thì hàng tháng còn phải chịu thêm số tiền theo mức lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định với thời gian chưa thi hành án.

2- Bác một phần yêu cầu của nguyên đơn bằng số tiền là 579.184.257 đồng. Ngoài ra Bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí sơ thẩm.

Ngày 11-09-2002 Xí nghiệp Quốc Cường có đơn kháng cáo toàn bộ nội  dung bản án sơ thẩm.

Ngày 16-09-2002 Xí nghiệp Phước Long kháng cáo yêu cầu bồi thường toàn bộ thiệt hại và thanh toán lãi suất đến ngày Toà Phúc thẩm tuyên án.

Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 41/DSPT ngày 07-03-2003, Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định: Giữ nguyên quyết định của Bản án sơ thẩm:

- Buộc DNTD Quốc Cường do bà Nguyễn Thị Như Loan (đại diện) có trách nhiệm bồi thường 2/3 thiệt hại của hai hợp đồng mua bán phân Urê cho Xí nghiệp chế biến gỗ Phước Long do ông Lê Chia Vi (đại diện) số tiền là 1.587.925.893 đồng.

Bác yêu cầu của ông Lê Chia Vi đại diện cho XNCB gỗ Phước Long đòi DNTD Quốc Cường phải bồi thường thiệt hại tiếp số tiền 1/3 của Hợp đồng là 579.184.257 đồng.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật phía XNCB gỗ Phước Long yêu cầu DNTD Quốc Cường phải thi hành số tiền theo yêu cầu của XNCB gỗ Phước Long, nếu DNTD Quốc Cường chậm thi hành thì phải chịu lãi suất nợ quá hạn do  Ngân hàng Nhà nước quy định với thời gian chưa thi hành án.

Ngoài ra Bản án phúc thẩm còn quyết định về án phí sơ thẩm và phúc thẩm. Sau khi xét xử phúc thẩm Xí nghiệp Quốc Cường do bà Nguyễn Thị Như Loan đại diện tiếp tục có đơn khiếu nại.

Tại Quyết định số 134/KN-VKSTC-V5 ngày 08-12-2003, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã kháng nghị Bản án phúc thẩm nêu trên với nhận định: Quá trình thực hiện hợp đồng phía Xí nghiệp Phước Long thực hiện đúng phần ký quỹ là đã nộp cho Xí nghiệp Quốc Cường 1.444.632.055 đồng; nhưng Xí nghiệp Phước Long lại vi phạm thời gian thực hiện hợp đồng (hạn cuối cùng của hợp đồng số 01/PL-QC là ngày 21-07-2001 và hợp đồng số 02/PL-QC là ngày 30-07-2001), hết hạn 45 ngày Xí nghiệp Phước Long không nhận hàng nên ngày 04-08-2001 Xí nghiệp Quốc Cường đã có công văn nhắc nhở. Nếu căn cứ Điều 4 hợp đồng ký kết Xí nghiệp Quốc Cường có quyền bán lô hàng còn lại; nhưng thực tế Xí nghiệp Quốc Cường không bán hàng ngay mà đã có tinh thần hợp tác, tạo điều kiện cho Xí nghiệp Phước Long thực hiện hợp đồng nên sau khi có công văn nhắc nhở, Xí nghiệp Quốc Cường lại có nhiều công văn thương lượng đồng ý gia hạn một tháng đối với 50% số lượng hàng. Thực tế Xí nghiệp Phước Long vẫn tiếp tục vi phạm thời gian gia hạn (hạn của hợp đồng số 01/PL-QC là 19-08-2001 và hợp đồng số 02/PL-QC là ngày 28-08-2001) đến ngày 26, 27-10-2001 (quá gần 2 tháng) Xí nghiệp Phước Long mới nhận hàng có tổng trị giá 722.156.960 đồng trừ vào tiền ký quỹ (số tiền ký quỹ hiện còn là 722.475.095đ). Mặc dù Xí nghiệp Phước Long không ký biên bản thanh lý hợp đồng ngày 04-09-2001 nhưng lại ký nhận hàng trừ vào tiền ký quỹ theo biên bản thanh lý hợp đồng ngày 04-09-2001 đây là chứng cứ khẳng định Xí nghiệp Phước Long đã mặc nhiên thừa nhận thanh lý hợp đồng. Như vậy, Xí nghiệp! Phước Long ngoài lỗi vi phạm thời hạn hợp đồng, còn vi phạm thời gian gia hạn hợp đồng. Lẽ ra, Tòa án các cấp phải xem xét lỗi trên của Xí nghiệp Phước Long và thiện chí hợp tác của Xí nghiệp Quốc Cường để xác định lỗi thuộc Xí nghiệp Phước Long và buộc Xí nghiệp Phước Long phải bồi thường thiệt hại hợp đồng cho Xí nghiệp Quốc Cường (ngoài các tổn thất đã quy định trong hợp đồng) mới đúng; nhưng Bản án phúc thẩm lại nhận định cho rằng Xí nghiệp Quốc Cường đã bán hàng trong thời gian gia hạn hợp đồng là có lỗi chính nên phải chịu 2/3 thiệt hại hợp đồng và xử buộc Xí nghiệp Quốc Cường phải bồi thường cho Xí nghiệp Phước Long 1.587.925.893 đồng là không đúng sự thật khách quan vụ kiện, chưa đảm bảo quyền lợi của Xí nghiệp Quốc Cường.

Việc Xí nghiệp Quốc Cường bán phân urê trong thời gian từ ngày 08-08-2001 đến ngày 15-08-2001 là hoàn toàn chính đáng và không có lỗi bởi số hàng bán ra trong số lượng 50% lô hàng quá thời hạn hợp đồng (Xí nghiệp Quốc Cường chỉ đồng ý gia hạn 50% lô hàng) Xí nghiệp Quốc Cường có quyền bán để thu hồi vốn trả Ngân hàng đồng thời đảm bảo hoạt động kinh doanh. Mặt khác, phân urê là loại hàng rất dễ chảy nước và vón cục, nếu kéo dài quá lâu thời gian theo yêu cầu của Xí nghiệp Phước Long, phân sẽ bị kém phẩm chất, thiệt hại đến hoạt động kinh doanh của Xí nghiệp Quốc Cường. Lý do Xí nghiệp Phước Long nại ra ”do bị bão lụt không nhận hàng được…” nhưng không xuất trình được chứng cứ chứng minh nên không có cơ sở chấp nhận. Nay tranh chấp hợp đồng phải căn cứ các điều khoản qui định trong hợp đồng đã ký kết để xem xét lỗi và buộc trách nhiệm tương ứng với lỗi mới đúng.

Vì vậy, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm: Huỷ án sơ thẩm, phúc thẩm giao hồ sơ cho Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm theo thủ tục chung.

Tại phiên toà giám đốc thẩm đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao giữ nguyên các yêu cầu kháng nghị nêu trên.

XéT THấY

Xí nghiệp tư doanh Quốc Cường do bà Nguyễn Thị Như Loan đại diện và Xí nghiệp chế biến gỗ Phước Long do ông Lê Chia Vi đại diện ký kết với nhau lại hợp đồng mua bán phân urê.

Hợp đồng số 01/PL-QC ngày 06-06-2001 , số lượng 2.200 tấn phân urê sản xuất và đóng bao tại Indonesia, tổng trị giá 4.953.300.000 đồng. Thực hiện hợp đồng này, Xí nghiệp Phước Long ký quỹ cho Xí nghiệp Quốc Cường 20% trị giá hợp đồng với số tiền là 990.660.000 đồng. Ngày 27- 10-2001 Xí nghiệp Phước Long nhận 148 tấn 900 kg tương đương với số tiền 335.248.394 đồng để trừ vào tiền ký quỹ (theo hoá đơn ngày 05-09-2001).

Hợp đồng số 02/PL-QC ngày 15-06-2001 số lượng 2.453 tấn 903 kg phân Urê sản xuất và đóng bao tại Việt Nam, tổng trị giá 4.588.798.610 đồng. Thực hiện hợp đồng này, Xí nghiệp Phước Long ký quỹ cho Xí nghiệp Quốc Cường 10% trị giá hợp đồng với số tiền là 453.972.055 đồng. Theo bản tường trình của Xí nghiệp Quốc Cường thì  từ ngày 27-06-2001 đến ngày 23-08-2001 Xí nghiệp Phước Long nộp 2.337.500.000 đồng để nhận 1.250 tấn phân và ngày 27-10-2001 Xí nghiệp Phước Long nhận 206 tấn 903 kg tương đương với số tiền 386.908.610 đồng để trừ vào tiền ký quỹ (theo hoá đơn ngày 05-09-2001).

Hết thời hạn 45 ngày của cả hai hợp đồng hai bên có nhiều công văn trao đổi qua lại cho nhau. Tuy không thống nhất được với nhau bằng văn bản, nhưng thời gian Xí nghiệp Quốc Cường gia hạn cho Xí nghiệp Phước Long thêm 30 ngày nữa đối với 50% số lượng hàng, của hai hợp đồng là không trái pháp luật được coi là thời gian gia hạn hợp đồng.

Đối với hợp đồng số 01/PL-QC ngày 06-06-2001 : Trong thời gian hợp đồng và thời gian gia hạn hợp đồng, Xí nghiệp Phước Long không nộp tiền, không nhận hàng. Đến ngày 27-10-2001 Xí nghiệp Phước Long mới nhận 148 tấn 900 kg phân urê để trừ vào tiền ký quỹ và theo bản tường trình của Xí nghiệp Quốc Cường thì trong thời gian gia hạn hợp đồng Xí nghiệp Quốc Cường bán chưa đến 50% lượng hàng của hợp đồng này. Như vậy, nếu không có chứng cứ gì khác thì Xí nghiệp Quốc Cường không vi phạm hợp đồng và thời gian gia hạn, nên Xí nghiệp Quốc Cường không có lỗi, không phải bồi thường thiệt hại cho Xí nghiệp Phước Long.

Đối với hợp đồng số 02/PL-QC ngày 15-06-2001: Theo bản tường trình của Xí nghiệp Quốc Cường về việc thực hiện hợp đồng này thì trong thời hạn hợp đồng và thời gian gia hạn hợp đồng Xí nghiệp Phước Long có nộp tiền và nhận một nửa số lượng hàng. Do vậy ở hợp đồng này cần phải điều tra xem xét đối với một nửa số lượng hàng là Xí nghiệp Quốc Cường gia hạn cho Xí nghiệp Phước Long thì Xí nghiệp Quốc Cường có bán hàng trong thời gian gia hạn hay không và bán số lượng là bao nhiêu.

Như vậy, hai hợp đồng  trên có quá trình thực hiện khác nhau, lỗi của các bên cũng khác nhau và cách giải quyết hai hợp đồng này không thể giống nhau như Bản án sơ thẩm, phúc thẩm đã giải quyết. Cần phải điều tra, xem xét đánh giá việc thực hiện và lỗi của các bên trong  từng hợp đồng.

Ngoài ra, Bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều lấy số tiền ký quỹ của hai hợp đồng để làm căn cứ bồi thường thiệt hại theo tỷ lệ lỗi của các bên là không đúng với hợp đồng và các qui định của pháp luật về tiền ký quỹ. Thiệt hại ở hai hợp đồng này có thể là tiền lưu kho lưu bãi, lãi phải trả Ngân hàng, thiệt hại do không được nhận hàng nên Xí nghiệp Phước Long phải mua hàng với giá cao để thực hiện hợp đồng với các đơn vị khác, nay Xí nghiệp Phước Long bị phạt do không có hàng giao cho các đơn vị khác… Trong quá trình Toà án giải quyết vụ án, Xí nghiệp Phước Long chưa xác định được thiệt hại thực tế là bao nhiêu. Do đó, cần phải huỷ cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm, giao hồ sơ vụ án về cho Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh để điều tra, xem xét việc thực hiện từng hợp đồng, xác định lỗi của các bên, xác định thiệt hại và giải quyết việc bồi thường thiệt hại theo đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, khi điều tra, xét xử sơ thẩm lại vụ án, Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cũng cần phải xem xét làm rõ thêm về thẩm quyền giải quyết theo thủ tục giải quyết các vụ án dân sự hay thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế theo đúng quy định của pháp luật.

Bởi các lẽ trên và căn cứ vào khoản 4 Điều 77 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự,

QUYếT ĐịNH:

Huỷ Bản án dân sự phúc thẩm số 41/DSPT ngày 07-03-2003 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và Bản án dân sự sơ thẩm số 1573/DSST ngày 10-09-2002 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã xét xử việc tranh chấp hợp đồng mua bán phân Urê giữa nguyên đơn là Xí nghiệp chế biến gỗ Phước Long do ông Lê Chia Vi là Giám đốc đại diện với bị đơn là Xí nghiệp tư doanh Quốc Cường do bà Nguyễn Thị Như Loan là giám đốc đại diện.

Giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh để điều tra, xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.


Lý do các Bản án sơ thẩm, phúc thẩm  bị huỷ:

     Hai bên ký kết hai hợp đồng khác nhau nhưng Toà án giải quyết như nhau là không đúng. Thiệt hại ở hai hợp đồng cũng chưa được xác minh rõ ràng. Hơn nữa, cần làm rõ đây là vụ án kinh tế hay vụ án dân sự.


Quyết định số 06/2004/HĐTP-DS
ngày 25-03-2004 về Vụ án tranh chấp
hợp đồng mua bán nhà đất


Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao

…………………

Tại phiên toà ngày 25-03-2004 xét xử giám đốc thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán nhà, đất ở giữa các đương sự :

Nguyên đơn: Ông Trần Nam Vinh, sinh năm 1937

Bà Đỗ Thị Cải, sinh năm 1945.

Đều có hộ khẩu thường trú tại nhà số 34 Trần Cao Vân, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.

Tạm trú tại nhà số 818/27A1 Lê Lợi, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Vinh uỷ quyền cho bà Cải đại diện.

Bị đơn:

1. Bà Lê Hoàng Mai, sinh năm 1949

Ông Đỗ Quang, sinh năm 1949

Đều có hộ khẩu thường trú tại số 6 đường số 5, phường Thảo Điền, quận 2, thành phố Hồ Chí Minh.

Tạm trú tại số  34 Trần Cao Vân, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh

2. Ông Lê Văn Chỉnh, sinh năm 1935

Bà Phùng Thị Thuý Diễn, sinh năm 1935

 Đều có hộ khẩu thường trú tại nhà số 68/40C Trần Quang Khải, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh

Tạm trú tại số: 34 Trần Cao Vân, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ông Vũ Văn Đẳng, sinh năm 1955,

Bà Nguyễn Thị Vinh, sinh năm 1955

Tạm Trú tại số 34 Quang Trung, Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh.

2. Bà Vũ Thuý Huệ, sinh năm 1973

Trú tại nhà số 34 Trần Cao Vân, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.

NHận Thấy:

Căn nhà số 34 Trần Cao Vân, quận 3, thành phố Hồ chí Minh trên diện tích 490m2 đất thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, do Bộ Nội thương (cũ) được phép sử dụng từ năm 1978. Năm 1980, Trạm liên lạc Văn phòng Bộ Nội thương phân cho gia đình ông Trần Nam Vinh sử dụng. Sau đó, vợ chồng ông Vinh ký hợp đồng thuê nhà ở với cơ quan quản lý nhà của Nhà nước. Năm 1989, ông Trần Nam Vinh được Công ty quản lý nhà cấp giấy phép sửa chữa, có nội dung:

- Tháo dỡ phần lợp lá cột gỗ ga ra để cải tạo thành diện tích ở;

- Xây tường gạch, cột gạch;

- Làm mới một vệ sinh, bếp và bệ bếp, nhà tắm; làm mới điện, nước; lợp mái bằng tôn tráng kẽm; sơn quét vôi, láng vữa xi măng toàn bộ sân

Trên hiện trạng diện tích cũ.

Ngày 06-12-1992 bà Cải, ông Vinh làm giấy tay sang nhượng quyền sử dụng phần nhà được cấp phép sửa chữa vào năm 1989 trên khuôn viên đất có diện tích 8,4m x 18m cho ông Lê Văn Chỉnh với giá 60 lượng vàng SJC, đồng thời hai bên thoả thuận: Sân đi chung, phần trước nhà ai người đó sử dụng, ông Chỉnh chịu trách nhiệm thanh toán tiền đất khi nhà 34 Trần Cao Vân, quận 3 được hoá giá theo phần diện tích đất mà ông Chỉnh sang nhượng. Sau khi hoá giá, bà Cải làm thủ tục bán nhà cho bên ông Chỉnh, chi phí trước bạ ông Chỉnh chịu. Tiền đặt cọc 10 lượng vàng nếu bên bà Cải đổi ý thì bồi thường tiền cọc gấp đôi. Nếu bên ông Chỉnh đổi ý thì mất tiền cọc. Đến ngày 21-02-1993, ông Chỉnh đã giao đủ 60 lượng vàng cho bà Cải và dọn vào sử dụng nhà từ đó đến nay.

Đầu năm 1993, vợ chồng bà Cải làm giấy tay sang nhượng cho ông Vũ Văn Đằng một phần đất có diện tích 5,2m x 18m, vị trí nằm phía trong phần nhà đất đã chuyển nhượng cho ông Chỉnh với giá 227 chỉ vàng. Sau khi nhận phần đất này ông Đằng tự xây dựng một căn nhà cấp 4 với diện tích 5,2m x 14m, việc xây cất không có giấy phép.

Ngày 01-06-1993, ông Đằng lập giấy sang nhượng phần nhà đất nêu trên cho bà Lê Hoàng Mai với giá 36 lượng vàng.Việc sang nhượng này được vợ chồng bà Cải, ông Vinh đồng ý nên bà Mai đã ký "Giấy nhượng quyền sử dụng đất, trực tiếp với ông Vinh, bà Cải vào ngày 03-06-1993 (giấy nhượng quyền sử dụng đất ghi giá 227 chỉ vàng). Hai bên thoả thuận các điều kiện cụ thể như sau:

- Đường đi chung là 4m, sân nhà ai nhà đó sử dụng, cổng chung;

- Bà Mai không sang nhượng căn nhà tự xây cất trên nền nhà này cho bất cứ ai; mọi vấn đề liên quan đến việc xây cất căn nhà này bà Mai sẽ chịu trách nhiệm ; sau khi ông bà Vinh làm thủ tục hoá giá nhà, ông bà Vinh cũng có trách nhiệm hoá giá mảnh đất 5,2 m x 18m cho bà Mai; tiền hoá giá bà Mai chịu; phần chi phí và mọi thứ thuế (đất hoá giá và hợp thức hoá), bà Mai sẽ chịu. Vợ chồng bà Cải ký hợp đồng với bà Mai, nhưng ông Đằng nhận tiền. Bà Mai đã dọn vào ở từ khi mua đến nay.

Tháng 10-1997, ông Vinh, bà Cải nhận được "Thư mời đến thoả thuận lập và ký hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước và chuyển quyền đất ở". Sau đó, ông Vinh, bà Cải thảo sẵn "Hợp đồng chung tiền mua nhà hoá giá" và gửi cho ông Chỉnh, bà Mai.

Sau thảo luận, bà Cải và bà Mai ký hợp đồng chung tiền mua nhà ngày 4/5/1999 với nội dung chính là bên bà Cải nhường quyền lợi (được hưởng theo chính sách) cho bà Mai, cụ thể bà Mai phải chịu 1.157.877,6đ/m2 (thay vì l.440.000 đ).Thuế mua hoá giá bên bà Cải chịu thuế bán cho bà Mai, phần bà Mai chịu ; chi phí hợp thức hoá xây dựng căn hộ bà Mai đang sử dụng do bà Mai chịu; tiền mua nhà được nhận tại kho bạc và trả tại kho bạc, nơi trả tiền nhà (có biên nhận của ông Trần Nam Vinh); nếu bà Mai không trả tiền đất đang sử dụng tại khuôn viên 34 Trần Cao Vân thì coi như không sử dụng nữa ; đường đi ra cổng để 4m;…

Riêng ông Chỉnh không ký hợp đồng do bà Cải đưa mà lại thảo "Bản hợp đồng vay tiền để hoá giá nhà kiêm giấy nhận nợ". Theo đó, ông Chỉnh sẽ cho bà Cải vay 161.067,130 đồng với lãi suất 2%/tháng để bà Cải nộp cho phần diện tích đất 8,4m x 18m của ông Chỉnh. Mọi chi phí hoá giá nhà, chuyển quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất, thuế mua bán, trước bạ… do bên bà Cải chịu. Đề nghị của ông Chỉnh không được bà Cải đồng ý.

Sau đó vợ chồng bà Cải nộp tiền mua hoá giá toàn bộ nhà đất 34 Trần Cao Vân, quận 3 bằng tiền của bà Cải, ông Vinh và được Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở ngày 12-01-2000. Tháng 04-2000, bà Cải bán phần nhà chính có diện tích đất là 192,8m2 (bà Cải đang sử dụng) cho bà Vũ Thuý Huệ. Bà Huệ đã ở từ đó đến nay.

Theo bà Cải, ông Vinh, thì sau khi có thông báo của Công ty quản lý nhà vào tháng 10-1997, bà đã có thiện chí để bà Mai, ông Chỉnh được hưởng phần chính sách mà ông bà được hưởng nhằm mua nhà hoá giá được nhanh, nhưng bà Mai, ông Chỉnh không thống nhất với bà về giá tiền đất phải thanh toán, về diện tích lối đi chung, khoản tiền thuế chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Do đó, đến ngày 25-05-1999 bà và Công ty quản lý nhà mới ký hợp đồng mua nhà đất nêu trên. Toàn bộ tiền mua nhà hoá giá do cá nhân bà đi vay mượn để đóng. Bà nhận thấy ông Chỉnh, bà Mai đã không thực hiện đúng thoả thuận ban đầu. Nay bà yêu cầu huỷ hợp đồng sang nhượng nhà đất giữa bà với ông Chỉnh và giữa bà với bà Mai, hoàn trả cho ông Chỉnh 60 lượng vàng, phần ông Chỉnh xây dựng thêm tự ông Chỉnh tháo dỡ, bà không đồng ý hoàn tiền cho ông Chỉnh theo chiết tính của cơ quan nhà đất. Bà đồng ý trả lại cho bà Mai 22,7 lượng vàng SJC, phần xây cất không phép của ông Đằng trước đó, (ông Đằng sang lại cho bà Mai) thì bà Mai tự tháo dỡ, bà không đồng ý hoàn tiền cho bà Mai theo như chiết tính của cơ quan Nhà đất.

Theo ông Lê Văn Chỉnh, thì sau khi nhận được bản thảo chung tiền mua nhà hoá giá của bà Cải, ông đã thảo hợp đồng vay tiền để hoá giá nhà gửi cho bà Cải nhưng không thấy bà Cải trả lời. Đến cuối năm 1999, bà Cải yêu cầu ông chừa đường đi cho bà Mai là 2m nhưng ông chỉ đồng ý chừa 1m, nếu muốn rộng hơn thì phải trả cho ông 9 chỉ/m2; Ông đã gặp bà Cải nhiều lần thương lượng nhưng không có kết quả. Nay ông yêu cầu công nhận hợp đồng mua bán nhà đất giữa ông và bà Cải đã ký vào năm 1992, ông sẽ trả cho bà Cải số tiền đất theo giá 1.440.000đ/m2 và đồng ý để 2m làm lối đi.

Theo bà Lê Hoàng Mai thì do bà Cải không thông báo cho bà Mai biết về giấy tờ hoá giá, số tiền phải đóng, thời gian đi đóng tiền, mà tự đóng tiền mua nhà một mình, nên bà Mai không thể đóng tiền đất cho Công ty quản lý nhà. Bà không có lỗi trong việc mua bán này. Nay ông Quang, bà Mai yêu cầu Toà án công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà Mai với vợ chồng bà Cải và năm 1993, bà Mai sẽ trả tiền đất theo giá 1.440.000đ/m2, yêu cầu chừa 3m làm lối đi và đồng ý trả 1/2 số tiền đất của lối đi. Bà Mai không tranh chấp việc mua bán nhà giữa bà với ông Vũ Văn Đằng.

Theo bà Huệ người mua phần nhà đất thì nếu bà Cải giao toàn bộ phần đất phía trước nhà cho bà thì bà chấp nhận chừa 2m lối đi cho các hộ bên trong.

Theo ông Vũ Văn Đằng thì việc sang nhượng nhà và đất giữa ông và bà Mai ở thời điểm năm 1993. Sau đó, theo đề nghị của bà Cải, ông Vinh thì vợ chồng bà Cải sang nhượng phần nhà đất này trực tiếp sang cho bà Mai. Nay các bên tranh chấp với nhau nên Toà triệu tập ông đến Toà án làm thiệt hại cho ông, do đó ông yêu cầu bà Cải phải bồi thường cho ông 5 lượng vàng.

Tại Bản án sơ thẩm số 56/DSST ngày 29-08-2001 Toà án nhân dân quận 3 thành phố Hồ Chí Minh quyết định:

1. Huỷ bỏ ”Hợp đồng sang nhượng quyền sử dụng nhà” được bà Đỗ Thị Cải và ông Lê Văn Chỉnh ký ngày 06-12-1992. Buộc bà Cải, ông Vinh hoàn trả ông Chỉnh 70 lượng vàng và ghi nhận sự tự nguyện của bà Cải, ông Vinh hoàn trả cho ông Chỉnh số tiền 57.403.673đ (là chi phí xây dựng phần nhà do ông Chỉnh xây dựng không có giấy phép trong nhà số 34 Trần Cao Vân, quận 3). Buộc gia đình ông Chỉnh phải giao trả toàn bộ diện tích nhà và đất đang sử đụng trong khuôn viên nhà số 34 Trần Cao Vân, quận 3 cho bà Cải, ông Vinh.

2. Bác yêu cầu của bà Cải, ông Vinh xin huỷ ”Giấy sang nhượng quyền sử dụng đất ký ngày 03-06-1993” và ”Hợp đồng chung tiền mua nhà ký ngày 04-05-1999” được ký kết giữa bà Cải, ông Vinh với bà Lê Hoàng Mai. Chấp nhận yêu cầu của bà Mai xin tiếp tục thực hiện việc sang nhượng diện tích đất 5m ´ 17,9m trong khuôn viên nhà số 34 Trần Cao Vân, quận 3 như sau: Bà Mai có nghĩa vụ giao số tiền mua đất là 128.880.000đ và tiền cho phần đất làm lối đi chung là 18.684.000đ, tổng cộng là 147.564.000đ cho phía bà Cải, ông Vinh ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật. Bà Cải, ông Vinh có trách nhiệm làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất ở (diện tích 5m x 17,9m) nói trên cho bà Mai. Bà Mai được quyền liên hệ với các cơ quan chức năng để hoàn tất thủ tục chuyển quyền sử dụng đất ở đối với phần diện tích đất nói trên.

3. Buộc bà Cải, ông Vinh phải dành diện tích đất 3m x 8,65m (nằm ở phía trước phần nhà đất do ông Chỉnh sử dụng trước đây) làm lối đi sử dụng chung cho hai hộ gia đình bà Cải, ông Vinh và hộ bà Mai.

Việc giao trả vàng, tiền, nhà đất được các bên bà Cải, ông Vinh, ông Chỉnh, bà Mai thực hiện tại Đội Thi hành án quận 3 ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật.

Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn có quyết định về án phí.

Ngày 30-08-2001, bà Cải có đơn kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm nêu trên.

Ngày 17-9-2001 ông Chỉnh nhận được tống đạt bản án xét xử vắng mặt và có đơn kháng cáo.

Tại Bản án phúc thẩm số 2524/DSPT ngày 24-12-2001 , Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định: Huỷ Bản án sơ thẩm số 56/DSST ngày 29-08-2001 của Toà án nhân dân quận 3 đã xét xử vụ tranh chấp hợp đồng mua bán nhà giữa vợ chồng ông Vinh, bà Cải với bà Mai và ông Chỉnh. Giao hồ sơ vụ kiện về Toà án nhân dân quận 3 xét xử lại với Hội đồng xét xử khác.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm (lần 2) số 38/DSST ngày 16-08-2002, Toà án nhân dân quận 3 quyết định:

1. Bác yêu cầu tiếp tục thực hiện ”Hợp đồng sang nhượng quyền sử dụng nhà” đề Ngày 06-12-1992 giữa ông Chỉnh với bà Cải, ông Vinh với ông Chỉnh.

2. Huỷ hợp đồng sang nhượng quyền sử dụng nhà đề Ngày 06-12-1992 giữa bà Cải, ông Vinh với ông Chỉnh.

3. Ông Vinh, bà Cải phải trả cho ông Chỉnh 60 lượng vàng SJC và 57.403.673 đồng.

Ông Chỉnh cùng toàn bộ gia đình phải giao toàn bộ nhà đất cho ông Vinh, bà Cải.

4. Bác yêu cầu tiếp tục thực hiện ”Giấy nhượng quyền sử dụng đất” đề ngày 03-06-1993 giữa bà Cải, ông Vinh với bà Mai.

5. Huỷ ”Giấy nhượng quyền sử dụng đất” đề ngày 03-06-1993 giữa bà Cải, ông Vinh với bà Mai.

Huỷ giấy sang nhượng đất và nhà giữa ông Đằng với bà Mai.

6. Ông Vinh, bà Cải phải trả cho bà Mai 22,7 lượng vàng SJC và số tiền 56.064.775 đồng.

Bà Mai cùng toàn bộ gia đình phải giao toàn bộ nhà đất cho ông Vinh, bà Cải, Việc giao nhận tiền và giao nhận nhà giữa các bên được thực hiện ngay khi án có hiệu lực pháp luật tại Đội Thi hành án quận 3.

7. Bác yêu cầu của ông Đằng đòi bà Cải bồi thường 5 lượng vàng.

Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn có quyết định về án phí.

Ngày 27-08-2002 Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân quận 3 có Quyết định số 02/QĐDS kháng nghị Bản án dân sự sơ thẩm và đề nghị Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh bác yêu cầu của ông Trần Nam Vinh xin huỷ các hợp đồng sang nhượng quyền sử dụng nhà, đất giữa vợ chồng ông Vinh với ông Chỉnh và bà Mai nêu trên; chấp nhận yêu cầu của ông Chỉnh, bà Mai tiếp tục thực hiện hợp đồng nêu trên để những người này có trách nhiệm đóng tiền hoá giá phần diện tích đất của mình đã sang nhượng với giá 1.440.000đ/m2.

Ngày 28-08-2002 ông Đỗ Quang và ông Chỉnh có đơn kháng cáo.

Tại Bản án phúc thẩm số 2091/DSPT ngày 20-11-2002 Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định: Y án sơ thẩm.

Sau khi xét xử phúc thẩm ông Chỉnh, bà Mai có đơn khiếu nại.

Tại Công văn số 1092/DS ngày 16-05-2003 Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao trả lời đơn khiếu nại của ông Lê Văn Chỉnh, bà Lê Hoàng Mai là không có căn cứ để kháng nghị Bản án phúc thẩm nêu trên theo thủ tục giám đốc thẩm.

Tại Công văn số 699/CV-KSXXDS ngày 28-03-2003 Vụ kiểm sát xét xử dân sự Viện Kiểm sát dân nhân dân tối cao trả lời Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh là không có căn cứ kháng nghị Bản án phúc thẩm nêu trên theo trình tự giám đốc thẩm.

Tại Quyết định số 75/KN-VKSTC-V5 ngày 03-06-2003 Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã kháng nghị Bản án phúc thẩm nêu trên và đề nghị Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao xử huỷ Bản án dân sự sơ thẩm số 38 ngày 16-08-2002 của Toà án nhân dân quận 3 và Bản án phúc thẩm dân sự số 2091 ngày 20-11-2002 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh nêu trên, giao hồ sơ cho Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm lại, với nhận định: ”Các hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất nêu trên chưa có sự đồng ý cho phép chuyển nhượng của cơ quan quản lý nhà đất tại thời điểm các bên ký hợp đồng. Do vậy, hợp đồng chuyển nhượng nhà giữa ông Vinh, bà Cải với ông Chỉnh và hợp đồng nhượng quyền sử dụng đất lập ngày 03-06-1993 giữa ông Vinh, bà Cải với bà Mai (lập theo yêu cầu của ông Đằng) là chưa hợp pháp. Các bên ông Chỉnh, bà Mai, ông Vinh và bà Cải khi tham gia ký kết hợp đồng nêu trên đã biết rõ nhà 34 Trần Cao Vân là nhà thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, hơn nữa đến năm 1997 là thời điểm các cơ quan chức năng thực hiện việc hoá giá nhà số 34 Trần Cao Vân giữa các bên bán nhà và bên mua nhà liên tục phát sinh các tranh chấp về việc nộp tiền hoá giá nhà, đất, tranh chấp về lối đi nên việc mua bán nhà số 34 Trần Cao Vân không thành do lỗi của các bên.

Bản án DSPT số 2091 ngày 20-11-2002 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã xử huỷ các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng nhà, đất đề ngày 06-12-1992 giữa bà Cải, ông Vinh với ông Chỉnh, giấy nhượng quyền sử dụng đất đề ngày 03-6-1993 giữa bà Cải, ông Vinh với bà Mai và huỷ giấy sang nhượng đất giữa ông Vinh, bà Cải với ông Đằng vì vô hiệu là có cơ sở. Song lẽ ra Toà án cấp phúc thẩm chỉ cần buộc ông Vinh, bà Cải trả lại cho ông Chỉnh, bà Mai giá trị ban đầu khi mua bán mới đúng, nhưng lại chỉ buộc ông Vinh, bà Cải trả lại (nguyên số tiền ban đầu là không đảm bảo quyền lợi chính đáng của đương sự).

Tại Quyết định số 155/GĐT-DS ngày 26-08-2003 Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao quyết định: Giữ nguyên Bản án phúc thẩm số 2091/DSPT ngày 20-11-2002 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xử việc tranh chấp hợp đồng mua bán nhà đất giữa ông Vinh, bà Cải với bà Mai, ông Quang và ông Chỉnh, bà Diễn.

Tại Quyết định số 02/KN-VKSTC-V5 ngày 07-01-2004 Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị Bản án giám đốc thẩm số 155 ngày 26-08-2003 của Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xử huỷ Bản án dân sự phúc thẩm số 2091/DSPT ngày 20-11-2002 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Bản án giám đốc thẩm nêu trên. Giao hồ sơ cho Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm với nhận định như sau:

"Căn nhà vợ chồng bà Cải, ông Vinh sang nhượng cho vợ chồng ông Chỉnh là nhà do vợ chồng ông Vinh bà Cải tự xây dựng trên đất công, được phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền. Theo thoả thuận, ông Chỉnh chịu trách nhiệm thanh toán tiền đất khi nhà 34 Trần Cao Vân được hoá giá theo phần diện tích đất mà ông Chỉnh sang nhượng. Việc các bên thoả thuận chuyển nhượng nhà, đất tại 34 Trần Cao Vân, quận 3 là hoàn toàn tự nguyện. Ông Vinh bà Cải đã nhận của ông Chỉnh 60 lạng vàng từ năm 1992; nhận của ông Đằng 22,7 lạng vàng năm 1993 và dùng số tiền đó để đi mua nhà khác. Do vậy, nếu Toà án các cấp tuyên huỷ hợp đồng vì vô hiệu thì cần phải xem xét đến lỗi của mỗi bên để buộc mỗi bên bồi thường thiệt hại theo mức độ lỗi của mình nhằm đảm bảo quyền lợi cho các bên đương sự. Bản án giám đốc thẩm số 155 ngày 26-08-2003 của Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao đã xác định hợp đồng chuyển nhượng nhà đất giữa vợ chồng ông Vinh, bà Cải với ông Chỉnh, giữa vợ chồng ông Vinh với ông Đằng, giữa ông Đằng với bà Mai bị vô hiệu và tuyên huỷ các hợp đồng nêu trên là đúng. Nhưng chỉ buộc các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận mà không xem xét đến lỗi của mỗi bên là chưa thoả đáng”.

Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao giữ nguyên quan điểm như đã nêu trong Bản kháng nghị.

Xét thấy:

Hợp đồng sang nhượng quyền sử dụng nhà ngày 06-12-1992 giữa vợ chồng ông Vinh, bà Cải với ông Chỉnh và giấy nhượng quyền sử dụng đất ngày 03-06-1993 giữa vợ chồng ông Vinh với bà Mai đối với phần nhà, đất ở 34 Trần Cao Vân được giao kết tại thời điểm diện tích nhà, đất này còn thuộc quyền sở hữu và quản lý của Nhà nước. Vợ chồng ông Vinh chỉ là người được Nhà nước cho thuê nhà để ở và được phép sửa chữa lại ga ra để cải tạo thành diện tích ở, mà chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép cho thuê lại hoặc sang nhượng cho người khác. Các đương sự biết rõ việc này, nhưng vẫn giao kết hợp đồng. Vì thế, các hợp đồng sang nhượng nêu trên đều vô hiệu ngay từ khi giao kết. Toà án các cấp đã xác định các hợp đồng chuyển nhượng nêu trên bị vô hiệu là đúng pháp luật. Kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng khẳng định ”Bản án giám đốc thẩm số 155 ngày 26-08-2003 của Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao đã xác định hợp đồng chuyển nhượng nhà đất giữa vợ chồng ông Vinh bà Cải với ông Chỉnh, giữa vợ chồng ông Vinh với ông Đằng, giữa ông Đằng với bà Mai bị vô hiệu và tuyên huỷ các hợp đồng nêu trên là đúng”.

Hơn nữa, sau khi nhận được thông báo về việc hoá giá nhà, vợ chồng ông Vinh, bà Cải đã trao đổi, bàn bạc với ông Chỉnh, bà Mai về việc nộp tiền hoá giá nhà nhưng không thực hiện được do lỗi của phía ông Chỉnh, bà Mai. Cụ thể: ông Chỉnh không đồng ý với dự thảo ”Hợp đồng chung tiền mua nhà hoá giá” do vợ chồng bà Cải, ông Vinh lập, mà ông Chỉnh tự lập hợp đồng cho bà Cải ”vay tiền để hoá giá nhà” (kiêm giấy nhận nợ) số tiền là 161.067.000 đồng, lãi suất 2% tháng và mọi chi phí (hoá giá nhà, chuyển quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất, các loại thuế trước bạ…) đều do ông bà Vinh chịu dẫn đến tranh chấp. Còn bà Mai sau khi thoả thuận đã ký hợp đồng chung tiền mua nhà đề ngày 04-05-1999, nhưng không thực hiện. Như vậy, ông Chỉnh, bà Mai đã không thực hiện điều kiện ghi trong các hợp đồng sang nhượng nêu trên. Do đó, vợ chồng bà Cải đã đóng toàn bộ tiền hoá giá nhà đất tại 34 Trần Cao Vân và đã được Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ngày 12-01-2000. Toà án các cấp đã xem xét toàn diện các tình tiết của vụ án và xác định các hợp đồng chuyển nhượng nêu trên bị vô hiệu và đã giải quyết đúng pháp luật hậu quả của hợp đồng vô hiệu; đồng thời đã buộc vợ chồng ông Vinh thanh toán trị giá phần xây dựng không phép cho bà Mai là 56.064.775 đồng, và cho ông Chỉnh là 57.403.673 đồng là hợp tình, hợp lý. Quyết định giám đốc thẩm của Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao giữ nguyên Bản án phúc thẩm nêu trên là đúng pháp luật . Do đó, không có căn cứ đ�! �� chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 1 Điều 77 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự,

Quyết định:

Giữ nguyên Quyết định giám đốc thẩm số 155/GĐT-DS ngày 26-03-2003 của Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao xét xử việc tranh chấp hợp đồng mua bán nhà đất giữa nguyên đơn là ông Trần Nam Vinh, bà Đỗ Thị Cải và bị đơn là bà Lê Hoàng Mai, ông Đỗ Quang, ông Lê Văn Chỉnh, bà Phùng Thị Thuý Diễn.


Căn cứ bác Kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao:

Toà án đã giải quyết đúng pháp luật hậu quả của hợp đồng vô hiệu.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét