Kim Hà
Tiếng Còi Nhà Máy
Mục Lục
Thông tin ebook
Tên truyện : Tiếng Còi Nhà Máy
Tác giả : Kim Hà
Nguồn : http:// www.viendu.com
Convert : Bùi Xuân Huy (santseiya_TVE)
Ngày hoàn thành : 12/03/2007
-1-
Hôm nay là ngày lành tháng tốt, bà Nhâm bắt đầu cho thợ dỡ cái nhà lá của bà đi để làm nhà gạch. Bà sung sướng, hai mắt bà hấp háy, bà đứng thẳng người, hai tay chắp ra đằng sau, xem thợ dỡ. Chốc, bà lại cúi khom lưng với người con gái bà, đi nhặt những tàu lá gồi ở trên mái nhà hắt xuống; bà ngồi bó từng bó lớn một rồi đem ra để ở rìa đường trong xóm. Những đứa trẻ trong xóm ra xem nhà bà dỡ, chúng lại reo lên và nói:
- Nhà bà Nhâm làm nhà gạch:
Bà lại điểm một nụ cười tươi và gắt với lũ trẻ:
- Đi ra ngoài kia mà chơi, để cho người ta làm.
Ánh nắng hanh của mùa thu, xám mờ nhạt heo hắt trước ngọn gió may. Thỉnh thoảng lại nổi lên một tia nắng rõ rệt chiếu thẳng vào tụi thợ đang ngồi trên nóc nhà dỡ lá. Họ làm nhanh như cái máy, rất chóng và nhanh. Trong chốc lát, họ đã dỡ xong một bên mái. Bà Nhâm xề xòa, từ tốn nhặt từng chiếc lá gồi. Những cấn bụi nhỏ ở các tàu lá gồi nát trên mái nhà rơi xuống người bà như mưa, và loáng những màu xám mau lẹ. Bà ngẩng lên tóc bà vô số những bụi lá. Bà quát người con gái:
- Thôi để đấy đi thổi cơm cho các ông ấy ăn đi.
Chị Thảo, con gái bà, gắt lại:
- Sau hãy thổi, làm gì mà rối lên thế?
- Rối! Rối cái mả bố mày ấy à? Mười giờ rồi còn gì! Súng ở tỉnh vừa mới nổ không nghe tiếng à?
- Ờ! Ờ! bà đến hay, để bó nốt đống này cho gọn hãy nào!
Tức mình, bà Nhâm lại quát:
- Để đấy!
Những người thợ làm trên mái nhà cúi xuống nói:
- Cụ cứ để cho cô ấy dọn, tý nữa chúng con ăn cũng được.
Bà há miệng nhìn lên cười:
- Ăn cho no rồi hãy làm!
Ở đằng xa, Hiền đứng nhìn mẹ, mỉm cười…
Đã hơn một tháng nay, từ hôm chưa bắt đầu làm cái nhà gạch, Hiền thấy mẹ lúc nào cũng cuống cuồng. Cả ngày bà hết chạy ngược lại chạy xuôi, chạy ra, chạy vào, hấp tấp, loăng quăng, tơi tả, như người có việc vội phải đi đâu. Gặp ai quen biết hỏi, bà cũng để ngây cái mặt hiền lành méo mó ra nói chuyện với người ta. Ai cũng biết bà đang lo ngại.
Sở dĩ, bà Nhâm lo là vì về dạo này, giời làm hanh hao, các xóm nhà lá trong làng cháy luôn. ở xóm này, mấy hôm trước đây cũng đã cháy. Bà Nhâm thấy nhà bà hàng xóm cháy, bà sợ lắm. Ngọn lửa cứ bốc mãi, tiếng kêu cứu thất thanh. Người chạy đến cứu hỏa rầm rập. Những lúc ấy, hai người con giai bà Nhâm trèo lên nóc nhà đứng để đỡ tàn cho khỏi rơi xuống mái. Bà Nhâm và chị Thảo ở dưới sân chuyền nước và chiếu lên. Hiền đứng một bên đầu nóc nhà, Nhuận đứng một bên đầu nóc nhà, hai người nằm rạp xuống mái.
Mỗi một cơn gió mạnh đưa vài chiếc tàn hồng xuống nóc nhà, Hiền và Nhuận lại hốt hoảng lấy chiếu dúng vào nước, dập. Bà Nhâm ở dưới kêu hét lên:
- Tàn đấy! Tàn đấy! Giời ơi! Hi! Hi!
Ngọn lửa đằng kia vẫn sáng rực cả một góc làng. Tiếng nứa nổ kêu như súng trận. Trẻ con khóc hét lên, tiếng đàn bà kêu ríu lưỡi lấp trong tiếng trống ngũ liên thúc dục người vào chữa cháy. Đêm tối, bóng người ẩn hiện xung quanh ngọn đèn bằng lửa cháy nhà lúc như tụt bấc, lúc lại như khêu ngọn lên cao, sáng ngời. Trông thấy cả hoa đèn! như hoa cải, nổ lốp đốp rồi lại đùng! Bà Nhâm sợ hãi gọi Hiền:
- Hiền! Chiếu đây này….
Bà đưa chiếu đã dấp nước lên để Hiền giải lên mái. Bỗng bà Nhâm thấy một hai cái tàn là là sắp rơi xuống mái, bà lại kêu:
- Kia, tàn! Tàn! Giời ơi! Tàn!…
Nhuận lại chạy đến dập và gắt mẹ:
- Tàn gì mà cuống lên thế?
- Chết mất! Giời ơi!
Lửa cháy đằng kia đã dịu dần và sắp tắt hẳn. Bà Nhâm lúc này mới đỡ sợ. Tuy vậy bà vẫn hét chị Thảo:
- Đứng đấy mà trông lấy đồ đạc.
Bà ngồi phệt xuống gần đống đồ đạc, thở hổn hển. Sáng hôm sau bà Nhâm mới hoàn hồn. Một xóm nhà lá đằng kia ra tro. Nhà bà Nhâm, không việc gì, bà đỡ sợ.
Ba hôm nay, bà Nhâm cứ thờ thẫn cả người, mặt bà vẫn đầy vẻ lo lắng. Cứ đêm đến bà hét chị Thảo hay tự bà chạy xuống bếp xem củi lửa đã rập chưa, nếu chị Thảo vô ý còn để sót ít than củi hãy còn cháy trong bếp, bà lại hốt hoảng chạy ra chum nước múc một gáo, mang vào tưới. Tiếng xèo xèo ở bếp đun đưa bụi tro lên mặt bà. Tưới xong, bà xem lại một lần nữa, thấy tro nguội lạnh, lúc ấy bà mới quay vào nhà ngủ yên. Nhiều lúc bà lại thính mũi. Đang nằm, bà ngồi nhỏm dậy hỏi các con:
- Này chúng mày, giẻ cháy ở đâu mà khét thế?
- Không! có ngửi thấy mùi gì đâu?
- Có! mùi khét lắm.
Bà đứng dậy, cầm chiếc đèn hoa kỳ đi vào chỗ dây treo quần áo, soi. Khi bà lại lắng tai, nghe như có tiếng kêu cháy ở ngoài đường. Sau bà biết đấy là tiếng của một người ở gần nhà bà, hét con về đi ngủ. Bà lẩm bẩm rủa thầm người ta:
- Đồ phải gió, làm người ta giật cả mình!
Về buổi chiều, bà đang hí hoáy bán hàng, thấy những cậu nhỏ, cô sen chạy đuổi nhau huỳnh huỵch ở ngoài đường, bà cũng hốt hoảng tưởng họ chạy đi chữa cháy.
Luôn mấy ngày bà Nhâm kém ăn kém ngủ. Hằng ngày bà ngồi bán hàng, bà thừ người đưa mắt lo sợ nhìn những đồ vật bà đã buôn: chum gạo nếp, chum đậu tương, đậu đen, và các thứ nữa: tủ đựng sách vở, tủ đựng sà-phòng, tủ đựng diêm thuốc, nước mắm, muối, tương cà, trăm thứ bà dằn… Bà Nhâm thở dài:
- Nhỡ động dụng ở đâu thì chạy kịp sao được?
Nhuận thấy mẹ lo ngại như thế, chàng bàn:
- Hay mẹ làm nhà ngói mà ở cho đỡ sợ vậy.
Hai mắt bà trừng trừng:
- Làm nhà ngói à? Làm gì có tiền!
- Làm nhỏ thôi, chỉ làm một gian để bán hàng.
Bà nghĩ ngợi:
- Làm thế hết bao nhiêu?
- Chỉ hết độ hai trăm thôi! Vốn liếng buôn bán, mẹ có bao nhiêu?
Bà tính nhẩm rồi nói:
- Kể ra thì tao có tới năm trăm, nhưng tiền tao gửi người cả. Tao chơi họ, tao cho vay, họ nắm hết. Bây giờ trong người tao chỉ giữ có ngót hai trăm để buôn bán, bỏ ra bỏ vào. Làm nhà thì hết vốn!
- Không, được mẹ cứ làm. Mẹ mua họ đi, đòi nợ đi, con vẽ kiểu nhà rồi xin phép làm. Chứ ở nhà lá… sợ lắm!
Bà Nhâm thấy Nhuận nói “sợ lắm”, bà cũng sợ, tưởng như sắp cháy nhà. Bà bằng lòng làm nhà gạch ở, để buôn bán cho chắc chắn. Bà đi đòi nợ lung tung, bà mua họ ầm ỹ. Bà đã thu đủ số tiền làm nhà gạch. Nhuận vẽ xong kiểu nhà, dơ cho bà xem và giảng:
- Làm kiểu tây, đây là hai cái cửa chớp, có lắp kính. Đây là buồng ngủ, buồng khách nối liền với bàn thờ. Nhà làm có trần ở mát lắm!
- Thế cửa hàng đâu?
- Đây!
Bà Nhâm xem vui thích, nhìn con mến yêu. Nhuận nói:
- Mẹ xem cửa hàng có to không? Con để trừ ra mười sáu thước hình chữ nhật làm hiệu để buôn bán cho rộng rãi đấy. Làm xong thì không còn lo sợ gì cả!
- Sao mày làm to thế? làm hết cả à?
- Vâng, con đã đi hỏi người ta. Họ bảo làm tất cả cũng chả hết bao nhiêu. Chỉ độ ba bốn trăm là nhiều. Mà mẹ có những năm trăm.
Bà Nhâm dẫy nẩy lên:
- Còn để buôn bán? lấy vợ cho mày chứ!
Nhuận mỉm cười:
- Mẹ đừng lo lấy vợ cho con. Con không lấy vợ! Làm nhà xong, con đi làm giúp mẹ. Mẹ cứ làm tất cả mà ở.
Bà Nhâm sung sướng được con hứa đi làm. Bà ngồi phệt xuống, mắt đăm đăm tư lự. Bà rất bằng lòng con bà đi làm.
Từ ngày mất việc ở hãng Gô-Đa, đến bốn năm nay, Nhuận chả muốn đi làm đâu cả. Cả ngày chàng chỉ bần thần nằm ngủ bình tĩnh trên cái ghế vải đặt ở hiên nhà, mặc cho ngày tháng lặng lẽ qua. Nhiều lần bà Nhâm thường giục:
- Đi làm đi chứ! Cứ ở nhà ăn hại mãi à?
- Bao giờ mẹ hết tiền buôn bán, đong gạo ăn, con mới đi làm! Hai mắt Nhuận lại lim dim, Nhuận lại ngáy khò khò ở trên ghế gỗ. Bà Nhâm nhìn con lắc đầu. Rồi bà để tùy con. Nhưng một việc mới gần đây đã xẩy ra cho con giai bà, là Nhuận hỏi vợ.
Nhuận yêu con gái một nhà giầu có trong làng. Hai người yêu nhau lắm, vẫn trao đổi thư từ cho nhau luôn. Mùa thu này đến, Nhuận nhờ người làm mối đến nói với thầy mẹ Nguyệt xin Nguyệt về làm vợ. Bà mối về bảo cha mẹ Nguyệt không gả, vì Nhuận là con nhà nghèo và vô nghệ nghiệp. Nhuận tức giận nói:
- Đã thế thì thôi!
Cả ngày chàng lại cứ “thảnh thơi” trên ghế vải… nghĩ ngợi buồn rầu. Đêm nào chàng cũng trằn trọc khó ngủ. Hiền nằm cạnh anh thấy mặt anh đã khắc một nét khổ của tình duyên chẳng được toại ý. Bà Nhâm thấy người Nhuận tự nhiên gầy sọm hẳn đi. Biết chuyện, bà khuyên con:
- Nó chả lấy thì thôi, cần gì nó. Tao đã bảo mày là nhà nó kiêu kỳ lắm. Con mẹ nó là chúa thần làm bộ. Gặp nó tao có thèm chào đâu. Nhà nó giầu thì nó ăn nhiều chứ ai!
- Thôi ra ngoài kia!
Bà mất hứng nói đâm cáu:
- Mày chỉ hám của! Mà người ta có gả cho đâu! Nếu nó có gả con gái cho mày bà cũng chả thèm nhận nó làm dâu.
Nhuận không nói gì, lại để ngay cái mặt hiền lành nhìn lên trần nhà, suy nghĩ. Bà Nhâm giọng mát mẻ, nói to:
- Đấy đã bảo mà! Vô nghệ thì ai gả con gái cho. Cả ngày chỉ lì lì như cục thịt, chả chịu làm, chịu ăn. Đến như bà đây, bà có con gái, bà cũng chả gả cho những đồ vô nghệ nghiệp!
- Thôi! thôi! bà im đi, rức cả đầu!
Bây giờ bàn đến làm nhà gạch, bà Nhâm thấy con bảo đi làm, Bà nhìn con mỉm cười ngước mắt an ủi con:
- Làm nhà xong, mày đi làm đi ăn chán vạn đứa gọi gả. Cần gì nó: Tao đã bằng lòng vài chỗ rồi…
- Thôi mẹ đừng nhắc đến nữa, con không lấy vợ! nghĩ đến làm nhà để ở hãy. Chả mẹ sợ lắm!
Món tiền bà Nhâm vẫn để dành, để lấy vợ cho con giai cả của bà, bây giờ bà đã bỏ nó ra để mua gạch ngói. Bà sung sướng khi mỗi ngày bà thấy những ông cai thợ nề đến xin bà cho nhận khoán. Cái kiểu nhà ngói ba gian vẽ ở trong tờ giấy xanh bóng, ngày nào Nhuận cũng lấy ra vẽ lại rồi tính tính, toán toán với những người đến xin thầu. Chàng đặt giá là ba trăm rưởi. Ai cũng lắc đầu kêu lỗ vốn hay không đủ tiền chi công thợ. Sau, mãi đến người cai thầu cuối cùng, chàng mới tăng cái giá đắt cho người ta là bốn trăm. Bà Nhâm hét lên. Nhuận an ủi và bảo: “Không cần! Rồi con sẽ đi làm”. Thế là đã có người nhận làm thầu, bà Nhâm và Nhuận đã yên trí, chờ ngày lành tháng tốt đến để dỡ cái nhà lá của bà vẫn ở đi để làm nhà gạch.
Ngày lành tháng tốt đã đến.
Sáng sớm hôm nay, một sáng sớm cuối thu lạnh, sương trắng xóa cả đường, làm những hình người đằng xa trông không rõ hẳn. Bà Nhâm đã dậy rồi. Bà vấn tóc, bà rửa mặt, bà súc miệng, nước súc miệng ở mồm bà nhổ ra, đo đỏ như nước cọ ống nhổ, cái ống nhổ vẫn đựng bã trầu. Rửa mặt xong, bà ra đường. Sương trắng lấp ngang mặt bà. Bà đi vụt lên; đến chỗ đình làng, bà mua một cái chân giò: bà về, làm cỗ lễ dỡ nhà. Làm lễ xong thì các thợ dỡ nhà đến. Bà cho người ta uống rượu, nhắm với thịt chân giò và xôi trắng. Họ ngồi ăn, bà vui vẻ người ta cảm kích bà, và thành thực khen bà là người phúc hậu tử tế. Hết rượu, bà lại cho mỗi người thêm nửa chai nữa Khà! khà! Một lúc thì mặt giời vừa lên cao, tan sương, hửng nắng. Bà Nhâm, các con bà với những người thợ cùng nhau khiêng những đồ đạc của nhà bà sang bên cái quán ngói ở đầu xóm. Dọn hết những đồ đạc của nhà bà và cái hàng tạp hóa, những người thợ trèo lên mái, bắt đầu dỡ. Bà Nhâm đứng dưới, trông lên, cảm động.
Tay bà quệt hai giọt nước mắt.
Cái nhà lá ấy, nó đã làm bạn với bà, từ khi bà về làm chủ nó. Bao nhiêu kỷ niệm! vui buồn, mừng lo! Đói rét, khổ sở, sung sướng, nó đã được chứng kiến rõ ràng, trong nhà bà từ xưa đến nay. Về quá khứ, nó đã làm đầy đủ bổn phận: che mưa nắng cho bà. Sang hiện tại, nó sắp nhường chỗ cho cái nhà khác.
Bà Nhâm vẫn từ tốn đi trong cấn bụi, nhặt những tầu lá gồi. Hiền đứng đằng này, nhìn mẹ mỉm cười và biết mẹ vui vẻ lắm, không lo ngại như mấy tháng trước nữa. Những tháng có gió mưa và nắng hanh, Hiền thấy mẹ rất buồn cười. Bà lo ngay ngáy. Bà chỉ sợ nhỡ cháy nhà thì cơ nghiệp ra tro.
-2-
Một cái ngõ con bẩn thỉu, lầy nhầy nước đọng ở hai bên; các đống rác ẩm thấp lẫn một hai đống phân xông lên những mùi khó chịu cho những người qua. Ngõ này nhiều nhà lá hơn nhà gạch. Theo dọc ngõ, về bên phải, có một giẫy nhà ngói làm kiểu toóc-xe chia ra từng gian một. Những gian nhà ngói này phần nhiều lính tráng thuê ở. Còn bên trái, cũng theo dọc ngõ, là những căn nhà lá bé nhỏ, thấp đều thoai thoải ở cách quãng nhau không có thứ tự. Các nhà lá này có nhiều thợ thuyền ở lắm. Mỗi buổi họ đi làm về, ngõ lại tấp nập. Vang lên những tiếng gắt nhau hoặc chửi nhau hay tiếng trẻ con khóc. ầm ỹ, hoạt động về những buổi trưa, sau lại yên lặng những lúc mỗi người đi làm, cái ngõ có nhiều thợ thuyền và lính tráng này là một cái xóm hẻo lánh trong làng Ngọc Hà. Ông Hai Cửu cũng thuê một căn nhà ngói ở tận cùng trong xóm. Trước mặt có một cái hồ thường đưa gió mát vào nhà. Lúc này ông Hai Cửu ngồi ở phản nhà ngoài, có cái vẻ mặt ngạc nhiên thực sự. Ông hút thuốc lào luôn luôn, thở khói, mơ màng rồi chép miệng. Ông có ngờ đâu bà Nhâm lại làm được nhà gạch! Ông vẫn tưởng bà ấy không sao mở mày, mở mặt được. Ông ngẫm nghĩ đến xưa kia: chồng bà đi làm cu ly. Còn ông là em ruột chồng bà thì làm nghề bồi bếp. Ngày trước ông giàu lắm. Hôm nay ông ngồi tẩn mẩn nghĩ đến quãng đời xưa mà tiếc nhớ trong lòng.
Từ ngày ông mất việc, ông mang vợ con ra phố, thuê nhà đường hàng Kèn ở. Vợ chồng ông sung sướng với cái số bạc nghìn trong tay. Hai ông bà chỉ ngồi “đánh sàng” nhau ăn, và nuôi hai con giai đi học. Cảnh sống của ông “đề huề” như thế. Bỗng ba năm sau, con ma bệnh đến cướp mất vợ ông đi. Ông buồn rầu thương người vợ đã kết ngãi đá vàng từ hồi ông làm phụ bếp tháng mười đồng, mà vợ ông ngày ấy làm cô hai. Vợ chết sinh chán đời, thành ra ông cứ chơi bời, bê tha. Ông mang tiền để dành ra phá. Hết của, ông lại đành phải làm tháng hai chục ở đường Cột cờ. Ông không thuê nhà ở dốc hàng Kèn nữa. Ông lên làng Ngọc Hà ở để đi làm cho gần. Hai đứa con giai của ông đã nhớn và đã kiếm được tiền cả rồi. “Thằng” nhớn đi làm ký, đã có vợ. Vợ nó bán thịt lợn lậu. “Thằng” bé hiện đi lính, đóng ở Sơn Tây. Ông đi làm, tối về lại nói chuyện với cô con gái út. Ông yêu và thương con gái út lắm, vì nó giống mẹ nó. Ngày qua rồi lại ngày qua. Ông quan tòa đổi đi Saigon, ông Cửu lại thất nghiệp. Kinh tế khủng hoảng rập đến, con giai nhớn ông cũng bị người ta thải về. Thế là hai bố con và người con gái đành ở nhà ăn bám vào người con dâu cả đi bán thịt. Nàng khổ sở và vất vả lắm. Sáng tinh sương đã phải dậy, lúc trời còn mờ mờ tối. Lấy được thịt rồi, nàng lại còn phải lẩn lút sao cho khỏi bị bắt. Thoát được một sáng, kiếm được lợi về nuôi bố, nuôi chồng, nuôi em, nàng thấy như đã làm đầy đủ bổn phận. Thế đã yên đâu? Đi bán hàng ở ngoài đường thì lo bắt vé, về nh! à lại sợ bố chồng chửi rủa, sỉ vả vì nỗi nàng không có…con… Nàng bực mình uất người. Sao nàng không đẻ lấy một đứa con để làm vui lòng ông bố và để chồng đỡ buồn bực khỏi đi chơi bời.
Nàng lại âm thầm uất ức mà yên lặng. Thấy chồng chơi bời quá lắm, nàng lại phải khẩn khoản ông Cửu. Nàng nhăn nhó nói:
- Thưa thày, thày phải ngăn cấm nhà con đi, chả con buôn bán có mấy vốn, mà nay nhà con lấy, mai nhà con lấy của con, con còn vốn đâu mà buôn bán nữa. Lạy thày! Thày thương con…
Ông Hai Cửu, giọng hách dịch như…bố:
- Ừ rồi tao bảo nó!
Một tuần lễ chồng không đi chơi, nàng hăm hở cám ơn thầm ông Cửu. Kém rượu, kém đồ ăn ngon, con giai ông Cửu lại đi chim gái. Nàng lại phải đòn về ghen. Ông Cửu lại nói:
- Giai năm bẩy vợ!..
Nàng vào buồng, âm thầm, khóc không ra tiếng. Tấn kịch ấy diễn hai ba lần trong một tháng ba mươi ngày. Nhiều bà hàng xóm tức chuyện nói mát:
- Gọi ông ấy là mẹ chồng thì phải hơn!
Ông nghe tiếng, giận, nói lại:
- Việc gì đến chúng mày mà chõ mồm vào. Đèn nhà ai người ấy rạng.
Ông sai cô con gái út chửi nhau với người ta, và bảo đóng cửa lại. Ông hách dịch gọi con:
- Cả! sao mày không dạy vợ mày để vợ mày hỗn láo thế.
Rồi ông tức giận, mặt hầm hầm gọi con giai lại, tát cho hắn đánh “bốp” một cái nói:
- Cút ra ngoài kia, sao ngu thế? – Cô-xoong!
Quay người lại con dâu:
- Thói phép mày đi làm dâu thế à?…
Từ xưa đến nay, mấy năm làm vợ con giai ông, nàng vẫn ngơ ngác không hiểu mình đi làm dâu phải làm thế nào. Nàng vẫn tự hỏi và phàn nàn với tất cả mọi người…
Hôm nay cả nhà đi vắng: Con dâu đi chợ, con giai đi chơi, con gái đi học đan. Ông Cửu ngồi nhà một mình, ông nghĩ ngợi… Ông không hiểu tại sao ông chóng hết của, mà bà Nhâm bây giờ lại giàu hơn ông. Ông biết: ngày xưa bà Nhâm nghèo khổ, thường vẫn xuống hàng Kèn vay tiền ông, nhưng những lúc ấy ông thường tránh mặt. Có một lần, ông không muốn “dây” với bà ấy, lặng lẽ dọn nhà đi phố khác ở. Ông thật thà dặn người hàng xóm:
- Xin bà đừng bảo cho con mẹ vẫn ăn mặc bẩn thỉu như con ăn mày ấy biết chỗ tôi ở. Nó là con mẹ mõ ở làng, thường cứ đi quấy rầy vào xin tiền tôi. Tôi đã cho nó nhiều. Bây giờ tôi đi chỗ khác, nó có đến hỏi xin các bác đừng bảo cho nó biết phố tôi ở.
Ông cẩn thận dặn các bà hàng xóm hai ba lượt. Một bà hỏi:
- Cụ dọn về phố nào?
Ông mỉm cười:
- Tôi lên phố Mới.
Sự thực, ông Hai Cửu dọn nhà về cửa Đông.
Bây giờ ngồi nghĩ lại, ông Cửu hơi thấy thẹn lòng. Ông chép miệng:
- Đời người ta, có số thật! Ai hay!…
Ông thẹn thùng không nghĩ nữa. Hiền vào.
- Lạy chú ạ!
Ông Cửu tươi cười:
- Cháu sang chơi?
- Thưa chú mẹ con bảo sang nói với chú cho chú cả Mỹ sang trông nom hộ thợ làm nhà…
- Nó vừa chạy đi đâu rồi. Được anh cứ về, rồi chú bảo nó sang.
Hiền mỉm cười, nhìn ông Cửu. Chàng lạy chú ra về. Ba hôm sau cái nhà lá của bà Nhâm đã dỡ xong. Nền nhà để chõ ra ánh sáng, quang đãng, rộng hơn khi có nhà. Bà Nhâm và chị Thảo đi thu dọn những rui mè ở nền nhà mang sang bên kia đường xóm chất thành đống. Những người thợ sẻ mộng không mặc áo, đang hì hục bào. Bên kia thợ xẻ cưa đang kéo gỗ. Tiếng tràng thợ mộc đục làm cửa sổ, tiếng cưa gỗ, tiếng đóng tre dưới chân móng… Hiền thấy tiếng động hòa vào nhau, nghe vui và nhanh như chiếc máy chạy. Nắng hanh gắt, trời thu cao rộng và trong sáng. Gió rì rào, cành cây rung động, lá bàng ở rìa đường. Bà Nhâm, mặt tươi như cô gái sắp lấy chồng, mang đĩa trầu đi mời các ông thợ. Họ đang làm, bà cũng bắt ngừng tay ăn trầu. Hiền thấy nhiều người cảm động về cái cử chỉ hiền hậu của mẹ chàng.
Ngày hôm nay, sau khi bà Nhâm đã làm lễ hoàn thổ và khơi thổ rồi, ông cai Thầu cho thợ nề sang làm. Trước khi làm cũng như các thợ dỡ nhà lá – bà Nhâm cũng cho họ ăn bữa rượu cúng hoàn thổ. Ông cai Thầu thấy bà chủ tử tế quá, can:
- Thôi cụ ạ! cho họ ăn bao nhiêu cho vừa.
- Một đời người mới có một lần… là mấy!
Bà rất vui vẻ, cho thêm hai chai rượu nữa. Nhuận, Mỹ thấy bà tốt quá, lắc đầu. Mỹ nói:
- Việc gì bác cứ phải cho họ ăn thế?
- Cho họ ăn để họ làm cẩn thận cho mình.
Mỹ tủm tỉm cười nói nhỏ với Hiền:
- Tôi sang trông nom cho bác, đứa nào không làm cẩn thận tôi thì bạt tai cho.
Mỹ nhìn những người thợ:
- Các anh làm đi thôi!
Luôn mấy ngày đầu cho tới một tháng những người thợ sắp làm xong cái nhà gạch. Bà Nhâm đã bỏ tiền ra mua gạch, ngói, vôi, gỗ, si-moong, hết ba trăm. Bà than thở với con:
- Không khéo ra thì khốn! Tiêu mất ba trăm rồi, mà cái gì cũng hãy còn thiếu. Mày làm to quá. Bây giờ tao mới biết!
Nhuận cười:
- Có nhiều lắm đến năm trăm là cùng!
Bà há mồm:
- Còn tiền đâu mà buôn bán nữa?…
Nhuận lại nói:
- Rồi con đi làm!
Mặt bà tươi ngay. Tối đến bà vẫn giữ ông Cai Thầu lại cho uống rượu. Ông Cai Thầu? Có khi không phải nữa. Ông chỉ là một người thợ cả, am hiểu cách thức làm nhà về sự chi tiêu mua bán, biết cách bảo thợ làm khéo, và cẩn thận. Ông không có vốn, nếu muốn mua cái gì – không ngoài các đồ vật làm nhà – ông lại phải nói với bà Nhâm và Nhuận đưa tiền cho ông đi mua. Nhuận cũng đi kèm, vì sợ ông “cai thầu” không có vốn hay lừa đảo. Nhưng bà Nhâm cũng biết ông là người làm ăn cẩn thận. Bà không nghi, nên tối nào bà cũng cho ông “cai thầu” uống rượu. Ngồi bên mâm, ông “cai thầu” tợp một hụm, khà một tiếng. Cái mặt ông ngây ngây nói nghẹn ngào hình như sắp nấc:
- Thưa cụ với ba ông: Thật từ khi cha sinh mẹ đẻ, con đi làm từ ngày còn để chỏm, không bao giờ thấy một nhà nào lại tử tế với thợ thuyền như thế! Ông thợ mộc vẻ mặt hiền lành cũng ngồi uống rượu cất tiếng chêm vào:
- Con làm khoán cho cụ, cụ cũng cho con… uống rượu!
Hai người cảm động cùng xắn miếng đậu phụ chấm vào đĩa mắm tôm mà họ thích nhất. Bà Nhâm vui vẻ:
- Có là mấy!
Nhuận, Mỹ cười. Hiền ngồi xem họ ăn. Ông cai Thầu nhìn Hiền:
- Cả ngày cậu Hiền chỉ đến làm cho thợ buồn cười!…Cậu vui tính quá!
Ông thợ mộc:
- Cậu đừng làm thế họ sinh nhờn. Họ là người làm công cả…
Bà Nhâm lườm Hiền:
- Chỉ được điệu bộ công tử hão, chả làm đỡ được gì! Cả ngày chỉ thườn thượt cái áo dài, trông mà ngứa mắt…
Nhuận gắt em:
- Thôi vào trong kia mà ngủ.
Hiền sợ anh, vào phản nằm. ánh đèn vẫn chiếu từng bộ mặt một. Chén rượu này cạn, rồi lại đầy. Hết chai, lại “xin cụ”. Họ đã say khướt, tiếng nói đã thấy ríu lại, giọng ngang tàng. Bà Nhâm phải thôi, không dám cho họ uống nữa, để sáng hôm sau họ còn sang làm việc.
- Lạy cụ! Con có say đâu… Con uống rượu không bao giờ say cả!
- Thôi ông về đi,sang mai sang làm.
- Vâng! Thôi con lạy cụ. Cụ “tử tế” quá!
- Không dám! Ông về nhà…
- Vâng, lạy cụ ạ!
Ông “cai Thầu” ngất ngưởng về nhà, ở cái ngõ hẻo lánh bên làng Ngọc – Hà.
Lúc này, trong cái quán gạch đầu xóm Ga; Hiền nằm ruỗi thẳng người trong màn. Chàng thấy một cảm giác, không hiểu là thứ cảm giác gì xâm chiếm lòng chàng, một cách bực tức khó chịu. Hiền thấy hơi nóng đầu. Bên ngoài, gió đông thu thổi mạnh. Những cây sấu ở cái bãi trước cửa nhà ga xe điện, theo với chiều gió rạt rào, ngả nghiêng. Và có rất nhiều sấu chín rụng. Hiền mỉm cười nhớ đến ngày bé thường theo các trẻ trong xóm ra bãi nhặt sấu. Cả một thời nhỏ dậy lên trong trí chàng. Hai mắt Hiền mở to đăm đăm, chàng đang tìm kiếm những kỷ niệm của tuổi thơ ấu. Hiền yêu nhất cái ngày đi nhặt sấu rụng. Muốn sống lại cái cảnh ngày ấy, chàng ngồi nhỏm dậy, cầm chiếc đèn “bin”, đi khuất ra sau quán, bấm đèn lên, chàng ngạc nhiên thấy hai ba cái bóng chạy vụt trước mặt. Tinh ý, Hiền hiểu đây là những bóng người đến lấy trộm gạch và tre bắc dáo của nhà chàng để ở đằng sau quán. Muốn trêu họ, Hiền cứ bấm đèn chiếu thẳng vào con đường họ chạy. Hiền mỉm cười thấy một hai cái bóng đen hốt hoảng rẽ vào một cái xóm nghèo nàn nhất. Mà cái xóm ấy, Hiền biết có nhiều người vẫn hay làm cái nghề: “Lấy của người làm của mình”. Mải bấm đèn trêu họ Hiền quên cả xem lũ trẻ nhặt sấu trong đêm tối đầy gió lạnh. ở quanh bãi ga, dưới rặng sấu, có những bầy trẻ con các nhà nghèo đang lần mò nhặt từng quả một để mai đem bán lấy ít tiền ăn quà hay đỡ mẹ mua cái ăn.
-3-
Bà Nhâm mới về nhà mới được năm hôm nay. Bà sung sướng, bình tĩnh ngồi bán hàng. Bà không lo sợ và ” thính mũi” nữa. Nghĩ lại những tháng trước, bà Nhâm cũng phải mỉm cười. Bà nhìn Hiền và cười để lụn hai má đồng tiền. Hiền ngạc nhiên thấy từ hôm về nhà mới, mẹ chàng lại đẹp và trẻ ra. Những vết nhăn ở trên mặt không thấy nữa. Hiền nhìn mẹ mỉm cười, nói:
- Sao hôm nay trông mẹ đẹp thế?
Bà cười, nhìn con. Ngồi tư lự bán hàng, bà nhớ đến thời còn con gái của bà. Ngày ấy, bà đã nổi tiếng là cô gái đẹp nhất xóm Quản Tượng. Xóm Quản Tượng là một cái xóm bẩn thỉu toàn nhà lá. Ai vào xóm cũng khó chịu. Vì cái xóm này, nhà nào cũng làm nghề nấu rượu lậu cả. Bã rượu thì để cho lợn ăn, nên con đường dài của xóm không được sạch lắm. Nhà bà ở cuối cùng xóm, cạnh nhà có một cái trường dạy chữ nho của ông tú người làng. Mỗi buổi đi bán rượu về qua trường học, bà lại hồi hộp ngó vào để gặp đôi mắt thông minh của người học trò nghèo ngồi học trong đó nhìn ra. Bà lại thẹn thùng, đôi má ửng hồng, hai con mắt nhìn xuống đất, rồi bà vội vã vào nhà. Đấy là tình yêu của bà với người học trò ấy, nhưng bà không hiểu. Bà chỉ biết, nếu bà không gặp mặt người ấy và nếu người ấy không nhìn bà, thì bà thấy trong lòng khó chịu mà thôi. Có nhiều người cùng học trường ấy hay nói bông đùa với bà nhưng bà lại thấy ghét người ta. Bà thích người học trò nghèo kia nhìn bà và nói chuyện với bà. Rồi bà thầm phục người ấy đứng đắn thực đáng là môn sinh của cụ Tú, người dậy học chữ nho rất nghiêm khắc. Thế rồi bà và người học trò nghèo ấy không lấy được nhau. Bà chỉ thấy buồn chứ không hiểu thất vọng là gì. Bà lấy người khác. Bà không bằng lòng người này, nhưng anh bà cứ bắt phải lấy. Sớm mồ côi cha, ở với anh, bà rất khổ sở. Anh bà là con một hay chơi bời, chỉ ăn cắp tiền của mẹ đi đánh bạc. Nếu mẹ có mắng, anh bà lại lôi bà ra đánh, để cho mẹ thương con gái đỡ chửi mình nữa, ! Bà nghĩ mình chỉ là cái thân tội mà thôi. Bà rất hiền lành, sợ anh như sợ bố đẻ, không dám cãi anh bao giờ. Có khi bà lại thấy cả mẹ bà cũng sợ con giai nữa. Nên bà đã buồn rầu sợ hãi nghe anh mà lấy chồng. Lấy người này, bà đã đẻ được bốn đứa con. Cảnh gia đình bà rất nghèo khổ. Chồng bà trước cũng là môn sinh cụ Tú, vì học dốt nên phải bỏ rồi đi làm cu ly trong sở nhà máy điện. Anh giai và chồng bà chơi thân với nhau lắm. Hai người làm bạn nối khố để đi đánh bạc. Một hôm bà đương ngồi mớm cơm cho đứa con giai út ở đầu hè nhà thì thình lình có người làm trong sở đến bảo cho bà biết tin chồng bà bị nạn lao động. Bà hốt hoảng đặt con xuống phản rồi chạy vào sở. Người ta bảo chồng bà ngồi làm ở trên cao ngã xuống. Bà xin thi thể chồng về mai táng. Ông chủ thương chồng bà chết trong khi làm việc, có cho bà năm chục bạc và trả thêm cho hai tháng lương nữa. Làm ma chồng xong bà thắt lưng buộc bụng ở lại nuôi con vì cũng có nhiều người muốn lấy bà. Đôi khi, những lúc ngồi nhàn rỗi, bà cũng có nghĩ đến đoạn tình kín đáo của bà với người học trò nghèo. Bây giờ người học trò ấy cũng đã có hai con rồi. Bà mỉm cười mỗi khi trông thấy người ta. Đời sống của bà, sau khi chồng chết rất eo hẹp thiếu thốn. Nhưng không vì thế mà bà xao nhãng cho hai con giai của bà đi học chữ tây ở trường làng. Bà rất quý mến những người có chữ. Sự kinh nghiệm trong khi bà ăn ở với chồng, bà thấy chồng bà là người ngu si và dốt nát lắm. Bà thường cãi cọ với chồng luôn cũng chỉ vì chồng bà không muốn theo cái ý ăn ở cho ra người. Bà ghét nhất cái tí! nh hay đ! ánh bạc của chồng. Nên hai đứa con của bà sau này, bà muốn chúng đừng giống cái tính nết của cha chúng. Bà mong hai đứa con giai của bà được như cái tính nết của người học trò nghèo mà xưa kia bà đã kính phục và yêu mến. Nếu anh bà không ép gả, có lẽ bà đã lấy người học trò ấy.
Bà buồn rầu nghĩ đến ông anh giai. Sau khi bà đi lấy chồng, mẹ đẻ góa bà chết. Bà cụ chết, người con giai lại phá phách, chuyên của đi đánh bạc thêm. Bà Nhâm còn nhớ rõ cái hôm ấy, mẹ bà đang cơn dở bệnh, biết là sắp chết cố gọi bà vào. Rồi bà mẹ góa rúi cho con gái cái bọc giấy con. Bà Nhâm về giở ra thì ở trong bọc đó có tám chục. Bà biết đó là mẹ đã giấu cho. Bà mừng thầm, được số tiền ấy về dọn hàng buôn bán nuôi con. Xóm ga của bà ở là một xóm nhiều thợ thuyền. Nhà bà ở đầu xóm cạnh đường cái làng. Được tiền của mẹ cho, bà thuê thợ mộc đi rong vào chữa phá một bên trái buồng, làm cái cửa hàng bán tạp hóa xoàng. Hàng của bà được nhiều người vào mua nên đắt lắm. Bà thường bán chịu cho những bà mẹ lao động ở xóm. Ai cũng quý mến và thích mua hàng của bà. Chẳng bao lâu bà đã có một cái vốn kha khá có thể buôn to được. Thỉnh thoảng ông hai Cửu em ruột chồng bà sang chơi, lại có ý thẹn với bà vì bây giờ bà lại sẵn tiền cho ông ta vay. Chứ không như xưa nữa!…
Hiền vẫn đứng cười nhìn mẹ. Nghĩ đến cái hôm Bà Nhâm khuyên con, sau khi Nhuận thất vọng về tình, Hiền mỉm cười nói khôi hài với mẹ, chàng bông:
- Mẹ còn nhớ cái ông học trò nghèo có cái tên đẹp đẽ là Kha không?
Bà cười:
- Bây giờ ông ấy đã có hai con rồi, vẫn lại đây mua hàng của tao!…
- Ông ấy bây giờ làm gì hử mẹ?
- Làm thợ sắt ở ngoài ga hàng Cỏ!
- Ông Kha lại mua hàng của mẹ, có nhắc đến chuyện cũ không?
- Không! Tao mấy ông ấy trông thấy nhau chỉ cười.
Một người vào mua hàng, bà Nhâm đứng dậy bán. Trời đông xám và lạnh. Mưa phùn thêm to hạt, theo với gió heo rạt rào. Hiền đi, lại, trong nhà. Chốc lại cười tủm. Đằng kia, mé góc buồng khách, trên chiếc ghế vải, Nhuận cuộn tròn người trong chiếc chăn len đỏ, nằm ngửa mặt nhìn lên trần. Từ hôm về nhà mới, nét mặt Nhuận tươi hơn, không sầu như những ngày còn ở nhà lá. Là vì Nhuận biết làm nhà xong sẽ lấy được Nguyệt. Sở dĩ, ông bà không muốn gả Nguyệt cho Nhuận chỉ vì Nhuận không ở cái nhà gạch như nhà cha mẹ Nguyệt để được môn đăng hộ đối mà thôi. Nhuận buồn rầu nhớ hôm bà mối về báo cho biết cái tin đau đớn về cuộc tình duyên của chàng và Nguyệt. Lúc bà mối ra đi, chàng đặt bao nhiêu hy vọng. Chàng tin về tấm lòng yêu khăng khít của Nguyệt và chàng lầm. Nghĩ đến mẹ Nguyệt người béo nịch hay ngồi xe nhà, thường cau có mặt, mỗi khi trông thấy Nhuận. Tự nhiên lòng chàng buồn, chân tay run run, lo sợ. Nhuận hốt hoảng gọi bà mối lại. Chàng dặn thêm:
- Bà phải nói cho thật khéo với bà cụ vào!…
Bà mối cười, đi, nghĩ đến cái áo mặc mát của Nhuận đã hứa biếu, nếu bà nói khéo cho hai người được thành gia thất! Nhuận hồi hộp đợi chờ. Chàng thấy những giờ phút ngóng đợi bà mối về, nó lâu và nóng ruột quá. Hai tay xoa ngực, Nhuận đi bách bộ xung quanh hè nhà, một cái nhà năm gian, thâm thấp và lâu ngày, những tầu lá gối đã mòn và mủn. Những tấm bức vách ngăn từng buồng loang lổ hở nhiều lỗ thủng như những kiểu mắt cáo đan dậu trông thông sang nhau. Đồ đạc kê trong nhà phần nhiều là đồ cũ và đã mọt, Nhuận chép miệng cho cái cảnh “nghèo” của nhà chàng. Sự thực về mặt tiền tài, trong gia đình Nhuận không đến nỗi túng thiếu. Mẹ chàng cũng thừa tiền buôn bán. Bà lại còn cho những người nghèo khổ vay tiền không ăn lãi nữa là đằng khác. Nhà bà Nhâm chỉ nghèo vì ở nhà lá và trong nhà không có các đồ mới bày biện mà thôi. Bà Nhâm và Nhuận cũng muốn sắm nhiều đồ mới để thay những đồ cũ mọt, nhưng bà sợ nhỡ “động dụng” ở đâu thì chạy sao kịp được những thứ bàn ghế sang trọng lủng củng ấy ra đường. ở nhà lá không nên sắm những đồ đạc đắt tiền. Bởi vậy nên nhà bà, nhiều người vẫn tưởng là nghèo. Bà Nhâm và Nhuận chỉ mỉm cười và công nhận nhà mình hãy còn “nghèo lắm”. Nghèo lắm, có lẽ chỉ mang so sánh nhà bà và nhà ông Hàn Kiệm có cô con gái tên là Nguyệt mà Nhuận yêu. Nhà ông giầu nhất xóm Quản Tượng. Ông làm thư ký ở tòa án được phẩm hàn lâm. Nay ông đã về hưu. Ông mến Nhuận lắm vì ngày trước Nhuận học ông và hiện Nhuận vẫn chơi thân với cả Xung con giai ông! . Ông bằng lòng gả Nguyệt cho Nhuận. Vợ ông không bằng lòng, ông bảo:
- Nó vô nghề nghiệp tôi sẽ tìm việc cho nó làm. Cốt người tử tế ngoan ngoãn là được rồi!…
Bà mối đã về, trông thấy Nhuận bà lắc đầu. Nhuận tái mặt. Chàng nghẹn ngào hỏi:
- Thế nào bà cụ có bằng lòng không hử bà?
Bà mối mỉm cười:
- Không! Chả ai bằng lòng cả. Bà cụ bảo! “Đũa mốc không xứng với mâm son”!
Nhuận cáu kỉnh hai tay xoa ngực:
- Đã thế thì thôi vậy!
Dăm ngày hôm sau. Bà mối nói xa xôi với Nhuận:
- Bà cụ muốn cái tiền lấy vợ thì để làm nhà gạch mà ở chả dạo này giời làm hanh hao! Nhỡ ra thì khốn đấy!… Bây giờ Nhuận nằm mở to mắt, nhìn lại nhà mới làm. Một cái nhà ngói kiểu tây ba gian có đủ cả trần rơm, buồng khách, cột sa-lông, cửa kính, cửa sổ, cửa chớp, sân gác. Nó đã đứng sừng sững ở đầu xóm ga được mười lăm hôm nay rồi. Và bà Nhâm đã nổi tiếng là người giầu có. Mất năm trăm đồng bạc làm nên cái nhà Nhuận chỉ còn chờ cưới vợ nữa là xong. Vì Nhuận hiểu câu nói xa xôi của bà mụ mối. Chàng thấy trong lòng sung sướng và rất bằng lòng cái kiểu nhà này.
Tu… tu… u!… những tiếng còi chiều ở các công sở vùng này đã tan về. Cái âm thanh của các tiếng còi, về mùa đông Hiền nghe nó lan rộng, và đi sâu, tản mạn nhẹ nhàng như trông thấy nó đang víu lấy làn khói xanh nhẹ ở các bếp gianh trong xóm lao động, hay vẳng lên giữa trời lạnh sớm. Tự nhiên lòng chàng thấy dìu dịu, và có một cái thú như bà mẹ lao động rúm lò chờ chồng về sưởi ấm. Hiền mở cửa sổ nhìn ra đường.
Lúc này, trên đường cái lầy lội chạy ra tỉnh, những phu ở các sở hoặc ngoài phố hay trong làng, đổ về đông đúc. Họ đổ về đông đúc. Họ đi thành giẫy dài. Ai cũng co ro dưới mưa bay lạnh. Rồi tơi tả, họ rẽ cả vào các xóm làng Thụy Khuê.
-4-
Làng Thụy Khuê gần thành phố Hà Nội, làng này ăn dài và có một con đường cái chạy ra tỉnh. Hai bên đường là hai giẫy nhà lá của dân ở. Làng Thụy Khuê chia ra nhiều thôn nhiều xóm; Những xóm được nhiều người quen gọi là xóm Đông Bảng, xóm Ga, xóm Quản Tượng và xóm Hàn Lâm. Làng Thụy Khuê không có ruộng nương để cầy cấy. Dân làng này sống bằng nghề đi làm. Xưa kia, lúc chưa có các nhà máy, thì cách sống của làng này đều trông vào nghề nấu rượu lậu cả. Sau các công sở mọc lên rải rác ở làng, họp thành nhân công của các lò máy. Từ khi có các nhà máy Điện, máy Da, máy Ruộm, làng Thụy Khuê trở nên vui vẻ và sầm uất. Các xóm nhà gianh đã lác đác có nhiều nhà gạch, Hai bên dẫy nhà, có nhiều người mở hàng tạp hóa bán. Xe điện chạy luôn luôn qua làng. Những buổi sáng, trưa, tối, chiều lại tấp nập những người làm công sở đổ về và đi. Ai cũng hốt hoảng chăm chỉ chú ý đến những tiếng còi sở thổi, rồi vào làm. Buổi về, đường cái lại nhộn nhịp tưng bừng những phu phen.
Buổi trưa hôm nay, Sơn làm ở sở bia Ô-men về. Hai má nàng đỏ bừng lên như say rượu. Nàng lảo đảo đi trên đường làng Thụy rồi rẽ vào xóm Đông Bảng là chỗ ngụ của cha nàng. Trời hạ, nắng chang chang, cây cối im phăng phắc. Không một cái gió mát, không tiếng ve kêu. Tiết giời oi ả, nồng nực im im. Không có một tiếng động nào khác tiếng trẻ con khóc. Xóm Đông Bảng đẫm mồ hôi. Những người đi làm về ai cũng uể oải khó chịu. Sơn ăn bữa cơm trưa thấy nhạt nhẽo vô vị, chán ngắc, chán ngơ và nó cứ khô khan ở cổ không buồn nuốt nữa. Ông Toản, cha nàng làm cu ly trong nhà máy Điện, ngồi bên bàn gần chỗ mâm của cô con gái, đang hút thuốc lào sòng sọc. Chốc, ông lại uống tợp nước vối hãm khói rồi thở ra đằng hai lỗ mũi một cách mạnh mẽ như hai cái ống chì vẫn nhả khói ở chiếc máy hơi chạy. Bất giác, tự nhiên Sơn mỉm cười. Nàng thấy lạ, trong lòng lại quận lên một cảm giác mà Sơn khó phân tích được. Sơn chỉ biết là mình yêu Hiền mà thôi. Đã tới năm sáu tháng nay, từ dạo mùa đông năm ngoái, cứ ngày hai buổi, nàng đi làm về là thấy Hiền đứng trong nhà nhìn ra. Hai mắt sáng lên và nét mặt Hiền ngây ngây, lúc ấy nàng lại đỏ mặt đi lẫn vào trong đám đông người tay chao nón và hơi nhếch mép cười. Có một hôm, Sơn nghĩ thẹn và tức với Hiền, lúc ấy còi sở tan ra, Tây Đen gác ở cổng đang khám những người làm, đến lượt nàng, nàng nhìn ra thấy Hiền đứng ngoài cổng sở nhìn vào khiến nàng thẹn quá. Thẹn đổi ra tức, rồi thành ra ghét.
Hôm sau lúc sở tan về, Sơn không thấy Hiền đứng lảng vảng ở cổng có ý đón ngầm mình nữa. Nàng về qua xóm ga, thấy Hiền đứng trong khung cửa sổ nhìn mình. Sơn mỉm cười nghĩ thầm:
- Anh chàng có ý tứ thật!
Nhưng Sơn cũng chưa biết là Hiền đã yêu nàng chưa, rồi buồn rầu, Sơn chép miệng:
- Người ta là con nhà giầu có, ai người ta thèm yêu thương lấy đến mình!…
Nghĩ ngợi Sơn lại mỉm cười lấy chiếc gương con ở trong túi ra soi. Mặt nàng hồng hồng, hai con mắt đen lay láy, nước da trắng ngần. Sơn nghĩ thầm:
- Không trách, hai mắt anh chàng híp lại là phải!
Tiếng tích-tắc của chiếc đồng hồ báo thức để trên bàn vẫn đều đều rõ ràng trong làn không khí yên lặng buổi trưa hè. Hai tay ông Toản trống nẹ, vẻ mặt suy nghĩ. Ông lo kỳ tiền tới không biết bà Xoan có cho ông chịu lại mấy đồng bạc gạo để ông gửi số tiền ấy về quê đóng sưu không? Ông nghĩ khéo lạy van, may ra cũng được. Nhưng rồi ông biết thế nào cũng phải chịu lại mặc dầu là tiền ông ăn gạo ngữ. Bà Xoan, một người chuyên môn bán gạo cho thợ làm ở các nhà máy vùng này. Nhà bà ở xóm Đông Bảng và giầu nhất xóm. Một cái nhà ngói bát vạn kiểu cổ Annam. Xung quanh tường và cái cổng gạch to tướng có nhiều mảnh chai cắm sáng quắc. Người bà Xoan béo nục nịch hay đi xe nhà. Nhiều người có nợ trông thấy bà hay trốn. Vì bà ác tướng và hay chửi lắm. Kỳ tiền nào, bà cũng bệ vệ, khoan thai ra ngồi ở cổng sở xe điện nhặt tiền nợ. Cứ mỗi người thợ ở trong sở ra, bà lại nặng nề đứng túm xoắn lấy họ, đòi nợ. Lắm người phải nhăn nhó lạy van bà như tế sao.
- Con lạy bà, bà cho con khất đến kỳ sau. Tháng này con ốm, nghỉ mất dăm ngày nên túng quá!…
- Ốm! Sao không chết đi, có vài đồng bạc gạo cứ để người ta mỏi mồm. Tháng nào cũng xoen xoét, lạy với chả van. Ai lấy lạy của nhà anh!.. Nếu anh không bớt mà giả tôi ít nhiều, thì tháng này anh đừng có mang thúng lại mà lấy gạo nữa. Không ai có thừa của mà bán cho cái ngữ anh, dai như đỉa đói. Bà quay mặt, hai tay vuốt mép giầu. Người cu ly cứ đứng nhăn nhó:
- Lạy bà, bà thương nhà con. Thật quả tháng này con chỉ lĩnh được có sáu đồng; chả tin bà hỏi ông ký phát lương mà xem.
- Thế tháng này anh lại không giả bớt được đồng nào phải không?
- Lạy bà! bà lại cho nhà con giả tiền lãi vậy.
Bà Xoan lấy làm bộ không bằng lòng:
- Lãi lờ con khỉ! tháng nào cũng giả lãi… Thế là người cu ly ấy đã giả bà Xoan đồng hai bạc lãi trong số sáu đồng bạc gạo mà bác đã đọng lại của bà ta hai tháng nay. Bà Xoan lấy tiền lãi của người ta, mà bà cứ thản nhiên như bà lấy tiền lãi cho vay. Không trách nhà bà giầu to là phải!
Ông Toản nhìn đồng hồ thấy kim chỉ gần một giờ, ông thở dài cầm mũ đi làm. Ông dặn Sơn:
- Tháng này, Sơn cho thầy giật một đồng nhớ?
- Con có đâu! thầy vay làm gì?
- Tao gửi về quê đóng sưu!
Sơn nhăn mặt:
- Con không có.
Ông Toản quắc mắt lườm. Sơn nói:
- Tháng này con phải mua cái thắt lưng!…
- Mua thắt lưng để đi đánh đĩ à? Mày dờ hồn đấy!
Nàng sa sầm mặt, không nói gì. Ông Toản bước qua ngưỡng cửa đi làm. Sơn ngồi ngẩn rồi bỗng dưng nước mắt ở khóe chảy ra. Nàng khóc cái cảnh sống nghèo của nhà nàng chẳng được sung sướng, giầu có bằng ai. Mẹ nàng chết đi rồi, nếu không cũng chẳng đến nỗi phải sống khổ sở như thế này. Sơn còn nhớ ngày còn mẹ nàng dọn hàng cơm ở phố Mới. Ông bà Toản được có một mình Sơn cho đi học ở trường Thăng-Long. Rồi bà Toản phải cảm chết. Sơn phải thôi học. Vợ chết. Ông Toản lấy thêm nhiều vợ. Buôn bán thua lỗ và thường hay bị các bà vợ lẽ lừa. Ông Toản thành vỡ nợ, khánh kiệt gia sản. Ông mang Sơn lên làng Thụy Khuê, nhà ở xóm Đông Bảng. Ông xin làm cu ly nhà máy điện. Sơn ở nhà thổi cơm cho ông ăn. Sau vì cảnh sống túng bấn quá, nàng phải xin làm một chân rửa chai trong sở nhà máy rượu, lương tháng sáu đồng. Hai bố con đi làm, ai về trước phải thổi cơm, rồi chờ cùng ăn với nhau. Về buổi trưa, sở xe điện tan mười một giờ. Sở nhà bia tan mười hai giờ. Về buổi chiều, sở ô-men tan bốn rưỡi. Nhà ga xe điện tan sáu giờ; Sơn buồn rầu nghĩ giá cha nàng không say mê vợ lẽ thì cảnh đời của cha và nàng đâu phải sống lầm than như thế này. Tháng này, nàng cố nhịn quà lấy tiền mua thắt lưng mới, thay cái thắt lưng cũ để diện với Hiền. Mà cũng không được. Nàng biết số tiền để dành ấy thế nào cũng phải đưa cho cha nàng. Không nàng lại phải đòn.
Tu…tu… Tiếng còi một lượt của nhà Bia đã rục. Sơn uể oải vấn lại cái khăn rồi khoác chiếc áo dài đi làm. Qua xóm Ga, nhà Hiền, Sơn không nhìn vào để gặp cặp mắt của Hiền nữa. Sơn không hiểu sao buổi đi hôm nay, nàng thấy ghét Hiền thế. Nàng không hiểu nàng ghét về gì. Đến sở, Sơn ngạc nhiên thấy Hiền đương đứng nói chuyện với Thanh làm thợ sắt trong sở. Nàng còn bẽn lẽn đứng lẫn vào chỗ đông người. Sơn nghĩ thầm:
- Nếu lúc này mình có nhìn vào cũng chẳng thấy!
Sở nhà bia Ô-men ở về bên trái bên đường Parreau lối lên vòng đua ngựa. Sở này to, kiểu kiến trúc đẹp và sạch sẽ hơn các sở khác quanh vùng này. Nhân công là những người ở các làng gần sở. Như làng Lữ Giai, làng Đống Nước, làng Đại Yên và làng Thụy Khuê. Tiếng còi một lượt vừa rúc họ đã kéo nhau đến túc trực sẵn ở sở để chờ tiếng còi thứ hai là vào làm. Trước cổng sở dưới bóng cây me chua che nắng, những người làm công đứng túm tụm từng tốp chỗ hai ba người, chỗ năm sáu người, đàn ông lẫn đàn bà, họ nói chuyện pha trò rất vui vẻ. Và cô hàng quà trẻ tuổi bán luôn tay và cười luôn miệng.
- Thế nào, bánh này của cô có ngon không?
- Cô có bán bánh sữa không?
Cô hàng lại nhanh nhẩu mỉm cười:
- Không có ạ!
- Không à!
- Khỉ! cái nhà bác này!
- Ô hay, nỡm! trẻ con lắm.
- Mai em bán!
- Hì! Hì! Hì!
Mấy người thợ ngồi trong hàng ăn quà. Người hút thuốc lào, người nhăn nhở cười vì câu pha trò của bạn. Rồi ai nấy lại cười vang gọi tên nhau ầm ỹ. Chốc chốc, hai cặp mắt Hiền Sơn lại mạnh mẽ bắt lấy nhau sáng ngời. Thanh mỉm cười:
- Nhà “Mạnh thường quân” dạo này đã gầy đi rồi!…
Hiền cười:
- Thế mà sút bóng vẫn khỏe như thường!…
Một người hỏi bông Sơn:
- Bao giờ em Sơn lấy chồng cho anh ăn cỗ?
Nàng chép miệng nói to, cho Hiền nghe tiếng:
- Nhà em nghèo thì ai lấy!…
Nói xong, Sơn thấy mặt Hiền sầu, nàng sung sướng. Tu… tiếng còi ngắn lần thứ hai đã thổi. Người tràn ngầm ngập vào làm. Vừa đi, họ vừa pha trò, cười khanh khách. Hiền nhìn vào, Sơn nhìn ra; Bốn con mắt gặp nhau, hai miệng cười.
-5-
Bà Nhâm mặt tươi, hai tai nhí nhảnh đôi hoa tai vàng óng ánh. Bà ngồi tiếp chuyện các bà bạn. Miệng cười luôn luôn. Trong nhà, lúc này rầm rầm vang lên những tiếng nói. Họ ăn uống, cốc bát đũa chạm nhau. Chốc lại nổi một tràng pháo. Nhuận vai chú rể, vẻ mặt hớn hở. Chàng bận áo sa, đi giầy vernis, đầu rẽ lệch, chững chạc cái khăn. Và có mùi nước hoa ở trong người thoảng thơm mát. Hiền ngồi vặn kèn hát, chị Thảo và chị Nhâm chạy loăng quăng bưng nước dùng và các bát xào nấu đi các bàn các mâm. Không khí cưới xin rất đầm ấm và vui vẻ. Nắng mới tháng ba chạy ngoài cửa sổ sang sáng. Gió xuân nhẹ lọt vào làm rung động những bông hoa ở trên các bàn ăn. Hương trầm trên bàn thờ gia tiên tỏa ra thơm phức man mát. Bộ tam sự mới mua sáng loáng như mặt gương ẩn nắng hoe tươi ngoài cửa sổ. Ông Hai Cửu và ông anh giai bà Nhâm ngồi trên cái ghế ngựa kê dưới bàn thờ thi nhau uống rượu và hút thuốc. Hai người vừa uống rượu vừa hãm thuốc lào và nói chuyện với nhau:
Ông Hai Cửu:
- Gái góa như bà chị tôi đây, thật đáng được bốn chữ Tiết Hạnh Khả Phong!…
- Nếu không có tôi, mấy lần cô nó toan cải giá!…
Ông Cửu trừng mắt, nhăn mặt, cau có. Ông anh giai bà Nhâm thở xong khói thuốc lào, nói tiếp:
- Tôi phải đe… Nếu cô bước đi bước nữa, thì tôi mấy cô sẽ tuyệt đường nhân nghĩa cốt nhục!…
Ông Hai Cửu gật gù:
- Phải!.. phải!..
Trong nhà đám, tiếng kèn thổi bài cười sằng sặc. Rồi lại đến bài âm điệu du dương thánh thót, êm ái.
Hiền cười đi vào. Mấy đứa trẻ đến nhặt pháo cười reo lên và làm trò đùa với Hiền. Hiền lại để một ngón tay lên mũi, có tiếng kêu:
- Ngoéo!
Đàn trẻ con ngửa mặt lên trời, cười khanh khách. Hiền mang bánh pháo, gỡ cho các trẻ. Hiền thấy chúng thích lắm.
Hôm sau là ngày đón dâu.
Nhà ông Hàn Kiệm, một căn nhà ngói hai tầng, ở giữa quãng xóm Quản Tượng. Nhà ông giầu. Ông gả Nguyệt cho Nhuận và làm thông gia với bà Nhâm. Thế mà nhiều người ngoài có tính hay nói nhảm lại bảo ông sở dĩ gả cô Nguyệt cho Nhuận là vì cô ấy ế chồng, nhiều tuổi rồi. Người ta lại thối mồm, thấy ông gả con gái mà chả ăn gì, nói chuyện bình phẩm với nhau:
- Hay là cô ấy đã ỏng rồi!
Nhuận lấy vợ con nhà giầu có, nhiều người nói là chuột sa chĩnh gạo!
Họ nhà gái tiếp họ nhà giai đến đón dâu rất niềm nở. Pháo đốt mừng luôn luôn. Chú rể là chỗ quen thuộc thường ra vào, lại chơi thân với Xung nên cũng không đến nỗi thẹn lắm. Lễ gia tiên xong, đến lễ tơ hồng. Một cái bàn đặt chéo ở sân, dưới dàn hoa thiên lý tây. Trên bàn bầy bộ tam sự bằng đồng. ở giữa bàn có một con gà sống nằm trên chiếc đĩa tây, miệng ngậm chiếc hoa hồng tươi, châu mỏ ra phía trước. Nhuận đứng lễ, hai bên là ông anh giai bà Nhâm và ông Hai Cửu. Mỗi người đứng một bên mép chiếu hoa miệng hò những câu tế bằng chữ nho. Ông Cửu vòng hai tay kiểu tay giấy ông Tiến sĩ hàng mã, giơ cao ngang trán.
- Hương:
Ông anh giai bà Nhâm lại:
- Bái!
Nhuận thong thả lên gối xuống gối lễ. Chàng lễ được bốn lễ ông Hai Cửu xướng một câu dài, để kết rồi đọc sớ.
- Bình thân phục vị, lễ sơ nhi tân hôn!
Ông anh giai bà Nhâm đọc sớ song, ông mỉm cười quay gọi cô dâu ra lễ tơ hồng. Nàng vừa lễ vừa mỉm cười liếc mắt nhìn Nhuận.
Bà mụ mối ton ton nhanh nhẩu đến chỗ ông bà Hàn Kiệm, nói:
- Bẩm lạy cụ, bây giờ đến lượt hai cụ cho chú rể lại mừng tuổi, rồi xin phép cụ cho họ nhà giai đón dâu!…
Nhuận lễ hai ông bà nhạc song rồi rước dâu về…
Nguyệt đã là vợ Nhuận được ba tháng nay rồi. Hai người mến nhau lắm. Bà Nhâm hiền lành, thương con, Nguyệt sống dễ chịu. Nàng không xấu số như nhiều người khác, thường hay gặp mẹ chồng tai ác. Nhuận, Nguyệt lấy nhau, Hiền và bà Nhâm rất ngạc nhiên.
Bà Nhâm nói:
- Quái! tao tưởng không thành, sao người ta lại gả nhỉ?
- Con cũng thế, cũng ngạc nhiên như mẹ!
Bà Nhâm nói khẽ với Hiền:
- Hay là cô ả đã trót dại rồi!
Hiền cười, nói:
- Mẹ còn nhớ ông Kha không?
Bà Nhâm cười chẩy nước mắt, Hiền lảng ra và đi chơi, nghĩ đến mẹ, chàng mỉm cười. Đã bao lâu nay, bao lần chàng thường mang chuyện ông Kha ra nói khôi hài với mẹ. Là vì, Hiền biết, mẹ chàng xưa kia ngày còn con gái đã bị độc đoán trong tình yêu. Cái mối tình kín đáo của mẹ chàng với ông Kha ngày ấy, Hiền biết chắc đau khổ lắm. Có lẽ đã sống trong sự trái duyên đau khổ mới thương kẻ khác đau khổ vì trái duyên. Nên bà Nhâm thấy con và Nguyệt lấy nhau bà vui lắm. Bà thường nói:
- Giầu có thời làm gì, quý hồ lấy được nhau.
Sự kinh nghiệm, Hiền thấy mẹ đặt tình yêu thương lên hết cả mọi thứ ở đời. Đôi khi, bà thường nhắc lại đoạn đời khổ cho các con nghe, Bà nói cái đoạn bà góa chồng năm ba mươi tuổi bà thường đi bán gạo ở đường Cầu giấy. Có một người muốn lấy bà. Nhưng anh bà không cho lấy. Bà nói với các con sau khi các con bà đã nhớn và học hành chăm chỉ.
- Tao suýt lấy người ta!… Nếu tao lấy người ta thì chúng mày lại khổ. ở thế nào được với chú mày, chú mày ác lắm. Ngày bố mày chết, tao kiếm chả nuôi nổi chúng mày tao có bảo nó nuôi thằng Nhuận, nó ừ ào bảo tao mang xuống hàng Kèn để nó nuôi. Được dăm ngày chả biết nó đánh mắng thằng Nhuận thế nào để nó phải về khóc kêu ở mấy chú khổ lắm.
Nhuận nghe chuyện cười, nói:
- Chú ấy còn phải nói!
Bà thấy nhiều người góa chồng khi tái giá các con nó hay khinh. Bà chép miệng:
- Giá tao đi lấy chồng, chúng mày chắc khinh tao lắm!
Hiền nói:
- Bao giờ mẹ cũng là mẹ. Dù mẹ tái giá hay mẹ ở vậy, chúng con vẫn là con của mẹ. Không bao giờ chúng con khinh mẹ cả. Có khi lại quý trọng mẹ hơn nữa!
Bà thở dài nói:
- Đứng vậy nuôi con ăn học, con mới nói thế chứ! giá mẹ có đi lấy chồng lại vác dao chém dượng, chửi cả mẹ như thằng Quý con giai bác Khang…
Hiền bật cười vì câu nói ví của mẹ. Bà Nhâm hay ví lắm. Bà muốn dạy con, thường hay lấy người khác ra để răn. Bà thấy một người ăn cắp. Bà cũng về nói với con:
- Thằng ăn cắp ấy bằng trạc thằng Hiền.. Đấy không chịu học rồi cũng thế…
Bà mừng rằng đã nuôi nổi cho hai con ăn học bằng người. Nhuận học đã đỗ được bằng Sơ học Pháp Việt thì đi làm. Hiền vừa thi trượt cái bằng Cao đẳng tiểu học. Hiền thơ thẩn đi chơi. Nghĩ và biết mẹ, sở dĩ hay lấy câu “cái mả thằng bố” ra chửi chị Thảo cũng có một duyên cớ ở trong, là ngày còn con gái, bà Nhâm đã thất vọng tình yêu thứ nhất. Hiền thấy lòng không khinh ghét mẹ, mỗi khi tai chàng nghe thấy tiếng “cái mả thằng bố nhà mày”. Trái lại Hiền thấy thương mẹ là khác nữa. ánh nắng hè lọt qua rặng sấu ở rìa đường rơi xuống thành những vũng tròn đốm nắng. Xe cộ vùn vụt qua, những đốm nắng nhẩy múa leo trèo đùa nhau trên mui xe rồi lại đứng im ở đường cái. Hiền vẫn thủng thẳng đi dưới rặng sấu râm mát trên hè đường Carnot. Mặt chàng buồn buồn như một nhân vật tiểu thuyết vẫn tả. Có tiếng chào, làm Hiền giật mình.
- Lạy anh ạ!
Hiền mỉm cười:
- Thím đi bán hàng về!
- Vâng!
Ái ngại, Hiền hỏi:
- Thế nào dạo này ông cụ có còn hay mắng thím nữa không?
- Khổ quá! anh ạ. Tôi chỉ muốn mong cho ông cụ chết đi. Ai lại bố chồng mà cứ san sát như mẹ chồng! ít rượu, ít đồ ăn ngon là kiếm chuyện rồi réo chửi đến cả xóm cũng nghe tiếng…
Hiền cười tủm tỉm, nhìn vợ Mỹ. Nàng hỏi:
- Anh đi đâu?
- À tôi đi chơi
- Anh cầm quyển gì đấy?
- Quyển sách chữ tây thím ạ.
- Bên nhà anh có quyển “Tố Tâm” không?
Hiền lắc đầu.
- Xem “Tố Tâm” khóc được đấy chứ… Tôi tiếc quá có quyển Tố Tâm để chó gậm mất quá nửa; bây giờ buồn không có sách xem. Chán quá!…
Hiền mỉm cười:
- Thím mua quyển khác?
- Chả hiệu sách nào có, em đã đi hỏi mua rồi. Tưởng bên anh thế nào cũng có?
- Trước tôi cũng có, cho họ mượn, bây giờ mất rồi.
Hiền biết quyển Tố Tâm của chàng, Mỹ lấy về. Hai người đi đến mé vườn Bách Thảo, vợ Mỹ chào Hiền, rồi nàng về xóm láng Ngọc Hà. Hiền trông theo vợ Mỹ lắc đầu. Cái thân hình bé nhỏ mặc áo đen dài kia, hai cái chân bước mau thoăn thoắt kia, sắp sửa đi vào cái xóm ấy. Hiền buồn rầu quay gót về làng Thụy Khuê.
Đêm hôm nay, Hiền thao thức khó ngủ, tình yêu Sơn lại cuộn lên trong lòng. Chàng nằm thẳng người, hai mắt lim dim để nhận những cảm giác thần tiên của ái tình. Rồi Hiền rất ngạc nhiên và tự hỏi sao chàng lại có tình yêu với Sơn một cách mau mạnh và đột ngột thế. Phải, nó đột ngột lắm, nó đến từ dạo trong năm, ngày nhà chàng vừa dọn về nhà mới được một tháng. Những buổi chiều đông ấy, Hiền thường đứng trong khung cửa sổ nhìn ra đường cái làng, xem phu về.
Bên ngoài Sơn đi làm về, nghe nghé hai con mắt nhìn vào. Hiền nhìn ra, nhếch mép cười rất đau đớn. Sơn có hiểu đâu là Hiền đang lo ngại cho nàng và cha nàng. Chàng yêu Sơn chóng mạnh thế, có lẽ tình thương chiếm nhiều hơn tình yêu. Năm tháng nay rồi! Lúc nào Hiền cũng nghĩ đến cha đã chết và một tấm lòng yêu Sơn, thương hại Sơn. Mỗi khi nghe thấy những tiếng còi rục rã của các nhà máy trong làng, lòng Hiền lại xao xuyến, tim đập, trí tưởng bâng khuâng. Yêu thương Sơn, Hiền yêu cả cái âm thanh của tiếng còi.
- Có lẽ tình yêu của ta và Sơn đến chóng mạnh, cũng vì ta cũng là một con người cu ly nhà máy như Sơn!
Hiền mỉm cười nghĩ đến quãng đời học sinh của chàng. Chàng cũng có yêu một cô, nhưng rất kiêu ngạo. Chỉ vì cô học sinh ấy là con nhà quan! Ngày ấy, Hiền học năm thứ ba ở trường Thăng Long. Liên và Hiền cùng ngồi một lớp. Tính nết Hiền vốn thực thà, ăn nói có duyên, nên các bạn cùng lớp ai cũng mến. Nhất là Liên. ở trong lớp, một cử chỉ hay lời nào của Hiền phát ra là Liên cười tít mắt. Rồi nàng thấy yêu Hiền lắm. Nhưng nàng lại ghét Hiền có cái tính hay kiêu ngạo về tình. Đã bao lâu, Liên chỉ muốn Hiền viết thư cầu Liên yêu. Thế mà anh chàng chỉ lờ phờ lẳng lặng như chó phải dùi mỗi khi gặp Liên. Còn phần Hiền, chàng cũng thấy lòng mình yêu Liên. Nhưng cứ khi, chàng sắp viết thư để ngỏ tình, lại rút rát Liên đã ngồi trong ô tô với cha, chảy nước mắt nhìn Hiền lúc nàng gặp Hiền đi lang thang trên hè phố.
- Biết làm thế nào? Sao Liên không là con nhà bình thường?
Hiền quay gót rẽ vào một cái ngõ, tránh phải nhìn chiếc ô tô lộng lẫy có một cô con nhà quan ngồi trong đó yêu mình.
- Sơn thì ta dễ viết thư lắm.
Yêu Sơn, Hiền chỉ còn lo ngại không biết Sơn có đọc được chữ viết không? Chàng đã đi hỏi những bạn Sơn, cũng làm cọ chai trong sở Ô- men. Và Hiền rất mừng rằng Sơn cũng đọc được chữ viết.
- Cậu viết đến chữ tây, nó xem cũng được!
Hiền mỉm cười.
- Cậu đừng khinh thường người ta là con nhà lao động!
- Chết! Chết! Nếu tôi khinh sao tôi lại yêu!..
Nghĩ đến cách đối đáp của những người bạn gái của Sơn mấy tháng trước, chàng rất buồn cười.
- Mình cứ viết thư ngỏ yêu với Liên cũng như trăm nghìn người khác. Có hề gì đâu! Ai biết mình là con nhà cu ly.
Chàng đã ngây thơ, và không hiểu sao mình đã ngây thơ quá thế. Ngày ấy Hiền cũng đã hạ bút viết thư cho Liên bức thư ở trong cũng có nói: “Anh là con nhà cu ly..” Hiền mỉm cười thấy mình không bao giờ quên nguồn gốc. Chàng vội vàng xé nhầu nát bức thư ấy, và nhất định không bao giờ đưa thư cho Liên cả.
Chàng nhỏm dậy, thắp đèn, lấy bút viết thư. Hiền thấy viết thư ngỏ yêu với Sơn rất dễ dàng, cảm động. Xem lại lần nữa, Hiền gật gù lẩm bẩm:
- Mai nhờ người đưa cho Sơn!
-6-
Chiều thứ bẩy, ở những con đường bé nhỏ, ngòng ngoèo có lát gạch sạch sẽ của làng Đại Yên, Liễu Giai, Sơn và Hiền, Thanh và Quỳ, bốn người cùng đi chơi và nói chuyện. Gió chiều mùa hạ mát thoảng quá. Hai dải thắt lưng lụa đào của Sơn bay phấp phới. Nàng lon ton đi và nói chuyện với ba người lầu lầu. Có một câu pha trò nào của Hiền đậm, nàng lại cười mau và rất to. Hiền biết Sơn vui lắm. Nàng thường hay giục ba người nói chuyện mỗi khi thấy nín lặng cả. Từ hôm nhận được bức thư cầu yêu của Hiền nàng cảm động vui vẻ nhận lời yêu ngay. Và mỗi buổi, Sơn đi làm về là gặp Hiền đã lên đón cổng sở. Những buổi có Hiền lên đón ấy, Sơn về lại không ăn được cơm vì nàng cảm động quá, Sơn yêu Hiền thành thực lắm, và muốn lấy Hiền, Hiền cũng thế, cũng yêu bằng tấm tình thành thực, muốn lấy Sơn. “Yêu nhau phải lấy nhau, biết không thể lấy nhau được, thì đừng nên yêu nhau”. Câu ấy Hiền thường hay nói, khi chàng thấy Sơn tỏ vẻ nghi ngờ lòng yêu thành thực của chàng. Lâu dần, mỗi ngày gần nhau biết tính nết của nhau, hai người không có lòng nghi ngờ nữa, và Sơn biết Hiền là một người rất đứng đắn quân tử, không hay có dáng điệu lả lơi khi gần nàng. Hiền yêu rất cao thượng và trong sạch, Sơn hay nói với Quý thế. Quý bạn gái của Sơn cũng làm cọ chai đã yêu Thanh. Hai người này yêu nhau theo tính cách khác, không được tinh khiết như cặp Sơn-Hiền. Những buổi sáng mùa hạ mát và trong, Hiền thường dậy sớm và đứng cổng xóm Ga đón Sơn ở xóm Đông Bảng đi làm. Chàng thấy như có thú, đứng nhìn dáng Sơn đi, Sơn! hay chạy hoảng khi nghe tiếng còi bên sở thổi. Sơn, Hiền vẫn gặp nhau ở làng Lữ Giai về chiều thứ bẩy. Là vì các cô làm nghề cọ chai ở đây, cứ mỗi tháng được lĩnh bốn lần tiền, vào quãng bốn chiều thứ bẩy. Sơn, Quý lĩnh tiền ở nhà bà đầu sở ra, Hiền, Thanh đến đón. Bốn người lại đi chơi thơ thẩn với nhau. Cảnh chiều hạ, bóng mặt trời đã khuất, những rặng mây mầu đằng tây nổi lên sáng chói, chiếu thẳng vào quả núi Trầm Mầm của làng Liễu Giai, đen sì những cây cối. Sở nhà rượu Bia sầm uất sàn sàn những mái nhà lợp kẽm màu xám, lợp tôn mầu bềnh bệch, lợp ngói màu đo đỏ đứng khuất sau rặng cây xanh ở phía quả núi. Vài cái ống khói thẳng vót lên trời. Và có nhiều khói trắng ở các máy nấu chạy rì rầm, bốc tỏa lên không nhẹ nhàng theo gió. Hiền, nét mặt trầm ngâm vẫn đi bên ba người giữ nín lặng. Sơn, một phụ nữ cần lao, ưa hoạt động, ưa nói, Nàng không chịu được sự yên lặng trầm ngâm của Hiền. Sơn nhìn Hiền, giục:
- Nói đi chứ?
Hiền nhe răng cười.
Khi về nhà, Sơn ngồi nấu cơm trong bếp. Nàng suy nghĩ và cảm động thấy Hiền cũng có để ý đến cái đời làm ăn của nàng. Rồi nước mắt chan hòa, Sơn tưởng tượng và hy vọng đến một ngày kia, Hiền thi đỗ bằng thành chung được bổ làm giáo học hay đi làm thư ký ở một hãng buôn nào, lúc ấy nàng sẽ sung sướng, không phải sống cái đời hiện tại lầm than này nữa. Nàng mỉm cười, thấy Hiền yêu nàng, lắm bạn cùng sở ghét. Họ thường nói đến tai Sơn, mỗi khi tan sở thấy Hiền lên đón.
- Sau này, mày lấy nó, có làm nên bà nọ bà kia, đừng có quên tao, và cái sở Ô- mền này nhớ.
Những tiếng bắt đầu động vì là giờ của các phu đi làm về buổi tối đã vẳng lên ầm ĩ, lào xào, xôn xao ở các gia đình lao động ngụ trong xóm. Ông Toản cũng đã về, ông ngồi lờ đờ, mắt mơ màng say thuốc. Rồi chép miệng, ông lại thở dài lo lắng. Một tiếng hét của bà Xoan bên nhà bác lao động ở cạnh làm ông giật mình thon thót. Vội vàng, ông gọi cô con gái:
- Sơn!
Sơn ở bếp chạy lên.
- Hôm nay, con lĩnh được bao nhiêu?
- Con lĩnh được đồng rưỡi: Giả ba hào quà, còn đồng hai. Con xin hai hào lẻ, còn đưa thầy một đồng.
Ông lườm:
- Con gái mà ăn quà như vẹm! Có còn thừa đưa thầy mượn một đồng?
- Con có thừa đâu, nếu thừa con đã mua thắt lưng rồi!
Bên nhà hàng xóm, bà Xoan the thé hét:
- Không giả được thì bước đi chỗ khác, không có ai thừa nhà đâu cho các anh thuê thế được, có một đồng rưỡi bạc nhà cũng để dây ra làm mấy tháng.
Người cu ly túng thiếu thuê nhà của bà Xoan lại nhăn nhó:
- Bẩm lạy bà, bà cho chúng con giả lãi bà vậy!..
- Tôi cho anh thuê nhà, chứ có cho anh vay tiền đâu mà lấy lãi của anh.
- Bẩm bà, nhưng tháng này con chót tiêu hết cả.
Sau cùng bà Xoan lại lên mặt “nể vì” họ mà lấy cho mười năm xu tiền lãi trước trong số một đồng rưỡi bạc tiền nhà của họ thuê mà đã nằn nì xin bà cho khất đến kỳ tháng sau. Lúc lấy tiền lãi, bà Xoan đưa đẩy cái giọng lưỡi:
- Đến nhà ai, cũng giả lãi. Chả nhẽ tôi lại không lấy! Bác làm ăn thế nào mà có một đồng rưỡi bạc tiền nhà cũng để dây ra. Chắc lại đánh bạc thua phải không?
Người cu ly rúm người, nhăn nhó, nhe răng cười chảy nước mắt, bà Xoan nặng nề phành phạch xôm xoe quay ra cổng mau mắn một cách không ngờ. Rồi bà lại “nhẹ nhàng” bước vào nhà ông Toản. Sơn thấy bóng bà vào, vội vàng chạy xuống bếp tránh. Nàng ghét bà Xoan lắm. Đã có một lần, vào quãng kỳ tiền của nhà Ga trước. Ông Toản lĩnh tiền, mải đi uống rượu thịt chó bên Ô Cầu Giấy chưa về. Sơn sốt ruột ngồi đợi cùng ăn cơm với cha. Những phút nàng nóng đợi cha ấy, nàng thường gắt nhau với u em, người nhà bà Xoan đến lấy tiền gạo ngữ! Chốc chốc, u em lại vào nhà hỏi Sơn:
-Thầy cô đã về chưa?
- Chưa u ạ! U về nói với bà để mai lấy cũng được.
- Không! Bà tôi bảo phải chờ lấy cho được.
Nàng tức ùa lên tận cổ.
- Ừ thì chờ, ai thèm quỵt ăn không của nhà bà ấy.
U em, chờ sốt ruột, về. Rồi chả biết nói với bà Xoan thế nào. Một lúc sau, bà Xoan hăm hở ẩy cái cửa liếp đan vào nhà Sơn, mạnh như luồng gió bão:
- Thằng bố mày về chưa?
- Thằng bố tôi chưa về, bà muốn lấy nợ thì chờ!
Bà Xoan kinh ngạc nhìn Sơn trừng trừng, rồi vẻ mặt bà hầm hầm.
- Mày về bảo bố mày muốn ăn gạo, thuê ở cái nhà này nữa thì đừng chây lười hỗn láo!..
- Bố tôi chả chây nợ hỗn láo với ai cả!
Nói xong Sơn ngoắt đít vào nhà.
Hôm sau ông Toản đến cau có lạy van bà Xoan:
- Cháu nó trẻ người non dạ, không biết gì xin bà đừng chấp..
Bà Xoan đã “uyển chuyển” bước vào tới nhà ông Toản. Thấy bà vào, ông vội vàng đứng dậy chắp tay cung kính chào. Rồi chẳng phải để cho bà Xoan phải đòi tiền nhà ông ở thuê, ông đã giở đồng bạc của con gái vừa lĩnh giả bà và nói:
- Cháu nó mới lĩnh được một đồng, con hãy gửi bà. Còn thiếu năm hào, bà cho đến thứ bẩy sau cháu nó lĩnh, con sẽ lại xin chu tất!
Lúc bà Xoan về, ra khỏi cổng, Sơn ở mé bếp đi lên, nàng lườm theo cái bóng béo của thân người bà Xoan, nguýt và chửi thầm.
Đến đình làng Thụy, ánh trăng nhấp nhô lấp lánh khuất sau rặng cây ở đằng xa phía trường Trung học Bảo Hộ. Gió hồ man mát, sóng hồ dập dềnh loáng mầu sáng trăng. Sơn và Hiền, hai người ngồi nói chuyện với nhau trên bờ hồ tây dưới gốc bóng một cây ngâu to dầy lá đứng kín đáo phía sau đình. Bên cửa kia, nhà bán rượu “Frégate” tưng bừng náo nhiệt trong ánh sáng của bao nhiêu thứ bóng đèn màu. Khách nhiều tiền và sang trọng, dắt tay nhau, sóng đôi đi vào uống rượu và giải trí ầm ập. Ngoài đường làng vẫn vùn vụt những ô tô kiểu lạ, mới, đẹp chạy lên. Được dịp cho các trẻ con trong làng Thụy, chạy ra tranh nhau xin giữ.
- Gardez ô tô, me sừ.
- Me sừ, Gardez ô tô.
Tan cuộc chơi, chúng lại được một hào hoặc năm xu của các khách có ô tô cho giữ. ở một cái sân con trong nhà bán rượu, những cặp khách ôm nhau nhảy. Lúc nhẹ nhàng theo điệu tăng gô, lúc sang bài valse quay mau thoăn thoắt như nước xoáy. Điệu kèn âm thanh vẳng lên cao, lan vào gió rồi đi xa.
Ở đằng này, tâm hồn Hiền lâng lâng, hai mắt mơ mộng nhìn đáy hồ; trí nghĩ bâng khuâng, Sơn đờ đẫn, bàng hoàng nhìn Hiền. Giọng nàng trở nên run run:
- Anh Hiền.
- Sơn.
Hai người nhìn nhau mỉm cười, rồi lại thẹn thùng quay mặt đi chỗ khác.
- Anh, cho em về nhớ.
- Ngồi chơi tí nữa, Sơn ạ.
- Thôi, để hôm khác.
Hai người đứng dậy vẻ mặt đều buồn nản. Có hai tiếng thở dài se sẽ.
Đêm nằm ngủ nặng nề, Sơn thấy Hiền nằm cạnh ôm lấy mình. Nàng mỉm cười, biết vừa sống qua một giấc mơ. Sơn chép miệng:
- Đêm nay lại gặp Hiền!
Tiếng đồng hồ báo thức ở đằng bàn vẫn tíc tắc đều đều như muốn thủ thỉ với Sơn, làm nàng không ngủ được nữa. Sơn mở to mắt suy tưởng. Trí vẩn vơ, tự nhiên Sơn ứa nước mắt, kêu lên:
- Em khổ sở lắm, anh Hiền ơi! Rồi nàng khóc nức nở..
-7-
Nhuận, hai tay thọc túi quần, miệng ngậm bóp thuốc lá thơm, vẻ mặt hiền lành, ưa hàng phục và quỵ lụy, đang nghênh ngang đi đứng một cách chắc chắn, từng bước một ở trong nhà. Chốc, Nhuận lại đứng dừng ở buồng khách, gác một chân lên thành ghế kiểu mới. Rồi chàng lại quay mặt nhìn vào chiếc tủ đứng có lắp gương mỉm cười, cái cười của người đầy đủ và tự mãn. Nhuận tự mãn lắm. Vốn là một anh bán hàng quèn ở hãng Gôđa, bị thải về, nay lấy được cô vợ giàu lại được bố vợ xin cho vào làm một chân thư ký ở Tòa án Hàng Tre, lương tháng năm mươi đồng, làm gì mà Nhuận chẳng thấy đời mình là đầy đủ. Lấy Nguyệt được hai tháng, chàng cầu khẩn ông nhạc xin việc được ngay. Ông Hàn Kiệm là ông phán hồi hưu, đã nổi tiếng là người xin việc dễ. Nên các con cháu nhà ông, ít người chịu tiếng: ở nhà ăn báo hại. Cưới vợ xong rồi đi làm, cách sống và bộ điệu của Nhuận không giống như những ngày còn ở nhà lá nữa. Ngày ấy Nhuận như người chán đời, cả ngày chỉ ngủ li bì trên cái ghế vải và lười tắm như chó ghẻ. Cả nhà, ai cũng ghét. Thế mà bây giờ, Nhuận sạch sẽ lắm, tắm luôn. Cái ghế vải của chàng xưa, bây giờ đã để xó. Nhuận không thích dùng đến nó nữa. Chàng lại thay bằng cái ghế mây Xích đu kia. Cũng chung một số phận như cái ghế gỗ, các đồ phản mọt, nay đã thay vào những đồ gỗ mới mẻ bóng nhoáng như gương. Nhuận vẫn nói:
- Nhà mới phải đồ mới, nó mới xứng!
Làm được hai tháng đầu, Nhuận chỉ mang tiền đi sắm đồ đạc để kê trong nhà cho có vẻ lịch sự.
- Chú trông đã có vẻ nhà ông phán chưa?
Hiền mỉm cười, háu hỉnh:
- Có vẻ lắm!
Nhuận tủm tỉm lắc đầu:
- Còn thiếu cái xe nhà nữa.
- Anh góp tiền mà mua để đi làm cho tiện.
Nhuận gật gù:
- Rồi cũng đến phải tậu.
Bà Nhâm thấy con được đi làm sung sướng lắm. Bà không ngờ, có mấy tháng giời, nào làm nhà, cưới vợ cho con, nay Nhuận lại đi làm. Bà Nhâm thấy cảnh bà thay đổi chóng quá. Bà cứ tưởng bà sống ở trong giấc mơ.
- Thật! Tao có ngờ đâu!
Nhuận chỉ mỉm cười, nghĩ thầm:
- Me thì hiểu thế nào được.
Hiền cũng ngây thơ như bà Nhâm không hiểu gì cả. Chàng chỉ ra công âm thầm học, cố sức, để thi lấy cái bằng thành chung mà khóa trước, chàng đã bị rớt. Lúc đi thi, chàng tin sức học mình quá; sau trượt, Hiền thẹn lắm. Nếu Nhuận không khuyên cứ học thi lấy cái bằng thành chung, thì Hiền nhất định bỏ bực ấy để thi Tú tài.
- Hãy cứ có cái bằng thành chung, rồi muốn xoay ngang xoay dọc nó cũng dễ. Tú tài thì chắc gì.
Tháng ngày nó qua như xe ở đường chạy. Tự nhiên lòng Hiền nhóm ngọn lửa tình với Sơn. Rồi quên cả việc học thi cử. Một sự dị kỳ, đầu óc Hiền lại nẩy ra cái ý tưởng bỏ thi bằng thành chung, thi vào trường Bách Nghệ học làm thợ máy. Cái ý tưởng muốn làm thợ máy này, Hiền thấy nó chỉ thoảng qua trong trí lúc đầu, sau không hiểu sao, mỗi ngày Hiền thấy nó ăn sâu và đi rộng đập mạnh vào trí nhớ, não cân của mình.
- Có lẽ vì ta yêu tiếng còi quá cũng nên!
Chàng thấy thích làm thợ máy lắm. Nhưng chàng chỉ âm thầm ôm giữ cái ý định ấy thôi. Chứ chưa cho ai biết cả. Hiền là người ưa sự kín đáo. Sơn, chàng cũng không cho biết. Kỳ thi khoa Thành Chung tháng chín năm nay sắp tới. Hiền sực nghĩ, hốt hoảng mang cái ý định của mình ra nói với mẹ và anh. Hiền đã bị thất vọng một cách đau đớn. Mẹ chàng nhất định không cho, bà bảo:
-Tao không ngờ mày có ý định làm thợ thuyền như thằng bố mày. Nếu biết tao không cho mày ăn học, cứ để mày dốt nát.
Hiền cười rất đau đớn.
Nhuận nói:
- Muốn học thi đỗ rồi làm thầy người ta, chứ làm cu ly, thợ thuyền thì dễ lắm.
Hiền thấy giận anh hơn giận mẹ. Chàng chạy ra hàng ngồi thừ, trí nghĩ lung lắm. Cái ý định làm thợ thuyền lúc này Hiền thấy mạnh hơn đỗ cái bằng thành chung rồi nhờ ông Hàn Kiệm xin hộ việc làm như anh chàng thường vẫn nói:
-Cứ thi đỗ đi, rồi anh bảo ông xin cho chú cái chân thư ký ở tòa Đốc Lý.
Nghĩ đến, Hiền cười. Còn hai tháng nữa tới kỳ thi, nhưng Hiền nhất định không nghĩ đến học hành thi cử. Chàng chán nản học thi như người ăn phải cơm nếp nát.
Nhuận vẫn phì phào thuốc lá, cồm cộp gót giầy vernis trên gạch lát nền nhà. Bên ngoài cửa sổ, ánh nắng cuối hạ sắp sang thu dìu dịu. Gió phào, lá cây rìa đường theo bay. Ông Hai Cửu sang chơi nhà bà Nhâm. Nhuận cắn chặt bóp, chào, tiếng chào nhạt nhẽo:
- Chú sang chơi!
- Cháu Phán hôm nay nghỉ?
- Vâng, chủ nhật mà!
Nhuận lại cười nhăn nhở:
- Chú đã làm đâu chưa?
- Bây giờ, tìm việc khó.
Hiền đi dưới nắng sáng, trên con đường Parreaux, suy nghĩ về cái ý định bỏ thi Thành chung rồi học thợ ở trường Bách Nghệ. Nghĩ đến mẹ, chàng buồn rầu, nghĩ đến anh, Hiền giận ứa lên cổ:
- Mặc kệ, thế nào ta cũng phải làm thợ!
Bỗng chàng cau mày, mắt thành quả quyết:
- Thân ta, ta lo. Đời ta, ta liệu, cần gì!..
Những chiếc ô tô ở mé tỉnh chạy lên vòng đua ngựa dưới hai rặng me đều tăm tắp, như tun hút chạy vào đường rừng xa.
- Lạy cậu.
Hiền giật mình:
- Ồ, ông cai thầu…
- Bẩm… cậu đi chơi?
Hiền cười:
- Vâng, ông chơi đâu về?
- Chủ nhật, được nghỉ, con sang bên nhà thăm cụ và các ông.
- Cám ơn ông.
Rồi Hiền và ông “Cai thầu” chào nhau, gật, cười đi. Đến dốc “Bà Vối” Hiền cảm động. Một con đường con này ăn thông và nối ngang từ đường làng Thụy Khuê sang đường Parreaux. Đường này dốc lúc ngày mưa to lội. Người ta đặt tên con đường này là chỗ “Bà Vối”. Sơn và Hiền thường đi với nhau ở dưới chỗ. Có khi muốn làm cho Sơn giật mình, Hiền thường đứng nấp sau một cái cây to đứng trên đầu dốc òa ra. Sơn lại hồi hộp, cảm động tái mặt. Hiền xuống dốc, gặp ông Hai Cửu vừa ngồi chơi bên nhà chàng về.
- Lạy chú ạ. Chú sang chơi với me cháu?
Ông Hai Cửu gật.
- Thưa chú, me cháu có nhà?
Ông lại gật, vẻ mặt lầm lầm. Mà Hiền hiểu đó là ông ghen với sự giàu có của mẹ chàng. Nghĩ đến ông Hai Cửu, tên thực là Hai Cấn. Nhưng ông cấm họ hàng, không có được gọi cái tên ấy. Vì ông đi nấu bếp thạo đã được cửu phẩm văn giai và đã khao vọng tốn kém trăm bạc ở làng, chớ có ai gọi ông cái tên: Hai Cấn.
Đêm hôm nay, Hiền lại thao thức và lòng buồn rười rượi, không ngủ được, tâm tưởng hoang mang, tim đập một cách cảm động. Rồi hồi hộp Hiền ứa nước mắt nghĩ đến Sơn, nhớ Sơn. Giấc ngủ lại nặng nề như những đêm qua. Bóng Sơn xâm chiếm tâm hồn. Chàng duỗi thẳng người thấy đau đớn như giấc chiêm bao mơ hồ. Hiển mỉm cười nói se sẽ:
- Em Sơn. Anh dát lắm.
Năm hôm sau, Hiền viết gửi Sơn bức thư:
Em Sơn thân yêu,
Anh đã gửi đơn dự thi học ở trường Bách Nghệ rồi em ạ. Chỉ hai tháng lẻ nữa là thi, thế nào anh cũng đỗ. Vì thi dễ lắm chỉ có một bài ám tả và một bài tính. Hai loại ấy, anh đều giỏi cả, nên chắc lắm.
Em Sơn ơi! anh náo nức làm nghề máy lắm. Em đã biết đấy, hai ba tháng nay anh thường bị mẹ anh và Nhuận cản trở, đay nghiến cái chí hướng làm thợ của anh. Nhưng anh không hề nao núng. Người ta càng tỏ vẻ khinh bỉ nghề thợ thuyền bao nhiêu, anh lại càng muốn cố sức lăn vào bấy nhiêu. Anh ao ước làm một người thợ máy giỏi như người ta đã ao ước làm ký làm phán ở tòa. Họ còn nói: làm thợ thuyền không xứng với người trí thức! “Em đã cười chưa? Người tri thức, anh muốn phải lan rộng khắp nghề. Anh chỉ buồn cười cái trí thức của họ mới đến cái bằng Sơ Học Pháp Việt.
“Em Sơn ơi!Nghề thợ máy là một nghề độc lập đáng để cho anh sống. Anh ngồi tưởng tượng, học hết bốn năm ở trường ra, có một cái nghề chắc chắn trong tay, anh sẽ tự do đi làm ở các công sở lò máy. Anh tin rằng, một ngày kia, nếu ai cũng như anh biết quý trọng nghề độc lập, tự do thì cái câu anh vẫn nghe họ nói: gọi mượn 30 người thợ khó hơn gọi mượn ba trăm người vẫn quen làm nghề cầm bút không còn nữa.
“Em Sơn ơi! anh rất cảm động được trở nên một người thợ máy giỏi, nếu sau này anh thành thạo, lành nghề cũng là tự em mà anh có đấy. Sắp sửa tới rồi. Sơn ạ! Hiền sẽ được ăn ở trong trường. Rồi mỗi chủ nhật Hiền ra thăm Sơn. Chúng ta sẽ lại đi chơi với nhau trên những con đường nhỏ xinh xắn ở quanh vùng gần sở nhà Bia chỗ Sơn làm. Hiện bây giờ, Hiền đương nóng ruột chờ đến ngày thi như Hiền vẫn nóng ruột chờ Sơn đi làm và lá thơ của Sơn!..
Anh thân yêu của em,
Hiền
Ngày.. tháng.. năm..
Tu.. tu!.. Sơn đi làm về, qua nhà Hiền, mặt rất vui vẻ; Hiền đứng trong khung cửa sổ nhìn ra mỉm cười. Bóng Sơn đã khuất, chàng còn nghé cổ quay nhìn dáng Sơn đi. Một cái dáng đi nhanh nhẹn mạnh mẽ, không yếu đuối tha thướt như nhiều cô thiếu nữ nhàn hạ. Hiền thường nghĩ thầm là, sau này nếu kiếm được khá tiền thừa sống, chàng sẽ cho Sơn ăn mặc đầm! Chàng cười thích lắm, vẫn ao ước ngầm thế.
- Thân người Sơn chỉ mặc đầm là đẹp và gọn!
Hiền biết, Sơn không hợp với bộ áo tân thời, ẻo lả. Có một hôm, Sơn đương làm, Hiền vào xem. Lúc ấy Sơn mặc bộ áo trắng làm việc may kiểu áo nữ khán hộ nhà thương, lại cái mũ cũng thế. Chỉ không có dấu đỏ thập thôi. Hiền thấy Sơn lạ quá. Trông như đầm! Nếu Sơn không cười với chàng, có lẽ Hiền không biết. Da trắng, áo trắng, mũ trắng. Đôi mắt thông minh đen láy. Ra về Hiền không thể quên được.
- Rồi sẽ để Sơn mặc đầm!
Chàng muốn gia đình thợ thuyền của chàng sau này sẽ giống như những gia đình thợ thuyền âu- tây. Hiền cười, thấy mình “tây” quá. Chàng còn nhớ một hôm, ngồi trên bờ hồ Tây, hỏi sức học của nàng. Hiền ngạc nhiên và không ngờ một người phụ nữ cần lao có nhiều tư tưởng rất kỳ dị: lúc tỏ ra là người rất thông minh, hiểu biết tạm được, lúc lại dốt nát ngây thơ một cách dớ dẩn.
Hiền cười, hỏi:
- Sơn đã học ở trường đến đâu thì thôi?
- Đến cours Moyen!
- Sơn có hay đọc sách, báo không?
- Sách báo thì em đọc nhiều. Nhất là tiểu thuyết.
- Tiểu thuyết Annam?
- Chả tiểu thuyết Annam thì em đọc thế nào được tiểu thuyết Tây!
Sơn mỉm cười biết “anh chàng Hiền” lại hỏi một câu dớ dẩn rồi.
- Sơn hay đọc những cuốn nào?
- Cứ kể ra thì em đọc rất nhiều, nhưng không cuốn nào em còn giữ được nhiều kỷ niệm sâu xa bằng cuốn Đoạn Tuyệt. Em buồn cười quá…
- Cuốn Đoạn Tuyệt của ai?
- Của Nhất Linh. Em buồn cười quá đọc xong cuốn Đoạn Tuyệt trông thấy họ đi rước sao mà chán thế!…
Nói xong nàng mỉm cười nhìn Hiền hỏi:
- Hiền có hay đọc Đoạn Tuyệt không?
Chàng lắc đầu:
- Anh không hay đọc tiểu thuyết Annam!..
- Hiền xem sách Tây à?
- Vâng.
Hiền chịu ảnh hưởng tiểu thuyết Tây phương nhiều quá, nên chàng có ít tâm hồn á đông. Có khi Hiền thấy mình mất hẳn nữa. Đôi khi nằm mơ mộng, tư tưởng đi xa, Hiền thấy như đang sống ở một xã hội khác xã hội bên này. Rồi bừng mắt, Hiền thấy hãy còn sống chung đụng với những người khác tâm hồn, khác tư tưởng mình. Chàng laị chép miệng thở dài:
- Ta vẫn là người Annam ở xã hội Annam này!..
Hiền muốn sau này sống với Sơn sẽ khác sống với mẹ chàng, anh chàng, chú chàng. Hiền sẽ thuê nhà ở bên làng Lữ Giai trong một xóm thợ thuyền. Lúc này, lòng Hiền lại nóng lên. Chàng muốn chóng đến cái ngày thi trường Bách Nghệ.
-8-
Sơn xem bức thư của Hiền, nàng mỉm cười. Lần nào cũng thế, từ khi yêu nhau, Sơn thường hay mím miệng cười sau khi nàng đọc xong một bức thư của Hiền. Nàng thấy Hiền thật thà lắm. Những việc thường ngày, vẫn xẩy ra ở gia đình chàng, Sơn cũng được biết bằng những bức thư của chàng. Lúc thương buồn, lo âu, sợ hãi cái gì, Sơn lại thấy lo sợ chung với nỗi buồn của Hiền. Nàng kinh ngạc biết bao, khi đọc một bức thư Hiền nói cha Hiền xưa kia cũng làm nghề cu ly như cha Sơn. Sơn không ngờ, Hiền cũng đã sống một đoạn đời như cái đoạn hiện có của nàng.
- Em ơi! Anh lo sợ lắm… Em nên làm ăn cho cẩn thận vào!
Anh nghe người ta bảo, mảnh chai nó bắn vào người, thịt toạc da như vết dao chém.
Sơn mỉm cười nghĩ thầm:
- Mình đứng làm nút rượu thì việc gì!
Sơn tán thành, việc Hiền học làm thợ máy. Nàng cũng đồng ý với Hiền không thích Hiền làm nghề cạo giấy.
- Em ơi! Anh là con nhà lao động nên lại làm nghề lao động.
Sơn nghĩ, có lần muốn làm vợ ông giáo, ông ký. Nay thấy Hiền quả quyết làm thợ, nàng hơi thẹn.
- Chúng ta là con nhà lao động nên thương yêu lấy nhau.
Anh không muốn đi làm “thông”, làm “ký”, làm “giáo”. Chỉ vì anh không thể quên được cái nguồn gốc.
Em Sơn ơi! Bốn năm qua, anh thành một người thợ máy giỏi. Anh sẽ đi làm kiếm tiền. Rồi chúng ta sang bên làng Lữ Giai ở chung với anh Thanh và chị Quý.
Sơn cười nghĩ Quý bảo Hiền:
- Cái thằng học trò ấy dớ dẩn, lẩm cẩm lạ. Không trách đã thi trượt là phải. Chả biết nó ngồi nói chuyện với mày thế nào, chứ tao phải nó thì bực chết…
Hiện Sơn cũng như Hiền. Nàng rất cảm động mong tới kỳ thi đến. Xem lại bức thư lần nữa, nàng thấy Hiền quả quyết việc thi đó cũng như đã quả quyết làm nghề thợ máy. Sơn lẩm bẩm:
- Con người cương quyết lạ!
Nàng vội cầm bút viết thư, cầu chúc cho Hiền được đỗ.
Ngoài trời mưa bụi bay, đường lầm lội lầy bùn, hàng bà Nhâm vắng khách vào mua. Bà ngồi ăn trầu nói chuyện với một bà bạn. Bà hai Gió là một bạn với bà Nhâm xưa, chơi với nhau từ ngày còn nhỏ. Hai bà thường ôn lại quãng đời ấy bằng những tràng cười. Cũng chồng chết, cũng nghèo khổ, bây giờ bà Nhâm giầu hơn bà hai Gió. Bà hai Gió cũng thèm muốn cái đời sống của bà Nhâm, nhưng số bà chưa được. Bà chép miệng:
- Bây giờ bà chị hơn em rồi. Bà chị lên tòa sen trước.
- Vâng, nhờ giời! Bây giờ cũng không đến nỗi như ngày trước.. Ngày còn bố chúng, tôi khổ lắm, hết tháng hết tiền. Có lần nó lĩnh tiền xong đi đánh bạc đến hai ba hôm mới về để mẹ con tôi nhịn đói run cả mồm.
- Chả bù mấy tôi, nó đi rước con vợ lẽ về hành hạ đánh đập tôi, có khi đến đổ cả máu mồm.
- Bây giờ con vợ lẽ ấy đi ở đâu rồi?
- Từ ngày thằng cha ấy chết, nó mang con đi ở đâu, tôi cũng chẳng biết, chẳng hỏi.
- Anh cả Gió vẫn làm ở nhà Da đấy chứ?
- Vâng, nhờ ơn giời, cháu nó được làm cai rồi.
- Ô, làm cai bao giờ thế?
- Mới được dăm tháng nay.
- Làm được cai nhà máy Da thì tốt lắm, chẳng mấy lúc khá như ông Cai Miễn trước.
- Không, tôi không cho nó ăn lễ như Cai Miễn. Từ ngày nó lên cai, bao nhiêu người mang đồ lễ đến biếu, tôi đuổi cả về. Tôi định cấm thằng bố cả nhà tôi không được ăn lễ lạc của ai cả.
Bà hai Gió hạ thấp giọng, buồn rầu:
- Người ta là thợ thuyền, lương lậu chẳng bao nhiêu, ăn lễ của người ta thật lòng tôi không nỡ.
Bà Nhâm mặt cảm động, bâng khuâng:
- Anh cả được làm Cai, đấy là giời phật thương bà đấy.
Chịu khó lễ bái, rồi bà sẽ được lên tòa sen như tôi.
Bà hai Gió cười vui vẻ:
- Nhưng bà chị đã lên ngồi trước rồi còn đâu chỗ để em ngồi.
Bà Nhâm, bà hai Gió cùng cười, nhai trầu tóp tép và nói chuyện huyên thuyên. Chuyện đồng bóng, chuyện đưa ma, chuyện gả chồng con gái. Hai bà cười tít mắt, Hiền nằm trong giường kê gần hàng nghe điếc cả tai. Chốc, chàng lại nhăn mặt. Rồi mơ hồ chàng giật mình đến thót một cái, Hiền nghĩ ngay đến một bà vẫn đứng ở mé góc đường, lối vào chùa Một Cột..
Hiền buồn rầu, từ khi ngỏ ý làm thợ máy, anh chàng không thèm hỏi han chàng nữa. Chỉ duy mẹ chàng là không biết gì cả. Bà Nhâm tưởng Hiền nói không, chứ con bà, bà biết nó dại gì mà lăn lưng học cái nghề nặng nhọc ấy.
- Anh ta càng giận ta, càng khinh ta, ta càng lại càng muốn học nghề thợ máy.
Ngày thi trường Bách Nghệ đã đến và đã qua. Hiền đỗ rồi và chàng lại xin được ăn ở trong trường không mất tiền nữa. Hiền rất mừng về khoản ăn không phải giả tiền ấy.
Hôm nay, Hiền thu xếp những thứ cần dùng như quần áo, sách vở để vào trường ở. Chàng bọc những thứ ấy thành bọc to. Lúc này, mẹ chàng mới biết. Bà giằng bọc nói:
- Tao không cho mày học làm thợ thuyền.
Hiền nhìn mẹ cười. Rồi chàng đỏ mặt giật lấy cái bọc, nói rất nhanh:
- Thưa mẹ, ông Kha cũng làm thợ, ông Kha cũng làm thợ.
- Mặc ông Kha, tao không cho mày học làm thợ.
Bà níu bọc. Hiền giằng lấy, nhẩy vọt ra đường đi mau. Bà Nhâm ngồi phệt xuống, nhìn theo con, rồi bưng mặt bà khóc rưng rức..
-9-
Mùa thu nữa đến, ánh nắng hoe vàng gay gắt, gió động rì rào, cảnh vật trở nên tươi mát. Sơn mệt, nằm nghỉ đưa cặp mắt huyền đen trong sáng, lóng lánh ra những bờ liếp dậu xung quanh rìa nhà nàng ở. Những dây hoa tây leo mầu tím biếc rõ ràng như nền trời thu hôm nay. Dăm bảy con ong, con bướm có cái hình sắc đẹp như nàng tiên vật vờ rồi chụm chụm cánh hút lấy nhị hoa thơm. Sơn mỉm cười nghĩ đến Hiền; chàng đã chăm chỉ bình tĩnh theo đuổi sự nghiệp. Mỗi chủ nhật, Hiền lại ra thăm Sơn. Hai người thường đi với nhau ở làng Lữ Giai hay Đống Nước, xung quanh sở nhà Bia. Một chủ nhật, Sơn nghĩ buồn cười với Hiền quá, Hiền bảo nàng mặc đầm. Lúc mới nghe, Sơn nhìn thẳng vào mặt Hiền tưởng chàng nói riễu. Sau thấy Hiền cắt nghĩa và nói bằng một giọng thành thực, Sơn mới không thấy tự ái nữa.
- Không, thật đấy mà. Sau này anh có nhiều tiền, anh sẽ để Sơn mặc đầm.
Nàng thấy Hiền nói: đàn bà mặc đầm cũng như đàn ông mặc Tây. Mà bộ y phục đầm về mùa nực, nếu cắt bằng thứ vải nội hóa cũng chẳng tốn bao nhiêu. Mùa rét chỉ may hai bộ dạ bằng hạng vừa là đủ.
- Đấy em xem, người đàn bà Nhật họ mặc đầm có tốn là bao đâu. Trông gọn và rất đẹp. Nếu Sơn cạo răng, cắt tóc rồi mặc đầm, có lẽ trông còn đẹp hơn.
Nàng mỉm cười, khi thấy Hiền nhắc đến hôm nàng mặc bộ áo kiểu hồng thập tự có thắt đáy đứng làm việc.
- Hôm ấy anh về, cảm động và muốn Sơn mặc đầm quá.
Sơn cũng nhận thấy như Hiền và bao nhiêu người khác ở trong sở nữa: Nàng mặc bộ áo ấy vào, nhiều người thích. Trông mặt mũi Sơn họ bình phẩm:
- Tao tưởng mày là con gái ông chủ sở.
Có một hôm, Sơn thấy ông ký trẻ tuổi làm nhà máy rượu, hai mắt đắm đuối nhìn mình. Nàng nghĩ thầm:
- Mình làm cho nhiều người híp mắt..
Nàng thấy yêu Hiền hơn: Yêu về tư tưởng và đức hạnh nhân từ.
Ông Toản đi làm về hỏi làm Sơn giật mình:
- Đã đỡ chưa, để đi làm chứ?
Tự nhiên, Sơn chảy nước mắt, đau đớn. Nàng cảm thấy đời nàng khổ quá. Sơn ốm đã năm hôm nay, tiền thuốc không có uống mà nàng cũng sợ uống thuốc nên không mơ tưởng. Mệt ở nhà, nàng chỉ có thú nằm suy nghĩ rồi để tư tưởng đi chơi những nơi xa, chốn lạ, mà Sơn tin rằng chỉ ở những nơi ấy người ta mới tìm thấy được cái chân hạnh phúc của đời sống, không quá mỏng manh như cái đời hiện tại cần lao của nàng và tất cả các người khác. Sơn ứa nước mắt, khi thấy cha nàng mong con chóng khỏi để đi làm đỡ đần kiếm gạo, giả tiền nhà.
- Đã đỡ chưa, để đi làm chứ?
Ngày nào ông Toản đi làm về cũng hỏi nàng thế. Nàng nghẹn ngào đẫm nước mắt:
- Vâng, vài hôm nữa khỏi, con lại đi làm.
Sơn quay mặt vào tường, nức nở khóc thầm. Ăn cơm trưa xong ông Toản lại ngồi thở khói. Bỗng nàng quay ra phía ông Toản, Sơn tò mò chăm chú nhìn cha. Rồi nàng chép miệng:
- Tối tăm lạ!
Lúc này lời nói của Hiền trong bức thư lại như văng vẳng bên tai nàng:
- Em ơi! Anh nghiệm thấy, mỗi ngày tâm tưởng của anh lại xa gia đình, xa mẹ anh, xa anh anh, xa cả chú bác, cô dì trong họ nội, họ ngoại anh. Anh thấy họ sống khác thế giới mộng tưởng của anh vẫn sống…
Sơn gật gật cái đầu, thấy trí nghĩ của ông Toản và nàng cũng xa nhau như mẹ Hiền và Hiền.
- Bà cụ trông phúc hậu nhân từ lạ. Không trách, các con ai cũng tử tế, thông minh cả. Người ấy làm mẹ chồng thực đích đáng… Nàng bùi ngùi nghĩ đến người mẹ hiền từ của nàng đã quá cố. Sơn than tiếc quãng đời thuở nhỏ ăn học, đã từng về nũng nịu dưới gối mẹ. Nàng lại chép miệng nghĩ và buồn rầu, nhớ lại quãng đời sống, ngày còn mẹ mở hàng cơm ở phố Mới.
Chủ nhật tới, Sơn đã khỏi mệt. Nàng đi đón Hiền ở trong trường ra. Hai người lại mang nhau về một cái chùa vắng nhất trong làng Lữ Giai, khuất nẻo trong rặng cây si, chỗ nền cỏ non xanh. Hiền và Sơn ngồi nói chuyện và uống rượu bia Ô-men. Hai người cùng cười nhìn đàn bướm trắm bay lượn trong ánh sáng vàng của nắng mùa thu. Gió, si lay động. Những chiếc lá úa xào xạc, rơi rụng xuống mặt nước hồ lăn tăn sóng sánh. Hiền say rượu, nằm thẳng cẳng trên nền cỏ. Sơn mơ màng nhìn xa rồi nàng mỉm cười biết Hiền yêu mơ mộng và có một tinh thần lãng mạn, mới mẻ lắm.
- Anh chàng, chắc ảnh hưởng tiểu thuyết tây nhiều.
Hiền nằm hai mắt lim dim, mặt đỏ như quả gấc. Bỗng chàng lại nhăn mặt rồi chép miệng se sẽ thở dài. Việc gặp Nhuận sáng hôm nay lại vẫn vào trong trí nhớ của chàng. Lúc ấy vào hồi mười giờ, Hiền ở trường ra đi lang thang ở phố một lúc. Rồi khi vừa ở hiệu bán bia Ô-men ra, thì gặp Nhuận vắt vẻo ngồi trên xe nhà, chân bắt chữ ngũ. Chàng ngạc nhiên rụi mắt, tưởng ai. Sau Hiền nhìn kỹ, biết là Nhuận, chàng thở dài một cái mạnh như cơn gió thoảng. Hiền xách bia vào hiệu mua bánh tây và xúc xích, dăm bông, bánh ngọt về đến vườn hoa Quan Thánh vừa gặp Sơn đến đón.
- Hôm nay sao Hiền buồn thế?
- Không… Anh có buồn gì đâu. Anh đã bảo, anh rất ghét sự buồn bực mà!
Lúc ngồi uống rượu với Sơn kỳ chủ nhật này nàng rất ngạc nhiên thấy Hiền như người câm, uống rượu lì lì. Hai chai bia, Sơn chỉ uống một cốc còn phần Hiền cả. Hiền lừ lừ say, thấm thía đến tận tâm hồn.
- Làm nhà, lấy vợ, rồi ngồi xe nhà…
Hiền thấy cái đời sống của Nhuận “dễ dãi” quá. Không cầu kỳ mới lạ như cái đời sống của chàng sau này. Chàng mở mắt xoay người nhìn những cây si mọc bên hồ, dây rễ chằng chịt rậm như một khu rừng. Hiền thấy tâm hồn lơ mơ, hoang mang như ngày nhà chàng làm nhà gạch. Không hiểu sao, những câu đối đáp và lời ăn tiếng nói của Mỹ, của Nhuận, của ông Cai thầu, của ông thợ mộc, của mẹ chàng nó lại vang lên và văng vẳng bên tai.
- Những câu nói của họ có can hệ gì đến ta đâu?
Trí nghĩ loăng quăng và buồn rầu, Hiền lại nhớ đến mẹ. Từ hôm chàng ở trường đến giờ, lâu lắm, Hiền mới về chơi với mẹ một lần. Rồi từ đấy chàng không về nữa. Vì Hiền biết, cũng như lần ấy, chàng về thăm mẹ chỉ để mẹ chảy nước mắt khóc mà thôi.
Chàng chép miệng, nhìn Sơn. Thốt nhiên chàng lại nghĩ đến Liên dạo thôi học cũng có gặp Liên một lần nữa. Và Hiền hỏi bạn, biết Liên bây giờ học ở trường đầm và đã “nhớn tướng”. Hiền mỉm miệng cười, ngày trong năm yêu Sơn, chàng phải nói với Sơn ở trong một bức thư rất dài là bố chàng cũng đã đi làm cu ly và chết về nạn lò máy.
- Giá Liên là con nhà bình thường, có lẽ ta với Liên cũng đã sống với nhau như thế này.
Hiền mỉm cười nhìn vài con bướm bay ngoài nắng, rồi chàng lại nằm ngửa mặt lên trời, hai tay vòng để trên trán, nhắm mắt suy nghĩ. Sơn quay lại nhìn Hiền. Nàng mỉm cười thấy mặt Hiền rắn rỏi quá. Cái miệng Hiền xinh tươi, nàng chỉ muốn hôn một cái. Nhưng nàng lại e lệ rụt rè. Lần nào cũng thế Sơn muốn rồi lại không dám. Nàng không hiểu tại sao. Có lẽ nàng cũng nhát như Hiền. Tự nhiên Sơn rùng mình một cái, cơ thể rạo rực, linh tính dục dã, nàng nhìn Hiền bằng con mắt sáng ngời tình yêu mến. Sơn bò lại, mồm Sơn gắn chặt lấy mồm Hiền, nước mắt nàng đầm đìa rơi xuống cả mặt Hiền. Hiền mở mắt, mỉm cười nói:
- Em nằm xuống đây với anh..
Hai người quay mặt nhìn nhau âu yếm như đôi vợ chồng. Đôi môi Sơn he hé mở, đón chờ Hiền hôn. Xa xa, trong rặng cây chằng chịt đầy tăm tắp, tiếng còi âm u của sở nhà Bia, qua những kẽ lá mau đưa lại một dư thanh. Nghe tiếng còi nhà máy rượu, Hiền bàng hoàng ôm ghì lấy Sơn. Chàng âu yếm nói nho nhỏ:
- Tiếng còi của chúng ta!
Hà Nội, 1940
- Hết -
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét