Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

TamTuKinh.html

TamTuKinh.html





TAM  TỰ  KINH



Đoàn Trung Còn

Dịch nghĩa và Chú thích


*

vinhhoa@www.thuvien-ebook.com


Mục Lục

LỜI NÓI ĐẦU

01.  人之初     NHÂN CHI SƠ

02.  苟不教     CẨU BẤT GIÁO

03.  昔孟母     TÍCH MẠNH MẪU

04.  养不教     DƯỠNG BẤT GIÁO

05.  玉不琢     NGỌC BẤT TRÁC

06.  香九龄     HƯƠNG CỬU LINH

07.  首孝悌     THỦ HIẾU ÐỄ

08.  三才者     TAM TÀI GIẢ

09.  曰春夏     VIẾT XUÂN HẠ

10.  曰水火     VIẾT THỦY HỎA

11.  稻粱菽     ÐẠO LƯƠNG THÚC

12.  曰喜怒     VIẾT HỶ NỘ

13.  高曾祖     CAO TẰNG TỔ

14.  父子恩     PHỤ TỬ ÂN

15.  凡训蒙     PHÀM HUẤN MÔNG

16.  论语者     LUẬN NGỮ GIẢ

17.  作中庸     TÁC TRUNG DUNG

18.  孝经通     HIẾU KINH THÔNG

19.  有连山     HỮU LIÊN SƠN

20.  我姬公     NGÃ CƠ CÔNG

21.  曰国风     VIẾT QUỐC PHONG

22.  三传者     TAM TRUYỆN GIẢ

23.  五子者     NGŨ TỬ GIẢ

24.  自羲农     TỰ HY NÔNG

25.  夏有禹     HẠ HỮU VŨ

26.  汤伐夏     THANG PHẠT HẠ

27.  周辙东     CHÂU TRIỆT ĐÔNG

28.  嬴秦氏     DOANH TẦN THỊ

29.  光武兴     QUANG VÕ HƯNG

30.  宋齐继     TỐNG TỀ KẾ

31.  迨至隋     ĐÃI CHÍ TÙY

32.  二十传     NHỊ THẬP TRUYỀN

33.  炎宋兴     VIÊM TỐNG HƯNG

34.  莅中国     LỴ TRUNG QUỐC

35.  迨成祖     ĐÃI THÀNH TỔ

36.  膺景命     ƯNG CẢNH MỆNH

37.  读史者     ĐỘC SỬ GIẢ

38.  昔仲尼     TÍCH TRỌNG NI

39.  披蒲编     PHI BỒ BIÊN

40.  如囊萤     NHƯ NANG HUỲNH

41.  苏老泉     TÔ LÃO TUYỀN

42.  若梁灏     NHƯỢC LƯƠNG HẠO

43.  莹八岁     OANH BÁT TUẾ

44.  蔡文姬     THÁI VĂN CƠ

45.  唐刘晏     ĐƯỜNG LƯU ÁN

46.  犬守夜     KHUYỂN THỦ DẠ

47.  幼而学     ẤU NHI HỌC

48.  人遗子     NHÂN DI TỬ



LỜI NÓI ĐẦU


"TAM TỰ KINH" là sách học vỡ lòng của con trẻ Trung Quốc và cả Việt Nam thời xưa, được soạn từ đời TỐNG (960-1279), đến các đời MINH, THANH lại được bổ sung. Nội dung của sách chỉ hơn một ngàn chữ (1000); bố trí ba chữ một câu có vần, do đó mà đặt tên là TAM TỰ KINH. Nhưng sao gọi là Kinh? Nó có phải như lời của Lưu Hiệp nói trong Văn Tâm Điêu Long là do thánh nhân chế tác nên gọi là Kinh (Thánh nhân chế tác viết Kinh, Hiền giả trứ thuật viết Truyện). Sách không hẳn là do thánh nhân làm ra, nhưng nó là kết tinh của sách vở thánh hiền truyền lại. Chỉ hơn một ngàn chữ mà nêu ra đủ trọng tâm các vấn đề: Từ bản tính sơ sinh "Tính tương cận, Tập tương viễn" đến giáo pháp, giáo đạo "Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý", Tu tề, Hiếu để, từ bản thân đến vạn vật, vũ trụ: Tam tài, tam quang, tam cương, ngũ hành, ngũ nghĩa, ngũ thường… Tứ thư, Ngũ kinh, gương chuyên cần, đạo xử thế…, còn lược kê cả những diễn biến lịch sử Trung Quốc từ Phục Hy, Thần Nông đến Minh, Thanh v.v…

Sách vỡ lòng được soạn như vậy thật quá chu đáo, dù không học nhiều, nhưng với 1000 chữ, khi nắm vững được nghĩa lý, cũng khã dĩ cho con người có một khái niệm vững chắc về cuộc sống; về đạo đời, là mẫu mực sáng giá cho đến ngày nay.

Chúng tôi sinh ra khi nền Hán học ở Việt Nam đã đi vào giai đoạn suy tàn, nên khi cắp sách đến trường chúng tôi chỉ biết có Tây học. Mãi đến lúc trưởng thành mới ý thức được tầm quan trọng của chữ Hán, thì phải tự tìm tòi học hỏi, lại không có may mắn gặp được sách hay như TAM TỰ KINH nầy, nên mất thì giờ không ít. Mãi đến gần đây mới tìm thấy được sách TAM TỰ KINH, bản dịch tiếng Pháp của Babé – xuất bản năm 1910 (Livre des Phrases de trois caractères), và bản TAM TỰ KINH, dịch nghĩa và chú thích của Đoàn Trung Còn xuất bản năm 1950, tiếp đó lại có quyển TAM TỰ KINH – bạch thoại cú giải, của người Việt gốc Hoa ở Thành Phố Hồ Chí Minh tái bản. trong ba bản cũng có đôi chỗ dị biệt, nhưng trên đại thể vẫn giống nhau.

Như đã nói trên, TAM TỰ KINH là sách học vỡ lòng cho trẻ con thời xưa, nhưng ngày nay cũng rất hữu ích cho những ai muốn học chữ Hán, do đó chúng tôi không ngần ngại cho Tái bản tập TAM TỰ KINH của học giả Đoàn Trung Còn (vì xét ra phần dịch nghĩa và chú thích khá phong phú). Đồng thời để đáp ứng cho nhu cầu học Hán Nôm đang trên đà phát triển mạnh, chúng tôi cho in thêm phần chữ Nôm bên chữ Hán để tiện việc học tập.

Mong rằng sách sẽ được các bạn hiếu học tiếp nhận nồng nhiệt, chúng tôi xin chân thành cảm ơn trước. 

QUANG MINH


人之初,   NHÂN CHI SƠ,

性本善。    TÁNH BỔN THIỆN.

性相近,   TÁNH TƯƠNG CẬN,

习相远。   TẬP TƯƠNG VIỄN.

________________

Người ta lúc ban đầu, thì cái tánh vốn lành [1].

Với cái Tánh lành ấy, họ gần như nhau; nhưng bởi nhiễm thói tục, họ thành ra xa nhau [2].

________________

[1] Thường thường người ta hiểu rằng: Người ta lúc ban đầu, tức là khi mới sanh ra và còn bé, thì cái Tánh vốn lành. Nếu cố chấp như vậy, tưởng chưa đúng hẳn. Là vì, có nhiều đứa bé, vừa năm bảy tháng hoặc một hai tuổi, đã cho thấy cái ý chẳng lành của chúng nó rồi: hoặc cắn vú mẹ, hoặc đập phá đồ, xé rách quần áo, ăn đồ nhơ uế, và hay giận dữ. Vậy thì con người ta lúc còn bé, chưa hẳn có tánh trọn lành. Ai có hấp thọ Nhiệp quả nhà Phật, ắt công nhận lẽ ấy. Tuy vậy, cái bổn Tánh thiên nhiên của người ta vốn lành. Vậy nên hiểu: Cái Tánh thiên nhiên của người ta, cái Tánh vốn Trời phú cho từ lúc đầu, thì vốn lành.

[2] Cái bẩm tánh lành ban sơ làm cho họ gần giống nhau; tới chừng lớn lên, mỗi  người tập theo mỗi thói quen, rồi thành ra có người lành, kẻ dữ mà xa khác nhau. Tỷ dụ: 1. vị giáo sư, nhà tu sĩ; 2. kẻ bán thịt, người thợ săn.


苟不教,    CẨU BẤT GIÁO,

性乃迁。   TÁNH NÃI THIÊN.

教之道   GIÁO CHI ÐẠO,

贵以专。   QUÝ DĨ CHUYÊN.

________________

Nếu họ chẳng được giáo hóa, tánh họ bèn dời đổi [3].

Về cái đạo dạy con thì quý ở sự chuyên cần.

________________

 [3] Bởi vậy cho nên nếu chẳng có sự giáo hóa của cha, của thầy thì cái tánh lành ban đầu sẽ dời qua tánh dữ, biến chuyển theo cảnh xấu chung quanh.


昔孟母   TÍCH MẠNH MẪU,

择邻处。   TRẠCH LÂN XỬ.

子不学,   TỬ BẤT HỌC,

断机杼。   ÐOẠN CƠ TRỬ.

窦燕山,   ÐẬU YÊN SƠN,

有义方。   HỮU NGHĨA PHƯƠNG.

教五子,   GIÁO NGŨ TỬ,

名俱扬。   DANH CU DƯƠNG.

________________

Như thuở xưa, bà mẹ thầy Mạnh lựa láng giềng để ở [1], con chẳng chịu học, bà chặt gãy cả khung cửi và thoi dệt [2].

Lại như ông Yên sơn họ Đậu [3] là người có nghĩa lý phép tắc, dạy năm con đều nổi tiếng tăm.

________________

[1+2] Thầy Mạnh tử tên là Kha, tự Tử Dư, nguyên là dòng giống họ Mạnh Tôn, nhà Đại phu nước Lỗ, về sau dời qua ở nước Châu (ấp Trâu). Cha là Khích công Nghi, mẹ là Cừu thị, người đời Đông Châu Chiến quốc (403-221 trước Dương lịch). Ông thác sớm, bà thủ tiết, dạy thầy Mạnh rất chuyên cần: lựa chọn hàng xóm hạp với sự học, ba lần dời, tới bên trường học mới ở. Thầy Mạnh thuở nhỏ theo học với đệ tử ông Tử Tư, một ngày kia chán mỏi trở về; nhằm lúc bà đương dệt cửi, thấy con biếng học thì giận mà chặt đứt cả khung cửi và thoi dệt. Thầy Mạnh sợ hãi, quì mà hỏi cớ, bà trách mắng rằng: "Nghề dệt cửi phải chắp nối từng sợi tơ mới thành tấm hàng là đồ dùng được. Việc học của mầy cũng vậy, phải tiếp nối ngày tháng mới có thể thành tài. Nay mầy làm biếng mà bỏ bẵng đi, có khác gì cái khung cửi của ta chặt đứt ngang hay chăng?" Từ đó thầy Mạnh phải chăm chỉ học hành, trở nên trang đại hiền, làm ra sách Mạnh tử.

 [3] Ông họ Đậu, tên Vũ Quân, người U Châu, nhân đất ấy thuộc nước Yên đời Châu, cho nên đặt tên hiệu là Yên sơn. Người đời Hậu Tấn (Ngũ đại 936-946), sanh năm con là: Nghi, Nghiêm, Khản, Xứng, Hy, do ông đem nghĩa phương dạy rất chuyên cần, nên đều đặng thành danh, làm nên quan sang đời ấy.


养不教,   DƯỠNG BẤT GIÁO,

父之过。   PHỤ CHI QUÁ.

教不严,   GIÁO BẤT NGHIÊM,

师之惰。   SƯ CHI ÐỌA.

子不学,   TỬ BẤT HỌC,

非所宜。   PHI SỞ NGHI.

幼不学,   ẤU BẤT HỌC,

老何为。   LÃO HÀ VI.

________________

Nuôi con mà chẳng dạy dỗ, ấy là lỗi của người cha;

Dạy học mà chẳng nghiêm chỉnh, ấy là quấy của ông thầy.

Kẻ làm con mà chẳng học, chẳng phải lẽ nên vậy.

Lúc trẻ chẳng học, lúc già sẽ làm gì?


玉不琢,   NGỌC BẤT TRÁC,

不成器。   BẤT THÀNH KHÍ.

人不学,   NHÂN BẤT HỌC,

不知理。   BẤT TRI LÝ.

为人子,   VI NHÂN TỬ,

当少时。   ĐƯƠNG THIẾU THỜI.

亲师友,   THÂN SƯ HỮU,

习礼仪。  TẬP LỄ NGHI.

________________

Tỷ như hòn ngọc chẳng đẽo, chẳng nên món đồ;

Người ta chẳng học, cũng chẳng biết nghĩa lý.

Cho nên phận làm con, đương lúc còn trẻ, phải thân cận với thầy, bạn để học tập lễ, nghi [1].

________________

[1] Lễ tiết thờ người trên, tiếp kẻ dưới, và đối đãi với đời cho hạp lẽ. Dung điệu nghi văn của lễ tiết, làm cho nghiêm trang và dịu dàng.


香九龄  HƯƠNG CỬU LINH,

能温席。   NĂNG ÔN TỊCH.

孝于亲,   HIẾU Ư THÂN,

所当识。   SỞ ÐƯƠNG THỨC.

融四岁,   DONG TỨ TUẾ,

能让梨。   NĂNG NHƯỢNG LÊ.

弟于长  ÐỄ Ư TRƯỞNG,

宜先知。   NGHI TIÊN TRI.

________________

Kìa như người Hương [2] mới chín tuổi đã biết ủ ấm chiếu mền cho cha;

ấy là gương hiếu đối với đấng thân mà trò cần phải biết.

Lại như người Dong mới bốn tuổi mà biết nhường trái lê [3];

ấy là gương thảo đối với huynh trưởng mà trò cũng cần phải học trước.

________________

[2] Người họ Hoàng, tên Hương, vự Văn Cường, huyện An Lục thuộc quận Giang Hạ trong đời Đông Hán (25-219), sớm mồ côi mẹ, mới được chín tuổi, thờ cha rất hiếu: mùa hạ nóng nực, thì quạt gối, chiếu cho cha nằm được mát; mùa đông lạnh lẽo, thì lấy mình ủ mền, nệm cho cha nằm được ấm. Vì vậy tiếng hiếu đồn xa, có câu khen: "Thiên hạ vô song, Giang hạ Hoàng đồng 天下無雙江厦黃童  (Trong thiên hạ không có ai sánh đôi với đứa con nít nhà họ Hoàng ở quận Giang hạ). Ấy là một trang hiếu tử trong sách "Nhị thập tử hiếu" vậy. Lớn lên học rộng văn hay, làm quan tới Thượng thơ lệnh.

[3] Người họ Khổng, tên Dong, tự Văn Cử, dòng giống 22 đời của đức Khổng Tử, mới được bốn tuổi đã biết lễ tốn nhượng: một ngày kia có người láng giềng đem cho một giỏ trái lê, các anh đều lựa lấy trái lớn, duy có Dong thủng thẳng lượm lấy một trái nhỏ. Người ta hỏi rằng: "Sao mầy không lấy trái lớn?" Dong đáp rằng: "Các anh tôi lớn tuổi thì ăn trái lớn; còn tôi là em và nhỏ tuổi, sao dám giành anh, đặng mang tội hỗn và tham". Lớn lên làm quan đời vua Hiến đế (190-219) nhà Đông Hán, chức thái thú quận Bắc Hải, lần thăng tới Thái Trung Đại phu, sau vì nghịch với Tào Tháo, nên bị nó giết.


首孝悌,   THỦ HIẾU ÐỄ,

次见闻。   THỨ KIẾN VĂN.

知某数,   TRI MỖ SỐ,

识某名。   THỨC MỖ DANH.

一而十,   NHẤT NHI THẬP,

十而百。   THẬP NHI BÁ.

百而千,    BÁ NHI THIÊN,

千而万。   THIÊN NHI VẠN.

________________

Về việc học thì đầu hết là hiếu với cha, thảo với anh; kế đó là thấy và nghe.

Nên học cho biết số, biết tên:

Từ số một đến số mười, từ số mười đến số trăm,

Từ số trăm đến số ngàn, từ số ngàn đến số muôn [1].

________________

[1] Bốn câu trên đây là nghĩa "Biết số"; còn từ câu "Tam tài giả" kế đây sắp xuống là nghĩa "Biết tên", tức là hiểu biết các sự vật, đạo lý… dưới đây.


三才者,    TAM TÀI GIẢ,

天地人。   THIÊN ÐỊA NHÂN.

三光者,    TAM QUANG GIẢ,

日月星。   NHẬT NGUYỆT TINH.

三纲者,    TAM CƯƠNG GIẢ,

君臣义。    QUÂN THẦN NGHIÃ.

父子亲,    PHỤ TỬ THÂN,

夫妇顺。   PHU PHỤ THUẬN.

________________

Ba bậc tài là: Trời Đất và Người [2].

Ba chất sáng là: mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao [3].

Ba giềng là: Quốc trưởng và bề tôi có nghĩa;

Cha, con thân nhau; vợ chồng thuận nhau [4].

________________

[2] Khí dương bốc lên làm Trời, khí âm kết lại làm Đất, Người ta ở giữa tham hiệp âm, dương; giúp công hóa dục muôn vật của Trời Đất. Kinh Dịch nói rằng: "Lập nên Đạo Trời là khí âm và khí dương", ấy là tài của Trời; rằng: "Lập nên Đạo Đất là chất nhu và chất cang", ấy là tài của Đất; rằng: "Lập nên Đạo Người là đức nhân và đức nghĩa", ấy là tài của Người. Vậy Trời, Đất và Người là ba bậc tài ở trong đời.

[3] Mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao là ba chất sáng nhất ở trong bầu trời, ngày đêm tiếp nhau soi rạng trên mặt trái đất.

[4] Quốc trưởng làm giềng cho bề tôi noi theo, mà nên có nghĩa; cha làm giềng cho con noi theo, mà nên có tình thân; chồng làm giềng cho vợ noi theo, mà nên hòa thuận; như ở tấm lưới, các mắt đều theo về giềng vậy.


曰春夏,   VIẾT XUÂN HẠ,

曰秋冬。  VIẾT THU ÐÔNG.

此四时,   THỬ TỨ THỜI,

运不穷。   VẬN BẤT CÙNG.

曰南北  VIẾT NAM BẮC,

曰西东。  VIẾT TÂY ÐÔNG.

此四方,   THỬ TỨ PHƯƠNG,

应乎中。   ỨNG HỒ TRUNG.

________________

Mùa xuân, mùa hạ, mùa thu, mùa đông,

đó là bốn mùa, xây vần chẳng cùng [1].

Phương Nam, phương Bắc, phương Tây, phương Đông,

đó là bốn phương [2], ứng về lối giữa.

________________

[1] Mùa nầy tiếp với mùa kia, mùa kia truyền qua mùa nọ, xây chuyển luôn luôn, làm cho muôn vật sanh, trưởng, biến hóa lần hồi chẳng cùng.

[2] Phương Nam thuộc hành hỏa, phương Bắc thuộc hành Thủy, phương Đông thuộc hành mộc, phương Tây thuộc hành Kim, đều ứng vào phương trung ương thuộc hành thổ.


曰水火,   VIẾT THỦY HỎA,

木金土。   MỘC KIM THỔ.

此五行  THỬ NGŨ HÀNH,

本乎数。   BỔN HỒ SỐ.

曰仁义,   VIẾT NHÂN NGHĨA,

礼智信。   LỄ TRÍ TÍN.

此五常,   THỬ NGŨ THƯỜNG,

不容紊。   BẤT DONG VẶN.

________________

Chất nước, chất lửa, chất cây, chất kim, chất đất,

đó là năm chất hành, gốc ở số [1].

Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín,

đó là năm đạo thường, chẳng nên làm cho rối loạn [2].

________________

[1] Coi số điểm trong Hà Đồ ở kinh Dịch: số 1 của Trời sanh ra hành thủy, số 6 của Đất thành cho nó; số 2 của Đất sanh ra hành hỏa, số 7 của Trời thành cho nó; số 3 của Trời sanh ra hành mộc, số 8 của Đất thành cho nó; số 4 của Đất sanh ra hành kim, số 9 của Trời thành cho nó; số 5 của Đất sanh ra hành thổ, số 10 của Đất thành cho nó. Ấy là năm chất hành gốc ở số hành , nghĩa là lưu hành đi khắp bốn mùa và bốn phương, đặng sanh dục cho muôn vật, lợi dụng cho muôn việc.

[2] Nhân là lòng từ thiện, Nghĩa là việc nên làm, Lễ là nghi tiết tốn nhượng, Trí là ý khôn biết phải quấy, Tín là lòng tin thật; người ta phải giữ năm đạo đó làm thường, chẳng nên để rối loạn.


稻粱菽,   ÐẠO LƯƠNG THÚC,

麦黍稷。   MẠCH THỬ TẮC.

此六谷  THỬ LỤC CỐC,

人所食。   NHÂN SỞ THỰC.

马牛羊,   MÃ NGƯU DƯƠNG,

鸡犬豕。   KÊ KHUYỂN THỈ.

此六畜,   THỬ LỤC SÚC,

人所饲。   NHÂN SỞ TỰ.

________________

Đạo, lương, thúc, mạch, thử, tắc, đó là sáu giống lúa mà người ta ăn [3].

Ngựa, bò (trâu), dê, gà, chó, heo, đó là sáu giống súc mà người ta nuôi [4].

________________

[3] Đạo là lúa nếp bẹ, dùng để làm bột và nấu rượu; Lương là lúa kê, dùng để nấu cháo hay là làm bánh ướt; Thúc là các thứ đậu, dùng làm các món ăn; Mạch là thứ lúa cấy về mùa thu, gặt về mùa hạ, tục gọi là lúa chiêm; Thử là lúa bắp; Tắc là lúa nếp, dùng để nấu xôi, làm bánh, đều là những món người ta thường ăn.

[4] Súc là sáu giống nuôi, sáu giống ấy là những con vật người ta thường nuôi trong nhà, dùng để làm việc hay là để ăn thịt.


曰喜怒,   VIẾT HỶ NỘ,

曰哀惧。   VIẾT AI CỤ.

爱恶欲,   ÁI Ố DỤC,

七情具。   THẤT TÌNH CỤ.

匏土革,   BÀO THỔ CÁCH,

木石金。   MỘC THẠCH KIM.

与丝竹  DỮ TY TRÚC,

乃八音。  NÃI BÁT ÂM.

________________

Mừng, giận, bi thương, sợ, yêu, ghét và muốn là bảy tình mà ai cũng có đủ cả [2].

Bầu, đất, da, gỗ, đá, kim, với tơ, trúc là tám thứ âm nhạc [3].

________________

[2] Đem cái tánh đối với các sự vật trong đời, nhân cảm xúc mà phát ra, thì con người ta ai cũng có đủ bảy tình ấy, có điều phát ra theo lẽ chánh thì là thánh hiền; phát ra theo lẽ tà thì là ngu, bất tiếu.

[3] Bào là vỏ trái bầu già, đồ âm nhạc thời xưa làm 17 cái ống trúc ghép ở trong vỏ trái bầu đặng thổi thành tiếng; Thổ là đồ âm nhạc nắn bằng đất un, như cái huân, cái phẫu, đặng gõ thành tiếng; Cách là cái trống bịt bằng da thú; Mộc là đồ âm nhạc bằng gỗ, như cái mõ, cái phách; Thạch là cái khánh bằng đá; Kim là âm nhạc bằng loài kim, như: chuông, kiểng, chiêng, lịnh… Ty là dây đờn bằng tơ; Trúc là ống sáo, ống quyển bằng trúc.


高曾祖,   CAO TẰNG TỔ,

父而身。   PHỤ NHI THÂN.

身而子,   THÂN NHI TỬ,

子而孙。    TỬ NHI TÔN.

自子孙,   TỰ TỬ TÔN,

至曾玄。    CHÍ TẰNG HUYỀN.

乃九族 ,     NÃI CỬU TỘC,

人之   NHÂN CHI LUÂN.

________________

Ông sơ, ông cố, ông nội, cha đến mình,

mình đến con, con đến cháu,

từ con, cháu, đến chắt, chít,

tức là chín đời trong họ [1], thứ bậc của người ta.

________________

[1] Do đời mình tính ngược lên bốn đời trên; do đời mình tính xuôi sắp xuống bốn đời dưới, ấy là chín đời. Cửu tộc là chín đời, nghĩa là tất cả những đồng một họ chung ông tổ chín đời.


父子恩 ,     PHỤ TỬ ÂN,

丛。    PHU PHỤ TÒNG.

兄則友 ,     HUYNH TẮC HỮU,

弟则恭。   ÐỆ TẮC CUNG.

长幼序,   TRƯỞNG ẤU TỰ,

友与朋。   HỮU DỮ BẰNG.

君则敬,   QUÂN TẮC KÍNH,

臣则忠。   THẦN TẮC TRUNG.

此十义,   THỬ THẬP NGHĨA,

人所同。   NHÂN SỞ ÐỒNG.

________________

Cha con có ơn, vợ chồng theo nhau,

Anh thì thảo, em thì cung [2], lớn, nhỏ có bậc, bạn với bầy đồng nhau,

vua thì kính [3], tôi thì trung.

Đó là mười nghĩa [4] mà mọi người đều có như nhau [5].

________________

[2+3] Cung  với Kính   đều là nghĩa kính trọng, mà có ý phân biệt: Cung là lễ kính, nghĩa là cái vẻ khiêm tốn hiện ra ngoài mặt; Kính là lòng kính, nghĩa là cái ý thành khẩn căn ở trong lòng.

[4] Mười nghĩa (thập nghĩa) là mười đức tốt theo trong sách lễ ký: 1. Phụ từ, 2. Tử hiếu, 3. Phu nghĩa, 4. Phụ thính, 5. Huynh lương, 6. Đệ đễ, 7 Trưởng huệ, 8. Ấu thuận, 9 Quân nhân, 10. Thần trung.

[5] Từ câu Tam tài giả 三才者  trên đây cho tới câu Nhân sở đồng 人所同  nầy, là chỉ cho biết những tên: Tam tài, Tam quang, Tam cang (cương), tứ thì, Tứ phương, Ngũ hành, Ngũ thường, Lục cốc, Lục súc, Thất tình, Bát âm, Cửu tộc, Thập nghĩa. Đó là nghĩa Thức mỗ danh 识某名 , mà cũng ngậm ý Tri mỗ số 知某数 , vì tên gì cũng có số, những tên dưới đây cũng vậy.


凡训蒙,   PHÀM HUẤN MÔNG,

须讲究。   TU GIẢNG CỨU.

详训诂,   TƯỜNG HUẤN HỖ,

明句读。   MINH CÚ ÐẬU.

为学者,   VI HỌC GIẢ,

必有初。   TẤT HỮU SƠ.

自小学,   TỰ TIỂU HỌC,

至四书。   CHÍ TỨ THƯ.

________________

Hễ dạy trẻ thơ, nên giảng giải, xem xét, tỏ lời huấn [2], lời hỗ, rõ từng câu, từng đậu [3].

Kẻ đi học, ắt phải học từ chỗ ban đầu: Từ sách tiểu học [4] đến sách tứ thư [5].

________________

[2] Huấn , là lời chú giải nghĩa sách; Hỗ , là lời dẫn chuyện nay làm chứng để giải thích chuyện xưa.

[3]   dấu chấm dứt nghĩa câu sách; Đậu  là dấu chấm ngừng hơi câu sách, mà chưa dứt nghĩa, hay là dấu ngăn ra từng cái, từng nghĩa.

[4] Bộ sách tiểu học của ông Châu Hy đời Tống làm ra, dùng để dạy học trò lớp nhỏ hiểu qua các văn nghĩa, sự và lý.

[5] Tứ thư: Bốn bộ sách: Luận ngữ, Mạnh tử, Trung dung, Đại học kể ra dưới đây.


论语者,   LUẬN NGỮ GIẢ,

二十篇。   NHỊ THẬP THIÊN.

群弟子,    QUẦN ÐỆ TỬ,

记善言。   KÝ THIỆN NGÔN.

孟子者,   MẠNH TỬ GIẢ,

七篇止。   THẤT THIÊN CHỈ.

讲道德,    GIẢNG ÐẠO ÐỨC,

说仁义。   THUYẾT NHÂN NGHĨA.

________________

Bộ sách "Luận Ngữ" [3] có hai mươi thiên,

do bầy đệ tử chép lời nói phải của đức Khổng;

Bộ sách "Mạnh tử" chỉ có bảy thiên thôi,

Là sách giảng đạo, đức, nói nhân, nghĩa [4].

________________

[3] Luận ngữ là bộ sách do các học trò của đức Khổng tử chép lời phải tự ngài nói ra và dạy đời, và lời ngài đáp học trò hay người đời hỏi các sự lý.

[4] Mạnh tử là bộ sách do thầy Mạnh Kha cùng các học trò của thầy làm ra, chép những lời thầy giảng bàn đạo đức, nói chuyện nhân nghĩa.


作中庸,   TÁC TRUNG DUNG,

乃孔伋   NÃI KHỔNG CẤP.

中不偏,   TRUNG BẤT THIÊN,

庸不易。    DUNG BẤT DỊCH.

作大学,    TÁC ÐẠI HỌC,

乃曾子。    NÃI TĂNG TỬ.

自修齐,   TỰ TU TỀ,

至平治。   CHÍ BÌNH TRỊ.

________________

Đến sách Trung dung, thì thầy Khổng [5] Cấp làm ra: Trung nghĩa là chẳng lệch, dung [6] nghĩa là chẳng đổi;

Còn sách Đại học [7] là của thầy Tăng tử soạn, sách ấy dạy từ đạo tu, tề đến đạo bình, trị.

________________

[5+6] Khổng Cấp tự Tử Tư, cháu nội của đức Khổng tử, con của ông Khổng Lý, học trò của thầy Tăng Sâm, làm sách Trung dung, bàn đạo lý trung thường ở đời.

[7] Thầy họ Tăng, tên Sâm, con của ông Tăng Điểm, học trò của đức Khổng tử, làm sách Đại học là đạo học của người lớn, 1 chương kinh và 10 chương chuyện, có 3 canh lãnh và 8 điều mục, đây nói về tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.


孝经通,   HIẾU KINH THÔNG,

四书熟。   TỨ THƯ THỤC.

如六经,   NHƯ LỤC KINH,

始可读。   THỦY KHẢ ÐỘC.

诗书易,   THI THƯ DỊCH,

礼春秋。   LỄ XUÂN THU.

号六经  HIỆU LỤC KINH,

当讲求。    ÐƯƠNG GIẢNG CẦU.

________________

"Hiếu kinh" [2] đã thông, "Tứ thư" đã thuộc, rồi mới nên đọc Lục kinh [3].

Kinh Thi, Thư, Dịch, Lễ, Nhạc, Xuân Thu, kêu là Lục Kinh, nên giảng tìm lấy nghĩa lý.

________________

[2] Hiếu kinh là bộ sách của đức Khổng tử làm ra, có 18 chương, phát minh cái đạo hiếu với cha mẹ.

[3] Lục kinh là Thi, Thư, Dịch, Lễ, Nhạc, Xuân thu; kinh Nhạc bị Tần Thủy Hoàng đốt đi mất, còn có năm, cho nên từ đời Hán sắp sau kêu là Ngũ kinh 五经  (năm bộ Kinh).


有连山,   HỮU LIÊN SƠN,

有归藏。   HỮU QUI TÀNG.

有周易,    HỮU CHÂU DỊCH,

三易详。   TAM DỊCH XƯƠNG.

有典谟  HỮU ÐIỂN MÔ,

有训诰。  HỮU HUẤN CÁO.

有誓命  HỮU THỆ MỆNH,

书之奥。  THƯ CHI ÁO.

________________

Có "Liên sơn", có "Quy tàng", có "Châu dịch", ba kinh ấy nên hiểu rõ [4].

Có những thiên: Điển, Mô, Huấn, Cáo, Thệ, Mệnh thì chứa nghĩa sâu của kinh Thư [5].

________________

[4] Kinh Dịch là bộ sách dùng để coi quẻ, do vua Phục Hy đời thượng cổ coi đồ sông Hà hoạch ra tám quẻ là: Càn, Đoài, Ly, Chấn, Tốn, Khảm, Cấn, Khôn, rồi mỗi quẻ chồng lên thành 8, là 64 quẻ; mỗi quẻ 6 hào, cộng là 384 hào. Nguyên do lý ấy, qua đời nhà Hạ làm kinh Dịch, để quẻ Cấn lên đầu, kêu là kinh Dịch Liên Sơn, nghĩa là liền dãy núi, vì núi là tượng quẻ Cấn. Kế qua đời Thương làm kinh Dịch, để quẻ Khôn lên đầu, kêu là kinh Dịch Quy Tàng, nghĩa là muôn vật về giấu ở đất, vì đất là tượng quẻ Khôn. Đến đời nhà Châu, vua Văn Vương do tượng quẻ của vua Phục Hy, đặt ra lời hào; kêu là kinh Châu Dịch. Ấy là ba kinh Dịch, nhưng đời sau thì chuyên theo Châu Dịch.

[5] Kinh Thượng thư 尚書   bộ sách chép việc năm đời: Đường, Ngu, Hạ, Thương, Châu, có những thiên: Điển, Mô, Huấn, Cáo, Thệ, Mệnh. Đức Khổng tử san thuật lại, tất cả có 100 thiên. Tần Thủy Hoàng đốt đi mất, qua đời Hán sưu tập lại, còn có 58 thiên.


我姬公,   NGÃ CƠ CÔNG,

作周礼。   TÁC CHÂU LỄ.

着六典,   TRỨ LỤC ĐIỂN,

存治体。   TỒN TRỊ THỂ.

大小戴  ÐẠI TIỂU ĐÁI,

注礼记。   CHÚ LỄ KÝ.

述圣言,   THUẬT THÁNH NGÔN,

礼乐备。   LỄ NHẠC BỊ.

________________

Ông Cơ công [2], làm kinh Châu Lễ, bày ra sáu điển [3], giữ còn cái thể thống trị nước.

Họ Đái lớn, nhỏ chú kinh Lễ ký [4], thuật lời nói của đức Thánh, lễ, nhạc đủ hết.

________________

[2] Ông họ Cơ tên Đán, con trai thứ tư của vua Văn Vương nhà Châu, tức Châu công, vì ông làm trủng tể (tể tướng), được phong tước Châu công…

[3] Ông làm kinh Châu lễ, đặt ra 6 quan khanh coi 6 điển: lại, hộ, binh, hình, công, là thể thống trị nước.

[4] Nhà nho đời Hán là Đái Đức và con nhà anh của Đức là Đái Thánh (vì hai chú cháu trong nhà, nên người ta kêu phân biệt là Đái lớn và Đái nhỏ), đồng chú thích kinh Châu lễ kêu là kinh Lễ ký.


曰国风,   VIẾT QUỐC PHONG,

曰雅颂。   VIẾT NHÃ TỤNG.

号四诗,   HIỆU TỨ THI,

当咏讽。   ÐƯƠNG VỊNH PHÚNG.

诗既亡,   THI KÝ VONG,

春秋作。   XUÂN THU TÁC.

寓褒贬,   NGỤ BAO BIẾM,

别善恶。   BIỆT THIỆN ÁC.

________________

Quốc phong, Tiểu nhã, Đại nhã, Tụng [1], kêu là bốn thể thi [2] nên ngâm nga, đọc trầm đọc bổng.

Kinh Thi đã bỏ bớt đi [3], đức Khổng làm ra kinh Xuân thu [4], ngụ ý khen, chê, phân biệt điều lành, điều dữ.

________________

[1] Kinh Thi là bộ sách chép các bài thơ của đời Thương, Châu, tất cả 3000 thiên, đức Khổng tử san lại, còn 315 thiên, tóm lại có bốn thể: Quốc phong là thơ phong tục các nước chư hầu; Tiểu nhã, Đại nhã là thơ nhạc ca trong triều đình, Tụng là nhạc ca tế tông miếu nhà vua.

[2] Bốn thể thi là: 1. Quốc phong, 2. Tiểu nhã, 3. Đại nhã, 4. Tụng. Bốn thể ấy nên đọc bằng cách ngâm nga, có trầm có bổng.

[3] Các bài thi thì nhiều lắm, nhưng đức Khổng tử chỉ lượm lấy 315 thiên có ý nghĩa khuyên lành, răn dữ, làm một bộ kinh Thi mà thôi, còn thì đều san bỏ đi, cho nên nói là bỏ bớt, mất (vong).

[4] Xuân thu là tên sách sử của nước Lỗ (nước quê nhà đức Khổng), đức Khổng nhân đó sửa lại làm bộ kinh Xuân thu, chép truyện trong đời Đông Châu từ năm Kỷ Mùi (722 trước Dương lịch) sau khi vua Châu Bình Vương dời kinh đô qua đất Lạc tại phía Đông, cho tới năm Canh Thân (481 trước Dương lịch, nhằm năm thứ 39 đời vua Kính Vương nhà Châu), vua nước Lỗ đi săn phía tây bắt được con lân, cả chuyện nhà Châu và các nước chư hầu, mà lấy nước Lỗ làm chủ, khen sự lành, chê sự dữ, để làm gương khuyên răn đời sau.


三传者,   TAM TRUYỆN GIẢ,

有公羊。   HỮU CÔNG DƯƠNG.

有左氏,    HỮU TẢ THỊ,

有谷梁。   HỮU CỐC LƯƠNG.

经既明,   KINH KÝ MINH,

方读子。   PHƯƠNG ĐỘC TỬ.

撮其要,    TOÁT KỲ YẾU,

记其事。    KÝ KỲ SỰ.

________________

Ba truyện là: truyện của Công Dương, truyện của Tả thị, truyện của Cốc Lương [1].

Kinh và truyện đã rõ, mới đọc qua tử [2], nên rút lấy chỗ cốt yếu, ghi nhớ các việc.

________________

[1] Làm truyện thích nghĩa kinh Xuân thu thì có ba nhà: 1. Họ Công Dương, người cuối đời nhà Châu, 2. Họ Tả, tên Khưu Minh, người nước Lỗ, học trò đức Khổng, 3. Họ Cốc Lương, người đời Hán.

[2] Các sách của các nhà văn học đời trước thuật ra, kêu là chư tử, thì nhiều lắm. Nhưng kẻ học nên rút lấy nghĩa cốt yếu, ghi nhớ lấy việc.


五子者,    NGŨ TỬ GIẢ,

有荀扬。  HỮU TUÂN DƯƠNG.

文中子,    VĂN TRUNG TỬ,

及老庄。  CẬP LÃO TRANG.

经子通,   KINH TỬ THÔNG,

读诸史。   ĐỘC CHƯ SỬ.

考世系,    KHẢO THẾ HỆ,

知终始。   TRI CHUNG THỦY.

________________

Năm sách tử là: sách của họ Tuân, sách của họ Dương, sách của thầy Văn Trung Tử và sách của họ Lão với sách của họ Trang [3].

Kinh, truyện và tử thông rồi, hãy đọc các sử đặng xét mối đời, biết chuyện từ đời trước tới sau nầy.

________________

[3] Có năm thứ sách của năm nhà sau đây: 1. Tuân Khanh, người đất Lan lăng nước Sở về cuối đời nhà Châu, làm hai thiên sách Tuân tử; 2. Dương Hùng, người quận Thành đô đời Hán, làm hai bộ sách Thái Huyền và Pháp Ngôn; 3. Văn trung tử họ Vương, tên Thông, người đất Long Môn đời Tùy, làm hai sách Huyền kinh và Trung thuyết; 4. Lão tử họ Lý tên Nhĩ, người Bạc ấp đời Đông Châu, làm Đạo Đức Kinh; 5. Trang tử tên Châu, người Mông thành nước Sở, đời Đông Châu, làm bộ Nam Hoa Kinh. Người ta cũng gọi Trang tử là Nam Hoa Chân Nhân.


自羲农  TỰ HY NÔNG,

至黄帝。   CHÍ HOÀNG ĐẾ.

号三皇  HIỆU TAM HOÀNG,

居上世。   CƯ THƯỢNG THẾ.

唐有虞,   ĐƯỜNG HỮU NGU,

号二帝。  HIỆU NHỊ ĐẾ.

相揖逊,   TƯƠNG ẤP TỐN,

称盛世。   XƯNG THỊNH THẾ.

________________

Từ vua Hy, vua Nông, đến vua Hoàng Đế, kêu là Tam Hoàng (Ba đời Hoàng), ở đời trên cùng [1].

Nhà Đường [2], nhà Hữu Ngu [3], kêu là nhị Đế ( hai đời đế).

Vái nhường [4] nhau mà trao ngôi, xưng là đời thạnh trị.

________________

[1] Cứ theo sách Ngoại kỷ thì trung quốc về đời Thái cổ còn có vua Bàn Cổ, ra đời từ thuở trời đất mới mở mang, kế đến là ba vị: Thiên Hoàng, Địa Hoàng, Nhân Hoàng, kêu là Tam Hoàng, nhưng thuộc về chuyện đời Hồng Hoang, chưa có văn tự, sự tích và niên số đều không biết đâu mà khảo. Cho nên sách sử Cương Giám chỉ chép từ vua Phục Hy cùng với vua Thần Nông, vua Hoàng Đế mà kêu là Tam Hoàng. Niên số mấy đời ấy thì chỉ ước phỏng từ năm 2598 trước Dương lịch trở lên. Sau đó còn có bốn đời: Thiếu Hiệu, Chuyên Húc, Đế Cốc, Đế Chí.

[2] Vua Đế Nghiêu, hiệu nước là nhà Đào Đường, làm vua 101 năm (2357-2256 trước Dương lịch).

[3] Vua Đế Thuấn, hiệu nước là nhà Hữu Ngu, làm vua 49 năm (2255-2206 trước Dương lịch).

[4] Vua Đế Nghiêu nhường thiên hạ cho vua Đế Thuấn, vua Đế Thuấn nhường thiên hạ cho vua Đại Vũ nhà Hạ. Tương ấp tốn, nghĩa là xá nhau mà nhường ngôi vua.


夏有禹,   HẠ HỮU VŨ,

商有汤。  THƯƠNG HỮU THANG.

周文武  CHÂU VĂN VÕ,

称三王。  XƯNG TAM VƯƠNG.

夏传子,   HẠ TRUYỀN TỬ,

家天下。   GIA THIÊN HẠ.

四百载,   TỨ BÁ TẢI,

迁夏社。  THIÊN HẠ XÃ.

________________

Vua Vũ nhà Hạ [1], vua Thang nhà thương [2], vua Văn [3] với vua Võ [4] nhà Châu, xưng là Tam Vương (Ba đời Vương).

Nhà Hạ truyền cho con [5], lấy thiên hạ làm của nhà, sau bốn trăm năm [6], nền xã nhà Hạ mới dời đổi [7].

________________

[1] Vua Vũ nhà Hạ thay vua Đế Thuấn làm vua được 7 năm (2205-2198 trước Dương lịch).

[2] Vua Thành Thang nhà thương lấy thiên hạ của nhà Hạ làm vua được 29 năm (1783-1754 trước Dương lịch).

[3] Vua Văn Vương họ Cơ, tên Xương, tước Châu hầu đời nhà Thương, con là vua Võ Vương lấy thiên hạ của nhà Thương làm vua, mới truy phong cho cha hiệu là Văn Vương.

[4] Vua Võ Vương tên Phát, con trưởng của vua Văn Vương, đánh nhà Thương lấy thiên hạ, làm vua 18 năm (1134-1115 trước Dương lịch).

[5] Vua Đại Vũ nhà Hạ cũng theo lối vua Nghiêu, vua Thuấn mà nhường ngôi cho ông Bá ích, nhưng thiên hạ không chịu, đòi lập con của vua là ông Khế, nên mới thành cái chế độ truyền con, lấy thiên hạ làm của nhà.

[6] Nhà Hạ truyền 17 đời, được 419 năm (2205-1786 trước Dương lịch).

[7] Nền xã là nền thờ thần hậu thổ, hể triều cũ mất nước, thì triều mới dời đi chỗ khác.


汤伐夏  THANG PHẠT HẠ,

国号商。  QUỐC HIỆU THƯƠNG.

六百载,    LỤC BÁ TẢI,

至纣亡。   CHÍ TRỤ VONG.

周武王,   CHÂU VÕ VƯƠNG,

始诛纣。  THỦY TRU TRỤ.

八百载,   BÁT BÁ TẢI,

最长久。   TỐI TRƯỜNG CỬU.

________________

Vua Thang đánh nhà Hạ [1], đặt hiệu nước là Thương,

Nhà thương cai trị sáu trăm năm [2], đến vua Trụ [3] thì dứt.

Vua Võ Vương nhà Châu mới giết vua Trụ,

nhà Châu trị vì tám trăm năm [4], rất lâu dài.

________________

[1] Đời vua chót của nhà Hạ là vua Kiệt, hoang dâm, bạo ngược, vua Thang nhà Thương đánh đuổi đi.

[2] Nhà Thương cai trị 661 năm (1783-1122 trước Dương lịch).

[3] Đời vua chót của nhà Thương là Trụ, hoang dâm, bạo ngược, bị vua Võ nhà Châu đánh giết.

[4] Nhà Châu khởi từ vua Võ Vương năm Đinh Mẹo, chót tới vua Noãn Vương năm Giáp Dần, được 878 năm (134-256 trước Dương lịch).


周辙东,   CHÂU TRIỆT ĐÔNG,

王纲坠。   VƯƠNG CƯƠNG TRỤY.

逞干戈,   SÍNH CAN QUA,

尚游说。   THƯỢNG DU THUYẾT.

始春秋,   THỦY XUÂN THU,

终战国。   CHUNG CHIẾN QUỐC.

五霸强,   NGŨ BÁ CƯỜNG,

七雄出。   THẤT HÙNG XUẤT.

________________

Vết xe nhà Châu lần sang Đông [1], giềng nghiệp vương rớt.

Giặc giả sanh [2], hàng trí thức chuộng du thuyết [3].

Trước từ đời Xuân thu [4], sau tới đời Chiến quốc [5],

Năm nghiệp bá mạnh [6], bảy nước hùng ra [7].

________________

[4] Nhà Đông Châu từ năm 48 đời vua Bình vương cho tới năm 38 đời vua Kính vương, trong khoảng 241 năm, kinh Xuân thu chép việc thiên hạ, kêu là đời Xuân thu (722-481 trước Dương lịch).

[5] Nhà Đông Châu từ năm 22 đời vua Oai Liệt Vương (403 trước Dương lịch) cho tới năm 58 đời vua Noãn Vương (256 trước Dương lịch), nhà Châu mất về Tần, kêu là đời Chiến Quốc, nghĩa là các nước chư hầu đánh nhau.

[6] Năm nghiệp bá là: Tề Hoàn, Tấn Văn, Tống Tương, Tần Mục, Sở Trang, năm vua chư hầu nối nhau làm bá chủ thiên hạ.

[7] Bảy nước hùng là: Hàn, Ngụy, Triệu, Yên, Tề, Sở và Tần; thuở ấy bao nhiêu nước chư hầu nhỏ yếu đều bị gồm nuốt vô cả bảy nước lớn và mạnh ấy.


嬴秦氏,    DOANH TẦN THỊ,

始兼并。   THỦY KIÊM TÍNH.

传二世,   TRUYỀN NHỊ THẾ,

楚汉争。   SỞ HÁN TRANH.

高祖兴  CAO TỔ HƯNG,

汉业建。   HÁN NGHIỆP KIẾN.

至孝平,   CHÍ HIẾU BÌNH,

王莽篡。   VƯƠNG MÃNG SOÁN.

________________

Họ Doanh Tần mới gồm thâu [1], truyền hai đời [2].

Nước Hán, nước Sở giành nhau thiên hạ nhà Tần [3];

Vua Cao Tổ khởi lên, nghiệp Hán dựng được [4].

Đến vua Hiếu Bình, Vương Mãng cướp ngôi [5].

________________

[1] Nhà Tần nguyên họ Doanh, dòng giống ông Bá Ế đời vua Ngu Thuấn, đến đời Phi Tử được vua Hiếu Vương nhà Châu phong làm nước Phụ Dung, hiệu là Tần. Qua năm 17 đời Châu Bình Vương (753 trước Dương lịch), Văn công đánh được rợ Tây Nhung ở đất Kỳ, vua Bình Vương nhượng đất Tây Châu cho mà phong làm tước bá, lần lần cường thạnh, tới đời Lữ Chánh (Chánh nguyên là con ngoại phụ Lữ Bất Vi), gồm thâu sáu nước và đánh diệt Tây Châu, lấy cả thiên hạ làm vua, ấy là Tần Thủy Hoàng.

[2] Nhà Tần được hai đời: Thủy hoàng đế, Nhị thế hoàng đế, tất cả 39 năm (246-207 trước Dương lịch).

[3] Sở Hạng Võ và Hán Lưu Bang giành thiên hạ nhà Tần.

[4] Hán Vương Lưu Bang đánh diệt được nước Sở, lên ngôi Hoàng đế, ấy là vua Cao Tổ nhà Tây Hán.

[5] Nhà Tây Hán truyền 11 đời (206 -5 trước Dương lịch), đến năm thứ tư vua Bình Đế (5 trước Dương lịch) là vị vua thứ 12 thì bị quyền thần là Vương Mãng cướp ngôi.


光武兴  QUANG VÕ HƯNG,

为东汉。   VI ĐÔNG HÁN.

四百年,   TỨ BÁ NIÊN,

终于献。  CHUNG Ư HIẾN.

蜀魏吴  THỤC NGỤY NGÔ,

争汉鼎。   TRANH HÁN ĐỈNH.

号三国,   HIỆU TAM QUỐC,

迄两晋。   NGẬT LƯỠNG TẤN.

________________

Vua Quang Võ khởi lên [2], lập nhà Đông Hán, truyền bốn trăm năm, trọn tới vua Hiến [3].

Nước Thục, nước Ngụy, nước Ngô giành vạc nhà Hán [4], kêu là đời Tam quốc.

Rồi tới hai nhà Tây Tấn, Đông Tấn [5] liên tiếp nhau.

________________

[2] Vua Quang Võ tên Lưu Tú, khôi phục cơ nghiệp nhà Hán, dời kinh đô qua Lạc Dương, kêu là Đông Hán.

[3] Từ vua Cao Tổ Tây Hán cho tới vua Hiến Đế, Đông Hán được 425 năm (206 trước Dương lịch cho đến 219 theo Dương lịch kỷ nguyên) bị quyền thần Ngụy vương Tào Phi cướp ngôi.

[4] Thục Hán Lưu Bị, dòng giống nhà Hán, cắt cứ Tây Thục, được 1 phần 3 thiên hạ, truyền hai đời đến Hậu đế hàng về Tây Tấn, được 42 năm (221-263). Ngụy chúa Tào Phi, con của Tào Tháo, cướp ngôi nhà Hán, được 1 phần 3 thiên hạ, truyền năm đời, đến Nguyên đế trao ngôi cho Tây Tấn, được 44 năm (220-264). Ngô chúa Tôn Quyền, em của Tôn Sách, cắt cứ Đông Ngô, được 1 phần 3 thiên hạ, truyền đến Tôn Hạo hàng về Tây Tấn, bốn đời được 58 năm (222-280). Thuở ấy thiên hạ Trung Quốc chia ba như vậy, cho nên kêu là đời Tam quốc, Vạc là của báu truyền quốc.

[5] Tư Mã Viêm cướp ngôi của chúa Ngụy, đánh diệt Thục, Ngô, truyền bốn đời, được 51 năm (265-316). Từ Võ đế Viêm đến Mẫn đế Nghiệp hàng về Hán Lưu Diệu, 4 đời đóng đô tại Lạc Dương, kêu là Tây Tấn. Nguyên đế khôi phục nhà Tấn, đóng đô tại Kiến khương, kêu là Đông Tấn, truyền 11 đời, đến Cung đế Đức Văn trao ngôi cho Tống Lưu Dụ, được 102 năm (317-419).


宋齐继,   TỐNG TỀ KẾ,

梁陈承。   LƯƠNG TRẦN THỪA,

为南朝,   VI NAM TRIỀU.

都金陵。   ĐÔ KIM LĂNG,

北元魏,   BẮC NGUYÊN NGỤY.

分东西。   PHÂN ĐÔNG TÂY.

宇文周  VĂN CHÂU,

与高齐。  DỮ CAO TỀ.

________________

Nhà Tống dứt, kế nhà Tề, nhà Lương hết, tới nhà Trần, đó là triều Nam, đóng đô tại đất Kim Lăng [2].

Còn ở Bắc triều thì nhà Nguyên Ngụy chia ra phía Đông, phía Tây [3], nhà Châu họ Vũ văn và nhà Tề họ Cao.

________________

[2] Thuở đó thiên hạ Trung Quốc chia làm hai, sử kêu là Nam, Bắc triều. Nam triều thì Tống: Lưu Dụ, Tề: Tiêu Đạo Thành, Lương: Tiêu Diễn, Trần: Trần Bá Tiên, 4 nhà nối nhau, đóng đô ở Kim Lăng.

[3] Bắc triều thì nhà Ngụy vốn họ Thát bạt, sau đổi họ Nguyên, lại chia làm hai Đông Ngụy và Tây Ngụy, Châu Vũ Văn Giác, Cao Tề, đóng đô ở Kiến Nghiệp. Tổng cộng đời Nam Bắc triều được 168 năm (420-588).


迨至隋,   ĐÃI CHÍ TÙY,

一土宇。   NHẤT THỔ VŨ.

不再传  BẤT TÁI TRUYỀN,

失统绪。    THẤT THỐNG TỰ.

唐高祖,   ĐƯỜNG CAO TỔ,

起义师。   KHỞI NGHĨA SƯ.

除隋乱,   TRỪ TÙY LOẠN,

创国基。   SÁNG QUỐC CƠ.

________________

Kịp tới nhà Tùy, Văn đế gồm một cõi đất, nhưng truyền chẳng được hai đời thì mất giềng mối [2].

Vua Cao tổ [3] nhà Đường khởi quân nghĩa, trừ loạn nhà Tùy, dựng nền nước.

_______________

[2] Tùy Dương Kiên (Văn đế) cướp ngôi nhà Châu, diệt Nam triều Trần, lộn một Nam Bắc, truyền đến Dương Quảng (Dưỡng đế), Dương Hựu (Cung đế) 3 đời được 28 năm (589-617).

[3] Thuở đó Tùy Dưỡng đế hoang dâm vô đạo, thiên hạ lung tung. Đường vương Lý Uyên khởi binh dẹp loạn, thay nhà Tùy làm vua, ấy là vua Cao tổ nhà Đường, truyền 20 đời, được 287 năm (618-905).


二十传,   NHỊ THẬP TRUYỀN,

三百载。   TAM BÁ TẢI.

梁灭之,   LƯƠNG DIỆT CHI,

国乃改。  QUỐC NÃI CẢI.

梁唐晋,   LƯƠNG ĐƯỜNG TẤN,

及汉周。     CẬP HÁN CHÂU.

称五代,   XƯNG NGŨ ĐẠI,

皆有由。   GIAI HỮU DO.

________________

Truyền hai mươi đời, cai trị ngót ba trăm năm.

Nhà Lương diệt nhà Đường, bèn đổi hiệu nước.

Nhà Hậu Lương, nhà Hậu Đường, nhà Hậu Tấn, tới nhà Hậu Hán và nhà Hậu Châu;

kêu là đời Ngũ Đại [1], đều có nguyên cớ.

________________

[1] Hậu Lương: Chu Ôn làm quan đời Chiêu Tông nhà Đường, phong tước Lương vương, cướp ngôi nhà Đường, truyền hai đời, được 19 năm (907-926). Hậu Đường: Lý Tôn Húc diệt nhà Hậu Lương, truyền 4 đời, đổi 3 họ, được 13 năm (927-940). Hậu Tấn: Thạch Kính Đường cướp ngôi nhà Hậu Đường, truyền hai đời, được 9 năm (940-949). Hậu Hán: Lưu Trí Viễn, bầy tôi của rợ Khiết Đan, nhân lúc loạn, dân Trung Quốc lập lên làm vua, truyền hai đời, được 3 năm (947-950). Hậu Châu: Quách Oai cướp ngôi nhà Hậu Hán, truyền 3 đời, được 8 năm (951-959). Năm triều vua ấy hiệu nước đều trùng với năm triều trước, cho nên sách sử đều để chữ Hậu  phân biệt ra, và ngắn ngủi, tất cả chỉ có 53 năm (906-959), cho nên kêu chung là Ngũ Đại 五代  (năm đời); lại thiên hạ đều rối loạn, cho nên cũng kêu là Ngũ Quý 五季  (năm đời chót).


炎宋兴  VIÊM TỐNG HƯNG,

受周禅。  THỌ CHÂU THIỆN.

十八传  THẬP BÁT TRUYỀN,

南北混。  NAM BẮC HỖN.

辽与金  LIÊU DỮ KIM,

皆称帝。    GIAI XƯNG ĐẾ.

元灭金  NGUYÊN DIỆT KIM,

绝宋世。   TUYỆT TỐNG THẾ.

________________

Nhà Viêm Tống khởi lên, chịu nhà Châu trao ngôi, truyền 18 đời,

phía Nam và phía Bắc  chung lộn [1].

Nước Liêu và nước Kim đều xưng hiệu đế [2].

Nhà Nguyên diệt nước Kim, dứt đời nhà Tống.

________________

[1] Triệu Khuôn Dẫn làm quan đời Hậu Châu, được phong tước Tống công, nhân trận loạn Trần Kiều, đình thần ép vua Châu Cung để trao ngôi cho, ấy là vua Thái Tổ nhà Tống, nhất thống thiên hạ, trị theo đức lửa, cho nên kêu là Viêm Tống, truyền tới Khâm tông, đóng đô tại đất Biện Lương, kêu là Bắc tống. Qua đời vua Cao Tông bị nước Kim lấn, dời kinh đô qua Nam kinh, kêu là Nam Tống, truyền tới Bính Tông, mất nước về Nguyên, tất cả 18 đời vua, được 316 năm (960-1276).

[2] Từ đời vua Cao Tông nhà Tống dời kinh đô qua Nam kinh, tại phía Bắc thì họ Gia Luật là người rợ Hồ chiếm cứ, xưng hiệu là Liêu, truyền 9 chúa, được 210 năm. Họ Hoàn Nhan đánh diệt Liêu, xưng hiệu là Kim, truyền 10 đời, được 117 năm.


中国 ,    LỴ TRUNG QUỐC,

兼戎狄。   KIÊM NHUNG ĐỊCH.

九十年,   CỬU THẬP NIÊN,

国祚废。   QUỐC TỘ PHẾ.

太祖兴  THÁI TỔ HƯNG,

国大明。   QUỐC ĐẠI MINH.

号洪武,   HIỆU HỒNG VÕ,

都金陵。   ĐÔ KIM LĂNG.

________________

Nguyên trị nước Trung quốc [3], gồm các nước rợ ngoài, được chín chục năm, ngôi nước bị bỏ.

Vua Thái tổ khởi lên, đặt hiệu nước là Đại Minh [4], hiệu năm là Hồng Võ, đóng đô ở đất Kim Lăng.

________________

[3] Hốt Tất Liệt là người Mông Cổ, đánh diệt Nam Tống, kiêm tính Liêu, Kim, xưng đế Trung quốc, hiệu nước là Nguyên, truyền 8 đời vua, được 90 năm (1277-1367).

[4] Chu Nguyên Chương là người Hào châu, khởi binh đánh diệt nhà Nguyên, lên ngôi hoàng đế năm 1368, đặt hiệu nước là Minh, ấy là vua Minh Thái Tổ.


迨成祖,   ĐÃI THÀNH TỔ,

迁燕京。   THIÊN YÊN KINH.

十七世,    THẬP THẤT THẾ,

至崇祯。   CHÍ SÙNG TRINH.

权阉肆,   QUYỀN YÊM TỨ,

寇如林。   KHẤU NHƯ LÂM.

至李闯 ,        CHÍ LÝ SẤM,

神器焚。   THẦN KHÍ PHẦN.

________________

Tới vua Thành Tổ, dời kinh đô lại đất Yên.

Nhà Đại Minh có 17 đời vua, đến vua Sùng Trinh [1],

Quan thị cầm quyền dông dở, giặc nổi lên như rừng.

Đến giặc Lý Sấm [2], đồ thần bị đốt [3].

________________

[1] Sùng Trinh là kỷ nguyên, Tư Tông là hiệu vua, ấy là vua thứ 16 nhà Minh, ở ngôi 15 năm (1628-1634). Sau Sùng Trinh, vua thứ 17 là Vĩnh Lịch đế bị nhà Thanh đánh đuổi, bị bắt ở Miến Điện. Nhà Minh dứt.

[2] Lý Tự Thành là người Thiểm tây, khởi binh làm giặc, tự xưng là Sấm vương, đánh diệt nhà Minh.

[3] Đồ thần nghĩa là đồ truyền quốc của các đời vua; bị đốt, nghĩa là bị giặc tàn phá làm tiêu đi. Nhà Minh truyền 17 đời vua, được 275 năm (1368-1643).


膺景命  ƯNG CẢNH MỆNH,

清太祖。   THANH THÁI TỔ.

靖四方  TĨNH TỨ PHƯƠNG,

克大定。   KHẮC ĐẠI ĐỊNH.

廿一史 ,    CHẤP NHẤT SỬ,

全在兹。   TUYỀN TẠI TY.

载治乱,    TÁI TRỊ LOẠN,

知兴衰。  TRI HƯNG SUY.

________________

Ứng mạng cả [2], vua Thái Tổ nhà Thanh [3] dẹp yên bốn phương, định được tất cả.

Hai mươi mốt sách sử trọn ở đó [4], chép đời trị, đời loạn; cho biết vận hên, vận xui [5].

________________

[2] Mạng cả: Mạng trời trao ngôi vua cho.

[3] Vua Thái Tổ là người Mãn Châu, khởi binh chiếm cứ Mãn Châu, đến đời cháu là Thế tổ mới diệt nhà Minh, đuổi Lý Tự Thành, lấy được trọn cả Trung quốc, đặt hiệu nước là Thanh.

[4] Quyển sách Tam Tự Kinh nguyên cảo do ông Vương Ứng Lân là người đời vua Ninh Tông (1195-1224) nhà Tống soạn ra, cho nên về lịch sử trung quốc chỉ chép đến Tống tới câu "Thập thất sử, tuyền tại ty 十一史全在兹 " mà thôi. Bổn nầy do ông Hạ Ưng Tử là người đời Thanh mới tục thêm 24 câu tiếp theo sử nhà Tống cho tới nhà Thanh mà đổi chữ "Thập thất sử 十一史  "  làm chữ  " Chấp nhất sử 廿一史 ". Số năm Dương lịch đem đối chiếu với niên lịch các đời Trung quốc đây là khảo theo mục "Thế giới địa sự biểu" trong sách Từ Nguyên.

[5] Tiếng Nam Việt nói Hưng (dấy lên ) là hên, suy (suy đi) là xui, là nói theo tiếng Tàu.


读史者,   ĐỘC SỬ GIẢ,

考实录。   KHẢO THẬT LỤC.

通古今,   THÔNG CỔ KIM,

若亲目。   NHƯỢC THÂN MỤC.

口而诵,   KHẨU NHI TỤNG,

心而推。   TÂM NHI SUY.

朝于斯,   TRIÊU Ư TY,

夕于斯。   TỊCH Ư TY.

________________

Kẻ đọc sách sử xét bổn chép sự thật, làu thông chuyện đời xưa, đời nay, dường như trước mắt.

Miệng thì đọc, lòng thì suy, buổi sớm và buổi chiều cứ theo đó mà đọc và suy [1].

________________

[1] Từ câu "Tam tài giả 三才者  " tới đây là nghĩa "Thức mỗ danh 识某名 " chỉ cho học trò nhỏ biết qua những tên sự vật, sự lý, và sách vở… trong đời.


昔仲尼,   TÍCH TRỌNG NI,

师项橐。   SƯ HẠNG THÁC.

古圣贤,   CỔ THÁNH HIỀN,

尚勤学。   THƯỢNG CẦN HỌC.

赵中令,    TRIỆU TRUNG LỊNH,

读鲁论。    ĐỘC LỖ LUẬN.

彼既仕  BỈ KÝ SĨ,

学且勤。   HỌC THẢ CẦN.

________________

Thuở xưa, đức Trọng Ni học theo ông Hạng Thác [2], ngài là đấng thánh hiền đời xưa mà còn siêng học.

Quan Trung lịnh họ Triệu đọc sách Lỗ Luận [3], ông ấy đã làm quan mà học hãy còn siêng.

________________

[2] Trọng Ni là tên tự của đức Khổng Tử, ngài có học theo ông Hạng Thác là một thần đồng mới mấy tuổi.

[3] Triệu Phổ là một công thần khai quốc đời vua Tống Thái Tổ (960-976), làm quan Trung Thư Lịnh, ngày thì làm việc nước, đêm thì đọc sách Lỗ Luận (tức sách Luận Ngữ), thường nói với người ta rằng: "Ta dùng nửa bộ Luận Ngữ giúp vua Thái Tổ lấy được thiên hạ, nửa bộ giúp vua Thái Tông làm nên thái bình".


披蒲编,   PHI BỒ BIÊN,

削竹简。   TƯỚC TRÚC GIẢN.

彼无书,   BỈ VÔ THƯ,

且知勉。  THẢ TRI MIỄN.

头悬梁,   ĐẦU HUYỀN LƯƠNG,

锥刺股。   CHÙY THÍCH CỔ.

彼不教  BỈ BẤT GIÁO,

自勤苦。   TỰ CẦN KHỔ.

________________

Kẻ thì mở lá bồ làm vở [2], người thì chẻ tre làm thẻ [3], hai người ấy không có sách còn biết gắng công.

Kẻ thì treo đầu lên rường [4], người thì đâm dùi vô vế [5], hai người ấy chẳng có thầy dạy, mà tự mình siêng năng chịu khó.

________________

[2] Ôn Thư đời Hán, nhà nghèo, ham học mà không có sách, đi chăn dê, lấy lá bồ đóng thành vở, mượn bộ kinh Thượng thư của người ta chép mà đọc.

[3] Công Dương Hoành đời Hán đã năm chục tuổi, nhà nghèo mà ham học, nhưng không có sách, đi chăn heo mướn cho người ta, chẻ tre làm thẻ chép bộ kinh Xuân thu mà học. Hai người ấy sau đều làm tới khanh tướng, hiển danh ở đời.

[4] Tôn Kính đời Tấn đêm khuya đọc sách, e rằng buồn ngủ, bèn lấy dây cột tóc treo lên rường nhà, phòng hễ ngủ gục thì dây sẽ kéo đầu cho thức tỉnh, mà lại đọc nữa.

[5] Tô Tần đời Chiến quốc đọc sách binh pháp của Khương Thái Công, canh khuya đêm lặng, mắt mỏi buồn ngủ, bèn lấy cây dùi đâm vô vế cho đau mà tỉnh dậy để lại đọc.

Hai người ấy sau đều đạt tới địa vị khanh tướng, tiếng lừng bốn biển.


如囊萤  NHƯ NANG HUỲNH,

如映雪。   NHƯ ÁNH TUYẾT.

家虽贫,   GIA TUY BẦN,

学不辍。  HỌC BẤT CHUYẾT.

如负薪,   NHƯ PHỤ TÀN,

如挂角。   NHƯ QUẢI GIÁC.

身虽劳,   THÂN TUY LAO,

犹苦学。    DO KHỔ HỌC.

________________

Như kẻ đựng đom đóm trong túi [3], như người hé sách theo ánh tuyết [4], nhà dẫu nghèo, mà học chẳng nghỉ.

Như kẻ gánh củi nơi vai [5], như người treo sách bên sừng [6], mình dẫu nhọc, còn chịu khó học.

________________

[3] Xa Doãn đời Tấn, nhà nghèo mà ham học, đêm đọc sách không có tiền mua đầu thắp đèn, phải bắt những con đom đóm đựng vô chiếc túi lụa đặng soi chữ mà đọc.

[4] Tôn Khương (cũng người đời Tấn) cũng ham học mà nhà nghèo, không có tiền mua dầu thắp đèn, phải ngồi trước sân, hé sách ra bóng tuyết lấy ánh sáng mà đọc.

Hai người ấy về sau cũng làm nên đại danh.

[5] Châu Mãi Thần đời Hán Võ Đế (140-87 trước Dương lịch), nhà nghèo mà ham học, phải đi đốn củi kiếm ăn, hằng ngày đem theo sách vô rừng mà đọc, khi gánh củi về thì treo cuốn sách lên bó củi, vừa đi vừa đọc. Đến 50 tuổi, nhân người bạn là Tang Trợ tấn cử lên triều, được phong làm Thái trung đại phu, thăng lần tới chức Thái thú quận Cối Kê, chủ tước Đô úy.

[6] Lý Mật đời Tùy đi chăn trâu mướn cho nhà người ta, mà vẫn ham học, hằng ngày đem bộ sách Hán thư ra đồng, cỡi trên mình trâu mà đọc, những quyển dư thì treo tại hai bên sừng trâu. Việt quốc công Dương Tố ngó thấy, lấy làm kỳ, bèn tấn cử lên triều cho làm quan, sau phong Bồ san công.


苏老泉,   TÔ LÃO TUYỀN,

二十七。   NHỊ THẬP THẤT.

始发愤,   THỦY PHÁT PHẪN,

读书籍。   ĐỘC THƯ TỊCH.

彼既老,   BỈ KÝ LÃO,

犹悔迟。   DO HỐI TRÌ.

尔小生,   NHĨ TIỂU SANH,

宜早思。   NGHI TẢO TƯ.

________________

Ông Lão Tuyền họ , hai mươi bảy tuổi, mới nổi giận, bèn đọc sách vở [1]*.

Người ấy đã già, còn ăn năn chậm.

Vậy mầy là trò nhỏ, phải nên sớm suy nghĩ.

________________

[1] Tô Tuân, hiệu Lão Tuyền, người Mỵ châu đời Tống, thuở nhỏ chưa hề đi học, tới chừng 27 tuổi, mới nổi giận vì nỗi mình dốt, bèn đọc sách vở. Sau đậu Tiến sĩ, sanh hai con là Tô Triệt và Tô Thức, đều đậu Tiến sĩ, ba cha con đều có đại danh trong làng văn.

*Ghi chú của vinhhoa: 发愤  phát phẫn là cố gắng, nỗ lực. Do đó, câu này còn có nghĩa là mới hết sức cố gắng đọc sách vở.


若梁灏,   NHƯỢC LƯƠNG HẠO,

八十二。   BÁT THẬP NHỊ.

对大廷,   ĐỐI ĐẠI ĐÌNH,

魁多士。  KHÔI ĐA SĨ.

彼晚成,   BỈ VÃN THÀNH,

众称异。   CHÚNG XƯNG DỊ.

尔小生,   NHĨ TIỂU SANH,

宜立志。   NGHI LẬP CHÍ.

________________

Như ông Lương Hạo, tám mươi hai tuổi, thưa chốn Đại đình, đậu đầu trong bọn học trò [1].

Người ấy làm nên muộn, chúng khen là lạ.

Vậy mầy là trò nhỏ, nên lập lấy chí.

________________

[1] Lương Hạo đời Ngũ đại (906-959), rất ham đọc sách, dạy con thành danh đậu Trạng nguyên đời Hậu Đường, còn ông thì thi khoa năm thứ ba triều Thiên Phước (938) nhà Hậu Tấn bị rớt, thề không đậu Trạng nguyên thì chẳng cam tâm. Trải qua Hậu Hán, Hậu Châu, đến năm thứ ba triều Ung Hy (958) đời vua Thái Tông nhà Tống mới thi đậu Trạng nguyên. Đại đình 大廷  nơi sân đền nhà vua.


莹八岁,   OANH BÁT TUẾ,

能咏诗。  NĂNG VỊNH THI.

泌七岁,   BÍ THẤT TUẾ,

能赋棋。  NĂNG PHÚ KỲ.

彼颖悟,   BỈ DĨNH NGỘ,

人称奇。   NHÂN XƯNG KỲ.

尔幼学,    NHĨ ẤU HỌC,

当效之。   ĐƯƠNG HIỆU CHI.

________________

Người Oanh tám tuổi, biết vịnh thơ [1].

Người Bí bảy tuổi, biết làm bài phú về cuộc cờ [2].

Hai người ấy thông hiểu sớm, mọi người đều khen là kỳ…

Vậy mầy còn trẻ đi học, nên bắt chước họ.

________________

[1] Tổ Oanh tự Nguyện Trân, ngày đêm siêng đọc sách, 8 tuổi đã biết làm thơ, xuất khẩu thành chương, người ta kêu là tiểu thánh đồng, 12 tuổi làm học sanh tòa Trung thư nhà Bắc Tề, sau làm quan tới Bí thơ viện Trước Tác Lang.

[2] Lý Bí đời Đường, thuở mới bảy tuổi, nhân lúc con nhà cô của y là Viên Bán Thiên 9 tuổi thi đậu khoa Thần Đồng (khoa thi tài con nít), vua Minh Hoàng hỏi rằng: "Ngoại đình còn có kẻ nào được như ngươi nữa chăng?" Thiên tâu rằng: "Con nhà cậu của thần là Lý Bí còn tài hơn thần nhiều". Vua sai triệu vô, lúc đó vua đang đánh cờ tướng với Trương Thuyết, nhân sai Thuyết thử tài. Thuyết ra bài phú về cuộc cờ. Bí ứng khẩu thành phú liền. Vua rất lấy làm kỳ, ban cho tấm áo tía. Trương Thuyết nhân mừng vua được thần đồng. Sau Bí làm quan trải thờ bốn triều: Minh, Túc, Đại, Đức, ở ngôi tể phụ, có công nghiệp lớn lao.


蔡文姬,   THÁI VĂN CƠ,

能辨琴。  NĂNG BIỆN CẦM.

谢道韫,   TẠ ĐẠO UẨN,

能咏吟。  NĂNG VỊNH NGÂM.

彼女子,   BỈ NỮ TỬ,

且聪明。   THẢ THÔNG MINH.

尔男子,    NHĨ NAM TỬ,

当自警。  ĐƯƠNG THIẾU THÀNH.

________________

Nàng Văn Cơ họ Thái [1] biện được tiếng đờn;

Nàng Đạo Uẩn họ Tạ [2] biết vịnh khúc ngâm.

Hai người ấy là con gái, còn sáng suốt thay!

Vậy mầy là con trai, hãy làm nên từ lúc trẻ.

________________

[1] Nàng Thái Diễm, tự Văn Cơ, một trang tài nữ đời Đông Hán; ngày kia cha nàng là Thái Ung khảy đờn ở nhà ngoài, nàng ngồi trong phòng nghe có tiếng sát phạt, bèn đoán rằng ắt có duyên cớ gì, và sẽ có nạn chết tới nơi. Hỏi ra mới hay rằng lúc đó xảy có con mèo rình con chuột, trong ý Ung muốn cho nó chụp được con chuột, nên hiện ra tiếng đàn sát phạt. Chẳng bao lâu quả nhiên Ung chết về nạn Đổng Trác.

Ghi chú của vinhhoa:  biện trong chính bản là làm việc, không hợp nghĩa trong câu. Do đó, phải là chữ biện , là Phân tích, biện xét.

[2] Nàng là cháu gái kêu quan tể tướng nhà Tấn là Tạ An bằng chú, tục ngâm bài thơ vịnh tuyết của An, An khen là tài.


唐刘晏,   ĐƯỜNG LƯU ÁN,

方七岁。    PHƯƠNG THẤT TUẾ.

举神童,   CỬ THẦN ĐỒNG,

作正字。    TÁC CHÁNH SỰ.

彼虽幼,    BỈ TUY ẤU,

身已仕。  THÂN DĨ SĨ.

尔幼学,    NHĨ ẤU HỌC,

勉而致。   MIỄN NHI TRÍ.

有为者,   HỮU VI GIẢ,

亦若是。    DIỆC NHƯỢC THỊ.

________________

Người Lưu Án đời Đường, mới bảy tuổi, thi đậu khoa Thần đồng [1], làm chức Chánh tự.

Người ấy dẫu còn nhỏ, mà đã làm quan.

Vậy mầy còn trẻ đi học, hãy gắng sức cho tới nơi.

Ai có làm có học cũng được kết quả như vậy [2].

________________

[1] Lưu Án đời Đường mới bảy tuổi, thi đậu khoa Thần đồng, được phong làm chức Chánh tự là chức đính chánh chữ sách. Vua Minh hoàng hỏi: "Khanh làm chức Chánh tự thì đã chánh được mấy chữ?" Lưu Án tâu rằng: "Chữ trong Tứ thư, Ngũ kinh đều chánh cả, duy có chữ Bằng   bất chánh". Ý chỉ về chuyện mấy kẻ gian thần thuở đó kết đảng kéo phe với nhau mà làm hại nước. Sau chàng làm quan tới chức Lại bộ thượng thơ, Bình chương sự. Chàng chẳng những thông minh đĩnh ngộ mà thôi, vã cái chí sùng chánh, truất tà đã hiện ra lời ấy từ thuở nhỏ.

 [2] Kẻ có chí chăm học thì cũng làm nên công danh sự nghiệp như các hạng nhân tài đã dẫn trên đây.

Từ câu "Tích Trọng Ni 昔仲尼 " tới đây là dẫn ra các hạng nhân tài và ham học đời xưa để khích khuyến học trò nhỏ đời nay nên bắt chước.


犬守夜,    KHUYỂN THỦ DẠ,

鸡司晨。    KÊ TƯ THẦN.

苟不学,    CẨU BẤT HỌC,

曷为人。   HẠT VI NHÂN.

蚕吐丝,   TẰM THỔ TY,

蜂酿蜜。   PHONG NHƯỠNG MẬT.

人不学,    NHÂN BẤT HỌC,

不如物。   BẤT NHƯ VẬT.

________________

Con chó giữ nhà ban đêm, con gà coi gáy buổi sáng,

nếu trò chẳng học, sao đáng làm người?

Con tằm nhả tơ, con ong gầy mật,

Người mà chẳng học, chẳng bằng giống vật [1].

________________

[1] 8 câu trên đây là nói giống vật cũng đều có chức nghiệp có ích cho đời, để khích khuyến loài người nên gắng công học hành để tu lấy chức nghiệp.


幼而学,    ẤU NHI HỌC,

壮而行。   TRÁNG NHI HÀNH.

上致君,   THƯỢNG TRÍ QUÂN,

下泽民。   HẠ TRẠCH DÂN.

扬声名,   DƯƠNG THINH DANH,

显父母。   HIỂN PHỤ MẪU.

光于前  QUANG Ư TIỀN,

垂于后。  THÙY Ư HẬU.

________________

Lúc trẻ thì học, lúc lớn thì hành [1]:

Trên giúp nên cho vua, dưới ra ơn cho dân [2],

Nổi lừng tiếng tăm [3], vẻ vang cho cha mẹ [4].

Rạng rỡ về đời trước [5], truyền lại tới đời sau.

________________

[1] Lúc trẻ học đạo Thánh hiền ở trong sách, lúc lớn làm việc Thánh hiền ra đời, là những việc dưới đây:

[2] Trên thì giúp cho vua trở nên đức nghiệp lớn lao; dưới thì làm những chuyện lợi ích cho dân được đội ơn, đó là thi hành cái học của mình ra với đời.

[3] Kẻ làm được sự nghiệp lớn lao ở đời như vậy, thì tiếng tăm của mình nổi lừng lên.

[4] Có cái tiếng tăm ấy thì làm vẻ vang cho cha mẹ.

[5] Cái đức nghiệp của mình làm rạng rỡ cho tổ tông đời trước.


人遗子,   NHÂN DI TỬ,

金满籯。   KIM MÃN DOANH.

我教子,   NGÃ GIÁO TỬ,

惟一经。  DUY NHẤT KINH.

勤有功,   CẦN HỮU CÔNG,

戏无益。   HÝ VÔ ÍCH.

戒之哉,   GIÁI CHI TAI,

宜勉力。   NGHI MIỄN LỰC.

________________

Người ta để lại cho con vàng ròng đầy rương; ta dạy cho con, chỉ một bộ sách [1].

Siêng thì có công, giỡn là không ích.

Khuyên răn trò, gắng sức học [2].

________________

[1] Ông Vi Hiền đời Hán không để dành cho con, chỉ chăm chỉ dạy con học sách: đời vua Tuyên đế, ông làm tới Thừa tướng, phong tước Phù dương hầu, con là Huyền Thành, cháu là Bình Đáng, Bình Án đều do khoa Minh kinh làm tới Thừa tướng. Cho nên câu tục ngạn thuở đó nói rằng: "Di tử hoàng kim mãn doanh, bất như giáo tử nhất kinh" (Để cho con vàng ròng đầy rương, chẳng bằng dạy con một bộ sách).