Nguyên Hương
Sếp Phó
Thông tin ebook
Tên truyện : Sếp Phó
Tác giả : Nguyên Hương
Thể loại : Văn học trong nước
Nhà xuất bản : Kim Đồng
Tủ sách : Tuổi Mới Lớn
———————————-
Nguồn : http://www.nxbkimdong.com.vn
Chuyển sang ebook (TVE) : santseiya
Ngày hoàn thành : 01/07/2008
Nơi hoàn thành : Hà Nội
Mục Lục
1.
Chuyện bắt đầu từ tiết sinh hoạt trưa thứ bảy sau ngày tám tháng ba. Không, nói chính xác phải là bắt đầu từ ngày trước ngày tám tháng ba.
Giờ ra chơi, bọn con gái đi hết ra ngoài. Hiện tượng lạ! Thường ngày, thế nào chẳng có vài đứa ở lại để làm gì đó – hỏi han bài tập tiết sau làm chưa; so đáp số mà thấy khác nhau thì quýnh quáng chụm đầu lại mà bàn bàn cãi cãi. Còn nếu có yên tâm vì đáp số giống hệt nhau thì cũng có khối chuyện khác để mà nói. Con gái!
Vậy mà bữa nay đi hết ra ngoài. Không một đứa con gái nào ở lại trong lớp. Nghĩ cũng lạ, thường ngày nghe tụm lại xì xèo thì thấy con gái sao mà nhiều chuyện quá, nội cái mái tóc dài cứ đưa tay vén vén là thấy rối mắt rồi. Nhưng khi chẳng có mái tóc nào rối rối tầm mắt thì thấy lớp vắng hẳn. Và tất nhiên, yên tĩnh hẳn!
Rõ ràng là không còn đứa con gái nào rồi. Vậy mà lớp trưởng Quy còn cẩn thận nhìn ngó cứ như là có thể giấu một đứa con gái trong hộc bàn vậy. Cái tính cẩn thận này làm Tuân ghét cay đắng. Lại còn dặn dò Định ngồi bìa bàn đầu nhớ chú ý bên ngoài, thấy bất cứ đứa nào là con gái tới gần cửa lớp thì phải báo động ngay.
- Thưa các bạn! – Quy hắng giọng – Sĩ số lớp chúng ta là bốn mươi lăm, trong đó hai mươi sáu bạn là nữ…
Sĩ số lớp thì ai chẳng biết mà phải dông dài! – Tuân chán ngán nghĩ thầm. Nó ghét những mào đầu thừa thãi lê thê.
- … Chắc các bạn chúng ta ai cũng biết ngày mai là ngày gì…
- Ngày mà mấy đứa con gái làm eo làm phách chớ gì! – Một đứa la lên và tất cả cười ồ đồng tình.
- Vậy tôi đề nghị chúng ta mỗi người tùy theo túi tiền, đóng góp để mua hoa tặng các bạn nữ lớp mình.
Đủ thứ âm thanh phát ra. Nào ơ nào ô nào a nào ư nào á… Những thằng bảnh bao thường ngày hay ra vẻ trước mặt con gái thì chỉ la ó vậy thôi chứ sẵn sàng móc túi nộp ngay (Hành động có tên là ga lăng này sẽ tới tai bọn con gái liền thôi mà). Còn những tên mà việc áo bỏ vô quần là một cực hình, mang dép quai hậu là một miễn cưỡng như Hoàng và Vinh thì tỏ vẻ kinh ngạc. Ơ hay, ai quan tâm tới ai thì lo mà tặng hoa và tha hồ tặng thêm vài món nữa, còn đây… Bọn con gái có bao giờ tặng mình cái gì chưa? Phiên trực nhật, là con gái mà phân công quét lớp cũng ní nạnh, phân công giặt khăn lau bảng cũng lườm liếc. Không phải tiếc tiền. Với cái sự ní nạnh lườm liếc vậy, tặng hoa thì biết nói sao cho vừa? Văn hoa hơn như Bình thì ví von: “Bản thân mỗi thiếu nữ là một bông hoa đẹp rồi. Bày chuyện tặng hoa làm chi nữa?”. Rồi sợ chê là bần tiện, nó vội vàng thêm: “Thà mua kẹo tặng còn có lý hơn”.
Đủ loại ý kiến khiến lớp giống hệt một tổ ve. Lớp trưởng Quy vò đầu:
- Lớp chúng ta từ trước đến nay bất cứ hoạt động nào cũng… Cho nên chưa bao giờ lớp được nhận cờ luân lưu cả. Tôi mong các bạn chúng ta nhận dịp tám tháng ba này, có một cử chỉ đẹp và một hoạt động nào đó có thể để lại ấn tượng tốt trong lòng…
Trong lòng ai? Mấy đứa con gái nhận hoa xong là đem được cái cờ luân lưu về cho lớp à? Cả lớp rào rào, cái chuyện hoa hòe này mà gắn với cờ luân lưu là vô lý… Quy tắc tị. Nhìn mặt nó rõ ràng ngán ngẩm vì cái lớp mà mình làm lớp trưởng lắm rồi! Hai mươi lần đứng trước lớp để nêu một ý kiến nào đó là hai mươi lần ý định từ chức xuất hiện trong lòng nó. Chẳng qua là nó mà từ chức nữa thì cũng không biết lấy ai mà làm đây, cho nên đành phải… Đi họp thì bị cô thầy giáo phê bình, về lớp thì bị bạn bè gấu ó. Có ở đâu mà mới lớp đầu cấp đã hai đời lớp trưởng? Thu Hoa là đời thứ nhất. Tưởng con gái nói không xong nên… Quy đau khổ hình dung lý do cô giáo sẽ không cho nó từ chức: “Em than thở các bạn thế này thế kia, nhưng chính sự từ chức của em cũng là lý do khiến lớp chúng ta mang tiếng thêm”. Hồi Thu Hoa xin từ chức phải đỏ hoe mắt vì câu nói này của cô, cứ như là chính nó làm cho lớp tuần nào cũng bị nêu tên lên cột cờ vậy!
Giữa những tiếng ì èo nhộn nhạo chưa đâu vào đâu thì trống đánh vào lớp. Định la lên:
- Con gái kìa!
Một trận cười kinh khủng nổ ra. Định tức tối nhìn lớp trưởng Quy. Rõ ràng lệnh cho nó là thấy con gái tới gần cửa lớp thì phải báo động, sao lại để cả lớp cười nó? Quy đang bực mình, trút luôn:
- Trống đánh thì phải vô lớp là đúng rồi. Việc gì mày la lên nữa?
Định đỏ bừng mặt mũi. Nếu không phải là mấy đứa con gái vừa đi vô vừa liếc nhìn tụi con trai một cách đầy ý nghĩa thì đừng hòng Định im lặng. Chẳng những nhìn một cách ý nghĩa mà bọn con gái còn tủm tỉm cười.
Tuân ghét cay đắng cái kiểu cười tủm tỉm này. Rõ ràng bọn con gái biết bọn con trai bàn bạc về điều gì! Và đâu phải tự nhiên mà tất cả con gái kéo nhau đi khỏi lớp giờ ra chơi này! Thử đặt trường hợp ngược lại, nếu có một ngày của con trai, tụi nó có tặng cho cái gì không? Và Tuân khoái trá tưởng tượng tới ngày mai, những đứa con gái hớn hở đợi… mà chẳng có gì cả. Hẳn là rất ồn ào! Chẳng cần Tuân nghĩ ra một trò nào mà vẫn có chuyện thì thật là vui! Lần này không thể bóng gió đổ thừa cho Tuân được. Tóm lại, lớp trưởng Quy nín lặng cho tới lúc trống đánh báo giờ về.
Nhưng bọn con trai không được về! Những phút cuối của tiết cuối, từng tên con trai nhận được mẩu giấy viết một dòng ngắn ra lệnh cuối giờ ở lại hội ý. Không có chữ ký nhưng đứa nào cũng biết đó là của lớp trưởng. Đợi con gái ra về hết, Quy đứng lên tại chỗ nói cộc lốc:
- Bây giờ một câu thôi, ngày mai có tặng hoa cho các bạn nữ không thì nói? Đồng ý thì nộp tiền, không thì thôi.
Kể cũng lạ, khi Quy nói năng văn hoa lý lẽ thì đứa nào cũng í ó, nhưng giờ đây trước vẻ mặt lạnh lùng của kẻ liều mạng “muốn xấu cho xấu luôn” thì đứa nào cũng hoảng. Nói gì thì nói, thà bị nêu tên vì lỗi lầm nào đó như hay đi học trễ, quên đeo bảng tên, không làm đầy đủ bài tập về nhà… thì còn đỡ, chứ bị nêu tên vì keo kiệt thì mặt mũi nào!
- Tặng chớ sao không. Mỗi năm có một ngày.
- Tặng thì tặng, ai phản đối đâu mà nhăn nhó vậy.
- Nộp bao nhiêu nói luôn đi.
- Tùy ý.
- Khoan, tao có ý kiến này…
- Đừng ý kiến nữa, Quy nó nổi giận lên rồi kìa.
- Đề nghị lớp trưởng ngửa mũ ra, không quy định, ai nộp bao nhiêu, tùy.
Ý kiến cuối cùng này được sự tán đồng của đa số. Quy ngửa mũ ra và đi quanh thật nhanh. Nó đã rút ra một kinh nghiệm là tỏ vẻ bất cần thì xem ra được việc hơn! Những tờ giấy bạc gấp tư rơi vào mũ, có đứa chưa kịp thảy tiền vào mũ mà Quy đã bước qua liền kêu eo éo: “Mày chê tao nộp ít hả”… Nhưng đến chỗ Tuân, Quy đứng hẳn lại. Tuân biết thâm ý của việc đứng lại này, nó làm như không hiểu, thản nhiên bỏ tờ giấy bạc của mình vào mũ. “Rồi mày sẽ trả giá” – Tuân nhủ thầm. Rõ ràng thằng Quy muốn cả lớp hiểu rằng Tuân không muốn nộp nhưng cách Quy đứng lại đã khiến Tuân vì sĩ diện phải móc tiền ra!
- Rồi mày sẽ phải hối hận! – Tuân nhìn Quy từ phía sau – Nhất là khi Tuân không có ý định phản đối chuyện tặng hoa này. Gây rối, Tuân có! Nhưng Tuân không phải đứa tầm thường, không làm những chuyện lặt vặt!
- Sáng mai, vài bạn tới sớm cùng tôi đi mua hoa.
Chợt nhận ra kiểu ra lệnh này sẽ không có ai chịu trách nhiệm nên Quy vội nói lại:
- Bốn tổ trưởng sáng mai đi học sớm nghe.
Bá la lên:
- Chỉ có một mình tao là con trai làm tổ trưởng thôi, mày quên rồi à?
- … Vậy hả? – Quy gãi đầu nói một câu như vừa trên trời rơi xuống – Lớp mình có ba tổ trưởng là con gái lận hả? Thôi, tao với mày đi cũng đủ rồi. Tao chở, mày ngồi sau ôm hoa.
Tất cả cười rộ. Bá đỏ mặt, rồi nó cũng nhoẻn cười. Khiêng vác cái gì đó nặng nhọc không sao mà nghĩ tới cái cảnh một thằng con trai ôm hoa sao mà… Nếu ngày mai không phải là ngày tám tháng ba thì giao việc hoa hòe này cho con gái là hay biết mấy.
*
Tưởng lớp mình về sau cùng nhưng không. Thường thì giờ tan học, Tuân gặp Cần và Dương ở bãi giữ xe. Lớp B2 của Tuân nằm trên tầng ba còn lớp D3 của Cần và H4 của Dương nằm ở tầng một nên hai đứa luôn có mặt trước, nhưng hôm nay không thấy. Tuân nhìn vào bãi, thấy cái xe đua màu đen của Cần và cái xe Martin 107 màu xanh của Dương còn đó nên không vội chen lấn để lấy xe mình ra. Nó đi tới lớp D3. Có chuyện gì mà hết nửa lớp đứng nghiêm như chào cờ còn những đứa ngồi thì cúi gầm mặt?
Tuân đi qua lớp H4, ồn ào như hội chợ, tiếng cười nói hí hố và vỗ tay… Thầy giáo ra hiệu trật tự nhưng vẻ mặt rõ ràng rất vui. Tuân xoay chuyển vị trí sao cho Dương nhìn thấy mình đang đợi nhưng Dương chính là đứa tham gia vào trò ồn ào nồng nhiệt nhất, nó cười híp cả mắt lại. Thấy Tuân thập thò, thầy giáo như chợt nhớ ra đưa tay nhìn đồng hồ rồi nói gì đó, cả lớp lục tục ôm cặp vở đứng lên: “Good afternoon, teacher. See you again”.
- Ê… Dương!
Đến lúc này Dương mới nhận ra Tuân, nó cuộn cuốn vở lại nhét túi quần rồi chạy ra:
- Lớp mày bữa nay về sớm vậy?
- Thôi đi, lớp mày về trễ quá thì có. Nhìn bãi giữ xe còn có mấy chiếc kìa.
- À há. Hèn chi tao thấy đói bụng quá.
- Mày đúng là… Vừa nói lớp người ta về sớm rồi lại nói đói bụng quá là sao?
Dương nhướng mắt trước lý lẽ của Tuân. Rồi nó vô tư cười. Nhìn là biết nó không hiểu Tuân bắt bẻ cái gì! Kỳ lạ, bộ ba này chẳng đứa nào giống tính đứa nào mà chơi với nhau từ lớp sáu đến giờ. Ai biết tình bạn này cũng ngạc nhiên hỏi nhau tại sao Dương, một đứa dễ dàng cho qua tất cả những rắc rối cuộc đời và không bao giờ làm đau một cọng cỏ dù là vô tình lại chơi được với Tuân. Và cũng thắc mắc giống vậy với Cần, một đứa sẵn sàng tham gia bất cứ hoạt động nào và là một trong những nhân tố tích cực đưa lớp D3 hai lần được nhận cờ luân lưu và lần thứ ba này đang kéo dài đến tuần thứ bốn mà chưa có dấu hiệu là muốn nhường cho lớp khác.
- Có chuyện gì mà vui vậy? – Tuân hỏi.
- Bàn chuyện văn nghệ tối nay đó mà – Dương vui vẻ trả lời.
- Mày tham gia tiết mục gì?
- Hợp ca.
- Hợp ca?
- Ừ, mấy đứa nói tao hát như ve kêu nhưng cũng xếp vô cho đẹp.
- Mày đẹp á?
- Thì là đủ chỗ cho đẹp dàn hợp ca đó mà.
- Vậy mà mày cũng chịu tham gia?
- Chớ tao có biết làm gì nữa đâu.
*
Lớp Cần cũng đang đi trên hành lang. Trái ngược với không khí lao xao của lớp Dương, lớp này không một tiếng thầm thì.
- Làm gì mà như đi ra pháp trường vậy, Cần? – Tuân và Dương đi sát lại hỏi.
Cần im lặng đi chậm lại từ từ tách ra khỏi lớp, khi chỉ còn lại ba đứa nó nói nhỏ:
- Đứa nào trét phẩm màu lên ghế giáo viên làm dính đầy áo dài cô Mai Thi.
- Một món quà quá độc đáo! – Tuân tặc lưỡi – Mà lớp mày được tiếng là ngoan mà sao nhiều đứa bị đứng lên vậy?
- Thủ phạm không tự giác đứng lên nhận tội nên thầy bắt cả ban cán sự lớp đứng lên.
- Rồi có tìm ra không?
- Thằng Thăng.
- Cái thằng đi xe Dream đó à?
- Ừ.
- Sao biết nó?
- Tay nó còn dính màu.
Bãi giữ xe chỉ còn ba chiếc cuối cùng. Ba đứa phốc lên phóng vù từ trong bãi ra cổng trường mới đạp chậm lại. Tuân hỏi:
- Thằng Thăng học có giỏi không?
- Đầu năm thấy cũng hay giơ tay xung phong nhưng càng ngày càng đuối dần. Từ ngày đuối dần, nó đâm ra tèm nhem.
Tuân búng tay:
- Con nhà giàu học dốt là vứt! Thôi, về nhanh, thằng Cần đói sắp xỉu rồi kìa. Thôi, chuyện của lớp mà việc gì mặt mày bí xị vậy?
- Tụi tao cố gắng giữ cờ luân lưu cho đến qua ngày kỷ niệm thành lập Đoàn, mà bây giờ mới đầu tháng đã mất rồi.
- Thì cờ có tên là luân lưu mà! – Tuân nheo mắt.
2.
Phải nói là quang cảnh lớp học vào sáng sớm ngày tám tháng ba thật đặc biệt, chỗ của đứa con gái nào cũng có một bông hồng đặt trên bàn. Sáng kiến này là của Bá. Nói gì thì nói, tự nhiên mà cầm một cành hoa bối rối đi đến trước mặt một đứa con gái mà nói “Tặng bạn nhân dịp…”, nghe kỳ cục gì đâu! Mà con gái lớp nào chưa biết chứ con gái lớp này thì câu trả lời cho cái chuyện nhận hoa rất có thể là hai tiếng cám ơn làm cháy tai người nghe. Thôi, để cho an toàn thì chịu khó đi sớm một chút đặt hoa sẵn lên bàn. Người nhận sẽ tự hiểu thôi mà. Tất nhiên, có một đứa con gái mà cả Quy lẫn Bá đều mong muốn tự mình đặt hoa vào tay. Đừng nói là chỉ Quy với Bá, chắc chắn con trai cả lớp đều muốn tặng hoa, đó là Đoan Trang. Nhưng chẳng đứa nào dám làm điều này, trừ phi trở thành học sinh giỏi nhất lớp.
Vậy là vào sáng ngày được chuẩn bị công phu đó, Quy và Bá đi học thật sớm. Hai cái cặp treo tòn ten trên ghi đông, còn thì Quy là tài xế, Bá ngồi sau ôm hoa như đã định. Mà không chỉ ôm hoa, có thêm một túi to đựng đầy bánh kẹo hạt dưa nữa. Ngày hôm nay hẳn là một ngày đáng nhớ của cả lớp. Tưởng hai đứa là người đi sớm nhất, hóa ra trong bãi đã có mấy chiếc xe đạp dựng sẵn rồi, có xe đựng đầy một giỏ hoa còn đọng sương.
Quy và Bá đi vào lớp. Tháng ba nóng nực, không khí buổi mai mát rượi khiến hai đứa thấy vui vẻ trong lòng. Hai đứa đi quanh lớp, đến chỗ của con gái thì dừng lại đặt xuống bàn một bông. Một cảm giác ngượng ngùng khó tả khiến hai đứa chợt nhìn nhau cười. Chợt Ba la oái:
- Con sâu kìa!
Quy nhìn theo tay Bá. Con sâu róm đang bò lổm ngổm trên bàn. Quy búng con sâu văng ra cửa và dí chân lên:
- Hoa thì phải có sâu, việc gì mà la lên như con gái vậy?
- Nhưng tao chưa bao giờ thấy hoa hồng có sâu róm – Bá nói.
- Thì bây giờ thấy.
Chợt Bá lại la lên, lần này thì Quy cũng giật mình:
- Mày chỉ nhớ tặng hoa cho mấy đứa con gái mà sao không nhớ cô giáo chủ nhiệm với các cô bộ môn?
- Chết tao rồi! – Quy giậm chân.
- Mày mua hết tiền rồi phải không?
Bá vừa hỏi vừa đưa mắt nhìn túi bánh kẹo, hạt dưa. Quy sững sờ nhìn những bông hồng đang nằm im trên bàn. Rồi nó thở dài:
- Mày ở đó coi có đứa nào nghịch phá không. Tao đi đây!
- Mày đi đâu?
- Đi mua hoa chớ còn đi đâu?
- Nhưng tiền đâu mày mua?
- Còn hỏi nữa!
*
Quy đạp xe với một tốc độ phi thường để về kịp tặng hoa cho các cô giáo trước khi trống trường báo hiệu tiết đầu. Và khi thấy mồ hôi ướt hai bên thái dương Quy, cô Loan chủ nhiệm bật cười:
- Tặng hoa chứ có phải lên bảng đâu mà em…
Quy vuốt tóc, giờ nó mới nhận ra mình mệt lử, đường xuống vườn hoa dốc gập ghềnh thường ngày có đoạn phải xuống xe dắt bộ mà hôm nay Quy đạp băng băng.
Tặng hoa các cô xong, Quy nhẹ nhõm về lớp. May là thằng Bá nhớ ra kịp… Ai đó đã nói người ta hay quên điều quan trọng nhất, thật đúng trong trường hợp này. Tưởng tượng nếu mình quên hẳn luôn thì sao? Chắc cô Loan buồn ghê gớm lắm. Cô sẽ tưởng con trai cái lớp cô chủ nhiệm không còn thuốc chữa nữa. Chỉ có vài con sâu làm rầu nồi canh thôi chứ thật ra nhiều đứa rất dễ thương, như hôm qua ồn ào vậy mà cuối cùng đứa nào cũng nộp tiền ngay, đủ cả mua bánh kẹo hạt dưa chứ có phải… Có thể nói là Quy đã hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang! Ngày tám tháng ba này xem ra tương đương với bài kiểm tra học kỳ! Cái chuyện quên khiến Quy tốn tiền túi nhưng Quy không tiếc. Lớp gì mà con trai con gái cứ í ó hoài, hôm nay trong không khí thân thiện, cắn hạt dưa, nhấm nháp bánh kẹo và trò chuyện cùng nhau, biết đâu… Ừ, biết đâu rồi từ ngày nay mà lớp sẽ thay đổi tốt đẹp hơn. Quy thả trí tưởng tượng của mình bay cao – Và lá cờ luân lưu… Ừ, có một ngày… ít nhất là một lần trước khi kết thúc năm học này. Ai cũng nói cấp ba, lớp mười là khó nhất vì là học sinh các trường cấp hai đổ về, chưa hiểu tính nhau, phải có thời gian để quen. Bây giờ là tháng ba, thời gian làm quen vậy là quá dài rồi. Chắc là đủ hiểu nhau rồi… Tiết sinh hoạt cô Loan không phải nhăn mặt cau mày nữa. Tiết sinh hoạt là để bàn bạc những chương trình văn nghệ hoặc dự thi báo tường với sự tham gia của cả lớp chứ không phải chỉ có Quy và Đoan Trang như bây giờ. Ừ, phải vậy chứ!
Quy nhảy hai bậc một lên tầng hai. Ngang qua lớp đầu tiên, Quy nhìn vào, trên bàn giáo viên là một bó hoa hồng trắng lồng giấy bóng kính màu đỏ tuyệt đẹp. Còn con gái… Quy đi chậm lại cố ý nhìn nhưng không thấy gì. Tự nhiên môi Quy nở nụ cười, có khi là chỉ con trai lớp mình mới nghĩ ra chuyện tặng hoa cho tất cả bạn nữ thôi! Cái lớp hay bị nêu tên trước cột cờ đầu tuần mà…
Quy phởn phơ bước vào lớp mình. Và chân Quy đạp lên một bông hồng ngay ngưỡng cửa…
Cúi xuống nhìn bông hồng dưới giày mình, mắt Quy nhìn thấy nhiều bông hồng cùng chung số phận, nghĩa là la liệt trên nền…
Những ánh mắt con gái phẫn nộ. Cả Đoan Trang cũng vậy.
Quy đứng chôn chân ngay tại chỗ, không thể diễn tả cảm giác trong lòng. Rồi nó nhìn Đoan Trang gào lên:
- Bạn là lớp phó mà cũng vậy à?
Từ chỗ ngồi của mình, Bá nói trỏng:
- Hộc bàn của các bạn nữ có sâu róm nhiều lắm, bò lung tung.
Vậy, một bông hoa trên bàn và những con sâu róm trong hộc bàn! Quy tưởng tượng cảnh những đứa con gái đang cầm cành hoa lên và bĩu môi: “Con trai lớp mình bữa nay điệu ghê”, rồi chợt thét lên vì bầy sâu gớm ghiếc bò ra, có khi là đã bám lên tà áo trước đó rồi! Vậy mà Quy đã chuẩn bị cho ngày hôm nay với bao công sức và hy vọng! Quy cố giữ cổ mình đừng quay về phía Tuân mà không thể. Nó quay nhìn Tuân trừng trừng. Bọn con trai bàn đầu cũng ngoái cổ lại. Tuân thản nhiên chăm chú nhìn vào quyển sách mở rộng trước mặt. Gây rối mà để lại chứng cớ thì không phải là Tuân! Và gây rối xong, bình tĩnh giơ tay xung phong lên bảng để sau đó nhận điểm số thấp nhất là bảy thì cũng chỉ có Tuân mà thôi.
Quy cúi xuống lượm bông hoa gần nhất lên, khuôn mặt nó tâm trạng đến nỗi cả Hoàng và Vinh, hai đứa hay bị nêu tên trong những tiết sinh hoạt cũng phải nhìn Tuân với ánh mắt ai oán. Còn Bích Thủy, đứa con gái tròn quay và hay nhăn nhó bắt lỗi bắt phải có biệt danh Sữa Ông Thọ thì lúc này hoàn toàn cấm khẩu.
3.
Cuộc trả đũa quá mỹ mãn khiến buổi tối, Tuân đến buổi văn nghệ trong sự hân hoan và sẵn sàng làm mọi điều vì ai đó. Đêm văn nghệ được tổ chức khá rình rang và được phép bán vé để gây quỹ, lọt qua cửa mà không phải mua vé với Tuân là chuyện vặt, nhưng nhìn thấy một đứa con gái đang bối rối vì đứa em dắt theo không được vô, thằng con trai ngồi ở bàn vé ra cái điều khó khăn để được năn nỉ, Tuân dừng lại mua ngay hai vé và tặng lại một cho đứa nhỏ, nó ngước hai sừng tóc ngắn cũn thắt hai cái nơ to đùng màu đỏ nhìn Tuân ngạc nhiên. Tuân phớt lờ lời cảm ơn sắp thốt ra của cô chị và cái gườm gườm của thằng con trai rồi ngẩng cao đầu đi vào trong.
Đèn tắt, tiếng vỗ tay rào rào vang lên, tiết mục hợp ca đầu tiên được giới thiệu bởi một giọng con gái thánh thót, màn kéo, ánh đèn màu từ sân khấu hắt xuống những hàng ghế đầu, soi rõ khuôn mặt những cổ động viên cuồng nhiệt đang kéo dài tràng vỗ tay lốp rốp. Tuân nhìn quanh tìm Cần và Dương, không thấy. Chắc hai đứa đang làm gì đó trong hậu trường. Sau lưng Tuân chợt vang một giọng nói con nít:
- Em không thấy gì hết.
Tuân quay lại, hai sừng tóc ngắn cũn và hai cái nơ to đùng đập ngay vào mắt. Tuân đứng lên đổi chỗ cho một đứa con trai thấp hơn mình, lòng chợt thấy khoan khoái lạ lùng. Rồi nỗi khoan khoái giảm đi một chút khi Tuân nhận ra bên cạnh chỗ ngồi mới này là Trung, thằng con trai trong lớp có cái biệt danh rất mất mặt nam nhi là Chị. Nhìn thấy Tuân, Trung nhoẻn cười, kiểu cười như từ nãy đến giờ chỉ đợi mình Tuân mà thôi:
- Mày đi một mình hả?
- Ừ.
- Đẹp quá há?
- Ừ.
- Lớp mình tham gia tiết mục độc đáo nhất mày biết không?
- Vậy à?
Tuân đáp lời ngắn ngủn, làm mặt không mặn mà, nhìn lên sân khấu. Dương kia rồi, quần xanh áo trắng đóng thùng bình thường vẫn vậy mà sao trên sân khấu nhìn đẹp trai hẳn ra. Hèn nào nhiều người mộng diễn viên.
Tiết mục thứ hai được giới thiệu là một màn múa quạt có tên Vũ điệu chim công. Trung đập vai Tuân:
- Tụi nó tập điệu múa này kỳ công lắm. Nghe đâu tập suốt hai tháng nay luôn. Phải mượn trang phục của diễn viên nhà văn hóa tỉnh. Rồi mày sẽ thấy đẹp mê luôn.
- Thật à?
- Sao không thật. Chỉ nhìn thấy mấy cái quạt là đã mắt lắm rồi.
Tuân ậm ừ giấu nỗi ngạc nhiên, điệu múa công này nghe tivi giới thiệu là rất khó, diễn viên chuyên nghiệp mấy người múa được đâu. Đúng như Trung nói, những cái quạt giấy đủ màu gắn lông cũng nhuộm màu lộng lẫy khiến sân khấu sáng bừng lên. Tiếng vỗ tay nồng nhiệt, có vẻ như điệu múa này đã được bàn tán và chờ đợi lâu lắm rồi.
- Phần đầu chỉ là mới uốn qua uốn lại đi qua đi lại thôi – Trung tiếp tục – Tới phần kết mới đã, mày sẽ thấy những cái quạt nhiều màu sẽ chạm nhẹ cánh vào nhau xòe thành cái đuôi con công rực rỡ. Giống hệt như là công thật vậy.
- Mày coi chưa mà biết? Trời ơi, rồi mày sẽ thấy.
Tiếng cười nổ ra từ hàng ghế đầu và nhanh chóng lan ra khắp tất cả. Quả đúng như Trung nói, những cánh quạt chạm vào nhau… nhưng không giống đuôi công mà nhấp nhô như cánh gà đang bị nhổ lông. Tiếng cười khiến những cái quạt quýnh quáng nghiêng ngả hơn. Tuân cũng ôm bụng cười. Tiếng cười nhẹ dần rồi rộ lên một lần nữa khi những cái lông gắn vào cánh quạt bay từng chùm lả tả theo từng động tác phe phẩy.
Tuân liếc ngang. Trung im bặt.
Màn kéo nhanh.
- Sau đây, mời các bạn tham gia vào thế giới kỳ bí của ảo thuật gia XYZ.
Lời giới thiệu giọng con trai hùng hồn như át đi thất bại của màn múa vừa qua. Khán giả vỗ tay dè dặt, tiếng vỗ tay như muốn hỏi XYZ là ai?
Trời ơi, đội cái mũ giấy có chóp cao hình nón dán đủ thứ giấy màu tượng trưng cho bốn mùa hoa trái, nào là cam quít xoài bưởi dưa hấu mít nho ổi… Còn cái áo thụng nhìn là biết mượn áo dài của ai đó, hai tà dán đầy giấy màu hình tròn, hình vuông, hình chữ nhật, hình tam giác, hình bình hành… Mặt vẽ râu vểnh lên hệt như diễn viên tuồng. Thằng Cần! Tuân kinh ngạc. Tuân biết bạn mình là một ảo thuật gia, những trò biến giấy báo thành bạc hay là đâm cây kim dài xuyên qua mà bong bóng không bị nổ, lấy trong tay áo ra trái bóng bàn… Tuân từng thấy Cần biểu diễn. Nhưng lên sân khấu với cái tên XYZ và bộ áo quần kỳ quái này thì thật là một bất ngờ. Tuân vỗ tay rôm rốp. Dương đâu rồi? Tuân đưa mắt tìm và nhìn thấy Dương ở sau cánh gà, cũng đang ủng hộ bằng những tràng vỗ tay nhiệt tình.
Tiết mục ảo thuật đầu tiên này, xin tặng các bạn nữ lớp D3 – Cần nói và vung hai tay lên. Từ trong hai ống tay áo tuôn ra hai sợi dây dài…
Tiếng vỗ tay rào rào vang lên một góc hội trường, Trung léo nhéo:
- Mày nghe con gái lớp D3 vỗ tay không?
- Nghe.
- Coi kìa – Trung kêu lên. Hai đứa con gái, hoa trong tay, len qua hàng ghế để đi lên sân khấu tặng hoa cho XYZ. Trung xuýt xoa – Gặp con gái lớp mình thì thôi, khỏi phải nói…
- Nói sao?
- Như sáng nay, lỡ có sâu thì sâu cũng phải lịch sự, nỡ nào quăng hoa xuống đất phụ lòng tụi mình quá. Mà mấy đứa nhỏ nhắn như Đoan Trang thì đã đành, còn như Sữa Ông Thọ mà cũng sợ con sâu nhỏ xíu. Thằng Quy nói tiết sinh hoạt thứ bảy tuần này là xin cô từ chức.
- Vậy à?
- Mày nghĩ lớp mình còn ai làm lớp trưởng nổi nữa không?
- Sao tao biết được?
- Mà đứa nào bắt sâu lên lớp ghê quá – Trung liếc Tuân đầy ngụ ý.
Tuân điềm nhiên:
- Mày cũng bắt chước Sữa Ông Thọ thấy sâu ghê quá à?
Trung im bặt.
Trên sân khấu, Cần lấy kéo cắt hai sợi dây dài thành từng đoạn ngắn. Cầm từng đoạn giơ cao cho khán giả thấy rõ rồi vo tròn những đoạn dây thành một nắm như trái cam. Lấy một mảnh vải phủ lên và thổi thổi hô biến, hơi thổi cuối cùng phù phù bay tung mảnh vải, Cần cầm nắm dây bị vo tròn đập mạnh xuống bàn, nắm dây nảy tưng tưng như trái banh và xổ ra… trở thành hai sợi dây dài nguyên vẹn như ban đầu!
Tiếng vỗ tay muốn nổ tung hội trường. Cần mỉm cười đưa ống tay áo quệt mồ hôi hai bên thái dương làm đứt mất một mẩu râu bên má trái. Tuân phì cười. Nó biết thằng Cần đang run lắm.
Ảo thuật làm tất cả khán giả trở nên hào hứng và khi lời giới thiệu thánh thót báo tin bắt đầu phần hấp dẫn nhất của đêm văn nghệ là cuộc thi hoa hậu thì hội trường không còn chỗ chen chân nữa. Trung vừa xòe tay làm quạt vừa nghểnh đầu nhìn về phía sau, toàn là những cái đầu người đang cố len qua vai kẻ đứng trước.
- Có muốn về cũng không đi được nghe Tuân – Trung nói.
Tiết mục đinh của đêm văn nghệ là cuộc thi hoa hậu, có mà điên mới bỏ về. Tuân nhìn Trung, định độp một câu nhưng chưa kịp nói gì thì đứa con trai dẫn chương trình đã vẫy tay với vẻ mặt rất hấp dẫn:
- Chúng tôi cần mười bạn nam xung phong lên sân khấu để làm vệ sĩ cho các thí sinh tham gia cuộc thi hoa hậu này. Và cũng xin thông báo là có một phần quà đặc biệt tặng cho người đoạt danh hiệu vệ sĩ Hào Hoa. Trước tiên chúng tôi xin được phép giới thiệu tên của các thí sinh. Người thứ nhất: Trịnh Kim Chi, lớp 10A. Người thứ hai, Nguyễn Thị Đoan Trang, lớp B2. Người thứ ba…
Tuân ngạc nhiên khủng khiếp. Đoan Trang dự thi hoa hậu? Chuyện không thể tin nếu không tai nghe mắt thấy. Đoan Trang – chưa bao giờ đặt chân đến căng tin trường cũng như bất cứ hàng quán nào mà tất cả con gái trên đời này luôn là nhân viên thường trực. Đoan Trang – chưa bao giờ là đề tài của câu chuyện phiếm nào mang hàm ý cười cợt. Đoan Trang – chưa bao giờ nghe nhắc đến áo quần giày dép thời trang như vô số con gái thường hay, vẻ giản dị thuần khiết luôn làm con trai im bặt khi ngang qua. Đoan Trang – sự học giỏi khiến bọn con trai đứa nào cũng mơ mà không dám nói một lời.
Đoan Trang thi hoa hậu? Và mỗi thí sinh cần một bạn nam đứng ngay bên cạnh để giúp đỡ? Đủ mọi ý nghĩ lộn xộn trong đầu hay nói đúng hơn là không kịp nghĩ gì, Tuân đứng dậy giơ cao tay lên. Bao nhiêu là cánh tay đang giơ cao trong tiếng hò reo:
- Tôi xung phong.
- Tôi.
- Tôi…
- Tôi đây…
Tuân rời khỏi chỗ ngồi và chen lên gần sân khấu, nó gào lên:
- Tôi…
- Mời bạn. Xin mời bạn. Và bạn…
Ngón tay trỏ của speaker hướng về phía Tuân. Nó vuốt mồ hôi đang tươm trên mặt. Như một giấc mơ! Nó sẽ đứng cạnh Đoan Trang trước hàng trăm đôi mắt nhìn! Và Đoan Trang sẽ thấy nó không như mọi người vẫn nghi ngại, nó là một thằng con trai đáng mặt nam nhi! Đoan Trang sẽ thấy…
Tuân bước lên sân khấu cùng với chín đứa con trai nữa. Bên dưới vang tiếng hò reo cổ vũ. Speaker phải đợi một hồi lâu trật tự vãn hồi rồi mới tiếp tục được:
- Xin mời thí sinh Trịnh Kim Chi bước ra sân khấu.
Tiếng nhạc đệm vang lên du dương. Và… Trời đất ơi! Tuân sửng sốt khi… từng bước duyên dáng tiến ra sân khấu là một thằng con trai, đúng là con trai, không hề lầm lẫn! Một thằng con trai trong trang phục thiếu nữ Ê Đê, tóc cài một cái băng đô thổ cẩm, bên hông đong đưa cái túi cũng bằng thổ cẩm.
Thằng con trai thật sự đang đứng cạnh Tuân tươi cười đi đến cầm tay thằng con trai giả hiệu Trịnh Kim Chi và cả hai cúi chào khán giả rồi lui lại nhường chỗ cho thí sinh thứ hai.
- Xin mời thí sinh Nguyễn Thị Đoan Trang bước ra sân khấu.
Tuân đã kịp bình tĩnh lại để nhận ra đây là hoa hậu trai giả gái. Thằng Cần và thằng Dương đáng trách, chẳng kể gì về chương trình văn nghệ cho Tuân biết cả. Rồi sự bình tĩnh của Tuân chao đảo khi yểu điệu tiến ra sân khấu là thằng Quy, đúng thằng Quy lớp trưởng! Bộ váy áo màu hồng thướt tha, đôi giày cao gót dưới chân, và… trời đất ơi, ngực nó độn cái gì mà giống hệt con gái! Nhưng cái đầu tóc thì không bút mực nào tả được, những cọng tóc ngắn ngủn được cột túm lại bằng một sợi ruy băng nhìn giống một trái ớt còn dính cuống. Không thể đếm được trên đầu kẻ mang tên Đoan Trang có bao nhiêu trái ớt dính cuống như vậy! Đôi môi thoa son màu cánh sen ra vẻ e thẹn:
- Em xin chào ban giám khảo và các bạn.
Tiếng cười ầm ầm rung cả bốn bức tường. Đoan Trang chớp chớp mắt rồi yểu điệu dựa vào tay Tuân để bước lùi nhường chỗ cho thí sinh kế tiếp. Tuân ớn lạnh liếc nhìn đế giày cao gót nhọn hoắt dưới chân Đoan Trang. Sự lầm lẫn này thật là cay đắng! Nhưng phải cười, chẳng còn cách nào khác là cười thật tươi, đằng nào cũng lỡ rồi, phải tỏ ra cho hàng trăm đôi mắt dưới kia nhìn thấy mình ga lăng với Đoan Trang đến thế nào! Tuân, kẻ gây rối không bao giờ để lại chứng cớ, hãy cười tươi tỉnh lên và tỏ ra hãnh diện với vinh dự khối đứa dưới kia rất thèm mà đành không. Lạy trời cho nó rớt ngay vòng đầu tiên, chấm dứt cho hai đứa cực hình này! Đúng, cực hình với cả hai! Nhìn mặt cũng biết là thằng Quy không ngờ vệ sĩ của nó lại là Tuân, không thể ngờ Tuân xung phong lên sân khấu!
Lần lượt, mười thí sinh xuất hiện trong tiếng cười không dứt của tất cả mọi người, kể cả những vệ sĩ đang đứng trên sân khấu cũng toét miệng ha hả cười, quên mất mình cũng đang là đối tượng chấm điểm của ban giám khảo!
Thí sinh thứ mười gây nên tràng cười dữ dội nhất, đầu tóc quăn tít thả xuống từng lọn biết ngay là tóc giả, vai áo bồng bềnh phồng đến nỗi đụng vào đôi bông tai thật to hình trái tim tòn ten bên trên. Tuân ngao ngán tự hỏi bằng cách nào mà đôi bông tai kinh khủng này không bị rớt khi cử động? Còn phía dưới thì… một cái váy màu đỏ lộ ra cặp giò dù mang tất da điệu đàng nhưng không thể dấu được vẻ cứng ngăng ngắc của cẳng chân con trai.
Căn cứ theo tiếng cười ầm ĩ nhất, dai dẳng nhất và tràng vỗ tay ồn ào nhất, có thể đoán được ngôi hoa hậu sẽ thuộc về thí sinh mang số cuối cùng này
Nhưng thật trêu ngươi, Quy từ vòng sơ khảo vào vòng trong, rồi vào chung kết. Vốn là lớp trưởng quen phát biểu trước đám đông, và với tiêu chuẩn chấm điểm là ngoài trang phục được phép mượn (tất nhiên), còn lại những thứ khác càng thật thì càng được nhiều điểm, vậy nên thời trang tóc trái ớt của Quy đã làm thí sinh thứ mười bị mất điểm trong gang tấc. Khi điểm số được công bố, khán giả ào lên tặng hoa cho Hoa Hậu. Ban đầu Tuân tưởng đây là một sự sắp đặt vì những khuôn mặt quen nhưng rồi hoa nhiều đến nỗi Tuân ôm vun đầy cả hai tay.
Đường đi oái oăm của số phận đã khiến Tuân phải theo kẻ mình ghét vô cùng và chắc là cũng ghét mình vô cùng đi tới tận cùng cuộc thi. Nhưng chưa hết, speaker mỉm cười với Tuân trước khi quay mặt về phía khán giả:
- Thưa các bạn, sau giải thưởng trao cho Hoa Hậu là món quà đặc biệt trao cho Vũ Đình Tuân, người đoạt danh hiệu vệ sĩ Hào Hoa!
4.
Kết quả cuộc thi khiến hai đứa bạn thân của Tuân vô cùng sung sướng, hai đứa đứng đợi ngay cánh gà. Cần kêu lên:
- Nếu biết mày thích tham gia văn nghệ thì tao đã giới thiệu mày với Đoàn trường rồi. Có vở kịch hay lắm mà đành chịu, diễn viên gì mà cứ nói câu trước đến câu sau là đổ ra cười. Không ngờ lên sân khấu mày bình tĩnh dễ sợ luôn nghe Tuân. Mà sao mày dấu không nói trước với tụi tao là mày sẽ lên sân khấu dự thi?
- Đáng trách chính là tụi mày không nói tin tức văn nghệ cho tao nghe thì có.
- Trời, có ai biết là mày thích văn nghệ đâu? – Cần vặn tay nuối tiếc.
Tuân thừa hiểu cử chỉ vặn tay này, thằng Cần vẫn muốn Tuân trở thành một đứa khác với Tuân bây giờ. Bao nhiêu lần thằng Cần gần xa về một đứa nào đó học lực khá mà chỉ thiếu một chút ngoan ngoãn.
Dương vô tư hơn, không thắc mắc kiểu rễ củ như Cần, nó đi cạnh vệ sĩ hào hoa và thấy tiếc là trời khuya rồi, nếu là ban ngày thì ba đứa nó hẳn là mục tiêu của bao ánh mắt, nhất là hộp quà trên tay Tuân to đến vậy.
- Giải thưởng là cái gì vậy Tuân?
Dương vừa hỏi vừa thò tay mở nắp hộp ra: một quả địa cầu.
- Chà, cái này để ở góc học tập là hết ý. Khi nào học địa lý, tao mượn mày được không?
- Đừng bày đặt khách sáo quá mày – Tuân hích vai Dương.
Dương cười:
- Hoa hậu chẳng qua là giả gái sao cho giống nhất, nhìn như hề. Chính danh hiệu vệ sĩ hào hoa mới đúng là hoa hậu nghe Tuân. Mày phải khao.
Trong Tuân đủ cảm giác lẫn lộn, nó cũng không biết mình có hài lòng hay không nữa. Nó phẩy tay:
- Chẳng cần danh hiệu hoa hiếc gì hết, muốn ăn chè ăn cháo gì thì đi.
Kết quả cuộc thi làm lớp B2 chia thành hai phe, phe này xuýt xoa tuyệt vời quá phải ăn mừng, phe kia xì xèo là danh hiệu Hào Hoa đã trao cho kẻ không xứng đáng.
Hành lang lớp B2 trước giờ vào lớp sáng hôm sau ồn như ong vỡ tổ. Phe này được cầm đầu bởi một đứa con gái có chữ “Ông” trong danh hiệu, còn người phát ngôn của phe kia là một thằng con trai được (bị?) gọi là "Chị".
- Nó mà hào hoa cái gì! – Bích Thủy trề môi – Nó mà hào hoa thì con trai cả thế giới này…
Trung so vai:
- Không thể phủ nhận kết quả vô tư của ban giám khảo được. Nó đoạt giải trước sự chứng kiến của toàn trường.
Bích Thủy nhếch môi:
- Toàn trường chứng kiến không có nghĩa là toàn trường đồng ý.
Trung hất mặt:
- Không đồng ý sao được, chấm điểm có điều kiện chứ có phải theo cảm tính đâu?
Bích Thủy đập mạnh tay trái lên tay phải:
- Điều kiện gì? Chẳng qua là quá nhiều hoa tặng cho hoa hậu, hoa hậu ôm không hết nên đưa cho nó cầm, hoa trong tay nhìn ai chẳng đẹp?
- Bà thử cầm coi? – Trung vừa nói vừa lùi một bước.
- Vô duyên, đang nói chuyện này…
Trung cười cầu hòa rồi ngay lập tức lên giọng:
- Thì… Người ta đâu có chấm điểm cầm hoa hay không. Rõ ràng nó là đứa lịch sự nhất, tự chủ nhất, nghiêm chỉnh nhất. Nó chỉ cười tươi tắn chứ không cười hí hố như mấy đứa kia. Dưới này thì sao cũng được chớ trên sân khấu mà toét miệng ra thì bất lịch sự quá.
- Ông đừng có lý sự. Nó được giải là vì cuối giờ, khuya quá rồi, ban giám khảo chấm điểm đại đại cho xong.
- Bà nói đơn giản quá và coi thường khán giả quá. Chấm đại đại mà được tất cả vỗ tay đồng tình? Bà là ghét thì bồ hòn cũng méo.
- Mắc mớ gì mà thương với ghét ở đây?
- Có người kỳ cục vậy đó. Không mắc mớ gì mà cứ la làng lên. Rõ ràng đoạt giải không hề gian lận mà bà nói như là toàn thiên hạ đau mắt hết rồi. Vinh dự của cả lớp mà cũng nhất định bôi nhọ cho bằng được nghĩa là sao?
Nếu trống trường không vang lên thì chẳng biết đến bao giờ mới có kẻ chịu là người im lặng trước. Bích Thủy ấm ức theo phe con gái đi vào lớp, Trung và bọn con trai phơi phới đi sau. Nói gì thì nói, vào ngày của con gái mà lớp được hai giải lớn và cả hai giải đều do công của con trai là thấy đời quá đẹp rồi.
Rồi cả hai phe đều trố mắt kinh ngạc vì lớp trưởng là người vô lớp sau cùng, điều này chưa bao giờ xảy ra. Từ trước đến nay, vị trí này là của Tuân. Chẳng lẽ hôm nay Tuân không vắt vẻo trên xe đợi sát giờ mới phóng vô bãi gởi? Những đôi mắt hướng về chỗ của Tuân. Trống. Nguyên nhân của cuộc khẩu chiến nãy giờ hôm nay vắng mặt.
Tay trái Quy cầm cặp, còn trên tay phải là một bó hoa hồng gói bằng giấy bóng kính trắng rất điệu. Cả lớp ngạc nhiên nhìn nhau: Quy định tặng hoa cho ai đây?
Những âm thanh xì xèo thắc mắc tạm lắng xuống vì thầy giáo đã vào lớp. Tiết thứ nhất trôi qua. Cả lớp chắc chắn rằng bó hoa là dành cho Đoan Trang. Ừ, rất có lý, chẳng gì thì hôm qua Quy cũng đã mượn tên Đoan Trang đi thi đó thôi. Ngay lập tức đã có chuyện để kể là ban đầu lớp trưởng định mượn tên Bích Thủy, nhưng sợ vía của Sữa Ông Thọ nặng nề khó đạt kết quả nên lấy tên Đoan Trang cho nhẹ nhàng! Với lại, có đoạt giải hay không thì cũng yên tâm là Đoan Trang cũng sẽ chỉ cười hiền mà thôi…
Phải chi lớp trưởng mượn tên mình…- Trung nói bâng quơ và nhận lại những cái liếc sắc như dao của bọn con gái khiến bọn con trai cười hể hả.
Đứa nào đã kịp vẽ lên bảng một trái tim và mũi tên xuyên qua. Tiết thứ hai, môn toán. Bó hoa vẫn được giữ gìn cẩn thận trên bệ cửa sổ cạnh chỗ ngồi của lớp trưởng làm thầy giáo cứ liếc mắt nhìn khiến Trung ngồi cạnh Quy thót tim mấy lần vì tưởng thầy chiếu tướng mình. Là cây đinh các môn xã hội của lớp nên luật bù trừ là các môn tự nhiên luôn làm Trung rối trí! Bắt đầu tiết thứ ba là môn lý, cái môn Trung sợ nhất đời, nó kêu lên:
- Tặng ai tặng đại đi cho rồi, đừng làm khổ tao nữa!
Cả hai dãy bàn dưới cùng cười hi hí nhưng Quy vẫn án binh bất động. Có ai chuẩn bị tặng hoa cho con gái mà mặt mũi im lìm như tượng đá vậy không?
- Phải là một lý do khác. A… Hay là hôm nay sinh nhật của…
Đúng rồi, hai tiết sau là môn sử và sinh hoạt, sinh nhật của thầy Minh hay cô Loan đây? Lời phỏng đoán đã có vẻ tức tối. Làm sao không tức tối cho được khi bó hoa cứ như là cố tình khiêu khích trí tò mò của kẻ khác? Mà tặng sinh nhật cho cô thầy thì sao bí mật dễ sợ vậy?
Tiết sử của thầy Minh trôi qua.
Bích Thủy mát mẻ:
- Lột tờ bóng kiếng ra đem hoa nhúng nước, không thôi héo hết bây giờ.
Từ tiết toán đến giờ, Trung tức Quy tới ách ruột mà không làm gì được, nghe câu nói liền độp ngay:
- Trời nóng không sao mà chính kiểu nói năng của bà đủ làm héo úa thiên hạ.
Nếu không phải là cô giáo chủ nhiệm xuất hiện trên ngưỡng cửa thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra giữa hai kẻ vốn không biết nhường nhịn là gì.
Cô Loan nhìn quanh lớp và ánh mắt ngạc nhiên dừng lại ở bó hoa. Ánh mắt của cô không chỉ là biểu lộ ngạc nhiên mà còn đòi hỏi được trả lời. Quy lúng búng:
- Thưa cô đây là hoa tặng bạn Tuân.
Lớp trưởng tặng hoa cho Tuân? Cả lớp nhìn nhau. Và hình ảnh hai đứa tối qua trên sân khấu rất đẹp đôi hiện ra. Nhưng Quy lắc đầu đính chính ngay:
- Thưa cô, sáng nay có một bạn nữ chặn em lại ở chân cầu thang nhờ trao bó hoa này lại cho… vệ sĩ hào hoa.
Cô Loan thốt tiếng “à” tỏ ý đã hiểu. Còn cả lớp thì đứa u đứa a đứa ơ… thành một tràng xì xào đầy vẻ hiểu biết và thông cảm. Biết Tuân hôm nay nghỉ mà ai cũng bỗng ngoái đầu lại nhìn chỗ ngồi trống trơn. Giữ bó hoa của một kẻ từng gây tai ương cho mình thì quả là chẳng vui vẻ gì. Hèn nào…
Tiết sinh hoạt bắt đầu bằng nụ cười của cô Loan, điều này hiếm khi xảy ra. Rõ ràng bó hoa làm Quy hóa đá đã gây tác dụng ngược lại nơi cô chủ nhiệm. Cả lớp ngay lập tức chớp lấy nụ cười và mè nheo:
- Cô ơi… Trích quỹ lớp khao đi cô, hai giải luôn đó cô.
- Tuân mà cũng đoạt giải đó cô…
- Được chấm là đẹp trai nhất lớp mình đó cô.
Xem ra Tuân vắng mặt hôm nay là có lý, bởi vì nếu có mặt Tuân thì chắc chẳng đứa nào dám nêu tên nó ra một cách thoải mái như vậy.
Cô Loan cười cười và cầm sổ đầu bài lên. Động tác quen thuộc này khiến mọi tiếng mè nheo ngay lập tức chấm dứt. Rồi nụ cười trên môi cô từ từ tan biến. Thứ hai đầu tuần: Có hai nam sinh không bỏ áo vào quần theo quy định. Giờ kiểm tra toán: Quay cóp. Môn văn: Không chuẩn bị bài về nhà đầy đủ. Môn hóa: Không làm bài nghiêm túc, có hai bài giống hệt nhau. Môn địa: Mượn dụng cụ học tập la hét gây mất trật tự…
Cô rời mắt khỏi quyển sổ nhìn xuống lớp. Tất cả cúi đầu. Cúi đầu và ấm ức. Con trai con gái luôn luôn cãi cọ nhau vậy nhưng chẳng cô thầy nào nhận ra sự cãi cọ này. Nguyên nhân của những lời phê tuần nào cũng có là của ba con sâu. Sâu Tuân, sâu Hoàng và sâu Vinh. Hai nam sinh không bỏ áo vô quần ngày đầu tuần chính là hai sâu này. Quay cóp giờ toán: cũng chính hắn. Không chuẩn bị bài văn về nhà, có hai bài hóa giống hệt nhau: cũng chừng đó thủ phạm. Môn địa, oái oăm làm sao, người bị phạt không phải là hai con sâu mà là…
- Yên, cả em cũng tham gia vào việc gây mất trật tự nữa sao?
Giọng cô thất vọng và giận dữ. Hình như luôn là vậy, cái đứa gây chuyện hoài thì chẳng biết la mắng sao nữa nên cái đứa mới có tên lần đầu lãnh đủ cơn tức giận.
- Em đứng lên, Yên. Hãy trả lời cô tại sao em hét lên trong giờ địa? Bạn mượn dụng cụ của em hay em mượn dụng cụ của bạn?
Vốn là đứa chăm chỉ, học kỳ một suýt đạt học sinh giỏi, chỉ thiếu 0,2. Đang phấn đấu để học kỳ hai gỡ điểm, vậy mà có tên trong sổ đầu bài. Lại là có tên vì cái lỗi đọc lên nghe thật kỳ cục. Yên rớm nước mắt:
- Thưa cô, bạn mượn dụng cụ của em. Mà không phải bạn mượn…
- Mượn của em mà không phải bạn mượn nghĩa là thế nào?
- Thưa cô… – Yên bậm môi lại ngăn tiếng thút thít và không nói được nữa.
- Thúy! – Cô gọi người ngồi gần Yên bằng giọng nghiêm khắc – Em có biết tại sao bạn Yên hét lên trong giờ địa không?
- Dạ… tại vì bạn Hoàng từ bàn dưới chồm lên giựt cây viết của bạn Yên, mà lúc đó bạn Yên đang vẽ nên…
Câu trả lời bỏ lửng nhưng không ai là không hiểu. Nước mắt Yên chảy ra, nỗi oan này cô Loan biết nhưng lời phê bình trong sổ đầu bài thì nằm đó, bao nhiêu tiết học là bấy nhiêu lần cô thầy mở sổ ra đọc…
Cô Loan cau mày thở dài vẫy tay ra hiệu cho Yên và Thúy ngồi xuống. Rồi cô đặt sổ lên bàn và im lặng khoanh tay lại. Giữa im lặng đầy sóng ngầm đó, giọng của Quy nặng nề vang lên:
- Thưa cô, em xin cô cho em không làm lớp trưởng nữa.
Cô không nói năng gì, cầm sổ đầu bài lên lại. Cô lật tới trang gần nhất, trang của ngày hôm qua, tiết đầu tiên: – Lớp thiếu tôn trọng giáo viên, xả rác hoa ra đầy lớp.
Vóc dáng thanh mảnh của Đoan Trang từ từ đứng lên, giọng thật nhỏ nhẹ:
- Dạ thưa cô em cũng xin thôi làm lớp phó!
5.
Tuân ngạc nhiên khi thấy Hoàng và Vinh đến nhà mình với vẻ nghiêm trọng. Tuân thấy buồn cười. Lớp coi Tuân và hai đứa này cùng một giuộc nhưng trong thâm tâm, Tuân coi thường. Làm cho kẻ khác điên đầu mà mình bị nêu đích danh tên tuổi là quá dở, thêm cái quá dở nữa là học dốt, chẳng bao giờ đọc một quyển sách nào ngoài sách giáo khoa. Làm sao mà cùng giuộc với Tuân được!
- Sao sáng nay mày nghỉ? – Hoàng hỏi bằng giọng thì thầm, mắt liếc chị Thu của Tuân đang ngồi làm bài ở cái bàn gần đó.
Tuân bình thản nói to:
- Chị tao có lên trường xin phép cô Loan mà.
- Vậy hả? Đi ra sân đây tao nói cái này.
- Nói trong nhà không được sao?
- Không! – Vinh nghiêm mặt.
- Nhưng tao đau chân! – Tuân chỉ vào cổ chân đang quấn băng thun – Bác sĩ nói mấy ngày đầu không được nhúc nhích. Tối qua đang thả dốc, xe tao cán trúng đinh, không ngừng lại kịp… Đầu đường nhà tao có ai rải đinh, tao là người thứ ba trong tuần này bị té xe vì lủng lốp lúc đang thả dốc.
Hoàng hạ giọng:
- Thằng Quy biết mày bị như vậy thế nào cũng đáng đời mày bị trời phạt.
Nói xong, Hoàng cười. Vinh cũng cười kiểu rất thú vị. Tuân cười to nhất. Thằng Quy mà thốt lời nguyền rủa nghĩa là không còn biết làm gì khác nữa!
Bữa nay trên lớp có chuyện gì rồi – Tuân tự nhủ và ngạc nhiên vì hôm nay mình nghỉ, ai là người có đủ khả năng gây ra một chuyện đáng cho Hoàng và Vinh phải chạy tới đây ngay? Chuyện gì? Tuân muốn bật thành câu hỏi nhưng rồi nó ráng nín nhịn ra vẻ bất cần, đợi hai đứa tự nói ra. Còn Hoàng và Vinh thì cứ liếc nhìn chị của Tuân. Tuân phẩy tay:
- Hai đứa mày nói gì thì cứ nói. Chị tao đang học bài thì sấm nổ cũng chẳng biết nữa là.
Hoàng nhìn cái đồng hồ trên tường:
- Chị mày chưa đói bụng à?
- Ý mày nói sao chị tao không xuống bếp ăn cơm cho rồi đó hả? Thôi, ra sân thì ra sân.
Tuân nhúc nhắc đi ra sân, ba đứa tụm đầu dưới bóng mát của cây trứng cá. Hoàng liếc vô nhà, biết chắc chị của Tuân không nhìn ra rồi mới nói:
- Sáng nay động trời nghe Tuân.
- Sao?
Vinh cướp lời Hoàng:
- Lớp trưởng từ chức…
Chuyện lớp trưởng từ chức thì có gì là quan trọng? – Tuân nghĩ thầm.
- Mà Đoan Trang cũng từ chức luôn!
- A!… – Tuân bật kêu khẽ.
- Mày nói chẳng có đầu đuôi gì hết – Hoàng nhăn mặt – Bắt đầu là có một bó hoa tặng cho mày mà nhờ lớp trưởng đưa lại.
- Ai tặng? – Tuân hỏi.
- Không biết.
- Mày không biết nhưng thằng Quy có biết là ai không? – Tuân bắt đầu cảm thấy sốt ruột.
- Làm sao tao biết thằng Quy biết hay không?
- Nghe mày nói mệt quá Hoàng à! – Tuân gắt.
- Thì cô Loan cũng hỏi như mày mà thằng Quy nói không biết ai tặng, một đứa con gái chặn nó lại ngay chân cầu thang. Nó nói nó cũng muốn biết nhỏ đó học lớp nào nên hỏi han này nọ nhưng chịu, không thể biết được. Cũng tại vậy mà sáng nay nó suýt vô lớp trễ.
Vinh trề môi:
- Bó hoa của mày làm thằng Quy khổ mà cả lớp cũng khổ. Tao thấy chuyện gì dính dáng tới hoa đều khổ ải quá.
- Rồi – Tuân thở phì ra – Cho qua chuyện hoa đi. Nhưng thằng Quy và Đoan Trang thì sao?
- Thì từ chức vì… Cũng tại vì… Thì những lý do mày biết rồi đó. Lời phê trong sổ đầu bài nè, rồi hoa tám tháng ba nè, rồi mày trở thành vệ sĩ hào hoa…
- Vệ sĩ hào hoa thì có tội lỗi gì? Phải khen thêm mới đúng chớ?
- Không tội lỗi gì… Nhưng vậy thì mới… Tao không biết nói sao cho mày hiểu không khí lớp mình sáng nay. Tóm lại là cô Loan cũng chán quá rồi. Thằng Quy nằng nặc từ chức dù cô Loan nói cố gắng thêm một chút, chỉ còn mấy tháng nữa là hết năm học. Rồi Đoan Trang cũng nhất định không chịu nói lý do tại sao cũng bắt chước thằng Quy nên cô tức giận lắm. Rồi nhỏ Yên khóc… Úi dà, đủ chuyện… Cô Loan không cô cô em em như thường lệ mà xưng tôi với anh chị…
Vinh đứng nghiêm khoanh tay lại như cô Loan và ngắt lời Hoàng, nhại giọng cô giáo:
- Hôm nay, tôi cũng xin phép các anh chị để tôi trả lớp lại cho thầy hiệu trưởng. Điều này lẽ ra tôi đã thực hiện từ lâu nhưng thật sự là tôi cũng có chút hy vọng. Bây giờ thì tôi đành phải thú nhận rằng tôi thất bại trong công việc chủ nhiệm lớp này. Và tôi cũng xin nói rằng sau khi tôi đi, có lẽ các anh chị tự quản lý lấy chứ chẳng ai thiết về lớp này cả. Không lớp trưởng, lớp phó và không cả chủ nhiệm, các anh chị tha hồ tự do.
Nói xong Vinh quay lưng bước thật nhanh rồi đột ngột dừng và ngoái đầu lại. Tuân ngạc nhiên nhìn Hoàng:
- Nó làm cái gì vậy?
- Ý là sau khi nói xong, ngay lập tức cô Loan bỏ ra khỏi lớp. Rồi cô ngừng lại vì thằng Bảo xung – phong – làm – lớp – trưởng…
- Tuân! – Tiếng gọi trong nhà vọng ra – Mới nghỉ học một buổi mà có chuyện gì nói dài vậy? Má nói mời hai bạn cùng ăn cơm luôn.
Hoàng và Vinh vội leo lên xe đạp:
- Thôi, tụi tao về. Chiều nói tiếp.
Tuân nắm lấy ghi đông xe của thằng Vinh đang gần tầm tay níu lại. Nó không còn giữ vẻ bất cần nữa. Chuyện tới đây mà dừng lại thì làm sao mà chịu nổi! Ai từ chức không quan trọng, nhưng thằng Bảo mà xung phong làm lớp trưởng thì thật động trời. Một thằng con trai mang trong người hàng chục thứ bệnh, nào cận thị, nào phổi, nào hen suyễn, viêm xoang và gì gì đó nữa, nguy hiểm nhất là hẹp van tim, nghe đâu là đang đợi thể trạng tốt hơn thì mới mổ thay van được. Nghe nói gia đình nó khá giả lắm, mạnh thuốc thang lắm nên nó mới sống tới bây giờ. Chị Hai của nó lẽ ra là một sinh viên giỏi khoa kinh tế hay gì đó tương tự nhưng vì thương nó nên chọn học y khoa. Cũng vì nó là con trai duy nhất của gia đình, cháu trai duy nhất của họ nội nên cả họ quyết đóng góp cho chị nó đi du học ở nước ngoài với hy vọng mang đến cho quý tử một cuộc sống mạnh khỏe. Tất nhiên, sự nâng niu của mọi người đối với nó là vô bờ bến.
Trên lớp cũng vậy, trừ khi Bảo xung phong, còn lại thì không cô thầy nào gọi Bảo lên bảng cả. Giờ thể dục thì càng cẩn thận hơn, Bảo có nài xin được xuống sân tập luyện nhảy hố nhảy xa với các bạn cho vui thì thầy cũng can ngăn. Tóm lại, Bảo là một thằng con trai được nâng như trứng được hứng như hoa. Nếu nó không phải là một đứa siêng năng giơ tay xung phong lên bảng thì chắc chẳng ai biết có nó tồn tại trong lớp.
Hoàng vòng tay lại thật lễ độ:
- Cô ơi cô đừng đi, đừng bỏ lớp cô ơi.
Chẳng biết thằng Bảo lúc đó ra sao nhưng nhìn kiểu thằng Hoàng nhại lại thấy thật thống thiết.
Tuân hình dung cô Loan đứng khựng lại ở ngưỡng cửa. Khi giận, cô hay mím môi và khoanh tay lại một cách lạnh lùng. Cả lớp ngồi bất động, còn thằng Bảo… Cái thằng trắng xanh bợt bạt như rau cải nhúng nước…
- Nếu bạn Quy nhất định không làm lớp trưởng nữa thì em xin xung phong…
Cả lớp ngoái nhìn Bảo, ngạc nhiên quá sức. Cô Loan từ từ quay lại, xúc động trước vẻ van nài của đứa học trò đặc biệt của lớp.
Cả lớp, sau cơn ngạc nhiên là mừng rỡ. Nói gì thì nói, lớp mà không có chủ nhiệm thì ra sao? May mà thằng Bảo kịp làm cô đứng lại, chứ cô đi xuống tới phòng giáo viên rồi thì…
Cô Loan đã quay lại, và rõ ràng cô rất xúc động, nhưng cũng rõ ràng là cô chưa biết phải làm thế nào trước tình huống này. Cô chầm chậm hỏi:
- Các em có đồng ý bạn Bảo làm lớp trưởng không?
Những cánh tay rào rào giơ lên, vì nghịch ngợm và cũng vì còn ai khác chịu làm bây giờ?
Vinh ngắt lời Hoàng:
- Nếu sáng nay mày đi học thì mày có giơ tay đồng ý không hả Tuân?
Tuân không trả lời, vành tai nó nong nóng. Thằng Bảo! Thà là cô giáo gọi tên bắt nó phải làm hoặc ai đó nêu tên nó lên rồi rủ nhau giơ tay. Và rồi thì nó phải giãy nảy từ chối cho tới lúc không thể thoái thác được. Đằng này, nó xung phong! Nó tưởng nó trị được thằng Tuân này sao? Nó tưởng nó làm sếp thì mọi sự sẽ khác thằng Quy chắc? Được, chào sếp! Hãy chờ…
- Rồi mày biết sao nữa không? – Hoàng nói.
- Còn sao nữa?
- Thằng Bảo nói là: "Thưa cô, em chắc chắn sẽ có nhiều bỡ ngỡ và sai sót trong nhiệm vụ mới, có gì xin cô và các bạn giúp đỡ và chỉ bảo thêm cho em". Nó vừa nói xong thì… – Hoàng cố tình ngừng lại thật lâu.
- Thì sao? Trời sập hả?
- Còn hơn trời sập nữa! – Vinh nói – Nó vừa nói xong thì…
Hoàng cướp lời:
- Thì thằng Quy đứng phắt dậy: “Thưa cô, bạn Bảo… bạn Bảo… vừa là nhiệt tình, vừa là sợ cô bỏ lớp nên… Thôi, thưa cô em không từ chức nữa. Em sẽ tiếp tục làm. Em sẽ cố gắng…”.
Nghe nó nói vô cùng đau khổ như là nó sợ để thằng Bảo làm thì sẽ bị mày… À không – Vinh tránh ánh mắt Tuân bằng cách nhìn lên trời – bị đứa nào đó gây rối đến nỗi không chịu nổi mà lăn ra ngất xỉu thì tình hình còn tệ hơn.
Hoàng tiếp:
- Hình như chính cô giáo cũng sợ vậy nên vừa nghe thằng Quy nói xong, cô đồng ý ngay: “Ừ, cô cũng nghĩ là Bảo làm lớp phó thì hợp hơn”… Rồi mày biết sao không?
Tuân nổi cáu:
- Tụi mày nói toẹt ra hết đi, việc gì mà úp úp mở mở hoài vậy?
- Cô chưa nói dứt câu thì Đoan Trang đứng lên: “Thưa cô, em cũng không từ chức đâu!”.
Rõ ràng hai đứa đều sợ lương tâm cắn rứt nếu thằng Bảo thay thế mình mà lỡ xảy ra chuyện gì
- Rồi sao?
- Rồi thì… từ chỗ suýt không lớp trưởng, không lớp phó, không chủ nhiệm, bây giờ lớp mình có hai sếp phó chớ sao. Một sếp con gái rất ngoan hiền phụ trách học tập và một sếp con trai rất hiền ngoan phụ trách phong trào – Hoàng tự chấm điểm câu nói ý nhị của mình bằng một nụ cười.
Vinh lắc đầu:
- Đừng tưởng bở nghe mày. Trưa nay vừa nhận chức xong đã thấy nó với thằng Quy thì thầm với nhau ở hành lang, cả Đoan Trang nữa. Nghe Sữa Ông Thọ thông báo: bộ ba quyết tâm cải tạo tình hình trong lớp và nhất định bằng mọi giá chẳng những không để lớp bị nêu tên trước cột cờ hàng tuần mà còn là từ đây đến cuối năm học, phải có ít nhất một lần được nhận cờ luân lưu.
- Tuân! – Giọng từ trong nhà vang lên sốt ruột – Em mời hai bạn cũng ăn cơm cho vui.
Vinh và Hoàng liếc vô nhà le lưỡi. Sợ Tuân níu xe mình, Hoàng vội đạp vài vòng cho xa tầm tay của Tuân. Lần này thì Vinh cương quyết quay ghi đông xe ra cổng, Tuân cũng không giữ lại nữa. Nó nhìn theo hai đứa phóng vù ra đường rồi nhúc nhắc đi vào nhà.
Trưa. Nắng. Nóng. Đói bụng. Những điều vừa nghe khiến nó thấy nóng nực thêm. Lại cái chân mỗi bước mỗi nhói đau. Cờ luân lưu? Mục đích của thằng Bảo cũng chỉ là cờ luân lưu? Sếp phó! – Tuân bật cười khan. Trừ khi Tuân cũng muốn nhận cờ…
6.
Tuân đang đọc Tam Quốc chí thì tiếng chuông reo. Từng hồi chuông vang lên sau một khoảng chờ đợi làm Tuân không muốn đi ra khỏi phòng mà cũng phải ngồi dậy. Kiểu nhấn chuông như vậy là khách quyết gặp chủ nhà. Trưa nay, sau khi Thằng Hoàng với Vinh về, Tuân bị la một trận vì đau chân mà còn ham đi. Mà bây giờ chuông reo vậy, nhà không có người thì Tuân biết làm sao đây? Không thò đầu ra trả lời vài câu thì chuông cứ reo hoài làm sao chịu được?
Tuân xếp trang đánh dấu rồi úp quyển Tam Quốc chí lại, nhúc nhắc từ trong phòng ngủ đi ra phòng khách rồi bước đến cửa sổ và thò đầu ra… Cơn tức giận ngay lập tức xuất hiện và dâng lên cổ. Thằng Quy dáng thấp đậm, cái mũ nồi màu xanh đen quen thuộc. Đoan Trang lạ hơn một chút vì không mặc áo dài, nhưng tất nhiên với bất cứ kiểu áo quần nào thì cũng rất dễ thương. Và thằng Bảo cao lêu nghêu, da trắng xanh thấy rõ đường gân xanh trên trán và hai bên thái dương, đôi mắt sau cặp kính cận thô lố. Tưởng ai quan trọng lắm, không gặp là không được, hóa ra là bộ ba lãnh đạo lớp B2. Biết trước là những khuôn mặt này thì Tuân nằm im luôn cho xong, tất nhiên nếu Đoan Trang đi một mình là chuyện rất khác!
Nhưng đã lỡ ló mặt ra rồi… Tuân cười như rất cảm kích trước sự thăm viếng này. Trên tay Quy là bó hoa, chắc là bó hoa sáng nay Hoàng và Vinh kể. Trên tay Đoan Trang là mấy trái cam. Còn trên tay Bảo là mấy cuốn vở. Tuân cười thầm – Sếp mới không đợi mượn mà tự đem vở tới cho bệnh nhân đó hả? Cái chiêu này xưa quá rồi! Tuân quá biết cái trò đưa đứa nói chuyện nhiều nhất làm trưởng ban trật tự, đưa đứa luộm thuộm nhất làm trưởng ban kiểm tra vệ sinh, đưa đứa hay đi học trễ vào đội cờ đỏ… và quan tâm yêu thương thân tình với cái đứa chỉ mong nó khuất mắt đi cho rồi! Xin cám ơn, Tuân này không đi học nhưng cũng không cần mượn vở của ai vì vở cũng là chép từ sách ra, mà sách thì ai cũng có. Không tin cứ đợi đến kiểm tra, bài của Tuân dưới bảy điểm thì Tuân không còn là Tuân nữa.
Khoảng sân rộng bảy mét mà như một đại dương vì Tuân bước thật chậm và bước rất ngắn. Mày vậy là quá nhanh nghe Bảo, mới nhận chức được có mấy tiếng đồng hồ mà đã bày trò quan tâm tới bệnh nhân, chắc mày đang nghĩ tai nạn của tao là một cơ hội để mày chứng tỏ phải không? Được, tao sẽ cho mày gậy ông đập lưng ông, mày sẽ nhớ đời cái chuyện đi thăm viếng này. Chỉ tội cho Đoan Trang, nếu không có Đoan Trang trong bộ ba này thì hay quá.
Mỗi bước chân, mặt Tuân nhăn nhúm lại. Mỗi bước chân, Tuân nhấc người lên một cách khó nhọc. Được hai phần ba sân, Tuân đứng lại đưa tay quệt mồ hôi trán, cắn răng nén chịu cơn đau:
- Các bạn chịu phiền đợi mình thêm tí nữa, nhà chiều nay đi vắng hết nên… – Tuân nhấc một bước và đứng khựng lại như là chạm cái gì đó đau buốt toàn thân.
Chắc chắn cái ý kiến đi thăm này là của Bảo – Tuân cố nín cười khi nhìn thấy ánh mắt Quy lóe lên nhìn Bảo như là trách Bảo đã biến cả ba đứa tốt bụng thành những kẻ lố bịch. Quả thật, còn gì lố bịch hơn khi đi thăm bệnh nhân mà lại làm cho bệnh nhân thêm đau đớn và đầy phiền hà?
Vở kịch trở nên hoàn hảo khi Tuân vừa ra đến cổng thì má của Tuân về tới, bà la lên:
- Trời ơi, bác sĩ dặn phải giữ cố định cái chân mà sao con lại… – Âm điệu hạ xuống khi bà nhìn thấy túi cam trên tay Đoan Trang – Mấy cháu tới thăm bạn hả? Chẳng qua là bác sĩ căn dặn không được cử động. Nếu lớp ở tầng dưới thì chị nó chở đi học cũng được, nhưng tại lớp trên tầng ba nên đành chịu.
*
Tuân nghỉ bốn ngày thì Hoàng với Vinh tới nhà bốn lần. Lần thứ nhì, hai đứa đem đến tin tức về tờ báo tường. Không như Quy, việc gì cũng thông báo lấy lệ rồi không nhận được sự hưởng ứng của lớp thì cặm cụi làm một mình.
Ngay sau ngày Bảo nhận chức, Quy thông báo rằng lớp sẽ làm một tờ báo tường để chào mừng ngày hai mươi sáu tháng ba và cũng là để tham gia cuộc thi báo tường do Đoàn trường tổ chức. Thông báo là do Quy đứng lên nói, nhưng đứa nào cũng biết là do Bảo khuấy động chuyện này. Mấy đứa đang trả lời bằng những tràng í ố như thường lệ thì trống trường báo hiệu vào lớp, tưởng vậy là xong rồi. Xong rồi, nghĩa là người nói thì đã nói và người nghe thì đã nghe. Nhưng không, ra về, Quy yêu cầu lớp để bàn bạc tiếp.
- Còn nửa tháng nữa lận mà, cho về ăn cơm đi , đói bụng quá! – Bích Thủy la lên.
Câu nói được sự hưởng ứng nồng nhiệt của cả lớp khiến Quy cau mặt thở ra. Bảo tươi cười đứng lên:
- Một tờ báo để dự thi và hy vọng đoạt giải thì nửa tháng là thời gian quá ít ỏi. Chúng ta còn phải đọc bài của nhau và góp ý sửa chữa. Mỗi bạn nộp hai bài, một bài tự sáng tác và một bài sưu tầm. Nhưng trước hết là mỗi bạn nghĩ ra một tên gọi thật độc đáo cho tờ báo của chúng ta. Tên nào hay nhất, ý nghĩa nhất sẽ được chọn. Và tác giả của tên đó sẽ được một món quà.
- Ai tặng quà? – Bích Thủy hỏi to.
- Lấy gì mà mua quà? – Trung nhướng mắt.
- Quà to không?
- Đoàn trường có thưởng cho ba tờ báo đoạt giải nhất, nhì, ba. Quà sẽ được mua bằng tiền thưởng đó nếu tờ báo của chúng ta đoạt giải.
- Trời… – Trung thở ra.
- Tưởng cứ tên được chọn là đã được thưởng rồi chớ! – Bích Thủy trề môi.
Bảo điềm nhiên:
- Xin ghi nhận ý kiến của bạn Thủy. Vậy thì sẽ thưởng hai lần, một lần là trích quỹ lớp thưởng ngay sau khi tên đó được cả lớp nhất trí chọn. Lần hai là nếu tờ báo đoạt giải. Các bạn đồng ý không?
Bích Thủy quá ngạc nhiên khi thấy câu nói vu vơ của mình thành vấn đề, còn cả lớp thì nhao nhao đồng ý. Thật hấp dẫn, không đồng ý sao được khi cơ may dành cho tất cả mọi người, mà chỉ là cái tên gọi chỉ vài ba từ chứ không phải là nguyên một bài viết dài ngoằng.
- Nhưng cái tên vài từ mà được thưởng thì một bài dài hơn không được thưởng sao?
Trung thắc mắc. Cả lớp cười ồ. Ai cũng biết Trung là cây đinh các môn xã hội. Bảo gật đầu:
- Ý kiến bạn Trung rất xác đáng. Vậy chúng ta có đồng ý sẽ thưởng cho những bài được khen hay không?
- Nhưng đồng ý thì lấy tiền đâu ra để mua quà thưởng?
Bảo cười:
- Tất nhiên là từ tiền thưởng của Đoàn trường nếu tờ báo được giải.
- Trời! Vậy nếu không được giải thì sao?
- Tại sao là nếu không được? – Bảo phất mạnh tay khiến cặp kính sụp xuống sống mũi – Chưa làm mà sao biết là không được? Hãy tự tin lên! – Vừa nói Bảo vừa đưa ngón tay trỏ nâng cặp kính lên, nhìn giống hệt một ứng cử viên trên ti vi – Bây giờ chúng ta bầu những bạn khá về môn xã hội vào ban biên tập. Trước tiên tôi đề nghị tổng biên tập là bạn Trung, cây đinh các môn xã hội…
Bảo chưa dứt lời thì cả lớp rào rào đồng ý. Quá đúng! Rồi như một luồng nước được khai thông, có tổng biên tập thì phải có biên tập viên. Cây đinh các môn xã hội làm tổng thì ắt cây đinh các môn tự nhiên là Thu Hoa làm phó tổng! Nghe có vẻ xúc phạm, nhưng rồi tất cả phải thừa nhận trong trường hợp này là có lý! Và cây đinh từng môn tất nhiên trở thành biên tập viên! Tất cả các ý kiến đều được bộ ba đồng ý và những kẻ được bầu vào ban biên tập cứ giẫy lên từ chối nhưng rõ ràng là không dấu được vẻ hãnh diện, có cả sự hãnh diện không liên quan gì đến báo chí, đó là được thừa nhận mình trong đội ngũ học sinh khá giỏi của lớp, một điều mà từ trước đến nay bị lu mờ vì ảnh hưởng của thành tích chung quá lẹt đẹt.
Tờ báo cần sự góp sức của những bạn viết chữ đẹp nữa, và những bạn có năng khiếu về hội họa – Đoan Trang nói.
- Chữ đẹp thì không khó nhưng hội họa thì…
- Bạn nào xung phong trang trí tờ báo của chúng ta?
Không một cánh tay nào giơ lên và cũng không một lời tiến cử nào. Quy liếc nhìn Bảo, Bảo nhìn Đoan Trang… rồi bộ ba nhìn nhau cười và cả lớp cùng cười. Bảo phẩy tay:
- Tìm người có khả năng trang trí cho tờ báo của chúng ta là việc của tổng biên tập. Thôi, nếu các bạn không có ý kiến nào khác thì cuộc hội ý đến đây là kết thúc. Nếu trên đường về hoặc đang ở nhà mà ý tưởng nào hay hay cho tờ báo, xin các bạn liên hệ với ban biên tập.
- Chớ không phải liên hệ với lớp trưởng à? – Bích Thủy thắc mắc.
- Không! – Giọng Bảo chắc nịch – Tờ báo thuộc quyền điều hành của ban biên tập do các bạn bầu ra mà tổng biên tập là bạn Trung.
Câu trả lời làm cả lớp thấy dễ chịu. Thằng Trung làm được không thì chưa biết, nhưng cách điều hành mới mẻ này khuấy động một điều gì đó… Từ xưa đến nay, cứ lớp trưởng nghĩa là trưởng luôn tất cả mọi sự.
Chỉ riêng Trung là lo lắng. Tưởng nói năng loạn xạ cho vui không chết ai thì được, chứ hóa ra trách nhiệm này thật sự quăng lên vai nó thì…
Trung chặn Bảo trên hành lang:
- Mày lầm rồi. Lẽ ra tổng biên tập phải là Đoan Trang vì nó giỏi toàn diện.
- Nhưng… – Bảo liếc về phía con gái đang đi chầm chậm phía sau, hạ giọng – Giỏi toàn diện sao bằng giỏi mũi nhọn được? Mà tao cũng không ngờ lớp tín nhiệm mày vậy.
Trung gãi đầu:
- Tổng biên tập báo mà tụi nó không nộp bài thì sao?
- Thế nào cũng nộp! – Bảo cười cười – Nhưng chỉ sợ không hay thôi. Bởi vậy nên mới cần tới mày.
Trung đỏ mặt. Nó hiểu ý nụ cười của Bảo. Kể ra cũng thấy hãnh diện, từ trước đến nay chỉ mấy đứa khá môn tự nhiên là được để ý thôi. Và trong sâu kín, có đứa học trò nào giỏi môn xã hội mà lại không vương một chút mộng văn chương?
- Tao không chịu trách nhiệm hoàn toàn về tờ báo được đâu, biểu tao biên tập thì biên. Nhưng tao đâu có biết vẽ trang trí?
- Thì mày coi đứa nào vẽ đẹp môn địa với môn sinh, rủ làm báo luôn cho vui.
- Trời đất, chẳng lẽ trang trí báo bằng mấy cái hình bản đồ với xương sườn xương sống động vật?
- Vẽ xương với bản đồ đẹp thì vẽ những cái khác cũng đẹp chớ sao?
- Mà nếu vẽ những cái khác không đẹp thì sao?
- Vẽ gì cũng được – Mắt Bảo cười sau cặp kính – Miễn cả lớp mình cùng làm với nhau là vui rồi.
Trung nhìn Bảo. Nó không biết nói gì trước ý kiến xem ra quá mới mẻ này. Thường thì phải được một cái giải gì đó, ít ra cũng là giải khuyến khích, thì mới vui được.
Chuyện của ngày thứ hai Tuân nghỉ học là như vậy. Tất nhiên, Hoàng và Vinh chỉ kể lại những điều hai đứa nó nghe thôi, còn mắt thấy là do Tuân cảm nhận và hình dung ra. Nó đang còn suy nghĩ mông lung thì chợt thằng Vinh nhớ ra:
- À quên…
- Quên cái gì? – Hoàng hỏi.
- Lúc chọn người vô ban biên tập, Đoan Trang có giới thiệu mày Tuân à.
- Đoan Trang giới thiệu à? – Tuân tự hỏi – Đoan Trang tự nói ra hay là nói sau khi bộ ba đã bàn bạc với nhau? Thằng Bảo, mày không phải là Gia Cát Lượng đâu!
- Nếu có mày, mày chịu vô ban biên tập với tụi nó không? – Hoàng hỏi.
Tuân giả bộ không nghe, không trả lời.
7.
Nhưng những điều Hoàng và Vinh kể trên đây chỉ là một làn gió mới thổi qua khiến lớp B2 lao xao thôi, chuyện của ngày thứ ba mới thật sự là một cuộc cách mạng. Các cô thầy đã quá quen với tai tiếng của lớp đến nỗi mà ngay cả những tiết không có gì xảy ra thì điểm A vẫn là chuyện của may mắn!
Đầu giờ ngày thứ ba là tiết ngoại ngữ. Chẳng biết Bảo đi học từ lúc nào mà đứa đi học sớm nhất là Trung vừa đến đã thấy trên bảng là một bó hoa hồng thật to vẽ bằng phấn màu, lời chúc Happy Birthday vẽ kiểu chữ nổi chạy hình vòng cung bên dưới bó hoa hai bên lua tua lá giống như một cái lẵng. Không đứa nào là không xuýt xoa. Đứa khen vẽ đẹp quá, đứa thắc mắc thằng Bảo vẽ lúc nào mà sáng sớm đã thấy rồi, đứa hỏi sao biết sinh nhật của thầy Nghiêm… Cả Quy và Đoan Trang cũng bất ngờ và thán phục.
- Tao đi học sớm nhất mà đã thấy rồi – Trung lặp lại đến lần thứ mấy mươi.
- Mà sao bữa nay ông đi sớm vậy? – Bích Thủy hỏi.
Trung ngớ ra không trả lời được. Chẳng lẽ lại khai ra chuyện tờ báo khiến nó bồn chồn đến nỗi chỉ muốn đến lớp sớm, mà sớm để làm gì thì nó cũng không biết! Mắt Bích Thủy nheo nheo ra vẻ khiến Trung nổi cáu. Cây muốn lặng mà gió chẳng chịu đừng. Rồi chợt Trung “ơ – rê – ka”, suốt đêm qua Trung chỉ lo lắng không biết tìm đâu ra họa sĩ trang trí. Thằng Bảo nói vẽ xương, vẽ bản đồ là nói vậy chứ trách nhiệm đổ lên Trung chứ có phải nó chịu đâu. Nhưng bây giờ thì có rồi, chính thằng Bảo, tác giả bó hoa tuyệt đẹp trên bảng và cách biến hàng chữ chúc mừng thành cái lẵng. Trời ơi, không cần phải tìm kiếm đâu xa xôi. Nếu đứa nào khác thì Trung còn phải thuyết phục năn nỉ chớ Bảo thì quá khỏe. Hèn nào nó nói chuyện vẽ vời nghe cứ như đùa chẳng sợ gì ai.
Trung hớn hở chạy lại chỗ ngồi của Bảo nhưng vừa đến ngang bàn Bích Thủy thì trống vào lớp, Trung vội quay về chỗ của mình. Bích Thủy tưởng Trung định hỏi gì mình nên ngước mặt chờ đợi, chợt thấy Trung quay ngoắt đi bèn chồm theo:
- Ông làm gì như cóc nhảy vậy?
Nếu là bình thường thì thế nào Bích Thủy cũng nhận lại một câu trả đũa sao cho có con gì đó tương đương con cóc, nhưng hôm nay… Hôm nay, chính xác là bắt đầu từ hôm nay Trung không có thời gian, không mất công cho việc ăn miếng trả miếng với Sữa Ông Thọ nữa. Hy vọng vào khả năng của mình cộng thêm tài vẽ của Bảo và cũng là đứa sẵn lòng với tờ báo nhất lớp, Trung chợt mong manh về một giải thưởng nhất hoặc nhì… Tại sao không? Và Bích Thủy trở thành chuyện nhỏ! Chuyện không đáng kể! Cái đầu Trung còn bận bịu cho những suy nghĩ về tờ báo sẽ đoạt giải. Chà, nếu đoạt giải…
Tiếng giày lộp cộp trên hành lang và dáng cao cao của thầy Nghiêm ngang cửa sổ. Tiếng lào xào lắng xuống, im phăng phắc. Thầy có vui? Có bất ngờ? Có xúc động? Và bó hoa này có xóa đi được những ấn tượng bấy lâu B2 gây ra… Bắt đầu một chương mới?
Tất cả những dự đoán đều phập phồng. Thầy xoay người ngắm bó hoa với nụ cười thật tươi và thầy làm một việc mà không đứa nào nghĩ ra là lên bục đếm những bông hoa: – One, two, three, four, five, six,…, twenty seven, twenty eight.
- Sao các em biết thầy hai mươi tám tuổi? – Câu hỏi bằng tiếng Anh thốt lên một cách vui vẻ.
Sao biết? Đó là một bí mật! Đáp lại câu hỏi là một tràng pháo tay rào rào của cả lớp. Một sinh nhật không hoa tươi, không nến, không bánh tầng và không nước ngọt nhưng gây xúc động quá thể và làm nên một tiết học hết sức đặc biệt – tiết học không sử dụng đến bảng đen phấn trắng. Bó hoa sinh nhật tuyệt vời vậy mà xóa đi sao đành?
Chưa hết, lúc chỉ còn năm phút nữa là hết tiết thì Bảo cất tiếng hát “Happy Birthday to you…”. Giọng hát tỉ lệ nghịch với tài vẽ khiến cả lớp cười nghiêng ngả, còn thầy thì vừa cười vừa lắc đầu.
Điểm A đỏ chói trong sổ đầu bài. Điểm A. Đúng vậy. Chính nó!
Và hơn cả điểm A là cô Vân dạy tiết sử tiếp theo. Cô Vân nghiêm khắc lạnh lùng nổi tiếng toàn trường. Và hơn cả nghiêm khắc lạnh lùng là cách đặt câu hỏi khiến không một học sinh nào dám chắc mình sẽ được điểm cao nhất dù thuộc bài làu làu. Cô liếc nhìn lên tấm bảng được lau sạch sẽ với vẻ hài lòng:
- Tôi nghe nói lớp này vừa tặng thầy Nghiêm bó hoa đẹp lắm. Hoa đâu rồi?
Tuân nghe thấy sự vui vẻ trong từng âm điệu Hoàng và Vinh kể lại, sự vui vẻ rất bỗng nhiên. Đến cả hai đứa này cũng bị ảnh hưởng bởi bó hoa kết quả của nó thì hỏi những đứa khác ra sao? Tuân cắn răng: Bảo, mày giỏi lắm, nhưng không phải ngày nào cũng là sinh nhật cho mày mưu lược đâu!
Đang huyên thuyên về bó hoa và điểm A, chợt Vinh nhớ ra:
- À, thằng Bảo nhắn tao nói lại giùm với mày là nó muốn đến gặp mày mà không dám vì sợ mày cử động nhiều thì chân lâu lành.
- Gặp làm chi? – Tuân ơ hờ hỏi.
- Nó nói mày viết chữ đều nhất lớp.
- Nó nhìn vở tao hồi nào mà biết?
- Tao cũng hỏi vậy. Nó nói mày lên bảng viết chữ không bị ngả nghiêng leo đồi xuống dốc như nhiều đứa khác. Chứng tỏ nó cũng để ý mày nghe Tuân.
- Cũng để ý thôi à? Tuân nghĩ thầm và nhún vai nhìn Vinh:
- Nhưng chữ đều thì sao?
- Ý nó muốn mời mày vào ban thực hiện tờ báo.
- Ban thực hiện là cái quái gì?
- Là viết bài.
Hoàng đẩy vai Vinh:
- Mày nói sao khó hiểu quá. Viết bài thì ai cũng phải viết. Còn thằng Bảo mời thằng Tuân trình bày nghĩa là chép lại bài được chọn lên giấy rô ky bằng nhiều kiểu chữ khác nhau.
- Tao hiểu rồi, không cần giải thích dông dài đâu.
Tuân nói vẻ dửng dưng mà lòng giận sôi lên. Nó nhắc đến Tuân chỉ để bắt Tuân cong lưng viết viết chép chép những điều tụi nó đã chỉnh sửa. Mày ra vẻ quá nghe Bảo!
*
Ngày thứ tư, Hoàng kể đã có hơn năm chục tên gọi được đặt cho tờ báo, nghĩa là có đứa tham gia đặt hai ba tên luôn, nhưng vì có nhiều tên trùng nhau như Rạng Đông, Sao Mai, Hướng Dương… nên chỉ còn lại mười hai tên. Mỗi đứa được phát một phiếu ghi mười hai tên đó để chọn ra tên mình thích ngày mai nộp lại cho ban biên tập, cuối giờ ngày mai sẽ công bố tên được chọn.
- Với lại phát thưởng luôn – Vinh nói và cười tít mắt – Lỡ may mà trúng tên tao hay mày đặt thì ngon.
- Ờ, biết đâu. Mày tên gì?
- Sao Mai. Còn mày?
- Bình Minh.
- Tao hỏi tên mày đặt kìa.
- Thằng này ngớ ngẩn, tao phải chọn cái tên tao đặt chớ.
- Ờ…- Vinh cười – Thôi hôm nay về sớm để chiều còn đi sơn bảng nữa.
Tuân ngạc nhiên:
- Sao hai đứa mày lại phải đi sơn bảng?
- Tại thằng Định nhiều chuyện. Nó nói ti vi năm giờ chiều qua phát chương trình Vật lý ứng dụng trong đời sống hàng ngày có nói là để bảo vệ mắt học trò thì bảng nên sơn màu xanh lá cây. Vậy là bộ ba quyết định sơn lại cái bảng màu đen của lớp dù còn mới. Thằng Bảo còn nói các bạn có những thông tin nào tốt hơn cho lớp học của chúng ta hiện nay thì hãy thông báo cho bộ ba biết.
- Ngày mai, hai đứa mày hãy nói với nó là chương trình Vật lý ứng dụng trong đời sống hàng ngày còn khuyên rằng tường của lớp học nên sơn màu vàng chanh. Hỏi nó có kiếm đủ tiền để sơn lại bốn bức tường không thì sơn luôn đi. Mà sao nó lại bắt hai đứa mày đi sơn bảng?
- Thì nó nói hai đứa tao ít khi tham gia hoạt động của lớp nên chiều nay tham gia cho vui.
- Chẳng phải vậy, nó thấy hai đứa mày học hành lẹt đẹt nên lập thành tích sơn bảng bù lại. Coi chừng tác dụng ngược đó nghe – Tuân cười mũi – Sơn bảng không dễ đâu.
- Nó nói rồi, phần tụi tao là cạo lớp sơn cũ.
- Vậy chiều nay còn ai nữa?
- Thì thằng Bảo với thằng Quy. Hai đứa nó phần sơn mới.
- Rồi lớp chiều lấy bảng đâu mà học?
- … Ờ, chẳng biết. Vậy chắc là sơn buổi tối.
- Sơn buổi tối rồi sáng sao khô kịp? Chưa kể lỡ điện cúp thì sao?
- À… ừ…
Tuân nhếch môi:
- Cái bảng ít ra phải đợi đến chủ nhật. Thằng Bảo thích làm nổi nhưng không phải cái gì muốn là được.
Nói ra xong, Tuân ân hận. Nó đã để lộ cho hai đứa này biết mình không thích thằng Bảo rồi.
Phóc lên xe, chợt Vinh ngoái đầu lại:
- Đoan Trang hỏi mày sắp đi học lại chưa?
- Đoan Trang hỏi à?
- Ừ, nói là mày nghỉ lâu quá sợ không hiểu bài mà sắp thi học kỳ hai rồi. Nghe đâu bộ ba sẽ tới chở mày đi học rồi cõng lên cầu thang.
- Nhắn lại tụi nó là cho tao gởi lời cám ơn, rất xúc động được bộ ba quan tâm nhưng tao sẽ tự lo liệu lấy. Và gởi lời chúc… à không…
Tuân kịp ngậm lại lời chúc sắp thoát ra miệng. Không được để tụi nó nghi ngờ gì cả!
Tuân cười. Hoàng và Vinh ngơ ngác:
- Mày cười gì vậy?
- Cười gì đâu. Thôi hai đứa mày về đi. Ngày mai tao đi học. Nghỉ ở nhà chán quá.
- Cái chân của mày thì sao? Hai đứa tao ghé chở…
- Thôi, thằng Cần với thằng Dương là đủ rồi. Ờ, nhờ tụi mày nhắn lại là vì tao đi lên lầu không nhanh được nên lỡ có trễ xin thông cảm nghe. Mà thôi… để ngày mai đi học tự tao xin phép các sếp.
Tuân nhấn mạnh từ xin phép một cách giễu cợt. Không nhờ nhắn nhe là đúng. Suýt nữa thì Tuân mắc mưu thằng Bảo. Nó nhắn qua thằng Hoàng thằng Vinh nghĩa là coi hai đứa này là bạn thân cùng một giuộc với Tuân. Nếu Tuân cũng nhắn lại qua hai đứa này chẳng khác nào công nhận nó suy diễn đúng. Không bao giờ!
8.
Vào lớp, việc trước tiên của Tuân là liếc nhìn lên bảng. Màu đen quen thuộc. Tuân mỉm cười: biết ngay là phải đợi đến chủ nhật mà!
Tuân đi chầm chậm về chỗ của mình. Không ánh mắt nào hướng về phía Tuân trừ thằng Dũng ngồi ngay bên cạnh. Mà sự chú ý của Dũng cũng chỉ gọn một câu:
- Bữa nay đi học lại rồi hả?
Tuân gật đầu. Và hết. Chỉ mới bốn ngày mà trận khẩu chiến giữa Bích Thủy và Trung về danh hiệu vệ sĩ hào hoa không còn lại dấu vết gì. Tuân cay đắng nhận ra nếu mình có chỉ còn lại một chân thôi thì chắc lớp học cũng chẳng vì vậy mà thay đổi! Trong khi suốt bốn ngày qua, nó nghĩ lung biết mấy trước những thông tin Hoàng và Vinh đưa về, vậy mà sự có mặt của nó hôm nay không hề ảnh hưởng gì đến không khí xôn xao của lớp. Tuân lắng nghe, đúng như Hoàng nói, sáng nay kiểm phiếu và công bố tên được chọn để đặt cho tờ báo.
Trung vung vẩy xấp phiếu trên tay. Bảo vội cản lại:
- Khoan đã, mấy hôm nay bạn Tuân không có mặt nên tôi đề nghị bổ sung phiếu của bạn Tuân.
Trung khựng lại một chút rồi lấy giấy bút hí hoáy viết mười hai cái tên và đưa cho Tuân:
- Nè, đây là những tên…
- Tao hiểu rồi – Tuân hất tay Trung ra – Chỉ được chọn một tên thôi chớ gì?
- Ừ , đúng!
- Mày chọn tên nào? – Trung lộ vẻ sốt ruột.
- Thì phải cho tao suy nghĩ đã chớ – Tuân thủng thẳng – Hay là vội quá thì tao khỏi tham gia cái vụ này cũng được.
- Nhưng…
Bảo cắt ngang lời Trung:
- Đợi đến cuối giờ cũng được mà – Quay qua Tuân, Bảo hỏi: – Cuối giờ mày nộp phiếu được không?
Định nói một câu đáp lễ nhưng thấy cả lớp có vẻ ủng hộ sự nhân nhượng của Bảo, Tuân gật đầu xếp tờ phiếu làm bốn nhét vô túi áo. Rồi tỏ vẻ áy náy:
- Lớp còn ai chưa nộp phiếu không?
- Còn vài bạn – Trung trả lời và nói to – Đề nghị bạn nào chưa nộp phiếu thì cuối giờ nộp luôn.
Trống trường vang lên. Thầy giáo vô lớp. Tuân kín đáo móc tờ phiếu ra liếc qua và gạch dưới cái tên trên cùng – Hoa Hướng Dương. Tao không cần cái vé vớt của mày đâu Bảo, đồ gót chân Gia Cát Lượng. Việc gì tao phải suy nghĩ, suy nghĩ để đặt tên cho một tờ báo không bao giờ được ai nhìn thấy? Cứ hô hào và dụ dỗ bọn ngốc trong lớp đi, cả thằng Trung dại khờ kia nữa, không nghe í éo với Bích Thủy như thường lệ. Một mũi tên trúng hai mục đích, vừa lái năng lượng của cái thằng nhiều chuyện nhất lớp vào công việc hò hét nộp bài, vừa tránh được cảnh cãi nhau giữa hai phe con trai và con gái. Mày giỏi lắm, Bảo. Nhưng chỉ Trung Chị bận bịu, còn Sữa Ông Thọ thì không…
Giờ ra chơi, nhìn thấy Bích Thủy đứng tựa lan can nhìn xuống sân trường, Tuân móc tờ giấy trong túi ra đi tới gần Bích Thủy:
- Cho nộp cái phiếu đi sếp.
Bích Thủy lừ mắt:
- Đừng có xỏ xiên tui nghe.
- Ừ thôi, xin lỗi, không gọi bằng sếp nữa. Thủy cho mình nộp phiếu.
- Mắc mớ gì nộp cho tui?
- Thì mấy đứa nói nộp cho tổng biên tập?
- Bởi vậy nên mắc gì mà đưa cho tui?
- Chớ… Thủy không phải là… sao?
- Tui làm chi cái chức đó cho mệt vậy?
- Nghe nói ai giỏi môn văn với môn xã hội thì… nên mình tưởng là Thủy. Vậy thôi, để nộp cho Quy.
- Không phải đâu. Nộp cho thằng Trung. Phân công rồi, chuyện dính dáng đến tờ báo là thằng Trung chịu trách nhiệm.
- Trời! – Tuân trố mắt – Trung? Sáng nay mình tưởng là lớp trưởng sai nó đi thu phiếu rồi nộp lại cho lớp trưởng. Hóa ra nó là… thật vậy à? Ai bầu nó vô chức đó vậy?
- Còn ai nữa…
Tuân gật gù:
- Ừ, Bảo nó bệnh tật yếu đuối nên chọn đứa õng ẹo là đúng rồi. Nếu chọn người bản lĩnh vững vàng như Thủy thì làm sao nó sai khiến được.
Mặt Bích Thủy ửng đỏ. Tuân mỉm cười:
- Thằng Trung làm tổng biên tập dưới sự lãnh đạo của thằng Bảo thì tên của tờ báo là…
Buông lửng câu nói bâng quơ, Tuân nhúc nhắc về chỗ ngồi, tờ phiếu còn trong túi. Trung đang gân cổ lên:
- … Và ngày mai là hạn cuối để nộp bài. Có bạn nói rằng để từ từ vì còn tới mười ba ngày nữa mới là ngày thành lập Đoàn. Nhưng hôm nay là thứ tư rồi, từ đây tới đó thì chỉ có hai ngày chủ nhật…
- Làm gì quan trọng vậy? – Bích Thủy từ hành lang nói vô – Thì ngày khác làm buổi chiều cũng được vậy?
Trung lắc đầu nhăn nhó:
- Chỉ có thể tập trung tất cả vào ngày chủ nhật thôi. Còn buổi chiều thì các bạn kẹt giờ học thêm, có người này thì mất người kia.
- Chỉ có ông mới tính toán ngày giờ kiểu từng li từng tí vậy chứ hồi làm báo mừng ngày Hiến chương Nhà giáo, cận ngày mới nộp có ai nói gì đâu?
- Ờ, vậy mới cho nên…
Trung bật ra lưng chừng thì vội ngậm lại, nhưng cả lớp đều đã hiểu, tiếng cười khúc khích bật ra. Ai cũng biết phần ngậm lại của Trung là “… tờ báo đó có ra gì đâu”. Trung liếc nhìn Quy rồi thở hắt ra:
- Mà cũng thông báo cho các bạn biết rằng nói là hai chủ nhật nhưng chỉ còn một ngày để tụ tập làm báo thôi. Ngày chủ nhật tuần này dành cho việc sơn bảng.
Bích Thủy tròn xoe mắt:
- Sơn bảng có dính gì tới ban biên tập đâu? Chỉ có bốn người là lớp trưởng, lớp phó phong trào với Hoàng và Vinh thì…
- Không! – Ngay lập tức Trung ngắt lời Bích Thủy – Đoàn trường ủng hộ ý kiến của lớp mình nên đã xin trường tiền mua sơn màu xanh lá cây, còn lại tất cả các bạn nam lớp mình chủ nhật này lo việc sơn lại bảng của toàn trường. Ai biết sơn thì sơn, ai không biết thì cạo cho sạch màu cũ.
- Bảng của toàn trường mà sao chỉ có nam sinh lớp mình thôi?
Trung lúng túng. Quy can thiệp bằng ánh mắt đầy vẻ bí ẩn và một câu mang vẻ triết lý:
- Đó mới là vấn đề.
- Vấn đề cái gì. Mấy ông nói rõ ra tại sao con trai lớp khác làm cái gì mà con trai lớp mình phải đi sơn cho tụi nó?
Câu nói chấm dứt bằng một cái liếc mắt bao trùm lên bọn con trai đang chăm chú theo dõi cuộc đấu khẩu. Có vẻ như ý kiến của Bích Thủy được bọn con trai ủng hộ và sẽ bùng lên một cuộc phản đối.
Trung nổi cáu:
- Không cần quan tâm tới bọn con trai lớp khác đang làm cái gì. Có khi người ta cũng đang làm cái gì đó rất hay ho mà mình không biết. Còn cái vụ sơn bảng này là lớp mình đã đăng ký với Đoàn trường nhận làm rồi. Mà bà có phải làm gì đâu?
Tuân liếc Bảo. Bảo có vẻ như đang tìm cách làm ngừng cuộc cãi cọ nhưng chưa biết bằng cách nào nên ngồi im, đôi mắt sau cặp kính bần thần. Giọng Bích Thủy vẫn vang lên rành rọt:
- Đợi làm gì mới được nói hay sao? Mấy người tích cực nhận ôm lấy công việc rồi hành tội người khác. Từ chuyện mấy ông thích sơn bảng rồi quàng qua bắt nộp báo tường sớm là sao? Đâu phải ai cũng rảnh rỗi như…mà đâu phải ai cũng thông minh nhanh nhẹn như ông đâu!
Mặt Trung sưng lên. Rõ ràng Trung định độp lại một câu tương tự nhưng rồi cố ghìm lại. Bích Thủy tiếp tục:
- Mà muốn tích cực sơn hết để lấy điểm thì sao không đợi qua cái vụ báo tường này rồi hẵng làm? Tự nhiên ôm đồm mọi công việc ngay cùng một thời điểm cho khổ người khác.
Trung không ghìm nổi nữa:
- Bà làm cái quái gì mà khổ? Rồi, cho bà khỏi nộp báo tường luôn.
- Biết ông giỏi quá rồi – Bích Thủy dài giọng – Lớp có bốn mươi lăm người mình ông làm bốn mươi hai bài cũng được mà – Mắt Bích Thủy quét một ánh nhìn sắc lẻm về phía Quy, Đoan Trang và Bảo – Ai chẳng biết! Nhớ là chính ông cho tui khỏi nộp báo đó nghe. Mai mốt phê bình là không được đâu đó.
- Không ai thèm phê bình bà. Và cũng chẳng ai thèm để ý đến bà để mà phê hay không phê.
- Ghê chưa. Mới đỗ ông nghè thôi đó nghe! Ông làm được bốn mươi hai bài báo chớ có thi học kỳ này giùm bốn mươi hai đứa luôn không? Giỏi ba cái chuyện báo biếc với sơn sia chớ có thật sự giúp cho ai học giỏi toán lý hóa văn sử địa không?
Cả lớp quay nhìn Đoan Trang, lớp phó học tập.
Thùng… thùng… thùng… Tiếng trống vang lên.
Không gian nhẹ nhõm như vừa qua một cơn bão.
*
Giờ ra về, những tờ phiếu cuối cùng được nộp lại cho Trung.
- Xin các bạn ở lại vài phút để nghe công bố kết quả – Quy nói.
Và Trung vội vàng gạch bút lia lịa đánh dấu từng cột tên được chọn. Rồi cầm lên tờ phiếu gần cuối, mặt nó chợt đỏ bừng. Chẳng nói chẳng rằng, Trung ngẩng phắt đầu lên nhìn Tuân chằm chằm. Tuân giả bộ như không thấy gì, móc tờ phiếu đang còn trong túi của mình ra:
- À, tao quên chưa nộp.
Mặt Trung đơ ra. Tuân chưa nộp thì tờ phiếu kia là của đứa nào?
Tuân rất muốn biết tờ phiếu kia ghi cái gì đến nỗi thằng Trung trở nên lúng túng như gà mắc tóc nhưng nó chẳng dại gì tỏ vẻ chú ý. Tuân liếc Bích Thủy, trên mặt của Sữa Ông Thọ là một sự ngạc nhiên. Vậy tờ phiếu kia không phải của Sữa Ông Thọ. Của đứa nào? Hoàng hay Vinh? Hay đứa nào khác? Và cùng lúc với cái nhìn hướng về Bích Thủy, khuôn mặt của Đoan Trang cũng lọt vào tầm mắt của Tuân. Trái tim Tuân khẽ đập. Sao trên đời này lại có một đứa con gái quá chừng trời ơi và một đứa con gái vô cùng dễ thương như vậy? Thằng Quy đi thi hoa hậu lấy tên Đoan Trang, còn thằng hở van tim thì sao? Thằng Quy đứng bên cạnh Đoan Trang rõ ràng là không xứng rồi, con trai gì mà thấp lại còn thô nữa. Còn thằng Bảo… như cọng rau cải úng nước… Nhưng quyển sách nào đó đã nói con trai chỉ cần hơn con gái cái đầu là đủ rồi! Lòng Tuân nhói lên.
Bảo nhìn thấy Trung mất bình tĩnh nên đi lên cầm xấp giấy trên tay Trung và tiếp tục làm phần còn lại rồi vui vẻ tuyên bố:
- Thưa các bạn, cần phân biệt là có hai tên hơi giống nhau, một tên là Hướng Dương và tên kia là Hoa Hướng Dương. Hai tên này số phiếu chênh lệch nhau chỉ là một. Hoa Hướng Dương được hai mươi phiếu, còn Hướng Dương là mười chín. Tờ báo của chúng ta sẽ có tên là Hoa Hướng Dương! Và tác giả của tên gọi này là bạn… Bích Thủy.
Tiếng ồ vang lên, cả tiếng đập tay lên bàn. Tuân cũng ô lên, nó cũng là đứa bỏ phiếu cho tên gọi này dù rất tình cờ. Trung mở mắt thật to nhìn tờ giấy ghi kết quả trên tay Bảo, nó phải chăm chút cho tờ báo tường mang tên gọi do một đứa nó ghét nhất đời và ghét nó nhất đời đặt cho sao?
Khuôn mặt Dương thập thò ngoài cửa sổ. Mắt Dương nhướng lên như hỏi “Lớp mày bữa nay không có cô giáo mà cũng tự giác hội ý à?”.
Trong khi mặt Trung ngớ ra và mặt Bích Thủy cũng ngượng ngùng thì Bảo nhanh nhảu đưa gói quà cho Trung:
- Tổng biên tập sẽ thay mặt lớp trao quà cho tác giả của tên Hoa Hướng Dương.
Gói quà nhỏ vuông vắn bằng bàn tay thắt nơ hồng rất xinh xắn. Trung lóng ngóng cầm lấy. Bảo gần như phải đẩy sau vai để chân Trung nhúc nhích tiến về bàn của Bích Thủy.
Nhìn thấy và cảm nhận chứ không bút mực nào tả lại được cảnh tượng này. Bảo đẩy tay Trung đưa gói quà ra thì Trung vội rụt tay lại vì sợ Bích Thủy không cầm lấy, vậy nên Bích Thủy đưa tay ra nhận thì… gói quà vẫn nằm trong tay Trung. Trung vội vàng chìa ra thì Bích Thủy đã rụt tay lại….
Tiếng cười vang lên càng khiến tình hình thêm bối rối. Và càng bối rối thì tiếng cười càng vang to…
Cuối cùng thì gói quà cũng được đặt vào tay chủ nhân của nó cùng với câu nói lí nhí của Trung “Thay mặt lớp, xin chúc mừng bạn. Và chúc cho tờ báo của lớp ta luôn được như tên gọi mà bạn đã đặt”. Một lời chúc văn hoa như vậy mà thốt lên lí nhí thật đáng tiếc! Và câu cám ơn cũng lí nhí như lời chúc.
Tiếng vỗ tay vang lên. Kết quả của cuộc hội ý ngoài sức tưởng tượng. Tuân đi ra khỏi lớp. Dương vỗ bụng:
- Đói quá rồi. Lớp nào cũng họp làm tao chờ mỏi chân luôn.
- Lớp thằng Cần cũng họp à?
- Ừ, nó nói tao chở mày về trước, nó còn phải làm cái gì đó cho kịp chào mừng ngày thành lập Đoàn mà.
- Lớp mày không làm gì sao?
- Có chớ. Nhưng phần tao là tới ngày đó với mấy đứa nữa khiêng bàn ghế.
- Khiêng bàn ghế đi đâu?
- Chẳng biết. Tụi nó biểu khiêng đi đâu thì mình khiêng tới đó. Mày đau chân không tao cõng?
- Thôi mày, tao có phải ông già đâu. Bữa nay bớt đau nhiều rồi. Than đói bụng mà còn đòi cõng?
Dương nhoẻn cười:
- Cõng bằng cái lưng chớ có phải bằng cái bụng đâu?
9.
Được nhận quà mà lẽ nào còn công kích dù quà chỉ là một cái chuông nhỏ treo góc học tập, gió thổi qua chuông rung lên thánh thót như lời nhắc nhủ. Và hơn vậy nữa, tờ báo mang tên Hoa Hướng Dương đâu phải như những bông hoa ngày tám tháng ba, qua ngày là quên luôn. Hoa Hướng Dương sẽ còn lại rất lâu, có khi là nếu đoạt giải thì được treo trong phòng truyền thống của trường nữa kìa. Rõ ràng không dễ gì được lưu lại… Nhưng bao người đang cố gắng cho nó được lưu lại.
Lẽ nào lại xử sự không tốt với kẻ ra công sức cho tờ báo?
Bích Thủy không còn ráo riết gây gổ với Trung nữa, hoặc có khi theo thói quen buột miệng châm chọc thì cũng sẵn sàng ngừng lại chứ không quyết đấu dồn Trung tới đường cùng như thường lệ. Và tất nhiên, lời thách của Trung “Cho bà khỏi nộp báo tường luôn” không bị nhắc lại, và bài viết của Bích Thủy là một trong những bài nộp sớm nhất. Đó là bài thơ về cái chuông mà Trung thầm nghĩ “Cái chuông hình dáng giống cái loa, quà quá hợp với chủ của nó”. Ý nghĩ này tất nhiên được giấu kín trong lòng tổng biên tập.
Không khí hòa bình đến nỗi trưa thứ bảy, trước khi tiết sinh hoạt bắt đầu Hoàng hỏi trỏng:
- Mai có đi cạo bảng không vậy lớp trưởng?
Câu hỏi thì gọi lớp trưởng nhưng mắt Hoàng nhìn về phía Bảo. Cả Bảo lẫn Quy chưa kịp trả lời thì Bích Thủy độp ngay:
- Đi chớ sao không đi. Lâu lâu làm có một ngày mà cũng không nhớ à sao phải hỏi? Đồ con trai làm biếng.
Nhìn kiểu của Bích Thủy là Tuân biết mình bị mất một đồng minh đắc lực rồi. Nó ân hận vì lá phiếu tình cờ của mình. Nếu biết sự tình thế này thì nó đã đọc kỹ lá phiếu hơn và gạch một cái tên khác. Ai có ngờ được một đứa con gái trời ơi như vậy mà nghĩ ra một cái tên hay như vậy. Nhưng rồi Tuân cũng không thấy tiếc nữa. Cái tên Hoa Hướng Dương tránh được cho thằng Trung những vụ cãi cọ gấu ó thì cũng tránh được cho Đoan Trang những lời xỏ xiên. Rõ ràng hôm đó Bích Thủy đã cố ý chuyển hướng công kích cả Đoan Trang, lớp phó học tập.
Nếu Bảo không phải là lớp phó phong trào mà phụ trách cả phần học tập của Đoan Trang thì sao? Khó hơn nhiều so với việc làm tờ báo hay cạo bảng sơn lại màu mới. Một chủ nhật hoặc là hai ba ngày hô hào mọi người sơn mấy chục cái bảng, là xong. Tờ báo tường rồi thì cũng xong. Nhưng việc học thì không thể qua vài ba chủ nhật tụ lại giảng giải là xong cũng như không thể đứng trước lớp tỏ ra trách nhiệm bằng cách gào lên “Học bài đi” và “Bạn nào được 10 điểm sẽ có thưởng”. Học tập là chuyện nỗ lực cá nhân, không thể một đứa giỏi cộng với hai đứa dốt thì bằng ba đứa trung bình được. Tóm lại, công kích Đoan Trang là hết sức ngu ngốc. Một lớp phó học tập giỏi là một kẻ có đủ khả năng giơ tay xung phong tất cả các môn. Xung phong tất cả các môn nhưng không kiêu căng. Còn muốn gì nữa? Chẳng lẽ đòi hỏi Đoan Trang đứng trước lớp hô hào như thằng ngốc Trung kia? Được thằng Bảo phong cho cái chức tổng biên tập là ngay lập tức thay đổi hoàn toàn, biểu gì làm nấy như một nô lệ. Chỉ với cái chuyện tặng quà cho tác giả của tên Hoa Hướng Dương cũng thấy xốn mắt, rõ ràng thằng Trung không muốn mà thằng Bảo cứ đẩy sau lưng.
Trưa thứ bảy, ra về, Hoàng hỏi Tuân:
- Mai mày đi sơn bảng không?
Một câu hỏi dò ngu xuẩn. Nếu không đi thì cũng chẳng bao giờ Tuân nói trước với những đứa như Hoàng và Vinh. Mà tại sao lại ra mặt chống đối một quyết định liên quan đến tất cả con trai trong lớp? Thà là Bích Thủy, nó có thể nói huỵch toẹt bởi vì nói hay không thì nó cũng là con gái, những đứa con gái không phải đi sơn bảng!
- Đi chớ.
Tuân đáp gọn lỏn rồi ngay lập tức cúi người qua lan can gọi Dương và Cần. Tuân không muốn thằng Bảo thấy mình dây dưa với thằng Hoàng, lỡ ngày mai Hoàng không đi, Bảo nó nghi Tuân đâm thọc thì phiền phức lắm. Tuân muốn mình thật ngoan trong mắt Bảo… Càng ngoan, nó càng yên tâm, càng dễ xử.
- Mày có quyền nghỉ vì lý do đau chân – Vinh nói.
- Chân tao sắp lành rồi.
Xuống tới sân trường, Tuân thấy Cần và Dương đang đợi ở bãi gởi xe. Thấy Tuân, Cần đạp xe tới gần và nghịch ngợm cúi chào:
- Xin mời quý khách!
- Tao làm khổ mày quá hả?
- Rất hân hạnh được phục vụ. Sáng mai hãy cứ đợi sẵn trước cửa tao ngang qua rước đi luôn.
Tuân leo lên xe:
- Sáng mai mày cũng lên trường à?
- Ừ.
- Làm gì?
- Lau cửa kính. Mùa gió bụi vừa qua, kính bị mờ hết rồi.
Cần vừa nói vừa dấn đạp, những vòng đầu chưa có đà loạng choạng khiến mấy chiếc xe đạp con gái hai bên la lên:
- Đi đứng kiểu gì vậy?
Cần lúng búng xin lỗi rồi làu bàu:
- Sao con gái hay la lớn vậy Tuân?
Tuân bật cười:
- Lớp tao cũng có một đứa la lớn hơn vậy nên tao quen rồi. Mai lớp mày có đi không Dương?
Dương lắc đầu:
- Có hai việc đáng làm thì lớp của hai đứa mày giành làm hết rồi. Còn gì đâu nữa mà đi làm?
Cần ngạc nhiên:
- Thật là mày không biết lớp làm gì à?
- Thì nghe bọn con gái nói cho con trai ở nhà, vậy thôi. Mà cũng tại bí thư lớp tao là con gái nên con trai khỏe lắm.
Tuân bật cười. Cần thở ra:
- Nghe xấu hổ quá Dương à. Bí thư lớp mày là con gái mà làm một việc không lớp nào nghĩ ra được là thu gom quần áo giày dép cũ…
- Rồi rồi… – Dương ngắt lời – Tao nhớ ra rồi, cũng tại lâu quá rồi nên tao quên. Từ tháng trước nó đã hô hào quyên góp những gì không sử dụng nữa để cho những người nghèo. À, vậy là tao biết rồi. Tụi nó nói của cho không bằng cách cho nên chủ nhật này tụ lại nhà bí thư để giặt ủi thẳng thớm rồi đem tặng nhà tình thương. Ờ, mà việc này thì cho con trai ở nhà là đúng rồi. Mày cự nự gì tao?
- Tao không cự nự chuyện con gái lớp mày cho con trai ở nhà. Tao chỉ ghét cái câu con gái là bí thư nên con trai khỏe hẳn ra.
- Chớ mày muốn tao nói sao?
Tuân bật cười. Cần nổi cáu:
- Muốn cái con khỉ.
- Còn mày đi cả lớp hay vài đứa hả Cần? – Tuân hỏi.
- Cả lớp mà đang sợ không xong đây. Mày coi, cả trường biết bao nhiêu là cửa. Con gái giặt rèm, con trai lau kính.
- Mình lớp mày làm công việc này thôi à?
- Ờ. Cũng như lớp mày đăng ký thi đua bằng công việc sơn bảng vậy. Chà, thằng Bảo lớp mày đang làm Đoàn trường chú ý quá đó nghe. Nó ở đâu ra vậy?
- Ở đâu ra là sao?
- Ý tao hỏi là nó chuyển từ đâu về lớp mày vậy?
- Nó học lớp tao từ đầu năm tới giờ.
- Vậy à? Sao chẳng nghe kể gì về nó?
- Tao cũng mới nghe như mày thôi.
- Sao kỳ vậy?
- Thì từ đầu năm tới giờ, nó im lìm có nói năng gì đâu. Đùng một cái, nó nổ như bắp rang.
- Hôm bữa thầy Nghiêm kể sinh nhật của thầy lớp mày tặng một bức tranh hoa, phải nó vẽ không?
- Chính nó.
- Thầy khen quá trời. Thầy còn nói vì bất ngờ quá chứ nếu biết trước thì thầy sẽ chụp một tấm hình bó hoa đó làm kỷ niệm. Vậy là tờ báo tường của lớp mày chắc ăn phần trang trí rồi, chỉ còn phần bài viết cho ngon nữa là ẵm giải như chơi.
- Còn các khối mười một và mười hai nữa thì sao?
- Thì cứ nhất khối mười là ít ra cũng giải ba toàn trường. Đó là nói khiêm tốn vậy. Chứ biết đâu vượt mặt khối mười một mười hai luôn thì sao? Phần trang trí đâu dễ có sẵn người ngay trong lớp. Nghe nói năm ngoái tờ báo đoạt giải nhất bị phát hiện là nhờ người ở đâu đâu trang trí giùm nên năm nay, điều kiện dự thi bắt buộc là chính học sinh của lớp tự làm lấy tất cả các khâu.
- Nghe khó quá.
- Ừ! Lớp tao bài vở xôn xao lắm nhưng phần trang trí tệ quá. Mấy hôm nay tụi con gái bắt tụi con trai xòe năm đầu ngón tay để đếm đứa nào có nhiều hoa tay…
- Hoa tay thì sao?
- Tụi nó nói có hoa tay thì vẽ đẹp. Mà hình như đúng vậy. Con trai lớp tao chẳng đứa nào có cái hoa tay để coi thử nó ra làm sao.
- Không biết hoa tay ra làm sao thì sao biết là tay có hoa hay không? – Tuân vặn lại.
Cần ngẫm nghĩ rồi bật cười:
- Ờ há.
- Để ngày mai tao sẽ coi tay thằng Bảo có hoa không.
Tuân nói đùa và thấy buồn cười. Mình mà cầm tay thằng Bảo thì sẽ ra sao? Nghe thằng Cần nói chuyện là biết không khí thi đua giữa các lớp rất sôi nổi, và Tuân hiểu tại sao thằng Bảo mới nhận chức mà đã sôi sùng sục lên. Sắp hết năm rồi, vào dịp thành lập Đoàn này mà lập được thành tích thì sẽ có cơ may cho cái lớp lẹt đẹt nhất khối mười ở phút tám chín! Và hơn tất cả là cơ may cho bộ sậu lãnh đạo của lớp! Nếu thằng Bảo bị rơi ở chỗ mà nó tự tin nhất? Rơi ở chỗ mà tất cả mọi người đều chắc rằng nó sẽ được? Nếu thằng Cần biết thằng Bảo cũng đang muốn giành cái cờ luân lưu đang cắm ở lớp chăm ngoan nào đó.
- Mày có muốn nhận cờ luân lưu thêm một lần nữa không? – Tuân bật câu hỏi.
- Sao lại không? Hôm bữa, nếu không có chuyện thằng Thăng làm áo dài cô Mai Thi bị dính phẩm màu thì cờ vẫn đang cắm ở lớp tao.
*
Chủ nhật trôi qua. Một tuần trôi qua. Tuân mấy lần bắt gặp ánh mắt Bảo nhìn mình. Chắc là định khen Tuân vài câu vì thấy Tuân chăm ngoan chấp hành tốt mọi yêu cầu chăng? Cái điều mà các Đoàn viên ưu tú gọi là động viên kịp thời…
"Mày không mất công làm cái động tác xoa đầu này với tao đâu, hở van tim à!" – Mỗi lần nhìn thấy Bảo có vẻ như dợm bước về phía mình, Tuân dấu nụ cười làm như chăm chú đọc bài hay làm gì đó khiến Bảo nhớ tới lần đến thăm bệnh nhân mà ngại ngùng thôi đi.
Chủ nhật, Tuân với cái chân đau đi cạo bảng như tất cả những thằng con trai chân không đau. Thứ hai, nộp báo tường, không phải là đứa sớm nhất nhưng cũng là một trong những đứa làm hài lòng tổng biên tập, một bài tự viết và một bài sưu tầm. Thứ ba, xung phong lên bảng nhận điểm tám môn toán. Thứ tư, tháo băng, Tuân tự đạp xe lấy, không phải ngồi ỏn ẻn phía sau như con gái nữa. Gởi xe vô bãi ngay sau khi tới nơi và ngoan ngoãn lên lớp ngồi giở sách vở ra ôn bài, không ngồi vắt vẻo trên xe đợi trống đánh rồi mới phóng vù qua mặt những cái xe muộn khác gây ách tắc. Thứ năm…
Nói tóm lại là Tuân xử sự như trăm ngàn đứa học trò chăm chỉ chấp hành nội quy ngày ngày đến trường, như một đứa vô danh không gây lo ngại cho ai
10.
Ngoài ban biên tập ra, chưa đứa nào nhìn thấy tờ báo tường cả, nhưng tin hành lang xôn xao là tuyệt đẹp và chắc chắn là không sợ đụng bất cứ tờ báo của lớp nào. Tên gọi làm sao thì tờ báo được trang trí đúng như vậy. Ba chữ Hoa Hướng Dương thật đẹp được kết thành từ những bông hoa nho nhỏ. Và chữ số 10 B2 duyên dáng cũng kết từ những bông hoa có tên như vậy. Mỗi dấu chấm là một bông hoa tí hon và kết thúc mỗi bài viết là một bông hoa hướng dương to hơn một chút thay cho dấu chấm hết. Khoảng cách giữa bài này và bài kia là một khóm hướng dương. Và ở khoảng cách chia đôi tờ báo để phân biệt các bài tự sáng tác và bài sưu tầm là những bình hoa hướng dương được cắm theo đủ kiểu.
- Thừa sức in thành sách hướng dẫn cắm hoa trang trí phòng khách! – Trung hùng hồn tuyên bố bằng giọng thán phục.
Và thán phục hơn nữa là những bông hoa hướng dương của Bảo không chỉ có màu vàng rực của nắng. Tờ báo là một rừng hoa mặt trời lung linh đủ màu sắc.
Bích Thủy cong môi:
- Hoa mà màu đỏ màu tím sao gọi là hướng dương được?
Trung nhướng mắt:
- Vậy bà không biết tiểu thuyết Hoa Hồng Đen của… của… – quên mất tên tác giả, Trung bèn ra vẻ – nhà văn nổi tiếng viết câu chuyện kể về một giải thưởng lớn dành cho ai là người trồng được hoa hồng đen mà bà không biết sao? Hoa hồng có bao nhiêu gam màu rồi mà còn cảm thấy chưa có màu đen là chưa đủ. Vậy hoa hướng dương không chỉ màu vàng là điều tất nhiên thôi.
Bích Thủy phẩy tay:
- Đó là chuyện của tiểu thuyết. Ông có dám lý lẽ vậy với các cô thầy trong ban giám khảo không?
Trung chẳng thèm trả lời. Vẻ tự tin quá của Trung khiến những đứa không ở trong ban biên tập sốt ruột. Định kêu lên:
- Sao báo của lớp mình mà không đem lên cho lớp nhìn một cái trước khi đem nộp?
- Không kịp – Trung lắc đầu phân bua bằng cách trách móc – Hồi đó kêu nộp bài sớm mà các bạn không chịu nên làm không kịp, suốt chiều cho tới tối hôm qua, cả ban biên tập phải thức trắng đêm luôn. Mấy đứa khác thì không sao nhưng thằng Bảo thì ba má nó đích thân tới gọi con trai cưng về vì sợ mất sức.
- Rồi thằng Bảo có về không?
Trung đưa hai tay lên trời vì câu hỏi quá tăm tối:
- Nó về thì sáng sớm nay hạn cuối cùng sao kịp nộp Đoàn trường được? Uống hai muỗng thuốc bổ và một viên trợ tim to đùng, nó ở lại vẽ tiếp.
- Bây giờ tờ báo đâu rồi? – Bích Thủy hỏi.
- Ở hội trường. Nghe nói ngày hôm nay chấm điểm vòng một. Đúng ngày hai mươi sáu tháng ba công bố kết quả chính thức.
- Nghe hồi hộp quá. Tí ra chơi, mình chạy lên coi có được không?
- Được chớ. Bà cứ nhìn thấy tờ nào độc đáo nhất chính là nó!
- Ghê chưa – Bích Thủy bĩu môi.
- Sao không ghê – Trung tỉnh bơ – Chẳng phải chính tên gọi của bà đặt đã gợi ý cho thằng Bảo trang trí theo kiểu đó hay sao?
Bích Thủy ớ người ra trước câu khiêu khích rất nịnh này. Rõ ràng gần gũi thằng Bảo nên Trung đã học được cách biến thù thành bạn một cách tuyệt chiêu! Cả lớp cười vang. Rồi Trung cũng nhoẻn cười:
- Đúng là cái tên bà đặt quá hay. Tui không ngờ…
- Không ngờ một kẻ như tui mà cũng biết văn hoa chớ gì?
- … Không, không… Đó là bà tự suy luận.
- Nói vậy…
- Thôi thôi… – Quy đưa tay ra.
Bích Thủy la lên:
- Lớp trưởng có nghe gì không?
- Có nghe – Quy gãi đầu – Tên của tờ báo đã gợi ý tưởng cho Bảo trang trí, đó là sự thật mà khi nhìn thấy tờ báo ai cũng phải công nhận. Nhưng tui không hiểu sao Trung nó khen bà thật lòng mà cũng không được yên?
- Ai không được yên?
- Ờ… thì cả bà cũng không yên…
Cả lớp cười rân như ve kêu. Những đứa chẳng bao giờ quan tâm đến công việc chung cũng cười và tỏ ra tò mò. Tiếng trống trường vang lên. Tiếng lục tục về chỗ ngồi. Bích Thủy lườm Trung, mặt đo đỏ. Trung cũng lườm lại, mặt ưng ửng. Cả lớp không chú ý đến điều này vì còn bàn bạc nếu tờ Hoa Hướng Dương đoạt giải thì bài viết nào sẽ được thưởng như ban biên tập đã hứa?
Rồi chợt có tiếng hỏi to:
- Hôm nay Bảo không đi học?
Cả lớp quay về phía chỗ Bảo ngồi, bàn bốn đứa nay chỉ ba, nhìn trống lỏng. Quy nói:
- Ừ, sáng giờ mừng tờ báo hoàn thành kịp nên quên nói với các bạn. Bảo cố gắng quá nên sáng nay bị mệt phải nghỉ.
- Trưa nay tụi mình đi thăm.
Đoan Trang nói nhỏ nhẻ. Trung phớn phở nói thêm một câu:
- Nếu sáng nay có kết quả chấm báo tường, trưa tới thăm mình đem tin giải nhất là nó lành bịnh luôn, khỏi uống thuốc.
*
Lẽ ra có thể như mơ ước của Trung. Tờ báo quả thật là độc đáo. Nhưng…
Giờ ra chơi, gần nửa lớp 10 B2, nghĩa là những đứa chưa nhìn thấy tờ báo huyền thoại và cả ban biên tập lẫn ban thực hiện chạy lên hội trường. Rồi đứa nào cũng bàng hoàng trước khung giấy loang lổ mực tím ngắt, chỗ nào không bị nhuộm mực tím thì nổi lên những đốm màu trắng xanh đỏ tím vàng hồng… nhìn như những vết trầy lở nham nhở.
Cô quản lý hội trường sững sờ. Tất cả sững sờ.
Trung “hực” lên một tiếng trong cổ rồi tắt nghẹn không nói được lời nào. Tất cả, không ai nói được lời nào. Cô quản lý hội trường xoắn những ngón tay vào nhau bối rối khủng khiếp:
- Trời ơi, từ sáng đến giờ cô trực ở đây để chuẩn bị sau giờ ra chơi là các cô thầy trong ban giám khảo chấm điểm. Không ai ra vào cả.
Im lặng một chút, cô khẽ nói tiếp:
- Chỉ có cô Loan chủ nhiệm lớp các em và thầy Nghiêm. Thầy Nghiêm khen tờ báo này đẹp nhất, rất sáng tạo. Thầy tiếc là không có trong ban giám khảo, nếu có quyền thầy sẽ chấm điểm tối ưu. Vậy mà…
Trung đưa tay rờ rẫm lên tờ báo, từng ngón tay mân mê như người mù… Từ sáng đến giờ, nó mới khoe phần trang trí của Bảo thôi, còn bài viết thì chẳng lẽ nó tự khen mình! Quy và Đoan Trang không biết cách làm người khác sung sướng! Nếu có Bảo, hẳn Bảo sẽ biết cách làm cho cả lớp hiểu công lao của Trung không nhỏ. Cả lớp đều nộp bài nhưng để sử dụng được những bài đó Trung đã biên tập kỳ công biết bao! Mà nội dung là cái để đọc chứ không thể miêu tả được.
- Trời ơi…
Chỉ thốt được vậy rồi Đoan Trang không nói được nữa.
Quy đi tới cửa sổ nhìn ra, sân thể dục bên ngoài vắng tanh. Thật dễ dàng quăng bất kỳ thứ gì qua khung cửa mà không lo bị ai bắt gặp. Quy nhìn xuống, những giọt mực tím tung tóe trên nền đã khô, màu tím lóng lánh nắng. Cái vị trí nhiều nắng này…
Quy cắn chặt quai hàm, ghì tay vào song cửa nổi hằn gân xanh. Cái vị trí nhiều ánh sáng… Tối qua, dưới ánh sáng điện, thằng Bảo nói tờ báo này nếu đặt ở chỗ có nhiều nắng thiên nhiên thì vẻ đẹp sẽ được nâng lên gấp bội. Sáng nay, nộp trễ nên chỉ còn chỗ trong góc. Quy phải nằn nì cô quản lý để xin dời tờ báo đang ở đối diện cửa sổ qua nơi khác. Và khi tờ báo của mình đứng vào vị trí này, Quy thấy Bảo thật có lý.
Đẹp đến nỗi cô thư viện thốt lời hoài nghi: “Các em nhờ họa sĩ nào trang trí phải không?”. Quy nghe mà sung sướng trong lòng. Cờ luân lưu dù chỉ một lần, ước mơ cháy bỏng từ đầu năm hay nói đúng hơn là từ khi nhận chức lớp trưởng đến nay sắp trở thành sự thật. Thà là một lớp yếu mọi mặt nên không được nhận cờ thì cũng đành. Còn đây, lớp không đến nỗi nào mà cái cờ chỉ là chuyện của ước mơ thì thật vô lý. Ruột gan Quy cồn cào mỗi khi nghe lớp trưởng của các lớp khác than thở một cách kiêu hãnh: Giữ cờ khổ ghê lắm, các cô thầy vô lớp nhìn thấy cờ là cho bài tập nhiều hơn, kiểm tra gắt gao hơn. Lỡ có lỗi gì là lập lại câu “lớp có cờ mà vậy à?”. Lớp Quy mà giữ cờ thì không bao giờ giả bộ than thở như vậy!
Bây giờ thì… Quy nhìn Trung sờ soạng trên khung giấy như người mù khao khát chữ. Mà cũng là mù thật thôi. Có đôi mắt sáng nào đọc được những bài viết xinh xắn nắn nót bị lấp dưới từng mảng tím ngắt độc địa? Bên dưới cái khung là một bịch ni lon đựng mực tím đã khô tóp lại nhăn nhúm. Quy nhắm nghiền mắt hình dung bịch mực quăng vèo qua cửa, đập vào tờ báo rồi òa vỡ ra.
- Thôi, Trung
Quy không chịu nổi cảnh rờ rẫm của Trung nữa. Nó bước tới kéo mạnh vai Trung xốc lên. Bị kéo mạnh bất ngờ, Trung bật ngửa vào người Quy, Quy không gượng kịp, hai đứa chúi xuống nền.
- Hai ông làm cái gì vậy? – Bích Thủy cau có hỏi.
Hỏi chỉ để mà hỏi. Hỏi không xoi mói. Hỏi không móc máy. Hỏi chỉ vì không thể im lặng nín thở nữa. Âm điệu của câu hỏi thẫn thờ đến tội nghiệp.
Vừa mới ban nãy đây, cãi lại Trung là để có cớ nghe Trung khen ngợi tờ báo mà thôi. Làm sao Bích Thủy lại là kẻ chưa nhìn thấy tờ báo được? Những bông hoa Bảo vẽ ý nghĩa đến nỗi nếu không có ba chữ Hoa Hướng Dương thì người ta cũng biết đó chính là tên gọi của nó! Mỗi khi ba từ Hoa Hướng Dương thốt ra là tim Bích Thủy đập từng nhịp rất lạ, tràn đầy niềm vui và tự hào. Niềm vui và nỗi tự hào có sức mạnh làm thay đổi rất nhiều điều…
Sự phá hoại thật là độc ác. Quy đứng im nhìn Đoan Trang, Trung và Bích Thủy. Rồi Quy đấm mạnh tay vào không khí, cú đấm phẫn nộ bất lực. Quy cắn nghiến răng: “Chính nó!”…
11.
Chính nó! Tuân giở sách dán mắt vào giả bộ không chú ý đến chung quanh như thường lệ. Nhưng chợt Tuân thấy gai người.
Những lần trước, chỉ mình Quy giận dữ và cả lớp nửa nạc nửa mỡ nhìn nhau, rồi qua. Tuân một mình và Quy cũng một mình.
Nhưng lần này là tất cả và một mình Tuân. Tờ báo là của tất cả. Là của Quy, là của Đoan Trang, là của Trung, là của Bích Thủy, là của những học sinh khá bộ môn xã hội gởi gắm vào bài viết ngắn của mình giấc mộng văn chương, là của những học sinh thích học tự nhiên nhưng muốn chứng tỏ dân tự nhiên không là khô khan như người ta vẫn tưởng, là của những đứa không nổi trội gì trong lớp nhưng chung một niềm vui muốn được thấy lớp mình không phải là lúc nào cũng lẹt đẹt như vẫn thường… Bảo đã thổi được khát khao của mình lan truyền đến tất cả. Tờ báo đẹp đến vậy! Và hơn cả một giải thưởng, tờ báo ôm ấp những ước mơ…
Không có chứng cớ như thường lệ và không thể thốt thành lời tên của kẻ gây rối, nói chính xác là phá hoại, nhưng không còn sự im lặng như thường lệ nữa. Quy xông về phía Tuân:
- Mày là đồ quái vật!
Tuân bứt mắt ra khỏi trang sách:
- Cái gì vậy?
- Đừng đóng kịch nữa. Mày nói đi, tại sao mày làm vậy?
- Tao làm gì đâu?
Quy nắm chặt nắm đấm. Không ai có động tác tỏ vẻ ngăn chặn cả. Tất cả đều phẫn nộ và tất cả sẵn sàng chia sẻ với Quy. Tuân thấy rờn rợn nhưng cố giữ vẻ cười cười:
- Có chuyện gì vậy?
Quy găm nắm đấm xuống bàn kêu “khốc” một tiếng khô khan. Sách vở bút mực trên mặt bàn rung lên… Tuân ớn lạnh. Thằng Quy không thiết tha gì nữa, nó điên giận và bất chấp…
Cả lớp im lặng theo dõi, không ai nói một lời. Tuân cố nén cơn ớn lạnh và gườm gườm đứng lên. Đánh nhau? Dáng thằng Quy thấp đậm chắc nịch…
Tuân chợt nhận ra nếu đánh nhau thì thằng Quy sẽ mất rất nhiều. Nó là lớp trưởng! A ha, Tuân cười khẩy, nỗi ớn lạnh tiêu tan. Cả lớp chứng kiến mày khiêu khích tao, mày gây sự với tao trước, lớp trưởng ạ! Mày sẽ phải trả giá rất đắt! Đụng vào tao là một giá rất đắt. Tuân lạnh lùng lừ mắt đáp lễ ánh nhìn của Quy, lòng cầu mong đừng đứa nào kịp can ngăn trước khi thằng Quy vung tay lên. Mày đánh trước đi Quy. Vung tay lên đi, Quy, nhường mày ra tay trước. Bọn con gái sẽ coi mày như một anh hùng, tha hồ thích! Cả bọn con trai nữa. Không dám à? Có ai bày sẵn mặt ra cho mày đánh dễ dàng như vậy đâu. Thậm chí là tao sẵn sàng thua…
Quy vung tay lên. Bốp! Tuân lùi lại, cú “bốp” sượt qua mũi, cái ghế phía sau bị đẩy đột ngột kêu rít lên. Tuân hít một hơi dài dồn sức cho cú đấm đáp lễ nhưng chưa kịp thì giọng cô Vân giận dữ vang lên:
- Lớp này có chuyện gì vậy?
Cả lớp như sực tỉnh, không ai nghe tiếng trống thùng thùng cả. Tiết sử, cô Vân. Đứa đang đứng lố nhố vội vàng chạy về chỗ ngồi, còn đứa đang ở tại chỗ ngồi thì vội lấy sách vở ra lật rột roạt. Tuân, một tay ôm mặt, tay kia kéo ghế về vị trí cũ và ngồi xuống.
- Quy, tại sao em lại đứng ngay giữa lối đi thế kia? Định thay tôi giảng bài à?
Giọng nói giận dữ làm Quy ngớ người nhận ra mình đang đứng ngay giữa lối đi. Nó cắn môi chậm rãi đi về chỗ rồi chậm chạp nhìn quanh như đến lúc này mới nhận thức ra mình đã làm gì.
- Tuân, mặt em làm sao vậy?
Tuân im lặng.
- Tôi hỏi tại sao em ôm mặt thế kia?
Im lặng. Ánh mắt cô Vân chuyển sang Quy:
- Tôi muốn biết chuyện gì vừa xảy ra?
Quy cúi gằm đầu xuống bàn. Cô Vân cao giọng:
- Đoan Trang, em cho tôi biết chuyện gì vừa xảy ra?
Đoan Trang đứng lên và cúi đầu. Giọng cô Vân lạnh lẽo hơn:
- Thu Hoa?
Thu Hoa, cựu lớp trưởng đứng lên và cũng như Đoan Trang, im lặng cúi đầu.
- Yên?
- Thúy?
- Định?
- Bá?
- Bình?
- Trung?
Lần lượt gần nửa lớp đứng lên và không đứa nào nói lời nào. Cô Vân giận dữ:
- Bích Thủy?
- Thưa cô… – Bích Thủy đứng phắt dậy như biết rằng không thể tránh được, rằng sẽ đến tên mình – Thưa cô, bạn Tuân đánh bạn Quy.
Tuân ớ ra kinh ngạc. Có nằm mơ Tuân cũng không ngờ. Và cả lớp cũng kinh ngạc, những ánh mắt len lén nhìn nhau thật nhanh. Cô Vân nheo mắt:
- Đúng không, Định?
- Thưa cô, đúng vậy.
- Bá?
- Thưa cô, đúng vậy.
- Bình?
- Thưa cô, đúng.
- Trung?
- Thưa cô… đúng.
- Yên?
- Dạ thưa cô… đúng.
- Thúy?
- Dạ…thưa cô, đúng.
- Thu Hoa?
- …Thưa cô, hình như vậy…
- Tại sao lại là hình như?
- Dạ… em đang ôn bài nên không chú ý đến các bạn… Lúc nghe tiếng kéo ghế mới nhìn lên thì đã đánh nhau rồi nên em không rõ…
Tuân trừng mắt nhìn từng đứa. Hèn hạ!… Trong cơn tức uất, Tuân nhận ra không có ai bênh vực mình. Hoàng và Vinh là những đứa chẳng bao giờ được cô thầy tin cậy. Nhưng Đoan Trang… Đây không phải là vấn đề ai bênh vực ai, ai về phe ai. Đây là sự thật!
- Đoan Trang?
Giọng cô Vân giễu cợt và ánh mắt cô cũng vậy. Nhìn mặt cô lúc này, không cần thông minh lắm cũng nhận ra cô đã chứng kiến cảnh đánh nhau và những câu hỏi chỉ là kéo dài phút giây tuyên án mà thôi.
- Đoan Trang? – Giọng cô thật thấp.
Tuân nín thở và cả lớp cũng nín thở chờ đợi câu trả lời của đứa con gái ngoan hiền dịu dàng và trong sáng như pha lê. Đứa con gái đứng ngoài mọi cãi cọ í ó, mọi tranh chấp, mọi nhiễu nhương. Đứa con gái lẽ ra phải được học ở một lớp chuyên nề nếp nào khác chứ không là lớp B2 này.
- Đoan Trang?
- Thưa cô… em cũng như bạn Thu Hoa.
- Dối trá! – Tuân bật dậy hét lên. Không chỉ vì lời Đoan Trang nói mà còn vì điều gì đó trong trái tim nó vỡ tan ra.
- Tôi chưa hỏi đến em – Cô Vân lạnh lùng đưa tay ra hiệu cho Tuân ngồi xuống.
Cô Vân đưa mắt nhìn từng đứa một. Rồi cô cầm lấy sổ đầu bài, cây bút trên tay cô lướt nhanh trên giấy.
- Tiết này có lẽ các em nên học với cô chủ nhiệm.
Nói xong, cô Vân đặt sổ đầu bài lên bàn giáo viên và đi ra khỏi lớp. Định nhoài người ra cửa nhìn theo cho đến khi cô khuất sau lối rẽ qua cầu thang thì phóng lên bàn giáo viên lật nhanh sổ đầu bài và đọc to:
“Mất trật tự, lớp trưởng tham gia đánh nhau. Cả lớp cùng dối trá bao che cho nhau. Xem thường giáo viên bộ môn. Không thể xếp loại “.
Không thể xếp loại! Nghĩa là loại C không xứng đã đành mà loại X loại Z cũng không. Chắc là cô xuống phòng hiệu trưởng.
Lần này là lớp mình chết thật rồi.
Giọng Quy cất lên nặng nề:
- Các bạn…
- Thôi, không nói nữa. Đằng nào thì cũng lỡ rồi – Trung át đi và mím chặt môi – Có gì thì cả lớp cùng chịu.
Tuân lạnh lùng:
- Tụi mày làm báo viết những điều đẹp đẽ lắm mà sao hèn vậy?
Trung quay mặt về phía Tuân, miệng há to nhưng Bích Thủy gạt phắt ngay:
- Không thèm trả lời, Trung.
Tuân nặng giọng:
- Đúng, thằng Trung không nên trả lời mà người trả lời chính là Thủy. Tại sao nói láo?
Bích Thủy đỏ mặt. Rồi màu đỏ chuyển qua màu tái xanh:
- Ông không tự hỏi tại sao những bạn khác cũng đồng ý với tui?
Không ai biết cô Loan đã vào lớp và đang khoanh tay đứng nhìn. Và cũng không ai nhận ra một bóng người đi qua cửa sổ, rồi dáng người xuất hiện – Gầy gò, trắng xanh, cặp kính trên sống mũi rung rung, ngón tay trỏ của bàn tay phải đưa lên đẩy cặp kính còn dính màu sơn:
- Em chào cô!
Âm thanh nhẹ nhàng nhưng đủ làm cả lớp giật mình. Bảo. Quy ngẩng lên:
- Sao mày tới giờ này?
- Tao khỏe rồi! – Bảo nở nụ cười trên khuôn mặt nhợt nhạt – Tao cũng sốt ruột nên đi học hai tiết sau.
- Mày đã xuống hội trường chưa? – Giọng Quy không âm sắc.
Ôi!
Im lặng.
Im lặng tức thở.
Trung thì thào:
- Bảo, mày… Hoa Hướng Dương của tụi mình…
- May là có thầy Nghiêm đã nhìn thấy tờ báo của tụi mình, thầy khen nhiều lắm – Bảo mỉm cười, mặt trắng nhợt – Tờ báo… sang năm, tụi mình sẽ có dịp làm lại. Mày ráng nhớ nội dung bài viết để sang năm tụi mình làm lại giống hệt như vậy. Lúc nãy tao đọc qua mấy tờ báo kia rồi. Tờ của lớp mình viết hay nhất.
Nước mắt Trung chảy ra. Thật vô duyên. Trung biết là vô duyên nhưng không thể cầm được nước mắt. Trung bật khóc thành tiếng khi người đưa cái khăn mùi soa cho nó là Bích Thủy.
- Không sao, Trung! – Bảo đưa tay làm động tác khuyên Trung đừng khóc nữa nhưng rồi cánh tay Bảo buông thõng xuống – Miễn là sang năm cả lớp mình lại cùng làm với nhau, đừng có để một mình lớp trưởng làm là vui rồi.
Quy bật ho sù sụ. Cô Loan tằng hắng khẽ. Cả lớp ngước nhìn lên rồi nhìn xuống bàn. Bảo chầm chậm đi về chỗ ngồi của mình. Tới nơi, Bảo ngước nhìn cô Loan, cặp kính trắng nhô lên sống mũi. Nhìn Bảo như một ông già:
- Thưa cô, em là lớp phó phụ trách phong trào mà để xảy ra chuyện không hay ảnh hưởng đến thi đua là lỗi của em. Cô có phạt thì hãy phạt mình em thôi, các bạn không có lỗi, các bạn đã rất cố gắng, nhất là bạn Trung.
Không chỉ cả lớp quay lại nhìn Tuân mà cả ánh mắt của cô Loan cũng đau xót và đầy tràn thất vọng.
Tuân rùng mình. Nó cố hết sức để khỏi hét lên: “Quân tử Tàu”. Thà là đánh nhau thô lỗ như thằng Quy. Tuân không cần! Không cần!… Thằng Quy không bao giờ nhận lỗi và không bao giờ tìm ra kẻ nhận lỗi cả. Lỗi luôn thuộc về tập thể lớp và cũng có nghĩa là không ai có lỗi!
Cả lớp chờ đợi cô Loan cầm sổ đầu bài lên và cùng với chuyện vừa xảy ra, tiết học hôm nay sẽ biến thành giờ tra tấn nhau giữa cô và trò. Rồi cô sẽ ra đi như cô từng nói. Cô không thể chịu nổi một lớp học như thế này nữa.
Cô Loan bước chầm chậm giữa lối đi và bàn nào cũng căng thẳng, tưởng cô sẽ dừng lại ở chỗ mình. Cô bước lên bục, đưa ngón trỏ xóa một vết phấn mờ. Rồi cô bước xuống, tiếng chân như tiếng gõ vào tim mỗi đứa.
- Lớp chúng ta không thể dự thi báo tường được như đã đăng ký, thật đáng tiếc! – Giọng cô Loan vang lên nhẹ nhàng – Nhưng với cô, tờ báo của các em xứng đáng đoạt giải nhất. Cô sẽ ủng hộ một phần tiền lương và trích thêm quỹ lớp để thưởng cho những bài viết hay như đã dự định. Các em đồng ý không?
- Cô…
Bảo thốt lên yếu ớt rồi bàn tay xanh xao bám chặt mép bàn, toàn thân lảo đảo…
12.
Cơn suy tim đưa Bảo thẳng từ lớp vào bệnh viện. Bàn vắng một chỗ ngồi, lớp vắng một chỗ ngồi, và trong lòng tất cả đều thấy vắng.
Lần đầu tiên, cả lớp đều nghĩ tới một đứa không có mặt trong giờ học.
Cơn suy tim cùng với chuyện đánh nhau trở thành vấn đề thời sự nóng bỏng. Cô Loan có thể ngay lập tức tuyên bố Hoa Hướng Dương xứng đáng giải nhất nhưng cô không thể ngay lập tức cứu được thằng Quy thoát khỏi án kỷ luật đang treo lơ lửng. Trường học, dù bất cứ lý do gì cũng không thể chấp nhận giải quyết vấn đề bằng cách đánh nhau. Huống chi bản tường trình của Tuân rất đúng sự thật là nó đang ngồi yên trong lớp ôn bài cho tiết sau thì thằng Quy đổ thừa chuyện gì đó mà đánh nó! May ra, nể tình đồng nghiệp, cô Vân miễn cưỡng bỏ qua tội của cả lớp là dối trá bao che và lừa cả cô giáo, không đưa chuyện này ra trước hội đồng giáo viên. Nhưng việc một lớp trưởng đánh nhau thì không thể bỏ qua, không thể tạo tiền lệ cho cách giải quyết bạo lực này.
Không ai nói ra nhưng Tuân biết tất cả đều buộc tội mình về sự tai tiếng của lớp, cờ luân lưu bị mất ngay trong tầm tay, uổng phí bao công sức. Và hơn tất cả là án kỷ luật dành cho thằng Quy đang treo lơ lửng cùng cơn suy tim của thằng Bảo và cả kết quả của năm học này nếu nó không đủ khỏe mạnh để thi học kỳ hai.
Cả Cần và Dương cũng vậy.
Cùng với giải ba báo tường toàn trường, cờ luân lưu trở lại lớp của Cần nhưng nó không vui. Một chiến thắng bị phủ quanh là những lời thầm thì: “Nếu tờ Hoa Hướng Dương không bị sự cố vào phút tám chín thì lớp D3 còn lâu mới được giải”.
Chiến thắng trên sự rủi ro của lớp khác là một chiến thắng không vẻ vang gì. Mà sự rủi ro đó gắn liền với tai tiếng của thằng bạn thân càng làm Cần bức bối. Hơn nữa, là một đứa tích cực nên Cần mến Bảo dù Bảo là đối thủ đáng gờm của nó. Đủ lý do để nó không muốn trò chuyện với Tuân.
Dương đơn giản hơn, nó buồn vì nghĩ rằng Tuân độc ác! Với một đứa không may phải mang hàng chục thứ bệnh tật trong người thì mình phải nên nhường nhịn, có đâu còn chọc phá. Như trước kia, chọc phá thằng Quy khỏe mạnh thì Dương không nói gì!
Nhưng rồi nhìn thấy vẻ lầm lì của Tuân, Dương cố tìm ra một lý do để biện hộ cho thằng bạn thân:
- Có khi thằng Bảo ngất xỉu là vì cô Loan.
Cần đanh giọng:
- Mày nói sao?
- Thì ai cũng biết bịnh tim là… lung tung lắm. Buồn thì ngất xỉu đã đành mà vui cũng ngất xỉu. Có khi vì tưởng sẽ bị cô Loan cho một trận nên thân, nào ngờ cô xử sự quá tuyệt vời nên thằng Bảo bất ngờ rồi vui quá nên…
- Vậy mày buộc tội tại cô Loan nên thằng Bảo phải đi cấp cứu?
- Tao đâu có nói vậy! – Dương nhăn nhó – Mày nên hiểu là… ví dụ như bà ngoại tao. Hồi đó nhà không có ai, ông ngoại tao đi kháng chiến, bà ngoại tao ở nhà một mình làm lụng quần quật nuôi sáu người con suốt bao nhiêu năm không sao. Đến khi ông ngoại tao về thì bà tao đổ ra đau một trận nằm đến sáu tháng luôn. Má tao nói là vì bà ngoại đã cố gắng quá nên…
- Mày muốn thằng Bảo nằm bệnh viện sáu tháng luôn hả?
- Đâu có! – Dương lắc đầu quầy quậy – ý tao nói là thằng Bảo ngất xỉu cũng vì đã cố gắng quá nên… – Dương im bặt trước vẻ mặt của Cần.
Cần nhìn Tuân:
- Mày định đi thăm nó không?
Tuân lắc đầu.
- Mày có định đi thăm không?
Tuân không trả lời.
- Mày có định đi thăm không? – Cần lặp lại câu hỏi.
- Tao đi hay không là chuyện của tao – Tuân bùng ra. Chưa bao giờ và chưa đứa nào dám nói với Tuân bằng cái giọng khiển trách như vậy – Nó đau ốm là vì nó đau ốm. Tao có làm gì nó đâu? Không có tờ báo thì nó cũng hở van tim sẵn rồi mà.
Cần trố mắt. Dương giảng hòa:
- Đâu cần mày làm gì nó thì mới đi thăm. Bạn bè cùng lớp thăm nhau là chuyện thường mà.
- Ừ, thà là nói vậy! – Tuân sượng sùng tự nhủ.
Nhưng đó là nghe Dương nói và Tuân tự nhủ với mình. Còn cái điều cảm nhận thì lại khác. Đạp xe từ nhà vô bệnh viện thì không sao, nhưng từ cổng bệnh viện nhìn tấm bảng vẽ mũi tên hướng dẫn đi vào khoa Nội thì đầu gối chân Tuân bỗng nhũn ra. Dù có cố mỉm cười rằng mình đang chỉ đi thăm một thằng bạn cùng lớp bị đau nhưng tận đáy lòng, Tuân vẫn thấy hoang mang. Nếu Bảo gặp chuyện gì đó? Chết…
Không! Đừng như vậy. Bảo, hãy mạnh khỏe và trở lại lớp học bình thường. Tuân cố mỉm cười tự nhủ với mình: “Từ nay về sau, mình trở thành một đứa ngoan ngoãn là vì sợ thằng hở van tim bị làm sao mà thôi!”. Tuân xách túi cam trên tay, đi đến cửa phòng nào cũng đứng lại nhìn ngó.
Cô y tá chặn Bảo lại trên hành lang:
- Em hỏi ai?
- Dạ em tìm bạn em.
- Bạn em là ai?
- Bạn em tên Bảo, bị đau tim ngất xỉu đưa vô đây ngày hôm kia.
- Có phải cậu bị cận thị không?
- Dạ, đúng nó.
- Xuất viện rồi. Người nhà đón về từ sáng.
Tuân ngạc nhiên:
- Về nhanh vậy sao cô?
Cô y tá bật cười:
- Em muốn bạn nằm ở đây dài ngày sao?
Tuân đỏ mặt. Nó lúng búng nói cám ơn rồi quay ra bãi giữ xe. Người đau ốm ở đâu ra mà đông quá, xe vừa mới gởi vô bãi mà đã thấy khó lấy ra, bao nhiêu xe khác đã dựng đầy phía bên ngoài. Tuân chợt nhớ ai đó nói người khỏe mạnh có nhiều ước mơ mà người đau ốm thì chỉ một. Bảo có là kẻ chỉ mơ ước một điều thôi không?
Tuân đạp xe đến nhà Bảo, ngôi biệt thự có hai cánh cổng sắt bệ vệ, từ xa đã bỗng thấy ngại ngùng. Nghe đâu, nó sở hữu một cái đàn piano mà đứa khác nằm mơ cũng không thấy được.
Tuân dừng xe trước cổng. Cái chuông tận trên cao. Mỗi lần thằng Quy đến làm sao nhấn chuông? Câu hỏi chợt hiện trong đầu và Tuân thấy mình lẩn thẩn quá, tại sao lại nghĩ đến thằng Quy? Nó xuống xe, nhón gót ấn ngón tay trỏ vào cái nút đỏ. Lỡ điện cúp, chuông không reo thì sao? Một câu hỏi nữa và Tuân thấy mình lẩn thẩn ghê gớm. Nó nhận ra mình đang lo lắng. Thằng Bảo có trả đũa lần đi thăm bệnh nhân bị trặc chân không? Hoặc là…
Một bà già đi ra mở cổng, xâu chìa khóa với những cái chìa thật to trên tay kêu lanh canh. Không đợi Tuân chào hỏi, bà kéo rộng cánh cổng sắt:
- Bạn của Bảo phải không? Vào đi cháu. Bảo nó ở trong phòng.
Tuân đi qua khoảng sân rộng đầy những chậu kiểng uốn dáng rồng bay phượng múa, đi qua một phòng khách thênh thang với những bức tranh bí ẩn trên tường. Rồi đến một cánh cửa đang khép hờ, Tuân đứng lại nhìn vô. Một cái piano ở góc và dàn máy vi tính đối diện, tấm rèm voan cửa sổ màu xanh nhạt nhẹ bay. Đúng phòng của Bảo, nó đang nhắm mắt. Ngủ? Không có cặp kính, nhìn khuôn mặt Bảo thật lạ. Thân hình nó mỏng manh như tờ giấy dán xuống nệm. Trên đầu giường là một quyển sách có tờ bìa quá quen thuộc với Bảo, Tam Quốc chí. Gió thổi nhẹ từ cửa sổ khiến những trang sách bay nhẹ.
Người phụ nữ ngồi cạnh giường có khuôn mặt giống Bảo nhìn Tuân:
- Cháu học cùng lớp Bảo phải không?
Tuân đặt túi cam lên bàn rồi đứng yên, nỗi lo sợ đột ngột dâng lên. Mẹ Bảo có biết Tuân không? Có biết những chuyện trên lớp? Bảo có kể…? Không, có vẻ như là không. Mẹ Bảo nhìn Tuân dịu dàng:
- Cháu ngồi đi, Bảo nó mới ngủ.
Tuân chợt nhớ lúc mình bị đau chân, bộ ba đến thăm, nó đã hành hạ bộ ba như thế nào…
Rồi mắt Tuân dừng lại ở quyển Tam Quốc chí, đọc loại này hèn nào nó mưu lược quá. Và nỗi lo sợ trong Tuân bỗng trở nên nhẹ nhàng. Với một đứa thích đọc Tam Quốc Chí thì có thể trò chuyện với nhau như hai hảo hán. Không tèm nhèm như mấy đứa trong lớp! Và cũng không nhất nhất như Cần.
Mẹ Bảo lắc đầu:
- Đau ốm, bác sĩ khuyên nghỉ ngơi mà nó cứ… Bị cận thị mà lúc nào cũng đọc cái gì đó… Cháu có thích đọc không?
Tuân lí nhí:
- Dạ có.
Đôi mắt Bảo khẽ động đậy rồi hấp háy mở ra. Nếu là bình thường, chắc Tuân không nín được cười. Những đôi mắt cận khi mới ngủ dậy nhìn kỳ quặc làm sao. Nhưng lúc này thì không lòng dạ nào mà cười được. Tuân nhìn Bảo, nó không biết bắt đầu từ đâu. Chợt Tuân cảm thấy nổi khùng. Bệnh tật thì an phận đi. Mắc gì còn xung phong làm cán bộ lớp khi biết lớp đã có kẻ gây rối để rồi bây giờ…
- Mày khỏe chưa? – Môi Tuân bật ra và nó bỗng thấy hài lòng.
- Khỏe nhiều rồi.
Tuân đợi sau câu trả lời thì Bảo sẽ mỉm cười. Nếu là Tuân, Tuân sẽ xử sự như vậy, một kẻ thích đọc Tam Quốc chí sẽ xử sự như vậy mới đáng mặt nam nhi.
Nhưng không, Bảo không cười. Mắt nó nhìn Tuân đăm đăm. Cái nhìn như là một câu hỏi buồn rầu.
- Lớp mình bữa nay ra sao?
Đây không phải là câu hỏi trong mắt Bảo. Trong mắt là một câu hỏi khác. Tuân nhìn ra cửa sổ, gió từ hướng này tiếp tục lật tung những trang sách. Mẹ Bảo bước đến khép cửa lại. Những trang sách nằm im xuống. Mẹ Bảo nhìn hai đứa rồi đi ra ngoài.
- Lớp bình thường.
Tuân trả lời mà không nhìn Bảo. Sự thật là lớp rất bất bình thường. Bắt đầu từ việc Đoan Trang thay lớp trưởng điều hành công việc. Lớp trưởng mặt mũi nào đứng trước lớp nữa khi bản án kỷ luật chưa được làm rõ trắng đen, còn lớp phó phong trào thì đang nằm bệnh viện. Quen nhìn thấy con trai hoa chân múa tay trước lớp, mấy hôm nay là một dáng áo dài thanh mảnh. Và dáng áo dài này không hề dõi mắt theo Tuân để theo dõi phản ứng như Quy và Bảo.
Hôm qua là hai mươi sáu tháng ba, lớp trưởng các lớp được tuyên dương và khen thưởng xúng xính đi lên bục nhận phần thưởng trước bao đôi mắt của học sinh toàn trường, có cả phóng viên báo đài đến dự. Lớp B2 đang đứng im lìm chợt xôn xao vì cũng được nhắc đến trong bài diễn văn của thầy hiệu trưởng với công lao sơn lại màu xanh lá cây tất cả bảng trong trường, rồi thầy nói: “Rất tiếc…”.
Hai chữ rất tiếc của thầy làm bùng lên những nuối tiếc đã cố quên đi! Cả lớp nhìn Tuân từ tóc xuống dép… Cái nhìn không che dấu, không phải là nhìn lén sau lưng. Rồi khi vô lớp, thằng Trung trao giải thưởng cho tác giả của những bài được chọn là hay nhất của Hoa Hướng Dương, mỗi phần thưởng là một quyển sổ dành để viết lưu bút. Bích Thủy nói to: “Đáng lẽ phần thưởng nhiều hơn nữa”. Câu nói kèm theo một cái lườm về chỗ Tuân ngồi, ý nó ám chỉ phần thưởng của trường.
Nhưng cái lườm không đáng ngại bằng ý kiến của Trung là đem tờ Hoa Hướng Dương đóng khung như một bức tranh treo trên lớp. Tưởng tượng tới việc ngày nào vô lớp cũng đối mặt với tờ báo loang lổ, Tuân thấy khó chịu quá. Tất nhiên, cô Loan không bao giờ đồng ý với ý kiến vạch áo cho người xem lưng này nhưng thằng Trung vẫn cứ nói oang oang trong giờ ra chơi, xem ra nó đã quên hẳn trận tranh cãi với Bích Thủy về danh hiệu vệ sĩ hào hoa rồi. Và nó cũng bất chấp như Quy, sẵn sàng đối đầu.
Sáng nay, xong bài thi môn lý, Tuân thấy lớp tụm năm tụm ba bàn bạc, Bích Thủy và Trung đi đến từng nhóm nói thầm thì gì đó, đụng ánh mắt Tuân thì lảng đi. Tuân đoán tụi nó đang bàn mưu tính kế để gỡ tội cho thằng Quy. Thật sự, trong lòng Tuân không còn niềm vui của kẻ chiến thắng nữa. Mọi việc xảy ra khiến Tuân thấy không còn tự tin và kiêu hãnh như bấy lâu.
Bảo thò tay lên đầu giường ngọ nguậy. Tuân hỏi:
- Mày tìm gì để tao lấy cho?
- Cặp kính. Mẹ tao cất nó đâu rồi?
- Mày đeo kính bây giờ làm gì?
- Quen rồi. Trừ khi ngủ, không đeo thấy thiếu thiếu.
Tuân nhìn quanh. Cặp kính nằm trên bàn, phía sau túi cam của Tuân.
Dường như cặp kính làm Bảo tự tin hơn cũng như Tuân không thấy là lạ nữa. Bảo chống tay ngồi dậy. Tuân chợt thấy nao lòng. Trong tư thế ngồi, nhìn Bảo gầy rộc và dài ngoằng ra. Bảo nói khẽ:
- Nhìn tao thấy yếu ớt thảm hại lắm phải không?
Tuân không trả lời, nó đưa tay cầm quyển Tam Quốc chí lên lật lật. Rồi thấy mình đang giống mấy đứa con gái khi bối rối hay cầm cái gì đó, Tuân trả quyển Tam Quốc chí về chỗ cũ. Đúng, nhìn Bảo thật trái ngược với căn phòng tiện nghi sang trọng này. Nhìn bề ngoài khó tin cái dáng xanh lướt bệnh hoạn này mà vẽ đẹp, đàn hay, và gì nữa? Một chuyên gia vi tính?
- Đang thi học kỳ hai – Tuân nói khẽ.
- Thi được mấy môn rồi?
- Toán, lý.
- Ngày mai có thi môn nào không?
- Không. Ngày mốt có thi hai môn địa và sử.
- Vậy ngày mốt tao phải đi học để làm bài thi.
- Mày có lý do chính đáng để xin thi sau một mình mà.
- Nhưng thi một mình sợ lắm. Thi cùng với cả lớp vẫn thích hơn.
- Nhưng sức khỏe của mày… thì sao?
Bảo gật đầu, cặp kính đột ngột sụp xuống sống mũi khiến hai con mắt thô lố nhô ra:
- Tao thấy dễ chịu nhiều rồi. Bệnh của tao mà nằm nhiều là mệt thêm thôi. Phải cố.
Cảm giác nhẹ nhõm trong Tuân trước sự quả quyết của Bảo. Nó chợt nhận ra sự buộc tội của mọi người khiến mình nặng lòng biết mấy. Nó cũng chợt nghĩ đến Đoan Trang và Bích Thủy, chẳng hiểu tại sao lại nghĩ đến cả Đoan Trang và Bích Thủy ngay lúc này. Nỗi tức giận vì lời khai man cũng chợt tan đi. Nhìn Bảo, Tuân hiểu nó chỉ biết chuyện tờ báo bị… chứ không biết những chuyện khác. Nếu biết, Bảo sẽ gỡ tội cho Quy bằng cách nào?
Bằng cách nào? Chưa biết. Nhưng chắc chắn Bảo sẽ tìm ra cách nào đó. Chỉ có điều chưa đứa nào là người đầu tiên dám nói cho nó biết những chuyện như vậy. Sao không ngồi yên để hưởng sự nâng niu bảo bọc của mọi người dành cho mà lại thích làm này làm kia cho rắc rối?
- Mày đi một mình à? – Bảo hỏi.
Tuân gật đầu, chợt cảm thấy nhột nhạt. Có phải thằng Bảo ám chỉ không một mình thì với ai?
Ngay cả thằng Hoàng và thằng Vinh cũng đã lơ Tuân rồi. Cũng đỡ bực là Tuân chưa bao giờ coi hai đứa này là bạn của mình. Tụi nó chẳng thương gì Bảo và cũng chẳng quan tâm gì đến thi đua chung của lớp, từ lúc tên Hoa Hướng Dương được chọn đặt cho tờ báo, Tuân chẳng nghe hai đứa nhắc gì tới báo biếc nữa cả. Đúng vậy, tụi nó chẳng thương ai và cũng chẳng đếm xỉa đến tờ báo. Tụi nó hùa về phe buộc tội Tuân chỉ vì lần này, trong vụ này, Tuân là kẻ yếu thế. Vậy thôi. Đồ cơ hội!
Tuân thở dài mà không biết là mình vừa thở dài. Nó lặng lẽ nhìn Bảo. Khi lặng im không nói năng, nhìn Bảo thật yếu ớt mỏng mảnh. Nếu nó không học chung lớp với Bảo, không chứng kiến những khuấy động từ ngày có Bảo thì không thể tin đây là đứa đã làm thay đổi không khí lớp B2, ngay cả cô chủ nhiệm cũng thay đổi, cô không đòi bỏ lớp mà đi nữa, cô ở lại, chấp nhận buồn vui. Và Đoan Trang… Ngay cả Đoan Trang cũng… Trái tim Tuân nhói đau. Nó từng mong Đoan Trang nhận ra nó không là một đứa tầm thường như những đứa con trai khác. Từng mong biết bao được Đoan Trang nhìn bằng ánh mắt không như nhìn những đứa con trai khác. Nhưng bây giờ, nó lại mong Đoan Trang hãy nhìn nó như trước kia, đừng như mấy hôm nay.
- Nhìn tao thấy yếu ớt thảm hại lắm phải không? – Bảo lặp lại câu hỏi.
- Không.
Bảo cười, nụ cười khiến hai má tóp lại:
- Tao biết bề ngoài của mình không nam nhi tí nào nên muốn chứng tỏ bằng công việc. Mày có thấy vậy là con nít quá không? Và hiếu thắng nữa.
Tuân không ngờ Bảo nói như vậy với mình. Nói năng kiểu này không giống Tam Quốc Chí tí nào.
- Nhưng tao không thắng được mày, Tuân.
Tuân kinh ngạc trước sự thú nhận của Bảo. Bảo gật đầu như muốn xác nhận lại lời mình nói thêm một lần nữa:
- Nói đúng hơn là tao không thuyết phục được mày. Tao tưởng mình giỏi hơn thằng Quy, nhưng không phải vậy…
- Mày giỏi hơn thằng Quy, điều đó đúng! – Tuân nói qua hàm răng cắn lại, trong lòng nó xuất hiện điều gì đó khó gọi tên.
- Nếu tao hơn thằng Quy thì tờ báo tường đã không bị… như vậy. Tao đã không được lòng mày, dù chính mày là đứa tao mong muốn chinh phục được nhất.
- Không phải là cờ luân lưu và Đoan Trang sao?
- Khi tao xung phong làm lớp trưởng, lúc đó tao chỉ sợ cô Loan bỏ đi mà thôi. Nhưng khi bắt tay vào công việc thì tao luôn nghĩ đến mày. Không hiểu sao lại vậy. Tao còn mong… rồi hai đứa mình cùng với nhau. Có mày, lớp sẽ khác. Tao nói thật lòng. Tao cũng mong cô Loan vui. Chủ nhiệm lớp mình suốt một năm mà cô chẳng có một lần vui. Tao là một đứa bệnh hoạn, tao hiểu niềm vui nâng đỡ con người đến chừng nào… Mày không biết, khi nhận trang trí tờ báo tao rất mệt. À, cần phải công bằng mà nói là lớp đổ thừa tại mày… không… đổ thừa tại tờ báo bị như vậy nên tao nằm bệnh viện là sai, sức khỏe của tao vốn đã vậy rồi. Ba mẹ sợ tao buồn nên cho tao học đủ thứ nào vẽ nào nhạc. Nhưng biết mà không sử dụng thì biết để làm gì? Vậy nên những ngày làm báo, tao vui lắm. Mệt mà vẫn muốn được làm nữa… Tao còn nghĩ là nếu mày nhìn thấy tờ báo, mày cũng sẽ thích…
- Tao nhìn thấy rồi! – Tuân buột miệng và im bặt. Nói nhìn thấy nghĩa là nó thừa nhận đã…
Tuân nhận ra mình đã nói những điều mà trước khi vào đây mình không định nói. Câu hỏi buồn rầu trong mắt Bảo thốt thành lời:
- Tao cứ tưởng mày ghét thằng Quy vì có khi nó không phải với mày… Ví dụ như khi thu tiền mua hoa, nó không nên đứng khựng lại trước mặt mày như vậy. Nhưng hình như… mày ghét tất cả, vì sao?
*
Tuân rời nhà Bảo khi trời chiều và đụng ngay đám con gái trong lớp đang đi trên đường với những giỏ xe đựng đầy hoa trái. Bích Thủy đạp xe ở hàng đầu và phía sau là Đoan Trang.
Lạ lùng sao, vẫn là khuôn mặt dễ thương của Đoan Trang nhưng trái tim Tuân không đập nhanh như mỗi khi tình cờ gặp. Đoan Trang bỗng không còn là đặc biệt nữa! Hay vì Tuân đang suy nghĩ về những điều rất khác? Và Bích Thủy cũng không còn là quá dễ ghét nữa. Hình như một điều gì đó đã ở lại sau lưng…
Tiếng ve kêu ran một góc phố. Lòng Tuân mơ hồ thấy mình không phải. Tại sao mình ghét tất cả? Không trả lời được tại sao!
Không đúng, Tuân không ghét tất cả. Tuân không ghét ai. Vậy thì tại sao? Tuân không biết…
Tuân về nhà, bữa cơm chiều trôi qua, buổi học tối trôi qua, và giấc ngủ chập chờn… Tuân mơ thấy mình đang đứng ở sân thể dục với bịch mực tím trên tay thì Bảo từ phía sau chụp lấy vai nó. Rồi chẳng hiểu sao, hai đứa lại cầm tay cùng nhảy qua cây sào trong tiếng gào to ủng hộ của cả lớp: “Mười điểm, thầy ơi!”… Rồi Tuân thấy Quy một mình đứng dưới cột cờ trời trưa nắng chang chang, cô Loan ngồi trên hàng ghế giáo viên đưa tay lau nước mắt. Bích Thủy hét lên: “Ông không tự hỏi sao những bạn khác cũng đồng ý với tui?”…
Sáng, Tuân đến lớp trong tâm trạng bứt rứt, cái tâm trạng này làm Tuân khó chịu ghê gớm. Nó nổi khùng với chính bản thân và dấn chân đạp mạnh, lách một vòng số tám qua đám con gái đang đứng trước cổng trường, tiếng la lối phản đối làm Tuân tỉnh táo hơn một chút. Nó cười phớt tỉnh và phóng vù vô bãi giữ xe.
Giữ nụ cười trên môi, Tuân đi lên lớp. Vừa đặt chân qua ngưỡng cửa, nó choáng váng và cố hết sức để bước từng bước đàng hoàng về chỗ ngồi. Ý kiến của thằng Trung đã được thực hiện! Tờ báo nhuộm mực tím thẫm treo ngay giữa tấm bảng màu xanh lá cây, từng vệt loang lỗ nham nhở như vết thương bị loét miệng. Không cần cố ý nhìn, chỉ có mặt trong lớp thì ở bất kỳ vị trí nào tờ báo cũng nằm trong tầm mắt. Cô Loan đồng ý rồi sao?
Không khí đặc lại tưởng như xòe tay ra thì có thể nắm lại được.
Tuân giở sách ra, dán mắt vào như thường lệ nhưng không một chữ nào lọt vô mắt. Không có chứng cớ! Tuân chưa bao giờ bị chỉ trích đích danh vì để lại chứng cớ. Và lần này cũng không ai có thể đưa Tuân ra mà khiển trách công khai được. Nhưng… đập vào mắt như vậy thì…
- Thưa các bạn – Giọng Đoan Trang nhẹ nhàng vang lên – Mười lăm phút sinh hoạt đầu giờ hôm nay mình xin thông báo đến lớp một việc như sau. Có ý kiến cho rằng tờ Hoa Hướng Dương dù không còn đẹp như ban đầu nhưng để ghi nhận công lao của tất cả các bạn đã hết lòng vì thành tích chung, từ nay trở đi, Hoa Hướng Dương sẽ được treo trong lớp như một bức tranh. Nhưng cô chủ nhiệm cho rằng như vậy sẽ gây phản cảm cho các cô thầy trong tiết học. Vậy nên nó sẽ được treo vào mười lăm phút sinh hoạt đầu giờ hàng ngày để nhắc chúng ta nhớ đến những điều tốt đẹp và cả những điều xấu.
Ngừng một chút. Tuân ngước lên và chạm ánh mắt của Đoan Trang. Lần đầu tiên kể từ ngày thay Quy điều hành lớp, Tuân mới thấy Đoan Trang nhìn mình. Nó cúi xuống, không nghe trái tim đập từng nhịp nao nao quen thuộc khiến nó phập phồng nữa, cái gì như là chua chát dâng lên…
- Và thưa các bạn – Đoan Trang tiếp tục – Theo ý kiến của đa số trong lớp là tờ báo sẽ được treo cho đến khi nào bạn Quy, lớp trưởng của chúng ta được khôi phục lại danh dự. Có bạn nào có ý kiến gì không?
Tuân cắm đầu nhìn vào sách nhưng nó biết cả lớp đang đợi phản ứng của mình. May mà trống báo hiệu chấm dứt mười lăm phút đầu giờ vang lên. Đoan Trang lên bảng cầm lấy tờ báo đi về cuối lớp và úp nó vào tường.
Úp vào tường nhưng không vì vậy mà nó không có mặt! Nó sờ sờ đó, hiển nhiên, đầy trách móc và lạnh lùng lên án!
Tuân thấy trái tim mình như đeo đá, nếu biết trước sự tình đến thế này thì chẳng bao giờ…
Ngày mai, thằng Bảo đi học lại, nói nói cười cười và bày chuyện gì đó ra cho cả lớp cùng làm, chuyện suy tim sẽ đi vào quên lãng. Còn thằng Quy… Tuân sẵn sàng lấy lại bản tường trình và cho qua việc mình bị thằng Quy đánh. Nhưng biết giải thích sao đây để cho bản thân không bị liên lụy? "Cho đến khi nào bạn Quy, lớp trưởng của chúng ta được khôi phục lại danh dự"? Đâu phải chỉ là danh dự của thằng Quy! Tuân cắn chặt răng. Rồi, muốn treo thì cứ treo! Ai ngắm nghía thì cứ việc ngắm nghía! Tưởng bàn bạc ra được cách nào hay ho lắm để cứu thằng Quy chứ bằng cách này thì…
Tự nhủ vậy nhưng khi ra về, nhìn thấy Đoan Trang tay cặp tay báo, Tuân khó chịu quá. Và khi Bích Thủy la lên: “Đoan Trang ơi, đưa cặp mình cầm bớt cho” thì Tuân không chịu nổi nữa. Bích Thủy mà trở thành thân thiết với Đoan Trang thì có nghĩa là toàn thế giới này khai trừ Tuân rồi. Nó sải dài bước lách nhanh qua hàng ba hàng năm nối đuôi nhau chật cứng hành lang. Cái cặp trên tay nó đánh vào hông một đứa con gái, ngay lập tức Tuân nhận được một cái nguýt giận dữ:
- Cái ông này 35 hả?
Tuân ngao ngán. Khi mình không hề muốn chọc phá gì ai thì lại vô ý đụng ngay một đứa con gái đanh đá. Chưa đủ hay sao mà bây giờ thêm cái chuyện 35 này? Con gái, chẳng biết lúc nào là dễ thương, lúc nào là chướng mắt.
A… Tuân khựng lại. Đứa con gái cũng tròn mắt nhìn Tuân. Đêm văn nghệ… Đứa bé nhỏ xíu có hai sừng tóc ngắn ngủn thắt hai cái nơ màu đỏ to đùng… Cô chị chưa kịp nói với Tuân lời cảm ơn về cái vé được tặng rất đúng lúc, và cả chỗ ngồi của đứa em không bị che khuất bởi một cái đầu cao cao ngay trước mặt Môi đứa con gái cũng tròn ra hình chữ A như Tuân. Đầu Tuân chợt bừng sáng ra. Đứa con gái sau đêm văn nghệ chặn lớp trưởng Quy ngay chân cầu thang gởi tặng bó hoa cho vệ sĩ hào hoa? Còn ai khác nữa
Thật khó giải thích vì sao lòng Tuân chợt dịu đi rất nhiều. Như là một kẻ đang chới với níu được mép phao cứu hộ. Đứa con gái mỉm miệng cười tươi, nụ cười xóa tan câu nói kinh khủng vừa thốt ra. Nụ cười khiến Tuân thấy mình không hoàn toàn cô độc. Đứa con gái có biết nụ cười của mình ngay lúc này là rất tuyệt vời không?
N.H
– Hết –
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét