Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2013

Lich su Dao Thien Chua o Viet Nam.html

Lich su Dao Thien Chua o Viet Nam.html

Nguồn : Tủ sách Dũng Lạc

Mục lục

Nước Việt Nam dưới mắt các Giáo Sĩ và người Tây Phương hồi thế kỷ 17-18

Các đô thị lớn của nước ta về hồi hai thế kỷ 17-18

Các Giáo Sĩ đạo Thiên Chúa đầu tiên đến nước Nam

Chú giải A : Về nhà họ Đỗ, thuộc làng Bồng Trung tỉnh Thanh Hóa

Chú giải B : Về bà Công Chúa Maria

Về thế kỷ 17, việc truyền đạo Thiên Chúa mới chính thức bắt đầu ở nước Nam

Giáo hội dòng Tên với việc truyền giáo

Các Giáo Sĩ dòng Tên với nước Việt Nam ta

Chú giải C : Về những tài liệu nói đến thời kỳ tiên khởi việ giảng đạo Thiên Chúa ở Việt Nam

Chú giải D : Về Cha Christoforo Borri

Một vụ nguyệt thực ở nước ta hồi năm 1920

Chú giải E : Về những vị thừa sai đầu tiên đến xứ Việt Nam

Chú giải F : Về những người Việt Nam chịu phép rửa tội đầu tiên ở Trung Kỳ

Chú giải G : Về những ngôi nhà thờ đầu tiên xây dựng ở Trung Kỳ

Chú giải H : Về cách thức dạy dỗ những người Giáo hữu đầu tiên

Chú giải J : Về bà Maria


NGƯỜI TÂY PHƯƠNG ĐẶT CHÂN LÊN ĐẤT VIỆT NAM

Âu và Á châu cùng ở trên cựu lục địa, từ đời thượng cổ đã giao thông với nhau, việc giao thông đó không phải thường thường có luôn. Sử Tàu chép: năm 166 (sau Thiên Chúa giáng sinh) đã có những lái buôn La Mã, mà người Tàu gọi là sứ thần, đến triều đình Trung Quốc sau khi qua nước ta. Đến năm 226, trong đời Tam quốc, lại có một lái buôn La Mã đến thủ đô quận Giao chỉ, viên thái thú quận đó cho thủ hạ đưa người này đến kinh đô nước Ngô vì lúc đó đất Giao chỉ thuộc về Đông Ngô cai trị.


Ở thế kỷ thứ 7, mấy người theo đạo Giatô về phái Cảnh giáo (Nestoriens) đã sang Tàu. Người thứ nhất mà người Tàu gọi là Olopen từ Ba Tư sang Tàu, nhưng chắc hẳn những người về phái Cản giáo đó không đi qua nước Đại Cồ Việt và kinh đô Hoa Lư của vua Đinh và vua Lê Hoàn.


Đến thế kỷ 13, vì quân Mông Cổ sang xâm lược Âu châu, đến tận miền Trung Âu, nên Đức Giáo Hoàng1 mới phái người sang Tàu để điều đình với các vua Mông Cổ 2. Năm 1271, hai người trong họ Polo ở thành Venise là Nicolo và Mattéo đã sang Trung Quốc đến tận kinh đô của nguyên Thế Tổ tức Hốt Tất Liệt. Lại đến năm 1275, Marco Polo3 là con Nicolo cùng cha và chú lại do đường bộ qua miền Cận Đông và Trung Á, cao nguyên Parmir sang nước Tàu đến kinh đô của Hốt Tất Liệt hồi đó là Cambaluc ở gần Bắc Kinh. Marco Polo rất được Nguyên chúa tin dùng, giao cho nhiều công việc trọng đại. Khi thì Marco Polo ở trong triều giúp các việc chính trị và hành chính, khi thì được vua phái đi sứ ở các miền Hoa trung, Hoa nam cùng Vân Nam và các nước lân cận Trung Hoa như Chiêm Thành, Ba Tư, có khi lại được cử làm tổng trấn một tỉnh lớn. Chắc hẳn trong khi từ Vân Nam sang Chiêm Thành, viên "sứ thần Mông Cổ", Marco Polo, có đi qua nước Việt Nam vì trong cuốn "Thế giới kỳ quan" (Les Merveilles du monde) Marco Polo cũng có nói qua xứ Bắc Kỳ. Sau 17 năm ở Tàu, ba người trong họ Polo mới có dịp về Âu Châu. Năm 1291, Nguyên Thế Tổ sai ba người này đi đường bể đưa một công chúa Mông Cổ sang Ba Tư để gả cho vua Mông Cổ ở xứ Ba Tư là Arghoun vừa mới góa vợ. Marco Polo từ giã Nguyên chúa và mang theo thư của ngài gửi cho Đức Giáo Hoàng và vua các nước Pháp, Anh cùng Castille rồi xuống tàu qua bể Trung Quốc, Ấn Độ dương đến Ormuz (Ba Tư). Marco Polo chắc hẳn có ghé lại kinh đô Đồ Bàn của người Chàm và vì ngược gió nên phải dừng ở bờ bể Sumatra trong năm tháng. Khi Marco Polo đưa công chúa Mông Cổ đến nơi thì vua Ba Tư đã chết, người con vừa lên nối ngôi lại thay cha lấy công chúa. Ba người trong họ Polo từ Ba Tư đi đường bộ Tanris, Azerbeidjan và Trébizonde đến Constantinople và năm 1295 mới về đến Venise.4


Đến thế kỷ 15, ông Kha Luân Bố (Christophe Colomb) mới dùng địa bàn chỉ nam5 định đi qua Đại Tây Dương để tìm đường thuỷ sang Ấn Độ, nhưng lại tìm thấy A-mỵ-lợi-gia (Amérique) tức Tân Thế giới 6. Năm 1497, người Bồ Đào Nha ( Portugal) là ông Vasco de Gama đi vòng qua Hải Vọng giác (Cap Bonne Esperance) ở phía nam Phi châu sang Ấn Độ Dương vào đất Ấn Độ. Năm 1521, lại có người Tây Ban Nha (Espagne) là Magellan đi qua Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương đến quần đảo Phi luật tân. Chính nhà thám hiểm này đã đi vòng quanh thế giới lần đầu tiên và tìm ra eo biển Magellan ở phía Nam Mỹ châu, nhưng sau ông bị giết ở Phi luật tân.


Từ đó về sau người Bồ Đào Nha, người Tây Ban Nha và người Hà Lan mới tranh nhau sang Á Đông lấy đất thuộc địa và mở cửa hàng buôn bán ở nhiều nơi. Năm quý hợi (1563) về đời Gia Tĩnh nhà Minh, người Bồ Đào Nha đến đất Áo Môn ( Macao) ở bờ bể nước Tàu. Năm mậu thìn (1568), người Tây Ban Nha sang chiếm quần đảo Phi luật tân. Năm 1596, người Hà Lan lấy đất Chà-và (Java) làm thuộc địa. Về sau dần dần người Bồ Đào Nha, người Anh-cát-lợi và người Pháp-lan-tây mới đến Ấn Độ.


Ngay từ thế kỷ 15, 16, người Âu châu đã biết bờ bể của nước ta, nhưng mãi đến đầu thế kỷ 17 thì người Tây phương mới bắt đầu giao thiệp với người Việt Nam ta. Lẽ tự nhiên là những người Âu đã ở cõi Á Đông trong hồi đó để chân lên đất Việt Nam trước tiên. Người Bồ Đào Nha thì từ Áo Môn đến trong khi có gió mùa đông bắc, người Tây Ban Nha từ Manille đến, người Hà Lan từ Chà-và và người Pháp và người Anh thì từ Ấn Độ sang. Người Âu châu bắt đầu tiếp xúc với người nước Nam ở xứ Đàng Trong (Cochinchine) trước 7, rồi sau mới dần dần ra Bắc. Chỗ người Âu đến buôn bán và mở cửa hàng trước hết là ở Hội An (Faifo), một nơi người Tàu và người Nhật đã đến từ trước. Mỗi lần đến, họ đem nhiều hàng hóa đến bán, rồi lại mua các sản vật của nước ta chở về nước.


Các chúa Nguyễn cai trị trong Nam hồi đó đang đánh nhau với chúa Trịnh, tưởng có thể lợi dụng được người Âu giúp mình đánh kẻ thù, nên tiếp đãi họ rất tử tế, lại cho phép được thương đi lại buôn bán. Chúa Nguyễn hay giao thiệp với người Bồ Đào Nha. Một người nước đó tên là Jean de la Croix năm 1614 (?) đã đến ở gần Huế mở lò đúc súng tại đấy, ngày nay vẫn gọi là Thợ Đúc hay là phường Đúc8 và được chúa Sãi cho phép mở nhà thờ và tiếp giáo sĩ trong nhà 9. Về việc đóng tàu, thì người Đàng Trong cũng học người Âu Châu nhiều. Có sách lại nói chính nhờ người Bồ Đào Nha giúp đỡ, nên quân chúa Nguyễn mới thắng nổi quân Trịnh.


Sau đó ít lâu người Tây phương mới đến Bắc Kỳ và các tàu của người Âu châu mới vào cửa Thái Bình và cửa Luộc.


Người Bồ Đào Nha không lập nhà buôn ở trong xứ, chỉ vào khoảng hai tháng décembre và janvier thì tàu buôn của họ từ Áo Môn đến Bắc Kỳ chỉ ở lại ít lâu để bán hàng hóa và mua các sản vật trong xứ để chở về. Khác với người Bồ Đào Nha, người Hà Lan, người Anh, người Pháp lại xin phép mở hiệu buôn ở Phố Hiến hay là Phố Khách gần tỉnh lỵ Hưng Yên ngày nay. Người Anh và người Hà Lan lại được phép mở cả hiệu buôn ở phố bờ sông kinh đô Kẻ Chợ tức Hà Nội ngày nay. Người Hà Lan được phép mở hiệu buôn từ năm 1637 dưới đời vua Lê Thần Tôn và chúa Thanh Đô vương Trịnh Tráng. Đến năm 1672, đời vua Lê Hi Tôn chiếc tàu Zant của người Anh do Andrew Parrick làm hạm trưởng, mới đến Bắc Kỳ, có cả người lái buôn tên là William Gifforp và năm người làm cho công ty Ấn Độ của người Anh cũng đáp tàu đến. Chúa Trịnh Tạc cho phép người Anh ở Hiến Nam.


Về người Pháp thì từ năm 1669 mới có tàu của Pháp vào xin mở cửa hàng ở Phố Hiến. Mấy  năm sau 1682, lại có chiếc tàu Saint Joseph ở Xiêm La sang đem phẩm vật và thư của vua Louis XIV dâng vua Lê Hi Tôn và chúa Trịnh.


Ở miền Nam, năm 1686, có người Pháp tên là Verret được phép mở cửa hàng ở cù lao Côn Lôn. Đến hơn 50 năm sau, 1749, lại có một người Pháp là Pierre le Poivre vừa là giáo sĩ, vừa là một công chức ở đảo France, vừa là nhà buôn do công ty Ấn Độ của người Pháp phái sang xứ Đàng Trong để giao thiệp, gây tình thân thiện và mở thêm một đường thông thương mới cho người Pháp. Pierre Poivre trước đã từng có ở bên Tàu. Ngày 29 tháng tám 1749, ông đáp tàu Machault đến Hội An (Faifo). Poivre ở Hội An ít lâu rồi đi đường bộ đến Thuận Hóa vào yết kiến Võ vương để dâng lễ vật và thư xin thông thương. Võ vương tiếp P.Poivre rất tử tế và cho phép được đi lại buôn bán. Nhưng về sau vì công ty Ấn Độ của Pháp bãi đi và nhiều việc khó khăn khác nên việc thông thương cũng không thể tiếp tục được.


Các công ty thương mãi của người Âu lập ra hồi đầu thập thất thế kỷ vẫn để ý đến nước Việt Nam và việc mở mang sự buôn bán với nước ta, nhưng sau cả người Anh và người Hà Lan đã mở cửa hàng cũng phải bỏ đi, có lẽ là vì việc buôn bán ở ta hồi đó không được lợi lắm.


Trong các người Anh đến Nam kỳ về hồi cuối thế kỷ 17, nên kể đến Thomas Bouyear là người đã đến kinh đô Thuận Hóa vào năm 1695 dưới đời chúa Nguyễn Phúc Chu hay là Quốc chúa niên hiệu là Hiển Tôn Hiếu Minh Hoàng Đế, người Âu thường gọi là Minh Vương, vị chúa Nguyễn thứ sáu. Người Anh này cũng đem phẩm vật đến dâng chúa Nguyễn để điều đình việc thông thương; nhưng sau cuộc điều đình không có kết quả mấy.
Đồng thời với các tàu buôn Âu châu, ngay từ thế kỷ 16 đã có một vài giáo sĩ Tây phương đến xứ ta; nhưng cũng chỉ đến, rồi ở ít lâu lại cùng đi với các tàu đó. Bước sang đầu thế kỷ thứ 17, số giáo sĩ sang nước ta mới càng ngày càng nhiều, việc truyền giáo mỗi ngày mỗi thịnh và số giáo dân trong nước ở Bắc Kỳ cũng như ở trong Nam càng ngày càng nhiều thêm. Trong số các giáo sĩ không những là người Âu châu mà lại có cả các giáo sĩ và các thầy giáo lý người Nhật Bản… vì đạo Thiên Chúa bắt đầu truyền từ giữa thế kỷ 16 và đã có hồi rất thịnh hành ở xứ đó.


Xem thế ta biết rằng các giáo sĩ đi truyền đạo sang Á Đông không phải đã đến nước ta trước hết.


Người Việt Nam ta vốn tính tình nhã nhặn, trung hậu, không hề có ý ác cảm với người ngoài như các giáo sĩ và các người Tây phương đầu tiên đã công nhận. Vì thế mà khi các giáo sĩ mới vào nước ta đều được dân ta tỏ vẻ hoan nghênh. Cả đến các vua quan nước ta, trong hồi bấy giờ cũng có ý muốn thân thiện với người ngoại dương, để bắt chước những điều khôn ngoan của họ, để mở mang việc buôn bán trong nước và có khi cũng để lợi dụng sức mạnh và sự tài giỏi của người vào việc mình. Nhưng về sau chỉ vì nhiều sự hiểu lầm đáng tiếc mà gây nên một mối nghi kỵ giữa người ngoài và người Việt Nam ta.


Hồi đó cả các giáo sĩ và các nhà buôn Tây phương vẫn thường bị coi là những kẻ do thám hoặc những người đưa đường dẫn lối cho các nước thực dân Âu châu, có ý muốn dòm dõi nước ta.


Đạo Thiên Chúa thì bị coi lầm là một tà đạo, có thể làm hại đến thuần phong mỹ tục và những tập quán cổ truyền trong nước; còn những kẻ theo đạo thì cũng bị người khác cho là những kẻ đã đi ngược với luân thường đạo lý, có thể làm đảo lộn trật tự cựu truyền và lay chuyển cả nền tảng luân lý và có thể đưa nước nhà đến sự nguy vong. Một ít việc bất ngờ xảy ra và một số người ghen ghét, đố kỵ hoặc cạnh tranh về vấn đề tôn giáo lại càng giúp cho mối ngờ vực đó tăng thêm, để đến nỗi đã phải gây ra bao cảnh thê thảm, bao cuộc xung đột lưu huyết như ta đã thấy.


Cũng do mối nghi kỵ đó mà sau này gây nên nhiều vấn đề chính trị và tôn giáo có quan hệ đến cuộc giao thiệp của nước ta với các nước Âu châu và đến vận mệnh cả một dân tộc hơn 20 triệu người ở trên bán đảo Ấn độ China này.


Chú thích


(1) Giáo hoàng Nicolas IV. Lúc ấy nước ta thuộc về đời vua Trần Nhân Tôn Thiệu Bảo, bên Tàu thuộc về đời nhà Nguyên vua Thế Tổ.


(2) Dân Mông Cổ vào thế kỷ XIII đã thâu nhập cả Á châu, phá tan Nga, đi đến trung tâm Âu Châu và trận đại thắng ở Lignitz (1241) đã đem dân Mông Cổ lên làm bá chủ một phần lớn ở cựu lục địa.


(3) Marco Polo sinh tại thành Venise (Ý) năm 1254, sau mấy năm làm thượng quan cho Hoàng đế nhà Nguyên, Marco Polo trở về tổ quốc, và đến năm 1325 ông chết tại Venise.


(4) Do người Tàu biết dùng từ 1000 năm trước Thiên Chúa giáng sinh, sau dạy cho người Ả Rập và đến thế kỷ 13 người Ả Rập mới truyền cho người Âu châu.


(5) Sau 24 năm sống ở nước Trung Quốc, lúc ấy Venise với Gênes đương kịch liệt cạnh tranh để dành ngôi bá chủ ở Địa Trung Hải.


(6) Cha dòng Dominicô Diègo Déza làm phụ cánh cho Infant de Castille đã giúp Christophe Colomb một cách đắc lực trong việc này. Tối ngày 11 rạng ngày 12 Octobre 1492, đoàn tàu Kha Luân Bố tới đảo Guanahamt.


(7) Gaspard de Santa Crux tới Cần Cao năm 1550 (theo Déb.du Christ par Bonifacy).


(8) Ở Dương Xuân Hạ, hiện nhà thờ phường Đúc là nhà thờ xưa nhất của tỉnh Thừa Thiên Huế và có lẽ cứ theo anh Thanh Tịnh, là nhà thờ đầu tiên của Hội Thánh dựng nên ở đất Đàng Trong. Nhà thờ này năm 1905 Đức cha Lý và cố Kính đã tu bổ lại.
Ở tại họ thợ Đúc ngày 30 Novembre 1835 cố Du (Joseph Marchaud) đã chịu xử bá đao. Chính tại chỗ nhà thờ Thợ Đúc, ngày 23 Octobre 1833 ông đội Paul Bường xin chịu chém, nhưng đoàn lính dẫn ông thấy trời tối (lúc ấy vào khoảng 8 giờ) bèn ngừng lại trước nhà con gái ông… rồi hạ đao. Hiện nay có hai cái bia của Đức cha Gaspar xây ghi nhớ hai nơi các thánh tử đạo.


(9) Chuyện người thợ đúc Jean de la Croix sẽ kể rõ sau. Người lái Bồ Đào Nha hoặc Tây Ban Nha này đến Thuận Hóa từ năm nào sử không chép rõ,  nhưng có lẽ là sau năm 1614 như cuốn Nam sử của C.Maybon đã chép.

Mục lục

NƯỚC VIỆT NAM DƯỚI MẮT CÁC GIÁO SĨ VÀ NGƯỜI TÂY PHƯƠNG HỒI THẾ KỶ 17 – 18

Một sử gia Pháp H.Castonnet Desfosses đã dựa vào cuốn Nam sử (Cours d'histoire d'Annam) của Trương Vĩnh Ký, viết trong tạp chí Revue Libérale xuất bản ở Paris hồi tháng 12-1883, dưới cái đầu đề: "L'Annam au moyen âge" (Nước Việt Nam về đời Trung Cổ): "Năm 1428 là một năm rất quan hệ trong lịch sử nước Nam. Với năm đó thời kỳ Trung cổ đã hết và thời kỳ cận kim đã bắt đầu. Trong suốt thời kỳ Trung cổ kéo dài hơn 500 năm, văn minh Việt Nam có vẻ rực rỡ và về một vài phương diện lại hình như khá tiến bộ. Nhưng sau khi đã tiến đến một trình độ khá cao, thì nền văn minh đó lại đứng yên một chỗ. Sự "ngừng trệ" đó hình như là đặc tính của tất cả các dân tộc Á Đông; ở nước Nam, trong đời nhà Lê từ 1428 đến 1789 lại càng rõ rệt hơn".

Năm 1428 tức là năm vua Lê Thái Tổ, một vị anh hùng đã khôi phục được nền độc lập nước ta sau 10 năm chiến tranh với nước Tàu, lên ngôi Hoàng Đế ở Đông Đô mới đổi tên là Đông Kinh; năm 1428 tức là năm nhà Lê đã bắt đầu và nước ta từ đó lại thoát khỏi ách người Tàu trở nên một nước độc lập trong hơn 400 năm, mãi cho đến lúc người Pháp đến bảo hộ xứ này. Năm đó lại chính là năm vua Lê Thái Tổ sai ông Nguyễn Trãi thảo bài "Bình Ngô Đại Cáo" để tuyên bố cho thiên hạ biết đã dẹp xong giặc Minh, khôi phục lại đất nước và nền độc lập đã mất về tay người Tàu từ sau đời nhà Hồ.

Vua Lê Lợi khi tiến vào thành Đông Kinh được dân ta hoan hô như một vị đại anh hùng cứu quốc.

Từ đó Ngài mới bắt đầu sửa sang lại các việc trong nước, từ việc chính trị, hành chính, đến việc binh lính, việc học và các luật lệ. Nhưng Ngài chỉ ở ngôi có sáu năm thì mất, truyền ngôi cho con là vua Lê Thái Tôn (1431-1442). Ta phải đợi đến đời vua Lê Thánh Tôn (1460-1497) là một vị anh quân ở ngôi gần 40 năm, mới thấy thời kỳ toàn thịnh của nhà Lê. Vua Thánh Tôn là ông vua rất thông minh đã sửa sang được nhiều việc chính trị mở mang sự học hành, chỉnh đốn việc vũ bị. Nhà vua lại đánh dẹp Chiêm Thành và Ai Lao mở thêm bờ cõi, khiến cho nước Nam hồi bấy giờ thành một nước cường thịnh và văn minh thêm, lừng lẫy cả phương Nam châu Á, kể từ xưa đến nay chưa bao giờ được thế.

Sau vua Lê Thánh Tôn, phần nhiều các vua nhà Lê lên cầm quyền đề trẻ tuổi. Có lẽ vì cớ đó mà lắm ông không thể trông coi được việc nước, lại dâm ác, làm nhiều điều bạo ngược như các vua Lê Uy Mục, Lê Tương Dục, để đến nỗi trong nước sinh ra nhiều sự biến loạn, và bọn quyền thần hoặc chiếm ngôi, hoặc chuyên quyền. Đó là một cớ chính trong nhiều cớ khác, đã làm cho cơ nghiệp nhà Lê một ngày một suy dần.

Tuy vậy công đức của vua Lê Thái Tổ và vua Lê Thánh Tôn cũng đủ làm cho lòng dân không quên được nhà Lê. Cũng vì thế mà nhà Mạc có cướp ngôi cũng không được lâu dài và sau này nhà Trịnh có chuyên quyền cũng không dám dứt hẳn nhà Lê. Đến khi nhà Lê mất và giang sơn về họ Nguyễn, cũng vẫn còn bao người hoặc thực lòng, hoặc giả dối mượn tiếng "phù Lê" để gây việc lớn.

Nước Việt Nam ta dưới triều Lêt uy trong nước xảy ra nhiều việc phân tranh, nhưng thực đáng gọi là một quốc gia cường thịnh, có tổ chức hẳn hoi, một nền văn hóa dồi dào và những vũ công rực rỡ.

Về phía Bắc, vua Lê Thái Tổ đã đại thắng quân Tàu, một đội quân gồm có 150.000 chiến sĩ và rất nhiều khí giới, giết được đến 50.000 quân lính Tàu và bắt được 40.000 tù binh, làm cho bọn tướng Tàu như Mộc Thạnh, Vương Thông chạy về đến nước nhà còn khiếp sợ mất vía, và bọn Mã Kỳ, Phương Chính ra đến bể vẫn chưa thôi trống ngực, nên suốt mấy trăm năm người Tàu không còn có ý dám dòm dỏ giang sơn Nam Việt nữa. Được yên về mặt đó, người nước ta chỉ lo mở mang thế lực về miền Nam để diệt Chiêm Thành và lấn đất của Chân Lạp. Dưới triều Lê Thánh Tôn (1470) nhà vua tự làm tướng, thân đem 20 vạn quân vào đánh Chiêm Thành phá được thành Đồ Bàn (Chaban) và bắt được vua Chiêm là Trà Toàn. Từ đó các đất Đồ Bàn, Cổ Luỹ và Đại Chiêm đã sáp nhập vào đất nước ta, lập thành đạo Quảng Nam gồm ba phủ, 9 huyện, rồi đặt quan cai trị và dạy dân học hành cùng lễ nghĩa.

Muốn cho nước Chiêm Thành yếu đi, vua Lê Thánh Tôn mới chia đất Chiêm còn lại từ Bình Định ngày nay trở vào làm ba nước, phong cho ba vua, một nước là Chiêm Thành, một nước là Hòa Anh, một nước nữa là Nam Phan.

Đánh xong Chiêm Thành, thanh thế nước ta lừng lẫy, nên nước Ai Lao và các xứ Mường ở phía Tây đều phải thần phục xin về triều cống.

Đến năm 1611, chúa Nguyễn Hoàng đem quân đánh Chiêm Thành lấy đất Chiêm, lập ra phủ Phú Yên, chia làm hai huyện là Đồng Xuân và Tuyên Hóa.

Năm 1653, vua Chiêm là Bà Bật cho quân sang quấy nhiễu đất Phú Yên, chúa Hiền là Nguyễn Phúc Tần mới sai quan cai cơ là Hùng Lộc đem quân sang đánh. Bà Bật phải dâng thư xin hàng. Chúa Nguyễn để từ sông Phan lang trở vào cho vua Chiêm, còn từ sông đó trở ra lấy làm Thái Ninh phủ, sau đổi làm phủ Diên Khánh tức là tỉnh Khánh Hòa bây giờ, đặt dinh Thái Khanh để Hùng Lộc làm Thái thú.

Năm 1693, vua Chiêm Thành là Bà Tranh bỏ không tiến cống, chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Chu (Minh Vương) sai quan Tổng binh Nguyễn Hữu Kính (con Nguyễn Hữu Dật) đem binh đi bắt được Bà Tranh và bọn thần tử là Tả Trà Viên, Kế Bà Tử cùng các thân thuộc đem về Phú Xuân. Chúa Nguyễn đổi đất Chiêm Thành là Thuận Phủ cho Tả Trà Viên, Kế Bà Tử làm chức khám lý, lại bắt dân Chiêm phải đổi y phục theo như người Annam. Qua năm sau lại đổi Thuận phủ làm Thuận thành trấn cho Kế Bà Tử làm tả đô đốc. Năm 1697, chúa Nguyễn lại đặt ra phủ Bình Thuận và lấy đất Phan lý (Phanrí), Phan lang (Phanrang) làm huyện Yên Phúc và huyện Hòa Đa.

Từ đó, nước Chiêm Thành mất hẳn. Thế là cái tên Chiêm Thành tức là Lâm Ấp ngày xưa, đã bị xóa hẳn trên bản đồ miền Đông Á từ hồi cuối thế kỷ 17. Hiện nay người Chiêm tuy còn độ vài nghìn ở vùng Bình Thuận, nhưng ở rải rác, không có đoàn thể, không có tổ chức, không thể gọi là một nước được.

Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt nam không phải đến lúc diệt xong Chiêm Thành là thôi, mà còn tiếp tục mãi đến tận ngày nay. Trong khoảng 50 năm sau về thế kỷ 17 và cả thế kỷ 18 1, thế lực dân ta còn bành trướng vào cả miền đồng bằng sông Cửu Long thuộc Chân Lạp tức là miền Nam kỳ lục tỉnh.

Bắt đầu từ năm 1658, vua Chân Lạp vì chú cháu tranh nhau, sang cầu cứu chúa Nguyễn; Hiền vương sai đem 3000 quân đánh Moixuy (thuộc Biên Hòa ngày nay) bắt được vua nước đó là Nặc Ông Chân đem về giam ở Quảng Bình cho đến năm 1759, vua Chân Lạp Nặc Tôn đem dâng 5 phủ Hương Uc, Cầm Bột, Trúc Sâm, Sài Mạt, Linh Quỳnh cho Mạc Thiên Tứ, và họ Mạc lại đem các đất đó dâng lên chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn cho thuộc trấn Hà Tiên cai quản, lần lượt đến sáu tỉnh Nam Kỳ của Chân Lạp đều bị sáp nhập vào nước ta thuộc quyền họ Nguyễn thống trị.

Nói tóm lại trong ba thế kỷ 16, 17 và 18, thế lực dân ta đã bành trướng về miền Nam một cách rất là mãnh liệt. Trước sức Nam tiến đó, các dân tộc hèn yếu hơn đều phải nhường bước, không thể ngăn cản được. Nhờ cuộc Nam tiến đó, mà người Nam ta đã lập nên miền Nam xứ Trung Kỳ và cả xứ Nam Kỳ ngày nay.

Tất cả các người Tây phương đến nước ta hay chỉ đi qua bờ bể Việt Nam ta trong hồi hai thế kỷ 17 và 18 cũng đều phải công nhận dân ta dù ở Bắc Kỳ hay ở Nam kỳ là một dân rất cường thịnh.

Các nhà hàng hải và các giáo sĩ người Âu Châu biết nước ta, hồi đó phần nhiều đều có cảm tưởng rất tốt đối với đất nước và nhân dân xứ này. Ta có đọc kỹ những cuốn du ký của các người Tây phương đến xứ ta trong hồi đó sẽ rõ. Chính trong hồi đó là hồi Nguyễn Trịnh phân tranh.

Ở phía Bắc, thì chúa Trịnh cậy có công phù Lê diệt Mạc, nên mới lấn át cả quyền của nhà vua. Còn ở phía Nam thì chúa Nguyễn hùng cứ ở sau dãy Hoành sơn hiểm trở, chỉ phục nhà Lê mà chống với chúa Trịnh. Từ năm 1627, sau khi chúa Nguyễn Hoàng mất được 14 năm cho đến năm 1672, trong 45 năm hai họ Nguyễn và Trịnh, trước là thông gia sau thành oan gia, đánh nhau đến 7 lần, lần nào cũng rất dữ dội. Bốn mươi lăm năm chinh chiến đó, do họ Trịnh gây nên trước để có ý bắt họ Nguyễn phải thần phục mình, đã không đem lại cho hai bên đối thủ một kết quả gì hay, chỉ tổ làm hại biết bao sinh linh, tài sản, gây nên những cảnh tàn phá, lưu huyết ghê gớm, và khiến nhân dân phải lầm than vất vả vô cùng. Người đã gây ra cuộc nội chiến rất tai hại đó là chúa Trịnh Tráng.

Năm 1627, nhân khi nhà Minh bên Tàu còn phải chống nhau với nhà Thanh, và họ Mạc ở Cao Bằng đã dẹp yên, không phải lo gì về mặt Bắc nữa, chúa Trịnh Tráng mới sai quan vào Thuận Hóa giả tiếng nhà vua sai vào đòi tiền thuế từ ba năm trước. Chúa Sãi tiếp sứ, nhưng không chịu nộp thuế. Trịnh Tráng lại sai sứ đem sắc vua Lê vào dụ chúa Sãi cho con ra chầu và đòi lấy 30 con voi cùng 30 chiếc thuyền để đưa đi cống nhà Minh, chúa Sãi cũng không chịu.

Trịnh Tráng thấy vậy bèn quyết ý đánh họ Nguyễn từ đó. Lần nào vào đánh chúa Nguyễn, chúa Trịnh cũng đem vua Lê đi, mượn tiếng nhà vua thân chinh để lấy lòng dân và cho cuộc chinh phạt hợp với đại nghĩa. Trong tất cả bảy lần đánh nhau, họ Nguyễn chỉ ra đánh họ Trịnh có một lần, lấy được 7 huyện ở phía nam Lam Giang, nhưng vì các tướng họ Nguyễn không đồng lòng, nên lại phải rút về giữ đất cũ.

Về thế lực, binh lương thì họ Trịnh mạnh hơn họ Nguyễn. Trịnh có độ 5, 6 vạn quân, còn Nguyễn chỉ có độ hơn 3 vạn, nhưng quân Bắc phải đi đánh xa xôi, vận tải khó khăn, còn quân Nam thì chỉ phòng giữ đất nhà, có đồn luỹ chắc chắn, tướng ta lại nhiều người tài giỏi và trung thành, như Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Dật và Đào Duy Từ. Trong hồi hai bên Nguyễn Trịnh đánh nhau vẫn lấy sông Linh Giang (sông Gianh) làm địa giới. Chính ông Đào Duy Từ đã xây đồn Trường Dục ở huyện Phong Lộc (Quảng Bình) và đắp cái lũy dài ở cửa Nhật Lệ tứclà Trường Thành ở Quảng Bình bây giờ. Người ta thường gọi luỹ đó là luỹ Thầy Nghĩa là luỹ do ông Đào Duy Từ đắp ra và người Pháp gọi là "Mur de Đồng Hới"2. Bức Trường Thành kiên cố này đã giúp cho công cuộc phòng thủ của giang sơn chúa Nguyễn ở phía Nam sông Linh giang và dãy Hoành sơn rất nhiều.

Các nhà hàng hải và các giáo sĩ Âu châu từng qua xứ này vào hồi hai thế kỷ 17 và 18 đã để lại nhiều tập ký sự rất có giá trị có thể giúp ích nhiều cho chúng ta về việc khảo cứu lịch sử Việt Nam trong hồi đó.

Cố Giuliano Baldinotti người Ý, sinh ở Pistoria gần Florence là vị giáo sĩ dòng Tên (compagnie des Jésuites) thứ nhất đã đến truyền giáo ở Bắc Kỳ vào khoảng tháng 3 có tả xứ Bắc như sau này: "Quân lính vác giáo dài và gươm trần trên vai. Đó là những người rất dễ cảm, có thể điều đình được, trung thành, vui vẻ và không có những nết xấu của người Tàu… Vua xứ Bắc Kỳ làm bá chủ chín nước; ba ông vua phải cống hiến nhà vua đó là vua nước Lai 3 chúa xứ Đàng Trong và chúa xứ Bàu4. Chính vua Bắc Kỳ lại phải cống hiên vua Tàu và hằng năm phải đem cống ba pho tượng bằng vàng và ba pho bằng bạc5. Số lợi tức hằng năm của nhà vua có độ hai triệu. Nhà vua có thể có một đội quân lớn trong lúc chiến tranh. Dưới quyền vua có 600 vị thượng quan, lúc cần kíp thì các ông quan đó bắt buộc phải mộ cho nhà vua, ông thì một ngàn, ông thì hai ngàn lính cho đến lúc hết chiến tranh mới thôi. Các quan to đều được cai trị những khoảng đất rộng do nhà vua cấp cho, để lúc chiến tranh thì phải mộ lính. Nhà vua lại có 4000 chiến thuyền đóng ở nhiều nơi. Các chiến thuyền đó, mỗi bên đều có 26 tay chèo, và mỗi lúc thao diễn hay đi tuần đều có đặt trọng pháo (hạng súng 14 livres), cổ chiến thuyền và đầu mũi cũng thiếp vàng rất đẹp. Có một lần tôi đã thấy 500 chiến thuyền tu tậl một chỗ về dịp ngày kỵ đức Thượng hoàng hồi mười năm trước đã bị người còn nhỏ tuổi nhất giết chết để dịch cướp ngôi vua; nhưng sau ông hoàng bất hiếu đó đã bị ông hoàng Cả là ông vua đang trị vì ngày nay tức là vị Thái tử ! chính thức được quyền nối ngôi giết đi. Nhà vua rất hiếu chiến, thường tập bắn bia và cưỡi ngựa cùng voi luôn. Nhà vua lại thích xem chiến thuyền thao diễn nhiều cách, và tiến lui theo nhịp của người cầm hiệu lệnh.

Kinh đô Bắc Kỳ ở vào vĩ tuyến 21 độ. Lúc không có gió thổi thường vào hồi tháng sáu, thì khí hậu rất nóng. Kinh đô không có thành trì và cơ quan phòng thủ gì cả. Ngoài cung vua ra xây bằng đá từng tảng lớn và lợp ngói, thì các nhà cửa đều bằng tre lợp tranh và không có cửa sổ.

Trong thành phố có nhiều hồ ao để đến lúc có hỏa hoạn cho dễ chữa cháy. Có đám hỏa tai thiêu tới 5, 6 ngàn nóc nhà, nhưng chỉ bốn năm hôm sau lại dựng lại ngay. Thành phố chu vi độ 5, 6 dặm và dân cư thì đông vô kể. Gần thành phố có một con sông lớn thuyền bè có thể đi lại được. Sông đó chảy ra bể, ở chỗ cách kinh thành độ 18 dặm. Nước sông rất đục, nhưng ai cũng phải uống vì trong thành phố không có giếng và thùng chứa nước. Mỗi năm thường nước sông tràn bờ hai lần vào đầu tháng sáu và tháng 11 ngập đến nửa thành phố, nhưng nước lụt đó rất chóng rút ra.6

Cố Alexandre de Rhodes cũng là một giáo sĩ về Dòng Tên đã đến xứ Đàng Trong (Cochinchine) lần thứ nhất vào năm 1624 và ra giảng đạo ở Bắc Kỳ vào năm 1627 đã viết về kinh đô "Kẻ Huế" và người Nam như sau:

"Nơi kinh đô của nhà vua gọi là "Kẻ Huế". Triều đình nhà vua rất lộng lẫy và số các quan to khá nhiều. Các quan ăn mặc rất đẹp nhưng nhà cửa thì không được lộng lẫy lắm, vì chỉ làm bằng gỗ. Tuy vậy các nhà đó cũng rất tiện và khá đẹp vì cột nhà chạm trổ rất tinh xảo. Số dân cư ở kinh thành rất đông và tính tình họ rất hiền hậu. Tuy vậy dân đó là những tên lính rất tốt và rất kính trọng nhà vua. Nhà vua có độ 150 chiến thuyền đóng ở ba cửa bể. Người Hà Lan đã thí nghiệm một cách thiệt hại cho họ và biết rằng các chiến thuyền đó có thể thắng nổi các tàu chiến lớn mà họ vẫn tưởng có thể dùng để giữ quyền bá chủ trên mặt bể.

"Tôn giáo của người Nam cũng giống tôn giáo người Tàu. Trước kia cả Nam kỳ và Bắc kỳ đều phụ thuộc về nước Tàu, và đến luật lệ và cả phong tục cũng giống người Tàu. Họ cũng có những ông Tiến sĩ như ở Tàu và các quan rất có quyền đối với dân. Nhưng tôi cho rằng họ không kiêu ngạo như người Tàu, còn có thể điều đình được và là những binh lính tốt hơn.

"Ngừơi Nam rất giàu vì đất đai ở xứ họ phì nhiêu. Trong xứ có 24 sông con rất tiệc cho việc giao thông bằng đường thuỷ khắp trong nước và cho việc buôn bán. Thường mỗi năm cứ đến tháng 11 hoặc 12 thì nước sông lại tràn ngập; có năm lụt tới ba lần, nước lụt thì khắp trong xứ toàn dùng thuyền để đi lại. Nhà cửa của họ rất vững chãi đến nỗi có thể mở phía dưới để làm cống cho nước chảy và cũng vì thế nên các nhà cửa đều làm kiểu nhà sàn xây trên những cột lớn".7

Cố Giovanni Filippo Marini người Ý đến Bắc kỳ sau cha Alexandre de Rhodes và ở đến 1658 đã viết trong cuốn "Relation nouvelle et curieuse des Royaumes du Tonkin et de Lào" tả rõ thành phố Kẻ Chợ và xứ Bắc kỳ, xứ "Báu" và nói rõ cả về lục quân và thuỷ quân của vua Lê, chúa Trịnh trong hồi đó.

"… Đội thuỷ quân của nhà vua rất là lớn lao. Tôi muốn nói rõ về số chiến thuyền, sự đẹp đẽ và các khí giới trên những chiến thuyền đó; nhưng thế cũng chưa đủ vì cần nói để độc giả rõ sự lộng lẫy nhất là trong khi chúa và vua đem cả một hạm đội đi đón sứ Tàu, và khi bắt các chiến thuyền sắp hàng trên giòng sông để giải trí. Cuộc đón tiếp của nhà vua thường rất lộng lẫy và lại có nhiều nghi lễ nữa.

Thực thế trong cuộc hội kiến thứ nhất, vua và chúa mặc y phục Tàu và đi ủng (một thứ giày mà mũi cong lên như những chiếc thuyền con) cùng đội một thứ mũ rất lạ trên đầu, đã đến vái chào trước để tỏ lòng kính trọng đạo Sắc của Hoàng đế Tàu do sứ thần mang theo.

Bao giờ cũng phải nhường cho viên sứ đi bên hữu và các quan trong triều đều phải đến chào sứ thần của Thiên triều.

Trong các nghi lễ đón tiếp sứ Tàu, có lễ dàn chiến thuyền từng hàng 5 chiếc một, từ hàng nầy đến hàng kia đều cách bằng nhau và chiến thuyền đều tô điểm rất đẹp. Hai bên bờ sông đều cắm cờ nhiều màu sắc khác nhau và bay phất phới trước gió. Các toán bộ binh đứng ở nhiều chỗ, chỗ thì đánh trống, chỗ thì đánh nao bạt, lại có chỗ lại thổi kèn và các thứ âm nhạc khác.

Khi viên sứ thần đến gần thì các đội quân đó đều kêu lên to, để tỏ vẻ hoan nghênh và mừng rỡ, lại bắn súng để chào đại biểu của Thiên triều".

Dưới đây là một đoạn trong cuốn "Relation des Missions et des voyages des Evéques vicaires apostoliques et de leurs occiesiatiques Années 1676 et 1677" nói về cuộc chiến tranh giữa chúa Nguyễn và chúa Trịnh.

"Hai nước đó (Đàng Ngoài và Đàng Trong) vẫn đánh nhau mãi, nhưng hình như người Bắc đã bớt hăng hái trong khi tiến đánh kẻ thù vì họ đã thiệt hại nhiều trong các trận chiến đấu. Tuy quân xứ Bắc đông hơn quân xứ Nam, nhưng bao giờ quân Bắc cũng gặp sự bất lợi và mỗi lần tiến vào lại bị thua. Năm 1676, bên Nam đã đem 40.000 quân đợi quân Bắc ở đường biên giới, nhưng sau không thấy quân Bắc đến; quân Nam lại có ý tiến vào xứ Bắc, nếu vị Hoàng tử thứ hai con vua xứ Nam, tổng tư lệnh bô binh, không chết một cách bất ngờ, cái chết đó đã hoãn hết mọi việc dự bị để tiến đánh quân Bắc. Vì đó mà bên Nam đành phải giữ thế thủ cho đến lúc trong triều mãn tang. Phải nên nhận rằng người Đàng Trong vốn sẵn có thiên tài về việc binh bị, tất cả các nước đã biết người nước đó đều cho rằng phần nhiều người xứ đó đều ra lính và làm tướng, lúc cần rất can đảm và rất khôn ngoan trong cách cư xử. Cứ thường đến tuổi 25 thì dân xứ đó đã sung vào cơ ngũ và họ phải ở lính cho đến 60 tuổi; ngày nào cũng chỉ tập luyện về nghề đó. Ngày nào họ cũng phải đến cửa các viên tướng từ 6 giờ sáng để luyện tập cho đến quá 10 giờ, rồi buổi chiều lại phải tập luôn từ 2 giờ đến 6 giờ mới thôi. Họ tập bắn súng, bắn tên, tập giáo, tập kiếm, tập ném tạ cả ở trên bộ và trên chiến thuyền. Trong khắp cả miền Đông phương không có dân tộc nào thích các thứ khí giới tốt bằng dân xứ này. Các khí giới của họ dùng, làm rất cẩn thận, cái thì mạ vàng, cái thì mạ bạc, một thanh kiếm xấu nhất cũng bọc hết hơn 12 đồng tiền bạc không pha trộn với thứ kim khí nào khác.

"Khi nhà vua ra chỗ công chúng, cứ thường mỗi ngày hai lần, thì quân lính đi sắp hàng mang khí giới ở hai bên. Chính trong lúc đó là lúc ai cũng có thể đệ đơn khiếu nại lên nhà vua.

Khi còn ở trong cơ, ngũ, thì lương bổng rất phải chăng, mỗi người lính thường mỗi tháng cũng lãnh được một đồng và một thùng gạo, có thể đủ nuôi mình và vợ con. Cứ ba năm một lần, lính lại được phép về thăm cha mẹ. Đến lúc 60 tuổi thì nhà vua cho về hẳn ở nhà được cấp dưỡng trong lúc tuổi già yếu.

"Ông vua trị vì bấy giờ (xứ Đàng Trong) là một vì vua vừa công bằng, vừa thích việc vũ bị. Nhà vua thường thân ra xử kiện một cách rất công bằng, vừa nghe hai bên nguyên, bị khai, vừa dự cuộc đối chứng. Nói tóm lại không những nhà vua xử kiện lại còn chính mình chịu khó dự thẩm. Năm 1676, có người nói nhà vua có ý muốn truyền ngôi cho con cả, nhưng những người rõ việc nhất không tin như thế".

Giáo sĩ De Choisy tuy không bao giờ đặt chân đến đất Việt Nam, ông chỉ đi tàu chạy theo ven bể xứ này và ông đã biết xứ này nhờ vào lời thuật lại của các giáo sĩ khác đồng thời với ông. Tuy vậy giáo sĩ De Choisy cũng góp nhặt những điều đã nghe thấy về xứ Bắc và Nam trong hồi giữa thế kỷ 17 và viết thành một cuốn ký sự. Cuốn sách đó không mấy ai biết đến, cha Cadière đã nói rõ trong tập kỷ yếu của hội "Đô thành Hiếu cổ" số thứ 3 năm thứ 16 (Juillet-Septembre 1929). Theo như lời giáo sĩ De Choisy chép lại thì những người đã thuật chuyện về nước Việt Nam cho ông nghe là giáo sĩ Vachet, giáo sĩ Fucite và giáo sĩ Courtaulin toàn là những người đã ở xứ Bắc và Nam kỳ lâu năm trong hồi đó.

Cuốn ký sự của giáo sĩ De Choisy cũng nói qua đến địa dư, lịch sử và sản vật của nước Nam hồi bấy giờ. Cuốn sách đó lại nói cả về quân lực hai xứ Bắc và Nam kỳ lúc đó đang đánh nhau và cách tổ chức quân đội của mỗi nước. Giáo sĩ De Choisy không quên nói qua đến phong tục và luật lệ trừng phạt những người mắc tội khi quân (những người này bị lăng trì, khi hành hình nếu là quân lính, thì mỗi người lính phải cắt một miếng thịt của người có tội rồi phải ăn). Cuối cùng tác giả có nói qua đến tôn giáo của người Nam và truyền đạo Thiên Chúa ở xứ đó trong mấy năm đầu.

Tác giả lại có viết một đoạn nói thêm về sâm và yến sào8 là hai thứ sản vật của nước ta. Phần nhiều các giáo sĩ, tuy thường bị cấm đoán và bạc đãi, nhưng vẫn có cảm tình rất tốt với dân ta. Trái lại, ý kiến của một vài nhà du lịch và nhà buôn người Tây phương đối với xứ ta lại khác hẳn.

Như ông Pierre le Poivre mà trên kia đã có dịp nói tới, đến thăm xứ Nam, giang sơn của chúa Nguyễn, hai lần (1742-1749). Ông Poivre đã đi bộ từ Tourane đến Thuận Hóa và ông đã viết một tập ký sự về những điều tai nghe mắt thấy trong mấy tháng lưu lại Huế để điều đình việc buôn bán.

Ông đã tả rõ về quân đội của Võ Vương là vị chúa Nguyễn đang cầm quyền lúc đó: "Từ khi chinh phục được miền hạ Đàng Trong, thì nhà vua có thể tuyển được tới 60.000 quân lính, nhưng khí giới thì chỉ có giáo mác gậy gộc và một vài khẩu súng bắn bằng mồi lửa (tức là súng hỏa mai) từ Tàu đem sang".

Poivre lại nói quân lính ăn uống không đủ và lương bổng ít, nên nhân dân không hoan nghênh việc ra lính. Poivre nói ông đã thấy một toán hai trăm người thiếu niên cổ mang gông, đó là những lính mới mộ.

Võ Vương tiếp đãi Pierre le Poivre rất tử tế và hỏi chuyện rất ân cần, có lẽ vì thế mà cảm tưởng của nhà du thuyết Tây phương đối với vị chúa Nguyễn đó không đến nỗi quá xấu, nhất là về bề ngoài:

"Nhà vua có vẻ rất hiền lành và nhân đức, hỏi tôi sang đây về việc gì. tôi đáp rằng sức mạnh và đức tính tốt của nhà vua nức tiếng đồn đến tận Tây phương, tôi được phái từ nước Pháp là nước phú cường nhất Âu châu sang đây để dâng nhà vua các phẩm vật và thay mặt nước Pháp mong ký với nhà vua một hợp ước thân thiện và thương mãi…

"Nhà vua nói chuyện với tôi trong nửa giờ rất thân mật, trong lúc nói chuyện nhà vua hay cười và có vẻ rất nhã nhặn".

Pierre le Poivre lại nói tiếp về Võ Vương:

"Võ Vương vị chúa Nguyễn thứ 8 ở Đàng Trong, nguyên là dòng dõi quyền thần ở Bắc kỳ, là ông vua mạnh và độc đoán nhất đã cầm quyền ở xứ Đàng Trong. Ngài trị vì từ 20 năm nay tuy ngài mới 39 tuổi. Ngài có vẻ mạnh khoẻ và thân thể vặm vỡ, nét mặt nở nang, đầu xinh tóc xám và dài, rậm và giữ rất khéo, trán rộng, tai dài, mắt và lông mày đen, mũi ngắn, râu mép đen và nhiều, miệng so với mặt vừa khéo; cằm to và râu cằm ít, cổ vững, hai vai và ngực rộng, bụng to và tay chân béo. Khi nhà vua mặc lễ phục thì có vẻ rất sang và giữa đám các quan ngài trổi hẳn, người ta phân biệt rất dễ, vì trong hàng các quan không ai đẹp hơn ngài. Khi ngài nhìn có vẻ hiền từ, da mặt trắng, nhưng thường thay đổi cũng như các người ở xứ nóng; khi trắng hơn, khi xám hơn là tuỳ ở sức khoẻ. Khi nhà vua cười thì nét mặt đổi hẳn vì trong miệng ngài chỉ còn có mấy cái răng đen".

Vẻ bề ngoài thì nhà vua còn có vẻ tốt, nhưng khi xét đến người và các đức tính, thì Pierre le Poivre không nể lời: "Vị vua đó có ba dục vọng chính, do đó mà sinh ra nhiều tính xấu: nhà vua keo kiệt, mê sắc đẹp và hay khoe khoang. Vì keo kiệt, mà thành ra tàn ác, không công bằng và không từ việc xấu xa gì mà không làm. Tình yêu lộn xộn đối với đàn bà làm cho ông vua đó không chăm chỉ và có ý lơ đãn với việc bổn phận làm chúa một nước, lại nhu nhược, và bất lực về các công việc. Đó là thứ tình yêu tàn nhẫn, thiếu hẳn sự nhã nhặn về tính tình và không phải tự lòng thương mến mà sinh ra, và tình yêu đó không làm cho nhà vua thiết vật gì. Ông vua keo kiệt và say đắm tình dục đó chỉ biết có một cung và két bạc, sống giữa một lũ đàn bà lặt ở khắp nơi trong xứ là những kẻ dạy ông bọc khâu và thêu thùa, và giữa một lũ "công đạo" cùng chia với nhà vua cái xác chết của một nước khốn nạn, rồi lại dùng một phần của đó để mua cái quyền ăn cắp một cách tự do hơn, không hề bị ai trừng phạt cả.

"Hai cái lòng dục vọng đó rất là tổn hại cho dân chúng, và dân thấy mình bị vua ruồng bỏ mà lại vẫn bị bóc lột và hà hiếp bởi những kẻ mượn tiếng nhà vua làm bậy.

"Tính kiêu hãnh là dục vọng thứ ba chỉ làm cho chính mình vua và làm cho vua trở nên đáng khinh".

Cảm tưởng của Pierre le Poivre đối với các quan đại thần trong triều Võ vương cũng không tốt hơn thế. Ông đã từng nhiều lần giao thiệp với ông Tả ngoại Trương Phúc Loan, một nhân vật giữ địa vị rất trọng yếu trong triều đình xứ Đàng Trong hồi đó, và một vị quốc cữu lại là thông gia với nhà vua. Đó là một vì đại thần rất tham lam và theo lời Pierre le Poivre, thì nhờ có địa vị quan trọng ấy, nên họ Trương đã chiếm hết cả quyền bính trong nước. Vị quyền thần này mỗi năm có thể thu lợi được 4, 5 vạn quan, lại thêm độ 3, 4 vạn quan về việc kiểm soát tàu bè. Đã thế mà còn tìm đủ cách để hối lộ. Vị quan đó giàu đến nỗi, sau một vụ nước lụt, vàng của ông đựng trong hòm đem phơi bày ra khắp cả sân mới hết. Chính sự tàn ác và tham lam của vị quyền thần ấy, đã gây nên nhiều vụ loạn lạc và một dịp tốt cho quân Tây Sơn thắng thế để đến nỗi giang sơn nhà Nguyễn đã một hồi bị nguy ngập, nếu không nhờ có vua Gia Long có công đánh dẹp để mở mang bờ cõi nước Nam và trung hưng, thì giang sơn họ Nguyễn đã mất về tay kẻ khác.

Đối với các quan đại thần khác, Pierre le Poivre cũng quan sát một cách rất nghiêm khắc và kết luận ông cho rằng có toàn là "những kẻ không thạo công việc, chỉ để ý đến những việc tình dục, ngoài ra không còn biết gì khác nữa…"

Nói tóm lại, nước ta từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18 thường ở trong cảnh loạn lạc phân tranh, nên dầu có một vài vị vua chúa thông minh lỗi lạc, thực tâm giúp nước, và các việc văn trị vũ công rất rực rỡ đáng ghi vào sử sách; cũng không thể nào tiến bộ và cường thịnh được. Tình hình nước ta khi mới tiếp xúc với văn minh Tây phương là tình hình một nước chia rẽ: hết hồi Nam, Bắc triều là hồi họ Mạc tiếm ngôi nhà Lê, lại đến hồi hai họ Nguyễn, Trịnh đánh nhau trong gần nửa thế kỷ, và các vụ loạn lạc do những đám giặc cỏ gây nên, và sau cùng đến hồi Tây sơn nổi lên đánh họ Nguyễn và họ Trịnh.

Vì ở trong tình thế đó, nên các vua chúa chỉ nghĩ đến mở mang vũ bị để giữ thế lực mình, không có thì giờ để nghĩ đến việc mở mang kỹ nghệ, thương mãi, văn hóa, mỹ thuật trong nước.

Hồi đó chính là hồi nước ta mới tiếp xúc với văn minh Âu Tây do các người tây phương mang lại, thực là một dịp rất tốt cho công cuộc tiến hóa mà dân ta đã bỏ mất không biết lợi dụng.

Chú thích

(1) Trong thời kỳ oanh liệt ấy thì ở Tàu có vua Khang Hy, Càn Long và Gia Khánh chủ trương thuyết quân chủ chuyên chế, ở Pháp tiếp tục diễn ra những đoạn lịch sử rực rỡ của triều vua Louis XIV, ly kỳ của triều XV và Luois XVI, ở Anh phát minh ra được cách dùng than đá đã đưa dân cù lao ấy lên bực vương quốc trong hàng thương mãi, binh bị chính trị còn ở Đức Ý cũng tiếp tục xây dựng lấy một nền thống nhất. Nền thống nhất của hai nước ấy mãi đến cuối thế kỷ XIX mới thành.

Văn hóa Âu châu bị một hồi xao xuyến, tinh thần văn hóa Âu châu hồi ấy biến động (Crise de la conscience européeane, P.Hazard), từ tinh thần biến động ấy tới cuộc cách mệnh không xa.

Về giữa thế kỷ XVII, Tòa thánh lần hồi khôi phục lại được quyền giảng đạo mà hai nước Portugal và Espagne đã chiếm độc quyền trên hai thế kỷ.

Ngày 6 Janvier năm 1622 thánh chỉ của Gregoire XV lập Propaganda Fidei. Năm 1659 công việc tổ chức sự truyền giáo đã hoàn thành tổ chức (Hist de l'Eglise par P.Lesourd p.149)

(2) Xem Le Mur de Đồng Hới par R.P.Cadière, B.E.F.E.O VI, 1906 p.87-254.

(3) Tức là nước Lào

(4) Tức là miền Tuyên Quang, Hưng Hóa bây giờ.

(5) Cái lệ này chính Nguyễn Huệ đã xóa bỏ sau trận quét giặc Thanh năm Kỷ dậu (1789).

(6) Trích dịch cuốn "Ký sự về xứ Bắc kỳ" (Relation sur le Tonkin) của cố Baldinotti.

(7) Trích dịch cuốn "Voyages et Missions du P.Alexandre de Rhodes de la compagnie de Jésuite en Chine et autres royaumes de l'Orient"

(8) Mémoire sur la Cochinchine. Cuốn sách này có nhiều điều đúng nhưng cũng có nhiều điều sai, ví dụ đoạn thuật về trận thuỷ chiến ở giữa quân Nam và quân Hà Lan.

Mục lục

CÁC ĐÔ THỊ LỚN CỦA NƯỚC TA VỀ HỒI HAI THẾ LỶ 17 – 18

Các nhà buôn và các giáo sĩ Tây phương vào nước ta trước hết đều để chân đến các kinh đô, các thị trấn và hải cảng lớn ở phía Bắc hoặc ở phía Nam. Các giáo sĩ lưu lại để truyền giáo, và các nhà buôn ngoại quốc mở cửa hàng cũng đều ở các đô thị lớn. Cho đến các nhà ngoại giao, các sứ thần đi giao thiệp về các việc trọng đại, cũng phải đến các kinh đô, nơi vua chúa lập triều đình và đặt các cơ quan chính trị và hành chính. Vì thế mà các thị trấn lớn được người ngoại quốc để ý và nói đến rất nhiều. Các di tích của họ để lại ở xứ ta cũng đều tụ tập ở các nơi đó cả. Nay mỗi khi ta đọc lại những tập ký sự của các nhà đi bể và các giáo sĩ đến nước ta trước tiên, không những ta có thể biết được nhiều điều mà các chính sử không hề chép, mà lại còn được trông thấy những cảnh tượng lạ mắt về các đô thành cổ, và về cách sinh hoạt của ông cha ta thưở trước. Những cuốn ký sự đó thực là những tài liệu quý giá cho cuốn "Việt Nam xã hội và Văn hóa sử" sau này.

Chúng tôi muốn đem phô diễn trước mắt các độc giả những cảnh Hà Nội, Phố Hiến, Huế, Cửa Hàn, Faifo, Quy Nhơn cổ theo các quan sát của các nhà buôn và giáo sĩ ngoại quốc, là vì các nơi đó rất có quan hệ đến lịch sử nước ta và lịch sử việc truyền đạo Thiên Chúa ở xứ này.

Trong cuốn "Description du royaume de Tonkin" của Samuel Baron do H.Deseille dịch tiếng Anh ra và xuất bản ở nhà in Viễn Đông Hà Nội, có tả rõ về kinh đô Kẻ Chợ của xứ Bắc kỳ hồi đó, Samuel Baron là một nhà buôn Anh do Công ty Ấn Độ ở Bantam phái sang mở hiệu buôn ở Hà Nội cùng phố Hiến vào năm 1681 đã viết:

"Thành phố Ca-cho (Kẻ Chợ, Hà Nội) là thủ đô xứ Bắc kỳ. Thành phố đó ở vào bắc vỹ tuyến 21 độ và cách bể độ 40 dặm. Về diện tích thành phố đó có thể so sánh với nhiều thị trấn khác ở Á châu: còn về dân số thì thành phố đó còn đông hơn nhiều nơi, nhất là trong hai ngày mồng một và rằm mỗi tháng là các ngày phiên chợ, dân các làng lân cận đem các hàng hóa kéo về đó đông không thể tưởng tượng được. Có nhiều phố rộng rãi, quang đãng vào những ngày đó thì đặc những người, đến nỗi lách đường đi qua đám đông được độ trăm bước trong nửa giờ là một sự rất may mắn. Tất cả các đồ đạc bán trong thành phố, mỗi thứ bán ở một phố riêng, và các phố đó còn chia làm một hai hoặc nhiều khu là nơi chỉ người ở trong khu mới có thể mở cửa hàng được, chẳng khác gì các hội và các nghiệp đoàn trong các thành phố Âu châu vậy.

Triều đình của vua, của các ông Hoàng, và của đại tướng và các tòa án tối cao, đều lập ở đây. Tôi chỉ có thể nói các triều đình đó chiếm những khu đất rộng, các dinh thự bề ngoài trông rất xoàng vì đều xây bằng gỗ. Các nhà ở khác đều làm bằng tre và những tấm phên đan rất vụng. Rất ít nhà cửa xây bằng gạch, trừ các cửa hàng của người ngoại quốc là những ngôi nhà rực rỡ hơn hết.

Khi đứng trước ba lớp thành và lâu đài cổ, người ta phải lấy làm ngạc nhiên, những di tích còn lại tỏ ra rằng thành ấy ây vững vàng có những cửa lớn và đẹp lát bằng một thứ cẩm thạch; lâu đài cổ chu vi độ 6 hoặc 7 dặm, cứ xem các cửa ngõ, sân và các gian nhà còn lại cũng đủ biết lâu đài đó trước kia rất đẹp đẽ, lộng lẫy. Trong khu thành đó, lại có những trại của một quân đội lớn lúc nào cũng dự bị sẵn sàng, và kho chứa binh khí của nhà vua ở trên bờ sông gần một bãi cát mới bồi".

Các người Âu châu đã qua thăm Kẻ Chợ về hồi thế kỷ 17, cũng có người để ý đến các thành trì và lâu đài cổ mà Baron đã nói trên nầy; nhưng không mấy ai tìm thấy di tích. Ngay đến các sách địa dư cổ của các tiền triều cũng nói về thành trì và cung điện ở Hà Nội tức Đông Kinh, Đông Đô tức Long Biên và Thăng Long thưở xưa, nhưng không được rõ ràng. Cuốn "Hà Nội địa dư chí" có chép rằng: "Năm đầu niên hiệu Thuận Thiên nhà Lý (1010) đã định đô, xây cung điện và hoàng thành. Thành có bốn cửa, cửa Đông là cửa Tường Phù, cửa Tây là cửa Diệu Đức, cửa Nam là cửa Đại Hưng, cửa Bắc là cửa Quảng Phúc. Phía ngoài có xây thành bằng đất. Niên hiệu Thiên Thành thứ hai (1029) xây thành ở chung quanh gọi là Phương thành; đến đầu đời nhà Trần, nhân đó lại xây nội thành gọi là Long phượng thành. Đến đầu niên hiệu Quang Thuận nhà Lê (1460) xây Đại la thành và theo lệ nhà Lý, nhà Trần, xây Phương thành rộng tám dặm".

Những thành trì, cung điện ở Thăng Long đó, hồi thế kỷ 17 cũng chỉ còn lại một ít di tích như Baron đã nói trên kia. Các di tích đó sau mấy thế kỷ nữa đã cùng với thời gian tiêu tán, nên đến cuối thế kỷ 19, bác sĩ Hocquard dự vào cuộc chinh phục ở Bắc kỳ chỉ còn trông thấy một cái cổng đổ nát là tất cả di tích về thành trì và lâu đài từ đời Lý để lại.

Bác sĩ đã viết trong cuốn "Campagne au Tonkin": "Chúng tôi cưỡi ngựa đi nước đại tiến vào một con đê cao hai bên bờ đầy những xương rồng, con đê ấy tiếp với con đường đi Sơn Tây. Đường này chạy giữa đồng ruộng đưa ta đến thẳng dưới chân thành. Về phía này người ta đi vào thành Hà Nội qua một cái cổng đổ nát, hai bên có hai mảnh tường đã phá quá nửa, đó là tất cả di tích thành ngoài của Hà Nội. Những mảnh tường còn lại dày tới hai thước rưỡi xây bằng gạch trát mạch bằng xi măng rất chắc chắn. Lâu đài lớn bằng cẩm thạch của các vua xứ Bắc mà các du khách hồi trước đã từng ca tụng, chắc ở về phía cửa này. Chúng tôi trong lúc dạo chơi đã từng tìm các di tích nhưng không thấy gì cả. Baron đã trông thấy các di tích đó vào năm 1680, cho rằng lâu đài đó đã xây từ thế kỷ 12 dứơi triều Lý, chiếm một khoảng rộng hàng mấy dặm. Chắc hẳn các di tích đã dần dần bị vùi sâu dưới đất, vì chúng tôi đã hết sức tìm mà không hề thấy di tích gì cả".

Cha Marini người Ý đã nói trên kia, cũng tả cảnh Hà Nội và lâu đài rất lộng lẫy của nhà vua về thế kỷ 17: "Nếu ta muốn đi từ kinh đôt ức là thị trấn mà vào triều tức làa lâu đài nhà vua ở với tất cả các quan thì chúng ta sẽ trông thấy không những một lâu đài mà cả một thị trấn rất đẹp và rộng, tuy về cách kiến trúc không có gì là lạ, cả về cách chạm trổ và các đồ đạc cũng không có gì đặc sắc.

Số lính canh và các quan văn võ rất đông, voi ngựa và khí giới đạn dược rất kỳ lạ và quá hẳn sự tưởng tượng của người ta. Tuy cung của vua ở chỉ xây bằng gỗ, nhưng ở đấy có rất nhiều đồ vàng, đồ thêu, những chiếu và thảm rất tốt và đủ các màu sắc để tô điểm, thực không đâu sánh kịp. Người ta còn trông thấy trên những cửa tò vò bằng đá và những bức tường rất dày, lâu đài của nhà vua, đó là một công trình kiến trúc mà người ta cho là của người Tàu khi họ còn cai trị trong xứ này. Nay lại nói đến hoàng cung ở trong khu đó, và là nơi vua thường ở, thì ta biết rằng lâu đài đó xây trên một rừng cột rất chắc chắn, cao chỉ bằng một tầng gác và phải qua những bậc tam cấp mới lên tới. Kèo cột trong lâu đài đó làm rất kỹ và rất đẹp không nhà nào bằng. Khi xây lâu đài đó người ta đã gọi những nhà kiến trúc và thợ khéo ở khắp trong nước đến, vì chỉ những hạng đó mới được làm các công việc đó, còn thường dân và bọn phu dịch thì không được dự vào các công việc của nhà vua. Lâu đài hiện nay còn lại xây trên một chỗ cao, và người Bắc kỳ, nếu muốn xây một lâu đài khác, thì bao giờ họ cũng chọn một vị trí tốt để có thể trông ra cả vùng và để tránh nạn nước lụt.

Các phòng trong cung vua rất rộng, các hành lang đều lợp kín và rất dài, sân rất rộng để tiện cho các quan văn võ đến chầu. Phía trong là nơi các cung nhân ở, chỗ nội cung đó canh giữ rất cẩn mật chẳng khác gì một nhà tù kín hay một nơi nhà giam. Các nhà ở nội cung cũng khác nhau, có cái đẹp hơn dành cho những vị cung tần được nhà vua sủng ái; nhưng các nhà đó bao giờ cũng thấp hơn cung vua. Các hoạn quan và thị vệ cũng có nhà ở trong khu đó, cả các quan trong triều cũng thế.

Số cung nhân không nhất định, vì nhà vua muốn có bao nhiêu là tuỳ theo ý muốn mình, mỗi cung nhân lại có nhiều thị nữ theo hầu. Số đó vào khoảng 5, 6 trăm người; những người dưới số một trăm gọi là cung nữ…"

Theo cuốn địa dư của Samson Abbeville là sách làm cho vua nước Pháp dùng vào năm 1552 thì Kẻ Chợ, kinh đô Bắc kỳ chu vi rộng độ 20 dặm và dân số độ một triệu (một con số ước lượng quá đáng vì ngày nay cũng chưa được nửa triệu), lại có tên gọi là Đông Kinh.

Trở về trên là những cảnh Hà Nội cổ, và kinh đô Huế thưở xưa khi chúa Nguyễn mới dời đô từ Ái tử và Trà bát vào Thuận Hóa thì ta hãy đọc ký sự của cha Alexandre de Rhodes và nhất là của Pierre Poivre sẽ rõ.

Sau năm ngày đi bộ từ Tourane, Pierre le Poivre đến cửa sông Huế (Hương giang). Chiều ngày 22 tháng 9-1749, thì vị du khách người Pháp đến kinh đô Thuận Hóa.

Ông nhận thấy những cảnh khác nhau diễn ra trước mắt: nào là cây cối hai bên bờ sông, nào là những bụi tre và hàng rào rậm, giữa đó nhô ra những ngôi chùa, còn dưới sông thì đầy những tàu và chiến thuyền của nhà vua. Đến 3 giờ thì Pierre le Poivre đến trước hoàng cung, trong đó có nhiều hành lang chạy dài hàng mấy trăm thước, ở bờ sông bên kia, Poivre trông thấy lâu đài nghỉ mát của nhà vua là một ngôi nhà rất xinh xây trên một cái cầu hình chiếc thuyền dài. Trên nóc lâu đài sơn son, sơn đen thiếp vàng và chạy một đường dài chạm trổ. Theo lời Poivre "chỉ có ngôi nhà đó là có vẻ đặc biệt và đáng để ý".

Hồi Pierre le Poivre1 đến Huế, ở đấy đã có một phố Khách ở phía dưới Hoàng cung. Chính ông và các người tuỳ tòng do người thông ngôn là Mignel Ruong giới thiệu, đã trú ở phố ấy. Chắc hẳn trên bờ sông Hương hồi đó ngoài phố Khách ra, còn có nhiều phố khác nữa, như phố Thợ đúc là nơi Jean de la Croix đã đến ở để đúc súng cho chúa Hiền từ hồi giữa thế kỷ thứ 17.

Tại Huế, lúc Pierre le Poivre đến đã có ba nhà thờ của đạo Thiên Chúa và mấy vị giáo sĩ, trong số đó thì hai vị giúp việc nhà vua. Một vị là nhà toán học của Võ Vương, vị này người Bồ Đào Nha, chắc hẳn là giáo sĩ Loureiro tức là người thứ nhất đã tả rõ cây cối ở Nam kỳ, một giáo sĩ nữa người Tiệp Khắc tức cha Koffler giữ chức ngự y tại triều chúa Nguyễn. Giáo sĩ Koffler rất được Võ Vương tin dùng và giáo sĩ có thể tự do ra vào trong cung vua cả nơi ba trăm cung tần ở. Không những giáo sĩ là vị ngự y thứ nhất lại còn là người dạy về cách nuôi chó cho nhà vua.

Ở Huế hồi đó còn có một Đức giám mục người Pháp tức là Đức cha Lefèvre do hội "Truyền giáo ngoại quốc" phái sang coi cả việc truyền giáo ở xứ này. Cùng ở với Đức cha Lefèvre2 tại Huế, lại có ba vị giáo sĩ người Pháp. Các nhà truyền giáo người Pháp ăn ở một cách giản dị và sạch sẽ chứ không sống trong cảnh hoa lệ của triều đình Huế như các giáo sĩ dòng Tên mà Pierre le Poivre đã gặp.

Số người Nam theo đạo Thiên Chúa ở Huế hồi đó cũng đã khá nhiều. Khi được tin có người ngoại quốc đến chơi thì họ kéo đến xem rất đông và lại đem cả quà đến tặng để giúp các giáo sĩ tiếp khách một cách long trọng hơn. Pierre le Poivre rất có cảm tình với giáo dân đó, như lời ông đã chép lại.

Ngoài Kẻ Chợ thủ đô Bắc kỳ và Thuận Hóa kinh đô Nam kỳ, ở Bắc còn có Phố Hiến nam ở gần Hưng Yên ngày nay., Vân Đồn ở bờ bể Quảng Yên gần biên giới Tàu và ở Nam còn có Tourane, Faifo và Pulocambi tức là Quy Nhơn. Ở các thị trấn này thường có các nhà buôn ngoại quốc đi lại buôn bán nên dần dần thành nơi đô hội lớn.

Phố Hiến là một thị trấn lập ra từ hồi thế kỷ 16 ở trên bờ sông Nhị Hà cách Hưng Yên độ mấy cây số. Thị trấn đó đã có hồi rất thịnh vượng và có tên gọi là Phố Khách; nhưng hiện nay di tích của nơi đô hội đó không còn gì nữa.

Trước hết các nhà buôn tơ lụa Nhật từ miền Vân Đồn vào có ý muốn mở cửa hàng ở gần những nơi sản xuất nhiều tơ cho tiện việc mua bán, vì họ không được ở hai thủ đô là Kẻ Chợ và Thuận Hóa, nên cùng với các nhà buôn khách và Xiêm La đến ở tại phố Khách. Tiếng phố Khách có nghĩa là phố của người ngoài, của người ngoại quốc, chứ không phải của riêng người Tàu. Đến sau mới gọi là Hiến nam.

Năm 1637, có mấy người Hà Lan do viên giám đốc một nhà buôn nước đó ở Nhật, phái đến cửa hàng Hirado ở tỉnh Hézen. Họ đáp tàu "Le Grol" đến Bắc Kỳ buôn bán lần đầu là từ đấy. Do một người tên là Hartsinck hướng dẫn người Hà Lan đến ở Phố Hiến và cửa hàng của họ mở mãi đến năm 1700 mới đóng cửa.

Ở Phố Hiến hồi thế kỷ 17, không phải chỉ có người Nhật, người Tàu người Hà Lan mà còn có nhiều người ngoại quốc khác nữa. Trong số các người ngoại quốc đó, cũng có một vài nhà du lịch như William Dampier đã đến phố Hiến và Hà Nội vào mùa đông năm 1688. Hồi đó cũng như bây giờ tại phố Hiến là một nơi ngã ba sông có hai ngã sông họp lại đấy: Sông Rokbo là đường do đó các thuyền bè của người Á Đông vẫn đến và sông Doumea là đường do đó các tàu của người Âu châu vào nước ta.

Các tàu Hà Lan thường đỗ cách cửa sông con độ 10 cây số là nơi người trong xứ đã lập nên một đô thị gọi là Douméa, còn các tàu Anh thì đậu cách độ 3 dặm về phía trên, ở đấy cũng có một làng nhỏ. Gần các bến tàu này, người Nam hồi đó đã biết trồng các thứ rau tây để bán cho người Hà Lan. Từ các nơi tàu đậu, người ngoại quốc thường thuê thuyền để chở hàng hóa lên Kẻ Chợ, các thuyền đó hay đậu ở Phố Hiến. Theo lời Dampier thì phố Hiến là một thị trấn lớn có chừng 2000 nóc nhà và một trại lính khá đông. Một phố dành riêng cho người Tàu vì người Tàu lúc đó không được phép ở Kẻ Chợ. Người Tàu hồi đó vẫn để tóc dài, có lẽ là vì họ chưa chịu ảnh hưởng của người Mãn Thanh. Người Nhật hồi đó còn được vua Nhật cho phép buôn bán cũng như người Tàu và người Xiêm La chỉ ở Phố Hiến. Người Pháp cũng có cửa hàng ở Hưng Yên vì không được lên Kẻ Chợ.

Khi Dampier đến phố Hiến, tuy ở đấy có hiệu buôn của người đồng bang (Anh) nhưng ông ta lại đến ngay trụ sở của Đức giám mục Deydier để trú ngụ và hỏi thăm tin tức. Dampier chép lại rằng: nhà của Đức giám mục tuy thấp nhưng rất đẹp, có thể là ngôi nhà đẹp nhất trong thành phố. Nhà đó ở phía bắc trên bờ sông và xung quanh có xây tường. Cửa thì trông ra một phố sầm uất, hai bên có nhà ở. Cửa đó vẫn mở suốt ngày và ngay cửa có phòng để tiếp khách người ngoại quốc. Trong phòng đó đồ đạc bày rất đẹp và lại có treo cả những bức họa Âu châu trên tường.3

Vân Đồn mà sau đó nhiều tên khác như Tân Yên, Tinh Yên, Yên Bằng, Yên Quảng tức là Vạn Ninh (Quảng Yên) ngày nay và có lẽ là Quibenhu torng các bản đồ nước ta của các nhà du lịch Âu châu hồi thế kỷ 17. Đó là cửa bể mở cao người ngoại quốc thông thương trước nhất ở Bắc kỳ.

Vân Đồn lập ra từ 1148. Hồi đó nhiều lái buôn Mã Lai, Xiêm La, Miến Điện và Nhật đến buôn bán và được phép ở tại mấy hải đảo gần biên giới Tàu trong vịnh Bắc kỳ.

Còn ở Trung kỳ thì Faifo, Tourane là những hải cảng có người ngoại quốc đến trước hết. Tại Faifo đầu thế kỷ 17, khi các giáo sĩ đầu tiên đến, đã có một phố của người Nhật và người Tàu ở. Trước và đầu thế kỷ 17, đã có nhiều thuyền buôn của Nhật có giấy phép của nhà vua ban cho thường đến buôn bán ở hai thị trấn trên này và cả ở Vinh. Từ Nhật đến giang sơn của chúa Nguyễn hồi đó, có hai đường hàng hải, một đường từ Trường kỳ đến Faifo và một đường nữa từ Trường kỳ đến Vinh.

Năm 1615, giáo sĩ Buzomi đã thấy có nhiều nhà buôn Nhật ở Faifo và năm 1618, giáo sĩ Borri, nói Faifo là "một thành phố và hải cảng đẹp nhất nước có nhiều người ngoại quốc đến". Giáo sĩ này còn nói rằng "người Tàu và Nhật là những người ngoại quốc buôn bán với nước Nam nhiều nhất, mỗi năm họ đến một hải cảng là nơi có phiên chợ họp. Chúa Nguyễn cho phép người Tàu và người Nhật được chọn một khu để lập nên thị trấn, cho phiên chợ họp được dễ dàng hơn. Thị trấn đó là Faifo; thị trấn đó rất lớn nên có thể nói là gồm hai thị trấn, một của người Tàu, một của người Nhật. Mỗi thị trấn ở riêng một khu và có viên quan Tổng trấn cai trị riêng theo luật lệ mỗi nước".

Từ 16144, ở Nhật bắt đầu cấm đạo, nên các người Nhật theo đạo Thiên Chúa, theo lời giáo sĩ Alexandre de Rhodes, mỗi năm ba bốn lần sang Việt Nam rất đông để giữ cho trọn bổn phận về tôn giáo và lấy cớ để buôn bán.

Đến 1634, chúa Nguyễn ra lệnh cấm đạo, những người Nhật theo đạo ở Faifo nhiều người bỏ đạo, vì có thế thì mới có thể ở lại buôn bán được.

Từ Tourane đến Faifo, hồi thế kỷ 17, có thể giao thông bằng đường thuỷ trong một vũng bể dài, vũng đó hiện đã bồi. Hồi đó ở Tourane cũng có một ít người Nhật ở trên bờ phía tây vũng bể Tourane.

Tại Faifo hiện nay vẫn có một chiếc cầu gọi là cầu Nhật Bản…5 Chắc hẳn cầu cũ của người Nhật đã hỏng từ lâu chỉ còn lại cái tên mà thôi. Gần Faifo người ta còn tìm thấy ba ngôi mộ cổ của người Nhật sang buôn bán lúc xưa khi chết chôn ngay tại đấy.6

Ở Vinh thì hiện nay không còn thấy di tích gì về việc người Nhật đến buôn bán hồi thế kỷ 17. Người ta chỉ biết rằng các tàu Nhật ngày xưa đến buôn bán ở phía bắc Trung kỳ thường đậu ở phía trên Vinh, tại chợ Phúc Lệ thuộc phủ Hưng Nguyên ngày nay. Ở đấy có một ông quan coi việc cấp giấy phép cho họ được bán và mua hàng hóa.

Ở Nhật hiện nay người ta còn giữ được nhiều vật kỷ niệm về cuộc thông thương giữa người Nhật và nước ta hồi 300 năm trước. Tại nhà thờ riêng của họ Chaya sang buôn bán ở xứ Đàng Trong vào hồi từ 1615 đến 1624. Lại một bức họa tứ bình nữa vẽ một chiếc tàu của Chaya Matajorô Shiurrokn đang tiến vào vũng Tourane hiện còn giữ tại nhà thờ của họ Chaya.

Một họ Nhật nữa, trước làm nghề hàng hải, họ Kadoya hiện đang giữ được một bức bản đồ đi bể bằng da cừu về đường bể từ Trường kỳ đến Faifo, có hai đường dùng kim bàng đục thủng chỉ rõ mỗi ngày tàu đi được đến đâu trong lúc đi và lúc về. Trong các người Nhật sang buôn bán ở Trung kỳ thưở xưa, có một người tên là Araki Sotarô hồi năm 1620, đã lấy một người trong họ Tôn thất nhà Nguyễn. Người đó tên là Amô đã theo chồng về Nhật ở mãi đến năm 1645 mới chết. Mộ người đàn bà Việt Nam này hiện còn ở đền Daio-ji tại Trường kỳ, và con cháu họ này hiện còn giữ được một tấm gương ở nước Nam đem về.

Ngoài các thị trấn nói trên, hồi đó ở tỉnh Pulocambi7 tức là Quy Nhơn ngày nay, một tỉnh của Chiêm Thành mới sáp nhập vào đất nước Nam dưới quyền chúa Nguyễn còn có hai thành phố nhỏ là Nước Mặn và Nước Ngọt. Hai thị trấn này đều có đề rõ trong bản đồ nước ta của giáo sĩ A.De Rhodes và đều ở phía Bắc Quy Nhơn. Nước Mặn là nơi các giáo sĩ Buzomi, P.Di Pina và Cristoforo Borri đã được vị trấn thủ tỉnh Pulocambi cho phép ở để truyền giáo trong mấy năm. Theo lời giáo sĩ Borri thuật trong tập ký sự của giáo sĩ để lại, thì tại Nước Mặn cũng có nhiều phố xá, đông dân cư và thuyền bè đi lại buôn bán. Viên trấn thủ Pulocambi lại sai người xây cho các giáo sĩ một ngôi nhà thờ và một dinh cơ làm trú sở cho các nhà truyền giáo Tây phương.

Ở trên, chúng tôi đã nói rõ tình hình nước Việt Nam ta và các nơi đô thị cùng hải cảng ở nước ta trong các thế kỷ 16, 17 và 18 là để cho độc giả biết rõ giới hạn của hai xứ Bắc, Nam ở nước ta và quen dần với tên các nơi cố đô và thị trấn cổ của ta hồi đó. Có thế khi biết đến công cuộc truyền giáo hồi đầu tiên, ta mới nhận thấy những sự gian nan trong công cuộc đó.

Chúng tôi còn cần nói rõ chữ Cochinchine (do chữ Caunchi-China chữ Tây Ban Nha và chữ Caoci-Cina chữ Ý mà ra) là nguyên từ chữ Kiaotche (Giao Chỉ) rồi sau thêm vào chữ China để cho khỏi lầm với Cochin ở Ấn Độ. Chữ đó ngày nay là tên xứ Nam kỳ; bắt đầu từ thế kỷ 17, người Âu đã dùng để chỉ các tỉnh từ Linh giang trở vào thuộc quyền chúa Nguyễn. Chữ Tonkin hoặc Tonquin (Đông Kinh) là dùng để chỉ đất thuộc quyền chúa Trịnh ở phía Bắc Linh giang.8

Sau này chữ An Nam, Việt Nam là chữ cả họ Nguyễn và họ Trịnh đều dùng để chỉ cả đất nước Nam ở dưới quyền vua Lê và sau này sẽ là giang sơn của nhà Nguyễn từ đời Gia Long cho đến ngày nay.

Các sách địa dư cổ của người Âu châu như cuốn của Samson Abbeville làm cho Pháp hoàng hồi 1652 đã vẽ bản đồ bán đảo Đông Dương rất rõ ràng và gần đúng các bản đồ ngày nay. Trong cuốn đó lại tả rõ cả hai xứ Đàng Trong của chúa Nguyễn và Bắc kỳ về chúa Trịnh rất rõ ràng, nói đến cả phong tục và sản vật theo đúng như các nhà du lịch và các giáo sĩ đã biết.

Trước hồi này, các sách địa dư Âu châu hồi thế kỷ 14, 15 chỉ một đôi cuốn sách nói đến Chiêm Thành mà không thấy nói đến tên nước ta. Ở miền Viễn Đông lúc đó, theo lời tả của Marco Polo, các sách địa dư người Âu chỉ chép là có nước Tàu và một miền Tiểu Ấn Độ (Inde Mineure) đối với miền Đại Ấn Độ (Inde Majeure) tức là Ấn Độ ngày nay. Trong các bản đồ Á châu của người Âu vẽ hồi đó vẽ hình bán đảo Đông Dương chưa rõ như bây giờ, chỉ thấy vẽ một con sông "Indies tinis" mà có người đã cho đó là sông Nhị Hà ở Bắc Kỳ bây giờ.

Xem thế ta đủ biết chỉ từ cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17, người Tây phương mới biết rõ và bắt đầu để ý đến bán đảo Ấn Độ China này.

Chú thích


(1) Pierre Poivre sinh tại Lyon ngày 23 Aout (theo một vài tác giả lại nói là ngày 13) năm 1719. Poivre sinh ra trong một gia đình làm nghề thương mãi. Poivre vào học ở trường của hội Thừa sai, nhưng chí phiêu lưu lại mạnh hơn chí tu hành. Bởi đó nên năm 1740, Poivre đáp tàu qua biển China và ghé các nơi như Canton, xứ Nam kỳ và các đảo Ấn Độ Hà Lan (Ile de la Sonde).

Lúc trở về, chiếc tàu Dauphinh, chở Poivre, khi đến eo biển Banca thì gặp phải một hạm đội của Anh, đôi bên giao chiến, bên địch mạnh hơn thắng. Poivre bị thương ở cánh tay mặt và chiếc tàu Dauphin thì bị bắt. Các hành khách trong tàu đều bị bắt làm tù binh và giải về ở Batavia. Poivre bị cưa mất cánh tay, nhưng thừa lúc còn trú tại mấy đô thị của người Hòa Lan, Poivre để ý khảo sát về cách trồng trọt các thứ như đinh hương, quế… Bốn tháng sau Poivre được tha và tới Pondichéry sau khi Madras bị thất thủ (1746). Ông La Bourdonnais liền cho Poivre theo ông xuống tàu lấy theo tư cách là một vị thư ký của ông, và đem ông trở về đảo France (Madagascar) và đi ngang đảo Martinique và nước Anh cát lợi. La Boudonnais bị bắt giam giữ, còn Poivre lại được tha và trở về Pháp. Ông về tới Paris ngày 15 Juin 1743.

Theo Launay (trong quyển Histoire 1 p.305) thì Poivre lúc đấy không có chí hướng vào hội Thừa sai nữa, vì tật què tay đã làm cho ông không được học làm linh mục nữa. Vị tổng trưởng bộ Hải quân liền giao cho Poivre hai việc: mở đường thương mãi với xứ Nam kỳ, và mua các giống cây hương liệu về trồng ở đảo France. Từ năm 1758 đến năm 1767, Poivre lại trở sang Canton, Phi Luật tân, xứ Nam kỳ và đảo France. Năm 1767, trong cuộc hành trình tới đảo Madagascar, Poivre lại bị người Anh bắt lần nữa, nhưng cũng trong năm ấy ông được tha về Pháp. Các công cuộc hữu ích của ông đã giúp cho nước, làm cho ông được thưởng huy chương Saint Michel, được các giấy tưởng lục ban khen và được một số tiền thưởng 20.000 đồng Anh kim; ông lại được cử làm đặc phái viên của viện Hàn Lâm khoa học. Mười năm sau, quận công de Prastin (người thay quyền Choiseul năm 1763 tại bộ Hải quân) liền sai Poivre qua đảo France và đảo Bourbon làm giám sát hai đảo ấy. Poivre ở đấy sáu năm và đã trở nên một nhà chính trị danh tiếng, ông lập tờ hiệp ước, giảm bớt công việc nặng nhọc cho bọn dân nô lệ, sửa sang việc canh nông, và làm cho đảo France sau khi bị hại vì chiến tranh được trở nên phong phú. Năm 1773, ông có xin truy cấp và được ông Turgot gởi cho 12.000 đồng Anh kim; Poivre chết gần Lyon ngày 6 tháng 6 năm 1786.

(2) Annaud Francois Lefèvre sinh ngày 21 Decembre 1709 ở Calais (Pas de Calais), ngài qua Siam năm 1737 được thụ phong Giám mục 6 Octobre 1741 trong ngày lễ Epiphante. Lúc ra đi, từ Siam qua Đàng Trong, trong lưng chỉ có 500 đồng. Đường đi khó nhọc Đức cha sinh bịnh và lâm vào cơn nguy cho đến bổn đạo phải dự định gánh hòm theo phòng sợ giữa đường ngài qua đời.

Phổi, dạ dày, ngực đều đau, ăn không tiêu; nhưng lúc mới tới Mgr.Lefèvre đã xứng tráng cho 3.000, 4.000 bổn đạo ở miền nam Đàng Trong. Tới Huế, Mgr.Lefèvre lập toà Giám mục tại Thợ Đúc. Ở Đàng Trong được 19 năm, Mgr.Lefèvre qua đời tại Matkompul (Cao Miên) 27 Mars 1760.

(3) Xem G.Dumontier, Les Comptoirs Hollandais de Phố Hiến ou Phố Khách près Hưng Yên (Tonkin) au XVII siècle, Bulletin de Géographie historique et descriptive 1895 tr.220-228).

(4) Histoire de la religion chrétienne au Japon p.254. Shogun Ioeyasu hiệu là Daifurame ra luật bắt đạo năm 1614 (xem Hist.des Miss.Cath. par P.Lesourd p.70-71)

(5) Hay là cầu Lai Viễn, hay Chùa Cầu, Cầu Ngòi (xem sur le Pont Japonais de Faifo au XVII siècle par L.Cadière B.A.V.H 1920 p.349-358)

(6) Ba ngôi mộ cổ này hiện ở địa phận huyện Điện bàn, một ngôi ở làng Tân An và hai ngôi ở làng Cẩm Phố (Quảng Nam). Ba ngôi mộ ấy là của ba người Nhật Gusoku, Banjiro, Yajirobi.

Người Nhật qua nước ta từ thế kỷ XV, có hai đường hàng hải nối liền Nagasaki và Faifo, Nagasaiki và Vinh.

Nhật cùng Đàng Trong giao thiệp rất thân thiện mãi đến 1635 khi Shogun Iemitsu bắt đạo thì sự giao thiệp ấy mới ngừng (xem Cranets d'un Collectionneur H.Peyssonnaux B.A.V.H 1933 p.261-269).

(7) Hay Pulocambi: Poulo gambir, quãng giữa Qui Nhơn-Sông Cầu. Người Bồ Đào Nha gọi Quiguin (Quinhơn là Pallucambi)

(8) Xem L.Aurousseau, sur le nom de Cochinchine, Bulletin de l'E.F.E.O, quyển XXIV, tr.563-579.

Mục lục

CÁC VỊ GIÁO SĨ ĐẠO THIÊN CHÚA ĐẦU TIÊN ĐẾN NƯỚC NAM

Khảo cứu lịch sử truyền giáo đạo Thiên Chúa ở nước ta, chúng tôi cần nói ngay rằng một phần lớn các tài liệu phải lấy ở các sách chữ Pháp như cuốn "La mission du Tonkin", "Histoire de la Mission de Cochinchine" của Adrien Launay, "Cochinchine religieuse" của Louve (Tome 1) các tạp chí "Revue Indochinoise" và "Bulletin des Amis du Vieux Huế" (tập kỷ yếu của Hội Đô Thành hiếu cổ) và các tập ký sự của các giáo sĩ khác. Các sách lịch sử Việt Nam bằng chữ hán rất ít nói đến việc truyền giáo đạo Thiên Chúa. Điều đó rất dễ hiểu, vì các nhà làm sử của ta phần nhiều là ở Quốc sử quán1 của nhà vua, số các nhà sử học ở ngoài rất ít; vì thế mà trong cách chép sử, chỉ chú trọng đến công việc của các triều đại, còn các việc khác nhất là các việc không được vua quan tán thành thì rất ít chép đến. Tuy vậy trong các sách chữ Pháp dịch ở các nước Âu Châu ra cũng có nhiều cuốn chép những chuyện hoang đường, mà nhiều người cho là không tin được. Ví như cuốn sách của một giáo sĩ Tây Ban Nha là Hordunez de Zéballos nói về việc Saint Thomas sang truyền giáo ở Bắc kỳ vào hồi còn thuộc nước Tàu mà giáo sĩ Borri đã cho là một cuốn sách hoàn toàn bịa đặt. Theo lời giáo sĩ Tây Ban Nha đó, thì hồi nội thuộc Tàu, nước ta còn gồm có ba quận: Giao Chỉ, Cửu Chân, và Nhật Nam; mỗi quận do một ông quan Tàu cai trị, đã có một ông vua ta theo đạo. Thực ra thì trong hồi đó, nước ta đã làm gì có vua, họa chăng chỉ có trong trí tưởng tượng của giáo sĩ Hordunez de Zéballos, hay là Ordunez de Cévallos.

Giáo sĩ Tây Ban Nha còn thuật lại nhiều chuyện hoang đường khác nữa, mà các người đã đọc qua Nam sử khi xem đến đều phải nực cười. Theo lời Hordunez de Zéballox thì chính chúa Nguyễn Hoàng và một vị hoàng hậu ở xứ Đàng Trong và nhiều cung tần khác cũng đã theo đạo Thiên Chúa, và tên thánh của chúa Nguyễn Hoàng là Grégoire.

Cha Borri đọc đến những chuyện đó đã phải tỏ vẻ bất bình đối với tác giả cuốn "Voyage du Monde" (du lịch thế giới) và cho toàn là chuyện bịa đặt không căn cứ vào đâu cả. Giáo sĩ Borri đến Đàng Trong mấy năm sau khi chúa Nguyễn Hoàng băng, không thèm để ý đến việc vị chúa Nguyễn đầu tiên theo đạo và chỉ nói là khi các giáo sĩ dòng Tên đến Đàng Trong thì trong hoàng gia xứ đó không một ai biết gì về đạo Thiên Chúa cả.

Giáo sĩ Borri chỉ nói là ngoài các giáo sĩ cùng đi với các tàu buôn đến Đàng Trong, rồi ở đấy vài ba tháng cho đến lúc các tàu nhổ neo đi, chỉ có một vài giáo sĩ về dòng Franciscain ở Manille và một giáo sĩ về dòng Saint Augustin từ Macao đến Đàng Trong, định truyền giáo nhưng không có kết quả, rồi phải đi ngay.

Trong một cuốn sách nói về gốc tích đạo Thiên Chúa ở Bắc kỳ của Romanet du Caillaud cũng có nhắc lại những việc mà giáo sĩ Hordunez de Zéballos nói trên kia, và nói thêm rằng: năm 1585 có một phái bộ từ Manille sang, gồm có bốn giáo sĩ dòng Frabciscain trong số đó Diego ở Oropesa đứng đầu phái bộ và bốn ông nhà thầy Lai (Lào). Những tờ trình về phái bộ này trái ngựơc hẳn nhau, có bản thì nói tàu bị cướp, các giáo sĩ bị đuổi, có bản lại nói các giáo sĩ được tiếp đón một cách tử tế; nhưng không một nhà truyền giáo nào nói được tiếng bản xứ, lại không có thông ngôn, nên đành lại phải xuống tàu trở về Manille. Phái bộ này chắc hẳn đã đến miền Quảng Yên ngày nay, lúc đó thuộc quyền nhà Mạc.

Năm 1584, giáo sĩ Bartholome Ruiz đã dự vào phái bộ thứ nhất lại đến Bắc kỳ trên một chiếc tàu Bồ Đào Nha, cùng đi với một người mới lên chức giáo sĩ và một người đàn bà theo đạo Thiên Chúa làm thông ngôn.

Các giáo sĩ này được vua nhà Mạc là Mạc Mậu Hiệp, tiếp đãi ân cần vì nhà vua muốn được lòng người Bồ Đào Nha. Nhà vua sai làm nhà cho các giáo sĩ ở; nhưng đến khi tàu Bồ Đào Nha đi, thì chỉ có giáo sĩ B.Ruiz ở lại. Giáo sĩ này tỏ vẻ hăng hái nên xô đổ các tượng Phật trong chùa và rất ngạc nhiên là dân chúng thấy thế vẫn tỏ vẻ lãnh đạm. Vì không biết tiếng nên đi đến đâu giáo sĩ cũng dở ảnh các thánh để truyền đạo; nhưng cách đó cũng không có kết quả mấy. Đến khi giáo sĩ này đi khỏi xứ Bắc vào năm 1585 thì giáo sĩ chỉ làm phép rửa cho được một đứa bé sắp chết.

Theo cuốn "Khâm định Việt sử"2 thì từ năm Nguyên Hoa nguyên niên đời vua Lê Trang Tôn nhà Lê (1532-33) tức là vào khoảng hơn 50 năm trước, khi các giáo sĩ dòng Franciscain đến xứ Bắc, đã có một người Tây (dương nhân) tên là Inikhu đi đường bể lén vào giảng đạo Thiên Chúa ở làng Ninh Cường, làng Quần Anh thuộc huyện Nam Châu (tức Nam trực) và ở làng Trà lũ thuộc huyện Giao Thuỷ về miền Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình ngày nay. Chính năm này là năm Lê Trang Tôn được Nguyễn Kim tôn làm vua ở Ai Lao và Mạc Đăng Doanh con Mặc Đăng Dung đang cầm quyền cả xứ Bắc kỳ. Inikhu chắc hẳn là do chữ Inigo hoặc Ignace dịch ra quốc âm. Việc này chép trong sử ta và cuốn "Việt Nam sử lược" của Trần Trọng Kim cũng có nhắc lại, không thấy nói trong các sách Tây khảo về lịch sử truyền giáo ở xứ này.

Lục tìm các gia phả của các họ và các nhà trong thôn quê Việt Nam, người ta còn thấy chép nhiều chuyện về việc truyền đạo Thiên Chúa ở nước ta hồi thế kỷ 16, có thể cho là sự thực được.

Trong "Tập kỷ yếu của hội Đô thành hiếu cổ" số xuất bản về hai tháng 1-3 năm 1941, giáo sĩ C.Poncet có chân trong hội truyền giáo ngoại quốc Pari, coi địa phận Thanh Hóa có chép dưới đầu đề: "Un des premiers annamites sinon le premier converti au Catholicisme" (Một trong những người Việt Nam đầu tiên nếu không phải chính là người đầu tiên đã theo đạo Thiên Chúa). Chuyện hai người Nam theo đạo về hồi giữa thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 17, giáo sĩ Poncet đã lấy tài liệu trong cuốn gia phả của họ Đỗ ở làng Bồng Trung huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa (Trung kỳ). Người thứ nhất đã theo đạo Hà Lan, tức là đạo của người Âu châu, đạo Datô, theo tên gọi của người mình hồi đó, là Đỗ Hưng Viễn, con thứ hai một vị công thần dưới triều Lê Anh Tôn tên là Đỗ Biều.

Cụ Đỗ Biều đậu cống sinh khoa Kỷ dậu năm thứ bảy niên hiệu Chính Trị (1564) rồi sau lại đậu tiến sĩ năm Chính Trị thứ 15 (1572), chức là Kiệt tiết tuyên lực công thần, đặc tấn Kim tử Vinh lộc đại phu, Lại bộ thuyên khảo hanh lại tư Viên ngoại lang, phong Lưỡng khê Nam. Cụ tên Thuỵ tự là Mỹ Châu và hiệu là Trúc Lâm, thân mẫu họ Dương, sinh được ba con. Người con cả tên là Viên Đức, người con thứ hai là Hưng Viễn. Theo lời dự đoán của tác giả bài trên này, thì Đỗ Hưng Viễn chắc theo đạo Thiên Chúa vào hồi nửa thứ hai thế kỷ 16 dưới đời Lê Anh Tôn khoảng từ năm 1556 đến 1573, nghĩa là vào lúc từ 20 đến 35 tuổi. Nhưng theo những tài liệu chắc chắn thì trước năm 1581 chưa có một giáo sĩ Tây phương nào tiếp xúc với người Việt Nam ở phía Bắc Tourane.

Tuy giáo sĩ Saint Francois Xavier là người đầu tiên truyền giáo ở Nhật có đi qua bờ bể nước ta ba lần vào các năm 1549, 1551 và 1552, nhưng không lần nào ghé vào đất nước ta. Đến năm 1581, một giáo sĩ về dòng Franciscain là Giovani Battista de Pesaro từ Macao đến nước ta được vua Lê cho phép truyền giáo, nhưng không có đủ người giúp việc, nên lại phải trở về Tàu. Cũng vào khoảng đó, vào năm 1583 và 1584, như trên đã nói, lại có hai giáo sĩ Diego ở Oropesa và B.Ruiz đến miền Quảng Yên.

Theo giáo sĩ Ponce thì có lẽ Đỗ Hưng Viễn không phải do một giáo sĩ ngoại quốc đến nước ta truyền giáo cho, mà người đó có lẽ đã theo đạo trong khi đi đến Ma Cao hoặc đảo Célèbes.

Một người thứ hai trong họ Đỗ làng Bồng Trung tên là Đỗ Viên Mãn, con trưởng cụ Đỗ  Cảnh sung chức tiền quân tiền dinh tuyên phong tiền dực vệ, Đô tư thiêm sự chỉ huy sứ, Triều lê hầu sau lại được phong Phụ quốc Thượng tướng quân, Tiết chế, Nam quân Đô đốc, Kỳ quân công; và Viên Mãn là con trưởng theo đạo Hòa Lan nên không thờ phụng được tổ tiên phải giao việc hương hỏa lại cho em là Đỗ Viên Chính tức là nhành thứ. Theo lời giáo sĩ Poncet thì Đỗ Viên Mãn chắc theo đạo vào khoảng từ năm 1627 đến 1643 tức là trong hồi giáo sĩ Alexandre de Rhodes đến truyền giáo ở Bắc kỳ.

Đỗ Viên Mãn là con trưởng một vị đại thần đời vua Lê Thần Tôn, chắc hẳn theo cha đi làm quan ở Kẻ Chợ, tức Hà Nội. Có lẽ chính trong hồi ở Hà Nội đó, Viên Mãn đã được giáo sĩ Alexandre de Rhodes và các đồ đệ truyền đạo Thiên Chúa cho. Chính vị giáo sĩ này có nói rõ rằng hồi giáo sĩ ở Kẻ Chợ, việc truyền đạo Thiên Chúa rất thịnh hành và số người theo đạo càng ngày càng đông thêm. Chính giáo sĩ đã làm phép rửa cho cả một gia đình một ông quan lớn hồi đó, chỉ trừ mình ông quan, nhưng đến lúc gần chết, ông quan này cũng chịu phép rửa.

Trong hai người họ Đỗ ở làng Bồng Trung theo đạo Thiên Chúa chỉ có một người là Đỗ Viên Mãn hiện nay còn có con cháu theo đạo3, còn Đỗ Hưng Viễn thì trong con cháu không thấy nói đến có người đi đạo. Viên Mãn tức là ông tổ hết cả những người họ Đỗ theo đạo ở làng Bồng Trung ngày nay (87 người). Trong con cháu Viên Mãn có một người làm linh mục là Jacques Đỗ Năm là một vị tử đạo đã được Đức Giáo hoàng Léon XIII ghi vào sổ các đấng thánh tử vì đạo của Giáo hội. Chơn phước Năm đã bị bắt trong hồi vua Minh Mạng ra lệnh sát đạo, vì không chịu bỏ đạo và bước qua thập giá, nên cha Năm đã bị khép vào tử tội, và chịu chết vì đạo ngày 12 tháng 8-1838 tức là này 24 tháng 6 năm Minh Mạng thứ 19 ở Nam Định.

Nếu câu chuyện một giáo sĩ Tây phương vào truyền giáo ở miền Nam Định nước ta năm Nguyên hòa nguyên niên (1533) chép trên kia là đúng thì chắc chuyện hai người họ Đỗ này cũng là sự thực.

Tập ký sự của Hordunez de Zéballos (có chỗ viết là Ordunez Cévallos) lại nói trong năm 1588 hoặc 1589 có hai giáo sĩ Bồ Đào Nha là Alfonso da Costa và Gohsalves da Sao đến Thanh Hóa và có lưu lại An Trường là kinh đô của nhà Lê trong khi bị nhà Mạc cướp ngôi và chỉ truyền đạo cho một ít người.

Chuyện bà công chúa Maria hay là Flora theo đạo Thiên Chúa của Ordunez de Cévallos thuật và ông Romanet du Caillaud4 nhắc lại trong cuốn sách của ông nói về gốc tích đạo Thiên Chúa ở Bắc Kỳ cũng ở vào hồi này.

Các giáo sĩ đối với những chuyện của vị giáo sĩ Bồ Đào Nha tác giả cuốn "Voyage du monde" phần nhiều tỏ vẻ ngờ vực và cho là chuyện tiểu thuyết, nhưng cũng có người lại cho là có thể tin được. Giáo sĩ Poncet đã nói đến trên kia một lần, có viết trong tập kỷ yếu "Hội đô thành hiếu cổ" tháng 10 đến 12 năm 1941 một bài về bà công chúa Marie của Ordunez de Cévallos. Giáo sĩ đã thân đến tận cố đô Trường An để điều tra và tìm tòi các vết tích; vị công chúa đó còn có tên gọi là công chúa Chè, hay là Mai Hoa Công chúa hoặc công chúa Chiêm Thành.5

Bà công chúa về triều hậu Lê này theo lời giáo sĩ Bồ Đào Nha đã lập một nhà tu kín ở An Trường (Văn Lai) vào năm 1591 đời Lê Thế Tôn. Tác giả bài ở số tập kỷ yếu Đô thành hiếu cổ, tin rằng lời giáo sĩ Ordunez de Cévallos có thể đúng sự thực vì nếu giáo sĩ đó chưa hề để chân đến đất Việt Nam, sao lại tả được nhiều phong tục tập quán xứ này khá đúng:

Cố đô của các vua Lê tại An Trường chiếm một khu rộng gồm mấy làng An Trường, Lam Sơn, Quảng Thi, Văn Lai và Phúc Lập, ở trên tả ngạn sông Chu, phía dưới đập Bái Thượng (Thanh Hóa) độ mấy cây số. Lam Sơn là nơi phát tích của nhà Lê, còn An Trường là chỗ đã xây cung vua hồi thế kỷ 16. Ở đấy hiện nay còn có di tích hai vòng thành đất. Cung vua thì ở Phủ đường hiện nay đầy những nhà cửa và vườn ruộng. Ở phía Bắc An Trường cách độ hai cây số có một khoảng đất rộng độ một cây số và dài ba cây số, gọi là làng hoặc xóm Datô. Chỗ này hiện nay thuộc xã Phúc Lập. Có lẽ chính khu đó là khu vua Lê đã cho bà Công chúa Flora Marie (Mai Hoa) để lập nên một làng đạo mà giáo sĩ Ordunez de Cévallos nói đến. Gần làng có một chỗ gọi là "nền thờ" hỏi dân ở đấy không ai hiểu vì sao lại có tên gọi thế, tại đó còn tìm thấy nhiều mảnh bát đĩa và lọ vỡ, có lẽ chính chỗ này xưa kia đã xây nhà thờ hoặc nhà tu của công chúa Mai Hoa. Các đền thờ bà chúa ở vùng này mỗi khi cúng lễ chỉ dâng hoa quả mà không dùng xôi thịt, có lẽ là vì vị công chúa thờ trong đền là người theo đạo Thiên Chúa. Trong vùng lại còn có một cái giếng gọi là giếng Datô, có lẽ do bà chúa kia đã đào lên nên dân trong vùng gọi thế để nhớ công bà. Giáo sĩ Poncet còn kể ra nhiều chứng cớ khác để tỏ ra rằng chuyện bà chúa Marie theo đạo Thiên Chúa ở cố đô An Trường là có thực.

Cả chuyện bà công chúa Flora, hay Marie hay Mai Hoa đó ngỏ ý muốn kết duyên với giáo sĩ Bồ Đào Nha Ordunez de Cévallos cũng có thể có được. Giáo sĩ Poncet dựa vào thuyết hồi đó vua Lê còn cần phải đánh nhà Mạc để khôi phục lại giang sơn của tổ tiên, nên mới có ý muốn đem em gái là công chúa Mai Hoa gả cho Ordunez de Cévallos, vừa là giáo sĩ vừa là một võ quan có tài. Vả chuyện vua Lê Thần Tôn (1619-1643 và 1649-1662) lấy mộot người con gái Hà Lan làm cung phi, di tích là một cái tượng ở đền vua Lê mà có thực thì chuyện công chúa Mai Hoa muốn kết hôn với Ordunez de Cévallos cũng không phải là chuyện lạ và hoang đường.

Duy có việc chúa Nguyễn Hoàng theo đạo Thiên Chúa thì ngay giáo sĩ Poncet cũng không thể tin được. Những thuyết trên này chúng tôi đọc thấy thì thuật lại chứ không phải là để tỏ ý tin rằng các chuyện của giáo sĩ Ordunez de Cévallos đếu đúng sự thực cả.

Theo một cuốn sách của giáo sĩ Marcos Giopert, cuốn Historia de las Missiones Dominicanas en Tungkin thì gốc tích việc truyền giáo ở nước ta có nhiều chỗ khác. Giáo sĩ Marcos Giopert đã ở Bắc kỳ 38 năm, khi về Tây Ban Nha mới viết cuốn sách này. Theo sách đó thì năm 1550 một giáo sĩ về dòng Dominicain là Gaspard Santa Cruz thuộc giáo hội Malacca đã đáp tàu đến Cồn Cao về đất Cao Miên,  hiện nay thuộc tỉnh Hà Tiên; nhưng giáo sĩ này chỉ đi qua Đàng Trong, không ở lại truyền đạo, và đến một hải cảng thuộc tỉnh Bà Rịa để xuống tàu sang Quảng Châu. Rồi đến năm 1558, đến lượt hai giáo sĩ Lopez và Zcevedo đã truyền đạo ở Cao Miên trong 10 năm.

Từ năm 1580 đến 1586, các giáo sĩ về dòng Dominicain Luis de Fonseen người Bồ Đào Nha và Grégoire de la Motte người Pháp đều thuộc giáo hội Malacca đến truyền giáo trong tỉnh Quảng Nam từ năm 1570 đã ở dưới quyền chúa Nguyễn Hoàng cai trị. Được ít lâu, chúa Tiên ra lệnh đuổi các người ngoại quốc đó. Quân lính đến vây bắt các giáo sĩ, giết chết giáo sĩ de Fonseca trong khi giáo sĩ còn đọc kinh và đâm giáo sĩ de la Motte bị thương nặng, được ít lâu cũng chết.6

Đến năm 1585, đến lượt phái bộ của dòng Franciscain do giáo sĩ Diego đứng đầu, từ Manille đến và đã nói ở trên. Khi sáu giáo sĩ lên Hà Nội là kinh đô nhà Mạc lúc bấy giờ thì tàu gặp  bão, dạt vào bờ biển đảo Hải Nam. Các giáo sĩ đều bị bắt giam và khi đưa về Quảng Châu, có giáo sĩ Matteo Ricci dòng Tên can thiệp mới được tha và năm sau đều về Manille.

Lúc này, theo lệnh Đức giáo hoàng thì việc truyền giáo ở Bắc kỳ phải dành cho các giáo sĩ người Bồ Đào Nha, vì thế mà năm sau giáo sĩ Bartolomé Ruiz, người nước đó đã dự vào phái bộ năm trước, lại được phái sang Bắc kỳ.

Năm 1588, vị Giám mục ở Macaoo, Đức cha Melchiar Carneiro vì thiếu người, nên mới phái hai giáo sĩ người Bồ Đào Nha là Alfonso de Costa và Joan Gonzalez de Sao, một người 50 và một người 60 tuổi sang Bắc kỳ đúng như lời của Hordunez đã thuật.

Cuốn sách của Marcos Gispert còn nói đến hai giáo sĩ dòng Franciscain ở Malacca là André de los Angeles và Juam de la Conception phái sang để thay Bartolomé Ruiz. Hai giáo sĩ này hình như đã đi qua đất Chiêm Thành còn độc lập, để vào nước Nam.

Đồng thời giáo sĩ Silvestre đến truyền giáo ở Cao Miên. Cũng về hồi cuối thế kỷ 16 này đã xảy ra việc giáo sĩ Diego Aduarte đi qua xứ Đàng Trong năm 1595, vua Cao Miên là Chau-Ponha-Tan, vì một người trong hoàng gia cướp ngôi, nên cầu cứu với quan Toàn quyền ở Manille. Hai vị sứ thần của vua Cao Miên là hai người Âu giúp việc nhà vua: Diego Velloso (Bồ Đào Nha) và Blas Ruiz de Fernan Gonzalez (người xứ Castilles). Viên toàn quyền Manille đầu tiên phái 150 quân trong đó có 40 người Tây Ban Nha đáp một chiếc tàu chiến nhỏ và hai chiếc thuyền mành sang cứu vua Cao Miên. Cuộc viễn chinh này do Joan Suarez Gallinato chỉ huy và trong tàu lại có cả hai giáo sĩ dòng Dominicain là Alonzo Jimerez và Diego Aduarte.

Lần này, cuộc viễn chinh thất bại 7, lúc tàu chở quân lính trở về Manille qua Tourane có ghé vào để mua lương thực. Ở đấy hồi đó đã có hai giáo sĩ dòng Saint Augustin được phép lưu lại không phải để truyền giáo, nhưng là để cứu phần rỗi cho các thuỷ thủ và các nhà buôn Bồ Đào Nha thường qua lại bến tàu đó. Nhân tàu đậu, giáo sĩ Aduarte mới đến thăm viên Trấn thủ lúc đó có lẽ là con chúa Nguyễn Hoàng (chúa Nguyễn Hoàng còn ở Bắc chưa về), viên Trấn thủ này ở kinh đô Ái tử trong tỉnh Quảng Trị ngày nay, tiếp đãi giáo sĩ rất tử tế và khuyên giáo sĩ nên ở lại, hứa sẽ dựng cho một ngôi nhà thờ; nhưng giáo sĩ Aduarte đáp rằng không thể quyết định được, vì còn phải hỏi ý kiến giáo sĩ Jimenez cùng đi và hiện ở Tourane. Nhưng cũng lúc đó, Gallinato lại phái một đại biểu là Grégorie de Vargas đến đòi viên Trấn thủ phải trả cho mình một ít đồ đạc do một bọn cướp đã lấy sau khi giết chết Desmarinas là thân sinh viên Toàn quyền Phi luật tân. Bọn cướp đó đã đem cả đồ vật cướp được, trốn vào đất nước nam. Lời yêu cầu đó đã làm cho viên Trấn thủ nổi cơn thịnh nộ, muốn giết Vargas, và ra lệnh phá các tàu của người Tây Ban Nha. Các chiến thuyền Annam trong đó có mấy chiếc là thuyền phóng hỏa vây hạm đội Tây Ban Nha. Các thuyền mành nhẹ hơn có thể chạy trốn ngay; còn chiếc tàu chiến phải đánh nhau một trận rồi mới thoát được ra bể. Giáo sĩ Aduarie lên kịp tàu đó, nhưng giáo sĩ Jimenez thì còn ở trên đất; giáo sĩ liền bị quân lính bắt, bị lột áo, rồi bị dẫn ra trước mặt viên Trấn thủ.

Viên này ra lệnh trả áo cho giáo sĩ, và cho phép được tạm lưu lại với các giáo sĩ dòng Augustin. Trước khi đáp tàu Bồ Đào Nha rời đất Nam Kỳ, giáo sĩ đã rửa tội cho hai người Nam bị tội tử hình, và giáo sĩ lại trở về Manille.

Vẫn theo lời giáo sĩ Gispert, năm 1605, một giáo sĩ dòng Franciscain ở Malara không rõ tên là gì, đã đến Bắc kỳ và có gặp nhiều người theo đạo; giáo sĩ này cũng đã rửa tội cho mấy người dân trong xứ đã học đạo.

Giáo sĩ Gispert lại nói năm 1616, một người Pháp là Monterran đi qua Macao (Áo Môn) có gặp hai giáo sĩ dòng Franciscain nói chuyện rằng ở Việt Nam có nhiều người theo đạo Thiên Chúa. Nhưng có lẽ hai giáo sĩ đó có ý muốn nói đến những người theo đạo sau khi các giáo sĩ dòng Tên bắt đầu đến nước ta năm 1615.

Đến đây là hết hồi thứ nhất trong công cuộc truyền giáo ở nước ta. Đó là một hồi còn mờ mịt, thiếu sách vở, tài liệu, và còn đầy những chuyện hoang đường. Cuốn sách độc nhất có thể tin được là cuốn "Lịch sử giáo hội Bắc kỳ" của giáo sĩ Marcos Gispert vừa kể trên.

Tuy vậy trong hồi đó, ta cũng đã biết chắc là có nhiều giáo sĩ Tây phương đến nước ta cùng với các tàu buôn rồi ở ít lâu lại cùng đi với những tàu đó. Các giáo sĩ đó cũng đã bắt đầu giảng đạo Thiên Chúa, khuyên được một số người Nam theo đạo.

Ta lại biết rõ trong hồi đó cũng đã có một vài giáo sĩ tử vì đạo. Đó là những giọt máu đầu tiên của các người đã hy sinh vì đạo Chúa để giúp cho việc truyền giáo và giúp cho Giáo hội ở xứ này có một địa vị lớn lao và vững vàng như ngày nay.

Chú thích

(1) Xem Les Archives des Empereurs d'Annam et l'Histoire Annamite (B.A.V.H, Juille, Sept 1942)

(2) Cuốn Les debuts du Christianisme en Annam của Lt Co.Bonifacy lại nói M.Delonstal đã đọc thấy chuyện này trong một cuốn gia tục hoặc gia phả.

(3) Xem B.A.V.H số 1 Janvier-Mars trang 81: L'un des premiers Annamites sinon le premier converti au Catholicisme. Ngày 27 Mai 1900, Léon XIII đã phong cho Jacq. Đỗ Năm lên bực hiển thánh. Jacq. Năm là dòng dõi Đỗ Viên Mãn bị tử đạo dưới triều Minh Mạng, 12 Aout 1838 tại Nam Định.

(4) R.du Caillaud là một người Pháp gốc Gia nã đại theo đạo Thiên Chúa và rất giàu hồi 1915, đã xuất bản ở Paris tại nhà xuất bản Augustin Chalamel một cuốn sách nhan đề "Essai sur les origines du Christianisme au Tonkin et dans les autres pays annamites". Đến năm sau 1916 thì ông từ trần. Tác giả cuốn sách này có vẻ tin lờn thuật của giáo sĩ Ordunez de Cévallos và đã có tìm xem những tên đất như Picipuri Guanci và Quibenhu mà giáo sĩ Bồ Đào Nha đã nói đến hiện nay ở chỗ nào. M.Caillaud cho Picipuri là ở miền Thanh Hóa, còn Quibenhu là Cửa Bạn, nơi giáo sĩ A.de.Rhodes đã đến hồi 1627. Còn Guanci tức là Văn lai cách cố đô Trường An (Thanh Hóa) các nhà viết sử và nhất là đại tá Bonifacy cho rằng sự nhận xét và khảo cứu của Caillaud rất sai lầm và Picipuri Quibenhu đều ở vùng vể Quảng Yên còn Guanci là Quảng Tây (Tàu).

(5) Xem B.A.V.H tập 4 Oct.Déc.1941: La Princesse Marie d'Ordonez de Cévallos par C.Poncet, tr.351.

(6) Cha Marcos Gispert nói là theo sách của Trương Vĩnh Ký, nhưng sau lại nói giáo sĩ De Motte bị giết ở Xiêm. Không rõ thuyết nào đúng.

Trong cuốn La Coch. Relig, của ông Louvet trang 226 chép rằng hai giáo sĩ truyền đạo ở Cao Miên bị quân Xiêm bắt về Ayuthia. Mấy năm sau hai giáo sĩ đều bị hại.

(7) Sau người Tây Ban Nha còn phái quân sang giúp vua Cao Miên lần nữa, và nhờ đó vua Cao Miên mới khôi phục lại được ngôi vua.

Mục lục

CHÚ GIẢI A: VỀ NHÀ HỌ ĐỖ, THUỘC LÀNG BỒNG TRUNG TỈNH THANH HÓA

Về nhà họ Đỗ, cần phải nói dài hơn nữa, và phải cho ít điều chi tiết phụ bổ vào để cho người ta thấy rõ rằng những cuốn gia phả xưa người ta gìn giữ kỹ lưỡng trong các gia đình Việt Nam rất là có ích, chẳng những có ích dùng để mà viết về lịch sử đạo Thiên Chúa truyền bá sang Việt Nam mà thôi, lại còn dùng để bổ khuyết, ấn định và cũng có khi dùng để phủ chính những điều sưu tầm trong những tài liệu chính thức về Nam sử.

Trong cuốn gia phả của họ Đỗ làng Bồng Trung, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, trang 18

Dịch: "Nhánh thứ hai, đời thứ bảy, ông tổ là Đỗ Công Biều đậu cống sinh khoa thi Hương năm kỷ dậu, đời vua Chính Trị năm thứ bảy. Đến năm Chính Trị thứ mười lăm được khâm sắc là Kiệt tiết tuyên lực công thần, đặc tấn Kim tử Vinh lộc đại phu, chức Lại bộ thuyên khảo thanh lại ti viên ngoại lang, tước Lương khê Nam, tên Thuỵ là Mỹ trinh hiền, hiệu là Trúc Lâm tiên sinh. Ngài là con thứ ba (của ông Trinh Kỉnh) bà mẹ họ Dương hiệu là Từ Ái; sinh đặng ba người con. Mộ chôn tại xứ Cồn Cổ Ngựa, kỵ ngày mồng bảy tháng mười; người thiếp có mộ chôn tại xứ Cồn Xương, kỵ ngày 16 tháng tư. Con đầu là Viên Đức, con thứ là Hưng Viễn theo đạo Hòa Lang".

Theo trong gia phả ấy, thì Đỗ Hưng Viễn theo đạo người Hòa Lang (Fa-lan) nghĩa là đạo Công giáo. Theo lúc nào? Lấy nhiều lẽ xét nghiệm thì có thể phỏng đoán rằng, không phải ông theo lúc tuổi trẻ, cũng không phải theo lúc tuổi già, chắc hẳn ông theo đạo lúc trưởng thành, lối 30 tuổi, nghĩa là về năm 1560 hoặc 1570. Vậy chúng ta hãy cho ở giữa khoảng thời gian từ 1560 đến 1570. Nhưng theo những tài liệu người ta có sẵn hiện nay, vị thừa sai đầu tiên tiếp xúc với người Việt Nam, là cha Giovanni Battista de Pesaro; năm 1581 vị thừa sai ấy có viết một bức thư gởi cho vua xứ Bắc kỳ, nhưng cha không thể thân đi đến được. Năm 1583, cha Diego ở Oropesa, năm 1584, cha Bartholomé de Ruiz đến đất Bắc kỳ, nhưng đều không thể làm được việc gì. Đến năm 1588, có hai vị linh mục Bồ Đào Nha là cha Affonso da Costa và Gonsalves de Sa đến Bắc kỳ có ở lại ít lâu tại An Trường trong tỉnh Thanh Hóa. Hình như không phải Đỗ Hưng Viễn trở lại đạo nhờ hai vị ấy, vì có phần chắc là ông ấy chịu phép rửa tội trước năm 1580.

Có nhiều lý đáng tin rằng Đỗ Hưng Viễn trở lại đạo nhân dịp hành trình sang các xứ thuộc địa Bồ Đào Nha, ở Macao hoặc ở Célèbes, dưới triều vua Lê Anh Tôn (1556-1573). Quả thị vua Lê đã hiểu rõ rằng dẫn dụ người Âu Tây vào nước mình là một việc toàn lợi cho mình. Nhà vua có bắt được một chiếc tàu Bồ Đào Nha, và tìm thấy dưới tàu một bức thư của một tu sĩ dòng thánh Phanxicô gởi cho nhà vua. Vua Lê Anh Tôn trả lời yêu cầu vị tu sĩ đến nước mình. Phần vì vị tu sĩ kia không thể đến được, nhà vua liền gởi thơ sang Macao cho vị ấy. Đồng thời có một người Việt Nam đã đi sang một xứ thuộc địa Bồ Đào Nha, trở lại đạo Thiên Chúa ở xứ ấy, rồi trở về nước nhà, và thờ phượng cây Thánh giá cách công khai. Nhà vua đã được nghe tố cáo rõ việc ấy.

Phải chăng Đỗ Hưng Viễn là người Việt Nam nói trên kia đã trở lại đạo tại một xứ thuộc địa Bồ Đào Nha?

Phải chăng ông ta có dự vào sứ bộ vua Lê Anh Tôn phái đi để tìm các đấng linh mục Công giáo, và dẫn dụ người Âu Tây vào nước nhà? Không ai biết mà nói quả quyết; nhưng có điều gần như chắc chắn là ông đã trở lại đạo vào lúc ông ở gần người Bồ Đào Nha và ở xa xứ sở mình.

Đó là một trong những người Việt Nam đầu tiên trở lại đạo. Có lẽ ông là người đầu tiên đã chịu phép Rửa tội; ông không để lại một người con cháu nào có đạo cả. Cũng dễ đoán biết tại lý gì, ông không lưu truyền dùng đạo lại. Được rửa tội tại quần đảo Nam Dương (iles de la Sonde) hoặc tại Macao, nơi người Bồ Đào Nha không phải dùng tiếng Việt Nam mà thâu thập được một đôi điều đạo lý Thiên Chúa giáo, bèn là nhờ dùng tiếng Bồ Đào Nha, mà thứ tiếng ấy hẳn ông cũng chỉ biết được một ít chữ thôi. Hết sức thì cũng chỉ biết làm dấu thánh giá hoặc tôn kính một cái tượng ảnh nào người ta đưa cho ông, đọc được đôi ba câu kinh là cùng. Có lẽ ông đã theo cách ấy mà giữ đạo cho đến chết, bởi vì trong gia phả ghi chép ông là người theo đạo Thiên Chúa. Nhưng nếu ông ta có lập nên một gia đình, thì hoặc gia đình ấy không trở lại đạo, hoặc đến lúc ông mất thì gia đình ông bỏ đạo mà thờ cúng tổ tiên theo tôn giáo trong xứ vì trong hàng con cháu ông, không nghe nói người nào có đạo Công giáo cả.

Những điều nói trên đều trích trong tập khảo cứu của cha Poncet: "L'un des premier Annamites, sinon le premier, convertis au catholicismes". Một trong những người Việt Nam đầu tiên, nếu không phải là người đầu tiên, đã trở lại đạo Công giáo. Bài khảo cứu ấy có đăng trong tập "Đô thành hiếu cổ" (Bulletin des Amis du Vieux Huế) năm 1941, trang 18-81.

Chúng ta vừa thấy rằng việc khảo cứu về cuốn gia phả họ Đỗ đã chỉ cho chúng ta biết những gốc tích đạo Thiên Chúa ở Việt Nam. Những lời chú giải sau này chỉ cho chúng ta thấy rằng những thứ tài liệu như thế cũng còn có thể cho chúng ta những điều chỉ bảo quý báu về lịch sử toàn quốc của nước Việt Nam.

Người ta nói: "Chính Trị thất niên (1564) Đổ Biều đỗ cống sanh khoa thi Hương năm kỷ dậu".

Cuốn tự vị của cha A-lịch-sơn (Alexandre de Rhodes) làm chừng 80 năm sau thời ông Đỗ Biều, dạy cho chúng ta biết rằng cái chức "Cống" hay là "ông cống", hay là "hương cống" chỉ bậc nhì trong kỳ thi Hương, ai đỗ chức ấy thì được miễn thuế. Vậy hẳn là cái chức ngày nay gọi là cử nhân. Vậy cái bằng ấy mở con đường hoạn lộ cho các học sinh. Những bộ sử ký và các tài liệu chính thức khác thường hay nói đến các "cống sĩ", chữ ấy chỉ những người thâm nho, những học sinh, những thí sinh; nhưng tôi chưa hề gặp chữ "cống sanh".

Chính trong năm kỷ dậu, Đỗ Biều đã đi ứng thi, và năm ấy hình như là năm Chính Trị thất niên. Nhưng ở đấy có một điều sai lầm. Quả thế vì niên hiệu Chính Trị khởi từ năm mậu ngọ, 1558, đến năm tân vị 1571 thì hết, kể được 14 năm. Song le trong khoảng thời gian ấy, không có năm kỷ dậu. Những năm kỷ dậu chỉ có trước, năm 1549, hoặc sau, năm 1609. Vậy thì có một điều sai lầm trong việc chép năm tính theo can chi. Sự ấy thường năng xẩy ra trong những tài liệu; người ta có thấy những điều sai lầm cách thể ấy trong những bộ sử ký chính thức. Một người biên chép vô ý hoặc mắt kém, hay sao lục nhằm một tài liệu cũ nát, không đọc rõ mặt chữ và đặt lầm chữ này thay chữ kia.

Vậy chúng ta chỉ nên nhớ rằng Đỗ Biều đỗ cống sanh về khoa thi năm Chính Trị thứ bảy (XXX 1564).

Nhưng ở đây, chúng ta lại gặp một sử  liệu khác có lẽ không được đúng, hay ít nữa cũng khiếm khuyết. Theo Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, thì trong đời Chính Trị 1558-1571, có bốn khoa thi: 1558 năm kỷ vị, Chính Trị đệ nhị; 1562, năm nhâm tuất, Chính Trị đệ ngũ; 1565, năm ất sửu, Chính Trị đệ bát; và 1571, năm tân vị, Chính Trị thập tứ. Vậy thì trong năm Chính Trị đệ thất không mở khoa thi. Bộ Cang mục chép có hương thi ở Tây Đô trong Chính Trị thứ bảy, năm 1564 quả không có khoa thi nào. Nhưng người ta có thể thỏa thuận hai sử liệu ấy với nhau. Năm 1565, có một khoa thi Hội, đỗ thì bậc tiến sĩ xuất thân và Đông xuất thân; nhưng những khoa thi Hội ấy mở sau các khoa thi Hương, Hương thí mở trước Hội thí một năm. Vậy Đỗ Biều hẳn phải có đi thi Hương năm 1561 và đỗ chức cống sanh. Nếu như ông có đi thi Hội năm 1565, thì hẳn không được đỗ. Hai sử liệu kia hình như nói mỗi cái mỗi đường, chúng ta có thể thỏa hiệp lại bằng cách ấy. Lại cần phải thêm rằng, về thời ấy trong nước chia đôi, nửa phần phía Bắc về họ Mạc, nửa phần kia, ở Thanh Hóa và Nghệ An về nhà Lê, và trong hai phần đất, bên nào cũng có mở khoa thi. Vấn đề vì thế lại càng khó giải hơn.

Trong cuốn gia phả họ Đỗ, người ta còn có nói rằng: "năm Chính Trị thứ 15, Đỗ Biều được phong tước Lương Khê Nam".

Song theo những bộ sử ký chính thức thì trong đời Chính Trị không có năm thứ mười lăm, vì chỉ kể được có 14 năm thôi. Nhưng điều sai lầm ấy có thể giải nghĩa được rõ ràng lắm.

Quả thế bộo Cang Mục chép cho chúng ta biết rằng tháng giêng năm Nhâm thân, 1572, vua Lê Anh Tôn làm lễ tế Giao có để rơi cái lư trầm. Cái triệu bất thường ấy khiến người ta phải lo yểm trừ gấp bằng cách thay đổi niên hiệu, và năm 1572 thay cho năm Chính Trị thứ mười lăm, thì lại đặt niên hiệu Hồng Phúc đệ nhất; nhưng còn có xảy ra nhiều chuyện quan trọng hơn. Ngày 21 tháng 11 nghĩa là vào khoảng cuối năm 1572 hoặc đầu năm 1573 vua Lê Anh Tôn cùng bốn người con trốn vào Nghệ An, ngày 22 tháng giêng năm quý dậu, 1573, nhà vua thăng hà, có lẽ bị Trịnh Tòng sát. Đối với dân chúng, ít ai hay biết những chuyện ấy; và năm 1572 đáng là niên hiệu Hồng Phúc thứ nhất, người ta chỉ gọi là niên hiệu Chính Trị thứ mười lăm, mãi cho đến sau chuyện xảy ra đã lâu mà cũng gọi thế.

Đó là giải nghĩa tại sao có sự sai lầm của người chép gia phả họ Đỗ. Dầu sao, cuốn gia phả của nhà họ Đỗ cho phép chúng ta nghĩ rằng; mặc dầu thời gian hay phá và người ta hay lầm, những tập di bút tư gia, không nói chi của các nhà thế gia, mà kể cả những nhà dân tầm thường, những tập di bút chứa những kho tàng quý giá, kể về phương diện lịch sử, gồm đủ các chi tiết của nước Việt Nam, quý giá kể về phương diện lịch sử tôn giáo trong xứ sở. Chúng ta hãy chúc cho những người Việt Nam, lần lần biết cởi bỏ cái tính sợ người ngoài để mắt đến, lo khư khư giữ kín những tập bút ký gia đình, chịu đem ra cống hiến vào sự ích lợi của toàn thể quốc gia.

Mục lục

CHÚ GIẢI B: VỀ BÀ CÔNG CHÚA MARIA

Sự tích bà Công chúa Maria ấy cho chúng tôi tiện dịp nhắc độc giả chú ý đến một việc tối quan trọng về phương diện lịch sử. Việc ấy là những tên gọi các chỗ đất.

Người Việt Nam xưa không xây nhà cửa bằng những vật liệu bền chắc, bằng đá hay bằng gạch như người Hy Lạp, người La Mã, hoặc người Chiêm Thành hay làm; giống người nói sau đã ở đất Trung kỳ trước người Việt Nam.

Người Việt Nam đã xây nhà cửa, cung điện, miếu vũ, bằng gỗ với gạch ngói nấu chưa chín, có khi lại lợp tranh. Vì vậy những công trình kiến trúc của người Việt Nam không chống chọi được lâu dài với thời gian, và hầu hết gần như tàn phế; cho nên ngày nay không còn lưu một di tích, kỷ niệm một công trình tạo tác gì của thời xưa để cho các nhà viết sử có thể dùng để làm sống những tích cũ chuyện xưa, hoặc để duyệt chính những sử liệu trong các bộ sử ký chính thức.

Nhưng thường thường, hễ chỗ nào có một cổ tích, thì cái tên của cổ tích lưu để tại chỗ đất ấy, hoặc ghi tạc vào trong ký ức nhân dân, và tập truyền giữ lại.

Ở Âu Châu cũng thế, người ta có thường năng gặp những "chỗ tục gọi lạ". Những tên gọi ấy rất có ích cho các nhà viết sử.

Cho nên người Chiêm Thành ngày xưa đã chiếm đóng tại ba tỉnh vùng quanh Huế, là Thừa Thiên và Quảng Trị, Quảng Bình đã dời đi cách mấy thế kỷ nay. Thế mà trong nhiều làng mạc, họ còn để lại tên gọi bằng tiếng Chiêm Thành. Quả vậy, tại nhiều làng, còn có những chỗ đất gọi là Cồn dàng, Cồn dường, tiếng ấy, tiếng Chiêm Thành nguyên là Yang, nghĩa là "tôn quý thiêng liêng". Quả thế vì thường thường, người ta năng tìm thấy tại những chỗ gọi là Cồn dàng, có những đống gạch vụn, cái tên Dàng khi nào cũng có nghĩa là ngày xưa, tại nơi ấy có một cái miếu thờ. Có khi người ta gặp những chỗ gọi là miếu Dàng, hay Bà Dàng, cái đó cũng có nghĩa là người ta thờ một cái tượng gốc tích Chiêm Thành. Hoặc giả có nơi người ta gọi là Cồn Gạch, Cồn Kẹc, Lò gạch v.v… Những tên ấy thường thường chỉ một cổ tích Chiêm Thành.

Ngày xưa biên giới chia hai nước Bắc, Nam ở sông Gianh. Cả một vùng ấy, nghĩa là toàn tỉnh Quảng Bình, phía nam tỉnh Hà Tĩnh và phía bắc tỉnh Quảng Trị, nhà Trịnh và nhà Nguyễn cho quân đến đóng rất nhiều. Ở đó có những dinh: dinh Mười, dinh Mới, dinh Trạm, dinh Cát, dinh Cầu. Ở đó có những hiệu, những kho, những đồn; ba đồn. Hiện nay ở những nơi đó, đã lâu không có quân lính, chỉ có ruộng vườn, nhưng trong địa bộ các làng, những sở ruộng, sở vườn ấy còn có tên gọi, khiến nhớ đến những phủ đệ các quan ngày xưa: Trung công phủ, Tiền công phủ, Tả biên công phủ, Hữu biên công phủ, Ký lục; hoặc khiến nhớ đến những cơ quân binh có đóng trại chỗ ấy: Giếng Trại, Tiền trụ, Hữu trụ, Tả trụ, Kiên nhứt v.v… hoặc còn nhắc nhớ đến những thớt voi trận: Tàu tượng, Tàu voi, giếng Voi v.v… hoặc còn nhắc nhớ đến những kho: Cồn kho, Họ kho, Kho thuốc v.v… (xem "Les lieux historiques du Quảng Bình". Những nơi sự tích tỉnh Quảng Bình do cha L.Cadière viết trong Bulletin de L'Ecole Francaise d'Extrême Orient (tạp chí của trường Viễn Đông bác cổ năm 1903)).

Phải góp nhặt, phải khảo cứu những tên cũ ấy, vì những tên gọi ấy làm chứng những việc đã xảy ra về thời quá khứ, và giúp chúng ta phụ bổ khuyết, và duyệt chính những sử liệu trong các tập tài liệu ghi chép bằng bút, các bộ sử ký, hoặc các tập bút ký của những khách du hành đến đất Annam.

Bởi thế nên cha Poncet căn cứ theo những tên cũ ở vùng quanh kinh đô tạm thời của nhà Lê ở An trường, trong tỉnh Thanh Hóa để dò xét thử sự tích bà công chúa Maria do Ordunez de Cevallos kể lại, chuyện ấy có xác thực ít nhiều gì chăng? Bây giờ cũng cần nên tiếp nối và thêm một điều chi tiết cuộc bàn giải của cha Poncet về vấn đề này.

Romanet du Caillaud, trong tác phẩm "Essai sur les origines du Christianisme au Tonquin" (Thử bản về gốc tích Thiên Chúa giáo ở Bắc kỳ) – nhà xuất bản Challamel, Paris 1915 – có nói đến một bà công chúa Maria hình như trở lại đạo về cuối thế kỷ 16, tại kinh  đô tạm thời của nhà Lê, trong tỉnh Thanh Hóa, và việc ấy là do một vị linh mục Y Pha Nho là Ordunez de Cevallos, hình như có đến xứ Bắc Kỳ trong thời kỳ ấy, kể chuyện lại.

Về điều ấy, dư luận rất phân vân; có những người không tin hẳn, nói rằng: đó là một thiên tiểu thuyết hoàn toàn bịa đặt. Những người khác, số ít hơn, nghĩ trái lại rằng cốt truyện có thực, vì nếu Ordunez không đến đất Việt Nam, không đến ở dưới triều Lê, thì làm sao mà giải nghĩa được có nhiều chi tiết rất đúng hợp với phong tục trong xứ, trong câu chuyện ông kể.

Kinh đô tạm thời của nhà Lê ở thế kỷ XVI, chiếm một khu đất gồm nhiều làng: "An trường Lam sơn, Quảng tự, Vạn lai, Phúc lập. Tất cả những làng ấy đều ở bên ả sông Chu trong tỉnh Thanh Hóa, ở phía dưới đập Bái thượng vài cây số. Khi xem xét các chỗ đất ấy, người ta sẽ tìm ra những dấu tích có thể chứng nhận chuyện công chúa Maria là chuyện có thật.

Cách hai cây số về phía tây bắc An trường, có một khu đất mà dân những làng lân cận gọi là làng "Gia tô", xóm Giatô. Chỗ ấy hình như là cái làng đạo mà Ordunez đã nói đến: "Nhà vua nhường cho bà công chúa vạt đất ở bên kia sông, để họp dân bản xứ lại thành một làng đạo".

Quả thật cái làng Giatô ấy cách An trường một cái rộc, nguyên xưa kia là một khúc sông ngày nay hóa ra đồng ruộng. Người ta cũng có nói đến việc nhà vua nhường cho một hòn núi để thả súc vật ăn cỏ, và một cái "khe bạch". Thật ra ở làng Gia tô cũng có một cái đồi cỏ mọc, và phía tây, có một cái rộc Bạch Mã, và một cái rộc Bạch, hình như là cái khe Bạch trước kia, dùng để phân địa giới đất đai viện tu của bà Công chúa Maria sáng lập.

Dân vùng ấy tôn thờ có một bà công chúa nhà Lê, mà họ gọi là bà Mai Hoa Công chúa, hay bà Công chúa Chè, hay là bà công chúa Chiêm Thành. Có ba miếu thờ bà. Người ta chỉ cúng hoa, không cúng xôi thịt. Cái tên Mai Hoa so lại cũng gần hợp với cái tên bà công chúa đã được Ordunez de Cevallos rửa tội. Bà tên Flora nghĩa là Hoa; và bà rửa tội lấy tên là Maria, về thời ấy người Việt Nam có thể đọc thành ra Mai Hoa.

Năm 1591, người ta chưa thử tìm viết tiếng nôm bằng thứ chữ La Mã, tiếng Mai Hoa với Maria nghe cũng gần giống nhau. Người ta gọi bà là bà công chúa Chiêm Thành, bởi vì bà là con gái của một bà phi người Chiêm Thành, nhà vua Bắc kỳ tuyển làm cung phi. Và người ta gọi bà là bà Công chúa Chè bởi vì bà đã gia công khai thác việc trồng chè.

Ở vùng quanh đó, có một cái giếng có tên là giếng Giatô. Trong làng Phúc Lập, giữa đồng ruộng, có một chỗ gọi là Nền thờ, chỗ đó xưa kia có thể là nơi xây dựng nhà thờ. Cách chỗ đó không xa, người ta chỉ cái bên tiên ngự, một cái giếng Giatô, và trên một khoảng rộng, có những mảnh vụn bình bằng sành hay bằng đất nung. Sau nữa người ta có kể lại rằng xưa kia có một cái bia nói về đạo Giatô, nhưng cách đây độ năm mươi năm, khi người ta làm lại cái đình làng Phúc Lập, dân trong làng phá bia ra trộn vôi, để cho người bổn đạo sau này khỏi đến đòi lại đất đai.

Tất cả những cổ tích ấy có thể chứng nhận rằng xưa kia, ở đó có một sở đạo Thiên Chúa khá quan trọng.

Nhưng thế thì tại sao không hề nghe ai nói đến các người bổn đạo ấy. Hẳn tại vì họ học không thấu đáo, thiếu người thông ngôn; vị linh mục Ordunez lại không biết tiếng Việt Nam, cho nên họ chỉ được chịu phép rửa tội, biết đơn sơ, nên không bao lâu lại bỏ đạo. Đến khi cha Alexandre de Rhodes và các vị dòng Tên đến cách đâu chừng năm mươi năm sau thì không còn lưu chút gì nữa.

Đàng khác, việc chúa Nguyễn Hoàng chịu phép rửa tội, xem ra thật khó tin. Quả vậy! Nhưng đó là Romanet du Caillaud ức đoán. Ordunez không nói rõ đích là Nguyễn Hoàng, mà nói rằng có rửa tội cho một vị "Đô Đốc" có cả tỉnh và thành Huế ở dưới quyền chính".

Câu chuyện bà công chúa đề nghị kết hôn cùng vị linh mục Ordunez xem ra cũng hình như quái lý: nhưng phải nhớ rằng về thời ấy, người Việt Nam muốn tìm cách kết giao với người Âu Tây. Vậy có thể rằng bà Công chúa ấy chưa chịu phép Rửa tội, phải lòng một người ngoại quốc, mà bà không hiểu chức đạo thế nào: viên cựu sĩ quan kia, hiên ngang, quý phái, lễ độ nhã nhặn đã chiếm được lòng người nào ông đến gần. Ông hình như biết đủ những nghiệp quân binh, và thuỷ thủ. Nếu nhà vua cầm giữ ông lại mà dùng thì may mắn cho nàng biết bao. Ông sẽ giúp đượcnhiều cho nhà Lê trong việc chống với họ Mạc và họ Nguyễn ở Huế. Vả lại cách đó ít lâu, vua Lê Thần Tôn lấy một bà vợ người Hòa Lan, người ta thấy tượng bà trong một ngôi đền thờ vua Lê Thần Tôn ở gần tỉnh thành Thanh Hóa.

Những lẽ ấy khiến ta tin rằng Ordunez đã có đến thật ở đất Bắc Kỳ, và đã có thể gầy nên được những người có đạo Thiên Chúa.

Trong chú thích này, chúng tôi đã vin theo cuộc khảo cứu của cha Poncet, đăng trong tập "Đô Thành hiếu cổ 1941, tr.351-358, nhan đề là: La Princesse Marie d'Ordunez de Cevallos bà công chúa Maria của d'Ordunez de Cevallos.

Mục lục

VỀ THẾ KỶ 17, VIỆC TRUYỀN ĐẠO THIÊN CHÚA MỚI CHÍNH THỨC BẮT ĐẦU Ở NƯỚC NAM

Từ thế kỷ 17 trở về trước, tuy đã có một số các nhà truyền đạo Thiên Chúa để chân đến đất ta, nhưng phần nhiều các giáo sĩ đó chỉ cùng đến rồi lại cùng đi với các tàu buôn Âu Châu như trên đã nói, chưa mấy vị lưu lại để chính thức giảng đạo; họa chăng chỉ có một vài giáo sĩ về các dòng thánh Dominique, hoặc dòng thánh Francois d'Assise đến Bắc kỳ hoặc miền "Đàng Trong" về vùng Lục tỉnh ngày nay, nhưng thấy công việc truyền giáo không có kết quả mấy, nên lại dời đi chỗ khác. Ví như giáo sĩ dòng thánh Dominique Gaspar Santa de Cruz được coi là giáo sĩ thứ  nhất đến xứ Đông Dương vào năm 15501 ở cửa bể Coacan2 lúc đó thuộc xứ Cao Miên nhưng ngày nay là địa phận tỉnh Hà Tiên. Giáo sĩ này đã vì lời mời của vua Cao Miên lúc đó, nên không theo lời khuyên của bạn hữu, bỏ nhà tu lập ở Malacca sang Cao Miên truyền giáo. Khi đến nơi mới rõ là vua Cao Miên chỉ hứa hão và chỉ tìm cách để cho tàu Bồ Đào Nha đến xứ mình. Những người theo đạo Bàlamôn ở triều đình Chân Lạp sợ ảnh hưởng của đạo mới nên hết sức phản đối, đến nỗi giáo sĩ Santa de Cruz phải bỏ đi sang Tàu, nhưng cũng không để chân được lên tổ quốc của con cháu Tần Thuỷ Hoàng. Giáo sĩ De Cruz có để lại một cuốn sách "Traité où sont contèes les choses de la Chine", trong đó có nói kỹ về Cao Miên và tôn giáo xứ đó. Cả các giáo sĩ Luis de Fonseca (Bồ Đào Nha) và Gregoire de la Motte (Pháp) cũng về dòng này đến truyền giáo ở tỉnh Quảng Nam cũng không có kết quả, và bị chúa Nguyễn Hoàng trục xuất ngay.

Như thế ta có thể nói rằng công cuộc truyền đạo Thiên Chúa ở nước Nam ta về trước thể kỷ 17 chưa có kết quả gì đáng nói và các giáo sĩ đến nước ta trước hồi đó đều bị thất bại.

Với thời kỳ các giáo sĩ dòng Tên (Jésuites) đến đất Việt Nam, nghĩa là từ 1615 trở đi, thì các nhà truyền giáo Thiên Chúa mới có một khu đất mới khá tốt, có thể gieo hạt giống một cách có kết quả tốt tươi và hứa hẹn một tương lai rực rỡ. Cũng từ thời kỳ đó, việc khảo cứu về công cuộc truyền giáo mới có thể dễ dàng hơn. Các tài liệu của các giáo sĩ dòng Tên, phần nhiều là người học rộng và có kiến thức để lại rất nhiều, đến nỗi ta băn khoăn không biết nên chọn tập nào, bỏ tập nào.

Những tập ký sự nói về tình hình nước ta hồi thế kỷ 17 và công cuộc truyền đạo Thiên Chúa trên giang sơn của con cháu Lạc Hồng của các giáo sĩ Borri, Baldinotti, Alexandre de Rhodes, Marini, Cardim… đều có dịch ra nhiều thứ tiếng Âu Châu và xuất bản ngay từ hồi đó. Những tập ký sự đó toàn là những tài liệu rất quý giá cho những nhà khảo cứu về lịch sử đạo Thiên Chúa ở nước ta, mà cả cho những ai muốn biết rõ tình hình nước Việt Nam về thế kỷ 17 nữa. Trong những tập đó có tập hay, nên nhiều người biết đến, nhưng cũng có những tập nhỏ không quan hệ, không mấy ai để ý đến, nên vẫn nằm yên trong các tủ sách của Toà thánh hàng mấy trăm năm, gần đây mới có người lục ra để xuất bản. Phần nhiều các tài liệu đó đều có dịch ra tiếng Pháp lần lượt đăng ở các tạp chí có giá trị như những tập kỷ yếu của trường Viễn Đông Bác Cổ, của Hội Đô thành hiếu cổ, tạp chí Revue Indochinoise, tập kỷ yếu của "Uỷ ban khảo sát về Cổ học Đông Dương" (Bulletin de la Commission archeologique de l'Indochine). Cả những bức thư của các giáo sĩ truyền giáo ở Đông Dương gởi về trình các đức Bề trên ở Áo Môn hoặc Đức giáo hoàng ở La Mã về các công việc của các vị đó cũng giúp cho các nhà khảo cứu một phần. Những tập ký sự và thư từ của các giáo sĩ hồi đó phần nhiều đều viết rất cẩn thận, thuật các việc rất tỉ mỉ cả những việc không quan hệ gì đến việc truyền giáo. Nay mỗi khi ta được đọc lại những tập đó, ta tưởng tượng như được trông thấy những cảnh rất linh động ở xã hội Việt Nam về hai ba thế kỷ trước, từ chốn triều đình cho đến những nơi nhà quê, kẻ chợ, từ các nơi cung điện của vua chúa cho đến cả trong những túp lều tranh rải rác ở khác các miền Bắc kỳ, Trung kỳ ngày nay.

Trước khi nói đến công cuộc truyền giáo từ thế kỷ 17 trở đi, ta nên biết vì đâu mà các giáo sĩ dòng Tên ở Áo Môn lại để ý đến nước ta? Như trong một chương trước đã nói, trong các người Âu Châu, thì người Bồ Đào Nha đến nước ta và miền Viễn Đông đầu tiên, rồi sau mới đến người Tây Ban Nha từ Phi Luật Tân, người Hà Lan, người Anh và người Pháp lan tây ở Ấn Độ lại. Các giống người Âu Châu đó hồi đó cũng chia rẽ, cạnh tranh chẳng khác gì ngày nay. Trước hết người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha tranh nhau phạm vi thế lực phải nhờ đến Đức giáo hoàng Alexandre VI phán xử; rồi sau, đến khi vua Philippe II nước Tây Ban Nha thôn tính cả nước làng giềng Bồ Đào Nha thì ta lại thấy người Hà Lan và Anh-cát-lợi là những giống người chỉ cốt trục lợi, tranh cướp quyền lợi với người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã đến trước mình. Vả người Hà Lan và Anh đều theo đạo cải lương nên họ không hề để ý đến việc truyền giáo ở những miền họ để chân đến. Thế là ngay từ thế kỷ thứ 17, các nước Âu châu đã vì mối lợi lớn ở các miền Đông Á, nên khi họ tới các miền đó đã đem theo cả mối cạnh tranh và xung đột lẫn nhau từ Tây phương lại. Tuy các người lái buôn Bồ Đào Nha hồi đó có một người tên là Ferdinand de Gosta, sau khi ở Nam kỳ về Áo Môn, đã đề nghị với Đức cha chính giáo hội dòng Tên ở đấy, nên phái các giáo sĩ sang nước Việt Nam, vì xứ đó có thể là một khu đất mới để cho các nhà truyền giáo gieo hạt giống của đạo Thiên Chúa. Từ đấy trở đi cho đến cuối thế kỷ 18, t! rong một khoảng 200 năm và bao nhiêu năm sau khi giáo hội dòng Tên bị bãi, tất cả 180 vị giáo sĩ dòng đó đã luôn luôn đến giảng đạo ở Nam kỳ và Bắc kỳ. Dẫu nhiều khi gặp những sự ngăn trở lớn và bị cấm đoán nghiêm nhặt, công việc truyền giáo của các vị giáo sĩ đó vẫn tiếp tục và có kết quả lớn. Ta có thể nói chính các vị giáo sĩ dòng Tên đã xây nền đắp móng cho các lâu đài đồ sộ và vững vàng của đạo Thiên Chúa ở nước ta ngày nay.

Dầu sau nầy, chính các vị đó gây ra sự xung đột, cạnh tranh với các giáo sĩ người Pháp trong hội "Truyền giáo ngoại quốc", có ảnh hưởng không hay cho việc truyền đạo Thiên Chúa ở xứ này, nhưng ta cũng phải công nhận đó là những người có công đầu với giáo hội Công giáo Việt Nam.

Chú thích


(1) Theo sách của giáo sĩ Marcos Gispert thì giáo sĩ Santa de Crux đến năm 1550, nhưng theo giáo sĩ Bernard thì giáo sĩ đó đến vào hồi 1555.

(2) Cần Cao.

Mục lục

GIÁO HỘI DÒNG TÊN VỚI VIỆC TRUYỀN GIÁO

Gíao hội dòng Tên (Jésuites hay là Compagnie de Jésus) là một Dòng do giáo sĩ Ignace de Loyola lập nên từ năm 1534 để đánh đổ những giáo lý sai lầm và giúp vào công cuộc truyền bá đạo Thiên Chúa. Dòng này là một dòng theo về thuyết chiến đấu hăng hái, chứ không giữ vẻ trầm mặc như các dòng đạo khác… Những người về dòng này, ngoài ba điều nguyện thường của các tu sĩ khác, lại còn nguyện xin theo mệnh lệnh của Đức giáo hoàng. Trong dòng này rất tôn trọng thứ bậc, nên các người trong dòng chia ra làm nhiều hạng: tập sự, phó linh mục và linh mục lành nghề, và đều ở dưới quyền một vị linh mục chính. Dòng này lập ra được ít lâu thì có thế lực rất lớn ngay. Ở Pháp tuy có nhiều người phản đối, nhưng dưới đời Louis XIV, dòng này cũng có ảnh hưởng rất lớn. Các giáo sĩ trong dòng này 1759 thì bị trục xuất ra ngoài nước Bồ Đào Nha và các năm 1762, 1880 và 1901 bị trục xuất ra khỏi nước Pháp. Năm 1773, dòng Tên đã bị Đức Giáo hoàng Clément XIV bãi đi một hồi, nhưng đến năm 1814 dưới đời Đức Giáo hoàng Pie VII lại được lập lại. Các luật lệ của dòng này rất nghiêm và các giáo sĩ thuộc dòng này đều lựa chọn rất cẩn thận trong những người có đạo đức cao và học thức rộng. Cũng vì thế mà các tín đồ của thánh Ignace có thể hoạt động một cách dễ trong trong những nước vẫn trọng văn học như nước Việt Nam ta và nước Tàu.

Ignace de Recalde tức de Loyola, người đã sáng lập ra dòng Tên, sinh ở lâu đài cùng tên đó, là một vị võ quan từng nổi tiếng. Năm 1521, Ignace de Loyola bị thương, không thể nào ở trong quân đội giúp nước được nữa, nên ông mới định đem hiến mình cho tôn giáo. Ông cho rằng muốn đánh đổ những thuyết lý sai lầm rất có hại cho đạo Thiên Chúa hồi đó, thì cần phải học rộng cả về văn học và khoa học. Sau khi học ở Tây Ban Nha, ông theo sang học ở trường Đại học Paris và đến năm 1534 thì đậu bác sị, sau sáu năm đèn sách. Cũng trong năm đó, về dịp ngày lễ Assomption 15 Aout, ông cùng 6 người đồng chí, trong đó có bốn người Tây Ban Nha, cả Francois Xavier, một người Bồ Đào Nha và một người Savoie đã đến nhà thờ Mont Martre, nguyện dùng cả đời mình để trừ tiệt những thuyết trái với đạo Thiên Chúa và để giáo hóa những người không tin đạo. Việc lập dòng Tên được Đức Giáo hoàng chuẩn y năm 1540 và Ignace đã thảo nên những luật lệ có thể coi là những kiểu mẫu cả về tôn giáo và tâm lý. Đến năm 1556 là năm ông từ trần, thì trong hội dòng Tên đã có 1000 giáo sĩ, một trăm nhà trường, 14 tỉnh và hội đã đem được cả miền nam nước Đức về với đạo Thiên Chúa.

Sau này tuy gặp nhiều cuộc sát hại và bị nhà văn hào Pháp Renan chế nhạo một cách cay chua nói không bao giờ một tín đồ của dòng Tên có thể đối địch được với một võ quan trong bộ Tham mưu quân Đức, nhưng có nhiều võ quan học ở các trường của dòng này đã đem lại sự toàn thắng cho nước Pháp trong hồi cuộc đại chiến trước (1914-1918). Trong số các võ quan đó, ta chỉ nên kể Thống chế Foch, Tổng tư lệnh quân Đồng minh hồi 1918 đã đại thắng quân Đức và Thống chế Pétain người đã thắng trận đại chiến Verdun và đã cứu nước Pháp từ hồi đình chiến (Juin 1940) đến nay. Hai người đó cũng đã đủ làm vẻ vang cho các trường của dòng Tên.

Người ta lại không thể nào quên được công việc của các giáo sĩ dòng này như Couvreur Zottoli và Wieger đối với sự nghiên cứu về Hán học và ai lại không biết rằng các thiên văn đài, việc khảo sát về các sự thay đổi của không khí, về gió bão, đã cứu được bao mạng người và bao nhiêu tàu bè đi bể, đều là công cuộc của các giáo sĩ dòng Tên.

Chắc có người không tin rằng các giáo sĩ đó trong khi đi truyền giáo đã truyền bá cả khoa học và văn minh và giúp cho những khoa học đó thêm tiến bộ. Nhưng đó là sự thực và tuy có người thù ghét một cách bất công những giáo sĩ đó, người ta nên phải công nhận cái giá trị lớn lao của các công cuộc giáo dục, khoa học và văn minh của những người đó. Người ta đã biết rằng Saint Francois Xavier và các đồ đệ người đã rủ được một số nhiều người Nhật theo đạo. Sau đó tuy các nhà cầm quyền Nhật cấm và giết đạo rất dữ dội, đến nỗi đạo Thiên Chúa đã hầu như bị diệt hẳn trên các đảo Phù tang. Người theo đạo bị giết đầu tiên ở Nhật vào năm 1597. Cuộc sát hại đó tiếp tục trong bao nhiêu năm. Năm 1615, trong khi các giáo sĩ Thiên Chúa giáo mới để chân đến nước ta, ở Nhật đã có tới một triệu tám trăm ngàn người theo đạo. Rồi hơn mười năm sau, đến năm 1624 là năm giáo sĩ Alexandre de Rhodes đến xứ Nam kỳ thì máu những người tử vì đạo đã nhuộm đỏ cả đất Phù tang. Trừ người Hà Lan chịu bước qua thập tự giá khi để chân đến đất Nhật, là được phép ở lại trong đảo Deshima, còn tất cả người Âu khác đều không được vào nước Nhật, và dân Nhật cũng không được phép đi buôn bán ở nước ngoài như trong hồi các thế kỷ trước nữa.

Ta lại nên biết ngay ngươi Nhật cũng phải công nhận giáo sĩ Saint Francois Xavier một trong những người sáng lập ra dòng Tên và vị giáo sĩ Thiên Chúa đầu tiên đã đến truyền giáo ở Nhật, chính là người đã đem máy in và nghề in vào nước Nhật. Sau Franocis Xavier, các đồ đệ của người đồng thời đi truyền giáo nước đó cũng đã đem theo khoa học Âu Tây, nhất là y khoa mà truyền bá ở trên các đảo Phù tang.

Cái công của các giáo sĩ trong Tên đối với việc truyền giáo và truyền bà văn minh ở Viễn Đông hồi thế kỷ 17, và 18 thực là lớn lao, đến nay nhiều người vẫn phải nhắc tới. 

Mục lục

CÁC GIÁO SĨ DÒNG TÊN VỚI NƯỚC VIỆT NAM TA

Ngày 18 Janvier 1615, vào hồi gần tết Annam một chiếc tàu buôn của người Bồ Đào Nha vào bến Tourane. Tàu vừa cặp bến, các quan ta ở hải cảng chưa kịp lên tàu khám xét theo lệ thường, thì đã thấy một số đông người hiếu kỳ kéo nhau ra đứng trên bờ, giương đôi mắt tò mò nhìn chiếc tàu buồm và những người ngoại quốc đứng trên cầu tàu trông xuống. Những người Nam ta, nhất là người Đàng Trong, ở cửa bể hồi đó thường thường hàng năm cứ  mấy tháng có gió mùa, lại được thấy một vài chiếc tàu buồm và một số thuyền mành lớn của người ngoại quốc vượt bể từ phương xa lại. Tuy mắt họ đã quen với những chiếc tàu buôn lớn đó, nhưng mỗi khi có tàu đến, vì lòng hiếu kỳ, họ vẫn không thể không kéo nhau ra xem nhưng con "vật khổng lồ" đó có thể vẫy vùng trên mặt bể, và vượt hàng dặm từ miền cực tây sang đến nước ta. Vả những khi có tàu buôn ngoại quốc đến lại là những dịp cho người mình có thể buôn bán phát tài, nên nhiều người rất mừng rỡ khi trông thấy những tàu đó từ từ tiến từ ngoài khơi vào vùng bể cửa Hàn hay Faifo.

Trên chuyến tàu này, ngoài viên thuyền trưởng và các thủy thủ lại có hai nhà truyền giáo là giáo sĩ Francesco Buzomi và giáo sĩ Diego Carvalho và ba người nhà thầy, trong đó thì một người Bồ Đào Nha là Antonio Diaz và hai người Nhật là Joseph và Paul.

Chiếc tàu ở Tourane ít lâu và sau khi bán cùng mua xong hàng hóa lại nhổ neo đi, mang theo cả giáo sĩ Carvalho người Bồ Đào Nha. Người bạn đồng hành của giáo sĩ Buzomi này sau đó ít lâu sang Nhật rồi bị chết rét trong khi bị hình phạt phải phơi mình trên mặt nước đóng thành băng trên một cái hồ lớn.

Giáo sĩ Buzomi được lệnh ở lại Tourane để truyền giáo. Đó là vị giáo sĩ dòng Tên thứ  nhất đã đến nước ta và đã lập nên giáo hội miền Nam.

Giáo sĩ sinh năm 1576 ở thành Gênes (Ý), theo học ở trường của dòng Tên và năm 1608 được phái sang truyền giáo ở các nước Viễn Đông. Người dạy khoa giáo lý ở trường dòng Áo Môn trong 5 năm rồi đầu năm 1615 thì sang nước ta.

Từ 1615 đến 1639, trong gần 25 năm trời, người giữ chức cha cả giáo hội các xứ Đàng Trong, trông nom việc truyền giáo dưới đời chúa Sãi, là con chúa Tiên (Nguyễn Hoàng) lúc đó còn đóng đô ở Trà Bát, gần tỉnh lỵ Quảng Trị ngày nay.

Trước khi giáo sĩ Buzomi đến ở Tourane, các giáo sĩ cùng đi với các tàu buôn cũng đã có rủ được một số ít người Nam theo đạo, nhưng chưa hề giảng cho họ những điều cốt yếu về đạo Thiên Chúa. Vì thế, mà các người Nam hồi đó vẫn hiểu lầm rằng chịu phép Rửa tội để theo đạo tức là thành người Hà Lan1 và không phải là người Annam nữa. Giáo sĩ Buzomi đã nhận thấy rõ sự hiểu lầm đó trong một cảnh hài kịch. Một hôm giáo sĩ đi chơi trên bãi bể, thấy một bọn phường chèo rong đang hát cho công chúng xem; người bèn dừng lại để ý xem thì thấy một con hát bước ra sân khấu với một cái bụng độn rất to. Một con hát khác và một đứa bé con nữa cũng cùng ra. Con hát bụng to bèn hỏi đứa bé rằng:

- "Con Gnoo muon bau lom laom Hoa laom chi a?"2 (Con nhỏ muốn vào trong lòng Hòa Lan chăng?) Đứa bé đạp rằng "có". Tức thì người ta đem nhét nó vào bụng người con hát thứ nhất. Tất cả khán giả thấy thế đều cười ồ. Bọn con hát diễn đi diễn lại cảnh hài kịch này đến mấy lần mà cử tọa vẫn không chán và vẫn có người cười.

Sau khi xem hài kịch này, giáo sĩ Buzomi hiểu rằng vì không thạo tiếng Nam, nên các giáo sĩ trên các tàu buôn khi rủ người Nam theo đạo trước khi làm phép rửa tội, vẫn hỏi họ có muốn vào "trong lòng" Hòa Lan chăng… Các giáo sĩ đó nói hai chữ "trong lòng" là dùng theo nghĩa bóng vì không tìm được chữ khác, nhưng người Nam và cả bọn hát chèo đã hiểu câu đó theo nghĩa đen của nó, nên mới đem câu đó ra để diễu những người theo đạo, có ý nói theo đạo tức là thành người Hòa Lan (người Tây), không phải là người Nam nữa. Giáo sĩ Buzomi nhận thấy sự hiểu lầm tai hại đó, nên mới bảo những viên thông ngôn giúp người giảng đạo phải đổi câu hỏi mỗi khi khuyên người ta theo đạo:

- "Con gnoo muon bau dao Christiang chỉa?" (Con nhỏ muốn vào đạo Christiang chăng?)

Từ ấy người Nam mới dần dần hiểu là theo đạo Thiên Chúa không phải là mất quốc tịch Annam.

Giáo sĩ Buzomi là người đã xây ngôi nhà thờ thứ nhất ở cửa bể Tourane, hồi đó đã có nhiều người ngoại quốc, nhất là người Tàu và người Nhật đến ở, như ở Faifo gần ngay đấy. Người giảng đạo phải dùng thông ngôn, vì không biết tiếng ta. Sau ít lâu, người bèn đến kinh đô3 của chúa Nguyễn lúc bấy giờ và được chúa Sãi tiếp rất tử tế, lại cho cả đất để dựng nhà thờ và nhà riêng cho các giáo sĩ ở. Nhờ đó mà số tín đồ đạo mới dần dần tăng thêm, trong số đó có cả một bà quý phái đặt tên thánh là Jeanne tỏ ra là người rất trung thành với đạo.

Thấy việc truyền đạo ở nước Nam ta đã bắt đầu có kết quả tốt, giáo sĩ Provincial trong cùng một năm đó (1615) đã phái thêm giáo sĩ Andrea Fernandez người Bồ Đào Nha sang nước Nam để giúp giáo sĩ Buzomi.

Đến năm 1617, lại có hai giáo sĩ nữa là Francisco Barreto, người Bồ Đào Nha và Francesco di Pina người Ý Đại lợi cũng đến đất thuộc quyền chúa Nguyễn. Vị giáo sĩ này chỉ ít lâu sau đã học được tiếng Nam; nhưng giữa lúc việc truyền giáo mới bắt đầu đó, đã xảy ra một việc không may cho các giáo sĩ. Ở các tỉnh Đàng Trong luôn mấy tháng mùa thu, trời không mưa nên cả nước bị đại hạn dẫu cầu đảo thế nào cũng không được mưa; các nhà sư và các đạo sư (phù thuỷ) đang ghét những nhà truyền giáo mới, mới xúi giục dân phao lên rằng, vì có các giáo sĩ Thiên Chúa đến truyền đạo mới, nên trời mới phạt tai họa như vậy. Chúa Nguyễn bèn cho mời giáo sĩ Buzomi là cha cả đến và nói cho biết tuy Ngài vẫn biết những lời phao ngôn đó không có bằng chứng gì đáng tin, nhưng vì cần trọng dư luận của công chúng, nên chúa phải đành ra lệnh cho các giáo sĩ phải dời khỏi đất Đàng Trong. Các giáo sĩ đều phải xuống tàu, nhưng vì trái gió nên không đi được, các giáo sĩ phải lẩn trốn ở gần bờ bể, được các dân mới theo đạo nuôi ăn và giấu giếm cho. Trong các giáo sĩ, chỉ có hai người là Fernandez và Barreto đi khỏi Đàng Trong. Đến năm 1618, khi giáo sĩ Borri đến, theo lời người chép lại trong tập ký sự còn để lại, thì chỉ còn gặp có giáo sĩ Buzomi, tuy đau ốm mà vẫn phải lẩn lút và giáo sĩ Di Pina ở trong làng của người Nhật tại Faifo để vừa giảng đạo cho họ và vừa học tiếng Nam.

Ở Áo Môn được tin về những sự khó khăn về việc truyền giáo ở nước Nam, giáo sĩ Provincial mới phái giáo sĩ Pedro Marquez người Bồ Đào Nha lai Nhật đáp tàu sang Đàng Trong để giúp các bạn đồng nghiệp. Giáo sĩ Christoforo Borri cũng cùng đi chuyến tàu này, những phải ăn mặc giả làm đầy tớ trên tàu. Khi tàu vừa đến bến Tourane thì hai người thủy thủ đánh nhau, một người bị xô xuống nước, giáo sĩ Borri thấy thế bèn nhảy xuống cứu tên thuỷ thủ lên và trong lúc bất bình, quên mình đang đóng vai đầy tớ, mắng tên thuỷ thủ đã xô bạn xuống nước một cách rất oai vệ. Thấy tên thuỷ thủ có tội cúi đầu kính trọng nghe lời mắng đó không hề dám cãi lại, các người Nam có mặt ở đấy đoán ngay giáo sĩ Borri không phải là đầy tớ mà có lẽ là một nhà truyền giáo. Biết mình đã bị lộ chân tướng, giáo sĩ Borri bèn từ trên tàu bước xuống bờ bể, mặc áo giáo sĩ, lập bàn thờ mang theo, ở giữa trời rồi đọc kinh làm lễ.

Lúc đó trong nước vẫn còn đại hạn, nhưng sau khi giáo sĩ làm lễ xong, thì trời bỗng mưa to như trút nước; chỉ một trận mưa dào đó cũng đủ cứu cho các giáo sĩ đạo Thiên Chúa thoát khỏi bước khó khăn. Các giáo sĩ bèn từ Tourane đến Faifo tìm giáo sĩ Di Pina. Giữa lúc này, giáo sĩ Buzomi cũng đã được quan trấn thủ tỉnh Pulocambi tức Quy Nhơn bây giờ, đem về nuôi và sai thầy thuốc chữa cho khỏi bệnh. Được tin đó, hai giáo sĩ Di Pina và Borri mới đến Pulocambi. Viên trấn thủ nhân đức và sẵn lòng dung đạo mới kia, cho phép các giáo sĩ đến ở lại thị trấn Nước Mặn4 lại sai thợ đến đấy dựng nhà thờ và nhà ở cho các nhà truyền giáo. Ba vị giáo sĩ được yên ổn giảng đạo Chúa trong hơn một năm; thường thường vị trấn thủ Pulocambi lại đến Nước Mặn thăm các nhà truyền giáo nói chuyện rất vui vẻ và săn sóc cả đến sự sinh hoạt của các vị đó không hề để cho bị thiếu thốn một thức gì. Sự yên ổn đó không được lâu bền. Sau hơn một năm, viên trấn thủ nhân đức lại bị cảm thử chết một cách bất ngờ. Các giáo sĩ đã lo người ta sẽ đổ cho vì mình giảng đạo mà viên trấn thủ chết, nhưng may sao vị sư cụ lại tuyên bố rằng chỉ vì một cái kèo ở sau tư thất viên đại thần đã gây ra cái chết đó. Các giáo sĩ tuy khỏi bị ngờ vực, nhưng không có người che chở và thiếu lương thực, nên lại phải ly tán mỗi người đi mỗi ngả, chỉ một mình giáo sĩ Borri lưu lại Nước Mặn.

Giáo sĩ Borri là vị giáo sĩ đã để lại cho ta tập ký sự đầu tiên nói rõ về địa dư, lịch sử, chính trị, phong tục, tập quán và tôn giáo nước ta. (Phần thứ nhất) giáo sĩ lại không quên nói đến công việc truyền giáo ở các tỉnh Đàng Trong hồi đó, lại tả rõ cả những sự may mắn, những nỗi khó khăn của các giáo sĩ, những nguyên nhân đã giúp cho việc truyền giáo có kết quả, cùng thuật rõ ý kiến của một vài nhà quý phái và học thức Việt Nam hồi đầu thế kỷ 17 đối với đạo Thiên Chúa (phần thứ hai). Tập ký sự của giáo sĩ Borri xuất bản năm 1631 ở La Mã và ở Milan bằng tiếng Ý, sau ít lâu dịch ra tiếng Pháp xuất bản ở Lille, tiếng Hà Lan xuất bản ở Leide, tiếng Latin xuất bản ở Vienne (Áo). Lại có cả bản dịch ra tiếng Anh và tiếng Đức nữa5. Một tập ký sự được dịch ra nhiều thứ tiếng và xuất bản nhiều lần, như thế đủ tỏ lúc bấy giờ người Âu châu rất chủ ý đến các tập du ký nhất là những người học rộng như các giáo sị dòng Tên viết ra. Cuốn sách của giáo sĩ Borri đã giúp cho người Tây phương hiểu rõ nước ta. Trước khi tập ký sự này xuất bản, chưa có sách nào nói về nước Nam được kỹ như thế.

Đến nay đọc lại những trang trong cuốn sách đó, ta cũng phải nhận rằng tác giả đã quan sát rất đúng và có một ngòi bút rất công bằng. Giáo sĩ Borri ở nước ta năm năm, khi thì ở miền Pulocambi, khi thì ở Faifo hoặc Tourane. Mãi đến 1622, người mới từ giã đất Đàng Trong về Âu Châu (xem chú giải C và D).

Trong tập ký sự về phần thứ hai, giáo sĩ Borri có thuật lại một vài chuyện rất có ảnh hưởng đến việc truyền đạo trong hồi đầu thế kỷ 17.

Chuyện đáng chú ý hơn cả là việc vợ chồng một vị Đại thần tại triều chúa Nguyễn được chúa Sãi phái đi Sứ sang Cao Mên; khi đi qua Nước Mặn, đều chịu phép rửa tội để theo đạo. Vợ vị sứ thần đó là con gái viên trấn thủ Pulocambi, người bị bệnh chết trong khi các giáo sĩ còn ở trong tỉnh đó. Giữa lúc giáo sĩ Borri ở lại một mình tại Nước Mặn, thì vị phu nhân đó đến để chờ chồng cùng đi sang Cao Mên. Vị phu nhân đó đã từng được nghe một người thông ngôn cùng đi với giáo sĩ Buzomi từ Tourane đến kinh đô giảng đạo, và đã có ý thích đạo Thiên Chúa. Vì thế khi bà đến Nước Mặn gặp giáo sĩ Borri, bà cùng với 25 người tỳ thiếp của chồng, chịu phép Rửa tội và theo đạo. Tên thánh của bà là "Orsola" hay là Ursule. Sau ít lâu, vị Đại thần tên là "Zégro" chồng bà đến. Lúc đầu ông không bằng lòng thấy các thê thiếp đều theo đạo mới, vì thế tức là ông mất hết các tỳ thiếp, nhưng sau khi ông nghe giảng đạo thì cho làm phải, và cùng chịu phép rửa tội, đặt tên thánh là Ignace. Cả hai mươi người tuỳ tòng ông cũng bắt chước theo đạo. Vì ông sợ những tín đồ mới đó không giữ khỏi bị sa đắm vì lòng dục vọng, nên ông đem các tỳ thiếp cũ của ông gả cho những người đó. Khi vị Đại thần này xuống thuyền đi sứ sang Cao Mên, ông ra lệnh cho cắp thập giá thay vào cờ hiệu trên các cột buồm trước khi thuyền nhổ neo ra khơi. Khi viên sứ thần chúa Nguyễn đến Cao Mên là nơi đã có các giáo sĩ dòng thánh Francoise d'Assise và dòng thánh Dominique đến truyền giáo từ trước, những thập tự giá cắm trên cột buồm các thuyền của sứ thần nước Nam đã có ảnh hưởng rất lớn và làm cho nhiều người phải ngạc nhiên.6

Lẽ tự nhiên ở Nước Mặn, dân chúng thấy cả gia quyến một vị Đại thần theo đạo Thiên Chúa, nên cũng có nhiều người khác xin vào đạo mới của người Tây phương đem lại.

Vì việc truyền giáo có kết quả như thế, nên lại có mấy giáo sĩ nữa đến xứ "Đàng Trong". Đó là các giáo sĩ Romano Niti, người Nhật, Manoel Fernadez, Manoel Borges người Bồ Đào Nha, Giovani di Leiria người Ý đến trong năm 1622 là năm giáo sĩ Borri về Âu Châu.

Tính ra từ năm 1615 đến 1625 tất cả có tới mười vị giáo sĩ dòng Tên đến đất của chúa Nguyễn, phần nhiều các giáo sĩ đó đều là người Bồ Đào Nha vài ba người Ý và hai người Nhật: giáo sĩ Marquez và Romano Niti. Thời kỳ 10 năm này là thời kỳ thứ nhất có kết quả rực rỡ trong công cuộc truyền đạo Thiên Chúa ở miền Nam nước ta, tức là xứ Trung kỳ ngày nay.

Đi đến được kết quả đó, ta cần phải nói ngay là nhờ ở sự tận tâm, lòng kiên nhẫn và sự khôn khéo của các giáo sĩ dòng Tên đầu tiên đã đến nước ta. Số người "Đàng Trong" theo đạo càng ngày càng tăng thêm và cả các nhà quyền quý, các bậc trí thức ở nước ta trong hồi đó cùng nhiều người có cảm tình với đạo Thiên Chúa. Cái kiến thức rộng của các giáo sĩ dòng Tên lại cũng làm tăng mối cảm tình buổi đầu của người Nam đối với các nhà truyền giáo Tây phương và giúp cho công cuộc truyền giáo được dễ dàng thêm một phần như ta trông thấy trong câu chuyện rất lý thú kể sau đây trích trong tập ký sự của giáo sĩ Borri (xe, chú giải C và D).

 

Chú thích


(1) Tiếng Hòa Lan ngày xưa người mình dùng để chỉ người Bồ Đào Nha và tất cả các người Tây phương đến nước mình. Chữ Hòa Lan là dịch chữ Hollande.

(2) Câu này là viết theo lối quốc ngữ cổ nhất vào hồi đầu thế kỷ 17. Lối viết này thấy trong các tập ký sự của các người Âu Châu đến nứơc ta trong hồi đó rất nhiều, ta nhận rõ quốc ngữ này chưa có dấu và khác với quốc ngữ ngày nay nhiều.

(3) Có lẽ giáo sĩ Buzomi đã đến Cacciam chứ không đến Trà Bát như ta sẽ thấy rõ sau này.

(4) Nước Mặn theo bản đồ của giáo sĩ Alex.de Rhodes là một thị trấn ở bờ bể phía bắc Qui Nhơn ngày nay, gần đấy lại có một thị trấn gọi là Nước Ngọt.

(5)Tập ký sự này dịch ra tiếng Pháp đã đăng ở tạp chí "Revue indochinoise" nhưng chỉ có phần thứ nhất. Đến 1931 đại tá Bonifacy lại dịch cả hai phần đăng vào tập kỷ yếu hội "Đô thành Hiếu cổ" cùng năm đó.

(6) Việc sứ thần chúa Nguyễn sang Cao Miên nói trên đây vào đời chúa Sãi, là lúc miền Lục tỉnh Nam kỳ ngày nay còn là đất Cao Miên. Chúa Sãi có gả một công chúa cho vua Cao Miên là vua Prah-Chey-Chetta. Bà Hoàng hậu này rất có thế lực thường dự vào quyền chính nước Cao Miên. Nhờ đó mà việc giao thiệp giữa hai nước ngày thêm thân mật và chúa Sãi mới phái quân sang giúp Cao Miên đánh quân Xiêm La toàn thắng ở Babaur. Vị sứ thần trên này quê ở Nước Mặn có lẽ là người Chăm, chúa Sãi phái sang Cao Miên để yêu cầu với vua Prah-Chey-Chetta cho người Nam đến buôn bán ở xứ Đồng Nai (Saicôn) Sài gòn ngày nay. (Theo cuốn Les debuts du Christianisme của Bonifacy). Đến 1658, vua Chân Lạp mất, trong họ nhà vua Cao Miên chú cháu tranh nhau cầm quyền sang cầu cứu với chúa Nguyễn, chúa Nguyễn Hiền sai quan đem 3000 quân vào đánh Molxuy, huyện Phúc Chánh (Biên Hòa) bắt được vua nước ấy là Nặc Ông Chân.

Mục lục

CHÚ GIẢI C: VỀ NHỮNG TÀI LIỆU NÓI ĐẾN THỜI KỲ TIÊN KHỞI VIỆC GIẢNG ĐẠO THIÊN CHÚA Ở VIỆT NAM

Trước kỳ cha P.Buzomi đến, đã có nhiều tu sĩ dòng Dominique hay Phanxicô ghé đất Việt Nam.

Nhưng họ không ở lâu, và không làm được việc gì khả quan cho công cuộc giảng lập Thiên Chúa giáo. Chính cha Buzomi, các bạn đồng hành và những kẻ kế tiếp ngài mới thật có rao giảng Phúc Âm và thiết lập những họ đạo hẳn hoi. Hội thánh Đông Dương khởi từ các đấng ấy.

Bởi vậy, cần hiểu biết về những việc xưa đã xảy ra làm dấu chỉ việc thiết lập đạo Thiên Chúa lần đầu tiên ở Việt Nam, ấy là một điều rất hữu ích.

Về những việc đó, chúng ta đã có hai tập tài liệu do các vị thừa sai tiên chinh đã tự viết lấy, và đã công bố ở thời ấy rồi.

Tài liệu thứ nhất là một bức thư của cha Gaspar Luis, đề ở Macao, ngày 17 Décembre 1621, nghĩa là chỉ cách có 6 năm sau khi cha Buzomi đến Đà Nẵng (Tourane).

Bức thư ấy ở trang 122 đến 148 trong một cuốn sách trữ tại "Quốc gia thư viện Paris", ngăn O; C12 nhan đề là Histoire de ce qui s'est passé en Ethiopie, Malabar, Brasil et les Indes orientales, Tirée des Lettres escrites es-annèes 1620 jusques'à 1624. Adresse au R.P.Mutio Vitelleschi, Général de la Compagnie de Jésus, traduite de l'italien en francais, par un Père de la Mesme Compagnie à Paris, chez Bastien Cramoisi, rue Saint Jacques, aux Cigoignes. M.D.C.XX.VIII (Sự tích những chuyện đã xảy ra ở Ethiopie, Malabar, Brasil và ở Indes orientales, trích trong những bức thơ viết từ năm 1620 đến 1624. Gởi cho cha Mutio Vitelleschi, Bề trên dòng Đức Chúa Giêsu, nguyên tiếng Ý dịch ra tiếng Pháp, bởi một cha cùng trong một dòng ấy. Dưới là địa chỉ nhà xuất bản ở Paris tại Sebastien Gramoisi, đường thánh Jacques chỗ aux Cigoignes năm 1628).

Người ta có thể tìm thấy một bức ảnh chụp lại in ở tập Đô thành hiếu cổ năm 1931.

Vì đề gởi cho dòng Tên Đ.C.Giêsu, cho nên bức thơ ấy là một tài liệu chính thức, có đủ những điều kiện bảo đảm rằng đúng và có thật. Chỉ viết cách sáu năm sau lúc các vị thừa sai dòng Tên tiên chính đến đất Đàng Trong, mà bức thơ kia đã nói đến những công trình sơ khai, những việc thành đạt, những mối hy vọng của họ. Thơ ấy có lẽ nói tóm tắt lại, nhưng có lẽ hơn nữa là sao lục đúng theo hai bức thơ hay tờ trình. Tờ trình thứ nhất có nói đến những việc đã xảy ra tại Caciam, không xa tỉnh thành Quảng Nam hiện nay, tại Faifo, tại Tourane và các vùng lân cận. Người viết tờ trình ấy hoặc là cha Francois di Pina, hoặc là cha Pierre Marquez, hình như làm Bề trên coi sóc vùng ấy. Phần nhiều những việc nói trong tờ trình đều là công việc của cha Francois di Pina. Tờ trình thứ hai kể lại những chuyện xảy ra cùng thời kỳ ấy, nghĩa là về cuối năm 1620 và trong năm 1621, tại Nước Mặn trong tỉnh ngày nay của thành Quy Nhơn, hồi ấy gọi là Pulocambi. Người viết tờ trình thứ hai này là cha Buzomi, đồng thời ở một trú sở ấy cùng cha Christoforo Borri.

Tài liệu thứ nhất tuy rất quý giá, nhưng hơi ngắn. Về  những việc xảy ra xưa kia chỉ giấu việc giảng đạo Thiên Chúa lần đầu tiên ở Việt Nam, chúng ta có một tập ký tải thuật dài hơn và tỉ mỉ hơn. Đó là tập "Relation de la Nouvelle Mission des Pères de la Campagnie de Jésus au royaunme de la Cochinchine, traduite de l'Italien du Père Christoforo Borri, Milanais, qui fut un des premiers qui entrèrent en ce royaunme, par le Père Antoine de la Croix, de la même Compagnie. A Rennes, chez Jean Hardy. Imprimeur et Librairie, Rue Saint Germain, M.D.C.XXI" (Ký thuật của Tân hội thừa sai các linh mục dòng Tên tại nước Nam, nguyên văn tiếng Ý, của cha Christoforo Borri, người tỉnh Milan, là một trong những người đầu tiên đi đến nước ấy; cha Antoine de la Croix cũng một dòng ấy dịch lại. ở Rennes, tại Jean Hardy nhà in và hàng sách đường thánh Germain năm 1634. Nguyên bản chữ Ý xuất bản tại La Mã, nhà xuất bản Francesco Corbelletti cùng một năm 1631 ấy.

Bức thơ của Gaspar Luis và tập ký thuật của Christoforo Borri cũng đồng bàn những việc như nhau. Nhưng đem so sánh hai tài liệu ấy với nhau, thì người ta có thể thấy rằng không phải Borri đã chỉ cho Gaspar Luis những việc mà Gaspar Luis đem trình bày với Bề trên các vị dòng Tên. Trong bức thơ của Gaspar Luis chúng ta có thấy một đoạn nói đến những việc xảy ra, bàn khác ý kiến những cha khác, mà giống ý kiến của cha Christoforo Borri, đủ làm cho lời chứng nhận của vị này thêm phần vững chắc, nhưng cũng có khác nhau về đôi điều chi tiết đủ cho người ta thấy rõ trong ấy có duyệt xét phân minh.

Cả hai tài liệu đều có giá trị vô ngần, cho được hiểu biết đích những việc xảy ra xưa kia chỉ dấu công cuộc đầu tiên thiết lập cơ sở Thiên Chúa giáo ở xứ Việt Nam.

Theo cha Bernard về những công việc các đấng thừa sai đầu tiên thi hành ở Việt Nam thì hình như còn có những tài liệu khác trước bức thơ cha Gaspar Luis (1621), nhưng chúng ta chưa thấy được những tài liệu ấy.

Mong sao những tài liệu ấy sẽ được người ta công bố nay mai.

Mục lục

CHÚ GIẢI D: VỀ CHA CHRISTOFORO BORRI

Christoforo Borri sinh tại Milan (Ý) năm 1583 và chết tại La Mã ngày 24 Mai 1632. Cha vào dòng Tên ngày 16 Septembre 1601 và đi sang miền Ấn Độ (les Indes) năm 1615. Ông bước lên đất Tourane hoặc Faifo trong năm 1618 và ở lại Đàng Trong (Cochinchine) cho đến năm 1622. Sau ông lại có đi thăm các miền Đông Ấn (Indes Orientales) Nhật Bản (Japon), Trung Hoa (Chine), A-phi (Ethiopie), Madagascar có lẽ vào lúc hành trình phản hồi. Người ta không rõ ông trở về Âu châu nhằm ngày nào. Ông dạy toán học ở Coimbre và Lisbonne, và vua Philippe trị nước Y pha nho (Espagne) vời ông đến Madrid để ông tiện trình bày những điều ông đã tìm tòi ra được về cái kim chỉ nam. (Borri lấy tính cách một nhà đại du hành, chuyên chú về những vấn đề liên lạc đến việc hàng hải). Ông có làm một tập "Traité de l'Art de naviguer" (Khái luận về nghệ thuật hàng hải) bản viết ở Evora trong nước Bồ Đào Nha, và một tập "Instruction pour faciliter le voyage des Indes" (Chỉ giáo để hành trình sang các xứ Ấn Độ cho tiện lợi). Tập này làm lỡ dở. Hình như Christoforo Borri có tìm ra phương pháp để hiểu biết những quãng vĩ tuyến từ Đông sang Tây cách mới mẻ cho tiện việc hàng hải. Ông cũng có khảo cứu thiên văn học, nhưng những lý thuyết của cha về "ba tầng trời" (les trois cieux) không đẹp ý các đấng Bề trên của cha, nên cha phải ra khỏi dòng Tên ít tháng trước khi chết.

Những ai muốn ham biết về những cái gì của Việt Nam và nhất là muốn về lúc đạo Thiên Chúa tràn vào Việt Nam, đều phải để ý đến tác phẩm này của cha Christoforo Borri, tác phẩm ấy là: "Ký thuật về xứ Đàng Trong" Relation sur la Cochinchine.

Tập ký thuật ấy không phải chỉ cần cho những giáo hữu mà thôi, mà tất cả những ai muốn biết những việc xảy ra ở nước Nam vào đầu thế kỷ 17 cũng cần phải xem đến.

Christoforo Borri là một vị thừa sai giảng đạo. Cha đứng hàng thứ sáu trong bảng các cha dòng Tên đầu tiên đi đến xứ Đàng Trong. Chính cha đã cùng với các vị Buzomi, Francois de Pina, Pierre Marquez, lo liệu cho những người Việt Nam trở lại đạo Thiên Chúa lần đầu tiên, nếu ở Hàn (Tourane), ở Hội An (Faifo), ở Quảng Nam không có thì ít ra là ở Nước Mặn, trong tỉnh Bình Định hẳn phải có. Chuyện cha kể lại về những việc xảy ra thời ấy, có nói rõ về thân thế và số những người trở lại lần đầu tiên, nói rõ những duyên cớ khiến họ phải đổi tôn giáo, về lòng sốt sắng, họ nói đến những phương tiện các vị thừa sai đầu tiên đã dùng để giảng dạy đạo Thiên Chúa, nói về những ngôi nhà thờ xây dựng đầu tiên ở Việt Nam; và những điều nói đó, xét về phương diện lịch sử là tối quan trọng, vì chính do chỗ đó mà sinh ra có sự hành động chính trị của các nước Âu Tây tại nước Việt Nam. Đối với giáo hữu, đó là những kỷ niệm gia đình có giá trị vô đối.

Những tập ký thuật của Christoforo Borri, ngoài ra lại còn có ích lớn cho mọi người vì trong đó có nói đủ thứ về xứ Việt Nam.

Quả thật vị thừa sai ấy là người trứơc tiên đã tả cảnh nước Việt Nam, hóa sản, dân tình chính phủ, tín ngưỡng, phong tục trong nước và cha đã tả rất đúng mọi sự. Cha chỉ ở năm năm tại vùng lân cận Tourane, hay tỉnh Quy Nhơn, những khoảng thời gian ngắn ngủi ấy cũng đủ cho cha quan sát một cách đúng đắn và gần đầy đủ. Vì cha nhờ biết thổ ngữ, đó là một điều hiếm có về thời kỳ ấy: hẳn cha là người thứ hai đã chuyên chú vào cuốc khảo cứu này; nhưng như thế vẫn chưa đủ để giải nghĩa tại sao tập ký thuật ấy lại có ích cho chúng ta. Christoforo Borri là một người có não hiếu kỳ. Cha đã mở một cuộc điều tra kỹ lưỡng về cái thế giới mới lạ quanh mình cha, và nếu ngày nay mỗi khi chúng ta muốn tìm hỏi cho quả chắc về một vấn đề gì thì chúng ta còn gặp những điều trở ngại khó khăn, huống đem so sánh lui thời cha Borri, thì chúng ta phải nhận rằng vị linh mục thừa sai kia đã phải kiên nhẫn, tinh anh biết bao; cha đã có những lập ý rõ ràng đúng chắc về những việc hoàn toàn mới lạ đối với một người Âu Tây.

Tập ký thuật của cha Christoforo Borri, có thể gọi được là làm bài mẫu cho các vị kế truyền cha bắt chước theo.

Những vị thừa sai, những nhà du lịch đến sau cha Borri, mô tả những sự vật ở Trung kỳ và Bắc kỳ đều theo cách thức phân chia đề mục ở trong sách của cha. Về nhiều vấn đề, họ lại có những tấm hình điệp họa theo, có khi lại cùng cả nguyên văn nữa: về những con voi, những tổ én, nghề các ông thầy thuốc khôn tài của những pháo thủ Việt Nam, trái mít hoặc trái sầu riêng v.v…

Nhưng dầu cho có những vấn đề cha đã có bàn giải đến rồi, mà các kẻ nối gót đời sau còn đem bàn lại, thì so lại của cha vẫn hơn, vì có nhiều chi tiết, có nhiều cảnh linh động làm cho vấn đề được thêm quang ánh hơn. Phần thứ hai trong tập ký thuật của cha cho chúng ta biết thêm nhiều chi tiết về các tín ngưỡng, các tập tục tôn giáo của người Việt Nam ở thời ấy; ở những chỗ khác không nơi nào có chép những điều ấy. Đến lúc người ta lục xét hết cả các tập ký thuật, tờ trình, thơ từ của các vị thừa sai ngày xưa, các nhà du lịch đời trước, và trích lục sắp đặt theo thứ tự những điều gì thuộc về chính trị trong xứ, điều gì thuộc về phong tục dân cư, vấn đề để sưu tầm sẽ đẹp đẽ biết bao; những tài liệu ấy sẽ giúp ích xiết bao cho công cuộc khảo cứu những tín ngưỡng xưa của người Việt Nam, khảo cứu những tập tục phong hóa, cách tổ chức xã hội Việt Nam ở thế kỷ 17 và thế kỷ 18.

Về nhiều vấn đề, có những tính cách riêng, trong đời sống người Việt Nam mà chỉ có một mình cha Borri cho chúng ta biết rõ, nếu không thì cũng chỉ một mình cha Borri cho chúng ta thấy nhiều chi tiết hơn cả. Vị thừa sai ấy đã nói đến cái tục quen rửa chân trước khi vào nhà gặp lúc trời mưa, cái cách xông cho phát hạn; những bữa tiệc linh đình có hàng trăm người họp nhau ăn uống, nhân dịp có cúng tế, đám tang, đám cưới, hoặc đám mừng gì, cha cũng có tả một cách rất xác thực.

Dầu kể về phương diện lịch sử, hồi nói đến tâm địa của chúa Sãi đối với anh em ruột mình là Hạp và Trạch nổi loạn, thì cha cắt ngang cái chỗ bất đồng ý của hai pho sử ký: cha chỉ sao chép theo pho sử nào đã viết ra trước, và làm thế tức là chứng tỏ rằng pho sử viết sau có chỗ sửa chữa lại hầu đặng bảo toàn danh dự của Sãi vương.

Cha Christoforo Borri là một trong những người Âu có lẽ là người thứ hai sau Francois di Pina, đầu tiên đã cố chăm học tiếng Việt Nam. Tập ký thuật của cha chứng rằng cha hiểu khá về tiếng Nam, về thời ấy được thế là tốt lắm rồi. Thử nghĩ đến những sự khó khăn mà cha đã vấp phải, chỉ có một vài người thông ngôn khổ biết được vài tiếng cần thiết cho việc đổi chác hàng hóa, thì học tiếng cho được thật khó khăn biết mấy. Chưa kể đến những giọng nói, những dấu, mà cha phải tìm cách phân biệt nhau, cha lại còn cố tìm giải quyết vấn đề ghi chép tiếng Nam bằng thứ chữ Âu Châu; và trong tập ký thuật cha có để lại kiểu mẫu một đôi bài tập viết chữ Quốc Ngữ trước cha Alexandre de Rhodes. Khi nào người ta muốn khảo cứu đến cách thức thành lập chữ quốc ngữ, những mẫu viết của Christoforo Borri thật rất có ích vậy.

Người ta đã thấy đó những tập ký thuật của các vị thừa sai cố cựu, không những có ích cho những người có đạo mà thôi, mà có ích cho tất cả người Việt Nam có quan tâm đến vịêc quá khứ của xứ sở họ.

Mục lục

MỘT VỤ NGUYỆT THỰC Ở NƯỚC TA HỒI NĂM 1620

Thưở xưa trước khi tiếp xúc với người Tây phương, người Tàu và người Nam ta cũng đã biết xem thiên văn và nhiều khi biết trước được các vụ nhật thực hoặc nguyệt thực, hoặc đoán được những thiên tai như bão, lụt sắp xảy đến. Các vua ta xưa cũng có lập đài Khâm thiên giám để làm lịch theo lịch Tàu thường gọi là Âm lịch, vì ngày tháng tính theo mặt trăng và để xem thiên văn, tính trước những việc huyền bí của Tạo vật. Nhưng các nhà thiên văn của nhà vua thường khi tính sai giờ có nhật thực và nguyệt thực ở xứ ta, vì họ vẫn theo các giờ ghi sẵn trong lịch Tàu. Các giờ nhật thực và nguyệt thực có lẽ các nhà thiên văn Tàu tính đúng, nhưng chắc ở Nam kinh hay Bắc kinh thì giờ xảy ra nhật thực hoặc nguyệt thực có thể khác với giờ trông thấy ở Kẻ chợ hay Trà bát là kinh đô miền Bắc và miền Nam nước ta hồi đó. Cũng có khi ở Tàu trông thấy mặt trời hoặc mặt trăng bị che lấp mà ở nước ta không trông thấy. Nên các nhà thiên văn của vua ta cứ chép đúng lịch của Tàu thì những sự sai lầm đó khó lòng tránh được. Nhiều khi chỉ vì tính sai giờ nhật thực hoặc nguyệt thực mà các nhà thiên văn ta bị cách chức và bị tội khi quân là khác. Người nước ta thưở xưa từ  vua quan đến dân chúng, ai cũng tin rằng các vụ nhật hoặc nguyệt thực là những việc phi thường, quái gở có thể gieo tai họa cho cả một nước, một vùng.

Vì thế mà mỗi khi có nhật hoặc nguyệt thực thì cả nước đều lo sợ. Đến lúc mặt trời hay mặt trăng là hai vật vẫn soi sáng cho cả nhân loại bị che kín hẳn hay một phần, người ta tưởng rằng các vật đó đã bị một con quái vật như rồng hoặc gấu cắn phải. Thấy những vệt sáng đỏ trên mặt trăng, mặt trời khi mới bị "ăn", những khối óc chất phác của bình dân lại tưởng tượng đó là những vệt máu của ông trăng hoặc ông trời. Thế rồi, cả nước đều theo thói quen đua nhau đem súng ra bắn và chuông trống hoặc cả sanh nồi, thúng mủng để gõ ầm lên, họ tưởng như thế sẽ cứu giúp được mặt trăng, mặt trời; những vị linh thần trong con mắt họ, đánh đuổi những con quái vật. Những lúc đó cả vua, quan cùng ra quỳ giữa trời để cầu nguyện cho mặt trăng, mặt trời khỏi bị che lấp. Nhà vua lại ban sắc dụ định rõ nghi lễ trong những lễ cầu cho mặt trăng, mặt trời khỏi bị ăn.

Đứng trước những cảnh tượng lạ lùng của một dân tộc mê tín như thế – cảnh đó tại nhiều miền ở thôn quê nước ta ngày nay vẫn còn – người các nước văn minh đã hiểu rõ nhật thực, nguyệt thực chỉ là những sự rất thường, xảy ra trong một thời kỳ nhất định, có thể tính trước được, đều phải lấy làm ngạc nhiên và ái ngại cho những phần tử của nhân loại còn ở trong bóng đen tối, chưa hề có một tia sáng của khoa học ngào giọi vào.

Các giáo sĩ Tây phương trong khi đi truyền giáo, không cõ có mang theo được các sách vở và các khí cụ cần dùng, để có thể tính đúng giờ trông thấy nhật thực hoặc nguyệt thực ở chỗ mình ở, nhưng một điều ta có thể chắc được vì thấy chép rõ trong nhiều sách và các tập ký sự hồi đó, là các giáo sĩ Borri, Di Pina và mấy năm sau cả giáo sĩ Alexandre de Rhodes đã có thể tính đúng giờ nhật thực và nguyệt thực ở xứ này, làm cho các nhà thiên văn Annam là những người có thể coi là học rộng nhất trong nước hồi đó phải hết sức khâm phục.

Trong tập ký sự của giáo sĩ Borri có chép lại rằng: Ngày 9 Décembre 1620, người còn ở trong thành phố nhỏ Nước Mặn, đã tính được ngày hôm đó vào hồi 11 giờ đêm, sẽ trông thấy nguyệt thực. Giáo sĩ đem việc đó nói cho một võ quan trong đội lục quân của nhà vua (Rione?) biết. Vị võ quan này là một người biết chữ, nhưng vẫn khinh đạoo Thiên Chúa, tuy con ông ta thì theo đạo mới. Ông quan võ đó tin rằng nguyệt thực sẽ xảy ra vào một giờ khác; vì thế ông bèn đánh cuộc, nếu ai nói không đúng thì sẽ mất cho người nói đúng một cái áo lụa, mà giáo sĩ Borri gọi là "abaia" (có lẽ là áo bà ba). Giáo sĩ không lấy áo chỉ yêu cầu nếu ông quan võ thua cuộc thì sẽ phải đến nghe cầu kinh trong luôn tám ngày. Giáo sĩ Borri đã thuật lại cảnh lúc đến giờ có nguyệt thực như sau này: "Đến ngày có nguyệt thực, vị quan võ cùng đi với nhiều người văn học (nhà nho) và học trọ đến nhà tôi ở, nhưng mãi đến 11 giờ mới trông thấy nguyệt thực, nên tôi lùi vào trong nhà để làm lễ đọc kinh. Ông quan võ cho người gọi tôi nhiêu lần, tôi mới bước ra, chỉ cho mọi người trông thấy mặt trăng vừa bị che lấp một vành nhỏ và ánh trăng đã bắt đầu tối dần. Lập tức viên quan võ tâu lên nhà vua và ra lệnh cho cả thị trấn để làm lễ cứu mặt trăng".

Về một dịp nguyệt thực khác, các nhà thiên văn ta lầm ngày và nhờ có giáo sĩ Francesco di Pina, nên triều đình mới biết có nguyệt thực. Một lần nữa các nhà thiên văn của vua ta cũng đoán trước có nhật thực, nhưng không biết là vụ nhật thực đó ở nước Nam không thể trông thấy được. Các giáo sĩ đã tiên đoán được đúng như thế. Việc đoán biết nguyệt hoặc nhật thực đã làm cho người mình rất phục tài và tin các giáo sĩ, và nếu không vì vấn đề đa thê thì số người theo đạo sẽ khá nhiều trong hồi đó.

Nguyên nhân chính nữa đã khiến cho nhiều người Nam theo đạo Thiên Chúa là có một số người cả đàn ông, đàn bà, tưởng mình bị ma quỷ ám ảnh, sinh ra đau ốm, đến lúc trở nên tín đồ của Đức Chúa Giêsu thì được yên ổn mạnh khoẻ ngay. Các giáo sĩ nhất là những người đã học được tiếng Nam, giảng cho họ hiểu rõ mục đích của đạo Thiên Chúa và những sự tin vào ma quỷ đều là những điều mê tín rất vô ý thức và có hại là khác.

Cứ xem những việc trên này và việc các giáo sĩ sau này trong suốt hai thế kỷ 17 và 18 vẫn dùng những đồng hồ chuông, kính viễn vọng cùng các đồ chế tạo tinh xảo của Âu châu làm phẩm vật để dâng lên các vua, chúa nước ta, cùng nhiều giáo sĩ giúp việc triều đình chúa Nguyễn về các khoa thiên văn, kỷ hà, toán học và nhất là về y khoa, thì đủ biết rằng các giáo sĩ đứng đầu là các vị dòng Tên, trong lúc đến truyền giáo ở nước ta đã giúp một phần trong việc truyền bá văn minh, khoa học trên đất nước này. Đã đành là nhiều khi các giáo sĩ chỉ dùng cái kiến thức của mình về khoa học và những thứ phẩm vật kia làm phương tiện trong công cuộc truyền giáo, chứ mục đích của các giáo sĩ không phải là việc truyền bá văn minh.

Nhưng dầu sao chúng ta cũng thành thực công nhận cái công đầu của các nhà truyền giáo Tây phương trong việc tiếp xúc giữa dân ta với nền khoa học Âu Tây.

Mục lục

CHÚ GIẢI E: VỀ NHỮNG VỊ THỪA SAI ĐẦU TIÊN ĐẾN XỨ VIỆT NAM

Bức thơ của cha Gaspar Luis và tập ký thuật của cha Christoforo Borri, cho chúng ta biết tên những vị thừa sai đầu tiên ở Trung kỳ năm 1621: Tại trú sở Hội An (Faifo) có bốn người trong bọn chúng ta hai cha và hai thầy. Trú sở Pulocambi (Quy Nhơn) chỉ có hai cha và một thầy, gồm cả là bốn cha và ba thầy.

Tại Hội An, có cha Pierre Marquez (cha Bồ Đào Nha, mẹ Nhật Bản) đến ở năm 1618 và chăm nom người Nhật; và cha Francois di Pina, người Ý, đến ở năm 1617, hiểu rõ tiếng trong xứ và săn sóc người Việt Nam.

Tại Bình Định, hai vị thừa sai là cha Francois Buzomi, người Ý, một trong những người đã đến trước hết năm 1615 và cha Christoforo Borri nguyên quán Milan đến năm 1618.

Ba thầy giúp việc là thầy Antoine Diaz, người Bồ Đào Nha, đến năm 1615, và hai thầy Joseph và Paul đều là người Nhật Bản cùng đến trong năm 1615.

Có lẽ hai thầy Joseph và Paul ở Faifo để chăm lo cho đồng bào ở thành phố ấy, và thầy Diaz thì hẳn ở trú sở Quy Nhơn.

Mục lục

CHÚ GIẢI F: VỀ NHỮNG NGƯỜI VIỆT NAM CHỊU PHÉP RỬA TỘI LẦN ĐẦU TIÊN Ở TRUNG KỲ

Chúng tôi tìm thấy trong bức thư cha Gaspar Luis và trong tập ký thuật của cha Christoforo Borri có vài chi tiết về số những giáo hữu chịu phép rửa tội lần đầu tiên ở vùng Tourane và Quy Nhơn từ năm 1615 đến 1621.

Cha Buzomi, lúc đến Tourane gặp một vài người Việt Nam đã được chịu phép rửa tội do các giáo sĩ theo tàu buôn đến trước mấy năm. Đó là một ít người Việt Nam buôn bán với người Bồ Đào Nha thường năm có ghé Tourane và Faifo. Họ chịu phép rửa tội mà không học lẽ đạo trước, chỉ do câu này: "Mày có muốn đồng lòng một bụng với người Hòa Lan không?". Họ chỉ có tiếng là có đạo thôi.

Cha Buzomi mới chăm dạy đạo cho họ. Hơn nữa cha có dạy và rửa tội nhiều người Việt Nam khác, người ta không nói rõ đông bao nhiêu, chỉ biết trong đó có một bà quý phái tên là Jeanne. Sự ấy xảy ra trong năm đầu, nghĩa là giữa năm 1615-1616. Nhưng năm sau 1617-1618 thì ít may mắn hơn.

Năm 1618, cha Christoforo Borri đến. Ở Tourane cha vừa coi sóc người Bồ Đào Nha đến một lần cùng tàu với cha, vừa học quốc ngữ. Cha khuyên dỗ được vài người lương trở lại và khuyến khích cho những giáo hữu được bền đỗ. Nhưng sau cha đi với cha Buzomi và cha Francois di Pina vào Quy Nhơn, ở đó các vị thừa sai như không rửa tội được người nào cho đến cả viên quan trấn thủ là bạn thân mà cũng đành chết cách bất ngờ.

Đến năm 1621, công việc đổi chiều. "Người ta đã khuyên dỗ thêm 200 người trở lại đạo". Đó là lời cha Gaspar nói về số người tân tòng do các cha rửa tội khi các cha đã có ảnh hưởng ít nhiều – không kể số được rửa tội lúc đầu ở Tourane và Quảng Nam.

Ở Hội An, năm 1621, 82 người Việt Nam trưởng thành và 27 người Nhật Bản chịu phép rửa tội, ở vùng lân cận thành phố ấy, một người anh bà Jeanne (cái bà trước kia đã nói là do cha Buzomi rửa tội) cũng trở lại đạo. Ông ta già 74 tuổi, và 35 người cùng làng ấy cũng xin theo đạo, và hầu hết đều có chịu phép rửa tội.

Ở Pulocambi (Qui Nhơn) có tất cả 118 người Nam kỳ chịu phép rửa tội; trong số tân tòng ấy, đặc biệt hơn hết là có một vị sứ thần của nhà vua Nam kỳ phái sang Cao Miên, quê ở Nước Mặn, nơi cha Buzomi và cha Borri trú ngụ, cùng bà vợ viên sứ thần đều trở lại, ông thì dắt 12 người tuỳ bộc mình trở lại; còn bà thì cùng 12 người gia nô trở lại đạo cả. Gương ấy làm cho có đông người xin trở lại đạo.

Tổng cộng mấy con số ấy trong bức thư cha Gaspar: 82, 27, 35, 158 thời có hơn 200 người chịu phép rửa tội năm 1621 kể cả hai nơi Quảng Nam và Bình Định. Đó là điểm tiên khởi của Hội thánh Việt Nam.

Trong thời kỳ ấy, chúa Nguyễn đóng đô chính thức ở Trà Bát, gần tỉnh Quảng Trị; nhưng thường ở – có lẽ sống cách bình thường ở Cacciam, gần tỉnh thành Quảng Nam bây giờ. Trong nhà chúa Sãi có một bà công chúa rất có mỹ cảm với đạo Thiên Chúa. Bà ấy là em bà Hoàng hậu.

Xin dẫn lời cha Gaspar nói về việc ấy: "Trong mùa chay cả và Phục sinh có nhiều giáo hữu tân tòng đến rất đông, cho nên có nhiều kẻ bên lương thấy thế đem lòng phục đạo Thánh, và hồi ấy đã có nhiều người quyền cao chức trọng trong nước đến quỳ trước tượng Chúa Cứu Thế của chúng ta mà thờ lạy. Trong số những người ấy, có người em gái bà Hoàng hậu nghe cha Jérôme Natal kể về đời Chúa Giêsu, thì lấy làm cảm động lắm. Bà ấy muốn theo đạo của chúng ta. Cũng như chồng bà và vài ông quan khác, bà cũng tỏ ra rất sốt sắng dùng quyền sức để giúp chúng tôi".

Bà Hoàng hậu vợ Sãi vương là công chúa Giai con Mạc Kinh Điền, sinh tại Bắc kỳ năm 1578. Khi nhà Mạc phải trốn lên biên giới Trung Hoa, bà vào trốn ở Thuận Hóa và nương nhờ nhà người chú là Mạc Cảnh Huống, khi trước đi theo Nguyễn Hoàng. Bà ở làng Cổ Trai vùng Cửa Tùng, tỉnh Quảng Trị, bây giờ ở đó người ta còn giữ gia phả bà và có thờ bà. Sau nhờ Mạc Cảnh Huống bà được dẫn vào cung nội, và Sãi vương lúc ấy còn làm đông cung cưới bà làm vợ. Em của bà công chúa ấy là Nguyễn Thị Ngọc Lân mà nhà Phật gọi là Bà Vãi Đô. Người ta không biết gì về chồng bà này. Con cháu nhà Mạc đã trốn vào Thuận Hóa đều sùng Phật. Nhưng có lẽ bà Ngọc Lân theo đạo Công giáo. Khi nào cha Bernard dòng Tên xuất bản các tài liệu cha đã góp được khi ấy chúng ta sẽ biết rõ về việc nói kia.

Mục lục

CHÚ GIẢI G: VỀ NHỮNG NGÔI NHÀ THỜ ĐẦU TIÊN XÂY DỰNG Ở TRUNG KỲ

Tìm cho biết những ngôi nhà thờ đã có ở Trung kỳ về năm 1621, nghĩa là 6 năm sau khi các vị thừa sai đầu tiên đến, và cho biết người ta xây nó trong những trường hợp nào, là một việc không phải là không có thú vị.

Cha Francois Cardim trong tập "ký thuật về chuyện đã xảy ra ở Trung kỳ" (Relation de ce qui s'est passé à la Cochinchine) Paris 1644, trang 94, đã viết: "Trước khi các vị giáo sĩ dòng chúng tôi (dòng Tên) đến nước Nam các giáo sĩ dòng thánh Phanxicô, thánh Aucơtinh, thánh Đôminicô đã có ở đó rồi. Nhưng vì họ bỏ đi nơi khác. Các vị giáo sĩ dòng chúng tôi bèn mua lại một cái nhà trong những cái nhà các cha trước đã ở, để sửa đổi lại mà dùng… Và mua cái nhà nói trên tại thành Caciam". Câu ấy nghĩa như thế này: Khi người Bồ Đào Nha đến Tourane, Faifo hay Cacciam họ có thuê nhiều cái nhà trong lúc họ ở đó hay mua và thuê người giữ khi họ đi vắng. Trong đó họ cất hàng hóa và trú ngụ trong mấy tháng ở Annam, đợi bán xong hàng họ tải đến hay tìm kiếm xong thứ hàng hóa họ mua. Các cha dòng thánh Đôminicô, Aucơtinh, Phanxicô đi theo họ cũng có một nhà riêng, vừa làm nhà ở vừa làm nhà thờ. Chính một trong những cái nhà ấy, mà các cha dòng Tên mua lúc họ đến Trung kỳ. Giáo sĩ Cardim nói cái nhà ấy ở Cacciam, nghĩa là cách 2 hay 3 cây số thành Quảng Nam bây giờ.

Nhưng cái nhà thờ đầu tiên thì xây dựng ở Hàn ( Tourane). Nhà thờ ấy dựng trong thời kỳ đầu tiên cha Buzomi đến nghĩa là khoảng năm 1615 hay năm 1616.

Đó là một ngôi nhà thờ rất lớn và rất rộng, trong ấy người ta làm lễ công khai và giảng đạo thì nhờ những người thông ngôn dịch lại. Chính mấy người đạo mới đã xây dựng lên trong một khoảng thời gian khá ngắn. Nhà thờ ấy bị nhân dân đốt cháy trong năm 1616 hay 1617. Sau ngôi nhà thờ ấy lại được các cha dòng Tên dựng lại.

Có lẽ ở Hàn cũng có một hai nhà cho các cha dòng Tên ở. Quả vậy cha Borri cho chúng ta biết rằng trong năm 1615 cha Buzomi trú ở Hàn, hồi đó có nhà thường trú của cha. Năm 1618, cha Borri ít ra cũng có ở đó, và chính ở nơi đó, cha bắt đầu học tiếng Việt Nam. Lẽ cố nhiên là chúng ta không ai biết nhà thờ ấy dựng nơi nào. Nó xây chỗ có thể nhìn thấy bờ biển. Nói thế thì cũng quá mơ hồ. Ta chỉ có thể chắc rằng xây ở trong bờ cõi thành phố hiện nay và ở bờ sông.

Ngôi nhà thờ thứ hai cũng xây dựng ở Cacciam. Cũng vẫn theo lời cha Borri, nhà thờ ấy dựng năm 1615. Người ta chỉ cho cha Buzomi một chỗ để xây nhà thờ, nhà thờ ấy người ta làm rất công phu, ai cũng có giúp công giúp của vào tuỳ theo sức của mình. Sở dĩ làm được như vậy là nhờ một bà quý phái trở lại tên là Jeanne giúp tiền của. Chắc hẳn ở đó cũng có một chỗ trú sở cho vị thừa sai. "Người ta cho cha Borri một chỗ ở tốt và rất rộng rãi" và bà Jeanne dựng thêm trong nhà bà nhiều bàn thờ và phòng nguyện.

Các tài liệu ấy rất có ích vì nó cho ta biết rằng lúc xưa cũng như nay, muốn làm một nhà thờ hay nhà cha sở, thường một nhà giàu nào cho một số bạc hay một khoảng đất, còn bao nhiêu thì bổn đạo chung góp để chịu tiền phí tổn hay giúp công vào. Trong các nhà tư gia, người ta dành riêng một căn để dựng một cái bàn thờ nhỏ.

Các vị thừa sai đầu tiên như cha Francois di Pina và cha Marquez thường năng trú ở Faifo; nhưng tôi không thấy có chỗ nào người ta nói đến một nhà thờ hay một nhà ở cho các giáo sĩ. Họ phải ở cùng người Nhật. Lẽ cố n hiên sau này ở Faifo có một ngôi nhà thờ và có lẽ có nhiều nhà thờ nữa cũng nên.

Nhưng năm 1621 thì không có một cái nào cả. Ở Nước Mặn trong tỉnh Bình Định, những vị thừa sai đầu tiên có một chỗ ở, quan trấn thủ đã chọn. Quan ấy thân hành đến thăm chúng tôi và khám lại cái nhà họ cho chúng tôi ở có tiện không. Rồi vài ngày sau, người ta lại dựng lên một cái nhà thờ, cũng vẫn nhờ quan trấn thủ giúp. Năm ấy là năm đầu cha Borri ở Việt Nam, nghĩa là năm 1618. Nhà thờ là một cái nhà theo kiểu Việt Nam mà người ta tháo ra, mang đi từng mảnh đến cất ở Nước Mặn. Mấy vị thừa sai ấy ở nhà ấy trước hết là Francois Buzomi, Francois di Pina và Christoforo Borri.

Năm 1621 khi quan sứ thần Cao Miên và bà vợ trở lại đạo, và số người có đạo thêm lên, nhà thờ trở nên hẹp. Ngôi nhà thờ ấy nhờ các cha mở rộng ra thêm, nhưng các cha cũng nhờ bà vợ góa quan trấn thủ, cùng con bà và song thân bà, cùng nhiều người giáo hữu phụ giúp. Phải nhớ rằng năm 1621, số người giáo hữu ở Pulocambi được độ 118 người. Theo lời chỉ dẫn trên thì phải kết luận rằng cái nhà thờ đầu tiên ở Nước Mặn không to lớn gì lắm. Nó có thể là một cái nhà Annam ba căn cỡ thường.

Nước Mặn không những là họ đạo đầu tiên ở Bình Định mà thôi, mà lại là một trung tâm thương mãi quan trọng và dinh quan trấn thủ cũng không xa đó mấy. Hoặc người ta đào tìm dưới đất, hay nhất là khảo cứu bản đồ địa chính và tên gọi các nơi ở trong vùng, âu cũng là bổ ích.

Người ta có thể khám phá được nhiều điều hữu ích vậy.

Mục lục

CHÚ GIẢI H: VỀ CÁCH THỨC DẠY DỖ NHỮNG NGƯỜI GIÁO HỮU ĐẦU TIÊN

Cha Gaspar Luis nói cho chúng ta biết rằng kể từ năm 1621, và có lẽ một hay hai năm trước nữa, nghĩa là từ khi cha Francois di Pina và cha Christoforo Borri biết được chút ít tiếng Việt Nam, các vị thừa sai "có làm một cuốn sách kinh nghĩa bằng Nam ngữ".

Chúng ta có một tấm mẫu đầu tiên về văn chương Việt Nam Công giáo, nền văn chương mà sau này đã trở nên phồn thịnh khác thường.

Về phương diện hình thức, cuốn kinh nghĩa ấy viết rằng: "thứ tiếng Nôm" nghĩa là thứ tiếng dân thường dùng, không phải bằng tiếng Hán Việt. Hẳn cuốn sách ấy viết ra, hoặc trong lúc đang soạn, hoặc sau nữa để cho được giữ lại, và truyền bá ra.

Có lẽ cuốn kinh nghĩa ấy làm ra nhờ sức hiệp tác của hai vị thừa sai biết tiếng Việt Nam là cha Francois di Pina và cha Christoforo Borri; giúp vào việc ấy, có thêm những người thông ngôn hai cha quen dùng, và một ít nhà nho hai cha khuyên dỗ được trở lại đạo và đã tâm phục hai cha. Vậy thì chắc hẳn trong lúc đang soạn, cuốn sách ấy cũng đã được chép bằng thứ chữ Âu châu cho các cha dùng và có lẽ cũng có chép ra bằng chữ nôm cho các người thông ngôn và các nhà nho giúp việc các cha dùng. Ít lúc sau khi đã soạn xong, người ta lại phải sao lại nhiều hơn nữa để truyền bá ra nơi dân chúng. Lẽ cố nhiên đối với chúng ta, thì những bản chữ Âu châu quý hơn, vì đầu tiên La Mã hóa tiếng Việt Nam, một thứ quốc ngữ trước cả thứ quốc ngữ của cha De Rhodes. Có lẽ một ngày kia, chúng ta sẽ tìm ra một bản sách kinh nghĩa ấy lạc loài trong những cổ thư viện ở Âu Châu, tại Bồ Đào Nha, Y Pha Nho hoặc tại La Mã.

Nãy giờ về cái hình thức của cuốn sách chúng ta mới nói đồ chừng dầu là có lẽ có đi nữa, thì cũng là lời phỏng chừng thôi. Còn nói đến nội dung của cuốn kinh nghĩa kia, thì có một đoạn của cha Borri trích ra đây cho chúng ta biết được chắc chắn hơn: "Chúng tôi bắt đầu dạy kinh nghĩa cho quan sứ thần ở Cao Miên, và chúng tôi dạy luôn chừng hai mươi đêm, mỗi lần dạy bốn hay năm giờ, dạy cho ông ấy biết những điều mầu nhiệm của đạo chúng ta, kể từ khi khai thiên lập địa cho đến lúc Ngôi Hai con Chúa xuống thế làm người, và nói về đạo Cứu chuộc loài người, và sự vinh phúc của thiên đàng, và những hình phạt ở hỏa ngục.

Sau hết chúng tôi cắt nghĩa về những giới răn của Thiên Chúa và tinh thần phương pháp dạy kinh nghĩa ấy là trong tất cả những bài chúng tôi diễn giảng, mục đích chính của chúng tôi là để in sâu và trí não vị quan ấy, cái chân lý của đạo luật thánh chúng ta, và để cho ông ta thấy rằng luật ấy rất xứng hợp với lẽ tự nhiên vậy.

Chúng ta có đó cái toát yếu, cái đầu đề mục các chương ở trong cuốn kinh nghĩa Việt Nam đầu tiên. Cha De Rhodes cho chúng ta nhiều sử liệu hoàn toàn xác nhận những điều cha Borri đã nói trước kia.

"Bọn họ đều rất lấy làm hoan hỉ lúc nghe tôi giảng cho họ thấy đạo chúng ta hợp với lẽ phải, và nhất là thâm phục mười giới răn của Chúa, họ cho rằng không thể nói cách nào có lý hơn nữa và xứng đáng một vì vua cả và thế giới đặt ra. Cái phương pháp tôi là muốn nói cho họ biết về linh hồn bất tử, và có cõi đời sau; từ chỗ đó tôi lại bước sang chỗ làm chứng quyền năng Thiên Chúa, và có Đấng Quan Phòng. Bởi vậy từ bực nầy lên bực khác, chúng tôi đi lần những sự mầu nhiệu khó khăn nhất. Chúng tôi đã có kinh nghiệm thấy rằng cách thức dạy dỗ người ngoại quốc như thế là có ích. Tôi đã có giải nghĩa cách thức ấy dông dài trong kinh nghĩa của tôi, tôi chia ra tám ngày, tôi gắng lần lượt giảng giải tất cả những chân lý cốt chính trước đã, "Voyages et Missions" (Hành trình và giảng đạo, tr.87-88. Trang sách ấy viết ở La Mã năm 1650). Nhưng lại nói đến những việc trước xa hơn nữa. Đoạn ấy nói đến những phương pháp cha De Rhodes dùng dạy những kẻ mới học kinh nghĩa, hồi cha lập những họ đạo ở Bắc kỳ khảong năm 1627-1630. Trong sách "Tunchinensis historie" (Lịch sử xứ Bắc kỳ), tr.35-38, cha De Rhodes có bàn giải rộng ra về phương pháp ấy. Có lẽ sách ấy có một phần do mình cha Alexandre de Rhodes làm ra. Nhưng cũng có phần là công trình chung nhiều người". Sự kinh nghiệm cho chúng tôi biết rằng cách thức dạy dỗ bọn dân quê như thế là rất có ích.

Vậy thì các vị thừa sai dòng Tên thời ấy đều dùng một phương pháp ấy. Các cha Buzomi, Pina, Borri, Marquez trước kia về năm 1621, ở Nam kỳ hẳn cũng dạy kinh nghĩa một cách như cha Alexandre de Rhodes dùng ở Bắc kỳ năm 1627-1630; và cha Alex.de Rhodes tự mình cha cũng học phương pháp ấy hồi đi đến Nam kỳ lần đầu, từ 1624 đến 1626, trong cuộc hành trình cùng cha Di Pina ngang các tỉnh Quảng Nam và Huế.

Nếu chúng ta muốn biết nội dung trong cuốn kinh nghĩa đầu tiên viết bằng tiếng Nam ngữ ấy, có những mục gì, và cách thức sắp đặt các mục ấy ra sao, thì chúng ta chỉ việc tóm tắt cuốn kinh nghĩa lớn của cha De Rhodes lại, hoặc khoẻ hơn nữa, thì cứ việc tìm những toát yếu có sẵn trong những tác phẩm cha De Rhodes làm ra là được.

Đạo Thiên Chúa xứng hạp với những nguyên tắc lý trí.

Linh hồn, sự bất diệt.

Thiên Chúa, bản tính Thiên Chúa, sự tạo thành.

Thiên Chúa Ba Ngôi, sự Cứu chuộc.

Cứu cánh của con người.

Những giới răn.

Cách trình bày lý thuyết không giống như những cuốn kinh nghĩa ngày nay làm cách tóm tắt khô khan và lãnh đạm. Nhưng đạo lý xen lẫn với những việc lịch sử dân Do Thái (Hebreu) và cuộc đời Chúa Giêsu Kirixitô và người ta chú trọng nhất là những tư tưởng, những sự tích làm cho người nghe cảm động; tất cả những tài liệu thời ấy đều chứng nhận thực vậy.

Cuốn kinh nghĩa đầu tiên chắc hẳn ngắn lắm. Vì sự thế phải vậy: Một đàng thì những người đến học đạo phải học thuộc lòng cuốn sách ấy, vậy thì không thể nào đồ sộ như cuốn kinh nghĩa lớn của cha De Rhodes được. Một đàng các ông tác giả, người thì không hiểu đủ tiếng Việt Nam, người thì không hiểu đủ tiếng Bồ Đào Nha, khó mà cắt nghĩa dài dòng được.

Có lẽ cuốn kinh nghĩa ấy không sắp đặt thành câu hỏi và trả lời như những cuốn kinh nghĩa ngày nay mà sắp đặt thành một bài diễn luận về tôn giáo, như trong cuốn kinh nghĩa cha De Rhodes. Sau hết có lẽ rằng cuốn sách ấy bắt chước theo những cuốn sách đồng một tính cách do các vị thừa sai dòng Tên đã xuất bản ở Trung Hoa hay Nhật Bản.

Mục lục

CHÚ GIẢI J: VỀ BÀ MARIA

Bà Maria dự một phần lớn trong công cuộc thiết lập đạo Thiên Chúa ở Huế. Và nếu chúng ta biết rõ những chi tiết trong việc này, nghĩa là biết làm cách thế nào mà người ta trở lại đạo Thiên Chúa lần đầu hết ở đất Huế, thì có lẽ chúng ta thấy rằng, nhược bằng ngày nay ở chính nơi Huế và các vùng lân cận có nhiều họ đạo sốt sắng, thì chính duyên do đều nhờ bởi công nghiệp bà Maria. Vậy cần phải tìm xem bà Maria là ai.

Những tập ký thuật của các vị Thừa sai hồi ấy, nhất là những tác phẩm của cha Alex.de Rhodes cho chúng ta biết cách hoàn toàn chắc chắn.

Quả thật, các sách ấy đã nói đến bà Maria. Có khi thì dùng những lời hơi mơ hồ, làm cho chúng ta không thể quả quyết được bà Công chúa ấy là ai. Ví như người ta nói một bà "phu nhân" (une dame), một bà "mệnh phụ" (une grand'dame) hay là một bà trong những bà có chức vị lớn nhất trong nước (une des principales dames du royaume), hay là người ta còn gọi là cô mẫu của nhà vua (la tante du roi), không rõ bà cô hay bà dì, bà thím hay bà mợ.

Nhưng chúng ta cũng có nhiều bài nói rõ ràng hơn.

Trong tập ký thuật mà cha De Rhodes gởi cho bề trên các cha dòng Tên ngày 16 octobre 1646, kể lại công việc của các vị thừa sai ở Nam kỳ trong những năm 1644 và 1645, vị giáo sĩ ấy có nói đến "một bà mẹ của ông chú nhà vua" (la mère de l'oncle du roi). Xét ra trong thời kỳ ấy, nhà vua ở Huế là Công Thượng vương, bà Maria hẳn là một trong những người chị em của Sãi vương mà Sãi vương là cha của Công Thượng vương. Tập ký ức của cha Saccano cho chúng ta biết rằng trong năm 1649, "bà Maria là cô mẫu của nhà vua mới chết" (la tante du roi défunt). Về thời kỳ ấy, nhà vua mới chết là Công Nhượng vương, vừa mới chết ngày 19 mars 1646.

Vậy thì bà Maria hẳn là bà cô mẫu của nhà vua ấy. Cha De Rhodes còn có nói trong tháng mars-avril 1643 rằng bà Maria là "bà mẹ của ông chú nhà vua". Nhà vua là Công Thượng vương, chú nhà vua hẳn là một người anh em của Sãi vương. Cha Bartoli trong cuốn lịch sử Trung Hoa của cha, có cho chúng ta biết nhiều lần rằng bà Maria năm 1627, là mẹ của một "người em vua". Vả chăng trong năm 1627, nhà vua là Sãi vương. Vậy bà Maria hẳn thật là mẹ của một người em của Sãi vương. Người em của Sãi vương nói trên năm 1615 còn sống, chết năm 1649, có để lại nhiều con cái; chiếu theo những tài liệu khác, thì người ấy chính là ông Hoàng Khê, ngày nay gọi theo tước là Nghĩa Hưng Quận Vương.

Bà Maria là mẹ ông Hoàng Khê thì chắc chắn là bà Minh Đức Vương Thái phi, một bà Phi của Tiên vương, đấng sáng lập nhà Nguyễn.

Giáo sĩ Cardim viết tập ký thuật có kể rằng, trong số một vạn rưỡi giáo hữu ở địa phận Đàng Trong về năm 1629, thì có một bà Thứ phi của nhà vua mới mất. Vả chăng về thời kỳ ấy, nhà vua trị vì ở Huế là Sãi vương và nhà vua mới mất là Tiên vương chết ngày 21 mai 1613. Bà Maria quả thật là một trong các bà phi của Tiên vương.

Năm 1644, theo cha De Rhodes thì bà Maria đã có hơn 76 tuổi. Cứ kể năm bà sinh ông Hoàng Khê là năm 1589, hồi ấy Tiên vương đã có 64 tuổi, thì chúng ta có thể ước chừng bà Maria sinh vào khoảng 1570 đến 1574. Bà vào làm cung phi Tiên vương hồi 15 đến 17 tuổi. Bà được rửa tội vào những tháng cuối năm 1625 do cha Francois di Pina. Theo cha Saccano thì bà chết về cuối năm 1648, hoặc đầu năm 1649. Hồi ấy không có một vị thừa sai nào ở Huế cả, họ bị trục xuất khỏi kinh thành từ tháng juillet năm 1648. Vậy không có một vị thừa sai nào đến an ủi bà trong lúc lâm chung. Nhưng chắc hẳn bà vẫn trung thành giữ đạo Thiên Chúa.

Ngày nay người ta không rõ mộ bà chôn tại chỗ nào, và bà cũng không có phủ thờ. Trong phủ thờ, con bà là ông Hoàng Nghĩa Hưng Quận Vương, không có vật gì nhắc đến bà cả; bà chỉ còn cái tước hiệu trong Ngọc điệp của nhà vua là Minh Đức Vương thái phi, và những sự tích do các vị thừa sai xưa có quen biết bà kể lại.

Cha A.de Rhodes có để lời khen ngợi bà Maria rất nhiều: "Tôi ở với vị giáo sĩ đáng khâm phục là cha Francois di Pina tại tỉnh Chàm, ở đó có rất nhiều người trước thờ bụt thần, nay trở lại và chịu phép rửa tội. Từ nơi ấy chúng tôi đi đến kinh đô, và lúc đi đường chúng tôi có nghỉ lại ít lâu tại tỉnh Hóa, ở đó có một bà trong hàng các bà lớn nhất trong nước, có bà con gần gũi với nhà vua và rất sùng bái bụt thần; khi bà nghe cha Pina giảng, thì bà được ơn Chúa Thánh Thần soi sáng, và dốc lòng từ bỏ đường sai lầm, sau khi chịu phép rửa tội và đặt tên là "Maria Mađalêna". Bà là nơi nương dựa của Hội giáo mới mẻ này. Gương lành và tiền của bà giúp cho nhiều người ngoại giáo trở lại, và giữ những người đã chịu phép rửa tội rồi ở trong đường đạo đức sốt sắng.

Tôi gặp bà luôn, trong suốt thời kỳ tôi ở xứ  này, và tôi tưởng từ 28 năm nay, bà vẫn cứ cương quyết mãi trong con đường làm những việc lành phước đức của đạo Thiên Chúa, trong cung điện bà có một nhà thờ nhỏ rất đẹp, và dầu có thời kỳ cấm đoán nghiêm nhặt, bà cũng vẫn cứ để yên không phá, và hằng ngày bà đến đọc kinh nguyện ngẫm, cùng mở cửa cho các giáo hữu trong tỉnh đi vào, không một ai dám ngăn cấm, vì trong tỉnh không một ai dám trái lệnh bà. Bà đã khôn khéo chỉ vẽ làm cho thật nhiều người thờ bụt thần, phần nhiều những kẻ có chức trọng quyền cao trong nước, phải trở lại đạo Thánh; trong số những người ấy, có nhiều người bà con của nhà vua. Bà lại còn là chỗ che chở cho các cha dòng chúng ta, và không có người giáo hữu nào mà bà không sẵn lòng hết sức giúp đỡ cho.

Tác giả Phạm Hồng Lam


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét