Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

ChauVeHopPho.html

ChauVeHopPho.html

CHÂU VỀ HỢP PHỐ:

"ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH"

BẢN KINH DO NGUYỄN HỮU LẬP CHÉP TAY NĂM 1870

MỘT DI SẢN VĂN HOÁ DÂN TỘC VÔ CÙNG QUÝ GIÁ

Tác giả: Nguyễn Quảng Tuân

Thực hiện ebook: Goldfish

Ngày hoàn thành 09/03/2008

http://www.thuvien-ebook.com

Nguyễn Quảng Tuân

Thành viên Hội đồng Khoa học

Trung tâm Nghiên cứu Quốc học

Hội nghị Quốc tế về chữ Nôm

Huế, 1-2 tháng 6 năm 2006

Kính thưa quý vị.

Chúng tôi rất hân hạnh hôm nay được giới thiệu với quý vị một bản Kiều nôm cổ mới được đưa từ Hoa Kỳ về lại Việt Nam.

Quyển này nguyên được Hoàng giáp Nguyễn Hữu Lập (1824-1874), hiệu là Tiểu Tô Lâm, tự là Noạ Phu, người làng Trung Cần, tổng Nam Hoa, huyện Thanh Chương, trấn Nghệ An (nay thuộc xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) san cải và hoàn thành việc chép lại vào ngày 19 tháng 8 năm Canh ngọ (Tự Đức thứ 23) tại Tây hiên, bộ Công, ở kinh thành Huế.

Quyển sách sau đó trải bao thời cuộc, không biết đã qua tay những ai để rồi sau ngày 30-41975 được đem ra bày bán trên vỉa hè Sài Gòn và con trai của Giáo sư Đàm Quang Hưng (hiện đang ở Houston, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ) mua được.

Giáo sư Đàm Quang Hưng đã kể lại như sau:

"Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 tôi đã từ Sài Gòn sang định cư ở Hoa Kỳ.  Con trưởng tôi là Đàm Quang Trứ, bị tai nạn tàn tật cả hai chân, đi đứng rất khó khăn, nên không đi theo tôi được, mà phải ở lại Việt Nam.  Năm 1976, con tôi tình cờ mua được một bản Kiểu nôm trong một chồng sách báo cũ bày bán ở vỉa hè Sài Gòn và báo tin cho tôi biết.  Tôi bảo con tôi cứ giữ lấy và khi nào được sang Mỹ đoàn tụ với gia đình thì sẽ mang sang cho tôi.

Năm 1982, con tôi được qua Mỹ và đã mang quyển Kiều nôm ấy sang cho chúng tôi. Khi đọc, tôi rất mừng được biết rằng bản Kiều nôm do Tiểu Lâm chép tay là một di sản văn học dân tộc vô cùng quí giá.  Sau nhận thấy tờ bìa của bản gốc đã bị rách thành nhiều mảnh vụn nên vào ngày 14-2-1984, tôi đã tái tạo một tờ bìa mới để thay thế tờ bìa gốc.

Khi ông Nguyễn Quảng Tuân sang Mỹ, tới Houston ngày 8-9-2000, tôi đã mang một bản photocopy sẵn có đến nơi ông tạm trú để biếu ông.  Vì sách của tôi còn cho một người bạn mượn chưa lấy về nên ông chưa được coi bản gốc."

Có được bản photocopy ấy rồi, khi về nước tôi đã viết một bài giới thiệu đăng trên tạp chí Kiến thức ngày nay số 368 ra ngày 1-11-2000. Nhưng rồi nhận thấy bản photocopy ấy đã được đưa vào máy vi tính trình bày lại mỗi trang thành 10 hàng, có đánh số thứ tự (khác với bản gốc chỉ có 7 hàng) nên tôi đã yêu cầu ông chụp lại cho tôi một bản khác đúng với bản gốc.

Khi được người bạn trả lại quyển sách (bản gốc), ông Đàm Quang Hưng đã sao chụp cho tôi một bản y theo bản gốc. Có được bản photocopy mới này rồi, chúng tôi đã phiên âm sang quốc ngữ và Nhà xuất bản Văn học cùng với Trung tâm Nghiên cứu Quốc học đã cho xuất bản vào năm 2003.

Trong khi ấy ở Canada, năm 1999-2000, ông Nguyễn Bá Triệu cũng đã cho in bản nôm đó mà ông đã xin được của ông Nguyễn Bách Bằng (anh họ ông Đàm Quang Hưng). Theo lời của ông Nguyễn Bá Triệu thì: "Sách cũ, lại nhiều vết lem vì in lại, vì những chú thích của Lâm Nhu Phu và của những người đọc sau nên tôi [NBT] phải mất nhiều công để làm sạch sẽ, tô lại những nét mờ để làm tài liệu căn bản cho quyển sách mà tôi lấy tên là Truyện Kiều – Chữ nôm và khảo dị."

Ông Nguyễn Bá Triệu đã không biết bản gốc có những chữ khảo dị, những lời bình của Vũ Trinh và Nguyễn Lượng (mà đã cho là những chú thích của Lâm Nhu Phu và của những người đọc sau) nên đã xoá bở hết đi để làm sạch sẽ cho quyển sách.

Về phần chúng tôi, chúng tôi đã cho in đúng với bản photocopy mà ông Đàm Quang Hưng đã gửi cho chúng tôi, không sửa chữa bất cứ một chữ nào trong bản gốc.

Nhận thấy hai bản nôm in lại có những chỗ khác nhau nên ông Đào Thái Tôn và ông Lê Thành Lân đã nêu ra những nghi vấn về sự trung thực của văn bản. Chúng tôi đã giải thích từng điểm nhưng hai ông vẫn không tin mặc dầu có sự xác nhận của ông Đàm Quang Hưng rằng: "Bản của chúng tôi gửi biếu Thầy có các lời bình của Vũ Trinh và Nguyễn Lượng là đúng 100% với nguyên bản do Tiểu Tâm Lâm Noạ Phu sao chép."

Mặc dầu có sự xác nhận ấy, ông Đào Thái Tôn vẫn cố tình nghi ngờ và còn cho rằng: "Đó là chuyện thầy trò các ông."

Trước thái độ nghi ngờ quá đáng ấy của ông Đào Thái Tôn và ông Lê Thành Lân, ngày 13-2-2006 ông Đàm Quang Hưng đã quyết định giao hẳn cho chúng tôi giữ bản gốc quyển Đoạn trường tân thanh để những ai có nghi ngờ điều gì thì có thể tới nhà chúng tôi để được xem tận mắt.

Chúng tôi đã phải cho người con sang tận Houston để nhận quyển sách vô cùng quí giá ấy, không dám nhờ gửi Bưu điện hoặc nhờ ai cầm hộ đem về.

Ngày 27-2-2006, khi có được quyển Đoạn trường tân thanh, bản gốc do Nguyễn Hữu Lập sao chép, chúng tôi đã kiểm soát ngay lại những chữ mà hai ông Đào Thái Tôn và Lê Thành Lân nghi ngờ tại sao lại có sự khác biệt thì rõ ràng là bản của ông Nguyễn Bá Triệu đã bị sửa lại và đã bị xoá bỏ hết những chữ khảo dị và những lời bình của Vũ Trinh và Nguyễn Lượng. Chúng tôi cũng có kiểm soát lại những chữ mà Nguyễn Hữu Lập vô ý chép sai như chữ rày   ở câu 1026 đã bị chép sai là  (lời), chữ kia   ở câu 2305 đã bị chép sai là  (hùm), hoặc chữ hùm    ở câu 2319 đã bị chép sai là  (?) …

Về khảo dị có tất cả 75 chỗ. Về các lời bình thì có mặc bình (viết mực đen) và châu bình (viết bằng son).châu bình viết bằng son nên bản chụp photocopy không rõ. Chúng tôi xem lại thấy có tất cả 11 chỗ ở các trang 18, 32, 33, 43, 50, 51, 77, 91, 111, 149, 224 và 232. Các lời châu bình viết rất vắn tắt: câu dài nhất chỉ có 31 chữ, còn thường ra chỉ có độ trên 10 chữ.  Có chỗ chỉ vẻn vẹn có 1 chữ.  Tổng cộng các lời châu bình chỉ có 120 chữ.  Đến nay chưa có sách nào ghi lại các lời châu bình ấy, kể cả quyển Đoạn trường tân thanh của Kiều Oánh Mậu chú thích. Chúng tôi xin chụp lại bằng máy ảnh để quí vị thấy được các chữ viết bằng son.

Cho nên có được bản gốc chúng tôi mới có điều kiện để nghiên cứu tường tận hơn.  Như về khảo dị, Nguyễn Hữu Lập ghi tất cả 75 trường hợp thì Kiều Oánh Mậu đã sửa theo 45 trường hợp.

Chúng tôi chỉ xin nêu ra một vài thí dụ như sau:

Câu 222:   Nghĩ đòi cơn lại sụt sùi đòi cơn

Câu 361:   Vội vàng lá rụng hoa rơi

Câu 442:   Vì hoa cho phải đánh đường tìm hoa

Câu 1391:  Quyết nghe biện bạch một bề

Câu 1793:  Mày ai trăng mới in ngần

Câu 2097:  Mụ càng khua đuổi cho liền

Câu 2490:  E dè sóng gió, hãi hùng nước sa

Câu 2855:   Bẻ bai rầu tiếng tơ

Câu 3087:   Chàng rằng: Nói khéo lạ đởi (*)

Các chữ in nghiêng là các chữ đã được Kiều Oánh Mậu chép theo các chữ ghi "khảo dị" trong bản của Nguyễn Hữu Lập.

Qua các nhận xét trên, chúng tôi thấy rằng quyển Đoạn trường tân thanh do Tiểu Tô Lâm Noạ Phu Nguyễn Hữu Lập sao chép ở Kinh đô Huế năm 1870 (Tự Đức thứ 23) đúng là một bản Kinh vì có những câu mà sau này bản Đoạn trường tân thanh do Kiều Oánh Mậu chú thích in năm 1902 cũng có ghi là "Kinh bản cải" nhưng ông chỉ chép theo bản Kinh có 12 câu:

Câu 240:   Nách tường bông liễu bay sang láng giềng.

Câu 531:   Mở xem thủ bút nghiêm đường,

————-Nhắn rằng: "Thúc phụ xa đường mệnh chung.

————-Hãy còn ký táng Liêu Đông,

————-Cố hương khơi diễn nghìn trùng sơn khê.

————-Rày đưa linh thấn về quê,

Câu 536:   Thế nào con cũng phải về hộ tang."

Câu 1507:  Dễ mà ép xẩm luồn kim.

Câu 1552:  Cho người tham ván bán thuyền biết tay.

Câu 1682:  Đoạn trường ai có qua cầu mới hay.

Câu 1705:  Đành rằng nàng đã cửu nguyên

Câu 1838:  Bắt nàng rót rượu chực hầu đôi nơi

Những câu sau này bản Kiều Oánh Mậu chỉ ghi là "Kinh bản cải" ở phần chú thích còn trong văn bản vẫn chép theo bản Phường:

Câu 1827:  Nhân làm sao đến thế này,

————-Thôi thôi hẳn đã mắc tay mặt thù.

————-Thương ôi! Mảnh sắt vào lò,

————-Bấy lâu nay biết giày vò đến đâu.

————-Nỗi lòng chẳng đánh mà đau,

Câu 1832: Đương cười nói bỗng mặt rầu lệ sa.

Câu 1885: Sớm khuya hầu hạ đài doanh,

————-Nét sầu khôn cưỡng, giọt tình còn hoen.

————-Tiều thư trông liếc quở liền:

————-"Sa mày nặng mặt bởi duyên cớ gì?"

————-Bì tiên giao lại tức thì,

————-Cậy chàng hỏi nó: "Rằng vì làm sao?"

————-Sinh đà ruột héo như bào,

————-Nói ra chẳng tiện, trông vào sao đang.

————-Loanh quanh cua lọt bò sàng,

————-Sợ đây thương đó hai đàng chưa xong.

————-Dưới thềm trên ghế cùng trông,

————-Một lời khôn mở, hai dòng đã sa.

————-Lấy lòng giả cách hỏi tra,

————-Thân cung nàng đã trình qua một tờ.

————-Xem rồi đưa lại tiểu thư,

Câu 1902: Thoắt trông dường cũng ngẩn ngơ chút tình.

Chính vì lẽ đó mà các nhà nghiên cứu Truyện Kiều vẫn xếp bản Kiều Oánh Mậu vào loại bản Phường. Như vậy đến nay bản Kinh duy nhất chỉ còn có bản của Nguyễn Hữu Lập sao chép vì bản của Đào Nguyên Phổ mang từ Kinh về tặng cho Kiều Oánh Mậu đã không còn lưu giữ được.

Hơn nữa bản của Nguyễn Hữu Lập chép lại còn đặc biệt đáng kể vì có ghi rõ tên người sao chép, năm sao chép và nơi sao chép.

Nhận thấy bản nôm cổ ấy là một di sản văn hoá dân tộc vô cùng quí giá nên Giáo sư Đàm Quang Hưng (năm nay đã 76 tuổi) đã có nhã ý trao lại cho chúng tôi giữ để tiếp tục nghiên cứu với ước mong rằng sau này chúng tôi sẽ tìm được cho quyển sách một "mái nhà vĩnh cửu".

Nhân đây, chúng tôi xin chân thành cảm ơn Giáo sư Đàm Quang Hưng và xin trân trọng giới thiệu với quí vị một bản nôm cổ, quyển Đoạn trường tân thanh tức Truyện Kiều bản Kinh của Nguyễn Du và nếu có vị nào muốn xem tận mắt, chúng tôi sẽ vui lòng đón tiếp.