Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

chinhsach tm va LTM My

Public Affairs Section, American Embassy Hanoi



Tạp chí Ðiện tử của Bộ Ngoại giao Mỹ
Triển vọng Kinh tế, tháng 6/2006

CHÍNH SÁCH THƯƠNG MẠI VÀ LUẬT THƯƠNG MẠI MỸ

KHÁI QUÁT VỀ LUẬT THƯƠNG MẠI MỸ
written by: Nguyễn Phú Quốc, MBA, Lawyer.



Luật quản lý hoạt động thương mại của Mỹ có nhiều và phức tạp. Phần khái quát dưới đây, được trích từ một số nguồn, phác thảo những nét chính của các luật quan trọng nhất có ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu và những quyền hạn mà Quốc hội ban cho tổng thống để ngăn chặn những hoạt động thương mại gian lận, quản lý thương mại phục vụ các mục đích khác, và đàm phán các hiệp định thương mại.

Luật để triển khai các hiệp định thương mại được ký kết trong các vòng đàm phán thương mại đa phương Urugoay – sau này là Tổ chức Thương mại Thế giới – đòi hỏi những thay đổi cơ bản trong nhiều luật thương mại của Mỹ. Những thay đổi này sẽ có hiệu lực trong một số năm. Việc triển khai Hiệp định Mậu dịch Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) sẽ đặt ra những thủ tục đặc biệt để loại bỏ các hàng rào thương mại giữa Mỹ, Canada, và Mexico và giải quyết những tranh chấp.

Các nguồn tài liệu tham khảo chính của phần khái quát này bao gồm: “Khái quát và Soạn thảo các đạo luật thương mại của Mỹ, xuất bản 1995″ do Tiểu ban Thương mại thuộc Uỷ ban Tài chính và Thuế vụ, Hạ nghị viện Mỹ (The House of Representatives Ways and Means Subcommittee on Trade) phát hành; “Thương mại trong năm: 1996, hoạt động của chương trình hiệp định thương mại “, ” Tóm tắt các điều khoản của các đạo luật liên quan đến giảm nhập khẩu ” do Ủy ban Thương mại Quốc tế của Mỹ phát hành; và “Chương trình Nghị sự về Chính sách Thương mại năm 1997 và Báo cáo của tổng thống Mỹ về Chương trình hiệp định thương mại” do Văn phòng Ðại diện Thương mại Mỹ xuất bản.

Bản khái quát này được chia thành bẩy phần, theo cấu trúc của phần “Khái quát” của Tiểu ban Thương mại, bao gồm phần mô tả khái quát về các luật quản lý hoạt động thương mại phục vụ mục đích của chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia. Luật thương mại này sẽ là nội dung của số tiếp theo của tạp chí “Triển vọng Kinh tế”.

Bản khái quát này do các thư ký kinh tế của Cục Thông tin Hoa Kỳ, Bruce Odessey, Warner Rose và Jon Schaffer viết.

Nội dung:

Luật thuế quan và hải quan

Hệ thống thuế quan: Hệ thống thuế quan của Mỹ là Biểu Thuế quan hài hoà của Hợp chủng quốc Hoa kỳ (Harmonized Tariff Schedule – HTS). Ðược chính thức thông qua ngày 1 tháng 1 năm 1989, hệ thống này được xây dựng dựa trên Hệ thống Mô tả hàng hoá và Mã số Hài hoà của Hội đồng Hợp tác Hải quan, một tổ chức liên chính phủ có trụ sở tại Brúc-xen. Ðược coi là hệ thống hài hoà, hệ thống thuế quan này được hầu hết các quốc gia thương mại lớn sử dụng.

Hầu hết các loại thuế quan của Mỹ đánh theo tỷ lệ trên giá trị – tức là mức thuế được xác định bằng một tỷ lệ phần trăm trên giá trị hàng nhập khẩu. Mức thuế suất của Mỹ biến động từ dưới 1% đến gần 40%, đối với hàng dệt may nhập khẩu thường phải chịu thuế cao hơn. Hầu hết thuế tỷ lệ trên giá trị trong khoảng từ 2 đến 7%, với mức thuế trung bình là 4%.

Một số hàng nhập khẩu, thường là nông sản và các loại hàng chế biến khác, là đối tượng chịu “thuế theo số lượng” – đó là một loại thuế ấn định đối với một số lượng nhất định. Một số sản phẩm phải chịu thuế gộp, loại kết hợp thuế theo tỷ lệ trên giá trị và thuế theo số lượng. Tuy nhiên đối với những sản phẩm khác, ví dụ như đường, phải chịu thuế định ngạch — một mức thuế suất cao hơn được áp dụng đối với hàng nhập khẩu sau khi một lượng hàng cụ thể đã được nhập vào Mỹ trong năm, mức chênh lệch sẽ thấp hơn thuế suất phổ biến. Một số ít các trường hợp gần như đặc biệt phải chịu các mức thuế khác.

Quy chế tối huệ quốc: Hầu hết các đối tác thương mại của Mỹ có chế độ buôn bán “Tối Huệ Quốc” (MFN). Hàng hoá của các nước thuộc diện đối xử tối huệ quốc sẽ chịu các mức thuế như nhau khi vào Mỹ. Khi Mỹ giảm, loại bỏ, hoặc thay đổi một loại thuế quan, thì sự thay đổi đó được áp dụng bình đẳng với tất cả các quốc gia được hưởng MFN. Hàng nhập khẩu từ các nước không có MFN sẽ phải chịu mức thuế cao hơn rất nhiều.

Khi gia nhập Hiệp định chung về Thuế quan và Mậu dịch (GATT) trong năm thành lập 1948, Mỹ đã đồng ý dành MFN cho tất cả các nước khác đã ký hiệp định. Chế độ này còn dành cho một số nước nhất định không tham gia vào GATT. Từ năm 1951, Quốc hội Mỹ đã yêu cầu tổng thống Truman hủy bỏ MNF dành cho Liên Xô và tất cả các nước cộng sản khác. Lúc đầu khi được triển khai, việc hủy bỏ này được áp dụng với tất cả các nước hậu Cộng sản trừ Nam Tư. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh hầu hết các nước cộng sản hoặc bị từ chối MFN hoặc là phải đáp ứng những điều kiện nhất định để được hưởng chế độ này.

Hiện nay, Mỹ dành chế độ MFN cho tất cả các thành viên của WTO và hầu hết các quốc gia khác. Các quốc gia không được hưởng MFN, vào thời điểm tháng 5 năm 1997, bao gồm Afghanistan, Cuba, Lào, Bắc Triều tiên, Việt Nam, và Secbia/Montenegro. Các nước muốn được hưởng MFN phải đáp ứng hai yêu cầu cơ bản: i) Tuân thủ các điều khoản Jackson-Vanik của Luật Thương mại năm 1974, trong đó yêu cầu tổng thống phải xác nhận là quốc gia đó không từ chối hoặc ngăn cản quyền hoặc cơ hội của công dân của nước đó được di cư; ii) Ðã ký hiệp định thương mại song phương với Mỹ. Các điều kiện xét dành chế độ MFN đối với Secbia hoặc Montenegro có thể khác. Việc Quốc hội từ chối MFN đối với Secbia/Montenegro nhằm phản đối cuộc xung đột vũ trang và sự vi phạm nhân quyền sau cuộc đảo chính tại Nam Tư cũ.

Một số quốc gia phải được tổng thống bãi nại hoặc gia hạn sự bãi nại hàng năm để tiếp tục chế độ MFN của họ. Cho đến nay quốc gia quan trọng nhất phải yêu cầu gia hạn sự bãi nại hàng năm là Trung Quốc, hiện đang là một trong những nước xuất khẩu lớn nhất sang Mỹ.

Chậm nhất là ngày 3 tháng 7 hàng năm, tổng thống phải gia hạn bãi nại áp dụng điều khoản tự do di cư Jackson Vanik hàng năm đối với Trung Quốc. Việc bãi nại đối với Trung Quốc có hiệu lực từ năm 1980. Hàng năm kể từ 1989, một luật đã được trình lên Quốc hội nhằm phản đối việc bãi nại của tổng thống. Luật này đã yêu cầu gắn chặt việc gia hạn MFN cho Trung Quốc với việc đáp ứng các điều kiện nhân quyền qua đó đạt được sự tự do di cư. Trong suốt năm 1996, tất cả các nỗ lực nhằm từ chối chế độ MFN cho Trung Quốc đã bị thất bại.

Trong khi Libya, Iran và Irắc có chế độ buôn bán Tối Huệ Quốc, hoạt động thương mại với các nước này lại bị cấm vận bởi một số luật khác của Mỹ.

Các chương trình đơn phương đặc biệt: Có một số luật dành sự đối xử thuế quan ưu đãi đối với một số sản phẩm một cách đơn phương, một chiều cho các nước đang phát triển. Các chương trình này bao gồm:

  • Chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (Generalize System of Preferences – GSP), một chương trình miễn thuế quan cho hơn 4.450 sản phẩm từ khoảng 150 nước và lãnh thổ đang phát triển. Luật GSP quy định việc đánh giá hàng năm các mặt hàng và các nước đủ điều kiện. Những hạn định sẽ được đặt ra đối với việc miễn thuế cho một số sản phẩm nhất định nếu việc nhập khẩu tăng lên trên một mức đôla nhất định. Lợi ích của GSP có thể bị hạn chế nếu quốc gia đó duy trì những hàng rào đối với hàng xuất khẩu của Mỹ, từ chối bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, hoặc không tuân thủ các quyền công nhân đã được quốc tế công nhận. Luật GSP đã hết hạn ngày 31 tháng 5 năm 1997. Khi GSP lần cuối cùng được gia hạn vào tháng 8 năm 1996, sau khi đã hết hạn hơn một năm, việc miễn thuế đã được khôi phục hiệu lực.
  • Sáng kiến vùng lòng chảo Caribe ( Caribbean Basin Initiative – CBI), quy định việc miễn hoặc giảm thuế quan đối với hầu hết các sản phẩm từ 24 nước ở Trung Mỹ và khu vực Caribe. Những ưu đãi thương mại CBI không phải xét lại hàng năm. Các quốc gia có thể bị mất những lợi ích của CBI trong những điều kiện nhất định.
  • Luật Ưu đãi Thương mại Andean (ATPA), Luật này dành ưu đãi thuế quan cho các sản phẩm từ Bolovia, Colombia, Ecuador, và Peru. Chương trình này hết hạn vào tháng 12 năm 2001.

Các quốc gia mà Mỹ ký hiệp định thương mại trong đó việc giảm thuế quan và các hàng rào thương mại khác, như NAFTA và Hiệp định Khu vực Mậu dịch Tự do Mỹ – Ixaren, đã được đề cập trong phần khác của luật thương mại liên quan đến những hiệp định thương mại tương hỗ.

Ưu đãi thuế quan đặc biệt: Mỹ dành một ưu đãi thuế quan quan trọng đối với hàng hoá nhập khẩu đươc sản xuất từ những bộ phận chế tạo tại Mỹ. Ðiều khoản trong luật này là HTS số 9802 theo Hệ thống Hài hoà mới — trước đây gọi là điều 807 theo Hệ thống Thuế quan cũ của Mỹ. Theo thoả thuận này, thuế chỉ đánh vào phần giá trị gia tăng ở nước ngoài của sản phẩm, không đánh thuế đối với những phần được sản xuất ở Mỹ. Thoả thuận này, được gọi là “hợp đồng phân chia sản phẩm”, được sử dụng rộng rãi từ môtô đến sản phẩm bán dẫn, quần áo được may ở nước ngoài sử dụng vải được sản xuất ở Mỹ. Năm 1996, khoảng 8,5% tổng nhập khẩu của Mỹ đã áp dụng theo điều khoản HTS số 9802.

Tính giá hải quan, các quy định khác: Mỹ chấp nhận dùng Hiệp định của WTO về tính giá hải quan làm cơ sở cho Luật tính giá hải quan của Mỹ, quy trình xác định giá trị của hàng nhập khẩu để áp dụng thuế tỷ lệ trên giá trị.

Bằng việc tham gia vào hiệp định, Mỹ sử dụng các quy tắc trong Thoả thuận Giải quyết Tranh Chấp của WTO để giải quyết những tranh chấp.

Luật hiện tại của Mỹ coi “giá trị giao dịch” là cơ sở để xác định giá trị của hàng nhập khẩu. Nhìn chung, giá trị giao dịch là mức giá thực tế đã trả hoặc phải trả cho hàng nhập khẩu đó, với một số chi phí bổ sung không bao gồm trong giá đó. Nếu phương pháp tính giá hải quan thứ nhất không được sử dụng, luật quy định phương pháp thứ hai sẽ được sử dụng. Theo thứ tự như sau: 1) giá trị giao dịch của hàng hoá giống hoặc tương tự, 2) giá trị suy diễn; 3) giá trị tính toán.

Luật Hải quan của Mỹ cũng quy định rằng xuất xứ của của sản phẩm phải được giải trình rõ ràng và trung thực. Ðiều này vô cùng quan trọng đối với những sản phẩm muốn vào Mỹ thông qua các chương trình miễn thuế một chiều như GSP, CBI, và ATPA. Ðối với những sản phẩm đủ điều kiện được ưu đãi thuế trong ba chương trình này, ít nhất 35% chi phí sản xuất trực tiếp của hàng này phải nằm trong nước được hưởng lợi.

Có những quy định “nước xuất xứ” đặc biệt đối với NAFTA.

Luật bồi thường thương mại

Luật thương mại Mỹ bao gồm một số đạo luật quy định về những trường hợp bồi thường cụ thể khi hàng hoá nước ngoài được hưởng lơị thế không công bằng trên thị trường Mỹ hoặc hàng xuất khẩu của Mỹ bị phân biệt đối xử trên thị trường nước ngoài.

Các luật áp dụng đối với hàng nhập khẩu

Hai đạo luật phổ biến nhất bảo hộ các ngành công nghiệp Mỹ chống lại hàng nhập khẩu không công bằng là Luật thuế bù giá (CVD) và Luật Chống phá giá. Cả hai luật này quy định rằng phần thuế bổ sung sẽ được ấn định đối với hàng nhập khẩu nếu chúng bị phát hiện là được trao đổi không công bằng. Cả hai luật bao gồm những thủ tục tương tự để tiến hành điều tra, ấn định thuế, và sau đó là kiểm tra và có khả năng loại bỏ thuế.

Luật thuế bù giá (CVD): Luật thuế bù giá quy định một khoản bồi thường dưới dạng thuế nhập khẩu phụ thu để bù vào phần trợ giá của sản phẩm nước ngoài, mà việc bán sản phẩm đó ở Mỹ gây thiệt hại các nhà sản xuất những hàng hoá giống hoặc tương tự của Mỹ. Trong hầu hết các trường hợp, phần trợ giá phải bù lại có thể do chính phủ nước ngoài trực tiếp trả, nhưng luật này cũng áp dụng đối với loại trợ giá gián tiếp bị phát hiện sau khi điều tra theo luật thuế bù giá.

Việc điều tra theo luật thuế bù giá thường được tiến hành do có đơn khiếu nại của các ngành công nghiệp trong nước trình lên Bộ Thương mại Mỹ và Ủy ban Thương mại Quốc tế, tuy nhiên Bộ Thương mại có thể tiến hành độc lập một luật thuế.

Bộ Thương mại và Ủy ban Thương mại Quốc tế đều có thể tiến hành điều tra. Bộ Thương mại điều tra để xác định xem có sự trợ giá “chịu thuế” trực tiếp hoặc gián tiếp ở nước hoặc lãnh thổ xuất xứ cho việc chế tạo, sản xuất hoặc xuất khẩu sản phẩm là đối tượng bị điều tra hay không.

Ðiều tra của Ủy ban Thương mại Quốc tế xác định xem việc khiếu nại của ngành công nghiệp Mỹ bị thiệt hại vật chất hoặc đe doạ thiệt hại vật chất, hoặc các cơ sở kinh doanh của một ngành có bị thiệt hại vật chất hay không do hàng nhập khẩu được trợ giá. “Thiệt hại vật chất” được định nghĩa trong luật không phải là những thiệt hại nhỏ, vô hình, hoặc không quan trọng.

Ðể áp đặt thuế bù giá, bộ Thương mại phải xác định phần trợ giá chịu thuế bù giá và Ủy ban Thương mại Quốc tế phải tìm ra những thiệt hại.

Luật thuế bù giá còn đề cập đến cả các loại “trợ giá ngược chiều” — những hình thức trợ giá cho sản xuất các yếu tố đầu vào được tính vào sản phẩm cuối cùng xuất khẩu sang Mỹ.

Luật chống phá giá: Luật chống phá giá được sử dụng rộng rãi hơn luật thuế bù giá. Thuế chống phá giá được ấn định vào hàng nhập khẩu khi người ta xác định được là hàng nước ngoài được bán “phá giá”, hoặc sẽ bán phá giá ở Mỹ với giá “thấp hơn giá trị thông thường”. Thấp hơn giá trị thông thường có nghĩa là giá của hàng nhập khẩu vào Mỹ — tức là giá mua hoặc giá bán của nhà xuất khẩu — thấp hơn mức giá của hàng hoá đó ở nước xuất xứ.

Cũng giống như trường hợp theo luật thuế bù giá, các thủ tục chống phá giá được tiến hành khi có đơn khiếu kiện của một ngành công nghiệp hoặc bộ Thương mại tiến hành độc lập.

Bộ Thương mại phải điều tra để xác định xem có hiện tượng chống phá giá xảy ra hay không. Ủy ban Thương mại Quốc tế sau đó sẽ xác định xem có phải ngành công nghiệp đó của Mỹ đang bị thiệt hại về vật chất hoặc bị đe dọa thiệt hại vật chất, hoặc các cơ sở kinh doanh trong ngành bị thiệt hại do hàng nhập khẩu đó hay không.

Thuế chống phá giá sẽ được ấn định đối với sản phẩm khi việc bán phá giá và thiệt hại được xác định bằng mức chênh cao hơn của “giá trị bình thường” của hàng hoá đó với mức giá xuất khẩu, tức là giá bán tại Mỹ.

Bộ Thương mại sẽ xác định giá trị bình thường của hàng nhập khẩu bằng một trong ba cách. Theo thứ tự ưu tiên đó là: giá bán tại nước xuất xứ, giá bán của hàng hoá tại thị trường thứ ba; và “giá trị tính toán” bằng tổng chi phí sản xuất cộng với các khoản bổ sung cho lợi nhuận, tiền hoa hồng bán hàng, và các chi phí hành chính khác như đóng gói. Nếu số liệu thực tế không có, thì một “vật thay thế” cho lợi nhuận và các chi phí khác sẽ được sử dụng để xác định giá trị tính toán.

Nếu hai hoặc nhiều hơn nữa các nước bị khiếu tố về trách nhiệm chống phá giá hoặc bù giá, luật yêu cầu Ủy ban Thương mại Quốc tế đánh giá luỹ tích số lượng và ảnh hưởng của các hàng nhập khẩu tương tự từ các nước đã bị nêu trên nếu chúng cạnh tranh với nhau và với sản phẩm tương tự trên thị trường Mỹ. Nếu hàng nhập khẩu từ một nước đang bị điều tra được coi là không đáng kể thường được xác định là nhỏ hơn 3% tổng giá trị nhập khẩu của sản phẩm bị điều tra, việc điều tra nước đó sẽ bị dừng lại. Người ta cũng quy định việc miễn trừ những quy tắc luỹ tích ví dụ như việc áp dụng đối với các nước tham gia vào CBI và đối với Ixraen.

Luật chống phá giá còn cho phép các ngành của Mỹ được đệ trình khiếu nại về hoạt động bán phá giá ở nước thứ ba. Ngành công nghiệp của Mỹ có thể đệ trình một đơn khiếu nại, trong đó phải giải thích tại sao việc phá giá lại gây thiệt hại cho các công ty của Mỹ, lên văn phòng Ðại diện Thương mại Mỹ, yêu cầu cơ quan này bảo vệ những quyền lợi của Mỹ theo quy định của WTO. Nếu Ðại diện Thương mại Mỹ xác định là có đủ cơ sở để viện cớ, họ sẽ đệ trình một yêu cầu lên các cơ quan có thẩm quyền ở nước thứ ba yêu cầu họ phải thay Mỹ tiến hành việc chống phá giá.

Tương tự, theo Hiệp định Chống phá giá Trong khuôn khổ Vòng đàm phán Urugoay, chính phủ một nước thành viên WTO có thể đệ trình một đơn kiến nghị với Ðại diện Thương mại Mỹ yêu cầu mở một cuộc điều tra chống phá giá của một sản phẩm nhập khẩu vào thị trường Mỹ từ một nước thứ ba.

Các cuộc điều tra chống phá giá và thuế bù giá, áp thuế: Các đơn khiếu nại theo luật chống phá giá và luật thuế bù giá phải được đệ trình đồng thời lên Bộ Thương mại và Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ. Nếu đơn khiếu nại được chấp nhận thì sau 45 ngày kể từ ngày nộp đơn, hoặc sau khi bộ Thương mại đã bắt đầu tiến hành điều tra độc lập, Ủy ban Thương mại Quốc tế phải đánh giá sơ bộ về những thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại đối với một ngành công nghiệp của Mỹ.

Nếu đánh giá của Ủy ban Thương mại Quốc tế xác định là không có vi phạm thì cuộc điều tra sẽ kết thúc. Nếu Ủy ban Thương mại Quốc tế xác định là có vi phạm thì bộ Thương mại sẽ đánh giá sơ bộ xem có một cơ sở hợp lý nào để tin rằng có sự trợ giá chịu thuế hoặc sự phá giá đã xảy ra hay không.

Nếu Bộ Thương mại xác định là có cơ sở hợp lý, thì trong trường hợp luật thuế bù giá, họ sẽ xác định một biên trợ giá cho từng hãng hoặc từng nước bị điều tra. Việc xác định này phải được hoàn thành trong vòng 65 ngày sau ngày bắt đầu điều tra. Thời hạn này có thể được kéo dài đến 130 ngày.

Trong trường hợp theo luật chống phá giá, sau khi đánh giá sơ bộ, Bộ Thương mại sẽ tính toán biên phá giá bình quân — mức chênh lệch cao hơn của giá trị bình thường của sản phẩm nước ngoài so với giá xuất khẩu. Ðánh giá sơ bộ phải hoàn thành trong vòng 140 ngày sau ngày bắt đầu điều tra. Tuy nhiên, thời hạn này có thể kéo dài lên 190 ngày.

Trong cả hai trường hợp, sau khi những đánh giá sơ bộ đã được hoàn thành, người nhập khẩu sản phẩm đó phải nộp bảo lãnh hoặc đặt cọc bằng tiền mặt tương đương với mức trợ giá thuần dự tính hoặc biên phá giá cho cơ quan Hải quan Mỹ.

Nếu đánh giá sơ bộ của Bộ Thương mại là không có, thì không phải nộp tiền đặt cọc, nhưng điều tra của Bộ Thương mại và Ủy ban Thương mại Quốc tế vẫn tiếp tục cho đến bước đánh giá cuối cùng.

Có một số điều khoản đưa vào hiệp định để tạm hoãn các cuộc điều tra theo cả luật chống phá giá và luật thuế bù giá nếu một số điều kiện được đáp ứng.

Trong vòng 75 ngày đánh giá sơ bộ, trong điều kiện bình thường, Bộ Thương mại sẽ đưa ra đánh giá cuối cùng đối với cả hai trường hợp theo luật chống phá giá và luật thuế bù giá, tuy nhiên thời hạn này có thể kéo dài đến 135 ngày. Nếu đánh giá cuối cùng của Bộ Thương mại xác định là không có vi phạm, quá trình điều tra sẽ kết thúc và tiền bảo lãnh hoặc tiền đặt cọc sẽ được hoàn trả. Nếu đánh giá cuối cùng của Bộ Thương mại là có thì Ủy ban Thương mại Quốc tế sẽ phải xác định những thiệt hại cuối cùng. Ðánh giá cuối cùng của Ủy ban Thương mại Quốc tế phải được thực hiện trong vòng 120 ngày sau khi Bộ Thương mại đưa ra đánh giá sơ bộ hoặc đến ngày thứ 45 sau khi Bộ Thương mại đưa ra đánh giá cuối cùng là có sự vi phạm.

Nếu đánh giá cuối cùng của Ủy ban Thương mại Quốc tế khẳng định là có vi phạm, thì Bộ Thương mại phát yêu cầu nộp thuế theo luật thuế bù giá hoặc chống phá giá trong vòng 7 ngày sau khi có xác nhận có của ẹy ban Thương mại Quốc tế. Lưu ý là mức thuế cuối cùng phải nộp cho hàng nhập khẩu có thể cao hơn nhiều so với mức đặt cọc.

Theo yêu cầu, Bộ Thương mại phải kiểm tra, thường là 12 tháng một lần, mức trợ giá chịu thuế hoặc biên phá giá đối với hàng hoá bị yêu cầu phải nộp thuế bù giá hoặc chống phá giá chưa giải quyết xong. Bộ Thương mại, theo yêu cầu, còn phải kiểm tra các cuộc điều tra đã bị đình chỉ để đánh giá tình trạng và sự tuân thủ hiệp định, cũng như khoản trợ giá chịu thuế thuần và biên phá giá.

Ðạo luật về các hiệp định trong khuôn khổ Vòng đàm phán Urugoay quy định rằng Bộ Thương mại và Ủy ban Thương mại Quốc tế tiến hành “những cuộc kiểm tra lần cuối” trong vòng 5 năm kể từ khi phát hành một lệnh để xác định xem việc hủy bỏ những lệnh có liên quan có dẫn đến việc tiếp tục hoặc tái diễn hoạt động phá giá hoặc trợ giá chịu thuế hay không.

Việc hủy bỏ lệnh phá giá hoặc đình chỉ việc điều tra có thể xảy ra nếu Ủy ban Thương mại Quốc tế xác định là việc hủy bỏ hoặc đình chỉ sẽ không dẫn đến việc tiếp tục hoặc tái diễn hành động phá giá hoặc trợ giá chịu thuế.

Các bên không đồng ý với đánh giá cuối cùng của Bộ Thương mại và Ủy ban Thương mại Quốc tế về các vụ chống phá giá hoặc thuế bù giá có thể nộp đơn yêu cầu xử lại lên Toà án Thương mại Quốc tế của Mỹ ở New York. Nếu hàng hoá từ Canada hoặc Mehico, các bên có thể yêu cầu ban hội thẩm lưỡng quốc thuộc NAFTA kiểm tra hoặc có thể kháng cáo lên Toà án Thương mại Quốc tế.

Có một số điều khoản nhất định của luật này được gọi là “những trường hợp khẩn cấp” (critical circumstances) cho phép người khiếu nại có thể yêu cầu một hành động khẩn cấp ngăn chặn làn sóng nhập khẩu đang đe dọa ngành công nghiệp trong nước.

Ðiều 201-204, Ðiều chỉnh hàng nhập khẩu: Các điều từ 201 đến 204, Luật Thương mại năm 1974 ủy quyền cho tổng thống hành động khi một sản phẩm nhất định được nhập vào Mỹ với số lượng lớn gây những thiệt hại nghiêm trọng, hoặc đe doạ gây thiệt hại đối với ngành công nghiệp trong nước. Quyền này có thể sử dụng ngay cả khi hàng nhập khẩu được định giá gian lận.

Ủy ban Thương mại Quốc tế tiến hành điều tra, trả lời khiếu nại của các đại diện thiện chí của ngành, trên cơ sở đề nghị của tổng thống hoặc Ðại diện Thương mại Mỹ, bằng việc nhận một giải pháp của Ủy ban Tài chính và Thuế vụ, Hạ nghị viện hoặc Ủy ban Tài chính Thượng nghị viện, hoặc tự quyết định.

Ủy ban Thương mại Quốc tế có 180 ngày kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, đề nghị, hoặc quyết định để tiến hành điều tra và báo cáo đánh giá của ủy ban và bất cứ đề nghị nào lên tổng thống. Cuộc điều tra được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn đầu là để xác định xem có thiệt hại hay không, thường phải hoàn thành trong vòng 120 ngày, và giai đoạn bồi thường nếu điều đó là cần thiết. Nếu Ủy ban Thương mại Quốc tế đưa ra một đánh giá khẳng định thiệt hại, thì họ sẽ đề nghị tổng thống đưa ra những hành động cho phép tạo điều kiện cho sự điều chỉnh của ngành trước sự cạnh tranh của hàng nhập khẩu. Việc làm này có thể dẫn đến tăng thuế, áp đặt thuế định ngạch, hạn chế số lượng, các biện pháp điều chỉnh, hoặc kết hợp các biện pháp trên. Ðối với các đối tác của NAFTA, Ủy ban Thương mại Quốc tế còn phải xác định xem hàng nhập khẩu từ Mehico và Canada có chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng nhập khẩu và thủ phạm chính gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành công nghiệp Mỹ hay không.

Ủy ban Thương mại Quốc tế cũng phải lắng nghe dư luận về các giai đoạn điều tra thiệt hại và bồi thường của họ.

Trên cơ sở nhận được báo cáo của Ủy ban Thương mại Quốc tế bao gồm đánh giá xác nhận tổn thất và để nghị bồi thường, tổng thống có 60 ngày để quyết định xem phải làm gì. Tổng thống không bị giới hạn bởi những đề nghị của Ủy ban Thương mại Quốc tế. Tổng thống có thể thực hiện đề nghị của Ủy ban Thương mại Quốc tế, có thể sửa lại một số hình thức khác trong quyền hạn của mình, hoặc không làm gì cả. Tổng thống phải báo cáo với Quốc hội về hành động của mình. Nếu hành động đó khác với những đề nghị của Ủy ban Thương mại Quốc tế, tổng thống sẽ phải giải thích lý do tại sao. Quốc hội có thể, thông qua một giải pháp chung trong vòng 90 ngày, yêu cầu tổng thống công bố những hành động do Ủy ban Thương mại Quốc tế đề nghị.

Có một số điều khoản đặc biệt trong đó cho phép cắt giảm nhập khẩu “tạm thời” nếu sắp hoàn tất quá trình điều tra.

Cắt giảm này có thể được quy định trong giai đoạn đầu cho đến khi được 4 năm và có thể được kéo dài, nhưng tổng thời gian hoãn không quá 8 năm. Nếu việc cắt giảm được chấp nhận, Ủy ban Thương mại Quốc tế quản lý sự phát triển trong các ngành được hưởng lợi từ hành động này. Khi việc cắt giảm đã được 3 năm, Ủy ban Thương mại Quốc tế phải đệ trình lên tổng thống và Quốc hội về tình trạng của ngành công nghiệp, không quá thời điểm giữa của giai đoạn cắt giảm.

Một ngành được cắt giảm nhập khẩu có thể yêu cầu gia hạn bằng việc đệ đơn trong khoảng từ 6 đến 9 tháng trước khi thời hạn cắt giảm kết thúc nếu ngành đó dự định gia hạn.

Ðiều 337, Bảo hộ Quyền Sở hữu Trí tuệ: Ðiều 337 chủ yếu được sử dụng để ngăn chặn sự vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của hàng nhập khẩu. Ðiều luật này xác định những hình thức xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bất hợp pháp như bằng sáng chế, thương hiệu đã đăng ký, bản quyền, nguyên lý hoạt động của sản phẩm vi mạch bán bẫn của Mỹ hợp lệ và được bảo hộ. Ðiều 337 cấm các hình thức cạnh tranh gian lận và những hành vi gian lận trong nhập khẩu và bán sản phẩm ở Mỹ, sự đe doạ hoặc ảnh hưởng của những hành động sẽ phá hoại hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng ngành công nghiệp trong nước hoặc sẽ cản trở và độc quyền hoá thương mại ở Mỹ.

Ðiều tra theo điều 337 được tiến hành trên cơ sở đơn khiếu nại hoặc do chính Ủy ban Thương mại Quốc tế tiến hành độc lập. Nhìn chung, nếu Ủy ban Thương mại Quốc tế xác minh hàng nhập khẩu phạm luật, họ có thể ra lệnh ngăn chặn không cho sản phẩm đó nhập vào Mỹ và có thể yêu cầu các bên trong nước có liên quan đến vụ này chấm dứt những sự liên can đến những hoạt động bất hợp pháp này. Nếu sản phẩm đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thì không cần phải tiến hành điều tra thiệt hại.

Tổng thống có thể hủy bỏ lệnh của Ủy ban Thương mại Quốc tế trong vòng 60 ngày vì “những lý do chính trị”.

Các luật Hỗ trợ Xuất khẩu và Triển khai Hiệp định Thương mại:

Ðiều 301 của Luật Thương mại 1974 là luật quan trọng nhất của Mỹ để thực hiện quyền của các công ty Mỹ trong khuôn khổ của các hiệp định thương mại hiện hành, để thúc đẩy việc tiếp cận thị trường nước ngoài cho hàng hoá và dịch vụ của Mỹ, và để ngăn chặn những hành vi nhất định của nước ngoài như xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Luật này thiết lập một quy trình để Văn phòng Ðại diện thương mại Mỹ điều tra những hành vi của nước ngoài và thảo luận với chính phủ nước ngoài để tìm kiếm một cách giải quyết những tranh chấp, mà có thể là thoả thuận cấp chính phủ để ngăn chặn những hành động xâm phạm, hoặc để bồi thường lợi ích cho Mỹ.

Nếu không có một thoả thuận vừa ý, luật này yêu cầu Ðại diện Thương mại Mỹ sử dụng thủ tục giải quyết tranh chấp đã có theo hiệp định thương mại được áp dụng. Ví dụ, năm 1996 có chín vụ vi phạm điều 301 đã chuyển sang thủ tục giải quyết tranh chấp của WTO. Nếu bước này vẫn chưa đưa ra được một giải pháp vừa ý đối với tranh chấp, Ðại diện Thương mại Mỹ có thể tiến hành một số bước khác, có thể bao gồm việc tạm hoãn những thoả thuận của hiệp định thương mại, ấn định thuế hoặc hạn chế nhập khẩu, và thu phí hoặc đưa ra hạn chế đối với các dịch vụ.

Việc xúc tiến các vụ theo điều 301 có thể trên cơ sở đơn kiện trong nước hoặc do Ðại diện Thương mại Mỹ độc lập tiến hành.

Quốc hội quy định rằng Ðại diện Thương mại Mỹ sẽ tiến hành đánh giá hàng năm các hàng rào của nước ngoài, kết quả này được công bố hàng năm dưới dạng “Báo cáo Ðánh giá Thương mại Quốc gia về các Hàng rào Ngoại thương” (National Trade Estimate Report on Foreign Trade), còn được gọi là báo cáo NTE.

Super 301: Báo cáo NTE được sử dụng để lập một danh sách những thông lệ quốc gia ưu tiên gọi là “super 301″, chủ yếu là danh sách các nước là đối tượng của luật “super 301″.

Ðược đặt ra trong Bộ Luật chung về Thương mại và Cạnh tranh, Super 301 đã hết hạn năm 1990, nhưng tổng thống Clinton đã sử dụng lại luật này bằng quyền hành pháp của tổng thống, lần gia hạn gần đây nhất sẽ hết hạn vào cuối năm 1997. Quyền hành pháp của tổng thống quy định rằng trong vòng 6 tháng đệ trình Báo cáo NTE, Ðại diện Thương mại Mỹ sẽ xác định những thông lệ ưu tiên của nước ngoài mà, nếu loại trừ, sẽ có khả năng nhất để tăng xuất khẩu của Mỹ. Ðại diện Thương mại Mỹ phải báo cáo lên Ủy ban Tài chính Thượng nghị viện vàỦy ban Tài chính và Thuế vụ về những thông lệ này. Trong vòng 21 ngày sau khi trình báo cáo, Ðại diện Thương mại Mỹ phải tiến hành điều tra theo điều 301 về các thông lệ ưu tiên của nước ngoài được xác định trong báo cáo. Vẫn chưa có một thông lệ ưu tiên nï của nước ngoài được xác định theo điều 301 kể từ năm 1989.

Ðiều 301 Ðặc biệt: Phần mở rộng thứ hai của Ðiều 301 là “Special 301″, yêu cầu Ðại diện Thương mại Mỹ xác định các nước từ chối bảo hộ đầy đủ và có hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ, hoặc các nước từ chối sự tiếp cận thị trường công bằng và trung thực đối với những người dựa vào quyền sở hữu trí tuệ. Các nước có những luật, chính sách, hoặc thông lệ nặng nề và gây sốc nhất hoặc luật, chính sách, thông lệ của các nước này có ảnh hưởng (thực tế hoặc tiềm năng) xấu nhất đối với các sản phẩm của Mỹ, và không tham gia vào các cuộc thương lượng một cách thiện chí để giải quyết các vấn đề này, bị coi là “các nước ưu tiên” (priority foreign countries).

Ðại diện Thương mại Mỹ phải quyết định nước nào cần xem xét trong vòng 30 ngày sau khi công bố Báo cáo NTE. Nếu một đối tác thương mại rơi vào danh sách “các nước ưu tiên”, trong vòng 30 ngày Ðại diện Thương mại Mỹ sẽ phải quyết định có cần tiến hành một cuộc điều tra về các luật, chính sách, thông lệ được coi là cơ sở để xét đó là một nước ưu tiên. Các nước đã được xác định sẽ có thể là đối tượng của điều 301.

Mặc dù không có trong điều 301, Ðại diện Thương mại Mỹ vẫn duy trì các nhóm quốc gia riêng biệt trong đó vẫn còn tồn tại vấn đề quyền sở hữu trí tuệ. Các quốc gia có những thông lệ có ít hơn một tác động, nhưng vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng, sẽ bị đưa vào “danh sách ưu tiên theo dõi” hoặc “danh sách theo dõi”. Các nước bị đưa vào danh sách ưu tiên theo dõi là trọng tâm của sự quan tâm song phương liên quan đến những lĩnh vực có vấn đề. Các nước thường xuyên bị đưa vào, bị chuyển sang một danh sách khác, hoặc xoá tên hoàn toàn khỏi danh sách do kết quả điều tra theo điều Special 301 hàng năm của Ðại diện thương mại Mỹ.

Ngày 30/4/1997, Ðại diện Thương mại Mỹ đã thông báo rằng có 10 nước có thể bị đưa vào danh sách ưu tiên theo dõi và 36 nước khác bị đưa vào danh sách theo dõi. Ðại diện Thương mại Mỹ còn thông báo rằng do kết quả kiểm tra theo điều 301 đặc biệt, Mỹ có thể yêu cầu WTO tiến hành giải quyết tranh chấp đối với 4 nước, đưa ra 10 vụ của WTO liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ do Mỹ khởi xướng. Chưa có quốc gia nào bị coi là nước ưu tiên.

Các cuộc kiểm tra “không định kỳ” có thể được, và thường được tiến hành vào bất cứ lúc nào trong năm, nhờ đó các nước có thể bị đưa vào hoặc xoá tên khỏi danh sách theo dõi.

Các luật khác quản lý hàng nhập khẩu

Quyền hạn chế nhập khẩu nông sản và hàng dệt

Các hiệp định trong khuôn khổ Vòng đàm phán Urugoay và luật triển khai hiệp định buộc Mỹ phải đưa ra những hạn chế đối với nông sản và hàng dệt. Trước đây, điều 204 của Luật Nông nghiệp Mỹ năm 1956 ủy quyền cho tổng thống tham gia đàm phán các hiệp định với với các chính phủ nước ngoài để hạn chế xuất khẩu nông sản và hàng dệt sang Mỹ. Quyền này được sử dụng rộng rãi trước khi Vòng đàm phán Urugoay kết thúc năm 1994.

Hiệp định Ða sợi/Hiệp định Hàng dệt may: Hiệp định đa sợi (Multifiber agreement-MFA), một hiệp định quốc tế đã có hiệu lực tháng 1 năm 1994, cho phép các thành viên ký kết GATT đàm phán các hiệp định song phương nhằm thiết lập những hạn chế về số lượng đối với hàng dệt và quần áo nhập khẩu. Hiệp định MFA, được thương lượng căn cứ điều 204 của luật năm 1956, nhằm giúp các nước nhập khẩu hàng dệt đối phó với những sự can thiệp thị trường như làn sóng nhập khẩu khi dành cho các nhà xuất khẩu của các nước đang phát triển thị phần hàng dệt may lớn hơn. Ðược gia hạn thêm 6 lần, hiệp định MFA đã hết hạn ngày 32/12/1994 và ngay lập tức được thay thế bằng Hiệp định hàng dệt may (ATC) trong khuôn khổ Vòng đàm phán Urugoay.

Trong khuôn khổ của ATC, các hạn ngạch và hạn chế đối với việc buôn bán hàng dệt may được dỡ bỏ dần trong 3 giai đoạn và hết hạn vào ngày 1 tháng 1 năm 2005. Tất cả các thành viên của WTO là đối tượng áp dụng của hiệp định ATC, cho dù họ chưa hoặc đã ký vào MFA hay không, và chỉ các nước thành viên của WTO mới đủ tiêu chuẩn để tự do hoá các lợi ích của hiệp định.

Hiệp định hàng dệt may song phương được đàm phán giữa các nước xuất khẩu và các nước cung cấp theo MFA vẫn còn hiệu lực trong thời gian chuyển đổi đến năm 2005. Hiện nay Mỹ có hạn ngạch hàng dệt may với 47 nước. Trong số đó 38 nước không phải là thành viên WTO và do đó sẽ không được hưởng lợi ích từ việc dỡ bỏ những hạn ngạch và những hạn chế được cụ thể hoá trong ATC. Các nước không phải là thành viên như Trung Quốc, Nga, và các nước khác sẽ tiếp tục là đối tượng của hiệp định dệt may song phương. Việc nhập khẩu hàng dệt từ Canada và Mehico sẽ được điều chỉnh trong NAFTA.

Nông nghiệp và Luật Hiệp định trong khuôn khổ Vòng đàm phán Urugoay: Ðiều 401 của Luật hiệp định trong khuôn khổ Vòng đàm phán Urugoay đã làm thay đổi luật của Mỹ để cấm các hình thức hạn chế số lượng hoặc lệ phí đối với việc nhập khẩu nông sản được soạn thảo giữa các thành viên của WTO. Từ khi thoả thuận thành lập WTO có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 1995, mới chỉ có lúa mì được chấp nhận lệnh cấm này.

Các hiệp định trong khuôn khổ Vòng đàm phán Urugoay về nông nghiệp yêu cầu các thành viên của WTO cam kết giảm trợ giá xuất khẩu và trợ giá trong nước, và cải thiện việc tiếp cận thị trường. Hiệp định thiết lập các quy chế và cam kết cắt giảm sẽ được thực hiện trong vòng 6 năm đối với các nước phát triển và 10 năm đối với các nước đang phát triển. Mỹ đã đồng ý trong khuôn khổ của WTO để chuyển việc áp dụng hạn ngạch và lệ phí đối với nông sản sang thuế định ngạch, và giảm dần thuế quan.

Thuế định ngạch đối với Sản phẩm Ðường: Trong khi Mỹ luôn luôn là nước nhập khẩu ròng sản phẩm đường, kể từ năm 1934 đã có những hạn chế đối với đường nhập khẩu để thúc đẩy ngành mía đường và củ cải đường trong nước. Hệ thống bảo hộ nhập khẩu đã duy trì được giá đường cao hơn giá thế giới.

Ðể chương trình đường của Mỹ phù hợp với GATT, và sau đó là Hiệp định trong khuôn khổ Vòng đàm phán Urugoay, hạn ngạch tuyệt đối áp dụng đối với đường nhập khẩu đã chuyển sang hiệp định thuế định ngạch năm 1990. Do kết quả của các Vòng đàm phán Thương mại Ða phương Urugoay, hai loại thuế định ngạch đã được đưa vào áp dụng, một loại áp dụng đối với đường chế biến từ mía, và một loại áp dụng đối với các loại đường khác và mật đường.

Theo quy định của hệ thống thuế định ngạch, Bộ trưởng Bộ nông nghiệp sẽ xác định lượng đường có thể nhập khẩu với thuế suất nhập khẩu thấp hơn, và Ðại diện Thương mại Mỹ sẽ phân bổ số lượng này cho 40 nước xuất khẩu đường đủ tiêu chuẩn. Lượng nhập khẩu phân bổ cho các nước trong chương trình GSP, CBI, và ATPA được miễn thuế. Chứng nhận đủ tiêu chuẩn hạn ngạch (Certificates of Quota Eligibility-CQE) phát cho các nước xuất khẩu phải được thực hiện và hoàn lại trong từng đợt nhập khẩu đường để nhận đãi ngộ hạn ngạch.

Lượng nhập khẩu đường vượt quá mức cho phép sẽ phải chịu mức thuế cao hơn. Mỹ đã thoả thuận trong Vòng đàm phán Urugoay không giảm lượng đường nhập khẩu và giảm 15% mức chênh lệch thuế đường nhập khẩu trong 6 năm. Ðường nhập khẩu từ Mêhico và Canada được điều chỉnh theo các điều khoản của NAFTA.

Thuế định ngạch cũng được áp dụng đối với thịt nhập khẩu, trước đây là đối tượng bị hạn chế theo Luật Nhập khẩu Thịt. Thuế định ngạch thay thế hạn ngạch nhập khẩu được luật này quy định khi mức nhập khẩu thịt vượt quá một mức nhất định. Luật Nhập khẩu Thịt đã bị bãi bỏ do đó luật của Mỹ trở nên phù hợp với Hiệp định Nông sản trong khuôn khổ Vòng đàm phán Urugoay.

Quyền Hạn chế Nhập khẩu theo các Luật Môi trường

Dưới đây là tình hình của một số luật nổi tiếng nhất của Mỹ có sử dụng những hạn chế nhập khẩu để khuyến khích các chính phủ nước ngoài áp dụng những thông lệ bảo vệ cá heo, hải sản, chim rừng, và các loài bị nguy hiểm khác.

Luật Bảo vệ Ðộng vật biển có vú 1972 (MMPA): Kể từ năm 1990 Mỹ đã cấm nhập khẩu các sản phẩm chế biến từ cá ngừ vây vàng được đánh bắt ở phía đông Thái bình dương nhiệt đới, trừ những nước đã cấm thuyền đánh cá của họ sử dụng các loại lưới túi khi đánh bắt, một hành động có trách nhiệm đối với tình trạng tàn sát hàng trăm ngàn con cá voi mỗi năm. Tàu đánh cá của Mỹ cũng bị cấm tương tự kể từ năm 1972. Các hội đồng của GATT đã hai lần đã phán quyết luật này đã vi phạm những giao ước của GATT, nhưng chưa có quyết định nào được thừa nhận chính thức.

Chính phủ Clinton ủng hộ Tuyên bố Panama 1995, đã đưa các biện pháp bảo tồn tự nguyện do 12 quốc gia ký kết vào thực hiện ở khu vực đông Thái bình dương nhiệt đới, nơi mà số lượng cá voi bị giết đã giảm xuống dưới 3000 vào năm 1996. Nhưng tuyên bố này có thể sẽ yêu cầu thay đổi MMPA, bao gồm việc gỡ bỏ cấm vận, và điều gây tranh cãi nhất, định nghĩa lại nhãn “cá voi an toàn” gắn trên các hộp cá ngừ. Luật triển khai Tuyên bố Panama đã được Hạ nghị viện thông qua nhưng lại gặp trở ngại tại Thượng nghị viện.

Ðiều 609 của Luật Chung của Mỹ 101-162: Khi Bộ Ngoại giao gần đây giải thích luật này, Mỹ đã cấm nhập khẩu tôm tự nhiên từ các khu vực trên thế giới, nếu việc đánh bắt có thể gây nguy hiểm hoặc đe doạ đến loài rùa biển, trừ những nước được chứng nhận đã yêu cầu thuyền đánh bắt tôm của họ sử dụng các thiết bị ngăn rùa biển. Các thuyền đánh bắt tôm của Mỹ cũng phải đáp ứng yêu cầu tương tự. Bộ Ngoại giao thông báo danh sách các nước được chứng nhận hàng năm vào ngày 1 tháng 5. Một số nước đã không thừa nhận lệnh cấm này tại WTO, tại đây Hội đồng Giải quyết Tranh chấp sẽ giải quyết vụ này trước tháng 12 năm 1997.

Ðạo luật về các Loài Ðộng vật bị nguy hiểm năm 1973: Luật này cho phép Bộ Nội vụ được quyền cấm nhập khẩu một số loài hoặc họ động vật được coi là bị nguy hiểm hoặc bị đe doạ.

Ðiều 8 của Luật bảo vệ của Fishermen năm 1976, được sửa đổi, “Luật sửa đổi bổ sung Pelly”: Theo luật này, Tổng thống có quyền cấm nhập khẩu bất kỳ sản phẩm nào từ bất kỳ một nước nào tiến hành những hoạt động đánh bắt hoặc tham gia vào buôn bán hải sản làm giảm hiệu quả của các chương trình quốc tế về bảo tồn hải sản hoặc các chương trình quốc tế về các loài động vật bị nguy hiểm hoặc bị đe doạ. Dựa trên Luật sửa đổi bổ sung Pelly, tổng thống Clinton đã cấm một số hàng nhập khẩu từ Ðài loan sau khi chính phủ của ông xác định rằng đảo quốc này đang buôn bán sừng tê giác và xương hổ, vi phạm Công ước Thương mại quốc tế về buôn bán động vật bị nguy hiểm. Những lệnh trừng phạt theo Luật sửa đổi bổ sung Pelly cũng được đe doạ áp dụng đối với một số nước đánh bắt cá voi.

Luật Cưỡng chế Ðánh bắt Cá bằng Lưới nổi Ngoài khơi: Theo luật này, tổng thống có quyền cấm nhập khẩu sò biển, cá và các sản phẩm từ cá, và các thiết bị câu cá thể thao từ bất cứ nước nào mà chính phủ của ông xác định là đã vi phạm lệnh cấm của Liên Hợp Quốc về đánh bắt cá bằng lưới nổi.

Luật bảo tồn chim rừng năm 1992: Bộ trưởng Nội vụ được ủy quyền cấm nhập khẩu các loài chim hiếm đã được đưa vào bất kỳ một phụ lục nào theo Công ước Thương mại Quốc tế về buôn bán động vật bị nguy hiểm.

Hạn chế Nhập khẩu liên quan đến An ninh Quốc gia

Ðiều 232 của Luật Mở rộng Thương mại năm 1962 cho phép tổng thống áp đặt những hạn chế đối với hàng nhập khẩu đe dọa đến an ninh quốc gia. Luật này thỉnh thoảng được sử dụng, đáng chú ý nhất là nhằm ấn định hạn ngạch và lệ phí đối với dầu mỏ nhập khẩu và để cấm nhập khẩu các sản phẩm dầu lọc từ Libya.

Quyền liên quan đến Cán cân Thanh toán

Ðiều 122 của Luật Thương mại năm 1974 cho phép tổng thống có quyền tăng hoặc giảm nhập khẩu để đối phó với sức ép cán cân thanh toán. Tổng thống có thể thắt chặt những hạn chế nhập khẩu thông qua hạn ngạch hoặc thuế phụ thu nhập khẩu 15% trên giá trị, hoặc kết hợp cả hai. Luật này chưa bao giờ được sử dụng.

Các Tiêu chuẩn Sản phẩm

Những khác biệt về tiêu chuẩn sản phẩm, danh sách và các thủ tục phê chuẩn, và hệ thống chứng nhận sản phẩm có thể cản trở hoạt động thương mại và có thể được sử dụng để đối xử phân biệt đối với hàng nhập khẩu. Hiệp định về Các hàng rào kỹ thuật, còn được gọi là Bộ luật Tiêu chuẩn, được thương lượng trong các vòng đàm phán Tokyo của GATT kết thúc năm 1979, thiết lập những quy tắc quốc tế đầu tiên để các chính phủ chuẩn bị, chấp nhận, và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn và chứng nhận.

Các Vòng đàm phán Urugoay dựa trên Bộ luật Tiêu chuẩn, thiết lập Hiệp định về Hàng rào kỹ thuật đối với thương mại trong khuôn khổ Vòng đàm phán Urugoay. Hiệp định mới này yêu cầu loại bỏ các hàng rào dưới hình thức tiêu chuẩn hoá sản phẩm quốc gia và hoạt động kiểm định, và các thủ tục đánh giá mức độ phù hợp.

Luật của Mỹ liên quan đến việc áp dụng các tiêu chuẩn sản phẩm trong thương mại trên cớ sở các hiệp định của GATT và WTO. NAFTA có những điều khoản riêng liên quan đến các tiêu chuẩn sản phẩm.

Mua sắm của Chính phủ

Các chính phủ là những người mua hàng lớn nhất trên thế giới — kể cả khi không tính đến việc mua hàng quân sự. Hầu hết thị trường khổng lồ này trước đây bi đóng kín đối với các nhà cung cấp nước ngoài bằng những biện pháp khác nhau để ưu đãi các nhà sản xuất trong nước.

Hiệp định về Mua sắm của Chính phủ trong khuôn khổ GATT năm 1979 là một nỗ lực lớn nhằm mở cửa việc mua sắm của chính phủ. Hiệp định này tìm cách hạn chế sự đối xử phân biệt đối với các nhà cung cấp nước ngoài trong tất cả các giai đoạn của quá trình mua sắm. Bộ luật Mua sắm của Chính phủ được thiết lập bởi hiệp định qui định các nước tham gia ký kết phải thực hiện hàng loạt các bước để mở cửa quy trình mua sắm của chính phủ của các nước đó.

Hiệp định về Mua sắm của Chính phủ của WTO (GPA) năm 1994, dựa trên bộ luật năm 1979, đã có hiệu lực ngày 1 tháng 1 năm 1996. Hiệp định này quy định các cơ quan chính phủ trung ương của các nước thành viên phải tuân theo những thủ tục không phân biệt đối xử, công bằng và minh bạch trong mua sắm hàng hoá, dịch vụ bao gồm cả dịch vụ xây dựng. Hiệp định này còn áp dụng đối với chính quyền địa phương và các doanh nghiệp nhà nước.

Hiệp định GPA yêu cầu thiết lập một hệ thống khuyến khích đấu thầu trong nước và đưa ra một sự linh hoạt bổ sung để cung cấp những cải tiến trong các kỹ thuật mua sắm. Hiệp định này còn cho phép từng nước đã ký kết được đàm phán các vấn đề trên cơ sở tương hỗ, song phương với các nước thành viên khác. Mỹ đã ký kết hiệp định trọn gói toàn diện với một số nước.

GPA là một “hiệp định đa phương”, có nghĩa là các thành viên của hiệp định này là những nước đã ký cụ thể. Hiệp định GPA hiện nay có 26 thành viên, bao gồm Mỹ và hầu hết các nước công nghiệp khác.

NAFTA có riêng các điều khoản để loại trừ sự phân biệt đối xử trong mua sắm của chính phủ.

Quốc hội Mỹ đã thông qua một luật vào năm 1988 yêu cầu tổng thống phải đệ trình một báo cáo hàng năm lên Quốc hội nêu đích danh các nước đã ký hiệp định mua sắm của chính phủ vi phạm các nghĩa vụ của họ, và các nước chưa ký đang phân biệt đối xử đối với hàng hoá và dịch vụ của Mỹ. Tổng thống được ủy quyền quy định các thủ tục giải quyết tranh chấp của với các nước thành viên WTO đã ký kết và đưa ra những hình phạt đối với các nước chưa ký kết hiệp định vi phạm. Luật này đã hết hạn năm 1996. Chính phủ Clinton đang xem xét lại xem có nên gia hạn hiệu lực bằng quyền hành pháp của tổng thống hay không.

Luật quản lý các hoạt động xuất khẩu

Kiểm soát Xuất khẩu

Chính phủ Mỹ kiểm soát một số mặt hàng xuất khẩu để bảo vệ an ninh quốc gia, nâng cao những lợi ích của chính sách đối ngoại của Mỹ, hạn chế sự phát triển các loại vũ khí sinh học và hoá học và công nghệ tên lửa, và để đảm bảo cung ứng đủ trong nước các loại hàng còn thiếu.

Ðạo luật Quản lý Xuất khẩu năm 1979 (EAA): Luật này đã hết hiệu lực tháng 9 năm 1990, nhưng chính phủ của Bush và Cliton đã duy trì hệ thống kiểm soát xuất khẩu hoạt động theo một luật liên quan đến tình trạng khẩn cấp gọi là Ðạo luật về Quyền hạn Kinh tế trong Tình trạng Khẩn cấp Quốc tế (International Emergency Economic Powers Act – IEEPA). Do vướng mắc về lợi ích kinh doanh và quốc phòng, Quốc hội đã một vài lần không thông qua được luật cải tổ Ðạo luật quản lý xuất khẩu trong Kỷ nguyên Chiến tranh lạnh (Cold War- era EAA). Theo các điều luật của EAA, Bộ Thương mại Mỹ kiểm soát các hoạt động xuất khẩu các mặt hàng được sử dụng hai mục đích – những mặt hàng dân sự nhưng cũng có tiềm năng ứng dụng vào mục đích quân sự.

Cục Quản lý Xuất khẩu của Bộ Thương mại (BXA) là cơ quan chính cấp phép xuất khẩu những mặt hàng được sử dụng hai mục đích. Bộ Ngoại giao cấp phép xuất khẩu các mặt hàng và dịch vụ quốc phòng theo quy định của Luật Kiểm soát Xuất khẩu Vũ khí, trong khi một số loại vật tư, thiết bị hạt nhân nhất định lại do Ủy ban Kiểm soát Hạt nhân cấp phép theo quy định của Luật Năng lượng Nguyên tử.

Một tỷ lệ rất nhỏ các mặt hàng xuất khẩu và tái xuất khẩu yêu cầu phải trình đơn xin cấp phép lên Cục Quản lý Xuất khẩu. Những yêu cầu về giấp phép phụ thuộc vào các đặc điểm kỹ thuật của hàng hoá, nơi nhập khẩu, việc sử dụng cuối cùng và người sử dụng cuối cùng của mặt hàng đó, và các hoạt động khác của người sử dụng cuối cùng. Bước đầu tiên mà người xuất khẩu phải thực hiện để tìm hiểu xem có yêu cầu về giấy phép hay không là phải xác định hoặc yêu cầu Cục Quản lý Xuất khẩu xác định xem sản phẩm đó có trong Danh sách Kiểm soát Thương mại (CCL) hay không. Ðây là danh sách các sản phẩm là đối tượng của kiểm soát xuất khẩu do Bộ Thương mại quản lý.

Cục Quản lý Xuất khẩu sẽ kiểm tra tất cả các đơn xin giấy phép xuất khẩu để đảm bảo các mặt hàng không bị xuất khẩu bất hợp pháp. Ngoài ra, Cục này cũng kiểm tra các đơn xin cấp phép của từng cá nhân/đơn vị cụ thể để xác định những rủi ro vu hồi, xác định những vi phạm tiềm năng, và xác định mức độ tin cậy của những người nhận những hàng hoá hoặc thông tin kỹ thuật có xuất xứ từ Mỹ trong diện bị kiểm soát. Cục Quản lý Xuất khẩu còn tiến hành việc xác minh sau khi xuất khẩu để đảm bảo rằng một mặt hàng có xuất xứ từ Mỹ trong diện bị kiểm soát thực tế có được giao cho đúng người sử dụng cuối cùng hoặc người nhận được ủy quyền hay không, và đảm bảo rằng mặt hàng đó được sử dụng theo đúng như khai nhận trong đơn xin giấy phép xuất khẩu.

Những người bị phát hiện vi phạm các quy định kiểm soát xuất khẩu sẽ bị phạt 50.000 đô-la hoặc gấp 5 lần giá trị của hàng xuất khẩu có liên quan hoặc nhiều hơn, ngoài án tù có thể lên tới 5 năm. Nếu một người biết mặt hàng đó sẽ được sử dụng để phục vụ lợi ích của – hoặc biết nơi đến hoặc nơi dự định đến của mặt hàng là – một quốc gia mà khi đến đó hàng xuất khẩu bị cấm sử dụng cho mục đích an ninh quốc gia hoặc chính sách đối ngoại, hình phạt đối với cá nhân đó sẽ tăng lên 250.000 đô-la, phạt tù cao nhất lên đến 10 năm, hoặc cả hai. Hình phạt đối với các công ty có thể là 1 triệu đô-la hoặc gấp năm lần giá trị hàng xuất khẩu có liên quan hoặc nhiều hơn.

Tính hiệu quả của nhiều biện pháp kiểm soát được tăng cường bằng việc đưa vào thành một nội dung của các hiệp định kiểm soát đa phương. Hiện nay, Mỹ là thành viên của Nhóm Các Nhà Cung cấp Nguyên tử, Nhóm Ôxtrâylia, Hệ thống Kiểm soát Công nghệ Tên lửa, và Thoả thuận Wassenaar.

Thúc đẩy Xuất khẩu

Chính phủ Mỹ theo đuổi việc thúc đẩy xuất khẩu của một số loại sản phẩm cụ thể thông qua một số chương trình sau:

Luật Triển lãm Thương mại Phụ tùng Ô tô năm 1988 (Fair Trade in Auto Parts Act of 1998): Luật này yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ đề xướng một chương trình thúc đẩy việc bán các loại phụ tùng ô tô sản xuất tại Mỹ sang thị trường Nhật bản.

Luật Cải cách và Cải tiến Nông nghiệp Liên bang năm 1998 (Federal Agriculture Improvement and Reform Act of 1996): Luật này, nằm trong đạo luật trang trại của Mỹ, duy trì một số chương trình thúc đẩy xuất khẩu của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Công ty Tín dụng Hàng hoá (Commodity Credit Corporation – CCC) cấp bảo lãnh tín dụng lên đến 98% vốn và một phần lãi suất đối với các khoản vay do các ngân hàng tư nhân cấp cho việc mua hàng nông sản xuất khẩu của Mỹ. Chương trình tiếp cận thị trường sử dụng vốn của CCC để giúp khu vực tư nhân thúc đẩy xuất khẩu nông sản thông qua quảng cáo, triển lãm thương mại, và trưng bày trong cửa hàng. Chương trình Tăng cường Xuất khẩu trợ giá cho việc xuất khẩu mì, gạo, lúa mạch, và các loại hàng hoá khác để đối phó với việc bán hàng trên thị trường do Liên minh Châu Âu trợ cấp. Tương tự, Chương trình Khuyến khích Xuất khẩu Bơ sữa cũng trợ giá cho xuất khẩu bơ sữa để đối phó với việc bán hàng được các chính phủ nước ngoài trợ giá.

P.L 480: Chương trình Lương thực cho Hoà bình, được Quốc hội thông qua năm 1954, hỗ trợ nông nghiệp cho các nước ở các mức độ phát triển kinh tế khác nhau. Phần I, do Bộ Nông nghiệp Mỹ quản lý, qui định đối với việc bán các loại nông sản cấp chính phủ cho các nước đang phát triển theo thoả thuận về tín dụng dài hạn. Phần II và III do Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) quản lý. Phần II quy định về việc viện trợ nhân đạo của chính phủ Mỹ các loại nông sản của Mỹ để đáp ứng nhu cầu lương thực ở nước ngoài. Phần III quy định việc trợ cấp ở cấp chính phủ để hỗ trợ phát triển kinh tế dài hạn của các nước kém phát triển. Ðiều 416(b) quy định việc tặng nước ngoài các mặt hàng dư thừa để triển khai các chương trình viện trợ của các nước đang phát triển.

Chương trình Thực phẩm cho Tiến bộ, một chương trình khác được xây dựng năm 1985 nhỏ hơn nhiều so với P.L.480, cho phép xuất khẩu các mặt hàng nông sản trên điều kiện tín dụng hoặc trên cơ sở trợ cấp để hỗ trợ các nước đang phát triển và các nước dân chủ rõ nét cam kết với các thông lệ của thị trường tự do trong nền kinh tế nông nghiệp của họ.

Những quy định liên quan đến an ninh kinh tế và chính trị

Luật về Quyền hạn Kinh tế trong Tình trạng Khẩn cấp Quốc tế

Luật về Quyền hạn Kinh tế trong Tình trạng Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA), được thông qua năm 1977, cho phép tổng thống được quyền phong toả tài sản nước ngoài ở Mỹ, cấm vận thương mại, và tiến hành các biện pháp cần thiết khác để đối phó với những đe doạ bất thường hoặc đặc biệt đối với an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại, hoặc những lợi ích kinh tế của Mỹ.

Theo luật này tổng thống, sau khi thăm dò kiến ở Quốc hội, có thể ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vì có một sự đe doạ từ một nguồn bên ngoài nước Mỹ. Sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp, tổng thống có quyền “điều tra, điều chỉnh, bắt buộc, hoặc cấm” chính thức các giao dịch kinh tế của các thực thể nước ngoài ở Mỹ.

Khi tình trạng khẩn cấp quốc gia có hiệu lực, tổng thống phải trình lên Quốc hội một báo cáo chi tiết giải thích và chứng minh những hành động của mình.

Luật IEEPA có thể được sử dụng kết hợp với luật khác trong việc áp dụng sự trừng phạt kinh tế khẩn cấp.

Luật IEEPA đã được sử dụng trong các trường hợp dưới đây:

  • Tổng thổng Jimmy Carter, vào tháng 11 năm 1979, đã phong toả tài sản của Iran ở Mỹ đáp lại vụ bắt cóc con tin tại Ðại sứ quán Mỹ ở Tê-hê- ran.
  • Tổng thống Ronal Reagan, vào tháng 5 năm 1985, đã cấm vận thương mại đối với Ni-ca-ra-goa, cấm vận một số giao dịch thương mại và tài chính với chính quyền Nam Phi vào tháng 10 năm 1985, và cấm vận các mối liên hệ thương mại và giao thông vận tải, gia hạn tín dụng, và du lịch đối với Libi vào tháng 1 năm 1986.
  • Tổng thống George Bush, vào tháng 8 năm 1990, đã phong toả tài sản của I- rắc và Cô-ét và áp dụng cấm vận thương mại đối với I- rắc, và vào tháng 9 năm 1990, gia hạn hệ thống kiểm soát xuất khẩu của Luật Quản lý Xuất khẩu năm 1979 đã hết hạn.
  • Tổng thống Clinton, vào tháng 8 năm 1994, đã tiếp tục gia hạn hệ thống kiểm soát xuất khẩu của luật Quản lý Xuất khẩu năm 1979 đã hết hạn và, vào tháng 3 năm 1996, ngăn chặn những hoạt động giao dịch với việc quản lý hoặc phát triển ngành công nghiệp dầu khí của I- ran.

Luật Buôn bán với Nước Thù địch

Luật buôn bán với nước thù địch (Trading With the Enemy Act), lần đầu tiên được thông qua vào năm 1917, cấm hoạt động buôn bán của Mỹ với các nước thù địch hoặc đồng minh của một nước thù địch trong thời chiến. Năm 1977, quyền hạn của tổng thống được quy định trong Luật buôn bán với nước thù địch để kiểm soát các giao dịch kinh tế trong thời bình được chuyển sang Luật Quyền hạn Kinh tế trong Tình trạng Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA). Kể từ đó, IEEPA là công cụ chính để áp đặt các biện pháp kinh tế đối với các nước thù địch khi không có một tuyên bố chiến tranh chính thức nào.

Luật Kiểm soát Buôn bán Ma tuý (Narcotics Control Trade Act)

Luật này, là một bộ phận của Luật Cưỡng chế, Giáo dục, và Kiểm soát Ma tuý (Drug Enforcement, Education, and Cotrol Act) năm 1986, thiết lập một quy trình dùng làm căn cứ để tổng thống áp đặt một mức độ trừng phạt thương mại được coi là phù hợp đối với các nước lớn sản xuất ma tuý hoặc trung chuyển ma tuý mà không chịu hợp tác với Mỹ.

Theo luật này, nếu một nước bị coi là không hợp tác đầy đủ với Mỹ trong những nỗ lực chống ma tuý, tổng thống có thể hủy bỏ tất cả những đối xử ưu đãi thuế quan, như GSP, CBI, và ATPA, đánh thuế lên tới 50% giá trị của các sản phẩm, đình chỉ các dịch vụ thương mại hàng không, và thực hiện các biện pháp khác.

Luật An ninh Quốc tế và Hợp tác Phát triển năm 1985

Ðiều 505 của luật này quy định tổng thống có toàn quyền hạn chế hoặc cấm nhập khẩu từ bất kỳ quốc gia nào mà Mỹ đã xác định là hỗ trợ cho các hoạt động khủng bố hoặc tổ chức khủng bố hoặc chứa chấp những kẻ khủng bố hoặc tổ chức khủng bố. Tổng thống phải thăm dò ý kiến trước ở Quốc hội về việc sử dụng quyền này và phải trình báo cáo lên Quốc hội hai lần một năm.

Cấm vận chống Cuba

Cấm vận thương mại được áp dụng chống Cuba năm 1960 theo quy định chung của Luật Kiểm soát Xuất khẩu năm 1949. Việc tiếp tục cấm vận được quy định trong Luật Viện trợ Nước ngoài (Foreign Assistance Act) năm 1961 và các luật tiếp theo.

Khi luật liên quan đến trao đổi thương mại với Cuban vẫn còn hiệu lực, không một sản phẩm hoặc dịch vụ nào có thể xuất khẩu sang nước này trực tiếp hoặc thông qua nước thứ ba nào trừ những vật tư xuất bản phẩm và thông tin và những hàng hoá nhân đạo khác được Bộ Thương mại cấp phép xuất khẩu như cung cấp dược phẩm và thiết bị y tế. Người Mỹ không được buôn bán hoặc giúp đỡ việc bán hàng hoá đến hoặc từ Cuba ở khu vực ngoài khơi. Hàng hoá và dịch vụ có xuất xứ từ Cuba không được nhập vào Mỹ thông qua các nước thứ ba. Không một tàu thuyền nào được phép được chở hàng hoá hoặc hành khách đến hoặc từ Cuba hoặc chở hàng hoá trong đó Cuba có bất kỳ lợi ích nào được cập cảng của Mỹ. Tàu thuyền có quan hệ buôn bán với Cuba bị cấm chở hoặc dỡ hàng tại bất cứ nơi nào trên nước Mỹ trong vòng 180 ngày sau khi dời cảng của Cuba.

Những hoạt động trừng phạt kinh tế của Mỹ chống Cuba đã được tăng cường bằng việc thông qua Luật Libertad, còn gọi là “Luật Helms-Burton” do Thượng nghị sĩ Jesse Helms và Nghị sĩ Quốc hội Dan Burton đề xuất. Luật này không có những hạn chế thương mại mới, mà chủ yếu là tạo sức ép đối với các công ty đầu tư vào Cuba.

Luật Trừng phạt I- rắc năm 1990

Luật trừng phạt I- rắc được ban hành thành luật cấm vận thương mại và những biện pháp trừng phạt kinh tế khác áp dụng đối với I- rắc theo yêu cầu của tổng thống ngay sau khi I- rắc đánh chiếm Cô-óet.

Luật này áp đặt những biện pháp trừng phạt vượt xa yêu cầu của tổng thống. Nó bao gồm những quy định nhằm vào việc tăng cường sự tuân thủ của các nước thứ ba với các lệnh trừng phạt chống I- rắc của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Luật Trừng phạt I- ran và Libi năm 1996

Tổng thống Clinton đã ký Luật trừng phạt I-ran và Libi tháng 5 năm 1996. Luật này thắt chặt những lệnh trừng phạt đang tồn tại đối với hai nước trên. Luật quy định những hình phạt đối với bất kỳ một cá nhân hoặc công ty nào của Mỹ, bao gồm cả các công ty của Mỹ hoặc công ty mẹ hoặc công ty con, đóng góp trực tiếp và quan trọng vào sự phát triển các nguồn dầu khí của một trong hai hoặc cả hai nước. Luật này áp dụng đối với bất kỳ một khoản đầu tư từ 40 triệu đô-la trở lên, hoặc bất kỳ sự kết hợp của các khoản đầu tư giá trị ít nhất từ 10 triệu đô-la lên tới 40 triệu đô-la, được thực hiện trong một giai đoạn 12 tháng. Những cá nhân hoặc công ty của Mỹ cũng phải đối mặt với những lệnh trừng phạt vì cung cấp cho Libi hàng hoá, dịch vụ góp phần đáng kể vào khả năng của Libi lấy được các vũ khí hoá học, sinh học và hạt nhân hoặc một số lượng đáng kể và chủng loại vũ khí thông thường, hoặc góp phần vào khả năng của Libi duy trì năng lực hàng không của họ. Luật này còn quy định một số biện pháp trừng phạt khác.

Luật Chống Khủng bố vàán Tử hình năm 1996

Luật này coi một công dân hoặc người định cư ở Mỹ phạm tội nếu họ có dính líu đến những vụ giao dịch tài chính với các chính phủ Cuba, I-ran, I- rắc, Libi, Bắc Triều tiên, Xu-đăng, và Syria trừ những giao dịch được đề cập trong các quy định của Bộ trưởng Tài chính sau khi tham khảo ý kiến của Bộ trưởng Ngoại giao. Các nước này nằm trong danh sách của chính phủ Mỹ liên quan đến các chính phủ bị xét là ủng hộ hoạt động khủng bố quốc tế.

Các lệnh Trừng phạt Kinh tế Ðơn phương khác

Các luật yêu cầu tổng thống áp dụng các lệnh trừng phạt kinh tế đơn phương chống lại một nước vì những lý do phi kinh tế thường ở mức độ cao hơn luật, ví dụ như Ðạo luật Viện trợ Nước ngoài.

Ngăn chặn đầu tư nước ngoài vào các ngành có liên quan đến Quốc phòng

Sau đề xuất của Công ty Fujitsu, Nhật bản, mua 80% cổ phần một nhà máy sản xuất bán dẫn quan trọng của Mỹ năm 1988, Quốc hội đã thông qua một Luật Sản xuất Quốc phòng sửa đổi cho phép tổng thống ngăn chặn các công ty nước ngoài mua những công ty được xem là quan trọng đối với an ninh quốc gia của Mỹ.

Luật này có tên là Exon-Florio, do thượng nghị sĩ James Exon và đại diện Jim Florio đề xuất. Theo luật này, có thể đình chỉ hoặc cấm bất cứ vụ mua lại, sáp nhập, hoặc thôn tính các công ty của Mỹ bởi người nước ngoài nếu tổng thống xác định rằng người mua nước ngoài sẽ thực hiện những hoạt động có thể đe doạ đến an ninh quốc gia.

Khi quyết định sử dụng quyền này, tổng thống có thể xem xét những nhân tố như hoạt động sản xuất trong nước cần thiết đối với những điều kiện quốc phòng, năng lực của các ngành công nghiệp trong nước đáp ứng những điều kiện quốc phòng, và tác động của sự kiểm soát các ngành công nghiệp trong nước và các hoạt động thương mại của các công dân nước ngoài đối với khả năng của Mỹ đáp ứng những điều kiện quốc phòng.

Quyền đàm phán của tổng thống/
các hiệp định thương mại tương hỗ

Quốc hội có quyền quyết định cuối cùng về việc Mỹ sẽ tăng hay cắt giảm thuế quan, bổ sung hoặc loại bỏ các hàng rào thương mại khác, hoặc ký kết các hiệp định thương mại đa phương hoặc song phương.

Thời kỳ sau Chiến tranh thế giới thứ II, Quốc hội và tổng thống thường ủng hộ một cơ chế thương mại thế giới tự do và mở cửa hơn. Ðiều này đã được minh chứng bằng sự cổ vũ, ủng hộ tích cực của Mỹ đối với các vòng tiếp theo của vòng đàm phán thương mại đa phương được tiến hành từ khi thành lập GATT năm 1948 cho đến khi thành lập WTO năm 1995.

Quốc hội ủy quyền cho tổng thống và các cơ quan hành pháp đàm phán các hiệp định thương mại. Sau đó Quốc hội phải phê chuẩn luật để triển khai các hiệp định mà tổng thống đã ký kết.

Quyền Ðàm phán nhanh Hiệp định Thương mại: Ðể cuộc đàm phán hiệp định thương mại có hiệu quả hơn, Quốc hội đã có một số lần thông qua luật cho phép tổng thống có quyền “đàm phán nhanh” trong quá trình này.

Theo quyền này, Quốc hội đồng ý trước sẽ thông qua hoặc bác bỏ luật liên quan đến triển khai một hiệp định thương mại do các cơ quan hành pháp đàm phán, mà không sửa đổi. Do đó quy định này sẽ tránh những sửa đổi có thể làm thay đổi những điều khoản của hiệp định, dẫn đến phải đàm phán lại.

Ngược lại, tổng thống đống ý sẽ thảo luận toàn diện với Quốc hội khi hiệp định đang được thương lượng. Ðiều này rất quan trọng vì những hiệp định lớn như những hiệp định thành lập WTO hoặc triển khai NAFTA, có thể yêu cầu rất nhiều sự thay đổi đối với Mỹ.

Những luật trước đây cho quyền ký trực tiếp đã quy định những cuộc thảo luận với các cơ quan hành pháp, như:

  • Các cuộc họp với Ủy ban Tài chính và Thuế vụ – Hạ nghị viện, Ủy ban Tài chính Thượng nghị viện, và tất cả các ủy ban khác thuộc Quốc hội có thẩm quyền đối với những vấn đề chịu tác động của hiệp định, cũng như tham kiến các nhóm công nghiệp.
  • Thông báo cho Quốc hội trước ít nhất 90 ngày – 120 ngày đối với các hiệp định của Vòng đàm phán U-ru-goay – ý định của chính phủ về việc ký một hiệp định thương mại;
  • Ðệ trình lên Quốc hội một bản sao cuối cùng nội dung pháp lý của hiệp định, cùng với bản thảo của luật triển khai, báo cáo của bất kỳ hành động của chính phủ đưa ra để triển khai hiệp định, và những thông tin hỗ trợ cho hành động đó.

Luật về quyền đàm phán nhanh hết hạn vào tháng 12 năm 1993. Luật triển khai cả hai hiệp định Vòng đàm phán U-ru-goay và NAFTA đều được thông qua theo luật đàm phán nhanh.

Ðại diện Thương mại Mỹ Charlene Barshefky đã thông báo rằng chính phủ Clinton sẽ đệ trình một đề nghị khôi phục quyền đàm phán nhanh lên Quốc hội vào tháng 9.

Các hiệp định trong khuôn khổ Vòng đàm phán U-ru-goay/Luật về Hiệp định trong Khuôn khổ Vòng Ðàm phán U-ru-goay: Các Hiệp định trong Khuôn khổ Vòng Ðàm phán U-ru-goay là đỉnh cao của các vòng đàm phán giữa 125 nước trong tám năm. Các vòng đàm phán bắt đầu tại Punta del Este, U- ru-goay, vào tháng 9 năm 1986, dưới sự bảo trợ của GATT, và kết thúc tại Geneva, Thuỵ sĩ vào tháng 12 năm 1993. Các hiệp định này được ký tại Marrakesh, Ma-rốc, vào ngày 15/4/1994, bởi 111 quốc gia trong đó có Mỹ, cam kết đạt được sự phê chuẩn các hiệp định của các cơ quan lập pháp của các nước đó.

Các hiệp định trong khuôn khổ Vòng đàm phán U-ru-goay là những hiệp định thương mại rộng nhất, bao quát nhất trong lịch sử. Các hiệp định này bao gồm những cam kết giảm thuế quan trên toàn thế giới và dỡ bỏ một loạt các biện pháp phi thuế quan như hạn ngạch, cơ chế cấp phép hạn chế, và các tiêu chuẩn sản phẩm phân biệt đối xử.

Hiệp định này cũng bao gồm những quy tắc đa phương liên quan đến những vấn đề như các hàng rào kỹ thuật đối với thương mại, các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại (TRIMs), các quy định về xuất xứ, thủ tục cấp phép nhập khẩu, các biện pháp ngăn chặn làn sóng nhập khẩu, các khía cạnh của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPs), chống phá giá và thuế bù giá, buôn bán nông sản và mua sắm của chính phủ.

Khuôn khổ các quy định về thương mại và đầu tư dịch vụ được đặt ra trong Hiệp định chung về Thương mại Dịch vụ (GATS).

Hiệp định Thiết lập Cơ cấu của Tổ chức Thương mại Thế giới hợp nhất các tổ chức GATT trước đây đồng thời mở rộng tổ chức này với những phạm vi mới đối với dịch vụ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, và đầu tư.

Thỏa thuận về những Quy định và Thủ tục Giải quyết Tranh chấp (Understanding on Rules and Procedures Governing the Settlement of Disputes) đã thiết lập một thủ tục giải quyết tranh chấp mới. Thủ tục này tương đối khác với thủ tục trước đây của GATT ở chỗ các quyết định do WTO thi hành.

Hiệp định Mậu dịch Tự do Bắc Mỹ (NAFTA)/ Luật Triển khai NAFTA: Hiệp định Mậu dịch Tự do Bắc Mỹ, liên kết Mỹ, Canada, Mehico, đã tạo ra một thị trường hàng hoá và dịch vụ lớn nhất thế giới.

Sau khi được phê chuẩn bởi các cơ quan lập pháp của các quốc gia này, NAFTA đã có hiệu lực vào ngày 1/1/1994.

NAFTA đã hợp nhất hoặc đưa hầu hết các điều khoản của Hiệp định Mậu dịch Tự do Mỹ – Canada (FTA), có hiệu lực ngày 1 tháng 1 năm 1989. Mỹ và Canada đã chấm dứt hoạt động của hiệp định song phương khi NAFTA bắt đầu có hiệu lực. NAFTA đã bỏ một số điều khoản của Hiệp định Mậu dịch Tự do Mỹ-Canada, ví dụ như quy định về xuất xứ hàng hoá.

Trong khi triển khai, NAFTA yêu cầu loại bỏ ngay lập tức các loại thuế quan của hơn nửa số lượng mặt hàng nhập khẩu của Mỹ từ Mehico và trên 1/3 số lượng mặt hàng xuất khẩu của Mỹ sang Mehico.

NAFTA đã cam kết tất cả các bên chấm dứt những hạn chế đối với các nhà đầu tư nước ngoài là thành viên của NAFTA, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở mức độ cao, và tự do hoá thương mại dịch vụ. Hiệp định này cũng thiết lập cơ chế giải quyết tranh chấp. NAFTA cũng có một phụ lục về các tiêu chuẩn và hợp tác trong vấn đề môi trường và lao động, đưa hiệp định thương mại đầu tiên của Mỹ chính thức được gắn với những cam kết này.

Cơ quan giám sát cao nhất của NAFTA là Ủy ban Mậu dịch Tự do Bắc Mỹ, bao gồm Ðại diện Thương mại Mỹ, Bộ trưởng Ngoại thương Canada, và Bộ trưởng Thương mại và Phát triển Công nghiệp Mehico. Ủy ban này đã thành lập các tổ công tác và các cơ quan tư vấn để quản lý những hoạt động hàng ngày của hiệp định.

NAFTA có những quy định riêng quản lý việc tự do hoá thương mại và đầu tư, được sử dụng bổ sung hoặc thay thế các quy định của WTO. Các quy định của NAFTA áp dụng vào các lĩnh vực bao gồm việc mở cửa đối với mua sắm của chính phủ, các tiêu chuẩn sản phẩm, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, các tiêu chuẩn viễn thông, đầu tư, quy định về xuất xứ hàng hoá, các biện pháp ngăn chặn làn sóng nhập khẩu, và dịch vụ.

Hiệp định Khu vực Mậu dịch Tự do Mỹ-I-xa-ren: Hiệp định này được ký và có hiệu lực tháng 6 năm 1985. Ðây là hiệp định đầu tiên Mỹ đàm phán với nước ngoài. Những nội dung chính của hiệp định là hai bên đồng thời loại bỏ thuế quan của tất cả các loại hàng hoá trao đổi giữa hai nước trong thời gian 10 năm và loại bỏ các quy định khác hạn chế thương mại song phương. Một ủy ban chung giám sát và quản lý hiệp định và quy định việc giải quyết tranh chấp.

Thương mại Viễn thông: Ðiều 1377 của Bộ luật chung về Thương mại và Cạnh tranh năm 1988 quy định Ðại diện Thương mại Mỹ phải đánh giá hoạt động và hiệu quả của các hiệp định thương mại viễn thông Mỹ vào 31 tháng 3 hàng năm.

Ðánh giá theo điều 1377 nhằm xác định xem có bất kỳ một đạo luật, chính sách, hoặc hoạt động nào của một quốc gia có hiệp định liên quan đến viễn thông đã ký với Mỹ mà không tuân thủ theo hiệp định đó, hoặc từ chối — trong khuôn khổ của hiệp định — những cơ hội thị trường đối với các công ty Mỹ. Nếu có thì được coi là vi phạm hiệp định thương mại và bị đối xử theo điều 301.

Chính sách thương mại: Ai là người quyết định,
Mục tiêu là gì và Bằng cách nào

Hiến pháp của Mỹ qui định Quốc hội Mỹ có quyền quản lý ngoại thương và thu thuế. Tuy nhiên, quyết định tăng hoặc giảm thuế quan, ấn định hạn ngạch nhập khẩu, hoặc tiến hành những chính sách thương mại khác ảnh hưởng đến cả lợi ích trong và ngoài nước phức tạp đến mức Quốc hội, thông qua một loạt các luật khác, đã quy định rất nhiều trách nhiệm cho các cơ quan hành pháp. Những cơ quan này làm việc hàng ngày với các nhóm cố vấn khu vực tư nhân và các ủy ban quan trọng của Quốc hội.

Quốc hội

Vai trò của Quốc hội trong chính sách thương mại cơ bản gồm hai phần: lập và giám sát các luật thương mại.

Ðể đảm bảo việc triển khai chính xác các luật thương mại bởi các cơ quan hành pháp, Quốc hội yêu cầu các cơ quan hành pháp thường xuyên tham khảo ý kiến của Quốc hội và và đưa ra xem xét các thủ tục thông báo rộng rãi trước khi trình bản dự thảo hiệp định thương mại hoặc luật triển khai.

Ngoài ra, luật thương mại định rõ rằng năm thành viên của Ủy ban Tài chính và Thuế vụ – Hạ nghị viện và năm thành viên của Ủy ban Tài chính Thượng nghị viện được chỉ định là cố vấn của Quốc hội cho các đoàn đàm phán hiệp định thương mại quốc tế. Văn phòng Ðại diện Thương mại Mỹ (USTR) phải đảm bảo để các cố vấn này nắm được thông tin về mục tiêu và tình hình các cuộc đàm phán của Mỹ, và trường hợp một hiệp định tiềm năng có thể yêu cầu những thay đổi trong các luật của Mỹ.

Quốc hội cũng quy định Văn phòng Ðại diện Thương mại Mỹ và Ủy ban Thương mại Quốc tế (ITC) phải gửi báo cáo hàng năm để đảm bảo Quốc hội nắm được những thông tin liên quan đến những hoạt động được tiến hành trong các luật thương mại và chương trình khác nhau. Nổi bật nhất trong các báo cáo này là “Báo cáo Ðánh giá Thương mại Quốc gia về Các hàng rào Thương mại Nước ngoài” của Ðại diện Thương mại Mỹ và “Hoạt động Thương mại trong năm: Hoạt động của Chương trình Hiệp định Thương mại” của Ủy ban Thương mại Quốc tế.

Cuối cùng, bằng quyền được uỷ quyền và phân bổ ngân sách cho các cơ quan chức năng của những văn phòng thương mại trọng yếu, quốc hội đã làm cho mọi người hiểu được mối quan tâm của quốc hội đối với chính sách thương mại.

Các Cơ quan Hành pháp

Cơ chế quan trọng để phát triển và điều phối các vị trí của chính phủ Mỹ liên quan đến thương mại quốc tế và những vấn đề đầu tư liên quan đến thương mại nằm trong một thủ tục chính sách thương mại liên ngành ba cấp.

Thủ tục liên ngành được điều phối bởi Ủy ban Chính sách Thương mại (TPC) với chức năng chính là hỗ trợ và thuyết trình lên tổng thống về những vấn đề lớn liên quan đến việc triển khai và phát triển các chính sách.

Ðại diện Thương mại Mỹ chủ trì và quản lý Ủy ban Chính sách Thương mại với hai nhóm điều phối trực thuộc: Nhóm Giám sát Chính sách Thương mại và Ủy ban Ðiều hành Chính sách Thương mại (TPSC). Ủy ban Ðiều hành Chính sách Thương mại, bao gồm các quan chức cấp cao từ các cơ quan thành viên của Ủy ban Chính sách Thương mại, với hơn 60 tiểu ban và các lực lượng đặc nhiệm. Nếu Ủy ban Ðiều hành Chính sách Thương mại không đạt được sự nhất trí về một vấn đề, hoặc nếu vấn đề đó liên quan đến nội dung chính sách quan trọng, thì sẽ được chuyển sang Nhóm Giám sát Chính sách Thương mại để xem xét, trong đó các thành viên là những quan chức ở cấp Thứ trưởng và Phó Ðại diện Thương mại Mỹ trong các cơ quan trực thuộc.

Các cơ quan thành viên của Ủy ban Chính sách Thương mại bao gồm các bộ Thương mại, Nông nghiệp, Ngoại giao, Tài chính, Lao động, Tư pháp, Quốc phòng, Nội vụ, Giao thông Vận tải, Năng lượng, và Bộ Y tế; Cơ quan Bảo vệ Môi trường; Văn phòng Quản lý và Ngân sách, Ủy ban Cố vấn Kinh tế; Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế; Ủy ban Kinh tế Quốc gia; và Ủy ban An ninh Quốc gia. Ủy ban Thương mại Quốc tế của Mỹ là một thành viên không bầu cử của Ủy ban Ðiều hành Chính sách Thương mại và là quan sát viên trong các cuộc họp của Nhóm Giám sát Chính sách Thương mại. Các đại diện của các cơ quan khác cũng được mới tham dự các cuộc họp này tuỳ theo những vấn đề cụ thể được thảo luận.

Những vấn đề bất đồng ở cấp Nhóm Giám sát Chính sách Thương mại được chuyển sang cấp chính phủ cuối cùng của cơ chế chính sách thương mại liên ngành — Ủy ban Kinh tế Quốc gia. Ủy ban Kinh tế Quốc gia có trách nhiệm chung về cố vấn cho tổng thống về những vấn đề kinh tế trong nước và quốc tế trên diện rộng. Trong thủ tục thương mại liên ngành cuối cùng này, các cuộc họp của Ủy ban Kinh tế Quốc gia do tổng thổng chủ tọa và bao gồm phó tổng thống, các bộ trưởng Ngoại giao, Tài chính, Nông nghiệp, Thương mại, Lao động, Bộ Phát triển Ðô thị và Nhà ở, Giao thông Vận tải, và Năng lượng; Chủ nhiệm Cơ quan Bảo vệ Môi trường; Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách, Ðại diện Thương mại Mỹ; chủ tịch Ủy ban Cố vấn Kinh tế; Cố vấn An ninh Quốc gia; và các trợ lý tổng thống về chính sách kinh tế, chính sách đối nội, chính sách khoa học và công nghệ.

Khi các quyết định về chính sách được đưa ra trong thủ tục liên ngành này, Ðại diện Thương mại Mỹ sẽ đảm đương trách nhiệm chỉ đạo việc triển khai quyết định đó.

Ðại diện Thương mại Mỹ

Ðại diện Thương mại Mỹ, một vị trí cấp chính phủ mang hàm đại sứ, chịu trách nhiệm chung về phát triển và điều phối việc triển khai chính sách thương mại của Mỹ và là cố vấn chính và phát ngôn viên chính của tổng thống về thương mại. Theo luật của Mỹ, Ðại diện Thương mại Mỹ phải tham dự tất cả các cuộc họp thượng đỉnh kinh tế và quốc tế mà tại đó thương mại quốc tế là một chủ đề chính, và Ðại diện Thương mại Mỹ có trách nhiệm lãnh đạo trong tất cả các cuộc đàm phán về bất cứ vấn đề gì nằm dưới sự bảo trợ của Tổ chức Thương mại Thế giới.

Văn phòng Ðại diện Thương mại Mỹ bao gồm hai phó Ðại diện Thương mại Mỹ, một làm việc tại Oasington, D.C và một ở Geneva, Thuỵ sĩ.

Bộ Thương mại

Trách nhiệm chính về thương mại của Bộ Thương mại tập trung vào Cơ quan Quản lý Thương mại Quốc tế và Cục Quản lý Xuất khẩu.

Cơ quan Quản lý Thương mại Quốc tế có trách nhiệm điều hành chung việc phát triển xuất khẩu, đại diện thương mại ở nước ngoài, quản lý luật chống phá giá và luật thuế bù giá, kiểm soát xuất khẩu, và hỗ trợ hoà giải thương mại cho các công ty. Cục Quản lý Xuất khẩu kiểm soát việc xuất khẩu hàng hoá và công nghệ vì lý do an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại, và thiểu cung. Cục Quản lý Xuất khẩu cấp giấy phép xuất khẩu dựa trên các quy chế kiểm soát xuất khẩu.

Cục Hải quan Mỹ

Cục Hải quan Mỹ, đứng đầu là ủy viên phụ trách hải quan (commisioner of customs), thu thuế nhập khẩu và thi hành hơn 400 luật và các quy định liên quan đến thương mại quốc tế. Một số trách nhiệm của Tổng cục Hải quan bao gồm việc ngăn chặn và tịch thu hàng hoá đưa vào bất hợp pháp; giải quyết thủ tục cho người, tàu chuyên chở, hàng hoá, thư từ vào và ra khỏi Mỹ; quản lý hạn ngạch và các hạn chế nhập khẩu khác; và hỗ trợ thực thi các luật của Mỹ về tác quyền, quyền sáng chế, và thương hiệu.

Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ

Ủy ban Thương mại Quốc tế của Mỹ là một cơ quan có tính pháp luật, thực hiện những công việc nghiên cứu, báo cáo, và điều tra, và thuyết trình lên tổng thống và Quốc hội, về một loạt các vấn đề liên quan đến thương mại quốc tế.

Một trong những chức năng chính của ủy ban này là xác định xem các ngành của Mỹ có bị thiệt hại về mặt vật chất do những hàng nhập khẩu được trợ giá hoặc được định giá hoặc trao đổi không trung thực. Theo điều 337 của Luật Thuế quan năm 1930, Ủy ban Thương mại Quốc tế còn được ủy quyền ra lệnh các hoạt động, đối tượng không được tổng thống phê chuẩn, để đền bù các trường hợp trong đó những biện pháp cạnh tranh gian lận hoặc những hành vi gian lận bị vi phạm trong nhập khẩu hàng hoá vào Mỹ.

Sáu ủy viên của Ủy ban Thương mại Quốc tế, trong đó không quá ba ủy viên từ một đảng chính trị, được bổ nhiệm vào nhiệm kỳ chín năm.

Ủy ban Cố vấn Khu vực Tư nhân

Vào năm 1974, Quốc hội Mỹ đã thành lập hệ thống ủy ban cố vấn khu vực tư nhân để đảm bảo rằng các chính sách thương mại và các mục tiêu đàm phán thương mại của Mỹ phản ánh thoả đáng các lợi ích thương mại và kinh tế của Mỹ. Trong 23 năm vừa qua, Quốc hội đã mở rộng và nâng tầm vai trò của hệ thống này, đến nay bao gồm 33 ủy ban cố vấn, với tổng số thành viên xấp xỉ 1000 cố vấn.

Ðại diện Thương mại Mỹ quản lý một cơ cấu ủy ban cố vấn ba cấp. Các ủy ban này đáp ứng một căn cứ thông thường, thu nhận những thông tin bí mật về các cuộc đàm phán thương mại đang tiến hành và các vấn đề chính sách thương mại khác, và báo cáo lên tổng thống bất cứ một hiệp định thương mại nào có hiệu lực theo luật thương mại của Mỹ.

Cấp cao nhất, Ủy ban Chính sách và Ðàm phám Thương mại (ACTPN), là một cơ quan gồm 45 thành viên bao gồm những đại diện của chính phủ, lao động, công nghiệp, nông nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các ngành công nghiệp dịch vụ, bán lẻ, quyền lợi người tiêu dùng, và giới công chúng do tổng thống chỉ định. Nhóm này, được triệu tập theo yêu cầu của Ðại diện thương mại Mỹ, xem xét các vấn đề của chính sách thương mại trong bối cảnh lợi ích quốc gia nói chung.

Cấp thứ hai bao gồm 7 ủy ban cố vấn chính sách, đại diện cho các lĩnh vực kinh tế nói chung, như công nghiệp, nông nghiệp, lao động, và dịch vụ, với vai trò cố vấn cho chính phủ về những ảnh hưởng của các biện pháp thương mại khác nhau đối với các lĩnh vực tương ứng của họ.

Cấp thứ ba bao gồm 25 ủy ban cố vấn về lĩnh vực, chức năng, kỹ thuật bao gồm các chuyên gia từ các lĩnh vực khác nhau, những người cung cấp những thông tin cụ thể và ý kiến về các vấn đề thương mại liên quan đến lĩnh vực cụ thể của họ. Các thành viên của cấp thứ hai và cấp thứ ba do Ðại diện Thương mại Mỹ và các bộ trưởng của các bộ hoặc cơ quan có liên quan bổ nhiệm./.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét