Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

Chia Tay Voi Da.html

Thông tin ebook

Tên truyện : Chia Tay Với Đá

Tác giả : Nguyên Bình

Thể loại : Văn học trong nước

Nhà xuất bản : Kim Đồng

Năm xuất bản : 2003

Số quyển / 1 bộ : 1

Hình thức bìa : Bìa mềm

———————————-

Nguồn : http://vnthuquan.net

Chuyển sang ebook (TVE) : santseiya

Ngày hoàn thành : 29/06/2008

Nơi hoàn thành : Hà Nội

http://www.thuvien-ebook.com

Mục Lục

Sơ lược về tác giả

CHIA TAY VỚI ĐÁ

QUÊ MỚI

TÌM BẠN

ĐI HỌC

ĐÈN ĐIỆN

THÁM HIỂM DÒNG SÔNG

VỀ THĂM XÓM CŨ

MỘT NGÀY CUỐI NĂM

Sơ lược về tác giả


nguyenbinh.JPG

Nguyên Bình

Tên thật: Nguyễn Quang Bình
Hội viên Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam

Công tác tại Toà án nhân dân huyện Đồng Văn tỉnh Hà Giang

Điện thoại: Cơ quan: 0219 856120
Di động: 0975727506

Email: 321nguyenbinh@gmail.com

Tác phẩm đoạt giải:
- Cánh chim – Đạt giải B cuộc thi sáng tác đề tài “Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt” toàn quốc năm 2006 do Cục văn hoá – thông tin cơ sở – Bộ văn hoá- thông tin tổ chức.


Tác phẩm đã in:
- Chia tay với đá (tập truyện) – NXB Kim Đồng – 2003
- Mí Sình đi chợ (tập truyện) – NXB Kim Đồng – 2004
- Trẻ em cướp dâu (Tập truyện) – NXB Văn hoá dân tộc – 2005
- Sống trên đá (Tản văn) – NXB Kim Đồng – 2006
- Hoa tam giác mạch (Tập truyện) – NXB Văn hoá dân tộc – 2007

CHIA TAY VỚI ĐÁ

Buổi chiều, trong bữa ăn, bố hỏi mẹ:


– Có đợt chuyển nhà xuống vùng thấp, trong xóm nhiều hộ đã đăng ký, mình có chuyển không?

Mẹ im lặng với tay lấy cho Mai bát mèn mén. Mai chẳng hiểu gì hỏi bố:

- Vùng thấp là vùng nào ạ?

Bố chưa kịp trả lời nó đã hỏi tiếp:


– Tại sao nhà mình phải chuyển xuống vùng thấp ạ?


– Mọi người không còn ai ở đây nữa à?…


Tôi đá chân nó một cái, nó hiểu ý không hỏi nữa.


Mẹ đưa bát cho Mai. Nó đón lấy chưa ăn ngay, bưng bát ngóng.


– Bao nhiêu hộ đã đăng ký? – Mẹ hỏi bố.


– Khoảng hơn mười hộ xin chuyển ngay. Còn một số nấn ná đợi thu hoạch ngô xong rồi mới chuyển.


– Nơi ở mới thế nào?


– Thuận lợi hơn về nguồn nước và đi lại.


– Còn nhà cửa thế nào?


– Nhà nước làm sẵn, mình chỉ việc đến ở.


– Nhà thì có thể chuyển nhưng còn nương rẫy, đi xa thế làm thế nào được. Mai, ăn đi! – Mẹ giục nó.


– Nghe nói xuống dưới ấy Nhà nước còn cho ruộng để làm…


Tôi không mấy quan tâm đến câu chuyện giữa bố và mẹ nên ăn xong vội buông bát đứng dậy đi tìm thằng Sình để khoe con quay mới. Ra đến cửa thấy trời xâm xẩm tối định không đi nữa nhưng nghĩ ở nhà chẳng có gì vui nên lại đi. Vừa đi tôi vừa ngửa cổ nhìn trời, bao la một màu mờ đục, thảng loặc có cánh chim xập xè về tổ. Màu khói bếp đã không còn rõ nữa. Nhà thằng Sình như đang mờ dần vào màu tím của núi rừng. Đi được nửa đường chợt không còn hứng thú đi tiếp nữa, tôi ngồi xuống tảng đá ngắm mặt trăng đang lên sau dãy núi, một thứ ánh sáng dìu dịu mềm mềm lan toả trong không gian. Tiếng lá rừng vẫy gió rung động. Những chú dế bắt đầu kẽo kẹt từng nốt nhạc dạo đầu. Bàn tay tôi tỳ trên đá chớm lạnh, vậy là sương bắt đầu rơi. Phía dưới kia có cả một vùng u tối và hun hút sâu, những bụi cây mang trên mình hình thù kỳ quái, tôi bất chợt rùng mình khi cơn gió tràn qua. Và sợ, tôi cũng không hiểu mình là sao nữa, tôi sợ bụi cây, tôi sợ tất cả những gì nhìn thấy, chúng giống đàn thú dữ đang chuẩn bị vồ ngấu nghiến con mồi. Phía trên là dãy núi cao lừng lững. Nếu không có đám nương đã được dọn sạch cỏ là yên bình thì những khối đen trên kia đã lăn ào xuống chỗ tôi ngồi. Xung quanh im ắng đến rùng rợn. Căn nhà phía trước mờ ảo trong làn sương khói, ánh lửa bếp lập loè sáng tối như những con ma đói lượn lờ… Chỉ còn có chị Hằng là hiền lành đáng tin cậy nhưng chị ở cao quá, xa quá!…! ; Sự sợ hãi bao trùm không gian, tôi không còn đủ can đảm ngồi đó nữa mà quáng quàng rời khỏi tảng đá chạy về nhà.


Sáng hôm sau tôi ra trường học. Từ ngày cô giáo Hoa chuyển đi không thấy ai về dạy, cái chữ trong xóm ít dần. Vài đứa liều mạng đi bộ vượt qua dãy núi sang bên Xè Pạ mới được thêm vài con chữ ngoằn ngoèo, vài buổi sau không thấy đứa nào vượt núi đi học nữa, con chữ ở xa quá muốn đến gần cũng không dễ gì. Trường học đã từng là nơi đánh yến, đánh cù, đá cầu, nơi tổ chức hội hát giao duyên, ném pao và hội vỗ mông vào dịp tết. Trường học bây giờ mục ruỗng, hoang tàn, tường đất sạt lở toe toét, mái gianh sụp xuống trồi ra mấy cây xà vắt ngang, Sình và Lử đang ngồi vắt vẻo trên đó.


Từ ngày có kế hoạch hạ sơn cái xóm này vắng hẳn, nhiều người đã ra đi. Nơi ở mới thấp hơn, bằng phẳng hơn, giàu có và đỡ nhọc nhằn hơn.


Đã có một thời gian dài nơi này là lãnh địa riêng của chúa đất Sùng Xúa Chư, ông ta thuê thợ bạt đá xếp thành bậc từ con đường mòn lên tận cửa dinh thự. Dinh thự được làm bằng những tảng đá lớn, vuông vức, đục đẽo cẩn thận và to nhất vùng. Ông ta có tới bố bà vợ và gần hai trăm người hầu.
Đất đai khi xưa còn tốt, nhát cuốc bổ xuống cái bụi còn bay lên mù mịt, hạt giống rơi xuống là được quả đem về. Mùa hè ngô xanh lút đầu người. Mùa đông hoa cải vàng trải thảm, hoa tam giác mạch trắng tím kéo dài từ sườn núi bên này sang sườn núi bên kia. Rồi còn sắn, dong giềng, củ mài vô khối.
Bây giờ cái đất ít lắm, nhát cuốc bổ xuống lại nẩy lên vì va vào đá, cái bụi chưa bay lên đã bị gió cuốn đi mất. Tra hạt ngô xuống cái cây ngoi lên èo uột, vàng ệch. Nhiều nhà chưa qua tết đã hết cái ăn, phải xuống tận huyện xin nhà nước cứu đói mới đợi được đến mùa vụ. Khi có dịp ngồi bên nhau mọi người lại ước cái thời ngô sắn đầy nhà lấp cả lối đi, bước chân phải rón rén, giờ đây bước chân được thoải mái nhưng lại thấy nhói đau trong lòng. Hình như đá mỗi ngày một lớn, nó ăn đất để lớn lên thì phải, thành ra cực nhọc cứ ngày càng chồng nặng lên đôi vai con người.


Nắng hôm nay đẹp quá, óng vàng, trong vắt chan hoà khắp nẻo. Lác đác trong xóm vài bóng người đi lại. Số đông đã chuyển đi từ sáng sớm. Sự yên vắng nghe lòng nao nao đến lạ.


– Nhà mày có chuyển đi không, Chơ? – Bất ngờ Sình hỏi.


Tôi chưa trả lời, trèo lên cái xà ngồi cạnh nó.


– Chúng mày có thấy buồn không? – Tôi hỏi hai đứa nó.


– Buồn vì cái gì? – Lử hỏi lại.


– Buồn vì xa nơi này.


– Có gì phải buồn kia chứ, – Lử trả lời. – Ở dưới kia đi học gần hơn, ở nhà đẹp hơn, có nhiều bạn hơn, nhiều trò chơi hơn thì có lý do gì mà phải buồn.
Tôi không nói nữa. Lử cũng im lặng cùng phóng tầm mắt ra xa nơi có vài người đang dọn những đồ đạc cuối cùng của mình để ra đi.

*


Mấy ngày sau, bố nói:


– Ta chuẩn bị chuyển nhà. Nơi ở mới đẹp lắm.


– Được chuyển nhà rồi! – em Mai reo lên.


– Bao giờ nhà mình chính thức chuyển đi? – Mẹ hỏi.


– Khoảng vài hôm nữa. – Bố trả lời.


– Nhà ở mới thế nào? – Mẹ hỏi tiếp.


– To hơn, đẹp hơn nhà ta đang ở.


Bố nói rồi vội vã đi ra ngoài. Tự dưng tôi thấy lòng mình như có gì đó trĩu xuống. Vậy là cuối cùng vẫn phải chuyển đi… Dẫu rằng đã đoán trước được ngày này sẽ đến nhưng sao tôi vẫn thấy hụt hẫng, bâng khuâng, ngơ ngẩn. Tôi đến nhà Sình định báo với nó. Nhà nó vắng hoe, trống trơn. Chẳng cần nghĩ nhiều tôi cũng biết gia đình nó đã chuyển đi. Buồn u ám. Tôi lững thững ra ngôi trường cũ, giật mình nhận ra lối đi đã bị cỏ mọc tràn gần kín, đám đất bị bọn chơi giẫm cho nhẵn thín đã thành nhà của vài ổ kiến, ổ mối. Cơn gió đi qua cũng khô khốc lạnh lùng.


Hôm chuyển nhà bố tôi nhờ thêm vài người đến giúp. Đồ đạc được chất lên lưng bốn con ngựa. Tôi chẳng phải làm gì. Bố mẹ đã thu dọn các thứ từ nhiều ngày trước. Bé Mai tự nhiên trầm hẳn, không nói cười đứng thu lu một góc khác hẳn với sự nhảy nhót, quậy phá thường ngày. Mẹ thu nốt vài thứ lặt vặt cho vào quẩy tấu. Căn nhà lạnh dần trong hoang vắng.


– Mai, đi thôi!


Mẹ gọi Mai khi nó cứ đứng lì ở góc hè nhìn mọi người chất các thứ lên lưng ngựa và chuẩn bị ra đi.


– Đi thôi, con!


Mẹ vẫy tay gọi bé Mai một lần nữa nó mới nhấc chân bỏ lại góc hè đi theo mọi người. Đi một quãng xa bé Mai vẫn ngoái đầu nhìn ngôi nhà cũ, cái mái gianh đã bị mưa làm xói lở nhiều chỗ, ở trong nhà còn bắt được cả ánh nắng lọt vào.


Nắng lên. Từng sợi nắng óng vàng trải xuống sườn núi và rừng cây. Tiếng ngựa gõ móng vào đá. Tiếng gió thổi. Tiếng chim hót. Và im lặng từng bước chân người.


Hết con đường đá, tôi nhìn lại, cảnh vật bỗng cô đơn, nắng cũng buồn heo hắt. 

QUÊ MỚI

Sau khoảng ba giờ đi bộ đến một thung thổ khá bằng phẳng. Đứng trên cao nhìn xuống nó giống như một cái chảo khổng lồ, viền chảo là những dãy núi ghé sát vai nhau cao ngất, lòng chảo có cánh đồng lúa xanh rì, có dòng sông, có con đường lớn đi qua và dãy nhà dọc theo hai bên đường, kéo dài đến tận chân núi là màu óng vàng của những bắp ngô đã bóc bẹ đang khoe mình dưới nắng…


- Đây là quang cảnh nơi chúng ta sẽ ở.


Lời bố làm tôi giật mình, tôi cứ tưởng bố đi tít phía xa không ngờ bố ở ngay sát cạnh phía sau.


– Ôi, đẹp quá! – Bé Mai reo lên khi ánh mặt trời đi ra khỏi đám mây.


– Đẹp thật! – Mẹ nói.


Tôi cũng định nói gì đó nhưng đã bị mẹ và em Mai nói mất rồi nên lại đành im lặng.


Mọi người cùng đi vào con đường mòn dốc nghiêng về phía dòng sông. Càng đi xuống cái lòng chảo dường như càng rộng ra. Những bắp ngô phơi nắng toả ra một mùi thơm dìu nhẹ. Chị gió thỉnh thoảng ào qua xô đẩy những cây ngô va vào nhau rào rào.


Bất chợt bố hỏi tôi:


– Con thấy nơi ở mới thế nào?


– Đẹp ạ! – Tôi trả lời.


– Thật không? – Bố hỏi lại.


– Vâng. Có núi có sông, có dải đất bằng, có đường đi lại…


Tôi trả lời bố bằng mấy lời trong câu chuyện mà cô giáo Hoa đã kể cho cả lớp nghe đến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ. Thật không ngờ tôi có thể trả lời bố bằng một câu hoa mĩ đến vậy. Bố nhìn tôi nở một nụ cười. Trong quan niệm của người Mông xa xưa vốn không tồn tại những điều tôi vừa nói. Họ quan niệm nơi nào không có ba thước đất bằng, không có ba ngày sáng mới là chỗ ở của người Mông. Vùng đất bằng là của người Tày, người Kinh.
Nghe bà kể lại thì xa xưa tổ tiên của người Mông là ở vùng Hoa Nam trù phú, đất đai của họ kéo dài tít tắp, một con ngựa tốt chạy ba tháng ròng chưa hết con đường chính đi sang đất khác. Người Mông đã từng trồng lúa nước và ăn cơm trắng. Sau này do những biến cố lịch sử, sự tranh chấp của các dòng tộc, sự cát cứ của người Hán, người Mông bị dạt xuống phía Nam. Vùng đồng bằng phía Nam người Việt đang chiếm giữ. Duy chỉ còn vùng núi cao, thâm u đá núi và rừng cây là vẫn còn bỏ trống. Người Mông liền giữ lấy vùng đất này. Và chính nơi đây đã cho họ sự sống, yên ổn làm ăn. Trong tâm thức người Mông đánh giá nơi núi cao này mới đích thực là đất của người Mông, là quê của người Mông. Trong câu hát truyền lại: “Người Mông cũng có quê, quê người Mông ở Mèo Vạc.” Mèo Vạc là một vùng núi non trùng điệp, có tới tám chín phần là đá, đất chỉ đọng lại một chút ở thung sâu và vũng núi.


– Con có thích nơi này không? – Bố hỏi khi đi vượt lên trước tôi.


– Thích ạ! – Tôi trả lời.


Nói vậy thôi chứ thực tình trong lòng tôi lúc ấy vẫn chưa hình dung ra được cuộc sống khi cả gia đình tôi chuyển xuống quê mới sẽ như thế nào, tốt đẹp hơn ra làm sao. Sự thân thiết với xóm cũ làm tôi thấy buồn nhiều hơn vui. Sự lạ lẫm thường làm cho con người ta có cảm giác chơi vơi, trái hẳn với miền bình yên của sự thân thuộc.


Mẹ bỗng bật cười khi quay lại nhìn tôi. Chắc lúc ấy trông tôi phải khôi hài lắm.


Vừa đi tôi vừa suy nghĩ, tưởng tượng xem những ngày tới sẽ làm gì ở quê mới. Tôi tự đặt ra cả trăm tình huống rồi tự tìm cách giải quyết. Tôi cứ miên man nghĩ như vậy từ đi đầu đã bị tụt lại phía sau lúc nào không hay. Mẹ và em Mai giục tôi mấy lần đi nhanh hơn nữa nhưng không hiểu sao chỉ được một đoạn tôi lại bị tụt lại. Sau này mới thấy những điều mình đã nghĩ lúc ấy là vớ vẩn không thực tế.


Phía trước có tới mười mấy ngôi nhà mới chắc chắn, mái lợp phibrôximăng, xung quanh tường được thưng bằng ván gỗ.


– Nhà chúng ta kia kìa! – Bố nói và chỉ vào một ngôi nhà ở giữa, bên cạnh có một khe nước chảy qua.


Nhìn qua bề ngoài đã thấy ngôi nhà mới đẹp hơn rất nhiều so với ngôi nhà cũ ở trên núi. Vách vẫn còn thơm mùi gỗ khác hẳn với mùi ẩm mốc của tường trình đất.


Bố lấy chìa khoá mở cửa. Bé Mai chạy ào vào trong nhà xem xét. Một lúc sau nó chạy ra khoe:


– Nhà mới đẹp lắm!


Bố mẹ và mấy người đang dỡ các thứ từ trên lưng ngựa xuống nhìn nó cười. Mẹ mang chiếc quẩy tấu vào trong nhà, tôi cũng theo vào. Ngôi nhà mới bên trong sáng gần như bên ngoài chứ không tối thui như ngôi nhà cũ. Mẹ bỏ các thứ trong quẩy tấu ra đặt cạnh bếp sưởi. Bố và những người đến giúp khuân đồ đạc vào trong nhà.


Tôi đã nhìn thấy cái giường, không biết bố tôi đã mua nó khi nào, đây là cái giường đầu tiên gia đình tôi có từ ngày tôi biết nhớ, cái giường được đóng cẩn thận, rộng và tuyệt đẹp. Tôi cũng không hiểu sao người Mông khi có tiền mua sắm rất nhiều thứ, nhưng cái giường là nơi để ngủ thì lại được làm rất tạm bợ, thường thì chỉ là những tấm ván kê, nếu nhà nghèo thì dùng tre hoặc nứa kết lại và cũng chỉ hẹp toen hoẻn một người nằm đã chật. Bây giờ gia đình tôi có cái giường đẹp và rộng, tôi thấy lạ.


Một lúc sau có vài người đến thăm, bố tôi lấy rượu ra mời. Tiếng cười nói rộ lên!


Đêm đầu tiên nằm trong căn nhà mới, giường mới, chỗ nằm mới thêm mùi gỗ làm tôi khó ngủ. Tiếng gió thổi ầm ù ngoài vách. Tiếng nước chảy nơi đầu nhà dội lại. Tiếng ô tô nặng nề xiết bánh xuống đường,… Những âm thanh lạ cứ vang vọng trong đầu tôi, phải chăng đây là âm thanh của quê mới?!

TÌM BẠN

Tôi tỉnh dậy khi cái nắng đã sải chân khắp nẻo, cảnh vật bừng sáng, hít một hơi rõ dài, vươn vai một cái,…


Đâu đây có tiếng hoạ mi hót, tôi lắng tai nghe.


Một cơn gió tràn tới, tiếng đập nước thì thùm, tiếng hò hét cười nói, tiếng gọi nhau í ới vọng lại. Tôi đoán chắc rằng phía sông lúc này đang đông người. Một ý nghĩ chợt đến, tại sao mình không đi một vòng xem nơi ở mới có những gì nhỉ. Nơi mà tôi quyết định sẽ ghé chân đầu tiên là dòng sông. Nắng sớm trong veo và gió mát. Tôi lâng lâng nhịp bước. Con đường mòn đi vắt qua nương ngô cong queo, õng ẹo, đỏng đảnh, thỉnh thoảng vài anh chàng ngô đổ kềnh ra chắn lấy lối đi. Tôi đi một cách điệu đàng với những bước nhún nhảy rất điệu nghệ vượt qua những cây ngô. Một bé gái hiện ra ngay trước mặt làm tôi giật mình, trên lưng cô bé là gùi nước nặng trĩu, tôi vội vàng nhường đường bước xuống nương ngô, vô tình vấp vào mô đất, may quá mấy anh chàng ngô đã đỡ lấy thân tôi không để lấm quần áo. Cô bé nhìn tôi tủm tỉm cười. Nụ cười ấy đã làm tôi ngơ ngẩn một lúc lâu, cả khi cô bé đã đi khuất trong rừng ngô. Tội nghiệp mấy cây ngô vừa đỡ thân tôi đã không còn đứng thẳng lên như tôi được nữa. Định thần lại tôi đã nhảy lên cao mấy lần để vượt lên những cây ngô xem bóng dáng cô bé có còn gần đó. Nhưng tôi chẳng thấy gì ngoài màu xanh xám của lá ngô bắt đầu khô đi. Tôi đành đưa chân bước tiếp.


Tiếng cười lại rộ lên, bây giờ đã rõ lắm, áng chừng sắp tới dòng sông, tôi thong thả bước và thấy mình người lớn hơn.


Tôi đã nhìn thấy dòng sông, nước chảy có vẻ vội vã, nó cuộn lên, vón lại rồi tan ra, rồi lại cuộn lên vón lại và tan ra,… Dòng sông trong tâm tưởng của tôi khác hẳn, nước êm đềm trôi, xanh trong và dài rộng. Đàn cá tung tăng bơi lội, thỉnh thoảng quẫy đuôi đớp bóng tắc pủm. Hai bên bờ có hàng cây soi bóng… Nay nhìn xuống dòng sông cũng thấy xanh trong nhưng không thấy cá và không thấy hàng cây chỉ thấy những đám ngô lột bẹ đang phơi dưới nắng.


Tôi đi tiếp về phía có tiếng người hò hét. Nơi ấy con sông vồng lên, nước chảy qua những phến đá to rồi đổ xuống ầm ào. Bờ sông có vài người phụ nữ đang giặt áo váy. Cạnh đó trẻ đang hò hét đùa nhau đập nước bắn tung tóe. Tôi đưa chân lên bãi cát, sự mát dịu thấm vào da thịt. Không ai thèm để ý đến tôi. Tôi bước tiếp về phía trẻ.


Bỗng một đứa hét to:


– Thằng mới đến kìa chúng mày.


Tôi nhìn kỹ và phát hiện ra thằng béo nhất vừa hét. Nó có kiểu tóc thật ấn tượng, thoạt nhìn người ta cứ tưởng cái mũ nồi đội lên khúc chuối. Cả bọn dừng hò hét tiến lại phía tôi. Thằng béo khệnh khạng đi lên trước.


– Ê, mới đến hả?


Tôi không nói gì đi thẳng ra mép nước.


– Đứng lại! – Thằng béo quát.


Tôi giả vờ không nghe thấy bước một chân xuống nước rồi thò tay vục nước đưa lên miệng, một vị ngọt thanh thanh tan ra nơi đầu lưỡi.


– Thằng kia, tại sao mày không đứng lại. – Thằng béo quát lên lần nữa.


Tôi vẫn không nói gì đưa nốt chân kia xuống nước, cả hai bàn chân lúc này rười rượi mát. Thằng béo tiến lại gần hơn, nó dịu giọng:


– Tao hỏi sao mày không trả lời?


– Mày hỏi tao à? – Tôi hỏi lại nó.


– Chứ còn ai nữa.


– Vậy hả? Thế mà tao cứ tưởng…


– Mày tưởng gì?


– Tao tưởng mày hỏi đứa nào đó.


– Mày định gây sự hả?


Tôi không nói gì quay mặt đi. Thằng béo tức tím mặt. Cả bọn lúc này đã quây lại. Thằng béo bất ngờ tung một cú đấm thẳng về phía má bên trái của tôi. Tôi xoay người lùi chân phải về phía sau. Thằng béo đấm trượt vấp vào chân trái tôi chới với rồi ngã tòm xuống sông. Nó lóp ngóp bò dậy chạy lại tung tiếp một cú đấp nữa về phía mũi của tôi. Tôi né người, thuận chân đạp vào cái mông quá khổ của nó. Thằng béo ngã úp mặt xuống dòng nước và bị trôi đi một đoạn. Nó đứng dậy vuốt mặt rồi tung một cú xông phi về phía tôi. Tôi tiếp tục tránh né. Thằng béo lại ngã ùm xuống nước. Lần này nó bật dậy tung một cú đá vào giữa ngực tôi, tôi nghiêng người phóng một cước vào chân trụ của nó làm nó đổ xuống như cái cây bị chặt gốc. Thằng béo lần này không dậy nữa mà ngồi dưới nước giơ tay lên.


– Đình chiến! – Nó đề nghị.


Tôi đồng ý. Cả bọn đồng loạt vỗ tay. Tôi không ngờ mấy miếng võ bố nói là của người Hoa, lúc cao hứng ông đã truyền dạy cho tôi lại có giá trị đến vậy. Thằng béo đầu hàng không kèm theo một điều kiện nào. Cả bọn nhìn tôi kính nể.


Tôi thấy mình cũng oai vệ đường hoàng, có đứa còn mau mồm gọi tôi là “chủ tướng” làm tôi sướng rơn. Cả bọn muốn làm bạn với tôi, tôn tôi làm thống lãnh nhưng tôi chả thích mấy, chơi với chúng được một lúc thì chán rồi bỏ về.


Tôi giúp mẹ xếp ngô lên gác bếp.


Em Mai đã tìm được bạn mới, chúng vui vẻ kéo nhau đi chơi.


Một ngày trôi qua bình lặng.

*


Hôm sau bất ngờ Sình đến. Nó đến bằng xe đạp do thằng Pao đèo. Lần đầu tiên tôi được nhìn và sờ tay vào xe đạp. Sình khoe Pao là hàng xóm nhà nó. Biết tôi đã chuyển xuống quê mới Sình rủ Pao đi chơi. Đi xe đạp nhanh lắm, nhanh hơn cả đi ngựa,… Tôi cười nghe nó nói. Cái thằng vẫn thế, khi vui nói hết phần người khác, khi buồn cạy răng không được nửa lời. Tôi và Sình huyên thuyên những chuyện cũ mới. Pao không nói gì chỉ cười. Tôi không thích mấy cái tính hay khoe khoang của thằng Sình, nó nói đi nói lại rằng có bộ đồ chơi mới đẹp lắm và khẩn khoản mời tôi đến nhà. Nhà nó cách nhà tôi không xa, chừng mười lăm phút đi xe đạp là tới. Tôi không biết nói gì vì tôi chưa có xe đạp, chưa một lần được ngồi lên xe đạp, vậy mà… Thằng Sình nói hào hứng quá!


Rồi Sình cũng ra về. Đi được một đoạn khá xa nó còn cố nhắc lại lời mời:


– Nhớ đến nhé, hay lắm, tớ sẽ bày cách cho mà chơi, nhớ nhé!

ĐI HỌC

Hôm nay là buổi đầu tiên đi học ở ngôi trường mới. Tôi dậy từ rất sớm, mặc quần áo đẹp, chải chuốt gọn gàng.


Ngôi trường mới! Nghe thôi đã thấy lòng rạo rực.


– Chơ ơi!


Có tiếng gọi đầu ngõ, tôi vội chạy ra. Thằng béo đang đi vào, nó đến rủ tôi đi học. Thực ra tên nó là Sùng, Giàng Mí Sùng, chắc vì nó béo quá nên đám bạn chẳng thằng nào chịu gọi nó bằng tên mà cứ “béo ơi” mà réo.


Sau lần gặp nhau, được dầm nước sông, tưởng nó sẽ giận hoặc thù tôi, nhưng không, nó đã làm ngược lại khiến tôi bất ngờ. Từ đó tôi và nó trở thành đôi bạn thân.


Sùng mang chiếc cặp khá to, tôi chợt nhận ra những thứ đã chuẩn bị từ hôm trước là hơi ít, nhưng loay hoay mãi với đống đồ dùng học tập mà vẫn chưa biết nên đem thứ gì, để lại thứ gì…


Sùng phải giục mấy lần tôi mới bước được chân ra khỏi nhà sau khi nhét vào cặp cả đống sách vở, giấy, bút mà cô giáo đã phát cô từ hôm trước để chắc chắn rằng đã đem đủ các thứ cần dùng.


Sùng đi nhanh lắm, đôi chân nó phải mang một thân hình quá khổ mà sao vẫn đi được nhanh đến thế kia chứ. “Ngày xưa có một bạn chạy thi với ốc sên,…” – Sùng cười vừa kể một câu chuyện chỉ với từng ấy chữ để ám chỉ đôi chân chậm chạp của tôi. Tôi phải chạy theo mới đuổi kịp Sùng nhưng cũng chỉ một đoạn lại bị tụt phía sau.


Gió thổi vi vu trên đầu. Mặt trời vẫn chưa lên. Con đường trải nhựa buổi sáng thẫm hơn. Sùng đi giật lùi đưa tay vẫy vẫy. Cái thân hình béo ị của nó núng nính làm tôi phì cười.


Ngôi trường mới hai tầng được xây trên khu đất rộng, phía trước là dòng sông, phía sau là dãy núi Pum Cọ, kề bên là khu tập thể giáo viên. Sân trường ồn ào từng tốp học sinh đang quây lại quanh các trò chơi. Đông vui quá, đẹp quá! Bất giác tôi chạnh nghĩ đến ngôi trường ở bên Xà Pia, chúng khác nhau nhiều quá. Ngôi trường cũ bé tẹo có đúng một phòng, hai lớp phải học chung, mái ngói thủng nhìn thấy cả trời, tường đất mưa trôi nham nhở, bàn ghế cái gãy cái xiêu. Học sinh đứng tụm lại chỉ được một dúm, hôm nào mưa gió thì ít lắm, chỉ được vài người là cùng, hai lớp dồn lại vẫn chưa thành một lớp.


Vừa đến nơi Sùng sà ngay vào hội chơi cù bỏ mặc tôi lạc lõng một mình giữa tiếng hò hét ồn ã cười nói. Tôi đứng nhìn một lúc rồi đi về phía lớp. Nhiều lớp quá, tôi ngơ ngác tìm lớp của mình. Một bàn tay vỗ vào vai làm tôi giật mình.


– Bạn học lớp nào?


Tôi quay lại gặp nụ cười thân thiện.


– Tớ học lớp 5B. – Tôi trả lời. – Tớ chưa biết lớp ở chỗ nào.


– Cùng lớp với tớ, ta đi chứ nhỉ.


Tôi theo người bạn mới đi dọc hành lang, leo lên những bậc cầu thang như leo những bậc đá nhà chúa đất Sùng Xúa Chư lên tầng hai. Ở trên cao nhìn xa tận tới bờ sông, có vài người đang kín nước, vài người đang giặt áo váy. Lớp học ở gần cầu thang, mấy cô bé đứng gần đó liếc mắt nhìn tôi rồi tủm tỉm cười. Tôi theo bạn vào trong lớp. Hình như có gì lạ, mọi người vội ngưng câu chuyện nhìn tôi, lát sau lại ồn ào như cũ. Tôi ngồi vào hàng ghế thứ ba từ trên xuống gần chỗ người bạn mới quen.


– Cậu tên gì? – Người bạn mới hỏi tôi.


– Chơ, Vàng Mí Chơ. Thế còn cậu?


– Sá, Sùng Mí Sá. Cậu mới đến học à?


- Ừ.


Tôi và Sá ngồi nói chuyện với nhau đến khi trống báo vào lớp. Mọi người ngồi vào chỗ của mình. Cả trường nhanh chóng lắng đi tiếng ồn ào. Nơi hành lang có tiếng bước chân rồi cô giáo bước vào. Cả lớp đứng dậy chào. Cô giới thiệu bốn học sinh mới của lớp trong đó có tôi. Giọng cô thanh trong, ngọt lịm như mật ong rừng…

ĐÈN ĐIỆN

Tôi đang ngồi học bài thì nghe có tiếng lao xao ngoài ngõ, rồi tiếng Sùng béo í ới gọi:


– Chơ ơi! Nhà mày có người đến.


Tôi vội chạy ra. Hai người mặc quần áo màu vàng đi trước, trẻ con chạy theo sau đang tiến vào sân nhà tôi. Tôi chẳng biết họ là ai, tay cầm kìm cầm dây, cả cái mũ như cái nồi màu vàng úp lên đầu. Sùng béo thì thầm vào tai tôi:


– Thợ điện đấy, họ mắc đèn điện cho nhà mày.


Tôi chẳng biết đèn điện là cái gì và mắc cái đó để làm gì, nói với Sùng:


– Nhà tao có đèn rồi mà.


Sùng nhìn tôi cười nắc nẻ, sặc sụa còn tôi ngơ ngác vẫn chưa hiểu gì.


- Đúng là mày ngố thật đấy, hổ rừng về đồng bằng có khác, đèn điện này thay cho cái đèn dầu tối mù mù của nhà mày đấy, hiểu chưa.


Tôi lắc đầu. Sùng nói tiếp:


– Vẫn chưa hiểu à, tối đến nhà mày có cái đèn điện rồi thì không phải thắp đèn dầu nữa.


– Đèn điện có sáng bằng đèn dầu không? – Tôi hỏi lại Sùng.


– Sáng chứ. Sáng bằng cả nghìn lần cái đèn dầu ấy chứ. Tối nay mày sẽ thấy.


Nói vậy rồi Sùng chạy đi theo mấy đứa đang xúm lại xem chú áo vàng kéo cái dây gì đó như sợi dây rừng loằng ngoằng từ cái cột này sang cái cột khác.


Người Mông từ xa xưa, mùa đông, dù là ban ngày khi mái gianh đọng đầy nước và sương trắng giăng mắc khắp núi rừng thì cái sáng lúc giữa trưa cũng chỉ ánh lên như lúc xế chiều, còn đến chiều trời đã sang tối. Đêm vừa sang, bóng tối đã mịt mùng, ánh đèn mỡ lợn leo lét sáng một vùng nhỏ xíu, con người chỉ còn biết đi ngủ, có tham việc thì cũng mò mẫm không làm nổi. Có cô giáo về xuôi quen mắt đi ngủ sớm bị chê là đi ngủ theo gà. Họ đâu biết vùng cao nó khác… Sau này được thắp ngọn đèn dầu hoả thấy sáng hơn, cuộc đời cũng sáng hơn, vậy là tốt rồi. Còn đèn điện tôi chưa nghe ai nói bao giờ, không biết nó to bằng nào mà thằng Sùng bảo nó có thể sáng bằng cả nghìn lần chiếc đèn dầu. Tôi tò mò đi theo Sùng. Các chú thợ điện kéo cái sợi dây tròn tròn dài dài, trông sao giống sợi dây mơ trên rừng, từ đỉnh cái cột bê tông vào nhà tôi. Chú đóng vào xà nhà một cái ống dài dài màu trắng, đóng vào cột nhà một cái bảng có hai hộp hình vuông và một hộp hình chữ nhật, một hộp hình vuông có cái gạt lên gạt xuống, sau này tôi mới biết đó là cái công tắc. Chú dặn bố tôi điều gì đó, chỉ thấy bố gật gật đầu không nói gì. Các chú ra đi, bọn trẻ lại rồng rắn chạy theo sau. Sùng rủ tôi đi chơi nhưng tôi từ chối, nó vội vã chạy theo bọn trẻ.


Bé Mai không biết từ đâu chạy về, hỏi bố:


– Nhà mình có đèn mới chưa ạ?


– Có rồi! – Bố nói giọng hơi nghiêm.


Bé Mai vào nhà nghiêng ngó quanh cái đèn mới một lát rồi lại chạy đi chơi.

*


Trời bắt đầu tối, không gian sậm lại. Đàn gà đi tìm chỗ ngủ cãi nhau chí choé. Gió lạnh thổi ngọt nhạt. Bé Mai hết ở trong nhà lại ra ngoài sân ngó trời. Có lẽ nó mong đêm xuống thật nhanh. Tôi cố làm ra vẻ dửng dưng nhưng câu nói của thằng Sùng rằng cái đèn mới sáng bằng cả nghìn lần cái đèn dầu làm lòng tôi chộn rộn đứng ngồi không yên. Tôi đi ra tận ngoài ngõ rồi đi về. Bố đang bổ củi trước sân, từng thớ gỗ văng ra theo đường búa nhịp nhàng chuẩn xác. Bé Mai sán đến gần bố.


- Đứng xa ra không búa văng vào người. – Bố quát.


Mai xị mặt đứng lùi ra. Một lúc sau nó lại tiến đến gần. Bố dừng tay búa nhìn nó.


– Thắp đèn mới đi, bố. – Mai đề nghị.


– Tí nữa, đợi trời tối hẳn đã, còn sáng thế này thắp làm gì cho tốn điện.

 
À, hoá ra cái đèn ấy được thắp bằng điện, chắc nó cũng tốn như thắp dầu ấy nhỉ…


– Chơ ơi, hộ mẹ một tí!


Lời mẹ gọi đã làm đứt ngang luồng suy nghĩ của tôi. Mẹ đang làm cơm chiều, tiếng lửa nổ lép bép trong bếp, mùi khói bay ra khen khét.


– Con lấy hộ mẹ ít nước.


Mẹ đưa cho tôi cái xô, tôi ra cái thùng ở khe nước múc đầy xô nước mang vào cho mẹ. Đàn gà lúc này đã im tiếng không còn cãi nhau về chỗ ngủ nữa. Hơi lạnh đang tràn về. Dãy núi trước mặt đã được nhuộm một màu đen. Căn nhà lập loè đầy vơi ngọn lửa, bóng mẹ trùm lên vách, thấp thoáng, lung linh.


– Thắp đèn mới thôi! – Bố nói.


Bé Mai hoạ theo:


– Thắp đèn mới, được thắp đèn mới rồi.


Bố vào trong nhà, tôi và bé Mai đi theo bố. Bố gạt cái công tắc lên trên. Ánh sáng phát ra chói loá. Tôi nhắm mắt lại. Bé Mai reo lên:


– Sáng quá! Đèn mới sáng quá!


Mẹ nhìn nó phì cười. Bố bế nó lên cù vào nách nó, thế là một tràng dài tiếng cười giòn tan được bay ra.


Đèn mới sáng thật! Giờ đây ở chỗ nào trong nhà cũng có thể đọc sách, chỗ nào trong nhà cũng là ban ngày. Bóng đêm bị đuổi hết ra ngoài. Thằng Sùng nói đúng, sáng gấp nghìn lần ngọn đèn đầu.


Bữa cơm đầu tiên dưới ánh sáng của ngọn đèn mới thật đầm ấm vui vẻ.

THÁM HIỂM DÒNG SÔNG

Trời vừa sáng thằng Sùng và mấy đứa nữa đã kéo đến. Sùng thì thầm vào tai tôi ra chiều bí mật:


- Đi chơi với bọn này không?


- Đi đâu? – Tôi hỏi lại.


– Bí mật, nhưng mà hay lắm.


Tôi lưỡng lự.


- Đi chứ? Hay lắm! – Sùng nói tiếp.


Tôi vẫn không nói gì. Sùng nói to hẳn chứ không còn thầm thì như trước:


– Có chỗ hay người ta mới rủ đi xem, không đi thì thôi lại còn kênh kiệu.


Sùng toan bỏ đi.


- Đi đâu mà hay? – Tôi hỏi.


- Đi xem Thác Tiên. Chưa ai được biết nơi này.


– Chưa ai biết mà dám nói là hay, có chăng là nói dối.


– Hay thật mà, tao đến rồi, mới đứng ở ngoài nhìn chứ chưa vào trong, đẹp và có nhiều điều lạ lắm.


- Thác Tiên có xa lắm không?


– Không xa lắm, ngay chân núi Pum Cọ.


- Để tao vào xin phép mẹ tao cái đã, chúng mày đứng đợi tao một lát.


Mẹ tôi đồng ý và dặn:


– Về sớm đấy!


– Vâng ạ! – Tôi đáp.


Đi được một đoạn bỗng tôi thấy hoài nghi về cái hay lắm của thằng Sùng, với nó cái gì chẳng hay, chẳng tuyệt nhất trần đời, nhưng lỡ đồng ý đi cùng bây giờ trở lại chắc chắn bọn chúng sẽ cười cho, ngày mai có khi chẳng đứa nào còn thèm làm bạn với tôi nữa.


– Chúng ta đi đâu đây? – Tôi hỏi Sùng.


- Đi về phía thượng nguồn dòng sông. – Sùng nói.


– Sao bảo đi Thác Tiên.


- Đúng là đi Thác Tiên, nhưng tao cũng không chắc lắm, nghe nói ở đó có một bãi đá tuyệt đẹp, ngày xưa là nơi các nàng tiên xuống tắm. Tao đoán là có thác. Hôm nọ đi ngang qua chỉ nhìn thấy bên ngoài, chưa biết bên trong thế nào…


Đúng là cái thằng chỉ giỏi nói khoác, cái gì cũng nhất, cái gì cũng tuyệt vời và trên cả tuyệt vời. Biết thế này không nhận lời đi cùng có phải đỡ mệt không, ở nhà đọc cuốn sách mới mượn có lẽ còn hay hơn nhiều.


– Chúng mày, có đứa nào mang dao theo không? – Sùng hỏi.


- Để làm gì? – Một thằng hỏi lại.


- Để dọn đường chứ làm gì nữa. Không hả, đợi tao một tí.


Sùng chạy đi. Mấy thằng đứng lại đợi.


– Chúng mày có nghe nói đến Thác Tiên bao giờ chưa? – Một thằng hỏi.


– Chưa. – Mấy thằng trả lời.


– Liệu thằng Sùng có lừa chúng mình không nhỉ.


Đúng lúc đó Sùng chạy đến với con dao quắm sáng loáng có tra thêm một đoạn cán gỗ trên tay. Cả bọn lại lục tục kéo đi.


Hết con đường mòn, Sùng nói:


– Ta cứ ngược sông mà đi.


Đường từ đây gập gềnh toàn đá và cây bụi mọc um tùm. Mặt trời ló rạng. Dòng sông lóng lánh ánh bạc. Chim hoạ mi từ khu rừng gần đó đua nhau hót…chíu…chíu… Sùng đi trước, cả bọn theo sau, thỉnh thoảng nó vung dao phát những cây mọc cao chắn lối cho bước chân được dễ dàng hơn. Càng ngày đá càng nhiều, cây càng cao, đường đi càng khó. Bên phải vẫn là dòng sông thao thiết chảy.


Bỗng phía trước hiện ra một dãy núi cao ngất, nhìn lên hoa cả mắt. Chung quanh im ắng đến rợn người. Bước chân đã mỏi nhiều không ai bảo ai đến một khoảng nhỏ bằng bằng đều đột ngột dừng lại.


– Chúng mày sao thế? – Sùng hỏi.


– Nghỉ tí đã. – Mấy đứa cùng nói.


Mỗi đứa ngồi xuống một góc, không ai nói với ai câu nào. Sùng có vẻ sốt ruột hết đứng lên lại ngồi xuống, lại đứng lên. Một lúc sau, Sùng hỏi:


- Đi tiếp chứ?


Đợi mãi không thấy ai trả lời.


- Đi hay về? – Sùng hỏi lại lần nữa.


- Đi. – Một giọng thều thào cất lên.


Con đường từ đây rẽ sang hướng khác không còn nhìn thấy dòng sông nữa. Bước chân chênh vênh trên mũi đá tai mèo sắc nhọn.


– Chúng mày đi cẩn thận đấy. – Sùng nói.


Chẳng đứa nào nói câu gì, sự sợ hãi hiện lên khuôn mặt từng đứa, bước đi dè dặt hơn, gió thổi lạnh ngắt. Tiếng cất cánh của con chim cũng làm ai nấy giật mình.


Đi thêm một đoạn bỗng nghe có tiếng nước róc rách chảy khi xa khi gần, tiếng ầm ù như gió thổi ống bương khi rõ khi thưa. Mỗi người theo đuổi ý nghĩ riêng của mình, sự mệt nhọc đang chuyển dần sang sự sợ hãi.


Tự nhiên thằng Sùng đứng sững lại, mấy thằng đi sau không để ý suýt va người vào nó, phía trước đột ngột hiện ra một cái hang lớn.


– Chà, đẹp quá! – Sèo thốt lên.


Mấy đứa khác cùng nói:


– Đẹp thật!


Phía trên đỉnh hang thạch nhũ ngàn năm rỉ ra vón lại thành những chiếc răng nanh khổng lồ nhọn hoắt. Có vài cái răng dài xuống tận đáy thành những cái cột nâng đỡ vòm hang. Bên cạnh đó có cả trăm nghìn hình thù được thiên nhiên sáng tạo với những kích cỡ to nhỏ khác nhau cho con người những liên tưởng bất ngờ, thú vị. Phía dưới tuôn ra dòng nước trong vắt, có vài con cá đang lượn lờ đùa nghịch. Phía trong là một vùng tối hun hút vọng ra những tiếng ầm ù. Ở góc khuất có hình bốn cô gái đang tắm, tôi nghe như tiếng cười đùa vẫn còn lẩn khuất đâu đây.


– Vào trong chứ? – Sùng hỏi.


– Vào. – Mấy đứa cùng nói.


Cả bọn vào trong hang rờ tay lên những khối thạch nhũ óng ánh, một cảnh giác tê tê nơi đầu ngón tay. Tôi đến gần bốn cô gái. Nghe như vọng trong tiếng gió: “Nhà ngươi đến đây làm gì? Nhà ngươi dám xâm phạm vùng cấm của bọn ta ư? Nhà ngươi còn trố mắt ra nhìn thế à?…” Tôi thấy mặt mình nóng ra giữa lòng hang lạnh buốt.


- Đi tiếp chứ? – Sèo chỉ tay vào trong.


– Tối thế kia đi sao được. – Sùng nói. – Hôm nào cầm đuốc theo, chúng ta vào khám phá xem trong đó có những gì.


Sèo bắc loa tay chõ vào vùng tối hú một hơi dài. Bầy dơi đập cánh vang động làm mọi người thót tim ngơ ngác.


– Ngồi xuống! – Sùng nói.


Tất cả cùng ngồi xuống, đàn dơi như những mũi tên vút ngang ngay trên đầu. Một lúc sau vắng dần, không ai để ý dơi đã bay đi đâu mất.


Trước cửa hang có một bãi đá bằng phẳng nước chảy lấp xấp vây quanh một vũng sâu đang đùn nước lên ở giữa.


- Đây là bãi tắm của các nàng tiên, phải không Sùng? – Sèo hỏi.


Tôi định nói là nàng tiên đang tắm ở trong kia kìa nhưng không sao cất lời lên được.


– Tao đâu có biết, chỉ nghe kể lại thôi mà. – Sùng trả lời.


Sùng thò tay xuống nước nhặt lên một hòn sỏi trắng tròn giống như quả trứng bỏ vào túi. Tôi cũng nhặt một hòn màu xanh ngọc cầm trong tay. Sèo lùa tay bắt cá, nhưng chúng quá khôn, ướt cả áo mà chẳng được con nào…

VỀ THĂM XÓM CŨ

Tôi gần như đã quên đi cái xóm nghèo khó, quên đi sự lưu luyến hôm ra đi, quên đi cái bộ mặt thâm xì của đá, quên đi cái lạnh thấu xương tuôn ra tư ruột núi những đêm đông… nói chung là quên đi sự gắn bó thân thương một thời khắc khổ. Bố tôi đã nối sợi dây hoài niệm khi ông rủ: “Đi Xà Pia với bố không?” Không hiểu sao lúc ấy tôi đã lưỡng lự, khi xưa mỗi lần bố rủ đi đâu là tôi đồng ý ngay không để chậm đến một giây. Lúc ấy bố nhìn tôi tủm tỉm cười rồi ông đi lấy cỏ cho bò ăn. Không hiểu sao tôi bỗng thấy sợ leo núi, sợ những bước đi gập gối, sợ con đường mòn ngoằn ngoèo bám vào đá… Nhưng rồi, những kỷ niệm ấu thơ đã thắng thế tất cả, những tình cảm yêu mến còn sót lại trỗi dậy, thôi thúc tôi đi về với quá khứ, kiếm tìm một thời đã qua, một miền “bình yên” lắng đọng đã in dấu chân tôi từ những bước đi chập chững đầu đời.


Mẹ gọi tôi dậy khi bên ngoài còn tối trời, cái rét cuối đông còn ngọt sắc tạo cơ hội cho sự lười nhác lên ngôi. Mẹ phải gọi đến lần thứ ba tôi mới rời được mảnh chăn ấm, khoác cái áo lên người xuýt xoa gần bếp lửa. Bố chất lên lưng ngựa hai sọt cây thông con, cài vào bên cái cuốc rồi giục tôi đi. Tôi co ro cúm rúm theo sau, ra khỏi cửa luồng gió phả vào mặt lạnh ngắt. Con ngựa rùng mình, tiếng lục lạc rung inh ỏi, khua lên một chút náo động giữa yên vắng của đêm. Bầu trời tối đen, tít nơi xa có vài ngôi sao nhấp nháy. Tôi và bố bước đi.


Vừng đông rạng dần. Con đường mòn ánh lên như dải lụa trắng ngoằn ngoèo bám vào lưng núi. Cái lạnh như đã bị lấy đi lưỡi dao nên chỉ còn ve vuốt bên ngoài. Con ngựa đi trước, tôi và bố theo sau, yên lặng. Tiếng bước chân đều đều khoan thai.


Hương vị buổi sáng giữa núi rừng thật trong trẻo, ngọt êm như mật ong đầu mùa, thơm tho như cành mận chín, lành như nước suối đầu xuân. Tôi hít căng lồng ngực, dồn sức vào nhịp bước, một cảm giác lâng lâng như say. Tiếng chim đua nhau hót rộn vang, lảnh lót, mê mải.


- Đi qua dãy núi này là đến Xà Pia.


Bố nói. Tôi nghe không rõ. Chả biết có phải vậy không? Hình như là thế!… Tôi bước theo sau bố mà tâm hồn cứ bay nhảy tận nơi nào. Và rồi cái xóm cũ hiện ra đã kéo tôi về thực tại. Từ xa nhìn lại từng vạt nương như những mảnh khăn được vấn một cách cẩu thả, méo mó chồng lên nhau, màu mè lẫn lộn. Dưới chân núi từng đám sương vón lại, chờ mặt trời là bốc lên cao. Đỉnh núi, mây vẫn còn đang ngủ, mơ màng và mộng ảo.


Trên gò cao căn nhà chúa đất Sùng Xúa Chưa gió lùa vi vút, bức từng đá xám ngắt đang bùi ngùi hoài nhớ cái thời hoàng kim của uy quyền và tiền bạc. Đến bây giờ nó vẫn không ngờ có ngày bị con người phụ bạc, bị ném vào quên lãng, bị gió mưa cào xé… Người ta còn bạc hơn khi dỡ đi cái thằng ngói và bắt nó phải trơ ra dầm mưa dãi nắng…


Ngôi trường cũ, tôi phải sử dụng trí tưởng tượng của mình mới nhận ra những gì thân thương còn sót lại chỉ là khoảng đất bằng và hòn đá bàn cờ chúng tôi vẫn ngồi hóng nắng những ngày trời đông. Hoa bạc hà hé lên từ khe đá một sắc tím nhỏ nhoi, mỏng manh, gầy guộc. Bầy ong vo ve tìm về. Tiếng cô giáo giảng bài như vọng vang từ cõi xa xăm. Tiếng cười của trẻ chúng tôi, tiếng hát giao duyên, tiếng nô nức hội hè như còn đâu đây. Bỗng gió về vít cong cây cỏ, lắc hoa bạc hà, bầy ong thấy động vụt bay lên ngơ ngác.


Tôi lang thang thả bộ qua những nơi đã từng in dấu chân, cỏ may bám vào quần áo. Màu thời gian đang phủ lên những gì là của con người, cảnh vật đang trượt dần về hoang sơ. Những gì còn sót lại chỉ là vài nét thân quen. Bức tường đất vững chãi xưa kia hầu như đã bị san phẳng hoặc bị cỏ lấp đầy, cả xóm cũng chỉ còn vài cái tường chưa bị san phẳng trơ ra đỏ quạch. Nhà của tôi đã không còn vết dấu, cỏ đã chiếm lĩnh hoàn toàn, chúng tốt tươi bụ bẫm, vài cánh hoa nhỏ xíu màu tím vươn lên trên đám lá xanh xanh. Cây mận với cái cành bị gãy mang dấu tích một thời nghịch ngợm, nó đã không chịu nổi sức nặng của tôi sau cú nhún từ tảng đá nhảy lên. Tôi đã ngã nhào xuống giữa đám thân lá cây ngô mẹ vừa lấy về lúc chiều. Hôm ấy tôi bị bố cho mấy roi lằn đít. Cái cành bị gãy lìa ra hôm ấy giờ đã liền lại và lớn lên nhiều, vài cái trồi non mới nhú lên từ muôn vàn trơ trụi. Một màu xanh mới đang về. Tôi bỗng thấy lòng mình lâng lâng, nghèn nghẹn.


Hai sọt cây thông được bố hạ xuống đất, đến bây giờ tôi vẫn chưa biết bố đem chúng đi để làm gì.


– Bố đào hố, con trồng cây, xong ta về.


Tôi giật mình khi nghe bố nói, ngơ ngác hỏi lại:


– Trồng cái gì hả, bố?


– Con trồng cây vào các hố bố đào ấy. – Bố trả lời.


- Ở nương nhà mình ạ?


- Ừ, nương nhà mình.


– Vậy chúng ta không trồng ngô nữa à?


– Không trồng ngô ở đây nữa. Xóm dưới được chia ruộng và nương trồng ngô rồi, không cần trồng ở đây nữa.


– Vậy trồng cây này xuống làm gì ạ?


– Bố con mình đang trồng lại rừng, ngày xưa nơi này là rừng già đấy, có nhiều cây gỗ to lắm, con người đã phá rừng để trồng ngô, giờ không trồng ngô nữa thì phải trồng cây để trả cho rừng.


– Con tưởng cứ để thế rồi sau này nó sẽ thành rừng.


– Cũng có thể sau này nơi đây sẽ thành rừng nhưng đến ngày ấy còn lâu lắm, có khi phải mất cả trăm năm. Nếu mưa không mang đất đi thì cây rừng mới lên được, còn khi mưa lấy hết đất thì núi này không có cây lên đâu. Bố con mình trồng cây xuống đây chỉ khoảng mười hai mươi năm nữa là nơi này sẽ thành rừng, chúng ta có củi để đun, có cây làm nhà.


Tôi không hiểu mấy về những lời bố nói, nhìn bố bổ những nhát cuốc thật gọn lật lên những cái hố vuông vắn. Đất tơi và mịn, mát lạnh. Tôi cắm vào đó một cây thông nhỏ xíu, lá rung lên vẫy vẫy. Tôi vụm từng nắm đất bên gốc cây, những cái lá cười lên nắc nẻ như đứa trẻ bị cù vào nách vậy. Cây nào cũng dễ thương, đáng yêu như những chú chó con nằm ngủ giữa sân. Nhiều chỗ cây cỏ to hơn cả cây thông của tôi trồng xuống, tôi dọn luôn một khoảng đất trống rộng rãi để cây có được nhiều ánh sáng mặt trời hơn. Chả bao lâu nữa những cái cây nhỏ bé này sẽ cho một màu xanh ngút ngàn.


Tôi và bố kết thúc công việc khi ánh chiều đã đi qua dãy núi trước mặt. Sương giăng mờ mờ như làn khói bếp mẹ vẫn thả lên trời. Đâu đây mùi cơm chiều ngây ngất, đàn gà dẫm chân lên nơi cây gỗ đầu nhà, ánh lửa sáng bập bùng, đám than hồng lên ấm áp!…


Tôi rùng mình trước cơn gió lạnh. Không bếp lửa, chẳng hơi ấm, bay đi đâu mùi cơm ngất ngây. Bao la quanh tôi một màu xám hoang sơ của đá núi, những quen thân hôm nào đang dần nhạt nhoà trong sương khói. Bố đã đi khuất vào khe núi. Tôi vội đuổi theo sau. Bóng đêm đang lấn dần bước chân.

MỘT NGÀY CUỐI NĂM

Xuân về!


Những mầm cây cựa mình run rẩy. Gió thổi hiu hiu, dịu dàng, vuốt ve chiều chuộng. Mưa bay rất khẽ, từng hạt bụi sương lướt nhẹ qua đầu. Cây đào trơ trụi suốt mùa đông giá lạnh, cái cành khẳng khiu trồi mấu rồi nhú lên vài mầm xanh bên nụ hoa màu hồng nhỏ xíu. Không gian rộn ràng hơn khi bầy chim về hót. Trên sườn núi áo váy được giặt phơi nhìn giống những cánh bướm sặc sỡ nhiều màu sắc đang xập xoè bay lượn. Vài nhà đã thịt lợn tết, họ mời xóm làng đến ăn một bữa thật vui, số còn lại được treo gác bếp để ăn dần.


Cứ sau mùa vụ, khi những bắp ngô đã về nằm trên gác, công việc nương rẫy đã cạn là lúc người Mông ăn tết. Tết của người Mông mỗi nơi một khác, kéo dài từ đầu tháng chạp đến sau tết. Có nơi ăn tết lần lượt theo họ, có nơi ăn tết lần lượt theo các gia đình trong họ.


Tết của người Mông là một ngày hội, những cuộc chơi, những buổi hẹn hò. Người già nhớ về một thời trai trẻ, hướng về tổ tiên dòng họ. Người trẻ kiếm tìm tương lai, hướng tới một ngày mai tốt đẹp hơn, khát khao một tình yêu lớn, một cuộc sống vẹn nguyên hai chữ hạnh phúc.

 
Lễ hội năm nay nghe đâu khác hẳn với mọi năm, lần đầu tiên Uỷ ban xã đứng ra tổ chức, các trò chơi như đánh yến, đánh cù, ném pao,… mọi năm chỉ là trò bày ra chơi cho vui năm nay còn có giải thưởng đem về nữa. Các điệu múa, bài khèn, lời hát giao duyên,… là tiết mục để các xóm đua tài với nhau…


Sình rủ tôi đi huyện chơi, nghe nói có đoàn nghệ thuật ở dưới xuôi lên biểu diễn mấy ngày. Bọn thằng Sèo rủ tôi đi khám phá phía trong khoảng tối của Thác Tiên. Thằng nào cũng nói những lời hay lời ngọt để tôi đi cùng. Tôi chưa biết phải từ chối chúng như thế nào. Bố tôi đang ốm nằm trong nhà, mẹ tôi đến giúp bà ngoại tôi dọn sang ngôi nhà mới, tôi không thể đi đâu lúc này.


Bọn chúng ra về với sự thất vọng hiện rõ trên nét mặt, “Sẽ còn rất nhiều dịp khác để cả bọn cùng đi chơi”, tôi nói vậy không đứa nào nói thêm nữa, chúng đã hiểu được lý do. Bọn chúng đi rồi tự nhiên nỗi buồn không biết từ đâu kéo đến xâm chiếm lòng tôi.

*


Buổi học cuối cùng của năm cũ hơi ồn ào, chẳng có mấy đứa để tâm đến bài vở, chúng đang nghĩ tới những ngày vui sắp tới. Cô giáo hôm nay dễ tính không kỷ luật những đứa lắm lời. Thời gian chậm chạp trôi.


Ra chơi, tôi tha thẩn một mình đi về phía hàng cây cuối sân trường, mùi thơm từ hoa lá thoảng bay nhè nhẹ. Một cơn mưa mỏng chợt đến, chợt đi rất nhanh làm tôi vừa kịp nhận ra đã vội tan biến giữa đất trời. Một cơn gió tràn tới, mùi rượu ngô nhà ai đang cất toả bay ngào ngạt. Thằng Sình vỗ vào vai làm tôi giật mình, đúng lúc đó thằng Sùng ào đến, trống báo vào lớp.


Cô giáo dặn dò cẩn thận học trò trước khi nghỉ tết. Gớm, sao mà chúng nó ngoan thế, đứa nào cũng luôn mồm “vâng ạ!“. Và tôi dám chắc rằng những đứa to mồm nhất kia là những đứa chóng quên nhất. Vừa nghe cô nói xong chúng đã quên mất gần nửa, ra đến cửa lớp chúng chẳng còn nhớ gì nữa.
Trống tan trường. Vỡ oà sự náo động, rồi nhanh chóng tan về khắp nẻo, sân trường lại yên vắng một mình. Ngôi trường buồn lặng lẽ. Mưa bụi lất phất bay từng lớp nối đuôi nhau là là trên mặt đất. Tôi lững thững đi về nhà, lòng cô đơn đến lạ. Mưa dày hơn. Gió lạnh nghiêng nghiêng thổi. Con đường loang loáng ướt.

*


Chiều.


Trời không mưa nhưng xám ngoét. Gió thổi vẫn đầy hơi lạnh. Cây đào đã bung vài cánh hoa. Cái màu hồng mỏng manh ấy đang run lên trước cơn gió lạnh. Vẫn còn vô khối cành khẳng khiu mới trồi lên những mấu. Còn hai chiếc lá không biết có phải từ xuân trước đang cố bấu víu vào cái cành đã già nua cằn cỗi, mỗi đợt gió thổi lại bạt đi, chỉ mạnh chút xíu nữa thôi sẽ lìa cành. Những chồi non mơn mởn đầy sức sống đang xoè ra ngay cạnh đó.


– Mơ mộng quá!


Tôi quay lại gặp ánh mắt thằng Sùng, cái nhìn của nó có gì là lạ. Tôi chưa kịp hỏi câu nào thì nhìn thấy cô giáo và thằng Sình đang đi vào vào từ đầu ngõ. Tôi vội trở về và mời cô giáo vào nhà. Cô đặt gói quà lên bàn. Bố tôi ngồi nhỏm dậy.


– Cảm ơn cô giáo đã đến nhà, mang quà làm gì, chỉ cần đến chơi thôi…


Cô giáo vội nói:


– Nghe tin anh ốm, em tới thăm. Anh đã đỡ tí nào chưa ạ?

 
– Đỡ rồi! – Bố nói. – Khỏi đến nơi rồi ấy chứ, cái thuốc của y sĩ Kiên tốt thật đấy.


Mẹ tôi đi lấy rau về thấy cô giáo đến chơi, vui quá bỏ bó ngồng cải ngoài cửa vào nhà ngồi nói chuyện. Câu chuyện kéo dài từ chuyện chồng con của cô giáo đến chuyện làm nương, dựng nhà, lễ hội ,bánh trái, bếp núc, tết nhất,… Không ngờ cô giáo là người Kinh mà lại biết nhiều về phong tục của người Mông đến thế. Bố mẹ tôi nói chuyện với cô giáo nổ giòn như rang ngô trên bếp…


– Chơ ơi, về đây cô bảo.


Bỗng cô giáo gọi tôi lại gần.


– Thấy em thích đọc sách cô cho mượn cuốn này, đọc hay lắm, tri thức nhân loại phần nhiều đến từ sách vở, thích đọc sách là một điều tốt.


– Dạ. Em cám ơn cô ạ!


Tôi đáp rồi đón lấy quyển sách từ tay cô. Lần đầu tiên tôi được cầm trong tay một quyển sách dày và đẹp đến vậy. Sùng và Sình ngồi sát lại bên cạnh. Tôi đặt cuốn sách lên đùi, hàng chữ mạ vàng trên nền bìa màu nâu: “Truyện cổ các dân tộc Việt Nam“. Sùng đưa tay rờ lên mặt chữ.


– Đẹp thật đấy! – Nó suýt xoa. – Lúc nẫy thấy cô giáo cầm tao cứ tưởng là hộp bánh, sao nhìn thấy giống thế.


– Mày thì suốt ngày nghĩ đến ăn. – Sình nói.


– Dễ mày không ăn mà sống được chắc. – Sùng cãi lại.


Mẹ bảo chúng tôi đem sách ra ngoài hè, trời sáng dễ xem hơn. Cả ba thằng chạy tót ra sân. Chúng tôi ngồi chụm đầu lại đọc. Một thế giới đầy mầu sắc huyền thoại hiện ra, cái thiện luôn thắng cái ác dù trong cuộc đấu tranh sinh tồn ấy nó luôn phải chịu muôn vàn khổ cực. Cuối cùng cái thiện cũng đến được thiên đường hạnh phúc.


Bất giác tôi thấy câu chuyện vừa đọc có cái gì đó giống với thời tiết lúc này đến thế, mùa đông héo úa dẫu có dài dằng dặc rồi cũng phải đi qua để mùa xuân tràn về, cây cối cằn cỗi rồi cũng đến ngày đâm trồi nảy nở những mầm xanh.

– Hết –


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét