Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

Cap nhat tranh Nguyen Quang Vinh.html

Ha sĩ Nguyn Quang Vinh: Nhng nàng Mona Lisa “bi đi”!

1.Tiếp tc v nàng Mona Lisa

2. Nhng th pháp "l"

3. Mt ngh sĩ nhiu ham mun

4. Mt s nh chp li t các tác phm trong trin lãm "Cp nht 2"

Họa sĩ Nguyễn Quang Vinh: Những nàng Mona Lisa “bụi đời”!

(TT&VH) - Triển lãm cá nhân thứ 2 trong năm 2009 của Nguyễn Quang Vinh có tên Cập nhật 2 đã khai mạc lúc 17h30 ngày 3/10 tại Hội Mỹ thuật TP.HCM (218A Pasteur, Q.3), với 32 tác phẩm được trưng bày, chứ không phải 27 như dự kiến. Cập nhật 2 tiếp nối một hành trình phô diễn sự phối kết giữa kỹ thuật và ý niệm, giữa "ôn cố" và "tri tân", giữa mô phạm và phá cách… 



1.Tiếp tục vẽ nàng Mona Lisa

Có mấy chủ đề chính trong Cập nhật 2 lần này, đầu tiên phải nói đến những nàng Mona Lisa "phái sinh", một tiếp nối của tinh thần phái sinh trong triển lãm Cập nhật 1 (diễn ra hồi 9/1 tại gallery Zen, 97A Nguyễn Du, Q.1, TP.HCM). Tuy nhiên 9 bức về Mona Lisa lần này lại trong một tinh thần khác, người xem thấy rõ tính giễu nhại và vẻ gần gũi với tranh đường phố. 

http://ttvh.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2009/10/05/Nguyen-Quang-Vinh-1.JPG

Nguyễn Quang Vinh


Bằng chất liệu tổng hợp, cho nên mỗi tác phẩm đều không tỏ ra bó buộc vào kỹ thuật của chất liệu cố định, mà hòa trộn, phô diễn. Có những bức cũ được họa sĩ "cập nhật" lại bằng cách vẽ chồng lên, sửa sang và khoác cho nó một tấm áo mới, một cách kể chuyện mới. Nếu các nàng Mona Lisa ở Cập nhật 1 có vẻ chỉn chu và "nghiêm trang", thì các nàng kỳ này có vẻ "bụi đời" và phóng túng hơn. 


Nói về những tác phẩm được vẽ trong 2 năm gần đây, Nguyễn Quang Vinh cho biết: "Có những bức mà khi vẽ xong, trong bụng mình thấy không ưng ý, nhưng qua một thời gian, khi xem lại, chợt nảy sinh một cảm hứng và cả một kỹ thuật thể hiện khác, thế là tôi cập nhật và thay đổi. Nhiều bức sau khi cập nhật, tôi đem so với bức hình chụp lúc chưa cập nhật, hay nói đúng hơn là phiên bản trước, tôi thấy chúng thật khác nhau, nhiều bức thì "dìu dắt" nhau đi trong diện mạo như anh em sinh đôi". 



2. Những thủ pháp "lạ"

http://ttvh.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2009/10/05/Cap-nhat-19.JPG

 Tác phẩm Cập nhật 19 (khổ 130x100cm), tổng hợp.

Một mảng khác cũng dễ thu hút được sự chú ý của người xem là 12 chân dung tự họa, trên nền của những tác phẩm biểu hiện và trừu tượng, những chiếc đầu người màu xanh da trời như đứng ngắm sự bề bộn của đời sống, nhưng lại thoát ra được đời sống, để tự do tự tại. Thủ pháp của những tác phẩm này khá lạ, người xem sẽ có cảm giác những nhân vật trung tâm trong tác phẩm đang đứng ngắm ma-che (matière: tạm hình dung là tổng thể chất liệu làm nên "cái bóng") của chính mình, và người xem lại ngắm một người đang xem tranh bằng kỹ thuật nhiếp ảnh từ đằng sau. 

Riêng 4 bức vẽ ghế lại là một ý niệm khác, khi nó gợi tưởng cho người xem câu chuyện về các thánh tông đồ, về tinh thần trong tác phẩm "bữa tiệc ly" của Leonardo da Vinci (1452 – 1519). Ghế là một trong những biểu tượng quen thuộc và có tính ám ảnh, biểu cảm của Nguyễn Quang Vinh. Ngoài ra, triển lãm kỳ này còn giới thiệu 3 bức vẽ lại ký họa chân dung của Michelangelo (1475 – 1564), và 3 bức vẽ phong cảnh. Tất cả các tác phẩm đều có tên Cập nhật, được đánh số từ 1 đến 32. 



3. Một nghệ sĩ nhiều ham muốn 


Theo dõi công việc của họa sĩ này, từ triển lãm cá nhân đầu tiên có tên Hơi thở cuộc sống (2007) đến triển lãm này, hay vào website cá nhân: http://nguyenquangvinhartist.com, chúng ta dễ dàng nhận thấy một nghệ sĩ nhiều ham muốn, và khá đa dạng trong phong cách. Khi vẽ phác thảo thì chuẩn tỷ lệ vàng và tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc của giải phẫu học (anatomy). Khi vẽ hiện thực, hay tĩnh vật, thì thể hiện hết sự tỉa tót, kỹ nét, kỹ màu… như các họa sĩ thời cổ điển. Khi đi vào các kỹ thuật của biểu hiện, ấn tượng, trừu tượng… họa sĩ này cũng tỏ ra là người trường quy, với khát vọng muốn thể hiện đầy đủ các sắc diện và kích cỡ của thủ pháp. 

http://ttvh.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2009/10/05/Cap-nhat-13.JPG

Tác phẩm Cập nhật 13 (khổ 100x130cm), tổng hợp.


Sở dĩ có sự cẩn trọng này, vì Nguyễn Quang Vinh có quá trình đào tạo và làm nghề khá bài bản. Năm 1984, tốt nghiệp Trung cấp Mỹ thuật TP.HCM; năm 1993, lấy bằng MFA của Viện Hàn lâm Mỹ thuật V.A Surikov, Moskva, Nga; hiện là giảng viên khoa hội họa của Đại học Mỹ thuật TP.HCM. 


Nguyễn Quang Vinh nói rằng mình không thích gò bó người xem vào các tên gọi, nên triển lãm thường không đặt tên cho tác phẩm, mà để người xem tự "gọi tên" theo cách của mình. Họa sĩ này cũng không muốn "đúc khuôn" vào trong một kỹ thuật hay trường phái nào, nên cũng không muốn triển lãm chỉ "thuần một thứ", mà bày biện nhiều "chọn lựa", cả tính chất ý niệm trong nghệ thuật. Cho nên sự ham muốn của nghệ sĩ chính là sự bày biện đến cởi mở này; một tinh thần "cập nhật" cùng người thưởng lãm. 

Xem nhiều tác phẩm trong Cập nhật 2, có thể nói đó là một kết nối kỹ thuật, một "chuyển giao" màu sắc, và cả sự đồng điệu về ý tưởng với những bậc thầy thời Phục hưng, cổ điển… Qua những tác phẩm kinh điển được biến cải và đồng sáng tạo, người xem không còn và không thể là đối tượng thưởng thức thụ động, mà phải cùng tác giả sáng tạo tiếp.

Văn Bảy

4. Một số ảnh chụp lại từ các tác phẩm trong triển lãm "Cập nhật 2"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét